Hiện có 8 người xem / 2316387 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        
 
“L’INDO-CHINE”

VÀI CHI TIẾT VỀ CUỐN SÁCH NHAN ĐỀ LÀ “L’INDO-CHINE”
 
CỦA HỘI XÃ THÁNH AUGUSTINO
IN NĂM 1898

Cuốn sách loại “Cụ” 110 tuổi này đến với tôi từ khi chợ sách cũ còn ở chỗ gọi là Hẻm Cá Hấp, tức là khoảng 7, 8 năm sau ngày Giải Phóng. Tôi rất thích vì nó “có họ hàng” với loại Sách Phần Thưởng, tức là loại sách khổ lớn hơn thường, bìa cứng, bên trong có nhiều minh họa.

Cuốn sách này hơi đặc biệt ở chỗ nó không đề tên tác giả hoặc nhóm tác giả mà chỉ đề là “Hội xã Thánh Augustino”, do đó ta có thể xác định ngay là sách này do “nhà đạo” làm ra.

Tựa đề L’Indo-Chine (xin lưu ý là Indo-Chine viết rời và có gạch nối, chữ Chine viết hoa) có nghĩa là Đông Dương, do đó sách nói về toàn vùng Đông Dương gồm có Bán Đảo Mã Lai, nước Xiêm, nước Miến Điện, nước Cao Miên (Campuchia) và nước ta lúc đó được gọi là Cochinchine Annamite và Tong-king.

Cuốn sách này khổ 16cm x 24cm, có bìa cứng ở trên bìa trước và sau là 2 minh họa cực đẹp, và sách dày 120 trang. Sách chia làm 9 chương.

Chương 1 - Từ trang 7 - 10 là lời nói đầu. Từ trang 11 - 18 nói về Bán Đảo Mã Lai (Chương này không có gì đáng chú ý lắm ngoài việc Thánh Francois Xavier tới Malacca ngày 25 tháng 9, năm 1545).

Chuơng 2 - Từ trang 19 - 35 nói về nước Xiêm (Thái Lan) (Chương này cũng không có gì đặc biệt ngoại trừ vài đoạn nói về một số phong tục lạ của người Xiêm, đồng thời có vài dòng nói về nước Lào và cái chết của Mouhot, một nhà khoa học người Pháp).

Chương 3 - Từ trang 36 - 47 nói về nước Miến Điện (Chương này ngoài vài chi tiết mô tả nước Miến Điện chỉ nói toàn về công việc truyền giáo của các Giám Mục Bigandet và Bourdon).

Chương 4 - Từ trang 48 - 58 nói về nước Miên (Campuchia) (Chương này chủ yếu cũng chỉ nói về việc truyền giáo nhưng có nói phớt qua về nghệ thuật Miên, về một số phong tục lạ và về đền Angkor).

Chương 5 - Từ trang 50 - 69 nói về các thánh tử đạo ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ (Cochinchine et Tong-king). Chương này khá hay vì nói về việc Cấm Đạo bắt đầu từ năm 1833. (Chương này có nhiều chi tiết đáng chú ý vì thực ra việc cấm đạo không có nhiều tài liệu).

Chương 6 - Từ trang 70 - 79 nói về Nam Kỳ thuộc Pháp. (Chương này chủ yếu nói về việc làm của các nhà truyền giáo ở ba tỉnh Vĩnh Long, Mỹ Tho và Sài Gòn, nhưng có một vài chi tiết lý thú về việc xây Lăng Cha Cả).

Chương 7 - Từ trang 80 - 95 nói về Nam Kỳ của người Annam (Cochinchine Annamite). Chương này chủ yếu nói về miền Trung vào lúc đó và có nói về một vài cuộc Cấm Đạo cuối cùng, có vài chi tiết về Đà Nẵng (lúc đó gọi là Tourane), về Ngũ Hành Sơn và về Tòa Giám Mục Huế. Tuy không có gì đặc biệt lắm nhưng cũng là một ít tư liệu.

Chương 8 - Từ trang 96 - 107 nói về Bắc Kỳ. Chương này nói một chút về địa dư, về Bùi Chu, về Hà Nội, về cơ chế chính trị, phong tục, ngôn ngữ và văn minh, khá hấp dẫn nhưng không có gì đi vào chi tiết.

Chương 9 - Từ trang 108 - 117 nói về sự can thiệp của Pháp vào Bắc Kỳ và có đưa ra 5 lý lẽ mà Đức Cha Bá Đa Lộc đã đưa ra để thuyết phục Lộ Y thứ XVI cứu viện và bảo hộ Bắc Kỳ.

Đây là một cuốn sách tuy không có tính nghiên cứu ghê gớm gì nhưng cũng cho các nhà nghiên cứu được một vài chi tiết lý thú, và sách này đặc biệt quý ở chỗ nó chứa đựng những minh họa bằng bút sắt được vẽ năm 1898 rất là đẹp. Xin chia sẻ với các bạn và xin mời các bạn xem mấy hình minh họa trong sách.

Bài đã đăng
VÀI NÉT VỀ NAPOLÉON
Giới thiệu sách lịch sử
Cuốn Lịch Sử Việt Nam (An Nam)
Bộ sách "Lịch Sử Cuộc Đại Cách Mạng Pháp"
 
Netadong.com thiết kế