VÀI CHI TIẾT VỀ CUỐN QUÝ THƯ “CÁC KHU VỰC Ở Á CHÂU THUỘC PHÁP VÀ CÁC NHÀ VĂN Ở NHỮNG NƠI ĐÓ” (L’ASIE FRANCAISE ET SES ECRIVAINS) CỦA TÁC GIẢ RAPHAEL BARQUISSAU Đây là cuốn quý thư thứ ba mà tôi tậu được từ tủ sách của cụ Thới. Vừa trông thấy cuốn sách tôi cảm thấy sung sướng quá, vì đây chính là vấn đề mà tôi muốn hiểu biết cho thật rõ. Lý do đơn giản là tôi rất thích đọc các tác giả Đông Dương, mà không bao giờ tìm thấy họ trong các Tự Điển Văn Học của Pháp ngày nay. Khi mình đang yêu thích một đề tài gì, mà tự nhiên thấy ngay trước mắt cả một kho tàng, thì hỏi làm sao mà tôi không sung sướng cho được! Hơn nữa vì cuốn sách lại bằng tiếng Pha Lang Sa nên giá cả nó rất hợp lý, hợp tình, chỉ có 300 đô mít. Cuốn sách khổ 18x24 phân, dày 246 trang, được in năm 1947 (67 năm trước) và được chia làm 12 chương cộng với 27 trang về Thư Tịch Đông Dương. Đặc biệt nhất là mỗi chương lại gồm một số những bài viết ngắn gọn của các tác giả được nói tới, rút trong các tác phẩm của họ đã được in. Ôi! thực là tuyệt vời, và tôi xin giới thiệu dưới đây một số bài của từng chương một để chia sẻ với tất cả mọi người đồng sở thích với tôi… ở khắp mọi nơi, chứ không phải chi riêng trong CLB này. - Chương I.- Từ trang 7-33 mang tựa đề là “Một Chút Lịch Sử” và gồm những bài viết dưới đây: Báo cáo của Giám Mục Pigneau de Béhaine trình lên Hoàng Đế Pháp – Ý kiến của Pierre Poivre về việc đặt một cơ sở làm ăn ở Nam Kỳ – Điếu văn dành cho Giám Mục Adran do Nguyễn Ánh viết – Lời tuyên bố của Francis Garnier với dân chúng Bắc Kỳ – Cái chết của Henri Rivière do Phó Đề Đốc de Marolles viết vv… - Chương II.- Từ trang 34-50 mang tựa đề là: “Các xứ sở nói tiếng Annam” và gồm những bài viết đáng chú ý dưới đây: Xứ Nam Kỳ (Cochinchine) – Khí hậu và đất đai ở Nam Kỳ do Paul Doumer viết – Sài Gòn năm 1859 do Léopold Pallu viết – Sài Gòn năm 1927 do Maurice Hepp viết – Hội Nghiên Cứu Đông Dương do R. Barquissau viết vv… - Chương III.- Từ trang 51-58 mang tựa đề là: Trung Kỳ (Annam) gồm các bài đáng chú ý dưới đây: Những suy tưởng ở Huế do Nguyễn Tiến Lãng viết bằng Pháp văn – Các lăng tẩm ở Huế do Roland Dorgelès viết – Một thành phố Pháp ở Trung Kỳ: thành phố Đà Lạt, do Francis de Croisset viết. - Chương IV.- Từ trang 59-67 mang tựa đề là: Bắc Kỳ (Tonkin) gồm những bài đáng chú ý như: Khí hậu xứ Bắc Kỳ do Paul Doumer viết – Những người Bắc Kỳ của ngày xưa và ngày nay do Albert Sarraut viết – Mùa Đông ở Bắc Kỳ do Alfred Droin viết vv… - Chương V.- Từ trang 68-93 mang tựa đề là: Phong Tục của người Annam và gồm các bài sau đây: Một ngôi làng Annam do Pierre Pasquier viết – Lễ Hội Annam cũng do Pierre Pasquier viết – Một đám cưới Annam do Jean Marquet viết – Lễ Hội Hoa Đăng ở Vịnh Hạ Long do Émile Nolly viết – Ông thầy đồ do G. Seiler viết – Nhà văn do Jean d’Esme viết vv… - Chương VI.- Từ trang 94-111 mang tựa đề là: Tôn Giáo và Nghệ Thuật gồm các bài đáng lưu ý như: Tục thờ cúng tổ tiên và gia đình người Annam do André Coué viết – Một ngôi chùa do A. de Pouvourville viết – Nghệ thuật Annam do Georges Maspéro viết vv… - Chương VII.- Từ trang 112-122 mang tựa đề là: Các loại dân cư khác ở Đông Dương: Cao Miên gồm các bài đáng chú ý như: Một ngôi chợ của người Cao Miên do Georges Groslier viết – Ngôi đền Ta Prohm ở Angkor do Henri Marchal viết – Nghệ Thuật Căm Bốt do Georges Maspéro viết vv… - Chương VIII.- Từ trang 123-133 mang tựa đề là: Lào gồm các bài viết đáng chú ý như : Sông Mékong do Roland Meyer viết – Lễ Hội ban ngày do Jean Ajalbert viết – Lễ Hội ban đêm cũng do Jean Ajalbert viết – Một ngôi làng của người Lào do Ch. Rochet viết vv… - Chương IX.- Từ trang 134-142 mang tựa đề là: Dân Vị khai gồm các bài đáng lưu ý như sau: Các Bộ lạc Mọi ở phía Nam Trung Kỳ do Marcel Ner viết – Ở Bộ lạc Mèo phía Bắc do Herbert Wild viết vv… - Chương X.- Từ trang 143-150 mang tựa đề là : Người Trung Hoa gồm các bài như: Người Trung Hoa do Jean Ricquebourg viết – Những người cu li Trung Quốc do Henry Daguerches viết – và Trong một nhà hàng Trung Quốc do Léon Werth viết. - Chương XI.- Từ trang 151-191 mang tựa đề là: Những người Pháp ở Đông Dương gồm các bài đáng lưu ý như: Quan cai trị do Raphael Barquissau viết – Viện Pasteur ở Đông Dương do hai tác giả Noel Bernard và Morin viết – Con đường của kẻ mạnh do Georges Groslier viết – Người tá điền và đất đai do hai tác giả J.Ponty và J. Cendrieux viết – Làng xóm do Pierre Rey viết vv… - Chương XII.- Từ trang 192-220 mang tựa đề là: Tương lai phía trước gồm các bài đáng chú ý như: Việc phát triển kỹ nghệ ở Đông Dương do Charles Robequain viết – Tương lai kinh tế của xứ Bắc Kỳ do Pierre Gourou viết – Thấu hiểu người dân bản xứ do Eugène Pujarniscle viết – Ông Đồ già do Phạm Văn Ký viết và một vài bài về thuộc địa của Pháp ở Ấn Độ. Sau 12 chương rất phong phú nói trên là phần mà người thích sách như tôi có thể nói là tuyệt vời nhất là phần Thư Tịch Đông Dương thuộc Pháp gồm 26 trang từ trang 221 tới 246 qua đó người đọc có thể thấy được tên trên 200 tác giả Đông Dương và các tác phẩm chính yếu của họ. Thật là tuyệt vời, và người viết đã tự hứa sẽ khai thác đề tài này trong một bài viết khác trong một tương lai thật gần… Tóm lại đây là một quý thư thật tuyệt, mà vận may đã mang lại cho người viết, vì nó chứa đựng những thông tin và tài liệu quý giá, mà nếu không có thiên duyên với sách thì khó mà có được. Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, Chương VI VŨ ANH TUẤN |