Trong vài phút đầu tiên ngủ thiếp đi vì mệt nhọc, ông ta có thể đã chẳng biết trời trăng gì, nếu ở một mình. Cảm giác đầu tiên của ông là hình như có tiếng chuông. Từ tháp chuông. Không phải, tiếng động đều đặn quá, trống rỗng quá, chắc phải là tiếng điện thoại. Nhưng rồi khi tỉnh táo hơn ông thấy là có tiếng gõ cửa nhè nhẹ, nhưng liên tục và lớn dần, lớn dần thành tiếng đập thùm thùm. Như tiếng tim ông đang hồi hộp đập… “Ai đó?” Ông lên tiếng hỏi từ trong bóng đêm. “Thưa cha Jérome!” Đó là tiếng của bà già người Hung già khú đế làm quản giá ở nhà Xứ. “Cha còn thức chứ ạ?” Ông thò tay bật đèn và bị chói mắt vì ánh sáng bất ngờ tràn ngập căn phòng làm ông chớp mắt liên hồi. “Phải, tôi còn thức, có chuyện gì vậy?” “Có điện thoại cho Cha,” Bà Magda trả lời. “Từ Lincoln.” “Của ông Tổng Thống?” – ông hỏi, – “hay của tòa thị chính?” Bà cụ không hiểu và rất ít khi hiểu tính hay đùa cợt của ông. “Có một người gọi,” bà cụ trả lời. “Từ khám đường gọi đến.” “KHÁM ĐƯỜNG? Bà không nhầm đấy chứ?” Magda vừa nhún vai vừa gật đầu, một cách trả lời mà bà ta thường áp dụng trong những tình huống bối rối. Ông thò tay với lấy cái máy điện thoại di động mà ông đã cắt hẳn chuông, vì bị quấy rầy quá nhiều hai tuần lễ sau khi về làm Linh mục cai quản Giáo Xứ St. Rose. Ông với hụt, chiếc máy xuýt rớt nhưng ông tóm được và trả lời. “Linh mục Hill đây, xin lỗi ai ở đầu dây?” Ông nghe liên tục trong gần hai phút, im lặng nhưng chăm chú, thỉnh thoảng lại gật đầu như để ghi nhớ điều gì. “Nhưng tôi không hiểu,” cuối cùng ông lên tiếng. “Tại sao lại phải là tôi?” Ông gật đầu thêm một lần nữa và gác máy. Câu trả lời của người phụ tá Giám Đốc Khám Đường vang lên trong đầu ông. “Vì tội nhân Gary Hoover xin được Cha giải tội lần chót.” Nét mặt còn chưa hết vẻ ngạc nhiên, ông ngồi bên thành giường suy tư và thò tay quờ tìm cặp kính thuốc dầy cộm, rồi lơ đãng mân mê chiếc cằm, nhưng giữ im lặng không nói gì cả. “Thưa Cha.” Tiếng nói của bà cụ Magda làm ông giật mình, lẽ ra ông phải nhớ tới sự hiện diện của bà cụ. “Thưa Cha,” bà ta nhắc lại. “Có chuyện gì không hay xảy ra phải không ạ?” *** Trên mười lăm dặm đầu tiên của chuyến đi thường mất không đầy 30 phút để tới thị trấn Lincoln, xe ông chạy trên một quãng đường trải nhựa hai bên là những cánh đồng trồng bắp và đậu nành. Dưới ánh trăng ông bắt gặp một vài con hoẵng chạy qua chạy lại nhưng tuyệt đối không có một bóng người. Nếu còn nằm ngủ trên giường, chưa chắc ông đã nằm mơ thấy nhiệm vụ mà ông đang làm. Như tất cả mọi người, ông đã có được đọc những bài báo gần đây nói về việc tạm hoãn thi hành án tử hình với tử tội Gary Hoover. Bỏ qua những chi tiết rùng rợn của hai vụ án mạng đã xẩy ra trong mùa hè năm 1962, ông vẫn còn nhớ rất rõ vụ hai thiếu niên bị bắt đi trong lúc chúng đi xe đạp tới nhà thờ trong hai buổi sáng chủ nhật liên tiếp, để rồi bị lôi ra ngoài cánh đồng trồng bắp và đậu y như cánh đồng ông hiện đang đi qua, và bị trói gô như bó giò trước khi bị đâm chết và chặt ra từng khúc nhỏ… Không giống các bạn cùng học với ông ở Đại Chủng Viện Thánh Michael, Jérome Hill rất xúc động khi cảnh sát bắt giữ người thanh niên Gary Hoover, hai mươi tuổi, ba tuần lễ sau khi vụ án mạng thứ nhì xẩy ra. Ông biết rất rõ Hoover trong những năm còn học trung học, khi ông học ở trường thánh Peter, còn Hoover là một ngôi sao sáng ở trường Giáo Hoàng Pius X, một trường thường là đối thủ của trường ông về lãnh vực thể thao, và ông nhớ Hoover là một nhà vô địch về nhảy dài trong hai năm liền. Vào lúc bị bắt, Gary Hoover đang làm việc cho công ty cây xanh ở Lincoln, anh ta còn độc thân và là hội viên một ca đoàn ở Họ đạo Thánh Benedict, và anh ta còn là một huynh trưởng Hướng Đạo. Trước đó anh ta chưa hề có tiền án, ngay cả bị phạt vì chạy xe quá nhanh cũng chưa. Và chính bản thân anh ta cũng đã tham dự vào công việc tìm kiếm hai đứa nhỏ khi chúng bị “mất tích” với tính cách của một người tình nguyện. Trong suốt tám ngày xử án, Hoover chỉ giữ nguyên một cách tự biện hộ rất đơn giản: Vào những lúc những đứa trẻ bị mất tích, anh ta luôn luôn có mặt ở nhà và ngủ chứ không làm gì khác. Anh ta thề rằng đó là sự thật. Tang chứng cảnh sát đưa ra là một mẩu dây thừng đã được dùng để trói các đứa trẻ. Họ nói mẫu dây thừng đó giống y chang với một mẫu dây thừng được tìm thấy trong thùng của chiếc xe Chevy 57 của Hoover. Ngoài ra họ còn có một nhân chứng đã trông thấy một chiếc xe giống in như chiếc xe của Hoover, một lúc sau khi thằng nhỏ chạy xe đạp qua nhà bà ta. Cảnh sát cho rằng Hoover đã có thể lén ra khỏi nhà vào lúc những thằng nhỏ bị mất tích. Được mời đến và được thẩm vấn riêng rẽ, bố mẹ già của Hoover cho biết là kể từ lúc anh ta 18 tuổi, cả hai ông bà đều không biết rõ hoặc kiểm soát sự đi về của anh ta nữa và, với sự hiện diện của các thân nhân của các nạn nhân ở tòa án, bên nguyên đưa ra trình với Bồi Thẩm Đoàn nửa tá ảnh của hai đứa nhỏ bị giết, ảnh màu. Một luật sư già, nghiện rượu, và ốm yếu đã được tòa chỉ định kiện hộ miễn phí cho Hoover, sau khi tòa xét gia thế anh ta thuộc loại “nhà nghèo”. Tuy nhiên ông này cãi rất hăng và chống trả lại tất cả mọi luận điệu buộc tội. Ông cãi rằng mẫu dây thừng là một vật mà hướng đạo sinh trong cả nước thường dùng, do đó nếu được tìm thấy ở trong thùng xe của Hoover thì cũng có gì đáng nói, hơn nữa đó là thứ được “tạm gọi” là tang chứng duy nhất. Không có vết máu, không tóc, không đồ vật gì có thể coi là của hai nạn nhân. Không dao, không kéo, và trong vụ này hung khí cũng không bao giờ được tìm thấy. Ông ta chứng minh rằng loại xe của Hoover là một loại xe rất phổ biến ở địa phương. Ông ta nhờ một chuyên gia kiểm định thị lực làm chứng rằng “nhân chứng” đeo kính dầy đến 150 và tra hỏi cách nào mà nhân chứng này xác nhận là buổi sáng hôm đó bà ta không đeo kính, đồng thời ông cũng nhấn mạnh rằng “không có một ai” đã thấy Hoover lại gần các nạn nhân, hoặc hiện diện trong các khu vực quanh nơi các thi thể được tìm thấy. Ông ta kết thúc bằng cách xin tòa cho tội nhân được thề trước tòa là anh ta chưa hề bao giờ được quen biết các nạn nhân, không những thế, anh ta còn rất đau buồn về cái chết của họ nữa. Điều đau khổ là Gary Hoover là một người da đen, trong khi hai nạn nhân và cả mười hai thành viên của Bồi Thẩm Đoàn đều là những người da trắng như bông bưởi. Sau gần một ngày bàn cãi tranh luận, Gary Hoover bị coi là có tội vì đã phạm các tội giết người, bắt cóc, sử dụng vũ khí bất hợp pháp, đánh và tra tấn các nạn nhân… Đúng một tháng sau, một Hội Đồng Xét Xử gồm ba thẩm phán đã đưa ra các bản án mà các phương tiện truyền thông rêu rao là sẽ “làm dịu những bão tố căm hờn trong lòng dân chúng”. Đó là án tử hình trên ghế điện. Vào lúc rời phòng xử án, thân phụ của Gary Hoover bị một cơn đau tim rất nặng. Ngất xỉu trong tay người vợ, ông gục ngã xuống thềm nhà lát cẩm thạch của hành lang tòa án lúc đó đầy nhóc người, và tắt thở trước khi được đặt lên cáng. Ngay ngày hôm đó chủng sinh Jérome Hill đã bày tỏ với các bạn chủng sinh của mình những nghi ngờ trong lòng chàng rằng đó chính là một sự quả báo. Hôm nay, sau mười bốn mùa hạ và hằng hà sa số những kháng cáo vô hiệu quả, Gary Hoover lại đích thân xin Linh mục Jérome Hill của Giáo Xứ St. Rose tới giải tội cho y lần chót. Trong một thời gian ngắn ông không thể hiểu tại sao, vì lý do gì Gary Hoover lại xin được ông giải tội lần chót. Mặc dù ông biết rõ Gary Hoover là ai, nhưng hai người chưa từng nói chuyện với nhau, đơn giản là vì họ chưa hề gặp nhau lần nào. Và, sau 2 giờ 1 phút sáng ngày mai, họ sẽ không còn bao giờ có thể gặp lại nhau nữa. *** Lái chiếc xe đầy bụi bậm – một xe Ford Falcon đã dùng được bảy năm mà ông mua lại với giá rẻ đặc biệt của người buôn xe cũ trong Giáo Xứ – ông đậu vào khoảng trống cuối cùng trong năm chỗ trống có ghi “Dành cho khách thăm viếng”. Đối diện với bãi để xe của Khám Đường có một nhóm khoảng 200 người, phần lớn là trẻ, trong số họ có nhiều người cầm nến và nhiều người khác cầm các bảng hiệu. Các phóng viên nhà báo chiếu ánh đèn flash vào các tấm bảng, và ông có thể đọc được những hàng chữ trên vài tấm. Một tấm mang dòng chữ: “Không được làm đổ thêm máu người vô tội”. Một tấm khác viết: “Quốc Gia cũng phải theo các điều răn của Chúa”. Một điều kỳ lạ là ông chỉ trông thấy có một nhóm vài chục người ủng hộ bản án tử hình, nhóm này là nhóm mà trong bất cứ vụ xử người da đen nào họ cũng có mặt. Tuy nhiên rõ ràng là nhóm người này cũng có những nghi ngờ về trường hợp của Gary Hoover. Hoặc là có lẽ vào dịp kỷ niệm 200 năm Hợp Chủng Quốc này, vấn đề kỳ thị chủng tộc cũng đã có những đổi thay và không còn hợp thời nữa. Ông hy vọng là thế. Từ trong đám đông có ai đó gào lên: “Hãy bảo Gary là chúng tôi yêu anh ta, Cha ơi!” Ông im lặng gật đầu và tiến vào phía trong khám đường. Ông đi dọc theo hành lang dài dặc để tiến tới nơi tiếp tân. Thường thì vào giờ này trong đêm, phòng tiếp tân có bao giờ mở cửa, nhưng đêm nay không phải như những đêm khác. Việc thi hành bản án tử hình sắp diễn ra đòi hỏi các biện pháp an ninh, các biện pháp canh gác cẩn mật, cũng như gây ra một không khí căng thẳng trong các phòng giam và sau các hàng rào sắt. Vẻ khẩn trương hiện rõ rệt trên mặt ba người mặc đồng phục màu be ngồi ở bàn tiếp tân. “Tôi là Linh mục Jérome Hill,” ông cố gắng mỉm cười và nói. “Vâng,” người cai ngục nói. “Xin cho xem căn cước”. Ông đưa ra tấm bằng lái xe có dán hình và hỏi “Còn ông là…?” “Rất mệt, thưa Cha,” người cai ngục trả lời mà chẳng buồn ngẩng đầu lên. Sau khi họ đã chuyền tay nhau xem bằng lái xe của Linh mục, ông được đưa tới một căn phòng ở bên hông khu tiếp tân, một căn phòng mà ông nghĩ là bên trong có Gary Hoover. Tuy nhiên căn phòng nhỏ xíu và trống rỗng. “Được rồi, thưa Cha,” người cai ngục nói. “Xin hãy cởi đồ ra.” “Xin lỗi tôi không hiểu?” “Tôi đâu có phải là người làm ra thủ tục luật lệ, vả lại mỗi khi phải làm việc này tôi cũng chẳng sung sướng gì.” Mười phút sau ông được đưa trở lại phòng tiếp tân và được mời ngồi một cách lịch sự. Vừa bối rối vừa bực bội, ông ước mong mình đang ở một nơi khác và đang làm một việc gì khác. Rồi ông đọc một kinh Kính Mừng cầu xin Chúa tha thứ cho sự yếu đuối kém kiên nhẫn của mình. Từ loa phóng thanh trên trần nhà vang lên một bài hát của tứ quái Beatles. Ông ngồi nghe và chờ đợi, ông bắt đầu ngủ gà ngủ gật và rồi ngủ thiếp đi. Một lúc sau ông được người cai ngục ở phòng khám xét đánh thức dậy và được đưa sang một căn phòng khác. Bốn vách tường trắng của căn phòng nhỏ sáng chói dưới ánh đèn néon. Trong phòng có một chiếc bàn nhỏ chân mạ kền và được gắn liền vào sàn nhà. Bên cạnh là hai chiếc ghế đẩu nhỏ và trên một vách là một chiếc đồng hồ General Electric mặt trắng và chỉ có hai kim màu đen. Gắn sát trần nhà ở một góc là một máy Caméra. Ông không trông thấy tín hiệu màu đỏ chứng tỏ rằng nó đang hoạt động, nhưng ông biết là nó đang được mở. Vừa tạm làm quen với căn phòng thì ông thấy cánh cửa sắt nặng nề được mở ra và Gary Hoover xuất hiện trước mặt ông. Anh ta mặc một bộ quần áo màu da cam may theo kiểu phi hành gia. Hai người nhìn thẳng vào mặt nhau và giữ im lặng, một trong hai người cai ngục lên tiếng trước nhất, mắt liếc về phía cái đồng hồ, lúc đó chỉ mười hai giờ rưỡi đêm. “Anh có một tiếng đồng hồ, Gary ạ,” người cai ngục nói. “Đừng để uổng phí thời gian quý giá đó nhé.” Linh mục Jérome đưa mắt nhìn vào tay và mắt cá chân của Hoover. Ông ngạc nhiên khi không thấy có xích tay và xiềng ở chân. Người cai ngục tưởng lầm là ông sợ hãi nên vội nói: “Xin Cha yên tâm, hắn không nguy hiểm gì đâu.” “Việc đó có lý do của nó, Lloyd ạ,” Hoover nói, “Tôi vô tội mà.” “À, phải,” người cai ngục nói, tay rờ lên trán. “Làm sao mà tôi quên được nhỉ?” Cha Jérome cảm thấy hơi kỳ lạ khi thấy nét mặt Hoover không thay đổi. Anh ta cũng chẳng thèm nhìn người cai ngục tuy gọi ông ta bằng tên một cách thân mật. Ông chỉ thấy anh ta mấp máy môi. “Nếu đây là việc xưng tội,” Hoover nói tiếp, “hãy tắt máy Caméra đi.” “Máy tắt mà,” người cai ngục trả lời. “Vậy thì tháo đầu cắm ra.” Người cai ngục đỏ mặt nói. “Không cần phải làm thế.” “Việc xưng tội lần chót của một tử tội được coi là hoàn toàn riêng tư,” Hoover cãi, “theo quy định của Hội thánh Công Giáo, của tiểu bang Nebraska và của Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ. Hãy làm cho đúng luật và tháo đầu cắm ra Lloyd ơi, tôi yêu cầu anh đấy.” Người cai ngục làu nhàu rồi vác một cái ghế đẩu về phía có đặt máy caméra. Chỉ có hai đinh vít gắn chặt đầu cắm vào tường, nhưng cũng dư đủ thời gian để cho những người theo dõi có thể xông vào kịp nếu có tủ nhân nào muốn tháo chúng ra. “Harry!” người cai ngục hỏi người đồng nghiệp, “Anh có cái vặn vít nào không?” Harry lắc đầu. “Có cái dũa móng tay? Có đồng xu nào không?” Harry lục lọi trong túi quần và đưa ra một đồng 5 xu và 2 đồng mười xu. Lloyd lấy một đồng 10 xu, vặn hai con ốc và tháo rời đầu cắm ra khỏi bức tường. Các người cai ngục rời căn phòng sau khi đã khóa trái cửa sắt lại. Hoover lấy một cái ghế, và Linh mục Jérome lấy chiếc ghế còn lại để ngồi đối diện với tử tội. Hoover dùng ngón tay làm dấu thánh giá “Xin Cha giải tội cho con” hắn bắt đầu nói, “vì con là kẻ có tội. Lần chót con xưng tội là cách đây 14 năm. Sau đây là các tội con đã phạm phải.” Cha Jérome rút ra từ trong túi một khăn lễ màu tím, đưa lên môi hôn rồi quàng vào cổ, ông nói: “Con xưng tội đi.” Hoover xưng là đã chửi thề, nói dối, và suy nghĩ tới những điều dâm đãng bậy bạ trong lúc ở tù. “Còn gì nữa?” Hoover hơi nghẹo đầu về một bên, mắt liếc về phía máy caméra. “Thưa Cha, có phải là mọi người có những định nghĩa khác nhau về tội lỗi, phải không Cha?” “Anh định nói gì?” Hoover nhỏm người lên và ngồi bắt chân chữ ngũ. “Có phải là khi một người quyết định một việc gì đó là một tội lỗi, thì người khác có thể không đồng ý là như vậy không?” “Có thể là như vậy đối với những tội nhỏ nhặt. Nhưng đối với những trọng tội thì không thể như vậy được. Đối với Hội Thánh, vi phạm các điều răn là đã đương nhiên phạm trọng tội.” “Ở đây các phạm nhân gọi là Mười Điều răn của Quỷ Satan.” Linh mục Jérome bật cười. “Và đối với tội trọng thì có thể được tha không?” “Tùy trường hợp.” “Có trường hợp giảm khinh không?” “Có, nhưng…” “Như với án tử hình?” “Gary. Anh đang cố gắng muốn hỏi cái gì vậy?” “Cha có lấy làm lạ,” Hoover nói, mắt nhìn vào mắt vị Linh mục như nhìn vào tấm gương nhỏ, “tại sao tôi lại xin được Cha giải tội lần chót không?” Linh mục Jérome liếc nhìn xuống sàn nhà. “Tôi lấy làm lạ ngay từ lúc tôi trả lời điện thoại.” “Hãy cho tôi biết, lần đầu tiên Cha ý thức được rằng mình là người da đen là khi nào?” Linh mục Jérome nhìn Hoover và hỏi. “Sao, anh nói gì?” “Cha biết không,” Hoover không những nhìn vào mắt vị Linh mục mà ánh mắt của anh ta còn có vẻ tìm tòi, soi mói. “Khi nào Cha cảm thấy lần đầu tiên rằng làn da của mình làm mình khác với những người khác? Khác với những đứa da trắng ấy?” “Tôi không nhớ.” “Làm gì mà Cha không nhớ. Tôi thì tôi biết tôi nhớ rất rõ. Đó là một buổi sáng ngày Chúa Nhật, thật đẹp trời, ngay sau một cơn mưa. Lúc đó tôi mười hai tuổi và thật ao ước được làm một cậu bé giúp lễ. Và tôi đã cố đánh bạo bước vào phòng thay áo sau buổi lễ để xin vị Linh mục già cho tôi được làm cậu bé giúp lễ. Cha có biết khỉ già đó nói gì không?” “Không.” “Ông ta bảo tôi rằng những đứa trẻ da màu không được quyền giúp lễ. Ông ta nói rằng đó là vì trong Vương Quốc của Chúa Trời không có chỗ cho người da đen. Trong đời này, cũng như trong đời sau, cũng không có chỗ. Đương nhiên là với ông Linh mục già đó, cửa Thiên đàng cũng gạn lọc như là cái phễu vậy.” “Thế thì buồn thật Gary ạ, nhưng bây giờ mọi sự đã đổi khác. Ông Linh mục già đó chắc cũng đã qua đời, cách suy nghĩ của ông ta chắc cũng đã chết theo ông rồi.” “Ố, vâng, lão chết rồi, nói tới lão làm gì nữa.” “Anh định nói gì?” “Cha có bao giờ nghĩ là tại sao hai đứa nhỏ bị giết lại là hai cậu bé giúp lễ không?” Đây là lần đầu tiên Hoover cụp mắt xuống và nét mặt thay đổi hẳn. Cái nhìn của hắn là một cái nhìn bối rối của kẻ thú tội. Linh mục Jérome cảm nhận thấy ngay. Ông đã gặp những cái nhìn thú tội như vậy rất nhiều lần qua việc ông làm. Đó là cái nhìn của tội ác. “Chúa tôi!” ông Linh mục nói. “Phải chăng đây là lý do anh xin được gặp tôi? Phải chăng là để cho tôi biết là anh đã giết hai đứa bé đó?” Hoover cúi sát về phía ông Linh mục, đầu gối hai người gần đụng nhau. Hắn để hai tay lên vai ông Linh mục. “Vâng thưa Cha,” hắn nói. “Hai đứa nhỏ rất nhỏ và một ông lão rất già.” “Sao? Cả ông Cha già à?” “Vì sợ quá lão ta lăn đùng ra chết. Tôi chưa hề đụng tới lão. Đó là lý do tôi bảo đừng nhắc tới lão làm gì nữa.” Cha Jérome cảm thấy muốn đứng tim luôn. “Vậy hình phạt của tôi ra sao?” “Anh mong được tha tội à?” “Tôi chẳng mong gì cả, chỉ biết cái gì có trước mắt…” “Tại sao lại kể chuyện này với tôi? Anh có thể xin gặp bất cứ Linh mục nào khác mà. Tại sao lại là tôi?” “Hãy nhìn chúng ta đây,” Hoover nói. “Cha và tôi có thể là anh em; có thể nói anh em sinh đôi nữa. Cùng tuổi, cùng chiều cao, cùng trọng lượng; ngay cả làn da, ánh mắt cũng giống nữa. Tôi đã chú ý tới Cha và theo dõi Cha ngay từ khi tôi thấy hình của Cha ở tờ báo của Giáo Xứ. Một Linh mục da đen là khá hiếm hoi đấy, phải không Cha? Màu da khiến Cha nổi hẳn. Tôi đã bảo một anh bạn gửi cho một cuốn danh sách những người được thưởng khi còn học trung học. Trông Cha với tôi giống y như là soi gương vậy. Tôi chắc Cha cũng nhận ra được nếu chú ý. Hoover sán lại gần hơn. “Tôi với Cha chỉ khác nhau ở nội tâm thôi Cha ạ. Cả hai chúng ta đã thấy đấy, có rất nhiều thứ được che dấu dưới làn da của một người. Cái Thiện có thể đấu tranh, nhưng cái Ác vẫn tồn tại.” Vị Linh mục lắc đầu, mắt ông ngấn lệ. “Từ trước đến giờ anh nói anh vô tội, anh bị oan, và tôi đã tin anh. Mọi người ủng hộ anh, cầu nguyện cho anh, tranh đấu cho anh. Tại sao anh nỡ lừa dối chúng tôi?” “Xin Cha tin tôi đi, chuyện tôi nói dối không phải là chuyện khó làm nhất.” Linh mục Jérome chả còn biết tin vào cái gì nữa. “Ngoài kia có hàng trăm người đang lo sợ rằng một người vô tội sắp bị hy sinh cho các thể chế con người đã đặt ra.” Lần đầu tiên trong buổi tối hôm nay Hoover mỉm cười. “Vậy thì chúng ta không thể làm họ thất vọng.” Không một lời báo trước, hắn bất thình lình cúi xuống và húc thẳng vào đỉnh đầu hắn cực mạnh vào trán vị Linh mục. Chỉ một cú húc là đã đủ. *** Linh mục Jérome hơi tỉnh một chút và chớp chớp mắt. Ông không biết và không thể nói mình đã ngất đi trong bao lâu. Căn phòng mờ ảo, xa xa và như đang từ từ quay. Màu sắc rối tinh như nổ tung trên không khí, ông quay cái đầu nhức nhối từ bên này qua bên kia. Ông cần cặp kính của mình nhưng không nhìn được xa để biết nó rớt ở đâu. Bức tường gần nhất mà ông cũng chả trông thấy thì còn trông thấy gì. Nhưng rồi ông loáng thoáng nghe thấy có tiếng nói. “Bất thần anh ta bị ngất xỉu,” có tiếng người nói. “Rồi anh ta ngã vật về phía trước, mặt đụng vào góc bàn. Anh ta đã bị bất tỉnh trong giây lát.” Xuyên qua căn phòng, Linh mục Jérome mơ màng cảm thấy có cánh cửa được mở và thấp thoáng như có ba bóng người bước vào. Hai bóng người mặc quần áo màu be. Bóng người thứ ba mặc đồ đen. “Ông chắc chắn là anh ta không sao chứ?” Một trong hai người mặc đồ màu be nói. Linh mục Jérome trông thấy mờ mờ một cặp lông mày rậm, một cái miệng mấp máy khi ông nghe thấy tiếng nói. “Anh ta không sao, ông yên trí,” người mặc đồ đen trả lời. “Tuy nhiên tôi hơi lo về cái đầu của anh ta. Có một chỗ sưng vù.” Bây giờ Linh mục Jérome nhớ cái tiếng nói này rồi. Ông vừa nghe thấy nó cách đây ít phút. Ông không thể nhớ được tên. Ông không nhớ được nhưng ông biết là chính vì tiếng nói đó mà ông có mặt ở đây. Nhưng bây giờ ở đây là chỗ nào thì ông cũng không biết. “Không sao,” tiếng người mặc áo màu be nói. “Chỉ trong nữa tiếng đồng hồ nữa là chả còn chi để mà nói.” Linh mục Jérome cố muốn nói. “Đợi một chút,” nhưng tiếng nói được phát ra một cách chậm rãi, nhát gừng như người say rượu nói rảm nhảm. “Ai đang nói đó? Tôi đang ở đâu đây?” Câu trả lời là một tràng những tiếng cười. “Các ông thấy không?” người mặc áo màu be thứ nhì nói. “Hạ màn rồi, hắn ra chào chúng ta và muốn chúng ta thấy là hắn mắc bệnh quên nặng.” “Xin quý ông,” người mặc đồ đen nói. “Hãy tôn trọng ông Hoover một chút.” Hoover . Thì ra cái tên là Hoover. Hoover gì đó, Greg? Không, không phải Greg, mà một cái gì gần gần với Greg. “Hãy cho chúng tôi biết sự thật”. Một trong hai người mặc đồ màu be nói. “Anh ta có là thánh thiện và vô tội như anh ta thường nói không?” Người mặc đồ đen khẽ lắc đầu. “Xin Chúa tha tội cho tôi vì tôi phải nói rằng thế giới này sẽ tốt đẹp hơn khi vắng bóng anh ta.” Linh mục Jérome dơ tay như muốn xua đuổi đám mây mù ở trước mặt. “Xin lỗi, ông nói vắng bóng ai?” Có tiếng cười nữa, nhưng lần này ít vẻ nhạo báng hơn. Một trong những bóng người mặc đồ màu be như nắm lấy cái bóng mặc đồ đen. “Xin lỗi Cha, chúng tôi biết rằng việc này cực nhọc lắm, Cha có định ở lại với anh ta cho tới phút chót không?” Cha? Cha? “Nhưng tôi là…” “Không.” bóng người mặc đồ đen trả lời. “Dù muốn nghĩ tốt về anh ta mấy đi nữa, tôi cũng vẫn không thể tha thứ tội ác của anh ta. Vì phạm một điều răn của Chúa đương nhiên là một trọng tội.” Nghe thấy, và nhận ra chính những lời nói của mình vừa nói, Linh mục Jérome muốn gắng đứng dậy, nhưng đôi chân của ông mềm như làm bằng rơm. “Đợi một phút,” ông nói trong khi ngã vật lại xuống ghế, giọng nói của ông gào lên một cách yếu ớt. “Các ông nhầm người rồi.” “Ngoan cố cho đến cùng hở, Hoover?” một trong hai người mặc đồ màu be vừa nói vừa tiến lại gần. “Vẫn còn cho là anh vô tội hả?” Khi bóng người đó tiến lại gần Linh mục Jérome kịp nhận ra bộ đồng phục màu be của người cai ngục và người này đang thò tay nắm lấy bàn tay trái của ông. “Không nhầm đâu, xem đây!” Người cai ngục vén tay áo màu da cam che cổ tay ông Linh mục. Trên cổ tay đen bóng của ông có viết bằng mực phát quang năm chữ, hay là năm con số. Linh mục Jérome liếc mắt nhìn nhưng vì không có kính ông không thấy rõ gì cả. “Chín, bảy, sáu, bảy, bảy,” người cai ngục đọc lớn. “Thấy chưa? Anh là Hoover chứ còn ai vào đây nữa?...” *** Ra khỏi nhà tù, ông Linh mục rút trong túi quần ra chiếc chìa khóa xe và lái chiếc xe Ford ra khỏi bãi dành cho người tới thăm. Ông đút cặp kiếng vào túi áo và để nó chung với túi đồ nghề “tí hon” đựng một chút kẹo, một lưỡi dao cạo, và một bút phát quang nhỏ đã được cất dấu từ trước trong một đế giày. Ông lái xe chậm qua bãi để xe và giơ tay chào đám đông những người tụ tập có mang đèn nến. Và rồi chiếc xe Ford hòa nhập vào và biến mất trong dòng xe đang lưu thông. Ông lái quanh quanh trong thành phố một lúc để hít thở khí trời đêm ông gặp nhiều thanh thiếu niên còn đang đạp xe đạp lang thang trong đêm khi thấy áo chùng thâm của ông, lũ trẻ nhìn ông và cười. Ông không phải là một mối hiểm nguy đối với chúng. Không bao giờ một Linh mục lại nguy hiểm, trắng cũng như đen. Ông thò đầu ra cửa xe. “Các con phải về nhà đi,” ông bảo chúng. “Thưa Cha vâng,” một đứa tươi cười trả lời. “Chúng con đang đi về đây.” Ông mỉm cười lần thứ nhì trong đêm tháng bảy nóng nực này. “Các con nên nhớ,” ông dọa. “Ma quỷ đày dẫy trong bóng tối đó.” Những đứa nhỏ giơ tay chào và quay xe ra về. Để cánh tay trái lên cửa xe, ông lấy đồng hồ ra xem và thấy là đã 2 giờ 6 phút sáng. Đã đến giờ ra về. Vừa rời mắt khỏi chiếc đồng hồ ông chợt nhìn thấy mấy chữ số bắt đầu bằng con số bảy viết bằng bút phát quang. Ông liếm tí nước bọt và đưa đầu ngón tay di di trên con số. Màu hơi phai đi một chút và dây ra tay ông. Màu này sẽ không tồn tại mãi mãi, ông nghĩ. Không có gì là vĩnh hằng, bất biến. Kể cả cái chết. VŨ ANH TUẤN và ĐẶNG MINH QUYẾN dịch theo NICK SCHINKER |