Hiện có 2 người xem / 2533086 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        
 
Truyện vui thời @
BẠN TÔI I 

Bạn tôi năm nay hai mươi lăm tuổi lần thứ ba. Anh không rượu chè, cờ bạc, thuốc lá cũng không. Tứ đổ tường anh tránh được ba, nhưng bị bức tường thứ nhì đè, và đè chết luôn, vì anh có đúng một tá Mẫu Hậu. Bảy lăm, mà anh đi đứng, làm việc như một tráng niên. Được hỏi sao giữ được như vậy, anh trả lời vắn tắt: “ Âm vượng thì Dương… cường!” Anh dáng người nhỏ nhắn nhưng được quý bà gọi là David, kẻ đã đánh thắng rất nhiều Goliath…
Hơi bị lạ…

BẠN TÔI II

Bạn tôi không được giới văn nhân, nghệ sỹ ưa thích lắm. Tôi tìm hiểu tại sao và được biết câu chuyện tức cười sau đây: Trong một cuộc hội thảo mà anh tham dự, anh đã thấy rất rõ là các thành viên chẳng ai chịu ai, và vị nào cũng là cái rún của vũ trụ. Nên khi đến lượt anh lên phát biểu, anh đã đưa ra một đề nghị vừa tếu, vừa…khá ác liệt.

Nguyên văn như sau:” Vì quý vị ai nấy đều là những CÁI RÚN CỦA VŨ TRỤ, nên tại hạ đành phải xin làm CÁI BỤNG. Là rún quý vị cư ngụ trên lãnh thổ của cái bụng, ngày nào quý vị ăn ở đàng hoàng, tốt đẹp, thân thiện, tử tế thì không sao, nhưng nếu quý vị dở chứng ăn ở không đàng hoàng, ác ôn, bất lương, thì tại hạ phải buộc lòng di chuyển quý vị xuống phía dưới, nơi Hố Thẳm của Tăm Tối…

Đó chính là lý do khiến bạn tôi không được ưa thích!


BẠN TÔI III

hay là

    BỖNG NHIÊN THẤY MÌNH GIÀU QUÁ !

Bẩy mươi lăm năm sống ở trên đời, mà những kẻ thích “đao to búa lớn” bày đặt gọi là thế gian, trần gian, trần thế, hoàn cầu, hoàn vũ, rồi gần đây là cõi tạm, cõi bợ gì đó, bạn tôi chưa bao giờ là triệu phú, tỷ phú, có tiền muôn bạc tỷ trong Ngân Hàng, có Phủ nọ, lâu các kia, có du thuyền trên sông Sài Gòn, có máy bay riêng vân vân và vân vân… nhưng ngược lại, bạn tôi cũng chưa bao giờ lâm vào hoàn cảnh thiếu thốn, đói rách, cơm chẳng có để ăn, áo chẳng có để mặc… Tóm lại có thể nói, trong suốt 75 năm ở trên đòi, bạn tôi lúc nào cũng có một cuộc sống phong lưu, hanh thông, không trở ngại, lý do khiến anh luôn tự nhận mình là một “con quỷ phong lưu” vì, này nhé, nhà thì luôn được ở nhà đẹp, nhất là căn nhà anh sinh sống thời niên thiếu ở Hải Phòng trước năm 54, và những căn nhà anh ở sau đó cũng đều rất đẹp, tuy chẳng có căn nào là của anh cả…

Niềm tự hào duy nhất mà bạn tôi có là anh ta luôn luôn tự biết, và chỉ tự biết thôi một vài điều như dưới đây mà anh ta đã có lần tâm sự với tôi. Anh cho biết rằng Thượng Đế, hoặc Chúa Trời đã ưu ái tặng anh ta điều mà anh yêu quý nhất ở trên đời: đó là Tự Do, một sự Tự Do tuyệt đối vì mấy chục năm nay anh chả phải làm cho ai cả, chả có anh sếp,chị sếp nào, chẳng một phút giây nào bị giờ giấc chi phối, muốn ăn là ăn, muốn ngủ là ngủ, đang làm việc gì mà có người rủ đi xem có “cổ thư” được gọi bán, là ngưng hết… và đi liền. Tuyệt vời hơn nữa là do anh có một nghề chuyên môn và rất sạch sẽ, kiếm được đủ sống, nên cũng chẳng phải trông nhờ dựa dẫm vào ai mà cứ hiên ngang sống rất an nhiên, tự tại. Anh thường tâm sự:” Một đời người mà được gần bốn chục năm Tự Do là một hồng ân của Thượng Đế !” và “Có thật sự được tự do, mới biết Tự Do quý giá như thế nào ! Tự Do thật sự là số I La Mã như người tôi yêu thường nói !” Điều anh thực sự yêu thích thứ nhì là “Được CƯỜI” và anh thật sự đă cười trung bình 20 tới 25 lần mỗi ngày, và anh thường bảo tôi :” Tuấn ạ, có rất nhiều kẻ cả tháng nó cũng không cười được nhiều bằng mình cười trong một ngày ! Vậy, mình sống có lãi ghê nhỉ ? Chơi với anh đã nhiều năm, tôi biết rõ một điều là, mỗi khi gặp một hoàn cảnh khó khăn nào anh đều bình tĩnh đối mặt, để rồi sau đó lại vui vẻ bảo tôi:” Ông Trời cho mình nhiều thì đôi lúc Ổng tiếc, và đòi lại một chút thì “Được rồi (chứ không thèm nói OK) trả liền không có vấn đề gì !” Anh quan niệm rằng việc được vui cười giúp cho con người sống thọ, còn nếu phải nhăn nhó hoài thì khó mà sống … dai! Tóm lại bạn tôi luôn luôn tự hào (hơi giống AQ của Lỗ Tấn) là anh là một tỷ phú về Thời Gian Tự Do và về Số Lượng những Nụ Cười…

Bạn tôi là một người “chơi sách” và có rất nhiều sách, và đương nhiên anh cũng đọc rất nhiều sách báo. Anh đặc biệt yêu thích một tờ báo Mỹ là tờ “Forbes” một tờ báo rất chịu theo dõi đời tư cùa các nhà tỷ phú ở trên đời, vì anh nói cố đọc và nhớ để xem các tỷ phú ăn tiêu ra làm sao? Có rộng rãi không ? Sở dĩ anh muốn biết, vì trong đời sống thường nhật, những tay nhà giàu anh gặp, ít người anh thấy ăn tiêu rộng rãi, có người còn so đo hơn cà người bình thường nữa!

Chính vì việc anh biết rõ các tỷ phú trên đời tiêu pha ra sao cho nên mới xảy ra chuyện anh bỗng thấy mình giàu quá! Xin được kể lại nguyên văn câu truyện như dưới đây:

Một buổi sáng cách đây hai tuần, tôi bỗng nhận được điện thoại của anh hẹn tôi trưa lại gặp anh ở một nhà hàng ở Quận Ba để nghe anh kể một truyện rất lạ, mà theo anh, khi lại để nghe tôi sẽ được hưởng một lợi lộc “khó tin mà có thật” ! Tôi đã y hẹn tới gặp anh và sau đây là tất cả những gì đã xảy ra, xin kể lại không bỏ sót một chữ:

- Này ông ạ, mình vừa khám phá ra một việc là mình ăn tiêu sang hơn mấy tay tỷ phú Mỹ nhiều, thật khó tưởng tượng được là chuyện này xảy ra thật ! Đây tôi không nói tới các chuyện làm việc thiện, chỉ năm chừng mười họa mới xảy ra, mà tôi chỉ nói tới chuyện ăn tiêu thường ngày. Và nếu nói về ăn tiêu thường ngày thì liệu có tên tỷ phú nào dám trong vài phút tặng cho người khác các thứ như: 10.000 cuốn sách, 13.000 bưu thiếp cổ, thứ cực mắc, 1000 đĩa hát , 700 phim Đài Loan, Hồng Kong, Pháp, Mỹ, Đại Hàn, Toàn bộ các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh trên 60 bộ tiểu thuyết, toàn bộ bộ Bản Tin của CLB Sách Xưa và Nay 60 số gần 5000 trang bài vở… không? Và trên đây là các thứ mà tí nữa khi về nhà ông sẽ nhận được của tôi gửi tặng, ÔNG XEM CÓ TỶ PHÚ NÀO DÁM TRONG NHÁY MẮT SÀI SANG NHƯ TÔI KHÔNG ? Có đúng là khó tin mà có thật không? Và, sau khi nhận được tất cả các thứ đó THÌ CHÍNH ÔNG LẠI CŨNG BIẾN THÀNH SANG HƠN TỶ PHÚ NHƯ TÔI ĐỂ LẠI QÚY TẶNG ĐƯỢC TẤT CẢ CÁC THỨ ĐÓ CHO CÁC NGƯỜI BẠN KHÁC CỦA ÔNG ! Hì! Hì! Hì!

Tôi đành phải chịu nhận là bạn tôi nói đúng, tỷ phú thật hoặc siêu tỷ phú đi nữa cũng khó mà có thể cho ai nhiều thứ như thế trong nháy mắt. ĐỂ RỒI, VỪA VỀ ĐẾN NHÀ VÀ LÊN MẠNG, TÔI ĐÃ NHẬN ĐƯỢC ĐÚNG NHỮNG GÌ BẠN TÔI ĐÃ HỨA SẼ GỬI…


BẠN TÔI IV

Bạn tôi tính tình chẳng giống ai, và cách xử sự của anh cũng chẳng giống con giáp nào. Biết rất rõ về anh, tôi thấy một đôi lúc cách xử thế và xử sự của anh có những nét là lạ, vui vui, xin kể lại để quý vị giải trí, và xin hãy coi những chuyện này như những chuyện vui thời @...

Bạn tôi tối kỵ những kẻ thích dựa hơi những người nổi tiếng, những người có quyền, có thế, suốt ngày đi khoe mình quen ông này, ông nọ, đi chơi với ông này ông nọ vân vân… Nói tóm lại bạn tôi cực kỳ ghét những chuyên gia “thấy sang bắt quàng làm họ”. Tại cái Câu Lạc Bộ mà bạn tôi làm Chủ Nhiệm, có một thành viên suốt ngày bắt các thành viên khác phải nghe anh ta khoe quen biết với ông D… ,ông Kh…, ông C… Bạn tôi đã nhỏ nhẹ can ngăn, và khuyên thành viên đó chẳng nên mang những chuyện riêng tư đó ra bắt mọi người phải nghe, nhưng anh ta vẫn chứng nào tật ấy, và bạn tôi buộc lòng phải hành động để giải quyết vấn đề này và anh đã làm như sau: trong một buổi họp, anh để thành viên kia thỏa mái khoe mới chở ông Kh… đi chơi, sau đó mới bảo anh ta:” Đây là những chuyện hoàn toàn riêng tư của anh, và tôi đã nhiều lần khuyên anh đừng nên kể ở đây, nhưng anh vẫn kể, phải chăng anh nghĩ rằng chỉ có anh mới quen biết với các nhân vật như ông D…, ông KH…, ông C…, anh biết không, tôi cũng quen với những nhân vật còn quan trọng gấp bội, anh biết tôi quen những ai không? Tôi ấy à, tôi quen với Á Lịch Sơn Đại Đế, người sáng lập ra Đế Quốc Ba Tư, tôi quen với Cléopâtre VII, người mà nếu cái mũi ngắn đi hơn một chút, cục diện thế giới lúc đó sẽ đổi khác… Sau cuộc họp đó, thành viên hay khoe đã … biến khỏi CLB luôn!

Vì thời trẻ anh tiếp xúc với rất nhiều ngoại nhân nên từ lúc trọng tuổi anh hơi bị bài ngoại. Tôi nói hơi bị vì anh chỉ bài nam ngoại, còn nữ ngoại thì không những anh không bài, mà còn thân mật trên mức trung bình nhiều. Do đó anh có 3 cô bạn ngoại, trong đó có một cô đầm mỗi lần ghé chơi đều hỏi rỡn anh câu:”Này ông bạn vàng ơi, trên đời này có một ngọn núi Olympia thật à?” Mỗi lần ghé là mỗi lần hỏi, vì cô ta muốn nói xỏ xiên bạn tôi là trong cái chương trình đố vui để học “Đường lên đỉnh Olympia” các học sinh, sinh viên của ta “đang leo một cái … núi ảo”. Bạn tôi không lạ gì chuyện chữ Olympia không được dùng làm tên một ngọn núi nào cả, vì chính anh và nhà báo An Chi của tờ Kiến Thức Ngày Nay khi tìm hiểu đã thấy rằng chữ Olympia là tên thành phố thủ phủ của tiểu bang Washington ở Hoa Kỳ, là tên một kiệt tác hội họa của danh họa Manet vẽ một thiếu phụ khỏa thân, và ở nước ta thì chữ này là tên mấy vũ trường ở Hà Nội, Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh… Lần đầu cô ta hỏi bạn tôi đã nhỏ nhẹ giải thích là hơi bị nhầm một tí, có chết anh Tây nào đâu? Nhưng sau vì thấy cô bạn cố tình “chọc” mãi, anh đã nghĩ ra một cách giải quyết vấn đề khá hay. Lần này sau khi nghe cô ta cười cợt hỏi, anh nghiêm mặt và dõng dạc nói:”Này em gái, nguời Hy Lạp gọi ngọn núi đó là Olimbos, người Mỹ gọi là Olympus, người Pháp các người gọi là Olympe, THÌ VÌ SAO NGƯỜI VIỆT CHÚNG ANH LẠI KHÔNG ĐƯỢC QUYỀN GỌI LÀ OLYMPIA !”  Sau khi được trả lời như vậy, cô đầm thôi không hỏi “chọc” tiếp nữa…

BẠN TÔI V

Sáng nay bạn tôi gọi điện thoại cho biết mới gặp một chuyện làm anh buồn gần nửa giờ, và hẹn chiều nay gặp sẽ kể cho nghe.

Thấy anh nói chuyện gì đó làm anh buồn gần nửa giờ, tôi cuống quýt đòi anh giữ lời hứa chiểu cho gặp, vì là người rất thuộc tính tình của anh, tôi biết rất rõ là khó có chuyện gì có thể làm anh buồn quá 5 phút, sao giờ lại có chuyện gì ghê gớm đến độ anh phải buồn tới gần nửa tiếng?

Vừa gặp nhau tại quán Bún Chả Hà Nội, với vẻ mặt còn phảng phất nét buồn, anh đã hỏi tôi :”Này Tuấn còn nhớ vợ chồng thằng Thắng con Hoan không nhỉ?” Tôi trả lời:”Con Hoan học trò cũ của anh hở?” Nhớ chứ sao không? Bây giờ thì chúng là tỷ phú rồi mà!”Anh buồn rầu cho biết:”Chúng nó : anh đi đường anh, tôi đường tôi rồi! Tan vỡ rồi !

Hồi mới giải phóng, khoảng năm 76, 77, bọn tôi người cũ phần lớn còn thất nghiệp,thường hay tụ tập ở nhà bạn tôi để tán phễu, và Hoan, cô học trò cũ của bạn tôi, và Thắng người yêu của cô cũng thường có mặt. Thắng cao 1m80, rất đẹp giai, một vẻ đẹp hiên ngang đầy ắp nam nhi chi khí. Hoan cao 1m70, là một thiếu nữ có nét mặt đẹp một cách hiền hậu và rất cao sang, với nụ cười tươi như hoa xuân, và tuyệt vời nhất là một cái mũi dọc dừa thuần Việt, thiệt 100%... Hồi đó, mỗi khi thấy hai đứa ôm sát nhau trên chiếc Honda cũ kỹ, tất cả chúng tôi đều cùng gặp nhau ở điểm cùng gọi chúng là một cặp Kim Đồng-Ngọc Nữ. Và rồi,một thời gian ngắn sau, qua một đám cưới sềnh soàng mà tôi có dự, chúng đã trở thành một cặp vợ chồng, chung hưởng một cuộc tình tuyệt vời vì mấy lý do sau đây: A.- Thắng đã từ chối tình cảm của con gái một doanh nhân cực kỳ giàu có để đến với Hoan. Còn Hoan, vừa đẹp lại vừa giỏi nên có rất nhiều tài tử nam nhân đủ loại vây quanh, nhưng nàng đã gạt bỏ tất cả để đến với Thắng. B.- Cả hai đều khá giỏi ngoại ngữ và đặc biệt hơn cả là cả hai đều cùng rất yêu thích chơi và đọc sách, và về mặt này chúng là đệ tử của tôi, và chính lòng yêu đọc sách đã khiến chúng không màng gì tới chơi bời nhảy nhót và được hưởng rất nhiều thời gian bên nhau…

Cuộc sống hạnh phúc của Thắng và Hoan kéo dài được khoảng 10 năm, từ 77 tới 87. thì một người cậu ruột của Hoan, vì trúng số ở Mỹ về giúp cho Hoan và Thắng một số vốn nghe nói lên tới 200.000 Mỹ kim. Có vốn trong tay họ đã lao vào kinh doanh, có người thì bảo vào ngành địa ốc, có người thì nói ngành kim hoàn,lại có người cả quyết là ngành chứng khoán. Ngành nào chẳng rõ, nhưng điều mà ai cũng biết là chỉ trong hơn 10 năm, năm 2000 cặp vợ chồng này đã rời bỏ cuộc sống bình thường để sống cuộc đời tỷ phú của họ, vì Thắng thì chơi xe Lexus, còn Hoan chơi riêng một xe Mercedes…

Đó là quá khứ gần của Thắng và Hoan, còn hiện tại thì sao? Chuyện bạn tôi vừa buồn rầu kể cho tôi nghe sẽ là câu trả lời cho câu hỏi trên.

Cuộc tình tuyệt đẹp của chúng tan vỡ rồi Tuấn ạ. Cậu biết tại sao tôi buồn dữ vậy không? Và bạn tôi bắt đầu kể:

“Chiều hôm qua, con Hoan ghé tôi lúc 7 giờ chiều và bảo tôi:” Thầy biết không, thằng khốn nạn (nó nói thằng Thắng) tuần nào cũng đi biệt từ chiều thứ sáu tới tối thứ hai mới về, và bảo con là nó đi công tác! Con dư biết là bọn nước ngoài nó có cái weekend, và vào thứ bảy và chủ nhật làm gì có chuyện chúng nó làm việc !” Nói xong, nó hếch mặt lên và hỏi tôi :”Thầy thử nghĩ xem, con có phải là đứa ngu không ?” Tôi trả lời nó:” Biết rồi! Sướng lắm, nói mãi!” Nó nói:”Thầy biết gì? Nói thử con nghe coi!” Tôi bảo nó:” Thầy biết rồi, nó đi ngoại quốc ăn chả, thì con ở nhà đi ăn Nem Sở Thú chứ thua gì, phải không? Nó cười hăng hắc và nói câu này khiến tôi vừa buồn vừa sợ quá:” Thầy thật là tinh tế và Thầy có thể là Nem của con nữa!” Tôi vội bảo nó:”Đừng có nói bậy, thôi, đi về ngay đi !” Mọi chuyện bậy bạ đối với Thầy giờ đây đã là dĩ vãng cả rồi!”

Nghe thấy bạn tôi kể vậy tôi hỏi:” Ý anh muốn nói là anh … hết…? Bạn tôi cười (từ lúc gặp đến bây giờ mới thấy anh cười!) và bảo tôi :”Đại khái là như vậy… khi mục đích là làm tốt thì có nói dối một tí đâu có chết thằng Tây nào? Tuấn dư biết ta là David mà, sao mà hết được?... Tôi nhận xét:” Tóm lại dù anh nổi tiếng là bay bướm, nhưng cuối cùng thì vẫn tốt hơn khối kẻ miệng nói lời đạo đức mà tay chân thì… chẳng thèm nghe những gì cái miệng soen soét! Bạn tôi cười mỉm:”Quả là có như thế, nhưng còn chuyện đáng sợ hơn nữa!” Chuyện chi nữa, tôi vội hỏi tiếp?” Bạn tôi chậm rãi trả lời:”Dính vào những đứa như con Hoan lúc này, lãnh … Giải Sida là cái chắc!...”

BẠN TÔI VI

Từ cả chục năm nay, bạn tôi mỗi sáng đều ngồi từ năm mười phút tới nửa tiếng tại một tiệm sách cũ trên đường Trần Huy Liệu ở Phú Nhuận. Bạn tôi quen biết hầu hết những người bán sách cũ, từ những người thuộc thế hệ trước cách đây gần một nửa thế kỷ như quý ông Nguyễn văn Thực, Trần Công Liễu, Tư Chà vv… cho tới con cháu những người đó như Minh, Hiếu, Nam, Kinh vv… Chủ nhân tiệm sách mà bạn tôi thường tới ngồi chơi mỗi sáng cũng đã gần 60 tuổi và cũng quen bạn tôi nhiều năm rồi. Mỗi sáng bạn tôi đều có mặt, trước tiên là để xem có gì “hay và ho” không, và sau đó là để nói chuyện tếu và cười năm bảy cười trước khi bắt đầu một ngày mới. Thường thì sáng nào bạn tôi cũng kiếm được dăm ba cuốn hoặc một hai tờ báo ngoại,mà ở đó giá rẻ như bèo… tuy nhiên, cũng có những buổi chẳng có gì để mua. Nhưng có sách hay không thì vẫn vui vì, tiệm sách tuy rất nhỏ. chỉ có độ 3 mét chiều sâu và 4 mét chiều dài, nhưng ở ngoài mặt đường, và đương nhiên là mặt đường thì … có thiếu gì hồng nhan tri kỷ qua lại! Do đó mỗi sáng bạn tôi và anh Th. chủ tiệm sách bắc 2 cái ghế ngồi song song để nghía các người đẹp qua lại… hơi bị đông. Với bạn tôi đây là một dạng thể dục … mắt vì bạn tôi rất cần một đôi mắt thật khỏe mạnh, tráng kiện để đáp ứng nhu cầu đọc và đọc của anh ta. Dần dần bạn tôi thật sự cảm thấy việc chiêm ngưỡng những nhan sắc qua lại quả là … đã mắt quá, khỏe mắt quá, và sự việc này dẫn đến việc anh đặt tên cho tiệm sách nhỏ này là MÃN NHÃN LÂU và phong cho anh bạn chủ tiệm sách là Lâu Chủ, một cái tên khá ấn độ, ấy chết tôi viết nhầm… ấn tượng, vâng, rất ấn tượng. Để mô tả việc anh mỗi sáng ngồi thể dục … mắt, bạn tôi có tức cảnh sinh tình mấy vần thơ trường phái Thiên Cữu sau đây:

Thầy Tuân Sắc vốn người nước Lỗ
Chữ Tây Tàu lỗ mỗ một vài câu
Ngày ngày Thầy ngồi ở Mãn Nhãn Lâu
Nghía ngàn vạn “Cao Phâu” qua lại…

Ai ngờ mấy chữ Mãn Nhãn Lâu đó đã gây ra một sự hiểu lầm tai hại, khiến bạn tôi xuýt mất một người bạn thân…

Câu chuyện đó xảy ra như sau: 7 năm về trước khi ông Lê Ngộ Châu, chủ nhiệm tờ báo Bách Khoa danh tiếng còn tại thế, vì từ ngày ông Châu qua đời tới nay đã là 5 năm rồi.

Trước ngày Giải Phóng và ngay cả sau ngay Giải Phóng, tòa soạn báo Bách Khoa được coi như một khách thính, rất có thể là duy nhất ở Miền Nam, thường quy tụ hàng ngày rất nhiều văn nhân, nghệ sĩ, như cụ Vương Hồng Sển, ông Khai Trí Nguyễn Hùng Trương. bà Minh Quân, GS Nguyễn văn Trung, Dịch già Nguyễn Minh Hoàng, nhà báo Lê Phương Chi, nhà báo Nguyễn Ngu Ý, nhà báo Châu Hải Kỳ, nhà văn Thiên Giang và phu nhân là nữ sĩ Vân Trang, Dịch giả - nhà văn Trần Phong Giao, Tác giả Nguyễn Quốc Thắng, nhà văn Đặng Trần Huân, nhà văn Lê Hương, Nhà báo Như Phong Lê văn Tiến vv… và bạn tôi. Thật ra số văn nhân nghệ sĩ cộng tác với tờ Bách Khoa, cả già lẫn trẻ phải lên tới trên 50 người, nhưng trong số những người đó bạn tôi chỉ giao thiệp với những người có tên ở trên và 2 vị anh thân thiết nhất chính là ông Lê ngộ Châu và nhà văn Trần Phong Giao. Ông Châu có qua Mỹ sống một thời gian khoảng 1 năm (hay hơn nữa tôi không nhớ rõ) rồi mới lại trở về sinh sống nơi quê nhà. Ngày ông trở về, những văn nhân nghệ sĩ thường lui tới số 160 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) cũng đã phân tán đi gần hết, người thì đi Mỹ, kẻ thì về “Bên Kia”… chỉ còn độ trên dưới 20 người, trong số đó có bạn tôi. Trong những buổi sáng lại thăm ông Châu, bạn tôi thường xuyên gặp một vài vị khác cũng có mặt… và đã có vài lần bạn tôi khoe với ông Châu là sáng nào cũng ngồi ở Mãn Nhãn Lâu với anh bạn để tập thể dục…mắt!

Bạn tôi đã chẳng bao giờ ngờ rằng ba chữ Mãn Nhãn Lâu đã lọt rất sâu vào tai một vị khách vừa là bạn thân với ông Châu, vừa thân cả với bạn tôi.

Vị khách này liền năn nỉ bạn tôi cho địa chỉ Mãn Nhãn Lâu, nhưng mấy lần vị này năn nỉ, bạn tôi đều tìm cách đánh trống lảng để không phải cho, lý do rất đơn giản là vì người này cũng chơi sách như bạn tôi, và những người chơi sách đều hơi bị ích kỷ vì không thích chia sẻ những địa chỉ có quý thư với ai khác! Bạn tôi đã tưởng từ chối vài lần rồi thì … yên chuyện, nhưng nghĩ vậy mà không phải vậy, ông kia thấy bạn tôi lẩn tránh hoài không chịu cho địa chỉ nên đã đem chuyện nói với ông Châu, nhờ can thiệp để bạn tôi phải cho. Vài ngày sau đó, vào một buổi chiều, trong khi bạn tôi đang ngổi chơi với ông Châu thì người bạn kia tới. Ông Châu liền bảo bạn tôi là nên chia sẻ địa chỉ cái Mãn Nhãn Lâu, Mãn Nhãn Liếc gì đó với người bạn, chứ giữ bo bo một mình làm gì?

Bạn tôi nể lời ông Châu, nên đã viết địa chỉ lên đầu tờ báo mà người xin cầm trên tay.

Sáng hôm sau, mới 7 giờ sáng, người bạn của bạn tôi, đã gọi điện thoại cho anh và cho biết là tối hôm qua, trong lúc đi về nhà đã không may làm rớt tờ báo, nên lại xin lại địa chỉ. Bạn tôi đành đọc lại địa chỉ cho người kia ghi.

Hai giờ đồng hồ sau, vào lúc 9 giờ, bạn tôi kể lại với tôi là anh lại nhận được một cú điện thoại của ỏng bạn. Lần này ông bạn của bạn tôi chu chéo lên trong máy:”Ông tệ quá, ông chơi sỏ tôi! Lâu với Các gì cái tiệm sách nhỏ téo! Bạn bè với nhau mà ông đối xử với tôi như thế này à? Ông là đồ tồi!”

Bạn tôi đã bình tĩnh nghe, và để người bạn hỏi hả! hả! mấy câu, anh mới dõng dạc trả lời:”Ông nên bình tâm lại nghe tôi nói đây:” Tôi có tự nhiên cho ông địa chỉ đâu? Ông năn nỉ xin đấy chứ! Tôi đã cố tình không cho, thì ông lại nhờ ông Châu nói hộ. Rồi sáng nay ông kêu đánh mất tờ báo và lại xin lại cái địa chỉ đó!Vậy ông trách tôi cái gì đây? Vì cớ gì trách?” Và bạn tôi kể cho tôi hay như sau:”Ông ta nói: Ông chơi sỏ tôi, vì cái tiệm sách nhỏ téo mà Lâu với Các gì?” Quý vị thử nghĩ xem bạn tôi đã trả lời ra sao? Anh ta lại dõng dạc nói:” Này ông làm ơn dỏng tai ra mà nghe nhé “Nơi nào có tao nhân mặc khách thì đó là Lâu là Các dù nhỏ bé thế nào đi nữa; còn nơi nào chỉ có lũ trọc phú và những quân điếu đóm tụ hội với nhau để ca cẩm lẫn nhau, thì dù có là Lầu Vàng Gác Ngọc chính cống Bà Lang Trọc đi nữa, cũng vẫn chỉ là … cái Hèo Chuông!... Ở phía đầu giây đàng kia ông bạn của bạn tôi bỗng “bược cười” và phán:”Ôi cha nội! Ông tếu quá! Thôi tôi tha, không thèm giận ông nữa!”

Vài ngày sau gặp nhau lại, người bạn của bạn tôi tâm sự với bạn tôi, để biện minh cho lý do hôm đó anh ta đã nổi đóa:”Ông biết không, có được cái địa chỉ, mình bỏ cả ăn sáng và hộc tốc phóng xe từ Củ Chi lên! Trên đường đi, lảng vảng trong đầu óc mình biết bao giai nhân trong y phục nghèo nàn nhất! Bao giai nhân sẵn sàng ngả vào lòng mình… vân vân và vân vân… để rồi khi tới nơi … tất cả những hình ảnh hấp dẫn đó biến vào hư không… khi trước mắt mình chỉ hiện ra một tiệm sách nhỏ téo tèo teo! Ông phải thông cảm cho mình nhé! Hôm đó những lời siêu tếu của ông đã làm mình phì cười và hết giận… vì dù sao đi nữa những lời ông trả lời tôi, tuy tếu thực… nhưng hơi bị có lý đấy!...


BẠN TÔI VII


Vừa nhận được một số tiền nho nhỏ của con gái tôi gửi từ Mỹ về, tôi mời bạn tôi tới Quán Chả Cá Hà Nội ăn chiều. Nhìn thấy bạn tôi đi đứng chậm chạp khác hẳn mọi lúc khác anh ta đi nhanh lẹ như một thanh niên, tôi liền hỏi thăm anh xem chuyện gì đã xảy ra khiến anh đi đúng kiểu “lão ông” như vậy! Anh cười và trả lời:”Lâu lâu giả làm ông già vài ngày, đâu có chết thằng tây nào?” và anh cho biết lý do là đã hơi bị ngu khi ngồi xem phim trên máy vi tính 8.9 tiếng đồng hồ liền nên “hơi bị đau lung”.

Anh bảo tôi:” Tôi kể chuyện về tôi hoài chán chết, để bữa nay tôi kể cho Tuấn nghe vài chuyện về mấy vị bạn của tôi hay,vui, và lạ lắm”.

Và anh bắt đầu kể. Hôm nay mình sẽ kể cho Tuấn nghe về 3 người bạn rất đặc biệt của mình, trong ba vị đó 2 vị đã đi xa, chỉ còn một vị vẫn còn tại thế…

Tuấn ạ, trước nhất tôi sẽ kể cho bạn nghe về người bạn còn đang phây phây của tôi, nhưng cũng đã ở hàng ngũ những U70 rồi. Mấy chục năm trước ông là một Linh mục trẻ, đẹp trai và có bằng cấp rất cao. Trên dường tu, một ngày kia ông gặp một ma soeur hiền và đẹp như ma soeur, và thế là hai người cùng một lúc bị tiếng sét ái tình đánh trúng để rồi, nghe theo tiếng gọi của con tim và… vâng theo ý Chúa hai người đã rủ nhau ra-tu-riêng để rồi chỉ trong khoảng một năm rưởi sau lại tiếp tực tu- chung với một hài nhi kháu khỉnh, mới ra đời đã cân nặng tới 4 ký 2, và nghe đâu ngay giờ phút này đang là một bác sĩ trẻ rất tài ba tại một bệnh viện lớn của thành phố chúng ta. Khi hai vị rủ nhau ra-tu-riêng, từ miệng lưỡi người đời cũng có một ít lời ong tiếng ve, nhưng theo bạn tôi thì những người bạn của bạn tôi đã chẳng có lổi gì , ngược lại còn có công là đã mang lại cho đất nước và đồng bào một lương y giỏi... Không có chuyện ra-tu-riêng của họ thì lấy đâu ra người bác sĩ trẻ và giỏi đó!

Và anh kể tiếp chuyện người bạn thứ 2 của anh đã qua đời: Tuấn ạ, đây là một con người khá kỳ dị. Anh ta được cha mẹ để lại cho một căn nhà ngoài mặt đưởng ở con đường trước gọi là Phan Thanh Giản và nay là Điện Biên Phủ. Căn nhà của anh ở ngay kế một rạp chiếu bóng gọi là rạp Lido cũng đã đóng cửa từ rất lâu. Anh này rất ham thích đọc sách và mua sách. Nhưng việc mua sách của anh ta không giồng ai, đơn giản là vì bất cứ tác phẩm nào, bất cứ đầu sách nào anh cũng mua 3 cuốn giống nhau, một cuốn anh rọc ra để đọc bình thường còn hai cuồn kia anh gói thật kỹ và mang cất vào tủ. Trong gần 30 chục năm trời, nhửng gói sách có 2 cuốn mới nguyên chưa rọc được chất đầy một căn phòng rộng lớn. Và rồi ngày Giải Phóng tháng Tư năm 75 đã đến. Sau ngày Giải Phóng, anh không bỏ đi đâu cả và vẫn tiếp tục trò chơi mua 3 cuốn sách đọc 1 cất 2 để rồi lần chính quyền ra lệnh tịch thu sách lấn thứ nhất xẩy đến ANH ĐÃ NẰM LĂN RA TRƯỚC CỬA CĂN PHÒNG CHỨA ĐẦY CÁC GÓI SÁCH, KHÓC LÓC VÀ CHO MỌI NGƯỜI BIẾT MUỐN LẤY SÁCH THÌ PHẢI BƯỚC QUA XÁC ANH MỚI LẤY ĐƯỢC… Chính quyền được thông báo về hành vi và số sách kỳ dị của anh, nhưng hồi đó không biết giới hữu trách nghĩ sao mà anh và số sách đã được tha mạng, và sau đó hình như anh đã được cấp một giấy phép để luu giữ kho sách đó nên, trong lấn tịch thu sách thứ 2 số sách của anh vẫn được giữ nguyên vẹn. Nhưng vào khoảng những năm 90 thì anh qua đời. Chuyện kho sách và người chơi sách cách kỳ cục này được rất nhiều người biết, nhưng không ai để ý mấy, nên sau ngày anh mất, hầu như chẳng có ai biết số phận những cuốn sách chưa rọc này đã đi về đâu, vì ngay lúc này căn nhà cũ nơi chứa sách của anh ta đã biến mất, nhường chỗ cho một căn nhà cao tầng…

Tôi nghe chuyện lạ khoái quá, nhưng cũng mời bạn tôi ăn hết phần bún chả, và sau lúc uống nước ép và ăn tráng miệng xong, mới lại nghe tiếp chuyện thứ ba mà bạn tôi khoe là đã lạ lại lạ hơn.

Bạn tôi vừa hút thuốc lá vừa chậm rãi kể cho tôi nghe về ông bạn thứ 3 của anh.

Anh kể:”Tuấn ạ, ông này là một tỷ phú ngành dệt, là chủ nhân một xưởng dệt thật lớn, và ông sống trong một biệt thự, cũng rất lớn, ở đường Ngô Tùng Châu lúc đó, mà bây giờ là đường Nguyễn văn Đậu. Căn biệt thự rộng lớn đó của ông gồm 1 phòng khách, 1 phòng ăn, 1 thư viện, và 6 phòng ngủ trong đó có một phòng lớn gấp đôi các phòng khác, được dành làm phòng ngủ của hai vợ chồng chủ nhân. Trong 5 căn phòng còn lại đó, ông Th. tức là ông bạn tôi còn lấy riêng cho mình 1 phòng ở phía sau MÀ ÔNG THƯỜNG XUYÊN KHÓA THẬT KỸ LƯỠNG, TUYỆT ĐỐI KHÔNG CHO AI BÉN MẢNG, KHÔNG CHO AI VÀO, VÀ KHÔNG CHO AI BIẾT CĂN PHÒNG ĐÓ CHỨA ĐỰNG NHŨNG ĐỒ VẬT GÌ KỂ CẢ BÀ XÃ CỦA ÔNG, CŨNG NHƯ CÁC BẠN THÂN NHẤT CỦA ÔNG, TRONG ĐÓ CÓ BẠN TÔI. Tóm lại ta có thể gọi đó là CĂN PHÒNG BÍ MẬT CỦA ÔNG TH. Căn phòng kín mít đó có máy lạnh và một cửa sổ nhỏ duy nhất, lúc nào cũng được đóng kín mít, và có màn che kín, không ai có thể nhìn thấy gì ở bên trong. Bà xã của ông cũng chẳng hề bận tâm nghĩ tới căn phòng có thể được gọi là căn phòng bí mật đó bao giờ, vì điều duy nhất mà bà bận tâm nghĩ đến là những con bài, lá bạc mà hàng ngày, bất kể mưa nắng, bà thường chơi với một lố những bà bạn cờ bạc của bà. Mấy người bạn thân của ông, trong đó có bạn tôi, lúc đầu cũng có tò mò thắc mắc hỏi ông bày biện gì ở trong đó, nhưng ông luôn đánh trống lảng và né tránh không trả lời, riết rồi mọi người cũng quen với chuyện đó, để rồi sau đó chẳng ai thèm để ý tới nữa…

Trước mắt người đời ông Th. là một con ngưởi tuyệt vời, gần như toàn thiện. Này nhá ông ta giầu nứt nố đổ vách, thế mà không keo kiệt như phần lớn những anh nhà giàu khác, vì bạn bè, thân cũng như sơ, bất cứ ai cần vay mượn đều được ông vui vẻ giúp mà chỉ nói một câu rất đơn giản dễ thương là :”Cứ cầm dùng đi, khi nào có thì trả, chuyện nhỏ!” Ông lại còn chả thèm bon chen như chán vạn kẻ khác đã có tiền, có danh, còn muốn được giàu hơn, được coi là đa tài hơn, nên làm nhiều điều gian trá đáng khinh. Này nhé, ông quen rất thân với Luật sư Nguyễn văn Huyền và thường giúp đõ cụ Huyền vế mặt tài chính mỗi khi liên danh của cụ Huyền ra tranh cử vào Thượng viện, nên cụ Huyền rất muốn có ông trong liên danh 12 người của cụ, do đó ông Th. là người chỉ cần khẽ gật cái đầu là đã thành Thượng Nghị Sĩ, mà ông chả thèm khẽ gật bao giờ. Ông cũng thường đi chơi với các bạn ở các chốn ăn chơi sang trọng, nhưng không hề tỏ ra ham mê hút sách, gái gú, tóm lại lối sống quá tốt đẹp của ông đã khiến nhiếu người kính nể, và còn có người coi là ông Th. hơi “bị” quá đạo đức. Bạn tôi là một trong những người bạn mà ông coi là thân nhất và quý nhất, vì bạn tôi là người rất thông thạo về sách vở, báo chí và thường xuyên giúp ông mua các loại báo ảnh như France-Illustration, Noir et Blanc, Cinemonde, Cine Revue, vv… Cũng có lần bạn tôi ngỏ ý muốn xin vô căn phòng bí mật của ông, nhưng khi thấy ông né tránh không muốn đưa vào thì anh cũng bỏ qua không nghĩ tới nó nữa. Phần ông, mỗi khi tới thăm bạn tôi, hễ thấy có sách báo gì có hình ảnh các người đẹp ông thường ngỏ ý xin mua lại, nhưng mười lấn như mười một bạn tôi đều vui vẻ tặng ông và còn ký tặng nữa. Phần ông, ông cũng không chịu lấy không nên mỗi khi có họa sĩ nào làm triển lãm, ông thường rủ bạn tôi cùng đi xem và lần nào cũng mua tặng bạn tôi một tấm tranh, và nói mua là để ủng hộ người họa sĩ. Quan hệ bạn bè giữa bạn tôi và ông Th. ngày càng tốt đẹp mật thiết hơn trong trên 20 năm trời cho tới năm 1999 thì ông ra đi sau khi bị đột quỵ và nằm bệnh viện Việt Pháp trong 2 tuần. Sau ngày ông mất, có lẽ vì buồn, bà Th. còn ham mê cờ bạc hơn trước nhiều vì có khi bà còn bỏ nhà đi cả tuần với các bà bạn cờ bạc của bà đi Campuchia đánh bạc, nên chúng tôi, những người bạn thân của ông Th. lúc sinh thời, ít ai có dịp gặp bà góa phụ Th. Ba năm sau, vào năm 2002, bà Th. bán lại biệt thự của bà cho vợ chồng bà Vân, sau khi thua bạc và nợ nần quá nhiều. Điều tuyệt diệu nhất là chồng bà Vân, tân chủ nhân căn biệt thự, lại là ông Tích, một người trong bọn tôi. Hai ngày trước ngày nhận nhà, ông Tích đã họp chúng tôi lại và mời cả 7 chúng tôi cùng đến vào ngày hôm đó để cùng vái trước di ảnh ông Th. để xin lổi về việc chúng tôi, những người bạn thân nhất của ông, sắp phải gọi thợ khóa tới mở cửa căn phòng bí mật của ông. Trong hai ngày chờ đợi đó,chúng tôi mấy người bàn cãi với nhau về những gì sẽ thấy trong căn phòng bí mật đó một cách thật sôi nổi, hào hứng, chả ai chịu ai là có lý, cuối cùng mọi người cùng đi đến kết luận là tốt nhất là chờ lúc cánh cửa được mở ra là … ai nấy đều được hai năm rõ mười.

Kết cục rồi giây phút chờ đợi cuối cùng cũng đã tới. Hai hôm sau, đúng 9 giờ kém 15 sáng, cánh cửa căn phòng bí mật được người thợ khóa mở toang ra: Căn phòng được bài trí cực kỳ đơn giản. chỉ có một cái giường đơn, một table de nuit nhỏ để một cái bô, và ở trên là một tủ lạnh nhỏ dùng cho cá nhân, ngoài ra chỉ còn một cái mắc áo trên có treo 2 bộ đồ ngủ, và ở chân giường có một cái lavabo. Chỉ khi nhìn lên 4 bức tường, chúng tôi mới tìm ra điều bí mật của căn phòng : trên cả 4 bức tường là HÀNG NGÀN BỨC ẢNH NHỮNG GIAI NHÂN KIM CỒ ĐƯỢC SẮP XẾP THEO THỜI ĐẠI, NĂM THÁNG VÀ ĐƯỢC DÁN TỪNG NHÓM ĐẦY TRÊN BỐN BỨC TƯỜNG, NHƯNG DÁN RẤT THẤP – CHỈ NGANG TẦM MẮT TRỞ XUỐNG VÀ ĐIỀU ĐẶC BIỆT NHẤT LÀ CÁC GIAI NHÂN TRI KỶ TRÊN CÁC TẤM ÀNH ĐỀU ĂN MẶC RẤT ĐẸP QUA TRANG PHỤC CỦA THỜI ĐẠI CỦA HỌ, VÀ TUYỆT ĐỐI KHÔNG CÓ MỘT HÌNH KHỎA THÂN NÀO, TRỪ CÁC NỮ TÀI TỬ CỦA THẾ KỶ 20 NHƯ GRETA GARBO, AVA GARDNER, SYLVANIA MANGANO, BARBARA STANWYCK, GRACE KELLY, GAIL RUSSELL, MARTINE CAROL, LAURENT BACALL VV… THÌ CÓ HƠI HỞ NGỰC, NGOÀI RA TRONG MẤY NGÀN BỨC HÌNH ĐÓ AI NẤY ĐỀU GIỮ NGUYÊN TRANG PHỤC CỦA XỨ XỞ VÀ THỜI ĐẠI CỦA MÌNH, NHẤT LÀ MẤY HÌNH TỨ ĐẠI MỸ NHÂN TRUNG QUỐC MẶC ĐỒ RẤT ĐẸP, NGOÀI RA KHÔNG BIẾT ÔNG TH. TÌM Ở ĐÂU ĐƯỢC NHỮNG HÌNH CÁC QUÝ BÀ QUÝ TỘC KHÁC CỦA HẦU HẾT MẤY QUỐC GIA LỚN NHƯ TRUNG QUỐC, NHẬT, ANH, PHÁP, ĐỨC, NGA, BA LAN, VV… TÓM LẠI CĂN PHÒNG BÍ MẬT CHỨA KHÔNG DƯỚI 3000 TẤM ẢNH CÁC GIAI NHÂN CỦA KHẮP BỐN PHƯƠNG TRỜI… Sau khi thấy gần 3000 bức hình các giai nhân, và sau khi bàn cãi với nhau tại sao ông Th phải giữ căn phòng luôn khóa kín không cho ai được vào, mọi người gần như chịu không hiểu tại sao ông Th lại hành dộng như vậy.

Tới đây bạn tôi khoe:”Tuấn biết không? Cuối cùng mọi người quay lại hỏi tôi nghĩ sao vì họ cho là tôi thân cận với ông Th nhất. Tôi đã bảo mọi người phải suy nghĩ về cuộc sống rất ư là đạo đức của ông Th thì sẽ hiểu tại sao, và tôi giải thích: Ông Th suốt một đời coi khinh chuyện gái gú, tỷ phú như ông muốn hoa hậu thì có hoa hậu, muốn minh tinh thì có minh tinh, thiếu gì? Nhưng ông đã thực sự coi thường những loại hoa hậu, á hâu, vớ vỉn, sao nọ, sao kia rẻ tiền VÌ THỰC RA NHỮNG LOẠI ĐÓ LÀM SAO MÀ SÁNH ĐƯỢC VỚI CÁC ĐẠI MỸ NHÂN TRÊN TOÀN CẦU, TRONG TẤT CẢ CÁC THỜI ĐẠI, do đó với căn phòng bí mật của ông ông ĐÃ THẦM LẶNG VUI VẦY “ẢO” VỚI TẤT CÀ NHỮNG ĐẠI MỸ NHÂN TRÊN TOÀN THẾ GIỚI VÀ TRONG TẤT CẢ MỌI THỜI ĐẠI, VÀ ĐÃ LÀM MỘT TRUYỆN TRÊN ĐỜI NÀY CHƯA AI TỪNG LÀM, TUYỆT KHÔNG?

Cuối cùng bạn tôi tiếp tục khoe:”Tuấn biết không, tất cà 6 cái miệng đều thốt ra sáu câu: CÓ LÝ QUÁ XÁ QUÀ XA !...


BẠN TÔI VIII

Sáng hôm qua tôi ngồi ăn sáng với bạn tôi tại một quán bán bún cá trên đường Trần Huy Liệu. Trong khi hai chúng tôi đang ăn, tôi bỗng thấy có một người bán vé số tiến về phía bạn tôi, không lên tiếng mời chào gì cả, và chỉ chìa ra trước mặt bạn tôi một tấm vé số. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy bạn tôi bỏ đũa, thò tay vào túi rút ra 10 ngàn, lặng lẽ trao cho người bán vé số và lấy tấm vé số bỏ vô túi áo. Người bán vé số là một thiếu phụ vừa quay ra, thì lại đến lượt một cháu gái nhỏ tiến lại, trên tay cũng cầm một tấm vé số, và tôi ngạc nhiên hơn nữa khi thấy bạn tôi lại bỏ đũa, lấy 10 ngàn trao cho cháu gái và lại đút tấm vé số vào túi. Sau khi ăn xong, hai chúng tôi rủ nhau lại tiệm sách của anh Th. ở gần đó. Trên đường đi, tôi lại thấy có 2 thiếu phụ bán vé số khác cũng chặn bạn tôi lại, và tôi lại thấy anh mua của một người một vé và của người kia 2 vé, miệng nói:”Lấy mỗi đài 1 vé!”. Tôi hỏi anh:”Sao anh mua nhiều vậy? Đã có lúc nào trúng lớn chưa?” Bạn tôi lắc đầu và nói :”Mua cho mỗi người 1 vé, người ta vui mình cũng vui lây, bao giờ trúng cũng được!” Ở quán sách ra, hai chúng tôi vào một quán cà phê, tôi hỏi tiếp:”Tử khi bắt đầu chơi trò may rủi này lần anh trúng lớn nhất là được bao nhiêu? Anh cười và cho biết trong mấy chục năm trời, lần anh trúng lớn nhất là được giài nhì hay ba gì đó, và khi trúng, thì coi như anh được biếu không vé số trong 4 tháng chứ chả có gì là quan trọng. Tôi tiếp tục hỏi:”Thế sao anh chịu kiên nhẫn tiếp tục mỗi ngày mỗi mua như vậy? Anh chậm rãi nói:”Đơn giản vì tôi rất quý trọng những người bán vé số, họ đích thực là những người dầm mưa dãi nắng để kiếm sống một cách thật lương thiện” và “ Tôi ghét lũ bất lương, gian dối, lưu manh bao nhiêu thì tôi quý trọng những người bán vé số bấy nhiêu! Không kể một đôi lúc tôi còn cảm thấy Ông Xanh đôi lúc hơi bất công,khi để nhiều nữ lang xinh đẹp phải đội mưa đội náng lang thang trên đường phố kiếm sống, trong lúc đúng ra, theo lẽ công bằng, những con người đó, phải được ở nhà lầu, đi xe hơi thế vào chỗ nhiều đứa xấu còn hơn con khởi…” Thấy anh nói vậy tôi bảo anh:” Anh có vẻ thực sự quan tâm tới việc mỗi ngày mỗi mua vé số nhỉ? “ Anh trả lời:” Tuấn nói đúng, việc này đã thực sự trở thành một thói quen, hơn nữa nó có công dụng rất tuyệt vời như tôi đã nói ở trên là mang lại một niềm vui nho nhỏ mỗi ngày cho những người mình quý trọng, để rồi họ vui, mình cũng vui vui lây, để bắt đầu một ngày mới…” Nghe anh trả lời như vậy, trong đầu tôi bỗng nảy ra một ý là lạ, và tôi bảo anh:”Anh chơi vé số như vậy thì anh có thể cho tôi biết vé số bắt nguồn từ đâu? Từ bao giờ và anh có biết chuyện gì hay về những người trúng số không?”

Vừa quấy tách cà phê anh vửa bảo tôi:” Tôi nhớ mang máng là vé số bắt nguồn ở Âu Châu và trong số mấy trăm bạn hữu của tôi có 2 người trúng độc đắc, và việc trúng số này đã đưa hai nhà tân tỷ phú này tới hai tình huống hoàn toàn trái ngược với nhau, nhưng thôi, hôm nay Tuấn hỏi nhiều quá rồi, chúng ta hãy uống cà phê đi đã, rồi cỏn phải về, tôi sẽ tra cứu lại kỹ nguồn gốc vé số rồi sáng mai sẽ cho cậu biết cho chính xác và cũng sẽ kể cho cậu nghe truyện hai nhà tỷ phú bạn của tôi!” Tôi đồng ý và cảm ơn bạn tôi trước vì tôi biết anh có ở nhà anh rất nhiều sách vở nghiên cứu, tham khảo, rất nghiêm túc vì của các tác giả đáng tin cậy, do toàn các nhà xuất bản lớn in, và tính anh rất kỹ, khi đưa ra thông tin gì đều phải kiểm tra rất kỹ độ chính xác của nó. Anh rất thích một câu của Chế Lan Viên, và anh thường nhái câu đó để nói:”Tôi chẳng có tài cán gì cả… chỉ có tài liệu!”

Sáng hôm nay, sau khi ăn sáng, chúng tôi lại ghé quán cà phê và anh bắt đẩu kể:” Vé số bắt nguồn từ nước Ý , từ triều đại Néron sau mỗi bữa tiệc và phần thưởng thường là những nô lệ hoặc một biệt thự . Ở Pháp thì xổ số được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1660 trong đám cưới cũa Lộ Y thứ XIV, và rồi từ năm đó kéo dài cho tới năm 1945 mới chính thức thành Xổ số quốc gia, và trong thời gian từ 1660 cho tới 1945, đà có nhiều lần bị cấm rồi lại được tổ chức trở lại. Ở ta, thì ngày mới giải phóng cũng bị cấm trong một thời gian ngắn, sau đó được tổ chức lại và tồn tại cho tới ngày nay với rất nhiều đài khác nhau, ở các địa phương khác nhau. Sau khi nói về nguồn gốc vé số, anh kể tiếp về 2 người bạn anh đã trở thành tỷ phú nhờ trúng số.

Anh cho biết vào năm 1980, ông Nh., một người bạn anh, đã trúng một lúc 10 vé độc đắc. Anh không nhớ rõ giải độc đắc vào thời điểm đó là bao nhiêu, nhưng anh tin rằng nhiều hơn 10 vé độc đắc vào lúc này. Sau khi trúng số bạn anh đã không thèm giấu giếm gì cả mà còn mời tất cả bạn bè tới dự một bữa tiệc tại một nhà hàng, và trong bữa tiệc đó ông cho biết là ông sẽ chỉ sử dụng 50% số tiền trúng số cho riêng ông ,và sẽ dành 50% còn lại để hành thiện theo cách riêng của ông, một cách mà ông gọi là “làm việc thiện trực tiếp”.Mọi người vỗ tay hoan nghênh và điều kỳ diệu là trong bữa ăn đó không hề có một ai lên tiếng xin sỏ, vay mượn gì cả. Có một ai đó đã yêu cầu ông giải thích làm trực tiếp là làm thế nào? Ông tân tỷ phú cho biết ông sẽ bỏ số 50% vào ngân hàng, và sẽ rút ra từ từ để mỗi ngày ông sẽ bỏ túi độ 1, 2 triệu để cùng một hai người bạn rong chơi phố thị để nếu bắt gặp những trường hợp, tình huống bi thương thì sẽ cho tận tay những người nghèo khổ đó, mà ông chỉ gặp một lần rồi thôi… Tóm lại là ông không hám danh, không chủ trương đưa cho tổ chức này, Hiệp Hội nọ, vì ông hơi bị ít tin họ và còn nói “không khéo làm từ thiện lại thành tư thiện thì hề quá, hi! hi! hi!” Và ông Nh. đã làm đúng như vậy và sống vui vẻ, an nhiên tự tại cho tới năm 2004 khi Chúa Trời triệu ông về ở tuổi 84… Kể đến đây bạn tôi bảo tôi:”Ông Nh. đã làm rất đúng, của từ trên Trời rớt xuống, có được mà không phải rỏ giọt mồ hôi nào, thì chỉ hưởng một nửa là hợp lý, nửa kia nên chia cho những người ít may mắn hơn mình là rất đúng và tốt. Rồi anh kể tiếp cho tôi nghe câu truyện người bạn thứ nhì của anh cũng thành tỷ phú nhờ vé số.

Anh cho biết trường hợp ông Th., bạn anh, trúng một lúc 5 vé độc đắc khoảng mười năm trước. Trước lúc trúng ông Th. thỉnh thoảng có ghé thăm anh và có đôi lúc mượn anh mỗi lần vài trăm, có lúc ông ta trả và có lúc ông ta quên trả luôn. Nhưng ngay sau khi trúng số là ông ta lặn mất tiêu, hầu hết các bạn bè đều không thấy mặt, nhưng có một vài người bắt gặp ông đi trên phố trên một cái xe Wave mới tinh, thay vì cái xe ông ta vẫn đi lúc trước là một cái Honda cũ sì của những năm 60. Tóm lại, sau khi trúng độc đắc, ông này không những giấu tất cà các bạn bè mà còn giấu cả vợ con nữa. Thấy bạn tôi kể vậy tôi hỏi anh:”Ông ta giấu bem mà sao anh biết là ông ta trúng 5 vé độc đắc?” Anh trả lời:” À, tôi biết được vì Thúy, một trong những bồ nhí đầu tiên mà ông ta đã bỏ để vồ em khác cho tôi biết!” Và anh kể tiếp:”Ông ta gửi ngân hàng và rút dần ra để chỉ làm một việc duy nhất là tiêu sài huy hoắc với các bồ nhí mà ông tìm trong giới tiếp viên và người mẫu chân dài. Với các bạn cũ ông lánh mặt hết vì sợ bị vay mượn, còn các bạn mới thì hầu như ông không có bạn nam phái, trừ một hai tên ma cạo chuyên “tầm quạt” cho ông. Toàn bộ số tiền Tròi cho ông ta đã tiêu dùng vào việc liên tục thay đổi bồ nhí, em nào khoái lắm thì cũng chỉ được vài tháng, cho tới khi ông gặp một em á hậu trong một kỳ thi Hoa Hậu vớ vẩn nào đó, và em này chính là kẻ đã thành công nhất ,vì giữ ông được trên một năm, và nhất là vì đã rủ được ông cùng ả đi vượt biên, tính chuyện qua Mỹ ở cho sướng! Sau khi rút hết phần tiền còn lại, một số tiền cũng khá lớn, ông Th., đã cẩn thận đổi từ Đô Mít (Annamese dollar) sang Đô Mẽo (American dollar) và vàng miếng để mang đi cho dễ, nào ngờ giấc mơ sống ở Mỹ của ông đã không thành sự thật, đơn giản vì ông đã bị em á hậu … lừa vứt ông lại để chỉ đi với gói tiền Đô của ông và tên bồ nhí của nó. Tại địa điểm để xuống tàu ông đã bị ả đánh thuốc mê, để khi tỉnh dậy thì thấy mình nằm trơ trọi bên chiếc ba lô cỏn đầy đủ áo quần… nhưng gói tiền Đô và vàng miếng thì đã biến mất dạng với con á hậu đểu cáng. Ông đành nuốt lệ, cố lết thân tàn trở về để đối mặt với thực tế phũ phàng là mình đã hoàn toàn trắng tay, không phải chỉ về mặt tiền bạc của cải, mà ngay cả hạnh phúc gia đình cũng đã tan tác trong bão tố, chỉ vì vợ ông, bà giáo D. sau khi bị bỏ bê nhiều năm,và sau một số trận cãi vã đã viết đơn li dị và trở về nhà cha mẹ đẻ, còn hai người con thì đã có gia đình riêng của họ, và cả hai đều tuyệt đối không tán thành cách ông đối xử với mẫu thân họ. Tất cả những diễn biến này đã được anh S. người chàu trai của ông kể lại với chúng tôi để đi đến kết luận là xin chúng tôi tha thứ cho ông và nếu có giúp đỡ được gì thì xin ra tay tế độ. Tuy nhiên, sau ngày đó ông cũng không tìm đến với chúng tôi và bỏ đi luôn, rất có thể là dù sao đi nữa thì ông cũng còn được vài xu tự trọng, tự ái của người tri thức; không biết giờ này ông đang lưu lạc ở đâu, còn trụ thế hay đã … về Bển!

Bạn tôi kết luận:”Tuấn thấy không? Đây là một bằng chứng rất cụ thể LÀ TIỀN KHÔNG PHẢI LÀ TẤT CẢ, và nếu có trong tay thật nhiều tiền mà không biết sử dụng nó một cách hợp tình, hợp lý thì thân bại danh liệt là cái chắc!”

BẠN TÔI IX

Bạn tôi là một người làm nghề tự do. Nghề bạn tôi làm là nghề dịch sách văn học ra hai ngoại ngữ là Anh và Pháp văn. Bạn tôi chủ trương không dịch các tài liệu kinh tế như tờ rơi, các bài quảng cáo, các hợp đồng, mặc dầu có thể được trả giá rất cao, vì theo bạn tôi, các loại tài liệu đó chỉ một thời gian sau là sẽ bị hủy bỏ và sẽ không bao giờ được in ấn để tồn tại với cuộc đời. Còn với các tác phẩm văn học, mỗi tác phẩm khi được in ra, thì dịch giả được coi như là đã có và đã đóng góp cho đời một đứa con tinh thần. Riêng tôi, tôi cũng cảm nhận thấy rằng cái nghề bạn tôi làm,vừa sạch sẽ vừa tuyệt vời quá,vì nghề đó tuyệt đối không phải chịu bất cứ một sự cương tỏa nào; này nhé, muốn làm lúc nào thì làm, muốn chơi lúc nào thì chơi, muốn ngủ là ngủ, muốn ăn là ăn, muốn ở nhà thì ở, muốn đi chơi thì đi, hoàn toàn tự do như là gió… Tuyệt vời hơn nữa là người dịch có quyền lựa tác phẩm nào hợp với mình thì mới dịch, không hợp là có thể thẳng thừng từ chối. và cũng chẳng phải ra khỏi nhà, vì thường thường người nhờ dịch phải mang tài liệu lại tận nhà, phải nhận bài dịch và phải thanh toán công dịch cũng ngay tại nhà. Và theo bạn tôi, điều “đã tuyệt vời lại tuyệt vời hơn” chính là “mổi khi nhận được lệnh triệu tập của các mẫu hậu của anh, anh có thể lập tức quăng bút và tuân thủ ngay tắp lự”…

Chiều nay, khi ngồi hóng mát và uống “sữa va ni Ensure” với anh ở trên sân thượng ở lầu 3 nhà anh, tôi lân la hỏi anh:”Gớm cái nghề của anh tôi thấy hấp dẫn quá, vì tôi hầu như không hình dung ra được một trở ngại, hoặc khó khăn gì với cái nghề rất ư là an nhiên tự tại này của anh, đúng không anh? “ Anh trầm ngâm trong một loáng và bảo tôi:”Thật ra không hẳn là như vậy Tuấn ạ. Nghề này cũng có một vài vấn nạn rất nghiêm trọng của nó, mà muốn vượt qua được thì phải là thứ dịch giả có bản lãnh mới được, nếu không khi gặp những loại vấn nạn này là điêu đứng ngay!” Tôi vội hỏi anh:” đó là vấn nạn gì và anh đã bao giờ phải đối mặt chưa?” Nghe anh trả lời là có, tôi vội xin anh kể cho nghe.và anh chậm rãi kể:

“Đối với tôi, trong gần 40 năm làm công việc dịch, tôi chỉ gặp có 2 tai nạn quan trọng nhất, nhưng do lòng tự tin và ý chí đấu tranh không nhân nhượng, tôi đã vượt qua được cả hai và đã thành công trong việc bảo vệ đứa con tinh thần của mình. Việc thứ nhất xảy ra do người nhờ dịch không hoàn toàn tin cậy vào người dịch và do người nhờ dịch quá cầu toàn nên mới xảy ra chuyện. Hồi đó tôi dịch một tác phẩm dày trên 800 trang của một nhà thơ rất nổi danh. Khi bản dịch được làm xong, nhà thơ đã cầu toàn bằng cách nhờ một người bạn mà ông tin là rất giỏi anh ngữ xem lại hộ. Vị này có viết cho tôi một thơ rào trước đón sau rất cẩn thận rồi mới đưa ra đề nghị sửa đổi một số chỗ mà ông ta muốn góp ý để làm cho dịch phẩm hay hơn. Và nhân vật này đã góp ý rất ít, có gần 20 trang viết thôi. Điều đáng buồn là gần 20 trang góp ý của ông ta, tôi chỉ sử dụng được duy nhất 1 điểm là tôi đã nhầm tỉnh Hà Giang là một con sông, và tôi đã cảm ơn ông về việc đó, còn tất cả các đề nghị sửa đổi khác đều phải hoàn trả lại ông vì hầu như tất cả đều có công dụng sửa lành thành què, thậm và chí có một chổ mà ông ta muốn dịch chàng Trương Chi thành “the Trương Chi guy” (chữ guy này có nghỉa là , là tên) . Tuấn thấy không? Tội nghiệp cho anh Trương Chi, người thì thật xấu hát thì thật hay quá, vì khi không bị gọi là gã,tên Trương Chi, nghe quá ư là phản cảm… “ Về vụ này bạn tôi đã tỏ ra thông minh đột xuất khi anh tìm ra một cách để nhà thơ nhờ dịch tức tốc bỏ ý định sử dụng sự góp ý của nhân vật nọ: đó là bạn tôi đã gom trong những trang đề nghị sửa của nhân vật đó được tổng cộng 7 câu tiếng Anh không hề có trong tự điển nào của Anh, kể cả trong những tự điển không rút ngắn (Unabridged) nặng trên 10 kí của nhà Webster. Và anh đã nói với nhà thơ rằng:”Chỉ cần sự hiện diện của một chữ không có trong tự điển tiếng Anh, cũng đủ làm tiêu tan giá trị một bản dịch”. Kết cục là bạn tôi đã giữ nguyên được khuôn mặt tươi tốt của đứa con tinh thần của mình.

Và bạn tôi tiếp tục kể tiếp về vấn nạn thứ nhì mà anh đã gặp phải và cũng đã vượt qua được:

“Hồi đó mình có dịch một cuốn thơ trong đó có 2 từ “biển khơi”. Để dịch mình đã dùng mấy chữ “open sea” và “high sea” là những từ chính xác để chỉ “biển khơi”, “biển cả”, nhưng người biên tập đã sửa vào bản thảo là “deep sea”. Thấy vậy việc đầu tiên là mình đem ngay chỗ sửa của biên tập viên đó đi làm photocopy để có “tang chứng vật chứng” , kế đó mình viết ngay kế bên lời bình:”ra xa, xuống sâu để thăm vua Thủy Tề à!” Người biên tập sau khi thấy có lời bình như vậy liền gọi điện thoại lại trách cứ “Tôi làm nhiệm vụ của tôi vì cớ gì bác viết như vậy?” Mình liền bảo cô ta:”Nếu cô sửa đúng thì tôi cảm ơn ngay, nhưng đây từ “deep sea” không chính xác, và cô đã sửa lành thành què, làm tổn thương đứa con tinh thần của tôi, nên tôi phải lên tiếng”, nhưng cô ta đưa ra lý luận là biển cả biển khơi thì phải sâu làm sao mà không sâu được và dọa sẽ giữ nguyên từ đã sửa khi in ra sách. Sau một lúc lời qua tiếng lại, mình đã bảo cô ta:”Nếu mà cuốn sách in ra có hai từ “deep sea” thì cô ráng mà lãnh trách nhiệm nhé! Cô có biết rằng Việt Nam ta có một cái Phủ Khai Phong to bằng năm cái Phủ Khai Phong của ba tàu, và một ông Bao Công béo gấp năm Kim Siêu Quần của tàu không?” Thấy mình nói vậy cô ta hỏi:”Bác nói gì tới Phủ Khai Phong với Bao Công? Bác có ấm đầu không? Có bình thường không? Mình trả lời:”Rất bình thường và minh mẫn để xin giải thích cho cô hay là cái Phủ Khai Phong to gấp năm của ba tàu là “cả nước Việt Nam chúng ta”, và trong cả nước không người này biết thì cũng có người khác biết là “deep sea” là sai , còn ông Bao Công béo gấp năm Kim Siêu Quần của tàu là CÔNG LUẬN là BÁO CHÍ cô biết không? Mà tôi thì không quá xa lạ với Báo Chí, chỉ cần cuốn sách in ra mang hai chữ “deep sea” của cô là tôi đưa toàn bộ chuyện này lên báo… Kết quả là cuốn sách được in ra không có 2 chữ “deep sea”!

Trong công việc dịch thuật của anh, bạn tôi tối kỵ việc đưa nhờ người ngoại quốc hiệu đính và việc đứng tên chung với anh Mỹ, chị Mỹ nào. Đơn giản là vì nếu ngưởi Mỹ đó không hoạt động trong lãnh vực thi văn, thơ phú thì anh hay chị ta sẽ chỉ có thể làm hại. chứ chẳng giúp làm cho bản dịch hay hơn được chút nào. Tôi đã được đọc một bài viết ở trên mạng của bạn tôi trong đó anh đã đưa ra một bằng chứng vô phương chối cãi là một chị Mỹ nào đó đã can đảm dịch chữ “khôn” trong câu “như khôn ngăn được giọt lệ” thành ra “wisdom” là “sự khôn ngoan”! Bạn tôi còn bảo tôi:”Tuấn ạ, dù anh bạn hay chị bạn có thông hiểu lãnh vực thi văn đi nữa, thì những cách họ sửa cũng sẽ “chắc như bắp” là sẽ làm bản dịch xa nguyên bản hơn…

Bạn tôi lúc này đã nhất định “rửa tay gác… bút” vì bạn đã đóng góp tổng cộng 20 bản dịch, để sau này … kể công với Mẹ Âu Cơ. và từ nay, bạn sẽ dành tất cả những ngày còn lại, mà bạn tin là còn nhiều lắm, để đọc hàng ngàn cuốn sách bạn rất thích mà chưa có thời giờ đọc…


BẠN TÔI X

    Sáng hôm chủ nhật tuần trước, ngồi chơi với bạn tôi trên bãi biển ở Vũng Tàu, tôi hỏi thăm anh về công việc của anh lúc này ra sao, và được anh cho biết là anh đang tự cho mình được nghỉ trong 6 tháng để chỉ rong chơi và đọc sách, sau đó tính sau… Tôi hỏi tiếp:” Vậy lúc này anh đi như ngựa vía và ít khi có nhà phải không?” Anh đáp:” Lúc này trái lại, tôi rất ít khi đi ra ngoài, và cảm thấy rất hạnh phúc khi không phải ra đường, vì lúc này trời oi bức quá!” - “Vậy thì lúc này ở nhà anh làm gì? Chắc là cả ngày ôm cái máy tính hả, hay là xem phim Hàn quốc?” Anh cười và nói:” Cậu nói đúng mình lên mạng luôn nhưng mỗi lần chỉ để xem có thơ không thôi, thời gian còn lại đúng là mình xem phim, nhưng không phải phim Hàn quốc mà là phim Đại Việt.” Tôi bảo anh:” Anh có gan xem phim Đại Việt thì anh giỏi thật, thiên hạ lúc này chỉ ham xem phim Đài Loan, Hàn Quốc, ít ai xem phim Đại Việt!” Anh giải thích:”Đấy là vì cậu không biết, người mình có nhiều phim rất ư là hấp dẫn, đâu có thua gì Hàn Quốc hay Đài Loan? Mình xem rất thích, ngoại trừ một điều làm mình hơi buồn.” Tôi xen vội vào, và ngắt lời anh:” Biết ngay mà! Anh thì lúc nào chả ngoại trừ… chả nhưng mà…chả tuy nhiên…” Đến lượt anh ngắt lời tôi:” Muốn biết cậu xét đoán tôi như vậy là có đúng không, cậu cần biết điều gì làm tôi buồn với phim Đại Việt đã rồi hãy nói vậy!” Tôi hưởng ứng ngay vì thấy anh nói có lý:”Vâng xin anh kể cho nghe điều gì làm anh buồn.” Anh chậm rãi nói:” Cậu biết không, trong mỗi phim người xem sẽ phải nghe ít lắm cũng là trên 20 chục lần Ô Kê (OK), Oao, (Wow), và Bái bai (Bye- bye) khiến mình có cảm tưởng là các diễn viên không phải là người Việt mà là Mẽo nai (Mỹ lai). Đã thế lại còn rất nhiều lúc kể cả con nít lẫn thanh niên, đều văng những bàn tay ra phía trước, đập vào những bàn tay của những bạn bè đối diện rồi loe miệng hét to de…e (yeah!), nghe mà muốn chạy vô nơi đó… để Lê văn Nôn và Trần văn Ọe. Nói tới đây anh nhìn tôi với ánh mắt buồn buồn và nói :” Cứ đà này rồi những thế hệ sau con cháu chúng ta sẽ lên đường để tiến xa hơn trên con đường … mất gốc. “ Rồi anh nói thêm:”Cậu biết không, ngay lúc này đi ra ngoài phố cũng hơi bị buồn vì có những đoạn đường trên đó đầy nhóc các bảng hiệu bằng tiếng Anh, chả thấy bóng vía tiếng mẹ đẻ mình đâu cả, mà có phải là thứ tiếng Anh bình thường đâu? Có những chỗ dùng những thứ tiếng Anh, ngoại nhân đọc phải cũng muốn xỉu luôn! Trước đây mấy chục năm mình nhớ đã có lần nhà nước ra lệnh phải bỏ hoặc để tiếng Anh một cách hợp lý trên các bảng hiệu, nghĩa là tiếng Việt phải để lên trên, và phải để to hơn tiếng nước ngoài. Được một thời gian ngắn rồi dần dần, và ngay giờ phút này, lại vũ như cẩn và còn tước hơn trệ nữa, khiến cho mình khi ra đường, đang đi trên đất nước quê hương yêu dấu mà cứ có cảm tưởng xấu là mình đang đi ở tiểu bang Oklahoma, O-kla- hô-quỷ gì ở mãi tận bên nước người vậy. Rồi! cậu thấy cậu đã vội xét đoán hơi sai về tôi chưa?” Tôi phải công nhận là anh nói có lý, vì đúng là đáng buồn khi đi trên quê cha đất tổ mà có cảm tưởng mình đang lạc lõng trên đất nước quê người. Điều anh kể làm tôi nhớ tới một chuyện tức cười mà một mẫu hậu của tôi một hôm kể lại cho tôi nghe. Bà ta kể rằng một bữa bà ta đi với Tước, một người bạn khác của tôi, và là em họ của bà ta, vào một cửa hàng ở trên phố và thấy cửa hàng đó để ngay trên cổng ra vào ba chữ “Shop and Go”. Bà ta hỏi Tước ba chữ đó có nghĩa tiếng Việt là gì, vì bà không biết tí tiếng Anh nào, thì bà ta được Tước dịch cho nghe là ba chữ đó có nghĩa là “Mua rồi xéo” vì Tước giải thích: mua xong thì cuốn xéo về nhà, chứ chả lẽ ở lại tiệm của người ta … mà ăn vạ à! Nhớ lại chuyện này tôi vội xin lỗi bạn tôi, và hỏi thăm anh về một cuốn thơ tình gồm chín bài mà anh đã dịch cho một nhà thơ rất nổi tiếng từ mấy năm trước ,nhưng mới được in, và mới được Trung Tâm Văn Hóa Ngôn Ngữ Đông Tây giới thiệu mấy ngày trước đây bằng một buổi lễ cho ra mắt tập thơ. Tôi hỏi vì tôi có xem trên mạng buổi lễ giới thiệu đó, có thấy tên anh phụ trách bản dịch tiếng Anh và tên một nhân vật rất quen thuộc phụ trách bản dịch ra tiếng Pháp, vì đây là một tập thơ tam ngữ Việt-Anh-Pháp.Thấy tôi hỏi về tập thơ Trinh Thiêng mới được in và giới thiệu, anh cho biết đương nhiên là anh cũng vui vui mỗi khi có thêm được một đứa con tinh thần, tuy nhiên niềm vui không được toàn vẹn cho lắm. Tôi hỏi tại sao và được anh giải thích như sau:
        “Cậu biết không, tuy mình không quen biết gì người dịch phần tiếng Pháp cuốn Trinh Thiêng, mà mình thì là người dịch phần tiếng Anh, nhưng mình biết ông ta hơn mình hai tuổi,và là một nhân vật rất quen thuộc; nhất là gần đây mình có được đọc mấy bài ông ấy góp ý vể mấy bản dịch trên trang web Vanchuongviet mà mình thấy thinh thích, nên khi thấy tên ông ta nằm chung trong cuốn Trinh Thiêng, mình thấy vui vui và yên tâm lắm, nhưng tiếc rằng khi nhà thơ tác giả gửi sách tặng, thì mình thấy bớt vui vì có mấy chỗ bản dịch của ông ấy khác với bản dịch ra Anh ngữ của mình, mà trong cùng một cuốn thơ mà hai bản dịch ra hai ngôn ngữ khác nhau không phù hợp thì hơi buồn cho cả tác giả lẫn những người dịch. Tôi bảo anh:” Khi nào về anh làm ơn cho mình xem các điều khác biệt đó ra sao?” Anh bảo tôi:” Được rồi! Tôi cho cậu xem liền.” Miệng nói tay anh thò vào túi xách để ngay dưới chân cái ghế xếp anh ngồi, thì ra đi chơi nhưng anh cũng mang tập thơ theo để đọc. Và sau dây là mấy điều anh thắc mắc:
        1/ Nơi trang 1 của cuốn thơ Trinh Thiêng. Trong bài thơ nhan đề là Ân Phúc Thơ, dòng đầu tiên (ngay dưới tựa đề) nhà thơ BMQ viết: ”Lăn lóc nghìn đêm lửa đạn” và câu này đã được chuyển ngữ sang tiếng Pháp là ”Mille et une nuits dans le feu de la guerre”.
        2/ Trang 10 trong sách ngay dưới tên bài thơ Giấc Xuân, nhà thơ có lời đề tặng:”Tặng các bạn cùng thế hệ của tôi”, câu này được dịch ở trang 12 là:”Aux amis de mon âge”
        3/ Trang 30 trong sách, tựa đề bài thơ ”Trinh Thiêng” được dịch sang Pháp văn là “Virginité sacrée”.
        Bạn tôi cho biết anh thắc mắc là sao “Nghìn đêm” lại thành “Mille et une nuits” là Một nghìn lẻ một đêm ? Tại sao “cùng thế hệ” lại thành “de mon âge “ là “trạc tuổi tôi” (Ngoài định nghĩa là tuổi, chữ “âge” chỉ còn có nghĩa là thời đại). Và sau cùng là hai chữ Trinh Thiêng lại được chuyển ngữ thành “Trinh tiết” trong khi nhà thơ muốn nói tình yêu trong thơ của ông là trinh thiêng.
        Nghe anh nói tôi cảm thấy các thắc mắc của bạn tôi là có cơ sở, nhưng biết làm chi được khi cuốn thơ đã được in ra và phát hành, tôi đành an ủi khéo bạn tôi là “biết đâu khi tôi đưa bài này lên mạng, người dịch sẽ tình cờ đọc được, và lên tiếng giải đáp những thắc mắc của anh.”
        Nghe tôi an ủi khéo, anh mỉm cười, nhún vai và nói :”Có thể lắm…”

BẠN TÔI XI

hay là “Làm thế nào để có một sưu tập KIỀU thật ấn tượng”

Tối hôm qua tôi và bạn tôi tính đi xem một buổi ca nhạc tại nhà hát lớn, nhưng đã không đi được, vì giá vé từ 500.000 tới 2.500.000; thấy giá vé quá mắc, hai chúng tôi đi uống cà phê tại một cái quán mới mở ở gần nhà bạn tôi. Lợi dụng lúc nhàn rỗi, tôi nhờ bạn tôi giúp cho một ít kinh nghiệm trong việc làm sưu tập Kiều, vì tôi biết là anh rất thông thạo trong vấn đề này. Anh hỏi tôi tại sao lại nẩy ra ý định làm sưu tập Kiều, và tôi đã cho anh hay là vừa mua được một sưu tập nhỏ tại một tiệm sách cũ, và tôi hiện có ý định mua thêm để dần dần gây dựng thành một sưu tập lớn. Tôi ngỏ ý nhờ anh chỉ cho cách phân chia và sắp loại như thế nào, đồng thời cũng muốn hỏi anh những cuốn Kiều nào là quý hiếm nhất, giá trị nhất, và đắt nhất. Anh vui vẻ nhận lời và cho biết anh rất vui khi thấy tôi bắt đầu chia sẻ với anh niềm vui sưu tập Kiều. Sau khi uống một hai hớp cà phê anh đã giảng giải cho tôi như dưới đây:

“ Tuấn biết không? Việc sưu tập và chơi sưu tập ở nước ta tuy có, nhưng không nhiều. Phần lớn người Việt mình chỉ sưu tập quanh quẩn có mấy món chính như Tem, Bưu thiếp, Ống điếu, Tranh, Sách … Nhưng, thực ra với những người thích sưu tập thì cái quái gì cũng có thể được sưu tập hết, CÁC MÓN ĐỒ SƯU TẬP NẾU CHỈ LẺ TẺ VÀI ĐƠN VỊ THÌ KHÔNG CÓ GIÁ TRỊ GÌ, NHƯNG KHI SƯU TẦM ĐƯỢC SỐ LƯỢNG LỚN, VÀ CÀNG NGÀY CÀNG LỚN HƠN, THÌ CHÚNG ĐÃ ĐƯƠNG NHIÊN TRỞ THÀNH MỘT BỘ SƯU TẬP, VÀ CŨNG ĐƯƠNG NHIÊN CÓ MỘT GIÁ TRỊ LỚN. Giá trị của các bộ sưu tập KHÔNG NHẤT THIẾT DO SỐ TIỀN ĐÃ BỎ RA, MÀ LÀ DO SỐ LƯỢNG THỜI GIAN ĐÃ BỎ RA VÀ NHẤT LÀ SỰ HIỂU BIẾT VỀ VẬT ĐƯỢC SƯU TẤM MÀ NGƯỜI CHƠI CÓ ĐƯỢC. Bây giờ tôi xin nói về vấn đề sưu tầm và làm sưu tập Kiều. Thú chơi này có nghĩa là tìm cách thu gom lại tất cả các loại sách truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, được chú giải bởi hằng hà sa số các tác giả khác nhau, bằng chữ Quốc Ngữ, bằng Hán Nôm, cũng như bằng các ngoại ngữ khác. Đồng thời cũng tìm cách gom lại tất cả những sách vở bất cứ thuộc lãnh vực nào như văn hóa, lịch sử, phong tục, trào phúng vv…miễn là trong những sách đó có những trang, những đoạn có nhắc tới truyện Kiều, hoặc tới cụ Nguyễn Du. Sau đó lại cũng cần thu gom tất cả các loại báo ngày, báo tuần, nguyệt san, giai phẩm vv… cũng có bài viết liên quan tới nàng Kiều hoặc cụ Nguyễn Du. Trong thời gian mấy chục năm gần đây, đã có cả những sách bằng ngoại ngữ có nói tới Kiều của nhiều nước khác nhau như Nhật, Đức, Tây Ban Nha, Hàn quốc vv…

Một sưu tập lớn và ấn tượng, thường được thực hiện qua hai phương thức dưới đây:

A/ Sưu tập được bắt đầu bằng vài cuốn và được tiếp tục gia tăng.

B/ Sưu tập được bắt đầu nhờ may mắn mua ngay được một sưu tập nhỏ để làm nồng cốt sau đó tiếp tục phát triển lớn dần. Anh bảo tôi:”Trường hợp của Tuấn là trường hợp B, Tuấn ạ”. Rồi anh tiếp tục giảng giải:

Khi bắt tay vào việc sưu tập, người sưu tập phải biết PHÂN LOẠI CÁC THÀNH PHẦN CỦA BỘ SƯU TẬP.

Trước nhất phải chia như sau đây:

A/ Các loại truyện Kiều cũ và mới bằng đủ thứ ngôn ngữ, và đương nhiên là bằng tiếng Việt là chính.

B/ Các thứ sách cũ và mới Ở TRONG CÓ BÀI VIẾT LIÊN QUAN TỚI KIỀU VÀ CỤ NGUYỄN DU bằng đủ thứ ngôn ngữ.

C/ Các loại báo tháng, báo tuần, báo ngày, cũ và mới, bên trong CÓ BÀI VIẾT LIÊN QUAN TỚI KIỀU VÀ CỤ NGUYỄN DU, bằng tiếng Việt và các ngôn ngữ khác.

D/ Các thứ đồ vật có minh họa, đề tài liên quan tới Kiều và cụ Nguyễn Du, thí dụ như guốc vẽ Kiều, bình hoặc đĩa bằng sứ vv…

Với các phần A, B. và C nói trên, sau khi đã được phân loại rồi, người sưu tập lại phài tiếp tục PHÂN CHIA Ở MỖI LOẠI như sau:

Loại A. Phải để riêng các thứ Kiều bằng chữ Quốc ngữ - bằng chữ Nôm – và các thứ Kiều bằng các ngoại ngữ như Pháp, Anh, Đức, Nhật Bản, Hàn quốc vv…CẦN PHẢI SẮP LOẠI NÀO VÀO LOẠI ĐÓ, và ở loại nào thì cũng phải SẮP THEO NIÊN KỶ, và MỨC ĐỘ QUÝ HIẾM, ví dụ như các bản chữ Nôm: Liễu Văn Đường tàng bản năm thứ 19 đời Tự Đức (1866) – Bản Nọa Phu gốc Huế (1870) – Bản Liễu Văn Đường (1871) – Bản Quan Văn Đường (1879). Và các bản chữ Pháp như bản Abel des Michels (1884) – Bản Nordemann (Ngô Đế Mân) năm 1897 vv… Tóm lại nên để những bản niên kỷ cao và quý hiếm vào với nhau, sau đó mới tới các bản thời Tiền chiến (trước năm 1945), thời tiền Giải Phóng (trước năm 1975) và cuối cùng là các bản từ 1975 cho tới nay.

Loại B. Với các loại sách kim, cổ, có chứa đựng tài liệu liên quan tới nàng Kiều và cụ Nguyễn Du, có thể là cả cuốn, hoặc là một chương trong cuốn, hoặc là chỉ vài trang, ta cũng nên sắp theo các giai đoạn và ngôn ngữ như ở loại A.

Với loại B này, tức là CÁC LOẠI SÁCH NÓI VỀ KIỀU VÀ CỤ NGUYỄN DU, hoặc có lời bàn hay phê bình về Kiều, tóm lại là có những dòng, những đoạn, nói về Kiều và cụ Nguyễn Du, ta có thể nói là GIỜ ĐÂY CÓ RẤT NHIỀU, nên người sưu tầm cần phải biết cách (và sau đây là cách duy nhất) LÀ CHỊU KHÓ XEM MỤC LỤC, hoặc cẩn thận hơn nữa thì CHỊU KHÓ ĐỌC LƯỚT QUA , để hễ thấy có nhắc tới Cụ hay Nàng thì phải ẵm về. Loại sách này cho tới giờ phút này có thể ước lượng khoảng trên 3000 cuốn, và với thời gian số lượng sẽ chỉ tiếp tục gia tăng chứ không giảm. Với các loại sách này người sưu tầm, ngoài việc chăm chỉ tìm kiếm còn phải là người tinh mắt và có trí nhớ tốt. Nói tới đây Bạn tôi bảo tôi:” Để mình kể cho Tuấn nghe một thí dụ về điểm này:Một bữa

mình bắt gặp cuốn Phi Lạc sang Tàu của Hồ Hữu Tường ở một tiệm sách cũ, mình dọc lướt qua ,và thật bất ngờ khi thấy trong cuốn tiểu thuyết hài cấp cao, có đầy hơi hướm cô “Chị” hôi rình này lại có 4 trang bàn về truyện Kiều, nhưng mình đã không mua ,vì nhớ rõ là mình đã có một cuốn ở nhà. Mình nghỉ bụng khi về sẽ tìm ngay cuốn sách để ghi lên trang đầu thông tin về những trang này, đồng thời ghi luôn cả số của những trang đó. Nào ngờ vừa về đến nhà thì có hai người bạn ở Pháp về tới thăm, sau đó mời mình đi ăn cơm luôn. Nhưng rồi lúc về đến nhà đã gần 9 giờ tối mà mình vẫn nhớ lấy cuốn Phi Lạc sang Tàu ra để ghi là đoạn nói về Kiều nằm ở các trang 109 tới 112, TUẤN THẤY TRÍ NHỚ CỦA MÌNH TỐT KHÔNG?”

Rồi anh tiếp tục dẫn giải tiếp về loại C.

Loại C. Các loại báo tháng, báo tuần, báo ngày kim cổ CÓ BÀI VIẾT VỀ KIỀU HOẶC VỀ CỤ NGUYỄN DU. Cần phải phân loại theo ngôn ngữ, niên kỷ, và thời kỳ như hai loại trên. Tuy nhiên, với các thứ báo thì cần phải có thêm một động tác nữa là phải sắp xếp các BÁO DANH TIẾNG GIÁ TRỊ VÀO VỚI NHAU. Chằng hạn

ta chẳng nên để một tờ NAM PHONG nằm cạnh một tờ Sáng Tạo hồi trước, đồng thời cũng không thể để các báo danh tiếng như Phong Hóa, Ngày Nay, Tri Tân, Thanh Nghị chung với những tờ Văn Nghệ lúc trước được. Tóm lại cần phải cân nhắc, sắp xếp những tờ có giá trị lớn chung với những tờ có giá trị lớn và những tờ lá cải chung với những tờ lá cải. TUY NHIÊN DÙ LÀ BÁO GÌ ĐI NỮA, HỄ CHÚNG CÓ CHỨA ĐỰNG BÀI VIẾT LIÊN QUAN TỚI CỤ VÀ NÀNG THÌ TA VẪN NÊN GIỮ.

Khi để trong các tủ, CẦN ĐỂ NHỮNG BÁO CÓ GIA TRỊ LỚN Ở NHỮNG NƠI TRANG TRỌNG NHẤT, VÀ LẤY RA CẤT VÔ DỄ DÀNG NHẤT vì ta sẽ có rất nhiều cơ hội để bạn bè chiêm ngưỡng và tham khảo thường xuyên.

Kinh nghiệm cho biết là ngay giờ phút này, nếu ta để tâm sưu tầm THÌ TRUNG BÌNH TRONG 1 TUẦN LỂ SẼ CÓ ÍT NHẤT LÀ 5 TÀI LIỆU NỐI VỀ KIỀU VÀ CỤ NGUYỄN DU TRÊN CÁC SÁCH BÁO. Do đó khi chơi sưu tập Kiếu, người sưu tập ĐANG CHƠI MỘT SƯU TẬP SỐNG và nó càng ngày càng trỡ thành lớn, thành nhiều nếu người chơi rành cách sưu tập.

Việc sưu tầm như các phương cách nói trên khác hẳn việc sưu tầm theo cách CẮT VÀ DÁN vì cách sưu tầm đó CHỈ CÓ MỘT CÔNG DỤNG NHẤT ĐỊNH CHỨ KHÔNG ĐA CÔNG DỤNG cho người chơi NHƯ LÀ CÁCH SƯU TẦM NGUYÊN CUỐN SÁCH,NGUYÊN TỜ BÁO, lý do đơn giản là NGOÀI CÁC TÀI LIỆU VỀ KIỀU VÀ CỤ NGUYỄN DU, CÁC SÁCH BÁO NGUYÊN CUỐN, NGUYÊN TỜ CÒN CHỨA ĐỰNG HÀNG VẠN, HÀNG TRIỆU THÔNG TIN VÀ TÀI LIỆU VỀ ĐỦ MỌI LÃNH VỰC KHÁC.

Hơn nữa sưu tầm nguyên cuốn sách, nguyên tờ báo, người sưu tầm sẽ có trung bình năm sáu tủ sách trông thật đã mắt, thay vì chỉ có vài ba cuốn albums trông chẳng ấn tượng gì.

Giá trị tinh thần của những sưu tập lớn thì CÓ THỂ NÓI LÀ VÔ GIÁ, KHÔNG THỂ TÍNH BẰNG TIỀN, nhưng còn giá trị vật chất, kinh tế thì cũng không phải là nhỏ, và đây CHÍNH LÀ BUÔN THẤT NGHIỆP LÃI QUAN VIÊN, vì khi chỉ mới lẻ tẻ ít cuốn, ít chục thứ thì giá trị chẳng là bao nhiêu, NHƯNG KHI ĐÃ SƯU TẬP ĐƯỢC VÀI NGÀN CUỐN ĐỂ TRONG 5, 6 TỦ THÌ ĐÃ LÀ CẢ MỘT TÀI SẢN LỚN!

Thú sưu tầm và làm sưu tập Kiều chính là một thú vui vừa mang lại lợi ích tinh thần vừa giúp người sưu tập CÓ ĐƯỢC THỨ MÀ KHÔNG PHẢI BẤT CỨ AI CŨNG CÓ THỂ CÓ!

Nghe bạn tôi dẫn giải xong, tôi khoái quá và mời anh ghé xem sưu tập nhỏ mà tôi mới mua được, anh vui vẻ nhận lời, và trưa nay, sau khi tôi mời anh đi dùng cơm, anh đã ghé và sắp xếp đâu ra đó trên 100 cuốn sách báo trong sưu tập nhỏ của tôi TRONG CÓ NỬA GIỜ ĐỒNG HỒ, khiến tôi phục anh quá! Tôi hỏi anh:” Anh có thể cho biết những cuốn Kiều được dịch ra Pháp văn hay nhất là những cuốn nào?” Anh nói:”Với trên mười cuốn Kiều được dịch ra Pháp văn, vừa của những người dịch cũ, lẫn cùa những người dịch mới, tôi chỉ thấy và tin tưởng được có 4 cuốn, 3 cuốn từ rất lâu về trước và 1 cuốn thời nay; ĐÓ LÀ NHỮNG CUỐN CỦA ABEL DES MICHELS (1884), cuốn của NGUYỄN VĂN VĨNH (1944) VÀ CUỐN CỦA RENE CRAYSSAC (1926), cuốn này được dịch ra thơ Alexandrin (12 chân). CÒN CUỐN MỚI NGAY LÚC NÀY LÀ CUỐN CŨA BÁC SĨ NGUYỄN KHẮC VIỆN, còn những cuốn còn lại thì tôi hơi bị ít thích thú, sưu tập để cho có, chứ tôi ít khi mất thì giờ giở ra đọc. Nhờ anh, tôi đã mạnh dạn bước trên con đường sưu tầm Kiều, và đã tự hứa với lòng mình là sẽ tận dụng những điều anh chỉ bảo…

BẠN  TÔI  XII

     Bạn tôi các số X và XI đã nói về các truyện có rất ít tính cách “truyện vui thời @”, nên Bạn Tôi số XII này xin dành để nói về một vài cách xử thế rất ư là lạ và tếu của bạn tôi mà chư vị độc giả có thể coi như những truyện vui nói trên.

      Hôm qua, tôi ghé thăm bạn tôi, và trong lúc chúng tôi đang trò chuyện với nhau thì có tiếng điện thoại reo. Tôi đứng dậy tính đi ra chỗ khác để bạn tôi nói chuyện, nhưng anh ra hiệu bảo tôi cứ ở nguyên chỗ cũ. Tôi tuân lời ngồi tại chỗ và, dù không muốn. cũng phải nghe thấy những gì anh nói. Sau mấy giây người gọi nói, tôi thấy bạn tôi nói:” Thôi cháu ạ, chú xin lỗi không thỏa mãn yêu cầu của cháu được, cháu biết vì sao không? Vì sau 9, 10 lần được báo đài các cháu phỏng vấn và quay phim, nhất là sau lần gần đây nhất, chú đã tự thề với chú là sẽ “ lê văn cạch một mạch tới già” cháu ạ!” Nói xong anh cúp máy. Tôi hỏi anh, ai gọi và chuyện gì mà anh đòi “lê văn cạch một mạch tới già”? Mà anh chưa già à? Anh cười và trả lời:”Để tôi trả lời câu hỏi số hai của Tuấn trước :”Ai chứ tôi thì còn rất lâu mới già, mới 26 tuổi lần thứ ba thì làm sao mà già được, hơn nữa ai bắt được tôi phải già ngay? Thượng Đế cũng có bắt mình già ngay đâu? Những người đàn ông theo đúng nghĩa có thể trẻ cho tới hơi thở cuối cùng!“ rồi anh cho biết là người gọi là một nữ phóng viên của một đài truyền hình muốn tới phỏng vấn anh về Câu Lạc Bộ Sách Xưa và Nay mà anh là chủ nhiệm, và muốn quay phim mấy sưu tập sách quý sách cổ của anh. Tôi hỏi anh :”Một cơ hội tốt như thế cớ sao anh lại từ chối? Trên đời này khối kẻ mất khối tiền mới được lên tivi, anh có cơ may không mất tiền mà vẫn được đưa lên, sao lại từ chối. Anh chậm rãi trả lời:” Tuấn nghe kỹ những gì tôi giải thích nhé:” Trước nhất Tuấn nói “khối kẻ mất khối tiền mới được lên tivi”, Tuấn nói đúng, nhưng cậu không chịu suy nghĩ kỹ để thấy rằng chuyện mất khối tiền mới được lên tivi là chỉ có xảy ra ở nước ta, còn ở nước ngoài thì kẻ đến phỏng vấn và quay phim phải trả khối tiền cho người được họ xin phỏng vấn và quay,còn với những nhân vật cộm cán như Clinton chẳng hạn thì người phỏng vấn và đòi quay phải trả tiền mệt nghỉ! Ở ta thì hiện nay, có những kẻ phải trả rất nhiều tiền mới được lên tivi, Tuấn nói đúng, đơn giản là vì họ cần phải tự quảng cáo, và cần được đưa lên, do đó họ phải trả nhiều tiền. Còn những người như tôi thì chỉ là một dạng đề tài ít nhiều hấp dẫn mà báo đài thích đưa lên nhưng cũng chẳng được một xu chết tiệt nào, ngoại trừ một cái đĩa DVD, mà có lúc cũng chẳng có! Tôi nói:” Ôi nhưng dù sao thì có phải ai cũng được lên tivi đâu? “ Anh trả lời :”Phải, nhiều năm trước mình cũng nghĩ như cậu vừa nói, và đã chấp thuận cho quay và phỏng vấn tổng cộng 9 lần bởi nhiều báo đài khác nhau, nhưng qua những lần quay đó mình đã phải chịu đựng một số điều oan ức, khó chịu mà mình sẽ cho Tuấn biết ngay sau đây. Nghe hết, cậu sẽ dễ dàng hiểu tại sao tôi đã từ chối bằng câu “:Lê văn cạch một mạch tới già” cậu bạn vàng của tôi ạ!

    Và anh bắt đầu kể:” Cậu biết không, có một lần một đài, xin miễn cho tôi phải nhắc lại là đài nào, nhưng cậu dư biết là tôi chẳng bao giờ thèm nói xạo. Ngày hôm họ tới phỏng vấn và quay, tôi đã mở toang tủ sách chứa đựng 400 cuốn sách cổ hồi thế kỷ thứ 19 của tôi và nhắc đi nhắc lại số lượng là 400 cuốn, nhưng đến hôm được phát hình trên đài đó cho cả nước xem, cô phát ngôn viên mặt đẹp như hoa, đã nói dẻo quẹo là 2000 cuốn, nghĩa là số sách được nhân lên gấp năm lần! Đúng là tôi bị oan “Thị Mè” không? Các bạn tôi gọi điện thoại trách tôi tới tấp :”Gớm! không ngờ ông xạo thế!” – “400 mà phịa thành 2000, bó tay với ông!” – tôi chỉ còn một cách là kêu oan, nhưng may thay vì các bạn tôi hiểu tôi, nên ai nấy đều cười và khuyên “bận sau nghỉ… dại nhé!”. Một lần khác, nếu tôi không lầm là lần thứ 5, cách đây ba năm, khi cô phóng viên hỏi tôi về giá sách cổ tôi có nói với cô ta là ở Pháp chẳng hạn, những cuốn sách được gọi là sách hiện đại do các danh họa minh họa (livres modernes de peintres), mỗi cuốn giá trung bình phải bằng cả chục lượng vàng ở nước ta, nhưng đến ngày phát hình, không biết họ cắt xén điều chỉnh thế nào mà câu trả lời của tôi biến thành “ những bộ tự điển bách khoa trong tủ sách gia đình của tôi trị giá hàng chục lượng vàng”, giá tiền của những sách hiện đại do các danh họa minh họa ở bên Pháp, bỗng được gán cho những bộ bách khoa tự điển trong tủ sách gia đình của tôi! Tôi tự nhiên bị biến thành một xạo gia hơi bị ít giỏi vì ở ta, và ngay ở ngoại quốc, cũng làm quái gì có những bộ bách khoa đáng giá hàng chục cây vàng; thực là ít khôn khi đưa đầu ra hứng chịu những sự ít giỏi ở đâu đó rớt xuống! Đấy là lần thứ hai tôi bị “oan Thị Mè”. Và vào lần áp chót, lần thứ 8, cách đây hơn một năm, một anh nhà báo trông khá hiền lành tử tế tới phỏng vấn tôi về tủ sách gia đình của tôi đả có lần được giải Ba trong cuộc thi Tủ Sách Gia Đình lần thứ nhất năm 2006 trong Hội Sách lần thứ IV. Tôi trò chuyện với anh trong hơn một tiếng đồng hồ với sự hiện diện của một bà bạn của tôi. Trong cuộc trò chuyện chúng tôi có nói về tủ sách của cụ Vương Hồng Sển và ý định hiến sách và lập nhà Lưu Niệm Vương Hồng Sển của cụ, thế nhưng khi bài báo được đưa lên thì ý định của cụ Sển bỗng biến thành ý định của tôi muốn tặng tủ sách cổ của tôi cho một nhà xuất bản nào đó để sách được tới tay công chúng! Tôi lập tức phản ứng ngay bằng cách mail cho Đại diện của tờ báo đó ở chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh, nói là tôi chẳng bao giờ nói và chẳng bao giờ có ý định hiến hiếc cái gì! Tủ sách của tôi có là do mồ hôi nước mắt của tôi, mà tôi đâu có dại mà tính chuyện hiến hiếc để kiếm chút hư danh. Tôi đã được người Đại diện tờ báo đó cho biết là họ sẽ có lời cải chính trên báo… nhưng rồi sau im re luôn. nhưng ít nhất tôi cũng cất được điện thư đó để làm bằng… Và mới đây nhất, chỉ cách đây khoảng 6,7 tháng là một đài nghe nói là tư nhân, nhưng rất có uy tín, đến xin phỏng vấn và quay phim. Đây là lần thứ 9, vừa nghe tôi đã từ chối và cho biết đã quá mệt mỏi với vụ này, nhưng sau vì mấy phóng viên nói mãi tôi đã lại đồng ý cho phỏng vấn và quay. Lần này họ làm rất kỹ và tôi đã phài ngồi chịu đựng suốt hai giờ đồng hồ, mồ hôi mồ kê nhễ nhại mới xong việc và được hứa hẹn sẽ được thông báo ngày giờ phát hình và sẽ được biếu đĩa DVD cuộc phỏng vấn và quay, để rồi từ hôm đó tới nay là … im re luôn! Đó chính là lý do phụ khiến tôi muốn “Lê văn cạch một mạch tới già” với mọi vụ việc này! Tôi hấp tấp hỏi anh:"Còn lý do chính là gì?” Anh cười cười và chậm rãi trả lời:” Lý do chính là “Tôi chỉ cần được lên tivi trong lòng các Mẫu hậu mà thôi!”…

Bạn Tôi XIII hay là

ƯỚC  VỌNG   CHO   TƯƠNG   LAI

   Chiều hôm qua tôi  ghé thăm bạn tôi, và bắt gặp anh đang  ngồi mơ màng suy tư. Ngồi đối diện với anh, tôi hỏi anh suy nghĩ gì mà lung giữ vậy. Anh nói:” Tôi đã 78 và đã có 16 tác phẩm dịch thuật đã được in, và 3 chưa được in để kể công với Mẹ Âu Cơ, với cuộc đời hiện tại, tôi coi như đã làm tròn nhiệm vụ. Điều tôi đang bận tâm là điều tôi muốn dành trọn kiếp sau để thực hiện. Ngoài Tuấn ra, tôi có nhiều anh bạn mong ước trong kiếp tới sẽ đầu thai ở Mỹ, ở Pháp, ở Thụy Điển, còn nếu trở về châu Á thì phải ở Singapore, ở Nhật vv… Mặc cho họ muốn đi đâu thì đi, tôi thì tôi nhất quyết sẽ lại trở về sống thêm một kiếp, và tất cả mọi kiếp khác, nơi quê nhà, nhưng trong kiếp tới, khi  trở lại quê nhà, tôi có một ước vọng mà tôi sẽ dành trọn cuộc đời mới để thực hiện cho bằng được, cho dù phải trả bất cứ giá nào!” Tôi rất quý bạn tôi, nên khi thấy anh nói vậy tôi năn nỉ anh cho biết ước vọng của anh ra sao, để xem có hợp với những điều tôi và các bạn bè của cả hai chúng tôi đang mong muốn không?
    Anh mỉm cười và nói:” Ước vọng mà tôi đang mong ước sẽ thực hiện được rất ư là độc đáo và riêng tư. Do đó, tôi không nghĩ là Tuấn, và các bạn khác đã có thể có lúc quan tâm tới vấn đề tôi mong ước thực hiện được này, nhưng dù Tuấn và các bạn thấy hợp hay không hợp thì tôi cũng sẽ vẫn dành cả cuộc đời sắp tới để làm cho bằng được mới thôi… để được nhắm mắt ra đi một cách thanh thản lúc mãn kiếp sắp tới!”
    Với một người nào khác thì tôi sẽ cho ngay là người này hơi bị hâm hâm rồi, vì còn đang sống sờ sờ, mà lại đi lo chuyện kiếp sau; nhưng với bạn tôi thì tôi hoàn toàn không có ý nghĩ như vậy, vì là bạn của anh từ ngày cùng học trường Henri Rivière cạnh Bưu Điện Hải Phòng, rồi sau đó chúng tôi luôn luôn sống như là có nhau trong suốt 6, 7 chục năm sau, tôi luôn thấy anh là một người sống an nhiên, tự tại, chịu khó học hỏi, rồi từ ngày Giải Phóng đến nay anh  hoàn toàn tự do làm một nghề tự do sạch sẽ. có được một số thành tựu và một số tác phẩm, theo cách anh nói, là để kể công với Mẹ Âu Cơ, cho nên tôi có lý do để tin rằng ước vọng anh đang bận tâm suy tính không phải là cái gì vớ vẩn phi lý, nhưng đồng thời tôi lại nghĩ rằng rất có thể là ước vọng này có tính khôi hài cao, vì anh là người viết lách rất ư là khôi hài, vui nhộn và tếu… hơn nữa anh  luôn là người nghĩ sao viết vậy, cũng như viết sao nghĩ vậy! Trên đời này, ngay lúc này,có thiếu gì kẻ, đằng sau lưng thì chúng chửi tàn độc một đối tượng nào đó, nhưng trước mặt và trên giấy tờ thì chúng lại ca và đưa đối tượng đó lên tận tầng trời thứ bảy!
    Để có thể được anh  chia sẻ điều anh đang bận tâm suy nghĩ, tôi mời anh  đi dùng cơm với tôi tại một quán ăn ở một khu vườn nhỏ rất đẹp. Anh vui vẻ đi với tôi và quả nhiên là khu vườn nhỏ và xinh đẹp đã làm tâm hồn anh vui, nên anh trở nên cởi mở, và anh  đã bật mí cho tôi hay điều anh  muốn thực hiện trong những ngày tới, trong kiếp sống mới. Và dưới đây là toàn bộ những gì anh đã chia sẻ với tôi:
    “Tuấn biết không, điều mà mình ước mong thực hiện cho bằng được trong kiếp sống sắp tới là một chuyện rất nhỏ, rất nhỏ nhưng lại rất khó thực hiện. Chắc Tuấn hơi thấy là lạ, là tại sao mình lại không thực hiện ước mơ ấy ngay lúc này, khi còn sống nhăn, mà lại phải chờ tới kiếp sau? Câu trả lời cho thắc mắc có thể có đó là ngay lúc này, tiếng nói của một lão ông gần kề miệng lỗ như mình, sẽ không được những kẻ mắc bệnh trầm kha để ý thèm nghe. Tôi nói vậy vì ước vọng của tôi là muốn chữa một phần rất nhỏ một căn bệnh trầm kha mà người mình, nhất là giới trẻ, đang mắc phải. đó là bệnh sính ngoại ngữ và thích dùng hai từ Ô kê (OK) của Mỹ. Tuấn thử nghĩ xem, mình là người Việt con Rồng cháu Tiên đang sống trên quê hương mình mà không còn được nghe những từ quen thuộc như “Vâng”, “Được rồi”, “Đồng ý”, nữa mà lúc nào cũng bị nhức tai vì hai chữ Ô kê (OK) mượn của Mẽo. Do đó, tới kiếp sau, với tư thế một người trẻ, mình sẽ dành nhiều thời gian  lên tiếng khuyên răn và nếu cần, sẽ năn nỉ, để người mình trả lại những từ “Vâng”, “Được rồi”, “Đồng ý” rất Việt Nam, rất dễ thương cho … Tổ Hùng Vương!”
    Tôi hỏi anh:” Có vậy thôi mà sao lúc nãy tôi thấy anh ngồi suy tư rất ư là lung vậy? Anh cười cười và nói:” Mình đang nghĩ tới việc tìm một giải pháp gì có thể được dùng để dung hòa, phòng khi người mình không chịu từ bỏ hai từ Ô kê mượn của Mẽo, và này Tuấn ạ, mình đã nghĩ ra một giải pháp rất có thể được chấp nhận, vì nó vừa vui, vừa là lạ. Đó là nếu người mình không chịu đưa hai từ Ô kê ra khỏi tiếng Việt yêu quý của mình thì ta tạm cho chúng ở lại, nhưng phải Việt hóa chúng bằng cách nói là Ô gà (vì kê là gà) cho năm Dậu, còn các năm khác như năm thì là Ô chuột, năm Sửu thì là Ô trâu, năm Dần thì là Ô hổ, năm Mão thì là Ô mèo, năm Thìn thì là Ô rồng, năm Tỵ thì là Ô rắn, năm Ngọ thì là Ô ngựa, năm Mùi thì là Ô dê, năm Thân thì là Ô khỉ, năm Tuất thì là Ô chó, và cuối cùng năm Hợi thì là Ô heo, như vậy ít ra Tổ Hùng Vương cũng nhận ra được những từ như gà, chuột, trâu, hổ, rồng vv… còn về người mình thì mỗi năm mỗi có đổi mới, Tuấn thấy hay không?
    Tôi cố nén cười và trả lời anh  rằng đó cũng là giải pháp hay, còn việc thực hiện được hay không thì…kiếp sau phân giải!
    Đưa bạn tôi về nhà xong, trên đường về tôi bỗng thấy mình đã nghĩ không sai, và rồi tôi bỗng cảm thấy  giải pháp dung hòa của anh không phải là quá dở, trái lại, nếu được áp dụng thì lại rất là vui, nhất là trong những … năm Mùi!

BẠN TÔI XIV

hay là

Vài Dòng về Những Người Bán Sách Cũ
và Những Khu Bán Sách Cũ Ngày Trước

Bạn tôi lúc này đã thật sự nghỉ không làm gì nữa, vì anh cho rằng những đóng góp của anh đã quá đủ để kể công với Mẹ ÂuCơ. Anh là người không tham lam, và anh tối kỵ những kẻ đã đạt được một vị trí rất cao ở một lãnh vực nào đó, mà vẫn còn muốn tỏ ra mình là người đa tài, nên đành phải gian manh thuê người vẽ hộ và làm nhạc hộ vân vân và vân vân rồi… ký tên mình! Bạn tôi cũng rất ít thiện cảm với những vị lúc này thích khoe tiếng Tây, bạ viết cái gì cũng chua một câu hoặc một từ tiếng Pháp đi kèm. Khổ một nỗi là câu thì sai văn phạm, mà từ thì sai chính tả! Hình như ngay lúc này đang có trào lưu “khoe Tây học”, chả là Anh học lúc này quá phổ biến, quá đại chúng rồi, nên chư vị đó quay lại khoe Tây học! Điều đó buồn cho người Việt chúng ta bao nhiêu, thì lại đáng vui cho ngoại nhân bấy nhiêu, vì họ được dịp cười xả láng mỗi khi bắt gặp những điều kỳ diệu như vậy. Đúng ra, nếu những con người đó giỏi Tây học thật, thì không người này biết cũng có người khác biết, cần quái gì phải lê văn khoe! Hơn nữa, ước gì những kẻ đó hiểu được rằng giỏi Tây học, Hán học, hay gì gì học đi nữa thì cũng chẳng có nghĩa lý gì, chỉ có giỏi Ta học mới đáng khoe, đáng kể, đáng tôn trọng…
Sáng nay anh ghé tôi và rủ tôi đi câu. Tôi thì cũng rỗi không kém gì anh, nếu không muốn nói là còn rỗi hơn anh, nên tôi đồng ý (chứ không thèm nói OK) liền! Một giờ đồng hồ sau, hai chúng tôi đã có mặt ở Khu Câu Cá Cà Mau ở ngay chân cầu Rạch Chiếc Q.2. Khác với lúc trước có thể ngồi câu cả buổi, lần này mới sau hơn một tiếng, cả hai chúng tôi đã thấy mệt nên ngưng câu, trở vào ngồi nghỉ và uống cà phê. Tôi hỏi anh:” Về chăng?” Anh bảo tôi:” Không!tôi đã dặn ở nhà là xế trưa mới về và đừng chờ cơm, vậy ta cứ ở đây hưởng khí trời trong mát!”
Mỗi khi có cơ hội ở bên anh lâu lâu như hôm nay, tôi thường hỏi anh về một đề tài nào mà tôi muốn biết,vì bạn tôi biết khá nhiều,và nhớ khá dai. Biết anh là người chơi sách và đang giữ cả ngàn cuốn sách Pháp hồi thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ 20. tôi muốn hỏi anh về những người bán sách cũ từ thời trước tới ngay lúc này, vì thoáng một cái cũng đã đúng một nửa thế kỷ,và hai, ba thế hệ người bán sách cũ rồi!
Với ánh mắt mơ màng như thoáng nhớ về dĩ vãng, anh bảo tôi:”Được, Tuấn muốn nghe thì mình kể, nhưng chuyện được chuyện chăng thôi đấy nhé! Mình không bảo đảm là nhớ đúng hết mọi chuyện đó! Và anh bắt đầu kể:
“Sau ngày vào Nam, người bán sách cũ đầu tiên mà tôi gặp,và cũng là người bán sách cũ kỳ cựu nhất,là ông Nguyễn văn Thực, ông có một cái quán trên đường Lê Lợi (lúc đó mang tên tây là đường Bonard) đối diện với Nhà Sách Khai Trí ở số 62; ông Thực dáng người nhỏ nhắn, tính tình hòa nhã, vui vẻ, mỗi khi nói chuyện với ai thường hơi ngước mắt lên và cười cười. Tôi gặp ông và hai người trở nên thân thiết với nhau khá nhanh, mỗi khi có gì thuộc loại tôi thích tìm, ông liền cất riêng để dành cho tôi, ông chỉ có một người cháu gái giúp ông trong việc bán sách, và tôi không được biết gì hơn về gia đình ông. Cách quán của ông Thực vài căn là quán của ông Tư Chà, mà ngày nay con cháu cả mấy anh em vẫn còn nối nghiệp ở đường Trần Nhân Tôn, và người mà tôi giao thiệp nhiều nhất và khá thân là cháu Minh Em. Tôi không thân với ông Tư Chà và không mua được của ông nhiều sách bằng của cháu Minh Em, con ông. Xa hơn tí nữa, ở chỗ quẹo trái sang đường Công Lý (tên tây là De Gaulle) là một cái quán của một người tự xưng là có liên quan tới chuyện viết lách, nhưng tôi chưa hề được thấy một tác phẩm nào của ông ta vì không thân với ông ấy lắm, cái quán của ông này mang tên là quán Văn Chương. Kế ngay quán Văn Chương và ở sát ngay cổng chính của Bộ Công Chánh là quán sách của 2 anh em Tánh và Sang. Tôi không giao thiệp gì với 2 người này vì sách họ kinh doanh phần lớn là sách mới nên tôi không thích lắm. Cách quán của 2 anh em Tánh và Sang là quán của Bà Ký, là bà cụ thân sinh của một Hiệu Trưởng một trường Đại Học hiện nay, và bà Ký cũng mới qua đời mấy năm trước. Cách quán bà Ký một quán là quán của ông bạn thân thiết nhất của tôi, ông Trần Công Liễu, một cựu công chức ở Bộ Công Chánh đã nghỉ hưu,ông Liễu có một đàn em phụ giúp công việc nay vẫn còn tiếp tục nghề bán sách và làm sách và đã thành công, trở thành giàu có, và hiện ở ngay cạnh nhà tôi. Ông Liễu còn có một người vợ bé kém ông trên 20 tuổi, cũng phụ ông trông nom cửa hàng sách. Ông qua đời trên 10 năm về trước và có một người con nối nghiệp ông được vài năm rồi bỏ nghề luôn. Quan hệ giữa tôi và ông Liễu khá mật thiết, tôi mua được của ông khá nhiều sách quý mà ông ưu ái dành bán cho tôi. Sau ngày Giải Phóng, chợ sách cũ ngang hông bộ Công Chánh có được một vài người bán sách cũ đặc biệt như nhà giáo Nguyễn Văn Y, tác giả cuốn Nhà Giáo và một cuốn sách về Kiều mà tôi quên mất tên, và Dịch giả Nguyễn Minh Hoàng, nhưng những vị này cũng chỉ bán trong một thời gian ngắn rồi thôi.
Nghe bạn tôi kể tới đây, tôi ngắt lời anh rồi hỏi:”Anh có kỷ niệm gì đặc biệt với chợ sách ngang hông Bộ Công Chánh không?” “Có, có một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi”, và anh kể:”Đó là một buổi sáng Chủ Nhật, không hiểu sao buổi sáng hôm đó tôi lại nổi hứng cho tài xế mang xe đi rửa (hồi đó tôi sài một cái Renault 10 của Pháp), và vì đi rửa xe nên khi tôi ra đến chợ sách thì đã gần 9 giờ rưỡi sáng. Vừa ra tới nơi, tôi trông thấy ông cụ Sển ngồi chễm chệ trên một xe xích lô chở đầy sách cả trước lẩn sau, và ngay đằng sau chiếc xích lô chở cụ và sách, là một cái xích lô khác trên có một cô gái, cũng chở đầy sách cả phía trước lẫn phía sau, và tôi nhận ra cô gái là cháu bà chủ tiệm sách ở phía bên kia đường. Hỏi ra mới biết là bà ta mua được kho sách bán ve chai của Tu Viện Béthania ở Chí Hòa thì phải, và ông cụ Sển ra trước nên vồ được 2 xe xích lô sách phần lớn là sách của những năm 1860, 1870. Té ra, gặp được sách là phải có cơ duyên, mọi Chủ Nhật khác, nếu không đi rửa xe, thì 7 giờ rưỡi là tôi đã có mặt, sức mấy mà tới lượt cụ Sển. Thế nhưng, khi tôi hỏi bà chủ tiệm là mang ra hết cả rồi à, thì bà bảo:”Không! Mới độ 1/3”. Thế là tôi bảo bà giao tiệm sách cho người nhà trông và theo tôi ra xe về nhà bà, để rồi sáng hôm đó tôi cũng lựa được cho tôi trên 100 cuốn vừa tiếng Pháp vừa tiếng Việt.”
Rồi anh kể tiếp:” Ít lâu sau, chợ sách ngang hông Bộ Công Chánh được chuyển về hẻm Cá Hấp, ngay sau đường Trần Hưng Đạo, cũng vẫn những người cũ, có thêm một người mới nghe đâu là một giáo sư Đại Học, nhưng tôi không chú tâm tới nhân vật này lắm vì sách của anh ta không hấp dẫn gì cho lắm, và tôi có tiếp xúc với anh ta một hai lần,thì thấy trình độ ngoại ngữ của anh ta rất giới hạn. Lúc ở hẻm Cá Hấp này cũng là lúc rất vui,vì sạp nọ kế tiếp sạp kia và mọi người đều có vẻ hòa thuận với nhau, tuy nhiên số sách hiếm và quý cũng giảm hẳn so với lúc ở ngang hông Bộ Công Chánh.
Sau đó, khoảng hơn một năm sau thì chợ sách ở hẻm Cá Hấp cũng bị giải thể và những người bán sách cũ tản mác đi nhiều nơi chỉ tụ tập lại nhiều nhất ở đường Trần Nhân Tôn, và một số trên đường Trần Huy Liệu Phú Nhuận cho tới ngày nay.
Tóm lại tôi chỉ nhớ lại được có vậy, nhưng Tuấn ạ, tất cả đều là những kỷ niệm đẹp vì thời đó giá cả sách tốt hơn bây giờ nhiều.Giờ đây giá sách trên trời dưới biển, và hễ cứ sách gì cũ độ 5, 6 chục năm hoặc là sách Anh-đô-chin-nơ (Indochine) là giá cao … mệt nghỉ. (*)
Ngay lúc này, tôi chỉ còn lại 3 người bán sách cũ thân thiết nhất: người thứ nhất là cô Soa, một cựu giáo viên mà tôi và cô ta đã quen nhau đúng nửa thế kỷ, và cô đã bán cho tôi, cũng như tôi đã mua của cô cơ man nào là sách báo, luôn luôn với những giá cả tuyệt vời. Ngoài ra cô còn được tôi phong là Ngân Hàng Đặc Trách Đổi Tiền vì cửa hàng của cô ở ngay trước cửa nhà tôi,và mỗi khi tôi cần sài một tờ 500.000 là tôi mang đổi cho cô, do đó cô có tên là Ngân Hàng Đặc Trách Đổi Tiền. Người thứ nhì là cô Thư, một người bán sách cũ kỳ cựu, mà vì một hiểu nhầm tai hại, tôi và cô đã không được mua bán sách cho nhau trong gần 20 năm trời; gần đây, nhờ ơn Trời, chúng tôi đã được trở lại mua bán vui vẻ với nhau, và tôi đã mua được của cô nhiều cuốn sách mà tôi cực kỳ ưa thích, ví dụ như cuốn tự điển các từ chữ Hán được La tinh hóa mà tôi rất cần dùng.
Trở lại việc giá cả sách cũ ngày nay rất cao, ngoại trừ nơi các nhà sách của hai cô bạn tôi vừa nói ở trên, ở nhiều chỗ khác những người bán sách cũ còn tính cả sự trượt giá của giá vàng và đồng tiền, để căn cứ vào đó mà tính giá sách khiến giá sách lên cao vòi vọi, khó đụng tới nổi.
Ngay đến anh bạn thân của tôi, ý tôi muốn nói người bán sách cũ thứ ba mà tôi thân, lúc này anh cũng hét giá cao, đến nỗi mỗi lần tôi chọn được cuốn nào đưa anh, đều phải bảo anh:”Này, ông ra phán quyết đi, mà phải đúng tình đúng tội đấy nhé!” Tôi nói vậy vì mê sách cũng là một cái tội mà! Và chính nhờ căn dặn như vậy nên anh thường tuyên án vừa phải chịu được. Một hôm anh tuyên án quá nặng nên tôi đã đùa, nhưng cũng có độ 10% thật, khi làm tặng anh 2 câu thơ trường phái Thiên Cữu như sau:

“ Khi xưa, xử có ân tình,
Bây giờ toàn xử tử hình mà thôi!”

Từ ngày được tặng 2 câu thơ trên, anh tuyên những án nhẹ hẳn…”
Rời Khu Câu Cá Cà Mau, chúng tôi ghé một tiệm ăn, cùng dùng cơm trưa và ra về lúc gần 1 giờ trưa…

(*) Anh-đô-chin-nơ là cách phát âm từ Indochine của phần lớn những người bán sách cũ.


BẠN TÔI XV

hay là

“Những câu văn nhớ đời”

Tối hôm qua trời nóng quá, lúc gần 8 giờ bạn tôi có ghé, mang theo hai chai nước sâm rất ngon, mà anh nói anh mua ở đường Châu văn Liêm bên Chợ Lớn, và một ít mực nướng và vịt quay. Anh đề nghị hai chúng tôi lên sân thượng trên lầu 2 nhà tôi để “nhậu nước sâm” và hàn huyên cho đỡ nóng. Tôi mừng quá vì đây là cơ hội cho tôi “thẩm vấn” anh về một điều mà tôi rất muốn biết. Đó là, với một người đã đọc rất nhiều văn chương lãng mạn như anh, có những câu văn nào mà anh thực sự yêu thích, và luôn luôn nhớ chẳng thể quên không? Vừa nghe tôi hỏi anh cười hi hí và bảo tôi:” Gớm! gần tớm mươi rồi mà còn lãng với chẳng mạn!” Và anh nói tiếp:”Tuy nhiên, cậu đã muốn biết thì tôi chiều, trong đời tôi, tôi thực sự chẳng bao giờ quên nổi một đoạn trong tác phẩm bất hủ “Những kẻ khốn cùng” của đại văn hào Pháp Victor Hugo. Tuấn biết không, đoạn đó mang tựa đề là “Con tim dưới tảng đá”, và tại sao lại gọi là “Con tim dưới tảng đá”? Câu chuyện xảy ra như thế này: nhà của nhân vật Cosette có một ngôi vườn nhỏ, ở trong có để một ghế dài bằng đá, kê sát ngay hàng rào.Một buổi tối Cosette ở nhà có một mình với người đầy tớ trung thành Toussaint. Cosette ra ngồi chơi ở ghế đá một lúc, rồi đứng dậy đi dạo quanh vườn, khi trở lại ghế đá thì cô có cảm tưởng như trông thấy trên cái ghế đá một tảng đá lớn không biết tự nhiên ai mới để lên đó trong lúc cô bỏ đi. Sợ quá Cosette chạy tọt vào trong buồng khóa cửa lại.Mải suy nghĩ về ảo tưởng trông thấy tảng đá trên ghế, Cosette quên không nói gì với Toussaint về tảng đá bất ngờ xuất hiện đó, sau đó cô ngủ thiếp đi… Sáng hôm sau khi trở dậy, Cosette cho rằng có lẽ tối hôm qua tảng đá chỉ là một ảo tưởng, và chắc gì có tảng đá trên cái ghế đá. Cô mặc quần áo, rồi ra vườn,và giật bắn mình khi thấy có tảng đá nằm chình ình trên ghế đá thật! Tối hôm qua trong bóng tối Cosette thấy sợ, nhưng sáng nay, ánh ban mai đã biến nỗi sợ thành sự tò mò. Cosette tiến lại, lật tảng đá lên và thấy một phong bì to và trắng, không tên người nhận và cũng không có tên người gửi, nhưng bên trong là một cuốn sổ, với những trang có đánh số,ở trên là những dòng chữ khá đẹp. Cuốn sổ cũng chẳng có tên người, chẳng có chữ ký. Gửi cho ai đây, Cosette nghĩ là có lẽ cho cô, vì một bàn tay bí mật nào đó tối hôm qua đã lén để cái phong bì đựng cuốn sách trên ghế đá nhà cô, và Cosette bắt đầu đọc…

Bạn tôi giải thích: đó chính là Marius đã lén để tảng đá, ở dưới có cái phong bì chứa cuốn sách, lên ghế đá của Cosette, và mượn những câu văn cực kỳ lãng mạn để tỏ tình với nàng. Anh kể tiếp:” Có tất cả là vài chục câu, 32 câu thì phải, nhưng trong số những câu đó, tôi chỉ nhớ được độ một phần ba, vì những câu đó đã như được in sâu trong tâm trí tôi, sang bên kia chắc cũng còn nhớ như thường!”

Tôi xin anh một phút để đi xuống nhà lấy giấy bút ghi, và sau đây là những câu văn tuyệt vời mà bạn tôi đã cho tôi nghe và ghi chép:

1.- Thu hẹp vũ trụ vào một Con Người, và thăng hoa một Con Người lên ngang với Thượng Đế: đó là Ái Tình.

2.- Chỉ cần một nụ cười hé nở, dưới cái mũ rộng vành bằng nhiễu trắng, cũng đủ khiến hốn vía ta lạc vào lâu đài hảo mộng.

3.- Thượng Đế ở sau tất cà mọi sự, và muôn sự che lấp Ngài. Sự vật đen ngòm, và các sinh vật thì mờ đục, yêu thương một ai là làm cho người ấy thành trong vắt.

4.- Những kẻ yêu thương nhau mà phải xa cách, có thể lừa dối sự xa vắng bằng hàng ngàn điều hư ảo, nhưng có phần thực. Bị cấm gặp nhau, bị cấm thư từ cho nhau; họ tìm được rất nhiều phương cách bí ẩn để liên lạc với nhau. Họ gửi cho nhau tiếng hót của loài chim, hương thơm của muôn hoa, tiếng cười của con trẻ, ánh sáng của Thái Dương, tiếng than của gió, tia sáng của ngàn sao và… vạn vật luôn. Tại sao không nhỉ? Tất cả mọi tác phẩm của Thượng Đế đều là để phục vụ Ái Tình. Ái Tình đủ sức mạnh để thuyết phục Thiên Nhiên phải chuyển tất cả những thông điệp của mình.

5.- Một số ý tưởng là những nguyện cầu, có những lúc mà, dù thân xác đang ở tư thế nào, tâm hốn cũng đang quỳ gối.

6.- Ôi Mùa Xuân, em là một lá thư mà ta gửi cho Nàng.

7.- Những gì mà Tình Yêu đã bắt đầu, chỉ có thể được kết thúc bởi Thượng Đế.

8.- Nàng còn tới vườn Luxembourg không? – Thưa, không.- Nàng thường đi lễ ở nhà thờ này phải không? - Nàng không đi lễ ở đây nữa. – Nàng có còn ở căn nhà này không? – Nàng đã dọn đi rồi. – Nàng dọn đi đâu? – Nàng không cho biết. – Ôi, đau buồn xiết bao khi ta không biết địa chỉ của Tâm Hồn ta!

9.- Thực là một điều kỳ lạ, bạn biết không? Tôi đang ngập chìm trong đêm tối, có một Người khi ra đi, đã mang theo cả bầu trời.

10.- Bạn đau khổ vì bạn yêu, hãy yêu hơn nữa đi. Chết vì Tình Ái, chính là sống vậy.

Bạn tôi cho biết anh đã đọc bộ “Những kẻ khốn cùng” của Victor Hugo mấy lần trong đời, và mỗi lần đọc lại vẫn thấy thích như thường. Ngoài những câu văn dễ thương ở trên, bạn tôi cho biết tác phẩm đó còn có những đoạn, mà theo anh, nếu một thiếu niên mới bước vào đời mà được đọc, thì sẽ rất cảm động, và sẽ có khuynh hướng sống rất tốt. Tôi hỏi anh:” Đoạn nào chẳng hạn?” . Anh cho biết đó là đoạn đầu, khi nhân vật chính, Jean Valjean vửa ở tù về, lòng đầy oán hận, ở trọ nhà Giám Mục Myriel, ăn cắp cái chân nến, bị bắt, nhưng được Giám Mục Myriel tha, và nói thác ra là chính ông đã cho, chứ anh ta không ăn cắp, do đó Jean Valjean đã biết hối cải…

Khi ra về lúc gấn 10 giờ, anh hứa với tôi là sẽ cho tôi mượn bộ “Những kẻ khốn cùng” để tôi đọc cho biết.

BẠN  TÔI  XVI

hay là 

một cuộc tình an vui và đẹp

Bạn tôi lúc này thường ở nhà, ít khi đi đâu, vì nếu trời không mưa thì lại quá nóng nực, còn ngoài phố thì giao thông lộn xộn rất bực bội và nguy hiểm. Để như đền bù cho việc suốt ngày ở nhà, mỗi sáng bạn tôi thường có những chuyến đi du hí ngắn hạn để tận hưởng những giây phút mát mẻ lúc ban mai. Phương tiện bạn tôi sử dụng cho các chuyến du hí này là xe buýt; dĩ nhiên với xe buýt thì bạn tôi có thể đi nhiều nơi, nhưng như tôi được biết gần đây, trong gần hai năm trời, sáng nào bạn tôi cũng chỉ đi Củ Chi. Vì tò mò tôi hỏi bạn tôi xem Củ Chi có cái chi hấp dẫn khiến bạn tôi sáng nào cũng đi xuống đó. Nghe tôi hỏi, bạn tôi hỏi ngược lại tôi:”Tuấn không biết là cách bến xe buýt Củ Chi độ 3 cây số, trên đường từ Saigon xuống, có một khoảng đất và ruộng khô trống rộng mênh mông mà sáng nào sương mù cũng phủ kín, khiến cảnh vật mờ mờ ảo ảo đẹp tuyệt vời à?” Tôi nói tôi không để ý nên không biết, và sáng hôm sau tôi liền tháp tùng bạn tôi xuống Củ Chi để xem hư thực ra sao; tới nơi tôi phải công nhận là bạn tôi nói đúng quá, chỗ ấy đẹp ơi là đẹp! Bạn tôi liền khoe với tôi rằng thỉnh thoảng anh lại đi cùng ba bà bạn xuống đây, mang theo một vuông chiếu, đồ ăn và thức uống để cùng ăn sáng trong sương mù mờ ảo, và đương nhiên là trong bữa ăn thơ mộng, lãng mạn đó, mọi người tha hồ kể các chuyện vui, chuyện tếu, để được cười thật nhiều, được hàng ngàn thang thuốc bổ, và rồi ăn sáng xong, nói rỡn và cười cho đã xong, mọi người lại trở ra xe buýt trở về để vui vẻ bắt đầu một ngày mới. Tôi hỏi anh là ngày nào cũng đi ăn sáng cùng các quý bà đó hay sao,thì được anh trả lời là mỗi tháng anh xuống đó với các bà bạn độ 3 hay 4 lần thôi, còn những ngày khác anh đi một mình và ăn điểm tâm ở khu chợ Củ Chi. Tôi bảo anh:”Tôi không tin là chỉ để đi ăn sáng mà mỗi ngày anh chịu khó ăn một bát cháo chạy ba quãng đồng như anh đã làm. Nhất định là ngày ngày anh đi Củ Chi vì một lý do nào khác. Mình chơi với nhau trên nửa thế kỷ rồi, cho tôi biết lý do bí mật đó đi!” Anh cười và trách tôi”người đâu mà tò văn mò thế?”, nhưng rồi anh khen tôi là đã nhận xét đúng, anh thường đi Củ Chi, không đơn giản là chỉ để ăn sáng, mà chính ra là để mỗi sáng được gặp vị giai nhân chủ nhân cái quán bán bí tết và bò né, nhân vật chính đã cùng anh chia sẻ một cuộc tình vừa an vui, vừa đẹp. vừa thật trong sáng. Tôi vội xin anh kể cho nghe chuyện tình này của anh để tôi được hiểu tại sao anh lại khoe là an vui, đẹp, và trong sáng nữa. Và anh bắt đầu kể…

Lần đầu tiên mình trông thấy cái quán bán bí tết và bò né của Huyền, tên nàng, mình thấy thích ngay vì thấy nó thoáng đãng, bàn ghế rất đơn giản nhưng sạch sẽ, gọn ghẽ và hệ thống quạt rất mát. Món bí tết thì rất ngon và giá cả rất hợp lý, có bốn chục ngàn một đĩa, và chai trà xanh không độ mà mình thích uống chỉ có tám ngàn, trong khi ở các nơi khác thường là mười hoặc mười hai ngàn. Đấy là mấy chi tiết khá hấp dẫn, nhưng chi tiết hấp dẫn nhất, và gấp bội, chính là dung nhan chim sa, cá lặn của nữ chủ nhân. Một khuôn mặt hiền và sang, một cái mũi dọc dừa thuần Việt, thiệt 1000%, và một ánh mắt thường xuyên vui tươi ấm áp. Còn nữa, mặc dầu chủ quán đã gần lục tuần, cô ta có một thân hình thon thả, hài hòa, không quá mập, không quá gầy, thứ gầy của cô ta người Tây Phương thường gọi là gầy giả mà mình rất thích. Sau khi mình tới ăn năm sáu ngày liền, mình cảm thấy ánh mắt cô ta nhìn mình có vẻ hơi thân thiện hơn, và rồi cô hỏi mình ở gần đây hả? Mình giải thích là mỗi sáng mình đi từ Bến Thành xuống, và đi để ngắm đoạn đưởng có sương mù bao phủ, đồng thời hưởng chút gió mát lúc ban mai. Cô khen là mình hơi “bị” lãng mạn, và cho biết rất thích mình mỗi sáng tới chiếu cố quán ăn của cô. Khi được hỏi mình làm gì, mình trả lời là gần bốn chục năm nay, mình chả làm gì cả và chỉ có mỗi một anh chủ dáng người nhỏ bé, đeo kính trắng, và tên chủ này rất ngoan, rất tốt với mình. Vừa nghe xong, cô ta cười tươi như hoa và nói:”Ý anh nói anh chỉ làm cho anh thôi, đúng không?” Mình phải công nhận là cô ta thông minh và đành khai thật nghề dịch sách văn học của mình; nghe xong cô ta lộ vẻ thích thú và bảo mình “Tên em là Huyền, từ nay anh có thể gọi em là Huyền”. Mình liền hỏi ngay là cô ta có thích đọc sách không. thì được cô cho biết cô rất thích đọc, nhưng chỉ thích văn thơ Việt thôi, không thích truyện dịch, mặc dầu lúc này sách dịch được trải bán đầy đường. Nghe cô nói vậy mình thích quá và sáng hôm sau đem “kính tặng” ngay cuốn Hảo Mộng (*) của mình. Sau ngày hôm tặng sách mình có việc phải đi Cần Thơ mất ba ngày, vừa về tới là mình đi gặp Huyền ngay. Gặp nhau, Huyền cười thật tươi và cho biết đã đọc hết cuốn Hảo Mộng và rất thích văn phong bình dị chân thành của mình. Huyền cho biết nàng rất thích một vài chi tiết và một vài câu thơ trường phái Thiên Cữu( Cậu Ông Trời) của mình, và khi mình hỏi nàng thích những chỗ nào xin cho biết thì nàng bảo mình:’’ Sáng mai Chủ Nhật em nghỉ không bán, nhưng nếu tiện anh cứ ghé, vẫn có bí tết cho anh ăn như thường và anh em mình sẽ nói chuyện về những gì em thích trong cuốn Hảo Mộng của anh.” Sáng hôm sau mình xuống, Huyền cho ăn bí tết ngoài cửa hàng, rồi mời vào phòng khách ở phía sau để trò chuyện. Huyền sống độc thân từ khi người chồng phản bội cùng người yêu của anh ta vượt biên qua sinh sống ở Mỹ, và gia đình nàng hiện chỉ có nàng, bà cụ thân sinh ra nàng 91 tuổi sống trong một căn phòng ở lầu 1, và 2 người cháu gái phụ bán hàng cũng ở trên lầu 1, trong một phòng kế bên phòng của Huyền.

Mình và Huyền đã trở nên khá thân thiết, và mình bảo Huyền nghĩ gì cứ nói thẳng, cần chê chỗ nào xin cứ chê, nhưng Huyền cho biết nàng đâu phải là nhà phê bình phê bèo gì mà khen với chê, nàng nói:”Em chỉ dám nói về những ý tưởng, những đoạn em thích thôi” và nàng cho biết trong truyện Hảo Mộng nàng rất thích đoạn tôi viết là sau khi hai người đã sống ở khắp nơi trên trần thế thì cuối cùng lại trở lại Quê Mẹ Việt Nam. Huyền nói:” Anh viết như vậy chứng tỏ anh thật sự yêu thương quê hương đất nước, khác hẳn với những kẻ chỉ thương nước bằng nước rãi của chúng thôi! Nàng cũng rất thích mấy câu thơ trường phái Thiên Cữu của mình Đôi ta sẽ sống - Chẳng cần sang giầu - Chỉ cầu cho được - Suốt ngày bên nhau”. Huyền khen:” Mấy câu thơ trường phái Cậu Ông Trời này của anh đọc rất dễ hiểu, rất dễ thương, rất dễ đi vào lòng người và rất dễ nhớ, khác hẳn những loại thơ nhăng nhít đầy ẩn dụ, hiện dụ, hậu hiện đại, hậu ma dại, đọc lên nghe trúc trắc, thơ chẳng ra thơ, văn xuôi chẳng ra văn xuôi, thấy mà kinh! Được Huyền khen mình thích quá, cho dù có được làm Hội Thảo để khen mình cũng cóc thích bằng, hì! hì! Cuối cùng Huyền cho biết nàng cũng rất thích hai câu :” Trong ta tiếng Việt đi đầu - Tiếng Anh, tiếng Pháp đi hầu hai bên” và nàng nói:”Anh viết hai câu này chứng tỏ anh thực sự chỉ coi những ngoại ngữ như những dụng cụ để làm việc, và thứ tiếng anh thực sự yêu thương quý trọng chính là tiếng … Mẹ Âu Cơ anh nhỉ? Em nghĩ có đúng không?” Mình vội xác nhận là quá đúng và cảm ơn Huyền đã nổi hứng phê bình Hảo Mộng cùa mình. Huyền cho biết trước ngày Giải Phóng Huyền đã có lúc làm việc tại một Hãng Thuốc Tây của Pháp, và mấy chục năm về trước nàng là một nữ sinh của trường Marie Curie nên có đủ tiếng Pháp để đọc các tác phẩm văn học Tây Phương không cần phải đọc bản dịch. Nghe vậy mình vội thông báo cho Huyền biết là mình giữ khá nhiều tác phẩm danh tiếng của các tác giả Pháp và Anh, muốn đọc gì cứ mời lại lấy.

Nghe bạn tôi kể vậy tôi vội hỏi :”Rồi câu chuyện anh và cô Huyền đó đi tới đâu? Tại sao lúc này anh thôi không xuống Củ Chi mỗi sáng nữa?” Anh cho biết là trong hơn một năm qua, hai người đã càng ngày càng trở nên thân thiết hơn và đã được cùng nhau chia sẻ những giây phút tuyệt vời, mà trên cõi đời này, nếu phải mua bằng tiền, thì cả tỷ tỷ cũng không mua được, cho tới tháng 6 năm ngoái, sau khi Cụ Bà thân sinh ra Huyền qua đời, vợ chồng người con lớn của Huyền, một doanh nhân rất thành đạt, sống ở Arkansas đã về đón Huyền qua sống với họ. Hiện nay chúng tôi vẫn liên lạc với nhau qua thơ điện tử và qua trò chuyện trên mạng. Tôi lại thẩm vấn anh tiếp:”Trong gần hai năm trời có nhau, anh và Nàng có kỷ niệm gì đặc biệt đáng ghi nhớ không, có gì thực sự vui và tếu không? Tôi hỏi vậy vì anh khoe đây là một cuộc tình an vui mà! Bạn tôi cười và kể:

“Có một chuyện thật tếu và vui Tuấn ạ, đồng thời chuyện này cũng minh chứng là Huyền là một quý bà rất dí dỏm và vui tính”. Và bạn tôi kể:

“ Trong những buổi sáng mình xuống ăn điểm tâm món bí tết, và trong thời gian tình cảm giữa hai người ngày càng gia tăng, thì trên đĩa bí tết miếng thịt cũng to dần lên, hôm nay to hơn hôm qua một tí và cứ tiếp tục mỗi ngày mỗi to hơn như vậy, cho đến một hôm miếng bí tết gần choán hết cái đĩa. Mình đành phải bảo Huyền:”Em bán thế này thì em lỗ chết, vì miếng bí tết cứ mỗi ngày mỗi to thêm, mà tiền thì em đâu có cho anh trả thêm!” Tuấn biết nàng đã trả lời làm sao không? Nàng nói:”Ôi! anh khỏi phải lo con bò trắng răng! Em chỉ cần bớt phần của các kẻ khác, mỗi tên một tí xíu là anh ăn mệt nghỉ!”

Nghe nàng nói vậy mình nói với Huyền rằng:”Em thật là tếu, vì đã nói đùa rất thông minh, chứ thực ra anh dư biết, một con người như em có bao giờ lại làm được chuyện bớt xén đó, em chỉ đã trả lời rất tếu và vui thôi!” Huyền cười ngặt nghẽo và nói :” Ôi! trên đời này, ít ai hiểu em hơn anh, anh ạ!”…

Vũ Anh Tuấn

(*) Hảo Mộng là cuốn truyện tình của tác giả bài viết do nhà Xuất Bản Văn Nghệ in năm 2009

BẠN TÔI XVII

hay là KẺ KHÔNG AN NGHỈ NGÀN THU

Đã khá lâu tôi không viết và kể gì về bạn tôi, khiến nhiều độc giả đã đọc XVI truyện về bạn tôi thắc mắc: “Ông nghỉ chơi với ông bạn vàng rồi à?”, “ Bạn ông bị bà nào kít náp (kidnap= bắt cóc) rồi sao mà không thấy ông kể gì về cha ấy nữa” , “Kể tiếp về ông bạn kỳ dị, kỳ cục, kỳ quái của ông đi?”… Những câu hỏi dồn dập, khiến tôi cảm thấy đôi lời giải thích lý do tại sao gần bốn tháng nay tôi không viết thêm gì về bạn tôi là cần thiết, và sau đây là lý do tại sao mãi tới hôm nay tôi mới lại viết tiếp Bạn Tôi XVII.

Trong 4 tháng vừa qua, như thường lệ tôi có ghé qua thăm bạn tôi độ trên dưới một chục lần. Lúc trước mỗi lần tôi ghé, tôi thường được anh tiếp đãi rất nồng hậu và thường xuyên rủ đi du hí, khi gần khi xa. Nhưng trong những lần gần đây tôi không thấy anh tỏ ý rủ đi đâu cả, ngoài ra khuôn mặt anh thường lộ vẻ đăm chiêu, không giống như lúc trước. lúc nào cũng thoải mái, vui vẻ, miệng thì cười hô hố, mỗi khi kể xong một chuyện tiếu lâm theo phong cách của riêng anh. Hơn nữa trong những lần ghé thăm gần đây anh tiếp tôi có vẻ hơi gắng gượng, tuy vẫn rất nồng hậu. Khi được hỏi tại sao lúc này không đi câu, đi dạo, anh cho biết là đang quan tâm đến một vấn đề khá quan trọng, nhưng chỉ với riêng con người anh, không liên quan gì tới mọi người. Khi nghe tôi hỏi vấn đề gì mà quan trọng thế, thì anh cười cười và bảo tôi:”Tuấn kiên nhẫn một tí, khi xong việc mình sẽ tâm sự với cậu ngay vì cậu là người bạn thân nhất của mình mà?”. Nghe anh nói vậy tôi đành chịu chả biết làm sao, nhưng tôi cố để tâm tìm hiểu xem vấn đề anh đang quan tâm là vấn đề gì, và rồi điều tôi ghi nhận đầu tiên là mỗi lần tôi vừa bước vào là đều thấy anh đang đọc sách. Vừa thấy có khách, anh cẩn thận để cuốn sách vào giá sách to đùng rồi mới ra bắt tay mời vào. Qua hai ba lần anh làm y như vậy, tôi liền hạ quyết tâm tìm hiểu anh đọc thứ sách chết tiệt gì đã làm tôi mất thú được cùng anh tiếu ngạo giang hồ!

Thế là mỗi lần tới, tôi liếc nhanh để nhớ vị trí anh cất sách trước khi ra gặp, sau đó tìm cách nghía xem anh ta đọc đề tài gì. Tiếc rằng không được việc, vì giá sách của anh to đùng không thể xác định được cuốn nào là cuốn anh vừa cất… Cho tới lần gần đây tôi bỗng khoái quá, khi không thấy anh cất sách, và để cuốn sách ngay trên bàn và ra mời tôi vào. Vừa vào, việc đầu tiên tôi làm là ngó tên sách và thấy đó là cuốn :”Chứng cứ có Thiên Đình” của Tiến sĩ Eben Alexander, xuất bản năm 2012 (Proof of Heaven by Dr. Eben Alexander). Thấy tôi đọc tên cuốn sách, anh cười và bảo tôi :”Tính tò văn mò cố hữu của Tuấn hôm nay sẽ được thỏa mãn thoải mái vì việc mình quan tâm coi như đã được giải quyết. Hôm nay mình sẽ cho Tuấn biết, và thậm và chí còn bàn và cãi với Tuấn nữa!” Thấy anh trở lại cách nói đùa cợt tếu táo, tôi mừng quá và vội nói:”Ôi tuyệt vời, tôi sẵn sàng nghe anh bằng cả hai tai và… mũi!” Anh nói:”Rồi! mời ngồi, để mình cho máy lạnh chạy mát thêm một chút, nóng ơi là nóng!”. “Tuấn thấy không? Con người dù giỏi đến mấy đi nữa, cũng đã làm gì chống lại được với Thiên Nhiên, với Lão (ý anh nói Ông Trời) được đâu? Chỉ cần Lão nổi hứng nóng lên hoặc lạnh đi gấp độ mươi mười lăm lần là chúng ta tay trong tay dắt nhau ĐI XA hết! Khỏi cần cãi cọ, eo xèo, tranh chấp, bành trướng, teo trướng gì với nhau nữa, đúng không? Tôi gật đầu đồng ý, và anh bắt đầu giải thích và kể về vấn đề anh quan tâm trong mấy tháng vừa qua. Anh bảo tôi:

“Tuấn biết không? Trong mấy tháng vừa qua mình quan tâm tới vấn đề Đời Sau (Afterlife) sẽ tiếp nối Đời Này là cuộc Đời, với 26 tuổi lần thứ 3 (nói kiểu Picasso chứ không thèm nhận vơ là kiểu của mình) mình đã đi được gần 4/5. Mình luôn tin tưởng gần như tuyệt đối là sau 1/5 nữa (mà chưa chắc đã được) là mình buộc phải ra đi và …không chấm hết. Mình luôn tuyệt đối tin là những gì mình đã khổ công học, luyện. và đạt được trên đường đời mà mình đã trải qua SẼ CÒN MÃI VĨNH HẰNG VĨNH CỬU, và sẽ mãi mãi là của mình, là TÀI SẢN TINH THẦN, TRI THỨC , sẽ luôn luôn ở bên mình mãi mãi và mãi mãi… không thể có chuyện CHẾT LÀ HẾT.” Rồi anh chỉ cuốn sách và nói:” Tuấn biết không? Mấy lần trước cậu lại chơi đều bắt gặp tôi đang đọc sách, những lần đó tôi chưa muốn chia sẻ với Tuấn vì mình chưa thấu đáo vấn đề mình quan tâm. Bây giờ thì không những mình nói cho cậu biết được rồi, mà còn muốn bàn với cậu nữa vì cậu dưới mắt minh luôn luôn là MỘT MISTER (CHỨ KHÔNG PHẢI CON) MỌT SÁCH! Cuốn này là của Tiến sĩ Y khoa Eben Alexander, một Giáo sư ngành Y ở Đại Học Harvard. Mùa Thu năm 2008, sau một tuần lễ bị hôn mê, ông ta tỉnh dậy và viết cuốn Chứng Cứ có Thiên Đình này để kể việc ông ta lên thăm Thiên Đình trong những ngày bị hôn mê, và để chứng minh là Thiên Đình có thật. Ngoài cuốn này mình còn đọc các cuốn sau đây mà mình đã khổ công kiếm được:

- Life Afterlife (Cuộc Sống trong Đời Sau) của Kate Atkinson

- Life Afterlife của Raymond Moody trong đó tác già này nghiên cứu về 100 trường hợp có sự sống sau cái Chết.

- The Afterlife revealed:What Happened After We Die (Cuộc Sống trong Đời Sau được tiết lộ: Chuyện gì xảy ra sau khi chúng ta chết) của Michael Tymn.

- The Afterlife Unveiled: What the Dead are Telling Us About Their World (Bỏ Bức Màn Che Cuộc Sống trong Đời Sau: Những Người Chết Nói Gì về Thế Giới của Họ) của Stafford Betty.

- Testimony of Light: An Extraordinary Message of Life After Death (Lời Chứng của Ánh Sáng: Một Thông Điệp Kỳ Ảo về Cuộc Sống sau Cái Chết) của Helen Greaves

- A reviting investigation into what awaits us after life: Afterlife của (Một cuộc điều tra hấp dẫn về những gì chờ đợi chúng ta sau đời sống này: ở Đời Sau) của Tiến Sĩ John L. Takeuchi Turner.

Chính vì mình bận đọc sáu cuốn sách này, mà trong 4 tháng nay chúng ta không được đi du hí, hì! hì!” Tôi hỏi anh:”Đọc xong anh đi đến kết luận gì?” Anh nói:”Từ từ rồi Tuấn sẽ biết ngay thôi! Mình đã đọc thật kỹ cả sáu cuốn đều là sách bán cực chạy (Bestseller) vì người nước ngoài tương đối quan tâm đến việc đời sau hơn người mình! Và trong khi đọc mình đặc biệt chú tâm tới điểm trong sáu tác giả có anh nào chị nào NÓI ĐẾN QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU CÁ NHÂN CỦA MÌNH KHÔNG? Sau khi đọc kỹ, mình rất vui khi thấy những suy nghĩ của mình rất Ư LÀ ĐỘC ĐÁO vì bằng chứng là trong cả sáu cuốn sách dài thòng chả có tác giả nào nghĩ TRÙNG HỢP với những ý nghĩ và mục tiêu của riêng mình.” Và để hiểu được các điều đó Tuấn cần nghe mình diễn giải cặn kẽ mới được.” Anh ngưng nói 1 phút, uống mấy hụm nước và hỏi tôi:”Tuấn có thấy là tôi năm nay đã 26 lần thứ ba, mà đã lảm được gì tốt cho đồng loại chưa? Tôi dùng từ “đồng loại” chứ không phải “đồng bào” vì tôi muốn nói tới Nhân loại, tới Con Người nói chung, chứ không phải chỉ riêng Quê Hương mình. Lý do đơn giản là sau ngày ra đi sẽ không còn ranh giới nước này nước nọ, sẽ không còn thời gian hạn định, mà sẽ chỉ còn Con NgườiThời Gian Vô Tận, đồng thời cũng sẽ chỉ vẫn còn Cái ThiệnCái Ác, những Con Người TốtNhững Con Người Xấu. Ngay lúc này, ngay trong những ngày mình đang còn sống nhăn này, trước muôn vàn cái ác trên toàn cầu, ví dụ như ở Mỹ, những em học sinh bé nhỏ có tội gì mà có kẻ ác nã súng vào cướp đi mạng sống của nhiều em, ở Đức 3 tên tân phát xít đã thản nhiên giết 9 người vì lý do chủng tộc, ở Tây phương nhiều người đang sống an lành bỗng bị bọn xấu bắt cóc đễ mổ lấy nội tạng vv… hoặc trước muôn ngàn bất công đang xảy ra hàng ngày ở khắp mọi nơi, Tuấn và tôi đành chịu trơ mắt nhìn chứ đâu có làm gì được? Do đó, tôi thật sự cảm thấy là do bất lực trước mọi tội ác, trước mọi bất công, tôi thực sự là đang chết,đang an nghỉ vài thu – để rồi sau đó ngàn thu … vẫy vùng!”, vì tôi tin chắc là với ý chí, sau ngày tôi đi xa, tôi sẽ trước nhất thành vô hình, vô ảnh có thể hiện diện ở bất cứ nơi đâu trong nháy mắt, sau đó nếu thành thần thì tốt rồi, nhưng nếu không thành thần, thì cũng thành quỷ để có thể thực hiện ước muốn ngàn thu vẫy vùng, và hai từ vẫy vùng của tôi biểu trưng cho ước muốn và dự tính của tôi là thay mặt Đất Trời, đứng hẳn về phía những Thiện Nhân chống lại và trừng phạt mọi Kẻ Ác hiện diện trong Nhân loại ở bất cứ nơi đâu. TÓM LẠI ƯỚC MUỐN VÀ DỰ TÍNH CỦA TÔI LÀ SAU NGÀY RA ĐI SẼ ĐI HÀNH HIỆP TRỪ GIAN DIỆT ÁC TRÊN HOÀN . Và tôi thật sự không thấy 6 tác giả 6 cuốn sách nói về Đời Sau, mà tôi đã đọc rất kỹ, nhắc nhở gì tới việc Trừ Gian Diệt Ác khi về nơi Vĩnh Hằng!

Thấy anh nói vậy tôi vội hỏi:” Anh muốn đi hành hiệp như vậy thì là anh quên hết quý bà của anh rồi à? Mà anh “an nghỉ vài thu” là chỉ còn vài thu nữa hay sao?” Anh mỉm cười và bảo tôi:” Tuấn đừng lo, hôm mình viết thế có một mẫu hậu, tình cờ ở bên mình, đã giật lấy bút, mở ngoặc đơn sau chữ vài để thêm chữ chục rồi! Đừng lo! Còn việc quên quý bà, thì Tuấn thực là ngớ ngẩn “mình chỉ hành hiệp trong ban ngày cũng như công chức làm giờ hành chánh, còn từ chiều cho tới sáng hôm sau thì là dành cho quý bà của mình, mà mình chẳng có phút nào quên được! Rồi còn điều này cậu cũng nên biết, đó là khác với mọi người thường nói về với ông bà (là đã ngỏm), mình thì mình không giống mọi người, vì mình chỉ ghé thăm ông bà rồi lại về ngay với quý bà, thế mới lạ!” Tôi lại hỏi tiếp:”Chỉ nghĩ có vậy và đọc vài cuốn sách, sao tôi bắt gặp anh có vẻ suy tư rất lung, là sao vậy?” Anh giãi bày:” À về điểm này Tuấn biết không? Mình đã dành rất nhiều thời giờ và vẫn sẽ còn phải mất rất nhiều giờ suy nghĩ khác trong mấy chục thu còn lại trước ngày lên đường. Chính vì mình dự trù trường hợp không thành thần mà lại thành quỷ. Nhưng có thành quỷ thì mình cũng không giống lũ quỷ bình thường mà mình sẽ thành một THIỆN QUỶ, và chính vì mình là một Thiện Quỷ nên khi đi hành hiệp mình sẽ phải có NHỮNG HÌNH PHẠT TỐT DÀNH CHO KẺ ÁC MỘT CƠ HỘI HỐI CẢI SỬA CHỮA CHỨ KHÔNG TẬN DIỆT CHÚNG NHƯ LŨ QUỶ BÌNH THƯỜNG. Và Tuấn đã bắt gặp mình suy tư nhiều, và còn phải suy nghĩ nhiều hơn nữa, chính vì mình phải NGHĨ RA MUÔN NGÀN HÌNH PHẠT TỐT để áp dụng trong lúc hành hiệp, trong ngàn thu vẫy vùng của mình. Tôi vội hỏi:”Vậy anh nghĩ ra được bao nhiêu Hảo Hình Phạt rồi?” Anh trả lời ngay không do dự:”Mình mới nghĩ ra và viết ra được độ trên một trăm, còn cần nhiều lắm và cần Tuấn nghĩ hộ nữa.” Tôi nói sẵn sàng cộng tác, và đề nghị anh đưa ra hai thí dụ Hảo Hình Phạt. Đồng thời cũng hỏi anh rằng nếu áp dụng Hảo Hình Phạt mà lũ ác ôn không hối hận cải đổi thì sao?” Anh cảm ơn tôi và giải thích:”Hảo Hình Phạt chỉ áp dụng quá tam ba bận, nếu sau ba bận mà kẻ ác không biết hối cải, hoàn lương, thì đơn giản lắm, chỉ việc trao chúng cho lũ quỷ bình thường cho chúng vào vạc dầu luộc chín là xong! Và sau đây là hai thí dụ điển hình về Hảo Hình Phạt, Tuấn nghe xem có hay không? Khi nói hình phạt tốt thì không làm tội nhân đau quábị mất mạng, trái lại còn từ từ khỏi dần khi tội nhân hối hận, sửa đổi.

- Thí dụ 1.- Ví dụ tên ác ôn trông thấy một cô gái xinh đẹp và thèm muốn lại gần tán tỉnh, thì trong lúc trong lòng hắn muốn tiến lại phía người đẹp, thì tôi dùng quyền phép bắt hai chân hắn đi giật lùi ra xa, thay vì tiến lại gần (để rồi khi hắn hối cải thì lại từ từ tiến lại gần được) và như vậy là tên ác ôn sẽ đau đớn lắm!

- Thí dụ 2.- Ví dụ tên ác ôn gặp chuyện gì vui muốn nở một nụ cười thật tươi, thì tôi dùng quyền phép bắt hắn nở một nụ cười méo sệch miệng trông rất tởm (để rồi khi hắn hối cải, nụ cười sẽ dần dần trở lại bình thường) Tuấn thấy được không?” Tôi khen là hay, anh thích lắm và hẹn khi nào rỗi sẽ cùng thảo luận bàn cãi để đặt thêm những hình phạt tốt nữa.

Ra về, tôi thấy được rõ một điều là bạn tôi sẽ là người rất bận rộn trong cõi Vĩnh Hằng, sẽ là người KHÔNG AN NGHỈ NGÀN THU

VŨ ANH TUẤN


    BẠN TÔI XVIII

    hay là

        Máy Móc chẳng Bao Giờ Hoàn Toàn Thay Thế Được Con Người


        VŨ ANH TUẤN


        Bốn người chúng tôi, gồm có tôi, hai vợ chồng một anh bạn, và một anh bạn khác đang ngồi ở quán Cà Phê Nến (vì có hàng ngàn ngọn nến được đốt dọc theo hành lang lối vào) thì Bạn Tôi tới. Anh cho biết có nhận được lời tôi mời anh lúc trưa nên tới để tán gẫu… cho qua ngày. Chúng tôi không cần sự giới thiệu nào vì đã biết nhau cả rồi, và mỗi người trong chúng tôi đều biết rất rõ là tất cả những gì anh em chúng tôi sẽ bàn cãi và tán gẫu với nhau sẽ chỉ có một đề tài duy nhất là “Chính Em” và sẽ chẳng bao giờ có, dù chỉ là hơi hám, cái gì liên quan tới “Cô Chị”!

        Bạn tôi nói:”Mấy vị biết cô bạn Lý Th. Kim chứ?” Tất cả bốn người chúng tôi gật đầu, vì chúng tôi đều biết là cô bạn này hiện đang sống cuộc sống nữ đại gia, sau khi rời bỏ anh chồng là một giáo sư khá nổi tiếng, nhưng ít giàu, để lấy một người ngoại quốc làm tổng giám đốc một công ty đa quốc, có chi nhánh ở Việt Nam. Bạn tôi kể:Trưa hôm qua cô ta ghé nhà mình chơi bằng một chiếc Lexus đời mới dài thòng phải chạy vào cái hẻm bên cạnh nhà mình để chờ. Cô ta đến nhờ mình dịch hộ một lá thơ mà cô ta bắt được ở trong túi áo veste của anh chồng ngoại. Tôi dịch miệng ngay vì thơ chẳng nói gì lạ chỉ hỏi thăm và cho biết người viết có ghé Việt Nam nhưng không có thì giờ tới thăm anh ngoại nhân; dịch rồi tôi hỏi cô ta:”Giả sử đây là một thơ hẹn hò thì sao?” Cô ta trả lời tỉnh bơ:”Có hẹn hò thì cũng kệ bố nó, em công đâu mà ghen, miễn là em muốn gì nó cũng chịu là OK rồi!” Nghe hai tiếng OK tôi phát lộn ruột, nhưng cố nhịn không nổi nóng. Nhưng rồi cô ta đưa cho tôi xem một cái ví da to đùng và khoe:”Ông xã em mới đi Singapore về mua cho em đấy anh ạ. Anh có biết nó đáng giá bao nhiêu không? – 12.000 đô đấy anh ạ!” Kể đến đây bạn tôi hỏi:”Các bạn có biết mình phản ứng như thế nào không?” Chúng tôi đồng thanh trả lời là sao mà biết được, và bảo anh kể cho nghe. Anh vừa cười vừa kể: Mình đi ngay ra bàn giấy, lấy một miếng bìa cạc tông cỡ 5cm x10cm, rồi lấy bút phớt đỏ viết lên trên : 12.000 đô Mẽo, lấy một chút keo phết vào mặt sau, và đem lại dán ngay vào mặt trước cái ví. Cô bạn hét lên:”Anh làm cái gì vậy?” Mình bình thản trả lời :”Anh giúp em làm cho mọi người biết là cái ví em cầm giá 12.000 đô mẽo chứ không phải vài ba trăm đô Mít!” Vì anh nhìn anh cũng chỉ nghĩ nó chỉ đáng giá độ 300 đô Mít là tối đa, làm sao mà biết được nó mắc tới mức đó? Mặt cô ta sưng lên một đống, cô ta giựt phắt tấm bìa các tông vứt về phía tôi và vùng vằng … ra về! Kể xong bạn tôi “bình loạn” thêm:”Nếu mình được những loại người bỏ tình theo tiền này ghét bỏ, giận dữ, thì mình phải tự hiểu là mình là người … hữu đa phước!”

        Tất cả mấy người chúng tôi cười rộ. hưởng ứng cách cư xử hơi bị bất bình thường của anh, và rồi câu chuyện giữa chúng tôi chuyển qua việc viết lách bằng com pú tè (chữ computer được Việt hóa). Tất cả mọi người đều đồng ý cho là máy tính lúc này thật là tuyệt vời, nhất là khi đem so sánh với cái máy chữ lọc cọc của những ngày xưa cũ. Này nhé! Sai thì có thể sửa ngay tại chỗ. Đánh xong bài viết chỉ cần bấm nút là vài phút sau bài viết của mình đã có mặt trên một trang mạng ở nơi ngàn trùng xa cách…bài viết tới rồi! Rồi, chị Duyên, nhân vật nữ duy nhất trong năm người chúng tôi bỗng nêu ra ý kiến cho rằng, ngay lúc này máy móc, thí dụ như máy tính thật là siêu việt, rất có thể trong một tương lai gần, máy móc có thể thay thế con người làm được hết mọi sự, và chị cho thí dụ là cái vụ phô tô sốp, phô tô xiếc, cái quái gì nó cũng làm được hết!

        Nghe chị Duyên nói vậy, Bạn tôi phản pháo ngay, anh nói:”Máy móc không bao giờ vượt được vai trò của con người và sẽ chẳng bao giờ hoàn toàn thay thế được con người.” Chị Duyên vui vẻ đáp lời:”Vâng, nếu anh quan niệm như vậy thì anh có thể đưa ra một thí dụ cụ thể nào minh chứng lời anh nói không?” Bạn tôi tươi cười trả lời:”Được quá đi chứ! Tôi xin đưa ra một thí dụ siêu cụ thể mà qua đó tất cả anh em mình đều có thể thấy rất rõ là vô phương chối cãi.” Và anh bắt đầu kể: Các bạn biết không? Cách đây hơn hai tháng mình bắt gặp tại một tiệm sách cũ một tờ nguyệt san mới xuất hiện khổ 14cm x 20cm được in ấn tuyệt đẹp. Mình khoái quá và vội gửi điện thư cho ban biên tập để giao lưu, và gửi kèm theo điện thư một truyện ngắn của mình để đề nghị họ nếu thấy được thì đăng. Mấy ngày sau họ hồi âm và cho biết sẽ cho đăng truyện ngắn của mình vào số tới (số 14 thì phải). Được tin mình khoái quá, và còn được khoái hơn nữa khi thấy số báo tháng tới đó còn được giới thiệu trên mạng Việt Văn Mới tại Pháp. Khi thấy bìa trước bìa sau của số báo được giới thiệu, và khi thấy tên mình trong số tên các tác giả mình khoái chí tử, và hồi hộp mong chờ ngày tờ nguyệt san được phát hành.

        Thế rồi ngày tươi đẹp đó cũng tới, và chiều hôm đó, mình ngồi gọi điện thoại tới cả chục nhà sách để hỏi có bán số báo được mong đợi đó không? Kết quả là mình được báo là nhà sách Hà Nội ở đường Nguyễn Thị Minh Khai có. Thế là vừa dùng cơm tối xong là mình thượng lên taxi để hộc tốc đi rước số báo, với tâm trạng mình vẫn cảm thấy từ trước tới nay mỗi khi đi rước một tân mẫu hậu. Kết quả là khi ẵm được quý thư về thì mình thực sự đã phải chi ra một số tiền bằng giá 5 quý thư, thay vì 1, khi tính cả số tiền taxi phải chi. Về tới nhà, mình để nàng nguyệt san trước mặt, chưa dở ra vội, mà để một phút nghía và thưởng thức vẻ đẹp của “nàng” đã, và thực sự cảm thấy là khâu trình bày rất là đẹp, rất là bắt mắt vân vân và vân vân…Rồi mình dở quý thư ra, tìm bài viết của mình nằm ở phần cuối để đọc, và hỡi ơi, chính vào lúc đó, mình đã từ đỉnh Thiên Đường, rớt cái bịch một cái xuống tới đáy Địa Ngục, khi thấy tác phẩm của mình chỉ dài có 11 trang mà mang trên mình tới 9 thương tích, trong đó có 5 vết thương rất nặng, ý mình muốn nói những lỗi in ấn thừa thiếu rất nặng chứ không phải chỉ đơn thuần là những lỗi chính tả. Này nhé từ chữ cuối cùng của trang đầu tiên sang chữ đầu tiên của trang thứ nhì:thiếu mất một chữ - từ chữ cuối cùng của trang thứ nhì sang trang thứ ba : thiếu mất 14 chữ - nơi đầu trang thứ tư : thừa 12 chữ - cuối trang thứ tư : thiếu mất cũng 12 chữ - đầu trang thứ sáu : thừa 14 chữ - đầu trang thứ bảy : thiếu mất 17 chữ - đầu trang thứ chín : thiếu mất 1 chữ - đầu trang thứ mười : thiếu mất 1 chữ, và cuối cùng cuối trang thứ mười : thừa một chữ. Than ôi! một truyện ngắn 11 trang mà thừa thiếu lung tung, có chỗ mất tới 17 chữ, thì nó còn ra cái gì nữa không? Tác giả đau xé ruột, còn độc giả thì cảm thấy bị khinh thường, vì không hiểu sao câu văn lại kỳ văn cục như thế này?

        Vâng, thưa chị Duyên, đây chính là siêu thí dụ của tôi vì nó chứng minh được là máy móc dù tuyệt vời đến đâu đi nữa, nó đâu có phát hiện được và sửa chữa được các sai sót này, và rồi nó cũng sẽ chẳng bao giờ hoàn toàn thay thế được một con người làm công việc dàn trang và in ấn này một cách cẩn trọng, biết tôn trọng tác giả và bản văn, cũng như biết tôn trọng độc giả.

        Chị Duyên và cả mấy anh em chúng tôi đều chịu là Bạn tôi rất có lý…

BẠN TÔI XIX hay là Một thí dụ điển hình về

“Nếp sống văn man”.

Sáng nay tôi ghé thăm bạn tôi, và thấy người ra mở cửa không phải là anh, mà là bà em gái anh. Bà cho biết là anh chưa về và bảo tôi một lát nữa quay lại. Vừa lúc đó thì anh về tới, tôi thích quá, nhưng hơi ngạc nhiên khi thấy nét mặt anh buồn xo khác hẳn với mọi khi bao giờ cũng tươi rói. Tôi hỏi anh lý do thì được anh bảo vào nhà đã rồi anh sẽ cho biết lý do.

Hai chúng tôi lên sân thượng cho thoáng mát, và sau khi an tọa anh bắt đầu buồn rầu kể nỗi buồn xé ruột anh vừa trải qua cho tôi nghe.

Nghe xong, chính tôi lại cũng thấy buồn ngây ngất, và ngồi viết ngay bài này chia sẻ với quý vị độc giả để hy vọng quý vị cũng cùng hai anh em tôi … buồn chút chơi!

Sau đây là nguyên văn những gì tôi được nghe anh kể: “ Tuấn biết không, sáng nay trên đường từ Tân Định về nhà, mình đi trên đường Hoàng Văn Thụ và gặp một vụ tai nạn giao thông : một xe côngtenơ to đùng lạc tay lái đâm vào nhà dân làm sập hai căn nhà 1 tầng ở ngay quá nhà thờ Phú Nhuận vài trăm thước. Có xe cần cẩu đang câu cái côngtenơ ra và cảnh sát chặn đoạn đường đó để xe cứu hộ làm việc, và do đó con đường kẹt cứng. Mình đi cùng một cô bạn làm việc tại một bin đinh cách chỗ tai nạn xảy ra độ 700 mét. Thấy không đi được, mình bảo cô ta đi quẹo về đường Trần Huy Liệu rồi đi qua một đường hẻm lớn để vòng trở ra phía trên nơi có tai nạn để đến nơi làm việc. Nào ngờ con hẻm lớn đầy nhóc xe honda, xe đạp, không cách nào len vào được. Sợ cô bạn muộn giờ đến sở làm, mình gọi một cái taxi và đưa cô ta đi lối đường Nguyễn Trọng Tuyển nằm song song với đường Hoàng Văn Thụ, để quẹo đường Trương Quốc Dung ra nơi cô ta làm việc. Đây chính là lúc xảy ra điều làm mình buồn xé ruột Tuấn ạ. Cậu có thể tưởng tượng được không? Con đường Nguyễn Trọng Tuyển (giao thông 2 chiều) đày nhóc xe và ở cả hai phía mọi người già trẻ, đàn ông, đàn bà, khối kẻ đeo kính trắng trông rất trí thức, tất cả đều hễ thấy chỗ trống là xông vào “ cóc thèm để ý là họ đang đi bên mé trái ở cả hai chiều ”. Ôi! như vậy thì chỉ trong một lúc là sẽ khóa nhau lại và sẽ đứng ị lại, kẹt xe mệt nghỉ! Ngồi trong taxi, mình buồn quá khi nghĩ rằng người mình già trẻ lớn bé chẳng hề có chút ý niệm, ý thức gì về công lộ, tất cả là tư lộ, muốn giao thông thế nào tùy thích. Những lúc như thế này mà bọn ngoại nhân nó thấy được thì chúng được dịp cười đã đời, khi thấy đã sang thế kỷ 21 mà còn có những nếp sống, có thể nói là rất ư là văn man như thế này ! …

Và, anh kể tiếp:” Ngồi trong taxi, mình cảm thấy buồn quá, vì mình đã hy vọng đưa được cô bạn đến sở kịp giờ làm nên mới chịu phí tiền đi taxi, nhưng giờ thì thật là không biết sẽ kẹt bao lâu mới thoát ra được!

Thấy anh kể vậy người viết hỏi:”Vậy sao anh về được? Làm sao giải tỏa được đoạn đường bị kẹt? Anh kể tiếp:”Vào lúc đó mình khấn Mẹ Âu Cơ và đòi Mẹ phải làm phép lạ để giải quyết vấn nạn này. Và Mẹ Âu Cơ thật sự đã rất thiêng khi đã nhanh chóng nghe lời thỉnh cầu của mình và đã làm một phép lạ nho nhỏ như sau đây: Ngay lúc mọi người vẫn tiếp tục tràn qua mé trái (ở cả hai hướng) thì ngay chỗ chiếc taxi chở mình đang nằm ụ, có một thanh niên lực lưỡng xuất hiện . Cậu ta giang tay ngăn những người đang lấn sang mé trái và đẩy họ trở lại phía bên phải để hướng kia có thể có đường đi, và rồi nhờ thế mà hướng kia dần dần đi được và cả hai bên không còn khóa nhau lại nữa và dần dần đoạn đường lại lưu thông được. Giá mà xuống xe được chắc mình xông tới bắt tay anh bạn thanh niên có lương tri và thiện ý đó quá!

Kể xong câu truyện, nét mặt anh trở lại bình thường dần dần, và anh cho biết là đã có một lần anh cũng đã có hành động tương tự như người thanh niên nói trên để không cho bọn ngoại nhân có cơ hội cười người mình, anh kể:Hôm đó mình đứng chờ xe buýt trên đường Phạm Ngọc Thạch nơi gần ngã ba Võ Thị Sáu – Phạm Ngọc Thạch. Mình đang đứng thì thấy một anh taxi ghé lại đậu ngay đúng cái trạm xe buýt nơi ở trên đường có mấy cái vạch vàng và hai chữ “xe buýt”. Mình vừa tính bảo anh ta là không nên đậu ngay bến xe buýt thì anh ta đã rời xe đi sang bên kia đường mất rồi, và ngay lúc đó có một ngoại nhân độ hơn ba mươi tuổi, tiến lại gần chiếc taxi và lấy điện thoại di động ra định chụp hình. Mình xông ra và quát lên” Don’t take any picture! You’re not allowed to do so!” (Không được chụp hình! Anh không được phép chụp!) Anh bạn ngoại nhân hỏi mình:”But, who are you?” (Nhưng, ông là ai?) . Mình trả lời:”I’m a security agent” (Tao là nhân viên an ninh). Nghe thấy “security” (an ninh) anh bạn ngoại bỏ điện thoại vô túi và lỉnh mất. Tuấn biết không? Nó định chụp để mang về bêu rếu người mình là hơi bị … ít văn minh khi đậu xe ngay bến xe buýt!

Tôi bảo bạn tôi:”Thôi anh vui trở lại đi, nỗi buồn theo gió bay đi rồi, chúng ta hãy vững tin vào vận nước, dần dần rồi người mình sẽ không còn có những những nếp sống văn man như chạy xe trên lề đường tỉnh bơ, mà còn chạy nhanh nữa – hút thuốc lá ở khắp mọi nơi công cộng – xả rác bất cứ nơi nào thích xả - há miệng ra là văng tục – để nhạc vang cả xóm lúc đã rất khuya hoặc lúc còn rất sớm – đậu xe chắn ngay cửa nhà hàng xóm vv…và vv…

Nghe tôi nói vậy bạn tôi vui hẳn lên và anh hạ quyết và tâm là sẽ đi tìm một bà Đạo Quên thật đẹp để xin … cùng tu. Tuy tôi khuyên bạn tôi như vậy nhưng chính bản thân tôi khi viết những giòng chữ này thì vẫn còn cảm thấy hơi buồn buồn, nên tôi cũng tự nhủ là, trong tương lai gần, hễ bạn tôi tìm được bà Đạo Quên nào thật đẹp và tu ở đâu thì tôi cũng … tu cùng anh luôn!

Vũ Anh Tuấn

BẠN TÔI XX

hay là Kẻ Không Trở Về Cát Bụi

Chín giờ tối hôm qua tôi nhận được điện thư của bạn tôi hẹn sáng nay gặp nhau ở một quán Cà phê vườn mà chúng tôi rất thích. Mỗi khi nhận được điện thư hẹn gặp của anh, mà lúc này tôi thường gọi đùa là của Thiện Quỷ, tôi cảm thấy rất hào hứng mong chóng tới lúc gặp. Biệt hiệu Thiện Quỷ của anh cũng được một số quý bà bạn chung của cả hai chúng tôi rất hưởng ứng, vì theo các quý bà đó, anh là kẻ chỉ phạm toàn là những… Thiện tội rất ư là đáng yêu!

Sáng nay gặp anh và nhìn vẻ mặt tươi tắn như thường lệ của anh, tôi cảm thấy vui vui, vì tin rằng sẽ được nghe anh nói về những điều đa đa vui ít ít buồn. Quả nhiên là vừa gọi cà phê và đồ điểm tâm xong, anh cho biết là hôm nay anh hẹn tôi đến để chia sẻ một vài điều chính yếu trong những dự tính của anh cho tương lai xa (vì còn cả vài chục năm) tức là cho vĩnh hằng vĩnh cửu. Anh kể:” Tuấn biết không? Sáng hôm qua mình tìm trên You Tube nhạc phong cầm của Pháp (french accordion music), vì mình rất thích phong cầm là thứ nhạc nghe rất êm đôi tai mình, là đôi tai cả đời chỉ thích nghe những lời êm dịu của phái ta (ý anh nói phái yếu). Sau khi cho phát tất cả 50 bài nhạc liền mình nằm dài ra gác đầu lên cuốn tự điển dày để thưởng nhạc. Nào ngờ không phải thưởng nhạc không, mà còn ngoạn cảnh nữa, vì là của Pháp nên vừa chơi nhạc nó còn vừa tuần tự chiếu trên màn hình các thắng cảnh, các đền đài kim cổ của Pháp, chao ơi! thật là tuyệt vời khi thấy lần lượt phô diễn qua mắt mình nào là quán Cối Xay đỏ, Nhà thờ Đức Bà Paris, Điện Versailles, Điện Louvre,các lâu đài Chambord, Luxembourg, de Brie-Comte-Robert, De Ferrières, Vaux-le-Vicomte, Nemours, d’Abadia, Chenonceau, Ussé de la Loire, De Vitré, Asay-le-Rideau, Maison-Lafitte, la Bellue, Tanley vv…Ôi không thể tưởng tượng được là những lâu đài trên có thể đẹp đến như thế Tuấn ạ. Cậu dư biết là mình chẳng bao giờ cất tiếng ca tụng ai, hay cái gì cả, nhưng khi nó đẹp thật thì phải nói là nó đẹp. Và rồi sau khi xem thấy những đền đài đẹp như vậy thì Tuấn biết mình nghĩ gì không? Mình nghĩ rằng những nơi chốn đó, dù chúng đẹp và vĩ đại đến đâu đi nữa chúng vẫn phải có những người ởmình tự hỏi tại sao số phận lại không cho mình được ở trong những nơi chốn đẹp như thế? Hỏi xong mình lại có ngay câu trả lời cho chính mình :”Mỗi con người một số phận, một định mệnh, mi được Hoàng Thiên cho ở Việt Nam thì mi phải vui sướng và hãnh diện chấp nhận chứ sao? Vả lại chắc gì nhửng kẻ được ở trong những đền đài, lâu các đó đã được sướng hơn mi, tự do hơn mi, an nhiên tự tại hơn mi? Biết đâu càng ở những nơi cao sang đó chúng càng phải bon chen, tranh chấp khổ hơn mi nhiều!” Sau khi biết suy nghĩ rất hợp lý và phải đạo như vậy, Tuấn biết mình đã làm gì không? Tôi trả lời là sao mà biết được và bảo anh cho biết. Anh nói :” Này nhé, mình và Tuấn còn trụ lại ở đây quá lắm là vài chục năm nữa, sau đó cả hai chúng ta sẽ dắt tay nhau bay qua cõi vĩnh cửu. Vậy thì, trong vài chục năm còn lại, chúng ta tuy được hoàn toàn tự do, nhưng vẫn còn có những việc cần làm, cho bản thân chúng ta, cho con cháu chúng ta, cho đồng bào chúng ta, và cho Đất Nước đã nuôi dưỡng chúng ta trong suốt cuộc đời này, do đó trong những năm tháng còn lại chúng ta khó mà làm gì hơn được. Tuy nhiên phải luôn nhớ cho thật kỹ là chúng ta còn cả cõi vĩnh hằng vĩnh cửu ngay trước mắt. Vì là những kẻ không thể coi “một khi đã chết, thì tất cả đã hết” nên chúng ta có thời gian và không gian vô tận để làm tất tần tật những gì chúng ta muốn trong vô hạn, vô định,vô tận cơ mà! Lúc đó, khi qua cõi vĩnh cửu chúng ta thành vô hình vô ảnh muốn ở đâu cũng được thì có khó gì mà không tới ở tất cả những nơi chốn đẹp đó, thậm và chí không chỉ ở Pháp mà còn ở toàn cầu nữa! Nhưng Tuấn ạ, khi nghĩ tới những viễn cảnh này thì mình lại thấy là việc đầu tiên cần phải làm nhất là trong mấy chục năm còn lại này chúng ta phải lưu tâm cố gắng đi thăm các thắng cảnh của Quê Mẹ trước đã, khi sang Bên Kia thì mới nghĩ tới đi thăm thắng cảnh Thế Giới!

Ngưng một phút để uống vài hụm nước, bạn tôi kể tiếp:”Do nghĩ tới việc mình dự tính làm trong cõi vĩnh hằng, mình sẽ trong những năm tháng còn lại, sưu tầm tất cả những danh lam thắng cảnh trên toàn cầu để phục vụ dự tính của mình Tuấn ạ. Tôi hỏi anh ví dụ như những nơi nào chẳng hạn? Anh nói:” À ví dụ như tháp nghiêng Pisa ở Ý, Twins Square ở Mỹ, Trafalgar Square ở Anh, Thác Niagara ở Gia Nã Đại, Vườn Tivoli ở Đan Mạch, Taj Mahal ở Ấn Độ, Cổ thành Machu Picchu ở Peru, Kim Tự Tháp ở Ai Cập vv…

Tôi liền hỏi:” Nếu anh tính đi thăm tất cả những nơi đó thì anh còn đâu thời giờ mà đi hành hiệp, như anh đã tâm sự với tôi?(*) Anh trả lời:”Tuấn thực là vớ vẩn thật hay vờ đó, cậu dư biết là cõi vĩnh hằng là mãi mãi và mãi mãi mà, làm gì còn thì và giờ? Tôi sẽ thực hiện cả hai dự tính một lúc, vả lại hành hiệp xong hơi mệt, tôi cũng rất cần nghỉ ngơi thư dãn, và ngoạn cảnh đích thị là thư dãn vậy. Tôi gật gù khen là anh nói có lý. Thấy vậy anh nói tiếp:”Nè Tuấn ơi, hai dự tính đó chưa phải là hết đâu, mình còn một dự tính thứ ba cực kỳ quan trọng, vì dự tính thứ ba này sẽ là chỗ dựa tinh thần, sẽ là động cơ vận chuyển hữu hiệu hai dự tính trên.” Tôi háo hức hỏi anh :”Dự tính gì nữa vậy anh, xin cho biết liền đi!” Anh chậm rải trả lời:”Dự tính thứ ba này liên quan mật thiết tới đề tài muôn thuở của tôi là các Quý Bà viết hoa. Tôi sẽ, cùng với việc tìm hiểu, sưu tầm các danh lam thắng cảnh thế giới, tìm hiểu cặn kẽ không bỏ sót một Đại Giai Nhân nào của Thế Giới tự Cổ chí Kim ví dụ như tự cổ thì có Sappho (c 570 BC) nhà văn nữ đầu tiên của nhân loại, Nefertiti, Phryne, Helen of Troy, Salome, và đặc biệt là Bathsheba (vì trong cõi tạm này mình đã có lúc được quý bà gọi là David), Cleopatra VII, Hildegard of Bingen, nữ tác giả (1098-1179) cho tới kim thì mình đặc biệt chú ý tới tất cả các nữ tài tử đẹp nhất là Gail Russell, mà mình thích từ “năm chục năm trước mình hai tám”, rồi tới Audrey Hepburn (1929-1993), Marylin Monroe( 1926-1962), gặp lại nàng này mình sẽ bảo nàng cho biết nàng thật sự chết vì lẽ gì, rồi sau các tài tử mình sẽ lưu ý tới các Đại Giai Nhân trong các lãnh vực khác như Coco Chanel (1883-1971), Annie Besant (1847-1933), nàng này rất hợp với mình vì chuyên viết về Khoa Học Huyền Bí, Millicent Fawcett (1846-1929) vv… và vv… Khi gặp mình sẽ là người bạn tâm giao của tất cả những Đại Mỹ Nhân đó vì nơi cõi Vĩnh Hằng sẽ không còn giới hạn tuổi tác cũng như thời gian sẽ là vô định vô tận nên “dù xa cách nhau bao nhiêu nghìn vạn năm đi nữa tất cả sẽ vẫn là HIỆN TẠI VĨNH CỬU. Cái chính là mình phải biết sống mãi mà chẳng bao giờ chịu chết, chịu chung số phận với những người không biết nên chấp nhận trở về với cát bụi! Nghe anh nói và nhìn ánh mắt quả quyết của anh, tôi cũng cảm thấy sôi sục lên trong tôi ý muốn theo gương dũng cảm của anh.

Tôi viết lại ở đây vì cảm thấy những gì anh đang suy nghĩ và nhất quyết thực hiện cho bằng được không phải là vô ích với người đồng loại, mặc dù với những người không có ý thức gì về cõi vĩnh hằng, anh có thể bị cho là hâm, là điên rồ, nhưng nghĩ cho cùng, dù có điên rồ thật thì cũng còn hơn là chỉ trong vòng trăm năm ít ỏi là được sống thôi, mà chưa chắc đã được sống đủ, để rồi sau đó biến dạng trong cát và bụi!

Giờ này trong mắt tôi, bạn tôi là “Kẻ Không Trở Về Cát Bụi”…

Vũ Anh Tuấn

(*) Xin tìm đọc Bạn Tôi XVII hay là

Kẻ Không An Nghỉ Ngàn Thu

BẠN TÔI XXI

hay là VÀI ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ MỘT CUỐN SÁCH VIẾT VỀ NGƯỜI VIỆT MÌNH
RẤT HAY ĐƯỢC XUẤT BẢN 59 NĂM TRƯỚC VÀ ĐÃ ĐƯỢC DỊCH TỪ PHÁP VĂN
SANG ANH VĂN 21 NĂM TRƯỚC VÀ NAY ĐÃ TUYỆT BẢN.

Cuốn sách tôi muốn nói tới đây là tác phẩm của hai đồng tác giả người Pháp : Cụ Maurice Durand, một Giáo sư Pháp, và cụ Pierre Huard, một Thiếu Tướng Quân Y; cả hai cụ đều là thành viên Trường Viễn Đông Bác Cổ (Ecole Francaise d’Extrême-Orient) rất nổi tiếng của Pháp. Cuốn sách mang tựa đề là “Connaissance du Vietnam” (Hiểu biết Việt Nam) được chi nhánh Trường Viễn Đông Bác Cổ in và phát hành vào năm 1954.

Cuốn sách dày 358 trang, gồm 21 chương nói về văn hóa, văn chương, cũng như đủ mọi lãnh vực sinh hoạt trong đời sống cổ truyền của người Việt chúng ta. Ngoài ra sách còn có 132 hình vẽ minh họa, giúp cho người đọc được thấy tất cả các sinh hoạt chính yếu trong đời sống cổ truyền và thường nhật của chúng ta. Khi viết, hai cụ tác giả có nhắc tới nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Văn Huyên (1908-1975), là một Giáo Sư Tiến Sĩ và là cựu Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục, và tác phẩm Văn Minh Việt Nam của ông đã được xuất bản năm 1944. Cụ Huyên là một Tiến Sĩ Văn Khoa tốt nghiệp tại Đại Học Sorbonne danh tiếng nhất nước Pháp. Hai tác giả người Pháp rất khen ngợi tác phẩm của cụ Huyên, và cho biết họ không muốn làm lại việc cụ Huyên đã làm mà, với tác phẩm của họ, họ chỉ muốn cung cấp một tư liệu cho những ai muốn biết đời sống cổ truyền của người Việt ra sao, trong khi chờ đợi các học giả Việt Nam viết ra một bộ Bách Khoa Toàn Thư về người Việt. Tuy nói vậy, nhưng hai tác giả người Pháp này đã viết rất kỹ lưỡng, rất tỉ mỉ, về tất cả các sinh hoạt của người Việt chúng ta, cũng như về tất cả mọi lãnh vực bắt đầu từ Địa dư, rồi tới Lịch sử, Văn học, Phong tục, Tôn giáo vv… Ngoài việc viết rất kỹ lưỡng, rõ ràng, họ còn có những minh họa liên quan tới mỗi lãnh vực, tổng cộng 132 minh họa cho 21 chương của cuốn sách.

Năm 20 tuổi, khi đã rất thành thạo tiếng Pháp, vì học trường Pháp từ lớp mẫu giáo, người viết đã được cụ thân sinh cho đọc cuốn sách của hai tác giả người Pháp này, và khi đưa sách cụ nói:”Con hãy đọc cuốn sách này để có những hiểu biết căn bản về người Việt mình, hai người Pháp này viết rất hay, rất rõ ràng, rất đầy đủ. Sau khi đọc hết và đọc kỹ con sẽ có một sự hiểu biết khá thấu đáo về người mình mà học đường chưa chắc có thể cho con nhiều bằng cuốn sách này. Và quả thực là cụ đã nói đúng. Người viết sau khi đọc rất kỹ cả 21 chương của cuốn sách, và đọc đi đọc lại 3 lần trong đời, nay ở tuổi 26 lần thứ 3, người viết mới thấy là hai cụ tác giả người Pháp đã cho người viết biết nhiều điều, mà khi người viết đã có nhiều lần hỏi nhiều vị giáo sư của mình thì phần lớn là các vị ấy không biết vì không quan tâm, thí dụ như người viết đã hỏi 3 ông thầy là “Người Việt mình, giòng họ nào chiếm đa số? Họ Lê, họ Trần, hay họ Nguyễn? Thì cả ba vị đều trả lời là vì không phải là nhà dân số học nên không quan tâm! Trong khi hai cụ tác giả cho biết là Họ Nguyễn chiếm đa số với 54%. Đọc hết cuốn sách người viết chỉ tìm được một điểm hầu như duy nhất là 2 cụ tác giả đã hiểu nhầm chữ Ta trong bài thơ yết hậu Sư gạn vãi:

Chơi xuân kẻo nữa già,
Lâu nay vẫn muốn mà,
Mời vãi vào nhà hậu,

Ta:

Đúng ra thì sau chữ Ta không phải là : mà phải là …

Sau khi đọc cuốn sách nhiều lần, người viết rất khoái những hình minh họa (132) và có hỏi vài vị học giả (100%) là nguồn gốc các minh họa này lấy từ đâu, thì liền bị mấy vị ấy cho biết là :”Từ bộ tranh dân
gian của Henri Oger, chứ còn từ đâu nữa!”

Người viết không lạ gì bộ tranh mang tựa đề là “Kỹ Thuật của người Annam” (Technique du Peuple Annamite) này, và cũng chính vì biết rõ nên thấy chỉ có một số bức trong số 132 bức là giống của Oger thôi,
phần còn lại nét vẽ khác hẳn nét vẽ quen thuộc của những nghệ nhân vẽ bộ tranh 4577 tấm của Oger. Sau đọc kỹ lại mới thấy là 2 cụ tác giả có nói trong sách là phần lớn hình ảnh lấy từ các tác phẩm của Gustave Dumoutier (1850-1904) là một tác giả Pháp viết về Việt Nam cũng không kém phần nổi tiếng, và của Ed. Nordemann trong tác phẩm nhan đề là Văn Tuyển Cổ Điển của người Annam (Chrestomathie annamite),cũng như của một tác giả Pháp thứ ba, người viết một giáo trình dạy tiếng Việt, tên là Tissot.

Mấy chục năm sau, nói chính xác hơn là 38 năm sau, vào năm 1992 cuốn sách rất hay của 2 cụ tác giả Pháp này đã được dịch không thiếu một dấu phẩy sang Anh ngữ, và thưa quý bạn đọc, người dịch lại chính là Bạn Tôi, nhân vật chính trong các truyện Vui Thời @ mang tên Bạn Tôi I tới XX. Anh tình cờ cũng lại chính là người đã dịch tác phẩm Kỹ Thuật của người Annam sang Anh ngữ dày gần 1000 trang hồi 10 năm trước.

Năm 1992, bạn tôi được một vị chuyên ngành xuất bản tới nhờ dịch từ Pháp sang Anh ngữ cuốn Hiểu Biết Việt Nam này. Anh nhận lời, và đã dịch một cách thích thú và rất cẩn trọng, lý do đơn giản là anh rất yêu tác phẩm này. Nhưng khi dịch xong anh đã rất đau lòng khi nhóm thuê dịch đã không liên hệ với Trường Viễn Đông Bác Cổ và 2 tác giả về vấn đề bản quyền. Hơn nữa tên tác phẩm là “Connaissance du Vietnam” (Hiểu biết Việt Nam) lại bị, vì lý do thương mại, đổi thành Việt Nam, Văn Minh, và Văn Hóa ( Vietnam Civilization and Culture). Tuy nhiên bạn tôi đã cẩn thận ghi ngay ở dưới tựa đề dòng chữ : English version of the work entitled “Connaissance du Vietnam” có nghĩa là Bản tiếng Anh của tác phẩm nhan đề là “Connaissance du Vietnam” và rồi sau đó anh từ chối không ký tên mình vào bản dịch luôn. Nhưng rồi, thể theo lời yêu cầu của nhóm nhờ dịch anh đã ký tên con gái anh sinh sống ở Mỹ là Vũ Thiên Kim. Mỗi khi gặp bạn tôi, nhắc lại chuyện này bao giờ anh cũng nói với nét mặt hơi buồn buồn:”Ôi Tuấn biết không, mình đâu có muốn không liên hệ với các tác giả về vấn đề bản quyền, nhưng tiếc rằng việc đó lại không phải phần việc của mình mà là của nhóm xuất bản sách.”Tuy nhiên khi được hỏi về cuốn sách thì anh lại vui trở lại và
cho biết là anh đã làm công việc dịch thuật một cách rất thích thú. Khi được hỏi dịch từ Pháp sang Anh có khó khăn lắm không thì nét mặt anh tươi hẳn lên khi trả lời:”Ôi thích lắm Tuấn ạ, dịch từ Pháp sang Anh sướng, và dễ hơn là từ Việt sang Anh nhiều, nhất là khi thứ tiếng Pháp của hai cụ tác giả thật trong sáng tuyệt vời nhưng không hề thiếu phần trang trọng. Mà Tuấn có biết mình thích nhất điều gì khi dịch tác phẩm này không? Tôi xin anh cho biết anh thích gì thì được anh trả lời như sau:”Mình thích nhất là sau mỗi chương, và sau cả 21 chương, các cụ tác giả đã để phần Thư tịch, nghĩa là phần sách tham khảo và mình đã dịch không thiếu một dấu phẩy tên gần 1200 tác phẩm các cụ đã tham khảo ra anh ngữ là thứ tiếng thông dụng nhất ngay vào lúc này, nên cũng có một chút công để ngày đi hành hiệp kể công với Mẹ Âu Cơ yêu dấu…

Bản dịch tiếng Anh từ năm 1992 tới nay đã được tái bản 2 hay 3 lần thì phải, và vào năm 1992 giá bán chỉ có 75.000 đồng, sau giá này tăng dần và vào lúc này thì thật là đã tuyệt bản, và kiếm được một cuốn còn mới lúc này người mua phải trả ít nhất là 5,6 trăm ngàn.

Theo bạn tôi, đây chính là một tác phẩm dịch thuật mà anh khá yêu thích trong số 20 tác phẩm mà anh đã dịch, và anh cho rằng đây là một cuốn sách hữu hiệu nhất để giới thiệu nước mình, dân mình với thế giới. Và anh nói:” Ước gì một ngày nào trong tương lai, nó sẽ lại được tái bản nữa, và khi ấy, tôi sẽ rất vui sướng được xem xét lại bản thảo cho thật kỹ, vì cuốn sách càng chính xác bao nhiêu càng được độc giả quý mến và trân trọng bấy nhiêu!”

VŨ ANH TUẤN

________________________________

Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ Sài Gòn ngày 22 . 11 . 2013.

BẠN TÔI XXII

hay là ĐẤT VIỆT ĐÂU THIẾU NGƯỜI TÀI?

    Đã gần hai năm nay, vì một số công việc bận rộn, tôi đã không gặp bạn tôi, tuy tôi vẫn nhớ anh lắm. Phía anh, anh cũng có một số việc phải giải quyết nên cả hai chúng tôi thông cảm với nhau và không ai muốn làm lỡ việc của ai. Nhưng lúc 7 giờ sáng nay tôi nhận được điện thoại của anh hẹn tôi đí ăn cơm trưa với anh sau gấn hai năm xa cách, tôi mừng quá, và vui vẻ nhận lời ngay, và trưa nay hai chúng tôi đã gặp và đã hàn huyên trên 2 tiếng đồng hồ từ lúc 11 giờ tới giờ. Gặp anh tôi mừng quá, vì thấy sau hai năm anh vẫn không thay đổi là bao nhiêu, vẫn tươi cười, vẫn đi đứng nhanh nhẹn như một tráng niên, như để minh họa cho một câu khoe tuổi của anh rất là nổi tiếng và đó là câu “mới hết hai mươi tuổi có lần thứ tư”, tuy nhiên tôi cũng ghi nhận ngay được môt thay đổi nhỏ nơi anh: đó là hàm răng trên và hàm dưới đều mất một răng và ở cùng một địa điểm nên trông như một cái cửa nhỏ để mở. Tôi hơi ngạc nhiên vì tôi biết anh không thiếu thốn gì, và là người rất coi nhẹ tiền bạc, nhưng không hiều sao anh không đi làm răng, hơn nữa tôi còn biết rằng anh chơi thân với hai cô nha sĩ giỏi lúc nào cũng sẵn sàng tiếp, và làm cho anh ngoài giờ. Tôi liền hỏi lý do tại sao anh để vậy và được anh trả lời một câu không hề kém phần têu tếu. Anh ta nói:”Tuấn còn lạ gì hai cô nha sĩ bạn tôi lúc nào cũng sẵn sàng giúp, nhưng tôi cố tình để mở như vậy, để làm gì Tuấn biết không? Để cho quý mẫu hậu của tôi được hoàn toàn tự do, ra vào tùy thích, tùy hứng!”
    Hai chúng tôi gặp nhau ở quán Ngân Nga, một quán ăn rất ngon và giá cả thật hợp lý của hai vợ chồng một nhà giáo cũng là bạn tôi. Sau mấy phút hàn huyên thăm hỏi lẫn nhau, tôi hỏi anh lý do nào khiến anh hôm nay lại nổi hứng hẹn tôi đi ăn thế này. Anh cho biết anh có một tâm sự nhỏ muốn thổ lộ với tôi. Tôi trả lới anh là tôi rất hào hứng xin nghe và mời anh kể ngay trong khi ăn.
    Sau đây là nguyên văn tâm sự nhỏ của anh:
    Tuấn biết không, lúc này mình cũng đỡ bận lắm rồi, và thường xuyên vào Facebook đọc những bài và hình ảnh Tuấn đưa lên mỗi ngày, vì tuy không gặp nhưng mình vẫn nhớ cậu lắm, và Facebook đã giúp mình đỡ nhớ và yên tâm về cậu. Nhưng sáng nay, cậu có thấy trên Facebook có một người đưa lên hình một người Ấn Độ 66 tuổi chụp chung với 39 người vợ và khoảng 100 người con và cháu. Trên hình là một người đàn ông đứng trước khoảng gần 150 người là 39 bà vợ và con và cháu của ông ta. Lời bình luận cho biết vắn tắt là tất cả 39 bà vợ và cả nhà đều vui vẻ chung sống ở cùng một nơi. Và rồi là có tới 6,7, lời bình luận đều khen là hạnh phúc, là giỏi, là thật đặc biệt v.v.v. Mình hơi bực mình khi xem hình đó và nghĩ ngay tới việc mời cậu đi ăn để gặp lại và trút bầu tâm sự. Tuấn biết không, người mình bình luận hơi vội vàng, và ít chịu suy nghĩ là mình chỉ được trông thấy cái hình như vậy, và được thông báo là tất cả họ chung sống với nhau vui vẻ, thế thôi, nhưng những người bình luận không chịu nhận xét là
trông vậy mà có phải vậy không, có đúng vậy không, có đúng là hạnh phúc thật không? Theo mình nghĩ, mình chỉ có thể thực sự biết là mọi chuyện có tốt đẹp, có hạnh phúc thật, có không lộn xộn gì thật không KHI MÌNH LÀ NHỮNG NGƯỜI HÀNG XÓM SỐNG GẦN HỌ, có đúng không Tuấn, và chỉ sau khi biết được thật đúng thì mới khen cũng đâu có muộn, và có chết anh tây nào đâu?
    Tôi hoàn toàn đồng ý với anh và cho là anh có lý khi nói rằng chưa biết gì rõ ràng, mà đã vội hùa nhau khen rối rít. Hai chúng tôi ngưng nói tiếp một lúc để ăn cơm, và sau độ nửa tiếng ăn khá no rồi, anh lại bảo tôi:”Này chưa hết chuyện đâu, còn chuyện này mới quan trọng, cậu ráng mà nghe cho kỹ nghe, lý do tôi hơi bực mình là, ngoài việc khen vội khen vàng, việc quan trọng hơn nữa là việc người mình chỉ vội cho ngoại bang là giỏi, là tuyệt vời, mà chẳng chịu tìm hiểu để BIẾT RẰNG NGƯỜI ĐÀN ÔNG ẤN ĐỘ NÀY CHƯA PHẢI LÀ NGƯỜI HAY NHẤT VỀ VẤN ĐỀ NHIỀU BÀ
XÃ ĐÂU. VÌ TÔI CÓ MỘT NGƯỜI BẠN (đương nhiên là người Việt mình) HAY HƠN NHIỀU!
    Nghe anh nói vậy tôi khoái quá, và giục anh cho biết liền, tôi sẽ rỏng tai nghe, và viết bài phổ biến cho bạn bè cùng biết. Sau đây lại là nguyên văn những gì anh kể:
    Tuấn ạ, ông bạn Ấn Độ này có tất cả 39 bà, trong khi ông bạn tôi có tổng cộng 51 bà là những người ông đã chung sống trong các khoảng thời gian, ngắn dài khác nhau, nhất là trong thời gian 2 lần 20 tuổi, sau này thì chi còn 3 bà ở Mỹ và 1 bà ở quê nhà. Ba bà mà ông thường gọi đùa là Quốc Hội đã qua Mỹ thì nay chỉ còn lại một bà ở bang Arkansas, còn hai bà trước đã … du tiên cảnh. Điều này chúng tỏ Đất Việt mình đâu thiếu người tài? Chỉ có điều là mình không thèm khoa trương thôi. Mà theo tôi chuyện 39 bà Ấn Độ không biết có sống chung hòa thuận hay không thì không biết, nhưng 51 bà người Việt mình của ông bạn tôi thì lại có phần hay hơn, vì trong gần 60 năm, bà nào vẫn ở nhà bà ấy MÀ KHÔNG HỀ CÓ CHUYỆN GHEN TUÔNG HAY SÌ CĂNG ĐAN nào hết trọi. Tôi phục bạn tôi quá và tìm hiểu, sau mới biết được rằng ông bạn tôi làm được vậy VÌ ÔNG LUÔN THÀNH THẬT KHAI BÁO không gian manh nói leo lẻo :”Anh chỉ yêu duy nhất một mình em”, mà ông luôn nói thật và nói với các bá đó là “chúng mình hoản toàn độc lập tự do, về kinh tế, về tri thức về gia cảnh, NẾU THÍCH NHAU THÌ CỨ ĐẾN VỚI NHAU, KHÔNG VIỆC GÌ PHẢI GHEN VỚI TUÔNG, GÂY SÌ CĂNG ĐAN CHO XẤU MẶT CẢ HAI”, và ông còn dám thề là SẼ TRUNG THÀNH VỚI TẤT CẢ, thế mới ghê, và hay hơn ông Ấn Độ kia chứ, vì ông DUY TRÌ ĐƯỢC HÒA BÌNH GIỮA CÁC MẪU HẬU CỦA ÔNG TRONG SUỐT 60 NĂM. Tuấn ạ tôi thấy ông ta được yên hàn như vậy nên rất lấy làm lạ, và vì là bạn của ông ta trong gần cả cuộc đời, nên tôi có lưu ý điều tra thì biết được là sở dĩ ông ta được như vậy, là vì ông ta có mấy bí quyết sau đây:
    A.- Ông ta không bao giờ dính líu tới các em trẻ khoảng 2,3 chục tuổi mà chỉ giao lưu với các quý bà bảo-tích-phương từ 5 tới 6 chục tuổi và là các bà hoặc là độc thân, hoăc là góa chồng, mà tất cả đều là trí thức được học hành đàng hoàng. Còn việc độc lập về kinh tế thì thái độ của ông ta rất rõ rệt, các quý bà giàu nghèo là việc các quý bà, KHÔNG BAO GIỜ ÔNG TA CHO CÁC QUÝ BÀ TIÊU CHO ÔNG TA MỘT XU vì ông luôn thưa với các quý bà là NAM PHÁI CHI NGÂN, NỮ NHÂN CHỈ CÓ CHI … TÌNH! Ông tâm sự với tôi “mình chẳng đạo đức thật, đạo đức giả gì, nhưng xét cho cùng “việc phá gia cang nhà người ta vừa không tốt vừa cực kỳ nguy hiểm” nên mình luôn luôn “kính lão viễn chi” Tuấn ạ.
    B.- Với chuyện luôn luôn thành thật khai báo, ông ta đã khiến các quý bà không có cớ để ghen và tuông và thậm và chí có những bà sau còn là bạn của nhau nữa.
    C.- Ông ta không ép buộc, gạ gẫm, hay chơi xấu với bà nào, và do ông ta cũng viết lách chơi thôi, nhưng được các bà đọc và thích, nên mới có chuyện như vậy.
    Tuấn biết không, ngoài việc có nhiều bà như vậy, vì hơn ông Ấn Độ kia đúng 1 tá bà, ông ta còn có một thứ kỷ lục Guinness mà ông Ấn Độ kia làm sao mà có được, vì kỷ lục này cực kỳ độc đáo. Và đó là kỷ lục mà ông ta gọi tên nôm na là “Kỷ lục duyệt quạt”. Trong thời gian 3 năm đầu ông ta dùng máy vi tính, ông ta đã không nghiện chơi game, mà chỉ khoái duyệt quạt và, cũng vì ông ta có một nghề tự do rất tốt, nên có được rất nhiều thì giờ để làm việc duyệt quạt đó. Sau ba năm đầu gặp người viết, ông ta có khoe đã đạt một con số bằng dân số châu Mỹ La Tinh mà lúc đó ông ta cho người viết là 620 triệu. Một năm sau, tức là năm thứ tư, gặp người viết ông ta thông báo là đang tiến lên dân số Trung Quốc…Nhưng từ năm ngoái thì ông cho biết ông đã … bảo hòa và thôi dứt điểm luôn chuyện đó. Người viết tò mò hỏi tại sao thì được ông ta cho biết như sau: thoạt kỳ thủy ông ta duyệt các em trẻ “teenager”, sau chán các em trẻ, ông ta chuyển sang quý bà nạ dòng (mature) thì điều kỳ diệu là số nạ dòng nhiều hơn bọn trẻ, sau chán các quý bà nạ dòng, ông ta chuyển sang xem các quý bà trọng tuổi (oldies) và, theo ông ta, điều kỳ diệu hơn nữa là số trọng tuổi lại còn nhiều hơn số nạ dòng nữa và, trong số trọng tuổi có những hình hài trông còn đáng sợ hơn ma quỷ nữa, và đó là lý do, sau khi đạt kỷ lục Guinness, ông ta giã từ chuyện duyệt quạt luôn cả năm nay rồi.
    Đầy Tuấn thấy không “Đất Việt đâu thiếu người tài” phải không?  Tôi phải chấp nhận là anh lại có lý, vì so vói người bạn của bạn tôi, thì ông Ấn Độ có 39 vợ kia đã đi đến đâu đâu !

VŨ  ANH  TUẤN

QUÁ GIỎI NHƯNG CHƯA LÀ CÁI GÌ CẢ…

Lý Toét: Này bác Xã (Xệ), bác thấy không? Con người chúng ta ngày nay thực tài giỏi, phải nói là tài giỏi khủng khiếp, này nhá, con người đã lên và tất nhiên là đã “đi tè” trên mặt trăng, đã “vuốt má” chị Hằng, rồi mấy chục năm trước đây đã phát minh ra máy vi tính, phải nói là thần thông khi từ bên này trái đất, con người có thể liên lạc với bên kia trong một tích tắc, nhất là còn có cái phô tô sốp, phô tô xiếc gì đó, thì cái chết tiệt gì nó cũng làm được. Khủng khiếp không?

Xã Xệ:
Quả là con người đã làm được nhiều điều kì diệu, có thể nói không ngoa là thần thông. Nhưng, này cho em hỏi anh Lý (Toét) nhé: Con người đã làm được gì chống lại Thiên Nhiên chưa? Chỉ cần Thiên Nhiên nổi giận làm nóng độ 70,80 độ, hoặc làm rét độ 70, 80 độ âm, là tay chung tay dắt nhau đi hết! Thật lạ tại sao Con Người lại không biết nghĩ đến điều đó ĐỂ MÀ ĂN Ở TỬ TẾ, TỐT LÀNH VỚI NHAU NHỈ !

Lý Toét: !!!

THƠ CHÚC TẾT NĂM ẤT MÙI 2015


Quý chúc tất cả các quý bạn phái nam trong năm “con Mùi đứng lom khom này” mỗi giây mỗi ham, mỗi phút mỗi hăng, mỗi giờ mỗi khỏe, mỗi ngày mỗi thành công, mỗi tuần mỗi hiên ngang, mỗi tháng mỗi tự tại, để rồi cả năm sẽ “đã mùi lại mùi hơn” trên tất cả mọi lãnh vực, để được quý bà ghi công, và sau này được Mẹ Âu Cơ ban thưởng.


Quý chúc tất cả các quý bà trong năm “con Mùi đứng lom khom này” mỗi giây mỗi khỏe thích, mỗi phút mỗi thăng hoa, mỗi giờ mỗi bay bổng, mỗi ngày mỗi thừa thãi, mỗi tuần mỗi tăng đẹp, mỗi tháng mỗi thêm vui, để rồi cả năm đã thuần đẹp (không có gì dzổm trên người) lại thuần đẹp hơn, và đã vừa lòng lại vừa lòng hơn… cũng trên tất cả mọi lãnh vực.


Vũ Anh Tuấn

Bài đã đăng
Thư chúc tết năm Nhâm Thìn
CẦN PHẢI HY SINH CON BÀI ĐẦM *
Truyện 34: Mái ấm tìm về
Truyện 33: Những bước chân của tử thần
Truyện 32: Một cuộc săn người
Truyện 31: Nhà điêu khắc kinh hoàng
Truyện 30: Chúa trời, Anh và Em
Truyện 29: ĐỀN TỘI ĐỀN TÌNH
Truyện 28: Tiền tài, Vận may và Hạnh phúc
Truyện 27: Viên ngọc bích thành Ramapour
Truyện 26: Tình oải
Truyện 25: Xưng tội lần chót
Truyện 24: Tình thù
Truyện 23: Tham vọng tội lỗi
Truyện 22: Lưỡi gươm đẫm máu
Truyện 21: Ngày tận thế
Truyện 20: Lộng giả thành chân
Truyện 19: Lòng lang dạ thú
Truyện 18: Giây phút kinh hoàng
Truyện 17: Vụ án ông già bảo vệ
Hai bài thơ về tranh Bùi Xuân Phái
Em có biết
Cái chết vui vẻ
Truyện dịch 16: Chơi gác tử thần
Truyện dịch 15: Vụ án ông già Noël
Truyện dịch 14: Hồn ma chạm súng
Truyện dịch 13: Một cái chết đúng lúc
Truyện dịch 12: Đường về thánh địa
Truyện dịch 11: Onathbabou, người hay ma?
Truyện dịch 10: Mưu thần chước quỷ
Truyện dịch 9: Một giải Oscar cho tội ác
Truyện dịch 8: Nỗi sợ khôn tả
Truyện dịch 7: Nét chữ tên sát nhân
Truyện dịch 6: Cái chết được đoán trước
Truyện dịch 5: Kẻ cắp gặp bà già
Truyện dịch 4: Sai một ly đi một dặm
Truyện dịch 3: Hai chiếc nhẫn đầu rồng
Truyện dịch 2: Chiếc bình đời Minh
Truyện 1: Hảo mộng (tiếng Việt - Anh)
 
Netadong.com thiết kế