Hiện có 16 người xem / 2309811 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        
 
VÀI NÉT VỀ NAPOLÉON

Vũ Anh Tuấn

Các bô lão ở thủ phủ Ajaccio của đảo Corse, thường kể lại rằng hai tháng trước ngày Napoléon Bonaparte ra đời, một sao chổi xuất hiện trên bầu trời thành phố. Dân địa phương không cho rằng sao chổi xuất hiện là điềm sắp có binh lửa tàn phá, chết chóc, mà coi đó là điềm lành báo trước sẽ có vĩ nhân xuất thế.

Ngày nay tại Ajaccio, ngôi nhà Napoléon sinh ra vẫn còn nguyên trên đường Saint-Charles, trước được gọi là đường Malerba. Nơi căn nhà nói trên, vị hoàng đế tương lai đã cất tiếng khóc chào đời ngày 15-8-1769. Người ta kể lại rằng thân mẫu Napoléon, bà Letizia Bonaparte, đã chuyển bụng trong lúc đang dự lễ ở Thánh đường; bà vội vã ra về và chỉ kịp cho ra đời đứa con thứ nhì ở tầng trệt, nơi phòng khách. Sự kiện này đã tạo ra các truyền thuyết về Napoléon: “vừa mở mắt chào đời, cậu bé Napoléon đã gặp gỡ ngay Achille”. Sở dĩ có truyền thuyết như vậy vì thiên hạ đồn rằng bà Letizia đã sinh Napoléon trên một tấm thảm có vẽ những cảnh trong thiên anh hùng ca Iliade, mà lại nhằm đúng mảng có hoạ hình Achille. Nhưng sau này, khi được hỏi đến, bà Letizia, lúc đó đã là Hoàng Thái Hậu có cho biết: “Đó là chuyện bịa đặt, nhà chúng tôi chưa bao giờ trải tấm thảm như vậy!

Bà Letizia đặt tên con trai thứ hai là Napoléon: Đây là tên của một ông tổ ba đời của chú bé đồng thời cũng là tên của một ông chú họ của bà.

Cái tên này được coi là tên lạ vì trong Kinh Thánh không có một vị thánh nào mang tên Napoléon cả. Tuy nhiên, dưới thời Đế chế, lễ kỷ niệm “một ông thánh Napoléon” vẫn được đặt ra vào ngày 15 tháng 8 mỗi năm, là ngày sinh của Hoàng Đế. Về mặt từ nguyên, có người nói Napoléon có nghĩa là “con mãnh sư nơi thung lũng”; một giả thuyết khác lại cho rằng Napoléon là “Nea – Apollon” (vị thần Apollon mới) hoặc “Ne-Apollyon” (người chiến sĩ vô địch). Nhưng gần đây, kết quả một công cuộc nghiên cứu cho thấy Napoléon chỉ là cách phát âm theo tiếng Pháp chữ “Napulione” là một cách đặt tên bằng tiếng Ý có nghĩa là “Người dân thành Naples”.

Sao chổi có mang điềm lành hay không thì chỉ có trời biết, nhưng Napoléon hiển nhiên là một siêu vĩ nhân. Qua cuộc đời 52 năm tương đối ngắn ngủi và với một học vấn rất bình thường nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, Napoléon vượt hết mọi trở ngại, kinh qua đủ mọi thăng trầm để trở thành vị hoàng đế lẫy lừng của nước Pháp.

Nếu muốn kể được hết tất cả mọi thăng trầm, các mưu toan, các thủ đoạn của Napoléon trên đường tiến lên địa vị Hoàng đế thì cần phải rất nhiều trang sách, phạm vi nhỏ bé của bài này chỉ cho phép ghi lại vài nét nổi bật trong cuộc đời lừng lẫy đó:

- Cuộc đời binh nghiệp của Napoléon rất xuất sắc. Ra trường năm 1785, với chức thiếu uý Pháo binh lúc 17 tuổi, năm 25 tuổi Bonaparte đã từ cấp bực đại uý nhảy vọt lên cấp thiếu tướng vào năm 1793, sau trận đánh chiếm thành Toulon. Năm năm sau, Bonaparte trở thành Đệ Nhất Tổng Tài, tóm thâu hết các quyền hành trong tay. Lại năm năm nữa trôi qua và lần này, vào ngày 18-5-1804 Bonaparte thành Napoléon Đệ Nhất, Hoàng đế Pháp lúc vừa 35 tuổi.

- Lên làm hoàng đế, Napoléon có những hành vi khác thường sau đây: năm 1804 Giáo hoàng Pie III chịu chấp nhận đến Paris để làm lễ đăng quang cho Napoléon, nhưng trong buổi lễ, thay vì để Giáo hoàng đặt vương miện lên đầu, Napoléon lại tự tay cầm vương miện đặt lên đầu mình và đầu hoàng hậu Joséphine.

- Năm 1808 Napoléon chiếm đóng thành Rome và đày Giáo hoàng ra Savone (hải cảng Tây - Bắc Italia).

- Năm sau, Napoléon sát nhập thành Rome vào Pháp và bị Giáo hoàng rút phép thông công (khai trừ khỏi giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã). Tuy nhiên Napoléon không hề bị nêu đích danh, vì phía Giáo hội chỉ nói: “Nay rút phép thông công các kẻ xâm chiếm đất đai của Hội Thánh”.

- Trong cuộc viễn chinh Ai Cập (1798-1799), khi tiến tới chân các Kim Tự Tháp, Napoléon đã kiêu hãnh tuyên bố với quân sĩ: “Các chiến hữu thân mến, 40 thế kỷ đang chiêm ngưỡng chúng ta!”.

- Napoléon đã cho quân chiếm đóng Matxcơva và cho nổi lửa đốt thủ đô nước Nga, nhưng lúc rút về, Napoléon đã bị “Đại tướng Mùa Đông” đánh cho thất điên bát đảo trên bờ sông Beresina (25-11-1812)…

- Cuộc đời tình ái của Napoléon cũng rất khác thường: trong ba người đàn bà dính líu tới Napoléon nhiều nhất thì một sau này ly dị, một thì cuộc tình nặng nhiều về chính trị, chỉ có Marie-Louise sau được Hội thánh công nhận Hoàng hậu là lâu bền nhất. Tuy nhiên ngoài ba người nói trên, một nhà Napoléon - học còn cho biết Napoléon đã đi qua khoảng 50 cuộc đời đàn bà khác, trong đó có 12 mệnh phụ và 14 nữ diễn viên sân khấu. Đặc biệt với mối tình đầu, Napoléon tỏ ra rất nể trọng cô gái Désirée Clara.

Trong suốt cuộc đời chinh chiến dẫn đầu Đại quân đánh đông dẹp bắc ngang dọc khắp Châu Âu, nếu Napoléon gặt hái được nhiều chiến thắng lẫy lừng như các trận Austerlitz (1805), Iéna (1806), Friedland (1807) v.v… thì cũng nếm mùi thất trận như trận hải chiến ở Trafalgar (1805) và trận d’Arcis-sur-Aube (1814) đưa đến việc ngày 05-11-1814, Napoléon phải thoái vị lần thứ nhất ở Fontainebleau. Sau đó vào cuối đời lại phải chịu trận thất bại lớn ở Waterloo (1915); trận này đã đưa Napoléon lên đường đi đày ở đảo Sainte-Hélène.

Sau khi thoái vị lần thứ nhất, Napoléon vẫn giữ địa vị Hoàng đế ở đảo Elbe, nhưng ở đảo này được ít ngày vào tháng 2 năm 1815 Napoléon lại quyết định trở về Pháp với ước mong lấy lại cơ đồ. Ngày 26-2-1815 Napoléon rời đảo Elbe với 7 con tàu, ngày 1-3 về đến vịnh Juan, ngày 10-3 về đến Lyon, và ngày 20-3-1815 tiến vào Paris. Nhưng ước mong đó không bền và lần này chỉ tồn tại có 100 ngày (21-3 đến 21-6-1815).

Ngày 15-6-1815, Napoléon đánh vào nước Bỉ, ba ngày sau thua trận Waterloo và lại thoái vị (23-6-1815).

Những giờ phút cuối của Napoléon diễn ra như sau:

Ngày 15-7-1815 Napoléon lên đường đi đày và bị đưa xuống tàu Anh Bellerophon. Tàu cặp bến Plymouth ngày 24-7-1815, tại đây Napoléon được chuyển sang tàu Northumberland và tới đảo Sainte-Hélène ngày 16-10-1815. Ngày 10-12-1815 Napoléon tới Longwood, nơi ở cuối cùng. Một điều nên nhắc ở đây là trong cả Châu Âu, chỉ duy nhất một nước Anh không bao giờ công nhận Napoléon Hoàng đế, nên khi tới đảo Sainte-Hélène, Napoléon chỉ được gọi là “Đại tướng Bonaparte”.

Ở Sainte-Hélène được năm năm thì một ngày kia, Napoléon lâm bệnh nặng nhưng qua khỏi. Chẳng may trong lúc đang hồi phục, Napoléon không kiêng cữ cẩn thận nên ngã bệnh lại, và lần này bệnh tình ngày càng trầm trọng. Biết những giờ phút chót gần kề, vị cựu hoàng bảo lấy giấy viết cảm ơn những quân sĩ đã trung thành với mình khi trước, và gửi tặng những người có công đủ loại huy chương đã mang theo khi đi đày. Sau đó Napoléon cũng trối trăn thêm là muốn được chôn cất bên bờ sông Seine, hoặc ở giữa thánh đường Ajaccio nơi quê hương. Trối trăn xong, suốt ngày 5-5-1821 Napoléon nằm yên lặng không động đậy, chỉ thỉnh thoảng thở dài và thầm gọi tên bà Letizia. Đến chiều, vào lúc hoàng hôn, một trận mưa lớn bỗng ập tới, biển động mạnh sóng gió gào thét, Napoléon kêu to lên một tiếng “Nước Pháp vạn tuế” rồi tắt thở.

Sau khi khâm liệm bằng vải trắng, quân canh gác người Anh đặt bên trái Napoléon một thanh kiếm và trên ngực một thánh giá. Kế đó họ lần lượt vào viếng xác rồi đem chôn cất với lễ nghi quân cách ở một thung lũng gọi là “Thung lũng hoa Mỏ Hạc”.

Sau đó quân Anh hỏi ý kiến đại diện quân Pháp nên để tên Napoléon hay Bonaparte trên bia mộ. Mỗi người một ý, chẳng ai chịu ai, kết cuộc họ quyết định để trắng tấm bia như là ngôi mộ vô chủ.

Ngày 15-2-1840, Nghị viện Pháp thông qua nghị quyết cải táng cho Napoléon. Ngày 15-10-1840, Hoàng tử De Joinville, con vua Louise-Philippe, đem di hài cựu hoàng từ đảo Sainte-Hélène về Pháp bằng tàu “La Belle Poule”. Ngày 15-12-1840 Napoléon chính thức an nghỉ tại điện Invalides.

Bài đã đăng
Giới thiệu sách lịch sử
“L’INDO-CHINE”
Cuốn Lịch Sử Việt Nam (An Nam)
Bộ sách "Lịch Sử Cuộc Đại Cách Mạng Pháp"
 
Netadong.com thiết kế