LỘC TRỜI
Hạnh phúc Trời ban cho sẳn có
Tình bạn bè gắn bó làm sang
Giao lưu xướng họa thanh nhàn
Có khi thơ thẩn ca vang một mình
*
Tầng mây rộng thênh thênh trời đất
Thú tiêu dao trăng mật sông hồ
Bao la hùng vĩ cơ đồ
Giang sơn cẩm tú điểm tô mỹ miều
*
Phong cảnh đẹp sanh nhiều cảm hứng
Đem văn thơ bình luận ngâm nga
Trăng thanh gió mát chung trà
Ngắm nhìn thế sự để mà học khôn
*
Đi đâu bằng hương thôn làng cũ
Trở về quê vui thú điền viên
Tiếng gà gáy rộ triền miên
Gia đình hạnh phúc bách niên sum vầy
Thanh Châu
ĐÈN NHÀ
LÁNG GIỀNG
Thoáng nhìn nhà cửa ven thôn
Khói lam mờ ảo trời hôm dịu dàng
Đoạn rào chia nửa bờ ngang
Khoảng tường trống lọt, ánh vàng dọi qua
Lối nam thắng cảnh đợi chờ
Vườn tây xóm dệt gấm tơ rộn ràng
Hoàng hôn le lói chưa tàn
Lối xưa khách đã quen đường tới lui.
LANG NGUYÊN
TRĂNG THU
NGẮM CẢNH
Dạo chơi đêm sáng bữa mười ba
Ánh dội nhành mai chiếu lập lòe
Hậu Nghệ nương mình trong bóng thỏ
Hằng Nga lộ dạng dưới cành đa
Thu về mấy độ thu nay lại
Nguyệt đến bao lần nguyệt cũng qua
Cây cỏ đượm màu pha sắc thắm
Ngắm trăng, ngắm cảnh, cảnh chưa già.
LANG NGUYÊN
TRÁI TIM MÙA ĐÔNG
Ngỡ mình quá... đát, chẳng còn... phong !
Những tưởng phen ni khóa chặt... phòng
Nhắp chén cay nồng đêm cuối hạ
Nâng ly đắng chát sáng đầu đông
Ngại ngần đón khách toan vay nợ
Ngơ ngẩn nhìn em muốn lấy chồng
Ngọn lửa yêu đương bừng cháy lại
Bên nhau, đôi lứa xuyến xao lòng !!!
THANH PHONG
ĐƯỜNG TRẦN
Đường trần rong ruổi bấy lâu nay
Sẽ để lại chi ở chốn này ?
Lam lũ suốt đời gây sự nghiệp
Nhọc nhằn trọn kiếp dựng tương lai
Mày xanh má thắm chưa phai nét
Tóc trắng răng long đã đến ngày
Bắc Đẩu Nam Tào ghi sổ sẵn
Đừng mong thoát khỏi chiếc quan tài !
THANH PHONG
TÂM ĐEN
Nhà có con chó mực
Lông nó đã đen rồi
Còn lấy mực anh bôi
Làm sao đen được nữa
Ở đời có những người
Tâm họ quá đen rồi
Nên đừng sợ ai bôi
Vì đen sao hơn nữa.
LÊ MINH CHỬ
CHUYỆN NAY
Đời nay xảo quyệt lắm nhiều khu
Vật giá đua chen mắt tối hù
Rượu uống pha cồn nên cẩn thận
Đồ ăn thực phẩm hóa dòi bu
Chương trình chữ nghĩa luôn thay đổi
Trẻ nhỏ mê game học rối bù
Tiến tới tương lai nhờ tập thể
Chăm nom giáo dục sở đầu tư.
QUANG BỈNH 9/2018
GIÀ MUỘN
Chiều nay lắc rắc hạt mưa rơi
Lá úa vàng ươm sắp rụng rời
Đang viết thư tình thời lão ngoại
Tâm tư khát vọng tuổi đôi mươi
Ngày xưa cuộc sống dân lao động
Hiện tại tham gia thơ cuối đời
Đã có thi huynh cùng tiếp sức
Cùng vui thỏa mãn kiếp con người.
QUANG BỈNH
CHỌN BẠN
Trau dồi hai chữ nhẫn kiên
Nhịn thời nhân rộng xóm riềng bình an
Ai không có tánh giận hờn
Trách người không tốt chập chờn như say
Kiên trì phong độ xưa nay
Gia đình hòa thuận mảy may buồn phiền
Thời nay thừa bọn đảo điên
Làm nên việc thiện hữu duyên bạn hiền
Thấy xấu thời phải tránh liền
Để cho kẻ dữ đứng riêng một mình.
QUANG BỈNH
ĐI TRONG ĐÊM
Đi qua những con hẻm đầy đèn lấp lánh
Nhớ lại từng kỷ niệm xa xưa
Nhớ lại hết những khuôn mặt yêu mến không vừa
Nhớ trọn cả tháng ngày xa xôi ấy…
Nhớ những ngôi nhà thờ trang hoàng lộng lẫy
Nhớ những bài Thánh Ca như đã thuộc nằm lòng
Mà năm nào cũng dượt lại, về câu chuyện Một Đêm Đông
Rồi hát thả giàn, cho “niềm vui vỡ lở”
Hát cho mồ hôi túa ra, cho trời đêm không còn lặng lẽ
Hát hừng hực cho ấm cả lòng mình
Hát lễ xong, lại đâu đó quây quần
Từng có dạo, chỉ cùng nhau… ly rau má !
Cũng có dạo, là ngụm bia thanh thỏa
Chia cho nhau, lấy của nhau niềm thích thú khôn cùng…
Có khi còn với bạn cũ long rong
Trả lời bạn, những câu người-chưa-tin đang hỏi…
Thế nào cũng có giọng ai kia í ới
Muốn cùng nhau trải trọn một đêm vui
Để giải bày tình mến của anh-tôi
Không bằng lời, mà bằng ly bia sóng sánh…
Nơi nhà thờ khác, chị, anh, em tôi cũng đang giòn tiếng hát
Dâng Hài Nhi lá phổi muốn… rè rè
Rằng dẫu chết, chỉ muốn hát Chúa nghe
Vì con chỉ là con ve nhỏ bé…
Đêm đi qua những hẻm ngoằn ngoèo ngơi nghỉ
Nghĩ mãi về đứa bạn từng ở đây
Mà từ lâu, từ lâu lắm đã cất cánh bay
Chỉ để lại chút dư âm trong nỗi nhớ…
Đêm đi dưới đèn sao rạng rỡ
Nhớ cô em xinh xắn học chung trường
Mà ngày xưa, từng có chút vấn vương
Nay vương vấn, vì cô không còn nữa…
Đêm đi xuyên qua màn gió sương lặng lẽ
Để tâm hồn gợi lại biết bao điều
Để trí lòng thấm đẫm biết bao nhiêu
Biết bao nhiêu, biết bao nhiêu kỷ niệm…
Con dừng chân nơi hang hèn cô quạnh
Tượng cất đi rồi, vì sợ trộm viếng đêm
Nhưng Chúa vẫn ở đó rất êm đềm
Qua tiếng ru của dế lời rinh rích
Qua tiếng đàn bọn ễnh ương oàm oạp
Qua tiếng gió lùa vào kẽ lá đợi bình minh
Qua tiếng rao, tiếng rao xốn xang lòng
Của những kẻ âm thầm đi kiếm sống
Âm thầm đi trong đêm, lòng ôm mộng
Đơn sơ thôi, một bữa với nệm êm…
Con biết, chính Chúa đó, kẻ nhỏ bé mọn hèn
Đứng dậy từ đêm đông, chân tê lạnh…
Con biết làm gì để Chúa thôi cô quạnh
Để Hài Nhi cứ ngự giữa thời gian
Mà không sợ ai đánh cắp ở không gian
Của chính Chúa, Đấng tác thành mọi sự !
Giòng sông đêm trông âm thầm lặng lẽ
Mà chảy vào bao ký ức tưởng mờ phai
Hãy nói giúp con đi, rằng con chẳng bao giờ
Quên bất kỳ ai, từng cùng con đi trên cầu dương thế…
Noel đến, sang năm có còn nữa
Để một lần, lại… nghĩ tưởng mông lung ?
LAM TRẦN
MỪNG THỌ 90 TUỔI
Họa thơ: LƯU MINH HẢI
Thời gian thắm thoát chín mươi Xuân
Chiến đấu hai thời lắm bụi trần
Đối đáp văn thơ, cùng nữ sỹ
Giao lưu xướng họa, với thi nhân
Gia đình phục vụ, luôn vì nước
Thuở trẻ quân trường nhanh tiến bước
Nay già thượng thọ yếu đôi chân…
Chúc thọ
BÁCH NIÊN TUẦN
Bách niên tuần, thượng thọ mười mươi
Thiền định “YOGA” hít khí trời
Sức khỏe dồi dào, đi khắp chốn
Tinh thần phấn khởi, đến muôn nơi
Tao đàn sáng tác, thơ văn túi
Bút pháp lưu truyền, mấy tập chơi
Kỷ niệm Đường thi, con cháu đọc
Mười mươi tuổi hạc để cho đời.
PHƯỚC HẢI
Trong sương mù
Cao Bằng
Sông Hiên mất tích
Đỉnh Cao Bắc trôi ngật ngưỡng ở ngang vai
Bát phở vịt đang ăn, tay quờ không thấy đũa
Mặt trời trắng và lành như một đồng xu nhỏ
Ta chả thèm tiêu
*
Đưa gương soi chẳng nhìn thấy mặt mình
Thành Nhà Mạc đâu đây, bồng bềnh thời binh lửa
Lau bạc đèo Giàng khét mùi mồ hôi ngựa
Sương khói hỡi! Những linh hồn đau khổ
Khát khao chi, bay đến rát ruột người
Tự Do ư? Thì cứ lên trời
*
Ơ hơ ...
Một biển mây mờ, màu hữu hạn
Bỗng lấp đầy không trung
Trong khoảng khắc
Ta lặng im đối thoại với Vô Cùng...
Cao Bằng 7.12.1998
Trần Nhuận Minh
IN THE MIST
OF CAO BANG
The Hiên river was missing
The Cao Bắc peak flowed totteringly at shoulders’ level
The bowl of duck chinese soup I was eating,
my hand groped for but didn’t find the chopsticks
The sun was white and gentle as a small cent
I didn’t condescend to spend
*
Mirroring myself I didn’t find my face
Somewhere around here was the citadel
of the Mạc dynasty that drifted and bobbed in wartime
The Giàng pass with its burning smell
of horses’ sweat was made silvery by reeds
O mist and smoke! The suffering souls
Are craving for what when they flew in agony
Is it Freedom? Well just fly to heaven
*
Well...
A sea of blurred clouds, with limited colours
Suddenly filled up the sky
In an instant
I kept silent to converse with the Endlessness...
Cao Bằng 7.12.1998
Trần Nhuận Minh - Translated by Vũ Anh Tuấn
THẦY, CÔ
64 tuổi đời đã đi qua…
Những tháng năm mài đũng quần trên ghế nhà trường thì đâu có ít, mà không hiểu sao, lại chẳng mấy nhớ được diện mạo của các bậc thầy cô, dù bản thân, cũng từng đóng vai trò ấy trên trường đời rất lãng quên…
Làm sao nhớ được vị thầy đầu tiên, cho bằng nhớ cây viết lá tre cũ kỹ có cán màu nâu, phía sát với ngòi viết là màu đen ngày ấy? Lạ thật, hóa ra, ta đã bỏ quên “thứ” quan trọng nhất với mình, đó là thầy giáo ngày chập chững đến trường. Nhưng, dù người thầy ấy ắt hẳn không để râu dài, không mặc áo the, không… guốc mộc như một cụ đồ nho rất đáng tôn kính, thì thầy hẳn phải khá “già”, đủ lớn tuổi hơn thân phụ mẫu, để chỉ nhắc đến “thầy” thôi, là đã một lòng… kính sợ!
Phải rồi, loạng quạng là roi mây đét trên mông, là thước bảng quất trên tay mà không dám khóc: bởi thầy thì phải viết hoa “Thầy”, mới tỏ được lòng tôn kính không chỉ của học trò, mà của cả bậc mẹ cha đám trò bé bỏng ấy!
Thế nên, nếu vì hoàn cảnh nọ kia mà về cư ngụ nơi một khu xóm mới, thì thế nào cũng có Ông giáo Kính, Ông giáo Trọng… nào đó mà cả xóm đều biết đến tiếng tăm, dù ông có thể “chỉ” là giáo viên tiểu học. Chẳng ai nói xấu ông hay gia đình ông bao giờ, vì ông chẳng bao giờ xấu, chẳng bao giờ nhậu nhẹt, chẳng bao giờ vợ nọ con kia… Nếu nghe được chút chùng lén nào đó, thì có thể chỉ là:
- Ông giáo Nhân… dữ lắm, nha!
Nhưng khi gặp ông trên lối đi, chẳng ai lại không cúi đầu chào ông theo cách kính trọng nhất, kể cả những trò không hề học ông, kể cả những phụ huynh chưa bao giờ được mời ông một ly cà phê kiểu “miếng trầu là đầu câu truyện”.
Có học lên, học lên đến đâu nữa, thì những người Thầy đầu tiên ấy vẫn mãi mãi là Thầy đáng kính trọng vô vàn, dù trò xưa của Thầy, hôm nay có là kỹ sư, bác sĩ, hay thậm chí là một nhà giáo, một giảng viên đại học. Vì Thầy thì… lớn lắm!
Lên trung học, hình như những lời văn “trong nhà Xã Bổng có cái hòm gian kê ngay trước mặt bàn thờ là đặc sắc hơn cả…” là… đặc sắc hơn cả! Đặc sắc vì vị Giáo sư Việt Văn đã gieo vào lòng những cô cậu 11 tuổi đầu những giòng văn lưu loát và lưu luyến cho suốt cuộc hành trình trần gian, kể cả lúc đã giã từ mái trường mà đi vào cuộc sống với biết bao thăng trầm. Chẳng phải là Việt Văn cần cho hết mọi thứ trên cuộc đời này hay sao? Không chỉ những bài tập làm văn, những bài bình văn, thơ… mới cần trau chuốt, mà ngay cả lời giải trong vô vàn bài toán cũng cần những câu nói rất khúc chiết ấy. Thậm chí, nếu có viết một lá thư, có nhào nặn một vài vần thơ để… tỏ tình với ai kia, thì Việt Văn vẫn là thứ gì đó phải hằng ngày trau luyện. Rồi nếu từng đọc “Ba chàng ngự lâm pháo thủ”, thì mới thấy văn chương quả là rất… văn chương, văn chương chịu không nổi! Cũng có lúc phải nói cạnh nói khóe với ai đó, thì mới biết nói khóe, nói cạnh cũng là một… nghệ thuật hẳn hoi! Nói nhẹ mà đau, không phải ai cũng làm được!
Thế nên, nếu có nhớ nhiều đến những Giáo sư Việt Văn, thì hẳn là chuyện tự nhiên. Trong đời đi học của mình, tuy không nhớ được Thầy nào đã dạy mình về nhân vật “Xã Bổng” trong tác phẩm “Chồng Con” của Trần Tiêu, nhưng tôi nhớ nhất là ba vị Giáo sư thời trung học là Thầy Phùng Ngọc Cảnh, Cô Hương, và Thầy Lê Đình Bảng…
Tôi nhớ Giáo sư Cảnh ở cái tướng mảnh mai, cái cặp kính cận khá dầy, cái kiểu ngồi hơi vẹo sang một bên của Thầy trên yên chiếc Vespa. Tôi nhớ Thầy còn vì Thầy “dễ” lắm! Chỗ đứng để Thầy khảo bài dĩ nhiên là sát với bàn của Thầy, mà cũng sát với bàn học trên cùng. Bây giờ, khi gõ những giòng này, tôi mới khám phá ra rằng, thật sự, Thầy quá biết cái trò “nhắc tuồng” của những đứa ngồi ở dưới dành cho đứa đang khoanh tay để Thầy khảo bài. Thầy kính mến ơi! Rõ ràng là lòng Thầy thì khoan dung vô lượng, nên giả bộ cho “chúng mày” được diễn trò hầu có điểm tốt mà vui học hành, chứ “tao không có mù đâu nhé!” Thầy còn cất nhắc con được làm “gia sư” cho con trai của Thầy ngay tại ngôi nhà rất đẹp của Thầy, trong khi chính con gái lớn của Thầy là Hương, lại là bạn học cùng lớp với con. Thưa Thầy kính mến, bây giờ, chắc là Thầy đang ở trên Thiên Quốc rồi. Con nghĩ thế, vì một vị vừa là Giáo sư, vừa là Hiệu Trưởng trường Lê Văn Duyệt, lại đầy lòng nhân hậu mà giúp con kiếm chút tiền đóng học phí ngay khi còn đang học… thì Thầy chỉ có thể ở bên Đức Chúa mà thôi. Con chỉ xấu hổ là chưa một lần dâng nén hương mà tưởng nhớ đến Thầy.
Cô Hương kính mến,
“Em” chẳng biết những giòng chữ này có được cái diễm phúc là được cô đọc thấy vào một lúc nào đó, ở một nơi nào đó trên quả đất này hay không. Cô cho phép “em” vẫn được xưng em là “em” vì chúng em đã quen như thế từ ngày ngồi nghe cô giảng bài năm xưa, và nếu xưng “con” thì… lạ miệng quá cô ạ! Em học cô có lẽ đã chỉ một niên khóa, có lẽ ở lớp đệ ngũ thì phải. Lũ học trò tuổi 13 chúng em, tuy chưa biết yêu, tuy chỉ biết gọi nhau bằng 2 chữ mày-tao bất kể là bạn trai hay gái. Nhưng, xin cô tha lỗi cho, ngày ấy, Giáo sư Hương dạy Việt Văn của chúng em thật là… đẹp!
Một Giáo sư khác, cũng dạy văn, nhưng là Anh Văn, cũng là một vị Thầy mà chúng tôi luôn yêu kính: Giáo sư Ngô Thị Hải!
Tôi học anh văn dở lắm, nên chẳng có gì để cô lưu ý, trừ cái tội nghịch ngầm, dù tôi là thằng bé khá “ngoan” ngày ấy.
Một lần, không nhớ vì lỗi gì mà cô phạt cả lớp. Hình phạt là đứng lên-ngồi xuống. Sau một lúc, cô quát khẽ:
- Thôi!
Cả lớp đứng yên. Cô hỏi tiếp:
- Các em chừa chưa?
Có một con quỷ sứ gì đó xúi tôi vọt miệng:
- Chưa…
Dĩ nhiên, tôi bị phạt riêng với hình phạt nào đó mà tôi không thể nhớ ra được sau ngần ấy năm trường. Chẳng nhớ “đứa” nào trong lớp xúi tôi, mà ngay giờ ra chơi, tôi thò ngón tay “thứ ba học trò” của mình vào chỗ nắp bugi chiếc Honda PC của cô, rồi… giật mạnh: cái nắp bugi văng qua mái trường, mất tích! Dĩ nhiên, chẳng khó lắm để điều tra ra thủ phạm: Đó là lần đầu tiên và là lần duy nhất tôi bị Thày Giám thị bắt nằm sấp trước mặt cả lớp, rối quất cho mấy cái roi mây tởn… tới già!
Nhưng cái làm chúng tôi yêu mến cô đến tận hôm nay là, cô vẫn đang đồng hành với nhóm cựu học sinh chúng tôi đã 18 năm liên lỉ. Không chỉ cô, mà cả chồng cô nữa - cũng là một nhà giáo - đã chẳng khác gì người anh cả, người chị cả trong mái gia đình cựu học sinh này, với đủ mọi buồn vui, mọi biến cố…
Một người Thầy nữa có liên quan đến chữ nghĩa mà tôi từng được dạy bảo là Giáo sư Nguyễn Xuân Hoàng. Thầy dạy Triết, và cứ như kỷ yếu năm xưa chiếu lại, tôi là học trò đứng đầu môn này trong lớp mình! Tôi nhớ, có lần, tôi đã dám “tranh luận” với Giáo sư Triết của mình về đề tài Công Giáo - vì tôi là tín hữu Công Giáo. Thế mà, Thầy Hoàng vẫn cho tôi điểm tốt! Điều ấy chứng tỏ rằng, trong trường học ngày ấy không hề có việc “trù dập”, thứ mà hôm nay, thỉnh thoảng vẫn râm ran đâu đó. Khi người học trò lớp 12 ngày ấy của Thầy, nhắc về vị Giáo sư khả kính của mình, thì ông cũng đã lìa trần ở trời xa. Mong hương linh Thầy được siêu thoát ở chốn vĩnh hằng…
Một vị Giáo sư khác cũng đã từ biệt trần gian: đó là Thầy Trịnh Ngọc Đỉnh, với cái trán rất… bác học. Thầy dạy môn Hóa Học, và là vị Giáo sư rất… khó! Lộn xộn là… ăn đòn! Thế hệ của chúng tôi, và cả những thế hệ trước sau chúng tôi nữa, từng luôn có những vị Giáo sư khó tính như thế. Nhưng chính vì vậy, mà dù có “ghét” Thầy vì từng bị Thầy bạt tai, lũ chúng tôi vẫn nghĩ rằng, chúng con có nên người thì một phần cũng là nhờ việc “yêu cho roi cho vọt” của quý Thầy Cô nói chung, và của Thầy nói riêng. Tiếc rằng, ngày Thầy mất, chúng con đã không biết mà tìm đến, cùng chung lời cầu nguyện cho Thầy. Dù sao, thưa Thầy, hình ảnh Thầy vẫn còn đây, khi một hôm rất bất ngờ, một ca viên của con, lại khai ra rằng, cô ấy chính là ái nữ của Thầy, và cô ấy giống Thầy như đúc!
Chữ nghĩa nằm trên khung nhạc, làm tôi nhớ đến Giáo sư Kiều Thanh Long mà mới đây, trong một lần dự tiệc cưới con người bạn, chúng tôi - những học sinh xưa của Thầy - đã đến chào Thầy. Thầy từ Đức về, thay vì “đẹp trai” như ngày xưa, thì nay, Thầy rất đẹp lão! Chút kiến thức phổ thông về nhạc mà lũ học sinh học được từ Thầy ngày ấy, cộng thêm sự yêu thích âm nhạc của Thầy đã lan tỏa trong lòng, mà dần dà, tôi cũng lĩnh hội được ít nhiều cái đẹp của âm nhạc, vừa đủ để hát hò, để dựng những bài thánh ca trong nhiều ca đoàn, vừa đủ để viết rồi… lách trên những giòng nhạc dài mà bay bướm, khiến từng nhiều lúc, tôi cũng được gọi là “Thầy”, mà ngay lập tức, tôi phản bác:
- Này! Chỉ có một Thầy là Đức Giêsu thôi nhé!
Dĩ nhiên, tôi không thể không nhắc đến một cách trân trọng một vị “rất” Thầy nữa, là Giáo sư Lê Đình Bảng! Thầy dạy cho nhiều bạn bè của tôi, cho các em tôi nữa. Có lẽ những bài thơ của Nguyễn Công Trứ là tôi học được từ vị Giáo sư này.
Biến cố 1975 đã xô đổ nhiều thứ, kéo chúng tôi ra khỏi ngưỡng cửa học đường. Hai năm đại học chưa đủ làm con chim giang rộng đôi cánh để đi vào đời lúc ấy đã mù tăm. Cuộc mưu sinh đã làm mất nhiều thứ, trong đó có trường cũ thầy xưa. Nhưng tên tuổi Thầy vẫn bay trong khung trời. Một anh bạn tặng quyển “Gặp gỡ những giòng sông”, nói:
- Của Thầy Bảng đó…
Rồi Thầy “hiện ra” trong một đêm diễn nguyện Giáng Sinh, với vai trò MC rất khó cho ai có ý định cạnh tranh với Thầy. Sau khi hát xong bài Halleliua của G.F. Handel, tôi tiến lại phía Thầy:
- Chào Thầy ạ! Thầy có “nhớ” em không?
Câu trả lời làm tôi nhớ mãi đến bây giờ, vừa chân thực lại vừa ý nhị:
- Hm, từ từ rồi cũng… nhớ ra!
Lúc ấy, tôi đã biết Thầy đang là một MC công giáo rất nổi tiếng. Nhưng chưa bao giờ, tôi có ý định đến gần Thầy, vì với tôi, Thầy vẫn là một Giáo sư, là bậc cha chú rất đáng kính và cao… vòi vọi. Cộng với những bận rộn của cuộc sống, mà chẳng mấy khi tôi nhớ đến Thầy, cũng như các vị Thầy dạy rất đáng kính khác.
Một lần, vào ngày truyền thống của nhóm Cựu Học Sinh chúng tôi, nhân kỷ niệm 10 năm thành lập. Khi tôi ngước nhìn lên, tôi trông thấy ai đó đang thấp thoáng phía bìa hội trường, nơi chúng tôi bày tiệc. Vì nhìn từ xa, tôi chỉ thấy một người đàn ông tầm tầm, có vẻ đang đợi chờ ai đó, đợi chờ điều gì đó. Tôi ra hiệu cho một bạn, rồi chỉ tay về phía người đàn ông càng lúc càng có vẻ muốn gặp gỡ chính chúng tôi, hơn là gặp “chức sắc” của nhà thờ. Bất chợt, tôi nhận ra ông:
- Thầy Bảng, các bạn ơi!
Tôi la lên như thế! Tất cả đều hướng về phía người đàn ông đang tươi cười bước vào! Đúng vậy: Đó là vị Giáo sư Việt Văn ngày xưa của lũ chúng tôi. Trừ một số rất hiếm hoi bạn bè thỉnh thoảng được thấy Thầy trong vai trò một MC, còn thì tối hôm ấy mới được diện kiến với Thầy lần đầu tiên, kể từ khi rời mái trường…
Phần tôi, tôi chưa từng khoác áo nhà giáo rất dễ nể, nhưng vai trò chuyển tải kiến thức, thì tôi đã gánh vác từ lâu, dưới danh nghĩa dạy kèm. Và dù sao, như tôi từng tự khóa mình vào “chức vị” người anh, tôi biết mình chẳng bao giờ xứng đáng được gọi bằng chữ “Thầy” rất cao quý, chữ mà tôi nghĩ rằng, đã thuộc về các Giáo sư đã từng uốn nắn chúng tôi nơi học đường một thuở.
Một lần, có mấy thanh niên cùng ca đoàn - vốn gọi tôi là “anh” như thói quen vẫn thế, dù cha mẹ họ còn nhỏ tuổi hơn tôi - đến gõ cửa nhà tôi. Khi mở cửa ra, 4 con mắt rạng rỡ, 2 mái đầu xanh khẽ cúi xuống, hai cửa miệng đồng thanh:
- Chào “Thầy” ạ! Chúc Thầy sinh nhật vui vẻ…
- A! Cám ơn các cậu! Nhưng đừng gọi tớ là “thầy” nhé! Vì chúng ta chỉ có một Thầy, là Đức Giê su mà thôi…
Họ cười nhăn nhở:
- Anh dạy tụi em hát, thì cũng là Thầy vậy!
Biết nói sao bây giờ, vì tôi luôn nghĩ rằng, phải “cỡ” như Thầy Lê Đình Bảng, như Thầy Nguyễn Xuân Hoàng, như Thầy Phùng Ngọc Cảnh, như Cô Giáo Ngô Thị Hải, như Cô Giáo Hương, như Thầy Trịnh Ngọc Đỉnh, như Thầy Kiều Thanh Long… mới xứng đáng là “Thầy trong trần gian” này. Còn như tôi, một thứ rất… linh tinh mà khoác áo thầy, thì kiểu thầy này chỉ đáng viết thường như mọi thứ rất bình thường và tủn mủn khác…
LAM TRẦN
BỆNH UNG THƯ:
THỦ PHẠM LÀ CHÍNH MÌNH!
Ai cũng có thể bị ung thư, tại sao vậy? Do trong quá trình sống, dưới tác động của các yếu tố gây ung bên ngoài, còn gọi là ngoại nhân (như độc chất, bức xạ, vi trùng, virut…), một số tế bào bị đột biến gen trở thành gen sinh ung (oncogen). Đó là mầm mống ung thư. Khi gặp điều kiện thuận lợi, mầm ung thư sẽ phát triển thành khối u.
Thế nào là điều kiện thuận lợi? Đó là khi sức đề kháng, hệ miễn dịch của con người bị suy giảm, do nguyên nhân bên trong, tức nội nhân . Y học cổ truyền gọi là chính khí suy.
CON NGƯỜI LÀ “THỦ PHẠM ”
Tại sao sức đề kháng suy giảm? Có nhiều nguyên do nhưng nguyên nhân gần gũi, liên quan mật thiết với bệnh nhân chính là sai lầm trong lối sống và chế độ ăn. Chính lối sống đầy stress, thiếu vận động thể lực và chế độ ăn không cân bằng kiềm toan làm suy giảm hệ miễn dịch, giảm sức chống trả các bệnh tật nói chung và bệnh ung thư nói riêng.
Như vậy, thủ phạm gây bệnh ung thư gồm ngoại nhân và nội nhân, nhưng thủ phạm chính vẫn là con người, vì sức đề kháng (do hệ miễn dịch đảm nhiệm) suy giảm nhiều hay ít là do con người. Khối u chỉ là vật chứng, là bằng cớ phạm tội, chứ không phải thủ phạm. Như vậy, tiêu hủy vật chứng (như mổ, hóa trị hay xạ trị) vẫn chưa đủ, vì khi thủ phạm vẫn còn “nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật” thì bệnh tái phát, di căn là điều khó tránh. Để xử lý “thủ phạm” triệt để, chính mỗi người phải tự cứu lấy mình bằng ý thức ngăn chặn tác động của ngoại nhân và tăng cường chính khí.
LIỆU PHÁP 4T
Để điều trị bệnh ung thư, ngoài sử dụng các phương tiện y khoa để tiêu diệt khối u, bệnh nhân cần sử dụng liệu pháp 4T nhằm hạn chế tiếp xúc các ngoại nhân có tác động xấu bên cạnh việc tăng cường sức đề kháng thì kết quả mới toàn diện, mới hạn chế tái phát di căn, nâng cao chất lượng sống và kéo dài tuổi thọ.
Liệu pháp 4T bao gồm:
· T1 : T âm lý - tâm thần - tâm linh liệu pháp
· T2 : Thực phẩm liệu pháp
· T 3: Tập dưỡng sinh liệu pháp
· T4 : Thuốc.
Ba T đầu (T1, T2, T3) nhằm tăng cường hệ miễn dịch, cần được áp dụng, thực hiện liên tục, suốt đời). T4 (mổ, xạ trị, hóa trị, thuốc Đông y…) chỉ cần thiết cho giai đoạn đầu khi xử lý khối u.
Đối với bệnh nhân, trong 4T, T4 là dễ nhất vì bệnh nhân không phải làm gì cả, bác sĩ làm hết, nhanh gọn. Ba T còn lại khó khăn, lâu dài, phải do chính bệnh nhân làm, không ai có thể thay thế. Bác sĩ chỉ là người hướng dẫn, muốn làm dùm cũng không được.
T1 - thay đổi lối sống đầy stress bằng cách sống bình an, giảm âu lo, buồn giận, lo sợ bằng nhiều phương pháp như đơn giản hóa cuộc sống, cân bằng giữa nghỉ ngơi và làm việc, sống vị tha… trong đó, tập thiền định có kết quả nhanh nhất, nhờ làm chủ được chính mình và cũng không khó thực hiện.
T2 - ăn uống đủ dinh dưỡng nhưng phải cân bằng kiềm toan, ngon nhưng phải lành (nhiều rau củ quả tươi, ít thịt, ít béo, ít đường, hạn chế thực phẩm công nghiệp chứa nhiều hóa chất phụ gia). Gạo nứt muối mè là thực đơn đơn giản nhưng hiệu quả.
T3 - tập dưỡng sinh, tập bất cứ môn nào cũng được, mục đích là tăng vận động cơ thể giúp máu huyết lưu thông tốt (Đông y gọi là hoạt huyết). Điều cần ghi nhớ là luôn kết hợp thở sâu khi tập.
Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư, cũng đã đề ra 8 chữ: “sống vui, ăn lành, tập đều, ngủ đủ” để phòng bệnh, ngừa tái phát.
Tóm lại, trong bệnh ung thư, theo Đông y, nội nhân là thủ phạm chính. Trong bối cảnh ngoại nhân thay đổi, biến hóa liên tục và ngày càng phức tạp, mỗi người cần chủ động tự cứu mình. Bác sĩ (thầy thuốc) tốt nhất là chính mình!
ThS.Bs. Quan Vân Hùng - Cô Lê Ái Liên st.
9 Giai đoạn
của NGƯỜI ĐỌC SÁCH
1. Khám phá ra sách
2. Yêu thích sách
3. Đi đâu cũng có sách
4. Đọc sách thay vì giao lưu với người khác
5. Bị “ám ảnh” với sách → Viết sách
6. Không đọc sách
7. Lại khám phá sách lần nữa
8. Tích trữ hàng đống sách
9. “Chuyển giao” sách cho thế hệ tiếp theo.
HÀ MẠNH ĐOÀN st.
Phụ Bản III
MÓN QUÀ GIÁNG SINH
Tặng cho cháu tôi Quý và Bảo
Còn hơn một tuần lễ nữa là lễ Giáng Sinh.
Xóm đạo gần nhà thờ C.K nhà nhà đã treo đèn ngôi sao hồng, xanh, đỏ, vàng trước ngõ và cả những đèn điện chiếu sáng, trưng bày các hang đá tuyết với những tượng Chúa, Đức Mẹ nho nhỏ có các thiên thần cánh trắng, các con bò, con lừa đẹp tuyệt, có nhà chưng cây thông xanh hoặc tuyết trắng có đèn chớp tắt rất đẹp.
Từ chiều đến tận đêm, các con hẻm vòng quanh sáng rực bởi những ngôi sao đón mừng Chúa Giáng Sinh, mọi người trong xóm nôn nao, mọi sinh hoạt như nhộn nhịp rộn ràng chờ đợi ngày lễ lớn.
Ánh sáng rực rỡ của đèn sao, hang đá lôi cuốn mọi tầng lớp, lương cũng như giáo cùng tiếng chuông nhà thờ ngân vang báo lễ sáng, chiều mỗi ngày, kể cả đứa bé gầy gò, tay luôn cầm chặt cái nón cũ rách hay lân la vào đường hẻm đưa mắt nhìn những hang đá, cây thông đang lấp lóa.
Nó say sưa nhìn mãi những ảnh tượng và ngôi sao có tia chớp gắn trên đỉnh cao có hàng chữ bằng giấy bạc. Tất cả đều đẹp tuyệt vời trong mắt trẻ thơ. Đứa bé trai ấy cứ đứng hoài nơi góc hẻm không muốn đi cho đến lúc có tiếng kêu bảo về nhà của chị nó, cô bé chừng hơn mười tuổi, cũng gầy gò, mái tóc dài xấp xõa, mặc chiếc áo ngắn, rách vai, đi đến nắm tay em trai dẫn về. Đứa trẻ đi theo tay kéo của chị nó mà vẫn còn ngoái đầu nhìn lại đầy luyến tiếc. Con chị vừa đi vừa gắt nhỏ:
- Về ăn cơm chớ, tối rồi, mai sáng còn đi lượm ve chai, nhìn gì hoài vậy?
Thằng bé cười lỏn lẻn, trả lời:
- Đẹp quá chị à, lễ lớn hả?
- Ừ, lễ của người đạo Chúa đó.
Hai chị em vừa nói vừa đi về hướng bờ sông, chỗ chiếc lều che bằng mấy tấm các tông mỏng tang, với tấm nhựa rách tả tơi che ở trên. Ăn xong tô cơm trộn nước tương, đứa bé chui vào tấm chăn rách tả tơi, trùm lên tận cổ, vẫn còn lẩm bẩm:
- Đẹp quá, đẹp quá.
Chị nó vào nằm kế bên, xí một tiếng, rầy nó:
- Ngủ đi, nói đẹp, đẹp hoài!
Nó nín im, nhắm mắt lại và ngủ liền lúc nào không hay, chị gái nó cũng quay đi, ngủ theo em. Mờ sáng hôm sau, chị nó lay dậy, hai chị em dọn dẹp gọn mấy cái tấm bìa cứng, tấm nhựa sát vách tường, rồi xách bị, móc sắt, đội chiếc nón rách lên đầu, cả hai bắt đầu “đi làm”.
Ngày nào cậu bé cũng đi qua xóm đạo để ngắm nghía các hang đá, thông tuyết đẹp đẽ, có khi kéo theo chị gái cùng xem, làm chị nó lần lần cũng thấy thích thú…
Những ngày cận lễ Giáng sinh
Trong căn nhà có mảnh sân nhỏ với hàng rào cây màu trắng trồng hoa quỳnh anh vàng, hai đứa bé trai trạc bốn và hai tuổi đang ngồi bên đống đồ chơi xe hơi nhựa, cái nào cũng mới mẻ, sáng bóng. Đứa bé lượm ve chai thì đứng lấp ló bên ngoài hàng rào, vừa nhìn cảnh tượng trang hoàng Giáng sinh trong nhà, vừa liếc nhìn ngắm những chiếc xe hơi đồ chơi của hai bé trong hàng rào.
Có tiếng người mẹ gọi hai anh em trong nhà, cả hai đang xếp những chiếc xe đủ loại, đủ kiểu vội bỏ xuống, chạy vào nhà. Thằng bé đứng ngoài rào mừng rỡ, mắt sáng lên liền đi lại gần thò tay qua rào định cầm lấy cái xe buýt nhỏ màu vàng đang chớp đèn xanh đỏ chạy tới chạy lui trên nền xi măng, bỗng có một bàn tay níu chặt tay nó lại, giựt mình nó day lại, thì ra là chị nó, cô bé lắc lắc tay, ra dấu bỏ món đồ chơi lại, rồi kéo nó ra xa khỏi ngôi nhà đó.
Tới đầu hẻm, chị nó đứng lại, cau mặt nhìn em trai:
- Tâm à, em còn nhớ má tụi mình nói sao hông? Không được lấy cái gì của người khác hông phải của mình, em hổng nhớ à?
Đứa nhỏ cúi đầu, nói lí nhí:
- Em chỉ cầm coi thôi mà, em hông có lấy đâu.
- Cầm coi cũng không được nữa, người ta thấy nói em ăn cắp thì sao mai mốt đừng có vậy nữa nhe hôn.
- Dạ nghe.
Nó bước đi mà vẻ mặt buồn rầu suốt dọc đường, chị Minh nó móc túi lấy ra một bọc bánh men nhỏ lượm được dưới một gốc cây ven đường, dúi vào tay em nhưng mà nó chỉ cầm hờ hững trên tay, không ăn hối hả như mọi lần. Người chị thấy vậy cũng im lặng bước bên em trai. Tiếng nhạc Giáng sinh đã bắt đầu vang lên hầu như khắp các nẻo đường, lối hẻm, ngỏ xóm “Chuông vang lên, chuông giáo đường vang lên...”
Bé Tâm càng nôn nao lên, hồi hộp như sắp được dự lễ lớn. Bước chân của nó đã rảo qua khắp chốn hằng ngày để tìm cái ăn, mà đến chiều tối lại lần về xóm đạo để ngắm cảnh hang đá, cây thông được bài trí tại mỗi nhà, nhìn hoài mà nó không thấy chán, mà còn thích thú hơn trước những ảnh tượng Chúa, Đức Mẹ, thiên thần mang đôi cánh trắng, những người chăn chiên, con bò, con lừa quỳ quanh, đèn màu chiếu sáng lấp lánh. Nó nhìn mải miết.
Ngôi nhà hàng rào trắng chợt mở cửa. Hai bé trai xúng xính trong bộ áo đỏ ông già Noel, đầu đội mũ đỏ thật đẹp như chuẩn bị đi đến nhà thờ dự lễ đêm. Kế đó là đôi nam nữ ăn mặc đẹp, chỉnh tề cùng nhau đi ra sân, người phụ nữ mặc áo dài xanh biển, có thêu trên vạt áo, người đàn ông thì quần tây đậm màu, sơ mi tay dài rất trịnh trọng làm bé Tâm nhớ ba mẹ mình quá, họ đã chết vì lao lực mấy năm rồi, bỏ lại hai chị em nó bơ vơ sống bên hè tường nhà một người lạ tốt bụng. Khi nhìn thấy cảnh gia đình đầm ấm của họ, dù còn bé nhưng cũng đã thấy buồn trong lòng.
Bé Tâm sáng mắt khi nhìn thấy em bé cầm theo chiếc xe buýt vàng điện tử đèn chớp tắt, thấy Tâm nhìn chầm chập vào đồ chơi của mình, nó liền dấu ngay ra sau lưng, và lùi dần vào trong nấp sau lưng bà mẹ. Ban đầu người mẹ rất ngạc nhiên không biết tại sao hai đứa con trai cứ lùi vào trong nhà, tay ôm khư khư mỗi đứa một món, sau nhìn ra sân, mới hiểu nguyên nhân. Chị nhìn thấy bé Tâm đang đứng cầm cái túi đựng ve chai, nhìn sửng hai đứa con trai của bà. Người phụ nữ mỉm cười hiền hòa, đưa tay ngoắt thằng bé lại gần, ra hiệu bảo đứng đợi chút, như chợt như nhớ đến điều gì, chị tiến gần đứa trẻ, và hỏi:
- Con ở một mình hay với ai hả?
Tâm ấp úng trả lời:
- Dạ, con đang ở với chị Minh của con.
- Vậy là hai chị em hả, cô biết rồi.
Chị quay vào nhà, một lát sau trở ra cầm theo hai gói giấy màu đưa cho Tâm.
- Cô tặng quà giáng sinh cho hai chị em con nha, chúc tụi con Giáng sinh vui vẻ.
Một gói là hai bộ quần áo mới, một nam, một nữ cho hai đứa trẻ nghèo, còn lại là chiếc xe hơi nhựa màu đỏ, cũ trầy một chút hai bên hông, nhưng vẫn còn tốt. Tâm mừng quá, cúi đầu nói cám ơn nho nhỏ, rồi ôm quà chạy đi.
Trong lúc đó, đứa trẻ nhỏ nhất trong nhà, chợt trông thấy đồ chơi của nó bị lấy đi cho người khác, nó liền nằm lăn ra sàn nhà, khóc thét lên:
- Của con, của con, đồ chơi của con, bắt đền cho con đi...
Đứa anh miệng méo xệch, mếu máo đã nhìn theo gói quà xe hơi nãy giờ, mà vì sợ mẹ nên không dám khóc như em vì sợ mẹ, nhưng có vẻ tiếc lắm. Đứa em nhỏ vẫn dẫy dụa, gào khóc ầm ĩ làm người mẹ bối rối, cúi xuống dỗ dành con, nhưng không ăn thua gì cả, cùng lúc đó, người cha đi ra, ẵm xốc bé lên nhẹ giọng nhưng nghiêm nghị nói:
- Con nín đi, đừng khóc nữa mình phải chia sẻ đồ chơi cho bạn. Chiếc xe đó cũ rồi con, mai mốt ba mẹ sẽ mua cho con cái khác mới, đẹp hơn nha. Giờ con nín ngay, rửa mặt sạch sẽ rồi đi lễ với cả nhà kẻo trễ.
Đứa nhỏ sợ ba mình, nghe nói vậy cũng gạt nước mắt, nhưng còn tức tưởi nho nhỏ. Người cha đưa con vào nhà, lau rửa mặt mũi, vuốt lại áo xống của bé cho ngay ngắn, rồi dắt tay con bước ra đường, cùng với vợ và con trai lớn tiến về phía nhà thờ.
Lúc này bé Tâm đã về đến “nhà”. Chị nó đang đứng trước cửa căn lều của tụi nó, đang lóng ngóng ngó về hướng giáo đường như chờ đợi.
Đứa trẻ chạy ào tới ôm chầm chị nó, nói ríu rít:
- Chị ơi, có quà, có quà nè!
Minh giựt mình nhìn lại:
- Quà gì vậy? Ở đâu có?
- Dì đằng kia cho em, em hổng có xin à nha.
Hai chị em mừng quá, mở hai gói quà ra, Tâm lấy cái xe hơi ôm vào lòng, ngắm nhìn mãi, đến nỗi chị nó kêu ăn cơm mà nó vẫn lắc đầu hoài. Đến lúc chị nó bảo đi tắm thay áo mới mấy lần nó mới miễn cưỡng bỏ chiếc xe xuống, bước ra sau. Lát sau, cả hai chị em tươi tắn trong hai bộ quần áo mới còn thơm mùi vải.
Chị Minh nó bỗng nói:
- Hai chị em mình lại nhà thờ coi người ta làm lễ đi!
Nó gật đầu liền:
- Dạ, tụi mình đi chị.
Tiếng chuông giáo đường đón mừng Giáng sinh vang vang “Bính boong bính boong” rồi như vọng ra xa hơn
Có tiếng đồng ca của ca đoàn và giáo dân cùng cẩt giọng hòa nhau:
Đêm thánh vô cùng.
Giây phút tưng bừng.
Đất với trời se chữ đồng...”
Và trong thánh đường đêm long trọng ấy cũng có hai đứa trẻ nghèo tìm đến đứng trước hang đá Chúa Hài Đồng để xem người có đạo dự lễ và nói thầm lời cám ơn Chúa nhỏ bé đó đã đem đến cho chị em chúng Món quà Giáng sinh đẹp nhất trong đời.
HOÀI LY
LIỆU PHÁP HƯỚNG DẪN BỆNH NHÂN
NHỚ LẠI KIẾP TRƯỚC
(PAST LIFE THERAPY)
Giáo Sư HAZEL DENNING
Vào một buổi chiều lười biếng ở Sydney, tôi mở Tivi và thấy chương trình Oprah Winfrey đang tranh luận về kiếp trước kiếp sau, cuộc tranh luận rất sôi nổi. Đây là một “talk show” của Mỹ. Khách mời là Dr.Hazel Denning, bác sĩ phân tâm học, là một phụ nữ có tuổi, thông minh, ăn nói rất lưu loát và là sáng lập viên của hội Association for Past life and Therapies (Hội Nghiên cứu kiếp trước kiếp sau để ứng dụng vào việc chữa trị). Là một người tiền phong trong lãnh vực này, bà đã đi nhiều nơi trên thế giới thuyết giảng về luân hồi.
Ngoài tài ăn nói rõ ràng lưu loát về đề tài luân hồi, về vấn đề kiếp trước ảnh hưởng đến kiếp hiện tại, bà còn là một bác sĩ tâm lý trị liệu rất giỏi. Tôi nghĩ công trình nghiên cứu của bà về luân hồi vào khoa tâm lý trị liệu ở Tây phương sẽ là những tài liệu quý báu cho tôi, nên tôi tìm cách hội kiến với bà.
Máy bay hạ cánh xuống một phi trường nhỏ ở miền Nam California. Giáo sư Denning thân hành ra đón tôi. Người nhỏ thó, lưng thẳng đi đứng nhanh nhẹn tuy đã ngoài tám mươi. Bà ung dung lái xe về nhà ở Riverside, nơi sản xuất cam nổi tiếng của Cali. Trong căn phòng làm việc của bà treo đầy bằng cấp, chứng chỉ: hai bằng tiến sĩ, hai bằng thạc sĩ, bằng cấp cử nhân và rất nhiều văn kiện chứng thực bà rất uyên bác về khoa thôi miên và khoa cận tâm lý (Parapsychology).
Trong hai ngày tôi ở lại nhà bà, bà kể cho tôi nghe về công việc của bà và giải thích lý do bà chọn công việc này. Từ hồi nhỏ, giáo sư Denning hay thắc mắc muốn tìm hiểu “tại sao” về việc này việc nọ, tại sao con người phải chịu khổ đau. Bà không tin đó là ý Chúa (God). Bà cho là tin như vậy có vẻ không hợp lý.
Năm ngoài hai mươi tuổi, tình cờ bà được đọc một cuốn sách về luân hồi. Bà vui mừng: “Ôi chao! Tôi đã tìm được giải đáp cho những thắc mắc của tôi rồi. Tôi quá đỗi vui mừng và suy nghĩ: cuối cùng thì tôi cũng tìm được một lời giải hợp lý, có thể lý giải được tất cả những bất công của thế gian”.
Hồi đầu thì bà chưa tin lắm. Bà tìm đọc những tài liệu xưa để xem những thức giả đời trước nghĩ sao về luân hồi, và khám phá ra rằng tất cả những tôn giáo lớn trên thế giới đều tin luân hồi kể cả Thiên chúa giáo cho đến năm 533 sau Tây lịch, thì một ông vua La Mã và bà hoàng hậu cấm không cho nói đến luân hồi nữa. Có hai giáo hoàng bị giết vì muốn giữ đoạn nói về luân hồi trong kinh sách. Ít người biết biết đến dữ kiện này. Cũng không mấy ai biết chuyện những cha cố ngày xưa như cha Origin và ông thánh Augustin đều tin có luân hồi. Bà nói: “Vậy những người nào nói rằng tin có luân hồi là trái với giáo điều Thiên Chúa giáo là không biết những chuyện này”. Bà càng thích thú hơn khi khám phá ra những nhân vật nổi tiếng từ cổ chí kim đều tin có luân hồi, từ Plato, Aristotle, Socrates đến Henry Ford, Gladstone, Thomas Edison, Đại tướng Patton và nhiều người khác nữa. Bà áp dụng những hiểu biết về luân hồi vào khoa chữa bệnh tâm thần để tìm hiểu nguyên do sâu xa do đâu mà bệnh nhân dường như sống ở một thế giới khác, hay có nhiều sợ hãi vô lý (phobia).
Tôi nóng lòng muốn biết giáo sư Denning làm sao dung hòa được hai vai trò có vẻ trái ngược, vai trò của một bác sĩ tâm thần và vai trò của một người dùng thuật thôi miên đưa bệnh nhân trở về kiếp trước. Làm sao bà có thể chấp nhận lối giải thích của các bác sĩ tâm lý trị liệu hiện nay dùng chữ nghiệp (karma) để giải thích rằng những gì xảy ra trong đời này đều do nghiệp chướng đương sự đã tạo nên từ nhiều đời trước.
Giáo sư Denning không tin môi trường sống là tác nhân chính ảnh hưởng đến cách hành xử của một người. Bà công nhận hoàn cảnh bao quanh đời sống cũng đóng một vai trò khá quan trọng nhưng không phải là yếu tố chỉ huy. Theo bà thì mục đích của đời sống ở thế gian là để tu tâm hướng thượng. Một người tái sanh ở lại cõi trần là để thanh toán, thành tựu những gì mình làm dang dở trong những kiếp trước. Bà nói có những đứa trẻ sanh ra với một bản tánh yêu đời, đứa khác thì hay cáu giận, tức là mang theo chủng tử của kiếp trước. Theo bà thì số phận (destiny) của mỗi người không thể thay đổi được, những phước báu của cha mẹ hay môi trường chung quanh có thể làm cho đời sống của người ấy thoải mái hơn hay khó khăn hơn.
Vì thế giáo sư Denning quyết định trở nên một nhà thôi miên chuyên nghiệp. Bà muốn dùng thuật thôi miên đưa bệnh nhân trở về sống lại kiếp trước của mình. Bà rất cẩn trọng, tỉ mỉ và trung thực trong công việc này. Bà không tìm cách khống chế tư tưởng của bệnh nhân. Bà nói ngày trước trong khoa thôi miên người ta thường dạy phương pháp gợi ý cho bệnh nhân (post-hypnotic suggestion) dùng những câu như “Không được ăn thức ăn này. Thức ăn này ghê lắm v.v...” Tôi không dùng phương pháp ấy, trái ngược với nguyên tắc của tôi. Tôi tìm được cách riêng của tôi mà không cần khống chế tâm ý của bệnh nhân. Vì thế tôi muốn dùng cụm từ “đổi đời” (altered state) thay vì hai chữ thôi miên”.
Năm 1980 bà lập hội “Association for Past Life Research and Therapies” và vui mừng thấy hội phát triển nhanh hơn dự tính, vì số người tin và muốn tìm hiểu luân hồi ngày càng đông. Bà khẳng định rằng khoa hướng dẫn bệnh nhân nhớ lại kiếp trước (Past Life Therapy) trở nên một dụng cụ hữu hiệu trong khoa tâm lý và y khoa toàn diện - chữa trị cả thân và tâm. Đường hướng này không những phát triển nhanh ở Mỹ mà còn lớn mạnh ở các nước khác trên thế giới. Bà được mời đi nói chuyện nhiều lần ở Á châu và ở trường đại học Ultrecht của Hòa Lan, một trường đại học xưa nhất, mà cũng là trường đại học đầu tiên có giảng dạy môn cận tâm lý (parapsychology).
Ở Mỹ những người tìm đến với Dr.Denning gồm đủ mọi thành phần xã hội. Bà dùng phương pháp thông thường trước. Nếu không có kết quả thì bà đưa bệnh nhân trở về kiếp trước để tìm hiểu nguyên nhân. Bệnh nhân của bà gồm đủ mọi hạng người, mục sư có, chuyên viên có, rất nhiều nhà giáo, nhiều quân nhân và các thành phần khác. Thường thường ai cũng muốn hỏi: “Mục đích của đời sống là gì?”, “Tôi đang làm gì ở đây?”, “Tôi trở lại lần này để làm gì?”
Bệnh nhân của bà thường ở lứa tuổi ba mươi đến bốn mươi, nhưng có một cô bé chín tuổi xin cha mẹ đến gặp bà để tìm hiểu tại sao cô sợ máu lắm. Mới chín tuổi nhưng cô rất chững chạc. Vừa thiếp đi cô bé thấy kiếp trước của mình là một ông già đang giẫy chết vì bệnh tim. Bỗng dưng cô la lên: “Không, tôi không phải chết vì bệnh mà vì tôi quá đau khổ”. Rồi cô bắt đầu kể đến ông già - tức là tiền thân của cô - đưa vợ đi ăn tiệm. Một tên cướp vào tiệm bắn chết nhiều người trong đó có vợ ông. Cô thấy người “vợ” chết trong vũng máu - ấn tượng hãi hùng đó theo thần thức qua đến đời này. Thêm vào đó là mặc cảm tội lỗi đã không cứu được người “vợ” của mình ray rức hành hạ cổ, bà kết luận.
Quan điểm của giáo sư Hazel Denning về vấn đề này rất rõ ràng vì bà chứng kiến hàng ngàn bệnh nhân đã đổi đời, bà đã thấy rõ bao nhiêu thảm cảnh trong nhiều kiếp của họ và bà đã khai triển riêng lý thuyết của bà. Cuộc đàm thoại sau đây giữa cô Mackenzie với giáo sư Denning, vì vậy, không những có giá trị về mặt thông tin mà còn rất thú vị và hào hứng.
Vicki Mackenzie : Tại sao lại có hiện tượng tái sanh?
Hazel Denning : Khi đưa một người trở về kiếp trước và tìm hiểu tại sao đương sự chọn tái sanh vào gia dình này, và mục đích của họ trở lại thế gian để làm gì thì ai cũng có câu trả lời tương tự: “Quả thật tôi không muốn trở lại thế gian chút nào. Ép mình vào cái xác phàm như đi vào tù, ngột ngạt lắm”. Khi tôi hỏi lại: “Vậy tại sao ông/bà lại trở về, có ai bắt mình ở lại đâu?” thì câu trả lời luôn luôn là: “Vì thế gian là một trường học để rèn luyện nhân phẩm của mình. Muốn trau dồi tâm linh, muốn hướng thượng thì phải trở lại thế gian. Mà thật tình tôi muốn tu tâm nên tôi phải trở lại thế gian này”. Đó là câu trả lời tôi ghi lại.
Vicki Mackenzie : Theo kinh nghiệm của bà thì người ta trở lại thế gian này bao nhiêu lần?
Hazel Denning : Vô lượng kiếp, cho đến khi họ học hỏi thành tựu được những điều mong muốn. Ngay cả trong đời hiện tại này có người phải mất nhiều năm mới thấy rõ ý nghĩa của những chướng ngại khó khăn xảy ra cho mình. Có một bà khi đến phòng mạch lần đầu tuyên bố rằng: “Tôi đến đây muốn hỏi về tình yêu lứa đôi”. Trả lời thế nào với bà này? Là bác sĩ chuyên môn về khoa tâm lý, tôi không thể nói bà cứ yêu đi rồi sẽ được yêu. Bà vẫn đến phòng mạch nhưng không thường xuyên. Mãi đến mười tám năm sau bà mới tìm ra “chân lý”. Trong thời gian không gặp mặt, bà có một đời chồng, ly dị, ăn ở với một ông khác, lấy chồng lần thứ hai, rồi cũng ly dị, ăn ở với năm, sáu ông khác nữa cho đến một hôm bà không chịu đựng được cảnh sống một mình nữa và cương quyết đi gặp tôi mỗi ngày cho đến khi nào tìm được nguyên nhân tại sao bà không thể chung thủy với một người. Cuối cùng thì bà thấy kiếp trước bà là con gái của một gia đình giàu có ở Hy Lạp. Khi chừng mười bốn tuổi, cô bé yêu cậu người làm cùng tuổi. Khi biết được, cha cô nổi trận lôi đình đày người yêu của cô ra một hòn đảo và bán cô cho một người đàn ông lớn tuổi. Quá đau buồn uất ức, cô tự tử chết. Trước khi chết, cô nguyện rằng: “Tôi thề sẽ không bao giờ, không giờ thương yêu ai nữa”.
Qua bao năm kinh nghiệm với công việc này, tôi thấy tư tưởng hay ý nguyện cuối cùng trước khi chết, nếu là tiêu cực sẽ theo người đó qua kiếp sau. Thí dụ nếu mình chết với lòng giận dữ, với tâm thù hận thì kiếp sau mình phải tu tâm dưỡng tánh để rửa lòng, để xả bỏ những thù hận của kiếp trước.
Trở lại chuyện bà khách. Sau khi biết tiền kiếp của mình, bà gặp được một người chồng tử tế và có hai đứa con. Bà đang hụp lặn trong hạnh phúc mà trước đây bà không thể tưởng tượng có ngày bà có thể được hưởng.
Sau khi chứng kiến câu chuyện bà này, tôi nghiệm rằng có nhiều người không thể một sớm một chiều mà tìm được lời giải. Họ cần phải trải qua nhiều biến cố nữa trước khi thấy cái nghiệp của mình. Và câu chuyện này cũng giúp tôi đi đến kết luận rằng mình không thể tự dối lòng. Cho đến khi mình thấy được cái nhân của đời trước, mình mới có thể giải quyết cái quả của đời này. Nhiều khi phải đi sâu vào nhiều đời trước mới thấy được cái “nhân” chính đang chi phối đời sống hiện tại.
Vicki Mackenzie : Có những người đa nghi cho rằng bệnh nhân tưởng tượng ra những hình ảnh, thêu dệt nên những câu chuyện trong tiềm thức của họ để biện minh cho những đau buồn ưu não của họ?
Hazel Denning : Nếu quả đúng như vậy thì khoa tâm lý học phải giúp được bệnh nhân giải quyết mọi ẩn ức của họ chứ. Nhưng thực tế thì không phải vậy. Có nhiều bệnh nhận của tôi theo khoa tâm lý trị liệu trong nhiều năm mà không ăn thua gì.
Vicki Mackenzie : Bà có cho rằng chính mình tự chọn đời sống của mình không?
Hazel Denning : Đúng vậy. Để tôi kể cho cô nghe một chuyện rợn tóc gáy. Một người đàn bà đến nói với tôi rằng: “Mẹ tôi đang hấp hối, cha tôi thì chết rồi. Cả cha lẫn mẹ tôi bầm dập sờ mó tôi hồi tôi mới ba tuổi cho đến năm tôi mới mười ba tuổi”. Khi thiếp đi, bà sống lại cảnh tượng bị cưỡng hiếp hồi còn bé và la lên: “Cha ơi đừng, đừng làm con đau!” và bà nói tiếp liền “Tôi muốn tha thứ cho mẹ tôi trước khi bà chết nhưng tôi thấy khó tha thứ quá, tôi thù ghét cả cha lẫn mẹ”.
Nếu một người muốn sẵn sàng tha thứ, muốn quên hận thù cũ thì người đó đã được một sự chuyển hóa tâm linh cao và có thể hóa giải được. Nhưng nếu người nào nói ra rằng: “Đừng nói đến chuyện tha thứ những quân dã man đó, tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho họ. Tôi thù ghét họ”. Thì đừng tìm cách giúp họ tha thứ vì tâm họ chưa sẵn sàng.
Đối với bà này, tuy bà nói sẵn sàng tha thứ cho cha mẹ, nhưng tôi nghĩ: “Làm sao tôi có thể giúp bà ta tha thứ cho người cha, người mẹ đã làm những chuyện ghê tởm như thế đối với con mình?” Tôi bứt rứt, dằn vặt mãi và cuối cùng chính bệnh nhân đã giúp tôi tìm câu giải đáp. Bà thấy kiếp trước, thời Đức Quốc Xã, bà là một đứa trẻ bụi đời, sống lang thang đầu đường xó chợ và đã giết chết một đứa trẻ khác. Sau đó họ bị bắt vào Auschwitz, một trại giam người Do Thái, và bắt phải làm công việc kiểm soát những đứa trẻ Do Thái bị giết đã chết hẳn chưa. Lúc đầu công việc không làm bà phiền hà mấy, nhưng ngày lại ngày nhìn bao nhiêu xác trẻ con, bà chịu không được nên đã bỏ trốn và bị bắn chết. Bệnh nhân nói thêm rằng: “Đời sau, khi tái sanh, tôi muốn cha mẹ tôi hành hạ tôi để tôi trả nghiệp cho mau. Vì vậy tôi phải cám ơn hai vị này đã giúp tôi trả nghiệp báo”.
Vicki Mackenzie : Có bao giờ bà chứng minh được những mẫu chuyện tiền thân này thật sự xảy ra không?
Hazel Denning : Có chứ. Tôi vẫn để tâm theo dõi mỗi khi có dịp tốt. Thí dụ trường hợp một thân chủ nhất định không cho các con đi coi buổi trình diễn của gánh xiếc. Bà biết cấm đoán như vật thật là vô lý nhưng bà không thể làm gì khác hơn. Khi được đưa trở về kiếp trước thì bà thấy chính bà là “con mụ mập” (the fat lady) của một gánh xiếc và bà ghét cay ghét đắng vai trò của mình. Bà nhớ cả tên người đàn bà mập ấy và cả tên thành phố nữa. Có một bệnh nhân khác có mặt hôm đó biết thành phố này. Ông tình nguyện sẽ tìm đến xem thì quả nhiên đầu thế kỷ 20, ở thành phố đó có một bà mập tên đó đã theo đoàn hát xiếc kiếm ăn như lời bà kia tả lại. Trong đời hiện tại bà này cũng mập.
Một bệnh nhân khác nhớ lại kiếp trước bà là một phú thương đàn ông bị chết chìm theo chiếc tàu Titanic. Bà nhớ tên tuổi của người đàn ông này. Về sau tìm xem sổ sách thì quả nhiên người đàn ông ấy là hành khách trên chiếc tàu Titanic. Bà kể khi nhìn thấy tên trong sổ bà rùng mình ớn lạnh!
Ngoài những chứng cớ cụ thể này, những chứng cớ cho thấy những chuyện tiền thân mà các thân chủ tôi nói ra là có thật, và nó rất hợp tình hợp lý với bối cảnh riêng của từng người. Nhờ đó họ có thể đổi đời, có thể thoát được những ray rứt, những sợ hãi vô lý làm xáo trộn đời sống hiện tại của họ.
(còn tiếp)
HOÀNG KIM THƯ st.
NHÚT NHÁT HAY LIỀU LĨNH
Những ai đã thành công đều phải trải qua một lần thất bại, những con người trưởng thành đều có những sai lầm trong quá khứ và những bài học của thuở ấu thơ. Thất bại và thành công là hai thứ đối lập nhau nhưng nó cũng bổ trợ cho nhau, không hẳn thất bại nghĩa là không thể nào chạm được đến thành công. Trên cùng một con đường đi đến thành công thì thất bại là một bước đệm cần phải có.
Có một ngày, Nhút Nhát đã hỏi Liều Lĩnh rằng:
- Cậu sẽ lao đầu vào thất bại để tự rút cho mình một bài học hay sẽ học tập những bài học mà người đã từng thất bại trước đó truyền đạt lại cho cậu?
Liều Lĩnh trả lời:
- Có lẽ tớ sẽ tự trải nghiệm. Bởi vì dù có truyền đạt hay đến mấy mà chưa từng trải nghiệm thì tớ không tin sẽ nhớ mãi bài học đó được.
Nhút Nhát thở dài:
- Thế à? Nhưng thất bại thì sẽ đánh mất nhiều thứ lắm. Tớ sẽ học hỏi từ những người đi trước để không bao giờ có sai sót trong đời.
Nhút Nhát trở thành một cỗ máy được lập trình mỗi ngày, cậu ta học cực giỏi, nhưng lại né tránh các mối quan hệ vì sợ đổ vỡ, cậu ta không dám tham gia bất kỳ trò chơi nào của tập thể vì sợ mình sẽ là người thua cuộc. Nhút Nhát thích vẽ, nhưng lại từ bỏ ước mơ vì sợ thất bại. Cậu ấy vào đại học Y, chuỗi ngày nhàm chán bắt đầu và cậu ta tìm đến Liều Lĩnh.
Nhút Nhát hỏi:
- Tại sao cậu có nhiều bạn thế?
- Vì tớ chủ động kết bạn với mọi người.
- Nhưng cậu sẽ gặp những người bạn xấu?
- Đúng! Nhờ những người bạn xấu mà tớ mới biết quý những người bạn tốt thật sự.
- Tại sao cậu dám mở một shop kinh doanh mà không sợ rằng mình sẽ lỗ vốn?
- Vì nếu điều đó xảy ra thì tớ vẫn sẽ lời to khi thu về những kinh nghiệm cho mình.
- Tại sao cậu lại yêu thương một người hết lòng khi biết rằng sẽ chẳng có gì là mãi mãi?
- Vì tớ là con người, chứ không phải một cỗ máy, như cậu!
Nhút Nhát im bặt, Liều Lĩnh nói tiếp:
- Cậu chưa bao giờ thất bại trong kinh doanh: vì cậu đâu dám nghĩ đến ý tưởng táo bạo đó, chưa bao giờ cậu bị những người bạn xấu lừa lọc mình.
- Cậu chưa bao giờ chia sẻ niềm vui với ai: vì cậu đâu có một người bạn nào bên cạnh.
- Cậu chưa bao giờ phải khổ đau trong tình yêu: vì Nhút Nhát ơi, cậu đâu dám mở trái tim mình ra vì sợ nó trầy xước…
Nếu muốn đi đến thành công, bạn đừng sợ thất bại và đừng tuyệt vọng khi gặp phải điều đó. Quan trọng là sau mỗi lần thất bại, bạn biết cách đứng lên và rẽ qua một con đường khác để đi đến thành công.
HOÀNG CHÚC st.
Bài học đầu đời cho con
Với con nhỏ dưới 6 tuổi bạn nên nghĩ rằng: dù đó là ông bà, anh chị em ruột, giáo viên… bạn giao con rồi tin tưởng tuyệt đối là không được.
· Bài học Đạo đức đầu đời chính là lễ phép với mọi người xung quanh con.
· Bài Toán đầu đời dạy con không phải là phép cộng, phép trừ mà dạy con thuộc số điện thoại của mẹ, của cha.
· Bài Văn đầu đời cho con là tình yêu thương của Cha Mẹ dành cho con yêu.
· Bài Địa lý đầu đời dạy con là địa chỉ số nhà, đường về ngôi nhà thân yêu của mình.
· Bài Lịch sử đầu đời chính là ngày tháng năm sinh con ra đời, của Cha Mẹ, của anh chị em trong gia đình mình.
· Bài Thể dục đầu tiên là cho con làm quen với bơi lội.
· Bài Vật lý đầu đời là biết ổ điện nguy hiểm, biết bấm còi xe, chạy ra khỏi nhà, khỏi lớp... khi thấy cháy nổ.
· Bài Hóa học đầu đời là mọi thứ nước, phẩm màu, bánh kẹo bán trước cổng trường là dùng hóa chất của Tàu độc hại, con không được dùng, ai cho cũng không ăn, không uống.
· Bài học Giới tính đầu đời là con chỉ hôn, thơm, ôm cha mẹ và chỉ cho cha, mẹ hôn, thơm, ôm con; còn không cho bất kỳ ai ôm, hôn, thơm kể cả người thân xung quanh.
· Bài Giáo dục công dân đầu đời là kể với cha, mẹ tất cả những chuyện trên lớp học khi về nhà....
Ps: Nhiều lần mình đã viết văn hóa, văn minh, lối sống, luật pháp, thiết chế xã hội mỗi nước một khác, vì vậy bạn đừng áp dụng cách dạy trẻ của Tây, Tàu, Nhật, Hàn… vô cách dạy con mình. Nhiều khi ta bảo rằng cho trẻ tự lập nhưng chính do chúng ta lười nhác và có phần ích kỷ dành thời gian cho chính bản thân mình. Trẻ nhỏ mới cần cha mẹ gần gũi, lớn lên một tí muốn gần, muốn đưa đón nó đâu có chịu… Có nhiều ông bố cả đời hầu như không đưa đón con tới trường, có những bà mẹ dúi tiền vào tay con khi mới 6-7 tuổi đến trường muốn mua gì, ăn gì thì mua. Còn thời gian để mẹ trưng diện quần áo, son phấn đến cơ quan để nghe khen gió, sống ảo, hão huyền.
KIM SƠN st.
CHUYỆN LẠ BỐN PHƯƠNG
Những kỷ lục Guinness kỳ quái nhất thế giới + Những đôi mắt dị thường nhất thế giới
Ăn máy bay
Đã có rất nhiều người trên thế giới ăn những món rất kỳ quái, trong đó Michel Lotito là một ví dụ điển hình. Anh có khả năng ăn kim loại và thủy tinh. Nhờ khả năng đặc biệt của mình, Michel đã lập rất nhiều kỷ lục, trong đó nổi bật nhất là ăn chiếc máy bay Cessna 150 trong vòng 2 năm, từ 1978 tới 1980. Các bác sĩ đã kết luận dạ dày của Michel dày gấp 2 lần người bình thường, đó là lý do vì sao anh lại có khả năng tiêu hóa được thứ thức ăn cứng đến như vậy.
Người có da co giãn nhất
Điều kỳ lạ ở người đàn ông này là da anh có thể kéo dài theo nhiều hướng. Người đó là Garry Turner, một công dân Anh. Ngày 28/10/1999, Garry đã lập kỷ lục thế giới khi kéo da bụng dài 15,8 cm. Sau đó, các bác sĩ đã phát hiện ra rằng Garry bị rối loạn các tế bào liên kết da.
Người có thể cuộn tròn chảo rán
Có nhiều cách để biết người này khỏe, người kia không khỏe. Riêng anh chàng Scott Murphy lại có cách phô trương sức mạnh của mình bằng cách gập cuộn tròn chiếc chảo rán bằng tay trong vòng 30 giây. Nhờ đó, anh đã được lưu danh trong sách kỷ lục Guinness.
Người có nhiều ngón chân ngón tay nhất thế giới
Bé gái Le Yati Min, 16 tháng tuổi, từ lúc sinh ra mỗi bàn tay đã có 6 ngón, mỗi bàn chân có 7 ngón. Hiện bé đang sống cùng bố mẹ ở phía Nam Okkalarpa, Myanmar. Cô bé vừa được sách Kỷ lục Guinness công nhận là người có nhiều ngón chân ngón tay nhất thế giới.
Kỷ lục ăn ớt
Anandita Dutta Tamuly (người Ấn Độ) ăn hết 51 quả ớt cực cay trong vòng 2 phút. Cô còn bôi ớt vào 2 mắt trước khi ăn.
Ngồi trong thùng đầy nước đá lâu nhất
Anh Jin Songhao (người Trung Quốc) đã lập kỷ lục thế giới khi ngồi trong thùng đầy nước đá suốt 120 phút, đánh bại kỷ lục 115 phút trước đó của Win Hof (người Hòa Lan).
Người phụ nữ thấp nhất thế giới
Sách kỷ lục Guinness vừa chính thức công nhận Jyoti Amge (17 tuổi) là teen thấp nhất thế giới. Teen này hiện cao 60,96 cm. Có thể sang sinh nhật lần sau cô sẽ trở thành người phụ nữ thấp nhất thế giới.
Cái miệng co giãn rộng nhất thế giới
Francisco Domingo Joaquim sở hữu chiếc miệng co giãn rộng nhất thế giới (17 cm).
Cặp vợ chồng thấp nhất thế giới
Maistre Breger da Silva và Claudia Pereira Rocha là Cặp vợ chồng thấp nhất thế giới. Họ cưới nhau từ năm 1998 và sống hạnh phúc với nhau từ đó đến nay. Hiện 2 vợ chồng đang sống tại Brazil. Cô vợ cao 91,44 cm , chồng thấp hơn vợ 2 cm.
Cặp vợ chồng cao nhất thế giới
Wilco van Kleef cao 2,13m, vợ thấp hơn anh một chút. Họ là cặp vợ chồng cao nhất thế giới.
Người “nam châm”
Aaron Caissie (10 tuổi, người Canada) không cần loại keo nào cũng làm dính được 17 chiếc thìa lên mặt. Cậu bé này đã phá vỡ kỷ lục trước đó của cậu bé 9 tuổi người Anh, Joe Allison, người giữ được 16 chiếc thìa trên mặt.
Người đàn ông cao nhất thế giới
Turk Sultan Kosen (người Thổ Nhĩ Kỳ) được Kỷ lục Guinness công nhận là người đàn ông cao nhất thế giới. Anh cao 2,46m. Turk sinh ngày 10/12/1982.
Bộ tóc dài nhất thế giới
Cô Xie Qiuping(người Trung Quốc) có bộ tóc dài nhất thế giới. Mái tóc của cô đo ngày 8/3/2004 dài 5,62m. Cô bắt đầu nuôi tóc từ năm 1973 và từ đó không cắt tóc.
Những đôi mắt dị thường nhất thế giới
Họ là những người sở hữu đôi mắt có thể đọc được chữ trong bóng đêm hoàn toàn hay nhìn thấu cơ thể, thậm chí chẩn đoán được cả bệnh tật.
Cậu bé đọc chữ trong đêm tối
Cậu bé Nong Youhui (người Trung Quốc) có khả năng đặc biệt là đọc chữ ngay cả trong bóng đêm hoàn toàn. Khi đó, mắt cậu bé xanh như mắt mèo, với ánh sáng xanh dị thường. Ban ngày, mắt cậu vẫn tinh tường như người bình thường. Các bác sĩ cho rằng, cậu bé Nong bị chứng bẩm sinh hiếm gặp có tên là bạch bì, khiến cho mắt có rất ít sắc tố bảo vệ và rất nhạy cảm với ánh sáng.
Cô gái có khả năng nhìn xuyên thấu cơ thể người
Đó là trường hợp của cô Heise (19 tuổi) đến từ Mỹ. Cô gái này được tin là người sở hữu đôi mắt thần, có thể nhìn xuyên thấu cơ thể người và chẩn đoán được bệnh tật. Nhìn từ bên ngoài, đôi mắt của cô Heise không có gì khác lạ so với những người bình thường, nhưng đôi mắt ấy lại có khả năng rất dị thường. Đó là khả năng nhìn thấy được các bộ phận, nội tạng cơ thể như một máy chụp X-quang.Các chuyên gia y tế cũng chưa giải thích được khả năng siêu phàm của cặp mắt cô Heise. Họ chỉ chẩn đoán rằng Heise sở hữu giác quan liên đới đặc biệt, có tên là Synesthesia.
Cô gái có đôi mắt màu trắng
Đó là trường hợp của cô bé Laura Castro đến từ Mỹ. Cô gái sinh năm 1995 này từ lúc được sinh ra đã rất xinh xắn với mái tóc màu vàng, đôi mắt màu nâu. Nhưng rồi ngày sinh nhật lần thứ 10 đã làm biến đổi cuộc đời cô. Đó là khi cô vào nhà vệ sinh, soi gương và thấy cặp mắt xinh xắn ngày nào trở nên trắng dã như lòng trắng trứng gà. Khi cô bé được đưa tới bác sĩ, họ đều bó tay vì chưa gặp trường hợp nào mắt lại trắng như vậy. Điều lạ là Laura không hề cảm thấy đau đớn. Từ ngày đôi mắt cô bé bị biến dạng, cô không chỉ nhìn rõ hơn mọi thứ mà còn có khả năng xuyên thấu. Lần đầu tiên cô bé phát hiện ra khả năng đặc biệt của mình là một buổi sáng, cô nhìn xuống cơ thể mình và vô cùng hoảng sợ khi thấy những thứ bên trong khoang bụng của mình, cũng như quả tim đang phập phồng đập. Cô bé cũng có khả năng nhìn thấu những bức tường hay kim loại lớn. Hiện trường hợp của cô vẫn đang được các bác sĩ nghiên cứu để đưa ra kết luận.
Đôi mắt không thể nhắm
Thảm họa Chernobyl xảy ra vào tháng 4/1986 đã cướp đi mạng sống của nhiều người, gieo những căn bệnh ung thư quái ác cho những người dân xung quanh vùng thảm họa. Cô bé Tragic Veronica (5 tuổi) là một nạn nhân của thảm họa nguyên tử khủng khiếp nhất trong lịch sử đó. Bức xạ làm ô nhiễm môi trường ngôi làng Korosten, Ukraina, quê hương của cô bé, khiến cô bé bị mắc một bệnh ung thư hiếm gặp. Những dây thần kinh phát triển chằng chịt khiến cô bé không thể nhìn được và mắt lúc nào cũng mở, kể cả ban đêm. Veronica phải chịu sự xa lánh của bạn bè chỉ vì đôi mắt kinh dị của mình. Cơ hội cho Tragic Veronica là đến Israel để chữa bệnh. Tuy nhiên, gia đình cô bé gặp nhiều khó khăn về kinh tế nên chưa thể đưa con gái đến đây chữa trị. Cả gia đình luôn cố gắng bù đắp lại những thiệt thòi mà bé phải gánh chịu.
Người đàn ông làm lồi đôi mắt
Ông Claudio Pinto (người Brazil) có khả năng đặc biệt, đó là làm lồi đôi mắt ra khỏi hốc mắt đến 95%. Người đàn ông 48 tuổi này khiến các chuyên gia y tế cũng phải ngạc nhiên và cho biết họ chưa từng thấy đôi mắt nào kỳ lạ như của ông Pinto. Nhờ khả năng đặc biệt này, ông Pinto cũng kiếm được nhiều tiền khi biểu diễn ở đám đông.
ĐỖ THIÊN THƯ st.
Phụ Bản IV
LUẬN BÀN VỀ QUẢ TIM
& NHỮNG CÁCH ĂN UỐNG, XUỐNG CÂN
Quả tim là một bộ phận to bằng nắm tay, nặng chừng 300g (0.5% trọng lượng cơ thể). Nó bắt đầu đập từ khi bạn mới được 18 ngày tuổi, còn nằm trong bụng mẹ, cho đến khi bạn chết thì nó mới thôi đập. Nó mang oxy và thức ăn đến cho khoảng 30 ngàn tỉ tế bào trong cơ thể và lấy đi những chất cặn bã. Nó đập trung bình 72 lần một phút đồng hồ. Mỗi lần đập nó bơm khoảng 70cc máu. Như vậy mỗi phút nó bơm được 5 lít máu, mỗi ngày khoảng 7200 lít. Một người dùng trung bình 80 lít/ngày, 3 tháng mới dùng hết số nước này. Mỗi năm 180000m3. Ở tuổi 70, quả tim bạn đã đập gần 3 tỉ lần, lượng máu nó bơm có thể chứa gần một chục cái hồ tắm kích thước thế vận hội.
Khi đến tuổi trưởng thành, chiều cao của bạn cũng như kích thước các bộ phận thôi tăng trường. Thế nhưng chúng ta thường phát phì ở tuổi trung niên, tăng thêm một vài chục kg là chuyện bình thường, khiến cho quả tim phải làm việc nhiều hơn. Chuyện này giống như chuyện một ông kiến trúc sư xây một tòa nhà, khoảng 50 tầng, ông chỉ thiết kế một cái máy bơm nước dùng cho 50 tầng thôi. Nhưng sau đó người ta lại xây thêm một vài chục tầng, cái máy bơm sẽ bị quá tải, nó sẽ bị hỏng thôi. Cần phải phá bỏ những tầng mới xây thêm, phá nhiều hơn thì càng tốt. Quả tim làm việc nhiều kinh khủng như thế mà nó có bao giờ được nghỉ đâu, dù là chỉ được nghỉ vài giây. Vì vậy bạn nên tử tế, chiều chuộng nó để giúp nó phục vụ bạn tốt hơn. Tim mạch và ung thư là 2 bệnh gây tử vong nhiều nhất.
Kẻ thù số một của nó là thuốc lá, nhiều hóa chất trong khói thuốc làm tổn thương động mạch, cholesterol dễ bám vào thành động mạch khiến động mạch nhỏ lại và bị cứng. Nicotine làm động mạch co lại, tim bơm máu khó hơn. Khí CO làm hồng huyết cầu giảm khả năng vận chuyển oxy.
Tim cũng vất vả khi bạn giận dữ, lo lắng (stress). Stress làm tăng epinephire, norepinephire, cortisone trong máu khiến huyết áp lên cao, tim phải làm việc nhiều hơn.
Rượu và cà phê nếu uống ít thì tốt, nhiều thì có hại cho tim. Muối cũng có hại vì muối giữ nước lâu trong cơ thể làm huyết áp tăng. Những điều tốt khác quả tim mong bạn làm là:
- Thể dục, vận động nhẹ, đi bộ, đừng ngồi, nằm lâu một chỗ.
- Ăn những thức ăn nhiều vitamin, chất chống oxy hóa như: rau, quả, các loại hạt, tỏi và sữa. Những thứ này không những chỉ tốt cho tim mà tốt cho toàn cơ thể.
- Giúp cho huyết áp ở mức bình thường.
* Những thay đổi về ăn uống:
Từ rất lâu, người ta vẫn cho rằng chất carbohydrate (viết tắt là carb, đó là tất cả những chất có C (Carbon), H (Hydro), O (Oxy) trong công thức, gọi chung là “chất đường bột”, nhưng ngoài đường và bột còn phải kể các loại ngũ cốc, rau, cỏ, củ, quả, rượu, hạt) phải là thực phẩm cốt yếu của nhân loại, phải được ăn nhiều nhất…
Đầu thế kỷ 20, người ta thấy rằng người Eskimo sống khỏe mạnh, ít khi bệnh tật, nhất là các bệnh như: tim mạch, tiểu đường, ung thư. Thực đơn của người Eskimo gồm những thứ như: cá, thịt gấu, hải cẩu khi họ săn bắt được. Họ để dành gan, mỡ những con vật trên để ăn trong những ngày giá lạnh, bão tuyết, không đi săn được. Họ không có ngũ cốc để ăn. Mỗi năm chỉ có chừng 2 tháng mùa hè họ có ít rau để ăn. Người Eskimo không thọ mấy, điều này dễ hiểu vì họ không có thuốc men, y học tân tiến. Sau này khi người Eskimo trao đổi, buôn bán với người Tây phương, họ ăn đường bột thì bấy giờ mới có những bệnh mà trước kia họ ít có. Người ta tìm hiểu và kết luận rằng chất Omega 3 trong mỡ cá là tốt cho tim mạch.
Đời sống dễ dàng ở Tây phương làm cho người ta dễ phát phì. Tập thể dục nhiều thì cũng tốt, nhưng chỉ làm cho bắp thịt nẩy nở, lại làm cho người ta thèm ăn. Trọng lượng cơ thể không giảm, những người béo mập, thường ăn ít đi hoặc nhịn ăn, một thời gian sau chịu không nổi, lại nghỉ xả hơi một thời gian, rồi lại tiếp tục ăn kiêng, cách này không hiệu nghiệm. Những khi ta ăn ít, cơ thể phản ứng lại bằng cách tăng năng suất tiêu hóa, hấp thụ nhiều và hoạt động ít đi để đỡ tốn năng lượng. Người ta gọi đây là “hiệu ứng yoyo”: càng ăn kiêng thì càng béo, cách này là một thất bại.
* Cuộc cách mạng ăn uống của Bác sĩ Atkins
Bs.Atkins (sinh 1930, tại Mỹ) là một Bs chuyên khoa về tim mạch, chính ông cũng bị bệnh tim.
Năm 1972 ông xuất bản quyển sách “Dr.Atkins New Diet Revolution” (Cuộc Cách Mạng Mới Về Ăn Uống Của Bs.Atkins). Khuyên người ta chỉ ăn thật ít chất đường bột, nhiều chất mỡ (bơ, sữa, trứng) và đạm. Ăn theo chế độ này sẽ giảm cân thật nhanh và khỏi bệnh tim, vì chất mỡ tốt (HDL) lên. Điều này mọi người cho là nghịch lý, Bộ Y tế Mỹ (AMA) cũng như các bác sĩ khác phản đối kịch liệt, cho rằng cách ăn uống này thiếu căn bản khoa học, không đúng. Ăn nhiều mỡ sẽ tăng chất ketone trong máu, sẽ nguy hiểm và gây ung thư. Nhưng Bác sĩ Atkins kiên quyết nói ông không sai, ông chỉ dựa vào kết quả thử nghiệm từ những bệnh nhân của ông. Mà ông đúng thật, những người ăn theo lối của ông đều rất hài lòng. Rồi thì người ta làm rất nhiều cuộc thí nghiệm để kiểm chứng. Việc ăn mỡ làm giảm mỡ được giải thích như sau: Bình thường gan sinh ra mỡ nhiều hơn (75%), mỡ do thức ăn mang vào chỉ 25%. Khi ta ăn mỡ vào, thì gan không sinh ra mỡ nữa. Kết quả sẽ giảm mỡ trong máu.
Cho tới nay người ta vẫn tranh cãi về chế độ Atkins. Số người theo càng ngày càng đông vì lối ăn kiêng này dễ thực hiện quá: ăn kiêng mà được ăn toàn món ngon như thịt, cá, tôm, cua, bơ sữa. Nếu bạn muốn ăn theo chế độ này thì nên tham khảo thêm trên mạng.
Bs.Atkins đã phá bỏ 2 huyền thoại:
1. Đường bột phải là thức ăn căn bản, cần thiết nhất.
2. Chất mỡ bão hòa có trong động vật, trứng, bơ, dừa là rất có hại.
Ngày nay dầu dừa càng ngày càng được ưa chuộng, giá dầu dừa ngày càng lên cao từ vài thập niên, ngay cả tại Việt Nam.
Ông Đạo Dừa (kỹ sư Hóa học Nguyễn Thành Nam, tốt nghiệp tại Pháp), ở Bến Tre. Người gầy và sáng suốt, trong khi cả thế giới cho rằng dầu dừa là độc hại thì ông lại cho là rất tốt và chọn dừa là thức ăn chính của ông. Nếu không không chết vì bị ngã từ trên cao xuống năm 1990, ở tuổi 81 có lẽ ông còn thọ hơn nhiều.
Sau Bs.Atkins, lại có những phương pháp ăn kiêng khác, căn bản là giảm chất đường bột như: Smith Beach Diet, Ornish, Zone v.v…
Người ta còn khuyên ăn thức ăn “âm”, chữ “âm” ở đây không có nghĩa là âm dương theo quan niệm Đông phương, mà là những thức ăn không cung cấp năng lượng, cơ thể lại mất thêm năng lượng tiêu hóa. Kết quả là ta sẽ xuống cân. Đó là rau, măng, các loại rau, quả không ngọt, hoa hoặc thân cây chuối, mạ, cỏ… Thật ra năng lượng ta dùng để tiêu hóa những chất này chẳng là bao, nhưng chúng có tác dụng làm đầy bao tử để ta đỡ đói. Trâu, bò, dê, ngựa ăn cỏ thì lên cân vì chúng có phân hóa tố cellulase biến cellulose trong cỏ thành glucose. Người ta không có phân tố này nên ăn vào cũng như không.
Người ta lại còn khuyên “ăn để xuống cân”. Điều này nghe nghịch lý nhưng cũng đúng, nếu ta ăn nhiều bữa một ngày và ăn trái giờ. Khi đã ăn nhiều bữa trong ngày nhưng cũng chừng ấy số lượng thức ăn thì não bộ tưởng ta đang ở trong một môi trường thừa thức ăn, nên ra lệnh cho hệ tiêu hóa không cần làm việc với hiệu suất cao. Ta thường ăn bữa mỗi ngày: 7g sáng, 12g trưa và 7g chiều, vào những lúc đó, những dịch tiêu hóa, những phân hóa tố đã đợi sẵn để tiêu hóa bữa ăn. Điều này tương tự như nếu ta cho chim bồ câu ăn vào 10g sáng chẳng hạn thì một thời gian ngắn sau chúng sẽ đến chờ chực để được ăn vào giờ này. Cái đồng hồ sinh học của người ta và súc vật đều khá chính xác. Nếu ta vào những giờ khác nhau mỗi ngày thì phân hóa tố không có sẵn, hậu quả là thức ăn sẽ bị loại bỏ nhiều hơn.
NCT
BÀI THUỐC QUÝ TỪ ĐU ĐỦ
1. Lá non Đu đủ, thêm củ tỏi xào, chịu khó ăn vào, sỏi nào cũng hết.
2. Nụ hoa Đu đủ, hấp ủ mật ong, nuốt vô đáy lòng, ho gì cũng khỏi.
3. Nhựa hoa Đu đủ, trị chứng chai chân, bôi ngày 2 lần, đôi tuần gót đỏ.
4. Rễ cây Đu đủ, đun sắc đậm đà, hòa thêm chút muối, bay mùi hôi chân.
5. Cọng lá Đu đủ, sắc trị ung thư, họng hầu thêm Xả, phối dăm lát gừng, thêm nắm lá hẹ, cho chứng tiền liệt, dùng dài tháng liền, còn tiền hết bệnh...
6. Chữa ho gà bằng hoa đu đủ đực: Hoa đu đủ đực 20g, sao vàng; vỏ quýt lâu năm 20g; vỏ rễ dâu 20g, tẩm mật sao; bách bộ 12g; phèn phi 12g. Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn, uống 3 lần/ngày: trẻ em 1-5 tuổi, mỗi lần 1-4g; 6-10 tuổi, mỗi lần 5-8g.
7. Chữa tan Đờm: Đu đủ hầm với đường phèn: 1 quả đu đủ chín, gọt vỏ, thái miếng, đựng trong bát to, thêm đường phèn, hầm cách thủy. Món này ăn rất ngon, có hương vị đặc trưng, già trẻ ăn quanh năm đều được. Ăn đu đủ + đường phèn thường xuyên trong mùa xuân, hè có tác dụng thanh tâm, nhuận phế, giải nhiệt, giải độc. Ăn vào mùa thu, đông có tác dụng nhuận táo, ấm dạ dày, bổ tỳ vị, dưỡng gan, giảm ho, nhuận phổi, tan đờm.
8. Ho do phế hư: Đu đủ 100g, đường phèn 20g hầm ăn.
9. Hoa đu đủ đực tươi hoặc phơi khô hấp với đường phèn dùng chữa bệnh ho, viêm cuống phổi, khàn tiếng hoặc mất tiếng ở người lớn. Với trẻ em, hái 5-10 hoa đực đem sao vàng, thêm đường phèn hấp hoặc chưng khi nồi cơm cạn nước, cho trẻ uống trong ngày.
10. Chữa ho do viêm họng: Hoa đu đủ đực 15g, xạ can 10g, củ mạch môn 10g, lá húng chanh 10g. Tất cả cho vào một bát nhỏ, thêm ít muối, hấp cơm rồi nghiền nát. Ngày ngậm 2-3 lần, nuốt nước dần dần, dùng từ 3-5 ngày.
11. Chữa viêm cuống phổi, mất tiếng: Hoa đu đủ đực 15g, lá hẹ 15g, hạt chanh 10g, nước đun sôi để nguội 20ml. Các dược liệu được nghiền nát với nước. Thêm ít mật ong hoặc đường kính, uống làm 3 lần trong ngày. Dùng vài ngày.
12. Chữa ung thư phổi, ung thư vú: Hái lá lẫn cuống Đu đủ để tươi, cho vào nồi, thêm nước nấu sôi, để nguội, chiết nước đặc uống, cũng có thể nấu thành nước cô lại. Uống 3 lần/ngày, mỗi lần 1 chén to (300ml). Ngoài ra uống thêm 3 muỗng cà phê mật mía trong ngày, mỗi lần 1 muỗng. Có thể kết hợp với chiếu tia X quang và uống bột củ Tam thất... hiệu quả càng nhanh. Tuy nước lá Đu đủ đắng, nhưng cần uống liên tục 15-20 ngày mới có kết quả.
13. Chữa di, mộng, hoạt tinh. Trái Đu đủ bằng bắp tay, khoét cuống; cho 2 cục đường phèn vào, lắp cuống, gạt lửa than nướng chín, đem ra bóc vỏ da xanh bên ngoài, ăn lớp thịt bên trong, kể cả hạt. Chỉ cần ăn 1-2 quả là thấy kết quả (Kinh nghiệm dân gian ở An Giang).
14. Chữa trị tiểu gắt, buốt: Rễ đu đủ tươi 200g sắc lấy nước uống cả ngày thay nước uống.
15. Chữa trị đau niệu đạo, nước tiểu ít và đỏ: Hoa đu đủ đực (hoặc quả của cây đu đủ đực lưỡng tính) 40g, lá bạc thau 50g, đậu đen 40g, phác tiêu 4g. Sắc lấy nước đặc, chia 3 lần uống vào lúc đói bụng.
16. Chữa trị viêm dạ dày mãn tính: Đu đủ 30g, táo tây 30g, mía 30g, sắc uống.
17. Chữa trị tỳ vị hư nhược (ăn không tiêu, táo bón): Đu đủ 30g, củ mài 15g, sơn tra 6g, gạo nếp 100g, nấu cháo ăn ngày 2 lần (sáng, chiều).
18. Chữa sỏi thận: Cây đu đủ đực trong dân gian là cây đủ đủ không ra quả. Hoa của cây đủ đủ đực cũng là bài thuốc chữa sỏi thận hiệu quả. Dùng hoa của cây đu đủ đực, giã nhỏ, đem nấu sôi lên lọc cặn bã lấy nước uống hằng ngày.
19. Rễ đu đủ sắc uống có tác dụng cầm máu trong bệnh băng huyết, sỏi thận... (liều lượng hỏi mua rễ đu đủ nhà thuốc nam họ sẽ chỉ dẫn cặn kẽ).
20. Chữa ít ngủ, hay hồi hộp: Đu đủ chín, chuối, củ cà rốt mỗi thứ 100g; xay với nước dừa non nạo, thêm mật ong cho đủ ngọt, cách ngày uống 1 lần, giúp ngủ ngon.
21. Chữa trị đau lưng mỏi gối: Đu đủ 30g, ngưu tất 15g, hoàng kỳ 10g, đỗ tương 15g, câu kỳ tử 10g, cam thảo 3g, sắc uống.
22. Chữa trị gai cột sống: Hạt đu đủ đem xát cho sạch phần nhớt bao quanh, giã nát trong túi vải rồi đắp lên vùng đau. Mỗi lần chỉ đắp tối đa 30 phút và theo dõi để tránh bị bỏng. Ngày làm một lần, liên tục trong 20-30 ngày.
23. Chữa trị giun kim: Ăn đu đủ chín vào buổi sáng lúc đói, liên tục 3-5 ngày.
24. Giúp sáng mắt: Những người lớn tuổi nên ăn khoảng 3 phần đu đủ mỗi ngày trở lên để ngăn ngừa quá trình lão hóa cũng như suy giảm thị lực vì đu đủ không chỉ là loại trái cây ngon ngọt, mát, bổ mà còn chứa nhiều carotin hơn so với các loại trái cây khác như táo, ổi, chuối.
25. Chữa ít sữa… sau khi sanh ăn canh đu đủ hầm giò heo thường, sẽ lợi sữa.
26. Đu đủ chín là một món ăn giúp bồi bổ cơ thể và tiêu hóa tốt các chất thịt, lòng trắng trứng; Khi hầm các loại thịt, xương cứng, người ta thường cho quả đu đủ xanh vào để thức ăn mau nhừ...
27. Chữa tưa lưỡi ở trẻ: Lấy hoa đu đủ đực thái nhỏ phơi khô, tán bột mịn, cùng với gốc cây mây (lấy chỗ mọc khô ráo), rồi đốt thành than, tán bột. Trộn hai loại bột này với nhau với tỷ lệ 3 phần bột hoa đu đủ đực, 1 phần bột gốc mây. Sau đó lấy tăm bông chấm thuốc bôi hàng ngày đánh trên lưỡi trẻ bị tưa.
28. Chữa rắn cắn: Rễ đu đủ đực 20g, lá xuyên tiêu 10g, hồng bì 5 hạt, tất cả giã nhỏ cho nước vào trộn đều gạn nước cho người bị rắn cắn uống. (Lưu ý: chỉ sử dụng kết hợp hay đơn độc khi điều kiện của y tế không có, vì có những loại rắn cực độc có thể tử vong ngay chưa kịp đưa đến cấp cứu, trị liệu).
29. Chữa cá đuối cắn: Rễ đu đủ đực tươi 30g, Muối ăn 4g. Hai thứ giã nhỏ. Vắt lấy nước uống, bã đắp lên chỗ sưng đau. Sau chừng nửa giờ thấy giảm đau và vài ngay sau khỏi hẳn (kinh nghiệm nguời miền Nam).
30. Chữa trị các vết chai và mụn cóc: Lấy nhựa từ lá của cây đu đủ bôi lên vùng da bị chai hay mọc mụn, công hiệu khá tốt.
31. Chữa trị mụn nhọt: Lá đu đủ giã nát, đắp mỗi ngày liên tục sẽ hiệu quả.
32. Chữa trị vết loét trên da: Trộn một chút bơ với nước đu đủ, bôi lên vết loét. Cách làm này có tác dụng làm se bề mặt và nhanh chóng làm liền vết thương.
33. Làm đẹp da: Nước ép của trái đu đủ và nhựa khô là thành phần chính trong quá trình sản xuất các loại kem chống mụn và dầu gội dưỡng tóc.
34. Vỏ của trái đu đủ xanh có thể được giữ lạnh trong tủ lạnh và sử dụng để tạo mặt nạ. Điều này cũng lý giải tại sao người dân xứ Island luôn có làn da trắng mịn, và nhất là không bao giờ lo sợ mụn trứng cá tấn công.
35. Nghiền nhuyễn đu đủ chín đắp lên mặt và rửa sạch sau khoảng 15-20 phút có tác dụng làm mềm, mịn da, ngăn ngừa mụn, các vết nám và đặc biệt phát huy tác dụng trong việc điều trị làn da thô ráp.
36. Quả đu đủ xanh nghiền nát với nước, dùng bôi để chữa các vết tàn nhang ở mặt và tay, còn dùng chữa chai chân và bệnh eczema...
“CHIA SẺ” là cứu được nghìn người đang mắc bệnh.
Phùng Chí Tâm st.
THƯỢNG ĐẾ SÁNG TẠO
Ý Sáng tạo của Thượng Đế là tuyệt vời.
Khi con chim còn sống, nó ăn kiến. Khi chim chết, kiến ăn nó. Thời gian và hoàn cảnh có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Vì vậy, đừng nhục mạ, đừng cố tình làm khổ bất cứ ai trong đời sống này.
Bạn có thể đầy quyền lực ngày hôm nay, nhưng đừng quên rằng, thời gian còn nhiều quyền lực hơn bạn.
Một cây có thể làm được hàng triệu que diêm, nhưng một que diêm cũng có thể thiêu hủy được hàng triệu cây.
Hãy là người tốt và làm những điều tốt. Thử nghĩ mà xem, Thượng Đế cấu tạo cơ thể con người một cách rất hợp lý, nhưng sao chúng ta lại không sử dụng nó theo đúng ý của Ngài:
Ngài đặt hai mắt chúng ta ở đằng trước, vì Ngài muốn chúng ta luôn hướng tới phía trước, chứ không phải để chúng ta cứ ngoái nhìn về những sự việc ở phía sau.
Ngài đặt hai tai chúng ta ở hai bên là để chúng ta nghe từ hai phía, cả lời khen lẫn tiếng chê, chứ không phải để chúng ta chỉ nghe từ một phía hoặc chỉ để nghe những lời tâng bốc êm tai.
Ngài tạo cho chúng ta chỉ có một cái miệng và một cái lưỡi mềm mại và có đến hai lỗ tai vì Ngài muốn chúng ta nói ít mà nghe nhiều và chỉ nói những lời khôn ngoan, chứ không phải để chúng ta nói nhiều hơn nghe và nói những lời sâu hiểm làm tổn thương người khác.
Ngài đặt bộ não chúng ta trong một hộp sọ vững chãi, vì Ngài muốn chúng ta nên tích lũy tri thức, những thứ chẳng ai có thể lấy đi, chứ không phải chỉ chăm lo tích lũy những của cải bên ngoài, những thứ dễ dàng bị mất mát.
Ngài đặt trái tim chúng ta nằm trong lồng ngực, vì Ngài muốn những tình cảm yêu thương giữa những con người phải được xuất phát và lưu giữ tận nơi sâu thẳm trong cõi lòng, chứ không phải ở một nơi hời hợt bên ngoài.
Theo Ephata
ĐÀO MINH DIỆU XUÂN st.
Giới thiệu sách
VIỆT SỬ
THẾ GIỚI SỬ
ĐỊA LÝ VIỆT NAM
Có phần thực tập bản đồ
Lớp 9
Chương trình mới (áp dụng từ niên khóa 1971-72)
Tác giả LÊ KIM NGÂN
Cao học sử - Tiến sĩ Luật khoa
Đây là sách dành cho lớp 9 trước 1975.
Sách dày 454 trang, khổ 14,5x20,5cm được chia như sau:
I. Việt sử:
Từ trang 2-116: nói về sự thống trị của Pháp cho đến CMT8.
II. Thế giới sử:
Từ trang 124-238: Sự phát triển kỹ nghệ Tây phương cho đến thế chiến thứ hai.
III. Địa lý VN:
Từ trang 252-431: Đại cương về nước VN: hình thể, khí hậu, nhân văn, kinh tế, thương mại…
IV. Thực tập bản đồ:
Từ trang 432-446
Có rất nhiều bản đồ cho học sinh thực tập ở cuối sách, đặc biệt tại trang 287 có bản đồ VN với quần đảo Tây sa, quần đảo Hoàng sa.
Phần bài học bên cạnh nói về quần đảo Tây sa (Paracels) tr.286.
Nhiều hình ảnh xưa vẽ bằng bút sắt, có hình vẽ ghi lại một ông xã cưỡi ngựa lên Tòa sứ nộp thuế thời Pháp thuộc (tr.62), và nhiều hình ảnh chụp phong cảnh và các lãnh tụ…
NXB Đại Việt phát hành ngày 16/10/1972.
(Tác giả giữ bản quyền).
HÀ MẠNH ĐOÀN
TIN TỨC, SỰ KIỆN
Ngày 7/11 vừa qua, Bà Tâm Nguyện đã nhận lời mời đến Trường ĐẠI HỌC BÁCH KHOA Tp. HỒ CHÍ MINH để tham dự buổi lễ Kỷ Niệm 40 Năm Ngày Thành Lập Khoa KHOA HỌC ỨNG DỤNG của Trường.
Hiện diện trong buổi lễ có Đại Diện Trường, Nhà Khoa Học Đầu Ngành cùng các Cộng Sự, cùng với gần 200 đại diện của các Bệnh Viện và Phòng Khám Đa Khoa có sử dụng Công Nghệ Laser từ các Tỉnh, Thành Phố về tham dự. Trước khi vào hội nghị thì mỗi Đại Diện được yêu cầu ký tên để lưu niệm và nhận một Quyển Kỷ Yếu của Trường, trong đó có những hình ảnh của những thiết bị đã chế tạo, những ứng dụng và kết quả điều trị có đối chứng của Laser Bán Dẫn trong Cải Thiện Tuần Hoàn Máu, Điều trị Máu Nhiễm Mỡ, Tim mạch, Phục hồi chức năng sau Tai Biến mạch máu não, Cơ, Xương, Khớp, Đau gót chân, Thoát vị đĩa đệm, Thần Kinh Tọa, Đau khớp vai, Đau cổ tay, Gãy xương, Biến chứng, Viêm loét bàn chân, Xơ Vữa Động mạch cảnh trong, Liệt nửa người của người Đái Tháo Đường Type 2, Phục hồi trí nhớ cho người Tai Biến Mạch máu Não, Điều trị chứng mất ngủ, Xơ vữa Động Mạch Cảnh trong ở người cao tuổi, Phì đại tuyến Tiền Liệt lành tính, Lao Phổi, Bệnh tắc nghẽn Phổi mạn tính… suốt thời gian qua.
Mở đầu, Phó Giáo sư, Tiến Sĩ Trần Minh Thái nói về việc hình thành và phát triển Công Nghệ Laser mà tiền thân là Phòng Thí Nghiệm Vật Lý Laser. Được thành lập từ ngày 7/11 năm 1979, qua 40 năm, đã trở thành đơn vị hàng đầu trong lãnh vực Nghiên Cứu ứng Dụng Laser Bán Dẫn Công Suất Thấp trong Y Học và Sinh Học ở các Tỉnh và Thành Phố phía Nam.
Phòng đã chế tạo thành công trên 15 dạng thiết bị điều trị, và đã chuyển giao hơn 1.000 thiết bị cho 312 cơ sở chữa trị trên 30 Tỉnh và 3 Thành Phố lớn phía Nam. Phòng cũng đã hướng dẫn thành công cho 1 Luận Án Tiến Sĩ. Hiện đang hướng dẫn cho một số Luận Án Tiến Sĩ, Thạc Sĩ và Luận Văn tốt nghiệp Đại Học, cũng như đã tổ chức thành công hội Nghị Khoa Học về “Quang Châm bằng Laser Bán Dẫn” diễn ra mỗi 2 năm một lần, bắt đầu từ năm 1998 đến nay.
PGS Tiến Sĩ Trần Minh Thái thuyết trình về “Ứng Dụng Laser Bán Dẫn Công Suất Thấp trong việc cải thiện tuần hoàn máu sẵn có bên trong cơ thể bệnh nhân”.
Trong quá trình nghiên cứu, các Nhà Khoa Học thấy: Chính vì sự cung cấp máu không đầy đủ và chất lượng thấp, mà cơ thể con người sinh ra hàng loạt rối loạn khác nhau, đặc biệt ở hai cơ quan quan trọng là Tim và Não. Nghiên cứu cũng cho thấy, người càng nhiều tuổi thì thể tích máu trong Gan bị giảm, điều đó ảnh hưởng đến tốc độ thanh giải của Gan. Nghiên cứu cũng cho thấy là bệnh Xơ Vữa Động Mạch được hình thành từ khi con người bắt đầu 20 tuổi, và từ 40 tuổi trở đi thì mọi người đều bị ảnh hưởng của nó. Xơ Vữa thường xảy ra ở Động mạch Vành, Động Mạch Cảnh trong, Động Mạch Não, Động Mạch Bụng.
Về bệnh Máu Nhiễm Mỡ thì ở Việt Nam ta tỷ lệ mắc Máu Nhiễm Mỡ là 29,1%. Con số tử vong chỉ sau AIDS và có xu hướng ngày càng tăng. Nếu trước đây bệnh này có tỷ lệ cao ở nguời trên 60 tuổi thì nay đã trẻ hóa, độ tuổi 35 đến 44 đã mắc phải với tỷ lệ cao đáng lo ngại.
Với bệnh Máu Nhiễm Mỡ thì việc sử dụng thuốc cũng chỉ kiềm chế sự phát triển và giảm bớt biến chứng chớ không chữa khỏi bệnh, trong khi đó, Laser Công Suất Thấp Nội Tĩnh Mạch tương tác trực tiếp với dòng máu trong tĩnh mạch, tác động với Hồng Cầu và Bạch Cầu bằng những bước sóng để cải thiện chính nó.
Với những thiết bị được chế tạo, dùng sóng Laser để cải thiện tuần hoàn máu đã thu được nhiều kết quả quan trọng trong việc chữa các chứng bệnh về Tim như: Thiếu máu cơ Tim, Rối loạn nhip Tim, Hở Van Tim và Xơ vữa động mạch vành. Ngoài ra còn phục hồi tốt cho bệnh Suy Giãn Tĩnh Mạch Nông ở chân. Làm giảm Cholesterol xấu, nâng cao Cholesterol tốt mà không gây tác dụng phụ bởi Laser tương tác trực tiếp với chính dòng máu trong cơ thể của bệnh nhân để điều hòa nó mà thôi, không thêm vô bất cứ hóa chất nào nên không gây phương hại cho các bộ phận có liên quan.
Sau khi PGS Trần Minh Thái trình bày là phần giải đáp thắc mắc.
Sau phần giải đáp thắc mắc thì Bà Tâm Nguyện được giới thiệu là Thành viên Câu Lạc Bộ Sách Xưa & Nay đồng thời là bệnh nhân của Công Nghệ Laser lên trình bày những gì bà đã trải nghiệm qua hơn 10 năm điều trị bằng Công Nghệ Laser. Bà Tâm Nguyện đã nói về cơ duyên bà được biết đến Công Nghệ này, và đã trải nghiệm qua nhiều bệnh: Nghẹt mũi, lạnh đầu về đêm. Chỉ sau 1 đợt điều trị thì hơn 10 năm qua bệnh không còn quay lại. Ngoài ra, bà còn 1 lần suy giãn Tĩnh mạch, 2 lần bị huyết khối. Một lần cứu cấp do Phổi tắt nghẽn mãn tính. Con của bà bị Parkinson cũng hết sau 2 đợt chữa trị. Từ đó đến nay đã hơn 2 năm, chỉ uống thuốc để duy trì. Quan trọng nhất là trước lúc tiếp xúc với Công Nghệ Laser năm 2008 thì bà đã bị “block nhánh phải hoàn toàn, thiếu máu cơ tim” từ năm 2006. Nhưng không ngờ trong quá trình điều trị những bệnh khác, Laser cũng giải quyết luôn những bệnh của Tim cho bà. Siêu âm mới nhất, ngày 31/8/2019 cho thấy: Tim bà đã hoàn toàn bình thường, không còn block nhánh phải cũng không còn thiếu máu cơ tim hay hở van tim nữa. Thấy hiệu quả truyệt vời của Laser nên bà cũng mong muốn nhiều người được biết thông tin quan trọng này, để khi lỡ khi không may mắc phải căn bệnh Tim quái ác thì có thể yên tâm nhờ Laser chữa trị, không cần phải đặt stent cho tốn kém. Qua trải nghiệm của chính bản thân, bà nhận thấy Laser đã đi trước khoa học hiện đại một bước quan trọng, vì không phải động đến dao kéo, không tốn nhiều tiền, không mất thời gian nằm viện mà vẫn giải quyết được chứng bệnh được coi như là “Sát thủ thầm lặng” một cách hết sức đơn giản, nhẹ nhàng.
Dịp này, bà Tâm Nguyện đã gom tất cả những bài bà đã viết về Công Nghệ Laser in nhiều lần trong Bản Tin của CLB Sách Xưa & Nay trong suốt 10 năm lại thành 1 tập, đặt tựa đề là ĐÔI NÉT VỀ CÔNG NGHỆ LASER, nói về những lần bà đã đi trị bệnh cũng như chứng kiến sự phục hồi nhanh chóng của những bệnh khác, đặc biệt là bệnh Tai Biến, để kính tặng PGS Tiến Sĩ Trần Minh Thái. Đồng thời, bà cũng xin được đại diện cho những bệnh nhân đã, đang và sẽ được hưởng lợi ích từ Công nghệ Laser, kính tặng PGS Thái một lẵng hoa hồng thay cho lời cảm ơn, và chúc Công Nghệ ngày càng thành công hơn để phục vụ cho xã hội.
Sau buổi trưa, tất cả quan khách đều được mời dùng bữa trưa tại căn tin của Nhà Trường. Hội Nghị kéo dài đến 2 ngày mới kết thúc.
Tin ngoài lề Hội Nghị: Có vài Cơ Sở chữa bệnh phía Bắc, và Đại Diện của Quảng Nam, sau khi dự Hội Nghị và nghe báo cáo đã có lời mời Nhóm của Trường Bách Khoa gồm có PGS Trần Minh Thái và các cộng sự cùng với bà Tâm Nguyện đến địa phương của họ khi có Đại Hội Laser diễn ra trong thời gian tới.
Tâm Nguyện
(Tháng 11/2019)
KẺ THÙ
M ột cặp từ chẳng dễ chịu một ít nào, một khái niệm chẳng được hoan nghênh một tí nào, một phạm trù chẳng thân thiện một tí nào. Chẳng một tí nào nhưng vẫn có và vẫn phải có, tuy đã có một câu hết sức nhân văn, hết sức hàm thụ, hết sức tuyệt bích “Đời nên thêm bạn bớt thù”.
Thế nhưng vẫn phải có. Phải có là vì cái tính đố kỵ ganh tị nhỏ nhen cố chấp vị kỷ của người đời. Thấy ai hơn mình là không ưa rồi, bất kể vì sao người ta hơn, bất kể vì sao mình không bằng người ta, bất kể cái mà người ta hơn ấy là một cái hơn rất xứng đáng rất thuyết phục. Nhưng cứ hơn là ghét cái đã. Từ ghét đến thù không xa lắm, nếu có cùng một sân đấu có va chạm ảnh hưởng đến quyền lợi thì khoảng cách này rút ngắn nhanh hơn. Nhiều khi chưa kể đến hơn thua, mà chỉ không đồng quan điểm trong một vấn đề nào đó cũng đã đủ tạo thành thù. Vậy nên khái niệm một cách đơn giản: thù là một sự đối nghịch.
Thù cũng có thù nặng thù nhẹ. Thù nhẹ thì chỉ dừng ở mức không giao du với nhau, không đụng chạm đến nhau, thấy nhau từ xa thì lánh đi cho yên chuyện. Thù nặng thì cay cú bức ách dẫn đến phải tìm cách trả thù. Trả thù thì cũng có muôn nghìn vạn kiểu trả thù. Từ hộc tốc võ biền đến sâu xa mưu kế. Cho dù có lắm lắm câu phương ngôn để giảm sầu tiêu hận, thì cũng khó lắm để thực hiện, bởi con người không dễ gì bước qua cái ngưỡng của “ngã chấp”. Thường thì người bàng quan dễ nói câu lọt tai vừa ý, nói những lời xuôi chuội nhẹ tênh, vì chỉ lời nói thôi mà, có bận gì đến mình đâu, nhưng với người trong cuộc thì khác. Có đau đến thân mới biết tức, có thiệt đến mình mới biết ách. Cái nỗi tức ách ấy chẳng sớm chiều mà tiêu tán. Ít nhất thì cũng phải hành động trả đũa được chút gì cho hả.
Vẫn thường có thù trong bạn có bạn trong thù.
Vừa mới hôm qua bạn bạn bè bè cười cười nói nói, ai hay một cú giò lái móc hàm đã ngấm ngầm tự bao giờ. Và rồi cái đau của đòn thù không đau bằng cái đau của sự phản bội, hay nói chính xác hơn là niềm tin không được đặt đúng chỗ. Hai cái đau dập một này trở thành thù và cái thù này nó dai dẳng lắm, không dễ có cách gì mà bôi xóa, phương thuốc thời gian hầu như cũng vô nghiệm với nó. Nhưng thật khổ tâm mà nói, chẳng mấy ai đủ khôn ngoan mà nhận diện được loại thù trong bạn này cả. Nếu đối phương có sơ suất gì thì đó là cái may để còn có cơ hội mà tránh trước. Có điều, niềm tin và tình cảm là hai kẻ phản lại chính mình trước tiên.
Cũng có lắm tình huống từ thù thành bạn, nếu cái thù ấy không nghiêm trọng hoặc do hiểu lầm mà thành. Khi được hoá giải hợp tình hợp lý đổi buồn thành vui thì thật dễ dàng thành bạn. Hoặc cái thù giữa đôi bên chưa được giải quyết, nhưng xuất hiện một đối thủ thứ ba đe dọa cả hai, và như vậy họ có chung một mục tiêu cần đối phó, thì khả năng sẽ là bạn tạm thời, sau đó tùy theo diễn tiến mà ra thù hay ra bạn.
Như vậy, trong cuộc sống của mỗi người đều phải có thù, ít hay nhiều tùy theo phạm vi sống xử. Còn nếu ai đó mà bảo rằng không hề có kẻ thù thì, một là người đó thật vô vị, không có cái gì đáng để cho thiên hạ ganh ghen, hai là người đó quá khôn khéo chỉn chu, khôn khéo đến giả dối thành nghề, chỉn chu đến mức tuyệt đối khó tin. Một người bình thường đều có cả hay lẫn dở, sai lẫn đúng, quá trình hình thành nên bạn hay thù là ở hay dở sai đúng đó. Nhiều khi gây nên thù oán từ những lý do hết sức đơn giản, một sự va quẹt trên đường rồi lời qua tiếng lại phải trái cũng thành một sự bức bối nếu không giải quyết thỏa đáng, mà để cho thỏa đáng cả hai phía thì không thể nào. Hoặc vì một sự bênh vực cho nạn nhân thì rõ ràng là phải va chạm với một đối tượng, thế là thành thù oán. Xã hội đã thấy rất nhiều hậu quả đòn thù từ những lý do vô cùng ngớ ngẩn. Thực ra, xét cho cùng, căn nguyên là ở sự thỏa mãn cái tôi không được thực hiện. Tất tật mọi người trên cõi đời này, không ai là muốn mình là người kém thế cho dù với tình huống nào lĩnh vực nào. Dẫu trên thực tế thì sự kém cỏi ấy là có thật, thì cũng đừng nên lôi nó ra là công cụ đối chọi. Nhưng thường thì người ta không thể kềm chế cái sự thể hiện mình hơn người khác, mà rất nhiều khi là sự thể hiện thái quá, nên không thể không gây ra những đố kỵ bất mãn cho những người chung quanh. Cảm giác bất mãn ấy vốn là nguy cơ tiềm ẩn, để rồi khi có cơ hội bộc lộ thì không dễ gì ngăn chặn được. Còn một khía cạnh nữa là sự thiếu kềm chế trong con người ngày càng cao, cứ cái gì không vừa ý hoặc chưa hiểu rõ ý định đối phuơng, hoặc cảm giác mình bị xúc phạm tước đoạt là lập tức nổi nóng, lên gân, hung tính bộc phát và người ta hành xử vội vã gây hậu quả nhiều khi nghiêm trọng cho người và cho cả chính mình.
Vậy nên tất nhiên trong cuộc sống người ta vô hình chung luôn có sự phòng bị sự thù hằn, nhưng chẳng thể nào tránh hết được, vậy cần thiết phải có kỹ năng đối phó. Điều tiên quyết là sự bình tĩnh, có bình tĩnh mới có đủ thời gian và tâm trí để suy xét nặng nhẹ về mặt hậu quả. Có điều, để giữ được bình tĩnh khi phải lãnh đòn thù bất kể trong hình thức nào thì thực là một điều quá khó. Chính vì vậy mà thù nối thù oán tiếp oán. Nhiều khi kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác, tập thể này với tập thể khác. Sự thù oán ấy ăn sâu thành thâm căn cố đế trong lòng người, và người bàng quan thì lại dễ dàng hay tỏ ra khôn ngoan mà “Chuyện có gì đâu, bỏ qua đi cho nó nhẹ người, sống được mấy mà cứ khư khư thù oán cho khổ thân”. Và cũng như bao nhiêu điều trong cuộc sống, nói dễ nhưng làm không dễ. Mỗi người có nhiều kẻ thù hay không thì phần lớn vẫn tùy thuộc vào chính bản chất bản ngã của mình.
ĐÀM LAN
KẺ TRỘM HOA
Như bị hút hồn! Ngày nào ngang qua ngôi nhà màu trắng, Nhiên cũng dừng lại, ngóng cổ nhìn vào khoảnh sân rực rỡ sắc màu hoa lá. Trong đầu Nhiên bùng nhùng mớ thắc mắc: Bà cụ ở đây đâu rồi? Chủ mới ngôi nhà là ai? Trong đó có mấy người? Họ làm gì? Từ đâu dọn đến đây? Và ai đã tỉa tót những chậu hoa tuyệt đẹp kia, tạo ra bảy sắc cầu vồng, đã phá vỡ sự hoang phế bấy lâu bằng những gam màu lãng mạn và đã khiến Nhiên… mê mẩn?
Nhiên nhấc chiếc xe đạp lên vỉa hè, dựng sát hàng rào. Cái ổ khóa to đùng nằm chình ình kia như thông báo chủ nhà đi vắng. Cơ hội ngàn vàng đây rồi. Tha hồ… trộm hoa. Nhiên đã điểm mặt nhánh Tường Vi từ lúc nó tinh nghịch chồm qua rào, đưa “cánh tay xanh rì” ra ngoài. Mấy cái nụ be bé xinh xinh rung rinh như vẫy gọi. Mỗi ngày, chúng to ra một ít. Bây giờ, những cánh hoa tim tím, mỏng mảnh, rụt rè bung ra, khiến không gian choáng ngợp và những đóa Hoàng Anh nở la liệt vàng ươm trên vòm cổng chợt lúng túng bởi sự phô diễn màu sắc thường xuyên, dễ dãi của chính mình. Chúng hoài nghi do quá khoe khoang để trở nên tầm thường trước mắt người qua lại chăng? Nhiên ngập ngừng giây lâu. Đắn đo mãi. Nên trộm không ta? Thuở giờ Nhiên có vậy đâu. Đầu óc trong sáng đàng hoàng mà. Thậm chí, khi nhặt được cái bóp căng phồng tiền trên sân trường, Nhiên vẫn đem vào văn phòng nộp cho cô hiệu trưởng. Tại sao lại để mấy nhánh hoa Tường Vi làm vẩn đục chứ? Nhưng rồi Nhiên lại tự bào chữa rằng khi ông ngoại còn sống có lần bảo: “Trong các loại trộm thì trộm sách và trộm hoa là không đáng ghét, dễ tha thứ nhất!”. Ông còn bảo: “Tham sách ông tha thứ được”. Vì vậy, những người bạn đến nhà, thèm thuồng nhìn vào cái tủ sách đồ sộ của ông, họ lựa chọn, mượn về một quyển rồi làm bộ quên trả. Ngoại cũng làm bộ quên đòi. Nhưng ngoại ra nhà sách truy lùng tựa quyển đó rồi mua về, lắp vào chỗ trống. Ngoại bảo sách là một người bạn tốt. Nhưng vì sách, mất một người bạn thì không đúng. Thà mất… tiền mua lại quyển khác là thượng sách.
Còn trộm vài cái hoa, ông bảo hãy làm ngơ! Bởi, ai chẳng yêu cái đẹp.
Có mấy ai tránh được sự cám dỗ bởi vẻ mơn mởn xinh tươi của hoa. Nhất là những đóa hoa tỏa hương. Chúng làm cho không gian tràn ngập sự dịu dàng, tinh khiết. Chúng xoa dịu sự căng thẳng, bức bối của con người. Chính vì vậy, vườn hoa là một lối thoát của… stress. Cũng chính vì vậy, hôm nay Nhiên nhất định… trộm hoa. Nhiên nhón chân, thò tay kéo nhánh Tường Vi xuống rồi ngắt ngang, hí hửng đặt nó vào chiếc giỏ xe, cạnh cái cặp da.
- Úy trời! Hết nói nổi!
Nhiên giật thót người. Một gã mặt mày bậm trợn từ đâu phóng xe tới trước cổng. Hắn trợn mắt trắng dã:
- Sao ngắt hoa Tường Vi của tôi vậy hả, bé kia?
Nhiên hoảng vía, nhảy lên xe phóng đi, chụp cái nón lên đầu để… che mặt. Chợt chiếc kẹp tóc rơi xuống đường, làm mớ tóc dài xõa ra, phấp phới. Mặc kệ! Thoát thân cái đã!
Mấy ngày rồi Nhiên không dám đi ngang ngôi nhà trắng. Nghe đâu bà cụ ấy ngã bệnh nên có người cháu dọn về để chăm sóc bà. Nghe đâu hắn là một nhà văn, nhà thơ gì đó. Nhiên không tin. Mặt bậm trợn vậy sao là nhà thơ được chứ. Nhưng Nhiên công nhận trình độ thẩm mỹ của hắn. Từ cách chọn màu sơn lại ngôi nhà, rồi cách bày trí cái sân. Nhiên nhớ thiệt nhớ màu đỏ của hoa hồng. Nhớ màu xanh của dây trầu bà yểu điệu trèo lên tường, nhớ sắc vàng trên đóa lan Vanda lủng lẳng trên giàn, nhớ những chùm hoa Sử Quân Tử phơn phớt hồng cứ cúi xuống như tìm kiếm gì trên mặt đất. Nhớ cả những cái bông bụp màu cam rực rỡ, màu trắng tinh khôi… nhớ đủ thứ. Không thể điểm hết hoa trong sân nhà ấy. Nhiên giận bàn tay “đã nhúng chàm của mình” làm cho đôi chân phải quẹo qua đường khác. Con đường toàn những cửa hàng ăn uống, những cửa hiệu tạp hóa… ồn ào và đầy bụi. Đã vậy còn đánh mất cái kẹp tóc in hoa tuyệt đẹp. Nhiên đã phải nhịn ăn quà vặt mấy ngày để đổi lấy nó. Bây giờ, Nhiên lấy sợi dây thun cột tóc. Nhìn vừa nghèo vừa xấu. Tức ơi là tức! Hôm nay Nhiên nghĩ ra một tuyệt chiêu để đi lại con đường hoa lá. Nhiên đội nón, bịt khẩu trang kín mít. Có trời mới nhận ra. Dù vậy, khi ngang qua khoảnh sân bảy sắc cầu vồng, Nhiên bước nhanh và len lén nhìn vào. Trời Phật ơi! Cái gã bậm trợn hai tay chống hông, đứng dạng chân ngay cổng rào. Trông gã nhấp nhỏm như chờ ai. Nhiên phóng xe vù qua, trống ngực đập thồm thộp. Chưa bao giờ Nhiên thấy mình đạp xe nhanh vậy, kể cả khi chạy đua với mấy nhỏ bạn. Và cũng chưa bao giờ Nhiên mừng như lần nầy khi trông thấy cổng rào nhà mình. Vậy là thoát! Vừa kéo khẩu trang xuống vừa lầm bầm: “Sao bắt được nhỏ nầy, hihi…”.
- Được chứ sao không! Ha ha…
Giật nẩy mình, Nhiên tưởng như trời sập khi quay lại trông thấy hàm răng trắng ởn của gã bậm trợn nhe ra trước mắt. Gã đứng sau lưng Nhiên tự lúc nào. Chiếc xe đạp sườn ngang của gã công kênh hai cái túi đen sì hai bên tay cầm. Trông chẳng giống ai! Đang hoảng lắm nhưng Nhiên cũng làm bộ hung hăng, dù sao, nhà Nhiên đây rồi. Và bên trong nhà có… mẹ. Hắn dám… làm gì Nhiên chứ. Nghĩ vậy, Nhiên hất hàm:
- Ê, anh kia, được là được gì chứ…?
Gã cười cười:
- Thì được biết nhà kẻ… trộm hoa. Dù bịt mặt nhưng anh vẫn nhìn ra thôi, nhờ chiếc xe đạp của bé đó. Hihi…
Nhiên đỏ cả mặt mũi. Nếu độn thổ được, Nhiên cũng làm. Nhưng rồi Nhiên lấy lại bình tĩnh, phản công:
- Hứ, trộm gì mà trộm. ai biểu trồng hoa đẹp làm chi chứ. Không nghe người ta nói à “hoa đẹp cho người ta hái”. Còn để nhánh thò ra đường, cản trở lưu thông, nên… tui mới ngắt chứ bộ.
Hắn lại cười, giọng bỗng dịu dàng:
- Bé thích hoa đẹp lắm à?
- Hỏi nghe ngu dễ sợ! Không thích sao… trộm hoa.
Hắn bật cười:
- Muốn có hoa để ngắt mỗi ngày không?
Nhiên trố mắt kinh ngạc:
- Muốn, bộ anh cho tui tới nhà hái mỗi ngày hả?
Hắn lắc đầu, chỉ vào hai cái bịt nylông đen thui:
- Không, mà anh tặng bé mấy chậu hoa nè. Bé tập trồng rồi tha hồ ngắm hoặc ngắt nhe.
Anh ta nhấc hai cái bọc xuống, rồi hỏi:
- Bé có thể cho anh đem chúng vào sân không? Rồi anh chỉ cho cách trồng. Sẵn tiện anh tặng bé cây kẹp tóc khác. Còn cây kẹp kia… anh giữ làm kỷ niệm.
Nhiên bỗng thấy lòng rộn vui vì một điều gì rất lạ. Ở đâu ra một gã tốt vậy ta? Nhiên mở cổng để gã bậm trợn đem bảy sắc cầu vồng vào sân. Nhưng rồi Nhiên cũng cảm thấy nóng bừng mặt khi nghĩ có phải đây là một bài học dành cho kẻ trộm hoa!
Nguyễn Thị Mây
MỤC LỤC
Vài chi tiết về kỳ họp ngày 09.11.2019 ....... Vũ Thư Hữu . 01
Vài dòng về 1 siêu quý thư thật đẹp mới có Vũ Anh Tuấn . 05
Những suy nghĩ vẩn vơ (tập 2 - tt&hết) Lm. Giuse Ng.H.Triết . 07
Sâu một chút vào Thiền Quán ..................... Tâm Nguyện . 12
Một dịch giả nhiều tài năng nổ, mà lại kín tiếng Thúy Toàn 21
Thăm Hang Bethlehem & Hát “Đêm Thánh Vô Cùng”… Phạm Vũ 30
Quyết tâm cứu chồng của Bà Nguyễn Thị Tồn
& Thơ văn khóc vợ của Bùi Hữu Nghĩa Bùi Đẹp st. . 38
Âm dương (tt & hết) .............. Nguyễn Văn Sâm .. 42
Đọc lược sử Việt Nam của Trần Trọng Kim .... Phạm Hi ếu Nghĩa . 48
Tiếng Việt tuyệt vời ................ Lệ Ngọc st. .. 51
Gió mùa đông (thơ) ................... Đàm Lan . 55
Mừng đón Giáng Sinh (thơ) ............ Phạm Thị Minh-Hưng .. 56
Noel buồn (thơ) .................... Phạm Thị Minh-Hưng .. 57
Giờ ra chơi-Đam mê-Thiên đàng tím-Giáng Sinh (thơ) ...... Ngàn Phương .... 58
Đi tìm hạnh phúc (thơ) ................. Huỳnh Thiên Kim Bội .. 59
Đêm đông (thơ) .................... Hoài Ly .. 60
Chuyện thần thoại từ 2 bà cháu - Lời dặn dò của mẹ (thơ) ...... Nguyên Lê .. 61
Thở (thơ) ........................................................ Lê Nguyên .. 62
Huế ơi ! (thơ) ........................................ Vũ Thùy Hương . 63
Yêu nghề giáo - Thầy tôi (họa) (thơ) ............ Thanh Vĩnh .. 64
Lộc trời (thơ) ............................................ Thanh Châu .. 65
Đèn nhà láng giềng - Trăng thu ngắm cảnh (thơ) ... Lang Nguyên .. 66
Trái tim mùa đông - Đường trần (thơ) .............. Thanh Phong .. 67
Tâm đen (thơ) ............................................. Lê Minh Chử .. 68
Chuyện nay (thơ) ........................................... Quang Bỉnh .. 68
Già muộn - Chọn bạn (thơ) ............................ Quang Bỉnh .. 69
Đi trong đêm (thơ) ............................................ Lam Trần .. 70
Mừng thọ 90 tuổi - Chúc thọ bách niên tuần (thơ) ...... Phước Hải .. 72
Trong sương mù Cao Bằng (thơ) ........... Trần Nhuận Minh .. 73
In the mist of Cao Bằng (thơ) .............. Vũ Anh Tuấn dịch .. 74
Thầy, cô ........................................................... Lam Trần .. 75
Bệnh ung thư: thủ phạm là chính mình ..... Lê Ái Liên st. . .. 82
9 giai đoạn của người đọc sách .......... Hà Mạnh Đoàn st.. .. 85
Món quà Giáng Sinh ........................................... Hoài Ly .. 87
Liệu pháp hướng dẫn bệnh nhân
Nhớ lại kiếp trước (Past Life Therapy) ...... Hoàng Kim Thư st .. 9 3
Nhút nhát hay liều lĩnh ............................ Hoàng Chúc st. 102
Bài học đầu đời cho con ............................... Kim Sơn st. 104
Ch uyện lạ bốn phương .......................... Đỗ Thiên Thư st. 105
Luận bàn về quả tim
& Những cách ăn uống, xuống cân .......... NCT 111
Bài thuốc quý từ đu đủ ....................... Phùng Chí Tâm st. 116
Thượng Đế sáng tạo ......................... Đào Minh Diệu Xuân st . 120
Giới thiệu sách:
Việt Sử Thế Giới Sử Địa Lý Việt Nam . Hà Mạnh Đoàn 122
Tin tức, sự kiện ........................................... Tâm Nguyện. 124
Kẻ thù .............................................................. Đàm Lan 128
Kẻ trộm hoa .......................................... Nguyễn Thị Mây 132