MỘT SỐ CHI TIẾT VỀ CUỘC HỌP NGÀY 13/6/2020 CỦA CLB SÁCH XƯA VÀ NAY Hôm nay CLB có một người bạn mới, và người bạn mới này là anh Đinh Kim Long đã được dành cho mấy phút để tự giới thiệu với các thành viên. Sau đó, như thường lệ, dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên hai tân quý thư mà ông mới có. Cuốn đầu là một cuốn tự điển khá lạ mang tựa đề là “TỰ ĐIỂN TIẾNG ANH GỐC NƯỚC NGOÀI”. Là người rất thích tiếng Anh, dịch giả Vũ A nh Tuấn rất thích cuốn sách, vì nó giúp ông thỏa mãn mọi tò mò về nhiều từ lạ gốc nước khác mà ông gặp trong tiếng Anh mà ít khi tìm thấy được trong các loại tự điển thường. Cuốn sách khổ 15 x 20, dày 382 trang, được chia làm 3 phần. Phấn 1 gồm 221 trang là những “từ gốc nước ngoài, sắp theo A. B. C… Phần 2 gồm 15 trang là những “chữ viết tắt” cũng sắp theo bản chữ cái. Cuối cùng Phần 3 gồm 150 trang là “bảng tra cứu từ ngữ xếp theo các ngôn ngữ khác nhau” mà sau khi lướt qua, người viết thấy gốc La Tinh là nhiều nhất (23 trang), sau đó là gốc Pháp (10 trang), còn phần còn lại như Ý, Đức, Hy Lạp vv… thì mỗi nước được vài ba trang. Và ngay dưới đây là vài thì dụ về từ gốc: A/ Gốc Pháp các từ À bas có nghĩa là Down with trong tiếng Anh và Đả đảo trong tiếng Việt của chúng ta. B/ Gốc La Tinh các từ Ad litteram có nghĩa là Literally trong tiêng Anh và Theo nghĩa đen trong Tiếng Việt. C/Gốc Bồ Đào Nha các từ Feliz Natal có nghìa là Merry Christmas trong tiếng Anh và Giáng Sinh vui trong tiếng Việt. Xin đưa thêm một thí dụ về các chữ viết tắt: A.N.C. (ante navitatem Christi) có nghĩa là Before the birth of Christ trong tiếng Anh , tương đương với B.C. có nghĩa là Trước công nguyên trong tiếng Việt của chúng ta. Thật là một cuốn sách tuyệt vời cho một người yêu tiếng Anh, gần bằng yêu tiếng Mẹ Âu Cơ, như dịch giả Vũ Anh Tuấn! Cuốn thứ nhì được giới thiệu là một cuốn bằng tiếng Anh mang tựa đề là “GREAT SHORT STORIES OF THE MASTERS” có nghĩa là “CÁC TRUYỆN NGẮN CỦA CÁC BẬC THẦY”. Đây là một cuốn sách khổ 16 x 23, dày 583 trang, mà nội dung là 49 truyện ngắn của các nhà văn lớn của thế giới. Trong số 49 người, người viết biết khá rõ về 29 người như Balzac, Defoe, Dostoyevski, Flaubert, Gide, Goldsmith. Hawthorne, Hemingway, Hoffmann, Irving, Joyce, Kafka, Lagerlof, Lawrence, Lu Hsun, Maeterlinck, Mann, Melville, Poe, Proust, Pirandello, Pushkin, Sartre, Stevenson, Tagore, Tolstoi, Twain, Turgenef, và Woolf, tuy nhiên điều kỳ diệu là hắn ta chưa hề đọc một truyện ngắn nào của cả 29 người. Do đó có cuốn sách trong tay, người viết đã tự hứa sẽ dành thì giờ … đọc qua cho biết! Dịch giả Vủ Anh Tuấn giới thiệu hai quý thư xong, anh Nhung lên ngâm tặng các thành viên hai bài thơ. Tiếp lời anh Nhung, anh Dương Xuân Định cũng ngâm tặng các thành viên hai bài thơ anh làm nhiều năm trước. Anh Định ngâm thơ xong, anh Nguyễn Thái Sọn cũng lại lên ngâm tặng các thành viên bài thơ Trú Mưa anh làm hồi năm 82. Sau anh Nguyễn Thái Sơn anh Thanh Vĩnh lên nói về 3 ngày lễ trong các ngày 1, 5, và 6 tháng 6, rồi lại cũng ngâm tặng các thành viên những 3 bài thơ. Sau anh Thanh Vỉnh, chị Diệu cũng lại tặng thêm các thành viên bài thơ “Sài gòn vào Xuân”. Chị Diệu đọc thơ xong, Thùy Mai lên hát tặng các thành viên một bài hát về tình yêu. Thùy Mai hát xong, anh Phạm Vũ lên nói về đề tài “Cái chi sẽ đến… sẽ đến”. Sau anh Phạm Vũ, anh Chử tiếp tục ngâm tặng các thành viên thêm hai bài thơ. Anh Chử ngâm thơ xong, anh Đinh Kim Long lên và cũng đọc hai bài thơ một bài tặng anh Thanh Phong. Tiếp lời anh Long, anh Phùng Chí Tâm lên nói chuyện vui về một câu các cụ xưa nói, câu “Thông minh quá thì… tuyệt tự”. Anh Tâm nói xong, anh Thanh Phong lên đọc tặng các thành viên mấy bài thơ siêu tếu rất vui. Sau anh Thanh Phong, anh Quang Bỉnh lên đọc tặng các thành viên một bài thơ về Cô Vi và một bài thơ về đề tài Tiền. Anh Quang Bỉnh đọc thơ xong, Lệ Ngọc lên ca tặng các thành viên bài “Dòng đời”. Sau Lẽ Ngọc, Kim Sơn lên đọc tặng các thành viên bài thơ “Chuyến tàu hạnh phúc” và hát bài “Cho Con” của Phạm Trọng Cầu. Kim Sơn hát xong, Thùy Hương lại tặng tiếp các thành viên hai bài thơ “Trôi dạt” và “Huế”. Cuối cùng Thúy Mai lên dọc bài thơ về sức khỏe “Không nên ăn vào ban đêm” và kỳ họp siêu nhiều thơ kết thúc lúc 11 giờ 30 và mọi người vui vẻ ra về hẹn ngày tái ngộ. Vũ Thư Hữu
HÌNH ẢNH SINH HOẠT CLB SÁCH XƯA VÀ NAY VÀI LỜI VỀ TỦ SÁCH TRÊN 500 CUỐN CỦA THỀ KỶ THỨ 19 VÀ ĐẦU THẾ KỶ 20 ĐÃ Ở BÊN TÔI MẤY CHỤC NĂM NAY Vài chục năm trước, người viết đã gan lì bỏ ra một số tiền khá lớn để được sở hữu số quý thư này.Khi mua thì chỉ đếm tổng số chứ không phân loại thứ nào đi với thứ nào, và khi mua người viết không hề nghĩ tới giá trị thương mại của sách, đơn giản vì vào thời điểm đó, anh ta còn rất nhiều thời gian để chơi, để dọc, để học hỏi, để thưởng thức cái đẹp tuyệt mỹ của các minh họa trong sách. Tóm lại là để cùng sách sống chung một cuộc sống cực dẹp, cực đáng sống. Thế rồi, thoáng một cái, thời gian trôi qua như gió cuốn mây bay, mấy chục năm mà sách quý và người viết luôn ở bên nhau đã vèo trôi qua. Từ một thanh niên tuy người nhỏ bé nhưng khỏe mạnh cường tráng, người viết đã thành một lão niên đã “hết hai mươi tuổi lần thứ tư cộng năm”. Là người thích sách từ thời niên thiếu và là người quen biết cùa hầu hết các người chơi sách danh tiếng Sài thành cũ như Cụ Dương Tấn Tài, ông Khai Trí Nguyễn Hùng Trương, cụ Vương Hồng Sển, nhà Giáo Nguyễn Văn Y, nhà văn Lê Hương, nhà văn Trần Phong Giao vv… Người viết còn nhớ rất kỹ một kỷ niệm, một hôm người viết đi với một người Pháp làm việc ở Tòa Tồng Lãnh Sự Pháp ở Sài gòn cũ tới thăm ông cụ Sển, Người bạn Pháp gặp một cuốn sách mà anh ta thích và ngỏ ý xin ông cụ Sển nhường lại cho. Anh ta đã được cụ Sển trả lời bằng tiếng Pháp một câu mà người viết nhớ mãi. Cụ nói “Tôi coi những sách của tôi như những bà xã, người ta không bán những bà xã bao giờ” (Je considère mes livres comme mes femmes; on ne vend pas ses femmes). Câu trả lời khiến anh bạn Pháp chịu thua ra về. Ôi! thế mà sau này, sau khi cụ Sển mất, cứ vài ngày người viết lại được mời mua “một bà xã của cụ” với chữ S to đùng nơi trang lót. Tóm lại tủ sách của cụ đã thật sự tan tác, những nàng sách đã từng ở bên nhau trong nhiều năm, giờ đây tản mác mỗi nàng mỗi phương! Người viết thật sự yêu quý những quý thư của mình do đó anh ta không muốn chúng phải lâm vào hoàn cảnh đó. Và cũng vì vậy, khi thành lão niên, anh ta, vì không có người nối nghiệp chơi tiếp (mấy chục con cháu của anh ta, những người Mỹ “bất đắc dĩ” tuy rất thành đạt, nhưng lại chẳng có ai quan tâm tới sách) nên phải nghĩ tới chuyện tìm cho tủ sách của mình những người chơi tiếp biết trân quý sách như bản thân mình. Là người thông thạo ngoại ngữ, người viết đã liên lạc với nhiều nhà bán sách ở Pháp và được họ trao đổi rất thân thiện. Hồi năm ngoái, một cô bạn chủ một nhà sách Paris đã nhờ người viết tìm xem trong số sách của mình có bao nhiêu cuốn giá tiển (giá quốc tế) trên 30 Euros, và người viết đã chiều ý cô để ra trên 10 ngày để mới tìm được 226 cuốn thì đã thấy có rất nhiều cuốn trên 30 Euros nhiều, và ngoài ra còn có mấy cuốn tới 800. 900 Euros. Nhưng vừa làm tới đó thì lòng yêu nước lẩm cẩm của người viết bỗng sì tốp người viết lại và khiến anh ta tự hứa tìm cách giữ số quý thư này lại cho quê hương đã, nghĩa là tìm người chơi tiếp là người mình đã, sau này không thành công hãy tính bán cho ngoại nhân. Người viết vì chẳng quan trọng “thằng Tiền” bao nhiêu, và nhất là vì lười nên không chịu chịu khó tìm kiếm thêm các thể loại như “sách hiện đại do các danh họa minh họa” (livres modernes de peintres), sách do các minh họa gia nổi tiếng thế giới), sách có lời đề tặng, thủ bút, chữ ký, nhất là sách được tặng cho các người có tiếng tăm vv… và vv… vì chỉ cần tìm được một hai hai cuốn đó thì giá trị đã bằng cả núi tiền rồi… Người viết đã liên hệ với vài nhà xuất bản lớn vì muốn họ sử dụng được cả trăm cuốn sách đã thành của chung (tombés dans le domaine public) không còn dính dấp gì tới Công Ước Berne về bản quyền. Nhưng mọi cố gắng cho tới giờ này đều chưa đi đến đâu, và người viết đã tự hứa với mình lần chót là chỉ chờ nhiều nhất là tới cuối năm 2020 mà không giữ được cho người mình thì đành nhường cho ngoại nhân vậy. Nhưng, mới đây có một thân hữu giới thiệu một người bạn trong nghề xuất bản có thể đáp ứng nhu cầu của người viết, nên anh ta đã bỏ ra gần hai ngày để phân loại tồng cộng 523 cuốn sách trong tủ sách của mình loại nào vào loại ấy như sau: A) 67 cuốn khổ lớn trung bình là 17 x 25, trong đó có vài cuốn giá 8, 9 trăm Euros. B) 71 cuốn thế kỷ 19 của những năm 18.. C) 134 cuốn từ 90 tới 100 năm tuổi và D/ 251 còn lại đều có ít nhất là 70 tuổi đời. Người viết đã lẩm cẩm yêu nước nên mới hành động như vậy, còn việc ước mong giữ quý thư lại cho quê hương của anh ta có được thành sự thực hay không là còn tùy thuộc…vào Mẹ Âu Cơ ! Trích “Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI” Vũ Anh Tuấn LỊCH SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO (tiếp theo số 168) BÀI 6: THÁNH BÊNÊDICTÔ VÀ CÁC PHONG TRÀO TU TRÌ Hoàng đế CONSTANTINÔ băng hà năm 337. Chính ông đã mở ra một thời đại mới cho Giáo Hội. Khắp nơi trong Đế Quốc La Mã, từ Đại Tây Dương đến bờ sông Ơ-phrát, từ Bắc hải xuống Phi Châu, đâu đâu cũng đã ít nhiều in vết chân của người rao giảng Tin Mừng. Giáo Hội phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Đã có những bậc học giả uyên thâm như ÊUSÊBIÔ, CHRYSOSTÔMÔ, BASILIÔ, AUGUSTINÔ … vận dụng những kiến thức của mình để làm sáng tỏ những chân lý đức tin. Bên cạnh các bậc học giả ấy, nhiều Kitô hữu đã hy sinh cả mạng sống để tuyên xưng đức tin như Thánh BLANDINE ở Lyon bị thú dữ ăn thịt, Thánh DENIS ở Paris bị chém đầu… Ngoài ra còn có một hình thức tuyên xưng đức tin anh hùng hơn nữa, đó là đời sống tu trì. I. ĐỜI SỐNG TU TRÌ TRƯỚC THÁNH BENEDICTÔ Nói chung, trong bất cứ tôn giáo nào cũng có những con người lý tưởng, muốn sống hết kích thước những điều mình xác tín. Đó là những bậc tu trì. Bên Phật Giáo có các vị tăng ni, bên Lão Giáo có những kẻ tu tiên. Trong đạo Công Giáo, từ thời các Tông Đồ, đã có những thiếu nữ đồng trinh quyết tâm dâng hiến cuộc đời để lo rao giảng Tin Mừng, hay làm các việc từ thiện và công tác giáo dục như trường hợp bốn người con gái của Trợ Tá Philipphê, có ghi trong sách Công Vụ Tông Đồ (Cv 21,8). Cũng đã có những bà góa đạo đức giữ các chức vụ quan trọng trong những cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên (1Tm 5,39). Nhưng nổi bật nhất là phong trào tu trì xuất hiện bên Ai Cập, tại vùng Syria và vùng Tiểu Á trong thời kỳ Giáo Hội bị bách hại. Nơi đây, như một cách chống lại tinh thần thế tục và nếp sống xô bổ, nhiều Kitô hữu đã lánh mình vào nơi hoang vắng, để chuyên chăm cầu nguyện, sống đời khắc khổ. Người ta gọi họ là các nhà “khổ tu”, “biệt tu” hay “đan sĩ”. Bên Giáo Hội Đông Phương cũng có những bậc ẩn tu mà nổi tiếng nhất phải kể tới Thánh Phaolô Ẩn tu, Thánh Antôn Ẩn tu (250-350), Thánh Pacômiô và một “lý thuyết gia” về đời tu là Thanh Basiliô (329-379). Để mô tả phần nào nếp sống tu trì tại Đông Phương, ta có thể đơn cử trường hợp của Thánh Antôn Ẩn tu. Vị Thánh này xuất thân từ Ai Cập, trong một gia đình khá giả bên bờ sông Nil. Một ngày kia, Antôn nghe đọc đoạn Phúc Âm: “Nếu con muốn nên trọn lành, hãy về bán hết gia tài, phân phát cho kẻ nghèo khó rồi đến mà theo Ta” (Mc 10,21). Antôn đã làm theo lời Chúa dạy, ngài bán hết của cải, dành một phần cho người em gái, còn bao nhiêu ngài đem phân phát cho người nghèo, rồi đi vào sa mạc, sống trong một túp lều nhỏ. Nơi đây, ngài ăn chay hãm mình, chống lại mọi chước cám dỗ của ma quỷ. Nếp sống tĩnh lặng và khổ tu này đã thu hút được nhiều người. Theo chuyện kể, thì có lúc có tới 5.000 người kéo nhau vào sa mạc, dựng lều để sống ẩn tu như Thánh Antôn. Tuy nhiên, nếp sống tu hành theo Thánh Antôn có vẻ xa lạ với đời và nhắm phần rỗi cá nhân, không làm gương sáng cho ai mà cũng không nhắm tới phần rỗi của kẻ khác. Do đó mà vào khoảng năm 320, Thánh Pakômiô, xuất thân là một quân nhân, đã tập trung các tu sĩ, có kỷ luật chặt chẽ và có đời sống cộng đoàn. Luật của Thánh Pakômiô sau này được Thánh Basiliô tu chỉnh lại. Theo bản luật này, cộng đoàn tu sĩ là một đại gia đình và là một trường huấn luyện các nhân đức. Tại Tây Phương, phong trào tu trì xuất hiện muộn hơn, và chắc chắn đã chịu ảnh hưởng của nếp sống tu trì Đông Phương. Người ta thường nhắc tới các Thánh như Thánh Hilariô, Thánh Êusêbiô, Thánh Marcella và những Lý thuyết gia đầy kinh nghiệm về đời sống tu trì như Thánh Ambrosio (340-397) ở Ý, Thánh Augustinô (354-430) ở Phi Châu. Có lẽ cũng phải nói thêm là khác với các tu viện bên Đông Dương, các tu viện bên Tây Phương, ngoài việc tập luyện các nhân đức, người ta còn nhấn mạnh đến việc học hỏi Thánh Kinh và đào tạo các nhà giảng thuyết. II. THÁNH BÊNÊDICTÔ VÀ BẢN LUẬT CỦA NGÀI Thánh Bênêdictô sinh năm 480, tại Nursia, một vùng đất nằm ở phía bắc Rôma. Ngày còn là học sinh, Bênêdictô đã sớm nhận ra cái phi lý trong nếp sống xa hoa nơi chốn thị thành. Ngài đã tự ý lánh mình vào ẩn tu trong một hang đá trên dãy núi Subaxiô. Ở đây, ngài chuyên chăm cầu nguyện và tập tành các nhân đức. Những người khâm phục ngài mỗi ngày một đông. Họ đến theo ngài và được chia ra thành 12 nhóm, mỗi nhóm 12 người, làm thành 12 tu viện. năm 529, ngài lập một tu viện trên núi Cassinô, đến nay vẫn còn danh tiếng. Bênêdictô là con người thực tế, ngài đã thâu thập những điều hay nhất trong các bản Luật Dòng có sẵn như Luật Thánh Basiliô. Luật Thánh Augustinô và viết ra một bản Luật mới cho Dòng ngài. Theo Luật này, mỗi tu viện phải có một tu viện trưởng. Các tu sĩ sống theo một thời khóa biểu rõ ràng với hai công việc chính là cầu nguyện và lao động. Các giờ kinh và nhất là các Thánh Lễ được tổ chức long trọng. Các tu sĩ chuyên cần làm việc, không phải vì lợi ích vật chất nhưng là để hy sinh hãm mình và tránh sự nhàn rỗi vô bổ. Họ phải luôn luôn có mặt đông đủ trong giờ ăn, giờ ngủ và giờ làm việc như trong một đại gia đình. Điều mà Thánh Bênêdictô quan tâm đặc biệt là “việc tu tâm, sửa tính” (Conversio morum). Để có thể sửa mình, các tu sĩ cần có một nếp sống khắc khổ: kiêng thịt quanh năm, ngày ăn một bữa và đêm ngủ trên một tấm ván. Luật Dòng của Thánh Bênêdictô đã được các tu sĩ nghiêm túc tuân giữ từ ngày ấy cho đến ngày nay và đã gây ảnh hưởng lớn trong đời sống tu trì và ngay giữa xã hội. Điều này đã được Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 xác nhận trong một buổi nói chuyện vào ngày 17/10/1964, qua đó ngài ca ngợi con cái nam nữ của Thánh Bênêdictô đã làm cho bộ mặt của Âu Châu thay đổi. Gần đây, năm 1980, nhân kỷ niệm lần thứ 1500 ngày sinh của Thánh Bênêdictô, giới trí thức Âu Châu đã tặng cho ngài tước hiệu là “Người Cha của nền văn minh Tây Phương”. III. TA NGHĨ GÌ? Tự bản chất, đời sống tu trì là một cố gắng đi ngược lại tinh thần thế tục và nếp sống xô bồ. Đời sống tu trì luôn đi đôi với một nếp sống khắc khổ, xa cách với trần thế. Đời sống này đạt tới cao điểm từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 6. Đâu hết, các tu sĩ sống riêng lẻ nơi hoang vắng, sau đó sống thành cộng đoàn và có mặt ngay tại chốn phồn hoa. Nghĩ về đời tu, có người cho “tu là tù”, là giam hãm con người, không để con người phát triển tự nhiên. Nhìn từ bên ngoài, thì đời tu có vẻ đóng kín, có giới hạn trong giao tiếp, các tu sĩ sống đời khổ chế nhằm lấy tinh thần chế ngự thể xác và xem như chỉ chăm chú đến việc rỗi linh hồn của mình. Trong thực tế, các tu sĩ vẫn giao tiếp với người đời, nhưng luôn luôn có giới hạn. Nghĩ cho cùng, giao tiếp là tốt nhưng phải có mức độ thì giao tiếp đó mới có chiều sâu. Khổ chế quá độ là xấu, nhưng khổ chế có mức độ lại là điều tốt, giúp con người “chế ngự được nết xấu và nâng cao tâm hồn” (Kinh Tiền Tụng Mùa Chay). Cô đơn là một nỗi khổ đau nhưng khi người tu sĩ biết kết hợp với Chúa thì không còn cô đơn nữa! Có người suốt ngày nghĩ tới vật chất thì phải có người suốt ngày nghĩ tới các giá trị tinh thần. Đời sống tu trì và nhất là đời sống ẩn tu, quả là một đóa hoa hồng trong lịch sử Giáo Hội vào thế kỷ thứ 4. Cho dù có kẻ “nói ngã nói nghiêng”, đời sống tu trì sẽ mãi mãi tồn tại và ngát thơm trong vườn hoa Giáo Hội. Bài đọc thêm CÁC TU SĨ TRÊN THẾ GIỚI 1. NAM TU SĨ (Các số liệu đã cũ nhưng có thể cho ta một khái niệm về đời tu) Theo các bản thống kê của Tòa Thánh, thì vào năm 1984, trên khắp thế giới, có tất cả là 226 Dòng Nam thuộc quyền Giáo Hoàng. Con số các Tu Sĩ có lời khấn là 234.260 người (không kể các tập sinh), trong đó có 148.522 người là Linh mục hay Giám mục. Trong số này không kể các Tu Sĩ thuộc các Tu Hội đời và các Tu Sĩ thuộc quyền Đức Giám Mục địa phận. Tuy nhiên trong số các Dòng Nam thì những Dòng thuộc quyền Giáo Hoàng có đông Tu Sĩ hơn cả. Con số các Tu Sĩ của các Dòng Nam thuộc quyền Giáo Hoàng sút giảm từ nhiều năm qua. Từ năm 1979 đến năm 1984, con số các nam Tu Sĩ có lời khấn trên thế giới, đã giảm từ 223.896 xuống còn 209.629, trong số này các Tu Sĩ không Linh mục giảm nhanh hơn các Tu Sĩ Linh mục. Vào năm 1984, số Tập Sinh là 9.659 người, trong đó có 7.574 muốn học tập để làm Linh Mục. Cũng phải nói thêm rằng từ năm 1979 đến năm 1984, số tập sinh đã tăng từ 7.997 người lên 9.659 người, và như thế là tăng 8,2%. Nói chung thì số các ứng sinh xin gia nhập các Dòng Nam đã nhích lên rõ rệt, đặc biệt là số các ứng sinh học tập để làm Linh Mục. 2. NỮ TU SĨ Theo các bản thống kê của Tòa Thánh năm 1984 thì trên thế giới có 926.335 Nữ Tu có lời khấn đang hoạt động tông đồ. So với 5 năm về trước, con số này đã giảm đi 5%. Con số các Nữ Tu có lời khấn thuộc quyền Giáo Hoàng, vào năm 1984, là 717.126 người. Ngoài ra, còn phải kể thêm số các Nữ Thỉnh Sinh (5.329) và các Nữ Tập Sinh (18.285). Con số các Tập Sinh Dòng Nữ, thuộc quyền Giáo Hoàng, đã tăng hẳn lên, kể từ năm 1979 đến năm 1984. (Theo, tr. 1052, 1053) (còn tiếp) Bosco Nguyễn Văn Đình, Ofm Giuse Nguyễn Hữu Triết Nếu phải chung sống với Covid: Ngàn năm Che mặt - “Ngàn năm Mây bay” Giễu nhại trong truyền thông: Mong manh nghệ thuật - chuyện đùa Những tuần qua, thỉnh thoảng chúng ta nghe một bài hát cũ được đặt lời mới, bài thơ nổi tiếng được sửa từ ngữ nhằm truyền thông phòng, chống dịch Covid-19… Hình thức sáng tạo ấy là nghệ thuật giễu nhại. Đó là cách “chế” lại tác phẩm gốc để tạo ra hiệu quả nghệ thuật khác trong những bối cảnh diễn xướng, trình bày nhất định. Ngàn năm che mặt Qua hàng ngàn năm sống của loài người, chiếc mặt nạ đã bao lần đổi thay ý nghĩa, diện mạo, công năng... Nó đang trở thành một phụ kiện thời trang và rất có thể sẽ là một phần bắt buộc của trang phục thường ngày nếu kể từ đây, loài người phải chung sống vĩnh viễn với virus corona. Được sử dụng từ thời kỳ đồ đá, chiếc mặt nạ qua hàng thiên niên kỷ phát triển của nhân loại đã có những sự thay đổi công dụng bất ngờ. Từ chỗ là những vật được sử dụng cho những nghi lễ thờ tế từ thời đồ đá, những chiếc mặt nạ sau hàng ngàn năm lại trở thành đạo cụ trong các vở kịch, rồi trở thành một phần của các phục trang lễ hội. Khoảng 400 năm trước, mặt nạ bắt đầu có một công dụng mới: bảo vệ con người trước các nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch. Những chiếc mặt nạ đầu tiên Năm 1983, trong cuộc khai quật khu khảo cổ Nahal Hemar ở phía nam sa mạc Judean của Israel, các nhà khoa học tìm thấy trong một hang từng chứa hàng ngàn món đồ phục vụ việc cúng tế có những giỏ đan bằng thừng, hạt chuỗi bằng gỗ, vỏ sò, dao đá, sọ người trang trí bằng nhựa cây. Họ còn tìm được những mảnh vỡ của hai chiếc mặt nạ có dính ở mặt trong cả tóc của người đeo. Các phân tích khoáng chất xác định những chiếc mặt nạ này có tuổi lên đến 9.000 năm, là mặt nạ cổ nhất thế giới được tìm thấy. Một số mặt nạ có sự tương đồng về độ nhô của gò má, hõm thái dương, hốc mắt với các sọ người cũng tìm thấy trong hang, cho thấy mặt nạ đá mô phỏng gương mặt người quá cố và được dùng cho các buổi lễ thờ người chết. Có 15 mặt nạ đá nặng 1-2kg đã được thu thập suốt nhiều năm ở khu vực sa mạc Judean. Về công dụng của những chiếc mặt nạ thời tiền sử này, Debby Hershman, người từng tham gia cuộc khai quật Nahal Hemar và dành mười năm thực hiện nghiên cứu toàn diện đầu tiên về 15 mặt nạ đá, lý giải khi chuyển từ săn bắn hái lượm sang trồng trọt chăn nuôi, con người - khi đó chưa có chữ viết - đã khẳng định quyền sở hữu đất đai từ việc thừa hưởng của cha ông bằng các nghi lễ thờ người quá cố và tái hiện hình ảnh tổ tiên. Nhưng đó có thể không phải là những chiếc mặt nạ đầu tiên của nhân loại. Có thể trước đó hàng ngàn năm, con người đã biết làm mặt nạ bằng vỏ cây, gỗ, da và những vật liệu này không thể tồn tại được lâu để các nhà khảo cổ khai quật. Điều ngạc nhiên là những chiếc mặt nạ tương tự mặt nạ đá Israel ngày nay vẫn đang được các cộng đồng dân cư bản địa ở châu Đại Dương và châu Phi sử dụng trong các lễ thờ tổ tiên. Mặt nạ từ lễ tế đến lễ hội Ở các nghi lễ tôn giáo của Ai Cập cổ đại, quan tư tế thường đeo mặt nạ đầu thú hay đầu của các vị thần. Phổ biến nhất là mặt nạ thần chết Anubis hình đầu chó thường xuất hiện trong các tang lễ và được vẽ trên nhiều vách hầm mộ. Mặt nạ hình mặt người chỉ được dùng để phủ lên xác ướp với mục đích giúp linh hồn nhận ra cơ thể mình để nhập vào và sống lại. Mặt nạ xác ướp thường dân được làm bằng xơ papyrus hay vải lanh ngâm hắc ín, mặt nạ xác ướp hoàng gia được làm bằng vàng hay đồng mạ vàng, nổi tiếng nhất là mặt nạ của vị pharaoh chết trẻ Tutankhamun nay được trưng bày ở Bảo tàng Quốc gia Ai Cập tại Cairo. Người Hi Lạp cổ đại dùng mặt nạ để diễn kịch. Có thể vì làm bằng vật liệu không bền, những chiếc mặt nạ kịch nghệ đầu tiên không thể tồn tại đến nay. Nhưng bằng chứng về chúng được ghi lại trên chiếc bình gốm Pronomos nổi tiếng có niên đại 400 năm trước Công nguyên, mô tả toàn cảnh sinh hoạt trong nhà hát và có cảnh các diễn viên cầm trên tay các mặt nạ. Một chiếc mặt nạ kịch nghệ có niên đại thế kỷ 4-5 tr. CN được tìm thấy ở Hi Lạp cho thấy sau phần miệng rộng có một loa đồng giúp phóng đại tiếng của diễn viên. Thế kỷ 16-18 ở châu Âu phổ biến hài kịch Commedia dell'arte của Ý sử dụng mặt nạ để thể hiện tính cách nhân vật. Loại hình này để lại một “di sản” tồn tại đến ngày nay chính là gương mặt nhiều màu sắc của các anh hề rạp xiếc, có khi là một mặt nạ, có khi là hình vẽ trực tiếp lên mặt. Mặt nạ kịch nghệ vẫn được dùng trong kịch Noh của Nhật Bản, và một biến thể khác của mặt nạ kịch nghệ là những khuôn mặt nhiều màu sắc được vẽ bằng màu trực tiếp lên da trong nghệ thuật hát bội của Việt Nam hay kinh kịch của Trung Quốc. Từ năm 1168, lễ hội Carnival được tổ chức ở Venice để ăn mừng chiến thắng của Cộng hòa Venice trước sự bành trướng của giáo trưởng Ulrich II of Aquileia đến từ một vùng nay thuộc miền bắc nước Ý. Mặt nạ trong lễ hội này được dùng không phải để che giấu danh tính, mà để che giấu tầng lớp, khiến cho mọi người dù quý tộc hay dân thường đều trở nên bình đẳng với nhau để tận hưởng không khí vui tươi. Đến nay, lễ hội hóa trang này đã được tổ chức ở khắp nơi trên thế giới. Mặt nạ chống nhiễm khuẩn Song song với việc được sử dụng trong các loại hình nghệ thuật biểu diễn từ nhạc kịch, hài kịch đến ballet với nhiều dạng từ che nguyên mặt đến trùm kín đầu, rồi có khi chỉ che nửa mặt trên, chiếc mặt nạ từ thế kỷ 17 có thêm một chức năng mới: che chắn, bảo vệ con người trước những nguồn truyền nhiễm. Hình dáng đáng sợ nhất có lẽ là mặt nạ mỏ quạ được các bác sĩ sử dụng trong đợt bùng phát dịch hạch ở châu Âu hồi thế kỷ 17 (ảnh dưới). Bên trên bộ trang phục chống dịch bằng vải phủ dài đến chân là một chiếc mặt nạ có hình dạng mũ da trùm kín đầu và mặt, phần mắt được khoét lỗ và gắn thủy tinh để nhìn được ra ngoài, phần mũi miệng gắn mỏ dài và nhọn chứa nước hoa hay hương liệu để át mùi hôi thối và ngăn chặn việc truyền nhiễm qua đường không khí. Năm 1878, trong các bài viết đăng trên tạp chí Hospital Gazette và tạp chí Scientific American, bác sĩ A. J. Jessup ở New York đã đề xuất việc dùng mặt nạ cotton để hạn chế lây nhiễm dịch tả. Ông viết: “Một tấm lọc cotton được làm đúng cách và được đeo để che miệng và mũi hẳn sẽ ngăn chặn các loại vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm tồn tại trong không khí”. Bác sĩ Jessup dẫn ra các thí nghiệm ông đã thực hiện, nhưng ý tưởng của ông không được chú ý. Khi một trận dịch hạch thể phổi tấn công Mãn Châu năm 1910, triều đình Mãn Thanh đã bổ nhiệm bác sĩ Ngũ Liên Đức (Wu Lien-Teh, hay Goh Lean Tuck), trí thức Malaysia gốc Hoa được đào tạo ở Đại học Cambridge, phụ trách việc chống dịch. Bác sĩ Liên Đức - người sau này được đề cử giải Nobel y sinh (năm 1935) - đã tạo ra loại mặt nạ ngăn chặn lây bệnh qua không khí bằng cách dùng gạc lưới y tế loại lớn quấn ngang mặt, chèn bông dày ở phía trước mặt, buộc lại sau đầu. Đó là phiên bản đầu tiên của chiếc mặt nạ che nửa dưới khuôn mặt dùng trong y tế ở châu Á, được người Trung Quốc gọi là
khẩu trang. 100 năm phát triển
của khẩu trang Đến trận dịch cúm Tây Ban Nha 1918, mặt nạ che nửa mặt dưới hay khẩu trang đã được nhân viên y tế ở Mỹ đeo thường xuyên. Ở California, người ta có khẩu hiệu “Wear a mask or go to Jail” (Đeo khẩu trang hay vào tù). Ở Seattle, tất cả những người đi tàu điện đều phải đeo khẩu trang. Đến năm 1920, khẩu trang đã trở thành tiêu chuẩn của phòng mổ và 100 năm sau đó, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm nhiều thiết kế khẩu trang với nhiều vật liệu khác nhau. Ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn đã dẫn đến sự xuất hiện của khẩu trang chống bụi, lọc khí. Ấn Độ và Trung Quốc và các quốc gia đang phát triển là nơi các loại khẩu trang này được sử dụng phổ biến. Khi khẩu trang trở thành một thứ được đeo hằng ngày, các nhà thiết kế Trung Quốc biến nó thành một món phụ kiện thời trang. Trong bộ sưu tập thu đông 2015 của nhà thiết kế Masha Ma hay bộ sưu tập Heaven Gaia được Xiong Ying giới thiệu tại Tuần lễ thời trang Paris 2019, khẩu trang được thiết kế với hoa văn và màu sắc đi theo từng bộ trang phục. Sau gần nửa năm virus corona càn quét khắp thế giới, khẩu trang đang được hàng tỉ người sử dụng. Các nhà thiết kế châu Phi đã bắt đầu thiết kế các phụ kiện che mặt bằng chất liệu da tương đồng với túi xách hay bằng vải tương đồng với áo quần. Sophie Zinga, nhà thiết kế nổi tiếng của Senegal, dự đoán: “Tôi tin là trong hai năm tới, chúng ta sẽ phải thích nghi với việc chung sống cùng virus và các nhà thiết kế thời trang sẽ tích hợp khẩu trang vào từng bộ trang phục thành những chiếc mặt nạ thời trang”. Một trong những chiếc khẩu trang duyên dáng nhất thế giới có lẽ là những sản phẩm được nhà thiết kế Đỗ Quyên Hoa sản xuất ở một làng nghề phía Bắc Việt Nam, với chất liệu vải cotton ba lớp có thể cản được các giọt bắn, được trang trí bằng hoa văn thêu tay tinh tế và những màu sắc lộng lẫy huyền hoặc. MH (Tổng hợp từ National Geographic, Bloomberg, AP, Britannica..). Khẩu trang không che được Nụ cười Có cần cười nữa không khi ai cũng đeo khẩu trang ? Cười là một cách giao tiếp với nhiều mục đích, chứ không chỉ bày tỏ niềm vui. Vậy có cần cười nữa không khi không ai có thể thấy chúng bởi lớp khẩu trang? Khi chiếc khẩu trang trở thành vật không thể thiếu, người ta mới nhận ra tầm quan trọng của việc… thấy miệng người đối diện. Biên tập viên Belinda Luscombe của tờ Time hôm 1-6 còn bàn về chuyện “ta mất gì khi nụ cười ẩn sau khẩu trang?”, rằng giờ đây ngay cả chuyện tưởng như bình thường là mỉm cười khi bước sang một bên, nhường ai đó đi trước, cũng trở nên bất khả. Đây là lúc để ý đến tầm quan trọng về sự chuyển động của các cơ gò má, tức việc cười. Theo Luscombe, con người biết cười từ khi mới 42 ngày tuổi và sẽ còn thực hành biểu cảm gương mặt này đến hết đời. “Và rồi đột nhiên tất cả những kỹ năng, những miệt mài tập luyện cười của ta trở nên vô nghĩa - Luscombe viết - Chúng ta đánh mất hình thức giao tiếp ưa thích vào thời điểm mà ta cần nhiều cách để giao tiếp hơn bao giờ hết”. Paula Niedenthal, nhà tâm lý học và chuyên gia nghiên cứu biểu cảm gương mặt thuộc Đại học Wisconsin - Madison, phân loại việc cười thành ba dạng: cười vui sướng (khi ngạc nhiên hay được quà), cười thân ái (chí ít là để không “tỏ ra nguy hiểm” theo nghĩa đen) và cười áp đảo (chứng tỏ ta hơn người). Nghiên cứu của Niedenthal cho thấy sẽ khó phân biệt được cười thân ái và cười áp đảo nếu không thấy nửa dưới gương mặt của người cười. Chẳng hạn một người dắt chó đi dạo thì chó sủa trước người lạ, bèn cười. Nếu người đó đeo khẩu trang, ta sẽ không biết họ cười khiêu khích (sợ cún ta chưa) hay cười cầu hòa (xin lỗi vì con vật ngớ ngẩn của tôi). Luscombe lo ngại rằng giao tiếp mà không cho người đối diện thấy ta đang cười giống như trò chuyện qua tin nhắn, rất dễ hiểu lầm. Ta mất đi phương tiện để nhận biết mình đang nói chơi hay nói thiệt, đùa giỡn hay nghiêm túc. Thật may là theo các chuyên gia ngôn ngữ hình thể, vẫn có cách nhận biết nụ cười trong thời khẩu trang. Người ta vẫn hay mô tả ai đó có “con mắt biết cười”. Đó không phải là văn mẫu, mà đã được nhiều nghiên cứu chứng minh. Theo Janine Driver - nhà sáng lập và chủ tịch Viện Ngôn ngữ hình thể ở thủ đô Washington, D.C., dù không thấy miệng người đối diện nhưng ta vẫn biết được nhiều điều thông qua đôi mắt và chân mày của họ. “Khi thật sự vui, ta sẽ thấy được qua nếp nhăn bên mắt” - Driver nói với Đài Today. Nhà tâm lý học Paul Ekman cũng cho rằng “nụ cười vui sướng thực thụ” sẽ thể hiện qua vết chân chim và mắt nheo lại. Các dấu hiệu này không xuất hiện khi ta cười giả bộ. “Khi em bé cười, ta vẫn nhận ra ngay cả khi bé ngậm núm vú giả bởi đôi mắt nói lên tất cả” - Driver nói. Không chỉ thấy nụ cười xuyên qua lớp khẩu trang, mà ta còn “nghe” được khi ai đó nhoẻn miệng . Theo Ursula Hess - chuyên gia nghiên cứu cảm xúc Đại học Humboldt (Đức), khuôn miệng thay đổi khi cười sẽ làm giọng nói nghe tươi sáng hơn, trong khi gương mặt ngầu sẽ phát ra âm thanh đục hơn. Nếu đã biết rằng ta không chỉ thấy mà còn nghe được nụ cười giấu dưới khẩu trang, Driver khuyên rằng trong thời ai cũng ninja kín mặt nhìn vô cùng hình sự, hãy cứ vẫn cười vì chắc chắn người đối diện sẽ biết. Ngoài ra, theo Driver, “tiếp xúc bằng mắt với người khác trong thế giới mới điên rồ này cũng đủ sức làm thay đổi mọi thứ”. Điều này đồng nghĩa với một lời khuyên quan trọng khác: đã che kín nửa gương mặt rồi thì chớ nên đeo kính râm mà giao tiếp. Lúc này có toe toét cười thì cũng không ai đoán biết nổi. “Khi tôi không thấy mắt anh, tôi không diễn giải được cảm xúc của anh và cảm thấy không chắc chắn, từ đó dẫn đến việc tôi không tin anh và cảm thấy không thoải mái khi ở cùng anh” - Driver giải thích ( TRÚC ANH-TTCT)
1. Khi các vị thần Ấn Độ cũng đeo khẩu trang Nhiều nghệ sĩ dân gian Ấn Độ đã phát hành một loạt tranh mang thông điệp về sự giãn cách xã hội, và giữ vệ sinh, để ngăn Covid-19 lây lan. 2. Cách đeo khẩu trang không tháo vẫn ăn được bánh Cô gái đeo chiếc khẩu trang xẻ đôi, cầm chiếc bánh ngồi ăn trong quán khiến nhiều người xem không nhịn được cười.
3. Cảnh sát Ấn Độ đội nón Cô-Vít dọa dân ở nhà tránh dịch Đó là kiểu nón bảo hiểm vừa được xài thử ở Chennai, Ấn Độ, để những người dám léng phéng ra đường giữa lệnh phong toả toàn quốc phải hết hồn, khi nhận ra… “virus đang tiến về phía họ”! 4.Khi “Cô gái đeo bông tai”… đeo khẩu trang phòng dịch Trong những tác phẩm mỹ thuật nổi tiếng được nhiều hoạ sĩ biếm quốc tế “triệu hồi” để tạo nụ cười ý nhị, cùng ý thức phòng chống dịch Covid-19, có bức tranh “Cô gái đeo bông tai ngọc trai”, còn được gọi là “Nàng Mona Lisa Bắc Âu”.
TỪ KẾT Ngàn năm Mây bay : Những áng mây tuyệt đẹp và kỳ ảo ở Lào Cai Chiều ngày 8/11/2017, người dân thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) bất ngờ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ ảo của bầu trời đầy mây trắng với hình khối khác lạ. Mấy ngày trước, do ảnh hưởng của không khí lạnh tràn về nên bầu trời Lào Cai u ám mây đen. Ngày 8/11, khi nắng ấm bừng lên, những áng mây tuyệt đẹp bất ngờ xuất hiện đã khiến nhiều người vô cùng thích thú. Một vài hình ảnh mây tuyệt đẹp xuất hiện ở Lào Cai chiều ngày 8/11: Mây và con người Mây đi liền với khí hậu nên khi xem tin thời tiết trưóc khi đi ra khỏi nhà, các bản tin khí tượng có đề cập đến nhiệt độ, áp suất không khí và mây. Nói về mây, ta có mây vàng, mây trắng, mây xám, mây đen v.v. Trong điện toán có thuật ngữ điện toán đám mây. Nhà thơ cũng đề cập nhiều đến mây: Làm thi sĩ nghĩa là ru với gió Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây (Xuân Diệu) Hàn Mặc Tử có câu thơ: “ Gió theo lối gió, mây đường mây”. Nhiều nhạc sĩ cũng dùng mây làm đối tượng bài hát nên ta bắt gặp đó đây Chiều tím, Chiều vàng v.v. Chiều tím chiều nhớ thương ai, người em tóc dài Sầu trên phím đàn, tình vương không gian, Truyện Kiều: Khi còn hi vọng, cụ Nguyễn Du cũng dùng chữ mây vì sau cơn mưa, trời lại sáng: Trời còn để có hôm nay, Tan sương đầu ngỏ, vén mây giữa trời (Phó TT Mỹ Biden đã lẩy Kiều - 2015) Ngàn Năm Mây Bay Nếu tình huống phải “Ngàn năm Che mặt” xảy ra thì ta cứ tự an ủi là Khẩu trang của ta đẹp tương tự màu sắc tuyệt đẹp của những áng Mây, nên ta đành ngậm ngùi, bâng khuâng hát ca khúc Ngàn Năm Mây Bay - bài hát ấy "là nỗi buồn thật đẹp, thật nhẹ nhàng, thật mênh mang như bức tranh thủy mặc, một ca khúc lãng mạn” mà Nhạc sĩ Nguyễn Hiền viết đặc biệt cho phim do Đạo diễn Hoàng Anh Tuấn thực hiện năm 1963, phỏng theo tác phẩm nổi tiếng cùng tên của nhà văn Văn Quang (hiện sống ở Saigon). Nguyễn Hiền sinh năm 1927 tại Hà Nội . Bắt đầu học nhạc từ năm 1935, ông sử dụng thành thạo: dương cầm , vĩ cầm , phong cầm . Năm1954 ông di cư vào Nam, năm 1988 ông và gia đình định cư tại Hoa Kỳ theo diện ODP . Ông qua đời vào ngày 23/12/2005 tại California. Tác phẩm nổi tiếng của ông là “Hoa bướm ngày xưa” và “Anh cho em mùa xuân” (thơ Kim Tuấn). Theo ca sĩ Quỳnh Giao cho biết thì nhạc sĩ Nguyễn Hiền là người rất giỏi ngoại ngữ. Ông thông tạo cả 2 tiếng Anh, Pháp, đã dịch ca khúc Thiên Thai bất hủ của nhạc sĩ Văn Cao ra tiếng Anh ( sau 1975, Văn Cao đã vào Saigon gặp gỡ và cảm ơn ông). Nguyễn Hiền cũng có trí nhớ phi thường. Ca khúc: Ngàn Năm Mây Bay - Nguyễn Hiền Chiều tím không gian mênh mang niềm nhớ Dư âm năm xưa còn đó, đâu tìm người hẹn hò? Nhìn áng mây trôi đem bao ngày tháng Tâm tư buồn lúc Thu sang, mà tiếc nuối dĩ vãng Nhớ khi ta quen nhau trong chiều vắng Êm êm câu ca trầm lắng, cung đàn lòng nhịp nhàng Mộng ước mai sau bên khung trời sáng Đôi tim hòa khúc yêu đương, đời là vạn niềm thương Cầm tay nhau ngậm ngùi sao không nói ? Đếm sao rơi mà e lúc chia phôi Gió trút mãi lá vàng bóng hiên ngoài Để lòng nghe xa vắng trong đêm dài Nhớ nhau khi mây vương vương mầu tím Dư âm câu ca trìu mến, mang một lời thề nguyền Ngàn kiếp mây bay không phai niềm nhớ Thu sang lòng thấy bơ vơ, giờ chỉ còn mộng mơ Phạm Vũ (Tham khảo: Sách báo – Internet)
HIỂU và HÀNH ĐẠO PHẬT Theo đúng CHÁNH PHÁP Trong bất cứ lãnh vực nào, người có thể hoàn thành một cách tốt nhất là người hiểu rõ về điều mình cần Làm, phải Làm như thế nào ? Làm tới chừng nào ? Trong Đạo Phật cũng không khác. Người muốn Hành đúng thì phải Hiểu Đúng, Hiểu rõ. Vì cũng Tin Đạo Phật, nhưng đúng theo Chánh Pháp, và cũng là TIN Đạo Phật, nhưng lại rơi vào Tà Pháp. Trong bài trước, tôi đã phân tích thế nào là TIN ĐÚNG về Đạo Phật. Có TIN ĐÚNG thì mới theo lời chư vị Giác Ngộ đi trước dặn dò, tìm cách để HIỂU Đạo Phật dạy những gì ? cần Hành những pháp nào ? Hành như thế nào ? thì mới mong đạt kết quả. ThẬt vậy. Nếu chúng ta thay vì TIN rằng Đạo Phật là CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN GIẢI THOÁT, bất cứ người nào chấp nhận rồi tìm cách để Hiểu cho đúng, rồi Hành theo Cái Hiểu đó đều đạt kết quả Giải Thoát, thì chúng ta lại TIN rằng Phật là Thần Linh, “có quyền , cứu khổ, ban vui, cứu độ Tam Thiên Đại thiên thế giới” rồi tôn thờ để cầu xin được độ, thì đó là chúng ta đã HIỂU sai về Phật. Mà đã TIN SAI, HIỂU SAI, đương nhiên làm sao HÀNH đúng để cho ra kết quả đúng ? Để có được cái TIN, HIỂU đúng thì buộc người tu Phật phải Quán Sát, Tư Duy tất cả những điều được nghe, hay đọc được về Đạo Phật, bởi Đạo Phật được mở ra đã gần 3.000 năm rồi. Thời gian quá dài đó có biết bao nhiêu người tu hành, hiểu nhiều hay ít, đúng hay sai đều có quyền giảng, viết, có quyền in thành sách, viết thành những bộ tài liệu để phổ biến theo sự hiểu biết của mình. Chính do những người lẽ ra không được phép phổ biến Đạo Phật, không nằm trong hệ thống Truyền Thừa, chưa Chứng Đắc, Thấy Tánh, mà lại làm công việc giảng Pháp, đã làm cho Đạo Phật chân chính trở thành tam sao thất bản, đưa đến việc thay vì Tu Phật là để Thành Phật thì biến việc Tu Phật trở thành hy sinh cuộc đời để phụng sự cho Phật, và lôi kéo nhiều người Thờ Phật như hiện nay. Muốn hiểu đúng về Đạo Phật thì buộc người sau như chúng ta phải trở về nguồn gốc Đạo Phật. Qua sử liệu thì chúng ta thấy. Thời Phật tại thế chỉ có một nhóm Đại đệ tử duy nhất, nhưng sau khi Phật nhập diệt khoảng chứng 100 năm thì các Đệ Tử đã tách ra thành hai nhóm gọi là ĐẠI THỪA và TIỂU THỪA. TIỂU THỪA về sau đổi thành PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY. Hàng con cháu của Lục Tổ Huệ Năng không còn tu theo truyền thống nữa, mà lập ra Ngũ Phái Thiền : LÂM TẾ, TÀO ĐỘNG, QUI NGƯỠNG, VÂN MÔN và PHÁP NHÃN dạy tu theo cách của Pháp Môn mình. Chưa kể về sau các Thiền Sư mạnh ai nấyđào tạo Đệ Tử. Ngài VÔ MÔN trong VÔ MÔN QUAN đã cho rằng người theo Thiền Tông khi Chứng ngộ còn cao hơn cả Phật. Ngài Nguyệt Khê sáng chế ra Tuyệt Đối Luận rồi chê ngược lại là Thích Ca còn chưa luận tới ! Người tu Phật không nên để mặc cho người thầy dạy thế nào thì tin thế ấy mà tự mình cần tìm để có cái hiểu Đạo như Phật đã dạy là “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Việc tự tìm hiểu mới đúng với tinh thần VĂN-TƯ-TU mà người tu Phật cần phải làm, bởi vì có Tư Duy mới sinh ra Trí Huệ. Kinh Bát Nhã khẳng định : “Tam thế Chư Phật y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố, đắc Tam Miệu Tam Bồ Đề”. Có nghĩa là Phật quá khứ, Phật hiện tại và Phật vị lai đều nương Trí Huệ mà đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Trong Đạo Phật không phải cứ vào tu học đôi ba năm, thuộc một số pháp, qua vài lớp đào tạo là được quyền Giảng Pháp. Nghiên cứu tiến trình của Đạo Phật chúng ta sẽ thấy Đạo Phật có đường truyền chính thức qua việc Truyền Y Bát như sau: Sau mấy mươi năm giảng dạy, Đức Thích Ca thấy mình đã già yếu nên muốn chọn người để thay thế trước khi ra đi. Có một lần, giữa đại chúng, Ngài cầm Cành Sen đưa lên, trong khi đại chúng còn ngơ ngác không hiểu ý Phật muốn nói gì thì Ngài Ca Diếp mìm cười. Qua nụ cười đó, Đức Thích Ca biết rằng Ngài Ca Diếp đã nắm rõ Giáo pháp của mình nên giữa đại chúng tuyên bố giao lại cho Ca Diếp thay ngài để cằm nắm Tăng Chúng cũng như giữ gìn và phổ biến Giáo Pháp của mình. Việc giao lại quyền thay Phật để lãnh đạo Tăng Chúng và chịu trách nhiệm phổ biến Giáo Pháp được gọi là Truyền Y Bát. Việc này được dặn dò cứ thế tiếp tục để cho Chánh Pháp không dứt diệt. Việc Truyền Y Bát được bắt đầu từ Đức Ca Diếp truyền lần xuống, cho đến Tổ Đạt Ma là Tổ thứ 27 đều là người Ấn Độ. Sử 33 Vị Tổ viết : Tổ Đạt Ma thấy căn khí Đại Thừa bên Trung Quốc vượng, nên đi thuyền mất ba năm, qua đó truyền tiếp được cho 5 Vị Tổ người Trung Quốc mà Lục Tổ Huệ Năng là Tổ cuối cùng. Nhưng theo thứ tự tính từ Đức Ca Diếp thì Lục Tổ Huệ Năng là Tổ Thứ 33. Thời Phật Thích Ca tại thế thì chưa có chữ viết. Sau khi Phật nhập diệt khoảng 200 năm mới bắt đầu có chữ viết. Lúc đó các Đệ Tử Phật duới sự chỉ đạo của Tổ đương thời gom lại những lời Phật dạy ghi thành những Bộ Kinh, cộng với những gì được các Tổ nhiều đời sau tiếp tục giảng hay viết ra. Tất cả gom lại thành 12 Bộ, gọi là 12 Bộ Chính Kinh. Người tu học về sau tham khảo những Bộ Kinh này mới là chính xác. Muốn xác nhận sự hiểu biết của mình đã phù hợp hay chưa thì phải đối chiếu với những lời được viết trong đó. Nếu thấy phù hợp thì gọi là Khế Kinh. Đó là cơ sở để cho người tu học về sau noi dấu. Có nhiều vị tu hành thuộc hệ phái ngoài Đại Thừa đã cực lực chỉ trích Kinh Đại Thừa, cho đó không phải là lời của chính kim khẩu Phật thuyết, mà do các Tổ về sau bịa ra. Thậm chí họ còn gọi Kinh Đại Thừa là Kinh Ngụy Tạo ! Đó là vì họ không hiểu gì về việc TRUYỀN Y BÁT, bởi bên họ nằm ngoài hệ thống Truyền Thừa, nên họ hoàn toàn không nghe nói đến điều đó. Việc TRUYỀN Y BÁT có nghĩa là người thầy đã Chứng Đắc, Ấn Chứng cho người đệ tử khi đủ trình độ Chứng Đắc như người đi trước. Nó cũng giống như việc tốt nghiệp cuối cùng của một hệ thống đào tạo. Người được Ấn Chứng trong Đạo Phật không phải do thuộc nhiều Pháp, không phải do tu lâu năm, mà do Thấy Tánh hay còn gọi là Thấy được Bổn Thể Tâm mà chúng ta có thể nhận biết qua Kinh PHÁP BẢO ĐÀN. Đọc PHÁP BẢO ĐÀN KINH chúng ta sẽ thấy Y Bát không phải được trao một cách ngẫu nhiên mà có sự tuyển chọn. Trước đó Ngũ Tổ đã thông báo cho toàn thể môn nhân trong Chùa, kêu mỗi người “lấy Tánh Bát Nhã của mình mà làm một Bài Kệ. Nếu ai hiểu rõ đại ý Ngài sẽ Truyền Y Pháp cho mà làm Tổ Thứ Sáu”. Nhưng các môn nhân đều không dám làm, nhường cho Sư Thần Tú là Giáo Thọ. Phần Sư Thần Tú thì cũng không dám tự tin, nên lén viết bài Kệ lên nhà cầu, hy vọng nếu Ngũ Tổ thấy được mà khen hay thì mới ra nhận. Bài Kệ như sau : Thân thị Bồ Đề Thọ Tâm như minh cảnh đài Thời thời cần phất thức Vật sử nhá trần ai” Qua bài Kệ, Sư Thần Tú cho rằng Cái Thân là gốc giải thoát. Cái Tâm như một đài gương sáng. Lúc nào cũng cần lau, phủi, đừng cho vướng bụi trần. Đó cũng là công phu mà bất cứ người tu hành nào cũng đều phải làm. Phần Ngài Huệ Năng, tuy không biết chữ. Nhưng nhờ người đọc lên thì Ngài hiểu là Bài Kệ chưa Thấy Tánh. Ngài chỉ cần sửa vài chữ là ý nghĩa hoàn toàn khác : “Bồ Đề bổn vô thọ Minh cảnh diệc phi đài Bổn lai vô nhất vật Hà xứ nhá trần ai ?” Có nghĩa là Giải Thoát vốn không có gốc gác. Gương sáng cũng không có đài. Trước sau không có vật nào thì chỗ đâu mà vướng bụi trần ? So sánh hai Bài Kệ thì chúng ta thấy : Một bên còn đang trụ ở Thân, Tâm. ThẤy cần phải lau chùi, tu sửa, không để cho vướng bụi trần. Chứng tỏ người đó còn đang trên hành trình tiến tu mà qua lời nhận xét của Ngũ Tổ : “Ngươi mới tới ngoài thềm cửa, chưa bước vào trong nhà. Cứ như chỗ thấy, hiểu ấy mà tìm Vô Thượng Bồ Đề thì rõ ràng không thể được”. Ngài Huệ Năng thì đã Thấy, đã tả được cái Bổn Thể Tâm hay cái Chân Tâm, Chân Tánh vốn Vô Tướng, làm sao bụi trần có thể bám vào ? Do cái Thấy Tánh đó Lục Tổ được Ngũ Tổ Truyền Y bát. Thời này đọc hai bài Kệ chúng ta cũng có thể so sánh để thấy hai trình độ khác nhau quá rõ, để thấy là việc Truyền Y Bát không hề do cảm tình riêng tư hay do tu lâu năm, học được nhiều bài vỡ. Bằng chứng là Sư Thần Tú, bản thân là Giáo Thọ nhưng chưa Thấy Tánh nên chưa thể diễn tả được tính cách của Cái Tánh. Cái Học Pháp là thuộc bài, nhưng Thấy Tánh là sự Chứng Ngộ. Hai việc hoàn toàn khác nhau. Khi đã Chứng Đắc hay Thấy Tánh rồi, thì “Phật trước Phật sau đều bình đẳng”. Cũng giống cùng một địa điểm nào đó, thì người tới trước hay tới đều thấy cảnh vật giống như nhau, nên mô tả cũng giống nhau không khác. Do đó, Chư Tổ, là những người đã Chứng Đắc, nên dù có viết hay giảng Pháp cũng không khác với nhau hay khác với những gì Đức Thích Ca đã giảng. Dù có thể là ngôn ngữ, cách diễn tả mỗi thời có khác, nhưng cách Hiểu, cách Hành, nhưng đích đến cuối cùng đều là Giải Thoát giống nhau. Những người chống đối Kinh Đại Thừa, chống đối các Vị Giác Ngộ thời sau viết Kinh, là vì họ không hiểu rằng “Phật không phải là Thần Linh, mà chỉ là kết quả Giải Thoát mà bất cứ người thời nào, nếu theo đúng trình tự tu hành một cách nghiêm túc đều sẽ đạt được”. Chính vì vậy mà có TAM THẾ PHẬT, tức là Quá khứ đã có người Thành Phật. Hiện tại cũng có người Thành Phật và tương lai cũng có người sẽ Thành Phật, không phải Phật Quá Khứ là Đức A Di Đà, Phật Hiện Tại là Thích Ca và Phật Tương Lai là Đức Di Lặc như nhiều người đọc thấy trong Kinh rồi gán ghép. Do không hiểu rõ, nên cách giải thích của họ cũng không hợp lý : Thử hỏi Đức Thích Ca đã đắc đạo và đã nhập diệt cách đây đã gần 3.000 năm sao có thể gọi đó là Phật Hiện Tại ? Cũng có người còn cho rằng nếu người tu hành nào mơ ước được Thành Phật là Tăng Thượng Mạn ! Đó là vì họ chưa hiểu hết về Đạo Phật. Chưa hiểu là Tu Phật là để Thành Phật, là phải Thành Phật. Nếu nói rằng Đức Phật Thích Ca là ngôi vị độc tôn, không ai có thể đạt đến sao Đức Thích Ca lại Thọ Ký : “Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành” ? Chẳng lẽ lời Phật nói không đáng tin ? Đã không hiểu Phật là gì ? Làm thế nào để thành Phật ? thì đi tu làm chi ? Những người bản thân chưa hiểu Đạo còn mang kiến thức nửa vời đó đi truyền bá thì rõ ràng là phá đạo chớ đâu phải phụng sự cho Đạo ? Giữa hai bên, dù cùng nói là Tu Phật, cũng mượn hình ảnh của Phật, cũng áp dụng Giáo Lý của Đạo Phật. Nhưng một bên thì “Y Kinh giải nghĩa”hay còn gọi là Y NGỮ. Thấy Kinh tả về Phật như một vị Thần Linh, “có quyền cứu độ Chúng Sinh” thì cho mình là Chúng Sinh của Phật, rồi tạc tượng để thờ, để tôn vinh. Toàn bộ quay ra bên ngoài mà làm : Xây Chùa cho lớn, quy tụ nhiều người tu hành để phụng sự Phật. Dựng Tượng thật to rồi ngày mấy thời thắp hương để cầu xin phù hộ độ trì lúc sống cũng như khi qua đời. Kêu gọi nhiều người Quy Y theo Phật, càng đông càng tốt, tưởng đó là Độ Sinh. Những người hành trì như thế gọi là NHỊ THỪA hay QUYỀN THỪA mà Kinh Kim Cang gọi là Hành Tà Đạo qua bài Kệ : “Ai nương sắc thấy ta Dùng âm thanh để cầu ta Kẻ đó hành tà đạo Không thế thấy Như Lai ” Một bên theo đúng Ý Nghĩa của Kinh sách mà hành. Biết “Phật chỉ là sự Giải Thoát trong Tâm”. “Tu Phật là Tu Tâm”, nên không cất Chùa to, dựng tượng Phật cho lớn, mà quay vào tu sửa Thân, Tâm, sửa chữa những tính xấu, những tư tưởng còn đen tồi, còn âm mưu để hại người, còn hơn thua, đố kỵ, ganh tỵ v..v.. cho nó trở nên thanh tịnh, trong sáng, nhẹ nhàng - gọi là ĐỘ SINH - để đạt mục đích Giải Thoát. Những người tu theo Thừa này không Thờ Phật, không cầu xin Phật Độ, mà Tự Tu, Tự Độ, để Tự Giải Thoát hay Thành Phật. Tu cách đó gọi là NHẤT THỪA hay PHẬT THỪA, mới đúng là tu Phật theo CHÁNH PHÁP. Do Hiểu khác nhau nên Hành cũng khác nhau. Vì thế, trong Đạo Phật mới có việc TRUYỀN Y BÁT, để chỉ người đã Chứng Đắc, đã hiểu Đúng Đạo Phật mới được phép giảng nói cho người khác. Những gì được ghi trong những Bộ Chính Kinh, là lời của những vị đã Đắc Pháp tiếp tục khai triển thêm những gì mà thời Đức Thích Ca do không đủ ngôn từ nên chưa thể diễn tả một cách rõ ràng, phải mượn hình ảnh bên ngoài dễ sinh ra hiểu lầm. Đạo Phật dù giải thích các kiểu, nói có Nước Phật, có Chư Phật, Chư Bồ Tát, Chúng Sinh v.v… Nhưng tất cả cũng chỉ nói về những diễn biến TRONG TÂM của mỗi con người. Nhưng vì Cái Tâm là phần Vô Tướng, mọi diễn biến, tốt, xấu, khởi, diệt… cũng không thể nhìn thấy bằng mắt, nên thời Phật còn tại thế chưa thể chỉ rõ được, nên phải mượn hình ảnh để mô tả : - Tình trạng thanh tịnh, tốt đẹp, gọi là Chư Phật. - Tả về những hoạt động, khuyên nhủ, giáo hóa để cái Tâm chịu bỏ đi những suy nghĩ, toan tính xấu, chuyển hóa nó thành ra tốt đẹp, gọi là Bồ Tát. - Nói về những tư tưởng còn đen tối, xấu xa, chưa cải tạo được là Chúng Sinh. Ví có Chúng Sinh nên mới có Bổ Tát để làm công việc giáo hóa. Kinh dạy : “Bồ Tát muốn Thành Phật thì phải Diệt Độ tất cả Chúng Sinh. Bao giờ Độ Tận Chúng Sinh thì Bồ Tát mới Thành Phật được”. Nhưng “Diệt Độ tất cả Chúng Sinh mà không có Chúng Sinh nào bị Diệt Độ cả” , bởi đó chỉ là những sự thay đổi, chuyển hóa tâm tính từ xấu, sang tốt, từ động loạn sang yên ổn trong nội Tâm mà thôi. Không phải chuyển đối, cải tạo cho đối tượng nào đó ở bên ngoài. Cõi PHẬT chỉ là tình trạng Thanh Tịnh trong Tâm nên Kinh DUY MA CẬT viết : “Bồ Tát nếu muốn được cõi Phật thanh tịnh nên làm cho Tâm thanh tịnh. Tùy chỗ Tâm thanh tịnh mà cõi Phật được thanh tịnh”. Nhưng nếu cõi Phật chỉ ở trong Tâm, tại sao có Nước Phật A Di Đà được làm bằng Bảy món châu báu ? Trong Tâm làm sao chứa được những thứ đó ? Kinh viết : “Xá Lợi Phất ! Lại trong cõi Cực Lạc có bảy từng bao lơn, bảy từng mành lưới, bảy từng hàng cây, đều bằng bốn chất báu bao bọc giáp vòng, vì thế nên nước đó tên là Cực Lạc. Xá Lợi Phất ! Lại trong cõi Cực Lạc có ao bằng bảy chất báu, trong ao đầy dẫy nước đủ tám công đức, đáy ao thuần dùng cát vàng trải làm đất. Vàng, bạc, lưu ly, pha lê hiệp thành những thềm, đường ở bốn bên ao, trên thềm đường có lầu, gác cũng đều nghiêm sức bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não....” Vàng, bạc, châu báu….là những món mà người trần ham thích, chém giết, tranh dành nhau để có được. Kinh tả Cõi Phật như thế làm cho nhiều người do “Y Kinh giải nghĩa”bỏ hết mọi việc, ngày đêm niệm Phật A Di Đà để mong được về đó, mà không biết đó là phương tiện của Chư Vị Giác Ngộ để dụ con người, nhờ ham thích về đó sẽ bớt tham đắm của cải vật chất trần gian mà giảm bớt tạo nghiệp. Con số 7 có ý nghĩa như sau : Như chúng ta đã biết. Tu hành theo Đạo Phật dù nói nhiều thứ, tả nhiều cảnh giới, nhưng chung quy khi thực hành thì cũng chỉ ở nơi THÂN và TÂM của mỗi người mà thôi. Dùng số 7 là để nói về 7 Nghiệp mà con người vẫn làm nơi THÂN, và KHẨU : THÂN có 3 NGHIỆP là THAM, SÂN và SI. KHẨU có 4 NGHIỆP là Nói dối, Nói khen mình, nói chê người và nói lưỡi đôi chiều. Vì vậy, XẢ 7 Nghiệp đó gọi là Cúng Dường Bảy báu cho Chư Phật. Sở dĩ gọi là báu, vì con người ôm giữ chúng bao nhiêu đời,bao nhiêu kiếp không bỏ, giống như là người giữ của, giữ châu báu ! Nói rằng Nước Phật ở trong Tâm, tại sao trong Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA chúng ta thấy có Long Nữ, nhờ cúng cho Phật “Viên Châu có giá trị liên thành”, Phật nhận, thì nàng lập tức thành Phật”? Rõ ràng Kinh viết như thế. Nhiều người “Y Ngữ” đọc đoạn Kinh này đã khiển trách Đạo Phật, cho là Phật xúi người khác cúng nhà cửa, đất đai, tài sản, châu báu cho mình để rồi ban cho họ Quả Vị ! Như vậy là Phật xúi mọi người bỏ Tham, trong khi Phật còn Tham hơn ! Đó là họ hiểu lầm ý Kinh, thấy rằng có Phật nhận của cúng dường. Có người Cúng dường của cải, châu báu ! Trong khi đó, hiểu cho đúng thì PHẬT chỉ là sự Giải Thoát ở trong mỗi người. Người tu hành tự Xả những chấp nhất, Xả những thói xấu, những ác tâm, Xả Tham, Sân Si thì sẽ được Giải Thoát. Cái Giải Thoát đó được gọi tên khác là Phật. Kinh VIÊN GIÁC có Kệ : NẾU NGƯỜI ĐOẠN THƯƠNG GHÉT CÙNG VỚI THAM SÂN SI CHẲNG CẦN TU GÌ KHÁC CŨNG ĐỀU ĐẶNG THÀNH PHẬT. Kinh khẳng định : “Chỉ cần Xả Tham, Sân, Si, Thương, Ghét là thành Phật. Không cần tu gì khác”. Bởi vì Phật chỉ là Giải Thoát, không phải là một vị Thần Linh nào đó. Tham, Sân, Si được ví là “Viên châu có giá trị liên thành”. Xả nó - nói cách khác là “Cúng dường cho Phật”- Nhưng Phật đây là nghĩa của giải Thoát, cho nên Xả đi thì lập tức được Giải Thoát. Đó là ý nghĩa của “Bố Thí Tam Luân Không” : “Không có người cho. Không có của cho. Không có người nhận”. Vì người cho cũng là mình. Của cho cũng của mình. Người nhận cũng là chính mình. Đó là nói về việc Tu sửa, Thí Xả nơi Tâm, không diễn ra bên ngoài. Không có Phật nào để nhận của cúng dường. Nếu có Phật để nhận, có Ta để cúng dường thì đó là NHỊ THỪA, không còn là NHẤT THỪA nữa ! Một trường hợp hiểu sai đã được dựng thảnh phim, gây hiểu lầm cho rất nhiều người, vì tầm ảnh hưởng của phim ảnh rất lớn : Đó là Ngô Thừa Ân trong Tây Du Ký. Ý nghĩa Thí Xả trong nội Tâm, khi đưa ra bên ngoài thì có Ngài Quán Thế Âm Bồ tát luôn xuất hiện để cứu mỗi khi Thầy trò bị nạn, và Ngài A Nan đòi Tam Tạng cúng dường chén vàng của vua ban thì Đức Như Lai mới ban Quả Vị cho! Phật chỉ là tình trạng Giải Thoát của người tu đạt được. Như Lai là nói về sự Thoát Pháp của người đã Chứng Đắc, dù có đến hay đi thì các pháp cũng không làm cho xao động, đâu có phải là Phật Tổ Như Lai quyền phép, thì làm gì có quyền ban Quả Vị cho ai ? Quả Vị cũng không có giá trị Cao, thấp để so với người khác, chỉ mang ý nghĩa là hành giả đã đến trình độ nào đó mà thôi. Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA gọi đó là những Hóa Thành, để cho người đi đường xa mỏi mệt tạm dừng để nghỉ chân, sợ họ tu hoài không thấy đạt được gì thì sẽ nản lòng mà thôi. Trong Đạo Phật có dạy : “Tu vô tu, Chứng vô Chứng” và “Đắc cái Vô Sở Đắc”. Vì cái Đắc cao nhất của đường tu là tu để đạt cái “Vô Ngã” hay“Không còn mình”. Không còn mình thì lấy ai để chứng đắc ? Vì vậy, Kinh DUY MA CẬT viết : “Trong Đạo Phật người có Chứng Đắc là kẻ Tăng Thượng Mạn”. Người NHỊ THỪA thì cứ nhìn ra, nên có Phật, Bồ Tát cứu độ chúng sinh là mình. Trong khi đó, với Chính Kinh thì tất cả đều ở nơi Tâm. Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA có Kệ nói về Bồ Tát nói pháp : “LẠI THẤY CÁC BỒ TÁT RÕ PHÁP TƯỚNG TỊCH DIỆT ĐỀU Ở TẠI NƯỚC MÌNH NÓI PHÁP CẦU PHẬT ĐẠO” CÚNG DƯỜNG Phật cũng Cúng Dường PHẬT CỦA MÌNH: “LẠI THẤY NHỮNG TRỜI, NGƯỜI RỒNG, THẦN, CHÚNG DẠ XOA CÀN THÁT, KHẤN NA LA ĐỀU CÚNG DƯỜNG PHẬT MÌNH”. Cúng Dường Phật mình không phải là tự mình tạc một tượng Phật rồi tự cúng lấy, mà là ý nghĩa của việc ĐỘ SINH. Mỗi lần đưa được một Chúng Sinh thành Phật là ta đã CÚNG DƯỜNG MỘT VỊ PHẬT. Trong kiếp sống, từng sát na mỗi người chúng ta có biết bao nhiêu tư tưởng Khởi, Diệt ? Trong đó có biết bao nhiêu tư tưởng chưa thanh tịnh cần được Cứu Độ ? Vì thế, Kinh viết, mỗi kiếp tu hành, “Bồ Tát Cúng Dường vô luợng vô số ức Đức Phật”là như thế. Do ngoài CHỮ còn có NGHĨA, người tu cần tìm NGHĨA để Y theo, nên có Pháp TỨ Y. “Y PHÁP BẤT Y NHÂN. Y TRÍ BẤT Y THỨC. Y NGHĨA BẤT Y NGỮ. Y KINH LIỄU NGHĨA, BẤT Y KINH VỊ LIỄU NGHĨA”. Nếu ta chưa phân biệt thế nào là PHÁP, thế nào là NHÂN. Thế nào là NGỮ, thế nào mới là NGHĨA. Y Kinh Liễu nghĩa là Y thế nào ? thì còn làm sao đưa vào thực hành để việc tu hành được thành công ? Nhưng bản thân mình tu hành không thành công thì không sao. Nếu mang ra phổ biến, làm cho nhiều người hiểu sai thì lỗi đó rất lớn, vì diễn tả sai lầm sẽ làm oan cho Ba Đời Phật. Kinh viết :“Y Kinh giải nghĩa tam thế Phật oan ! Trích sơ vài đoạn Kinh để chúng ta thấy nhiều lời được viết trong Kinh đã bị hiểu sai. Từ việc tu hành trong Vô Tướng, thực hiện nơi nội Tâm, tức là mỗi người tu tự thanh lọc cái tâm của mình, để hoàn thành Phật của mình nơi đó, thì nhiều vị tu hành thời xưa đã vận động bá tánh gom góp vàng bạc rồi cất lên những ngôi Chùa hoành tráng, với mái Chủa đúc bằng vàng, bạc, bằng những chất liệu quý, tốn kém biết bao nhiêu tiền bạc của bá tánh, trong khi vàng bạc, tiền của đó lẽ ra dùng để xây đựng, phát triển đất nước ! Từ khi Đạo Phật phát triển đến nay, nước nào có Đạo Phật thịnh hành thì những ngôi nhà đẹp nhất, sang nhất, chiếm nhiều đất nhất, trần thiết sang trọng, tốn kém nhất là những ngôi Chùa ! Tu Sĩ thì thân cận Vua, Quan, lên xe, xuống ngựa, dùng những phương tiện hiện đại ! Trong khi lẽ ra nhữngTu Sĩ là những người đã chê chán cảnh trần, không yêu thích, hưởng thụ vật chất của trần tục thì nên sống trong những ngôi nhà đơn sơ, vừa đủ để che mưa, nắng. Không dùng phương tiện xa hoa của người trần, để Thân, Tâm được thanh tịnh mà tu hành ! Vì thế, việc HIỂU cho đúng ý nghĩa của Kinh để thực hành rất quan trọng để không trở thành phỉ báng Phật Pháp. Việc tu hành có thành tựu hay không là đều do cái Hiểu. Phật dạy có 5 điều khó được : “Thân người khó được. Phật Pháp khó nghe. Khó sinh ra nơi có Phật Pháp lưu hành. Khó được sinh cùng thời có Phật ra đời. Tâm lo sợ Sinh Tử khó sinh” . Dù chúng ta không may mắn được sinh cùng thời với Phật, nhưng lời Phật còn ghi lại trong Kinh điển. Đọc Kinh tức là trực tiếp nghe Phật giảng Pháp, không khác gì Phật vẫn hiện diện. “Nơi có Phật Pháp lưu hành” thì đó là những Bộ Kinh mà thời này chúng ta có thể tìm thấy ở bất cứ nhà sách nào, cả trên mạng cũng có thì đâu còn khó nữa. “Phật Pháp khó nghe” thì chúng ta đã dọc được biết bao nhiêu bài giảng của Chư Vị Giác Ngộ, không ít thì nhiều, mưa dầm cũng thấm. Cái khó nhất là Thân người thì chúng ta may mắn đã có được, và có lo sợ Sinh Tử thì mới phát tâm tìm đến với Đạo Phật. Như vậy xem ra 5 yếu tố chúng ta đã hội đủ, thì còn chờ đợi gì nữa. Thời xa xưa Kinh chưa dịch sang tiếng Việt, muốn đọc Kinh thì phải học chứ Phạn hoặc chứ Tàu. Thời này thì Kinh đã dịch sang tiếng Việt tràn lan, tại sao chúng ta phải chờ người khác đọc rồi giảng sẵn cho, mà không dấn thân trực tiếp dành một số thì giờ tìm hiểu cho đến nơi đến chốn để có sự hiểu biết của chính mình, thực hiện lời Phật dạy : “Tự mình thắp đuốc lên mà đi”? Trí Huệ đâu thể vay mượn của người khác được ? Con đường tu hành theo Đạo Phật có thể được tóm tắt như sau : Thấy rằng con người được sinh ra bởi Nghiệp, rồi trong trăm năm của cuộc sống, nếu không ý thức thì lại tiếp tục tạo Nghiệp, xoay lăn trong vòng Luân Hồi, không biết đến bao giờ mới dừng. Vì thế Đức Thích Ca phải phương tiện hướng dẫn mọi người, hoặc nói cái đọa nơi Ba Đường dưới. Hoặc nói Phật Quốc với những cảnh trí huy hoàng. Nói tu hành thì sẽ thành Thánh với những Quả Vị cho con người vì sợ hoặc ham mà ngưng tạo Ác Nghiệp, hướng thiện, tạo Nghiệp Thiện để cuộc sống của bản thân và nhừng người chung quanh đều được an vui cho đến hết kiếp. Nhưng tất cả cũng chỉ là SỬA nơi Thân, Tâm của chính mỗi ngưởi. Không cần thay cảnh, đổi tướng. Chỉ cần điều phục hay chuyển hóa cái Tâm của mình, gọi là Tu Tâm thì sớm hay muộn do sức Tinh tấn của mình cũng sẽ thành công, vì “Vạn Pháp Duy Tâm Tạo”, và Nhân Quả. Địa Ngục, Niết Bàn cũng từ cái Tâm suy nghĩ, đưa đến hành động mà ra, nên Độ Sinh là Độ những tư tưởng của chính mình, không để cho nó đưa ra hành động. Việc tu hành tưởng chừng như thiên nan, vạn nan: Phải Xuất Gia. Phải đầu tròn, áo vuông. Phải Thọ hàng mấy trăm Giới. Đi, đứng, ngồi, nằm phải có Tứ oai nghi..Nhưng với người đã HIỂU thế nào là Con Đường Giải Thoát, thì như lời Kệ của Tổ Đạt Ma trong SÁU CỬA VÀO ĐỘNG THIẾU THẤT : “BAO GIỜ HỌC TÂM THÔI VIÊN THÀNH TƯỚNG CHÂN THẬT CHỢT RÕ BỎ Ý TU” Đã TU TÂM thì hình thức đâu còn cần thiết, vì tại sao phải để cho người khác biết mình là người đang Tu ? Mục đích và kết quả Tu hành là để bản thân minh nhờ, sao phải bắt người phải cúng dường mình, cung cấp mọi thứ cho mình thì mình thì mới chịu Tu ? Người Tu Phật còn phải đền TỨ ÂN. Ta chẳng những không lo cho cuộc sống của bản thân, cũng không đóng góp gì cho cho xã hội thì Đền cách nào trong khi Phật không phải là Thần Linh để ta cầu xin mà báo đáp ? Chính vì vậy mà Chư Tổ dạy : CHỈ Y KINH KHI ĐÃ LIỄU NGHĨA, tức là phải Hiểu cho rõ ý Kinh rồi mới thực hành vậy. Tâm Nguyện (Tháng 6/2020)
Phụ bản I
Bình thường giữa vô thường
Cuộc sống bao giờ cũng có những đổi thay. Có những đổi thay xoay chậm và từ tốn theo thời gian như bốn mùa, và cũng có những biến đổi nhanh đến bất ngờ. Life changes fast. Life changes in the instant. The ordinary instant. You sit down to dinner and life as you know it ends. Cuộc sống đổi thật nhanh. Cuộc sống thay đổi trong phút chốc Trong một giây lát bình thường. Ta ngồi xuống buổi ăn chiều và cuộc sống mà ta vẫn thường biết, chấm dứt. Bà Joan Didion viết những dòng ấy trong nhật ký của mình. Vào một chiều mùa đông, sau khi hai vợ chồng bà vừa mới trở về từ nhà thương thăm đứa con gái đang bị hôn mê. Hai người đang sửa soạn cho buổi ăn chiều. Lúc ấy, chồng bà bất ngờ bị một cơn động tim dữ dội, và ông qua đời trên đường chở vào bệnh viện. Trong một giây lát bình thường, cuộc đời của bà đã hoàn toàn thay đổi. Bà viết, "Cuộc sống đổi thay trong phút chốc, trong một giây lát bình thường. Nhưng tôi nghĩ có lẽ mình không cần thêm vào hai chữ 'bình thường' vì nó không cần thiết. Cuộc sống tự nhiên là như vậy. Khi đối diện trước một tai nạn lớn nào đó bất ngờ xảy ra, chúng ta bao giờ cũng chỉ nhớ đến những sự việc 'bình thường', không có gì là đặc biệt, trước khi biến cố ấy xảy ra: bầu trời trong xanh khi chiếc máy bay rơi, con đường quen thuộc khi chiếc xe bị tai nạn, chiếc xích đu vẫn thường ngày khi đứa bé bị ngã... Ngay cả trong bài tường trình của Ủy Ban Ðiều Tra 9/11 cũng diễn tả với những chi tiết bình thường này 'Thứ ba, ngày 11 tháng 9, 2001. Một buổi sáng ôn hoà, gần như không chút mây trên bầu trời miền Ðông Hoa kỳ.' Tất cả đều là một ngày rất bình thường..." Nhưng thật ra, cuộc sống có gì là bình thường chăng. Bình thường nhưng không tầm thườngNgày mưa trên mái hiên, nắng trưa qua con phố nhỏ, áng mây trôi trong tách cà phê buổi sáng, những chiếc lá bay rộn rã trên con đường lộng gió buổi chiều này... chúng tuy bình thường, nhưng có bao giờ là tầm thường đâu bạn hả! Ông William Carlos Williams có viết một bài thơ, I have had my dream - like others - and it has come to nothing, so that I remain now carelessly with feet planted on the ground and look up at the sky - feeling my clothes about me, the weight of my body in my shoes, the rim of my hat, air passing in and out at my nose - and decide to dream no more. Tôi cũng có những ước mơ - như mọi người - và chúng không trở thành gì cả, vì thế Tôi bây giờ chỉ thong dong thôi với bàn chân vững vàng đặt trên đất và ngước nhìn bầu trời - cảm xúc quần áo trên người sức nặng của thân trong đôi giày vành nón, không khí ra vào nơi mũi - và tôi quyết định không mơ tưởng nữa. Bạn thử đoán xem tựa của bài thơ ấy là gì? Có người đoán là "Một giấc mơ", có người nói là "Chánh niệm", "Sống trong hiện tại", hoặc là "Sẽ không còn mơ mộng nữa"... Bạn nghĩ sao? Tựa của bài thơ ấy là Thursday. Thật đơn giản và bình dị, Thứ Năm. Ông Williams có được tuệ giác trong bài thơ ấy trong lúc đi dạo vào một ngày thứ năm bình thường. Trong một ngày bình thường, không có gì đặc biệt, tác giả trở về với thực tại, tiếp xúc với mỗi bước chân và những cảm giác đang có mặt, và ông quyết định sẽ buông bỏ hết những muộn phiền, suy tư của mình. Ngày thứ năm hôm ấy của ông có lẽ cũng giống như một ngày bình thường hôm nay của bạn và tôi. Thiền tập không phải để thay đổi trạng thái Mà dường như chúng ta ai cũng ưa thích tìm kiếm những gì là “phi thường” bạn hả. Như trên con đường tu học, chúng ta cũng thường mong tìm đạt những gì có thể giúp ta thay đổi được cái trạng thái “bình thường” của mình, như là mang lại cho mình một trạng thái an vui hay siêu việt nào đó chẳng hạn. Trong những ngày thiền tập tôi thường nghe người ta đặt câu hỏi rằng, trong lúc ngồi thiền chúng ta có thể chọn một hình ảnh đẹp, hay âm thanh êm dịu nào đó, để giúp mang lại cho mình một cảm giác thư giãn và an tĩnh không? Ví dụ như là ta tưởng đến một bờ biển với tiếng sóng vỗ rì rào, hay nhìn một đóa hoa đẹp dưới nắng sớm chẳng hạn... Tôi có một người bạn thường thích ngồi thiền trước một khung cửa sổ lớn để được nhìn ra bên ngoài, một không gian thênh thang. Những kinh nghiệm ấy chắc chắn sẽ mang lại cho chúng ta một cảm giác nhẹ nhàng, an tĩnh, tươi mát trong lúc ngồi, nhưng đó có phải là thiền tập không bạn? Mà là để có mặt tự nhiên Thật ra trong khi ngồi thiền ta chỉ cần thật sự ngồi nơi chỗ mình đang ngồi, và có mặt với bất cứ những cảm giác nào đang có trong ta. Trong thiền tập ta không nghĩ tưởng về hơi thở hay bất cứ một đối tượng nào, mà chỉ cần biết cảm nhận và thấy ra được những gì đang có mặt. Ðó có thể là những cảm giác an vui, dễ chịu, và cũng có thể là những cái đau hay sự khó chịu trong thân tâm. Có vị thiền sư dạy chúng ta trong khi tiếp xúc với những gì đang xảy ra, đừng nên theo bài bản phương pháp quá, mà hãy để tất cả có mặt trong điều kiện tự nhiên. Và khi cái thấy của mình đã được tự nhiên rồi, thì lúc đó chỉ có cái tâm trong sáng, định tĩnh mà thôi, còn đối tượng là gì, hay trạng thái nào, cũng không quan trọng. Mà bạn biết không, nếu như ta có khả năng yên được với chính mình ở nơi này, thì khi ngồi bên bờ biển, hoặc bên tách cà phê nóng, hay với ánh trăng bên cửa sổ, ta mới có thể thật sự tiếp xúc được với tất cả. Còn nếu không thì ta cũng sẽ vẫn lại chỉ mơ tưởng về một tách cà phê hay một ánh trăng xa xôi, hoặc một nơi chốn xa vời nào khác mà thôi… Một tâm máy móc Tôi thấy ngày nay chúng ta cũng thường muốn sáng tạo thêm những phương tiện mới, để giúp cho con đường tu học của mình được dễ dàng và có nhiều hiệu quả hơn. Nhưng đôi khi những sự tạo tác ấy lại có thể vô tình làm mình tách rời xa thực tại tự nhiên. Ông Trang Tử nói, người ta thường vì chỉ nghĩ tới cái ích lợi mà quên đi cái tâm bình thường trong sáng của mình. Ông gọi cái tâm tính toán, tạo tác ấy là cơ tâm, một lòng máy móc. Thầy Tử Cống đi qua đất Hán Âm thấy một Ông lão làm vườn đang xuống giếng gánh từng thùng nước, đem lên tưới rau. Tử Cống nói: Kia có cái máy một ngày tưới được hàng trăm khu đất, sức dùng ít mà công hiệu nhiều. Cái máy ấy đàng sau nặng, đàng trước nhẹ, đem nước lên rất dễ, và tên gọi là "máy lấy nước”. Ông lão nói: Lão nghe thầy lão nói rằng hễ dùng cơ giới thì tất có cơ tâm (lòng máy móc), có cơ tâm thì không còn sự trong trắng nữa nên tâm thần không yên ổn, tâm thần không yên ổn thì Ðạo sẽ lánh xa, không che chở mình nữa. Lão không phải không biết cái lợi, nhưng hễ có cơ giới tức có cơ sự, kẻ có cơ sự tức có cơ tâm. Lão đây có phải không biết ích lợi ấy đâu, chỉ nghĩ xấu hổ mà không muốn dùng vậy. Nhưng không phải ông Trang Tử khuyên chúng ta đừng nên sử dụng đến cơ giới đâu bạn. Tôi nghĩ ông chỉ muốn nhắc nhở chúng ta nên thận trọng, vì những sự khôn khéo và tạo tác của mình dễ làm phát triển một cơ tâm, rồi đánh mất đi sự an ổn tự nhiên sẵn có trong ta. Tâm bình thường thị đạo Có lẽ vì vậy mà các thầy tổ thường khuyên chúng ta hãy nên lấy cái tâm bình thường mà học đạo bạn hả? Chúng ta đâu cần đi tìm cầu những trạng thái phi thường, hoặc một pháp môn cao xa nào, mà đánh mất đi sự sống nhiệm mầu đang có mặt ngay trong mỗi khoảnh khắc bình thường và ngắn ngủi này. Hãy tiếp xúc với tất cả bằng một cái thấy tự nhiên và trong sáng. Có lần thiền sư Basho đi một mình trên con đường quê nhỏ vào một buổi sáng mờ sương. Có lẽ trời đang mưa phùn, những hạt mưa bụi nhẹ bay như sáng hôm nay. Trên đường đi, ông nhìn thấy có một cái gì đó là lạ nơi hàng giậu cũ kỹ đổ nát bên đường, ông bước lại gần và thấy một cành hoa nazuna trắng đang nở. Và trong giây phút ấy, ông bỗng chợt thấy mình trở thành là một với hiện hữu. Ta nhìn sâu xa Bên hàng giậu nở cành Nazuna (Nhật Chiêu dịch) Bạn biết không, lắm khi trong cuộc sống ta lại chứng nghiệm được sự mầu nhiệm, và thấy ra lẽ đạo, ở những gì mà mình cho là rất tầm thường... Nguyễn Duy Nhiên - Đỗ Thiên Thư st. ---------------- BẤT NGỜ VỚI 20 SỰ THẬT VỀ SÔ CÔ LA ÍT NGƯỜI BIẾT Sô-cô-la được xem là "vitamin cuộc sống", nó quyến rũ hàng tỷ người trên khắp thế giới bởi sự ngọt ngào khó cưỡng... Tuy nhiên, nhiều người vẫn cảm thấy e dè vì những “lời đồn” rằng sô-cô-la ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe như gây béo phì, gây mụn, sâu răng… Vậy thực hư như thế nào? Cùng tìm hiểu 20 sự thật thú vị về sô-cô-la nhé! 1. Nhiều người cho rằng, sở dĩ con người mê mệt sô cô la vì trong loại đồ ngọt này chứa một lượng lớn cafein gây nghiện. Tuy nhiên, sự thật là lượng cafein trong sô cô la là rất thấp, không đáng kể, thấp hơn khá nhiều so với lượng cafein trong trà và cà phê. 2. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, sô-cô-la là một phương thuốc giảm đau tự nhiên. 3. Cảm giác thưởng thức vị sô-cô-la tan chảy trong miệng có thể tạo nên niềm vui và độ khoái cảm mãnh liệt và kéo dài hơn so với việc… hôn. 4. Ăn một viên sô-cô-la nhỏ sẽ cung cấp đủ năng lượng cho bạn đi được đoạn đường dài 150 feet, tức khoảng 46m. 5. Bạn đã từng thưởng thức một viên sô-cô-la có nhân bên trong là hạt hạnh nhân chưa? Quá tuyệt vời đúng không? Vậy nên hơn 40% hạt hạnh nhân trên toàn thế giới trong các sản phẩm của sô-cô-la. 6. Sô-cô-la đen được xem như một “người bạn tốt” với vi khuẩn có lợi trong cơ thể con người, vậy nên nếu muốn sản sinh nhiều vi khuẩn có lợi bạn hãy ăn sô-cô-la đen thường xuyên. 7. Nhiều “lời đồn” cho rằng ăn sô-cô-la rất dễ bị sâu răng, nhưng sự thật lại hoàn toàn ngược lại. Vì trong sô-cô-la có nhiều canxi, photpho và magiê cùng những chất khoáng giúp xương và răng chắc khoẻ. Những chất kể trên có liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ răng nướu, và rất tốt cho răng. 8. Chưa nói đến vị ngon, chỉ riêng mùi hương của sô-cô-la đã làm tăng đáng kể lượng sóng não giúp thư giãn tinh thần. 9. Thường xuyên ăn sô-cô-la đen giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim. 10. Theo một nghiên cứu của Ðại học Harvard, nếu bạn ăn sô-cô-la ít nhất ba lần trong một tháng sẽ giúp kéo dài tuổi thọ hơn một năm so với những người không ăn sô-cô-la. 11. Sô-cô-la rất tốt cho da và không hề gây ra mụn trứng cá, không hề làm tổn thương da của bạn, ngược lại còn giúp bảo vệ làn da vốn mỏng manh của bạn gái. Ðặc biệt, sô-cô-la đen có chứa chất chống oxy hóa cao, giàu dinh dưỡng và chứa rất nhiều các loại axit béo bão hòa. Chúng có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất của tế bào da. Nhờ vậy, làn da của bạn sẽ trở nên mịn màng và sáng bóng. 12. Trong sô-cô-la đen có chất chống nắng tự nhiên, vậy nên ăn sô-cô-la đen giúp bảo vệ làn da khỏi các tác hại của ánh nắng mặt trời. 13. Ăn sô-cô-la đen giúp bổ mắt, cải thiện thị lực của con người 14. Ăn sô-cô-la sẽ giúp bạn trông vui vẻ và trẻ trung hơn, nhờ các chất chống oxy hóa dồi dào 15. Sô-cô-la đen được xem như một liều thuốc “giảm cân”, vì giúp kiềm chế cảm giác thèm ăn hiệu quả. 16. Sữa sô-cô-la là thức uống phục hồi nhanh sau tập luyện, vận động nặng vì độ protein có trong đó. 17. Trong thời cổ đại, điển hình nhất là người Maya, thì quả ca cao (nguyên liệu tạo ra sô cô la) được sử dụng như một loại tiền tệ để buôn bán và trao đổi hàng hóa. Ðơn vị tiền tệ này được chia ra thành 2 “mệnh giá” là hạt ca cao và quả ca cao. Ví dụ: Một con thỏ có giá 10 quả ca cao. Một người nô lệ có giá 100 quả ca cao. 18. Mỗi ngày trên thế giới, lượng sô-cô-la được tiêu thụ là rất khổng lồ. Thụy Sỹ là quốc gia tiêu thụ sô-cô-la nhiều nhất thế giới. Hàng năm, ước tính mỗi người Thụy Sỹ ăn trung bình 13kg sô-cô-la. 19. Vì lượng tiêu thụ khổng lồ cho nên phải sản xuất sô-cô-la rất nhiều. Mỗi ngày, có đến 15 triệu tấn sô-cô-la snickers được sản xuất (Snickers là loại sô cô la bán chạy nhất thế giới hiện nay), và mỗi năm có đến 2 tỷ thanh snickers được bán ra. Nhãn hiệu Hershey nổi tiếng của Mỹ sản xuất ra 80 triệu viên kisses mỗi ngày. 20. Và cuối cùng, đây là thông tin “bất lợi” duy nhất của sô cô la trong danh sách này, đối với con người, nếu ăn liên tục 10kg sô-cô-la cùng một lúc có thể gây tử vong. Tuy sô-cô-la có nhiều lợi ích với sức khỏe, nhưng ăn một cách điều độ vẫn tốt nhất, mỗi ngày thưởng thức từ 2 đến 3 thỏi nhỏ là thích hợp hơn cả. Đào Minh Diệu Xuân st. VÀI Ý KIẾN VẮN TẮT VỀ DỊCH THUẬT Tôi rất xúc động và biết ơn Ban Tổ chức cuộc Tọa đàm trực tuyến toàn quốc đầu tiên về dịch thuật – phiên dịch, biên dịch, tiến tới tập họp đội ngũ thống nhất, thành lập tổ chức nghề nghiệp người dịch, có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho sự làm giầu văn hóa dân tộc, phát triển toàn diện và hội nhập của Việt Nam ta. Vì điều kiện không thể tham gia trực tiếp, xin phép được gửi đến Ban tổ chức cuộc Tọa đàm bản viết sẵn, kính nhờ anh Bùi Thế Giang, đại diện phía Bắc thay mặt đọc giúp. Xin trân trọng cảm ơn. Tôi từng ít nhiều biên dịch sách báo, cũng từng đi phiên dịch cho đoàn này, lãnh đạo nọ. Cái công việc tưởng dễ, vừa nhọc nhằn, đủ mùi vinh nhục. Nhưng cái số hình như đã định cho đời tôi, cho đến nay ở tuổi ngoại 80 tôi vẫn dịch sách báo và gắn bó với hoạt động của dịch thuật dù cho đến nay nghề dịch vẫn chỉ được coi là “cái bóng”, là “con khỉ bắt chước”, là “ăn theo nói leo”… Riêng tôi tôi nghe theo những người như thi hào Nga A.Pashkin: người dịch là “con ngựa thồ văn hóa”. Những người làm nghề nào hết lòng yêu nghề ấy, gắn bó với nghề ấy cùng vun vén cho nghề ấy. Hóa ra, cách đây đã hơn 100, ở Việt Nam ta đã có người nghĩ đến việc tập họp bạn nghề dịch. Vào đầu thế kỷ XX trước, nhà văn hóa – khai sáng, cũng là người biên dịch sách đi tiên phong Nguyễn Văn Việt (1882-1936) đã khởi xướng, và vào ngày 4.8.1907, từ Đại Nam Đăng Cổ tùng thư đứng ra triệu tập một Đại hội thông qua điều lệ, tổ chức, hội viên với sự tham gia của 300 người dịch. Hội viên được phân thành 3 hạng với những qui định rõ ràng về số lượng tác phẩm mỗi năm. Rồi đây trong lịch sử dịch thuật phải ghi chép lại đầy đủ quá trình hoạt động của Hội dịch, sẽ là bài học quí cần thiết cho tổ chức toàn quốc sắp tới của người dịch. Hoạt động dịch thuật Việt Nam chúng ta đã có thêm một cao trào phát triển vào nửa sau những năm 50 – đầu những năm 60 thế kỷ qua – Vào thời điểm một nửa nước đã được yên bình bước vào xây dựng cuộc sống mới sau 10 năm kháng chiến gian nan cực khổ. Dịch thuật có định hướng rõ ràng, hầu hết các trí thức nhà văn, nhà thơ có tâm huyết đều ít nhiều tham gia công việc dịch thuật và giai đoạn này dịch thuật đã để lại không ít thành tựu cơ bản… Và đất nước lại phải trải qua một cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc nữa. Nhưng chỉ sau 15 năm từ sau khi chiến tranh chấm dứt, đất nước thống nhất, một Hội thảo khá qui mô đã diễn ra về sách văn học dịch đã được tổ chức, khá đầy đủ các thành phần quan tâm đến mảng hoạt động dịch thuật tham gia. Và ý kiến đóng góp trong Hội thảo này khá đầy đủ và sáng suốt. Trước những thành tựu dịch thuật, trừ một ý kiến lẻ loi của một cá nhân e sợ: văn học dịch cũng như thứ hàng ngoại “không khéo nó bóp chết hàng nội!”, còn mọi người đều đánh giá cao vai trò của văn học dịch đối với sự hình thành và phát triển văn học dân tộc. “Phải xác định những giá trị đích thực của Văn học nhân loại và tiếp tục có biện pháp thực hiện bằng được dịch và xuất bản hết các tác phẩm ấy. Ý kiến này ai cũng ủng hộ: Cũng đã có ý kiến đề cập đến mảng sách dịch lý luận văn học và về người dịch đã có ý kiến đề cập đến khó khăn và nhiều vấn đề liên quan đến công việc dịch thuật cần sự quan tâm của lãnh đạo và xã hội… Và… vừa mới đây, cuối năm 2019, chính bản thân tôi gặp một hiện tượng xuất bản sách khó mà chấp nhận được. Tôi được người ta cho một lô sách dịch vừa ra lò ở một NXB có tên tuổi, chuyên ra sách văn học. Có tới 3-4 người, cũng có tên tuổi có lời giới thiệu khen ngợi. Chỉ đọc lướt qua phần đầu của sách tôi xin khẳng định là nhiều sai sót nghiêm trọng. Cái thời chúng tôi mới vào học nghề làm biên tập sách ở NXB Văn học, đầu những năm 60, loại bản thảo để lỗi như thế này hẳn chẳng thể lọt qua biên tập chứ chưa nói trình lên trưởng phó ban thông qua đưa lên lãnh đạo ký in. Vây, ra sách bây giờ dễ dàng quá, cứ có tiền là NXB cho giấy phép và giao đầu lậu làm sách và tiêu thụ. Người làm sách với mục đích “chơi” chứ không phải “đưa văn hóa về làm giầu thêm cho văn hóa dân tộc”, như người xưa đã xác định mục đích của dịch thuật. Hy vọng rằng sau buổi tọa đàm này, một lần nữa lao động dịch thuật lại được xã hội quan tâm, nhà nước quan tâm như một sự nghiệp của quốc gia – bởi thời buổi hội nhập thì việc giao lưu, tiếp thu tri thức, khoa học văn hóa của nhân loại là bước đi đầu tiên. Phải có bàn tay định hướng cùng với định hướng phát triển mọi mặt đời sống khác. Phải được tạo điều kiện để thực hiện những điều cần thiết mà nhiều đầu óc tiên tiến đã đề xuất trong lĩnh vực này: Trong khuôn thực hiện, đi cùng với người dịch, phải rất quan tâm đến những người âm thầm “kéo phông, kéo màn” trong dịch thuật, là những người biên tập, làm sao có được cả đội ngũ biên tập sách dịch nối tiếp thế hệ người biên tập trí thức, có tâm và có tài, như thế hệ những Hướng Minh (Phó Đức Vinh) Nguyễn Vĩnh (Ngô Vĩnh Viễn), Trịnh Như Lương, Nguyễn Văn Sỹ… Dịch giả nổi tiếng Cao Xuân Hảo cũng là nhà ngôn ngữ học bậc thầy, khi biên tập viên NXB Văn học Hướng Minh ra đi đã viếng cả một bài viết dài, đăng kín trang A3 báo Văn nghệ với nhan đề bài: “Khi biên tập viên là một người thầy” 1 . Cũng nguyên là biên tập viên NXB Văn học Nguyễn Vĩnh (Ngô Vĩnh Viễn), cuối dời chuyển về ban biên tập báo Văn nghệ, khi mất cũng được nhà văn Hoàng Minh Tường viếng thơ: MỘT NGƯỜI ANH, NGƯỜI THẦY Anh mang theo một cuốn tự điển ra đi Cuối tự điển của khối óc, trái tim anh mà ít ai có được Anh mang theo một người công chức ra đi Người công chức mà chúng ta rất thiếu Anh cũng mang theo những trang văn chưa dịch Những vùng đất con người mà chúng ta chưa biết Anh bỏ lại một chiếc ghế ở góc phòng tòa soạn Một căn phòng trống vắng anh thương mải miết dịch và viết Anh mang theo niền nuối tiếc trong những người khát khao hiểu biết Một niềm thương yêu, kính trọng của những học trò 2 . Hy vọng sau cuộc Tọa đàm lần này thật sự mở ra một giai đoạn mới cho lao động dịch thuật, có một Hội nghề nghiệp cho những người thực sự yêu nghề, gắn bó với nghề, coi trọng, chứ không phải chỉ là cái sân chơi dựa dẫm tập làm văn, làm thơ kiếm chác thêm chút danh, chút lợi. Thúy Toàn
------------ 1 Xem Văn nghệ số 43. 24/10/1998 2 Nguyễn Vĩnh (Ngô Vinh Viễn, 1924 – 22/1/1994) Báo Văn nghệ số 32. 22/1/1994
Phụ bản II Tiếng Không Gian Mặc biển cả thét gào rung dĩ vãng Mặc vầng trăng tàn úa đến mềm môi Nụ hôn cũ dịu dàng hay thác loạn Ta hững hờ bỏ mặc tháng ngày trôi Ta thầm khóc giữa cơn mơ dữ dội Nghe trái tim vỡ nát cõi vô thường Ta thèm khát niềm đau đầy tội lỗi Hơi thở tàn u uất đến tang thương
Ta tự hỏi: phải chăng là định mệnh Tự cội nguồn day dứt nẻo hoang vu Tình đã chết khi mùa đông chợt đến Vườn địa đàng luyến tiếc giọt sương thu Gió xoa dịu nỗi giận hờn phi lý Sóng miên man ve vuốt ngón chân trần Ta ngây dại dấn thân vào mộng mị Ngút ngàn xa xôi cánh trắng thiên thần
Ngàn Phương Cảm đề thơ Nguyễn Mậu Lãm Mơ gặp Tri Âm Ánh TRĂNG bàng bạc nhủ mơ Phủ LÊN vạn vật xóa mờ chiêm bao Gió DỪNG bước gợn bờ ao Bướm vàng LẠI lượn ngọt ngào hương xưa Mai SAU tình thắm duyên ưa Bên VƯỜN kỷ niệm thơ chưa nhạt nhòa DỪA nghiêng soi bóng thiết tha Hàng CAU trắng vẫn mặn mà thủy chung Âm thầm TỎA nỗi nhớ nhung BÓNG ai xa khuất lắng chùng chơi vơi LONG chân thật ngút ngàn khơi Tơ VƯƠNG ấp ủ vạn lời yêu thương VẤN vương _ vương vấn trăm đường TÌNH ta ngàn kiếp đơn phương ngậm ngùi. Ngàn Phương Một thoáng Quảng Bình Núi rừng đất biển rộng bao la Ngói đỏ rêu xanh phủ mái nhà Đảo Yến thênh thang trời Quãng Trạch Kẻ Bàng huyền ảo động Phong Nha Rộn ràng Nhật Lệ bao trìu mến Khoan nhặt Cảnh Dương vẫn đậm đà Nhớ chuyến phà sông Gianh lịch sử Một thời khói lửa đã lùi xa Chữ Đồng Minh Quảng Bình…nhớ em Họa vận vào thơ MỘT THOÁNG QUÃNG BÌNH Một miền phong cảnh đẹp bao la Cổ tích Đèo Ngang rợ mấy nhà Lướt gió qua đồng quê Lệ Thủy Bơi thuyền đến cửa động Phong Nha Nụ cười Nhật Lệ hồn lưu luyến Tà áo Kiên Giang dáng điệu đà Trễ hẹn hàng dương xanh giận dỗi Tặng cành hoa bún chẳng lìa xa Kỳ Nam
Trôi Dạt Ra đi độ ấy mùa Thu chết Trôi dạt phương trời gánh ưu tư Tha phương phiền muộn thân lưu lạc Đất lạ đâu ngờ níu chân Ta Vọng nhớ quê hương bè bạn cũ Bà con thân quyến luống ngậm ngùi Rối bời tâm sự hồn chất nặng Phũ phàng giông bão bao dâu bể Đất lành hoài mộng mãi an vui Vũ Thùy Hương Ngẫn Ngơ Thân đơn lạc lỏng bơ vơ Thâu đêm suốt sáng bơ phờ Mẹ ơi Ngẫn ngơ tâm trạng rối bời Tha phương phận bạc than ôi u hoài Rối bời trĩu nặng bờ vai Lòng nghe hoang vắng: ước mai xuân hồng Vũ Thùy Hương Còn Đâu Anh đi độ ấy hay chăng Vợ Con trần thế vẫn hằng ước ao Nương về dĩ vãng đẹp sao Gia đình sum họp biết bao mặn nồng Mơ màng đời mãi hanh thông Ngỡ ngàng giông bão sắc hồng còn đâu! Dẫu cho luôn mãi nguyện cầu Mẹ Cha Anh Chị lệ sầu cách chia Tên Chồng khắc dấu Mộ Bia Ôi sao da diết phong ba rối bời Làm sao diễn tả bằng lời Tháng năm lẻ bóng người nơi phương nào Nén nhang van vái Trời cao Tiêu Dao Tiên Cảnh ngạt ngào khói hương Kim Long – Thiên Mụ vấn vương Thuận An – Vỹ Dạ mãi nương mộng về Người đi kẻ ở tái tê Chạnh lòng vọng tưởng cõi mê não nề Vũ Thùy Hương Ly Biệt Sáng nay Trời thật âm u Nén Nhangtưởng niệm nghìn Thu xa rồi Mẹ Cha Anh Chị… bồi hồi Ngày đêm vọng tưởng không thôi u hoài Con thân lẻ bóng lạc loài Rưng rưng quê cũ cho dài niềm đau Điệu buồn lắm nổi bể dâu Người đi – kẻ ở ôm sầu tái tê Vũ Thùy Hương Xế Chiều Giao Hảo Tình Huynh Tỷ Muội đong đầy Giao lưu chúc tụng vui vầy biết bao Bên nhau long thấy nao nao Ngậm ngùi đàm đạo tuổi cao thế mà Ôi sao tình nghĩa thiết tha Xế chiều giao hảo phương xa mộng về Quên đi nghiệt ngã ủ ê Nâng ly cạn chén tái tê xa rời Bàn tròn ngẫu hứng thành lời Để quên… quên hết… trường đời gian nan Vũ Thùy Hương Huế ơi! Mãi Nhớ Đã lâu về lại quê hương Trải lòng lưu dấu yêu thương dạt dào Cố đô sao mãi lao đao Mậu Thân Sáu Tám! Làm sao với sầu! Bao đêm trằn trọc canh thâu Người đi! Kẻ ở! Đã lâu mộng hoài Ngậm ngùi xa cách năm dài Hành trình chân mỏi! Miệt mài phương xa Bao lần nhớ quá muốn ra Rối bời tâm sự: Vườn! Nhà! Tang hoang Vọng trong hồi tưởng bẽ bàng Nỗi buồn nhức buốt! Mộng vàng còn đâu? Bảy lăm nghịch cảnh bể dâu Sao nghe hoang vắng hiểm sâu chạnh lòng Bà con – bè bạn trông mong Bên nhau nối lại ngược dòng thời gian Thơ ca – đàn hát ngân vang Ngất ngư cảm xúc ngỡ ngàng biết bao Sài Gòn đô hội lao đao Tha phương hồi tưởng hanh hao thân gầy Vũ Thùy Hương Việt Nam yêu quý Con tem bưu chính đẹp xinh Gắn thêm chữ S dáng hình Việt Nam Việt Nam hai tiếng dịu dàng Khắc sâu ký ức chứa chan nhân tình Hoa văn muôn sắc lung linh Bức tranh thủy mặc in hình Việt Nam Nước non hùng vĩ quan san Quyện hồn Tổ Quốc muôn vàn thân thương Dáng hình bóng mẹ ruộng vườn Nỗi niềm lưu luyến vấn vương ân tình Bờ tre bến nước mái đình Cây đa cổ thụ địa linh đỉnh vòng Lời ru tiếng sáo tiếng đàn Việt Nam hai tiếng muôn vàn thiêng liêng Trường Sơn biển đảo mọi miền Việt Nam yêu quý trường thiên cõi bờ Lương Văn Nhung Sài Gòn bay xa Sài Gòn đại lộ Đông Tây Phương rồng sải cánh cao bay dặm đường Bắc cầu Phú Mỹ vượt sông Sài Gòn hoa gấm khắp cùng bao la Lại thêm cầu vượt đi qua Đường hầm ngoạn ngục thướt tha rồng vàng Nhà Rồng, Bến Nghé nhìn sang Thủ Thiêm phố mới khang trang thị thành Rồng bay lượn phố biếc xanh Sài Gòn sao ánh lộng hình nước non Rạng tên thành phố vàng son Xứng danh Hòn Ngọc Viễn Đông đẹp giàu Nối dài mơ ước bay cao Nước non rạng rỡ tự hào vẻ vang Sài Gòn vang mãi chuông vàng Thiên trang sử mới tiếng vang đời đời Đinh Thị Diệu Hãy Đồng Lòng Thời dịch bệnh Cô-rô-na Thách thức sinh tử hiểu ra nhiều điều Mới xuất chỉ có một “chiêu” Xã hội bỗng trở thành siêu công bằng Dịch bệnh thời đã bao trùm Nguy cơ nhiễm bệnh chưa dừng lại đâu Xáo trộn kinh tế toàn cầu Đều chịu ảnh hưởng có đâu miễn trừ
Hiểu rồi thế giới động lòng Tìm cách diệt dịch mới mong an toàn Hiểu rồi sẽ biết bất công Hãy lo cuộc sống cộng đồng thì hơn Lê Minh Chử Tình Khúc Hoàng Lan Chiều dâng lên Nhìn em xinh tươi lòng phơi phới Bản Tình ca Em hat đắm say Làm tim anh ngất ngây Hoàng Lan em rực rỡ xinh tươi Mùa Xuân em đã có trong tôi yêu thương dâng đầy Phùng Chí Tâm TIỀN TIỀN là giấy bạc để phòng thân TIỀN góp làm đau kẻ khổ bần TIỀN của nuôi người luôn thận trọng TIỀN tham nhũng những kẻ phù vân TIỀN mua chức vụ ham danh lợi TIỀN giúp khó khăn tạo phước ân TIỀN bọn cho vay thường xảo trá TIỀN tài ý nghĩa đẹp vàng cân K.H Quang Bỉnh 2020 THƠ HỌA (Bùi Hoài Thanh) Thời nay bảy chín quá tình ơi Vi rút đi qua đẩy khứ hồi Thể dục cơ nguôi luôn tập luyện Tìm nơi bến đậu khỏi chèo bơi Thơ hay sáng tác vài câu cổ Bản văn cải lương ca hát chơi Soạn giả tơ tằm luôn nhả nhạc Tình yêu nghệ thuật suốt dòng đời K.H Quang Bỉnh 0907089929 BẠN THƠ Bầu trời gió mát mây bay Bạn bè tụ họp bắt tay vui chào Cùng nhau ta thưởng thức thơ Chum trà thơm ngát đến giờ thâm giao Bên ngoài ánh sáng chiếu vào Nhìn lên trời rộng với bao nghĩa tình Sáng trong lạc bộ thơ mình Đường thi lục bát chương trình ca ngâm Bạn hữu có xa người gần Hàng tuần mỗi tháng chuyên cần tham gia Thủy chung tình cảm đậm đà Dòng thơ bay bướm mặn mà đổi trao Dù tuổi tác có khác nhau Anh em thi hữu kết giao bạn hiền K.H Quang Bỉnh 0907089929 Mưa Tháng Sáu Nhớ về H. "Anh nhớ suốt đời mưa tháng sáu" (thơ Nguyên.Sa)
Bao năm rồi những mùa mưa tháng sáu Làm sao quên đường ướt ngỏ đi về Anh chợt đến đôi mình che chung áo Ấm lòng nhau dù mưa mãi lê thê Có bao giờ anh tìm thăm chốn cũ Trời mưa mau mây xám cũng giăng đầy Em tình cờ ngang qua hàng cây phủ Tháng sáu buồn gợi thương nhớ trên tay Anh bây giờ phương trời nào diệu viễn Em nơi nầy ôn lại kỷ niệm xưa Đời giông bão biết đâu là dâu biển Từng đêm sâu ghi dấu mấy âm thừa Người đã quên bấy nhiêu ngày tươi đẹp Xót xa mình trăn trở lắm hư hao Tình yêu đó như bóng mờ eo hẹp "Em vẫn nhớ suốt đời mưa tháng sáu" Hoài Ly 01/07/2020
CHÍN CÂU NÓI ĐÁNG SUY NGẪM 1. Cầu nguyện không phải là "bánh xe dự phòng" để lấy ra khi gặp khó khăn, nhưng là "tay lái" để lái đi đúng đường suốt cuộc tạm hành trên trái đất nầy. 2. Tại sao xe hơi có KIẾNG TRƯỚC lớn hơn nhiều so với KIẾNG CHIẾU HẬU? Vì QUÁ KHỨ của chúng ta không quan trọng so với TƯƠNG LAI. Vậy, hãy nhìn thẳng phía trước và đi tới. 3. Tình bạn như một QUYỂN SÁCH. Chỉ cần vài phút để đốt đi, nhưng cần vài năm để viết. 4. Tất cả những điều mình có trong đời sống nầy đều tạm bợ. Nếu được hạnh thông, hãy vui hưởng, vì nó sẽ chóng qua. Nếu không thuận lợi, cũng đừng lo lắng, vì nó cũng sẽ không kéo dài. 5. Thường khi ta mất hy vọng và nghĩ đây là đoạn cuối đường, THƯỢNG ĐẾ ở trên cao cười và nói: “Hãy thư giãn, con yêu của ta, đó chỉ là khúc quanh, chứ không phải là đường cùng.” 6. Khi Thượng Đế giải quyết những vấn đề của ta, ta đặt niềm tin nơi Ngài. Khi Thượng Đế không giải quyết những vấn đề của ta, Ngài đặt niềm tin vào khả năng của ta. 7. Một người mù hỏi thánh Anthony: "Có thể còn điều nào khổ hơn là bị mù không?” Thánh trả lời: "Có, lúc ngươi mất định hướng!" 8. Khi chúng ta cầu nguyện cho người khác, Thượng Đế lắng nghe và ban phước cho người đó, và đôi khi chúng ta bình an, hạnh phúc, hãy nhớ rằng một người nào đó đã cầu nguyện cho ta. 9. Sự LO LẮNG không dẹp bỏ được sự KHÓ KHĂN ngày mai. Nhưng nó lấy đi sự BÌNH AN của hiện tại.... VÀ THÊM MƯỜI LĂM ĐIỀU ĐÁNG SUY NGẪM TRONG CUỘC SỐNG
Danh vọng, địa vị, sự thành công và sự giàu có thường có khuynh hướng gia tăng cái tôi của người ta. Vì vậy, người ta sẽ lạc lối, giống như người lạc đường không thể về nhà được. Ai chứa đầy kiến thức thì điếc trước lời phải trái. Khi hai người tranh luận, một người thường đưa cái biết của mình vào. Cho nên rút lại chỉ nghe thấy tiếng của mình mà không học thêm được gì cả. 1. Sống trong hiện tại Phật hỏi đệ tử: - Cuộc sống người ta được bao nhiêu? Các đệ tử thay nhau trả lời: - 80 năm. - Sai. - 70 năm. - Còn sai. - 60 năm. - Sai. - Vậy người ta sống bao lâu? Phật mỉm cười đáp - Đời người chỉ thuộc trong vòng hơi thở. Lời bình: Đừng ỷ vào quá khứ và cái sắp tới, hãy sống với thực tại. 2. Sau khi chết người ta đi về đâu? Hoàng đế Goyozer đang học thiền với thiền sư Gudo Toshoku. - Bạch thầy, sau khi chết, người ta đi đâu? - Tôi không biết. - Tại sao thầy không biết? - Vì tôi chưa chết. - ??? Lời bình: Khi sống, con người nên thưởng thức những vẻ đẹp và bí ẩn của cuộc sống theo cái nhiều người sống. Không cần quan tâm đến thế giới sau khi chết. Hãy sống trọn hôm nay, đừng lo ngày mai vì chuyện ngày mai thì mai mới xảy ra. 3. Định mệnh nằm trong bàn tay Thời xưa, có vị tướng quyết tấn công địch dẫu quân địch mạnh hơn gấp nhiều lần. Trên đường tiến quân, ông dừng chân ở một đền thờ cầu nguyện, xin giúp đỡ. Sau đó, ông rút ra một đồng xu và nói lớn với quân sĩ: - Bây giờ, ta sẽ lấy đồng xu để xin keo. Nếu là sấp, quân ta sẽ thắng còn ngửa thì quân ta sẽ bại. Chúng ta phó mặc mạng sống cho định mệnh. Đồng xu bay lên, xoay mấy vòng và rơi xuống đất. - Sấp rồi ! Chúng ta sẽ thắng ! Hãy xông lên chà nát quân thù ! – Ba quân reo hò phấn khởi. Sau trận chiến, toàn bộ quân địch hùng hậu đông đảo bị đánh bại hoàn toàn. Vị phó tướng vui vẻ nói với tướng quân: - Không ai có thể thay đổi được bàn tay định mệnh. Tướng quân chỉ mỉm cười không đáp. Ông xoè tay đưa đồng tiền ra. Cả hai mặt đồng xu đều là mặt sấp. Lời bình: Nhân Quả rất công bằng đối với tất cả mọi người, không thiên vị dành riêng cho ai. Sự giúp đỡ duy nhất mà bạn có được là chính bản thân bạn !!! 4. Con sóng nhận thức
Nhìn thấy một con sóng cao lớn bên cạnh, con sóng nhỏ tỏ ra bực mình: - Bực ghê. Sóng kia lớn quá, sao ta bé tí. Chúng mạnh mẽ xiết bao sao ta yếu đuối thế này. Con sóng to cười đáp: – Đó là vì không nhận ra gốc gác của mình mà bạn buồn bực thế. - Tôi không là sóng thế là gì? - Sóng chỉ là hình thức tạm thời trong bản chất của bạn. Kỳ thực bạn là nước. Một khi nhận ra bản chất của chính mình là nước, bạn sẽ không còn ấm ức với cái vỏ sóng này và không còn buồn bực gì nữa. Con sóng nhỏ hiểu ra, cười vui vẻ: - À, bây giờ thì tôi hiểu. Bạn và tôi tuy hai mà một. Lời bình: Con người cho rằng “ngã” là ta nên xảy ra phân biệt ta và người mà buồn khổ. Thực ra loài người được cấu tạo cùng một bản chất trong thiên nhiên bao la. 5. Thiên đường địa ngục
Một vị tướng quân đến gặp thiền sư Ekaku hỏi: - Bạch thầy, thiên đường hay địa ngục có thật hay không? - Thế ngài là ai? - Tôi là tướng quân. Bất ngờ, thiền sư cười lớn: - A ha! Thằng ngốc nào cho ông làm tướng vậy, trông ông giống anh hàng thịt. Tướng quân nổi giận, rút gươm: - Tao băm xác mi ra !!! Thiền sư vẫn điềm tĩnh: - Này là mở cửa địa ngục. Chợt giác ngộ, vị tướng sụp xuống lạy: - Xin… xin thầy tha lỗi cho cử chỉ thô bạo vừa rồi của tôi. - Này là mở cửa thiên đường – thiền sư Ekaku mỉm cười. Lời bình: Thiên đường, địa ngục không phải là chỗ con người tới sau khi chết mà nó ở đây và bây giờ! Lành, dữ đều do tư tưởng. Cửa thiên đường địa ngục mở ra bất cứ lúc nào. 6. Thiên đàng địa ngục đều do tâm tạo Có một bà lão biệt danh “mụ già hay khóc“. Trời mưa, mụ cũng khóc, trời không mưa mụ cũng khóc. Có người hỏi bà: - Bà lão ơi, sao bà lại khóc? - Tôi có hai con gái, cô chị bán giày vải, cô em bán dù. Khi trời nắng ráo, lão nghĩ tới con em bán dù không được. Khi trời mưa, lão lại lo cho con chị, mưa gió không có khách nào chịu mua giày. - Lão nên nghĩ rằng khi trời đẹp đứa lớn sẽ bán được, khi trời mưa đứa nhỏ bán dù rất chạy. - À, ông có lý. Từ đó, “mụ già hay khóc” thôi khóc. Bà lão cười suốt ngày dù trời mưa hay nắng. Lời bình: Một điều lợi hay bất lợi sẽ tuỳ thuộc vào cách nhìn, cách suy nghĩ của bạn. 7. Phật tại gia Yangpu về tỉnh Sichuan định tâm tìm kiếm Bồ Tát. Trên đường đi, Yangpu gặp một nhà sư. Nhà sư hỏi: - Cậu đi đâu đấy? - Tôi đi cầu Bồ Tát. - Bồ Tát ở xa, chi bằng đi tìm Phật có hơn không? - Tìm Phật ở đâu bây giờ? - Khi cậu về nhà, thấy người đón cậu trên mình khoác cái mền, chân xỏ dép trái, đó chính là Phật. Theo lời, cậu về nhà thì trời đã khuya. Mẹ cậu nghe con gọi cửa mừng quá vội khoác mền lên người, xỏ dép trái. Bà chạy ào ra mở cửa và khi Yangpu thấy mẹ mình như vậy thì đứng chết lặng. Lời bình: Người ta tìm chân lý nhưng điều cần là thực thi ngay trong lòng, không thì khó mà gặp được. 8. Ngón tay chỉ mặt trăng Sư Wu Jincang hỏi Lục Tổ Huệ Năng: - Con đọc kinh Đại Bát Niết Bàn bao năm rồi mà vẫn chưa hiểu. Xin tổ sư soi sáng cho. Lục Tổ Huệ Năng cầm quyển kinh đưa cho ni sư, nói: - Ta không đọc được chữ, con hãy đọc, ta sẽ giúp con hiểu. - Tổ không đọc chữ sao ngài hiểu thông nghĩa được? – Jincang rất ngạc nhiên. Lục Tổ Huệ Năng thủng thỉnh đáp: - Chân lý không dựa vào chữ nghĩa. Nó giống như trăng soi trên trời. Trong trường hợp này, chữ nghĩa giống như ngón tay trỏ vậy. Ngón tay chỉ trăng mà nó không phải là trăng. Xem trăng có cần ngón chỉ không? Lời bình: Ngôn ngữ văn tự đều là biểu tượng diễn chân lý. Đừng lầm chữ nghĩa với chân lý như đã lầm ngón tay với mặt trăng. 9. Ai đó
Kitagaki, thống đốc bang Kyoto, đến viếng đền Tofuku để thăm Keichu – vị sư trưởng đền này. Đệ tử của Keichu vào báo: - Kitagaki, thống đốc Kyoto muốn diện kiến thầy. - Ta không biết thống đốc nào cả – Sư trưởng trả lời. Đệ tử chạy ra nói với Kitagaki: - Thầy tôi yêu cầu ngài lui gót vì không quen thống đốc nào cả. Kitagaki hiểu ra: - Nếu vậy, hãy báo với thầy anh có Kitagaki muốn diện kiến. - Để tôi thử lần nữa. Lần này, sư trưởng ra đón tận nơi: - Ồ, Kitagaki đấy à. Mời vào nhà. Lời bình: Danh vọng, địa vị, sự thành công và sự giàu có thường có khuynh hướng gia tăng cái tôi của người ta. Vì vậy, người ta sẽ lạc lối, giống như người lạc đường không thể về nhà được. 10. Càng vội càng chậm
Một thanh niên nọ lên núi tìm kiếm sĩ lừng danh để học kiếm thuật. Anh ta hỏi vị sư phụ: - Thưa thầy, nếu con luyện tập chuyên cần thì phải bao lâu mới thành kiếm sư? - Có lẽ 10 năm. - Cha con đã già rồi và con phải chăm sóc ông. Nếu con luyện tập chuyên cần hơn nữa thì mất bao lâu? Lặng yên suy tư một lúc, vị sư phụ đáp: - Trường hợp này có lẽ phải 30 năm. Anh thanh niên không giấu được vẻ nôn nóng: - Trước thầy bảo 10 năm, bây giờ 30 năm. Con sẽ vượt qua mọi trở lực để nắm vững kiếm thuật với thời gian ngắn nhất. - Thế thì anh cần phải ở lại đây 70 năm – Vị sư phụ mỉm cười. Lời bình: Những người quá nóng nảy muốn đạt đến kết quả thì hiếm khi thành công. 11. Đèn đã tắt Một anh mù đến từ giã bạn mình. Người bạn cho anh một cây đèn lồng. Anh mù cười hỏi: - Tôi đâu cần đèn lồng. Với tôi, sáng hay tối có gì khác. - Tôi biết. Nhưng nếu không mang nó theo, trong bóng tối người khác có thể đụng vào anh. - Ồ, vậy thì được. Đi được một đoạn, bất ngờ anh mù bị một người đâm sầm vào. Bực mình, anh ta quát: - Bộ không thấy đèn hả? - Đèn của ông đã tắt từ lâu rồi mà. Lời bình: Người nào dùng lời kẻ khác để dạy người có thể giống anh mù này. Đèn đã tắt từ lâu, tuy nhiên anh ta không biết điều đó. 12. Bình thường tâm
- Bạch thầy, sống theo Đạo một cách siêng năng là thế nào? - Khi đói hãy ăn, khi mệt hãy ngủ. - Đó là những điều mà mọi người thường làm mà? - Không, không ! Hầu hết mọi người đều không làm như vậy. Khi ăn, mọi người đầy những suy tư, ao ước và khi ngủ lại đầy những lo toan. Lời bình: Có bao nhiêu người mà mỗi sáng thức dậy mà đầu óc không bận bịu những chuyện quá khứ? Con người phải vứt bỏ những điều nguy đã gây ra bão tố nội tâm và sống theo bản chất nguyên thuỷ của họ vì Đạo nằm ngay trong đời sống hằng ngày. 13. Thiền trong chén trà
Vị giáo sư đại học đến gặp thiền sư Nan In để tìm hiểu Thiền. Nan In mời ông uống trà. Nan In rót đầy chén trà rồi mà cứ thế rót thêm. Giáo sư nhắc: - Kìa thầy, chung trà đầy tràn rồi, xin đừng rót nữa. Nan In cười đáp: - Như chung trà này, ông cũng đầy ắp những quan niệm của ông. Nếu trước tiên, ông không cạn chén thì sao tôi có thể bày tỏ Thiền cho ông được. Lời bình: Ai chứa đầy kiến thức thì điếc trước lời phải trái. Khi hai người tranh luận, một người thường đưa cái biết của mình vào. Cho nên rút lại chỉ nghe thấy tiếng của mình mà không học thêm được gì cả. 14. Con quỷ bên trong
Nhà sư nọ mỗi khi bắt đầu nhập định đều thấy một con nhện khổng lồ làm ông bối rối. Nhà sư liền vấn ý sư Tổ: - Mỗi khi con bắt đầu nhập định thì luôn có một con nhện khổng lồ xuất hiện, dẫu có đuổi thế nào nó cũng không đi. -Lần tới, nếu thấy con nhện xuất hiện, con hãy vẽ một vòng tròn to làm dấu xem nó từ đâu đến. Nhà sư làm đúng như vậy. Khi ông vẽ vòng tròn to vào bụng con nhện, con nhện chạy đi, ông lại có thể tiếp tục thiền định. Sau buổi thiền định, nhà sư rất bối rối khi thấy vòng tròn nằm ngay trên bụng mình. Lời bình: Trong cuộc sống, con người gặp phải nhiều xáo trộn và âu lo, phiền nhiễu. Nhưng âu lo tệ nhất thường là từ chính bản thân mình mà ra. 15. Đích tới có một đường đi không cùng
Một tăng đồ hỏi Thiền sư Baling Haojian: - Nghĩa lý của sư tổ và ý nghĩa của giáo lý có gì giống và có gì khác nhau? - Khi vịt lạnh, chúng lội xuống nước. Khi gà lạnh chúng đậu trên cây. Lời bình: Lạnh vẫn lạnh nhưng phương thức tránh lạnh lại khác nhau. Cùng một mục tiêu nhưng mỗi loài lại có cách riêng của chúng. Để đạt mục tiêu không chỉ có một con đường, không phải ai cũng đi theo một con đường. Hãy khéo chọn Hoàng Kim Thư st. Không nên ăn vào ban đêm - Nên ăn trước 19 giờ (Nếu ăn đêm, sau khi ăn đi ngủ ngay dễ bị trào ngược dạ dày, có thể gây bệnh tiểu đường, huyết áp.) - Nếu thức khuya, thấy đói có thể ăn các thứ sau đây: yến mạch, bánh quy, phô mai, sữa chua không đường, trứng, chuối chấm bơ không đường, hạnh nhân; các loại ngũ cốc nóng; quả kiwi (2 quả) làm dễ ngủ. Không nên ăn đêm các thứ sau đây: mì, trái cây như cam, quýt (làm tăng axit trong dạ dày; thịt đỏ, khoai tây, đậu bắp, thực phẩm cay. - Vào ban đêm để dạ dày được nghỉ ngơi. Niêm mạc dạ dày thường được tái tạo vào ban đêm. Ăn đêm còn làm tăng cân, gây béo phì. Quan Thúy Mai Sưu tầm ở Youtube **** Con chim trong bàn tay Người Ba Tư có kể câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Ngày xưa, tại quảng trường của một thành phố nọ, có một nhà hiền triết xuất hiện và tuyên bố giải đáp được tất cả mọi thắc mắc của bất cứ ai đến vấn kế. Một hôm, giữa đám người đang say mê lắng nghe nhà hiền triết, có một mục tử từ trên núi cao đến. Nghe tiếng đồn về sự thông thái và khôn ngoan của nhà hiền triết, anh muốn chứng kiến tận mắt, nghe tận tai và nhất là để hạ nhục nhà hiền triết giữa đám đông. Anh tiến đến gần nhà hiền triết, trong tay bóp chặt một con chim nhỏ. Anh đặt câu hỏi như sau: "Thưa ngài, trong tay tôi có cầm một con chim. Ngài là bậc thông thái biết được mọi sự. Xin ngài nói cho tôi biết con chim tôi đang cầm trong tay sống hay chết?". Nhà hiền triết biết đây là một cái bẫy mà người mục tử tinh ranh đang giăng ra. Nếu ông bảo rằng con chim đang còn sống, thì tức khắc người mục tử sẽ bóp cho nó chết trước khi mở bàn tay ra. Còn nếu ông bảo rằng con chim đã chết thì lập tức con người khôn manh ấy sẽ mở bàn tay ra và con chim sẽ bay đi. Sau một hồi thinh lặng, trước sự chờ đợi hồi hộp của đám đông, nhà hiền triết mới trả lời như sau: "Con chim mà ngươi đang cầm trong tay ấy sống hay chết là tùy ở ngươi. Nếu ngươi muốn cho nó sống thì nó sống, nếu ngươi muốn cho nó chết thì nó chết". Ai trong chúng ta cũng khao khát hạnh phúc. Ai trong chúng ta cũng mong ước được cuộc sống an bình, vui tươi. Nhưng lắm khi chúng ta chạy theo chiếc bóng mờ ảo của hạnh phúc hơn là hưởng nếm hương vị chính hạnh phúc đang trong tầm tay của chúng ta. Hạnh phúc ấy còn hay mất tùy ở mỗi người chúng ta, tùy sự hiểu biết và cách cư xử trong cuộc sống hàng ngày với tất cả mọi người chung quanh. Chúng ta được hạnh phúc, chúng ta được an bình hay không là do chính chúng ta quyết định, không do bất cứ ai, bất cứ thánh thần thiên địa nào ban cho. - Tại sao vậy? - Bởi vì, nếu thực có đấng nào đó có quyền năng ban phước cho - tại sao không ban cho ai khác, lại ban cho mình. Mình có xứng đáng được hưởng hơn người khác chăng? Suy nghĩ ban phước cho chính mình như vậy, chỉ vì cái bản ngã, ích kỷ, không vị tha, làm sao có được hạnh phúc? Hạnh phúc đích thực của chúng ta, niềm vui đích thực của chúng ta chính là chúng ta quên mình vì người, cứu đời giúp người, dù cho hoàn cảnh thế nào vẫn cảm thấy an bình, hạnh phúc. Ý thức được sự xả kỷ vị tha, quên mình vì người trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta sẽ có được niềm vui hạnh phúc đích thực do chính mình quyết định, chính mình làm chủ, không làm nô lệ. BTT.PHTQ.CANADA Bùi Đẹp - Lâm Quang Hiệp St.
Phụ bản III MƯỜI ĐIỂM ĐẾN ĐẶC BIỆT TRÊN THẾ GIỚI 1. Nhà đá, Bồ Đào Nha Ngôi nhà kỳ lạ này nằm trong dãy núi Fafe của đất nước Bồ Đào Nha xinh đẹp được xây dựng giữa hai tảng đá khổng lồ được cho là lấy cảm hứng từ bộ phim hoạt hình nổi tiếng American Flintstones. Mặc dù đây là một ngôi nhà với hình dáng dị thường nhưng nó vẫn có một số thành phần truyền thống như cửa sổ, cửa ra vào, mái nhà. Hằng năm, tại đây thu hút hàng ngàn lượt du khách tò mò đến chiêm ngưỡng tận mắt ngôi nhà đá. 2. Cầu đường sắt (Landwasser Viaduct), Thụy Sĩ Nằm giữa Thusis và St. Moritz, cầu cạn Landwasser được xây dựng đầy ngoạn mục trên 63km chiều dài của tuyến đường sắt Albula. Cây cầu có chiều dài 142m, cao 65m được xây bằng đá vôi tự nhiên uốn lượn trên thung lũng Landwasser và đi qua một đường hầm xuyên núi đá. Việc xây dựng các trụ cột chính của cây cầu từ năm 1901 đến 1902 được coi là kỳ công kiến trúc thời đó. Sau 106 năm, người ta mới phải tu sửa nó lần đầu tiên. Tuyến đường sắt này đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2008. Đây cũng là một trong ba tuyến đường sắt đầu tiên trên thế giới. 3. Stonehenge, Anh Là biểu tượng bí ẩn của thời tiền sử nằm phía bắc Salisbury, Stonehenge được xây dựng cách đây khoảng 5.000 năm bởi những người Anh cổ đại. Vì sao con người cổ đại lại xây dựng nó, mục đích của nó là gì vẫn tiếp tục là một bí ẩn cho đến tận ngày nay. Phiến đá lớn nhất có chiều cao 9m với cân nặng lên đến 25 tấn. Các nhà khoa học cho rằng những phiến đá này được đưa đến từ Marlborough Downs với một quãng đường 32km. Và hầu hết những phiến đá nhỏ hơn (nặng 4 tấn) được gọi là đá xanh (có màu xanh khi bị ngấm nước hoặc do những vết nứt tạo ra), được đưa đến từ Hills Preseli nằm phía tây Xứ Wales với một quãng đường lên tới 250km. Cho đến tận bây giờ người ta vẫn tiếp tục tranh cãi quanh việc người cổ đại với phương tiện thô sơ đã làm thế nào để di chuyển những khối đá khổng lồ trên một quãng đường dài như thế. 4. Đền Wat Samphran, Thái Lan Ấn tượng đầu tiên của Wat Samphran làm du khách dễ bị nhầm lẫn với kiến trúc của Disneyland. Nhưng đây là một ngôi đền độc đáo rất ít du khách biết tới, bởi nó thường bị loại trừ khỏi danh sách điểm đến của các hướng dẫn viên. Ngôi đền này không giống bất kỳ một ngôi đền nào tại Thái Lan với 17 tầng và một con rồng khổng lồ uốn mình ôm trọn tới đỉnh. Lối vào Wat Samphran khá nhỏ, bạn sẽ khá khó khăn để tìm lối vào đền. Khi đã vào bên trong bạn sẽ được chiêm ngưỡng nhiều bức tượng đồng tuyệt vời, bao gồm cả một con rùa khổng lồ. Để bảo đảm ngôi đền được nguyên vẹn và gìn giữ được sự linh thiêng, một số nơi trong đền không mở cửa cho khách tham quan. 5. Cầu Moses, Hà Lan Trong kinh thánh Moses đã làm phép rẽ nước đi bộ xuyên qua biển Đỏ, và cây cầu này phần nào đã giúp con người làm được điều thần kỳ đó. Cầu Moses được hai kiến trúc sư Ad Kil và Ro Koster xây dựng lại. Ban đầu nó là một đường hào quân sự của người Hà Lan được xây dựng vào thế kỷ 17 nhằm chống trả lại những đợt tấn công của quân Tây Ban Nha và Pháp. Bạn không thể nhìn thấy cây cầu nếu đứng từ xa, vì lẽ đó nó còn được gọi là “cây cầu tàng hình”. Nó được thiết kế cắt ngang mực nước nhưng không bao giờ bị nước tràn vào. 6. Pamukkale, Thổ Nhĩ Kỳ Pamukkale trong tiếng Thổ có nghĩa là “lâu đài bông”, là vùng đất còn hoang sơ thuộc tỉnh Denizli nằm phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những hồ nước nóng có màu xanh tươi sáng trông như thể đang ngự trên tuyết hay những cánh đồng bông trắng. Trên thực tế các hồ nước nóng bậc thang được hình thành từ sự lắng đọng của canxi. Các hồ nước có sức nóng khoảng 95 độ C bao gồm những khoáng chất chữa bệnh. Trước đây nó từng được các vua chúa sử dụng để nghỉ ngơi. 7. Caminito del Rey, Malaga, Tây Ban Nha Được xây trên vách đá cao 100m trên sông El Chorro, chiều ngang chỉ bằng 3,3 lần lòng bàn chân, Caminito del Rey có mệnh danh là đường đi bộ nguy hiểm nhất thế giới. Xây dựng vào năm 1901 và hoàn thành trong khoảng năm năm, ban đầu nó là đường đi cho các công nhân làm việc tại các nhà máy thủy điện tại Chorro Falls và Gaitanejo Falls. Hiện Caminito del Rey buộc phải tạm thời đóng cửa với khách du lịch sau hai vụ tai nạn chết người. Tuy nhiên khu vực này đang được sửa chữa để an toàn hơn, và năm 2015 nó sẽ lại mở cửa đón tiếp các du khách ưa mạo hiểm trên khắp thế giới. 8. Mano Del Desierto, Chile Mano Del Desierto là một kiệt tác điêu khắc khổng lồ của nhà điêu khắc Mario Irarrazabal với hình dáng một bàn tay nằm giữa sa mạc Atacama, Chile. Được hoàn thành vào năm 1992 trên độ cao 1.100m so với mực nước biển, hình ảnh bàn tay giữa sa mạc mênh mông nói lên sự bất công và thể hiện cảm xúc cô đơn, nỗi buồn và sự tổn thương của con người. 9. Grand Prismatic Spring, Wyoming, Mỹ Grand Prismatic Spring thuộc công viên quốc gia Yellowstone là hồ nước nóng lớn nhất tại Mỹ và lớn thứ ba trên thế giới. Nó được các nhà địa chất phát hiện vào năm 1871 và được đặt tên dựa vào những màu sắc nổi bật của mình. Với đường kính khoảng 110m và sâu 35m, vào mùa xuân hồ nước nóng này là một bức tranh sống động đầy màu sắc, kết quả của việc vi khuẩn sắc tố phát triển trên các thảm vi sinh vật xung quanh hồ. Các vi khuẩn sản sinh ra nhiều màu sắc khác nhau phụ thuộc vào tỉ lệ chất diệp lục và nhiệt độ của nước. Vào mùa hè hồ có xu hướng màu cam và đỏ, trong khi mùa đông có màu xanh đậm. 10. Newgrange, Ireland Được xây dựng vào khoảng 3.200 năm trước Công nguyên, trước cả Stonehange và các kim tự tháp Ai Cập, Newgrange là một di tích thời tiền sử ở County Meath, Ireland đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Newgrange trông giống ngôi mộ cổ đại được xây dựng như một gò đất khổng lồ. Tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng nó còn mang trong mình ý nghĩa lớn hơn, “một ngôi đền sẽ phù hợp hơn”. Vào ngày 19 đến 23-12 hằng năm, mặt trời sẽ mọc thẳng hàng với lỗ thông trên mái ngôi đền, cả ngôi đền sẽ được thắp sáng đầy diệu kỳ. Đây là một trong những sự kiện thường niên thu hút hàng ngàn lượt du khách tới Ireland. Tuy nhiên sẽ chỉ có khoảng 20 người được phép vào bên trong ngôi đền. Lệ Ngọc st. Những lời khuyên “vô giá” lúc lâm chung của vị Thầy thuốc Đông y 112 tuổi
Món quà để lại lúc lâm chung của một vị thầy thuốc Đông y cao tuổi, thật quá tuyệt vời! Tổng cộng có 100 điều, mỗi điều đều rất cao thâm, nên cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần, nó sẽ giúp bạn đề cao nhận thức đối với sức khỏe! 1. Hãy nhớ kỹ: Ngủ là yếu tố quan trọng nhất của dưỡng sinh. Thời gian ngủ nên từ 21h đến 3h sáng. Vì thời gian này là mùa Đông trong ngày, mùa đông chủ yếu là ẩn náu, mùa Đông mà không ẩn náu thì mùa Xuân, Hạ sẽ không thể sinh trưởng, sang ngày hôm sau sẽ không có tinh thần. 2. Tất cả các vị thuốc dùng để trị bệnh cho dù là Đông y hay là Tây y đều chỉ là trị phần ngọn, không trị tận gốc. Tại vì tất thảy bệnh tật đều bắt nguồn từ những nguyên nhân sai lầm mà sản sinh ra hậu quả sai lầm. Nguyên nhân sai lầm mà không trừ dứt, thì hậu quả sẽ không thể bỏ tận gốc. Nguồn gốc căn bản của sức khỏe là tại Tâm. Hết thảy Pháp từ Tâm sinh ra. Tâm tịnh thân sẽ tịnh. Vì thế khi bị bệnh rồi, không được hướng ngoại cầu, phải dựa vào hệ thống phục hồi của bản thân để chữa trị bệnh của chính mình. Kỳ thực con người và động vật là giống nhau, bệnh của động vật đều là tự dựa vào bản thân mà tự hồi phục, và con người cũng có khả năng đó. 3. Quan niệm đúng đắn có tác dụng giúp người bệnh tiêu trừ bệnh tật tốt hơn nhiều so với sử dụng biệt dược đắt đỏ và phẫu thuật. Có được quan niệm đúng đắn, bạn sẽ có quyết định đúng đắn, bạn sẽ có hành vi đúng đắn, và bạn sẽ có thể phòng ngừa rất nhiều bệnh tật phát sinh. 4. Con người vốn hội tụ hết thảy Trí Huệ , tuyệt đối không phải là học từ trong sách vở, mà là từ Tâm Chân Thành, Tâm Thanh Tịnh của bản thân, từ trong [thiền] định mà sinh ra. 5. Trong giới sinh vật con người là linh thể có cấu tạo hoàn mỹ nhất, khi con người được sinh ra là đã có một cơ thể khỏe mạnh; sự điều chỉnh trạng thái khỏe mạnh của con người là dựa vào chính hệ thống điều tiết phục hồi của bản thân để hoàn thành, chứ không phải dựa vào nhân tố bên ngoài, các nhân tố bên ngoài chỉ có tác dụng phụ trợ. 6. Đại đa số hiện tượng bệnh tật của con người là hiện tượng biểu hiện khi cơ thể đang điều tiết, thanh lọc những thứ không tốt trong thân thể, là trạng thái biểu hiện ra khi cơ thể tự động điều tiết trở lại trạng thái cân bằng, vì thế chúng ta nên coi đó là hiện tượng sinh lý bình thường, chứ không nên coi đó là căn bệnh để tiêu diệt. Vì vậy khi con người bị bệnh, nhất định không nên có tâm thái oán trách và giận giữ, tâm lý phải ổn định, Tâm định thì Khí sẽ thuận, Khí thuận thì Máu sẽ thông, khi thuận Huyết thông thì trăm bệnh đều sẽ tiêu tán. 7. Sức khỏe của con người không thể xa rời hai nhân tố: 1) Khí Huyết đầy đủ; 2) Kinh Mạch thông suốt (bao gồm huyết quản và đường thông bài tiết những thứ cặn bã). 8. Khí Huyết đầy đủ dựa vào: sự đầy đủ về thức ăn + dịch mật + bắt buộc trong khoảng thời gian (sau khi trời tối đến 1h40 sáng) có thể ngủ ngon giấc (thời gian này đại não hoàn toàn không làm việc, đều do thần kinh thực vật làm chủ đạo) + có thói quen sinh hoạt lành mạnh. 9. Kinh Mạch thông suốt cần: Tâm Thanh Tịnh. Tất thảy thất tình lục dục đều có thể phá hoại tâm thanh tịnh, từ đó phá hoại sự lưu thông bình thường của Kinh Mạch. 10. Duy trì một cơ thể khỏe mạnh khỏe mạnh không chỉ cần “tăng thu” (gia tăng Khí Huyết), mà còn cần “tiết chi” (giảm thiểu sự hao tổn Khí Huyết). 11. Ăn uống quá độ không những không thể gia tăng Khí Huyết, mà còn trở thành những thứ cặn bã mang gánh nặng cho cơ thể, hơn nữa còn bị tiêu hao Khí Huyết để thanh lọc chúng đi. Lục phủ ngũ tạng là một nhà máy chế biến khí huyết, thức ăn là nguyên vật liệu, năng lực chế biến là hữu hạn, còn thức ăn là vô hạn, cho nên số lượng thức ăn nhất thiết phải được khống chế. 12. Vận động thích hợp có thể giúp cho Khí Huyết lưu thông, nhưng đồng thời cũng tiêu hao đi Khí Huyết. Sự tuần hoàn của cơ thể tại vi mô chủ yếu dựa vào trạng thái lỏng và tĩnh mà đạt được, đây cũng là điều không thể thiếu cho một cơ thể khỏe mạnh. 13. Chất cặn bã trong cơ thể càng nhiều sẽ cần càng nhiều Khí Huyết để thanh lọc chúng, nhưng khi chất cặn bã nhiều lên và làm tắc huyết mạch sẽ làm giảm thiểu khí huyết, cái đó sẽ dẫn đến sự tuần hoàn ác tính, cũng chính là cơ lý khiến con người già yếu đi. Vì vậy nếu con người muốn khỏe mạnh không già yếu thì phải: 1) Giảm thiểu chất cặn bã trong cơ thể; 2) Tăng cường sự thông suốt của các đường Kinh Mạch; 3) Tăng cường Khí Huyết trong cơ thể. 14. Tin tưởng vào thuốc, tin tưởng vào số liệu kiểm tra, không bằng tin tưởng vào cảm giác của bản thân, tin tưởng rằng chính mình có đầy đủ năng lực để điều tiết. Nhưng trước hết bạn cần phải là người đắc đạo (trí huệ đã khai mở), mới có thể phân biệt được tất cả những điều này. 15. Sự khỏe mạnh, khởi đầu từ việc điều hòa Tâm Tính. Vì sức khỏe của bạn, bạn hãy tu Phật. Tu Phật đạt được sự vui vẻ đó là sự hưởng thụ tối cao của đời người. 16. Đối với người có bệnh cũ mà nói, chỉ khi có Khí Huyết đầy đủ (một là thông qua phương pháp bổ sung Khí Huyết như đã giới thiệu ở đây, hai là thông qua việc đi tản bộ để đánh thông khí cơ), bệnh tình mới có thể hiển hiện ra. Vì thế người luyện công sau khi công phu đã đạt đến một trình độ nhất định đều xuất hiện một vài hiện tượng “bệnh”. Đến lúc đó phải vững vàng kiên định, Tâm Thần phải tĩnh lại và luyện nhiều tĩnh công hơn để gia tăng Khí Huyết của bản thân, để mau chóng vượt qua giai đoạn này. 17. Con người làm trái với quy luật dưỡng sinh, mặc dù không nhất định sẽ bị bệnh ngay lập tức, nhưng một khi đã hình thành thói quen, liền gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Điều này giống với luật lệ giao thông, bạn vi phạm luật lệ giao thông, không nhất định sẽ xảy ra tai nạn, nhưng tình trạng nguy hiểm là có thể thấy rất rõ ràng. 18. Tại sao con người nhất thiết phải duy trì trạng thái đói khát nhất định thì mới có lợi cho dưỡng sinh? Kỳ thực đây chính là sự vận dụng tuyệt diệu của chữ “Hư”. Đạo gia giảng, Hư thì Linh. Chính cái đó cùng với sự khiêm tốn khiến cho con người tiến bộ, giống như tự mãn khiến con người lạc hậu, vì thế con người nhất thiết phải thường xuyên duy trì trạng thái “hư linh”, mới có thể luôn luôn duy trì sự thanh tịnh, duy trì sự khỏe mạnh. 19. Con người muốn khỏe mạnh, thì nhất định phải làm cho bên trong cơ thể có đầy đủ “Khí” để “Khí Hóa” những thức ăn đi vào. Chỉ có như thế, thì bên trong thân thể bạn mới không tích tụ chất cặn bã, sẽ không có thức ăn thừa bị phóng thích và phân tán “Hư Hỏa” gây tổn hại các cơ quan nội tạng trong cơ thể bạn. Cái “Hư Hỏa” còn làm tổn hại “Khí” của bạn. Vì thế, từ trên ý nghĩa đó có thể thấy, con người hiện đại bị bệnh, đại đa số là do ăn uống không điều độ gây ra. 20. “Nằm lâu hại Khí”, “Ngồi lâu hại Thịt”, “Nhàn hạ ắt Khí ứ đọng”, lại dưỡng tĩnh quá độ, sẽ khiến công năng tiêu hóa của tì vị bị hạ thấp, chức năng của tạng phủ ì trệ, Khí Huyết lưu chuyển ứ tắc không thông thuận, sức đề kháng giảm, khả năng miễn dịch bị tổn hại, lượng đường, mỡ, axit uric, huyết áp tăng cao, dần dần lâu ngày, con người sẽ sinh bệnh, hơn nữa đa phần đều là thân thể yếu nhiều bệnh, ví dụ như cảm mạo thường xuyên, không muốn ăn, thần trí mỏi mệt, sốt ruột căng thẳng v.v… 21. Tục ngữ có câu “Linh cơ nhất động, kế thượng tâm lai” (nhạy bén hễ động, nảy ra sáng kiến). Chữ “cơ” nếu như có thể thực sự hiểu được thấu, thế thì ngộ tính của bạn được tính là đã khai mở rồi. Thầy giáo dạy người, bác sỹ trị bệnh, kỳ thực chính là đang chỉ ra cái “cơ” này của bạn, khiến cái “cơ” này của bạn khai mở. Cái “cơ” này có lúc cũng gọi là “then chốt”. Đương nhiên cái “cơ” này khởi tác dụng là có điều kiện, cũng giống như khí Hidrô chỉ khi đạt đến nồng độ nhất định, thì gặp lửa mới có thể bùng cháy. Hãy nhớ kỹ, tác dụng của người khác đều là nhân tố bên ngoài, bản thân bạn mới thực sự là nguyên nhân bên trong. 22. Kỳ thực, rất nhiều sự phát hiện và phát minh chân chính, điều cần thiết [để sáng tạo ra chúng] không phải là cái gọi là hệ thống kiến thức trên sách vở; mà hoàn toàn ngược lại, một người chưa từng thông qua bất kể sự giáo dục nào một cách hệ thống, nhưng ngộ tính rất cao, là người có tư duy cởi mở, họ thường thực sự ngộ ra được chân tướng. 23. Con người tối kỵ nhất là loạn chữ, loạn tâm, khi đối ngoại có thể làm hỏng việc, đối nội có thể ảnh hưởng đến Khí Huyết, làm mất đi sự hoạt động thông thường. Phàm là khi vui buồn, tức giận, hoài nghi, lo lắng, đều là loạn, là căn nguyên của bệnh tật và đoản thọ, không chỉ khi dưỡng bệnh mới không nên loạn, mà khi bình thường cũng rất kỵ tâm loạn. 24. Giận nhiều hại gan, dâm nhiều hại thận, ăn nhiều hại ruột, ưu tư hại lá lách, phẫn nộ hại gan, sầu muộn hại tinh thần. 25. Khi đổ bệnh, đều do Tâm suy yếu, ngoại tà thừa cơ xâm nhập. Mà khi Tâm yếu Khí nhược, mỗi khi do Tâm Tình hỗn loạn, thân thể không sung mãn, xuất hiện đủ loại bất an, Tham ăn, tham thắng, tham đạt, tham vui an dật, đều đủ để dẫn đến bị bệnh. Khi tham mà không được, thì dễ dẫn đến giận dữ. Hay giận dữ khiến Tâm Khí hỗn loạn, gan mật rối loạn, sáu mạch chấn động, ngũ tạng sôi trào, ngoài tà cùng lúc đó mà thừa cơ xâm nhập, đó là nguyên nhân của bệnh tật. 26. Người thường mong cầu trường thọ, trước tiên phải trừ bệnh. Mong cầu trừ bệnh, phải biết dụng Khí. Muốn biết dụng Khí, trước hết phải dưỡng sinh. Phương pháp dưỡng sinh, trước hết phải Điều Tâm (điều hòa tâm thái). 27. Con người do Khí trong Ngũ Hành mà sinh, nhục thân lấy Khí làm chủ. Khí bị hao tổn ắt sinh bệnh, Khí ứ động không thông cũng sinh bệnh. Muốn trị bệnh này, ắt phải trị Khí trước tiên. 28. Khí để thông Huyết, Huyết để bổ Khí, tuy hai mà như một vậy. Phàm là người nhìn nhiều (sử dụng mắt nhiều) ắt tổn thương Huyết, nằm nhiều tổn thương Khí, ngồi nhiều tổn thương Thịt, đứng nhiều tổn thương Xương, đi nhiều tổn thương Gân, thất tình lục dục quá độ ắt tổn thương Nguyên Khí, hại tới Tâm Thận. Như ngọn lửa cháy mạnh mẽ, bị hao tổn Dương Khí. 29. Trị bệnh về Ngũ Tạng, đầu tiên cần bổ Khí. Thận là cấp bách nhất. Bổ Khí nghiêm cấm động Tâm, động Tâm ắt nóng Gan, các Mạch bị chấn động, Chân Thủy sẽ hao tổn. Tâm bị động, sẽ dẫn khởi Phong. Phong động ắt Hỏa vượng, Hỏa vượng ắt Thủy can, Thủy can ắt Địa tổn. 30. Tâm định Thần nhất, người được chữa bệnh cần tín tâm kiên định chuyên nhất, Lưỡng Tâm tương hợp, có thể trị khỏi bách bệnh, không cần dùng thần dược. 31. Bệnh của con người có thể chia thành 2 loại: một là Kinh Lạc cơ bản thông suốt nhưng Khí không đủ. Biểu hiện là thường xuyên đau chỗ này chỗ kia, đó là vì Khí của anh ta không đủ để Khí Hóa thức ăn, từ đó sản sinh ra Tương Hỏa (cũng gọi là Hư Hỏa), thuận theo Kinh Lạc di chuyển hỗn loạn trong thân thể, chỗ nào thông thì chạy qua chỗ đó, gặp phải chỗ bị tắc nghẽn, chỗ đó ắt sẽ bị đau. Những người như vậy uống một chút thuốc liền lập tức thấy công hiệu. Hai là Kinh Lạc không thông, Khí không có chỗ nào để lưu lại trong thân thể. Biểu hiện bề ngoài không có chút dấu hiệu nào của bệnh tật, nhưng một khi đã phát bệnh thì rất nặng, hơn nữa loại người này dù uống thuốc gì thì hiệu quả cũng rất chậm, hoặc căn bản không có tác dụng gì. Chủ phát gọi là cơ. Mũi tên muốn bay ra từ cánh cung, bắt buộc phải có cái cơ này để phát động. Bất kỳ sự Tình nào cũng đều như thế, đều có một cái cơ, chỉ khi nào kích động cái cơ này, thì sự Tình mới phát sinh, nếu chẳng kích động được cái cơ này, các điều kiện khác dẫu có nhiều đến mấy, cũng không có cách nào dẫn khởi sự việc. Vậy rốt cuộc cơ nó là cái thứ gì, nó chính là nhân tố then chốt để phát sinh mọi sự việc. Nó là điểm, không phải là diện. Thế nhưng nếu kích động được điểm này, thì có thể kéo theo cả một diện. Cho nên Bệnh Cơ là nhân tố then chốt nhất trong sự phát sinh, phát triển và biến hóa của bệnh, (cũng có thể nói, bệnh cơ một khi khai mở, bệnh trạng của người đó sẽ hiển hiện ra, người đó sẽ tiến nhập vào trạng thái tuần hoàn ác tính của bệnh, đối lập với bệnh cơ là “Sinh Cơ”. Khi sinh cơ mở ra, người đó sẽ tiến nhập vào trạng thái thuần tốt đẹp của quá trình hồi phục. Thực tế bệnh cơ và sinh cơ là hai phương diện của cùng một thứ, là một cặp Âm Dương. Khi bệnh cơ mở ra, sinh cơ sẽ đóng lại; khi sinh cơ mở ra, bệnh cơ tự nhiên cũng sẽ đóng. Đây gọi là pháp biện chứng). 32. Cảnh giới cao nhất của Trung y là dưỡng sinh, cảnh giới cao nhất của dưỡng sinh là Dưỡng Tâm. Cho nên, đối với dưỡng sinh mà nói, hạ sỹ dưỡng Thân, trung sỹ dưỡng Khí, thượng sỹ dưỡng Tâm. Nhìn một cá nhân cũng giống như thế, nhìn Tướng không bằng nhìn Khí, nhìn Khí không bằng nhìn Tâm. 33. Tâm Thần bất an, Tâm Tình nóng vội, là căn nguyên dẫn đến bị bệnh và tử vong. Phương pháp giữ Tâm bình an, là bí quyết số một trong việc bảo vệ sinh mệnh. Tâm có thể chủ động tất cả. Tâm định ắt Khí hòa, Khí hòa ắt Huyết thuận, Huyết thuận ắt Tinh Lực đủ mà Thần vượng, người có tinh lực đủ thần vượng, lực đề kháng nội bộ sẽ khỏe, bệnh tật sẽ tự tiêu tan. Cho nên để trị bệnh đương nhiên cần lấy Dưỡng Tâm làm chủ [yếu]. 34. Phong Hàn Âm Dương mùa hạ nóng ẩm, đều có thể khiến cho con người mắc bệnh. Ngộ nhỡ sức đề kháng yếu, [bệnh tật] sẽ thừa cơ xâm nhập. Người có thân thể yếu nhược thường nhiều bệnh, chính là cái lý này. Người giàu có điều kiện bảo hộ tốt, như ăn-mặc-ở … Người nghèo có sức đề kháng, nếu như Khí đủ Thần vượng, lỗ chân lông dày khít, không dễ bị [bệnh tật] xâm nhập… Người giàu ăn nhiều đồ béo ngọt, hại dạ dày hại răng. Người nghèo hay phải chịu đói, thức ăn không phức tạp, nhờ đó mà không bị bệnh ở ruột. Người giàu thường nhàn hạ, vì thế mà nhiều phiền muộn. Người nghèo lao động nhiều, nhờ đó mà bệnh tật ít. Người giàu không tạo phúc mà chỉ hưởng phúc, chỉ toàn tiêu phúc, tiêu cạn ắt nghèo. Người nghèo có thể cần kiệm, đó chính là tạo phúc, khi quả chín sẽ giàu có. Phàm là điều kiện bảo hộ ăn-mặc-ở đầy đủ thì sức đề kháng về Tinh Khí Thần sẽ yếu. Điều kiện bảo hộ kém, sức đề kháng ắt sẽ mạnh. 35. Mới khỏi bệnh nặng, cần tránh cắt tóc, rửa chân, tắm gội. 36. Con người đều muốn cầu trường thọ vô bệnh, thân thể luôn khỏe mạnh. Muốn thân thể khỏe mạnh, đương nhiên cần điều tiết Tinh Khí Thần. Muốn điều tiết Tinh Khí Thần, đương nhiên cần cự tuyệt sự can nhiễu của những thứ Tà. Muốn chặn đứng Tà, đầu tiên cần phải Dưỡng Tâm. Muốn Dưỡng Tâm, cần phải hóa giải tam độc tham-sân-si. Muốn hóa giải tam độc này, bắt buộc phải học Tâm Giới. Nhưng muốn giữ được giới về ngôn từ lời nói, không nói không làm những việc vô ích, cần phải khai [trí] huệ, vứt bỏ đi những điều ngu muội, và bắt buộc phải đạt được định trước tiên. Muốn đạt được định, tất phải học tản bộ. 37. Có thể tĩnh ắt phải là người nhân [nghĩa], có nhân [nghĩa] ắt sẽ thọ, có thọ chính là hạnh phúc thực sự. 38. Tất cả những pháp môn tu Thân tu Tâm, chỉ có bí quyết gồm 2 từ: một là phóng hạ (buông bỏ), hai là quay đầu. Phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật; Biển khổ vô biên, quay đầu là bờ. Chỉ cần phóng hạ, quay đầu, người bệnh lập tức khỏi, người mê lập tức giác ngộ. Đây mới thực sự là người có vô lượng thọ. 39. Người mà Tâm quá lao lực, Tâm Trí mệt mỏi thì gan sẽ vượng, Tâm quá lao lực chính là tâm quá đầy, không rỗng. Tâm đầy, ắt không thể dung nạp Can (mộc) sinh chi Hỏa, Tâm không dung nạp Can sinh chi Hỏa, Khí trong Gan ắt sẽ tích tụ lại nhiều. Gan là Mộc khắc Thổ, nên Tì Vị sẽ mắc bệnh, tiêu hóa sẽ không tốt, dinh dưỡng không đủ, tối ngủ sẽ không yên. Mộc lại khắc Thủy, từ đó mà Thận Thủy bị thiếu, Thủy không đủ ắt Hỏa càng vượng, Tâm Thận có liên hệ tương hỗ, nên Tâm Khí càng yếu, bệnh phổi sẽ hình thành. Nội bộ có mối liên quan tương hỗ, một thứ động sẽ kéo theo toàn bộ đều động, một chỗ bị bệnh sẽ khiến toàn cơ thể bị bệnh. Người có cái Tâm nhiễu loạn, chính là do cái Tâm ngông cuồng đầy tham vọng, cho nên muốn trị bệnh cần làm an cái Tâm này lại, an cái Tâm này lại chính là chấm dứt vọng tưởng, để chấm dứt vọng tưởng cần có Tâm sáng, Tâm sáng chính là tự giác ngộ, mà để đạt được khỏe mạnh thì công hiệu nhất lại là ở tản bộ. 40. Tản bộ là phương pháp điều hòa Tâm, Tâm điều hòa ắt Thần an (tinh thần an lạc), Thần an ắt Khí đủ, Khí đủ ắt Huyết vượng, Khí Huyết lưu thông, nếu có bệnh có thể trừ bệnh, nếu không đủ có thể bồi bổ, đã đủ rồi có thể gia tăng. Bệnh hiện tại có thể trừ, bệnh tương lai có thể phòng tránh. Điều Tâm còn khiến cho Thần Minh (tinh thần minh mẫn sáng suốt), Thần Minh ắt Cơ Linh, người có Tâm thanh tĩnh thật tuyệt diệu biết bao, họ có cái nhìn biện chứng, tác phong bề ngoài linh hoạt, thấu hiểu các nguyên lý một cách chính xác, liệu sự nhìn xa trông rộng, gặp loạn bất kinh, thấy cảnh đẹp không bị mê hoặc, có thể thông đạt mọi thứ, bản thân không có những ý kiến chủ quan sai lệch, đại cơ đại dụng, chính là từ đó mà ra. 41. Con người khi bị bệnh kỵ nhất là khởi Tâm oán giận. Lúc này nhất định phải giữ sự bình an hòa ái, khiến cho Tâm an định. Sau đó dần dần điều chỉnh, sức khỏe sẽ rất nhanh hồi phục. Tâm an thì Khí mới thuận, Khí thuận mới có thể trừ bệnh. Nếu không ắt Tâm sẽ gấp Hỏa sẽ thăng, Can Khí sẽ phải chịu hao tổn, làm bệnh tình càng thêm nặng. Tâm Thân yên nhất, Khí Huyết toàn thân ấy, sẽ tự phát huy tác dụng khôi phục sức khỏe. 42. Giờ Tý (từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng) mất ngủ , Thủy Thận tất thiếu, Tâm Thận có liên hệ tương hỗ, Thủy thiếu ắt Hỏa vượng, rất dễ tổn hại tới [tinh] Thần. 43. Trong khi ngủ nếu có tư tưởng, Tâm không thể an, không được vừa nằm vừa suy nghĩ trăn trở, rất dễ hao tổn [tinh] Thần. 44. Giờ Ngọ (từ 11 giờ đến 13 giờ) thuộc về Tâm, giờ này có thể tản bộ 15 phút, nhắm mắt dưỡng Thần, Tâm Khí ắt khỏe mạnh. 45. Dậy sớm trong khoảng giờ Dần từ 3 giờ đến 5 giờ, giờ này kỵ nhất buồn giận, nếu không ắt hại phổi tổn thương gan, hy vọng mọi người hết sức chú ý. 46. Tất cả sự nghiệp trong cuộc đời, đều lấy tinh thần làm căn bản, sự suy vượng cường thịnh của tinh thần, đều dựa vào sự tĩnh định bất loạn của Tâm và Thần, một chữ loạn, cũng đủ để làm trở ngại tới công việc. 47. Nhân sinh lấy Khí Huyết lưu thông làm chủ, Khí ứ đọng có thể ngăn trở Huyết, máu huyết bị ngăn trở có thể tích độc thành nhọt thành bệnh, thành u thành ung thư, tất cả đều là do Huyết Khí không thông tạo thành. Khí lấy thuận làm chủ, Huyết lấy thông làm suôn sẻ. Căn nguyên bách bệnh đầu tiên đều do Khí tắc, Khí bị tắc bên trong, gan sẽ bị thương tổn trước tiên. Cách cứu chữa, chính là ở bí quyết hóa giải. Mà bí quyết hóa giải lại gồm có 2 loại: Một là tìm căn nguyên của nó, căn nguyên này chính là ở Tâm, Tâm không ắt tất cả tự động được hóa giải. Hai là dùng thuốc và châm cứu, trợ giúp hóa giải thêm bằng mát xa, sẽ giúp cho Khí Huyết lưu thông. 48. Dưỡng bệnh trị bệnh không thể đòi hỏi nhanh. Bởi vì nóng vội sẽ trợ giúp Hỏa, Hỏa vượng sẽ tổn Khí, gây tác dụng ngược lại. Ngoài ra không thể tham nhiều, tham lam ắt Tâm không kiên định mà nóng vội, huống hồ bách bệnh đều do tham mà ra, nên không thể lại tham mà làm cho bệnh tình càng thêm nặng là vậy. 49. Tâm thuộc tính Hỏa, Thận thuộc tính Thủy, Tâm Thận liên hệ tương hỗ. Hỏa cần giáng hạ, Thủy cần thăng lên, Thủy Hỏa tương tề, ắt Khí trong thân thể sẽ bộc phát. Các bộ phận cơ thể vận động, có thể được mạnh khỏe. Điều này qua việc quan sát lưỡi có thể biết được. Lưỡi không có nước ắt không linh hoạt, vì chữ hoạt ( 活 ) là do bộ Thủy và chữ lưỡi ( 舌 ) ghép thành. Lưỡi có thể báo cáo tình trạng nặng nhẹ của các loại bệnh bên trong thân thể, từ đó mà phán đoán việc sinh tử. 50. Phương pháp tự cứu khi lâm đại bệnh: a. Một là không được sợ chết, tin tưởng rằng bệnh của mình, không những có thể khỏi, mà thân thể có thể trở nên đặc biệt khỏe mạnh, sống lâu trường thọ. Bởi vì bản thân cơ thể bản chất đã có năng lực này, không phải chỉ là suy nghĩ để tự an ủi. b. Hai là tin tưởng không cần dùng thuốc hoặc dựa vào bất kỳ thực phẩm dưỡng sinh nào, nhất định bản thân tự có khả năng trừ bệnh kéo dài tuổi thọ. c. Ba là bắt đầu từ hôm nay, phải quyết định không được lại động tới thân bệnh của bản thân, không được nghĩ tới bệnh của bản thân là bệnh gì, tốt hay xấu đều không được suy tính về nó, chỉ làm một người vô tư. d. Bốn là trong khoảng thời gian chữa trị, không được nghĩ tới công việc, cũng không được hối hận về công việc và thời gian đã mất, chuyên tâm nhất trí, nếu không sẽ lại chậm trễ có khi hỏng việc. 51. Phương pháp dưỡng tĩnh: an tọa (nằm) trên giường, đặt Thân Tâm nhất tề hạ xuống, toàn thân như hòa tan, không được phép dùng một chút khí lực nào, như thể không có cái thân thể này vậy, hô hấp tùy theo tự nhiên, Tâm cũng không được phép dùng lực, một niệm khởi lên cũng là đang dùng lực. Để Tâm đặt xuống tận dưới bàn chân, như thế có thể dẫn Hỏa đi xuống, dẫn Thủy đi lên, tự nhiên toàn thân Khí Huyết sẽ thông thuận. 52. Yếu quyết tu luyện: tĩnh lặng theo dõi, tránh dùng lực Yêu cầu cụ thể: Không cho phép bất cứ bộ phận nào dùng khí lực dù chỉ một chút, bao gồm ý niệm, hô hấp, tứ chi, cần làm được: mắt không nhìn, tai không nghe, mũi không ngửi, lưỡi không nếm, miệng không nạp (ăn), Tâm không nghĩ. Đó là điều kiện duy nhất. Nếu có bất cứ hành vi tư tưởng, nghe, cảm giác nào đều là đang dùng khí lực, thậm chí cử động ngón tay cũng là dùng khí lực. Thở mạnh cũng lại là dùng khí lực. Không bao lâu hơi thở sẽ tự nhiên trở nên an hòa, như thể không phải ra vào từ lỗ mũi, mà như thể 8 vạn 4 ngàn lỗ chân lông trên toàn cơ thể đều có động tác, hoặc nở ra hoặc khép lại, lúc này sẽ là trạng thái vô ngã vô thân vô khí vô tâm, tự nhiên Tâm sẽ quy hồi vị trí bản nguyên. Cái gọi là dẫn hỏa quy nguyên, hay còn gọi là thủy hỏa ký tế, chính là bí quyết chung để điều trị bách bệnh. 53. Trường hợp chăm chút dưỡng sinh nhưng lại chết sớm, chiếm đến ba phần mười, vậy rốt cuộc là thế nào? Đó là vì quá yêu quý thân thể của mình. Vì cái thân xác này, sợ phải chịu xấu hổ, sợ bị nuông chiều, sợ chịu thiệt, sợ bị mắc lừa, lo trước lo sau, nhìn ngang nhìn dọc, lo lắng hốt hoảng, tính toán thiệt hơn … như thế, trái tim đó của anh ta cả ngày giống như quả hạch đào bị chó gặm đi gặm lại, làm sao mà có thể không chết chứ. Càng sợ chết, càng chết nhanh. Nếu bạn muốn dưỡng sinh, thì phải không sợ chết. Chỉ có không sợ chết, mới có thể cách xa cái chết. Người thực sự không sợ chết, đi đường sẽ không gặp phải hổ, nếu có gặp phải, hổ cũng không ăn thịt anh ta. Đánh nhau không gặp phải đao súng, nếu có gặp, đao súng cũng sẽ không làm anh ta bị thương. Tại sao? Bởi vì anh ta không coi cái chết là gì, không sợ chết, cái chết cũng không có cách nào. Dưỡng sinh, mặc dù không phải là mục đích của việc tu đạo, nhưng người tu đạo đã nhìn thấu được sinh tử, cho nên sẽ không sợ chết nữa, vì đã không sợ chết nữa, nên cái chết cũng không còn là vấn đề. Cửa ải sinh tử đã qua rồi, còn gì mà không thể vượt qua nữa? Vì thế, người tu đạo có thể trường sinh. Không nghĩ đến trường sinh, trái lại lại có thể trường sinh. Tâm luôn nghĩ muốn trường sinh, trái lại càng nhanh chết. Trường sinh không phải là mục đích của tu đạo, nó chỉ là hiện tượng đi kèm của tu đạo. 54. Người có bệnh, lại không cho rằng mình có bệnh, đây chính là bệnh lớn nhất của con người. Người mà biết bản thân mình có bệnh liệu có được bao nhiêu? 55. Người mà ngày nào nửa đêm canh ba cũng vẫn còn ở trên mạng, bản thân đó chính là điều đại kỵ của dưỡng sinh. Bao gồm cả một số người gọi là danh y cũng thế. Ngoài ra, tâm của họ còn luôn tính toán so đo, thử hỏi người như vậy thì đến bản thân còn không giữ nổi, thì làm sao chữa bệnh cho người khác đây? 56. Đừng tham những cái lợi nhỏ nhặt, cái lợi lớn cũng đừng tham . Một từ tham nhưng bao hàm cả họa. Tham lam, suy tính thiệt hơn sẽ khiến cho người ta mắc các bệnh về tim. Tham lam, suy hơn tính thiệt là biểu hiện của việc không hiểu Đạo Pháp về cái lý tự nhiên. 57. Đừng có ngày nào cũng nghĩ xem ăn cái gì để bổ Âm, ăn cái gì để tráng Dương. Hãy nhớ kỹ, vận động là có thể sinh Dương; tản bộ thì có thể sinh âm. Âm là mẹ của Dương, Dương là được vận dụng bởi Âm. 58. Người ta khi Khí không đầy đủ, không được mù quáng mà bổ Khí, nếu không ắt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu như vì Huyết không đủ, thì cần phải bổ Huyết trước, bởi vì Huyết là mẹ của Khí, nếu không ắt sẽ thành dụng cụ thiêu đốt, làm cho nội tạng bị đốt cháy; nếu là vì kinh lạc không thông, thì có thể gia tăng khí huyết, đồng thời bồi bổ Khí Huyết. Như vậy mới có thể đạt được tác dụng của bổ Khí. 59. Hoàn cảnh đối với người dưỡng sinh có tính trọng yếu là điều vô cùng rõ ràng. Đây chính là đạo lý mà vì sao người ở những vùng không khí trong lành nơi rừng sâu núi thẳm, có thể dưỡng khỏi những bệnh tật khó chữa. Bởi vì những vật chất tinh vi nơi rừng sâu núi thẳm (ion điện âm) sẽ thông qua trạng thái thả lỏng của con người trong khi hít thở sâu mà hấp thụ vào trong nội bộ nhân thể, từ đó mà tưới đều lục phủ ngũ tạng, khiến cho người ta có được sức sống mới. Ngoài ra còn có một điểm mà người thường không hề biết, đó chính là con người không chỉ hô hấp thông qua lỗ mũi, mà mỗi một lỗ chân lông trên thân thể con người đều có thể hô hấp, hơn nữa những gì chúng hấp thụ chính là tinh hoa của trời đất. 60. Con người trong trạng thái thả lỏng và tĩnh, hít thở sâu và chậm có thể cảm nhận được sự giao hoán những tinh khí của con người với trời đất: Trong khi hấp thụ khí, thực tế ngoại trừ lúc phổi đang hít khí vào, toàn bộ thân thể đều đang bài trừ khí bên trong thân thể ra ngoài, và đem khí của người phóng thích ra ngoài trời đất; còn khi phổi đang thải khí ra, thực tế con người đang hấp thụ tinh khí của đất trời thông qua các lỗ chân lông. Điều này đại khái chính là điều mà Lão Tử đã nói “Thiên địa chi gian, kỳ do thác dược hồ”. 61. Khi vận động có hai điểm cấm kỵ: một là không được vận động khi Khí Huyết không đủ; hai là không được vận động trong môi trường bị ô nhiễm. 62. Vận động có hai tác dụng: một là gia tăng tốc độ vận hành của Khí Huyết, thúc tiến quá trình bài xuất chất cặn bã trong thân thể ra ngoài; hai là khai mở lỗ chân lông trên da, để hấp thụ tinh khí của trời đất. 63. Ngộ Tính là gì? Trí Huệ là gì? Ngộ Tính và Trí Huệ chính là sử dụng những phương pháp đơn giản nhất để xử lý, xem xét tất cả các sự vật. Nhưng có một số người thường hay gây nhiễu loạn luôn nhìn những sự việc đơn giản thành phức tạp, làm thành phức tạp. Phức tạp và đơn giản kỳ thực là một thứ, là hai mặt của một thứ. Điều người thông minh nhìn thấy là mặt đơn giản, điều người ngu xuẩn nhìn thấy là mặt phức tạp. 64. Con người không trị được bệnh, thì cần phải nhờ Thần trị; Thần trị không khỏi bệnh thì phải nhờ Phật trị. Phật giảng điều gì? Điều Phật giảng là Tâm. 65. Bệnh viện và tòa án ngày nay đều như nhau, có động tới hay không cũng đều đưa cho bệnh nhân giấy thông báo phán quyết tử hình. Mà trong nhiều tình huống, phán tử hình cho nhiều người đáng lẽ không bị tử hình. Tại sao lại nói như thế? Lấy “ung thư” làm ví dụ, trong tâm con người ngày nay ung thư đồng nghĩa với tử hình. Kỳ thực nếu như chúng ta không gọi nó là ung thư, thế thì đối với bệnh nhân mà nói, chính là mang cho bệnh nhân một tia hi vọng, bằng như lưu lại cho họ một cơ hội sống. Cho nên tôi mới nói, bệnh nhân ung thư ngày nay có đến hơn một nửa là bị dọa chết, là bị áp lực tinh thần dày vò đến chết. Đồng thời cũng chính là bị bệnh viện hành hạ đến chết. Bởi vì một khi bạn bị chẩn đoán thành bệnh ung thư, họ sẽ có thể không kiêng nể gì cả mà tùy ý xử lý bạn, điều trị mà không chết coi như mệnh của bạn lớn, điều trị mà chết, thì là do bệnh của bạn là ung thư. Sự thực mà nói, không có bệnh gì là trị không khỏi, chỉ là xem cái Tâm của bạn có thể buông xuống được không, tất cả bệnh tật đều từ Tâm sinh, tất cả bệnh tật cũng đều từ Tâm mà trị. Chỉ cần bạn vẫn còn sống, bạn vẫn còn cơ hội. Tìm thấy được cơ hội này, áp dụng nó đối với việc trị bệnh ung thư, bạn sẽ khỏe mạnh trở lại. 66. Hiện nay ngoài xã hội đều nói về cạnh tranh, việc này đã khiến cho mọi trật tự bị đảo loạn, khiến cho con người bị dẫn dụ vào ma đạo. Cạnh tranh là gì? Cạnh tranh chính là khiến người ta bị cuốn vào cảnh giới tham dục vô hạn. Một mặt bạn đề xướng cạnh tranh, một mặt bạn nói về những gì là xây dựng và ổn định xã hội, đây chẳng phải là điển hình của việc tự lừa mình dối người sao. 67. Căn cứ vào nguyên lý Âm Dương tương hỗ mà xét, thanh khiết và vẩn đục là hấp dẫn lẫn nhau. Cho nên con người ăn vào những thứ tươi mới tất sẽ có tác dụng tương hợp với những vật chất bẩn trong cơ thể, từ đó mà bài trừ những thứ ấy ra ngoài. 68. Những vật chất vẩn đục sinh ra là do ăn vào những thực phẩm không sạch, nhưng chủ yếu là do ăn quá nhiều, cơ thể không thể tiêu hóa được khiến đống thức ăn thừa đó biến thành cặn bã. 69. Tùy kỳ tự nhiên là cảnh giới cao nhất của dưỡng sinh. Một người khi sinh ra, vận mệnh của anh ta căn bản là đã có định số rồi. Anh ta nên làm gì, không nên làm gì, nên ăn gì, không nên ăn gì, nếu như có thể thuận theo vận số của bản thân mà làm, thì sẽ có thể được bình an vô sự. Người có ngộ tính sẽ phát hiện ra được, sẽ biết được vận mệnh của bản thân, biết được họ nên làm cái gì, không nên làm cái gì. Cho nên dưỡng sinh tuyệt đối không đơn giản là bắt trước, bảo sao làm vậy. Không cần hâm mộ người khác, cần tìm ra ngộ tính của bản thân từ trong tâm của chính mình. Vậy con người làm thế nào mới có thể phát hiện bản thân đã đạt được tùy kỳ tự nhiên hay chưa? Kỳ thực điều này quá dễ, khi bạn có bệnh, bạn cảm thấy không thoải mái, bạn thấy không được tự tại, chứng tỏ bạn đã đi ngược lại tự nhiên rồi. Cần làm được thuận theo tự nhiên của đại tự nhiên bên ngoài, ngoài ra còn phải thuận theo lẽ tự nhiên của vận mệnh bên trong bản thân, hai điều này đều không thể thiếu được. 70. Rất nhiều người khi nghe thấy bác sỹ tuyên bố bản thân bị mắc trọng bệnh, thường đều sẽ biểu hiện ra dáng vẻ không vui, hi vọng có thể dùng phương pháp cắt, gọt, độc, giết v.v… để loại bỏ căn bệnh đó, tuy nhiên, bệnh tật thực sự không phải sản sinh từ đó? Trên thế gian tuyệt đối không có hiện tượng “đang khỏe mạnh đột nhiên sinh bệnh”. Lấy cảm mạo làm ví dụ, nếu thực sự yêu cầu bệnh nhân tự làm kiểm điểm, thông thường bệnh nhân sẽ cho biết, bản thân trước khi cảm mạo, đã trải qua vài lần thức thâu đêm; có người sẽ nói rằng bản thân bị trúng gió lạnh, bị dính mưa ướt; có một số người lại nói do áp lực công việc quá lớn, thường xuyên đau đầu, mất ngủ. Kỳ thực, những hiện tượng như thế, đều có thể là nhân tố dẫn tới cảm mạo, nói thêm nữa, nếu như độ mẫn cảm và tính cảnh giác của con người đầy đủ, tự nhiên sẽ có thể đạt được mục đích “đề phòng tai họa”. 71. Khoa học chân chính là gì? Chính là nhân duyên quả báo. Không tin nhân quả, thì không phải là khoa học chân chính. 72. Cái Tâm không sợ chịu thiệt, không sợ bị người khác chiếm lấy lợi ích. Hay nói một cách khác là bạn có thể chịu thiệt, người khác muốn lấy mạng của bạn mà bạn vẫn có thể buông xả, bạn đều có thể cho họ hết, hơn nữa tự bản thân trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều không ham lợi ích, khi đó cái tâm của bạn có thể sẽ không định (tĩnh lặng) sao? Con người trên thế gian có ai làm được? Nhưng Phật là có thể làm được). 73. Sau khi con người nắm vững được phương pháp về sức khỏe, họ sẽ thực sự hưởng thụ được một trạng thái tự tin khi không còn lo sợ mắc bệnh. Cái loại cảm giác này thật tuyệt, hy vọng rằng bạn và chúng tôi đều có thể có được trạng thái tự tin đó. 74. Khi học vấn thâm sâu ý chí sẽ bình lặng, tâm định ắt khí sẽ yên. Cho nên đối với một người đắc Đạo mà nói, quan sát một người, không phải là một việc quá khó khăn, đây cũng là kết quả của tướng tùy tâm chuyển. 75. Danh là điều khó phá vỡ nhất trong ngũ dục, sắc đứng thứ hai, tiếp theo là tài, sau đó là ăn và ngủ. Tâm về danh không bỏ, thì không có cách nào nhập Đạo. 76. Khởi nguồn của bách bệnh, đều bắt nguồn từ việc bị gió độc thừa cơ xâm nhập. Nếu như thân thể Khí suy nhược, khả năng phòng vệ kém, hoặc ưu tư sợ hãi, đắm chìm trong tửu sắc, làm việc quá lao lực, Chân Khí sẽ bị hao tổn từ đó tà ngoại thừa cơ tấn công. 77. Trị bệnh về ngũ tạng, đầu tiên cần phải bổ Khí. Khi bổ Khí cấm động Tâm, Tâm động ắt Gan vượng, gây chấn động mạch, Chân Thủy sẽ hao tổn. Tâm là quạt, sẽ dẫn khởi gió. gió động ắt Hỏa vượng, hoặc vượng ắt Thủy can, Thủy can ắt Địa tổn. 78. Đối với bác sỹ mà nói, Tâm Định Thần Nhất, người được chữa bệnh có tín Tâm kiên định, Lưỡng Tâm tương hợp, có thể trị được bách bệnh. 79. Qua trường hợp Hitler đi vòng qua phòng tuyến kiên cố Maginot của quân đội liên minh, tôi ngộ ra rằng: để đối phó với một số bệnh cứng đầu, không thể tấn công cứng nhắc từ chính diện, cần đột phá từ những phương diện khác có liên quan. Chẳng hạn như việc điều trị các bệnh cứng đầu như bệnh thận, bệnh gan, có thể đạt được hiệu quả thông qua việc điều chỉnh phổi và lá lách v.v… 80. Trung Dung, là nguyên tắc căn bản của dưỡng sinh. Khí Huyết trong cơ thể người cũng là một cặp Âm Dương, Huyết là Âm là thể, Khí là Dương là dụng. Huyết là mẹ của Khí, Khí là chủ tướng của Huyết. Khí không đủ, dễ mắc các bệnh do ứ trệ tạo nên như mọc u, tắc động mạch; Khí quá độ; dễ mắc các bệnh về xuất huyết não. Cho nên, chỉ khi Khí Huyết cân bằng, con người mới có thể khỏe mạnh. 81. Con người chỉ khi ngộ ra được cái gì là “tự nhiên”, mới được coi là đắc đạo. Biết được tự nhiên, sau đó mới có thể tùy kỳ tự nhiên. người này chính là Thần nhân. Hiểu được Âm Dương, hiểu được tùy kỳ tự nhiên, bạn nhất định sẽ trở thành lương y đại đức. 82. Tự nhiên là gì? Tự nhiên chính là bất kỳ sự vật gì đều có hai mặt Âm Dương, bất kỳ sự vật nào đều cần trải qua quá trình Sinh (sinh sản), Trưởng (tăng trưởng), Thu (thu hoạch), Tàng (tàng trữ). Bạn thuận theo quá trình này, sử dụng nguyên lý tương sinh tương khắc của Ngũ Hành để điều tiết sự cân bằng của bệnh nhân, làm sao mà không trị được khỏi bệnh chứ. 83. Đơn giản và phức tạp là một cặp Âm Dương, sự tình càng phức tạp, thường thường sử dụng biện pháp đơn giản nhất lại có thể giải quyết. Cũng tương tự như thế, một vấn đề nhìn tưởng chừng đơn giản, để giải quyết nó bạn sẽ thấy thật không dễ dàng, bạn phải bỏ ra nỗ lực rất lớn cũng không chắc chắn giải quyết được. Điều này giống cương nhu vậy, cực nhu có thể khắc chế cương, cực cương thì nhu cũng không thể chống. Cho nên, chúng ta khi giải quyết vấn đề cần có lối suy nghĩ rằng, gặp phải vấn đề phức tạp nên tìm biện pháp đơn giản để giải quyết, gặp phải vấn đề đơn giản đừng vội coi thường nó, cần phải chú trọng đủ mức tới nó. 84. Chúng ta hãy thử xem trong thế giới này có phải là có tồn tại đạo lý đó hay không. Liệu có được mấy người có thể tùy kỳ tự nhiên trong việc ăn ngủ, có được mấy người có thể tuân thủ tự nhiên. Bạn tuân thủ không được, vì sao? Bởi vì nó quá đơn giản, chính vì quá đơn giản, cho nên bạn không dễ mà có thể tuân thủ. Đây gọi là phép biện chứng. 85. Cân bằng là gì? Cân bằng chính là sự tồn tại dựa vào nhau và khắc chế nhau của Âm Dương, phương diện nào quá độ hoặc quá kém cũng sẽ khiến mất đi sự cân bằng. Tổn thương Nguyên Khí là gì, mất đi sự cân bằng chính là tổn thương Nguyên Khí. Thường xuyên ở trong trạng thái cân bằng, Nguyên Khí ắt sẽ được bảo trì tốt, con người sẽ lão hóa chậm. 86. Đạo về Âm Dương chính là sự tương hỗ dựa vào nhau và chuyển hóa lẫn nhau của hai phương diện mâu thuẫn đối lập. Bất kỳ một cặp mâu thuẫn nào, nếu một bên thoát ly khỏi bên kia, không còn chịu sự ức chế của đối phương nữa, thì thời điểm mà nó bị diệt vong cũng không còn xa. Bạn thử nhìn xem, xã hội ngày nay, các lãnh đạo đều không thích bị khống chế, thích được độc lập tự do, thích làm theo ý mình, tham ô hối lộ, thế thì kết quả là gì đều có thể tưởng tượng ra được. Âm và Dương chính là như thế. Trong đại tự nhiên, khi một sự vật xuất hiện, đều có mang theo nhân tố do nó sinh ra, nhưng đồng thời cũng sẽ xuất hiện một nhân tố để khắc chế nó. Đó chính là đạo lý ngũ hành tương sinh tương khắc, cũng là đạo lý dựa vào nhau, ức chế lẫn nhau của âm dương. Cho nên đạo lý dưỡng sinh cũng vậy, khi bạn bị bệnh, luôn tồn tại một nhân tố khiến bạn sinh bệnh, đồng thời cũng sẽ có một nhân tố ức chế nó, có thể giúp bạn tiêu trừ nhân tố gây bệnh. Tương tự như thế trong thế giới tự nhiên, tại chỗ có tồn tại rắn độc, chắc chắn khu vực xung quanh sẽ có tồn tại loại thảo dược có thể giải độc. 87. Đắc ý vong hình là gì (vì đắc ý mà quên đi dáng vẻ vốn có của mình)? Anh ta đã mất đi sự khống chế, mất đi sự ức chế của mặt âm, cho nên kết quả nhất định là …. cũng như thế con người không nên để tinh thần sa sút, vì như thế sẽ mất đi sự ức chế của mặt dương đối với họ. 88. Làm thế nào để có Đại Trí Huệ? Nếu không có tấm lòng quảng đại, ở đâu mà có Đại Trí Huệ chứ. 89. Tục ngữ có nói, sống đến già, học đến già. Học tập cũng cần phải hợp thời, đến tuổi nào thì học những điều mà ta nên học vào giai đoạn ấy, nếu không ắt sẽ không hợp thời, không tùy kỳ tự nhiên. Nhưng hãy xem sự giáo dục của chúng ta ngày nay, từ nhà trẻ đến đại học, có bao nhiêu điều là đáng để học. Lúc còn nhỏ nên học cái gì. nên học đạo đức, học hiếu đạo, tiếp theo là học nhận biết chữ, dấu chấm câu, tiếp theo là học cách làm việc. Đến tuổi thanh niên thì học cách làm sao để sống tốt giáo dục con cái tốt, làm cho gia đình hạnh phúc. Đến tuổi trung niên, học tập đạo dưỡng sinh. Đến những năm tuổi già, học cách buông bỏ tâm thái, an hưởng tuổi già. Ngành giáo dục cần học gì, chính là học những thứ này. 90. Tình chí (loại tình cảm của con người ) đối với bệnh tật có mối tương quan mật thiết với nhau, có một số bệnh tật là do tình chí gây ra, bạn dùng thuốc trị liệu, trị mãi mà vẫn không khỏi, đối với loại bệnh tật này, muốn cởi chuông thì phải tìm người buộc chuông. Ngũ chí có thể gây bệnh, ngũ chí cũng có thể giải trừ bệnh. 91. Dưỡng sinh có một điều rất trọng yếu, đó là không được sợ chết. Người sợ chết Dương Khí không đủ, Dương Khí không đủ, tử thần sẽ tìm ra được bạn. Đây chính là điều mà đạo gia giảng, người tu luyện cần có một khí chất anh hùng. Nhân, Trí, Dũng không thể thiếu một trong ba. 92. Khi nào bạn lấy học vấn lý giải được nó là vô cùng đơn giản và bình dị, lúc này bạn mới là chân chính đạt được một trong tam muội. Nếu như bạn vẫn còn cảm thấy nó là bác đại tinh thâm, thâm sâu không thể đo lường, chứng tỏ bạn vẫn chưa nắm được tinh túy của nó, mới chỉ nhìn thấy phần tươi tốt của lá cây, mà vẫn chưa nhìn thấy được căn bản của nó, lúc này bạn mới chỉ ở giai đoạn “có”, vẫn chưa đặt được cảnh giới của “vô”. Tất cả đều không thoát được Âm Dương, vạn sự vạn vật đều không thoát khỏi được Âm Dương. Căn bản của điều này chính là Âm Dương. Biết được một điều này, mọi sự đều có thể hoàn thành. 93. Tập trung tinh thần định khí, quên đi cả bản thân và mọi sự vật. Đó là cốt lõi của dưỡng sinh. 94. Chủ minh ắt hạ an, theo đó để dưỡng sinh ắt sẽ thọ, tình thế sống chết cũng không nguy hiểm, thiên hạ ắt sẽ hưng thịnh. Chủ bất minh ắt thập nhị quan gặp nguy, khiến cho đạo tắc nghẽn không thông, thực thể liền bị thương tổn, theo đó để dưỡng sinh ắt sẽ mang họa, người trong thiên hạ, và gia tộc này sẽ gặp đại nguy, nghiêm cấm nghiêm cấm! 95. Ứng dụng của Ngũ Hành tương sinh tương khắc: Phàm là do ngũ tạng hoạt động thái quá sẽ gây ra bệnh tật, đều có thể dùng phương pháp ngũ hành tương sinh tương khắc để trị. Giống như thế, phàm là vì ngũ hành không đủ dẫn khởi bệnh tật thì đều có thể dùng phương pháp ngũ hành tương sinh tương khắc để giải quyết. Đây là nguyên tắc căn bản của phép vận dụng ngũ hành. 96. Người hiện đại thường chú trọng vào phương diện truy cầu đề cao chất lượng cuộc sống, hậu quả của loại truy cầu này rất đáng sợ. Cần biết, dục vọng của con người đối với vật chất là không có giới hạn. Khi mà loại dục vọng này không được khống chế, cũng tương đương sự thống khổ không có giới hạn của chúng ta. Kỳ thực, vật chất có thể đem lại sự hưởng thụ, thì tinh thần cũng có thể; thuốc có thể trị bệnh, thì phương pháp trị liệu tâm lý cũng có thể làm được. Cho nên, chúng ta dùng cả cuộc đời để truy cầu tài phú, thì chi bằng hãy dùng quãng thời gian ấy để bồi dưỡng một loại tâm thái tốt, khiến cho tinh thần của chúng ta đạt tới một loại cảnh giới siêu phàm. 97. Sau khi con người nắm vững được phương pháp về sức khỏe, họ sẽ thực sự hưởng thụ được một trạng thái tự tin khi không còn lo sợ mắc bệnh. Cái loại cảm giác này thật tuyệt, hy vọng rằng bạn và chúng tôi đều có thể có được trạng thái tự tin đó. 98. Thân thể của chúng ta là một cơ thể có đầy đủ trí tuệ và chức năng, thân thể của chúng ta có rất nhiều “lính gác” như: răng, ruột thừa, a-mi-đan v.v… Khi thân thể chúng ta có hiện tượng dị thường (thông thường là “thăng hỏa”), những lính canh này sẽ lập tức phản ứng thông báo tới đại não. Người thông minh lúc này nên điều tiết lại tâm thái, kiểm điểm bản thân, để thân thể cân bằng hài hòa trở lại. Vậy mà hiện nay Tây y đều làm những việc gì? Bạn bị đau đúng không, tôi sẽ cắt bỏ bộ phận bị đau của bạn. Hiện nay thậm chí còn có người, phát minh ra một loại máy, bạn bị viêm mũi dị ứng sẽ phải hắt xì hơi đúng không? Vậy tôi sẽ đốt cháy khu vực thần kinh mẫn cảm trong mũi của bạn, như thế sau này mũi bạn có bị kích thích gì đi nữa cũng sẽ không bị hắt hơi. Hậu quả của những việc làm như thế của Tây y chính là sau này nếu chúng ta lại tiếp tục bị bệnh, thì bộ phận bị cắt bỏ chính là lục phủ ngũ tạng của chúng ta. 99. Hãy nhớ kỹ, khi chúng ta ngẫu nhiên bị đau bụng, hắt hơi, ho, phát sốt v.v… đều là hệ thống phục hồi thân thể của chúng ta đang hoạt động, đừng có quá lạm dụng thuốc khi vừa mới xuất hiện bệnh trạng, nếu không chính thuốc ấy sẽ phá hoại chức năng phục hồi thân thể của bạn, khi mà chức năng phục hồi của bạn bị suy yếu hoặc mất đi, thế thì bạn đã giao vận mệnh của mình cho thuốc rồi. Nên nhớ rằng, nếu bệnh trạng không nghiêm trọng, biện pháp tốt nhất là dưỡng tĩnh, an tâm tĩnh khí có thể khiến hệ thống sữa chữa của bản thân hoàn thành được công tác phục hồi. Cho nên, mỗi một người trong chúng ta cần thận trọng khi dùng thuốc, để cho hệ thống hồi phục chức năng của cơ thể được khôi phục, đây mới chính là đạo chân chính trong việc giữ gìn sức khỏe 100. Rất nhiều trọng bệnh hoặc bệnh hiểm nghèo, đều chỉ bắt nguồn từ một lý do: Hận. Khi mà cái hận này biến mất, bệnh ắt cũng theo đó mà tiêu trừ. Trong thế gian này điều khó giải quyết nhất chính là hận thù kéo dài, chính vì không hóa giải được cái hận đó, mới có những bệnh không thể trị khỏi được. Hà Mạnh Đoàn - Hoàng Chúc st.
Phụ bản IV
SẨY SÀNG SÀNG SẨY Tản Mạn Một đời người dài đằng đẵng cho mỗi cá nhân nhiều cơ hội để nếm trải đủ vị. Không ai hơn ai về mọi cung bậc trải nghiệm, bởi có quá nhiều góc độ cảnh ngộ tâm thái tính khí và vô vàn những điều luật bất thành văn của cuộc sống. Mỗi người tính từ khi sinh ra mà xem, có rất rất nhiều sự khác biệt, từ gia cảnh đến nhân thân, từ tính cách đến quan điểm, từ bản chất đến bãn ngã, từ cơ hội đến thử thách, từ duyên nghiệp đến mệnh nghiệp, kể cả sinh đôi thì vẫn có nhiều thứ để khác nhau. Và các hình thái xã hội được làm nên từ những cái “khác” ấy. Tạo luật có lý do thích đáng khi bày ra bàn cờ cuộc sống. Và mỗi người là một quân cờ độc lập có chiến lược có những cách sát phạt chinh phục cho những mục đich cá nhân. Tại sao tôi thích cái này anh thích cái nọ chị thích cái kia ? Trả lời được câu hỏi này cũng đã tự giải mã được phần lớn về bản thân và xã hội. Chỉ có điều, không phải ai cũng tự tìm được câu trả lời sát nhất và sớm nhất. Để những quân cờ cứ phải đập chan chát vào nhau đến trầy trụa sứt mẻ nứt toác vỡ vụn… Nếu may thì còn kịp cảm thức kịp điều liệu kịp giữ lại cho mình chút gì gọi là đáng sống, không may bị cuốn đi để phải trả những cái giá quá lớn về nhân cách phẩm giá và cả sinh mạng. Và cứ thế dòng luân chuyển nhân quần cứ thản nhiên tuần hành qua mọi cung thể địa hình. Mỗi vòng đời từ mở màn đến hạ màn đều là những vai diễn bất đắc dĩ. Không muốn diễn vẫn phải diễn, không muốn xem vẫn phải xem. Khi cười to khi khóc nghẹn khi phẫn uất lúc vô nhiên. Từng phân đoạn đưa ra một biểu đồ ghềnh thác. Ai đó hả hê vỗ tay cười ngặt nghẽo khi thấy đối phương sụp hố chới với trật trầy mà có hay đâu một chân mình cũng đang ngấp nghé. Để rồi chỉ có thể ú ớ bì bụp khi rơi vào cảnh trạng có khi còn tệ hơn. Nhưng rốt cùng thì vẫn cứ là trò đùa dai nghịch dại tưng tửng trêu ngươi của Hóa Công rỗi việc. Thăng trầm xã hội mãi quẩn quanh bao hỉ nộ giả thật đảo điên hư huyễn… Nhan nhản là những nghịch lý cuộc đời, không một ai không mong cầu việc tốt người tốt mọi sự đều hanh thông thuận lợi tốt lành cho bản thân. Thế nhưng lòng tốt thì luôn bị lợi dụng, người tốt thì luôn chịu thiệt thòi, thậm chí càng sống tốt lại càng bị cười chê là ngốc dại. Kẻ xấu thì ai cũng chê bai, việc xấu thì không ai muốn nhận hậu quả, nhưng đáng buồn là người người thích làm việc xấu vì cái lợi rất nhiều, thực tế phần lớn sự mưu lợi thì khó có cách làm tốt bản chất tốt và lương tâm tốt. Và có nhiều cái lợi thì cuộc sống lại thỏa thuê thoải mái vui sướng hơn nhiều. Nên cái chính của cuộc đời là người ta thôn tính nhau, đòn phép nhau, tàn sát nhau để đạt được những gì mình muốn. Con người được sinh ra nhiều bao nhiêu thì tính khốc liệt của cuộc đời tăng cấp độ bấy nhiêu. Thước đo giá trị đẳng cấp hầu hết dựa trên cấp hàm và tài sản. Những cái nhìn thông thường của người đời thường mang định kiến thứ vị một cách “tức hiệu”. Đo nhanh giá trị người mình đang tiếp xúc qua góc nhìn sơ quát. Cái gọi là “giá trị cốt lõi” “thặng dư” mang chỉ số thật hầu hết không thể hiện thị đầy đủ và công bằng. Giáo dục là để con người sống tốt hơn có căn bản có nhận thức có lý trí có nhân tâm. Nhưng giáo dục không đúng cách nơi thừa chỗ thiếu, như một thể lắp ghép khiên cưỡng cong vẹo méo mó lệch tâm thì dĩ tất sẽ cho ra những sản phẩm kèo cọc cập kênh. Mà cái kiểu giáo dục như thế thì nhiều lắm. Khi người lớn bảo người bé làm gì cũng phải nghĩ đến cái lợi cho mình, khi người già bảo người trẻ ra đường đừng để thua ai xấu hổ lắm, khi người mạnh bảo người yếu mày không biết ta là ai à, khi người gian ngoa bảo người thật thà ngu thì chết…Hầu hết là tư tưởng “ăn người”. Nhìn chung, những cách giáo dục các hình thái các tầng lớp trong xã hội thường dẫn đến những tâm lý hành vi tiêu cực nhiều hơn tích cực. Hậu quả xã hội ngày càng diễn biến những hơn thua giành giật những hành xử cực đoan vô lương tâm mất nhân tính ngày càng nhiều. Khi sự nhiễu loạn xuất hiện khá nhiều trong đời sống, thì vô hình chung người ta tự thiết lập một vành đai tự vệ bảo vệ bản thân, dẫn đến sự vô cảm bàng quan vị kỷ. Rồi khi những hậu quả đáng tiếc xảy ra thì phần lớn dành sự chê trách nhiều hơn nhìn lại bản thân nhìn lại gốc rễ vấn đề. Lâu dần trở thành một tập tính xã hội. Và rồi người người rồng rắn bươn bả theo nhau qua những cây cầu gẫy để loi ngoi lóp ngóp dưới dòng sông tội đồ. Bất kể quốc gia nào thể chế nào thời đại nào thì xã hội vẫn có nhiều thành phần . Thành phần “nghĩ ít làm liều” lại chiếm đa số. Ác nỗi thành phần này lại đóng vai trò khuynh đảo xã hội. Luôn bày ra những tiêu cực và hậu quả nghiêm trọng để phải mất rất nhiều thời gian và phương thức để dọn dẹp chấn chỉnh. Các tỉ lệ phần trăm của những thành phần khác cộng lại chưa chắc đã bằng . Vì vậy xã hội luôn có nhiều biến dịch bất ổn, cuộc sống của mọi người vì thế cũng kha khá những thách thức. Và thường thì tùy theo những phạm vi mật độ khác nhau mà có những khuynh hướng hành xử khác nhau. Nếu kha khá con số tổng thể đồng tông thì dễ kết bè tạo thành một thứ thế lực, các thành phần còn lại mặc nhiên “mũ ni che tai’ hoặc “dĩ hòa vi quý”, chả ai dại đối đầu. Nếu mật độ thưa hơn, thì lá mặt lá trái cốt lấy lòng, vụ lợi, các thành phần khác bàng quan không thèm chấp, miễn là còn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, sự phân tầng là rất rõ rệt, mỗi một con người dù có giỏi che đậy biên diễn đến đâu thì cũng chẳng ai đủ ba đầu sáu tay mà khỏa lấp hết được những tật chứng bản thân. Mọi sự rồi cứ tự nhiên mà hiển lộ ra dưới ánh mặt trời trong con mắt người đời, khi một cá nhân tự hạ thấp nhân cách phẩm giá mình bằng những mưu toan vụ lợi nhỏ nhặt, thì họ cũng hết dần những cái gọi là lương tri thể diện. Ví như ai đó nêu lên một câu hỏi “lương tâm để chó tha rồi à”, hỏi nhầm hỏi thừa, có lương tâm đâu mà hỏi. Bởi lương tâm là một thước đo tối thiểu cho nhân cách một người. Mọi hành xử nếu được thông qua lăng kính lương tâm tất sẽ cho ra một kết quả cho dù không tốt lắm nhưng vẫn có thể chấp nhận được. Còn nếu đã có những hành vị gây tác hại cho một hoặc nhiều người một cách cố ý, thì không cần phải hỏi đến hai chữ “lương tâm” nữa. Xã hội suy cho cùng như một nồi “thắng cố”, tất tất bỏ chung vào nháo nhào lên, việc của mỗi người là chọn gì để gắp. phần còn lại nếu không thể thuộc tầm kiểm soát điều chỉnh của một phạm vi thì người ta thường ngao ngán mà thốt lên : Thời buổi…. Ô la la úi chà chà vô thiên lủng là những chiếc mặt na da người. Những chiếc mặt nạ rất tinh vi được trang bị cẩn thận được đậy trên những miệng hố. Và người ta chỉ có thể “À thì ra…” khi đã lọt ùm xuống đáy. Nhưng không sao, vòng quay cuộc sống có nhiều cái lạ lắm, tưởng vậy mà không phải vậy, luôn có những sự trả giá rõ rệt, hoặc lập tức hoặc lâu dài, hoặc bản thân hoặc người liên đới. Và niềm tin vào tính công minh của luật nhân quả thì vẫn hiển hiện để con người vẫn còn nơi bám víu. Cái chính là vị thứ thuộc tầng nào thì vẫn không hề thay đổi, đã thế này thì không thể thế kia và ngược lại. Vây nên cứ sàng cứ sẩy, lụn vụn rồi cũng rơi hết xuống thôi mà. Đàm Lan MÀU SẮC CỦA YÊU THƯƠNG Truyện ngắn Nhà cậu Tư tôi ở một xã của huyện Càng Long, nằm lọt thỏm giữa những cây dầu cổ thụ và đối diện một cái ao lục bình trổ đầy hoa tím ngát. Vào những ngày lễ, tết, nghỉ hè, tôi thường đến thăm cậu mở và anh Lợi, đứa con trai duy nhất của cậu tôi. Ở đấy, tôi tha hồ nhõng nhẽo và được nuông chiều tuyệt đối. Bởi vì tôi cũng là đứa con duy nhất của chị gái cậu. Cậu tôi sống bằng nghề đúc chậu kiểng, tạo dáng hòn non bộ. Cậu mua những tảng đá vôi về rồi chạm khắc tỉ mỉ, biến chúng thành những ngọn núi đẹp tuyệt, đứng chen chúc nhau với những dòng suối luồn lõi qua khe. Cậu chèn vài cây kiểng đứng rải rác dọc sườn đồi. Tạo dăm ba hang động và những tượng tiều phu vác rìu đứng ngẩn ngơ nhìn trời trong vắt. Ngắm tác phẩm của cậu, ai cũng phải trầm trồ:”Núi mọc giữa đồng bằng”. Dù tài hoa nhưng cậu nghèo rớt mồng tơi. Chung qui chỉ tại cách sống lại đời “Làm kĩ, bán rẻ”. Mở tối xem đó là cá tính đáng yêu của chồng nên không hề phiền trách. Mợ lo chăm chút mấy nọc trầu vàng để hái lá bán đổi gạo. Do bây giờ mấy ai ăn trầu, mợ chỉ trông cậy vào các đám cưới gả cần trầu cau thôi. Thỉnh thoảng cả nhà cậu phải ăn cháo thay cơm. Cuộc sống êm đềm, hạnh phúc của cậu mợ bỗng bị đe dọa bởi những tràng ho khan của cậu. Cậu sốt liên miên, nằm vùi, bỏ cây đục, cây dùi nằm chỏng chơ ở một góc, bên cạnh một hòn non bộ mới hình thành phân nửa. Bao nhiêu đồ đạc quí giá, mợ tôi tôi đem cầm bán để có tiền lo thang thuốc cho cậu. Tiền hết, bệnh vẫn không thuyên giảm. Anh Lợi phải bỏ học để giúp mẹ kiếm sống. Anh làm đủ thứ việc để có tiền: cắt hoa lục bình và đọt lá non đem bán cho hàng rau cải ở chợ. Vì đó là món ăn cùng mắm kho ngon vô cùng. Còn gốc lục bình già anh bồi mấy gốc trầu vàng. Thả bèo dâu xuống cái ao đối diện nhà và mấy cái ao nho nhỏ sau nhà. Chờ chúng sinh sôi xanh kín mặt ao, anh vớt lên đem bán cho những người nuôi vịt. Anh câu cá, nuôi chim yến phụng, nuôi cá lia thia mun, trồng khoai lang Diên Ngọc… Nếu cậu tôi không bị ốm nặng thì nơi nầy tuyệt biết bao. Đến đây, tôi được ngắm nhìn hàng dầu cổ thụ phía bên kia thả những đóa hoa hai cánh dài cong cong bay lửng lơ trong trời chiều, được ngắm những chú cá đen mun bơi lượn lờ trong cái chậu thủy tinh nho nhỏ, được lắng nghe tiếng chim hót ríu ran. Tôi còn được theo anh Lợi đi vớt bèo, đào khoai. Tôi thích mê, cảm thấy gần gũi và yêu thiên nhiên hơn nữa . Nhưng bây giờ đến đó, tôi chỉ muốn khóc vì cái dáng ốm o, tong teo nằm co rúm của cậu Tư khi ho, khuôn mặt hốc hác của mợ đầm đìa nước mắt và anh Lợi thì như con thoi nhỏ bé chạy tới chạy lui giữa chợ vì cơm và thuốc. Chần chờ mãi vẫn không thấy cậu thuyên giảm, cảnh nhà ngày càng sa sút mà mẹ tôi cũng nghèo không có điều kiện giúp đỡ, mẹ muốn gọi điện cho cậu Hai nhưng ngại vì cậu rất bận rộn việc làm ăn. Cậu Hai là bộ đội phục viên, tính tình rất khác em trai. Cậu thực tế và quyết đoán. Cậu xem việc phát triển kinh tế gia đình là quan trọng vì đó là điều kiện để sống tốt, để nuôi hai đứa con trai ăn học đến nơi đến chốn. Vì vậy, cậu sử dụng miếng đất chỉ mấy công thôi mà lợi ích vượt xa cậu Tư. Thấy làm ruộng vất vả mà thu hoạch có khi thất bát, phí công nên cậu hai biến chúng thành đất vườn. Cậu trồng cam sành và nghe đâu cậu đang thử nghiệm trồng vài trăm nọc Thanh Long. Chỉ mới lứa đầu, mẹ bảo rằng cậu đã thu hồi vốn và bắt đầu lời từ mùa này. Cậu Hai cũng từng hết lời khuyên cậu Tư nên... tỉnh táo. Nhưng cậu Tư đã gạt phắt đi rằng phận ai nấy lo, mỗi người có cách nghĩ, cách sống khác nhau, miễn không làm điều gì phi pháp, không làm phiền anh chị là được rồi. Vì thế, mẹ tôi cứ đắn đo, không dám cho cậu Hai hay tình trạng nguy kịch của em út. Chẳng biết cậu Hai sẽ nghĩ sao, liệu có xảy ra cãi vả nữa không! Nhưng trái với suy nghĩ của mọi người, biết tin em trai út bệnh nặng, cậu ào đến như cơn lốc. Cậu xông vào buồng ngủ, ôm chầm thằng em gầy như que tre, khóc rống lên. Cậu làm cho mọi người nước mắt tuôn ra như mưa. Khóc đã đời, Cậu đi từ trước ra sau, rồi từ sau ra trước, đánh một vòng quanh nhà, rẽ vào con hẻm nhỏ, lối đi bị những bụi cây hoa Mua chồm ra, che gần kín. Cậu hai đứng nhìn những cái ao bèo hồi lâu rồi thừ người khi bắt gặp những ngôi mộ nằm vất vưởng xa xa. Quay vào nhà, cậu ngồi phịch xuống cái ghế đặt cạnh giường bệnh của em trai. Cậu thở hắt ra, nói gọn lỏn: - Bệnh là phải rồi! Mẹ tôi và mợ Tư nhìn nhau, tôi không nén được ngạc nhiên hỏi: - Sao cậu Hai nói kỳ vậy? - Cậu quơ tay một vòng trước mặt, gằn giọng: - Để chỗ âm u như va62y làm sao không bệnh? Nhà thấp như cái hang, cửa sổ đóng im ỉm. Bây giờ gần đúng ngọ rồi mà chẳng thấy ánh mặt trời lọt vô. Lạnh tanh như buổi chiều mùa thu. Tôi mập mạnh như vầy mà nãy giờ hắt hơi mấy cái, huống chí bộ dạng mỏng như tờ giấy của thằng Tư. Hứ, có học mà sao nó sống không khoa học chút nào! Thiệt tình… Tôi chợt nhớ ra nơi nầy quanh năm mát lạnh. Ít khi nắng xuyên qua kẽ lá, in đậm lên nền đất. Anh Lợi thường than phơi quần áo lâu khô lắm. Bất giác tôi rùng mình hắt hơi. Cả nhà phì cười. Cậu Hai hỏi mợ Tư: - Dạo này, chú nó tạo hòn non bộ kiếm được nhiều tiền không thím? Mợ tư ấp úng giây lâu: - Dạ, cũng đơ đở…Nhưng từ hồi phát bệnh đến giờ, công việc dở dang nên.... nhưng em thấy miễn sao chồng em được làm những gì ảnh yêu thích là em vui rồi anh ạ. Với em tiền không quan trọng bằng cái vui của anh ấy. Cậu Hai quay sang anh Lợi: - Con có thích đi học không? - Mắt anh Lợi sáng rỡ: - Dạ thích, nhưng…ba con bệnh mà nhà không có tiền… - Cậu Hai nghiêm giọng: - Ra vậy! Chú Tư chỉ làm những gì chú thích, còn thím thì miễn chú thích là thím vui. Hai người có ai nghĩ tới thằng Lợi thích gì không? - Mọi người bật ngữa khi nhận ra điều đó. Mợ Tư sụt sịt khóc. Cậu Tư cũng rưng rưng nước mắt. - Cậu Hai bỗng như giận dữ, nói như quát: - Có con như hai người thật sướng! Bắt nó kiếm tiền nuôi lại hai người! Là một tay tay thợ hàn tiện giỏi nhưng không thích làm thợ. À, muốn làm một nghệ nhân đây mà! Hãy tỉnh lại đi chú em ơi! Chú cứ làm những gì chú thích sau khi chú lo cho gia đình chú no ấm, con chú được học hành như con người ta kìa. Chú thím có biết thằng Lợi đã đi bán máu không? Thằng Tuấn con anh đi hiến máu nhân đạo vô tình nhìn thấy thằng Lợi đang ngồi ở khu vực bán máu. Nó muốn đến hỏi thăm mà sợ thằng Lợi ngại nên lánh đi. Về kể cho tôi nghe tôi cũng hết hồn hết vía, định hôm nào rảnh đến hỏi tại sao đến nông nổi này mà chưa kịp thì em ba đã cho hay là chú bệnh nặng lắm. Tôi đoán chắc nhà không tiền thang thuốc cho cha, túng quá, thằng Lợi mới... bán máu chứ gì. Vợ tôi khóc ròng, hối tôi mau về xem sao. Thiệt tôi không ngờ ... Cậu Hai thở dài, rồi bỗng nói như ra lệnh: - Bây giờ, việc trước tiên là đưa chú Tư nó vào bệnh viện. Chuyện đưa thằng Lợi trở lại trường học, chuyện phát quang, sửa nhà tính sau. Tối đó, tôi thấy ba mẹ ngồi bàn bạc rất lâu. Hôm sau, đi học về, tôi ngạc nhiên khi thấy cái tủ cẩn xà cừ đặt dựa vách song môn đã biến mất. Thay vào đó là một cái tủ gỗ nâu bóng. Trông nó xa lạ làm sao. Thấy cử chỉ ngẩn ngơ của tôi, ba mỉm cười: - Ba đã bán cái tủ cẩn xà cừ rồi. - Mẹ tiếp lời: - Mẹ biết đó là di vật quí giá của bà ngoại con để lại nhưng đâu quí bằng mạng sống của cậu con. Tôi cảm động đến nghẹn lời khi ba bảo; - Vả lại, thằng Lợi phải được được đến trường. Cậu hai con đã cho tiền, ba mẹ cũng muốn góp phần. Tôi muốn nói với ba mẹ rằng tấm lòng của mọi người tốt đẹp vô cùng. Nhưng tôi lặng im nghe ba phân công: - Ngày mai, mẹ con Quyên ở nhà lo cơm nước cho mọi người. Mợ Tư túc trực ở bệnh viện để chăm sóc chồng. Tôi với thằng Lợi phụ anh Hai chặt mấy bụi cây rậm rì quanh nhà cậu Tư. Chắc phải mướn người lấp mấy cái ao sau nhà rồi trồng vài chục cây dừa. Chừng vài năm sẽ sinh lợi. Còn mấy chục cái chậu của cậu tư đúc để bán mà ế nằm ì đó, anh Hai tính trồng thanh long trong chậu. Anh ấy bảo đó là mô hình độc đáo lắm. Thanh Long trồng trong chậu sẽ biến thành kiểng lạ mà bán rất đắt vào dịp tết. Vì ai cũng muốn chưng những loại hoa quả có tên mang đến điều may mắn, phúc đức cho gia đình. Làm vậy vừa bán được quả Thanh Long mà cũng vừa bán được chậu. Nếu cậu Tư bình phục, tiếp tục đúc chậu để mợ Tư trồng Thanh Long thay vì trồng trầu thì tuyệt biết bao. Xong rồi, chắc tính tới chuyện lợp lại cái nhà. Lần nầy phải đắp nền cao hơn, mở vài cái cửa sổ cho thông thoáng. Ý kiến của anh hai hay thiệt. May là anh Hai về kịp! Tôi cảm thấy vỡ oà niềm vui. Chuyện tưởng như bí lối mà cậu Hai giải quyết gọn nhẹ đến vậy. Tôi chợt nhớ đến con heo đất của mình. Nếu bổ nó ra, số tiền dành dụm được trong đó chắc đủ để mua một cái áo trắng cho anh Lợi mặc đi học. Người anh... chẳng chút huyết thống gì với tôi. Nhưng cách anh nghĩ, cách anh hy sinh đã dạy cho tôi một bài học về nhân nghĩa. Dù vô tình biết được mình chỉ là một đứa con nuôi mà cha mẹ đã nhặt trước cổng chùa. Anh vẫn một lòng kính yêu cha mẹ. Sẵn sàng bỏ học để kiếm tiền lo cho gia đình. Thậm chí anh còn bán cả máu của mình. Khi tôi hỏi, sao anh gan quá vậy, không sợ bị bệnh sao thì anh bảo rằng không sợ. Dù bán hết máu anh vẫn vui vì ơn dưỡng dục của cha mẹ như trời bể. Hai người đã cưu mang anh khi người sinh ra anh còn vất anh bên vệ đường. Thì tại sao anh không đền ơn đáp nghĩa khi người có tấm lòng nhân ái như ba mẹ anh gặp khó khăn. Anh còn bảo, nếu có kiếp sau, anh vẫn mong được làm con của cậu mợ Tư, dù chỉ làm một đứa con nuôi. Tôi thật sự kính trọng anh, kính trọng những người thân của tôi. Họ là những tấm gương sáng đẹp vô cùng. Khi soi vào đấy, tôi tìm thấy niềm tin cuộc sống tươi đẹp vô vàn. Những người thân của tôi như những nghệ nhân tạo nên tâm hồn cao đẹp bằng màu sắc của yêu thương! Nguyễn Thị Mây
MỤC LỤC Chi tiết về cuộc họp ngày 13/6/2020 .......... Vũ Thư Hữu ............ 03 Hình ảnh sinh hoạt CLB Sách Xưa và Nay .......... 06 Vài lời về tủ sách trên 500 cuốn của Thế kỷ 19 và đầu Thế kỷ 20 đã ở bên tôi mấy chục năm nay...... Vũ Anh Tuấn 11 Lịch sử Giáo Hội Cộng Giáp (tt- kỳ 6 ) Bosco Nguyễn Văn Đình, Ofm & Giuse Nguyễn Hữu Triết . 14 Nếu phải chung sống với Covid: Ngàn năm Che mặt - “Ngàn năm Mây bay” - Khẩu trang không che được Nụ cười ........ Phạm Vũ ............ 20 Hiểu và hành Đạo Phật theo đúng Chánh Pháp Tâm Nguyện ............. 34 Bình thường giữa Vô thường Nguyễn Duy Nhiên - Đỗ Thiên Thư st. .............. 50 Bất ngờ về 20 sự thật về Sôcôla ít người biết Đào Minh Diệu Xuân st. ......... 55 Vài ý kiến vắn tắt về dịch thuật ...... Thúy Toàn ............ 58 Tiếng Không Gian ..................... Ngàn Phương ............ 63 Cảm đề thơ Nguyễn Mậu Lãm Mơ gặp Tri Âm Ngàn Phương ............. 64 Một thoáng Quảng Bình .............. Chữ Đồng Minh ............ 65 Quảng Bình…nhớ em ..................... Kỳ Nam ........... 65 Trôi Dạt ............................... Vũ Thùy Hương ............ 66 Ngẩn Ngơ ................................ Vũ Thùy Hương ............ 66 Còn Đâu ............................. Vũ Thùy Hương ............ 67 Ly Biệt .................................... Vũ Thùy Hương ............ 68 Xế Chiều Giao Hảo .................... Vũ Thùy Hương ............ 68 Huế ơi! Mãi Nhớ ........................ Vũ Thùy Hương ............ 69 Việt Nam yêu quý ................ Lương Văn Nhung ............ 70 Sài Gòn bay xa ..................... Đinh Thị Diệu ............ 71 Hãy Đồng Lòng .................. Lê Minh Chử........... 72 Tình Khúc Hoàng Lan ............. Phùng Chí Tâm ............ 72 Tiền .................................... K.H Quang Bỉnh ............ 73 Thơ Họa ............................ K.H Quang Bỉnh ............ 73 Bạn Thơ ............................... K.H Quang Bỉnh ............ 74 Mưa Tháng Sáu .................................... Hoài Ly ............ 75 Chín câu nói đáng suy ngẫm ....................................................... 76 và Mười lăm điều đáng suy ngẫm .....Hoàng Kim Thư st. .... 77 Không nên ăn vào ban đêm .............. Quan Thúy Mai st. ............ 85 Con chim trong bàn tay . Bùi Đẹp - Lâm Quang Hiệp st. ............ 85 Mười điểm đến đặc biệt trên Thế Giới ......... Lệ Ngọc st. ............ 89 Những lời khuyên “vô giá” lúc lâm chung của vị Thầy thuốc Đông y 112 tuổi ..... Hà Mạnh Đoàn - Hoàng Chúc st. ............... 93 Sẩy sàng sàng sẩy ................ Đàm Lan .......... 119 Màu sắc của yêu thương ......... Nguyễn Thị Mây .......... 123
|