Hiện có 10 người xem / 2521167 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

MỘT SỐ CHI TIẾT

VỀ CUỘC HỌP NGÀY 11/7/2020

CỦA CLB SÁCH XƯA VÀ NAY

Phiên họp hôm nay có một khách mời là bà Kim Thoa. và bà Thoa đã được dành cho vài phút để tự giới thiệu với các thành viên.

Sau đó, như thường lệ, để mở đầu phiên họp,dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên hai tân quý thư mà ông mới có. Hai cuốn sách lần này, một cuốn bằng tiếng Pháp, và một cuốn bằng tiếng Anh. Cuốn sách bằng Pháp văn cỡ 11 x 18, dày 288 trang, mang tựa để là Đám cưới của Rocambole (Le marriage de Rocambole) là một cuốn truyện phiêu lưu mạo hiểm của tác giả Pháp thời danh Ponson du Terrail. Nhân vật Rocambole của tác giả thời danh này có thể nói người Pháp nào cũng biết vì trong tiếng Pháp có thành ngữ “Aventure rocambolesque” (Cuộc phiêu lưu mạo hiểm theo cung cách của Rocambole). Cuốn sách nhỏ có một cái bìa cứng rất đẹp, và trong sách có trên 10 minh họa nguyên trang bằng bút sắt cực đẹp. Còn về tác giả Ponson du Terrail thì là một tác giả nổi tiếng của thế kỷ 19 vì ông sinh năm 1829 và mất năm 1871, tuy chỉ thọ có 43 tuổi nhưng ông đã viết được những tác phẩm phiêu lưu mạo hiểm cực hay, trong đó có cuốn Những bí mật thành Ba Lê (Les mystères de Paris) dày cả ngàn trang mà dịch giả Vũ Anh Tuấn đã đọc cả mấy chục năm trước, và đã đọc đi đọc lại mấy lần trong đời mà vẫn thích, nên gặp cuốn này ông ẵm về ngay và muốn khoe với các thành viên để các vị đó thấy được sách Pháp đẹp đến mức nào. Tuy lúc này, sau khi hết “hai mươi tuổi lần thứ tư cộng năm”, cặp mắt đã hơi kém, nhưng ông vẫn tự hứa sẽ thưởng thức ngay trong tương lai gần.

Cuốn thứ nhì bẳng anh văn, khổ 14 x 21, dày 376 trang, của tác giả Hans Holzer, mang tựa đề là “Các truyện ma hay nhất của Mỹ” (Great American Ghost Stories). Cái tựa đề đã hấp dẫn dịch giả Vũ Anh Tuấn vì trong đời, ông là một người rất khoái truyện ma, và ông đã đọc rất nhiều truyện ma ba tàu, nên nay tò văn mò và muốn biết truyện ma Mẽo ra sao, nên thấy cuốn sách là cũng rước về liền. Sau khi được giới thiệu. hai cuốn sách đã được vài thành viên chuyền tay nhau lật xem một cách thích thú.

Sau khi dịch giả Vũ Anh Tuấn giới thiệu sách, anh Nhung lên ngâm tặng các thành viên bài thơ “Cảnh đẹp Đầm Sen”. Anh Nhung ngâm thơ xong, anh Phạm Vũ lên nói về đề tài “Sống chung với Covid – Ngàn năm che mặt và Ngàn Năm Mây bay.” Sau anh Phạm Vũ. Chị Diệu lên đọc bài thơ “Đường lên Đà Lạt” và hát tặng các thành viên môt bài của Phạm Trọng Cầu. Tiếp lời chị Diệu, anh Nhựt Thanh lên nói về Vua Quang Trung qua Trung quốc. Anh Nhựt Thanh nói xong, Thúy Mai lên hát tặng các thành viên bài “Tìm mãi thương yêu”. Thúy Mai hát xong, anh Thanh Vĩnh lên đọc tặng các thành viên ba bài thơ ngắn. Sau anh Thanh Vĩnh, Hoài Ly lên ngâm tặng các thành viên bài thơ “Mưa tháng sáu”. Tiếp lời Hoài Ly, chị Hoàng Thị Vinh lên ngâm tặng các thành viên một bài thơ về sức khỏe. Chi Vinh ngâm xong, anh Chử Đồng Minh lên ngâm tặng các thành viên bài thơ “Ngày xưa áo trắng”. Sau anh Chử Đồng Minh, chị Kim Thoa lên đọc tặng các thành viên bài “Tìm đến với thơ”. Sau chị Kim Thoa, anh Phùng Chí Tâm lên đọc tặng các thành viên 4 câu thơ do chính anh làm, và hát tặng các thành viên bài “Nụ cười sơn cước”. Anh Phùng Chí Tâm hát xong, Thùy Hương lên hát tặng các thành viên bài thơ “Về quê cũ”. Sau Thùy Hương, Lệ Ngọc lên hát tặng các thành viên bài “ Ai về sông Thương”. Lệ Ngọc hát xong, anh Hùng lên kể vài chuyện vui. Sau anh Hùng, Tuyết lên hát tặng các thanh viên bài “Tháng sáu trời mưa”. Tuyết hát xong, anh Dương Xuân Định lên đọc một bài thơ và hát một bài hát tặng các thành viên. Sau anh Định, Kim Sơn lên đọc tặng các thành viên một bài thơ và hát một bài của Trịnh Công Sơn. Kim Son hát xong, anh Huy Hà lên hát tặng các thành viên bài “Thương về miền Trung”. Và cuối cùng Ngàn Phương, đã vắng mặt rất lâu nay mới tái xuất hiện, đã nhờ anh Huy Hà ngâm hộ bài thơ của Ngàn Phương là bài “Mơ gặp tri âm” và cuộc họp kết thúc lúc 11.20 khi các thành viên vui vẻ chia tay hẹn sẽ tái ngộ trong kỳ họp tháng tới.

Vũ Thư Hữu


HÌNH ẢNH SINH HOẠT CLB SÁCH XƯA VÀ NAY

VÀI CHI TIẾT VỀ CUỐN “VIỆC CÔNG HÃM THÀNH TUYÊN QUANG”

CỦA TÁC GIẢ THUỘC ĐỊA PHÁP DICK DE LONLAY,

MỘT CUỐN SÁCH 131 TUỔI ĐỜI (1889)

Đây là một cuốn sách nhỏ chỉ có 133 trang, nhưng là một cuốn sách nói về các cuộc chiến giữa quân Pháp và quân Bắc kỳ chống lại bọn Giặc Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phước. và đề tài của cuốn sách là “Cuộc công hãm thành Tuyên Quang từ 24/11/1884 tới ngày 3/3/1885”. Cuốn sách được xuất bản 131 năm trước và có 48 minh họa vẽ bằng bút sắt của chính tác giả. Tuy có cuốn sách đã gần 20 chục năm mà người viết không mấy quan tâm vì không ưa gì các sách viết về chinh chiến, nhưng gần đây bà bạn ở Pháp có xin người viết cho biêt qua về nội dung cuốn sách nên đây chính là lý do khiến có bài viết này. Từ đầu đến cuối cuốn sách chỉ toàn viết về các trận dánh giữa quân Pháp và Bắc kỳ và bọn Giặc Cờ Đen, và đối với những nhà nghiên cứu lịch sử thì cũng là một đề tài hấp dẫn. Cuốn sách được chia làm 10 Chương như dưới đây:

· Chương 1: Nói về việc chiếm giữ thành Tuyên Quang.

· Chương 2: Nói về các biện pháp trấn giữ .

· Chương 3: Nói về các trận đụng độ quanh vùng ngoại thành.

· Chương 4: Nói về việc cái lô cốt bị tấn công.

· Chương 5: Nói về việc di tản khòi cái lo cốt.

· Chương 6: Nói về các cuộc bắn phá và xử dụng mìn nổ.

· Chương 7: Nói về hai cuộc tấn công quy mô đầu tiên.

· Chương 8: Nói về các cuộc tấn công dữ dằn.

· Chương 9: Nói về việc bọn Giặc Cờ Đen tháo lui.

· Chương 10: Nói về cuộc đụng độ ở địa diểm mang tên là Yuoc và việc bọn Giặc Cờ Đen tháo chạy.

Cả cuốn sách chỉ mô tả và cho chi tiết các trận đánh, nên người viết không mấy quan tâm, nhưng vì bà bạn có xin cho biết qua nội dung nên anh ta đã không thề từ chối và viết ra bài viết nhỏ này ...

Trích “Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI”

Vũ Anh Tuấn


LỊCH SỬ

GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

(tiếp theo số 169)

Bài 7:

MOHAMET, VỊ NGÔN SỨ CỦA ĐỨC ALLAH

Từ thời Thánh Bênêdictô (480-547) trở về sau, Giáo Hội không ngừng phát triển. Công cuộc truyền giáo tại các nước Pháp, Đức, Anh, Ái Nhĩ Lan, đã được đẩy mạnh, chủ yếu là nhờ các tu sĩ. Về phía Đông Nam, Giáo Hội Đông Phương ngày một ăn sâu vào tâm khảm của các dân tộc như Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Syria… Tại các nước Ả Rập, cũng đã mọc lên nhiều cộng đoàn Kitô hữu. Cũng chính tại nơi đây, đã phát sinh một tôn giáo độc thần mới, bắt nguồn từ Do Thái giáo và Kitô giáo. Hiện nay, tôn giáo này có trên 1,2 tỷ tín đồ, sống rải rác khắp nơi. Nhưng đông đảo nhất là tại Trung Đông, Bắc Phi, và các nước Indônêsia, Malaixia. Đó là Hồi Giáo.

I. HỒI GIÁO LÀ GÌ?

Trên trường quốc tế, Hồi Giáo được gọi là “Islam”. Islam, theo tiếng Ả Rập, có nghĩa là “tin tưởng và tuân phục”. Người Hồi Giáo nhìn nhận có một Thượng Đế duy nhất, và ý muốn của Ngài là trên hết, vì thế mọi người phải hết lòng tuân phục. Người Hồi Giáo gọi Thượng Đế là Đức Allah. Đức Allah, là Đấng toàn năng, đầy lòng thương xót. Ngài nói với loài người qua các Ngôn sứ và loài người sẽ trở về với Ngài sau lúc chết. Để thực hiện ý muốn của Đức Allah, người Hồi Giáo ăn chay, cầu nguyện, bố thí, làm các việc thiện và đi hành hương tại giáo đô Mecca.

· Lúc cầu nguyện, người Hồi Giáo tuyên xưng chỉ có một Thượng đế là Đức Allah và Mohamet là ngôn sứ của Ngài.

· Họ cầu nguyện sáng, trưa, chiều, tối và cầu nguyện đối với họ chủ yếu là tán tụng Đức Allah.

· Khác với người phàm, Đức Allah là Đấng Cao siêu nên trước lúc cầu nguyện, con người phải trong sạch, nghĩa là phải rửa tay chân và thanh tẩy tâm hồn.

· Người Hồi Giáo ăn chay rất nghiêm ngặt, trong suốt tháng 9 âm lịch, tức là tháng Ra-ma-dan, từ sáng sớm đến chiều tối họ không ăn, không uống và kiêng cữ nhiều thứ.

· Hàng năm, ngoài số tiền bố thí cho người nghèo, họ còn phải đóng 1/10 lợi tức cho việc thờ phượng.

· Ngoài ra, người Hồi Giáo phải đi hành hương tại giáo đô Mec-ca, ít nhất là một lần trong đời sống. Và tại Mec-ca, khách hành hương nối tiếp nhau đi qua trước một phiến đá đen đặt trong vách đền Thờ, gọi là phiến đá Ka-a-ba, tượng trưng cho Thượng đế. Người Hồi Giáo không thờ các thánh mà cũng không tạc hình Thượng Đế.

II. MEC-CA LÀ GÌ VÀ MOHAMET LÀ AI?

Mec-ca nay là một thành phố với 150.000 dân cư, nằm gần bờ Biển Đỏ, trong nước Ả Rập Sau-đi. Tại nơi đây, vào khoảng năm 610, một người Ả Rập tên là MOHAMET đã tự xưng là được “Thượng Đế soi sáng” để đứng ra chỉnh đốn Do Thái giáo và Kitô giáo. Ông nhận mình thuộc dòng dõi Ismael, con của Abraham. MOHAMET chào đời năm 570 trong một gia đình nông dân nghèo khó, mồ côi cha từ lúc nhỏ. Năm 25 tuổi, ông kết hôn với một góa phụ giàu có, lớn hơn ông 15 tuổi. Tuy bận rộn với công việc buôn bán, nhưng Mohamet lại thích trầm tư mặc tưởng. Những suy tư của ông, ông cho là Thượng Đế linh ứng và đem ra truyền bá cho dân chúng. Lời dạy của ông được các môn đệ gom góp và ghi lại trong một cuốn sách mà người Hồi giáo xem như “Thánh Kinh”. Đó là cuốn “CÔ-RAN”

MOHAMET không được những người đồng hương ở Mec-ca ủng hộ, nên đã phải trốn đến Mêđina, một thị trấn cách Mec-ca khoảng 400 cây số. Nơi đây ông được giúp đỡ để truyền bá giáo lý của ông. Tuy nhiên, để phát triển đạo mạnh hơn nữa, Mohamet đã không ngần ngại dùng cả những phương tiện chiến tranh. Theo lịch sử ghi lại, thì Mohamet, một lần kia đã tổ chức đánh cướp một thương đoàn của người Mec-ca, để lấy tiền bạc, châu báu, làm cho 63 người thiệt mạng. Vào năm 630, khi đã có thế lực và uy tín, Mohamet đem quân đánh chiếm lại thành Mec-ca, rồi áp đặt khắp nơi việc tôn thờ Đức Allah. Mohamet qua đời ngày 8 tháng 6 năm 632.

Những người kế vị Mohamet nổi tiếng là : Abu-be (632-634); O-ma (634-644); Ot-man (644-656). Chính những nhân vật này đã đưa Hồi Giáo lên địa vị quan trọng và mở đường cho Hồi Giáo đánh chiếm Xiri (634); Giêrusalem (638); Bắc Phi (689)… rồi tiến đánh các nước Tây Âu và chỉ ngừng lại trước hàng rào cản của vua Charles Martel tại Poitiers (Pháp) năm 732.

III. HỒI GIÁO CÓ GÌ ĐỘC ĐÁO?

Tuy xưng mình là người nối tiếp truyền thống của Abraham, và là người được mời gọi để giảng hòa các phe phái Kitô giáo, nhưng Mohamet ít bàn tới Chúa Kitô mà lại khẳng định mình mới là vị Ngôn sứ cuối cùng của Thượng Đế.

Mohamet dạy các tín đồ phải tuân phục Thượng Đế vô điều kiện. Do đó, khi cần phải bênh vực đạo giáo, họ phải hy sinh tất cả để chiến đấu vì họ cho đó là một cuộc “Thánh chiến”.

Về mặt luân lý, Mohamet đề cao một số đức tính như: ngay thẳng, can đảm, và hiếu khách. Đồng thời ông cũng cho phép con người sống theo bản năng tự nhiên. Chính vì thế mà một người đàn ông Hồi Giáo có quyền lấy bốn người vợ chính thức và có quyền bỏ vợ dễ dàng.

Về mặt xã hội, Mohamet vẫn chấp nhận chế độ nô lệ.

IV. TA NGHĨ GÌ?

Là Kitô hữu, không ít thì nhiều, chúng ta phải hiểu biết về Hồi Giáo. Quả vậy, Hồi giáo có một số tín điều và tục lệ giống như Kitô giáo chúng ta. Điểm khác biệt là ở chỗ: người Hồi Giáo tuy nhìn nhận Đức Giêsu là ngôn sứ, và tôn sùng Đức Maria là Mẹ Ngài, nhưng họ không tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, đã chết và sống lại vì chúng ta.

Khách quan mà nói, ta phải cảm phục lòng tin tưởng tuyệt đối vào Thượng Đế của người Hồi Giáo. Tuy nhiên, ta cũng phải nhìn nhận rằng người Hồi Giáo cũng có những điểm quá khích, như quan niệm về các cuộc Thánh chiến hay thái độ không khoan nhượng đối với những người không cùng chia sẻ một niềm tin. Điều này quả là trái ngược với tinh thần bao dung của đạo giáo.

Dù sao chăng nữa, Hồi Giáo vẫn là một tôn giáo lớn, mà ta không thể coi nhẹ ảnh hưởng sâu xa của nó trong các bản Hiến pháp, trong đời sống gia đình và xã hội của các nước theo Đạo Hồi.

Bài đọc thêm

CỘNG ĐOÀN HỒI GIÁO

VÀ NĂM TRỤ CỘT CỦA HỒI GIÁO

Trong Hồi Giáo tất cả những người tin tạo thành một khối, gọi là Umma. Ai tự tách rời khỏi khối này là tự tách rời khỏi đức tin. Tất cả mọi hành động trong cuộc sống đều có giá trị tôn giáo, và mọi hành động tôn giáo đều mang tính chất cộng đoàn.

Có năm quy định chi phối đời sống của một người Hồi Giáo, được gọi là “năm trụ cột của Hồi Giáo” :

1. Phải tuyên xưng đức tin (Chahada) : “Ngoài Đấng Alhah, không có thần nào khác và Mahomet là ngôn sứ của Ngài”. Việc tuyên xưng đức tin này sát nhập người tin vào cộng đoàn Hồi Giáo và làm cho cộng đoàn này được thống nhất.

2. Phải đọc kinh : Mỗi ngày năm lần (vào lúc mặt trời mọc, trưa, xế chiều, lúc hoàng hôn và buổi tối). Việc đọc kinh có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn. Đọc Kinh như thế để nhắc nhở các tín hữu dành chỗ cho Chúa trong suốt ngày làm việc của mình. Thường thì người ta đọc Kinh chung, và nếu có thể thì đọc trong Đền Thờ, nhất là giờ Kinh Trưa ngày Thứ Sáu và các ngày lễ.

3. Phải ăn chay suốt tháng Ra-ma-dan : Suốt ngày nhịn ăn, nhịn uống hoàn toàn, không sinh hoạt giới tính, từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn. Ra-ma-dan là tháng 9 âm lịch. Việc ăn chay mang tính cá nhân nhưng cũng là một chứng tá tập thể và công khai, muốn nhấn mạnh việc con người ở trần thế phải tuân phục Chúa.

4. Phải bố thí (Zakat) : Việc bố thí vừa là để thanh luyện con người và các tài sản, vừa là một cử chỉ nói lên sự công bình và tinh thần tương thân tương ái.

5. Phải đi hành hương (Haji) : Người Hồi Giáo phải đi hành hương tại Mec-ca, ít là một lần trong đời sống, trừ khi không có điều kiện thực tế. Hành hương sẽ xóa đi các tội lỗi cá nhân. Đồng thời hành hương cũng là một biểu hiện hùng hồn nói lên niềm tin chung của các tín hữu trong sự dị biệt của họ.

Nói về “Thánh chiến” , Đúng ra từ “Jihad” (Thánh chiến) có nghĩa là “cố gắng”. Nó là một sự động viên sức lực nhằm bảo đảm quyền lợi của Chúa và cũng là để bành trướng văn hóa Hồi Giáo.

Tinh thần cộng đoàn của Hồi Giáo khiến cho các dân tộc Hồi Giáo, đang đấu tranh dành độc lập, rất nhạy bén về tinh thần tương trợ lẫn nhau. Hồi Giáo không biết tới sự phận biệt giữa “thiêng liêng” và “trần tục”, giữa đạo và đời. Mọi hành động công khai đều liên hệ mật thiết đến đời sống và tương lai của cộng đoàn đức tin Hồi Giáo, và có sứ mạng làm nổi bật quyền lợi của Chúa

Théo, tr. 143 a, b


(còn tiếp)

Bosco Nguyễn Văn Đình, Ofm

Giuse Nguyễn Hữu Triết

Hai nhà giáo thân thiết

Hà Mai Anh & Bùi Văn Bảo


Hà Mai Anh (1905 - 1975)

Bút hiệu Mai TuyếtNhư Sơn, là một nhà giáo, cùng là tác giả của nhiều sách giáo khoa về văn chương, toán học và dịch giả nhiều cuốn sách phổ biến như Tâm hồn cao thượng, Vô gia đình...

Hà Mai Anh quê ở Thái Bình , ông đậu bằng Cao Ðẳng Tiểu học và trường Sư phạm, từng làm giáo học và hiệu trưởng ở các tỉnh ở Bắc Kỳ . Ông đóng góp nhiều bài vở cho các báo đương thời nhưng sự nghiệp văn học của ông chủ yếu là sách giáo khoa và các tác phẩm mang tính cách giáo dục. Ngay từ năm 1938 cuốn Công dân giáo dục đã được xuất bản tại Nam Định và được chính phủ Bảo hộ chấp thuận dùng làm sách giáo khoa.

Sau đó là nhiều tác phẩm dịch, nổi tiếng nhất là cuốn Tâm hồn cao thượng (tiếng Ý: Cuore) đoạt Giải thưởng Văn chương của Hội Alexandre de Rhodes Hà Nội năm 1943, dịch từ tiếng Pháp . Cuốn này nguyên thủy viết bằng tiếng Ý của Edmondo De Amicis và tại Việt Nam được xem như một cuốn "luân lý giáo khoa thư" của thế kỷ 20 và trở thành "kim chỉ nam" của một thế hệ thiếu niên. Các tác phẩm khác do ông dịch lại từ tiếng Pháp: Vô gia đình (Sans Famille), Trong gia đình (En Famille) và Về với gia đình của Hector Malot ; Guy-Li-Ve du ký (Gulliver's Travels) của Jonathan Swift ; 80 ngày vòng quanh thế giới (Le Tour du monde en quatre-vingts jours) của Jules Verne cũng được nhiều người biết đến.

Năm 1954 ông di cư vào Nam làm hiệu trưởng trường Trần Quý Cáp ở Sài Gòn rồi chuyển sang làm việc trong Ban Tu thư và Học liệu thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục của VNCH . Khi chính quyền VNCH sụp đổ, ông sang Mỹ tỵ nạn và mất ngày 20/8 / 1975 tại San Bernadino , CA, Hoa Kỳ .

Nhà giáo Hà Mai Anh & Tác phẩm Tâm Hồn Cao Thượng

Trong đêm hội ngộ kỷ niệm 50 năm Ngày Ra Trường của Khóa Nguyễn Trãi I, Trường Đại Học CTCT vào cuối tháng 5, 2019. Tôi gặp anh Hà Mai Khuê (Thiếu Tá Thiết Giáp, bạn học với Nguyễn Lương Tâm thời trung học ở Đà Lạt và cũng là bạn cùng khóa NT I của chúng tôi). Anh Khuê nhắc lại bài viết của tôi cách nay 15 năm khi được tin nhà giáo Hà Mai Anh (bác của anh Hà Mai Khuê) qua đời ngày 20 tháng 8 năm 1975 tại San Bernadino, Hoa Kỳ.

Nhà giáo Hà Mai Anh, thân phụ của Đại Tá Kỵ Binh Hà Mai Việt (1933), tác giả Thép & Máu, Việt Nam Cội Nguồn Cuộc Chiến, Việt Nam & Hoa Kỳ Trong Chiến Tranh Lạnh... GS Hà Mai Phương (1939-2009) với nhiều tác phẩm biên
khảo rất giá trị.

Nhà giáo Hà Mai Anh là vị thầy đáng kính trong những thập niên trước năm 1975 , những tác phẩm của nhà giáo hầu hết chọn lọc nội dung hướng thượng Chân, Thiện, Mỹ như những lời dạy bảo của bậc sinh thành hướng dẫn con cái
mang tâm hồn nhân bản.

Trong thời gian qua, nhiều bài viết nói về nền giáo dục thời VNCH với châm ngôn: Đức Dục, Trí Dục, Thể Dục. Nền giáo dục đó từ bậc tiểu học đã dạy dỗ, hướng dẫn trẻ thơ học hỏi hầu khi lớn lên làm con người lương thiện, tâm hồn trong sáng để phục vụ cho đất nước.

Năm 1938 cuốn Công Dân Giáo Dục của nhà giáo Hà Mai Anh đã được xuất bản tại Nam Định được chấp thuận dùng làm sách giáo khoa. Quyển Tâm Hồn Cao Thượng, bản dịch của nhà giáo Hà Mai Anh đoạt Giải Thưởng Văn Chương của Hội Alexandre de Rhodes Hà Nội năm 1943, cuốn sách nầy được xem như cuốn Luân Lý Giáo Khoa Thư của thế kỷ 20 và trở thành “kim chỉ nam” cho thế hệ thiếu niên trong nhiều thập niên. Sách được tái bản nhiều lần.

Bậc sinh thành lúc nào cũng quan tâm dạy dỗ con cái với tình thương cao cả. Người cha thường nghiêm khắc, người mẹ nhẹ nhàng, trìu mến… Hình ảnh đó trong tác phẩm Tâm Hồn Cao Thượng thể hiện trong đời sống xưa nay.

Sau năm 1975, Tâm Hồn Cao Thượng của dịch giả Hà Mai Anh được tái bản rất nhiều lần tại Việt Nam, nhưng chưa lần nào thực hiện đúng trong nguyên tác, các nhà xuất bản thiếu tôn trọng tác quyền!. Lời NXB Thanh Niên ghi: “Chúng
tôi cũng có thay đổi, sửa chữa một vài chi tiết của bản dịch nầy cho phù hợp với tình hình hiện nay…”. Thật khó hiểu “tình hình hiện nay” qua tác phẩm văn học, giáo dục như thế nào mà tự ý làm giảm giá trị nguyên bản được trích giảng ở nhà trường qua nhiều thập niên.

-Vào đầu thế kỷ 18, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã dịch thi phẩm Chinh Phụ Ngâm của danh sĩ Đặng Trần Côn đã lưu lại trong văn đàn Việt Nam áng thơ tuyệt tác. Thi phẩm Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn viết bằng Hán văn, Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã chuyển dịch sang quốc âm, thể thơ song thất lục bát, dài 412 câu (theo bản của Văn Bình Tôn Thất Lương, năm 1950, sách Giáo Khoa Tân Việt) được giảng dạy ở học đường. Qua bản dịch Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm, Đặng Trần Côn đưa cho danh sĩ Ngô Thời Sĩ xem và ông ta ngỏ lời thán phục: “Văn chương tới mức nầy thì Lão Ngô tôi chỉ còn biết bái phục mà thôi”.

Nhờ bản dịch bằng quốc âm của Đoàn Thị Điểm, tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn mới được lưu truyền và áng thơ Chinh Phụ Ngâm gắn liền với tên tuổi nhà thơ Đoàn Thị Điểm.

-Vì vậy có những tác phẩm mà bản dịch lột tả văn phong lẫn nội dung, thể hiện tinh hoa của nguyên tác cũng được nổi danh và lưu truyền qua nhiều thạp niên; điển hình như tác phẩm của Edmondo De Amicis qua bản dịch của Hà Mai Anh.

Nhà giáo Hà Mai Anh (1905-1975), bút hiệu Mai Tuyết và Như Sơn, tác giả của nhiều sách giáo khoa và dịch giả nhiều cuốn sách phổ biến trong thập niên 50, 60 và giữa thập niên 70 ở Sài Gòn.

Năm 1954 cụ di cư vào Nam làm hiệu trưởng trường tiểu học Trần Quý Cáp ở góc đường Trần Quý Cáp và Pasteur, Sài Gòn rồi chuyển sang làm việc trong Ban Tu Thư và Học Liệu thuộc Bộ Quốc Gia Giáo Dục của VNCH.

Nhà giáo Hà Mai Anh được trao tặng Giáo Dục Bội Tinh VNCH, Giải Nhất Giải Dịch Thuật Pháp Văn của Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa năm 1970. Cụ đã dịch những danh phẩm hầu như chúng ta đều biết: Vô Gia Đình (Sans Famille của Hector Malot), Trong Gia Đình (En Famille của Hector Malot), Về Với Gia Đình (Romain Kalbris của Hector Malot), 80 Ngày Vòng Quanh Thế Giới (La Tour du Monde en Quatre-vingt Jours của Jules Verne), Guy-Li-Ve Du Ký
(Gulliver's Travels của J. Swiff), Em Bé Bơ Vơ (Charles Dickens), Chuyện Trẻ Em (Contes de Perrault của Charles Perrault), Thuyền Trưởng 15 Tuổi (Un Capitaine de 15 Ans của Jules Verne)... Hầu hết các tác phẩm chọn dịch đều có nội dung trong sáng, hướng thượng để học hỏi.

Tác giả Edmondo De Amicis viết về tác phẩm cho trẻ thơ, viết theo hình thức nhật ký của Enrico Bottini (là An Di trong bản dịch của Hà Mai Anh), cậu học trò 11 tuổi, học tiểu học. Câu chuyện dẫn dắt từ Ngày Khai Trường tại thành Torino, thành phố ở Tây Bắc nước Ý, vào thứ Hai ngày 17 tháng Mười đến Trang Cuối Cùng Của Mẹ Tôi vào thứ Bảy, ngày 1 tháng Bảy. Tác phẩm tuy mỏng, gồm 60 “tiểu mục” ngắn từ (1 Ngày Khai Trường) “Hôm nay tôi đi học…” đến (60 Trang Cuối Cùng Của Mẹ Tôi) với dòng kết “Mẹ tôi tin rằng hình ảnh trường cũ sẽ in vào ký ức của con cho đến lúc tàn hơi thở cuối cùng như không bao giờ mẹ quên được bóng dáng của nhà cũ kỹ mà ở đó mẹ đã nghe tiếng nói ban đầu của con - Mẹ con”. Từng mẩu chuyện ngắn ghi lại trong lớp học vui, buồn… tinh nghịch, an ủi, chia sẻ cho nhau, hình ảnh đó trong tuổi học trò đã từng trải qua.

Tâm hồn trẻ thơ như trang giấy trắng, khi cha mẹ, thầy cô tô điểm những bông hoa tươi đẹp sẽ ảnh hưởng vô cùng. Và, trong tác phẩm nầy đã nói lên điều đó. Từ những ghi nhận của cậu bé, lời nhắn nhủ của cha mẹ được diễn đạt qua dòng nhật ký trong suốt niên học được kết thúc lúc chia tay.

Tác phẩm Tâm Hồn Cao Thượng được nhà giáo Hà Mai Anh chuyển ngữ với lời văn trong sáng, nhẹ nhàng, giản dị, khi đọc cảm tưởng như những lời tâm tình của cậu bé học lớp Ba với bậc sinh thành, với thầy cô và cả bạn bè. Lời thầy cô, cha mẹ nhắn nhủ, khuyên bảo từ những cử chỉ, hành động nhỏ nhặt trong nhà, trong lớp... đến ý thức và trách nhiệm người con của đất nước.

Có thể nói Tâm Hồn Cao Thượng là “sách gối đầu giường” cho tuổi trẻ để hiểu biết những điều cao quý.

Trong bài viết Một Thuở Học Trò, GS Nguyễn Xuân Vinh ghi nhận:

“... Những câu chuyện ở học đường, và trong gia đình, về các thầy giáo, cô giáo và bè bạn của An-Di, những mẩu chuyện vui hay buồn đã xảy ra trong thành phố cổ xưa này đã được kể lại trong sách bằng một văn phong giản dị và trong sáng, thắm đặm tình người.... đặc biệt là cuốn truyện đầu tiên bằng tiếng Việt tôi được đọc, tả cuộc đời của cậu bé An-Di trong một năm học ở lớp Ba, đã cho tôi nhiều bài học về lòng thương người, phương cách cư xử chung thủy với bè bạn, và hiếu kính với mẹ cha...

… Từ ngày lên học trường trung học ở Hà Nội, và sau này ở bậc đại học, theo học ở Pháp hay ở Mỹ, tôi phải tự mình mua lấy sách vở giấy bút, nhưng bao giờ vào những dịp khai trường, vào thăm những hiệu sách và đi quanh quẩn ở giữa những chồng sách vở, thơm mùi giấy mới, tôi lại nhớ đến thời thơ ấu, nhớ những kỷ niệm xa xưa, cho đến năm học lớp Ba, bao giờ mẹ tôi cũng đưa tôi đến tận lớp vào ngày tựu trường…

Cuốn truyện đầu tiên bằng tiếng Việt tôi đọc là cuốn Tâm Hồn Cao Thượng của dịch giả Hà Mai Anh. Đó là những cuốn sách Pháp và Việt tôi đọc đầu tiên, và là những cuốn sách hay đã xâm nhập vào tiềm thức của tôi, để sau này dù
có tạo ra được một văn phong riêng cho mình, tôi vẫn chỉ có thể viết được những câu chuyện tình cảm nhẹ nhàng giống như trong những cuốn sách đầu đời tôi đã đọc mà thôi…”.

Hình ảnh vị thầy qua bài ký của Lưu An viết từ Thụy Sĩ, thể hiện sự trong sáng, cao quý của nhà giáo đã tận tâm đem cả tấm lòng của mình dạy dỗ học trò:

“... Nếu kể cả vị thầy giáo già cả nghèo khổ đầu tiên của đời tôi tại một ngôi nhà tồi tàn trong một xó xỉnh nào đó của thành phố Hà Nội. Người thầy đã dậy tôi đọc và viết vần ABC trong hai tháng ngắn ngủi trước ngày tôi di cư vào Nam năm 1954, khi đó tôi đã 8 tuổi! Thì thầy Hà Mai Anh là vị thầy giáo thứ tư của đời tôi, thầy đã dậy tôi năm lớp Nhì tiểu học, khi tôi 12 tuổi.

Sau khi vào Nam, việc học của tôi lại bị gián đoạn khoảng hơn một năm. Vì bố mẹ và anh em chúng tôi cùng với ông nội tôi phải theo gia đình chủ nhân ông đi lên Đà Lạt làm rẫy, lập trang trại. Những sự giúp đỡ, cứu trợ của các cơ quan từ thiện và chính phủ cho người di cư, đã được chủ nhân khéo léo nuốt trọn. Mãi đến năm 1955, khi sự tham nhũng, lường đảo tiền cứu trợ của người di cư bị khám phá, chủ nhân ông thất thế. Gia đình tôi mới trở về Sài Gòn, hòa nhập với đời sống bình thường của những người nghèo khổ trong xã hội.

Lúc di chuyển về Sài Gòn, vì thấy tuổi tôi đã lớn, ba tôi đã xin ngang cho tôi vào lớp Tư trường Tiểu Học Chí Hòa. Nhờ đó tôi đã có một may mắn đầu tiên trong đời, năm 1967 khi lên lớp Nhì, lớp của thầy Hà Mai Anh. Vị thầy kính yêu và cũng là vị thầy đã ảnh hưởng rất nhiều đến bản chất, hướng đi suốt cuộc đời tôi. Có lẽ đến nay, ở cái tuổi xế chiều, khi mà những ước muốn đã được coi là ảo vọng, dang dở, muộn màng. Khi mà sự nồng nàn, hăng say của tuổi thanh niên đã chớm màu buồn bã. Tôi tự cảm thấy lương tâm mình không bị ray rứt, xấu hổ với những tháng năm học hành và làm việc của mình.

Phần lớn nhờ vào những bài học Đạo Đức, cũng như lời khuyên nhủ mà tôi đã thấm nhuần từ vị thầy kính yêu này.

Với vị thầy yêu kính này, ký ức tôi vẫn còn ghi đậm khá nhiều kỷ niệm, mà có lẽ trọn đời tôi chẳng bao giờ quên. Đến nay đã hơn nhiều thập niên rời xa sự dạy dỗ của thầy, tôi có cảm tưởng thầy vẫn còn là một biểu tượng trong ký ức, làm khuôn mẫu cho tôi suy nghĩ và học hỏi. Để dành riêng cho vị thầy muôn thuở, một nhà giáo dục gương mẫu đó. Tôi xin đề cập đến vài chi tiết như là sự tôn vinh một người đã trọn đời tận tụy đóng góp cho nền giáo dục của đất nước.

Thỉnh thoảng trong những giờ dậy học liên quan đến lịch sử địa lý, thầy thường nhắc nhở học trò về đất nước Việt Nam lấy sự phát triển nông nghiệp làm căn bản. Thầy khuyên chúng tôi nên hướng sự học mình vào kỹ thuật và nhất là về nông nghiệp. Với hướng đó, sự đóng góp vào quốc gia tích cực và thực tiễn nhất. Tôi không biết lời khuyên đó của thầy có ảnh hưởng nhiều đến các bạn bè khác của lớp không. Nhưng với tôi nó đã đi vào trí nhớ của tôi, chi phối sự ước mơ và nghề nghiệp sau này của tôi một cách quá sâu đậm...

... Khi tôi học với thầy, hình như tác phong trong sáng của thầy đã là chiếc chìa khóa đầu tiên mở cửa tâm hồn tôi. Cho vào đó những lời chỉ dạy như là dòng chữ đầu tiên trong sáng! Tôi ôm ấp những ước mơ từ đó, tôi đã hướng tất cả đis mê của đời mình vào ngành nông nghiệp. Trong mấy chục năm làm việc ở Việt Nam cũng như ở ngoại quốc. Tôi cố dành tất cả sự thông cảm và giúp đỡ cho những thành phần lao động, đói khổ dưới quyền mình.

Tôi biết rất kỹ giá trị của sự nhọc nhằn, của những giọt mồ hôi. Tôi chưa một lần nào có những câu nói tỏ vẻ khinh rẻ đối với những người ít học, thua kém tôi. Rất có thể sự thông hiểu đó cũng được đến với con người tôi, vì tôi tìm thấy trong sự cực nhọc, nghèo túng của người khác là hình ảnh của bố mẹ và cũng chính cá nhân tôi.

Tôi còn nhớ rất rõ, trong một giờ Đức Dục và buổi sáng. Thầy dạy chúng tôi về bài học thương người tàn tật, nghèo khổ, và già lão. Thầy đọc cho chúng tôi nghe một truyện về lòng nhân đạo, rồi thầy kể chuyện vua Lý Thánh Tông
(1054-1072) lấy áo ngự bào đắp cho một người ăn mày trên đường đi tuần vào một ngày mùa đông lạnh giá. Cả lớp hơn 50 đứa học trò im lặng nghe thầy kể chuyện trong sự say mê và cảm động bởi lòng từ ái của vị minh quân trong thời thịnh trị!...

Với những làn khói tỏa mùi thơm của tình thầy trò, với tâm tư cảm động của những bài học xưa đã hun đúc tôi nên người có chút khả năng và lý tưởng (dù nó chưa làm gì tạm gọi là hợp với ước mơ của mình) Tôi xin gửi đến thầy Hà Mai Anh, người thầy mà tôi muôn đời kính nhớ và biết ơn.”(Lưu An, Thụy Sĩ)

Qua những dòng của Lưu An viết về nhà giáo Hà Mai Anh nói lên cái đạo thầy trò dù thời gian và không gian có đổi thay nhưng đạo nghĩa Đông Phương như ánh mặt trời soi sáng trong tâm tư, tình cảm con người. Người bạn đồng môn Khóa Nguyễn Trãi I - CTCT với tôi - Nguyễn Xuân Trung - cũng học với thầy Hà Mai Anh trong thời điểm đó cũng nói về hình ảnh vị thầy khả kính đầu tiên khi vừa di cư vào Nam chia sẻ là vị thấy thay người cha dạy dỗ con cái. Bạn hỏi tôi, có học chung với nhau với thầy Hà Mai Anh không?. Tôi nói, lúc đó ở phố cổ Hội An, cũng giống như thành phố Torino trong Tâm Hồn Cao Thượng, học sinh cả nước có đọc sách đều coi như hình ảnh tiêu biểu vị thầy.

Ngày trước, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm mang tâm trạng của người chinh phụ khi chồng là Nguyễn Kiều đi sứ sang Trung Hoa, vì giặc giã, giao thông cách trơ, ngày đêm mong chờ nên đem tâm tư, tình cảm của bà để dệt thành áng thơ bất hủ. Sau hai thế kỷ, nhà giáo Hà Mai Anh cảm nhận được sự cao quý trong tâm hồn nên chọn tác phẩm Grands Coeurs của nhà văn Ý Edmondo De Amicis để gởi gắm niềm ước mong của mình cho tâm hồn trẻ thơ làm hành trang vào đời.

An-Di ơi, “Mỗi khi bất đắc dĩ cha phải phạt con thì lòng cha đau đớn hơn con và chỉ muốn cho con sửa lỗi nên cha mới phải làm cho con khóc”… “Lòng cha vẫn yêu con, vì con là niềm hy vọng quí báu nhất đời của cha”… “Con nên nhớ rằng lòng hiếu thảo là một bổn phận thiêng liêng của con người”.

Công cha, nghĩa mẹ muôn đời còn ghi

TỪ KẾT

Nhà giáo Bùi Văn Bảo có làm bài thơ "Khóc Bạn Hà-Mai-Anh" như sau:

Thôi thế là xong nhé bác Hà

Tâm hồn Cao thượng kiếm đâu ra?

Tuổi Xanh đất Mỹ đành thua-thiệt

Sống Mới trời Nam hẳn xót-xa

Về với gia-đình sao vội-vã?

Vòng quanh thế-giới há lâu-la!

Đồng-hương, đồng-quận, thêm đồng-nghiệp

Giọt lệ như sương khóc bạn già.

Bùi Văn Bảo (1917-1998), hiệu Bảo Vân và Bê Bình Phương là một nhà giáo và soạn giả VN. Ông sinh tại Trình Phố, Thái Bình , dòng dõi Bùi Viện . Ông tốt nghiệp trường Bưởi , Hà Nội rồi được bổ lên Phú Thọ , Thái Nguyên dạy học. Trong hai thập niên 1930 và 1940 ông đóng góp nhiều bài cho các báo Phong Hóa, Ngày Nay, Tri Tân, Thứ Bảy, Loa. Năm 1954 ông di cư vào Nam và góp tiếng trên báo Tự Do, mục "Đàn Ngang Cung". Sau đó ông được bổ vào Ban Tu thư Bộ Giáo dục VNCH và làm hiệu trưởng trường Trần Quý Cáp tại Sài Gòn . Là nhà giáo ông từng quan tâm soạn sách giáo khoa cùng những ấn phẩm cho thanh thiếu niên nên sách của ông được dùng trong giáo trình giảng dạy thời VNCH . Ông là người sáng lập báo Tuổi Xanh (1958) và nhà in "Nhật Tảo".

Cùng các họa sĩ, nhà văn, nhà giáo Bùi Văn Bảo biên soạn bộ “Việt Sử Bằng Tranh” gồm 30 tập viết từ đời Hùng Vương tới nhà Nguyễn Quang Trung rất được các phụ huynh tán thưởng. Đây là những truyện các anh hùng, liệt nữ Việt Nam được trình bày dưới hình thức những bức tranh với những lời chú thích ngắn và gọn, bằng ba thứ chữ Việt - Anh - Pháp.

Năm 1975, ông sang Canada tỵ nạn và lập nhà xuất bản "Quê Hương" ở Toronto tiếp tục ra sách dạy tiếng Việt với châm ngôn của ông:

Chỉ sợ đàn con quên Việt ngữ

Đừng lo lũ trẻ kém Anh văn

Ông là người đầu tiên xuất bản sách dạy tiếng mẹ đẻ cho trẻ em Việt tại hải ngoại. Ông cũng góp nhiều bài trên báo Lửa Việt (Canada), mục "Đốt Lò Hương Cũ"; Việt Luận (Úc) v.v. Văn phong của ông trong sáng, giản dị hợp cho tuổi trẻ như những bài học thuộc lòng. Ông cũng để lại nhiều văn thơ dịch thuật đủ loại gồm hát nói , thất ngôn, thơ mới, kịch thơ, văn tế .

-Nhà báo Bùi Bảo Trúc (1944-2016) nổi tiếng với lối viết và cách nói chuyện hài hước, dí dỏm, thông minh... Ông là con trai của Nhà giáo Bùi Văn Bảo - có bút danh khác là Bảo Lâm, sinh năm 1944 tại Bắc Việt, di cư vào Nam năm 1954, học trung học Chu Văn An, Sài Gòn. Ông đi du học tại Tây Tây Lan, về nước năm 1967 làm việc cho chính phủ VNCH, sau đó là phát ngôn viên chính phủ đến năm 1974, rồi được cử qua London làm việc. Sau năm 1975, ông từ London qua Canada sống một thời ngắn, rồi sang Washington DC làm việc cho Ban Việt ngữ đài VOA.

Năm 2002, ông rời đài VOA về sống tại Nam California, tiếp tục làm việc tại đài Little Saigon Radio, tuần báo Viet Tide đồng thời là gương mặt quen thuộc trên đài Hồn Việt TV. Ông nhiều năm viết cho báo Người Việt trong mục Thư Gửi Bạn Ta bằng lối viết dí dỏm được rất nhiều độc giả yêu thích. Nói về Bùi Bảo Trúc, nữ tài tử Kiều Chinh cho rằng ông là “bậc thầy của chữ nghĩa văn chương.”

-Hai nhà giáo thân thiết Hà Mai Anh và Bùi Văn Bảo là những vị thầy đáng kính của Việt Nam , những tác phẩm của nhà giáo hầu hết chọn lọc nội dung hướng thượng Chân, Thiện, Mỹ như những lời dạy bảo của bậc sinh thành hướng dẫn con cái mang tâm hồn nhân bản.tiêu biểu của Sài Gòn trước năm 1975.

Để nhớ lại thời đi học và đi dạy học của người viết, chúng ta cùng hát vang bài hát:

Trường Làng Tôi

Phạm Trọng (Phạm Trọng Cầu - 1935-1998)

Trường làng tôi cây xanh lá vây quanh/
muôn chim hót vang lên êm đềm.
Lên trường tôi, con đê bé xinh xinh/
len qua đám cây xanh nhẹ lướt.

Trường làng tôi hai gian lá đơn sơ/
che trên miếng sân vuông mơ màng.
Trường làng tôi không giây phút tôi quên/
nơi sống bao kỷ niệm ngày xanh.

ĐK:
Nơi sống bao mái đầu xanh màu/
Đời tươi như bao lá xanh, lá xanh
Theo tháng ngày chiến cuộc lan tràn/
qua xóm thôn nát ngôi trường xưa

Không bóng hình bao trẻ nô đùa/
Cùng nhau vang hát khúc ca vô tư
Mơ đến ngày nước non thanh bình/
trong thôn xóm ấm ngôi trường xưa

Trường làng tôi nay vang tiếng ê a/
nay in bóng bao em nô đùa
Trường làng tôi không giây phút tôi quên/
dù cách xa muôn trùng trường ơi.

Phạm Vũ

(Tham khảo: Sách báo – Internet)


CON ĐƯỜNG ĐỘ SINH

Cho đến thời này mà nhiều người vẫn tin rằng cứ Xuất gia,vô Chùa, cạo tóc, đắp Y, ngày ngày tụng Kinh, Niệm Phật, Ngồi Thiền, học một số Pháp là người tu hành. Trong khi đó, tu Phật theo đúng Chánh Pháp không phải chỉ là rập khuôn theo những hình tướng bề ngoài theo khuôn mẫu đã định sẵn, mà cần phải theo một trình tự tu sửa bên trong nội Tâm. Nếu không thực hành công việc ĐỘ SINH thì không thể đạt đến mục đích Tu Phật như Đức Thích Ca mong mỏi khi khai Đạo. Vì vậy, Tu Phật chân chính sẽ có ý nghĩa hơn khi hành giả đã hiểu rõ mục đích của Đạo Phật rồi mong muốn bản thân mình cũng đạt được, mới nên dấn thân tu học.

Nhưng biết tìm ai hướng dẫn trong khi cơ man nào là Chùa, Sư thì đông vô số, người nào xem ra cũng tu hành lâu năm, đạo cao, đức dày, đệ tử đông đen ?. Kinh sách thì Thiên Kinh Vạn Quyển, biết tìm tài liệu nào để hành trì theo. Kinh nào, cũng nói “đây là kinh cao nhất”. Pháp Môn nào cũng nói tu theo đây thì chóng thành Vô Thượng Bồ Đề ? Nhất là hơn chục năm trở lại đây xuất hiện một số Pháp Sư, tự xưng mình là Phật mới, giáng thế để dạy tu ! Cũng có đông đảo người theo tu học.

Trong Kinh có nói rằng những người muốn tu hành là người đã có căn cơ từ xa xưa. Họ đã từng tu, kiếp này trở lại để tiếp tục. Do vậy, họ sẽ chọn người hướng dẫn phù hợp với trình độ của mình. Trong số đó, theo tôi, người tin theo Đại Thừa là những người duyên may được học hỏi kinh nghiệm tu hành được hướng dẫn tận tình bởi những vị Tổ đã Chứng Đắc để lại. Trong những Bộ Kinh Đại Thừa lúc nào cũng sẵn có câu trả lời cho những thắc mắc trên con đường lần dò tìm hiểu Đạo của người đi sau. Tuy không phải dễ hiểu, do Chư Tổ viết hay giảng cách đây đã mấy trăm năm. Nhưng nếu kiên trì, tư duy, đối chiếu với nhiều Kinh khác, với một số căn bản trong Đạo mà ta nắm được, cộng với công năng tu hành dần dà cũng sẽ hiểu ra.

Cũng giống như những học trò được học hỏi từ những người Thầy đã tốt nghiệp hướng dẫn, tất nhiên kết quả sẽ khác với học với những người chỉ hơn mình vài lớp hay cũng vô trường học độ vài năm, chưa tốt nghiệp đã bỏ trường đi ra. Theo Đạo Phật, chỉ những người ra khỏi Rừng Mê mới có khả năng dẫn người khác ra được. Người chưa ra khỏi, còn lòng vòng trong đó, tất nhiên cũng sẽ dắt người học đi vòng quanh như họ. Trong Đạo Phật cũng có câu : “Mê nhất kiếp, ngộ nhất thời” để nói về người may mắn gặp được bậc Thầy đã chứng Ngộ. Người Thầy đó sẽ đưa thẳng họ vào Đạo, gọi là Đốn Giáo. Còn những người không biết đường thì họ sẽ dắt đi vòng quanh, biện minh là do căn cơ người học còn thấp, phải từng bước tiến tu, gọi là Tiệm Giáo.

Bước chân vào Đạo thì đầu tiên là phải PHÁT TÂM. Không phải bất cứ PHÁT TÂM nào cũng đưa đến kết quả của Đạo. Đọc Kinh LĂNG NGHIÊM, chúng ta sẽ thấy Phật hỏi Ngài A Nan : “Ông đối trong giáo pháp của ta, do ngưỡng mộ cái gì mà phát tâm Xuất Gia” ? Khi A Nan trả lời : “vì thấy Phật có 32 Tướng Tốt, 80 Vẻ Đẹp”, thì Phật giải thích với Ngài về “Mắt Thấy, Tâm Sinh”để cho rằng “Ông nhiều kiếp Sinh tử Luân Hồi cũng do Tâm và Mắt”. Nếu ông không biết nó ở chỗ nào thì không bao giờ hàng phục được phiền não trần lao.

Cũng như vị Quốc Vương bị giặc đến xâm lăng, đem binh dẹp trừ, nếu không biết giặc trú ngụ tại đâu thì không bao giờ dẹp được”.

Đứng như thế. Người Phát Tâm đi tu mà không biết mục đích của việc tu hành là để “Độ Khổ”, tức là Trừ Phiền Não thì sẽ làm gì trong thời gian tu tập ? Tụng Kinh, gỏ mõ đâu phải là công năng tu hành ? Cũng giống như vị Vua, đi i dẹp giặc mà không biết giặc đang trú ngụ ở đâu ? Quân số bao nhiêu ? Phải dùng biện pháp nào mới hữu hiệu thì làm sao dẹp ? Đi tu Phật mà chưa biết đi tu để được gì ? Không biết phải hành trì như thế nào ? Kết quả về đâu ? thì biết bao giờ sẽ thành công ?

Đâu tiên là phải Phát Tâm. Nói về Phát Tâm, Phật dạy : “Nếu các ông dùng cái vọng tâm sanh diệt làm nhơn tu hành, mà mong cầu cho đặng quả Phật thường còn không sanh diệt thì không thể được”. Tất nhiên người mới vào tu học làm sao phân biệt thế nào là “Vọng Tâm sanh diệt” ? Do đó, người Thầy sẽ là người có trách nhiệm giải thích cho họ hiểu thế nào mới là cái Phát Tâm chân chính. Lâu lắm rồi, tôi có đọc một bài Pháp của một Hòa Thượng rất có uy tín trong Đạo. Ông khuyên người đi tu : “Bỏ cái nhỏ để được cái lớn”và ra thí dụ là “Đức Thích Ca nhờ bỏ gia đinh, đất nước nhỏ bé mà được cả thế giới tôn thờ” !. Có lẽ bản thân Ngải cũng không biết rằng đó là phát tâm cầu danh uy ! Như thế là hành giả đã“dùng Vọng Tâm Sanh Diệt làm nhơn tu hành”, không phải là phát tâm tu hành cầu Giải Thoát theo Đạo Phật chân chính.

Nhiều người đi vào con đường tu hành vì mong mỏi điều gì đó mà phát Tâm thì lúc đạt được điều đó cho là đã Chứng Đắc. Đôi khi không giống với mục đích tu hành chân chính của Đạo Phật. Thí dụ có người thích biết trước việc nọ việc kia thì khi Ngồi Thiền một thời gian, mở được Thần Thông thấy được vài việc thì cho rằng đã tu xong ! Trường hợp bên Thiền Tông thì chỉ cần Khai được một Công Án là đã thấy mình Chứng Đắc, mà không biết rằng đó mới chỉ là mở Cái Biết về một vấn đề, chưa phải là tất cả, và Cái Biết cần thiết trong Đạo Phật là Biết Làm thế nào để Thoát Sinh Tử.

Nhiều người khi Phát tâm tu hành vì bế tắc với cuộc sống, hoặc thấy cuộc sống người tu nhàn hạ, nên vào Chùa để “nương nhờ cửa Phật” . Người nghe giảng Phật quá tốt đẹp nên đi tu là hiến trọn cuộc đời để “Phụng sự cho Phật”, quên rằng mục đích thật sự của Đạo Phật là để Thoát Khổ hay Giải Thoát Sinh Tử. Phật nhập diệt đã từ lâu, đâu cần ai phụng sự ? Rồi cũng không ít người vừa vô Chùa đã thấy mình Thoát Khổ, chê những người còn lăn lộn giữa đời là mê muội, trong khi họ mới Thoát khổ vì không phải vật lộn với cuộc sống, mà nhờ giao gánh nặng cơm áo lại cho các Thí Chủ !

Việc PHÁT TÂM đã có đúng, sai. Việc tìm Thầy để hướng dẫn lại còn quan trọng hơn.

Như chúng ta đều biết. Không phải tất cả những người đi học đều tốt nghiệp. Không phải ai tu lâu năm cũng Đắc Đạo. Và cũng giống như trường đời, sự hiểu biết của người trò không vượt quá người Thầy. . Kinh VIÊN GIÁC viết : “Này Thiện Nam ! Có loại Chúng sanh có thể chứng được VIÊN GIÁC. Song, nếu chúng gặp Thiện Tri Thức là Thinh Văn hóa độ, thì chúng thành Tiểu Thừa; còn gặp Thiện Tri Thức là Bồ Tát hóa độ, thì chúng thành Đại Thừa. Nếu gặp Như Lai dạy tu Đạo Vô Thượng Bồ Đề, thì chứng thành Phật Thừa”.

Người mới sơ cơ thì làm sao phân biệt được ai là Thinh Văn, ai là Bồ Tát, ai là Như Lai để theo học ? Có lẽ chỉ nhờ vào duyên phận mà thôi. Căn cơ nào sẽ tìm đến với căn cơ đó, vì người tu học nào cũng chỉ thích nghe những người giảng hợp ý mình. Tuy nhiên, nếu chúng ta nắm được một số căn bản cần thiết để phân biệt Nhất Thừa và Nhị Thừa thì cũng đỡ chọn nhầm, đỡ phí thời gian. Kinh sách của Đại Thừa hay Tiểu Thừa đều cho rằng Phật không phải là Thần Linh, mà cũng là người bình thường như tất cả chúng Ta. Chỉ nhờ đoạn trừ lậu hoặc mà được Giải Thoát. Vì vậy, người dạy THỜ PHẬT thì đó là Tà Đạo như Kinh Kim Cang đã cảnh báo :

“Ai nương sắc thấy Ta,

Dùng âm thanh để cầu Ta

Kẻ đó hành tà đạo

Không thể thấy như Lai”.

Tu Phật theo Nhất Thừa là để được Giải Thoát hay Thành Phật, thực hiện lời Thọ Ký : “Chúng Sinh là Phật sẽ thành”, không phải để Thờ hay để Phụng sự cho Phật ! Trường hợp có thầy cũng nói rằng dạy cho mọi người tu để Thành Phật thì cách hay nhất là xem Hạnh của vị đó, xem họ giữ GIỚI, có thực hành đúng BÁT CHÁNH ĐẠO hay không ? Đó là vài căn bản để đánh giá bậc Chân tu và những người lợi dụng danh nghĩa Đạo giữa thời buổi thật, giả lẩn lộn, mà giả nhiều hơn thật này ! Đôi khi có người cũng thật tâm tu hành, nhưng trình độ giới hạn, do cứ “Xưa bày, nay làm”. Họ cứ phổ biến những điều đã được học từ người đi trước, cho đó là đầy đủ, không chịu tìm hiểu cho đến nơi đến chốn. Có trường hợp xuất thân từ chính phái, nhưng sau đó tách ra, tự mở cách hành trì riêng như Thiền Sư DESIMARU, Chưởng Môn của Phái Tào Động. Ông tự xưng mình là Tổ đời thứ 84 tính từ Đức Thích Ca. Người không hiểu lịch sử Đạo làm sao biết được là Y bát đã kết thúc từ thời Lục Tổ Huệ Năng, vì đã được dấu đi không còn truyền nữa thì làm gì có đến con số thứ 84 ! Đó là lừa dối người theo học. Hơn nữa, Thiền của Thiền Sư này hướng dẫn và giải thích cũng không giống như Thiền do Đức Thích Ca và Chư Tổ dạy.

Nhiều người thời nay vẫn cho rằng phải là Tu Sĩ, mới có thể Chứng Đắc ! Thượng Tọa (T.N.T.) khẳng định : “Chỉ có người Xuất Gia thanh tịnh mới Chứng Đắc. Cư Sĩ chỉ đắc chân nhân mà thôi”! Chứng tỏ là T.T đó chưa hiểu hết về Đạo Phật. Chưa hiểu Tu chỉ có nghĩa là SỬA, là Cởi mở những ràng buộc để được Giải Thoát . Đức Thích Ca đã Thọ Ký : “Tất cả Chúng Sanh là Phật sẽ thành”, đâu có nói chỉ những người Xuất Gia mới thành Phật ? Ai cho phép sửa lời Phật dạy ? Trong sắc áo tu hành, người mang hiểu biết sai lầm này phổ biến, để mọi người tiếp tục nhân ra thì tội không phải nhỏ, chỉ người không rõ Lý Nhân Quả mới dám nói bừa. Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN viết : “Nếu nói quá một pháp. Đây là tội Vọng Ngữ”!

Mọi người đều có chủng tử Phật, tức là Phật Tánh. Do đó, chỉ cần gặp được người Thầy đã nắm vững con đường hành trì, biết cách hướng dẫn cho tu hành thì chắc chắn cũng sẽ đạt được kết quả. Tu Phật đã gọi là TU TÂM, thì ở đâu ? mặc gì ? làm nghề gì ? mà không Tu được ? Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA viết : Cõi nước chỗ nào có người thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép, đúng như lời tu hành. Hoặc là chỗ có quyển Kinh, hoặc trong vườn, hoặc trong rừng, hoặc dưới cây, hoặc Tăng Phường, hoặc nhà Bạch Y, hoặc ở điện đường, hoặc núi hang đồng trống, trong đó đều nên dựng tháp cúng dường.

Vì sao ? Phải biết chỗ đó chính là Đạo tràng, các Đức Phật ở đây mà đặng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, các Đức Phật ở đây mà Chuyển Pháp Luân, các Đức Phật ở đây mà nhập Niết Bàn”. (Phẩm Như Lai Thần Lực).

Qua đoạn Kinh được trích, chúng ta thấy nói rất rõ, nơi chốn, hình tướng không quan trọng, mà quan trọng là ở chỗ Thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép và ĐÚNG NHƯ LỜI TU HÀNH. Đó chính là Y KINH sau khi đã LIỄU NGHĨA. Ngược lại, nếu chúng ta đầy đủ hình tướng, nơi chốn, mà không thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép và đúng như lời tu hành thì làm sao thành lập được Đạo Tràng để thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Chuyển Pháp Luân và Nhập Niết Bàn ?

Sở dĩ buổi đầu Thái Tử Sĩ Đạt Ta phải Xuất Gia, là vì Ngài là người đầu tiên đi tìm con đường hoàn toàn mới lạ, chưa có ai biết. Nếu Ngài ở lại trong Cung, bên cạnh vợ con, lại phải lên Ngôi thì suốt ngày bận bịu làm sao có thì giờ để tìm ra một con đường hoàn toàn mới hầu hướng dẫn lại cho chúng ta ? Những lớp Đệ Tử của thời đầu của Ngài cũng phải theo hình thức Ngài hướng dẫn để hình thành Tăng Đoàn uy nghi làm lực lượng nồng cốt hầu giữ gìn và khai triển Đạo Phật, để mọi người nhìn vào đó, thêm tin tưởng mà phát Tâm tu hành.

Nhưng đã qua gần 3.000 năm rồi. Đạo Phật lẽ ra không còn đóng khung sau khung cửa Chùa nữa, mà phải phổ cập cho tất cả. Mọi người, mọi giới, đều có thể tu hành để đạt được Giải Thoát, không chỉ dành riêng cho giới Tu Sĩ như hiện nay. Chính do lớp người trước chưa học hết Giáo Pháp của Đạo mà đã đi giảng Đạo, để rồi chỉ Y Ngữ mà xưng tán Phật như một vị “Thần Linh có quyền năng bao trùm vũ trụ, cứu Khổ, ban vui, phù hộ độ trì cho tất cả mọi người”. Họ hình thành một giới Tu Sĩ, ăn trên, ngồi trước, giảng Đạo, và Phật Tử là những thí chủ, phải cung dưỡng cho họ mọi thứ, để họ phụng sự cho Phật và chuyển lời cầu xin của mọi người đến Phật !

Có khi chính họ cũng không đọc hết Giáo Pháp của Đạo Phật để biết rằng Đức Thích Ca chỉ xưng mình là ĐẠO SƯ, tức là Người Dẫn Đường. Con đường Ngài khám phá ra và để lại sau 49 ngày đêm Thiền Định.chỉ là cách thức để Thoát Khổ, Thoát Phiền Não. Công năng tu hành của Đức Thích Ca kể cả 6 năm tu theo Ngoại đạo, không có pháp nào giúp Phật trở thành Thần Linh, phù hộ, độ trì cho ai. Người muốn được Thoát Khổ phải tự mình hành trì, gọi là TỰ ĐỘ. Phật không có Độ được cho ai. Như vậy, nếu ta hướng dẫn cho mọi người cầu xin một người không có khả năng để ban cho ai thứ gì, thì không những ta có lỗi dối lừa bá tánh mà còn có lỗi với Phật vì đã làm cho mọi người hiểu sai về Đạo Phật, biến Đạo Phật từ Nhất Thừa, Tư Tu, Tự Độ thành ra Nhị Thừa, Quyền Thừa, cầu xin, nương tựa ! Đừng nghĩ rằng chúng ta vô tội, vì người đi trước đã dạy như thế! Đạo Phật có dặn VĂN-TƯ-TU, đâu có kêu nghe xong là hành luôn ! Và cũng đừng quên rằng Nhân Quả tuy không có người cằm nắm, nhưng không bỏ lọt một ai ! Ai làm, người đó chịu, Phật không có quyền giảm hay chịu thế cho bất cứ ai.

Người trực chỉ cái Tâm mà hành trì, gọi là ĐỐN GIÁO, khác với những người TIỆM GIÁO, loanh quanh với hình tướng, với chuông mõ, lấy đó làm công phu tu hành. Do không biết rằng “Giải Thoát hay rằng buộc đều ở nơi Tâm”. Kinh TÂM ĐỊA QUÁN viết : “Trong Ba Cõi lấy Tâm làm chủ. Người Quán được Tâm, được Giải Thoát cứu cánh; người không Quán được Tâm ở mãi trong triền phược”. Ví như muôn vật đều từ đất sinh, Tâm pháp sinh ra thiện, ác, năm thú (Trời, Người, Ngục, Quỷ, Súc Sinh). Bậc Hữu Học, Vô Học, Bậc Độc Giác hoặc Bồ Tát cùng Như Lai trong thế gian và xuất thế gian”.

Dù nhiều Kinh được các Vị Giác Ngộ từ nhiều thời khác nhau viết ra, nhưng cũng đều nói về sự quan trọng của cái Tâm : Thiện, Ác, Quả Vị, Địa Ngục, Niết Bàn cũng do đó mà ra.

Người càng không hiểu Đạo Phật càng hướng dẫn con đường tu hành thật là phức tạp, vòng vo với đủ thứ Giới phải giữ, nhiều cấp độ để đào tạo. Tổ Đạt Ma thì ngắn, gọn : Chỉ cần Trực chỉ cái Tâm :

Hỏi : “Nếu có người dốc lòng cầu đạo thì nên tu theo pháp nào mới là cực kỳ tỉnh yếu ?

Đáp : Chỉ một Pháp Quán Tâm thâu nhiếp các pháp mới thực là cực kỳ tỉnh yếu.

Hỏi : Sao một pháp nhiếp trọn các pháp được ?

Đáp : Tâm là gốc của muôn pháp, tất cả các pháp duy một Tâm sanh ra. Nếu hiểu được Tâm ắt muôn pháp sẵn trong đó, cũng ví như cây lớn có đủ thứ cành, nhánh, trái, bông, nhưng tất cả đều do một gốc sanh ra, nếu chặt gốc ắt cây chết.

Nếu hiểu Tâm mà tu đạo ắt được tĩnh lực, nên dễ thành. Không hiểu Tâm mà tu đạo ắt nhọc công mà vô ích.

Mới biết tất cả việc lành dữ đều do tự Tâm. Cầu gì khác ngoài Tâm rốt không đâu có được”:

Đó cũng là ý nghĩa của “Vạn Pháp Duy Tâm tạo” . Vì vậy, người Thầy cũng phải là người đã“Đắc cái Tâm” thì mới có thể “Tâm Truyền Tâm” cho học trò được.

Khi bắt đầu TU TÂM là hành giả sẽ đi vào CON ĐƯỜNG ĐỘ SINH. Phải ĐỘ cho hết Chúng Sinh thì mới Giải Thoát được.

Hầu hết người tu cứ ngỡ Chúng Sinh là những người chung quanh, nên họ tìm cách lôi kéo càng đông người vào Quy Y càng tốt, tưởng đó là làm công việc Độ Sinh. Chùa nào cũng hăng hái làm công việc này. Trường hợp cụ thể mà tôi đã gặp, là một người từ Nhật về, xưng là theo Giáo Phái Nhật Liên. Ông nói mình chuyên đi giảng đạo để khuyến tu. Tôi vì lịch sự mà phải ngồi nghe ông ta giảng cả tiếng đồng hồ về Giáo Phái của mình. Tôi hỏi hành trì cách nào ? thì ông nói : Người theo Môn Phái Nhật Liên chỉ cần niệm NAM MÔ DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH là sẽ được Chư Phật phù hộ! Ông kể cho nghe một số người từ khi bắt đầu quy y theo Phái Nhật Liên ai cũng đều cũng giàu lên hết. Nếu là người ham giàu chắc sẽ tin để Quy y theo. Nhưng tôi chỉ tin Nhân Quả nên từ chối tham gia.

Đọc tài liệu nói về những Thiền Sư ta cũng thấy nói về điều này. Có Thiền Sư thì dùng thẻ, mỗi thẻ có ghi tên người mà Ngài đã “Độ” được. Con số chất đầy cả phòng trong Am của Ngài. Hoặc có vị tạc hàng ngàn tượng Phật lớn nhỏ mà ta thấy để đầy trong các hang động hoặc ở nhiều Chùa, vì hiểu lầm ý nghĩa của “Cúng Dường Phật” !

Nói về Chúng Sinh, Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA viết : “Trong các cõi nước đó, chỗ tối tăm ánh sáng của nhựt nguyệt không soi tới đặng mà đều sáng rở, trong đó Chúng Sanh đều đặng thấy nhau, đồng nói rằng : “Trong đây sao bỗng sanh ra Chúng Sanh” ? Trong Tâm làm sao ánh sáng ban ngày, ban đêm soi tới được ? Nhưng quả thật, cách đây hàng ngàn năm mà nói về Cái Tâm như thế thì được mấy người hiểu ? Do đó, người Chứng Đắc cũng rất là hiếm hoi.

Về sau, Lục Tổ Huệ Năng nói rõ nhất : “Chư Thiện Tri Thức. Chúng Sanh trong Tâm mình tức là : Lòng tà mê, lòng giả dối, lòng bất thiện, lòng ghen ghét, lòng ác độc. Các Tâm này đều gọi chung là Chúng Sanh. Mỗi người phải dùng Tánh mình mà độ lấy mình mới gọi là thiệt độ”. Ngài cẩn thận dặn dò : “Chúng người hãy chú tâm nghe cho rõ : Những người mê muội đời sau, nếu biết cái Tâm Chúng Sanh tức là Thấy Phật Tánh. Bằng chẳng biết Cái Tâm Chúng Sanh thì muôn kiếp tìm Phật ắt khó gặp. Nay ta dạy các người phải biết Chúng Sanh ở Tâm mình thì thấy Phật Tánh ở Tâm mình. Muốn cầu Thấy Phật thì phải biết cái Tâm Chúng Sanh”.

Tổ Đạt Ma giải thích cũng không khác : “Mới biết tất cả Nghiệp Khổ đều do Tâm mình, nên cần nhiếp Tâm, lìa hết tà ác là mọi nỗi khổ của Ba Cõi Sáu Đường Luân Hồi đều tự nhiên tiêu mất, tức được Giải Thoát”.

Với Kinh VIÊN GIÁC thì :

Nếu người đoạn Thương, Ghét

Cùng với Tham, Sân, Si

Chẳng cần tu gì khác

Cũng đều đặng Thành Phật”

Tại sao Tu Phật mà lại phải Độ Sinh ?

Theo khám phá của Đức Thích Ca, mọi việc lành, dữ đều theo Tâm mà khởi. Từng sát na, những ý tưởng trong Tâm của mỗi chúng ta Khởi, Diệt liên tục mà Ngài gọi là Vô Tận Ý hay “trùng trùng Duyên khởi”. Gần đây, những nhà nghiên cứu về tư tưởng của Úc cho rằng mỗi người chúng ta, trung bình khởi ra mỗi ngày 50.000 ý tưởng,. Nhưng ý tưởng có ích thì hiếm hoi, đa phần là vô ích. Trong số tư tưởng được khởi lên, Phật gọi tư tưởng chưa thanh tịnh, có xu hướng đen tối, xấu xa là Chúng Sinh. Nếu chúng ta không chịu chuyển hóa, thay đổi nó, cứ theo nó mà đưa ra hành động thì sẽ tạo ra những Nghiệp xấu. Tu hành theo Đạo Phật là để ngưng không tạo Nghiệp để Thoát vòng Sinh Tử Luân Hồi.

Khi người tu Điều phục, hay chuyển hóa được một tư tưởng chưa thanh tịnh, cho nó bỏ đi tà ý để được thanh tịnh thì gọi là “Đưa được một Chúng Sinh thành Phật”, hay còn gọi là “Cúng Dường một Vị Phật”. Vì thế, Kinh viết, mỗi đời, mỗi người “Cúng Dường vô số ức Đức Phật” . Số Chúng Sinh đã “Được Độ” đó, gọi cách khác là “Quyến thuộc của Bồ Tát” mà ta thấy Kinh viết “Bồ Tát khi vân tập thì mang theo mấy trăm muôn quyến thuộc”là như thế. Không phải là danh sách của những người mà chúng ta dắt đi Quy Y, hay cất mấy mươi kiếng Chùa, Độ vô số Sư Tăng như Vua Lương Võ Đế và bao nhiêu người bao thời qua, kể cả thời nay vẫn hiểu lầm.

Người tu Phật muốn được Thành Phật thì phải hành Hạnh Bồ Tát, tức là phải quay vô Tâm, LÀM CÔNG VIỆC ĐỘ SINH cho những Chúng Sinh trong nội Tâm. Hạnh này được tượng trưng bằng những vị Bồ Tát với nhiều danh xưng tượng trưng cho những công việc làm. Thí dụ như Quán Thế Âm Bồ Tát, là vị Bồ tát luôn lắng nghe tiếng kêu của Chúng Sinh để cứu độ. Hoặc Ngài Địa Tạng Vương Bồ tát với lời nguyện : “Ngày nào còn một chúng Sinh chưa được độ, con thề không ngồi vào nơi Vô Thượng Chánh Giác”. Nhiệm vụ của Chư Bồ Tát là “Bay lướt Mười Phương để cứu độ Chúng Sinh”. Mười Phương đó tức là trong, ngoài, trên, dưới, Đông, Tây, Nam, Bắc, ngày cũng như đêm, không để sót một Chúng Sinh nào không được cứu.

Việc Độ Sinh được viết trong kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA : “Bấy giờ Đức Phật bảo A Nan : Ông ở đời sau sẽ đặng làm Phật hiệu là Sơn-Hải-Tuệ-Tự-Tại-Thông-Vương-Như-Lai, Ứng cúng, Chánh Biến Tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô Thượng Sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên Nhơn sư, Phật Thế Tôn. Ông sẽ cúng đường sáu mươi hai ức Đức Phật, hộ trì tạng pháp vậy sau chứng đặng đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, giáo hóa hai mươi nghìn muôn ức hàng hà sa số các chúng Bồ Tát v.v.. làm cho thành Đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”.

Những tư tưởng xuất phát từ một người, nên Kinh gọi là “quyến thuộc” của người đó. Vì thế mà có đến hai muôn ức Đức Phật đồng một tên, một họ. Việc giáo hóa thành công được viết : “Kế lại có Đức Phật cũng hiệu Nhựt Nguyệt Đăng Minh, lại có Đức Phật cũng hiệu Nhựt Nguyệt Đăng Minh. Như thế đến hai muôn ức Đức Phật đếu đồng một tên, hiệu Nhựt Nguyệt Đăng Minh, lại cùng đồng một họ, họ Phả La Đọa”. Đó là Kinh tả về công việc ĐỘ SINH của một người. Khi Độ Tận Chúng Sinh, thì cuối cùng những Chúng Sinh mà người đó Độ, và bản thân người Độ cũng đều Thành Phật, tức là được Giải Thoát.

Phải DIỆT Chúng Sinh để ĐỘ, nhưng cuối cùng không có ai bị DIỆT cả. Vì“Chúng Sinh không phải là Chúng Sinh, chỉ giả gọi là Chúng Sinh”, bởi đó chỉ là tư tưởng, không phải người thật. Và việc “Độ”chỉ là loại trừ, gạn lọc những khuynh hướng xấu, để Cái Tâm được hoàn toàn thanh tịnh mà thôi. Không phải tất cả những tư tưởng dù tốt hay xấu đều phải loại bỏ để cái Tâm trở thành Trống không như nhiều người đã hiểu lầm rồi đoạn diệt tất cả mọi tư tưởng để trở thành ngu ngơ, không còn phân biệt tốt, xấu, nên, hư, lợi, hại. Đạo Phật dạy Trừ VÔ MINH, nếu ta trừ cả TRÍ HUỆ thì lấy gì để soi sáng mà tu hành ?

Người không hiểu ý nghĩa của việc Tu Phật, không biết rằng Cõi Phật ở trong Tâm, nên khi thấy Kinh viết Cõi Phật được trang hoàng bằng Bảy Báu thì Y Ngữ, kêu gọi bá tánh gom góp thật nhiều vàng bạc, xây lên những ngôi Chùa hoành tráng. Đúc những Tượng Phật cẩn đầy kim cương, hồng ngọc, cho đó là Cúng dường cho Phật để cầu xin Phật Độ ! Họ đã không tư duy để hiểu rằng Cõi Phật ở trong Tâm, không phải là thế giới vật chất bên ngoài, thì làm sao chứa được vàng, ngọc, kim cương, châu báu của cõi đời ? Trang hoàng cho Chùa, cho Tượng, thì đâu có nghĩa là trang hoàng cho Phật hay Nước Phật ? Một bên Hữu Tướng, một bên Vô Tướng, hoàn toàn khác nhau.

Sỡ dĩ nói rằng Tây Phương Cực Lạc đầy Bảy Báu vì Theo Đạo Phật, THÂN có Ba Nghiệp là THAM, SÂN, SI. Khẩu có Bốn Nghiệp là Nói láo, nói lưỡi đôi chiều, nói khen mình, chê người mà từ vô lượng kiếp đến nay, mỗi người đã ôm giữ không phút nào xa rời. Vì thế, Xả một món thì gọi là “Cúng dường châu báu cho Phật”.Xả Tham, Sân, Si thì gọi là “Cúng cho Phật viên châu báu có giá trị liên thành” mà ta thấy trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, “ Long Nữ cúng cho Phật, Phật nhận thì nàng lập tức Thành Phật”, để người không hiểu ý nghĩa của việc cúng đó trách Đạo Phật, cho là Phật mà còn Tham, nhận châu báu để đổi Quả Vị ! Đúng là “Y Kinh giải nghĩa Tam thế Phật oan !

Cúng “Bảy Nghiệp của Thân và Khẩu” gọi là CÚNG DƯỜNG BẢY BÁU CHO PHẬT. Do đó mà Tây Phương Cực Lạc được hình thành toàn bằng Châu Báu : “Bảy từng bao lơn. Bảy từng mành lưới. Bảy từng hàng cây”trong ý nghĩa này.“Dây vàng giăng khắp” là ý nghĩa sự quý giá của Giới. Nhờ Giới mà người tu được giữ gìn trong khuôn khổ, không bị sa vào ác đạo. “Ao nước chứa tám công đức”là ý nghĩa của việc hành Bát Chánh Đạo.

Cõi Phật không phải ở trên trời, ở Đông Phương hoặc Tây Phương, mà đó là nơi thanh tịnh, an lạc TRONG TÂM. Kinh DUY MA CẬT viết : “Bồ Tát muốn được cõi Phật thanh tịnh phải làm cho Tâm thanh tịnh. Tùy chỗ Tâm thanh tịnh mà Cõi Phật được thanh tịnh”.

Không phải chết đi mới được về Tây Phương Cực Lạc. Tổ Huệ Năng cũng chỉ cách để đến Cõi Tây Phương :“Nay khuyên các Thiện Tri thức, trước Trừ Mười Điều Ác, tức là đi tới mười muôn dặm. Sau Dứt Tám Điều Tà, ấy là qua khỏi tám ngàn dặm. Niệm niệm Thấy Tánh, thường làm công việc công bình chánh trực thì đến cõi ấy mau như khảy móng tay, liền thấy Phật Di Đà.

Chỉ cần Thấy Tâm, Tu Tâm thì không cần hình tướng cũng đạt được mục đích của việc Tu Phật.

Tổ Đạt Ma dạy : “Nếu thấy Tâm là Phật thì không cần cắt tóc, cạo râu.

Hàng Bạch Y vẫn là Phật.

Nếu không Thấy Tánh, cắt tóc, cạo râu vẫn là ngoại đạo

Vì vậy : Biết Phật là gì ? Nước Phật ở đâu ? Thế nào là Tạc Tượng Phật ? Thế nào là Cất Chùa ? rồi không còn chấp vào hình tướng nữa, mà quay vô Tâm mình mà làm những công việc đó. Tâm mình đã có Chùa, có Phật thì hàng ngày chăm thắp Ngũ Hương : Hương Giới, Hương Định, Hương Huệ, Hương Giải Thoát, Hương Giải Thoát Tri Kiến để cúng dường Phật của mình. Phóng Sinh từng Chúng Sinh, tức là không để cho nó tiếp tục bị giam cầm trong tù ngục Tham, Sân, Si, mà đưa cho nó qua Bờ Giác để được an ổn hay Thành Phật. Đó mới thật là Chuyển hóa Chúng Sinh hay Độ Sinh. Khi cái Tâm không còn xao động, được an lạc thì gọi là hành giả đạt được Hữu Dư Y Niết Bàn tại kiếp sống. Đó chính là mong mỏi của Đức Thích Ca khi lập Đạo Phật vậy.

Tâm Nguyện
(Tháng 6/2020)


Phụ bản I

Tuổi già, dù đọc mấy lần ... vẫn thấy như lần đầu ...

MỘT ÐỜI LẬN ÐẬN "ÐO RỒI ÐẾM..."


“Mỏi gối người đi đứng lại ngồi”
Bùi Giáng.

Thư hỏi BS Ðỗ Hồng Ngọc, Câu hỏi của Nguyệt Mai:

Kính thưa anh Ðỗ Hồng Ngọc,

Hôm nay em lại có thêm những “thắc mắc” này. Mong anh, nếu được, chia sẻ với độc giả về một ngày của bác sĩ Ðỗ Hồng Ngọc. Ở lứa tuổi “xưa nay hiếm” người ta thường hay nhắc đến “quỹ thời gian”, ráng thu xếp và làm những việc gì mình thích hoặc muốn thực hiện cho xong. Anh có như vậy không? Những công việc liên quan đến “nghề” và “nghiệp” mà anh đã làm / thực hiện khiến anh cảm thấy hài lòng, vinh dự. Và những sáng tác văn chương, nghệ thuật ưng ý nhất của anh.

Cám ơn anh.

Ðỗ Hồng Ngọc trả lời:

Cảm ơn Nguyệt Mai đã khéo nhắc. Nhưng, câu trả lời là không. Hình như tôi không có ý niệm có một “quỹ thời gian” nào đó, bởi tôi không thể biết trước tôi có bao nhiêu, đã xài hết bao nhiêu, còn lại bao nhiêu để… lên kế hoạch. Bùi Giáng có câu “Một đời lận đận đo rồi đếm / Mỏi gối người đi đứng lại ngồi” nhớ không? Tôi sống có vẻ hồn nhiên quá chăng? Lúc Mẹ tôi còn sống bà hay bảo tôi ngu hạng nhất, nhưng tôi cãi, chỉ dám ngu hạng nhì hay hạng ba thôi! Bà đành cười trừ!

“Xưa nay hiếm” là cái thời của Khổng Tử. Mới mấy hôm trước đây, tôi làm “em xi” (MC) cho một buổi “giao lưu” của những người cao tuổi, có bác sĩ-họa sĩ Dương Cẩm Chương, 103 tuổi, giáo sư nhạc sĩ Trần Văn Khê, 93 tuổi; nhà giáo Ðàm Lê Ðức, 83 tuổi, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, 76 tuổi. Với họ, tôi hãy còn quá trẻ! Kinh nghiệm là khi mình có tuổi, nên thường xuyên gặp gỡ những người cao tuổi hơn để lúc nào mình cũng “quá trẻ” như vậy!

Nhớ nhà văn Võ Hồng ở Nha Trang năm xưa kể vào năm tuổi 70 của ông, người ta làm một buổi họp mặt long trọng mừng thầy Võ Hồng, ai cũng phát biểu chúc mừng thầy “cổ lai hy”. Khi đứng lên đáp từ, ông trịnh trọng đưa lấy tay sờ vào cổ mình và nói ''Thất thập cổ lai hy'', rồi lần tay xuống ngực ''Lục thập ngực lai hy, ngũ thập bụng lai hy… và tứ thập…'' làm mọi người la hoảng và cười vỡ một trận!

Lâu lâu gặp bạn cũ tôi giật mình thấy bạn già quá, da mồi tóc bạc, nhăn nhúm trong khi tôi… vẫn như xưa! Dĩ nhiên, lúc đó bạn cũng thấy tôi già quá, da mồi tóc bạc, nhăn nhúm trong khi bạn vẫn như xưa. Thì ra, đó là một diễm phúc của cuộc sống!

Không ai ngờ mình già cả. Nguyên Sa bảo “người ta chỉ có thể đo đếm được tuổi mình qua ánh mắt cố nhân”. Mà lạ, khi gặp lại “cố nhân”, bạn bè hồi niên thiếu, ôn lại chuyện xưa một lát, bỗng thấy mình nhỏ xíu lại, như không hề có thời gian. Mà thật, không hề có thời gian. Cái đồng hồ, cái ngày tháng nọ kia, chẳng qua là những giả định, vui thôi! Khi tôi viết những dòng này, thì tôi đang ở giữa trưa ngày thứ bảy trong khi bạn đang ở nửa khuya ngày thứ sáu!

Cho nên Phật dạy: đừng bám vào ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng thì mới “thoát” được. Thế nhưng, tuổi già sinh học thì có. Một lần nọ, một chị còn khá trẻ bồng đứa bé đến tôi khám bệnh. Ðứa bé la khóc om sòm, chị dỗ: “Nín đi, nín cho ông ngoại khám con!”. Thì ra tôi đã đến ông ngoại rồi mà không hay. Tôi hỏi theo thói quen: Chị là gì của cháu? “Dạ, bà ngoại”. Chị trả lời ngon ơ. Rồi bỗng đâm ra bẽn lẽn. Tôi vội đánh trống lãng! Nhưng chuyện đó xưa rồi, hai mươi năm trước rồi. Mới đây, tôi gặp lại một người quen cũ quê nhà, hơn nửa thế kỷ chưa gặp. Nàng nhắc từ chuyện đi câu cá, hái chùm ruột đến trèo động cát như mới ngày nào. Ðột nhiên nàng nói bây giờ em đã có cháu gọi bằng bà Cố!

Tôi nhớ Trịnh Công Sơn viết: “Về thu xếp lại/ Ngày trong nếp ngày/ Vội vàng thêm những lúc yêu người… Cuồng phong cánh mỏi/…” mà tôi đã trích dẫn trong cuốn Gió heo may đã về (1997), nhưng khi gởi tặng cho anh bạn nhạc sĩ Miên Ðức Thắng lúc đó đang ở Ðức, anh phone phản đối: làm gì có chuyện vội vàng thêm những lúc yêu người! Tôi hiểu, anh vẫn đang còn rất… ung dung, từ tốn kia mà! Phần tôi, đôi khi cũng thấy mình cần về thu xếp lại/ ngày trong nếp ngày mà… không dễ. Bừa bãi quen rồi. Lười biếng quen rồi. Xung quanh chỗ ngồi là một chồng sách ngổn ngang, cao nghệu, rất mất trật tự, nhưng có ai lỡ tử tế sắp xếp lại thế nào tôi cũng la toáng lên! Mất trật tự mà tôi biết cái nào nằm ở đâu!

Còn “làm những việc mình thích” ư? Ðương nhiên rồi. Nhân sinh quý thích chí. Không cần phải đợi “cổ lai hy” mới vậy. Phải làm những việc mình thích ngay bây giờ đi! Bởi già dẫn tới già cả, già khú đế mau lắm đó! Dịp này xin gởi các bạn bài “Già sao cho sướng” đọc vui nhé.

Thân mến,

GIÀ SAO CHO SƯỚNG

Già thì khổ, ai cũng biết. Sanh bệnh lão tử! Nhưng già vẫn có thể sướng. Muốn sống lâu thì phải già chớ sao! Già có cái đẹp của già. Trái chín cây bao giờ cũng ngon hơn trái giú ép. Cái sướng đầu tiên của già là biết mình… già, thấy mình già, như trái chín cây thấy mình đang chín trên cây. Nhiều người chối từ già, chối từ cái sự thật đó và tìm cách giấu cái già đi, như trái chín cây ửng đỏ, mềm mại, thơm tho mà ráng căng cứng, xanh lè thì coi hổng được.

Mỗi ngày nhìn vào gương, người già có thể phát hiện những vẻ đẹp bất ngờ như những nếp nhăn mới xòe trên khóe mắt, bên vành môi, những món tóc lén lút bạc chỗ này chỗ nọ, cứng đơ, xơ xác… mà không khỏi tức cười! Quan sát nhìn ngắm mình như vậy, ta mới hiểu hai chữ “xồng xộc” của Hồ Xuân Hương:

“Chơi xuân kẻo hết xuân đi.
Cái già xồng xộc nó thì theo sau!” .

Có lẽ nữ sĩ lúc đó mới vào lứa tuổi 40! Thời ta bây giờ, 40 tuổi lại là tuổi đẹp nhất. Phải đợi đến 80 mới gọi là hơi già. Trong tương lai, khi người ta sống đến 160 tuổi thì 80 lại là tuổi đẹp nhất! Tuy vậy, thực tế, già thì khó mà sướng. Con người ta có cái khuynh hướng dễ thấy khổ hơn. Khổ dễ nhận ra còn sướng thì khó biết! Một người luôn thấy mình… sướng thì không khéo người ta nghi ngờ hắn có vấn đề… tâm thần! Nói chung, người già có ba nỗi khổ thường gặp nhất, nếu giải quyết được sẽ giúp họ sống “trăm năm hạnh phúc”:

* Một là thiếu bạn!

Nhìn qua nhìn lại, bạn cũ rơi rụng dần… Thiếu bạn, dễ hụt hẫng, cô đơn và dĩ nhiên… cô độc. Từ đó dễ thấy mình bị bỏ rơi, thấy không ai hiểu mình! Quay quắt, căng thẳng, tủi thân. Lúc nào cũng đang như:

“Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài nghe ngày tháng dần qua…!”
(Thế Lữ).

Người già chỉ sảng khoái khi được rôm rả với ai đó, nhất là những ai “cùng một lứa bên trời lận đận”… Gặp đựơc bạn tâm giao thì quả là một liều thuốc bổ mà không bác sĩ nào có thể biên toa cho họ mua được!

Ðể giải quyết chuyện này, ở một số nước tiên tiến, người ta mở các phòng tư vấn, giới thiệu cho những người già cùng sở thích, cùng tánh khí, có dịp làm quen với nhau. Người già tự giới thiệu mình và nêu “tiêu chuẩn” người bạn mình muốn làm quen.

Nhà tư vấn sẽ “matching” để tìm ra kết quả và làm… môi giới… Dĩ nhiên môi giới cho họ kết bạn. Còn sau này họ thấy tâm đầu ý hợp tiến tới hôn nhân (nếu còn độc thân) thì họ ráng chịu! Ðó là chuyện riêng của họ. Ngày trước, Uy Viễn tướng công mà còn phải than:

Tao ở nhà tao tao nhớ mi
Nhớ mi nên phải bước chân đi
Không đi mi bảo rằng không đến
Ðến thì mi hỏi đến làm chi
Làm chi tao có làm chi đựơc
Làm được tao làm đã lắm khi…
Nguyễn Công Trứ

Rồi họ dạy người già học vi tính để có thể “chat”, “meo” với nhau chia sẻ tâm tình, giải tỏa stress… Thỉnh thoảng tổ chức cho các cụ họp mặt đâu đó để được trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, dòm ngó, khen ngợi hoặc… chê bai lẫn nhau. Khen ngợi chê bai gì đều có lợi cho sức khỏe! Có dịp tương tác, có dịp cãi nhau là sướng rồi. Các tế bào não sẽ đựơc kích thích, được hoạt hóa, sẽ tiết ra nhiều kích thích tố. Tuyến thượng thận sẽ hăng lên, làm việc năng nổ, tạo ra cortisol và epinephrine làm cho máu huyết lưu thông, hơi thở trở nên sảng khoái, rồi tuyến sinh dục tạo ra DHEA (dehydroepiandosterone), một kích thích tố làm cho người ta trẻ lại, trẻ không ngờ!

… Dĩ nhiên phải chọn một nơi có không khí trong lành. Hoa cỏ thiên nhiên. Thức ăn theo yêu cầu. Gợi nhớ những kỷ niệm xưa… Rồi dạy các cụ vẽ tranh, làm thơ, nắn tượng… Tổ chức triển lãm cho các cụ. Rồi trình diễn văn nghệ cây nhà lá vườn. Các cụ dư sức viết kịch bản và đạo diễn. Coi văn nghệ không sướng bằng làm … văn nghệ!

* Cái thiếu thứ hai là thiếu… ăn !

Thực vậy. Ăn không phải là tọng là nuốt là xực là ngấu nghiến …cho nhiều thức ăn! Ăn không phải là nhồi nhét cho đầy bao tử! Trong cuộc sống hằng ngày có nhiều thứ nuốt không trôi lắm! Chẳng hạn ăn trong nỗi sợ hãi, lo âu, bực tức; ăn trong nỗi chờ đợi, giận hờn thì nuốt sao trôi? Nuốt là một phản xạ đặc biệt của thực quản dưới sự điều khiển của hệ thần kinh. Một người trồng chuối ngược vẫn có thể nuốt được dễ dàng! Nhưng khi buồn lo thì phản xạ nuốt bị cắt đứt! Nhưng các cụ thiếu ăn, thiếu năng lựơng phần lớn là do sợ bệnh, kiêng khem quá đáng. Bác sĩ lại hay hù, làm cho họ sợ thêm! Nói chung, chuyện ăn uống nên nghe theo mệnh lệnh của… bao tử:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên…”
(Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Ðói đến thì ăn mệt ngủ liền…)
Trần Nhân Tông

“Listen to your body”. Hãy lắng nghe sự mách bảo của cơ thể mình! Cơ thể nói… thèm ăn cái gì thì nó đang cần cái đó, thiếu cái đó! Nhưng nhớ ăn là chuyện của văn hóa ! Chuyện của ngàn năm, đâu phải một ngày một buổi. Món ăn gắn với kỷ niệm, gắn với thói quen, gắn với mùi vị từ thuở còn thơ! Người già có thể thích những món ăn… kỳ cục, không sao. Ðừng ép! Miễn đủ bốn nhóm: bột, đạm, dầu, rau… Mắm nêm, mắm ruốc, mắm sặc, mắm bồ hóc, tương chao… đều tốt cả. Miễn đừng quá mặn, quá ngọt… là được. Cách ăn cũng vậy. Hãy để các cụ tự do tự tại đến mức có thể đựơc. Ðừng ép ăn, đừng đút ăn, đừng làm “hư” các cụ! Cũng cần có sự hào hứng, sảng khoái, vui vẻ trong bữa ăn. Con cháu hiếu thảo phải biết … giành ăn với các cụ. Men tiêu hoá được tiết ra từ tâm hồn chớ không chỉ từ bao tử.

* Cái thiếu thứ ba là thiếu vận động!

Già thì hai chân trở nên nặng nề, như mọc dài ra, biểu không chịu nghe lời ta nữa! Các khớp cứng lại, sưng lên, xương thì mỏng, giòn, dễ vỡ, dễ gãy…! Ấy cũng bởi cả một thời trai trẻ đã “Ði đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…” (TCS)! Bác sĩ thường khuyên vận động mà không hướng dẫn kỹ dễ làm các cụ ráng quá sức chịu đựng, lâm bệnh thêm. Phải làm sao cho nhẹ nhàng mà hiệu quả, phù hợp với tuổi tác, với sức khỏe. Phải từ từ và đều đều. Ngày xưa người ta săn bắn, hái lượm, đánh cá, làm ruộng, làm rẫy… lao động suốt ngày. Bây giờ chỉ ngồi quanh quẩn trước TV!. Có một nguyên tắc “Use it or lose it!”. Cái gì không xài thì teo! Thời đại bây giờ người ta xài cái đầu nhiều quá, nên “đầu thì to mà đít thì teo”. Thật đáng tiếc!

Không cần đi đâu xa. Có thể tập trong nhà. Nếu nhà có cầu thang thì đi cầu thang ngày mươi bận rất tốt. Ði vòng vòng trong phòng cũng được. Ðừng có ráng lập “thành tích” làm gì! Tập cho mình thôi.. Từ từ và đều đều… Ðến lúc nào thấy ghiền, bỏ tập một buổi … chịu hổng nổi là được! Nguyên tắc chung là kết hợp hơi thở với vận động. Chậm rãi, nhịp nhàng. Lạy Phật cũng phải đúng… kỹ thuật để khỏi đau lưng, vẹo cột sống. Ðúng kỹ thuật là giữ tư thế và kết hợp với hơi thở. Ðó cũng chính là thiền, là yoga, dưỡng sinh…! Vận động thể lực đúng cách thì già sẽ chậm lại.

Giảm trầm cảm, buồn lo. Phấn chấn, tự tin. Dễ ăn, dễ ngủ…Tóm lại, giải quyết đựơc “ba cái lăng nhăng” đó thì có thể già mà… sướng vậy!

Nguyễn Hoàng Thanh - Đỗ Thiên Thư st.

Sinh Ký Tử Quy

Bài của Thiền sư Ajahn Chah

Ðaị sư Ajahn Chah, có lối giảng dậy thật giản dị, chân thực đã nói chuyện với một nữ đệ tử già yếu đang sắp chết. Bằng một giọng trầm tĩnh sâu xa, đại sư nhắc lại cho bà nghe về lý vô thường , và dạy những phương tiện để đối phó với những đau khổ: “Thở một hơi dài và tập trung tư tưởng nơi câu niệm Phật. Hãy tập làm điều này cho thành thói quen .” , dùng những câu nói có năng lực tốt lành diệu dụng để bảo vệ tâm trí khỏi những khởi niệm về trạng thái đau khổ của một người đang nằm trên giường bệnh.

Ðức Phật đã thường xuyên nhắc nhở các đệ tử rằng: "tất cả những gì theoduyên khởi cũng đều theo duyên diệt ".

Hôm nay thầy không đem đến những gì về vật chất cho con, mà chỉ đem đến những lời dậy của Ðức Phật. Con phải hiểu rằng ngay Đức Phật với phước huệ vô biên cũng không thể tránh được cái chết. Khi Phật đến tuổi già ngài đã buông bỏ cái xác thân già yếu và những gánh nặng của nó. Bây giờ con cũng phải tập bằng lòng với những tháng năm con đã ở trong thân xác này. Con phải cảm thấy rằng như vậy là cũng đủ rồi.

Con có thể so sánh thân như những vật gia dụng đã dùng đến lâu năm-- những ly tách, đĩa bàn v.v... Khi con mới có chúng, trông chúng thật là sạch sẽ và bóng láng, nhưng bây giờ, sau một thời gian dài đã dùng lâu, chúng bắt đầu mờ xấu đi. Có cái đã vỡ rồi, có cái thì mất đi, và những cái còn lại cũng tàn tạ dần, chúng không giữ mãi được hình dạng cũ, và đó là bản chất của chúng. Thân của con cũng như vậy - nó thường xuyên thay đổi ngay từ ngày con chào đời, trải qua tuổi thơ ấu và thiếu niên, cho đến tuổi già hiện nay. Con phải chấp nhận điều đó. Phật đã nói rằng những duyên hợp, dù là duyên hợp trong tâm thân hay ở ngoài, đều là vô ngã, bản chất của nó là luôn luôn thay đổi. Khối thịt đang nằm đây suy hoại chính là sự thật. Phật dậy rằng bản chất của thân là như vậy, sanh ra , già yếu đi, mang bệnh rồi chết, không thể nào khác hơn được. Ðó là một sự thật lớn mà con đang gập phải đây. Hãy nhìn thân xác mình với trí tuệ và nhận thức được sự thật đó.

Ngay cả khi nhà con đang bị đe dọa bởi bão lụt hay lửa cháy, dù hiểm nguy ấy có đến cỡ nào, cũng chỉ cho nó ảnh hưởng đến cái nhà thôi. Nếu có bão lụt, đừng để nó ngập lụt tâm mình. Nếu có lửa cháy, đừng để cho lửa cháy tâm mình, mà chỉ cháy nhà thôi, chỉ những gì bên ngoài mình mới bị ngập lụt và cháy thôi. Hãy để tâm buông xả khỏi những ràng buộc. Thời điểm đã đến rồi.

Con đã sống một thời gian lâu dài. Mắt con đã thấy được nhiều hình sắc, tai con đã nghe bao nhiêu là âm thanh, con đã có bao nhiêu là kinh nghiệm trong đời. Và chúng chỉ là thế thôi - chỉ là những kinh nghiệm. Con đã ăn biết bao nhiêu của ngon vật lạ, và tất cả những vị ngon đó chỉ là vị ngon, thế thôi. Những vị dở cũng chỉ là những vị dở, thế thôi. Nếu mắt có thấy một bóng hình đẹp, thì đó cũng chỉ là một bóng hình đẹp, thế thôi. Một hình dạng xấu cũng chỉ là một hình dạng xấu. Tai có nghe những âm thanh hấp dẫn, du dương thì cũng chỉ là như thế, không có gì hơn. Một âm thanh khúc mắc, chói tai thì cũng chỉ là một âm thanh thế thôi.

Ðức Phật dậy rằng mọi chúng sinh dù là người hay là thú , dù giầu hay nghèo, già hay trẻ, không ai là có thể tồn tại lâu dài mãi mãi trong một tình trạng , mọi thứ đều sẽ phải thay đổi và xa rời đi. Ðó là một sự thật sống mà chúng ta chẳng thể nào sửa đổi được. Nhưng điều chúng ta có thể làm được là quán tưởng về tâm và thân này để thấy sự vô ngã của nó, để thấy rằng chúng không phải là "ta" hay "của ta". Chúng chỉ là những thực tại tạm thời. Cũng như cái nhà này, nó là chỉ của con trên danh nghĩa, con không thể đem nó theo đi đâu được. Cũng như những tài sản, những của cải này và gia đình thân quyến - tất cả cũng chỉ là của con trên danh nghĩa, họ không thực sự thuộc về con, họ thuộc về thiên nhiên. Chân lý này không phải chỉ áp dụng cho riêng con, tất cả mọi người đều phải chịu như vậy, kể cả Phật và những vị đệ tử đã giác ngộ của ngài. Nhưng họ khác biệt chúng ta ở một điểm, đó là họ nhìn mọi việc theo đúng sự thực của chúng, họ thấy rằng nó là như vậy, và không thể nào khác hơn được.

Như vậy chúng ta phải quán chiếu trên thân này, từ gót chân lên đến đỉnh đầu và rồi lại trở xuống chân . Hãy nhìn lại thân mình xem, ta thấy những gì? Có cái gì tự nó là thanh tịnh không? Cò thấy có chất gì trường tồn không? Thân xác này thường xuyên suy hoại dần và Phật dậy rằng nó không thuộc về chúng ta. Nhưng đó là cái lẽ tự nhiên, vì tất cả mọi hiện tượng do duyên hợp đều phải thay đổi. Ðiều làm ta đau khổ không phải là thân này, mà chính là sự suy nghĩ sai lầm. Khi ta nhìn điều phải một cách sai trái, thế nào cũng có sự lầm lạc.

Xem như nước trên giòng sông. Nước chẩy xuôi xuống từ nguồn, nó không bao giờ chẩy ngược, bản chất nó là như vậy.Nếu có một người nào đó đứng trên bờ sông nhìn giòng nước chẩy mà lại điên rồ muốn nó chẩy ngược lại, thì hắn sẽ phải chịu đau khổ. Có làm gì đi nữa, tâm hắn cũng phải khó chịu vì sự suy nghĩ sai lạc này. Hắn sẽ cảm thấy không vui vì quan niệm muốn nước chẩy ngược lại của hắn. Nếu có chánh kiến, hắn sẽ thấy là nước tất yếu sẽ phải chẩy xuôi từ nguồn và khi hắn khong nhận thức và chấp nhận được điều đó, hắn sẽ còn phải chịu những bực bội và bất an.

Giòng nước chẩy xuôi từ nguồn cũng ví như thân xác. Thân xác con đã có thời trẻ trung, bây giờ nó già đi và đang tiến dần đến cái chết. Ðừng mơ ước điều gì khác hơn. Ðó không phải là điều chúng ta có khả năng sửa đổi được. Ðức Phật dậy chúng ta phải thấy rõ như vậy và xả bỏ đi những ràng buộc. Hãy an trú nơi tâm niệm buông xả này dù cho con có cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức. Thở một hơi dài và tập trung tư tưởng nơi câu niệm phật . Hãy tập làm điều này cho thành thói quen . Càng mệt mỏi lại càng phải chuyên chú tập trung tư tưởng để có thể đương đầu với những cảm giác đau đớn dâng lên. Khi bắt đầu thấy mệt, hãy ngừng ngay những vọng tưởng, để tâm trí tập trung vào hơi thở. Hãy chuyên chú niệm Phật trong tâm . Xả bỏ đi những vấn đề bên ngoài. Ðừng vướng mắc vào những suy tư về con cái, bà con thân thuộc, đừng bám víu vào bất cứ một cái gì. Hãy buông xả, nhiếp tâm theo dõi vào hơi thở cho đến khi tâm càng lúc càng trở nên tinh tế hơn, những cảm thọ mờ dần và chỉ còn lại một trạng thái tỉnh thức và sáng suốt. Khi đó những cảm giác đau đớn dâng lên sẽ tự lắng xuống dần. Khi tiễn biệt một người thân, chúng ta đi ra nhìn theo cho đến khi khuất bóng rồi mới trở vào trong nhà. Chúng ta cũng theo dõi hơi thở như vậy, Nếu hơi thở thô phù, ta biết đó là thô phù, hơi thở vi tế, ta biết đó là vi tế. Cho đến lúc hơi thở càng ngày càng nhẹ đi, chúng ta vẫn tiếp tục theo dõi trong khi giữ cho tâm mình được tỉnh táo . Dần dần tâm sẽ không nhận thức về hơi thở nữa mà ở trong một trạng thái tỉnh thức hoàn toàn. Cái đó gọi là "tri kiến Phật". Sự tỉnh thức và sáng suốt trong tâm ta ấy gọi là "Phật", chỉ cho tính giác ngộ, linh mẫn, trí huệ. Khi chúng ta đạt tới đó, ta sẽ thấy rằng tâm và Phật cũng là một.

Vậy con hãy buông xả, quên đi hết mọi sự để chỉ còn sự hiểu biết sáng suốt trong tâm. Ðừng bị mê hoặc nếu có những ảo giác hay âm thanh. Hãy xả bỏ chúng đi, đừng ôm ấp bất cứ điều gì. Ðừng lo lắng về quá khứ hay tương lai, hãy để tâm tĩnh lặng và con sẽ đạt được trạng thái của tính "không" trong đó không có tiến hay thoái, không có sự ngừng lại, không có gì để bám víu hay ràng buộc vào. Tại sao? Vì không còn có bản ngã, không còn cái "tôi" hay "của tôi". Tất cả đều đã tan biến đi rồi.

Thực hiện được Pháp, con đường đưa đến sự giải thoát khỏi vòng sanh tử, là một viêc chúng ta phải tự mình làm. Vậy hãy tiếp tục buông xả và tìm hiểu được lý Ðạo. Ðừng lo lắng gì về gia đình của con nữa. Bây giờ họ đang như thế, nhưng tương lai rồi họ cũng như con thôi. Không ai trên thế giới này là có thể trốn thoát được số phận đó. Ðức Phật đã dậy chúng ta là phải buông bỏ hết mọi sự giả hợp không thật trên thế gian này. Nếu con buông bỏ được, con sẽ thấy đươc chân lý.

Ngay cả khi con đang thấy mình suy nghĩ cũng không sao cả, miễn sao con biết suy nghĩ với trí tuệ, đừng có những ý tưởng si mê. Nếu nghĩ về con cái hãy nghĩ đến chúng trong sự hiểu biết, không phải trong sự mù quáng ngu si. Tâm con hướng về đâu, hãy nghĩ đến điều đó và hiểu rõ nó, biết rõ thực chất của nó như thế nào. Nếu con có trí tuệ hiểu biết về một điều gì con có thể buông bỏ một cách dễ dàng và không còn đau khổ. Tâm của con sẽ trong sáng, an lạc, và vững chắc vì không bị phân tán. Còn ngay bây giờ thì con phải nương về hơi thở để làm phương tiện trợ giúp cho con. Ðây là việc con phải làm, không ai khác làm thế được. Ðể người khác làm những việc của họ. Con có những việc và trách nhiệm của riêng con và con không cần ôm lấy những trách nhiệm của người khác . Buông bỏ đươc, tâm trí con sẽ được yên ổn. Trách nhiệm duy nhất mà con bây giờ là chuyên chú vào tâm mình và tìm cách làm cho nó được an bình. Hãy để những việc khác cho người khác lo. Sắc, thanh, hương, vị - để lại cho người khác lo. Nếu có bất cứ cái gì khởi lên, lo sợ hay đau đớn hay sự lo lắng về một điều gì đó, hãy nói với nó rằng: "Ðừng có làm rộn tôi. Tôi không còn can dự gì nữa." Hãy tự nhủ như vậy cho đến khi con thấy được Pháp.

Pháp có nghĩa là gì? Tất cả mọi sự đều có thể gọi là pháp. Không có cái gì mà không có pháp trong đó cả. Như vậy cái gì là "thế gian"? Thế gian chính là trạng thái tinh thần bị khích động . "Người này sẽ làm gì? Người kia sẽ làm gì? Họ sẽ xoay sở như thế nào đây?" Tất cả những điều đó là "thế gian". Ngay cả một khởi niệm lo sợ về cái chết hay sự đau đớn cũng là thế gian. Hãy buông bỏ thế gian đi! Thế gian chỉ là thế gian vậy thôi. Nếu để nó xâm chiếm vào trong ý thức, tâm trí con sẽ trở nên tối tăm và không còn nhận thấy được chính nó nữa. Vì vậy mỗi khi có khởi niệm, hãy nói rằng:"Ðây không phải là việc để tôi phải bận tâm. Nó là vô thường, không đem lại sự thỏa mãn và trống rỗng".

Nghĩ rằng mình muốn được sống lâu dài sẽ làm cho ta đau khổ. Nhưng nghĩ rằng mình muốn chết thật mau chóng, đó cũng là sự đau khổ. Những nhân duyên không thuộc về chúng ta, chúng đi theo những luật lệ tự nhiên của chúng. Ta không thể làm được gì với tình trạng thân thể của mình. Ta có thể làm đẹp nó một chút, làm cho nó sạch sẽ và trông hấp dẫn trong một thời gian, như những cô gái môi son má phấn và chải chuốt móng tay , nhưng khi tuổi già đến , tất cả mọi người đều ở trong một tình trạng như nhau. Ðó là điều ta phải chấp nhận với thân vô thường này, ta không thể làm gì khác được. Nhưng đối với tâm trí, ta có thể cải thiện và đưa nó đến chân mỹ được.

Ai cũng có thể xây được một căn nhà bằng gạch đá và gỗ, nhưng Ðức Phật dậy rằng ngôi nhà như vậy không phải là nhà đích thực của ta, nó chỉ là của ta trên danh nghĩa. Nó là căn nhà thế gian và nó sẽ đi theo con đường của thế gian. Ngôi nhà đích thực của ta là sự an bình trong tâm. Một ngôi nhà bằng vật liệu vật chất ở ngoài có thể đẹp đẽ đấy nhưng không đem lại sự an bình. Ta phải lo âu nhiều thứ về nó, hết viêc này đến việc kia phải nghĩ đến. Vì thế ta nói rằng đó không phải là mái nhà đích thực của ta, nó ở ngoài ta, sớm muộn gì ta cũng sẽ phải bỏ nó lại. Ðó không phải là một nơi ta có thể ở mãi được vì nó không thực sự thuộc về ta, nó là một phần của thế gian này. Thân của ta cũng như vậy, ta tưởng rằng nó là ta, là "tôi" và "của tôi", nhưng thực sự nó không phải như vậy , nó cũng chỉ là một ngôi nhà thế gian khác mà thôi. Thân của con đã trải qua diễn tiến tự nhiên của nó từ lúc mới sanh ra cho đến bây giờ, nay nó đã già và bệnh hoạn, con không thể ngăn cấm điều đó được, đó là cái lẽ tự nhiên phải như vậy. Khi con nhận thấy thân con người phải già đi và chết, con sẽ tìm được sức mạnh và nghị lực. Dù con có muốn thân này tiếp tục sống và kéo dài tuổi thọ đến đâu, nó cũng không làm như vậy được.

Ðức Phật nói:

Anicca vata sankhara
Uppadavayadhammino

Upajjjhitva nirujjhanti

Tesam vupasamo sukho.

Chữ sankhara (samskara) tiếng Phạn nói đến cái thân ngũ uẩn này. Thân ngũ uẩn là vô thường và bất định, vừa được hình thành xong chúng lại biến đi, vừa khởi lên chúng đã qua mất.

Xem như hơi thở, chúng vừa vào , lại phải ra ngay, đó là cái lẽ tự nhiên phải như vậy. Hít vào và thở ra là phải luân phiên với nhau, phải có sự thay đổi như vậy. Thân ngũ uẩn tồn tại qua sự thay đổi. Thử nghĩ xem, ta có thể thở ra mà không thở vào được không? Nếu như vậy ta có thấy tốt hơn gì không? Hay ta có thể nào chỉ có hít vào được không? Chúng ta muốn mọi vật đều thường tồn nhưng không thể nào như thế được. Một khi hơi thở đã vào trong, nó lại phải ra ngay, và khi nó ra rồi nó lại phải trở vào và đó là điều tự nhiên thôi, có phải không? Một khi đã sinh ra chúng ta sẽ phải già đi, phải mang bệnh tật và rồi chết đi, đó cũng là điều hoàn toàn tự nhiên bình thường. Ðó là bởi vì thân ngũ uẩn đã làm xong việc của nó, bởi vì hơi thở ra thở vào phải luân phiên như vậy, nên nhân loại mới còn tồn tại đến ngày nay.

Ngay khi chúng ta vừa sinh ra, chúng ta đã bắt đầu chết. Sự sinh và tử của chúng ta chỉ là một. Cũng giống như cái cây: khi có rễ, tức phải có cành. Khi có cành lá, tức phải có rễ. Không thể nào có cái này mà không có cái kia. Thật là khôi hài khi con người ta mỗi khi đối diện với cái chết là đau đớn khổ sở đến mất hồn và sợ hãi, buồn rầu, trong khi lại sung sướng vui mừng khi có người được sinh ra. Tôi nghĩ là nếu chúng ta muốn khóc, hãy khóc khi có người sinh ra. Vì thực sự ra sinh tức là tử, mà tử tức là sinh, rễ là cành, mà cành cũng là rễ. Nếu ta cần phải khóc, hãy khóc ngay cái rễ, khóc ở nơi sự sinh ra. Hãy nhìn kỹ xem: nếu không có sinh, làm sao có tử. Con có hiểu được điều này không?

Ðừng nghĩ ngợi gì nhiều. Chỉ biết là, "Mọi sự đều phải như vậy". Hiện tại không ai có thể giúp được con, gia đình con hay của cải của con không có thể làm cho con được. Chỉ có chính niệm, sự tỉnh thức mới có thể giúp con được lúc này. Vậy đừng có ngần ngại gì nữa. Hãy buông bỏ hết đi.

Dù cho con có không buông bỏ, mọi sự cũng bỏ con mà đi. Con không thấy sao, trên thân thể con những bộ phận khác nhau đang dần dần suy thoái đi . Tóc con ngày nào còn đen nhánh và dần, nay đã rụng đi. Nó đang bỏ con đi. Mắt con khi xưa sáng và mạnh mẽ, bây giờ mờ yếu đi . Khi những bộ phận đã kiệt lực rồi, chúng sẽ rời bỏ đi; đây không phải là nhà của chúng. Khi con còn là một đứa trẻ, răng con chắc và khỏe; giờ đây chúng lung lay; có thể con còn có răng giả nữa. Mắt, tai, mũi, lưỡi - tất cả mọi thứ đều sẵn sàng ra đi bởi vì đây không phải là nhà của chúng. Con không thể xem thân ngũ uẩn này như nhà của con mãi mãi được, con chỉ có thể ở trong đó một thời gian ngắn và rồi lại ra đi. Cũng giống như một người ở thuê đang cố canh giữ ngôi nhà bé nhỏ của mình với con mắt đang mờ yếu dần. Răng hắn không còn tốt nữa, tai hắn cũng lãng đi, thân hắn không còn mạnh khỏe, và mọi thứ đang xa rời đi dần.

Vậy con không cần phải lo lắng gì hết bởi vì đây không phải là nhà thật của con, đây chỉ là chỗ trú ẩn tạm thời. Tất cả những gì đang hiện hữu đây rồi sẽ không còn nữa. Nhìn thân thể của con xem. Có cái gì là còn được hình dạng xa xưa của nó không? Da con có mịn như ngày nào, tóc con có xanh như thời ấy không? Không có gì còn nguyên như cũ cả. Nhưng bản chất của mọi sự là phải như vậy. Khi đã đến lúc chung cuộc, những duyên hợp phải tan rã đi. Ta không thể nào tin cậy vào thế giới này được - đó chỉ là một vòng xoay vô tận của những xao động và phiền não, của lạc thú và niềm đau. An lạc không có ở nơi đây.

Khi chúng ta không có ngôi nhà đích thực , chúng ta là những lữ khách lang thang không mục đích, nay đây mai đó, dừng chân một nơi được ít lâu rồi lại ra đi. Khi ta còn chưa trở về nhà thực sự của mình , chúng ta sẽ còn cảm thấy bất an dù ta có đang làm gì chăng nữa, cũng như một người rời bỏ quê hương làng xóm để tha phương cầu thực. Chỉ khi nào hắn ta trở về lại nhà rồi mới có thể thảnh thơi và yên tâm được.

Trên thế giới này không đâu là có sự an bình thực sự. Người nghèo không được yên ổn, kẻ giầu sang cũng vậy. Người lớn không thấy an lạc, trẻ con cũng không an tâm, người ít học không thấy sung sướng, người học nhiều cũng vậy. Không có sự an lạc ở đâu cả. Và đó là bản chất của thế giới này.

Người không có tiền của đau khổ, nhưng người nhiều tiền cũng vậy. Trẻ con, người lớn, người già, tất cả đều đau khổ. Cái khổ của tuổi già, cái khổ của tuổi trẻ, cái khổ của sự giầu sang, và cái khổ của sự nghèo khó - nơi đâu cũng chỉ có sự đau khổ.

Cái thân của con đang nằm đây đau yếu và cái tâm đang biết đến sự đau yếu đó của con đều gọi là pháp (dharma). Những gì không hình tướng như tư tưởng, cảm thọ, được gọi là namadharma. Cái thân đang đau yếu bệnh hoạn được gọi là rupadharma. Cái vật chất là pháp và cái không vật chất cũng là pháp. Như vậy chúng ta sống với pháp, sống trong pháp, và chính chúng ta là pháp. Thật sự ra không có một bản thể nào ở đâu cả, mà chỉ có những pháp liên tục khởi lên rồi diệt đi, vì bản chất chúng là như vậy. Trong mỗi giây mỗi phút chúng ta đều đang trải qua sự sanh và tử của mình. Mọi sự đều phải là như vậy.

Lưu Ly - Hoàng Kim Thư st.

Dịch từ "Introduction to The Buddha and his Teachings"

HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, GIAO LƯU QUỐC TẾ

CỦA HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

(1957 – 2020)

Xuất phát từ vị trí địa lý của đất nước Việt Nam nằm ở khúc cuối của Đông Nam Á, đầu mối giao thông, văn hóa – văn học Việt Nam ngay từ buổi đầu xa xưa đã mang tính chất “mở” hội nhập. Tiếp thu và phát triển truyền thống của ông cha, các nhà văn Việt Nam từ sau cách mạng tháng Tám 1945 đã luôn quan tâm đến khâu quan hệ giao lưu quốc tế. Các nhà văn Việt Nam, một bộ phận từng đã có tác phẩm ít nhiều nổi tiếng từ những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX sớm tiếp nhận và đi theo con đường của cách mạng tháng Tám và các nhà văn khác trưởng thành từ cách mạng ấy, họ cùng trải qua hơn chín năm chống đế quốc thực dân Pháp để giữ vững nền độc lập tự do cho dân tộc, đã hoàn toàn tán thành Điều lệ
của Hội Nhà văn Việt Nam, được thông qua tại Đại hội thành lập Hội diễn ra vào đầu năm 1957, nói chung và những điều khoản về hoạt động đối ngoại của Hội, từ đó chung tay thực hiện hiệu quả trong suốt 60 năm qua, đi từ Đại hội này đến Đại hội khác.

Trong Điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam ra đời từ tháng 4 năm 1975 ấy, được sửa đổi tại Đại hội lần thứ II, vào đầu năm 1963, hoạt động đối ngoại, giao lưu quốc tế của Hội đã được xác định trong nhiều điều khoản khác nhau.

Trong chương I: Về tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ của Hội nêu rõ: “Hội tập họp và đoàn kết các nhà văn trong sự nghiệp xây dựng nền văn học Việt Nam XHCN. Hội tôn trọng phong cách riêng của mỗi nhà văn và khuyến khích mọi tìm tòi đổi mới trong sáng tác nghệ thuật, nhằm phục vụ nhân dân, phục vụ tổ quốc, vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc. Hội đặc biệt chú trọng phát triển lực lượng văn học các dân tộc thiểu số anh em”…

Tại Điều 4 Chương I, ở mục g, được ghi cụ thể: “Hội mở rộng quan hệ hợp tác, tiến hành việc thông tin và trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức văn học và các nhà văn nước ngoài theo pháp luật nhà nước.

Tại chương II. Hoạt động của Hội: Điều 7, cuối mục a: “Tổ chức các cuộc Hội thảo tiếp xúc giữa bạn đọc với nhà văn, giữa các nhà văn ở địa phương khác nhau hoặc giữa nhà văn trong nước với nước ngoài để trao đổi kinh nghiệm”.
Và mục C, Điều 7, ghi cụ thể tiếp: “Hội thông tin cho hội viên về thời sự văn học trong nước và quốc tế. Hội coi trọng quan hệ hợp tác với nhà văn các nước XHCN và các nhà văn tiến bộ trên thế giới. Hội coi trọng việc phổ biến văn học Việt Nam đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài và có mối giao lưu văn hóa thích hợp với các cộng đồng này theo
qui định của Nhà nước”.

Tại chương IV: Hội viên, ở Điều 18, mục quyền hạn, cùng với các quyền hạn khác, hội viên còn “Được hưởng những quyền vật chất và tinh thần do Hội nhà văn có khả năng tạo ra được cho hội viên (đi trao đổi, học tập trong nước và ngoài nước, đi an dưỡng, được trợ cấp khi ốm đau, già yếu, mất sức, được sử dụng quĩ văn học…).

Để thực hiện các điều khoản trên tại Chương III tổ chức của Hội, trong điều 13, BCH Hội lập các Hội đồng chuyên môn (về thơ, văn, phê bình lý luận, dịch văn học…) làm chức năng tư vấn cho Ban chấp hành và Ban thư ký trong việc định hướng và chỉ đạo các hoạt động chuyên môn”. Ngoài ra, sau Đại hội thành lập, trong Hội nghị BCH lần thứ hai, ngày 25-26 tháng 4 năm 1957, BCH còn quyết định hàng loạt về tổ chức, trong đó có việc lập ban văn học nước ngoài trong số các ban chức năng.

Trong quá trình hoạt động và phát triển của Hội, Điều lệ Hội được bổ xung sửa đổi tại các Đại hội nhiệm kỳ, tuy nhiên về cơ bản nội dung Điều lệ vẫn được giữ nguyên, trong đó có những điều khoản liên quan đến công tác đối ngoại, giao lưu và hội nhập quốc tế của Hội. Và theo Điều lệ Hội, hoạt động này được triển khai ngay một cách tích cực, linh hoạt, với nhiều hình thức phong phú, bám sát công cuộc xây dựng nền văn học XHCN, “phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc”.

Trước hết Ban Văn học nước ngoài do nhà văn Nguyễn Xuân Sanh làm trưởng ban cùng với hai ủy viên là nhà văn Nguyễn Tuân và nhà văn Phạm Huy Thông đã lên kế hoạch dịch sách và truyện thơ cho Nhà xuất bản Hội Nhà văn và cơ quan ngôn luận của Hội. Ngay trên những số đầu tờ báo của Hội bạn đọc đã được biết các thông tin đời sống văn hóa, văn học ở nhiều nước bạn, chẳng hạn ở Liên Xô, như Bảo tàng Pushkin ở Moskva. Một lớp nghiên cứu về văn học cho các nhà văn Liên Xô…, thành công của đạo diễn điện ảnh Liên Xô G.N.Chukhrai với bộ phim “Người thứ 41” hay phong trào chính phong ở Trung Quốc; được đọc truyện của nhà văn Nga A.Tchekhov, thơ của nhà thơ Xô Viết A.Surkov, các tác phẩm của M.Gorki, L.Pantelev, I.Ehrenburg… Cả lý luận về đoàn thiên tiểu thuyết của nhà văn Trung Quốc Mao Thuần, thơ của nhà thơ Mông Cổ Rintchen, tác phẩm của nhà thơ, nhà viết kịch CHDC Đức B.Brecht thơ của các nhà thơ Pháp L.Aragon, Éluarel… Tác phẩm Số phận một con người của M.Solokhov vừa ra đời ở Liên Xô cũng đã kịp thời được dịch và đến với bạn đọc Việt Nam ngay dịp kỷ niệm 40 năm NXB của Hội tác phẩm Qua thơ văn của những người bạn lớn của nhà văn Nguyễn Xuân Sanh, bước đầu giới thiệu hàng chục cây bút lớn của nhiều nền văn học; những tuyển tập Truyện ngắn Tchekhov, Thơ và truyện M.Gorki, Tuyển tập truyện ngắn Gorki do một đội ngũ nhà văn thế hệ đàn anh cùng nhau dịch và giới thiệu (Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Bùi Hiển…); Những sách nghiên cứu lý luận, giới thiệu lịch sử văn học, trước hết văn học Xô Viết: Giới thiệu văn học Xô Viết của nhà nghiên cứu Pháp Yean Pérus, Văn học Nga và Liên Xô (do Dương Văn Thành dịch trực tiếp từ tiếng Nga của Kolesnikov, Tychian – Skaya, Gobulev) Những bài báo về Tolstoy, Tổ chức Đảng và Văn học có Đảng tính (của V.Lenin, V.Belinski) cùng hàng loạt sách mỏng phổ biến kinh nghiệm sáng tác của các nhà văn, nhà thơ Liên Xô, Trung Quốc. Rồi kịch Dưới đáy của M.Gorki, tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy của N.Ostrovski; cả một tuyển thơ của nhiều tác giả Xô Viết, A.Blok, N.Tikhonov, E.Bagriski với cái tên Gửi người mai sau,vv… Không chỉ có vậy, bạn đọc Việt Nam bắt đầu được tiếp cận các tác phẩm từ các nền văn học khác nữa: Ai Cập, Italia, Pháp, vv… Hội đã liên tiếp cử các đoàn nhà văn ta đi thăm các nước khác nhau và bạn đọc sau đó được đọc hàng loạt các bút ký hành trình của các đại biểu ta trở về kịp thời chia sẻ trên các phương tiện truyền thông, sách báo, như các trang viết của nữ sĩ Anh Thơ, các bài bút ký của Nguyên Hồng, Hoàng Trung Thông, Thanh Tịnh, Tú Mỡ, Nguyễn Văn Bổng kể lại về đất nước Liên Xô và đời sống văn hóa Nga – Xô Viết; những bài viết của nhà thơ Nông Quốc Chấn, Hoài Thanh… kể chuyện về Trung Quốc, Triều Tiên… Hội nhà văn Việt Nam và nhân dân ta cũng được đón tiếp nhiều bạn bè từ nhiều nước đến thăm, chung vui những ngày hòa bình đầu tiên nửa nước chúng ta và nói lên tâm tư tình cảm ủng hộ cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của nhân dân ta, ngay từ những ngày đó. Mustai Karim, Pavel AntokolSki, V.Sosoukhin, G.Senvuns, L.Sololev… từ Liên Xô, Vexolin Hansev (Bungari); Diễn Gian, Viên Ủng… (Trung Quốc), Zukrovski (Ba Lan)…

Các đại biểu nhà văn từ các nước đến thăm ta đều có những tiếng nói chân tình đối với đất nước nhân dân ta, ủng hộ cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của nhân dân ta. Bài thơ Trong bệnh viện của nhà thơ Liên Xô Pavel Antokolski viết về chị Trần Thị Lý, tấm gương dũng cảm đối đầu với kẻ thù ở miền Nam được cứu thoát khỏi tù ngục tra tấn, xuất hiện lúc đó đã xúc động cổ vũ nhân dân ta mạnh mẽ. Các bạn quốc tế nhất loạt lên tiếng phản đối vụ thảm sát ở nhà tù Phú Lợi của chính quyền miền Nam Việt Nam… Nhà thơ Pavel Autokolski đang thăm ta khi đó vào năm 1958, vừa lúc ở ta phát hiện tập bản thảo thơ chữ Hán Nhật ký trong tù của Hồ Chủ Tịch, bấy lâu thất lạc, Viện Văn học kịp thời tổ chức triển khai việc dịch ra tiếng Việt, thì nhà thơ lão thành Nga Xô Viết cũng bắt tay vào nghiên cứu tìm hiểm tập bản thảo thơ để dịch ra tiếng Nga. Trở về Moskva ông đã thực sự say mê công việc dịch tác phẩm sang tiếng Nga và sau gần hai năm miệt mài lao động sáng tạo, bản dịch của ông đã hoàn chỉnh. Đúng vào năm 1960, khi ở Việt Nam tập Nhật ký trong tù với sáng tác bằng tiếng Hán đã được dịch ra thơ tiếng Việt và xuất bản vào tháng năm, mừng sinh nhật của Hồ Chủ Tịch lần thứ 60, thì bản dịch sang tiếng Nga của Pavel Antokolski cũng được in ra sách tại Moskva vào đầu tháng chín năm đó, mừng Quốc khánh Việt Nam dân chủ cộng hòa năm thứ 15.

Ngoài các đoàn nhà văn được Hội cử đi thăm một số nước học tập, trao đổi kinh nghiệm, Hội chính thức cử đoàn đại biểu đi dự Hội nghị các nhà văn Á Phi họp ở Tashkent gồm các nhà văn Hoài Thanh, Phạm Huy Thông, Võ Huy Tâm vào tháng chín năm 1958. Ở Đại hội nhà văn Phạm Huy
Thông đã tham luận với hai “Về quan hệ văn hóa và văn học giữa các nước Á-Phi và phương Đông và phương Tây”. Sau đó BCH Hội đã ra quyết định thành lập ban liên lạc với các nhà văn Á-Phi cùng bộ phận thường trực gồm các nhà văn Hoài Thanh, Hoàng Trung Thông, Tế Hanh, Huy Cận, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Xuân Sanh, Thép Mới. Chuẩn bị cho Hội nghị các nhà văn Á Phi họp ở Indonesia do các nhà văn Đặng Thai Mai, Huy Cận đi tham dự.
Sau Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ ba diễn ra từ 26 tháng 11 năm 1962, sang đầu năm 1963, từ ngày 10 đến 12 tháng 1 năm 1963, Đại hội Nhà văn lần II họp tại CLB Đoàn Kết. Trong những vấn đề quan trọng thảo luận ở Đại hội có điểm nhấn mạnh: Chú ý trao đổi văn hóa với nước ngoài, với miền Nam. Nhà văn Huỳnh Lý đã tham luận “Về việc dịch tác phẩm văn học”.

Báo chí của Hội tăng cường đến việc giới thiệu tình hình đời sống văn hóa văn học đặc biệt ở các nước Á-Phi, cũng như việc quảng bá văn học Việt Nam đến bạn bè thế giới. Báo Văn học số 258, ra ngày 15 tháng 2 năm 1963, đã đăng tuyên bố của Bộ chính trị tại BCH TW Đảng LĐVN: “Về sự đoàn kết của phong trào cộng sản quốc tế. Xã luận báo “Nhân dân “11/2/1963” (Đoàn kết là đảm bảo cho mọi thắng lợi của chúng ta). Trong phiên họp toàn thể lần thứ 2 BCH Hội Nhà văn VN Khóa II trong tám vấn đề thảo luận, có vấn đề Tăng cường công tác quốc tế.

Trong thời gian này có một số bạn văn quốc tế đến thăm ta và gặp gỡ giao lưu với các nhà văn nghệ sĩ ta, như Puerre Abraham, Tổng biên tập tờ Châu Âu của Pháp, hai nhà văn Xô Viết Borođin và M.Tkachev. Nhà văn Thép Mới tham dự Hội nghị BCH các nhà văn Á-Phi, lên án chủ nghĩa đế quốc thực dân do Mỹ cầm đầu và ủng hộ phong trào đấu tranh cho độc lập dân tộc. Nhà văn Thép Mới đã tham luận.

Trên báo Văn nghệ số 17, 23/7/1963 đã đăng tin về Hội nghị BCH nhà văn Á-Phi tại Bali, Indonesia (Nghị quyết về ngày quốc tế đoàn kết của nhân dân các nước Á-Phi với nhân dân Việt Nam (20/7/1963: Nghị quyết về tình hình Lào). Viện Văn học Việt Nam cử đoàn đại biểu đi thăm và làm việc tại Liên Xô và Trung Quốc.

Ngày 23-24 tháng 9 năm 1963, Hội nghị lần 2 BCH Hội nhà văn Việt Nam Khóa II ngoài các Ủy viên BCH còn có đại diện của phòng văn nghệ quân đội, tuần báo Văn nghệ, Tạp chí Văn học, NXB Văn học, Tổng thư ký Nguyễn Đình Thi báo cáo công tác của Hội trong 6 tháng qua và đề cập đến công việc sắp tới, trong đó có việc lập tiểu ban về dịch văn học để giúp đỡ những người dịch và các NXB, lập kế hoạch dịch dài hạn hơn.

Nhà văn Nguyễn Xuân Sanh báo cáo công việc tiểu ban đối ngoại, ban liên lạc với các nhà văn Á-Phi, việc chuẩn bị ĐH nhà văn Á-Phi năm tới. Tiếp đó nhà văn Thép Mới báo cáo kết quả Hội nghị BCH nhà văn Á-Phi tháng 7/1963 tại Inđônêsia. Nhà thơ Huy Cận nói về dịch thuật, Hội nghị thông qua bức thư gửi văn nghệ sĩ miền Nam.

Sang năm 1964 cuối tháng 1 (ngày 26/1/1964) trong phiên họp đầu năm của BCH Hội Nhà văn, bên cạnh các thành tựu khác nhau, trong số sách sáng tác năm qua Hội nghị nên một số bút ký có giá trị, trong đó có tập Thăm Trung Quốc (Chế Lan Viên), Thăm Campuchia (Tô Hoài), Từ Pa-ri đến Hà Nội (Nguyễn Khắc Viện). Hội LHVHNTVN ra tuyên bố toàn thể giới văn văn học nghệ thuật miền Bắc hoàn toàn tin tưởng sắc đá vào sự chiến thắng vẻ vang của đồng bào miền Nam ruột thịt.

Sau hội nghị học tập Nghị quyết 9 của TW Đảng nhà thơ Nguyễn Xuân Sang đã nói về ảnh hưởng của văn thơ ta trên thế giới và kiêu gọi anh chị em quan tâm dịch thơ nhiều hơn nữa…

Ngày 12 tháng 6 năm 1964 trên báo Văn nghệ số 59 đã đăng thông báo của Liên hoan điện ảnh Á-Phi lần thứ 3 (chấm dứt sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc trong lĩnh vực phim ảnh tại Châu Phi, Châu Á).

Ngày 19 và 20 tháng 5 năm 1964 tại trụ sở Hội LHVHNT VN, Ban chấp hành họp Hội nghị mở rộng, thay mặt Ban liên lạc văn hóa với nước ngoài, nhà báo Lưu Quý Kỳ báo cáo về ảnh hưởng tốt đẹp của một số tác phẩm của ta với nước ngoài, nhất là tập Từ tuyến đầu tổ quốc. Từ tuyến đầu tổ quốc cuốn sách tập hợp những lá thư của mọi tầng lớp nhân dân miền Nam đấu tranh cho toàn vẹn đất nước gửi ra cho đồng bào miền Bắc có một ý nghĩa đặc biệt, không những dấy lên một làn sóng xúc động mạnh mẽ với đồng bào miền Bắc, mà gây xúc động mạnh mẽ cho cả bạn bè năm
châu. Ở Trung Quốc đã gây nên cả một phong trào ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân hai miền Bắc – Nam đòi thống nhất đất nước. Đọc Từ tuyến đầu tổ quốc: Đổng Thái Trúc, TQ (Mồ chôn chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ, Thơ Tăng Khắc Gia, TQ (Ba Búa, Chiến đấu không ngừng, Mong ngày mai, nhiều nhà văn khác của TQ như Hạ Diễn (Sau khi đọc Từ tuyến đầu tổ quốc) Thiện Thuyên Lân (Còn núi xanh còn cách mạng), trương quan niệm (Một cuốn sách hay, kích động lòng người), Tàng Khắc Gia (Một cuốn sách đảm bảo cho thắng lợi) Thơ Quách Mạt Nhược (Cảm hứng trong khi chơi thuyền trên vịnh Hạ Long) Quách Mạt Nhược (Cảnh báo bọn xâm lược) Hà Hắc Bình (Kính chào các chiến sĩ miền Nam Việt Nam) vv…

Năm 1965 Mỹ mở rộng chiến tranh không quân ra miền Bắc Việt Nam. Hội LHVHNTVN ra Tuyên bố về hành động man rợ của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta.
Cả thế giới lên án Đế quốc Mỹ xâm lược, ca ngợi tinh thần chiến đấu bảo vệ tổ quốc của nhân dân Việt Nam.
Đất nước anh hùng, đất nước nghệ thuật, Yamagshi Kazuaki (phóng viên báo “Cờ đỏ”, Nhật Bản), Những điều đã trông thấy ở Vĩnh Linh, Kubotasei (Nhật Bản); Thật là quái gở, Borus Polevoi (Liên Xô); Họ trông mong vào cái gì? Pavel Antokolski (Liên Xô); Bắc Nam chiến thắng dập dồn, Thơ Thiên Mã (Trung Quốc); Con đường căm phẫn, Ju Jukhananov (Liên Xô); Việt Nam trên thế giới, tên người tỏa sáng, Sorbon Aidich (Inđônêsia); Khắp nơi gió đông thổi bạt gió tây, A.M.Kheyz (Su đăng). Ban thường vụ Hội nghị nhà văn Á – Phi ra tuyên bố về cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam.

Bên cạnh còn tiếng nói của chính nhân dân Mỹ tiếng nói hàng chục văn nghệ sĩ nổi tiếng phản đối cuộc chiến tranh của chính phủ Mỹ, ủng hộ cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập tự do của nhân dân Việt Nam, như John Norward Lonson (nhà viết kịch), nhà văn Robert Connon, nữ văn sĩ Louise Strong, nhà văn Louse Mormphen, họa sĩ Rakuen Kent… và vv…

Nhiều văn nghệ sĩ thế giới đã đến Việt Nam trong những năm tháng này: nhạc sĩ Ve.Ferer (Liên Xô), Ba Kim (Trung Quốc) Madelaine Rifaud (Pháp) thăm miền Nam Việt Nam và viết tập ký sự “Hai tháng sống với những chiến sĩ miền Nam Việt Nam”, N.Ghillen (Cuba); Viên Ưng (Trung Quốc) cùng nhiều nhà thơ Trung Quốc khác đã ra tập thơ “Bên bờ Bến Hải”, Boris Poliva (Liên Xô); M.Warhenska (Ba Lan). Chuyện với sông Bến Hải.

Sự kiện Nguyễn Văn Trỗi bị bọn Mỹ - Ngụy hành hình thêm một sự kiện rung động lương tâm nhân dân khắp nơi trên thế giới. Nhiều tác phẩm bất hủ của các nhà thơ nước ngoài khác nhau xuất hiện ca ngợi tinh thần quả cảm, gương hy sinh dũng cảm của người thợ điện miền Nam yêu nước… (Trường ca Nguyễn Văn Trỗi hơn 300 câu của nữ sĩ Maia Kasel (Liên Xô); Nguyễn Văn Trỗi anh hùng bất tử, Chum Narith (Campuchia); Ngợi ca Nguyễn Văn Trỗi, Na-bô-ri (Cu Ba)… Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam hầu như số nào cũng tuyển chọn các sáng tác thơ văn của các văn nghệ sĩ các nước viết về đề tài Việt Nam được tuyển chọn dịch ra trân trọng đăng từng chùm.

Ngày 19 tháng 6 năm 1966 Đoàn đại biểu Hội nhà văn Việt Nam lên đường đi dự “Hội nghị nhà văn Á – Phi” ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ, sắp họp tại Bắc Kinh, đoàn gồm Hà Xuân Trường, Hoàng Trung Thông, Hồng Chương. Đoàn đại biểu nhà văn miền Nam do Trần Đình Vân dẫn đầu, tối ngày 26 tháng 6 năm 1966, cũng đến Bắc Kinh dự “Hội nghị bất thường nhà văn Á - Phi ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ”.

Báo Văn nghệ số 169, ngày 22 tháng 7 năm 1966 giới thiệu tập sách “Việt Nam trong lòng tôi” tập bút ký về Việt Nam chiến đấu của nữ nhà văn Ba Lan Mônika Varnenska.
Ngày 23 tháng 9 năm 1966, Báo Văn nghệ số 178 đăng Tuyên bố về Việt Nam của Hội nghị mở rộng của Ủy ban liên lạc với các nhà văn Á-Phí của Liên Xô.

Ngày 14 tháng 10 năm 1966, Báo Văn nghệ số 181 đăng lời kêu gọi của 3000 nhà hoạt động Văn hóa Mỹ, phải tẩy chay chính phủ Mỹ, hành động của người Mỹ ở Việt Nam hiện nay không khác hành động của bọn Hítle,
thơ của Blaga Domitrova (Bungari)… Tiếp theo số báo Văn nghệ 183, 28.10.1966, đăng tác phẩm của Sara Lidman, Thụy Điển (Việt Nam là trái tim của chúng ta, trái tim nhức nhối, Leon Ferarta, Achetina (Nghệ thuật giúp ta phỉ nhổ chính sách bạo tàn của Hoa Thịnh Đốn).

Ngày 30 tháng 12 năm 1966. Hội nhà văn Việt Nam tổ chức cuộc gặp gỡ thơ Felix Rodriguez, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Cu Ba, Chủ nhiệm ban Văn học của Hội nhà văn Cu Ba, dự cuộc gặp gỡ có Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Bùi Huy Phần, Anh Thơ. Trong chuyến đến thăm Việt Nam nhà thơ Cu Ba đã cảm nhận được nhiều
điều sâu sắc, ấn tượng mạnh mẽ, đã xúc động sáng tác hàng loạt tác phẩm đẹp về đất nước, con người Việt Nam (Những người du kích đến, Những tấm ảnh của Việt Nam là những hình ảnh của thế giới, đặc biệt tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh tên Người là cả một niềm thơ. Cũng giống như nữ thi sĩ Bungari Blaga Dimitvova đã giành cho Việt Nam một tập thơ đầy ấn tượng mà nhà thơ Xuân Diệu của chúng ta đã dịch ra với một cái tên thật dễ thương vây giữa tình yêu.

Tháng 3 năm 1967 nhà văn Trần Đình Vân, tác giả tác phẩm Sống như anh viết về Nguyễn Văn Trỗi, được Hội Hữu nghị Cu Ba mời sang thăm Cu Ba tham dự Tuần lễ nhân dân ba Châu đoàn kết với nhân dân Việt Nam tổ chức tại Cu Ba.
Tháng 5 năm 1967 Đoàn Đại biểu Hội Nhà văn lên đường đi tham dự Đại hội các nhà văn Liên Xô lần thứ tư theo lời mời của Hội Nhà văn Xô Viết. Đoàn do Nguyễn Đình Thi – Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam dẫn đầu. Đoàn còn nhà thơ tế Hanh. Cùng thời gian này Đoàn Đại biểu Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam gồm nhà văn Phan Tứ và Đỗ Hữu Ti theo lời mời của Hội Nhà văn Liên Xô sang dự Đại hội lần thứ tư cũng đã có mặt ở Moskva.

Trong những ngày tại Đại hội hai Đoàn đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam và Đoàn đại biểu Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam, cũng như hai tham luận của hai Trưởng đoàn Nguyễn Đình Thi và Phan Tứ được trân trọng đón tiếp, lắng nghe và nồng nhiệt ủng hộ. Trong buổi cuối Đại hội Chủ tịch điều hành phiên họp Đại hội, nhà văn Boris Polevoi đã phát biểu: Trong nhiều tham luận trên Đại hội các đại biểu đã bầy tỏ về sự lo lắng của mình nhân hành động nhân đạo của đế quốc Mỹ trên đất nước Việt Nam. Đoàn Chủ tịch nhận được nhiều đề nghị của các đại biểu bầy tỏ thái độ của mình đối với các sự kiện này ở Việt Nam. Chủ tịch Đại hội đã đề nghị nhà văn TS.Aimatov thay mặt Chủ tịch đoàn lấy biểu quyết Đại hội ra quyết nghị về các sự kiện ở Việt Nam. Sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam sẽ chiến thắng. Chủ tịch Hội Nhà văn đồng Hòa bình thế giới của Liên Xô phát biểu qua Đại hội đã nhấn mạnh: “Chúng ta tin tưởng cuối cùng đòn trừng trị sẽ giáng xuống! Đòn trừng trị giáng xuống đầu bọn đánh thuê của lũ đao phủ tàn nhẫn, vì đồng tiền thực hiện công việc đen tối của mình, và cả quan thầy khát máu của chúng. Chúng tôi sẽ giúp đỡ Việt Nam bằng tất cả những gì chúng tôi có thể!

Tháng 11/1970 Đại hội các nhà văn Á – Phi họp tại New Deli, Ấn Độ, 32 nước của đoàn đại biểu, 11 nước cử quan sát viên tới dự. Đoàn đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam gồm Tô Hoài, phó tổng thư ký Hội, Trưởng đoàn, và Nguyễn Khải, UV Thường vụ BCH, Thành viên, Đoàn đại biểu Hội Văn nghệ GPMNVN gồm Phan Tứ, UV BCH, Trưởng đoàn và nhà thơ Thu Bồn, Thành viên.

Đại hội ra tuyên bố chung về văn học Á-Phi chống chủ nghĩa đế quốc, ra một nghị quyết về Đông Dương, Trung Đông, Nam Phi, ủng hộ nhân dân các khu vực này chống đế quốc, Đại hội đã làm lễ trao tặng giải thưởng “Hoa Sen” (Tặng thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Á – Phi) cho 6 nhà văn, nhà thơ Việt Nam, Nam Phi, Palestin, Ấn Độ, Liên Xô, Angôla, Thứ trưởng Ấn Độ Iidize Gandhi đã chủ tọa và trao tặng. Nhà văn Tô Hoài được tặng thưởng “Hoa Sen” năm 1969-1973 về tiểu thuyết “Miền Tây”; Tại lễ trao giải, Tô Hoài tuyên bố đem toàn bộ vinh dự tinh thần và vật chất của giải “Hoa Sen” tặng lại nhân dân và các nhà văn trong Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam, cử chỉ này được các nhà văn Á - Phi có mặt tại đó hoan nghênh nhiệt liệt.

Đầu năm 1971 tại Moskva, Liên Xô cuộc gặp gỡ lần thứ 6 những người lãnh đạo Hội Nhà văn các nước XHCN, nhằm: 1) thông báo về hoạt động của các Hội nhà văn từng nước; 2) Bàn biện pháp ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược; 3) Bàn việc dịch và giới thiệu các tác phẩm của các nền văn học XHCN; 4/ Tổ chức những cuộc thảo luận lý luận và kinh nghiệm sáng tác. Đoàn Việt Nam do Tổng thư ký nhà văn Việt Nam Nguyễn Đình Thi, với những phát biểu về tình hình Việt Nam và Việt Nam trong những năm chống Mỹ cứu nước, đã được nhiệt liệt hoan nghênh. Nhà thơ Liên Xô K.Simômov sang thăm Việt Nam, ngay trong chuyến đi ông đã sáng tác nhiều tác phẩm thơ, kịp thời gửi về Moskva công bố trên báo Pravda (Sự Thật) và ít lâu sau khi trở về ông đã cho xuất bản thành tập thơ nhỏ có tên: Việt Nam mùa đông năm bẩy mươi, được chuyển thể xây dựng thành bộ phim. “Nỗi đau không chỉ riêng tôi” được dư luận công chúng hoan nghênh và gây ấn tượng mạnh mẽ đối với phong trào ủng hộ Việt Nam chống Mỹ. Nhà thơ Angiêri Kateb Yacine trong bài tham luận của mình tại diễn đàn Đại hội lần thứ 4 Hội Nhà văn Xô Viết (Tháng 5 năm 1967) đã giành một phần quan trọng cổ vũ cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống đế quốc xâm lược, tiếp theo lại cho công bố tác phẩm trường ca viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tên “Người đi dép cao su”, trong đó có cả đoạn viết về người anh hùng miền Nam Việt Nam Nguyễn Văn Trỗi, báo chí ta
đã kịp thời bằng các trích đoạn đầu bản dịch thơ ra tiếng Việt trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam.

Ngày 4 tháng 9 năm 1973 Hội nghị nhà văn Á - Phi lần thứ V được tổ chức tại AmaAta, Kizakhstan (Liên Xô). Hai Đoàn đại biểu nhà văn Việt Nam tới dự (miền Bắc: Chế Lan Viên, Chu Văn, Xuân Thiều, Liên Nam, Phan Tứ, Nguyễn Quang Sáng, Thu Bồn. Thu Bồn nhận giải thưởng “Hoa Sen” (Letus) cho toàn bộ sáng tác thơ. Từ Beclin, nhà báo Lê Bá Thuyên, đang tham dự Đại hội liên hoan thanh niên sinh viên Thế giới lần thứ 10, lá thư dài với đầu đề Việt Nam là tình thương đời đời, phản ánh tình cảm ủng hộ của bạn bè thế giới có mặt tại Đại hội liên hoan. Phản ánh cũng như nhân dân của họ với cuộc đấu tranh của nhân dân ta bảo vệ đất nước, bảo vệ nền độc lập. Các nhà thơ, nhà văn Việt Nam đặc biệt xúc động trước cái chết của nhà thơ lớn Chi Lê Pablo Nernda (23/9/1973) trong bối cảnh tình hình phản
bội của bè lũ Pinôchê. Nhiều sáng tác kịp thời của các nhà thơ, nhà văn chúng ta đã bày tỏ tấm lòng thương tiếc một tài năng của nhà thơ lớn, không chỉ của Chi Lê mà của cả thơ ca đương đại của thế giới, cùng với tình cảm của mình đối với phong trào cách mạng ở Chi Lê.

Báo Văn nghệ số 521, ra ngày 26/10/1973 đã công bố bài tham luận của nhà thơ Chế Lan Viên ở Hội nghị chuyên đề về thơ Á-Phi họp ở Erevan (Liên Xô) 10-15/9/1973 Thơ ở những ngày và những nơi chống Mỹ.

Đầu năm 1974 nữ nghệ sĩ điện ảnh Mỹ Fane Zonda đã đến thăm Việt Nam vào tháng 6 năm 1974 chị đã gửi thư cho bạn đọc báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Ngày 14/3/1976 tại Baghdacl, Irắc, khai mạc Hội nghị BCH Hội Nhà văn Á - Phi, Việt Nam có 2 đại biểu tham dự: Tô Hoài, Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Viễn Thương, Chủ tịch Hội Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh. Các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam (Đoàn Đại biểu Viện Văn học Việt Nam) tham dự Hội nghị Taskent Chủ nghĩa hiện thực XHCN trong văn học phương Đông, Xô Viết. TS ngữ văn Hungag nhà văn Lajos Nyuro thăm Việt Nam, thăm Viện Văn học Việt Nam, các cơ quan xuất bản, trao đổi về dịch văn học giữa hai
nước. Báo Nouvelle Critique’s tháng 2/1976 đăng bài Khi thơ ca Việt Nam đi vào ngôn ngữ Pháp, của tác giả E.Z.
Ngày 15 tháng 7/1976 tại Berlin, CHDC Đức, kết thúc cuộc gặp gỡ lần thứ XIII những người đứng đầu Hội Nhà văn các nước XHCN. Đoàn đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam do Hoàng Trung Thông, Ủy viên Thường vụ BCH Hội, Viện trưởng Viện Văn học làm trưởng đoàn, một trong 4 vấn đề lớn được thảo luận tại cuộc gặp gỡ mặt này là “Nhân vật văn học của thời đại chúng ta – Những vấn đề thời sự và những khuynh hướng mới trong văn học”. Nhà thơ Vũ Cao, thành viên Đoàn Việt Nam đọc tham luận trên báo Văn nghệ số 064-31/1976 đăng bài ký của nhà văn Xô Viết B.Polevoi “Chúng tôi vui mừng cùng với các bạn”, “Số báo cũng đăng một số bài nhân kỷ niệm 80 tuổi nhà thơ Pavel Antokolsky dịch giả tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng Nga xuất bản tại Moskva năm 1960, sau đó đã dịch tiếp tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm và tham gia dịch nhiều tuyển thơ Việt Nam khác sau chuyến thăm Việt Nam năm 1978, ông còn xuất bản một tập bút ký xen nhiều bài thơ có tên Sức mạnh Việt Nam.

Thúy Toàn
(còn tiếp)
 

Phụ bản II

Lời Nhắn Nhủ Trái Tim


Gìn giữ nhé những mặn nồng hơi thở
Dẫu tình đời ngày tháng có phôi pha
Gìn giữ cả trái tim em nức nở
Tiếc thương đời lạc lõng giấc mơ hoa...

Trái tim hỡi sao em hay cắc cớ
Chẳng nhu mì như lá úa mùa thu
Cứ sắt se thoi thóp giữa sương mù
Hay em có điều gì chưa muốn ngỏ?

Hoàng hôn tới em thường hay hiu hắt
Làm khó chi cho hơi thở bơ vơ!
Cuộc đời này cũng chỉ một giấc mơ
Xin em nhé, vô tư đừng khắc khoải!

Ngày nào đó - em làm cao khó bảo
Giận hờn - không cùng hơi thở yên vui
Thế thì thôi, ta cũng sẽ ngậm ngùi
Quên tất cả tương lai và cuộc đời nghiệt ngã

Cõi hư không ở nơi nào ai biết
Muốn vui thêm hỏi có được hay không?
Trái tim ơi đừng dại khờ cách biệt
Hãy nhịp nhàng cho hơi thở vui cùng

Xin em đó, trái tim hay đỏng đảnh
Hãy vui tươi đằm thắm thuở tình xanh
Đừng kiêu sa nhõng nhẽo ...cuối thu buồn
Ước mộng đời luôn tha thiết vấn vương.

Phạm Thị Minh Hưng

Xưa ơi !

Chợt một tiếng “Xưa ơi” vừa đâu đó
Có bâng khuâng
Có vương luyến hẹn hò
Có mơ hoang chốn cũ một câu chờ
Mà khoai khoắc
Mà ngẩn ngơ …đắm đuối
Ừ bỗng thấy tóc thời gian nhuộm ánh
Ngỡ như tay…vừa đấy mới hôm nào
Như trẻ dại mắt hờn nghiêng trong gió
Tóc bay bay một chút dáng mà duyên
Lần một thuở…rồi nghe lòng như sóng
Phía xa xôi một thoáng bóng mây trôi
Bước ai như gió mộng thoảng qua đời
Để phút chốc thả rơi miền ký ức
Ừ một tiếng
“Xưa ơi”
Mà da diết
Ấm lòng tay
Rồi bỗng trống lòng tay
Ai uống gì
Mà mắt rát như say
Kìa năm tháng
Còn nghe màu nhung nhớ

Đàm Lan

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM

Ngày Thương Binh Liệt Sĩ (27/7)

Nhịp Cầu Thơ

Tương hội tri giao tặng mấy bài

Chút duyên hàn mặc góp cùng ai

Nối vần thơ cũ quên chiều xuống

Thắp sáng tình ta mộng đắm say.

Thanh Vĩnh (Nguyễn Công Ân)

Mẹ Nguyễn Thị Rành

Nhớ mẹ Củ Chi, Má Tám Rành,

Thành đồng đất thép mãi thơm danh.

Tám con liệt sĩ đền ơn nước,

Hai cuộc trường chinh rạng sử xanh.

Màu máu nhuộm tươi cờ giải phóng,

Đường quê nhịp mạnh bước quân hành.

Rền vàng tiếng gọi hồn sông núi,

Chí cả nêu cao sống liệt oanh.

Thanh Vĩnh (Nguyễn Công Ân)

Ngã Ba Đồng Lộc

(Mười cô gái Thanh niên xung phong hy sinh
trong chiến dịch mở đường Trường Sơn)

Nhớ thương quá ngã ba Đồng Lộc,

Ghi khắc sâu hình ảnh Việt Nam,

Mười đóa hoa xinh phơi phới sắc

Một con đường mới thoáng thông tầm.

Hiên ngang ngẩng mặt khi cần đứng,

Vĩnh viễn vùi thân lúc phải nằm.

Lãng đãng mây chiều hồn tử sĩ,

Tiếng xưa đồng vọng gọi xa xăm.

Thanh Vĩnh (Nguyễn Công Ân)

Chống dịch Covid-19

Covid đại dịch đã tràn lan

Gieo rắc hiểm nguy rất dễ dàng

Đối phó nên lo cần tỉnh táo

Ngăn ngừa phải tính chớ bàng quan

Bịnh tình tầm soát: đo thân nhiệt

Sức khỏe giữ gìn: phát khẩu trang

Chống dịch khẩn trương như chống giặc

Quyết tâm chiến thắng chẳng đầu hàng.

Tương hội tri giao tặng mấy bài

Chút duyên hàn mặc góp cùng ai

Nối vần thơ cũ quên chiều xuống

Thắp sáng tình ta mộng đắm say.

Thanh Vĩnh (Nguyễn Công Ân)

Hồi Tưởng

Giam mình trong bốn bức tường

Cô đơn lạc lõng: mãi nương mộng về

Ở nơi ấy ngỡ cõi mê

Mẹ Cha Anh Chị không hề nhạt phai

Ngờ đâu sẽ có một mai

Hành trình mỏi bước cho dài vấn vương

Người thân! bè bạn! ruộng nương...!!!

Những ai: Còn? Mất? tiếc thương ngập lòng

Rối bời tâm trạng trông mong

Vùi sâu dĩ vãng long đong tháng ngày

Thâm tình viễn xứ buồn thay

Quê hương mộng tưởng: Tỉnh? Say? Sa mù!

Bên ngoài trời quá âm u

Tương phùng tê tái hoang vu mịt mờ

Chạnh lòng lưu mấy vần thơ

Gợi trong tiềm thức vật vờ thâu đêm.

Vũ Thùy Hương

Vọng Quê

Tựa bên cửa sổ ngắm Sao

Sao đêm phiêu bạt! Trời cao mịt mù

Niềm riêng mong muốn chu du

Sông Hương - Núi Ngự cho dù cách xa

Ngó lui hun hút quê nhà

Tưởng xa muôn dặm ! đậm đà sắc hương

Rời Xứ lòng mãi vấn vương

Kim Long - Thiên Mụ : nhớ thương dạt dào

Tâm tư sâu lắng tự hào

Huế thơ - Huế mộng: đón chào cung nghinh

Ôi sao đẹp quá quê mình

Sài gòn mãi nhớ: Tôn vinh muôn đời

Vũ Thùy Hương


Ước gì có Mẹ

Mỗi lần đau ốm Mẹ ơi

Con luôn hồi tưởng đến thời xa xưa

Làm sao diễn tả cho vừa

Tấm lòng Trời biển suối mưa tràn trề

Mưa trên khóe mắt lê thê

Mưa trên gối lạnh tìm về quê hương

Nhà! Vườn! hoang vắng thê lương

Rêu xanh gỗ mục gió sương mịt mù

Hư vô Ba Mẹ chu du

Phương trời vọng tưởng : âm u? sáng nhời?

Tiềm thức tâm trạng rối bời

Ngẫn ngơ vọng Mẹ muôn lời yêu thương

Ôi sao lòng mãi vấn vương

Mẹ đi ! con ở ! biết nương phương nào ?!

Vũ Thùy Hương

Thuyền Thơ

Cho tôi nhờ, chiếc thuyền thơ

Chống chèo những lúc bơ vơ giữa đường

Thuyền thơ tôi chở yêu thương

Ướp hương hoa ngát mười phương bay về

Mong sao dịu bớt tái tê

Mong sao xóa bỏ u mê lỗi lầm

Tôi tin vào lẽ vô thường

Cho tâm tôi tựa giọt sương mỗi ngày

Thuyền thơ ướp mãi niềm say

Mái chèo gõ nhịp vơi đầy khỏa khuây

Nguyện đem tâm huyết dâng đời

Tôi làm thơ để tặng người lạ quen

Thâu đêm thao thức dưới đèn

Tôi ngồi khơi ngọn lửa nhen đáy lòng

Duyên hay là nợ đeo bòng

Mà thuyền quanh quẩn giữa

dòng

sông thơ?

Kim Thoa


Tự Tình (Mời họa)

Xuân thu mấy độ tóc phai màu

Mẹ đắm tình thơ tự bấy lâu

Xao xuyến những ngày xanh gót ngọc

Miệt mài lắm lúc trắng canh thâu

Vẫn mơ, vẫn mộng nên ngơ ngẩn

Khi tủi, lúc hờn lại đớn đau

Tri kỷ ai người vương mắt đợi

Chạnh lòng còn đọng nỗi nông sâu

Kim Thoa

Cảnh đẹp Đầm Sen

Đầm Sen hồ đẹp khó đâu bằng

Thắng cảnh lạ thường trải đó đây

Vui ngắm nhiều trò chơi hứng thú

Đắm nhìn lắm điệu diễn trình hay

Hoài lòng khách đến mong hoài đến

Hả dạ người về nhớ mãi thay!

Tiên cảnh dưới trần là thế đó

Đầm Sen hồ đẹp chốn thiên thai

Đinh Thị Diệu (11/7/2020)

Cầu Mỹ Thuận

Trời đất Miền Tây xứ Cửu Long

Đồng xa sông, rạch nước mênh mông

Xe qua phà đợi ùn ùn tắc

Người lại bến chờ đợi đợi đông

Mỹ Thuận cầu sang bờ nối thẳng

Vĩnh Long xe vượt suối đường thông

Mọi miền Tổ quốc mừng cầu mới

Việt - Úc tình thân đẹp vạn lòng

Lương Vân Nhung

Nha Trang Biển Mơ

Nha trang lung linh

Dừa Xuân ôm Biển

Biển tình mênh mông

Du khách sững sờ

Dừa Xuân cao xanh

Sóng đôi bên Biển

Nồng nàn thêm yêu

Biển biếc mộng mơ

Dừa Xuân đung đưa

Bay bay cánh lá

Một trời tung bay

Những ánh thiên thần

Dừa xuân xanh vườn

Sức trai mười tám

Giữa trời thanh xuân

Biển biếc tình nồng

Những trái dừa xuân

Căng bầu Sữa trẻ

Yêu thương thật nhiều

Nha Trang Biển mơ

Phùng Chí Tâm

Trước Cổng Trường Xưa

Cánh phượng sân trường học Phú Lâm

Rung rinh nốt nhạc khẽ cung trầm

Hòa âm khúc hát ve sầu gọi

Trốn nắng mùa hè cuốn vở ngâm

Rộn rã bầy chim non ríu rít

Bâng khuâng bát mực tím thì thầm

Ham chơi chẳng mặn mà đèn sách

Tuổi ngọc qua rồi mới thấu tâm.

Kỳ Nam

Chốn Huyền Không

(Họa vận trước Công Trường Xưa của Kỳ Nam)

Vãng cảnh qua Thiền Viện Trúc Lâm

Vườn cây thoảng dịu ngát hương trầm

Âm vang tiếng mõ chuông chùa réo

Lạnh lẽo lưng đèo đá sỏi ngâm

Tỉnh mộng nồng say còn bỡ ngỡ

Thăng hoa ảo diệu vẫn âm thầm

Phiêu linh mặt nước hồ Đa Thiện

Đến cõi mơ Đà Lạt tịnh tâm

Chữ Đồng Minh

Ngày Xưa Áo Trắng

Chợt nhớ Trưng Vương một thuở nào

Áo dài phấp phới dạ nôn nao

Thị Nghè lối cũ hàng ngày bước

Sở Thú vườn quen chủ nhật vào

E ấp vành môi cười lúng liếng

Thẹn thùng đối mắt chớp lao xao

Ngày xưa Hoàng Thị anh theo ngõ

Nho nhỏ đường xưa rất dạt dào

Hóc Môn, 07/07/2020 Nguyễn Thanh Tùng

Về Bến Sông Quê

(Họa vận Ngày Xưa Áo Trắng)

Vàm cỏ yêu thương tự thuở nào

Chuyến phà Tân Trụ dạ nao nao

Làng An Thạnh Thủy qua cầu đến

Bến nước Bình Phan dẫn lối vào

Chiếc áo bà ba cười bẽn lẽn

Cánh đồng Chợ Gạo hát lao xao

Sông Tiền đã mấy mùa chôm chín

Thắm mối tơ duyên thật dạt dào

03gh00, sáng 10/7/2020 Chữ Đồng Minh

Nguồn gốc do đâu?

“Sốt mạng” cô gái “liv trim”

Cơ quan hữu trách truy tìm được cô

Khoe khôn ảo tưởng điên rồ

Hiện hình nguyên dạng con “hồ ly tinh”

Tại sao trên đất nước mình

Sinh ra lắm chuyện rối tinh thế này

Nào kẻ trắng trợn cướp ngày

Nào chơi ma túy ở ngay vũ trường

Nào là gian lận học đường

Nào “lơi ích nhóm” coi thường kỷ cương

Nào thành tích giả phô trường

Giao thông tai nạn vẫn thường xảy ra

Nào nạn cờ bạc, đá gà

Nào con cháu giết người nhà... như chơi

Còn bao oan trái trên đời...

Đạo đức suy đồi nguồn gốc do đâu?

Lê Minh Chử

Tình Ảnh

Giao Thừa chín chín
Mặc ai ước mong
Tiền tài, danh vọng
Hình Em anh nhìn !

Đêm Xuân thanh vắng
Bốn mắt giao thoa
Hai hồn thăng hoa
Tình yêu chiến thắng

Anh sẽ thức trắng
Đêm đầu năm nay
Nhìn Em đắm say
Niềm vui tràn đầy

Trong năm tới đây
Rồi cơn HẢO MỘNG
Sẽ được anh xây
Thành cơn THỰC MỘNG

Đôi ta sẽ sống
Chẳng cần sang giàu
Chỉ cầu cho được
Suốt ngày bên nhau

Tình ta cho nhau
So trên trần thế
Nghìn trước nghìn sau
Chưa ai nhiều bằng

Hai đứa trẻ măng
Mãi chẳng biết già
Tình của HAI TA
“Tình yêu VĨNH HẰNG !”...

Mồng 1 tháng Giêng 1999, 03 giờ sáng
Vũ Anh Tuấn

LOVE PORTRAIT

On New Year’s Eve of 99,

Ignoring other people’s wishes

For wealth and for glories

I keep looking at YOUR lovely portrait…

*

Throughout this serene and noted springnight

Our four eyes blissfully look at one another

Our two enlightened souls sublimate

And LOVE comes out a great winner !

*

On the first day of this NEW Year

I shall happily stay up all night

Passionnately looking at your beloved portrait

And my elated heart is filled with delight

*

In this coming God Blessed Year

Our longtime cherished Good Dream

Shall indubitably be transformed

Into a lovely materialized idyll

*

We both shall not lean

Towards a super-rich life

All that we require,

Is being constantly side by side !

*

The everlasting LOVE we are sharing

When compared with all the loves in this world

In thousands of years past, and in thousands of coming years,

Shall never be equalled in WORTH !

*

Forever young we shall remain

Never knowing Old Age’s meaning

And the LOVE we’re sharing

Is simply eternal, eternal...

Translated by Vũ Anh Tuấn ( 3:00 AM January 1st, 1999)

Sông Hương

Sông Hương dòng nước trong xanh
Bóng ai thấp thoáng long lanh mắt huyền
Tiếng ai thánh thót chim quyên
Cho anh nhẹ bước tới miền mộng mơ
Huế thương cảnh sắc nên thơ
Nỗi lòng khao khát em chờ đợi anh
Mênh mông sông nước mát lành
Thuyền em khỏa sóng cho anh ngọt ngào
Lao xao nhịp sóng lao xao
Để anh mộng ước biết bao tháng ngày
Rượu nồng chưa uống đã say
Đôi tay mềm mại, đôi tay lụa là
Gần nhau giây lát rồi xa
Người đi năm tháng bôn ba dặm trường
Đêm nay thuyền lướt sông Hương
Ngân vang lời hát yêu thương mặn nồng
Để rồi lại ngóng lại trông
Tình em đọng mãi giữa lòng anh say.

Huế, 1999 - Vũ Mão


THE HƯƠNG RIVER

(River of perfume)

The Hương river with its pure and bluish water
Whose silhouette appeared and disappeared
with sparkling jet-black eyes
Whose voice was clear-ringing like
the (land)rail’s voice
Causing me to softly walk to the dream land
Beloved Huế with its poetical sights
With your longing for innermost feeling
you’re awaiting for me
Immense was the river and its cool and pure water
Your boat ruffled the water surface
for me to feel sweet
Stirring, the waves were stirring
For me to dream of through so many months and days
Strong wine made me drunk even before drinking
Your pair of soft hands, of silky hands
Being together in a split second then parted
The departee bustled about in years
and months on a long way
Tonight the boat glided on the Hương river
The loving and warming song resounded aloud
Then one again has to crane his neck in watching
Your love is constantly
at a stand-still amidst my drunk heart.


Huế 1999, Vũ Mão
Translated by Vũ Anh Tuấn

ƯU

Bạn hỏi mình : Có kiếp trước hay không?

Sao mỗi con người sanh ra lại khác nhau đến thế? Có kẻ đẹp kẻ xấu. Có người khôn người ngu. Có đứa sang đứa hèn.

Nhưng bạn ơi, xấu - đẹp, khôn - ngu, sang - hèn... là do bạn nhìn nó như vậy. Chứ bản thân mỗi người đều là mỗi tuyệt tác đấy thôi. Máu ai cũng đỏ. Nước mắt ai cũng trong. Trái tim ai cũng đập. Sự phân biệt đến do bạn nhìn như vậy.

Bạn lại hỏi mình : Có kiếp sau hay không?

Mình mới hỏi lại : Bạn cần kiếp sau để làm gì?

Để thấy người sống thiện được đền đáp, người tội lỗi bị dầu sôi, người tu đạo được giải thoát. Nhưng bạn ơi, đâu cần tới kiếp sau. Nhân quả nhãn tiền. Chỉ do bạn không thấy. Bạn có bao giờ nhìn sâu vào cuộc sống. Người có lòng Từ, khuôn mặt sẽ dịu nhẹ bao dung, vòng tay sẽ ân cần rộng mở. Kẻ thủ ác, trong tim chứa đầy lửa dữ. Tự đốt mình, đâu cần địa ngục xa xôi.

Đôi mắt láo liên, hằn những đường gân máu. Luôn cau mày, luôn nhức nhối thân tâm. Ai xức nước hoa, người sẽ thoang thoảng hương thơm. Trái tim ai đẹp sẽ lung linh như vầng trăng ấy.

Và bạn ơi, phút giây này hạnh phúc.
Được mỉm cười, được chiêm ngắm đổi thay.
Tìm cầu chi nữa quá khứ vị lai.
Chẳng nơi nào đẹp như bây giờ hiện tại.
Cành sen trắng đang rưng rưng trong nắng.
Bụt mỉm cười lấp lánh đoá Vô Ưu.

Lệ Ngọc st.

Chứng từ:

NGƯỜI ĐẠO PHẬT LẦN CHUỖI MÂN CÔI

Một người Phật giáo, từng là chuyên viên phụ trách âm thanh ánh sáng tại tụ điểm ca nhạc126 nổi tiếng và rất quen thuộc trong giới trẻ tại TP. HCM. Đất nước hội nhập với nền kinh tế thế giới, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài vào làm ăn tại Việt Nam. Anh Quá có cơ hội đến làm việc cho một siêu thị lớn, cuộc đời anh vì thế mà thay đổi hòan toàn.

Khi còn lãnh đồng lương khiêm tốn, anh có đời sống khép kín, ít giao tiếp và rất yêu thương vợ con. Nhưng kinh tế khá lên, thì anh bắt đầu cởi mở hơn, giao lưu nhiều hơn với bạn bè. Muốn làm ăn thì phải là tay sành điệu, sành điệu với bạn bè và sành điệu trong ánh mắt “các em”! Các quán bia ôm là địa chỉ anh thường xuyên lui tới. Vợ anh đau khổ vật vã vì người chồng phản bội nhưng chị không sao kéo anh về với gia đình được.

Bất ngờ anh mất việc, tiền bạc vì thế mà cạn kiệt dần, nợ nần chồng chất, không lối thoát. Anh trở nên gánh nặng cho người vợ mà anh từng nhẫn tâm phản bội. Mỗi ngày qua đi là một nỗi đau dày xé lương tâm anh. Qua bao đêm dày vò, thao thức, anh quyết định tự tử và xin hiến xác cho khoa học. Ít ra, anh nghĩ rằng, như thế là anh làm được một việc có ích cho đời sau khi chết! Vợ con anh không còn phải chịu đựng người chồng khốn nạn này nữa! Và cái ngày định mệnh ấy đã đến...

Ngày 13/07/2006, anh bỏ nhà ra đi từ rất sớm để thực hiện ý định tự vẫn. Anh đi lang thang vô định, thẫn thờ không biết đi đâu, về đâu! Gia đình cuống cuồng tìm kiếm nhưng vô ích! Nhiều lần gọi điện thoại cho anh, chỉ nhận được những tiếng trả lời ò í e... Anh đã tắt máy di động rồi! Càng hoảng sợ, càng không biết làm gì, nhất là vợ con anh, họ chỉ biết ôm mặt mà khóc, kinh hoàng nghĩ đến giờ phút nhận xác của anh trở về !

Thật may mắn, anh có người em cột chèo có đạo, hiền lành và rất thật thà, cô em vợ tân tòng tốt bụng này hay giúp đỡ gia đình anh. Anh yêu mến họ mọi điều, duy chỉ có một điều anh không thích là họ đọc kinh Kính mừng hàng ngày. Anh rất ghét khi họ cầm Chuỗi Mân Côi, miệng thì nhai nhải câu “Kính mừng Maria”... Anh có ngờ đâu, lúc này chỉ có cặp vợ chồng này nhờ kinh Kính Mừng và chuỗi Lòng Thương Xót, họ cầu nguyện liên lỉ xin Chúa và Mẹ Maria cứu anh thoát khỏi bóng đen của tử thần.

Điều kỳ diệu đã xảy ra, lúc 16:30 chiều, anh mở máy di động và vợ anh đã khóc thảm thiết xin anh nghĩ đến gia đình mà trở về nhà với họ và anh đã xiêu lòng... Anh trở về trong trạng thái tuyệt vọng. Gia đình anh quá đỗi vui mừng vì anh vẫn còn sống, nhưng phần anh thì ngơ ngác, chán chường. Sáng hôm sau là ngày 14/07/2006, người em cột chèo của anh, đã nói vào tai anh:

- “Anh lên xe, em chở anh đi”.

Hai anh em đến nhóm cầu nguyện Đức Mẹ Mễ Du để cùng Chầu Thánh Thể. Đến nhà thờ, dừng lại nơi hang đá có tượng Đức Mẹ, người em ngước nhìn lên Mẹ và nói với anh:

- “Anh à, bây giờ chỉ có Bà đó mới giúp anh được. Lát nữa vô cầu nguyện anh cầu xin Bà ấy đi”.

Vô nhà thờ vừa thấy tượng Đức Mẹ Mễ Du, như có một sức mạnh vô hình thúc đẩy, anh quỳ xuống thầm thì thưa chuyện với Mẹ. Anh say xưa thổ lộ tất cả những ưu tư phiền muộn của anh với Mẹ. Anh nói hết về gia đình anh, bạn bè anh, về thân xác khốn khổ của anh. Bao nhiêu nỗi đắng cay của cuộc đời anh tâm sự hết với Mẹ, anh khẩn thiết xin Mẹ giúp đỡ anh và gia đình anh vượt qua cơn khốn khó này.

Một điều kỳ lạ đã xảy ra : Anh quỳ gối suốt hai tiếng đồng hồ bên Mẹ mà không mệt. Đầu gối chưa bao giờ quỳ nhưng lại chịu đựng được cơn đau suốt 120 phút! Người em rất đỗi kinh ngạc, vì đã từng dặn rằng:

“Nếu anh Quá quỳ không được và cảm thấy khó chịu ở trước Nhà Chầu thì anh cứ ra ngoài chờ, khi nào em cầu nguyện xong thì hai anh em cùng về”.

Nào ngờ, Anh không bỏ ra giữa chừng mà đắm chìm trong vòng tay yêu thương của Mẹ suốt 2 giờ cầu nguyện Đức Mẹ Mễ Du. Anh dường như đã trút được một gánh nặng đè trĩu trong lòng bao năm qua. Chưa bao giờ anh cảm thấy bình an và thanh thản như lúc này. Tâm hồn lâng lâng, tràn ngập một niềm vui khó tả.

Trở về nhà, anh bắt đầu thấy thấm mệt qua bao đêm mất ngủ, anh thèm được ngủ như chưa bao giờ được ngủ và anh thiếp đi trong ánh mắt bừng cháy niềm tin của những người thân yêu trong gia đình. Vừa chợp mắt được một chút thì anh mơ thấy Một Bà rất đẹp hiện đến và dẫn anh đến nhà thờ Huyện Sỹ (Sài gòn). Bà đưa anh đến núi Đức Mẹ, rồi biến mất. Anh choàng tỉnh giấc và bàng hoàng kinh ngạc về giấc mơ của mình. Anh quyết định đến Nhà Thờ lúc đó gần ba giờ chiều - giờ của lòng thương xót vĩ đại tuôn đổ xuống nhân loại. Anh nhận ra ý của Mẹ : Mẹ dẫn anh đến Lòng Thương Xót của Chúa.

Kể từ đó anh bắt đầu học cách cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi và lần Chuỗi Thương Xót mỗi ba giờ chiều. Kinh Kính Mừng ngày xưa anh ghét cay ghét đắng, nay anh lại dùng chính kinh Mân Côi này để tâm tình say xưa với Mẹ. Mỗi ngày qua đi là một niềm vui. Anh tham gia nhóm cầu nguyện Đức Mẹ Mễ Du mỗi tối thứ tư hàng tuần tại nhà thờ Huyện Sỹ. Anh không còn làm cho tụ điểm ca nhạc 126 nữa, nhưng anh trở thành chuyên viên nhiệt thành về âm thanh ánh sáng cho cộng đoàn Mễ Du. Anh vẫn là Phật tử nhưng anh đã lần đủ ba chuỗi Kinh Mân Côi, tham dự Thánh Lễ mỗi ngày mà chỉ rước lễ thiêng liêng, đọc Kinh Thánh hằng đêm để nghiền ngẫm và suy niệm Lời Chúa, ăn chay thứ tư và thứ sáu.

Anh ước ao, người vợ thân thương của anh cũng đón nhận đức tin như anh. Trong những lần cầu nguyện, anh dâng ý chỉ này cho Mẹ, cầu xin Mẹ giúp anh. Anh rất đỗi vui mừng vì căn bệnh xuất huyết hậu môn bác sỹ đã chê từ nhiều năm, nay tự nhiên biến mất, điều lạ lùng là anh không hề xin Chúa chữa lành. Người vợ cứng lòng đã nhiều lần thất hứa với Mẹ thì nay vui vẻ song hành với anh đi cầu nguyện và tham dự Thánh Lễ hàng ngày.

Một người đạo Phật đi cầu nguyện không dễ bao giờ, anh gặp rất nhiều trở ngại, có lần anh sắp sửa đi làm chứng cho Chúa thì bị vật té sấp mặt từ cầu thang xuống đất! Anh bị bất tỉnh, mê man nhưng khi hồi tỉnh anh vẫn liên lỉ cầu nguyện và cuối cùng anh lại đến được với Chúa. Có điều kỳ lạ,̣ là trước mỗi Thánh Lễ anh hay bị sốt khiến anh không thể tham dự Thánh Lễ được. Không vì thế mà anh chùn bước, anh lần chuỗi nhiều hơn, tất cả nỗi đau thể xác anh dâng hết cho Mẹ và Mẹ đã cứu chữa anh. Đức tin của anh ngày một lớn mạnh hơn.

Anh càng hạnh phúc hơn nữa vì ngày 5/5/2007 vợ chồng anh chính thức được làm con Chúa và ngày 6/5/2007 sau khi chịu bí tích hôn phối anh chị đã tổ chức một đám cưới tuy khiêm tốn nhưng ấm cúng. Bạn bè vây quanh chúc cho họ hạnh phúc mãi mãi trong tình yêu Thiên Chúa. Anh chị nghẹn ngào trong niềm vui vô tận :

“Vợ chồng em phó thác hết cho Chúa, tất cả những gì chúng em có là của Chúa. Chúng em không giàu có về vật chất, nhưng đời sống tâm linh của chúng em rất thỏa mái và tròn đầy. Chúng em được đón rước Chúa vào tâm hồn mỗi ngày. Có Chúa là chúng em có tất cả. Chúa là tài sản quý giá nhất của gia đình chúng em. Sau mấy chục năm chung sống, giờ đây gia đình em mới cảm nghiệm được thế nào là bình an, thế nào là hạnh phúc đích thực!”.

Nguyện xin Mẹ Maria cầu bầu cho gia đình anh chị để họ luôn mãi là ánh sao rực sáng dẫn đường cho nhiều con chiên lạc, đang bước đi trong bóng đêm tội lỗi của thế giới hôm nay.

Một người con yêu mến Mẹ Mễ Du,
Giuse Nguyễn Lê ghi

______________

NHỮNG CÂU NÓI ĐÁNG SUY NGẪM

1. Cầu nguyện không phải là "bánh xe dự phòng" để lấy ra khi gặp khó khăn, nhưng là "tay lái" để lái đi đúng đường suốt cuộc tạm hành trên trái đất nầy.

2. Tại sao xe hơi có KIẾNG TRƯỚC lớn hơn nhiều so với KIẾNG CHIẾU HẬU? Vì QUÁ KHỨ của chúng ta không quan trọng so với TƯƠNG LAI. Vậy, hãy nhìn thẳng phía trước và đi tới.

3. Tình bạn như một QUYỂN SÁCH. Chỉ cần vài phút để đốt đi, nhưng cần vài năm để viết.

4. Tất cả những điều mình có trong đời sống nầy đều tạm bợ. Nếu được hạnh thông, hãy vui hưởng, vì nó sẽ chóng qua. Nếu không thuận lợi, cũng đừng lo lắng, vì nó cũng sẽ không kéo dài.

5. Thường khi ta mất hy vọng và nghĩ đây là đoạn cuối đường, THƯỢNG ĐẾ ở trên cao cười và nói: “Hãy thư giãn, con yêu của ta, đó chỉ là khúc quanh, chứ không phải là đường cùng.”

6. Khi Thượng Đế giải quyết những vấn đề của ta, ta đặt niềm tin nơi Ngài. Khi Thượng Đế không giải quyết những vấn đề của ta, Ngài đặt niềm tin vào khả năng của ta.

7. Một người mù hỏi thánh Anthony: "Có thể còn điều nào khổ hơn là bị mù không?” Thánh trả lời: "Có, lúc ngươi mất định hướng!"

8. Khi chúng ta cầu nguyện cho người khác, Thượng Đế lắng nghe và ban phước cho người đó, và đôi khi chúng ta bình an, hạnh phúc, hãy nhớ rằng một người nào đó đã cầu nguyện cho ta.

9. Sự LO LẮNG không dẹp bỏ được sự KHÓ KHĂN ngày mai. Nhưng nó lấy đi sự BÌNH AN của hiện tại.

Sự an ủi ,khuyến khích là phần thưởng vô giá cho chúng ta khi gặp điều không may.

Thêm mười lăm điều đáng để suy ngẫm trong cuộc sống

Danh vọng, địa vị, sự thành công và sự giàu có thường có khuynh hướng gia tăng cái tôi của người ta. Vì vậy, người ta sẽ lạc lối, giống như người lạc đường không thể về nhà được. Ai chứa đầy kiến thức thì điếc trước lời phải trái. Khi hai người tranh luận, một người thường đưa cái biết của mình vào. Cho nên rút lại chỉ nghe thấy tiếng của mình mà không học thêm được gì cả.

1. Sống trong hiện tại

Phật hỏi đệ tử:
- Cuộc sống người ta được bao nhiêu?
Các đệ tử thay nhau trả lời:
- 80 năm.
- Sai.
- 70 năm.
- Còn sai.
- 60 năm.
- Sai.
- Vậy người ta sống bao lâu?
Phật mỉm cười đáp
- Đời người chỉ thuộc trong vòng hơi thở.

Lời bình:

Đừng ỷ vào quá khứ và cái sắp tới, hãy sống với thực tại.

2. Sau khi chết người ta đi về đâu?

Hoàng đế Goyozer đang học thiền với thiền sư Gudo Toshoku.
- Bạch thầy, sau khi chết, người ta đi đâu?
- Tôi không biết.
- Tại sao thầy không biết?
- Vì tôi chưa chết.
- ???

Lời bình:

Khi sống, con người nên thưởng thức những vẻ đẹp và bí ẩn của cuộc sống theo cái nhiều người sống. Không cần quan tâm đến thế giới sau khi chết. Hãy sống trọn hôm nay, đừng lo ngày mai vì chuyện ngày mai thì mai mới xảy ra.

3. Định mệnh nằm trong bàn tay

Thời xưa, có vị tướng quyết tấn công địch dẫu quân địch mạnh hơn gấp nhiều lần. Trên đường tiến quân, ông dừng chân ở một đền thờ cầu nguyện, xin giúp đỡ. Sau đó, ông rút ra một đồng xu và nói lớn với quân sĩ:

- Bây giờ, ta sẽ lấy đồng xu để xin keo. Nếu là sấp, quân ta sẽ thắng còn ngửa thì quân ta sẽ bại.

Chúng ta phó mặc mạng sống cho định mệnh. Đồng xu bay lên, xoay mấy vòng và rơi xuống đất.

- Sấp rồi ! Chúng ta sẽ thắng ! Hãy xông lên chà nát quân thù ! – Ba quân reo hò phấn khởi.

Sau trận chiến, toàn bộ quân địch hùng hậu đông đảo bị đánh bại hoàn toàn. Vị phó tướng vui vẻ nói với tướng quân:

- Không ai có thể thay đổi được bàn tay định mệnh.

Tướng quân chỉ mỉm cười không đáp. Ông xoè tay đưa đồng tiền ra. Cả hai mặt đồng xu đều là mặt sấp.

Lời bình:

Nhân Quả rất công bằng đối với tất cả mọi người, không thiên vị dành riêng cho ai. Sự giúp đỡ duy nhất mà bạn có được là chính bản thân bạn !!!

4. Con sóng nhận thức

Nhìn thấy một con sóng cao lớn bên cạnh, con sóng nhỏ tỏ ra bực mình:

- Bực ghê. Sóng kia lớn quá, sao ta bé tí. Chúng mạnh mẽ xiết bao sao ta yếu đuối thế này.

Con sóng to cười đáp: – Đó là vì không nhận ra gốc gác của mình mà bạn buồn bực thế.

- Tôi không là sóng thế là gì?

- Sóng chỉ là hình thức tạm thời trong bản chất của bạn. Kỳ thực bạn là nước. Một khi nhận ra bản chất của chính mình là nước, bạn sẽ không còn ấm ức với cái vỏ sóng này và không còn buồn bực gì nữa.

Con sóng nhỏ hiểu ra, cười vui vẻ:

- À, bây giờ thì tôi hiểu. Bạn và tôi tuy hai mà một.

Lời bình :

Con người cho rằng “ngã” là ta nên xảy ra phân biệt ta và người mà buồn khổ. Thực ra loài người được cấu tạo cùng một bản chất trong thiên nhiên bao la.

5. Thiên đường địa ngục

Một vị tướng quân đến gặp thiền sư Ekaku hỏi:

- Bạch thầy, thiên đường hay địa ngục có thật hay không?

- Thế ngài là ai?

- Tôi là tướng quân.

Bất ngờ, thiền sư cười lớn:

- A ha! Thằng ngốc nào cho ông làm tướng vậy, trông ông giống anh hàng thịt.

Tướng quân nổi giận, rút gươm:

- Tao băm xác mi ra !!!

Thiền sư vẫn điềm tĩnh:

- Này là mở cửa địa ngục.

Chợt giác ngộ, vị tướng sụp xuống lạy:

- Xin… xin thầy tha lỗi cho cử chỉ thô bạo vừa rồi của tôi.

- Này là mở cửa thiên đường – thiền sư Ekaku mỉm cười.

Lời bình :

Thiên đường, địa ngục không phải là chỗ con người tới sau khi chết mà nó ở đây và bây giờ! Lành, dữ đều do tư tưởng. Cửa thiên đường địa ngục mở ra bất cứ lúc nào.

6. Thiên đàng địa ngục đều do tâm tạo

Có một bà lão biệt danh “mụ già hay khóc“. Trời mưa, mụ cũng khóc, trời không mưa mụ cũng khóc. Có người hỏi bà:

- Bà lão ơi, sao bà lại khóc?

- Tôi có hai con gái, cô chị bán giày vải, cô em bán dù. Khi trời nắng ráo, lão nghĩ tới con em bán dù không được. Khi trời mưa, lão lại lo cho con chị, mưa gió không có khách nào chịu mua giày.

- Lão nên nghĩ rằng khi trời đẹp đứa lớn sẽ bán được, khi trời mưa đứa nhỏ bán dù rất chạy.

- À, ông có lý.

Từ đó, “mụ già hay khóc” thôi khóc. Bà lão cười suốt ngày dù trời mưa hay nắng.

Lời bình :

Một điều lợi hay bất lợi sẽ tuỳ thuộc vào cách nhìn, cách suy nghĩ của bạn.

7. Phật tại gia

Yangpu về tỉnh Sichuan định tâm tìm kiếm Bồ Tát. Trên đường đi, Yangpu gặp một nhà sư. Nhà sư hỏi:

- Cậu đi đâu đấy?

- Tôi đi cầu Bồ Tát.

- Bồ Tát ở xa, chi bằng đi tìm Phật có hơn không?

- Tìm Phật ở đâu bây giờ?

- Khi cậu về nhà, thấy người đón cậu trên mình khoác cái mền, chân xỏ dép trái, đó chính là Phật.

Theo lời, cậu về nhà thì trời đã khuya. Mẹ cậu nghe con gọi cửa mừng quá vội khoác mền lên người, xỏ dép trái. Bà chạy ào ra mở cửa và khi Yangpu thấy mẹ mình như vậy thì đứng chết lặng.

Lời bình :

Người ta tìm chân lý nhưng điều cần là thực thi ngay trong lòng, không thì khó mà gặp được.

8. Ngón tay chỉ mặt trăng

Sư Wu Jincang hỏi Lục Tổ Huệ Năng:

- Con đọc kinh Đại Bát Niết Bàn bao năm rồi mà vẫn chưa hiểu. Xin tổ sư soi sáng cho.

Lục Tổ Huệ Năng cầm quyển kinh đưa cho ni sư, nói:

- Ta không đọc được chữ, con hãy đọc, ta sẽ giúp con hiểu.

- Tổ không đọc chữ sao ngài hiểu thông nghĩa được? – Jincang rất ngạc nhiên.

Lục Tổ Huệ Năng thủng thỉnh đáp:

- Chân lý không dựa vào chữ nghĩa. Nó giống như trăng soi trên trời. Trong trường hợp này, chữ nghĩa giống như ngón tay trỏ vậy. Ngón tay chỉ trăng mà nó không phải là trăng. Xem trăng có cần ngón chỉ không?

Lời bình :

Ngôn ngữ văn tự đều là biểu tượng diễn chân lý. Đừng lầm chữ nghĩa với chân lý như đã lầm ngón tay với mặt trăng.

9. Ai đó

Kitagaki, thống đốc bang Kyoto, đến viếng đền Tofuku để thăm Keichu – vị sư trưởng đền này.

Đệ tử của Keichu vào báo:

- Kitagaki, thống đốc Kyoto muốn diện kiến thầy.

- Ta không biết thống đốc nào cả – Sư trưởng trả lời.

Đệ tử chạy ra nói với Kitagaki:

- Thầy tôi yêu cầu ngài lui gót vì không quen thống đốc nào cả.

Kitagaki hiểu ra:

- Nếu vậy, hãy báo với thầy anh có Kitagaki muốn diện kiến.

- Để tôi thử lần nữa.

Lần này, sư trưởng ra đón tận nơi:

- Ồ, Kitagaki đấy à. Mời vào nhà.

Lời bình :

Danh vọng, địa vị, sự thành công và sự giàu có thường có khuynh hướng gia tăng cái tôi của người ta. Vì vậy, người ta sẽ lạc lối, giống như người lạc đường không thể về nhà được.

10. Càng vội càng chậm

Một thanh niên nọ lên núi tìm kiếm sĩ lừng danh để học kiếm thuật. Anh ta hỏi vị sư phụ:

- Thưa thầy, nếu con luyện tập chuyên cần thì phải bao lâu mới thành kiếm sư?

- Có lẽ 10 năm.

- Cha con đã già rồi và con phải chăm sóc ông. Nếu con luyện tập chuyên cần hơn nữa thì mất bao lâu?

Lặng yên suy tư một lúc, vị sư phụ đáp:

- Trường hợp này có lẽ phải 30 năm.

Anh thanh niên không giấu được vẻ nôn nóng:

- Trước thầy bảo 10 năm, bây giờ 30 năm. Con sẽ vượt qua mọi trở lực để nắm vững kiếm thuật với thời gian ngắn nhất.

- Thế thì anh cần phải ở lại đây 70 năm – Vị sư phụ mỉm cười.

Lời bình :

Những người quá nóng nảy muốn đạt đến kết quả thì hiếm khi thành công.

11. Đèn đã tắt

Một anh mù đến từ giã bạn mình. Người bạn cho anh một cây đèn lồng. Anh mù cười hỏi:

- Tôi đâu cần đèn lồng. Với tôi, sáng hay tối có gì khác.

- Tôi biết. Nhưng nếu không mang nó theo, trong bóng tối người khác có thể đụng vào anh.

- Ồ, vậy thì được.

Đi được một đoạn, bất ngờ anh mù bị một người đâm sầm vào. Bực mình, anh ta quát:

- Bộ không thấy đèn hả?

- Đèn của ông đã tắt từ lâu rồi mà.

Lời bình :

Người nào dùng lời kẻ khác để dạy người có thể giống anh mù này. Đèn đã tắt từ lâu, tuy nhiên anh ta không biết điều đó.

12. Bình thường tâm

- Bạch thầy, sống theo Đạo một cách siêng năng là thế nào?

- Khi đói hãy ăn, khi mệt hãy ngủ.

- Đó là những điều mà mọi người thường làm mà?

-Không, không ! Hầu hết mọi người đều không làm như vậy. Khi ăn, mọi người đầy những suy tư, ao ước và khi ngủ lại đầy những lo toan.

Lời bình:

Có bao nhiêu người mà mỗi sáng thức dậy mà đầu óc không bận bịu những chuyện quá khứ? Con người phải vứt bỏ những điều nguy đã gây ra bão tố nội tâm và sống theo bản chất nguyên thuỷ của họ vì Đạo nằm ngay trong đời sống hằng ngày.

13. Thiền trong chén trà

Vị giáo sư đại học đến gặp thiền sư Nan In để tìm hiểu Thiền. Nan In mời ông uống trà. Nan In rót đầy chén trà rồi mà cứ thế rót thêm. Giáo sư nhắc:

- Kìa thầy, chung trà đầy tràn rồi, xin đừng rót nữa.

Nan In cười đáp:

- Như chung trà này, ông cũng đầy ắp những quan niệm của ông. Nếu trước tiên, ông không cạn chén thì sao tôi có thể bày tỏ Thiền cho ông được.

Lời bình:

Ai chứa đầy kiến thức thì điếc trước lời phải trái. Khi hai người tranh luận, một người thường đưa cái biết của mình vào. Cho nên rút lại chỉ nghe thấy tiếng của mình mà không học thêm được gì cả.

14. Con quỷ bên trong

Nhà sư nọ mỗi khi bắt đầu nhập định đều thấy một con nhện khổng lồ làm ông bối rối. Nhà sư liền vấn ý sư Tổ:

- Mỗi khi con bắt đầu nhập định thì luôn có một con nhện khổng lồ xuất hiện, dẫu có đuổi thế nào nó cũng không đi.

-Lần tới, nếu thấy con nhện xuất hiện, con hãy vẽ một vòng tròn to làm dấu xem nó từ đâu đến.

Nhà sư làm đúng như vậy. Khi ông vẽ vòng tròn to vào bụng con nhện, con nhện chạy đi, ông lại có thể tiếp tục thiền định. Sau buổi thiền định, nhà sư rất bối rối khi thấy vòng tròn nằm ngay trên bụng mình.

Lời bình:

Trong cuộc sống, con người gặp phải nhiều xáo trộn và âu lo, phiền nhiễu. Nhưng âu lo tệ nhất thường là từ chính bản thân mình mà ra.

15. Đích tới có một đường đi không cùng

Một tăng đồ hỏi Thiền sư Baling Haojian:

- Nghĩa lý của sư tổ và ý nghĩa của giáo lý có gì giống và có gì khác nhau?

- Khi vịt lạnh, chúng lội xuống nước. Khi gà lạnh chúng đậu trên cây.

Lời bình:

Lạnh vẫn lạnh nhưng phương thức tránh lạnh lại khác nhau. Cùng một mục tiêu nhưng mỗi loài lại có cách riêng của chúng. Để đạt mục tiêu không chỉ có một con đường, không phải ai cũng đi theo một con đường. Hãy khéo chọn…

Hà Mạnh Đoàn và Hoàng Chúc st.

Mười thứ nước uống khi đi ngủ rất tốt

(Ngủ thẳng giấc tới sáng)

1) Mật ong + nước ấm (kích thích chất insuline tốt cho gan: 02 muỗng café mật ong làm làn da mịn màng, tăng cường hệ miễn dịch.

2) Sữa tươi (nóng) có Mélatonine làm dễ ngủ, sữa có nhiều dưỡng chất làm da mược mà giàu calci, protéin, uống trước khi đi ngủ 2 giờ.

3) Cacao (tăng cường sức khỏe, giảm bệnh huyết áp) Cacao uống chung với sữa.

4) Sữa đậu nành (mát và bổ dưỡng)

5) Trà Hoa Cúc (không cho đường, uống trước khi ngủ 30 phút)

6) Trà Bạc Hà

7) Chocolaté + Sữa nóng

8) Nước Anh đào được ép tốt cho người già, nước ép Cherri.

9) Bột Yến mạch, ngũ cốc uống trước khi ngủ.

10) Trà Tâm Sen (tươi hoặc khô), Trà khô kiểm xem có mốc không? - uống 07 ngày (có thể hỏi Bác Sĩ)

Quan Thúy Mai

Sưu tầm từ Youtube

Phụ bản III


Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Vào hồi 15 giờ 23 phút ngày 12 tháng 12 năm 2019 giờ địa phương (3 giờ 23 phút ngày 13 tháng 12 năm 2019 theo giờ Việt Nam), tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO diễn ra tại Bogotá, thủ đô nước Cộng hòa Colombia, di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thày Then đang thực hiện nghi lễ. Ảnh: Hồ sơ đệ trình UNESCO

Then, một thực hành nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, phản ánh các quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Các lễ Then diễn tả hành trình Thầy Then (Ông Then, Bà Then) điều khiển đoàn âm binh đi từ Mường Đất lên Mường Trời để dâng lễ vật và thỉnh cầu trong lễ: cầu an, chữa bệnh, cầu mùa, chúc mừng năm mới, v.v. Khi các Thầy Then cất tiếng hát, gảy tính tẩu là khởi đầu cuộc hành trình. Tùy theo mục đích của việc cầu cúng mà Thầy Then sẽ bày mâm cúng và cầu khấn trước bàn thờ Then những vị thần bản địa khác nhau. Thầy Then thường sử dụng các đồ vật như: kiếm trừ tà, thanh âm dương, chuông… để thực hiện lễ Then tại nhà tín chủ, ở ngoài trời hoặc tại bàn thờ Then ở nhà của Thầy Then. Thầy Then mặc lễ phục và vừa hát tiếng dân tộc mình vừa gảy tính tẩu, xóc chùm xóc nhạc, phất quạt; có buổi lễ còn có tốp nữ múa phụ họa. Then luôn luôn được trao truyền bằng truyền khẩu khi thực hành nghi lễ Then, thể hiện sự kế tục giữa các thế hệ, và các thầy Then đóng vai trò chính yếu trong việc chuyển giao các kỹ năng và bí quyết liên quan, một số thầy Then thực hiện khoảng 200 nghi lễ Then một năm. Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng Đông Bắc (Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang), vùng Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai) và một số địa phương khác ở Việt Nam.

Đoàn Việt Nam tại Kỳ họp của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 công bố ghi danh Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đáp ứng những tiêu chí sau để đăng ký vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại:

R.1: Thực hành Then ở Việt Nam tạo thành một phần cơ bản trong đời sống tinh thần của người Tày, Nùng, Thái, phản ánh mối quan hệ giữa con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Nghi lễ Then thể hiện bản sắc văn hóa của các dân tộc này, từ phong tục đến nhạc cụ, múa và âm nhạc. Nhờ các chức năng văn hóa xã hội, Then góp phần giáo dục đạo đức, lối sống nhân đạo và bảo vệ các phong tục và truyền thống văn hóa ở Việt Nam.

R.2: Việc ghi danh Nghi lễ Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam sẽ làm nổi bật sự đóng góp của di sản trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc và củng cố tình đoàn kết giữa các dân tộc khác nhau. Việc ghi danh cũng sẽ thu hút sự chú ý đến các di sản khác trên khắp thế giới, bao gồm các thực hành nghi lễ, nghi lễ mang tính xuất nhập thần và nghi lễ shaman.

R.3: Sức sống của di sản được đảm bảo bởi các cá nhân, gia đình hoặc cộng đồng, những người mời thầy Then đến làm lễ cầu sức khỏe, cầu an và cầu mùa. Từ năm 2001, Chính phủ đầu tư kinh phí từ các Chương trình quốc gia về văn hóa để bảo vệ di sản văn hóa của các cộng đồng dân tộc Việt Nam, trong đó có nghi lễ Then. Các biện pháp bảo vệ được đề xuất theo định hướng mà các chương trình này khởi xướng, bao gồm việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể; khuyến khích các hoạt động nghiên cứu và tạo điều kiện phù hợp phục vụ nghiên cứu; triển khai các hoạt động nhận diện, kiểm kê và tư liệu hóa; nghệ nhân dân gian truyền dạy kiến thức bằng cách kết hợp đưa hát Then và tính tẩu vào chương trình giảng dạy ở trường và xuất bản các ấn phẩm để nghiên cứu, giảng dạy, quảng bá, di sản Then bằng cách thúc đẩy, khuyến khích những người trẻ quan tâm đến việc thực hành. Các cộng đồng và nghệ nhân đã tích cực tham gia vào việc lập kế hoạch, đề xuất các biện pháp bảo vệ di sản.

R.4: Nghệ nhân dân gian và các cộng đồng liên quan tích cực tham gia vào tất cả các giai đoạn chuẩn bị hồ sơ đề cử thông qua các cuộc họp, hội thảo, hội nghị và tập huấn. Các cộng đồng, nhóm người, cá nhân, câu lạc bộ, thầy Then và gia đình đang thực hành Then đều thể hiện sự đồng thuận một cách tự nguyện bằng văn bản và thông qua các bản ghi âm, ghi hình, bao gồm cả ý kiến về mong muốn hỗ trợ chuẩn bị hồ sơ đề cử cũng như các cam kết của họ để bảo vệ di sản văn hóa.

R.5: Di sản Then của 11 tỉnh lần lượt được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia kể từ năm 2012; Danh mục được cập nhật gần đây nhất vào năm 2017. Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch của Việt Nam là cơ quan chịu trách nhiệm duy trì và cập nhật danh mục kiểm kê. Hàng năm, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao ở các tỉnh có di sản Thực hành Then có trách nhiệm phối hợp với đại diện của cộng đồng và các nghệ nhân liên quan để cập nhật danh mục kiểm kê.

Việc UNESCO ghi danh Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Thực hành nghi lễ Then thể hiện tình đoàn kết giữa các tộc người, tôn trọng thế giới quan tộc người theo mục tiêu của UNESCO; giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản các cộng đồng dân tộc không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Thay mặt Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch và cộng đồng thực hành nghi lê Then của người Tày, Nùng, Thái, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, TS. Lê Thị Thu Hiền đã đọc bản cam kết thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ các giá trị của thực hành Then cám ơn Hội đồng thẩm định, các thành viên của Uỷ ban Liên Chính phủ, Ban thư ký đã làm việc tận tình để ghi danh di sản này của Việt Nam. (Theo dsvh.gov.vn)

Bùi Đẹp st.

NHỮNG THỨ CẦN PHẢI QUÊN

Nhớ và Quên. Hãy nhớ những gì cần phải nhớ và quên đi những thứ đáng phải quên.

Trong cuộc sống của mình, bạn đã học được nhiều thứ, đó là học sự yêu thương, học được cách nhớ nhung một ai đó và bây giờ bạn sẽ học cách quên. Vì trong cuộc sống có những chuyện nên gìn giữ, nên cất giấu nhưng cũng có những thứ cần phải quên đi.

Vậy những gì bạn cần phải quên đi?

- Quên đi những đau khổ:

Cuộc đời không ai lúc nào cũng vui vẻ và lúc nào những điều tốt đẹp nhất cũng đến với mình. Khi bạn chia tay với người yêu bạn sẽ giam cầm mình trong đau khổ, trong những lần khóc sướt mướt. Bạn thu mình lại và có những lúc bạn tưởng chừng như trái tim mình vỡ tung ra. Bạn mềm yếu, cảm giác như chỉ có người đó mới đưa bạn ra khỏi cái nỗi đau đó mà thôi. Khi ấy bạn cần phải học cách quên đi người đó, học cách quên đi một người sẽ làm cho trái tim bạn lành lại theo thời gian. Mọi đau khổ sẽ tan biến. Mặc dù với một số bạn sẽ rất khó nhưng chưa thử làm sao chúng ta biết có làm được hay không.

- Quên đi những hận thù:

Ai đó đã lấy đi của bạn một thứ gì đó quý giá, ai đó đã lỡ xúc phạm bạn, ai đó vô tình đã làm bạn đau. Bạn cảm thấy tức giận, bạn cảm thấy lòng hận thù trong mình dâng cao. Nhưng Người ta nói tức giận là lấy sai lầm của người khác trừng phạt chính mình. Cứ mãi nhớ đến những hận thù đó thì người bị tổn thương nhiều nhất chính là bạn. Suốt ngày bạn sẽ dằn vặt bản thân, bạn sẽ tìm mọi cách để trả thù lại người ta nhưng càng suy nghĩ càng khiến cho bạn cảm thấy nặng nề. Tâm hồn bạn sẽ chẳng khi nào được thanh thản. Vậy tại sao bạn không thử học cách quên đi mọi hận thù và dám tha thứ cho những gì người khác đã làm khiến bạn tổn thương . Cuộc sống sẽ đẹp hơn, nhẹ nhõm hơn nếu bạn biết quên đi thứ cần phải quên đấy bạn ạ.

- Quên đi những khuyết điểm của người khác:
Đối với chúng ta thường dễ dàng giang tay đón lấy những ưu điểm của bạn bè, người thân. Nhưng khi họ có khuyết điểm chúng ta lại khép tay lại và tránh thật xa họ. Trên đời này chẳng có gì là hoàn hảo, chính bản thân chúng ta cũng là một mảnh ghép của cuộc sống cũng có những lúc phạm phải một sai lầm, và có một vài khuyết điểm nào đấy. Chúng ta học cách quên đi khuyết điểm của người khác là chúng ta đang học cách hoàn thiện bản thân mình, đang làm cho tâm hồn chúng ta trở nên rộng lượng hơn. Đừng lúc nào cũng nghĩ đến mặt xấu của người đối diện mà hãy nghĩ đến ưu điểm. Vì như thế sẽ làm cho mối quan hệ của bạn và người ta sẽ trở nên tốt đẹp, khăng khít hơn.

- Quên đi những kỉ niệm, quên đi quá khứ:

Những kỉ niệm đẹp, những quá khứ êm đềm hay đau khổ đối với một số người sẽ giữ mãi trong lòng để từ đó mà chiêm nghiệm mà sống tốt hơn. Nhưng trong một vài trường hợp bạn cũng phải cố quên đi quá khứ, quên đi những kỉ niệm. Bạn không thể lúc nào cũng sống trong cái kỉ niệm một thời tay trong tay với người yêu cũ. Bạn cũng không thể sống mãi trong cái quá khứ của một thời tuổi thơ êm đềm hay đau khổ mãi được. Bạn cần phải quên nó đi, bỏ lại nó ở phía sau lưng để mà bước đi, để mà lớn lên. Quên ở đây không hẳn bắt bạn quên vĩnh viễn mà quên ở đây là bạn tạm thời cất giữ nó ở một góc nào đó sâu thẳm trong tim để rồi có lúc lấy ra mà nhớ, mà vui mà buồn. Rồi cũng có thể khi bạn lớn lên một chút bạn sẽ nghĩ về chúng như một cái gì đó quý giá. Bạn sẽ tự cười, “à thì ra mình đã lớn”…

- Quên đi lợi ích cá nhân:

Ai cũng chỉ biết sống cho mình thì cuộc sống này sẽ trở nên ích kỉ và hẹp hòi, sẽ chẳng còn ai quan tâm đến ai nữa. Bạn phải học cách quên đi cái tôi cá nhân để có thể hòa cùng nhịp sống chung của cộng đồng. Bạn đi mùa hè xanh nhưng luôn chọn những việc nhẹ nhàng, luôn nghĩ cho bản thân. Trước khi làm một việc gì đó bạn luôn nghĩ đến mình sẽ được gì và mình sẽ mất gì. Nếu mất nhiều hơn được bạn sẽ chẳng bao giờ làm. Triết lí đó sẽ đúng đối với một số trường hợp. Nó sẽ hoàn toàn là ích kỉ nếu đó là làm vì lợi ích cộng đồng, làm vì tập thể. Chắc trong chúng ta chẳng lạ lẫm gì với những chiếc áo xanh tình nguyện, đêm ngày túc trực nơi bến xe để tiếp sức cho các thí sinh thi Đại học. Họ chẳng nề hà một công việc gì dù nắng làm cho cháy da, áo ướt đẫm mồ hôi. Bởi lẽ họ đã quên lợi ích cá nhân mà dốc sức vào lợi ích của tập thể. Cho và nhận đôi khi có thể mang ra để so sánh nhưng không phải lúc nào cũng so sánh được đâu bạn ạ. Có thể bạn sẽ mất nhiều hơn được nhưng đến một lúc nào đấy bạn sẽ cảm thấy cái mất ấy của mình là một điều đáng tự hào.

Và mỗi khi như vậy bạn sẽ cất cao tiếng hát “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng gian khổ sẽ thuộc về ai…”

Nhớ và Quên là hai phạm trù trái ngược nhau. Hãy nhớ những cái gì cần phải nhớ và hãy quên đi những thứ đáng phải quên. Chỉ khi quên đi những thứ gọi là “spam” trong tâm hồn mình bạn sẽ cảm thấy thật thanh thản. Tâm lí của bạn khi ấy sẽ trở nên cân bằng hơn. Vì ai đó đã nói rằng “ Trong cuộc sống phải biết thứ gì cần nhặt lên và thứ gì cần bỏ xuống”.

Đào Minh Diệu Xuân st.

VUA QUANG TRUNG

DIỆN KIẾN VUA CÀN LONG

Trong bài báo tựa đề: “Những góc nhìn mới của sách sử Việt” đăng trong báo Thanh Niên ngày 20 – 3 – 2020 mà tác giả là Lê Công Sơn, ông cho là nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính đã nghiên cứu thấu đáo, cho rằng đích thân vua Quang Trung sang chầu vua Càn Long là vua Quang Trung giả nhằm hạ uy tín của vua Quang Trung. Bài báo lại nói người đóng giả vua Quang Trung là đô đốc Nguyễn Hữu Chấn với ba văn thần là “Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn và Đoàn Nguyễn Tuấn cử theo vua”. Các nhà khoa bảng lại nói sách sử cũ với góc nhìn nhà Tây Sơn là ngụy nên phản ảnh không trung thực. Ông Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn nói: “Với những góc nhìn mới, đa chiều về Sử Việt qua hàng loạt tác phẩm được xuất bản gần đây đã cho thấy một hướng đi mới, đúng đắn của các nhà nghiên cứu về phương cách tiếp cận lịch sử, tránh kiểu rập khuôn một chiều, hoặc nghiên cứu tùy hứng, thiếu bài bản, đầy cảm tính như trước đây. Sự phát triển của công nghệ cũng góp phần có thêm nguồn tư liệu gốc dồi dào để các tác giả có cơ hội tiếp cận, đối chiếu nhiều chi tiết của lịch sử… để cùng tìm đến sự thật sử Việt khách quan và trách nhiệm.”

Theo tôi, tôi cho rằng các nhà viết sử có hai thái độ:

1) Thái độ cảm tính binh vực chế độ đương thời và đả phá chế độ đã bị lật đổ. Họ ít nhiều được coi là công cụ của chế độ đương thời.

2) Thái độ vô tư xét nét để phê bình cho đúng vai trò lịch sử.

Ông Trần Trọng Kim viết cuốn Việt Nam sử lược, rất tiếc là sau lời giới thiệu ông không ghi năm nào. Tôi học lớp 8 niên khóa 1955 – 1956, giáo sư sử là Vũ Huy Chấn giảng sử với nhiều sự kiện lịch sử phong phú, chúng tôi trầm trồ khen thì một bạn nói ta mua cuốn Việt Nam sử lược xem, những điều thầy giảng ở trong đó. Tôi cho rằng Trần Trọng Kim xuất bản tác phẩm Việt Nam sử lược vào những năm đầu thập niên 1950. Thời nầy hậu duệ vua Gia Long là Quấc Trưởng Bảo Đại đang tại vị. Vậy mà nói về nhà Tây Sơn, trong Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim viết: “…hai người anh hùng đuổi một con hươu, tất là người nọ gọi người kia là cừu địch. Vậy lấy lẽ tôn bản triều mà xét thì nhà Nguyễn Tây Sơn là ngụy, mà lấy công lý mà suy thì vua Quang Trung Nguyễn Huệ là một ông vua đứng ngang vai với vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Thái Tổ, mà nhà Nguyễn Tây Sơn cũng là một nhà chính thống như nhà Đinh và nhà Lê vậy (trang 409 và 410).” Vua nhà Thanh bèn sai sứ sang phong cho vua Quang Trung làm An Nam Quốc vương, và lại giáng chỉ vời quốc vương vào chầu.

“Vua Quang Trung bèn chọn một người hình dung giống mình, tên là Phạm Công Trị trá làm quốc vương, rồi sai Ngô Văn Sở, Đặng Văn Châu, Phan Huy Ích, Võ Huy Tấn đưa sáng Yên Kinh, vào chầu vua Càn Long” (trang 417)

Trong bài báo “Những góc nhìn mới của sách sử Việt” lại ghi các văn thần cử theo vua chỉ ba người là Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn và Đoàn Nguyễn Tuấn mà không nói tới Ngô Văn Sở và Đặng Văn Châu. Về văn thần Tấn, ông Chính ghi là “Vũ”, ông Kim ghi là “Võ”, ai đúng, ai sai? Lại có thêm văn thần Đoàn Nguyễn Tuấn ở đâu ra? (cần lưu ý, bài báo lúc viết Nguyễn Duy Chỉnh lúc viết Nguyễn Đình Chính). Ông lại khẳng định đích thân vua Quang Trung đã sang Thanh đình vào năm 1790. Căn cứ vô đâu mà ông khẳng định như vậy? Về các văn thần cử theo vua, tôi cho là chính sử nói đúng vì họ căn cứ theo chiếu chỉ của vua. Các cá nhơn, có khi họ nghe nói thôi chớ không chính xác đâu. Trong tờ mật dụ của vua Càn Long viết: “…Nếu lòng người nước Nam còn nhớ nhà Lê, có quân ta kéo đến, ai là chẳng gắng sức. Nguyễn Huệ tất phải tháo lui. Ta nhân lấy dịp ấy mà sai tự quân đuổi theo, rồi đại binh của ta theo sau, đó là mẹo hay hơn cả…” (trang 415). Xem đó, ta thấy vua Càn Long muốn chiếm Đại Việt. Như vậy chính vua Quang Trung sang chầu có ổn không? Coi chừng nhà vua bị ám toán dọc đường cũng nên. Trong truyện Thuyết Đường, Đông cung thái tử nhà Tùy mới dựng lên ghét Lý Uyên, nhân Lý Uyên đi về Thái Nguyên, Đong cung giả làm ăn cướp đón đường giết Lý Uyên. Lý Uyên được Tần Thúc Bảo cứu thoát. Chuyện trong triều đình còn vậy huống chi là cừu địch nước ngoài. Chuyện cho người trá làm quấc vương là bí mật quấc gia. Chính vua Quang Trung sang chầu hay có người thay, việc nầy chỉ có một người biết là vua Quang Trung thôi. Trong Việt Nam sử lược viết người đi thay là Phạm Công Trị, bài báo viết là đô đốc Nguyễn Hữu Chấn. Ai đúng ai sai? Cho một đô đốc đóng giả có khi không kín đâu. Ít nhứt cũng có một vài thuộc quyền cận kề biết. Các giáo sư sử thời thập niên 1950 thì nói rằng Phạm Công Trị là cháu vua Quang Trung. Một đứa cháu vô danh tiểu tốt trong gia tộc vua Quang Trung thì không ai biết. Cử cháu đi thay là ổn hơn hết. Khi đi sứ về, Công Trị bị thủ tiêu luôn để bịt miệng. Lý lẽ vầy tôi cho là đáng tin hơn. Ra đánh quân Thanh, vua Quang Trung nói: “…Vậy đánh xong trận này, ta phải nhờ Thời Nhiệm dùng lời nói cho khéo để đình chỉ việc chiến tranh. Đợi mươi năm nữa, nước ta lường được sức phú cường rồi, thì ta không cần phải sợ chúng nữa.” (trang 413) Coi đó, tôi cho rằng vua Quang Trung vẫn mang ý đồ chống quân Thanh và vẫn còn sợ quân Thanh nên không mạo hiểm sang chầu vua Càn Long. Chánh trị là biến trá. Thế chiến thứ hai năm 1939 – 1945 nghe đâu Hít-le có nhiều người đóng giả. Sự thật giả thay thế trong chánh trị tưởng là việc thường thôi.

Về hình của vua Quang Trung đăng trong báo, mặt thon dài, má hóp và ghi là Nguyễn Duy Chính chụp lại từ Catalogue đấu giá của công ty Sotheby’s. Tấm hình nầy có giá trị tới đâu? Nguồn gốc của Catalogue nầy như thế nào? Khi vua Quang Trung qua đời, các vị hoàng hậu và các vị cận thần của đức vua, không ai cho vẽ chân dung của ngài để thờ sao? Vua Quang Trung mất năm 1792, lúc đó vua Quang Toản mới mười tuổi. Đến năm 1802 là mười năm sau, Quang Toản hai mươi tuổi, Nguyễn Quang Thùy và Nguyễn Quang Thiệu tuổi ở mức hiểu biết rồi. Bắc cung hoàng hậu Ngọc Hân với ba con còn nhỏ. Khi thế nhà Tây Sơn suy, các tướng đem quân chống nhau, bà phải đem linh vị của vua Quang Trung ra giảng hòa, tôi cho rằng người có học như bà ắt phải nghĩ đến việc cho con biết mặt cha của chúng. Bà chỉ cần ra lịnh vẽ lại hay vẽ chính chân dung của vua Quang Trung để cho mỗi con một tấm không phải là việc khó. Ba con của bà Ngọc Hân được đưa vô Nam sống ở Củ Chi, Châu Đốc (người ta đồn rằng Phật Thầy Tây An là dòng dõi vua Quang Trung) và Trà Vinh. Tôi cho rằng tấm hình trong Catalogue không có giá trị bằng hình tôi có thấy trong sách sử trước 1975 nhưng tôi không có.

Trong Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim ghi: “Ông Nguyễn Huệ là một người có sức khỏe tuyệt trần, lại có mưu trí quyền biến…” (trang 410). Với hình ông Nguyễn Duy Chính chụp có thể hiện được người có sức khỏe tuyệt trần không? Ta cần xét lại và cân nhắc thấu đáo hơn. Trong bài báo có viết là ông Nguyễn Duy Chính lưu ý: “Chính vì nguồn tài liệu quá phong phú nên hường rơi vào thực giả khó phân biệt, do đó phải được kiểm chứng, nhất là có sự công tâm không để rơi vào định kiến hay cố chấp”. Như vậy, khi dùng tài liệu, ông Chính có kiểm chứng, so sánh, xét nét giá trị của tài liệu ông dùng không?

Đọc bài “Những góc nhìn mới của sách sử Việt”, tôi bức xúc về tấm hình của vua Quang Trung nên viết mấy lời thô thiển để góp ý.

Khánh Hội – Quận 4 Sài Gòn ngày 29 – 3 – 2020

Phạm Hiếu Nghĩa


Phụ bản IV

NỖI NIỀM KHÔN TẢ

Kỷ niệm với Nguyễn Hoài Ly

Những nỗi buồn trong dĩ vãng là niềm ray rức khôn nguôi của bà Lan Phươg từ mấy mươi năm qua. Đó là nguyên do thầm kín mà bà không thể nói cùng ai, dù là với Phương Mai con gái yêu của mình hay với cô bạn thân thuở thiếu thời Hoàng Hoa mà bà vẫn thường thổ lộ tâm tình mọi chuyện trong ngoài, nhưng còn chuyện ấy... thì không hiểu sao bà giữ kín trong lòng, cả với ông Hướng lại càng không. Đôi khi muốn thốt ra lời nhưng rồi lại lặng im. Cho đến hôm qua khi cùng ông Hướng và Phương Mai đưa mẹ bà về Nhà Bè thăm đứa cháu trai từ xa mới về thì câu chuyện xưa nằm sâu trong quá khứ đã được khơi lại như mới xảy ra rõ ràng chân thực. Chiếc xe nhà chạy qua đường Nguyễn Tất Thành Quận 4 và rẽ sang một con đường tắt về Nhà Bè, bỗng bà Lan Phương nhận ra xe đang chạy qua Công ty Đường Khánh Hội và xóm nhà của Phán ngày xưa vẫn còn ở đó, bà giật mình thoáng nghe nhói trong tim! Một thời thiếu nữ mộng mơ như những thước phim xa xưa hiện về trước mặt:

Năm 1972, 1973...

Ở phòng Hành Chánh Kế Toán của một công tuy Xuất Nhập Khẩu, trong giờ giải lao buổi trưa, mọi người đều tản mác tìm chỗ nghỉ, người thì đọc báo, xem sách hoặc nhóp nhép một món ăn vặt nào đó, bỗng Hoàng Hoa xuất hiện trước cửa phòng, bước vô tay cầm tờ Phụ Nữ Ngày Mai miệng nói:

- “Hỡi các chị trẻ tuổi độc thân, có cái nầyhay lắm nè!” Nghe vậy, lập tức có ba bốn cô xúm lại quanh Hoang Hoa, hỏi tíu tít:

- “Việc gì, việc gì mà hay vậy?”

- “Mục tìm bạn bốn phương” đây, có bạn nào muốn tham gia không?

Cả đám thiếu nữ bỗng im re vì bất ngờ, lúc sau chỉ có Kim Chi quay ngoắt người đi thẳng một nước không quên liếc xéo Hoàng Hoa, không quên ném lại một câu: “Vậy mà làm như quan trọng lắm, đây chả thèm vào “Hoàng Hoa nghe thế tức khí lên tiếng trả đũa liền: “Không thèm thì thôi, ai khiến chứ!”.

Lan Phương vội kéo tay Hoàng Hoa nói nho nhỏ: “Thôi đừng giận, ai không tham gia thì kệ đi, gây nhau làm gì cho mất hòa khí, để “tui” cho!

Nghe Phương nói thế, Hoàng Hoa dịu xuống quay qua đưa tờ báo cho bạn, chỉ tay vào trang “Tìm bạn bốn phương”, Lan Phương liếc qua nói liền: “Cho mình mượn nhé”, Hoa gật đầu liền, Phương cầm tờ tuần báo đi về bàn làm việc của mình, vừa lúc đó có tiếng chuông báo giờ làm trở lại, mọi người liền tiếp tục công việc, Lan Phương cất báo vào xách tay rồi bắt tay vào công việc còn lại lúc sáng.

Chiều tan sở, các nhân viên lần lượt ra về hòa trong đám đông, Lan Phương cùng Hoàng Hoa vui vẻ nắm tay nhau ra cổng, liền nhìn thấy Tuấn Nghị, anh trai Hoàng Hoa đậu Vespa trước công ty chờ rước em, Hoàng Hoa vẫy tay từ giã lên xe về trước, còn lại cô liền đeo túi xách lên vai thong thả đi đến bến xe buýt đón xe về nhà.

Sau bữa cơm tối, phụ mẹ dọn dp xong đâu đó Lan Phương liền về phòng mình bỏ luôn mục xem phim truyện thường lệ. An tọa trên giường xong, nàng với tay lấy xách tay rút tờ tuần báo lúc sáng ra, lật trang báo có mục mà Hoàng Hoa đã nói đến đọc chăm chú, chậm rãi từng dòng. Bỗng mắt cô dừng lại ở số thứ tự 090: Lính xa nhà, độc thân vui tính, muốn tìm bạn trai, gái không cảm với đời bình nghiệp áo treillis để trao đổi kết bạn thư tín. Thư về, Nguyễn Phan KBC... Đọc xong, Lan Phương lấy bút bi đánh dấu x ở số ấy với ý nghĩ mai sẽ hỏi ý kiến của bạn, nàng xếp báo để vào túi xách chuẩn bị đi ngủ để mai đi làm sớm và cô gái vẫn còn nét thơ ngây dù đã ở tuổi đôi mươi, đi vào giấc mộng bình yên trong đêm.

Sáng sớm, khi đến công ty, Lan Phương vội vàng vô phòng kế toán để tìm cô bạn thân hỏi ý kiến, vui mừng khi thấy Hoàng Hoa đang ngồi sẵn ở bàn giấy của mình tự bao giờ, đang xem một tờ nhật báo, cô sà xuống ngồi bên bạn, nói tíu tít:

- “Hoàng Hoa, nói nghe này” Cô bạn giật mình ngước lên nhìn, hỏi khẽ “gì vậy Lan Phương?”

- “Ta đã chọn được người kết bạn rồi nè”, bồ xem có được hôn. Cô vừa nói vừa đưa tờ “Phụ Nữ Ngày Mai” và chỉ tay vào mục “tìm bạn” cho Hoàng Hoa thấy, cô bạn thân cũng cảm thấy vui lấy với bạn, cầm tờ báo lên đọc qua dòng kết bạn của người lính nào đó, lúc sau nàng lên tiếng trước ánh mắt chờ đợi của bạn “ừ được đó, bồ viết thư cho anh ta thử coi”. Lan Phương thở ra nhẹ nhõm, rồi như chợt nhớ, cô quay sang bạn hỏi:

- “ Còn bạn thì sao nào? Đã chon được ai chưa?” Hoàng Hoa mỉm cười, đưa một ngón tay lên môi: “Bí mật bạn ơi!” cả hai cùng cười xòa và cùng bắt đầu làm việc.

Từ đó việc kết bạn qua thư từ của Lan Phương với người lính miền xa đã khỏi đầu thư qua tin lại mỗi ngày một nhiều hơn, mà thư từ “hậu phương ra tiền tuyến” những trang giấy màu xanh, những dòng mực tím càng dài hơn. Thư từ KBC...: “Đoàn quân anh vừa hành quân qua một vùng quê mênh mông, vắng vẻ một cách bất thường, cánh đồng như vừa xong mùa gặt, những gốc rạ ngả rạp trên đất. Tuy thế nhưng Lan Phương biết không, mọi nguy hiểm đang chực chờ rình rập từng bước chân người lính. Anh ngắt vội một nhánh lúa còn sót lại trên cánh đồng ép và thư gửi về tặng em.”

... từ hậu phương: “Phan thân mến, ở thành phố em vẫn dõi theo từng bước anh đi vào trận chiến, đêm đêm nghe tiếng đại bác từ xa vọng về, tim em như thắt lại, luôn cầu mong cho anh và các bạn được bình yên...”

Tình cảm của đôi bạn trẻ qua cuộc trao đổi thư tín ngày càng gắn kết hơn, hình như thắm thiết hơn từ khi biết mặt nhau qua ảnh thì phải. Chàng trai trẻ vẫn miệt mài theo những cuộc hành quân, cô gái đôi mươi ở lại thành đô hằng ngày hoàn thành công việc và mong mỏi được gặp gỡ người lính chiến vừa quen.

Một ngày nọ, bất ngờ Phan được về phép, đến tìm gặp Lan Phương ở nơi làm việc vào một ngày cuối tuần. Từ hôm ấy, phố xá Sài gòn như tưng bừng mở hội in dấu chân của đôi bạn trẻ mới quen trên khắp nẻo đường trung tâm, nào là tiệm kem Lan Phương, nước mía, thịt phá lấu Viễn Đông, rồi vào Thương xá Tax xem các cửa hàng, rồi cả hai qua Cinéma Lê Lợi xem phim mà chẳng nhớ tựa và cốt chuyện ra sao. Lan Phương vui như lạc vào chốn thần thiên khi ở bên cạnh Phan suốt những ngày phép của chàng. Rồi chàng trở về đơn vị, Lan Phương quay lại với công việc thường gnày. Họ vẫn tiếp tục viết thư cho nhau những lời thắm thiết đầy nỗi nhớ mong về nhau.

Cho đến ngày ... 30 tháng 4 ấy, tất cả đều thay đổi, xáo trộn, không thể nói làm sao cho hết, người người đổ xô ra các đại lột đón mừng những đoàn quân từ rừng về thành phố, lại có người bỏ nhà cửa tìm đường di tản, và có những người lính của bên nầy trân chiến cởi bỏ áo trận thất thểu trở về với nỗi buồn thảm trên quê hương mình.

Lan Phương tâm tư rối bời, lòng nóng như lửa đốt, phần lo cho gia đình, cha mẹ, anh chị ở nhà, phần lo cho Phan đang ở đâu đó chưa rõ, chưa biết tin tức gì cả, trong khi bên hàng xóm của nàng đã có lác đác vài quân nhân thuộc các sư đoàn đóng ở các tỉnh phía Tây lần lượt về nhà mà tin của Phan vẫn không thấy tăm hơi. Lan Phương lại càng rối thêm khi cả nhà đang bàn tính phân chia một nửa nhà chuyển về quê sinh sống, còn lại thì đang tìm đường đi xa, Phương phân vân mãi không biết theo đường nào, thâm tâm nàng chỉ muốn lưu lại Sài gòn ít lâu để chờ tin Phan, cũng vì vậy đã nhiều lần tranh cãi với ba mẹ để xin ở lại thành phố.

Sau những ngày nóng đợi tưởng chừng vô vọng, cuối cùng một người bạn cùng đơn vị ghé lại chỗ làm báo tin cho Lan Phương, Phan đã về cùng lượt với anh ta và đang ở nhà bên Quận 4 để nàng yên tâm. Nàng vui mừng vội cám ơn anh bạn tốt bụng và liền xin nghỉ phép để qua thăm Phan ngay cho thỏa lòng mong nhớ và lo lắng bao lâu nay.

Lan Phương lên xe buýt qua kho 11 theo lời chỉ đường của người bạn của Phan. Đến trạm, nàng xuống xe đi về hướng Công ty Đường Khánh Hội có xóm nhà nằm kế bên, nàng đang định hỏi thăm nhà anh, vì còn bỡ ngỡ khi đến nơi xa lạ, thì bỗng Phan xuất hiện trước mặt, gọi nhỏ: “Lan Phương, anh đây, anh đã về với em đây” cô giật mình quay lại, suýt bật khóc vì vui mừng, muốn ôm chầm lấy anh, nhưng chợt nhớ mình đang đứng trước nhà anh có bao cặp mắt nhìn vào hai người. Lan Phương nắm chặt tay anh, mắt rưng rưng lệ, Phan cũng lặng người hồi lâu rồi mới đưa cô vào nhà chào mẹ chàng và các chị em trong nhà. Cô cảm thấy thẹn thùng, bẽn lẽn nhưng ráng cố gắng giữ bình tĩnh để làm quen với gia đình, may là mẹ chàng hiền lành, đón tiếp nàng như tình thân, chị gái, em trai cũng hết sức cởi mở làm cô thấy yên tâm phần nào.

Từ đó, Lan Phương thường qua thăm Phan, tình cảm hai người càng khăng khít nhiều, chàng lên đưa đón Phương đi làm, đi chơi nhiều nơi vì ba mẹ nàng đã ở lại Sài gòn một thời gian trước khi quyết định hồi hương về quê ngoại Tiền Giang. Thời gian sau, vì sinh kế, gia đình Phan cũng dọn về Đồng Tháp, Lan Phương buồn khóc nhiều vì phải xa cách người thương, nhưng biết phải làm sao, thời cuộc đưa đẩy phải vậy thôi, chỉ tội nghiệp cho người lính của nàng, phải xếp chiến y đi làm một nông dân một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, người ta thường nói vậy. Ngày qua ngày, hai người “ở hai đầu nỗi nhớ” vẫn thư từ thường xuyên cho nhau rất nồng nàn cho đến khi...

Một hôm, Lan Phương thình lình lâm bệnh nặng sau khi dự đám giỗ bên hàng xóm phải nằm bệnh viện dài ngày, vì cứ đau bụng âm ỉ và dai dẳng mãi làm bác sĩ điều trị phải lưu bệnh để tìm nguyên nhân. Vì thế, nằm viện lâu ngày làm cô bức rức nhớ đến lá thư viết cho Phan chưa gửi đi được và vẫn còn cất trong ví mang theo bên mình không biết làm sao gửi cho chàng, thì vừa đúng lúc Nhân, em trai kế nàng vào thăm, cô liền nhờ cậu ta gửi đi ngày dùm bức thư trên, cậu em sốt sắng nhận lời của bà chị yếu mến. Lan Phương vui lắm, nghĩ là Phan sẽ nhận được trong một hai ngày tới thôi và mừng rỡ khi đọc được những dòng thương yêu nồng thắm của nàng. Nhưng..., từ đây đã xảy ra một chuyện không ngờ làm thay đổi tất cả và cuộc đời cô gái trẻ đã rẽ sang hướng khác ngoài dự định của nàng. Lan Phương hoàn toàn không nghĩ là chuyện tình cảm của Phan và nàng lại đi đến cuối đường. Khoảng tuần sau đó, cô nhận được lá thư của chàng từ quê gửi lên, vui mừng dỡ thư ra đọc thì... trời ạ, đó là bức thư của chính cô chứ không phải của “người ta”, Lan Phương cầm lá thư lật qua lật lại mãi mà không hiểu tại sao nó lại bị trả lại, nhưng đề ngoài bì thư vẫn là nét chữ của Phan gửi tên nàng, chợt nàng đọc thấy dòng chữ ở góc lá thư: “Cô Lan Phương bị bệnh nặng đang nằm bệnh viện.” Thôi chết rồi, chữ viết đó là của Nhân, em trai “yêu quỷ” của cô đây mà, thì ra nó đã tinh quái mở thư ra đọc trộm và thêm vô những hàng chữ “chết người” đó, nó hại mình rồi, vậy là Phan đã hiểu lầm mình rồi, làm sao bây giờ Lan Phương tự nhủ thầm trong nỗi bối rối khó tả. Tiếp sau đó, nàng lại nhận thêm thư Phan gửi lên, đầy những lời trách cứ chua chát, đại ý viết: “Nàng đã có hôn phu, người thương, đã lập gia đình gì gì đó mà còn gửi thư dối anh, viết những lời yêu thương vô nghĩa, làm rối lòng anh, quấy phá cuộc sống yên lành của anh, yêu cầu từ nay chấm dứt, xin cô đừng viết thư từ liên lạc với nhau nữa.

Lan Phương vội vàng viết liên tiếp rất nhiều lá thư xuống nơi anh ở để phân trần, đính chánh sự tình mong Phan hiểu rõ tấm chân tình của mình đối với anh, nhưng mãi anh vẫn không tin nàng chút nào, dù cho cố gắng bằng mọi cách, ví dụ như nhờ Thanh, chị cả của anh biện minh dùm cho mình và cả em trai chàng cũng nói giúp sau khi đến tận nhà cô tìm hiểu nhưng đều vô hiệu, Phan vẫn im lặng và không hề viết thư cho Phương kể từ đó.

Lan Phương buồn bã không tả xiết, nhưng không thể nói gì hơn, chỉ biết ôm nỗi oan một mình, cũng không dám la rầy em trai vì sợ ba mẹ biết được chuyện lỡ dỡ của nàng do Phan hủy bỏ lời ước hẹn thành đôi mà nàng đã trót khóc với ông bà.

Thời gian trôi qua, một năm, hai năm...

Lan Phương vẫn mãi chờ đợi Phan hồi tâm nghĩ lại lên thành phố tìm cô, nhưng chàng thì biệt tăm, như không còn nhớ gì đến người năm xưa. Đến một ngày đẹp trời, ba mẹ Phương cho cô hay đã nhận lời gả nàng cho con trai của người bạn thân từ thuở nhò. Dĩ nhiên là Lan Phương quyết liệt từ chối, không thể ưng người chưa quen biết và cũng vì lý do thầm kín là chờ người xa ấy, nhưng mẹ nàng cương quyết không nghe lời con gái, mà vẫn giữ vững ý định gả nàng cho Hướng. Nàng như bị ép giữa hai dòng chảy của cuộc đời! Sự chờ đợi Phan trong vô vọng; sự sắp đặt hôn nhân của cha mẹ. Cuối cùng, nàng phải chiều theo ý các bậc sinh thành để tròn đạo hiếu, kết hôn với người ba mẹ đã chọn cho mình. Hơn thế nữa, trước ngày cưới, mẹ nàng lại bắt phải đốt bỏ hết những bức thư của Phan, vâng lời mẹ những cô đã giữ lại tờ thư của mình đã gửi anh ngày nọ trong đó có dòng chữ quái ác của Nhân, với hy vọng ngày đó gặp lại “người ấy” sẽ nói rõ sự việc, nhưng ngày lại ngày qua “bóng người xưa” vẫn không thấy về thành phố cũ.

Dòng suy tưởng về dĩ vãng của bà Lan Phương đến đây liền bị tiếng gọi của con gái Phương Mai đánh thức:

- “Má ơi, đến nhà em Thu Hoài rồi kìa!”

Thấy má mình có vẻ uể oải, cô hỏi nhỏ!

- “Má mệt hả má, ráng chút xíu con đưa má vô nhà Hoài nghỉ nhe”. Rồi quay sang bà ngoại:

- “Ngoại mệt hôn, đi hơi xa ngoại hé”.

Bà cụ mở cắp kiếng mát ra, cười hiền hậu:

- “Không đâu, ngoại khỏe lắm, chỉ mong gặp Minh Kiên! Con của Lan Như thôi hà, con lo cho má con đi, coi bộ nó ngồi xe hơi không ổn à.”

- “Dạ ngoại.”

Ông Hướng ngồi ghế trước, nghe vậy liền móc túi đưa cho con chai dầu xanh, nói với Mai:

- “Nè con, thoa dầu cho má con đi, chắc bị say xe rồi đa”. Phương Mai thoa dầu hai bên thái dương cho mẹ. Bà không nói gì, xuôi theo để con gái săn sóc mình cho đến lúc tới nhà Thu Hoài.

Chiều xuống, khi chở về nhà, bà Lan Phương lên sân thượng ngồi bần thần suy nghĩ mải miết cho đến lúc ông Hướng tìm lên và ngồi bên cạnh mà bà như vẫn không hay biết, mà cứ thả hồn về dĩ vãng, khi ông đặt tay lên vai bà, tằng hắng một tiếng, nói nhỏ nhẹ:

- “Em khỏe chưa, hay còn mệt để tôi lấy thuốc cho uống nghe”. Bà giật mình quay lại gượng cười:

- “Không sao, em đã khỏe rồi, tại lâu rồi mới ngồi xe nên hơi khó chịu trong người thôi ông à”.

Ông Hướng hơi ngập ngừng:

- “Nhưng tôi thấy em vẫn còn mệt sao ấy.”

- “Em không sao rồi mà, ông đừng lo”

- “Vậy mình xuống dùng cơm rồi đi nghỉ ngơi nghe em”

Bà Lan Phương nhỏ nhẹ:

- “Em muốn ngồi lại thêm chút nữa”

Ông đành gật đầu chiều ý bà, bước đi nhưng còn ráng quay lại ân cần dặn dò:

- “Đừng ngồi lâu nghe em, sương xuống lạnh, em sẽ bị cảm đó.”

Bà Lan Phương rất cảm động trước tấm lòng yêu của chồng, một làn hơi ấm dịu dàng lan tỏa trong hồn bà trước tình yêu của người đàn ông của đời mình. Người thiếu phụ lại một lần nữa chìm đ8ám trong suy tư hồi lâu rồi như sực tỉnh sau một giấc mơ rất dài đến ngàn năm, bà nhủ thầm:

- “Từ nay, mình không nên nhớ hoài dĩ vãng đau buồn, mình phải quên đi những kỷ niệm không vui ấy, người đã phụ ta, cớ sao mình cứ phải ôm lòng nhớ thương hoài vọng”

Bà Lan Phương nhớ lại ngày làm lễ hôn phối long ttrọng ở Thánh đường cùng ông Hướng, trước sự hiện diện của Cha mẹ, anh em, họ hàng đôi bên và lời thề hứa trung thành với người hôn phối trước Thiên Chúa tối cao, và tình yêu của ông đối với bà trong hơn hai mươi năm qua đầy ân cần, tôn trọng lễn dịu dàng từng cử chỉ, tiếp đó là sự ra đời của con gái Phương Mai đánh dấu tình thân cao cả đã kết nối thành một gia đình.

Những suy nghĩ dấy đến lúc ngầy khiến bà hồi tâm và cảm thấy nhẹ nhõm, giờ thì “nỗi niềm khôn tỏ” như đã tan biến vào hư không.

Nơi chân trời xa xa đang dần nhuộm tím hoàng hôn, bà nhìn về phương ấy thầm nói “Người nơi ấy đã quên ta, cũng như ta sẽ quên người để bước qua cuộc đời mới, sống cho ta và gia đình nhỏ của mình.

“Từ biệt nhé, tình yêu thơ ngây một thời thiếu nữ lắm mộng mơ, bây giờ đã xa lắm”.

Hết.

Hoài Ly


BÊN NGOÀI ÁNH ĐÈN MÀU

Truyện ngắn

Cánh màn nhung đã khép, buông rũ, lặng lẽ. Anh đèn vàng vọt hắt bóng buồn tênh. Phía trước, hàng hàng lớp ghế ngồi trống không. Mấy cây quạt trần đứng yên, trầm tư nhìn xuống. Trên thềm xi - măng lạnh tanh, những mảnh giấy gói kẹo, xác mía, vỏ hạt dưa, miếng ổi gặm dở nằm vương vãi khắp nơi. Dấu tích khán giả để lại sau một cuộc mua vui
trong nhà hát. Họ mang niềm vui đi rồi, quanh đây, giờ chỉ còn lại nỗi buồn da diết, lan tỏa, tràn ngập.

Phía sau tấm màn nhung, hậu trường vắng lặng vô cùng. Nghệ sĩ đã ra về. Gương lược, phấn son la liệt, hỗn độn trên bàn trang điểm... Mọi thứ gợi buồn se sắt, đau thương.

Hương Thu đứng yên ngắm nhìn và khóc. Cô đắm chìm trong tiếc nhớ xa xăm. Quá khứ tựa vó câu qua song, thoảng chốc đưa Hương Thu về thời con gái tươi đẹp với những thành đạt bất ngờ.

Ngày ấy, Thu chỉ là một cô gái nhỏ vùng sông nước quê mùa. Thu lớn lên và sống bình dị bên ba mẹ. Hằng ngày, sáng sớm, Hương Thu phải đưa ba mẹ qua sông bằng chiếc thuyền con. Mấy công ruộng của gia đình Thu nằm bên kia bờ. Thu yêu làm sao những lúc lênh đênh trên sóng nước. Thuyền lững lờ trôi. Mây trông thấy, tinh nghịch đuổi theo. Thu khua nhẹ mái chèo, sóng dồn lên, chụp lấy ánh hồng vừa hé, mơn man mặt nước. Mặt trời còn mơ ngủ, đỏ lừ trên cao. Sương nấn níu chưa chịu tan quanh hàng cây nằm dọc bên bờ, lóng lánh, mát lạnh, gợi chút se se buôn buốt đầu đông. Xa xa, thuyền ai xuôi ngược! Vẳng đưa câu hò ngọt lịm, gợi cảm dạt dào:

Hò ơi... Ôi thôi rồi!
Thuyền về Đại Lược, thuyền ngược Kim Long.
Tới đây chổ rẽ của đôi lòng, gặp đây còn biết
Trên sông bến nào... ơ hờ.

Nhất là vào những ngày mùa, bến sông càng vui hơn. Thuyền nào thuyền nấy đầy ắp lúa chín vàng rực, thơm lừng. Ai cũng phấn khởi, sung sướng. Câu hò, điệu hát mang âm điệu rộn ràng:

Hò ơi... thuyền anh đầy ắp lúa vàng
Thuyền em chở khẳm ánh trăng đêm rằm
Em ơi... hẹn tới cuối năm
Anh xin cha mẹ... Ơ hờ,
anh xin cha mẹ cưới nàng cho anh
.

Những câu hát đẩy đưa, trêu ghẹo bâng quơ thế mà tô đậm nét đẹp quê hương, làm xao xuyến lòng cô gái tuổi dậy thì.
Có lần, khi còn lại một mình trên xuồng ba lá, Hương Thu đánh bạo cất giọng hò:

Hò... Hớ... Hơ... Thuyền em lờ lững trên sông
Chờ người lữ khách ngược dòng sông xưa
Trăng tàn, bến lạnh, sương thưa...
Người ơi có biết? Sao chưa thấy về!...

Vừa dứt câu, âm ba giọng hò còn ngân dài, mênh mang mà đã có ai đó buông lời trêu ghẹo:

Hò ơi... nầy cô em nhỏ kia ơi...
Có anh bên cạnh còn đợi người phương xa
Mơ chi trai chốn phồn hoa
Ta về ta tắm ao ta cho rồi...

Hương Thu vừa buồn cười vừa tức lý, cô liền cất giọng trả đũa:

Hò hớ... hơ... chẳng phải em chê ao nhà nước đục
Nhưng, tính anh... kỳ cục quá anh ơi...
Mở miệng ra anh nói nặng lời...
Hò ớ... thôi thì đành để cho đôi chân mỏi...
Hò hớ, đành để đôi chân em mỏi mà cái lỗ tai em nhẹ nhàng...

Hò xong, Hương Thu định chèo rảo về nhà thì có tiếng gọi lại:

- Cô ơi, cô!

Quay ngang, Hương Thu bắt gặp một chiếc xuồng vừa trờ tới. Tú Đờn và một người đàn ông lạ đang ngồi trên đó. Cả hai cười vui vẻ.

Tú Đờn chắc lưỡi:

- Cô hò hay quá mà giấu nghề ta ơi!

Thu lúng túng đáp:

- Ơ, tui... hò bậy bạ vậy mà hay hả anh Tú? Anh đi đâu vậy?

- Tui đưa chú Ba lên xóm trên có chút việc. À, chú Ba đây là trưởng ban nhạc của đoàn Hoa Hướng Dương đó cô Thu.
- Vậy sao! Mèn ơi! Cháu thích đoàn của chú lắm đó chú.

Người đàn ông vui vẻ bảo:

- Cám ơn cô, giọng hò của cô hay lắm. Vừa ngọt ngào, vừa dí dỏm, duyên dáng. Cô mà ca vọng cổ chắc phải hay lắm. Nếu chịu tập luyện thì sẽ không thua ai hết. Cô có thể thành một nghệ sĩ nổi tiếng.

Cũng vì lời nhận xét đầy hảo ý ấy, Hương Thu bắt đầu mơ mộng xa xôi. Cô tưởng tượng mình được mặc áo đẹp, đứng giữa ánh đèn màu rực rỡ, trước bao cặp mắt hâm mộ. Nên khi đoàn Hoa Hướng Dương ghé lại chợ huyện diễn tuồng, lúc họ rút lui, Thu lén trốn theo gánh hát. Dù Thu vẫn nhớ câu nói nghiêm ngặt của người xưa:

Trồng trầu trồng lộn với tiêu
Con theo hát bội, mẹ liều con hư.

Thu cho rằng, ai đó chắc không ưa nghề ca hát nên đã thốt ra như thế, chớ chẳng lẽ tất cả những ca sĩ, nhạc sĩ đều hư hết hay sao? Nói gì thì nói chứ Thu chỉ thấy dân chúng mê nghệ sĩ như điếu đổ. Tên tuổi một nhân vật lịch sử và ngày tháng họ dựng nên những trang sử lẫy lừng chưa chắc những người bình dân nhớ được. Nhưng, ngày tháng sinh đẻ của nghệ sĩ , tên vợ, tên chồng của diễn viên và tất cả những cuộc tình của họ, người ta nhớ không sót một chi tiết. Dù vậy, Thu vẫn không dám xin phép cha mẹ để đi hát. Cha mẹ Thu là những người chất phác, hiền lành. Họ sống với nương rẫy. Quanh năm, suốt tháng chỉ lo làm lụng nuôi đàn con dại. Niềm vui, nỗi buồn của họ phụ thuộc vào thu hoạch cao hay thấp, lúa đầy bồ hay cửa nhà trống hoác, chẳng có hạt thóc nào. Đói no, ấm lạnh chi phối họ suốt đời. Thỉnh thoảng, có gánh nào ghé qua, cả nhà kéo nhau đi xem hát đã là vương giả lắm rồi. Còn chuyện cho phép một đứa con, mà lại là con gái, đi theo đoàn hát thì quả là phiêu lưu, mạo hiểm. Một việc chưa bao giờ họ nghĩ tới.

Vì vậy, Hương Thu đã lén ba mẹ trốn theo... đoàn hát. Thu cố gắng học hỏi, vượt mọi khó khăn ban đầu và đã thành công. Đêm nào, tuồng nào có Hương Thu góp mặt thì được khán giả nhiệt tình ủng hộ. Làm sao Hương Thu quên được những ánh mắt ngước nhìn chăm chú, những cặp môi hé mở như uống lấy từng lời ca tiếng hát của Hương Thu. Thỉnh thoảng họ kêu lên: “Hay quá!”, “Ca mùi quá mạng!”. Trên sân khấu, trong ánh đèn màu, Hương Thu biến thành một
người khác. Sang trọng, kiêu kì hoặc nghèo nàn, hiền dịu. Qua vai diễn, Thu điều khiển cảm xúc của mọi người như một cô tiên có chiếc đũa thần như ý. Khán giả cười khi Hương Thu cười. Khán giả khóc khi Hương Thu sụt sùi, rơi lệ. Họ căm phẫn khi Hương Thu độc ác. Họ đau khổ khi Hương Thu bị hành hạ. Họ thở bằng hơi thở của Thu. Và, ngược lại, Thu sống nhờ vào lòng ngưỡng mộ, say mê của khán giả. Hương Thu cảm thấy mình đã chinh phục được đám đông. Và, nỗi vui lên đến mức tuyệt đỉnh khi có một hiện tượng lạ xảy ra.

Cứ mỗi đêm, sau khi diễn, tan hát, Thu nhận được một đóa hoa hồng nhung của một người lạ, giấu mặt. Không phải một bó mà chỉ có một cành duy nhất. Nhưng tuyệt đẹp. Cánh hoa tươi mượt mà như nhung. Màu đỏ thắm cứ như máu tim ai đó len nhẹ, hòa nhập vào lòng Thu rồi luân lưu khắp cơ thể. Nó tạo thêm sức mạnh cho Thu, góp hơi ấm cho tiếng ca, giúp Hương Thu xuất thần khi diễn.

Chẳng biết ngày xưa chàng Trương Chi xấu đến mức nào mà tiếng sáo của chàng không còn gây xúc động khi Mỵ Nương diện kiến. Còn Hương Thu, cô rất xấu, điều này ai cũng biết. Mỗi nét trên gương mặt Thu là một đường vẽ vụng về của tạo hóa. Cặp mắt bé tí nhưng mũi lại quá to. Nó choáng giữa khuôn mặt Thu một khoảng khá lớn, đôi môi dầy, nhợt nhạt. Vì vậy, dù hát hay, diễn giỏi, Hương Thu vẫn còn cô đơn, chưa có ai ngỏ ý cầu hôn. “Đóa hồng” xuất hiện, như mật ngọt rót vào lòng Thu niềm hạnh phúc vô bờ bến. Thu chơi vơi trong cảm xúc mới lạ xao xuyến dị kỳ. Lúc đoàn chuyển đi tỉnh khác để tiếp tục lưu diễn. Thu cứ tưởng cô sẽ phải xa “đóa hồng nhung” của cô. Nhưng, thật bất ngờ, từng đêm, đóa hoa cứ đều đặn đến khi cánh màn nhung vừa khép. Trong đoàn, ai cũng thắc mắc, họ đoán già, đoán non về chủ đóa hoa. Họ giục Thu tìm hiểu xem ai nhọc lòng dữ vậy? Thu cứ tảng lờ và ra vẻ chẳng quan tâm. Thật ra, mỗi khi cánh màn nhung khép lại, vãng hát, Thu háo hức chờ hoa như trẻ thơ chờ quà bánh. Thu chẳng dám tìm kiếm, cô sợ giáp mặt với sự thật. Biết đâu, mình sẽ lại là một Trương Chi xấu số. Người ta thường bảo: “Tình yêu trông xa như hạt kim cương. Nhưng khi đến gần thì chỉ là giọt nước mắt”. Thu vừa mong ngóng vừa muốn chạy trốn. Cuối cùng, chủ đóa hoa cũng xuất hiện trong một tình huống khá ngộ nghĩnh. Đứa bé “Sứ giả” hôm ấy thay vì mang hoa đến tặng Thu lại chạy ào vào hậu trường kêu cứu:

- Cô ơi! Chú gì đó... bị người ta đánh ghen lầm. Chưa kịp thay quần áo, Hương Thu chạy vội ra đường với bộ
cánh của một nàng công chúa. Thu chỉ kịp nhìn thấy gương mặt sưng húp của người ấy thoáng qua khi xe cứu thương vụt chạy. Thu đứng trơ vơ giữa phố khuya, lòng nhói đau lúc bỗng thấy đóa hoa hồng dập nát bên đường.

Nhưng, sau đó, người ấy đã tặng Hương Thu trái tim cháy bỏng yêu thương của mình. Và, Thu cũng hiến dâng cả cuộc đời lẫn vinh quang để đánh đổi. Hai người làm lễ cưới xong, Thu theo chồng về xứ lạ. Bắt đầu cuộc sống mới mẻ là làm vợ, làm một người bình thường.

Tuần trăng mật qua mau. Vị ngọt mất dần rồi chuyển sang đắng ngắt. Trong hoàn cảnh mới, Thu trở về con người thường nhật. Thu sống giản dị, không son phấn lụa là. Thu cặm cụi, vun vén hạnh phúc, chăm chút từng miếng ăn giấc ngủ cho chồng. Thu chỉ vui khi chồng vui, buồn cái buồn của chồng. Có lẽ, nếu chồng cần, Thu sẵn sàng chết. Người chồng dường như không nhận ra tấm lòng của vợ. Anh sống như đang xem một vở tuồng hạnh phúc gia đình. Trong đó, ngoài Thu, anh còn được một vai diễn. Có phải vì sung sướng quá, con người dễ hư hỏng, đổi thay?

Anh quên Thu đã rời bỏ sân khấu để về với mình. Cô hy sinh tiếng tăm, đánh đổi những tràng pháo tay, những câu khen ngợi để trở lại hạnh phúc đời thường. Bây giờ, anh đi tận khuya và thường trở về với cái hơi men sặc sụa. Rồi một lần trong cơn say, anh đã thét vào tai Thu:

- Hương Thu đây sao? Một mụ đàn bà xấu xí! Trời, sao tôi lại điên khùng đến thế không biết? Sao tôi lại có thể cưới cô ta?

Hương Thu nhận ra sai lầm của mình. Chỗ của cô là ở sân khấu, trên sàn diễn, dưới ánh đèn màu. Ở đó, Thu có thể phô diễn tài nghệ, năng khiếu độc đáo của mình bằng giọng ca đầy chất quyến rũ. Ở đó, Thu mới có thể khẳng định lại giá trị của chính mình bằng lối diễn nhập vai, xuất thần. Ở đó, son phấn sẽ tô điểm nét mịn màng trên làn da, màu xanh lên mắt, màu hồng lên môi. Ở đó, ánh đèn khi mờ khi tỏ đã che phần nào vẻ thô kệch trên dáng dấp. Và, ở đó, còn có tình yêu đồng nghiệp thiết thân vây bọc, chở che. Họ yêu thương Hương Thu chân thành và họ cũng mong đợi Hương Thu thành công như mong cho chính họ. Mọi người lúc nào cũng nương tựa vào nhau mà sống. Vậy mà Hương Thu đã bỏ chốn đó, mặc kệ sự hưng hoặc suy, mạnh yếu của đoàn để ra đi. Cô chụp lấy hạnh phúc, tình yêu như người ta chụp lấy khí trời để thở. Tiếc thay, Hương Thu vớ phải một quả bóng bay dễ vỡ. Hạnh phúc tan nhanh. Và quanh cô, bây giờ, tình yêu đã biến thành một hồ nước mắt không vơi.

Biết chồng có vợ lẽ, Hương Thu bỏ nhà trở lại đoàn hát. Thu muốn tìm về chỗ đứng của mình. Nhưng đã muộn. Trong đoàn, giờ đây, nhiều tài năng trẻ xuất hiện. Họ có thế mạnh là cái xông xáo của tuổi trẻ. Họ năng nổ, ham học hỏi, có nhiều đột phá trong cách diễn và sáng tạo khi cất giọng ca. Ngoài ra, họ còn có một lợi thế mà Hương Thu không có. Đó là nhan sắc. Những cô đào trẻ đẹp như đóa hoa hồng nhung tươi mơn mởn ngày nào. Chớ đâu như Thu, tuổi già ngấp nghé tới. Chất trong trẻo của tiếng hát giảm sút rồi. Làn hơi dường như ngắn lại, thiếu sức thuyết phục. Khán giả đã quên Hương Thu rồi. Và, bây giờ, Hương Thu chỉ được đóng những vai phụ, già nua, xấu xí.

Dù được anh em nghệ sĩ thương yêu, đùm bọc, Hương Thu vẫn cảm thấy khổ sở, đau đớn. Cô co lại và gục ngã bên nỗi đau bất tận của mình. Đêm đêm, Hương Thu chờ đợi cánh màn nhung khép lại. Mọi người về hết. Cô loanh quanh sân khấu, nhìn ngắm nhà hát về khuya. Hương Thu tìm kiếm quá khứ và đóa hồng nhung mà mình đã đánh mất từ dạo ấy.

Nguyễn Thị Mây (Trà Vinh)


MỤC LỤC

Chi tiết về cuộc họp ngày 11/7/2020 ........... Vũ Thư Hữu ............ 03

Hình ảnh sinh hoạt CLB Sách Xưa và Nay ................................ 06

Vài chi tiết về cuốn “Việc Công hãm thành Tuyên Quang”
của tác giả thuộc địa Pháp Dick de Lonlay,
một cuốn sách 131 tuổi đời (1889) ..... Vũ Anh Tuấn ............ 11

Lịch sử Giáo Hội Cộng Giáp (tt- kỳ 7 )
Bosco Nguyễn Văn Đình, Ofm & Giuse Nguyễn Hữu Triết . 14

Hai Nhà Báo thân thiết Hà Mai Anh & Bùi Văn Bảo
Phạm Vũ ............ 21

Con đường độ sinh .................... Tâm Nguyện ........... 34

Một đời lận đận “Đo rồi đếm...” ............................ 50
Già sao cho sướng
Nguyễn Hoàng Thanh - Đỗ Thiên Thư st. ............. 53

Sinh Ký Tử Quy ........... Lưu Ly - Hoàng Kim Thư st. .......... 57

Hoạt động đối ngoại, Giao lưu Quốc tế của Hội Nhà Văn Việt Nam (1957 - 2020) Thúy Toàn 67

Lời Nhắn Nhủ Trái Tim ............ Phạm Thị Minh Hưng ............ 85

Xưa Ơi! ..................... Đàm Lan ............ 86

Nhịp Cầu Thơ ............. Thanh Vĩnh ............ 87

Mẹ Nguyễn Thị Rành ............. Thanh Vĩnh ........... 87

Ngã Ba Đồng Lộc ................. Thanh Vĩnh ............ 88

Chống giặc Covid-19 ............. Thanh Vĩnh ............ 88

Hồi Tưởng ................ Vũ Thùy Hương ............ 89

Vọng Quê ................... Vũ Thùy Hương ............ 90

Ước gì có Mẹ .......... Vũ Thùy Hương ............ 91

Thuyền Thơ ................ Kim Thoa ............ 92

Tự Tình (Mời họa) ................ Kim Thoa ............ 93

Cảnh Đẹp Đầm Sen ........... Đinh Thị Diệu ............ 93

Cầu Mỹ Thuận ............. Lương Văn Nhung ............ 94

Nha Trang Biển Mơ ............. Phùng Chí Tâm ............ 95

Trước Cổng Trường Xưa ................ Kỳ Nam ............ 96

Chốn Huyền Không ............ Chữ Đồng Minh ............ 96

Ngày Xưa Áo Trắng .............. Nguyễn Thanh Tùng ............ 97

Về Bến Sông Quê ............... Chữ Đồng Minh ............ 97

Nguồn gốc do đâu? ................ Lê Minh Chử ............ 98

Tình Ảnh ............................ Vũ Anh Tuấn. ............ 99

Love Portrait ......... Translated by Vũ Anh Tuấn .......... 100

Sông Hương ......... Vũ Mão ......... 101

The Hương River
Vũ Mão - Translated by Vũ Anh Tuấn ........ 102

Vô Ưu ................ Lệ Ngọc st. ......... 103

Người đạo Phật lần Chuỗi Mân Côi ... Giuse Nguyễn Lê .......... 104

Những câu nói đáng suy ngẫm
Hà Mạnh Đoàn và Hoàng Chúc st ........ 108


Mười thứ nước uống khi đi ngủ rất tốt
Quan Thúy Mai st .. .......... 118

Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Bùi Đẹp st. . .......... 120

Những thứ cần phải quên ..... Đào Minh Diệu Xuân st. ...... 124

Vua Quang Trung diện kiến Vua Càn Long
Phạm Hiếu Nghĩa . ........ 127

Niềm Vui Khôn Tả ....... Hoài Ly ......... 133

Bên Ngoài Ánh Đèn Màu ...... Nguyễn Thị Mây ......... 143




|  151 |
 152 |
 153 |
 154 |
 155 |
 156 |
 157 |
 158 |
 159 |
 160 |
 161 |
 162 |
 163 |
 164 |
 165 |
|  166 |
 167 |
 168 |
 169 |
 170 |
 171 |
 172 |
 173 |
 174 |
 175 |
 176 |
 177 |
 178 |
 179 |
 180 |
|  181 |
 182 |
 183 |
 
|  151 |
 152 |
 153 |
 154 |
 155 |
|  156 |
 157 |
 158 |
 159 |
 160 |
|  161 |
 162 |
 163 |
 164 |
 165 |
|  166 |
 167 |
 168 |
 169 |
 170 |
|  171 |
 172 |
 173 |
 174 |
 175 |
|  176 |
 177 |
 178 |
 179 |
 180 |
|  181 |
 182 |
 183 |
 
Netadong.com thiết kế