VÀI CHI TIẾT VỀ CUỘC HỌP NGÀY 13/3/2021 CỦA CLB SÁCH XƯA VÀ NAY Như thường lệ, để mở đầu phiên họp, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên 2 quý thư mà ông mới có. Nhưng hôm nay, trước khi giới thiệu hai cuốn sách của mình, ông đã giới thiệu với các thành viên bộ sách 2 cuốn to đùng về các Tác Giả Văn Chương Việt Nam mà ông vừa mua hộ LM Triết trên mạng với giá vừa phải, là 5 trăm ngàn. Bộ sách giới thiệu trên 1000 tác giả nhưng phần lớn là các tác giả mới chưa có tiếng tăm gì, nhưng vì chơi sưu tập Kiều, nên khi có phần giới thiệu Cụ Nguyễn Du, thì LM Triết cũng mua để đưa vào sưu tập Kiều ngày càng lớn của ngài. Giới thiệu xong bộ sách của LM Triết, Dịch giả Vũ Anh Tuấn giới thiệu hai cuốn tân quý thư của ông, một cuốn bằng Pháp văn và một cuốn bằng Anh văn. Cuốn bằng Pháp văn mang tựa đề là Cuộc sống đam mê của Honoré de Balzac (La vie passionnée de Honoré de Balzac). Là người yêu thích đại văn hào Balzac từ bé, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã có cả chục cuốn sách về văn hào này, nhưng ông vẫn thích cuốn này vì trên bìa cuốn sách có một chữ ký thật đẹp của văn hào mà ông yêu thích. Đại văn hào Balzac có một cuộc sống rất ngắn ngửi, chỉ có 51 năm, nhưng tuy chết trẻ, ông vẫn là đại văn hào Pháp viết nhiều nhất với bộ Tấn Tuồng Đời vĩ đại đã đưa ông vào cõi bất tử. Cuốn sách tiếng anh là một cuốn sách khá đặc biệt vì tựa đề của nó là Sách Lăng Mạ (Book of insults) bên trong chứa đựng rất nhiều câu nói lăng mạ đủ loại người trong xã hội bắt đầu bằng các vị Tổng Thống Mỹ (US Presidents), các Bộ Trưởng, các Chính trị gia, các chính khách đủ loại, kế đến các Hoàng thân quốc t h ích, các giới quý tộc, các văn nhân các nữ sĩ, các nghệ sĩ. các chuyên gia vv… Thật là một cuốn sách lạ khi nó chứa đựng đủ mọi kiểu nói lăng mạ các thành phần nói trên của hai tác giả Donald Hook và Lothar Kahn. Gặp cuốn sách lạ, Dịch già Vũ Anh Tuấn tự hứa sẽ bỏ chút thời gian xem cuốn sách vớ vỉn đến thế nào và khi đọc xong, ông tự hứa sẽ san sẻ với các thành viên CLB của mình. Dịch giả Vũ Anh Tuấn giới thiệu sách xong, anh Nhung lên đọc một bài thơ về ngày Phụ Nữ . Sau anh Nhung, anh Phước Hải cũng lên đọc tặng các thành viên một bài thơ. Anh Phước Hải đọc thơ xong, chị Diệu lên hát tặng các thành viên một bài hát bằng tiếng Pháp “L’ amour est bleu” (Tình màu xanh). Tiếp lời chị Diệu, anh Quang Bỉnh lên hát tặng các thành viên vài bài ca cổ. Anh Quang Bình hát xong, anh Thái Sơn lên hát tặng các thành viên bài “Ngày tân hôn”. Sau anh Thái Sơn, anh Phạm Vụ lên nói về bài Cánh Gà Sân Khấu của LM Triết và về công trình của Lê Thương. Anh Phạm Vũ nói xong, anh Nhựt Thanh lên nói về câu truyện lịch sử sau 50 năm. Tiếp lời anh Nhựt Thanh, Kim Mai lên hát bài “Đợi anh về” thơ của Simonoff. Kim Mai hát xong, anh Kim Long lên đọc bài thơ Hạnh Phúc và ca bài ca “Bến Giang đầu”. Sau anh Kim Long, Hoài Ly lên đọc bài thơ “Kỷ niệm”. Sau Hoài Ly, anh Thanh Vinh lên đọc tặng các thảnh viên bài thơ đầu tiên khi anh mới bắt đầu làm thơ. Tiếp lời anh Thanh Vĩnh, Thùy Hương đọc tặng các thành viên 3 bài thơ “Đêm khuya”, “Trải lòng” và “Ly biệt”. Thùy Hương đọc thơ xong, Kim Sơn lên đọc một bài thơ của một phụ nữ nhắc nhở các quý anh “Thử làm vô rồi biết!” và hát tặng các thanh viên một bài ca về Thuở thanh xuân. Sau Kim Sơn, Tuyết lên hát tặng các thành viên bài “Một cõi đi về” của Trịnh Công Sơn. Tuyết hát xong, Quan Thùy Mai lên đọc tặng các thành viên bài thơ “Đợt Covid thứ 3”, và sau cùng , anh Hùng lên nói chuyện về sức khỏe và về bấm các huyệt trước khi đi ngủ, và buổi họp kết thúc lúc 11 giờ 20, khi các thành viên vui vẻ ra về hẹn gặp lại nhau trong kỳ họp tới. Vũ Thư Hữu
VÀI DÒNG VỀ CUỐN “BỐN MƯƠI NĂM NÓI LÁO” CỦA CỐ NHÀ VĂN VŨ BẰNG, MỘT NGƯỜI BẠN CHỈ QUEN SƠ, NHƯNG KHÁ THÍCH Tình cờ hôm nay tôi gặp lại trong tủ sách của tôi cuốn “Bốn mươi năm nói láo” cùa cố nhà văn Vũ Bằng, một người bạn trọng tuổi, tôi chỉ quen sơ, nhưng khá thích của những năm 70 khi ông gần 60 và tôi thì mới 33 tuổi. Lúc đó ông được gọi là “Ông Tây tím” vì da mặt của ông luôn tím bầm, và,vì là người suốt đời chỉ là “Chính Em gia” nên tôi ghét Cô Chị (Chính trị) ít thơm và không hề biết tí gì về việc ông là điệp viên nằm vùng nằm vèo. Ông là một cựu học sinh của trường tây Albert Sarraut, nên hai người chúng tôi hợp nhau ở chỗ cùng khá và thích tiếng Pháp, và rồi mới đây, vào năm 2018, do cũng có chút cơ duyên với nhau nên tôi và ông lại được cùng ở bên nhau (tôi rồi tới ngay ông) trong cuốn sách Tác Giả Việt Nam trong vần V in ở bên Mỹ. Thực ra cuốn “Bốn mươi năm nói láo” này này là cuốn nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin in lại cuốn dược in lần đầu ở Sài Gòn cũ năm 1969 do cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, một người tôi cũng quen, in và phát hành. Sau năm 75 tôi không còn gặp ông và nghe nói ông mất hồi năm 87, 88. Tôi cũng đã có bản in lần đầu tiên năm 1969 của cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai in có thủ bút và lời đề tặng của ông, nhưng đã cho một mẫu hậu mượn đọc và bà ta đã quên trả khi di tản qua Mỹ, sang tới nơi bà ta mới viết thơ về xin lỗi chuyện làm thất lạc cuốn sách của tôi ngày ra đi. Với tác giả Vũ Bằng hai từ “nói láo” của ông có nghĩa là làm báo, nhưng trong Lúc sơ giao tôi chỉ thích nói với ông về mấy tờ Truyền Bá, Ích Hữu, Tiểu thuyết Thứ bảy, và Trung Bắc chủ nhật. Cuốn “Bốn mươi năm nói láo” của ông được chia làm năm phần: Phần một được ông đạt tên là “Báo Tếu”, phần hai là “Báo đấu tranh”, phần ba là “Báo xây dựng”, phần tư là “Báo hại”, và phần 5 cũng là phần chót được ông đặt tên là “Báo là gì?” và nói về “Đệ tứ quyền của Báo chí mà ông cho là “quyền rơm vạ đá”. Cầm cuốn sách trong tay, tôi chợt nhớ về những buổi sáng ngồi với “Ông tây tím” tại cái quán nhỏ của cố nhả văn, dịch giả Nguyễn Minh Hoàng, nơi chợ sách cũ dọc theo bộ Công Chánh trên đường Công Lý cũ, và tất cả chỉ còn là những hoài niệm vui … đã chấm hết. Trích “Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI” Vũ Anh Tuấn
HÌNH ẢNH SINH HOẠT CLB SÁCH XƯA VÀ NAY
LỊCH SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO (tiếp theo số 174) BÀI 12: THÁNH PHANXICÔ ÁTXIDI ĐẤNG SÁNG LẬP DÒNG ANH EM HÈN MỌN I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ Thánh PHANXICÔ sống vào giữa hai thế kỷ 12 và 13. Đây là một thời kỳ đầy biến động. Về mặt chính trị, Đế Quốc Đức vẫn làm bá chủ Âu Châu nhưng quyền hành đã đến lúc bị lung lay. Các chư hầu xưng hùng xưng bá, các thị trấn xung đột lẫn nhau. Về mặt xã hội, do sự phát triển của công nghệ và thương mại, nhiều đô thị mọc lên. Giữa giai cấp quý tộc và giai cấp thứ dân, xuất hiện một giai cấp mới, được gọi là giai cấp trưởng giả hay tiểu tư sản. Về mặt tôn giáo, các cuộc viễn chinh của Đạo Binh Thánh Gía tỏ ra kém hiệu quả trước người Hồi Giáo và ngày càng đi xa các mục tiêu nguyên thủy là chiếm lại Thánh Địa, củng cố sự đoàn kết trong Giáo Hội và đền tội… Trong nội bộ, có những phong trào giáo dân đứng lên đòi hỏi cải cách Giáo Hội, một Giáo Hội quá giàu có và đầy quyền lực. Những phong trào này là những phong trào quần chúng, lấy tên là phong trào PATARIA có nghĩa là phong trào “Dân Đen”. Trong số các phong trào, nổi bật nhất có phong trào của những người theo phái Catha, phái Vôđoa và nhóm “Những người khiêm hạ”. Nhóm Catha, phát xuất từ thị trấn Albi bên Pháp, chủ trương sống khắc khổ và lên án nếp sống phóng túng của một số giáo sĩ thời đó. Nhóm Vôđoa gồm những người hưởng ứng lời kêu gọi của ông Vanđô, một thương gia giàu có tại Lyon, đã cùng nhau đem hết của cải phân phát cho người nghèo, rồi tự nguyện sống đời nghèo khó, chú tâm lo việc từ thiện, siêng năng đọc Thánh Kinh và đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng. Họ xưng mình là “Những người nghèo thành Lyon”. Sau này bị trục xuất khỏi nước Pháp, họ chạy sang Lombardi bên Ý và thành lập nhóm “Những người khiêm hạ”, gồm linh mục, tu sĩ và giáo dân, chủ trương sống bác ái, khiết tịnh và nghèo khó. Nói chung, những nhóm trên đều quy tụ những con người thành tâm thiện chí, mong muốn Giáo Hội trở về với nếp sống khiêm hạ, vô sản của các tông đồ xưa. Họ đòi hỏi hàng giáo sĩ phải sống cho phù hợp với Phúc Âm hơn nữa. Chỉ tiếc một điều là với thời gian, họ trở thành những người quá khích, vượt ra ngoài giới hạn của lẽ phải và của tinh thần Phúc Âm chân chính. Chính trong bối cảnh lịch sử này mà PHANXICÔ đã xuất hiện. II. PHANXICÔ CÓ GÌ ĐỘC ĐÁO ? PHANXICÔ (1182-1226) là con của một thương gia giàu có tại Átxidi miền Umbria, nước Ý. Gia đình Phanxicô không thuộc giai cấp quí tộc mà cũng không thuộc giai cấp thứ dân. Gia đình ngài thuộc giai cấp của những người nhờ tay nghề và tài buôn bán mà trở nên khá giả. Tuổi trẻ của ngài trôi qua trong cảnh giàu sang phú quí. Trong một trận chiến giữa thành Átxidi và thành Pêrusia, một thị trấn kế cận Átxidi, Ngài bị bắt làm tù binh và sau một cơn bịnh xảy ra sau đó, Phanxicô đã thay đổi hẳn nếp sống. Từ một cậu công tử hào hoa, Phanxicô đã từ bỏ tất cả để trở nên một người hành khất, đi khắp nơi kêu gọi mọi người cải thiện đời sống, trở về với đức Nghèo Khó Phúc Âm, và cùng nhau chung sống hòa bình. Chung một lý tưởng với các phong trào giáo dân hồi đó, thánh Phanxicô và anh em của ngài chủ trương sống nghèo khó theo tinh thần Phúc Âm. Tuy nhiên giữa các phong trào nói trên và thánh Phanxicô, có các điểm khác biệt sau đây: 1. Phanxicô không hề phê bình hay lên án Giáo Hội và những người giàu có. Phanxicô sống nghèo không phải để phản đối một tình trạng xã hội nhưng vì ngài thực sự muốn sống nghèo khó như Chúa Giêsu đã sống tại Nadarét. 2. Phanxicô không chống lại hàng giáo phẩm. Người luôn tỏ ra tin tưởng các Linh Mục, kính trọng các Đức Giám Mục và tuyệt đối vâng phục Đức Giáo Hoàng, cho dù ngài có nhận ra những lỗi lầm và thiếu sót của các vị giáo sĩ này. 3. Phanxicô luôn yêu mến vạn vật, trong lúc nhóm Catha thù ghét vạn vật, và cho rằng vạn vật đã bị suy thoái, thù nghịch với con người. 4. Như các phong trào đòi hỏi cải cách thời đó, Phanxicô lấy Phúc Âm làm lẽ sống cho bản thân và cho các anh em tu sĩ. Tuy nhiên Phanxicô không bao giờ giải thích Phúc Âm theo cách hiểu riêng của cá nhân hay của nhóm, trái lại, Ngài luôn tôn trọng lối giải thích chính thức của Giáo Hội. III. NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA THÁNH PHANXICÔ Thánh Phanxicô đã tạo được một tiếng vang lớn trong Giáo Hội. Ngài đã đáp ứng trọn vẹn những đòi hỏi của người Kitô Hữu thời bấy giờ là được trông thấy một Giáo Hội quá giàu có và đầy quyền lực trở nên khiêm hạ và nghèo khó, đồng thời được thấy một xã hội đang bị cấu xé bởi mọi thứ quyền lợi cá nhân được chan hòa tình anh em. Phanxicô không có tham vọng lấy quan niệm về sự nghèo khó của mình để cảm hóa các giáo sĩ, nhưng lối sống của Phanxicô đã khiến cho một số các nhà lãnh đạo Giáo Hội thời đó phải suy nghĩ. Có nhiều vị Giám Mục như vị Giám Mục địa phận Ótxia, sau này là Đức Giáo Hoàng Incôcentiô III, đã phải ứa nước mắt khi thấy Phanxicô và anh em của ngài sống quá thiếu thốn. Trong thực tế, tình huynh đệ và nghĩa hèn mọn do Phanxicô khởi xướng đã có một sức thu hút lạ thường. Chỉ tính đến nửa thế kỷ 13 mà thôi, thì đã có trên 80 ngàn tu sĩ Phan Sinh, đó là chưa kể những anh chị em Dòng Ba Phanxicô (nay gọi là Dòng Phan Sinh Tại Thế), là những người sống giữa chợ đời mà vẫn quyết chí tu thân theo tinh thần thánh Phanxicô. Xét về mặt tư tưởng, Phanxicô đã có những quan niệm độc đáo về Thiên Chúa, về con người và vạn vật. Đây là một Thiên Chúa đầy lòng thương xót, một xã hội loài người đầy tình anh em và một vạn vật xinh đẹp, thân thiện với con người. Những tư tưởng này chúng ta có thể đọc thấy trong Di Cảo của thánh Phanxicô hay trong các tác phẩm do các nhà thần học Phan Sinh thời bấy giờ như Alexan Halès, thánh Bonaventura, Roger Bacon. Duns Scot Ockham… IV. TA NGHĨ GÌ ? Paul Sabatier, một học giả Tin Lành đã viết về thánh Phanxicô đại ý như sau: Đối với các bè rối, thánh Phanxicô đã không dùng các luận cứ thần học để đánh bại họ. Phanxicô đã dùng chính nếp sống nghèo khó, huynh đệ và chan chứa tinh thần Phúc Âm để cảm hóa và làm chậm bớt bước tiến của họ. Tôma thành Xêlanô, trong cuốn tiểu truyện về thánh Phanxicô, có ghi lại một giấc mơ đầy ý nghĩa của Đức Giáo Hoàng I-nô-xen-xi-ô thứ III. Một hôm vị Giáo Hoàng này mơ thấy ngôi Thánh Đường Latêranô xiêu vẹo, sắp sụp đổ. Lúc bấy giờ có hai tu sĩ đứng ra, đưa vai nâng đỡ… Thánh Đường Latêranô nói đây chính là Giáo Hội và hai vị tu sĩ kia chính là thánh Đôminicô và thánh Phanxicô. Bài đọc thêm ĐỨC NGHÈO PHAN SINH 1. CÁCH THỨC PHỤC VỤ VÀ LÀM VIỆC “Ai có khả năng làm việc thì làm việc và hành nghề mình biết, miễn là nghề ấy không gây thiệt hại cho phần rỗi linh hồn mình và được xem là lương thiện. Vì vị ngôn sứ nói: “Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng; bạn quả là lắm phúc nhiều may”. Còn Thánh Tông Đồ nói: “Ai không chịu làm thì cũn đừng ăn” ; và “mỗi người cữ giữ lấy nghề nghiệp và chức vụ của mình như khi được gọi”. Đổi lại công việc mình làm, anh em có thể nhận mọi đồ vật cần thiết ngoại trừ tiền bạc.Khi cấp bách, anh em hãy đi hành khất như những người nghèo khác. Anh em được phép có những dụng cụ cần thiết cho nghề nghiệp”. 2. ANH EM KHÔNG ĐƯỢC NHẬN TIỀN BẠC “Do đó dù ở đâu hay đi đâu, anh em tuyệt đối không được phép giữ tiền bạc, cũng không được nhận hay nhờ người khác nhận thay, để mua sắm áo quần hay sách vở, hoặc vì đó là tiền người ta trả công. Tóm lại, trong bất cứ trường hợp nào, anh em cũng không được nhận tiền bạc, trừ khi vì nhu cầu cần thiết của anh em đau ốm”. “Chúng ta đừng xem tiền bạc hữu ích hơn sỏi đá.Ma quỷ tìm cách làm mù mắt những ai ham muốn hoặc coi trọng tiền bạc hơn sỏi đá”. 3. ĐI XIN CỦA BỐ THÍ “Tất cả anh em hãy cố gắng bước theo Chúa Giêsu khiêm nhường và nghèo khó; hãy nhớ rằng chúng ta không được có gì khác ở trần gian ngoài của ăn, của mặc, như Thánh Tông Đồ nói : “Có cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ”. “Anh em hãy lấy làm vui mừng khi tiếp xúc với những người bình dân quê mùa và bị khinh dể, nghèo hèn và đau ốm, tàn tật và phong cùi, cũng như những kẻ ăn xin ngoài đường. Khi cần thiết, anh em hãy đi xin của bố thí”. “Mỗi người hãy bày tỏ cho những anh em khác nhu cầu của mình để họ tìm cách giúp đở cho. Mỗi người cũng hãy yêu thương và nuôi dưỡng anh em mình như mẹ hiền yêu thương và nuôi dưỡng con cái. Thiên Chúa sẽ giúp anh em chu toàn nhiệm vụ đó. Trích Luật Dòng Anh Em Hèn Mọn, Bản Luật Không Sắc Chỉ 1221 (còn tiếp) Bosco Nguyễn Văn Đình, Ofm Giuse Nguyễn Hữu Triết
THÂN PHẬN ĐÀN ÔNG XƯA VÀ NAY Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 Được tổ chức sớm nhất vào ngày 28/2/1909 tại New York, Mỹ do Đảng Xã hội Mỹ tổ chức để tưởng niệm cuộc đình công năm 1908 của Hiệp hội Công nhân May mặc Quốc tế. Không có cuộc đình công nào vào ngày 8 tháng 3 năm đó. Liên Hiệp Quốc bắt đầu kỷ niệm Ngày QTPN trong Năm Quốc tế Phụ nữ - năm 1975. Năm 1977, Đại hội đồng LHQ tuyên bố ngày 8 tháng 3 là Ngày của LHQ về quyền phụ nữ và hòa bình thế giới. Hiện nay ngày Quốc tế Phụ nữ là ngày lễ chính thức tại đa số các nước XHCN: Afghanistan, Angola, Armenia, Azerbaijan, Belarus, Bulgaria, Burkina Faso, Campuchia, Cuba, Gruzia, Guinea-Bissau, Eritrea, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Lào, Madagascar, Moldova, Mông Cổ, Nga, Nepal, Tajikistan, Trung Quốc, Turkmenistan, Uganda, Ukraina, Uzbekistan, Việt Nam và Zambia.
Phụ nữ có 3 ngày: 14/2 & 8/3 và 20/10 (ngày Phụ nữ VN) THÂN PHẬN ĐÀN ÔNG XƯA VÀ NAY Nhớ là ngày ấu thơ, ngày lên 7 tuổi, tôi xin bố cho đi dã ngoại với lớp, bố nói: “Hỏi mẹ mày ấy. Bả cho thì đi”..Khi lên 8 tuổi, lớp tôi tổ chức cắm trại, cho tất cả học sinh ngủ lại. Tôi xin mẹ, mẹ bảo: “Đi đi, nhưng sáng dậy nhớ đánh răng”. Tôi hỏi: “Ơ thế mẹ không hỏi ý bố à?”. Mẹ bảo: “Tao chịu là bố mày chịu”. Đấy là lần đầu tiên trong đời, tôi có ý niệm về bất bình đẳng giới. Lịch sử loài người khởi đi từ loài vượn. Từ ấy đã có bất bình đẳng giới. Phụ nữ thì hái lượm, nam giới thì săn bắn. Ngành thống kê chưa ra đời, nhưng xác suất chết vì hái lượm rất thấp, trừ khi đi hái sầu riêng hay hái dừa. Tai nạn lao động bằng không. Ngược lại, nam giới phải đi săn voi ma mút, săn cọp răng kiếm, săn tê giác, heo rừng. Nhẹ thì lủng bụng lòi phèo, nặng thì chết queo. Phụ nữ ở nhà rống lên: “Ôi làng nước ơi, con quỷ cọp răng kiếm nó lụi chồng tôi”. Khóc ba ngày ba đêm xong bèn đi lấy chồng khác. Đàn ông Mông Cổ uy dũng sống trên lưng ngựa. Đến tối về làm con ngựa cho phụ nữ cởi. Trong Game of Thrones, anh thủ lĩnh Dothraki thần uy lẫm lẫm, bất khả chiến bại, làm vua cả một vùng thảo nguyên. Ngu dại cưới mẹ Rồng về, ra trận ăn một nhát chém, nhiễm trùng chết queo. Mẹ Rồng lập tức có trai mới. Khi có chiến tranh, đàn ông bị lôi ra trận, không hẹn ngày về. Trong Trân Châu Cảng, nhỏ vai chính đơm luôn anh bạn thân của anh lính ngỡ như đã chết trận. Tôi nghĩ phong trào khởi nghiệp xuất phát từ việc các anh muốn có tiền cho vợ đi shopping mà ra. VN có ngày 14/2, 8/3 và 20/10 chứ làm gì có ngày đàn ông. Cách đánh giá của đàn ông và phụ nữ cũng cực kỳ bất công. Nếu nói: “Con ấy đàn ông” tức là khen cô nàng độc lập, nhưng bảo: “Thằng ấy đàn bà” tức là chửi mười tám đời tổ tông nhà nó. Đàn bà mặc quần jean đẹp tuyệt, tôn lên đường cong. Đàn ông đi uống bia chỉ muốn có cái váy để đi toalet cho tiện, nhưng mấy ông nào dám mặc. Đàn ông Scotland, các anh mới thực sự là nam nhi chi chí. Hai người phụ nữ nắm tay nhau đi ngoài đường, người ta thấy dễ thương. Chứ hai trai mà nắm tay đi kiểu gì cũng bị dị nghị. Phụ nữ chỉ thật sự hạnh phúc sau khi lấy chồng. Còn đàn ông lấy vợ rồi mới biết mình đã từng hạnh phúc. Sáng nay, vợ nhét 500 nghìn vào ví, nhìn mặt Bác Hồ trong cái tờ màu xanh ấy tôi chỉ cơ hồ bật khóc, chỉ kịp nói: “Cháu nhớ Bác” rồi đi ra ngoài ăn tô canh bún. Lương của phụ nữ từng thấp hơn lương đàn ông. Bởi vì công việc họ chỉ là kiếm thêm, còn tiền chính đã lấy hết của chồng rồi. Câu đố ấy đã đi vào huyền thoại: “Con gì ăn ít nói nhiều, chóng già lâu chết miệng kêu tiền tiền”. Đấy là con vợ. Nhưng nói vui thế thôi, dám gọi vợ là con thì sẽ bị đánh như con chứ chả chơi. Lại nói chuyện tình dục. Rất ít ai chê phụ nữ kém chuyện chăn gối, nhưng đàn ông thì đủ thứ nỗi ám ảnh trên đời. Mỗi lần họ cởi đồ ra, ánh mắt dò xét của nữ nhân lướt qua một lượt. Người tinh tế sẽ nói: “Nhìn cưng ha”, người sỗ sàng sẽ hô: “Bé thế”. Ôi, tàn một đời trai. Phụ nữ có thể lên đỉnh 7 lần 7 bốn mươi chín lần trong một hiệp. Đàn ông làm một hiệp đã như lội ba quãng đồng. Đã vậy còn phải có trách nhiệm kéo dài. Câu “nhanh thế” với vận động viên điền kinh là tán dương, với đàn ông trên giường là cả một sự xúc phạm. Bạn thấy đấy, nữ Việt lấy trai tây rất nhiều. Nhưng trai Việt nào dám lấy gái ngoại. Vì họ mặc cảm thân phận thấp hèn, chưa tu tập đủ nên không dám giao lưu quốc tế, sợ nhục quốc thể. Đàn ông Việt khổ lắm. Bố và con trai nói chuyện. Con trai: Con muốn lấy vợ - Bố: Xin lỗi đi Con trai: Sao lại xin lỗi ạ - Bố: Xin lỗi đi Con trai: Nhưng con có làm gì đâu ? - Bố: Xin lỗi đi. Con trai: Ơ kìa bố, sao lạ thế ! -Bố: Xin lỗi đi Con trai: Xin lỗi ạ. Bố: Con đã trưởng thành. Nếu con có thể xin lỗi ngay khi không biết mình có lỗi gì thì con đã có thể lấy vợ rồi đó. Vâng, phụ nữ đã thống trị đàn ông hàng nghìn năm lịch sử. Và họ không chỉ muốn ta tâm phục, họ còn muốn ta khẩu phục. Thế nên còn đẻ ra thêm ngày 8/3. Đau đớn xiết bao! Viết xong bài này bèn đi đấm lưng cho vợ. THÂN PHẬN ĐÀN ÔNG TRONG TÌNH YÊU Cá nhân tôi thấy nếu so sánh thân phận đàn ông trong tình yêu với thân phận của những con cừu, e rằng cừu sẽ ngượng đến xoăn lông. Tình yêu dường như là một trò chơi của đàn bà và đàn ông chỉ là những tay nghiệp dư khờ khạo đến đau lòng trong trò chơi ấy. Ngày hội của tình yêu - ngày 14-2 - chắc chắn do đàn bà nghĩ ra nên mới có chuyện trong ngày này phải tặng hoa hồng và sôcôla là những thứ mà đàn bà thích. Nếu ngày hội của tình yêu do đàn ông nghĩ ra, chắc chắn người ta sẽ tặng nhau những thứ khác, ví dụ như chai rượu hay tút thuốc lá. Trong những lĩnh vực khác như chinh phục vũ trụ hay khám phá bí ẩn dưới đáy đại dương, đàn ông là những người chiến thắng, là những ông trùm. Nhưng trong tình yêu đàn ông như con voi trong cửa hàng chén đĩa, như cậu bé giữa bãi mìn. Bởi vì “trai thời loạn, gái thời bình”, trong thời buổi bốn bề phẳng lặng hai kinh vững vàng này, đàn bà là number one và nghĩ ra đủ mọi thử thách mà đàn ông phải vượt qua để được yêu. Đối với đàn bà, tình yêu và sau này là gia đình sẽ là cả bầu trời, cả vũ trụ, cả cuộc đời. Nhưng nó lại không như thế đối với đàn ông, tình yêu không phải là “sân chơi” của đàn ông và khi đàn ông mon men vào “sân chơi” ấy tất nhiên phải chấp nhận thân phận bèo bọt. Đàn ông bây giờ muốn yêu và được yêu phải chuẩn bị nhiều thứ hơn thợ săn khi đi săn chuẩn bị đạn. Đàn bà khi yêu đôi khi chỉ cần đôi mắt và nụ cười lúng liếng, còn đàn ông phải nghĩ xem cống hiến cái gì để đôi mắt ấy và nụ cười ấy lúng liếng hơn. Thân phận đàn ông trong tình yêu như thể thân phận con trâu kéo cái cày tình yêu, nhưng đàn ông chấp nhận thân phận của mình vì đàn ông là đàn ông ( PHAN AN). Chồng tôi Thực sự càng vào tuổi già chàng càng “ ngớ ngẩn” và hay quên. Ngày xưa khi chàng còn trai trẻ thì có lẽ có “hạnh kiểm” hơn trong những ngày tháng muộn màng. Thưở ấy (dưới mắt chàng) tôi có một dáng dấp không đến nỗi tệ. Bây giờ chàng đã quên mất cô vợ ngày ấy; thay vào đó là những cái nhìn ngẩn, nhìn ngơ cho những cô gái chân dài bất tận, không liên hệ chi với chàng, mà còn khen rối rít,“con nhỏ đó có cặp giò ngon dễ sợ!” Đi ngoài đường thấy gái đẹp thì chàng quên bẳng là đang đi với vợ mà tưởng rằng tôi là thằng bạn nối khố của chàng, “ Trời! Trời! Ngó cái mông thiệt đã!” Có khi tôi đã thấy chàng nhìn chăm chăm mấy cô gái phô bày cặp ngực, khêu gợi, căng đầy nhựa sống; rồi chàng nhìn theo trong kính chiếu hậu tiếc ngẩn tiếc ngơ; tôi cũng đoán được chàng đang suy nghĩ gì! Có phải ông cha ta đã nói: “Gìa thì phải nên nết”. Hình như đây chỉ là một giả thuyết? “Cụ” nhà tôi bây giờ còn “tinh nghịch” hơn xưa. Cụ đã cùng với những cụ khác dấu diếm gởi cho nhau những tấm hình táo bạo, những khúc phim “đặc sắc” để chiêm ngưỡng, rồi cười đùa khoái trá như những cậu học sinh trung học ngỗ ngáo. Nếu bị phát giác thì cụ lại chối leo lẻo “No, I’m a good guy!” Mỗi lần có hình khỏa thân hấp dẫn hay phim “nghèo” là trong làng bằng hữu của chồng tôi thật nhộn nhịp, rộn ràng: “Mày cho tao xin phim này đi. Mày upload lên megaupload thì rất thuận tiện vì tao có premium account với thằng này.” Ngay cả những anh thường hơi thẹn thùng trong chuyện đóng góp và tán dóc cũng trồi lên, “Thằng … trồi lên chỉ khi nào nó ngửi thấy mùi : dâm , vú … Tôi còn nhớ khi cụ nhà tôi gởi tựa đề của cuốn sách 365 sex positions lên mail group của cụ thì gần như suốt một tuần các cụ đã tranh cãi và thảo luận sôi nổi về đề tài nầy còn hơn những bài luận văn chính trị cuối mùa văn hóa hồi các cụ còn mài đũng quần ở Đà lạt! Chưa đủ, có cụ còn chôm nguyên cuốn sách trình làng với đầy đủ hình ảnh chi tiết. Có cụ còn muốn vớt vát cho cái lém lĩnh của mình bằng sự trấn an của khoa học:- Nói có sách, mách có chứng. Mỗi ngày chỉ cần 10 phút coi hình thiếu vải thì hạ huyết áp, tránh được bệnh tim. Bí quyết sống lâu đây rồi, mỗi ngày chỉ 10 phút thôi, không phải tin đồn bậy bạ mà có nghiên cứu đàng hoàng. Đã có gan coi hình tươi mát mà còn sợ “thượng mã phong!” Đàn ông, theo y học chứng minh-đầu óc của họ lúc nào cũng đầy dẫy chuyện gió trăng và hơi hám đàn bà lúc nào cũng vương vấn trong những cuộc đối thoại. Không sai tí nào! Khi chồng tôi dự định mua máy hình, anh hỏi loại máy hình gì tốt, đẹp và bền, thì ngay lập tức các đồng môn của anh xúm lại khuyên bảo : “Nhu cầu của mỗi người khác nhau, vấn đề là mình phải biết nhu cầu của mình là gì thì mới chọn lựa được sản phẩm thích hợp. Có người thích em trắng, kẻ thích em đen, người chuộng da rám nắng, kẻ thích vú bự, người mê ăn quýt. Tùy theo khẩu vị mà chọn hàng. Nhưng nói gì thì nói họ vẫn thuộc làu câu ca dao tục ngữ gối đầu giường “Ta về ta tắm ao ta…” Rồi lại phụ đề thêm Việt Ngữ: “Cái này là nói mấy em chân dài, nói phở thôi. Cơm nhà dù sao vẫn chắc bụng, no lâu. Phở dĩ nhiên, nấu vừa mất thời gian lại còn tốn kém nhưng anh nào cũng khoái “ăn vụng”. Điều nầy không phải không đáng sợ. “ Trên bảo dưới không nghe.” Đây là điều đáng quan tâm nhất của các đấng mày râu khi họ đến tuổi về già. Tôi thấy đức lang quân của tôi thường nhận được những lời chia xẻ của bạn bè để làm thế nào mà “ trẻ mãi không già” Chưa đủ, họ còn truyền cho nhau những loại rượu, có khi luôn cả những thang thuốc truyền kỳ để cùng tìm hiểu bí quyết về huyền sử ái ân. Khi có dịp gặp nhau thì lại thì thầm, mách nước xem thử kết quả có ly kỳ như họ nghĩ hay không. Lạ lùng thay tôi chưa nghe anh nào thật sự thố lộ là những chung rượu thần kỳ và các liều thuốc nổi danh lịch sử đã làm cho họ cải lão hoàn đồng! Đức lang quân của tôi cũng đã dại khờ, liều mạng tu gần nữa chai rượu của một người bạn quý cho anh để đi tìm kết quả. Nhưng chàng đã quên mất rằng hai anh em, thằng lớn, thằng nhỏ, cùng một tuổi thì thuốc tiên, phép lạ cũng phải bó tay. Chồng tôi có một đặc điểm là biết “vâng lời” vợ. Một phần là nhờ anh ở phương tây khá lâu nên không ít thì nhiều anh cũng có tiêm nhiễm về nếp sống văn minh nơi xứ người. Kỷ niệm ngày cưới, sinh nhật hoặc ngày của tình yêu mà quên là anh “lãnh nợ”. Để tránh khỏi mua quà tầm bậy anh thường cẩn thận hỏi trước (thà mất lòng trước được lòng sau!) , “ Em thích qùa gì cho sinh nhật của em?”. Tiền đâu anh mua hột xoàn, kim cương; tiền đâu anh mua xe hơi, nhà lầu hay những món quà đắt giá! Nhưng dại gì mà nói, anh phải tự suy nghĩ để đem lại sự ngạc nhiên vui thích cho mình- “Không cần đâu anh! Em đâu thiếu gì!” Ông chồng tôi thở phào nhẹ nhõm, cứ thế mà làm theo, chẳng quà cáp gì ráo. Tưởng vâng lời như thế thì được điểm tốt, nhưng chiến tranh lạnh đã xảy ra. Anh lại ngây thơ thăm hỏi, “ Sao em lạnh lùng như băng giá?” Khi chiến tranh bùng nổ thì anh trả lời “ Em nói em không cần gì hết mà tại sao bây giờ không vui! Em nói sao thì anh nghe vậy có gì mà hờn giận, trách móc...?. Nếu cho rằng anh là một ông chồng “lý tưởng”- nghĩa là: đẹp trai, vạm vỡ, hào hoa, phong nhã, đa tình, lãng mạng thì có lẽ anh sẽ được chấm hạng dưới trung bình; cũng có thể gọi là hạng chót! Nhưng anh là một người thật thà. Ngày xưa anh yêu tôi vì tôi có mái tóc thật dài, xõa ngang lưng, thơm mùi quyến rũ. Ngày hôm nay tôi càng cố gìn giữ bao nhiêu, thì hàng chục sợi tóc đáng thương cứ cuốn theo chiều gió mà bay mãi. Chải tóc cho tóc mượt thì chỉ thấy nền nhà phủ đầy những sợi tóc khô khan của tuổi đời. Anh bây giờ không còn vuốt tóc tôi như ngày xưa mà còn bảo: “ tóc em sao rụng quá cỡ vậy? Vài năm nữa không đội tóc giả thì cũng thành ni cô! Nghe mà nóng gà, muốn nổi tam bành lục tặc. Một điểm đặc biệt và “đáng yêu” của chồng tôi là anh rất thẳng thắng phải nói rằng- “toạc móng heo”. Tôi có một cái tính là thích ăn mặt hơi hở hang, có lẽ cũng muốn níu kéo một tí gì trước khi xã hội xếp mình vào dĩ vãng. Nhưng khi mặc áo đầm , váy ngắn hoặc áo cổ rộng tròn phơi bày thì sẽ được anh thẳng thắn khuyên nhủ:- “ Em mặc như vậy có ngày trúng gió bất tử.” Anh làm tôi cụt hứng – tưởng rằng ăn mặc mát mẻ sẽ làm anh gợi cảm và nhìn tôi như những đàn bà trẻ đẹp khác. Thiệt chán còn hơn ăn cơm nếp nát. Về nghệ thuật, chồng tôi có một cái nhìn rất khác người. Khi đi mua sắm, tôi thường “mời” anh đi theo, trước thì để xách đồ, sau là làm “cố vấn thời trang”. Có lẽ là vì được nhờ nên anh đóng góp ý kiến rất nhiệt tình. Áo quần hơi có bông ba màu sắc thì anh bảo “sao không mua thêm vài cái lư hương lập miếu lên đồng cho đủ bộ”. Khi mua nịt da bảng bự cho hợp thời trang thì anh đến bên tôi nói nhỏ “anh thấy tiệm kia bán nịt còn cho thêm cái khiên, cây kiếm và đôi sandal. Em mua để đóng phim Gladiators coi được lắm”. Còn mua quần nhiều túi thì anh chêm vào: “ Được đó! Mua cái quần này thì đi chợ khỏi cần trolley”. Tức muốn chết người. Đủ thói hư tật xấu, mất nết thiếu hạnh kiểm nhưng tôi biết rằng anh chỉ vui rôm rả với bạn bè. Có lẽ nhờ vậy mà lúc nào tôi thấy anh và các bạn vẫn luôn luôn trẻ mãi. Dù sáu hay bảy bó, không là chuyện lớn. Ngày nào anh và các bạn còn nhìn được hình tươi mát; ngày nào mắt còn rõ để phân biệt được bầu, mướp cam, bưởi thì không thể gọi là già; ngày nào còn xách đồ được cho vợ, còn hơi để làm “cố vấn thời trang” là ngày đó còn hạnh phúc. Ra đường nhìn gái còn khen là đầu óc còn sáng suốt (khi nào nhìn đàn ông thành đàn bà thì tôi mới run). Sự sống trên trái đất này sẽ không tồn tại nếu không có những người như chồng tôi và bạn bè của anh ( Dương Ngọc Ánh). ĐÀN ÔNG “Già Mà Ham”… Xin đừng ngộ nhận nói về : Yamaha là một công ty Nhật Bản chuyên nhiều lĩnh vực khác nhau từ những nhạc cụ, động cơ, xe gắn máy cho đến những thiết bị điện. Yamaha ban đầu là một công ty chế tạo đàn piano, Torakusu Yamaha là người sáng lập vào năm 1887 tại thành phố Hamamatsu, Shizuoka, Nhật Bản. Mà chủ yếu nói về: Xã hội ta có những điều luật pháp không cấm nhưng cộng đồng, người thân lại không chấp nhận, những ai mon men đến ranh giới ấy lập tức bị…huýt còi. Chẳng hạn, chuyện yêu đương hay kết hôn của những người cao tuổi (được mệnh danh là “Già Mà Ham”). BỊ BẠN ĐỜI BỎ QUÊN VÌ GIÀ Nhưng không chờ đến khi còn lại một mình, bị con cái cấm cản chuyện yêu đương mà ngay khi còn “một nửa” bên cạnh, họ vẫn bị người bạn đời “bỏ đói” triền miên nhưng nếu có ý lén lút “ăn vụng” lập tức bị “kết án” nặng nề. Ông bà H. cùng tuổi, con cái đã lớn, khi ông còn đi làm thì bà đã về hưu và bà tự nguyện “nghỉ hưu” luôn chuyện chăn gối. Mỗi khi chồng lần mò đến, bà đuổi như… đuổi tà: “Thôi đi ông ơi, con cháu nó cười cho, già rồi…”. Nhiều lần như thế, ông thấy mình cũng già thật. Thế nhưng khi tình cờ gặp lại cô học trò mà ông dạy kèm từ thời sinh viên, ông bỗng thấy mình trẻ ra, cô ấy góa chồng đã 7 năm rồi nhưng vẫn còn “ngọt nước” và tỏ ra vẫn ngưỡng mộ “ông thầy” dạy kèm mình tuy vẫn gọi anh xưng em ngọt xớt. Thế là họ “dính” nhau, đi uống cà phê, nghe nhạc, nhắn tin thăm hỏi… Vợ ông biết được đập điện thoại và kiểm soát giờ giấc chặt chẽ… Nhưng chuyện đó chỉ khiến họ lãng mạn hóa mối tình của mình và càng cấm thì càng yêu. Vì tuy đã ngoài 60 nhưng ông còn tráng kiện, phong độ, tình tứ như một chàng trung niên. BAO NHIÊU TUỔI LÀ GIÀ? Ngày xưa, người ta già rất sớm vì thích… già để được tôn trọng, chăm sóc, một phần là do quan niệm, phái nam ở tuổi 50, 60 đã tự xem mình là già, còn phái nữ càng sớm hơn “gái 30 tuổi đã toan về già”. Ngày nay, cuộc sống đầy đủ, nhiều người biết cách giữ gìn sự trẻ trung, ăn mặc theo mốt và quan niệm sống phóng khoáng hơn nên người ta trẻ trông hơn tuổi về ngoại hình, về tâm hồn lẫn lối sống, sinh hoạt. Nhiều quý ông trên dưới 70 vẫn còn phóng xe vèo vèo, chơi thể thao, nhảy đầm, đàn hát tưng bừng… Nhiều quý bà ngày nay cũng trẻ đến bất ngờ, vẫn giữ được vẻ duyên dáng, nhan sắc mặn mà ở tuổi 50, 60…Cách đây mấy năm, ở Tp.HCM có một đám cưới được báo chí tán dương, “chàng” đã 81 tuổi, góa vợ từ lâu còn “nàng” 76 tuổi, là một giáo viên dạy thể dục chưa kết hôn lần nào. Mơ ước hạnh phúc họ không là trăm năm, mà chỉ cần năm năm là đủ. GIÀ MÀ… SƯỚNG! Theo BS Đỗ Hồng Ngọc: người già có ba nỗi khổ thường gặp nhất, nếu giải quyết đựơc sẽ giúp họ sống “trăm năm hạnh phúc”: * MỘT LÀ THIẾU BẠN! Nhìn qua nhìn lại, bạn cũ rơi rụng dần… Thiếu bạn, dễ hụt hẫng, cô đơn. Người già chỉ sảng khoái khi được rôm rả với ai đó, nhất là những ai “cùng một lứa bên trời lận đận”… Gặp đựơc bạn tâm giao thì quả là một liều thuốc bổ mà không bác sĩ nào có thể biên toa cho họ mua được! Để giải quyết chuyện này, ở một số nước tiên tiến, người ta mở các phòng tư vấn, giới thiệu cho những người già cùng sở thích, cùng tánh khí, có dịp làm quen với nhau. Người già tự giới thiệu mình và nêu “tiêu chuẩn” người bạn mình muốn làm quen. Khen ngợi chê bai gì đều có lợi cho sức khỏe! Có dịp tương tác, có dịp cãi nhau là sướng rồi. * CÁI THIẾU THỨ HAI LÀ THIẾU ĂN! Các cụ thiếu ăn, thiếu năng lựơng phần lớn là do sợ bệnh, kiêng khem quá đáng. Bác sĩ lại hay hù, làm cho họ sợ thêm! Nói chung, chuyện ăn uống nên nghe theo mệnh lệnh của… bao tử. “Listen to your body”. Hãy lắng nghe sự mách bảo của cơ thể mình! Cơ thể nói… thèm ăn cái gì thì nó đang cần cái đó, thiếu cái đó! Cách ăn cũng vậy. Hãy để các cụ tự do tự tại đến mức có thể đựơc. Đừng ép ăn, đừng đút ăn, đừng làm “hư” các cụ! * CÁI THIẾU THỨ BA LÀ THIẾU VẬN ĐỘNG! Già thì hai chân trở nên nặng nề, như mọc dài ra, biểu không chịu nghe lời ta nữa! Các khớp cứng lại, sưng lên, xương thì mỏng ra, dòn tan, dễ vỡ, dễ gãy! Bác sĩ thường khuyên vận động mà không hướng dẫn kỹ dễ làm các cụ ráng quá sức chịu đựng, lâm bệnh thêm. Phải làm sao cho nhẹ nhàng mà hiệu quả, phù hợp với tuổi tác, với sức khỏe. Phải từ từ và đều đều. Nguyên tắc chung là kết hợp hơi thở với vận động. Vận động thể lực đúng cách thì già sẽ chậm lại. Giảm trầm cảm, buồn lo. Phấn chấn, tự tin. Dễ ăn, dễ ngủ… Tóm lại, giải quyết được “ba cái lăng nhăng” đó thì có thể già mà… sướng! YÊU ĐƯƠNG LÀ MỘT NHU CẦU SUỐT ĐỜI Có một sự hiểu lầm kéo dài ở xứ ta là chỉ tuổi trẻ mới biết yêu và có quyền yêu còn già là bị cấm yêu. Ngày nay, khoa học đã chứng minh con người có nhu cầu thương yêu rất sớm, từ khi còn trong bụng mẹ, thai nhi nào được vuốt ve ấu yếm thì chúng sẽ cảm nhận được hạnh phúc và phát triển tốt hơn hài nhi bị cha mẹ lạnh nhạt… Và nhu cầu ấy kéo dài cho đến suốt đời, cho đến khi nhắm mắt. Trong tác phẩm Tiếng chim hót trong bụi mận gai của Colleen McCulough, một nhà văn Úc có tả cảnh một cụ bà ngoài 70 đang hấp hối chỉ khao khát một nụ hôn của người đàn ông mà bà thầm yêu. Còn trong tác phẩm Cuốn theo chiều gió của nữ văn sĩ Mỹ M.Mitchell có cảnh bà Ellen, một phụ nữ cao quý và đức hạnh lúc lâm chung gọi tên người yêu cũ được miêu tả thật cảm động. Đại văn hào Nga L. Tolstoi có con ở tuổi 80. Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela cũng cưới vợ lần cuối khi đã 81, đã 10 năm qua ông sống hạnh phúc với người phụ nữ “môn đăng hộ đối” này, vốn là vợ góa của cố Tổng thống nước Cộng hòa Mozambique láng giềng… Một cuộc khảo sát về độ tuổi trên trang “Kết bạn tâm giao” của các báo và thấy rằng, đàn ông cao tuổi nhất là 81 và người phụ nữ cao nhất là 65 công khai “nếu thấy hợp sẽ tiến tới hôn nhân!”. Hai Sắc Hoa Ti Gôn T.T. Kh với những câu thơ xót xa cảm động: Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời, Ái ân lạt lẽo của chồng tôi Và từng thu chết, từng thu chết, Vẫn giấu trong tim một bóng người... THƠ TTKh : TTKh, cũng như cái tên, những điều về bà vẫn luôn là bí ẩn, tác phẩm của bà cũng vậy. Nhưng chúng ta có thể biết rằng bà không phải là một nhà thơ đương thời, bán và kiếm sống với nghề viết thơ, có lẽ bà chỉ viết bởi một nỗi đau, uất nghẹn gì quá lớn. Nên dù là nữ bà vẫn thông cảm cho nam giới … Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn, Tới tháng lãnh lương mới hết hồn Bạn rủ đi chơi, nào có dám, Tôi chờ người tới để … giao lương Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng, Xấp tiền lương mỏng, hỏi lung tung : Rằng lương sao có bao nhiêu đấy? Chắc “giếm” bớt rồi, phải thế không? Người ấy thường hay móc bóp tôi, Khảo tiền mỗi lúc bóp tôi vơi Bảo rằng tôi móc còn hơn để… “Ghệ” móc tiền ông, mới khổ đời. Thuở ấy nào tôi đã biết gì: Trẻ người, non dạ quá ngu si Bao nhiêu tiền bạc, tôi “dâng” hết… Chẳng giữ cho mình được…tí ti Đâu biết tiền đưa bả tháng này, Là tiền dành dụm bấy lâu nay Bao nhiêu tiền mặt, “người” chôm hết, Biết lấy gì vui với bạn đây? Từ đấy thu, rồi thu, lại thu, Lòng tôi còn giá đến bao giờ “Người kia” đã biết tôi vơi túi, “Người ấy” cho nên vẫn hững hờ Tôi vẫn đi … bên cạnh một người, Dữ như sư tử của lòng tôi Và từng thu chết, từng thu chết, Vẫn sợ “vợ” hơn cả … sợ trời Buồn quá, hôm nay xem lại túi, Chỉ còn tiền lẻ để … ăn xôi Bao nhiêu tiền chẵn, người gom hết, Chỉ tặng cho tôi…một nụ cười Tôi nhớ lời người đã bảo tôi, Đưa tiền người giữ khỏi lôi thôi Đến nay, tôi hiểu thì tôi đã… Làm lỡ đời trai, muộn mất rồi ! (Tác giả ??) Phạm Vũ (Tham khảo: Sách báo – Internet)
CÁCH “KHOÁN” ĐỂ CHỮA BỆNH GIỜI LEO Từ nhỏ tôi nghe nhiều người lớn nói “bệnh GIỜI LEO nếu để nó ăn giáp vòng thì chết. Bệnh này Tây Y chưa có thuốc chữa, phải tìm thầy “Khoán” cho thì mới hết”. Người xưa còn kiêng, không cho nhắc đến tên nó, vì nói rằng kêu tên nó thì nó càng phát nhanh hơn ! Nhưng sống đến nay cũng gần 80 tuổi mà tôi chưa từng chứng kiến người nào chết vì bệnh này. Không biết có ai biết có trường hợp nào không ? nhưng phải nói là không nên coi thường, vì nó lan ra nhanh và khủng khiếp, tôi đã chứng kiến vì bệnh nhân chính là mẹ ruột của tôi. Tôi còn nhớ, khoảng năm 1990, có một ngày đó mẹ tôi kêu tôi coi giùm phía sau cổ bà sao bị ngứa, và bà đã dùng cán cây quạt xếp để gãi cho đỡ ngứa. Mở cổ áo, tôi chỉ thấy vài vết trầy nhẹ. Vậy mà chỉ hai hôm sau là đã thấy từng giề da nổi bong bóng thành một khoảng trên lưng to hơn bàn tay. Nghi ngờ bị Giời leo, tôi theo những bài thuốc kinh nghiệm xưa là nhai đậu xanh đắp lên, đi xin lá Mướp về giã ra đắp, nhưng cũng không thấy bớt, nên đưa mẹ tôi đi Bệnh Viện Da Liễu để chữa. Bác Sĩ cho toa mua thuốc để rửa, để uống, và Pomade để bôi, nhưng vẫn không thấy bớt, mà ngày càng loang ra thêm. Chỉ 4, 5 ngày mà nó đã loang nửa người, từ nửa lưng ra gần tới nửa ngực. Tôi hỏi thăm thì có người bạn chỉ một ông Thầy “khoán” chữa Giời Leo ở Đồng Ông Cộ. Tôi đưa mẹ tôi đến. Lúc đó, chỉ sau 1 tuần, mà nó đã ăn nửa thân người từ sau tới trước rồi. Ông Thầy nói cũng may nó chưa đánh hết một vòng, và bảo tôi đi mua 1 bó nhang và 1 chục trứng gà để ông cúng Tổ. Ông đốt nguyên một bó Nhang và kêu mẹ tôi mở áo ra. Lúc đó nó một nửa người từ nửa lưng vòng ra nửa ngực, da đã bị ăn lầy lụa dù tôi vẫn lau rửa hàng ngày ! Ông Thầy Khoán vừa đọc lầm thầm, vừa lấy bó nhang đã cháy đỏ quơ vòng vòng lên những chỗ bị giời Leo, xong thổi hơi nhang vô đó. Ông làm như thế 3 lần trong ngày. Buổi sáng Khoán xong, chở về, trưa 11 giờ đưa lại, chiều 3 giờ lại đưa tới. Xong, ông nói đủ rồi, không cần làm thêm. Ông dặn tôi mỗi ngày rửa vết thương, bôi thêm thuốc sát trùng, và vẫn tiếp tục uống thuốc Tây của Bác Sĩ cho. Từ đó Bệnh ngưng, không phát triển thêm. Nhưng chỗ bị ăn lở, da bị thúi, bốc mùi, có ngày rớt ra cả mảng da bằng 2 ngón tay, lòi ra cả mỡ bên trong, rất dễ sợ ! Cả mấy tuần sau mới lành, nhưng mẹ tôi kêu nhức lắm, phải đi Bs cho thuốc trị đau nhức và uống thời gian rất lâu. Một năm trước đây, con tôi cũng bị Giời Leo, nhưng nhẹ. Đi Bác Sĩ cho pomade để bôi và thuốc uống thì có vài ngày là hết. Nói theo Tây Y là có lẽ vì nó còn trẻ nên sức đề kháng còn tốt. Đến lượt tôi hôm đầu tháng 12 vừa qua lại bị nổi lên một đốm nhỏ chừng 1cm ở mép. Tôi cũng đi Bác Sĩ, cũng được cho pomade để bôi và thuốc uống, nhưng không thấy thuyên giảm. Thấy bệnh có vẻ không chịu thuốc, và nhớ trường hợp mẹ tôi, nên tôi phải tìm hỏi cách để “Khoán”, vì thấy ngày trước mẹ tôi cũng nhờ Khoán mà bệnh mới ngưng. Tình cờ tôi học được cách “Khoán” để chữa Giời Leo. Tôi vừa nhờ con tôi Khoán, vừa lấy Mực Tàu bôi lên, thì vết Giời Leo bắt đầu giảm thấy rõ từng ngày. Chỉ sau 3 ngày là khô mặt, lành hẳn. Nhớ đến mẹ tôi vì Giời Leo mà da bị lở, lột ra cả mảng vì bệnh này, nên tôi xin phổ biến cho mọi người, để biết đâu gặp trường hợp có người cần thì giúp cho họ, vì “hữu sự vái tứ phương”. Nếu chẳng may bệnh thì cứ đi Bs uống thuốc. Nếu thấy hết thì không cần làm. Nhưng nếu thấy bệnh có vẻ không dừng, hay muốn đề phòng, thì làm thêm cái này cũng tốt, vì không tốn kém, cũng chẳng phải dị đoan, mê tín, cúng kiếng gì hết. Chỉ có điều không thể giải thích được là tại sao chỉ cần nín hơi và vẽ những đường lên, xuống đơn giản mà bệnh chịu lui. Thế thôi. Nhưng dù sao, chữa được bệnh là quý lắm rồi. Dụng cụ thì chỉ cần 1 cây nhang, 1 cái ly, và ít Rượu trắng. Nếu bệnh phát ở những chỗ mà người bệnh có thể tự làm được thì không phải nhờ người khác. Nhưng nếu trường hợp ở sau lưng, hoặc như tôi, ở trên mặt, thì không thể tự phun rượu vô vết Giời leo, thì phải nhờ người làm giúp. Cách Làm : Người chữa bệnh lấy rượu rót vô ly - chỉ cẩn 1/4 ly - Không cần nhiều rượu, vì chỉ cần 1 hớp rượu cho 1 lần “khoán”, và đốt cây nhang cho cháy lên. LẦN LƯỢT LÀM 3 ĐỘNG TÁC SAU. Điều quan trọng cần nhớ là mỗi lần “Khoán” là phải Nín Hơi. CÁCH “KHOÁN”: 1) DÙNG CÂY NHANG VẼ TRÊN LY RƯỢU : Người chữa cầm cây Nhang đã cháy đỏ, NÍN HƠI, vẽ thành hình Nanh sấu, 9 nét, lên, xuống, trên khoảng không trên miệng ly rượu. Những nét vẽ này phải trùm phủ miệng ly. Vẽ đến cuối miệng ly thì vòng cây Nhang lại như khóa thành vòng tròn trên miệng ly rượu. 2/- TIẾP TỤC DÙNG CÂY NHANG ĐÓ VẼ LÊN VẾT GIỜI LEO : Người chữa NÍN HƠI, lấy cây Nhang đó, vẽ 9 nét hình Nanh Sấu, vẽ trên không, không chạm vào vết Giời Leo, nhưng phủ khắp từ đầu đến cuối vết Giời Leo, và cũng khóa cây Nhang thành vòng tròn bao vết Giời Leo lại. 3/- PHUN RƯỢU LÊN VẾT GIỜI LEO : Người chữa NÍN HƠI, hớp 1 hớp rượu, rồi phun sương trùm lên vết Giời Leo. Làm như thế mỗi ngày 1 lần, trong 3 ngày. Nếu thấy chưa hết thì có thể làm thêm đợt khác. Về thuốc bôi thì sau khi bôi Pomade của Bác Sĩ cho mà không thấy công hiệu, tôi đã vừa “Khoán”, vừa dùng MỰC TÀU - loại mực Tàu thật để vẽ tranh Thủy Mặc - để bôi lên. Thấy từ từ giảm, không lan thêm và khô mặt, sau 3 ngày là gỡ mày được, rồi hết luôn. Nhiều người cũng chỉ nhiều cách khác, cũng công hiệu. Nhưng biết thêm nhiều cách trị bệnh càng tốt, biết đâu có khi cần. Nhất là ở vùng xa xôi, mỗi lần bệnh mà phải đi Bệnh Viện cũng không đơn giản. Có người nói bệnh này không cần chữa, cứ để tự nhiên, 1 tuần là hết, nhưng như trường hợp mẹ tôi, ngày càng nặng thêm, đến tróc cả da, rất đáng sợ. Thuốc của Bệnh Viện Da Liễu là Bệnh Viện chuyên trị về Da mà không làm ngưng được. Chỉ sau khi “Khoán” thì bệnh mới ngưng không phát triển thêm, sau đó uống thuốc và bôi thuốc thì từ từ hết. Do đó, theo tôi, chúng ta không nên coi thường kinh nghiệm chữa trị Dân Gian của ông bà ta để lại, tuy phản khoa học, vì không thể giải thích được, nhưng mang lại hiệu quả bất ngờ, nhất là lại không tốn kém tiền bạc. Những Thầy Khoán để chữa cho mọi người thường cũng không có lấy tiền, chỉ làm phước mà thôi. Không đòi hỏi, nhưng ai muốn tặng chút đỉnh tiền để họ mua hương thắp, hay chút trái cây họ cũng không từ chối. Ở những vùng quê vài chỗ thường có những người Thầy biết Khoán như vậy. Ngoài “Khoán” chữa bệnh Giời Leo, người xưa còn “Khoán” để chữa bệnh Huyết Vận. Con tôi lúc nhỏ tự nhiên dưới chỗ gần mắc cá nổi lên vài mục ghẻ nho nhỏ, sau đó nó làm da nóng lên và đỏ lan dần lên gần tới bấp vế. Theo người nhiều tuổi trong xóm nói đó là bệnh có tên là Huyết Vận, đi Bác Sĩ không chữa được, nếu không Khoán sớm, để nó chạy lên đến háng là chết ! Họ chỉ cho tôi đưa cháu tới một ông nhà ở đường Hồng Thập Tự để nhờ Khoán. Ông cũng đốt nhang, cầm bó nhang vẽ vòng vòng trên không, chỗ chân bị bệnh, và dặn tôi về hái Rau Sam, giã nát, bó lên chân cho cháu. Sức nóng của cái chân làm cho Rau Sam khô queo giống như mang sấy trong lò. Cứ khô lớp này thay lớp khác. ba ngày sau thì chân con tôi trở lại bình thường. Cũng không biết bệnh này Tây Y gọi là gì, và có chữa khỏi hay không ? Nhưng cách đây khoảng 50 năm tôi đã nhờ “Khoán” để chữa cho con như vậy, không uống thuốc gì hết mà bệnh tự hết. Lần khác cũng bé đó bị cái gì mà nổi lên khắp người những vết bầm. Mời Bác Sĩ gần nhà đến xem bệnh thì không biết là bệnh gì. Lúc nó nổi tới lòng bàn chân thì bé kêu nhức, không đi nổi, phải cõng. Tôi đưa cháu đến Bệnh Viện Nhi Đồng để chữa. Bác Sĩ cho nằm lại và chờ hội chẩn. Trong khi các Bác Sĩ còn chưa đoán ra là bệnh gì, thì đêm đó, một bà nuôi con nằm giường kế bên chỉ : Lấy dấm nuôi, dùng bông gòn thấm, bôi lên những chỗ bị vết bầm đó. Sẵn nhà có hũ Dấm nuôi, tôi lập tức về, rót vô 1 chai, rồi dùng bông gòn tẩm Dấm, bôi lên những vết bầm đó. Thật lạ lùng. Bôi tới đâu là vết bầm tan tới đó. Cũng không còn đau nhức nữa. Sáng hôm sau, Bác Sĩ tới khám bệnh thì cháu đã hết bệnh, nên cho xuất viện luôn. Thấy con hết bệnh được xuất Viện thì mừng quá nên mẹ con vội ra về, quên hỏi người chỉ cho bài thuốc xem tên nó là bệnh gì ? Vì sao họ biết cách chữa để chỉ cho ? Thời xưa, nhà quê đâu có Bác Sĩ, Bệnh Viện, nhưng Ông bà xưa có nhiều mẹo chữa bệnh rất hay, Tôi còn nhớ lúc nhỏ, gần nhà tôi có Bà cụ già, tên là Bà Tám Thanh. Bà chuyên trị mắc xương. Bọn con nít tụi tôi cứ mỗi lần bị mắc xương là chạy đến nhà Bà. Đôi khi không cần thấy mặt bà, chỉ đứng ngoài cửa la to lên : “Bà Tám ơi, con bị mắc xương”, thì bà ở đâu đó trong nhà lên tiếng : “Ừ, về đi” ! Vậy là chạy u về nhà và cái xương tan đâu mất lúc nào không hay ! Thời này mắc xương thì cứ đến Bệnh Viện cho Bác Sĩ gắp ra, vài phút là xong. Nhưng đôi khi ở những vùng quê xa xôi, xe cộ khó khăn, muốn đi Bác Sĩ là cả một vấn đề. Giá mà bà con được phổ biến vài mẹo chữa bệnh như thế cũng đỡ biết mấy. Quê tôi ngày xưa cũng chẳng có đứa bé nào phải đi Nha Sĩ để nhổ răng. Hễ đứa nào răng bị lung lay, không nhai cơm được thì đến nhà một người tên là Chú Tư Niệm. Ông kêu hả miệng ra, rồi hỏi cái răng nào bị đau ? trả lời là cái răng nào đó là ông lúc lắc xong rồi nhổ sống luôn ! Chẳng có thuốc tê, mê gì hết. Sau đó, ông đưa cho cục thuốc rê, kêu nhét vô đó. Không có uống bất cứ thuốc gì. Vậy mà ngưng chảy máu rồi lành, không thấy bị làm độc gì hết. Bà chị Hai của tôi thì vui lắm, lúc nhỏ bả bị răng lung lay, cũng tới nhà ổng, năn nỉ ổng nhổ sao đừng đau. Ông nói yên tâm, rồi cột sợi chỉ vô cái răng, đầu kia ông cột vô cái lon sữa bò, xong ổng quẳng cái lon đi. Không dè dây bị sút, cái răng không rớt ra, bà chị tôi hoãng hồn chạy về nhà luôn. Từ đó tới chết bà không hề đi Nha Sĩ. Răng tha hồ mọc, cái lung lay cứ nằm yên đó, cái mới mọc chen vô, kềm lại, nên bà có hàm răng lô xô không giống ai. Về già, bà cũng tự nhổ răng. Bà nói hễ răng đau không nhai được thì húp cháo. Cái răng nào mùi quá thì nó làm cho ngứa, bà cứ vặn, rồi nhổ ra dễ dàng, không hề đau ! Tới lúc chết thì bà còn được nửa hàm răng. Một mình bà đã tự nhổ cả nửa hàm răng, Nha Sĩ không ăn của bà được một xu ! Sẵn kể luôn về bệnh Nha Chu của tôi. Lúc nhỏ ở nướu răng của tôi cứ mọc những mục mủ, chích nặn ra thì hết, xong lại mọc mục khác. Ở nhà quê nên người lớn cũng không để ý để đưa đi Bác Sĩ, một phần gia đình tôi ở một Xã nhỏ, muốn đi Bác Sĩ phải đi đò hoặc xe cả buổi, nên chỉ khi bệnh nặng lắm người ở địa phương mới ra Tỉnh để đi Bác Sĩ. Có người chỉ tôi có một bà ở xóm trên có bài thuốc chữa bệnh của tôi. Lúc đó tôi chỉ độ 11 tuổi, nhưng cũng tự mình đến nhà bà đó để hỏi thuốc. Bà đang bận nên bảo tôi về tìm cây thuốc rồi tự làm. Bài thuốc rất đơn giản : Cây Gạt Nai dưới ruộng, ít lọ chảo gang, ít mỡ heo và 1 quả trứng gà. Giã cây Gạt Nai cho nát ra, rồi cho vô nồi đất, đổ các thứ vô, đập cái trứng gà vô, quậy đều, bắt lên lửa cho sôi vài dạo rồi để nguội, lấy nước trong nồi thuốc bôi vô mấy kẽ ngón tay, ngón chân trước khi đi ngủ. Tôi chỉ làm có 1 lần thuốc đó, bôi hết rồi ngưng. Không có làm thêm lần nào. Nhưng từ đó nướu răng tôi không còn bị mọc những mục mủ nữa. Kể cũng lạ. Không có uống trụ sinh hay kháng sinh, chỉ bôi thuốc vô kẽ tay, kẽ chân mà cũng hết bệnh. Lúc tôi còn nhỏ, làng tôi cách xa Tỉnh, nên không có Bệnh Viện, Nhà Bảo Sanh. Trong làng có một Bà Mụ tên là Bà Bồi. Một tay bà đở đẻ cho cả làng. Bất luận ngày hay đêm, có sản phụ đau bụng là người nhà chạy tới nhà để rước bà. Có xe đạp thì chở bà, không có thì đi bộ. Đến nơi bà kêu nấu cho bà nồi nước nóng, rồi bà giúp cho sản phụ sinh. Không biết bà học trường, lớp nào, hay với ai ? Vậy mà cả làng tôi lúc nào cũng mẹ tròn con vuông, không thấy có một sản phụ nào bị chết vì sinh đẻ ! Dù khoa học ngày nay tiến bộ rất xa, nhưng cũng có nhiều bệnh vẫn chưa trị được, trong khi đó, trên mạng có phổ biến vài trường hợp Ung thư Phổi, Ung Thư Gan, Ung Thư Máu Bệnh viện nước ngoài cũng không chữa được mà nhờ chữa bằng những bài thuốc Dân Gian, chỉ bằng vài thứ lá cây mà khỏi. Tiếc rằng đôi khi chỉ là vài trường hợp cá biệt, không có một công trình nghiên cứu trên nhiều người để chứng minh hiệu quả. Phần người xưa cũng hay dấu diếm. Có bài thuốc hay thì để làm của gia bảo, chỉ truyền cho con cháu, mà con cháu không hành nghề nên bị thất truyền. Bây giờ nhiều tuổi tôi mới quan tâm đến những mẹo chữa bệnh và những bài thuốc Dân Gian, vừa đơn giản vừa hiệu nghiệm của người xưa. Có nhiều bài thuốc rất hay, nhưng muốn thu thập thì những lớp người đó đã theo ông bà từ lâu lắm rồi. Con cháu họ cũng tản lạc, nên muốn hỏi cũng đành chịu. Tiếc ghê. Tâm Nguyện - Tháng 1/2021
Phụ bản I
NHỮNG CÂU NÓI HAY VỀ CUỘC SỐNG ĐẦY Ý NGHĨA Lúc rảnh rỗi, chúng ta hay tìm kiếm hoặc có thể chợt bắt gặp những câu nói hay về cuộc sống đâu đó. Chúng ta đọc chúng rồi gật gù.
Thường một câu nói hay chính là sự đúc kết từ trải nghiệm thực tiễn của một nhân vật nào đó. Và nhân vật đó có thể khuyết danh, mà cũng có thể là chính chúng ta. Những câu nói hay về cuộc sống bằng tiếng Anh được ELLE chọn lọc và phiên dịch kỳ này, với hy vọng mang đến cho các bạn những giây phút chiêm nghiệm quý báu. 1. “Cuộc sống rất đơn giản, nhưng chúng ta cứ bắt nó phải phức tạp”.- Confucius 2. “Đừng so sánh mình với bất cứ ai trong thế giới này. Nếu bạn làm như vậy có nghĩa bạn đang sỉ nhục chính bản thân mình.” – Bill Gates 3. “Không có hoàn cảnh nào tuyệt vọng, chỉ có người tuyệt vọng vì hoàn cảnh.” -Khuyết danh 4. “Càng trưởng thành, bạn sẽ nhận ra rằng tranh luận đúng sai hơn thua với người khác đôi khi không còn quan trọng nữa. Quan trọng hơn cả là chỉ muốn bình yên.” – Khuyết danh. 5. “Tôi có một triết lý đơn giản đó là: lấp đầy những khoảng trống, làm trống những khoảng đầy và gãi những chỗ ngứa.” – Alice Roosevelt Longworth. 6. “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình người.” – Khuyết danh. 7. “Hôm nay đầy rẫy những khó khăn, và ngày mai cũng không có điều gì dễ dàng. Nhưng sau ngày mai, mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp.” - Jack Ma. 8. “Nghèo không là xấu, nghèo mà không có chí mới là xấu; hèn không đáng ghét, hèn mà không có tài mới đáng ghét; già không nên than thở, già mà sống thừa mới đáng than thở; chết không nên bi ai, chết mà vô bổ mới đáng bi ai.” - Lã Khôn. 9. “Cuộc sống chỉ mang lại cho chúng ta 10% cơ hội, 90% còn lại là do chúng ta trải nghiệm thế nào với nó.” – Lou Holtz 10. ” Không vấp ngã trước cuộc sống, điều đó là rất tốt. Nhưng vấp ngã rồi đứng dậy mà đi lên càng tốt hơn.” - Khuyết danh 11. “Kim loại vì cứng mà hay gẫy, nước vì mềm mà được vẹn toàn.” - Khuyết danh 12. Không có ai thực sự hiểu sự ưu sầu hay nỗi vui mừng của kẻ khác. - Khuyết danh 13. “Cuộc sống không phải để sợ, mà là để hiểu. Đây chính là lúc chúng ta cần phải tìm hiểu nhiều hơn về cuộc sống để làm vơi bớt mọi nỗi sợ hãi.” – Marie Curie 14. “Người dễ cười cũng là người dễ khóc. Còn lúc tan nát nhất họ sẽ im lặng.” – Khuyết danh. 15. “Người khôn ngoan là kẻ mà cái gì cũng thấy mới lạ.” - Khuyết danh 16. “Ruồi chết vì mật ngọt. Đàn bà chết vì đàn ông khéo. Đàn ông chết vì đàn bà đẹp. Còn cha mẹ chết vì con bất hiếu.” - Khuyết danh 17. “Những điều chúng ta nghĩ quyết định những điều sẽ xảy ra với chúng ta, và vì thế nếu chúng ta muốn thay đổi cuộc sống, chúng ta cần phải thay đổi từ cách suy nghĩ của chúng ta.” – Wayne Dyer 18. Những người thông minh và những người xinh đẹp đều mắc chung một tật: cứ tưởng như thế là mãi mãi.” - Khuyết danh 19. “Cho nhiều hơn nhận thì sẽ được nhận nhiều hơn cho.” - Khuyết danh 20. “Hãy sống là chính mình, bình thường nhưng không tầm thường.- Khuyết danh 21. “Không phải ai cũng là tương lai của bạn. Một vài người chỉ lướt qua cuộc đời bạn để mang lại cho bạn một số bài học của cuộc sống.” – Khuyết danh. 22. Đừng ngại thay đổi. Bạn có thể mất một cái gì đó tốt nhưng bạn có thể đạt được một cái gì đó còn tốt hơn.” – Khuyết danh. 23. Đôi khi phải mất mọi thứ mới tìm thấy chính bản thân mình. - Khuyết danh. 24. Chỉ nắm lấy cơ hội rồi ta mới biết, đó có phải là cơ hội của ta hay của người khác. Khuyết danh. 25. “Đừng khóc tiếc nuối cho những gì đã xảy ra trong quá khứ. Đừng căng thẳng cho những việc chưa xảy ra trong tương lai. Hãy sống trọn vẹn ở thời điểm hiện tại và làm nó thật tươi đẹp.” – Khuyết danh. 26. Chúng ta thường đánh giá người khác theo tiêu chuẩn của mình nhưng rồi sau đó lại dành cả đời để sống theo tiêu chuẩn của người khác. - Khuyết danh. 27. Trong trò chơi của cuộc sống, trước khi bạn nhận được bất cứ cái gì, bạn phải cho đi một thứ gì đó! - Zig Ziglar. 28. “Cuộc sống không cho bạn tất cả những gì bạn mơ ước, nhưng cuộc sống cho bạn quyền được lựa chọn ước mơ và quyền được thực hiện nó.” - Khuyết danh. 29. “Mỗi người có thể có những lý do khác nhau để sống cuộc sống của chính họ. Bạn không thể quy chụp tất cả những lý do đó đều giống như nhau.”- Kevin Spacey. 30. “Còn gì ý nghĩa hơn việc giúp một người bất hạnh nhận ra rằng mình ko bất hạnh.” - Khuyết danh. 31. “Đừng bao giờ quá bận rộn để quên nói lời “làm ơn” hay “cảm ơn”. - Khuyết danh. 32. “Khi bạn có quá nhiều sự lựa chọn, bạn không biết mình muốn gì. Khi bạn biết mình cần gì thì cũng là lúc bạn không còn sự lựa chọn!” - Khuyết danh. 33. “Thà dám thử và chấp nhận hậu quả nếu có còn hơn là đứng ngó mà không dám làm gì hết trong suốt quãng đời còn lại.” – Khuyết danh. 34. Sự vượt trội không bao giờ chỉ là vô tình; đó là kết quả của sự chú tâm cao độ, nỗ lực tận tâm, định hướng thông minh, thực hành khéo léo, và tầm nhìn để thấy được cơ hội trong trở ngại. – Khuyết danh. 35. “Khi còn trẻ nếu bạn không dám làm những điều điên rồ, bạn sẽ không có gì để mỉm cười nhớ về khi bạn đã trưởng thành và già đi.” – Khuyết danh. Lệ Ngọc st.
CHẲNG CÓ GÌ PHẢI SỢ COVID-19 ( Nếu Bạn Làm Theo Lời Bác Sĩ David Price ) Tôi là Bác sĩ trong phòng ICU (khoa cấp cứu đặc biệt) ở bệnh viện ở New York. Bệnh viện chúng tôi có 1,200 giường bệnh. Trước đây bệnh viện có điều trị và mổ nhiều căn bệnh khác nhau nhưng nay chỉ điều trị 100% là bệnh nhân nhiễm Covid-19. Hiện bệnh viện đang lãnh 20% của số bệnh nhân Covid-19 tại New York. Bổn phận của tôi là chăm sóc những ca bệnh nặng đã được đưa vào ICU. Tôi là người quyết định bệnh nhân nào được dùng máy thở và nằm với máy thở bao lâu. Vì vậy tôi nghĩ tôi có thẩm quyền để nói về những gì đang xảy ra. Trong ba tháng vừa rồi chúng tôi đã học hỏi thêm được rất nhiều về con virus này. Hiện giờ bạn nghe giọng tôi hơi nghẹn ngào không phải vì tôi sợ mà lần đầu tiên trong rất lâu, "Tôi Thấy Hết Sợ! Tôi muốn chia sẻ với quý vị để làm quý vị bớt hoang mang và biết cách bảo vệ bản thân và gia đình". TRIỆU CHỨNG NHIỄM COVID-19 -Nóng -Sốt -Đau cổ Virus vào người sẽ đi khắp nơi nhưng ảnh hưởng nhiều nhất là phổi. 80% bệnh nhân chỉ nói là họ "Không cảm thấy khỏe trong người... ho nhẹ... nhức đầu". Bệnh thường kéo dài 5, 7 đến 14 ngày. Bị nhẹ thì bắt đầu ngày thứ 5 sẽ thấy khỏe lại. Bệnh nặng hơn trong 3 tới 5 ngày sẽ thấy khó thở (bạn chỉ nên vào nhà thương khi thấy khó thở, chứ nóng sốt thì không cần đến bệnh viện). Tới ngày thứ 7 sẽ bắt đầu thấy khỏe lại. COVID-19 NHIỄM CÁCH NÀO? Covid nhiễm qua "SUSTAINED CONTACT" (đụng chạm lâu) với một người bệnh hoặc với người sắp phát triệu chứng bệnh trong một, hai ngày sắp tới. "Sustained contact" - "đụng chạm lâu" có nghĩa là đứng gần (dưới 2 mét) và tiếp xúc từ 15 đến 30 phút ở một nơi bít bùng, đóng kín, và không có đồ bảo vệ, chẳng hạn như khi không đeo khẩu trang. Nên các bạn khỏi phải sợ là con virus còn nằm trong không khí rồi mình vô tình đi qua rồi bị lây. Gần như CÁCH DUY NHẤT để lây bệnh là khi virus dính vào tay mình rồi mình đưa tay lên sờ mặt. Như vậy virus có thể vào mắt, mũi, hoặc miệng mình. Xin tóm lại một cách đơn giản là phần đông những người bị nhiễm là do họ chạm tay vào một người bệnh rồi đưa tay lên sờ vào mặt mình. Khi hiểu được nguyên lý này thì mấy hôm nay tôi bắt đầu cười lại được vì tôi biết tôi sẽ không bị nhiễm. Tôi muốn nhắc nhở các bạn những điều quan trọng sau đây: 1) Covid hiện đang ở trong cộng đồng của quý vị dù quý vị ở đâu? 2) Rửa tay thường xuyên. Để ý tay mình vừa chạm vào đâu, đụng vào cái gì và nhớ lúc nào cũng tẩy bằng hand sanitizer hoặc rửa tay cho sạch. Bản thân tôi đi đâu cũng cầm theo lọ Purell (nước tẩy tay). Ví dụ tôi đi từ nhà trọ ra thang máy tôi vẫn có thể bấm nút thang nhưng sau đó liền đổ một vài giọt Purell vào tay. Ra đến cửa cũng vậy có thể dùng tay mở cửa nhưng sau đó lại Purell. Nếu GIỮ TAY SẠCH SẼ BẠN SẼ KHÔNG BỊ NHIỄM COVID-19. 3) Đây không phải là căn bệnh mà một người bệnh chạm vào thứ gì rồi cả cộng đồng lây theo khi đụng vào thứ đó. Chúng ta chỉ lây khi gặp và đụng chạm nhau lâu "sustained contact". Muốn kỹ hơn thì rửa hoặc tẩy trùng tay sau khi chạm tay vào bất cứ vật gì (nhất là các vật dụng nơi công cộng). 4) Bạn cần phải để ý và sửa cái tật ưa chạm vào mặt (dụi mắt, ngoáy mũi, cậy mụn.v.v). TUYỆT ĐỐI KHÔNG CHẠM TAY VÀO MẶT. Bạn đi ăn tiệc. Bắt tay một người bệnh, rồi đưa tay lên sờ vào mặt mình. Đó là cách lây Covid-19. Đơn giản chỉ có vậy. 5) Tôi khuyên mọi người nên đeo mask khẩu trang không phải vì nó sẽ bảo vệ hay ngăn ngừa được Covid-19, nhưng nó sẽ tập cho bạn thói quen tốt là không sờ vào mặt. CHỈ CẦN TAY SẠCH VÀ KHÔNG SỜ VÀO MẶT LÀ 99% CHÚNG TA SẼ KHÔNG BỊ NHIỄM VIRUS VŨ HÁN. 6) Bạn không cần "medical mask" như loại N95. Ngay cả tôi trong nhà thương gặp toàn bệnh nhân Covid-19 cũng chỉ đeo N95 trong những trường hợp đặc biệt. Loại thường cũng đủ để bạn an toàn khi ra đường rồi. 7) Đứng xa mọi người giữ khoảng cách 2 mét, không bắt tay, không hug (ôm nhẹ), siêng rửa tay, thì các bạn không phải lo gì cả". Chúc bạn luôn bình an! Đào Minh Diệu Xuân st.
Sống lâu với trí nhớ tốt Người Nhật nổi tiếng thế giới với tuổi thọ trung bình cao. Số người sống trên trăm tuổi ở Nhật Bản là hơn 60.000 người vào năm 2015. Gần đây, qua nghiên cứu đúc kết của Tiến sĩ Takuji Shirasawa mang tên “cách sống đến 100 tuổi không bị mất trí nhớ” chỉ ra rằng “chế độ ăn uống” và “thói quen tốt” trong cuộc sống góp phần đáng kể vào việc giữ bộ não minh mẫn và nhanh nhạy. Dưới đây là 12 điều được cho là có thể giúp con người sống trên 100 tuổi mà không mất trí nhớ. 1/. Uống một cốc nước ấm ngay sau khi thức dậy. Chúng ta mất khoảng 500cc (½ lít) nước trong khi ngủ, vậy nên cần phải bổ sung nước cho cơ thể sau khi thức dậy. Nước ấm có thể làm tăng 10% nhiệt độ và sự trao đổi chất của cơ thể. 2/. Uống nước ép rau hoặc hoa quả ít nhất 3 lần một tuần. Uống nước ép rau hoặc hoa quả ít nhất 3 lần một tuần có thể giảm 76% nguy cơ mất trí nhớ. 3/. Tắm nắng trong vòng 15 phút mỗi ngày. Ánh sáng mặt trời giúp cơ thể bổ sung vitamin D vốn được chứng minh có tác dụng hiệu quả trong việc phòng chống ung thư. 4/. Ăn sô-cô-la đen (dark chocolate) Sô-cô-la đen rất giàu polyphenol, vốn là chất làm chậm quá trình lão hóa và giúp kiểm soát lượng đường trong máu. 5/. Nấu ăn ở nhà. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người thích nấu ăn là không dễ mắc chứng mất trí, vì nấu ăn có thể kích thích tới hoạt động của não bộ. 6/. Tránh xa các đồ uống có ga và thực phẩm chế biến sẵn. Đồ uống có ga và thực phẩm chế biến sẵn, chẳng hạn như thức ăn nhanh, rất giàu phốt pho, vốn là chất cản trở sự hấp thụ canxi và có hại đến xương. 7/. Đổ mồ hôi. Tập thể thao có thể mang đến lợi ích khi nó khiến bạn đổ mồ hôi, điều này giúp loại bỏ các độc tố ở bên trong cơ thể. 8/. Giảm 5% trọng lượng cơ thể. Những người sống đến 100 tuổi mà không mắc bệnh có một điểm chung – họ không có chất béo dư thừa của cơ thể. Những rủi ro về bệnh tiểu đường và cao huyết áp được giảm thiểu nếu trọng lượng cơ thể của bạn giảm 5%. 9/. Đi bộ 30 phút mỗi ngày. Những người hầu như không tập thể dục, hoặc không vận động có tỷ lệ tử vong cao nhất. Đi bộ trong vòng 30 phút mỗi ngày có thể làm tăng lưu thông tuần hoàn máu và cải thiện sức khỏe tổng thể. 10/. Thực hành thiền định. Thiền định có thể chữa lành và ngăn ngừa nhiều bệnh tật. Chỉ cần ngồi thiền trong vòng 10 phút vào buổi sáng có thể khởi động ngày mới tốt đẹp, tuy nhiên nếu dành thêm thời gian thì tốt hơn. 11/. Ăn hành tây. Hành tây rất tốt cho việc hạ huyết áp một cách tự nhiên nhờ có chứa Prostaglandin A có thể làm giãn mạch máu và làm giảm độ nhớt của máu do đó cũng góp phần làm giảm huyết áp, tăng lưu lượng máu động mạch vành và ngăn ngừa huyết khối. Ngoài ra, vỏ hành tây còn chứa nhiều rutin, rất có lợi cho việc làm vững bền thành mạch. Khi ăn sống, hành tây sẽ mang đến lợi tác dụng lớn nhất. Gợi ý cho bạn là món salad rau với hành tây thái lát. 12/. Không ăn sau 9 giờ tối. Chất béo được tích lũy dễ dàng nhất vào lúc 2 giờ sáng. Nếu chúng ta không ăn thứ gì sau 9 giờ tối, có nghĩa là không có chất béo nào sẽ được tích lũy. Thanh Hoa - Nguồn: ĐKN Hoàng Chúc st.
10 cách giúp bạn thoát khỏi nỗi buồn Bạn đang buồn chán đến mức không thiết tha với nhịp sống sôi động? Bạn đang vùi mình gặm nhấm nỗi buồn? Những cách sau sẽ giúp bạn sớm thoát khỏi tâm trạng đáng chán đó. 1. Gọi cho một người bạn Cầm lấy điện thoại và gọi cho một ai đó. Một người mà bạn tin cậy để có thể chia sẻ mọi nỗi vui buồn. Hãy khóc – nếu bạn không cầm được nước mắt. Chỉ cần có thể chia sẻ nỗi lòng mình với một ai đó là bạn đã thấy mình vơi được một nửa nỗi buồn. 2. Đi dạo Hít thở không khí trong lành ở công viên là một cách lấy lại tinh thần hiệu quả. Hãy đi dạo, không nỗ lực như khi bạn tập thể dục mà chỉ đơn giản là ra khỏi giường và chuyển động, bạn sẽ thấy lòng mình thư thái. 3. Hãy tha thứ cho bản thân Hãy viết những chuyện gì bạn cảm thấy mình đã làm thật xuẩn ngốc, điên rồ trong quá khứ, viết tất cả những sai lầm của mình và cho chúng trôi đi. Tha thứ cho bản thân để bạn có thể thanh thản tập trung cho cuộc sống tươi đẹp trước mắt và không quẩn quanh với những dằn vặt trong quá khứ. 4. Tắm Một khoảnh khắc riêng tư, yên tĩnh trong phòng tắm sẽ giúp bạn thư thái và yêu đời hơn. 5. Dọn dẹp Căn nhà bề bộn sẽ càng làm cho bạn cảm thấy cuộc sống mệt mỏi hơn. Hãy bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, hoặc đơn giản chỉ là sắp xếp lại phòng. Bạn sẽ thấy “nhẹ” mắt hơn và tâm hồn cũng trở nên dịu dàng hơn. 6. Hãy đặt và cố gắng hoàn tất những mục tiêu nhỏ Cuộc sống tất bật sẽ khiến bạn cảm thấy stress vì công việc luôn bận rộn mỗi ngày. Hãy đặt ra cho mình những mục tiêu đơn giản như sẽ dọn dẹp nhà tuần hai lần, hay cố gắng tham gia khóa khiêu vũ một lần mỗi tuần. Bạn sẽ thấy vui vẻ yêu đời khi mình hoàn thành những mục tiêu kia. 7. Cười lớn Hãy đọc truyện cười , xem phim hài, và cười lên thật sảng khoái. Nụ cười là liều doping mạnh giúp bạn lấy lại sự lạc quan trong cuộc sống. 8. Nghe nhạc Nghe những bản nhạc yêu thích và nhảy theo điệu nhạc, hát to lên nếu bạn muốn. Âm nhạc hàn gắn và thấu cảm những nỗi buồn trong bạn, khiến nỗi buồn trong lòng bạn tan biến dần. 9. Đọc sách Chìm đắm vào một cuốn sách hay như Đèn không hắt bóng hay Ruồi Trâu, khóc cười cùng nhân vật sẽ giúp bạn thoát ra tâm trạng u ám đang đeo bám. 10. Hãy nhớ rằng ngày mai là một ngày mới Những gì đem đến cho bạn những nỗi muộn phiền ngày hôm nay sẽ là một động lực mang đến những điều tốt đẹp cho bạn vào ngày mai. Khi mặt trời thức giấc bạn sẽ thấy một con đường mới để bước đi và vươn tới những điều tốt đẹp. GocTamHon.org (St) Người Tây: Ăn chậm, đi lẹ, hôn công khai, tè lén. Người Việt: Ăn lẹ, đi chậm, hôn lén, tè công khai. Người Tây: Họp bàn thì tranh luận, ra làm thì nhất trí. Người Việt: Họp bàn thì nhất trí, ra làm thì tranh luận . John Phan (Hùng) st. Top 100 Most Searched
For Out-of-Print Books of 2015 By Richard Davies Imperial Woman: The Story of the Last Empress of China Pearl S. Buck It's never dull when we dive into BookFinder.com 's dusty archives of digital data to compile a list of the most searched for out-of-print books from the previous year. Sex, religion, quilting, gardening, swimming, pike fishing, cooking and UFOs, you can find all the important aspects of life in this selection of literature. Big names abound. Musicians Johnny Cash and Madonna are joined by actor Robert Redford. Writers like Stephen King , Patricia Cornwell, Pearl S. Buck, James Herbert, Isaac Asimov and Ray Bradbury are there too. Once again Madonna is back on top where the Material Girl always loves to be. After tumbling to No. 3 in 2014 , Sex by Madonna has reclaimed the top spot in the BookFinder.com list for searches conducted in 2015. We do have a copy of Sex in the marketing department at AbeBooks and it's pretty rude - we don't let the interns near it and the HR department doesn't know about it at all. I'm not sure what else we can say about this famous book where Madonna flaunts herself across a multitude of sexual preferences and lusty scenarios. I suppose we could add that the book does have sturdy aluminum covers which makes it rather durable and aluminum doesn't rust so that's another plus. Putting Madonna and her antics to one side for another year, the BookFinder.com list continues to be a microcosm of modern society. It's a shame that so many of these books have slipped through the cracks and gone out-of-print. But there is always hope. A Treasury of Great Recipes by Vincent and Mary Price is missing after finally being reprinted in 2015 - 50 years after it was first published. There are art books galore including instructional, educational and appreciations of the form. Sport - football, motor racing and open-water swimming - can be found alongside religion (Mormons, Muslims and Christianity), gunsmithing, and crafting. With transgenderism discussed so much in 2015, it was interesting to see A Life Worth Living by Lady Colin Campbell make an appearance. The victim of a rare cosmetic disorder, she was wrongly registered and brought up as a boy in Jamaica. She did not receive medical treatment until she was 21 but went on to become a model. Hagarism: The Making of the Islamic World by Patricia Crone and Michael Cook, originally published in 1977, is one of the many topical books on the list. Bandit Country by English journalist Toby Harnden offers a deep perspective on Northern Ireland's Troubles during the height of the conflict. The Evil of the Daleks by John Peel is a novelization of one of the BBC's 'lost' Doctor Who episodes from 1967. R.H. Blyth - a long forgotten English author - has two books on the list. One about haikus and the other about Zen in literature. Blyth (1898-1964) was an expert in Japanese culture and even tutored the Japanese Crown Prince while working as a Professor of English in Japan. Perhaps the most fascinating book on the list is The Sound of Music and Plants by Dorothy L. Retallack where the author measures the effect of music on plants. Apparently, plants enjoy, and will grow toward, middle-of-the-road music, but they die and shrivel up when exposed to rock and roll. Titles like this one prove that there is a book covering every subject you can imagine. The List: Dark Carnival by Ray Bradbury 1. Sex by Madonna 2. Rage by Richard Bachman - Stephen King 3. Unintended Consequences by John Ross 4. Promise Me Tomorrow by Nora Roberts 5. Alla Prima: Everything I Know About Painting by Richard Schmid 6. Finding the Winning Edge by Bill Walsh with Brian Billick & James Peterson 7. The Vision and Beyond, Prophecies Fulfilled and Still to Come by David Wilkerson 8. Permaculture: A Designers' Manual by Bill Mollison 9. Halloween by Curtis Richards 10. Mastering Atmosphere & Mood in Watercolor by Joseph Zbukvic 11. Fast Times at Ridgemont High by Cameron Crowe 12. Encyclopedia of Pieced Quilt Patterns by Barbara Brackman 13. Bandit Country: The IRA and South Armagh by Toby Harnden 14. Marilyn: A Biography by Norman Mailer 15. Mandingo by Kyle Onstott The Sound of Music and Plants by Dorothy Retallack 16. Murmurs of Earth by Carl Sagan 17. Snake by Ken Stabler 18. A Life Worth Living by Lady Colin Campbell 19. The Act of Creation by Arthur Koestler 20. A History of Hand Knitting by Richard Rutt 21. Hell, I Was There by Elmer Keith 22. Breakthrough Advertising by Eugene M. Schwartz 23. Life at the Limit: Triumph and Tragedy in Formula One by Sid Watkins 24. The Bible Story by Arthur S. Maxwell 25. Cyborg by Martin Caidin 26. 102 Favorite Paintings by Norman Rockwell 27. Set the Trumpet to Thy Mouth by David Wilkerson 28. Trademarks and Symbols: Symbolical Design by Yasaburo Kuwayama 29. Masquerade by Kit Williams 30. The Trees by Conrad Richter Heidi Grows Up by Charles Tritten 31. Cards as Weapons by Ricky Jay 32. To Drop a Dime by Paul Hoffman 33. To Hell and Back: Lauda Autobiography by Niki Lauda & Herbert Volker 34. The Angelique Series by Sergeanne (Anne) Golon 35. The Night Boat by Robert McCammon 36. Let the Hurricane Roar by Rose Wilder Lane 37. Country Landscapes in Watercolor by John Blockley 38. Phoebe and the Hot Water Bottles by Linda Dawson & Terry Furchgott 39. The City by James Herbert 40. The Reality Dysfunction by Peter F. Hamilton 41. First Lessons in Drawing and Painting by Jack Hamm 42. Dark Carnival by Ray Bradbury 43. My Pretty Pony by Stephen King 44. The Last Course: The Desserts of Gramercy Tavern by Claudia Fleming 45. The Body by Stephen King The Interrupted Journey by John G. Fuller 46. Making Plant Medicine by Richo Cech 47. Women are Beautiful by Garry Winogrand 48. Larousse Gastronomique: The World's Greatest Cookery Encyclopedia by Prosper Montagne 49. Mormon Doctrine by Bruce McConkie 50. Professional Pattern Grading for Women's, Men's, and Children's Apparel by Jack Handford 51. Portrait of a Killer: Jack the Ripper - Case Closed by Patricia Cornwell 52. Baal by Robert R. McCammon 53. Man in Black: His Own Story in his Own Words by Johnny Cash 54. The Sisters: Babe Mortimer Paley, Betsy Roosevelt Whitney, Minnie Astor Fosburgh: The Lives and Times of the Fabulous Cushing Sisters by David Grafton 55. Codependent No More: How to Stop Controlling Others and Start Caring for Yourself by Melody Beattie 56. Women and Men by Joseph McElroy 57. Daredevil Omnibus, Vol. 1 by Ed Brubaker 58. Zen in English Literature and Oriental Classics by R.H. Blyth 59. Noah's Ark by Rien Poortvliet 60. Monet by Robert Gordon & Andrew Forge A History of Haiku by R.H. Blyth 61. Sebastião Salgado: Workers: An Archaeology of the Industrial Age by Sebastião Salgado 62. The Americans by Robert Frank 63. The History of Haiku by R.H. Blyth 64. Almonds and Raisins by Maisie Mosco 65. Hagarism: The Making of the Islamic World by Patricia Crone and Michael Cook 66. The Essential Woodworker: Skills, Tools and Methods by Robert Wearing 67. Heidi Grows Up by Charles Tritten 68. SpaceWreck: Ghost Ships and Derelicts of Space by Stewart Cowley 69. In the American West by Richard Avedon 70. The Heaven Tree Trilogy by Edith Pargeter / Ellis Peters 71. Anybody Can Do Anything by Betty MacDonald 72. Too Good to be Threw: The Complete Operations Manual for Resale and Consignment Shops by Kate Holmes 73. Beyond Technique: Painting With Passion by Alvaro Castagnet 74. The Big Country by Donald Hamilton 75. Doctor Who: The Evil of the Daleks by John Peel My Pretty Pony by Stephen King 76. Knights of Doom by Steve Jackson 77. Situation Red: The UFO Siege! by Leonard H. Stringfield 78. Imperial Woman: The Story of the Last Empress of China by Pearl S. Buck 79. Norman Rockwell Illustrator by Arthur L. Guptill 80. The Sound of Music and Plants by Dorothy L. Retallack 81. The Interrupted Journey: Two Lost Hours Aboard a Flying Saucer by John G. Fuller 82. Open Water Swimming: A Complete Guide for Distance Swimmers and Triathletes by Penny Lee Dean 83. Fire Command by Alan V. Brunacini 84. The King Ranch by Tom Lea 85. House of Bondage: A South African Black Man Exposes in His Own Pictures and Words the Bitter Life of His Homeland Today by Ernest Cole 86. She Is The Darkness by Glen Cook 87. Trumpets in Grumpetland by Peter Cross 88. The Edge of Running Water by William Sloane 89. Big League Sales Closing Techniques by Les Dane 90. Modern Arboriculture: A Systems Approach to the Care of Trees and Their Associates by Alex L. Shigo 91. Tapestry: The Paintings of Robert McGinnis by Arnie & Cathy Fenner 92. The Domesday Book of Mammoth Pike by Fred Buller 93. Troika by Alastair Reynolds 94. The Green Hat by Michael Arlen 95. Lost Moon: The Perilous Voyage of Apollo 13 by James Lovell 96. The Specialist by Charles Sale 97. Practical Gunsmithing by Edward Matunas 98. The Outlaw Trail: A Journey Through Time by Robert Redford 99. The Art of Holly Hobbie by Holly Hobbie 100. Nine Tomorrows by Isaac Asimov Hà Mạnh Đoàn st.
Phụ bản II MÀU ĐỜI Có những lúc nhìn đời màu tím than Bởi tháng năm chất chồng bao quá vãng Những cất đi bỗng hiện về đầy ứ Tím rịm cả lòng tím rịm cả tâm can Có những lúc nhìn đời màu vàng đất Bởi những nổi chìm khép lại đa truân Vùi xuống lòng sâu những khoái khoắc cơ cầu Rồi phủ lấp bằng tầng tầng lớp lớp
Có những lúc nhìn ra màu hồng phấn Nghe đong đưa thư thả mỗi xế chiều Rồi nghe nắng vàng hong ngày gợi mở Bóng mây chiều cũng lãng đãng trôi đi Và có lúc chợt xanh màu lá mạ À thì ra lộc mới đã xôn xao Hé môi tươi mà ghé đóa hương đào Nghe điệu thức từ lâu vừa trỗi dậy
Bâng khuâng quá rồi ươm hồng lên má Thoáng men đời vẫn đượm chút say say À thì ra bao lấm láp rồi bay Lại thêm ấm những màu son lấp lánh Đàm Lan TẾT NÀY Tết này chỉ một gian bếp thôi là đủ Canh nóng cơm thơm rau luộc thịt kho trứng ốp Một cái bánh chưng gật gù cũng dăm lát chả Chồng gắp một xêu vợ múc một thìa con hau háu mắt như nai như thỏ Mặc kệ cái cô cô gì đó có đi ngang cửa cũng không ai chào ai đón Mặc kệ cái cô cô gì đó héo hon rũ rượi rồi cũng độn thổ với thăng thiên Gói hết mấy mớ muộn phiền ném vào lửa đỏ rồi tung ra ngoài gió Đặt một cái phễu lọc trong tâm bằng sự tĩnh lặng đến vô cùng Chẳng phải kêu ca tết gì đâu mà bó gối Xuân sướng gì mà chẳng được phố xá tung tăng Tết vẫn tết . Xuân vẫn xuân cốt chỉ cần tâm thế Hoa trong lòng vui nở là hoa lâu tàn hơn tất thảy Tết này í ới gọi nhau qua zalo qua faabook Cũng cười như pháo nổ cũng chúc nhau đủ thứ trên đời Có sao đâu bởi cuộc sống vẫn muôn ngàn thể trạng Vẫn từng bừng vẫn khí thế vẫn xuân quá là xuân Đàm Lan Chúc thi hữu Câu lạc bộ sách Xưa & Nay Tuổi già chúc nhau khỏe Để sống vui cùng trẻ Sum họp với cháu con Không tính toán mất còn Vì theo luật tự nhiên Trần gian nơi sống tạm Thiên đình mới ở yên Chúng ta đã cao niên Ở, đi đâu biết được Chúc các anh ngàn lượt Mạnh khỏe, vượt trăm năm Chúc các chị vui lên Sống vui vui khỏe khỏe. Lương Văn Nhung Tôn vinh phụ nữ Ngày tám tháng ba khắp nơi Tôn vinh phụ nữ tỏa ngời vinh quang Tuyên ngôn độc lập chương vàng Đổi đời làm chủ vẻ vang sáng ngần Cần lao phụ nữ xa gần Thoát xiềng nô lệ, vạn phần tự do Xây nền bình đẳng ấm no Chung tay sức mạnh gương cờ tiến lên Nêu cao nam nữ bình quyền Khắp trên thế giới vang lên anh hùng. Lương Văn Nhung Mừng xuân Tân Sửu Mừng xuân Tân Sửu hoan ca Chúc mừng phúc lộc gấm hoa đẹp giàu Chúc người thân thiện thương nhau Chúc đời thân ái bền lâu ngàn đời Nắng xuân man mác rạng ngời Mùa xuân hoa ngọt tình người thủy chung Cầu giăng khắp nẻo ngang sông Cho người bớt khổ long đong lụy đò Muôn nhà hạnh phúc ấm no Nước non hưng thịnh, nỗi lo xóa dần Mong sao nhân loại xa gần Lương tri bác ái công bằng dân sinh. Đinh Thị Diệu Chúc tết Chúc bạn năm mới Thuận đà tiến tới Sức khỏe vô biên Sung sướng như tiên Tiền nhiều như núi. Lê Minh Chử
Một thời Bến Nghé Tình cờ lật ảnh ra xem Bồi hồi Bến Nghé nên đem trải lòng Nhớ xưa chờ đợi trông mong Định kỳ hội ngộ: tình nồng vấn vương. Huynh cùng Tỷ Muội yêu thương Giao lưu – đàm đạo: tuyết sương mặc dù Trán hằn đậm nét ưu tư Chạnh lòng Bến Nghé ngờ như mộng tàn!!! Xót xa nỗi nhớ vô vàn Bạn gần không đến – ngỡ ngàng bạn xa Dư âm hồi tưởng thiết tha Rã rời xích chuyển phong ba mộng vàng. Vũ Thùy Hương Kỷ niệm Hỡi người yêu trong xót xa Tình thầm rồi đã đi qua Vẫn nhớ mãi hoài cơn mưa cũ Ta về ướt áo dưới đường hoa. Người đứng lặng nhìn ta trước ngõ Quay về nơi đó bóng trăng tà Một mai còn hai ba năm nữa Ta thành thiếu phụ ngắm nguyệt xa. Ai đi vạn lý trường sa Cho ta nhắn chút tình già khắc ghi. Hoài Ly Hồi tưởng Những mùa Xuân trước nào ngờ Xuân sau dịch bệnh vật vờ mộng xưa Xin chào bằng hữu buồn chưa Tại gia phòng chống ngăn ngừa bệnh lây. Tạm xa thơ phú từ đây Xế chiều đơn lẻ đong đầy vấn vương Nhớ làm sao! Bao mến thương Giao lưu – đàm đạo ngát hương xế chiều.
Mai vàng ủ rũ tiêu điều Nho – Cúc héo úa: liêu xiêu lụi tàn Mãi mong mơ ước bình an Toàn cầu thôi cảnh lầm than não lòng. Vần Thơ diễn đạt hoài mong
Qua cơn bão tố Hanh Thông mọi miền.
Vũ Thùy Hương Trâu với Nghé thủ vĩ nhứt tự Trâu cầy cho lắm cũng là trâu Trâu kéo tiền tài nặng cổ trâu Trâu trắng bé ti, kêu chú nghé Trâu đen to lớn, gọi con trâu Trâu cha thất nghiệp, đau lòng nghé Trâu mẹ mất lương, xót dạ trâu Trâu chửa có sừng, thường nói nghé Trâu mài sừng nhọt, cũng là trâu. Phước Hải 2021 Hạnh Phúc Bao năm chung sống một nhà Phu thê tình nghĩa đậm đà trước sau Sáng chiều vui vẻ bên nhau Em – anh, duyên nợ như trầu với cau. Trai nghe lời nói ngọt ngào Nụ hôn hồng thắm, biết bao ân tình Hạnh phúc là ở chữ tâm Công – Dung – Ngôn – Hạnh xin ai giữ gìn.
Kim Long, 15.02.2021 Lớp tuổi già Trăm năm rất hiếm tuổi người ta Thất thập lai hy được hưởng già Đạo đức chu toàn tròn bổn phận Nhân từ phước độ quý nhân đa Hàng ngày gặp lại tình thân thiện Đầu tối cầu kinh đấng vị tha Trí não ôn hòa luôn tưởng niệm Dưỡng sinh thể dục sống vui nhà.
K.H. Quang Bỉnh T.G (0907089929 – 2021) Viếng cảnh cũ (Phú Quốc) Đằng vân Phú Quốc nữa giờ Bà con thủ tục đứng chờ check qua Năm nay đông khách hơn xưa Taxi dồn dã đón đưa lộ trình. Khi xưa đường đất lún xình Người đã bỏ chạy dân tình vắng hoe Đường đi không có bóng xe Cà mèn ca nóc bỏ bè ngổn ngang. Lượm lặt vài cái đeo mang Bạn bè cùng lứa tâm can rối bời Vào trại nhận vắt cơm xôi Nhìn quanh ngó quẩn ôi thôi bộn bề. Ngày đi cải tạo trở về Gia đình xum họp tứ bề bình an Bốn mươi năm là thời gian Đặt chân trở lại chứa chan cảm tình. Cảnh quan nay đã đẹp xinh Dinh Cậu bãi biển hữu tình nên thơ Sóng biển vỗ nhẹ lên bờ Nước trong in bóng cột cờ hải đăng. Tàu cá neo đậu hai hàng Mực nghêu ghẹ ốc tôm càng tươi trong Gia vị ẩm thực vừa lòng Trăng thanh gió mát rượu nồng đưa cay. Viếng chùa Hộ Quốc nơi nầy Các vị lãnh tụ trưng bày cây xanh Vòng qua Đá Bàn, Suối Tranh Thiên nhiên ban tặng đất lành bao năm. Du khách thưởng thức tắm nằm Đưa lưng chọi nắng bụng tắm nước qua Vui chơi mát mẻ quá đà Phố đêm nam nữ đủ tà áo hoa. Trở về ta tắm ao ta Nước tuy có đục vậy mà vui hơn. K.H. Quang Bỉnh (Tiền Giang)
Bệnh Cô-vi Năm rồi nước lũ cuốn nhà trôi Dịch bệnh vẫn còn lây bạn ơi Sản xuất thuốc tiêm ngừa nhiễm nặng Vi trùng quái ác khắp nhiều nơi. Nước ngoài chống yếu thì toi mạng Bào chế ngăn ngừa để kịp thời Nguy hiểm con người luôn bảo vệ Năm điều (Bộ y tế) phải nhớ tránh đông người.
K.H. Quang Bỉnh T.G (0907089929 – 2021) Xuân Tân Sửu 2021 Ngủ vận trắc Đông tàn Xuân đến mừng niên Sửu Phấn khởi muôn nhà ngày hội Tựu Quyết thuộc đồng hương, bạch Yến sâm Thần bằng viễn xứ, mang xã Tửu Gia đình đạo đức, đẹp trường tồn Xã hội bình an, vui vĩnh Cửu Thắm đượm tình thơ, gởi bốn phương Màu mè cánh thiệp, trao thi Hữu. Phước Hải Học Học câm lặng của làn mây Thi tư vương vấn ngàn cây cuối rừng Học buồn của mắt rưng rưng Cố ngàn giọt lệ trong từng bữa ăn. Học thao thức của vầng trăng Đêm dài lẻ bóng, cung hằng quạnh hiu Học đam mê của gió chiều Dù muôn phương vẫn cô liêu hững hờ.
Học chung thủy của giấc mơ Suốt đời lặng lẽ đợi chờ cố nhân Học kiên nhẫn của số phần Nghiêng theo định mệnh phân vân gợn sầu. Học tha thiết của đêm thâu Lắt lay nhắn nhủ ngàn câu ân tình Học làm thơ để làm thinh Âm thầm trang trải lòng mình thế thôi.
Ngàn Phương
Trang sách cuộc đời Cánh hoa dại ép vào trang sách cũ Chút sắc hương tàn đọng nét yêu thương Chút hồn thơ e ấp mộng ngàn phương Vùng kỷ niệm êm đềm thơm ý sống. Tuổi học trò ngây thơ và bé bỏng Tuổi hái hoa đuổi bướm suốt mùa xuân Em say mê ưa thích đến bâng khuâng Những trang sách còn thơm mùi nắng mới.
Lời mẹ dạy thì thầm như nhắn gởi Những chuyện xưa, điển tích, các danh nhân Gì quý giá hơn tài sản tinh thần Nguồn vốn liếng rút từ trong sách vở. Hãy trao gởi trọn tâm hồn cởi mở Hãy vuốt ve trang giấy mịn như nhung Hãy nâng niu, gắn bó đến vô cùng Hãy tha thiết dâng trọn lòng chung thủy.
Thú chơi sách – thú thư nhàn thâm thúy Đóng cửa tháp ngà nói chuyện cung trăng Mở rộng lòng đón nhận cánh sao băng Yêu say đắm như gặp người trong mộng. Em lớn lên mang theo ngàn ước vọng Một tương lai tươi sáng đẹp như thơ Một rừng hoa khoe sắc ướp hương mơ Một tủ sách quý hay hoành tráng nhất.
Một mái ấm đoàn viên giàu kiến thức Gian tháp ngà chứa đựng những tinh hoa Trải muôn đời biển học rộng bao la Nguồn hiểu biết thiêng liêng và bất tận. Thú chơi sách – một niềm vui lãng mạn Đáng suy tôn, trân trọng nhớ miên man Một thú chơi tao nhã chẳng cao sang Nhưng lý thú tuyệt vời hơn tất cả.
Ngàn Phương Phỏng theo ý nghĩ về sách của Vương Hồng Sến và Pétrarques Về thăm thầy cũ Một sớm nắng hồng nhuộm xóm quê Đường xưa êm ái dẫn tôi về Trường xưa nay đã rêu phong phủ Tiếng trẻ đọc bài sao nghe nhớ ghê. Ngày mẹ dắt tôi đến lớp thầy Gió thu nhè nhẹ lá vàng bay Nhìn thầy, nhìn bạn tôi vui sướng Ngày đầu đi học cũng hay hay. Rồi sau mười mấy năm đèn sách Tôi đã hăng say nối bước thầy Nay trở lại đây về thăm chốn cũ Thầy tôi tóc đã trắng như mây. Gặp tôi, thầy giáo nhận ra ngay Cô bé ngày xưa rất sợ thầy Mỗi lúc sai lầm thầy quở nhẹ Chưa chia nước mắt đã đong đầy. Thầy vẫn tận tâm sớm với trưa Vẫn còn ánh mắt sáng như xưa Nếp nhăn lắng đọng trên vầng trán Đã biết bao mùa nắng lại mưa Con ã, bao năm đi dạy học Chỉ mong giáo dục trẻ nên người Mai đây lớp lớp đàn em nhỏ Nối gót chúng ta bước kịp người Thầy ơi con nguyện khắc ghi lời Dạy trẻ còn thơ – giúp ích đời Lớp lớp mầm non vùng lớn mạnh Làm tròn nghĩa vụ khắp nơi nơi. Ngàn Phương ÔNG VỌNG Ông chẳng biết mình abo tuổi Người như thỏi sắt cháy thui Ông đến các làng đánh giậm Quanh năm chỉ mặc quần đùi Ông thường bán tôm cá rẻ Cho ai còn khổ hơn mình Có tiền ông mua cút rượu Nhắm với hành tươi chuối xanh
Có đêm ông vừa thiếp ngủ Cá tôm chạy trốn phương nào Ông bỗng thấy mình rực sáng Vực lên cả một trời sao Ông cứ lơ mơ tin tưởng Đời ông sẽ có cái gì Chân đất đầu trần quần cộc Kìa, ông lại vác giậm đi...
Điền trì 1988 Trần Nhuận Minh
OLD MR. VỌNG He never knows how old he is He looks as black as a burned iron stick He went to villages to catch shrimps Wearing only a pair of breeches all the year round He often sold cheaply fish and shrimps To people more miserable than himself Upon getting some money, he bought a phial of wine And ate fresh onions and green bananas over sips of alcohol
Certain night when he just lay dead to the world from exhaustion In what direction fish and shrimps were hiding He suddenly felt he was shining bright Bringing about a whole starry night He always vaguely believes His life will have something Barefooted, bareheaded and wearing breeches There, he’s again carrying away his bamboo shrimp pot...
Điền Trì 1988 Trần Nhuận Minh - Translated by Vũ Anh Tuấn PHÚC Té ra là thằng Phúc Trời ơi! Bạn tôi xưa Từng ngồi xe ba bánh Dáng phong lưu có thừa Thế nào mà đột ngột Nhà Phúc bị niêm phong Đốt tiền trong toa lét Ba ngày còn chưa xong
Mắt hoàn toàn vô cảm Gặp tội, Phúc ngửa tay Tóc bù xù tổ quạ Mặt hoang như trời đày Tôi rùng mình ghê rợn Khi Phúc bẫng lẫng cười Trò đùa của Tạo Hóa Đến thế này thì thôi...
1993 Trần Nhuận Minh PHÚC So it was Phúc My God! That’s my old friend Who had ridden on a tricycle Being actually comfortably off How come suddenly Phúc’s house was sealed Were he to burn his bank-notes in the toilet room Three days aren’t enough to finish
With quite insensitive eyes Seeing me. Phúc begged He had crow’s nest like ruffled hair And a desolate God-damned face I shuddered in fear While Phúc vaguely laughed The Creator’s trick Just cannot be worst...
1993 Trần Nhuận Minh - Translated by Vũ Anh Tuấn
100 LỜI KHUYÊN LÚC LÂM CHUNG CỦA MỘT VỊ THẦY THUỐC 112 TUỔI Món quà để lại lúc lâm chung của một vị Thầy thuốc Trung y cao tuổi, thật quá tuyệt vời! Tổng cộng có 100 điều, mỗi điều đều rất cao thâm, nên cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần, nó sẽ giúp bạn đề cao nhận thức đối với sức khỏe! 1. Hãy nhớ kỹ: Ngủ là yếu tố quan trọng nhất của dưỡng sinh. Thời gian ngủ nên từ 21h đến 3h sáng. Vì thời gian này là mùa đông trong ngày, mùa đông chủ yếu là ẩn náu, mùa đông mà không ẩn náu thì mùa xuân, hạ sẽ không thể sinh trưởng, sang ngày hôm sau sẽ không có tinh thần. 2. Hết thảy các vị thuốc dùng để trị bệnh cho dù là Trung y hay là Tây y đều chỉ là trị phần ngọn, không trị tận gốc. Tại vì hết thảy bệnh tật đều bắt nguồn từ những nguyên nhân sai lầm mà sản sinh ra hậu quả sai lầm. Nguyên nhân sai lầm mà không trừ dứt, thì hậu quả sẽ không thể bỏ tận gốc. Nguồn gốc căn bản của sức khỏe là tại tâm. Hết thảy pháp từ tâm sinh ra. Tâm tịnh thân sẽ tịnh. Vì thế khi bị bệnh rồi, không được hướng ngoại cầu, phải dựa vào hệ thống phục hồi của bản thân để chữa trị bệnh của chính mình. Kỳ thực con người và động vật là giống nhau, bệnh của động vật đều là tự dựa vào bản thân mà tự hồi phục, và con người cũng có khả năng đó. 3. Quan niệm đúng đắn có tác dụng giúp người bệnh tiêu trừ bệnh tật tốt hơn nhiều so với sử dụng biệt dược đắt đỏ và phẫu thuật. Có được quan niệm đúng đắn, bạn sẽ có quyết định đúng đắn, bạn sẽ có hành vi đúng đắn, và bạn sẽ có thể phòng ngừa rất nhiều bệnh tật phát sinh. 4. Con người vốn hội tụ hết thảy trí huệ, tuyệt đối không phải là học từ trong sách vở, mà là từ tâm chân thành, tâm thanh tịnh của bản thân, từ trong [thiền] định mà sinh ra. 5. Trong giới sinh vật con người là linh thể có cấu tạo hoàn mỹ nhất, khi con người được sinh ra là đã có một cơ thể khỏe mạnh; sự điều chỉnh trạng thái khỏe mạnh của con người là dựa vào chính hệ thống điều tiết phục hồi của bản thân để hoàn thành, chứ không phải dựa vào nhân tố bên ngoài, các nhân tố bên ngoài chỉ có tác dụng phụ trợ. 6. Đại đa số hiện tượng bệnh tật của con người là hiện tượng biểu hiện khi cơ thể đang điều tiết, thanh lọc những thứ không tốt trong thân thể, là trạng thái biểu hiện ra khi cơ thể tự động điều tiết trở lại trạng thái cân bằng, vì thế chúng ta nên coi đó là hiện tượng sinh lý bình thường, chứ không nên coi đó là căn bệnh để tiêu diệt. Vì vậy khi con người bị bệnh, nhất định không nên có tâm thái oán trách và giận giữ, tâm lý phải ổn định, tâm định thì khí sẽ thuận, khí thuận thì máu sẽ thông, khi thuận huyết thông thì trăm bệnh đều sẽ tiêu tán. 7. Sức khỏe của con người không thể xa rời hai nhân tố: 1) Khí huyết đầy đủ; 2) Kinh mạch thông suốt (bao gồm huyết quản và đường thông bài tiết những thứ cặn bã). 8. Khí huyết đầy đủ dựa vào: sự đầy đủ về thức ăn + dịch mật + bắt buộc trong khoảng thời gian (sau khi trời tối đến 1h40 sáng) có thể ngủ ngon giấc (thời gian này đại não hoàn toàn không làm việc, đều do thần kinh thực vật làm chủ đạo) + có thói quen sinh hoạt lành mạnh. 9. Kinh mạch thông suốt cần: Tâm thanh tịnh. Hết thảy thất tình lục dục đều có thể phá hoại tâm thanh tịnh, từ đó phá hoại sự lưu thông bình thường của kinh mạch. 10. Duy trì một cơ thể khỏe mạnh khỏe mạnh không chỉ cần “tăng thu” (gia tăng khí huyết), mà còn cần “tiết chi” (giảm thiểu sự hao tổn khí huyết). 11. Ăn uống quá độ không những không thể gia tăng khí huyết, mà còn trở thành những thứ cặn bã mang gánh nặng cho cơ thể, hơn nữa còn bị tiêu hao khí huyết để thanh lọc chúng đi. Lục phủ ngũ tạng là một xưởng gia công khí huyết, thức ăn là nguyên vật liệu, năng lực gia công là hữu hạn, còn thức ăn là vô hạn, cho nên số lượng thức ăn nhất thiết phải được khống chế. 12. Vận động thích hợp có thể giúp cho khí huyết lưu thông, nhưng đồng thời cũng tiêu hao đi khí huyết. Sự tuần hoàn của cơ thể tại vi mô chủ yếu dựa vào trạng thái lỏng và tĩnh mà đạt được, đây cũng là điều không thể thiếu cho một cơ thể khỏe mạnh. 13. Chất cặn bã trong cơ thể càng nhiều sẽ cần càng nhiều khí huyết để thanh lọc chúng, nhưng khi chất cặn bã nhiều lên và làm tắc huyết mạch sẽ làm giảm thiểu khí huyết, cái đó sẽ dẫn đến sự tuần hoàn ác tính, cũng chính là cơ lý khiến con người già yếu đi. Vì vậy nếu con người muốn khỏe mạnh không già yếu thì phải: 1) Giảm thiểu chất cặn bã trong cơ thể; 2) Tăng cường sự thông suốt của các đường kinh mạch; 3) Tăng cường khí huyết trong cơ thể. 14. Tin tưởng vào thuốc, tin tưởng vào số liệu kiểm tra, không bằng tin tưởng vào cảm giác của bản thân, tin tưởng rằng chính mình có đầy đủ năng lực để điều tiết. Nhưng trước hết bạn cần phải là người đắc đạo (trí huệ đã khai mở), mới có thể phân biệt được hết thảy những điều này. 15. Sự khỏe mạnh, khởi đầu từ việc điều hòa tâm tính. Vì sức khỏe của bạn, bạn hãy tu Phật. Tu Phật đạt được sự vui vẻ đó là sự hưởng thụ tối cao của đời người. 16. Đối với người có bệnh cũ mà nói, chỉ khi có khí huyết đầy đủ (một là thông qua phương pháp bổ sung khí huyết như đã giới thiệu ở đây, hai là thông qua việc đi tản bộ để đánh thông khí cơ), bệnh tình mới có thể hiển hiện ra. Vì thế người luyện công sau khi công phu đã đạt đến một trình độ nhất định đều xuất hiện một vài hiện tượng “bệnh”. Đến lúc đó phải vững vàng kiên định, tâm thần phải tĩnh lại và luyện nhiều tĩnh công hơn để gia tăng khí huyết của bản thân, để mau chóng vượt qua giai đoạn này. 17. Con người làm trái với quy luật dưỡng sinh, mặc dù không nhất định sẽ bị bệnh ngay lập tức, nhưng một khi đã hình thành thói quen, liền gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Điều này giống với luật lệ giao thông, bạn vi phạm luật lệ giao thông, không nhất định sẽ xảy ra sự cố, nhưng tình trạng nguy hiểm là có thể thấy rất rõ ràng. 18. Tại sao con người nhất thiết phải duy trì trạng thái đói khát nhất định thì mới có lợi cho dưỡng sinh? Kỳ thực đây chính là sự vận dụng tuyệt diệu của chữ “Hư”. Đạo gia giảng, hư thì linh. Chính cái đó cùng với sự khiêm tốn khiến cho con người tiến bộ, giống như tự mãn khiến con người lạc hậu, vì thế con người nhất thiết phải thường xuyên duy trì trạng thái “hư linh”, mới có thể luôn luôn duy trì sự thanh tỉnh, duy trì sự khỏe mạnh. 19. Con người muốn khỏe mạnh, thì nhất thiết phải làm cho bên trong cơ thể có đầy đủ “khí” để “khí hóa” những thức ăn đi vào. Chỉ có như thế, thì bên trong thân thể bạn mới không tích tụ chất cặn bã, sẽ không có thức ăn thừa bị phóng thích và phân tán “hư hỏa” gây tổn hại các cơ quan nội tạng trong cơ thể bạn. Cái “hư hỏa” còn làm tổn hại “khí” của bạn. Vì thế, từ trên ý nghĩa đó có thể thấy, con người hiện đại bị bệnh, đại đa số là do ăn uống không điều độ mà thành. 20. “Nằm lâu hại khí”, “Ngồi lâu hại thịt”, “Nhàn hạ ắt khí ứ đọng”, lại dưỡng tĩnh quá độ, sẽ khiến công năng tiêu hóa của tì vị bị hạ thấp, chức năng của tạng phủ ì trệ, khí huyết lưu chuyển ứ tắc không thông thuận, lực đề kháng giảm, khả năng miễn dịch bị tổn hại, lượng đường, mỡ, axit uric, huyết áp tăng cao, dần dần lâu ngày, con người sẽ sinh bệnh, hơn nữa đa phần đều là thân thể yếu nhiều bệnh, ví dụ như cảm mạo thường xuyên, không muốn ăn, thần trí mỏi mệt, sốt ruột căng thẳng v.v… 21. Tục ngữ có câu “Linh cơ nhất động, kế thượng tâm lai” (nhạy bén hễ động, nảy ra sáng kiến). Chữ “cơ” nếu như có thể thực sự hiểu được thấu, thế thì ngộ tính của bạn được tính là đã khai mở rồi. Thầy giáo dạy người, bác sỹ trị bệnh, kỳ thực chính là đang chỉ ra cái “cơ” này của bạn, khiến cái “cơ” này của bạn khai mở. cái “cơ” này có lúc cũng gọi là “then chốt”. Đương nhiên cái “cơ” này khởi tác dụng là có điều kiện, cũng giống như khinh khí chỉ khi đạt đến nồng độ nhất định, thì gặp lửa mới có thể bùng cháy. Hãy nhớ kỹ, tác dụng của người khác đều là nhân tố bên ngoài, bản thân bạn mới thực sự là nguyên nhân bên trong. 22. Kỳ thực, rất nhiều sự phát hiện và phát minh chân chính, điều cần thiết [để sáng tạo ra chúng] không phải là cái gọi là hệ thống kiến thức trên sách vở; mà hoàn toàn ngược lại, một người chưa từng thông qua bất kể sự giáo dục nào một cách hệ thống, nhưng ngộ tính rất cao, là người có tư duy cởi mở, họ thường thực sự ngộ ra được chân tướng. 23. Con người tối kỵ nhất là loạn chữ, loạn tâm, khi đối ngoại có thể làm hỏng việc, đối nội có thể ảnh hưởng đến khí huyết, làm mất đi sự hoạt động thông thường. Phàm là khi vui buồn, tức giận, hoài nghi, lo lắng, đều là loạn, là căn nguyên của bệnh tật và đoản thọ, không chỉ khi dưỡng bệnh mới không nên loạn, mà khi bình thường cũng rất kỵ tâm loạn. 24. Giận nhiều hại gan, dâm nhiều hại thận, ăn nhiều hại ruột, ưu tư hại lá lách, phẫn nộ hại gan, sầu muộn hại tinh thần. 25. Khi đổ bệnh, đều do tâm suy yếu, ngoại tà thừa cơ xâm nhập. Mà khi tâm yếu khí nhược, mỗi khi do tâm tình hỗn loạn, thân thể không sung mãn, xuất hiện đủ loại bất an, Tham ăn, tham thắng, tham đạt, tham vui an dật, đều đủ để dẫn đến bị bệnh. Khi tham mà không được, thì dễ dẫn đến giận dữ. Hay giận dữ khiến tâm khí hỗn loạn, gan mật rối loạn, sáu mạch chấn động, ngũ tạng sôi trào, ngoài tà cùng lúc đó mà thừa cơ xâm nhập, đó là nguyên nhân của bệnh tật. 26. Người thường mong cầu trường thọ, trước tiên phải trừ bệnh. Mong cầu trừ bệnh, phải biết dụng khí. Muốn biết dụng khí, trước hết phải dưỡng sinh. Phương pháp dưỡng sinh, trước hết phải điều tâm (điều hòa tâm thái). 27. Con người do khí trong ngũ hành mà sinh, nhục thân lấy khí làm chủ. Khí bị hao tổn ắt sinh bệnh, khí ứ động không thông cũng sinh bệnh. Muốn trị bệnh này, ắt phải trị khí trước tiên. 28. Khí để thông huyết, huyết để bổ khí, tuy hai mà như một vậy. Phàm là người nhìn nhiều (sử dụng mắt nhiều) ắt tổn thương huyết, nằm nhiều tổn thương khí, ngồi nhiều tổn thương thịt, đứng nhiều tổn thương xương, đi nhiều tổn thương gân, thất tình lục dục quá độ ắt tổn thương nguyên khí, hại tới tâm thận. Như ngọn lửa cháy mạnh mẽ, bị hao tổn dương khí. 29. Trị bệnh về ngũ tạng, đầu tiên cần bổ khí. Thận là cấp bách nhất. Bổ khí nghiêm cấm động tâm, động tâm ắt nóng gan, các mạch bị chấn động, chân thủy sẽ hao tổn. Tâm bị động, sẽ dẫn khởi phong. Phong động ắt hỏa vượng, hỏa vượng ắt thủy can, thủy can ắt địa tổn. 30. Tâm định thần nhất, người được chữa bệnh cần tín tâm kiên định chuyên nhất, lưỡng tâm tương hợp, có thể trị khỏi bách bệnh, không cần dùng thần dược. 31. Bệnh của con người có thể chia thành 2 loại: một là kinh lạc cơ bản thông suốt nhưng khí không đủ. Biểu hiện là thường xuyên đau chỗ này chỗ kia, đó là vì khí của anh ta không đủ để khí hóa thức ăn, từ đó sản sinh ra tương hỏa (cũng gọi là hư hỏa), thuận theo kinh lạc di chuyển hỗn loạn trong thân thể, chỗ nào thông thì chạy qua chỗ đó, gặp phải chỗ bị tắc nghẽn, chỗ đó ắt sẽ bị đau. Những người như vậy uống một chút thuốc liền lập tức thấy công hiệu. Hai là kinh lạc không thông, khí không có chỗ nào để lưu lại trong thân thể. Biểu hiện bề ngoài không có chút dấu hiệu nào của bệnh tật, nhưng một khi đã phát bệnh thì rất nặng, hơn nữa loại người này dù uống thuốc gì thì hiệu quả cũng rất chậm, hoặc căn bản không có tác dụng gì. Chủ phát gọi là cơ. Mũi tên muốn bay ra từ cánh cung, bắt buộc phải có cái cơ này để phát động. Bất kỳ sự tình nào cũng đều như thế, đều có một cái cơ, chỉ khi nào kích động cái cơ này, thì sự tình mới phát sinh, nếu chẳng kích động được cái cơ này, các điều kiện khác dẫu có nhiều đến mấy, cũng không có cách nào dẫn khởi sự việc. Vậy rốt cuộc cơ nó là cái thứ gì, nó chính là nhân tố then chốt để phát sinh mọi sự việc. Nó là điểm, không phải là diện. Thế nhưng nếu kích động được điểm này, thì có thể kéo theo cả một diện. Cho nên bệnh cơ là nhân tố then chốt nhất trong sự phát sinh, phát triển và biến hóa của bệnh, (cũng có thể nói, bệnh cơ một khi khai mở, bệnh trạng của người đó sẽ hiển hiện ra, người đó sẽ tiến nhập vào trạng thái tuần hoàn ác tính của bệnh, đối lập với bệnh cơ là “sinh cơ”. Khi sinh cơ mở ra, người đó sẽ tiến nhập vào trạng thái thuần tốt đẹp của quá trình hồi phục. Thực tế bệnh cơ và sinh cơ là hai phương diện của cùng một thứ, là một cặp âm dương. Khi bệnh cơ mở ra, sinh cơ sẽ đóng lại; khi sinh cơ mở ra, bệnh cơ tự nhiên cũng sẽ đóng. Đây gọi là pháp biện chứng). 32. Cảnh giới cao nhất của Trung y là dưỡng sinh, cảnh giới cao nhất của dưỡng sinh là dưỡng tâm. Cho nên, đối với dưỡng sinh mà nói, hạ sỹ dưỡng thân, trung sỹ dưỡng khí, thượng sỹ dưỡng tâm. Nhìn một cá nhân cũng giống như thế, nhìn tướng không bằng nhìn khí, nhìn khí không bằng nhìn tâm. 33. Tâm thần bất an, tâm tình nóng vội, là căn nguyên dẫn đến bị bệnh và tử vong. Phương pháp giữ tâm bình an, là bí quyết số một trong việc bảo vệ sinh mệnh. Tâm có thể chủ động tất cả. Tâm định ắt khí hòa, khí hòa ắt huyết thuận, huyết thuận ắt tinh lực đủ mà thần vượng, người có tinh lực đủ thần vượng, lực đề kháng nội bộ sẽ khỏe, bệnh tật sẽ tự tiêu tan. Cho nên để trị bệnh đương nhiên cần lấy dưỡng tâm làm chủ [yếu]. 34. Phong hàn âm dương mùa hạ nóng ẩm, đều có thể khiến cho con người mắc bệnh. Ngộ nhỡ lực đề kháng yếu, [bệnh tật] sẽ thừa cơ xâm nhập. Người có thân thể yếu nhược thường nhiều bệnh, chính là cái lý này. Người giàu có điều kiện bảo hộ tốt, như ăn-mặc-ở v.v… Người nghèo có lực đề kháng, nếu như khí đủ thần vượng, lỗ chân lông dày khít, không dễ bị [bệnh tật] xâm nhập v.v… Người giàu ăn nhiều đồ béo ngọt, hại dạ dày hại răng. Người nghèo hay phải chịu đói, thức ăn không phức tạp, nhờ đó mà không bị bệnh ở ruột. Người giàu thường nhàn hạ, vì thế mà nhiều phiền muộn. Người nghèo lao động nhiều, nhờ đó mà bệnh tật ít. Người giàu không tạo phúc mà chỉ hưởng phúc, chỉ toàn tiêu phúc, tiêu cạn ắt nghèo. Người nghèo có thể cần kiệm, đó chính là tạo phúc, khi quả chín sẽ giàu có. Phàm là điều kiện bảo hộ ăn-mặc-ở đầy đủ thì lực đề kháng về tinh khí thần sẽ yếu. Điều kiện bảo hộ kém, lực đề kháng ắt sẽ mạnh. 35. Mới khỏi bệnh nặng, cần tránh cắt tóc, rửa chân, tắm gội 36. Con người đều muốn cầu trường thọ vô bệnh, thân thể luôn khỏe mạnh. Muốn thân thể khỏe mạnh, đương nhiên cần điều tiết tinh khí thần. Muốn điều tiết tinh khí thần, đương nhiên cần cự tuyệt sự can nhiễu của những thứ tà. Muốn chặn đứng tà, đầu tiên cần phải dưỡng tâm. Muốn dưỡng tâm, cần phải hóa giải tam độc tham-sân-si. Muốn hóa giải tam độc này, bắt buộc phải học tâm giới. Nhưng muốn giữ được giới về ngôn từ lời nói, không nói không làm những việc vô ích, cần phải khai [trí] huệ, vứt bỏ đi những điều ngu muội, và bắt buộc phải đạt được định trước tiên. Muốn đạt được định, tất phải học tản bộ. 37. Có thể tĩnh ắt phải là người nhân [nghĩa], có nhân [nghĩa] ắt sẽ thọ, có thọ chính là hạnh phúc thực sự. 38. Tất cả những pháp môn tu thân tu tâm, chỉ có bí quyết gồm 2 từ: một là phóng hạ, hai là quay đầu. Phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật; Biển khổ vô biên, quay đầu là bờ. Chỉ cần phóng hạ, quay đầu, người bệnh lập tức khỏi, người mê lập tức giác ngộ. Đây mới thực sự là người có vô lượng thọ. 39. Người mà tâm quá lao lực, tâm trí mệt mỏi thì gan sẽ vượng, tâm quá lao lực chính là tâm quá đầy, không rỗng. Tâm đầy, ắt không thể dung nạp can (mộc) sinh chi hỏa, tâm không dung nạp can sinh chi hỏa, khí trong gan ắt sẽ tích tụ lại nhiều. Gan là mộc khắc thổ, nên tì vị sẽ mắc bệnh, tiêu hóa sẽ không tốt, dinh dưỡng không đủ, tối ngủ sẽ không yên. Mộc lại khắc thủy, từ đó mà thận thủy bị thiếu, thủy không đủ ắt hỏa càng vượng, tâm thận có liên hệ tương hỗ, nên tâm khí càng yếu, bệnh phổi sẽ hình thành. Nội bộ có mối liên quan tương hỗ, một thứ động sẽ kéo theo toàn bộ đều động, một chỗ bị bệnh sẽ khiến toàn cơ thể bị bệnh. Người có cái tâm nhiễu loạn, chính là do cái tâm ngông cuồng đầy tham vọng, cho nên muốn trị bệnh cần làm an cái tâm này lại, an cái tâm này lại chính là chấm dứt vọng tưởng, để chấm dứt vọng tưởng cần có tâm sáng, tâm sáng chính là tự giác ngộ, mà để đạt được khỏe mạnh thì công hiệu nhất lại là ở tản bộ. 40. Tản bộ là phương pháp điều hòa tâm, tâm điều hòa ắt thần an (tinh thần an lạc), thần an ắt khí đủ, khí đủ ắt huyết vượng, khí huyết lưu thông, nếu có bệnh có thể trừ bệnh, nếu không đủ có thể bồi bổ, đã đủ rồi có thể gia tăng. Bệnh hiện tại có thể trừ, bệnh tương lai có thể phòng tránh. Điều tâm còn khiến cho thần minh (tinh thần minh mẫn sáng suốt), thần minh ắt cơ linh, người có tâm thanh tĩnh thật tuyệt diệu biết bao, họ có cái nhìn biện chứng, tác phong bề ngoài linh hoạt, thấu hiểu các nguyên lý một cách chính xác, liệu sự nhìn xa trông rộng, gặp loạn bất kinh, thấy cảnh đẹp không bị mê hoặc, có thể thông đạt mọi thứ, bản thân không có những ý kiến chủ quan sai lệch, đại cơ đại dụng, chính là từ đó mà ra. 41. Con người khi bị bệnh kỵ nhất là khởi tâm oán giận. Lúc này nhất định phải giữ sự bình an hòa ái, khiến cho tâm an định. Sau đó dần dần điều chỉnh, sức khỏe sẽ rất nhanh hồi phục. Tâm an thì khí mới thuận, khí thuận mới có thể trừ bệnh. Nếu không ắt tâm sẽ gấp hỏa sẽ thăng, can khí sẽ phải chịu hao tổn, làm bệnh tình càng thêm nặng. Tâm thân yên nhất, khí huyết toàn thân ấy, sẽ tự phát huy tác dụng khôi phục sức khỏe. 42. Giờ Tý (từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng) mất ngủ, thủy thận tất thiếu, tâm thận có liên hệ tương hỗ, thủy thiếu ắt hỏa vượng, rất dễ tổn hại tới [tinh] thần. 43. Trong khi ngủ nếu có tư tưởng, tâm không thể an, không được vừa nằm vừa suy nghĩ trăn trở, rất dễ hao tổn [tinh] thần. 44. Giờ Ngọ (từ 11 giờ đến 13 giờ) thuộc về tâm, giờ này có thể tản bộ 15 phút, nhắm mắt dưỡng thần, tâm khí ắt khỏe mạnh. 45. Dậy sớm trong khoảng giờ Dần từ 3 giờ đến 5 giờ, giờ này kỵ nhất buồn giận, nếu không ắt hại phổi tổn thương gan, hy vọng mọi người hết sức chú ý. 46. Tất cả sự nghiệp trong cuộc đời, đều lấy tinh thần làm căn bản, sự suy vượng cường thịnh của tinh thần, đều dựa vào sự tĩnh định bất loạn của tâm và thần, một chữ loạn, cũng đủ để làm trở ngại tới công việc. 47. Nhân sinh lấy khí huyết lưu thông làm chủ, khí ứ đọng có thể ngăn trở huyết, máu huyết bị ngăn trở có thể tích độc thành nhọt thành bệnh, thành u thành ung thư, tất cả đều là do huyết khí không thông tạo thành. Khí lấy thuận làm chủ, huyết lấy thông làm suôn sẻ. Căn nguyên bách bệnh đầu tiên đều do khí tắc, khí bị tắc bên trong, gan sẽ bị thương tổn trước tiên. Cách cứu chữa, chính là ở bí quyết hóa giải. Mà bí quyết hóa giải lại gồm có 2 loại: Một là tìm căn nguyên của nó, căn nguyên này chính là ở tâm, tâm không ắt tất cả tự động được hóa giải. Hai là dùng thuốc và châm cứu, trợ giúp hóa giải thêm bằng mát xa, sẽ giúp cho khí huyết lưu thông. 48. Dưỡng bệnh trị bệnh không thể đòi hỏi nhanh. Bởi vì nóng vội sẽ trợ giúp hỏa, hỏa vượng sẽ tổn khí, gây tác dụng ngược lại. Ngoài ra không thể tham nhiều, tham lam ắt tâm không kiên định mà nóng vội, huống hồ bách bệnh đều do tham mà ra, nên không thể lại tham mà làm cho bệnh tình càng thêm nặng là vậy. 49. Tâm thuộc tính Hỏa, Thận thuộc tính Thủy, Tâm Thận liên hệ tương hỗ. Hỏa cần giáng hạ, Thủy cần thăng lên, Thủy Hỏa tương tề, ắt khí trong thân thể sẽ bộc phát. Các bộ phận cơ thể vận động, có thể được mạnh khỏe. Điều này qua việc quan sát lưỡi có thể biết được. Lưỡi không có nước ắt không linh hoạt, vì chữ hoạt ( 活 ) là do bộ Thủy và chữ lưỡi ( 舌 ) ghép thành. Lưỡi có thể báo cáo tình trạng nặng nhẹ của các loại bệnh bên trong thân thể, từ đó mà phán đoán việc sinh tử. 50. Phương pháp tự cứu khi lâm đại bệnh: Một là không được sợ chết, tin tưởng rằng bệnh của mình, không những có thể khỏi, mà thân thể có thể trở nên đặc biệt khỏe mạnh, sống lâu trường thọ. Bởi vì bản thân cơ thể bản chất đã có năng lực này, không phải chỉ là suy nghĩ để tự an ủi. Hai là tin tưởng không cần dùng thuốc hoặc dựa vào bất kỳ thực phẩm dưỡng sinh nào, nhất định bản thân tự có khả năng trừ bệnh kéo dài tuổi thọ. Ba là bắt đầu từ hôm nay, phải quyết định không được lại động tới thân bệnh của bản thân, không được nghĩ tới bệnh của bản thân là bệnh gì, tốt hay xấu đều không được suy tính về nó, chỉ làm một người vô tư. Bốn là trong khoảng thời gian chữa trị, không được nghĩ tới công việc, cũng không được hối hận về công việc và thời gian đã mất, chuyên tâm nhất trí, nếu không sẽ lại chậm trễ có khi hỏng việc. 51. Phương pháp dưỡng tĩnh: an tọa (nằm) trên giường, đặt thân tâm nhất tề hạ xuống, toàn thân như hòa tan, không được phép dùng một chút khí lực nào, như thể không có cái thân thể này vậy, hô hấp tùy theo tự nhiên, tâm cũng không được phép dùng lực, một niệm khởi lên cũng là đang dùng lực. Để tâm đặt xuống tận dưới bàn chân, như thế có thể dẫn hỏa đi xuống, dẫn thủy đi lên, tự nhiên toàn thân khí huyết sẽ thông thuận. 52. Yếu quyết tu luyện: tĩnh lặng theo dõi, tránh dùng lực Yêu cầu cụ thể: Không cho phép bất cứ bộ phận nào dùng khí lực dù chỉ một chút, bao gồm ý niệm, hô hấp, tứ chi, cần làm được: mắt không nhìn, tai không nghe, mũi không ngửi, lưỡi không nếm, miệng không nạp (ăn), tâm không nghĩ. Đó là điều kiện duy nhất. Nếu có bất cứ hành vi tư tưởng, nghe, cảm giác nào đều là đang dùng khí lực, thậm chí cử động ngón tay cũng là dùng khí lực. Thở mạnh cũng lại là dùng khí lực. Không bao lâu hơi thở sẽ tự nhiên trở nên an hòa, như thể không phải ra vào từ lỗ mũi, mà như thể 8 vạn 4 ngàn lỗ chân lông trên toàn cơ thể đều có động tác, hoặc nở ra hoặc khép lại, lúc này sẽ là trạng thái vô ngã vô thân vô khí vô tâm, tự nhiên tâm sẽ quy hồi vị trí bản nguyên. Cái gọi là dẫn hỏa quy nguyên, hay còn gọi là thủy hỏa ký tế, chính là bí quyết chung để điều trị bách bệnh. 53. Trường hợp chăm chút dưỡng sinh nhưng lại chết sớm, chiếm đến ba phần mười, vậy rốt cuộc là thế nào? Đó là vì quá yêu quý thân thể của mình. Vì cái thân xác này, sợ phải chịu xấu hổ, sợ bị nuông chiều, sợ chịu thiệt, sợ bị mắc lừa, lo trước lo sau, nhìn ngang nhìn dọc, lo lắng hốt hoảng, tính toán thiệt hơn … như thế, trái tim đó của anh ta cả ngày giống như quả hạch đào bị chó gặm đi gặm lại, làm sao mà có thể không chết chứ. Càng sợ chết, càng chết nhanh. Nếu bạn muốn dưỡng sinh, thì phải không sợ chết. Chỉ có không sợ chết, mới có thể cách xa cái chết. Người thực sự không sợ chết, đi đường sẽ không gặp phải hổ, nếu có gặp phải, hổ cũng không ăn thịt anh ta. Đánh nhau không gặp phải đao súng, nếu có gặp, đao súng cũng sẽ không làm anh ta bị thương. Tại sao? Bởi vì anh ta không coi cái chết là gì, không sợ chết, cái chết cũng không có cách nào. Dưỡng sinh, mặc dù không phải là mục đích của việc tu đạo, nhưng người tu đạo đã nhìn thấu được sinh tử, cho nên sẽ không sợ chết nữa, vì đã không sợ chết nữa, nên cái chết cũng không còn là vấn đề. Quan sinh tử đã qua rồi, còn gì mà không thể vượt qua nữa? Vì thế, người tu đạo có thể trường sinh. Không nghĩ đến trường sinh, trái lại lại có thể trường sinh. Tâm luôn nghĩ muốn trường sinh, trái lại càng nhanh chết. Trường sinh không phải là mục đích của tu đạo, nó chỉ là hiện tượng đi kèm của tu đạo. 54. Người có bệnh, lại không cho rằng mình có bệnh, đây chính là bệnh lớn nhất của con người. Người mà biết bản thân mình có bệnh liệu có được bao nhiêu? 55. Người mà ngày nào nửa đêm canh ba cũng vẫn còn ở trên mạng, bản thân đó chính là điều đại kỵ của dưỡng sinh. Bao gồm cả một số người gọi là danh y cũng thế. Ngoài ra, tâm của họ còn luôn tính toán so đo, thử hỏi người như vậy thì đến bản thân còn không giữ nổi, thì làm sao chữa bệnh cho người khác đây? 56. Đừng tham những cái lợi nhỏ nhặt, cái lợi lớn cũng đừng tham. Một từ tham nhưng bao hàm cả họa. Tham lam, suy tính thiệt hơn sẽ khiến cho người ta mắc các bệnh về tim. Tham lam, suy hơn tính thiệt là biểu hiện của việc không hiểu Đạo Pháp về cái lý tự nhiên. 57. Đừng có ngày nào cũng nghĩ xem ăn cái gì để bổ âm, ăn cái gì để tráng dương. Hãy nhớ kỹ, vận động là có thể sinh dương; tản bộ thì có thể sinh âm. Âm là mẹ của dương, dương là được vận dụng bởi âm. 58. Người ta khi khí không đầy đủ, không được mù quáng mà bổ khí, nếu không ắt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu như vì huyết không đủ, thì cần phải bổ huyết trước, bởi vì huyết là mẹ của khí, nếu không ắt sẽ thành dụng cụ thiêu đốt, làm cho nội tạng bị đốt cháy; nếu là vì kinh lạc không thông, thì có thể gia tăng khí huyết, đồng thời bồi bổ khí huyết. Như vậy mới có thể đạt được tác dụng của bổ khí. 59. Hoàn cảnh đối với người dưỡng sinh có tính trọng yếu là điều vô cùng rõ ràng. Đây chính là đạo lý mà vì sao người ở những vùng không khí trong lành nơi rừng sâu núi thẳm, có thể dưỡng khỏi những bệnh tật khó chữa. Bởi vì những vật chất tinh vi nơi rừng sâu núi thẳm (ion điện âm) sẽ thông qua trạng thái thả lỏng của con người trong khi hít thở sâu mà hấp thụ vào trong nội bộ nhân thể, từ đó mà tưới đều lục phủ ngũ tạng, khiến cho người ta có được sức sống mới. Ngoài ra còn có một điểm mà người thường không hề biết, đó chính là con người không chỉ hô hấp thông qua lỗ mũi, mà mỗi một lỗ chân lông trên thân thể con người đều có thể hô hấp, hơn nữa những gì chúng hấp thụ chính là tinh hoa của trời đất. 60. Con người trong trạng thái thả lỏng và tĩnh, hít thở sâu và chậm có thể cảm nhận được sự giao hoán những tinh khí của con người với trời đất: Trong khi hấp thụ khí, thực tế ngoại trừ lúc phổi đang hít khí vào, toàn bộ thân thể đều đang bài trừ khí bên trong thân thể ra ngoài, và đem khí của người phóng thích ra ngoài trời đất; còn khi phổi đang thải khí ra, thực tế con người đang hấp thụ tinh khí của đất trời thông qua các lỗ chân lông. Điều này đại khái chính là điều mà Lão Tử đã nói “Thiên địa chi gian, kỳ do thác dược hồ”. 61. Khi vận động có hai điểm cấm kỵ: một là không được vận động khi khí huyết không đủ; hai là không được vận động trong môi trường bị ô nhiễm. 62. Vận động có hai tác dụng: một là gia tăng tốc độ vận hành của khí huyết, thúc tiến quá trình bài xuất chất cặn bã trong thân thể ra ngoài; hai là khai mở lỗ chân lông trên da, để hấp thụ tinh khí của trời đất. 63. Ngộ tính là gì? Trí huệ là gì? Ngộ tính và trí huệ chính là sử dụng những phương pháp đơn giản nhất để xử lý, xem xét tất cả các sự vật. Nhưng có một số người thường hay gây nhiễu loạn luôn nhìn những sự việc đơn gian thành phức tạp, làm thành phức tạp. Phức tạp và đơn giản kỳ thực là một thứ, là hai mặt của một thứ. Điều người thông minh nhìn thấy là mặt đơn giản, điều người ngu xuẩn nhìn thấy là mặt phức tạp. 64. Con người không trị được bệnh, thì cần phải nhờ Thần trị; Thần trị không khỏi bệnh thì phải nhờ Phật trị. Phật giảng điều gì? Điều Phật giảng là tâm. 65. Bệnh viện và tòa án ngày nay đều như nhau, có động tới hay không cũng đều đưa cho bệnh nhân giấy thông báo phán quyết tử hình. Mà trong nhiều tình huống, phán tử hình cho nhiều người đáng lẽ không bị tử hình. Tại sao lại nói như thế? Lấy “ung thư” làm ví dụ, trong tâm con người ngày nay ung thư đồng nghĩa với tử hình. Kỳ thực nếu như chúng ta không gọi nó là ung thư, thế thì đối với bệnh nhân mà nói, chính là mang cho bệnh nhân một tia hi vọng, bằng như lưu lại cho họ một cơ hội sống. Cho nên tôi mới nói, bệnh nhân ung thư ngày nay có đến hơn một nửa là bị dọa chết, là bị áp lực tinh thần dày vò đến chết. Đồng thời cũng chính là bị bệnh viện hành hạ đến chết. 66. Bởi vì một khi bạn bị chẩn đoán thành bệnh ung thư, họ sẽ có thể không kiêng nể gì cả mà tùy ý xử lý bạn, điều trị mà không chết coi như mệnh của bạn lớn, điều trị mà chết, thì là do bệnh của bạn là ung thư. Sự thực mà nói, không có bệnh gì là trị không khỏi, chỉ là xem cái tâm của bạn có thể buông xuống được không, tất cả bệnh tật đều từ tâm sinh, tất cả bệnh tật cũng đều từ tâm mà trị. Chỉ cần bạn vẫn còn sống, bạn vẫn còn cơ hội. Tìm thấy được cơ hội này, áp dụng nó đối với việc trị bệnh ung thư, bạn sẽ khỏe mạnh trở lại. 67. Hiện nay ngoài xã hội đều nói về cạnh tranh, việc này đã khiến cho mọi trật tự bị đảo loạn, khiến cho con người bị dẫn dụ vào ma đạo. Cạnh tranh là gì? Cạnh tranh chính là khiến người ta bị cuốn vào cảnh giới tham dục vô hạn. Một mặt bạn đề xướng cạnh tranh, một mặt bạn nói về những gì là xây dựng và ổn định xã hội, đây chẳng phải là điển hình của việc tự lừa mình dối người sao. 68. Căn cứ vào nguyên lý âm dương tương hỗ mà xét, thanh khiết và vẩn đục là hấp dẫn lẫn nhau. Cho nên con người ăn vào những thứ tươi mới tất sẽ có tác dụng tương hợp với những vật chất bẩn trong cơ thể, từ đó mà bài trừ những thứ ấy ra ngoài. 69. Những vật chất vẩn đục sinh ra là do ăn vào những thực phẩm không sạch, nhưng chủ yếu là do ăn quá nhiều, cơ thể không thể tiêu hóa được khiến đống thức ăn thừa đó biến thành cặn bã. Tùy kỳ tự nhiên là cảnh giới cao nhất của dưỡng sinh. Một người khi sinh ra, vận mệnh của anh ta căn bản là đã có định số rồi. Anh ta nên làm gì, không nên làm gì, nên ăn gì, không nên ăn gì, nếu như có thể thuận theo vận số của bản thân mà làm, thì sẽ có thể được bình an vô sự. Người có ngộ tính sẽ phát hiện ra được, sẽ biết được vận mệnh của bản thân, biết được họ nên làm cái gì, không nên làm cái gì. Cho nên dưỡng sinh tuyệt đối không đơn giản là bắt trước, bảo sao làm vậy. Không cần hâm mộ người khác, cần tìm ra ngộ tính của bản thân từ trong tâm của chính mình. Vậy con người làm thế nào mới có thể phát hiện bản thân đã đạt được tùy kỳ tự nhiên hay chưa? Kỳ thực điều này quá dễ, khi bạn có bệnh, bạn cảm thấy không thoải mái, bạn thấy không được tự tại, chứng tỏ bạn đã đi ngược lại tự nhiên rồi. Cần làm được thuận theo tự nhiên của đại tự nhiên bên ngoài, ngoài ra còn phải thuận theo lẽ tự nhiên của vận mệnh bên trong bản thân, hai điều này đều không thể thiếu được. 70. Rất nhiều người khi nghe thấy bác sỹ tuyên bố bản thân bị mắc trọng bệnh, thường đều sẽ biểu hiện ra dáng vẻ không vui, hi vọng có thể dùng phương pháp cắt, gọt, độc, giết v.v… để loại bỏ căn bệnh đó, tuy nhiên, bệnh tật thực sự không phải sản sinh từ đó? Trên thế gian tuyệt đối không có hiện tượng “đang khỏe mạnh đột nhiên sinh bệnh”. Lấy cảm mạo làm ví dụ, nếu thực sự yêu cầu bệnh nhân tự làm kiểm điểm, thông thường bệnh nhân sẽ cho biết, bản thân trước khi cảm mạo, đã trải qua vài lần thức thâu đêm; có người sẽ nói rằng bản thân bị trúng gió lạnh, bị dính mưa ướt; có một số người lại nói do áp lực công việc quá lớn, thường xuyên đau đầu, mất ngủ. Kỳ thực, những hiện tượng như thế, đều có thể là nhân tố dẫn tới cảm mạo, nói thêm nữa, nếu như độ mẫn cảm và tính cảnh giác của con người đầy đủ, tự nhiên sẽ có thể đạt được mục đích “đề phòng tai họa”. 71. Khoa học chân chính là gì? Chính là nhân duyên quả báo. Không tin nhân quả, thì không phải là khoa học chân chính. 72. Cái tâm không sợ chịu thiệt, không sợ bị người khác chiếm lấy lợi ích. Hay nói một cách khác là bạn có thể chịu thiệt, người khác muốn lấy mạng của bạn mà bạn vẫn có thể buông xả, bạn đều có thể cho họ hết, hơn nữa tự bản thân trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều không ham lợi ích, khi đó cái tâm của bạn có thể sẽ không định (tĩnh lặng) sao? Con người trên thế gian có ai làm được? Nhưng Phật là có thể làm được. 73. Sau khi con người nắm vững được phương pháp về sức khỏe, họ sẽ thực sự hưởng thụ được một trạng thái tự tin khi không còn lo sợ mắc bệnh. Cái loại cảm giác này thật tuyệt, hy vọng rằng bạn và chúng tôi đều có thể có được trạng thái tự tin đó. 74. Khi học vấn thâm sâu ý chí sẽ bình lặng, tâm định ắt khí sẽ yên. Cho nên đối với một người đắc Đạo mà nói, quan sát một người, không phải là một việc quá khó khăn, đây cũng là kết quả của tướng tùy tâm chuyển. 75. Danh là điều khó phá vỡ nhất trong ngũ dục, sắc đứng thứ hai, tiếp theo là tài, sau đó là ăn và ngủ. Tâm về danh không bỏ, thì không có cách nào nhập Đạo. 76. Khởi nguồn của bách bệnh, đều bắt nguồn từ việc bị gió độc thừa cơ xâm nhập. Nếu như thân thể khí suy nhược, khả năng phòng vệ kém, hoặc ưu tư sợ hãi, đắm chìm trong tửu sắc, làm việc quá lao lực, chân khí sẽ bị hao tổn từ đó tà ngoại thừa cơ tấn công. 77. Trị bệnh về ngũ tạng, đầu tiên cần phải bổ khí. Khi bổ khí cấm động tâm, tâm động ắt gan vượng, gây chấn động mạch, chân thủy sẽ hao tổn. Tâm là quạt, sẽ dẫn khởi gió. gió động ắt hỏa vượng, hoặc vượng ắt thủy can, thủy can ắt địa tổn. 78. Đối với bác sỹ mà nói, tâm định thần nhất, người được chữa bệnh có tín tâm kiên định, lưỡng tâm tương hợp, có thể trị được bách bệnh. 79. Qua trường hợp Hitler đi vòng qua phòng tuyến kiên cố Maginot của quân đội liên minh, tôi ngộ ra rằng: để đối phó với một số bệnh cứng đầu, không thể tấn công cứng nhắc từ chính diện, cần đột phá từ những phương diện khác có liên quan. Chẳng hạn như việc điều trị các bệnh cứng đầu như bệnh thận, bệnh gan, có thể đạt được hiệu quả thông qua việc điều chỉnh phổi và lá lách v.v… 80. Trung Dung, là nguyên tắc căn bản của dưỡng sinh. Khí huyết trong cơ thể người cũng là một cặp âm dương, huyết là âm là thể, khí là dương là dụng. huyết là mẹ của khí, khí là chủ tướng của huyết. Khí không đủ, dễ mắc các bệnh do ứ trệ tạo nên như mọc u, tắc động mạch; khí quá độ; dễ mắc các bệnh về xuất huyết não. Cho nên, chỉ khi khí huyết cân bằng, con người mới có thể khỏe mạnh. 81. Con người chỉ khi ngộ ra được cái gì là “tự nhiên”, mới được coi là đắc đạo. Biết được tự nhiên, sau đó mới có thể tùy kỳ tự nhiên, người này chính là Thần nhân. Hiểu được âm dương, hiểu được tùy kỳ tự nhiên, bạn nhất định sẽ trở thành lương y đại đức. 82. Cái gì là tự nhiên, tự nhiên chính là bất kỳ sự vật gì đều có hai mặt âm dương, bất kỳ sự vật nào đều cần trải qua quá trình Sinh (sinh sản), Trưởng (tăng trưởng), Thu (thu hoạch), Tàng (tàng trữ). Bạn thuận theo quá trình này, sử dụng nguyên lý tương sinh tương khắc của ngũ hành để điều tiết sự cân bằng của bệnh nhân, làm sao mà không trị được khỏi bệnh chứ. 83. Đơn giản và phức tạp là một cặp âm dương, sự tình càng phức tạp, thường thường sử dụng biện pháp đơn giản nhất lại có thể giải quyết. Cũng đồng dạng như thế, một vấn đề nhìn tưởng chừng đơn giản, để giải quyết nó bạn sẽ thấy thật không dễ dàng, bạn phải phó xuất nỗ lực rất lớn cũng không nhất định giải quyết được. Điều này giống cương nhu vậy, cực nhu có thể khắc chế cương, cực cương thì nhu cũng không thể chống. Cho nên, chúng ta khi giải quyết vấn đề cần có lối suy nghĩ rằng, gặp phải vấn đề phức tạp nên tìm biện pháp đơn giản để giải quyết, gặp phải vấn đề đơn giản đừng vội coi thường nó, cần phải chú trọng đủ mức tới nó. 84. Chúng ta hãy thử xem trong thế giới này có phải là có tồn tại đạo lý đó hay không. Liệu có được mấy người có thể tùy kỳ tự nhiên trong việc ăn ngủ, có được mấy người có thể tuân thủ tự nhiên. Bạn tuân thủ không được, vì sao? Bởi vì nó quá đơn giản, chính vì quá đơn giản, cho nên bạn không dễ mà có thể tuân thủ. Đây gọi là phép biện chứng. 85. Cái gì là cân bằng? Cân bằng chính là sự tồn tại dựa vào nhau và khắc chế nhau của âm dương, phương diện nào quá độ hoặc quá kém cũng sẽ khiến mất đi sự cân bằng. Tổn thương nguyên khí là gì, mất đi sự cân bằng chính là tổn thương nguyên khí. Thường xuyên ở trong trạng thái cân bằng, nguyên khí ắt sẽ được bảo trì tốt, con người sẽ lão hóa chậm. 86. Đạo về âm dương chính là sự tương hỗ dựa vào nhau và chuyển hóa lẫn nhau của hai phương diện mâu thuẫn đối lập. Bất kỳ một cặp mâu thuẫn nào, nếu một bên thoát ly khỏi bên kia, không còn chịu sự ức chế của đối phương nữa, thì thời điểm mà nó bị diệt vong cũng không còn xa. Bạn thử nhìn xem, xã hội ngày nay, các lãnh đạo đều không thích bị khống chế, thích được độc lập tự do, thích làm theo ý mình, tham ô hối lộ, thế thì kết quả là gì đều có thể tưởng tượng ra được. Âm và dương chính là như thế. Trong đại tự nhiên, khi một sự vật xuất hiện, đều có mang theo nhân tố do nó sinh ra, nhưng đồng thời cũng sẽ xuất hiện một nhân tố để khắc chế nó. Đó chính là đạo lý ngũ hành tương sinh tương khắc, cũng là đạo lý dựa vào nhau, ức chế lẫn nhau của âm dương. Cho nên đạo lý dưỡng sinh cũng vậy, khi bạn bị bệnh, luôn tồn tại một nhân tố khiến bạn sinh bệnh, đồng thời cũng sẽ có một nhân tố ức chế nó, có thể giúp bạn tiêu trừ nhân tố gây bệnh. Tương tự như thế trong thế giới tự nhiên, tại chỗ có tồn tại rắn độc, chắc chắn khu vực xung quanh sẽ có tồn tại loại thảo dược có thể giải độc. 87. Cái gì gọi là đắc ý vong hình (vì đắc ý mà quên đi dáng vẻ vốn có của mình) ? Anh ta đã mất đi sự khống chế, mất đi sự ức chế của mặt âm, cho nên kết quả nhất định là... cũng như thế con người không nên để tinh thần sa sút, vì như thế sẽ mất đi sự ức chế của mặt dương đối với họ. 88. Làm thế nào để có đại trí huệ? Nếu không có tấm lòng quảng đại, ở đâu mà có đại trí huệ chứ. 89. Tục ngữ có nói, sống đến già, học đến già. Học tập cũng cần phải hợp thời, đến tuổi nào thì học những điều mà ta nên học vào giai đoạn ấy, nếu không ắt sẽ không hợp thời, không tùy kỳ tự nhiên. Nhưng hãy xem sự giáo dục của chúng ta ngày nay, từ nhà trẻ đến đại học, có bao nhiêu điều là đáng để học. Lúc còn nhỏ nên học cái gì. nên học đạo đức, học hiếu đạo, tiếp theo là học nhận biết chữ, dấu chấm câu, tiếp theo là học cách làm việc. Đến tuổi thanh niên thì học cách làm sao để sống tốt giáo dục con cái tốt, làm cho gia đình hạnh phúc. Đến tuổi trung niên, học tập đạo dưỡng sinh. Đến những năm tuổi già, học cách buông bỏ tâm thái, an hưởng tuổi già. Ngành giáo dục cần học gì, chính là học những thứ này. 90. Tình chí (7 loại tình cảm của con người ) đối với bệnh tật có mối tương quan mật thiết với nhau, có một số bệnh tật là do tình chí gây ra, bạn dùng thuốc trị liệu, trị mãi mà vẫn không khỏi, đối với loại bệnh tật này, muốn cởi chuông thì phải tìm người buộc chuông. Ngũ chí có thể gây bệnh, ngũ chí cũng có thể giải trừ bệnh. 91. Dưỡng sinh có một điều rất trọng yếu, đó là không được sợ chết. Người sợ chết dương khí không đủ, dương khí không đủ, tử thần sẽ tìm ra được bạn. Đây chính là điều mà đạo gia giảng, người tu luyện cần có một khí chất anh hùng. Nhân, trí, dũng không thể thiếu một trong ba. 92. Khi nào bạn lấy học vấn lý giải được nó là vô cùng đơn giản và bình dị, lúc này bạn mới là chân chính đạt được một trong tam muội. Nếu như bạn vẫn còn cảm thấy nó là bác đại tinh thâm, thâm sâu không thể đo lường, chứng tỏ bạn vẫn chưa nắm được tinh túy của nó, mới chỉ nhìn thấy phần tươi tốt của lá cây, mà vẫn chưa nhìn thấy được căn bản của nó, lúc này bạn mới chỉ ở giai đoạn “có”, vẫn chưa đặt được cảnh giới của “vô”. Tất cả đều không thoát được âm dương, vạn sự vạn vật đều không thoát khỏi được âm dương. Căn bản của điều này chính là âm dương. Biết được một điều này, mọi sự đều có thể hoàn thành. 93. Tập trung tinh thần định khí, quên đi cả bản thân và mọi sự vật. Đó là cốt lõi của dưỡng sinh 94. Chủ minh ắt hạ an, theo đó để dưỡng sinh ắt sẽ thọ, tình thế sống chết cũng không nguy hiểm, thiên hạ ắt sẽ hưng thịnh. Chủ bất minh ắt thập nhị quan gặp nguy, khiến cho đạo tắc nghẽn không thông, thực thể liền bị thương tổn, theo đó để dưỡng sinh ắt sẽ mang họa, người trong thiên hạ, và gia tộc này sẽ gặp đại nguy, nghiêm cấm nghiêm cấm ! 95. Ứng dụng của ngũ hành tương sinh tương khắc: Phàm là do ngũ tạng hoạt động thái quá sẽ gây ra bệnh tật, đều có thể dùng phương pháp ngũ hành tương sinh tương khắc để trị. Giống như thế, phàm là vì ngũ hành không đủ dẫn khởi bệnh tật thì đều có thể dùng phương pháp ngũ hành tương sinh tương khắc để giải quyết. Đây là nguyên tắc căn bản của phép vận dụng ngũ hành. 96. Người hiện đại thường chú trọng vào phương diện truy cầu đề cao chất lượng cuộc sống, hậu quả của loại truy cầu này rất đáng sợ. Cần biết, dục vọng của con người đối với vật chất là không có giới hạn. Khi mà loại dục vọng này không được khống chế, cũng tương đương sự thống khổ không có giới hạn của chúng ta. Kỳ thực, vật chất có thể đem lại sự hưởng thụ, thì tinh thần cũng có thể; thuốc có thể trị bệnh, thì phương pháp trị liệu tâm lý cũng có thể làm được. Cho nên, chúng ta dùng cả cuộc đời để truy cầu tài phú, thì chi bằng hãy dùng quãng thời gian ấy để bồi dưỡng một loại tâm thái tốt, khiến cho tinh thần của chúng ta đạt tới một loại cảnh giới siêu phàm. 97. Sau khi con người nắm vững được phương pháp về sức khỏe, họ sẽ thực sự hưởng thụ được một trạng thái tự tin khi không còn lo sợ mắc bệnh. Cái loại cảm giác này thật tuyệt, hy vọng rằng bạn và chúng tôi đều có thể có được trạng thái tự tin đó. 98. Thân thể của chúng ta là một cơ thể có đầy đủ trí tuệ và chức năng, thân thể của chúng ta có rất nhiều “lính gác” như: răng, ruột thừa, a-mi-đan v.v… Khi thân thể chúng ta có hiện tượng dị thường (thông thường là “thăng hỏa”), những lính canh này sẽ lập tức phản ứng thông báo tới đại não. Người thông minh lúc này nên điều tiết lại tâm thái, kiểm điểm bản thân, để thân thể cân bằng hài hòa trở lại. Vậy mà hiện nay Tây y đều làm những việc gì? Bạn bị đau đúng không, tôi sẽ cắt bỏ bộ phận bị đau của bạn. Hiện nay thậm chí còn có người, phát minh ra một loại máy, bạn bị viêm mũi dị ứng sẽ phải hắt xì hơi đúng không? Vậy tôi sẽ đốt cháy khu vực thần kinh mẫn cảm trong mũi của bạn, như thế sau này mũi bạn có bị kích thích gì đi nữa cũng sẽ không bị hắt hơi. Hậu quả của những việc làm như thế của Tây y chính là sau này nếu chúng ta lại tiếp tục bị bệnh, thì bộ phận bị cắt bỏ chính là lục phủ ngũ tạng của chúng ta. 99. Hãy nhớ kỹ, khi chúng ta ngẫu nhiên bị đau bụng, hắt hơi, ho, phát sốt v.v… đều là hệ thống phục hồi thân thể của chúng ta đang hoạt động, đừng có quá lạm dụng thuốc khi vừa mới xuất hiện bệnh trạng, nếu không chính thuốc ấy sẽ phá hoại chức năng phục hồi thân thể của bạn, khi mà chức năng phục hồi của bạn bị suy yếu hoặc mất đi, thế thì bạn đã giao vận mệnh của mình cho thuốc rồi. Nên nhớ rằng, nếu bệnh trạng không nghiêm trọng, biện pháp tốt nhất là dưỡng tĩnh, an tâm tĩnh khí có thể khiến hệ thống sữa chữa của bản thân hoàn thành được công tác phục hồi. Cho nên, mỗi một người trong chúng ta cần thận trọng khi dùng thuốc, để cho hệ thống hồi phục chức năng của cơ thể được khôi phục, đây mới chính là đạo chân chính trong việc giữ gìn sức khỏe. 100. Rất nhiều trọng bệnh hoặc bệnh hiểm nghèo, đều chỉ bắt nguồn từ một lý do: Hận. Khi mà cái hận này biết mất, bệnh ắt cũng theo đó mà tiêu trừ. Trong thế gian này điều khó giải quyết nhất chính là hận thù kéo dài, chính vì không hóa giải được cái hận đó, mới có những bệnh không thể trị khỏi được. Hoàng Kim Thư st. Bàn về câu “Họa vô đơn chí” Bàn về câu “Họa vô đơn chí” thì ta cần tìm hiểu chữ “họa” có nghĩa là gì? Theo “Việt Nam tự điển” của Hội Khai Trí Tiến Đức thì “Họa” có nghĩa là “Vạ”. Tôi cho rằng “họa” là điều không hay, không lành… đến với ta. Như vậy cả câu có nghĩa là điều không hay không tốt không phải đến chỉ một lần. Nó đến thì nhiều lần. Trong cuộc sống ta thấy có những người có cuộc sống êm ả: sanh ra, lớn lên, đi học rồi thi đâu đậu đó rồi đi làm, cưới vợ lấy chồng, sanh con, già rồi chết. Nhưng lại có những người luôn gặp gian truân trắc trở. Trong tuổi mới lớn, đi học rồi thì phải nghỉ học vì cha mẹ thất nghiệp. Xoay sở đủ cách, sau đó đi học lại nhưng gần tới thi thì bị phỏng nặng phải nằm nhà thương mất cả tháng nên việc học thi cũng lôi thôi. Khi gặp những chuyện không hay cứ đến thì mọi người khích lệ nhau rằng “họa vô đơn chí”. Cổ nhân nói vậy nên đừng buồn gì hết. Vì sao có họa? Tôi cho rằng tất cả đều do ta. Tôi cho rằng linh hồn là một cầu điện, là những đơn vị điện vũ trụ li ti kết hợp lại với nhau một cách hoàn chỉnh và tự nó sanh hoạt độc lập được. Cầu điện ngự tại điểm sanh hoạt của não bộ nghĩa là ở vị trí tuyến tùng, tuyến yên trong não bộ của con người. Đó là thứ bụi vũ trụ vô hình do sự thích hợp sanh hoạt với bụi vũ trụ hữu hình, chúng kết hợp nhau mà sanh ra con người. Do đó, cầu điện của cha mẹ và con có chút ảnh hưởng với nhau. Cha mẹ có làm điều không tốt thì cầu điện của con cũng có chút tì vết đó. Từ những tì vết đó, cầu điện đứa con điều hành hành động không đúng chuẩn mực thì điều không đúng đó trở về một cách tự nhiên đó là họa. Tôi làm ruộng, ngay gần góc bờ của hai bờ ranh bị lở. Bờ ranh lớn lở nhiều nên tôi nhờ một nông dân đắp giùm. Tôi dự định bờ ranh kia là bờ móng nhỏ chỉ hai tấc bề ngang thì tôi đắp. Cậu nông dân nọ lại đắp bờ móng nhỏ rộng hai tấc nằm cả bên ruộng tôi với bề dài 80m. Như vậy, bên ruộng tôi bị mất 0,2m x 80 = 16m2. Chủ ruộng bên kia họ chỉ đắp lại bờ móng cũ. Khi trả công, tôi nói chú đắp như vậy không đúng. Bờ móng nhỏ phải đắp giữa bờ. Độ bốn năm năm sau, mẹ chủ nông dân đó than với tôi rằng bộ lư đồng của ông nội sắp nhỏ để lại lớn, đẹp để trên bàn thờ, nhà ở giữa đồng, có chó mà bọn trộm nó vô ăn cắp mất, uổng quá. Đất nông nghiệp vùng đó giải tỏa thì nhà nước trả 17 triệu đồng một thước vuông. Chú nông dân đó làm tôi bị thiệt : 17 triệu x 16m2 = 272 triệu. Bộ lư cổ, lớn có lẽ giá trị của nó cũng trên một trăm triệu đồng. Họa đến với gia đình chú nông dân là do chú vô tình hay cố ý làm ra mà chú không biết. Bị một họa mà trả chưa đủ thì phải tới cái họa thứ hai, thứ ba cho đủ. Vả lại cái họa đến một lần dù trả họa của mình có đủ hay không nhưng chỉ một họa thì có khi người ta coi như không có vì cái bực mình ở nước nhỏ thôi. Phải vài cái họa liên tục thì người ta mới coi là họa thì nó gây khổ quá. Người Ấn Độ theo Ấn Độ giáo thì không nó họa phước gì hết. Họ cho rằng có một cái linh hồn vũ trụ, mỗi linh hồn của một người là một phần của linh hồn vũ trụ. Nếu con người Thiền định giữ vững linh hồn vũ trụ thì sống yên lành. Nếu không Tiền tịnh tốt là nhận định sai, làm sai thì phải trả giá cho cái sai của mình chớ không có gì cần phải nói. Tôi suy luận rằng trong vũ trụ có một cái Thiên lý là cái phải mà mọi người phải theo. Nếu một nhóm người làm sai cái Thiên lý thì nhóm người đó phải trả giá bằng cái họa ập đến. Hán tộc là một nhóm du mục phương Bắc, tới thời vua Vũ nhà Hạ họ mới vượt được sông Hoàng Hà ở chỗ sông Vi. Họ đem cái tổ chức khéo léo của du mục mà khống chế dân Lạc Việt và các bộ tộc khác ở phía Nam sông Hoàng Hà tổ chức tốt thì khống chế được người nhưng họ cũng bị dân Việt thờ Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Tây Sơn đánh cho tơi bời. Dù vậy, với thế lấy thịt đè người, họ vẫn chiếm được đất của Việt tộc. Vua Hán Văn đế nói với Triệu Đà là vua nước Nam Việt đóng đô ở Phiên Ngung gần thành Quảng Châu bây giờ rằng: “Vậy từ phía Nam núi Lĩnh thì mặc nhà vua tự trị lấy…” (trang 38 Việt Nam Sử Lược Trần Trọng Kim tái bản năm 2012). Như vậy, là từ Phiên Ngung sang phía Tây tới núi Lĩnh Nam là của đại Việt. Đảo Hải Nam là hai quận Châu Nhai và Đam Nhĩ của dân Đại Việt. Những đảo chưa có người ở thì ta giữ nhưng từ năm 1974 Trung Quốc chiếm Hoàng Sa rồi lấn tới Trường Sa. Mới đây, báo Tuổi Trẻ ngày 13.09.2019, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng nói: “… Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm nghiêm trọng này và rút toàn bộ nhóm tàu nói trên (Hải Dương 8) ra khỏi vùng biển Việt Nam”. Như vậy là chúng còn ngang ngược lấn lướt tới. Chúng làm như vậy là sai với Thiên Lý. Có lẽ vì vậy mà Trung Quốc đang bị họa đến mà họ là vô đơn chí. Trước tiên Trung Quốc bị dịch CORONA ở Vũ Hán, Hồ Bắc. Toàn cầu có 3.760 người nhiễm bệnh thì Trung Quốc có 3.730; toàn cầu có 814 người chết thì Trung Quốc có 812 người (theo báo Thanh Niên ngày 10.02.2020, cập nhật ngày 09.02.2020). Dịch CORONA đang tiếp diễn thì báo Tuổi Trẻ ngày 08.02.2020 đăng tin sâu keo mùa thu tấn công lúa mì ở Tứ Xuyên. “Dịch sâu keo mùa thu bùng phát lần đầu ở Trung Quốc vào tháng 01.2019. Cho đến hết năm 2019, loài sâu phá hoại này đã tấn công hơn một triệu hecta đất nông nghiệp ở Trung Quốc , thiệt hại chủ yếu cho cây b ắp và mía …”. Lo vì bệnh lại khổ về nông nghiệp về miếng ăn của dân. Vậy mà vẫn chưa hết . Báo Thanh Niên ngày 11.02.2020 lại đăng tin: “Bộ nông nghiệp và nông thôn Trung Quốc thông báo đã phát hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N6 tại một trại nuôi gà ở huyện Tây Lung tỉnh Tứ xuyên, Tây Nam nước này. Reuter ngày 10.02 dẫn thông báo cho biết có 1.840 con gà bị chết…”. Trung Quốc ơi, mi có thấy rối, có thấy nao núng chưa? Chỉ một thời gian ngắn mà như vậy đó. Nhớ đừng ngang ngược, ức hiếp các nước nhỏ nữa nhé!. Cách nay mấy năm, ở Tứ Xuyên này cũng có trận động đất khoảng 6 độ richte. Trung Quốc phải dùng máy bay ném bom để khơi dòng chảy xuống sông cho ít hại. Ấy vậy mà nghe đâu đâu cũng chết nhiều triệu người. Động đất có động ở Tứ Xuyên, ở chân đập Tam Hiệp, đập thủy điện lớn nhất Trung Hoa mà cũng là lớn nhất thế giới này hay không? Cái đó không có gì dám khẳng định là không thể. Nếu đập Tam Hiệp bể, có khi vài trăm triệu người Trung Quốc bị cuốn ra biển. Nước còn cuốn phăng nhiều cơ sở quý giá nữa. Từ Nam sông Hoàng Hà là địa bàn của cư dân Việt. Từ thời nhà Hạ, hán tộc mới vượt được sông Hoàng Hà ở gần sông Vị để xuống phía Nam và được trời ban cho Lạc Thư. Từ đó Hán tộc học văn minh của Việt tộc, lấn chiếm và đồng hóa lần dân Việt chó tới biên giới hiện nay. Nếu nước đập Tam Hiệp cuốn dân Trung Hoa ra biển thì đó là trời muốn trả lại đất cho Việt tộc mà thôi. Nhưng điều đó không ai mong muốn vì ý nghĩa của cuộc sống là giúp nhau để sống, để sinh tồn. Nhưng Thiên Lý vận hành thì ta chỉ nhìn mà không cầu xin giùm. Khánh Hội, Quận 4 Saigòn ngày 17.02.2020 Phạm Hiếu Nghĩa Phụ bản III
GÁC KÈO ONG THÀNH DI SẢN VĂN HÓA Vừa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ngày 24/12, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau, cho biết nghề muối ba khía ở huyện Ngọc Hiển và nghề gác kèo ong ở các huyện U Minh và Trần Văn Thời, vừa được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là cơ hội tốt để tỉnh tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa, đồng thời khai thác, phát triển du lịch. Nghề gác kèo ong tự nhiên là một nghề truyền thống đã có từ rất lâu đời. Nghề này gắn liền với sinh kế người dân và hệ sinh thái rừng tràm. Người dân U Minh Hạ đã thích nghi với vùng đất ngập nước và hệ sinh thái rừng tràm. Nghề gác kèo ong phụ thuộc vào rừng tràm và hệ sinh thái đất ngập nước. Nghề gác kèo ong U Minh Hạ cũng cần làm “đúng quy trình.” Theo các thợ rừng có kinh nghiệm, gác kèo ong tự nhiên thu hoạch mật 06 lần trong năm, từ 3-4 lần trong mùa khô (mùa hạn), từ 2-3 lần trong mùa mưa (mùa nước). Trung bình, mỗi lần lấy mật (ăn ong), thu được từ 3-5 lít mật/tổ, có nhiều tổ ong lên đến hơn 10 lít mật. Gác kèo ong cần phải có kỹ thuật, kinh nghiệm và bí quyết. Thông thường quy trình gác kèo ong được thực hiện qua nhiều bước như chuẩn bị kèo; chọn điểm gác kèo; gác kèo; kiểm tra kèo; khai thác mật ong (người địa phương gọi là ăn ong); vắt và bảo quản mật ong. Tất cả các bước đều thực hiện rất công phu và đều có “bí quyết” để sao cho ong cho mật nhiều, ngon. Theo Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Cà Mau, chính vì vậy, nghề truyền thống gác kèo ong cần phải được bảo tồn và phát triển, đặc biệt là tuyên truyền và truyền dạy quy trình kỹ thuật, kinh nghiệm, bí quyết gác kèo ong cho cộng đồng vùng rừng tràm U Minh Hạ. Ban đầu, đây chỉ là các hoạt động riêng lẻ, sau phát triển thành lập tập đoàn làm nghề và hiện nay là liên kết lập tổ hợp tác, hợp tác xã; qua đó gắn hoạt động kinh tế với trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo chất lượng, uy tín sản phẩm mang thương hiệu mật ong U Minh Hạ. Mùa “ăn nên làm ra” của người làm nghề gác kèo ong chủ yếu vào mùa khô. Chất lượng mật ong lúc này luôn nguyên chất, không bị ảnh hưởng bởi nước mưa nên giá bán tăng cao. Mật ong U Minh Hạ lâu nay có tiếng trên thị trường vì hàm lượng dinh dưỡng cao, được ưu tiên dùng làm thuốc hay bồi bổ sức khỏe… Ổ ong nào cũng có một số ong phòng vệ gọi là “ong sắt”, thân mình to hơn mong mật, màu sắc khác hơn và nó có nọc độc. Loại ong này chuyên đánh người phá ổ và che chở loại ong gây mật. Nhà nghề ăn ong đề phòng loại này cẩn thận lắm. Người ta nhìn ổ ong thì biết ngay có nhiều mật hay chưa. Thường thường, ong bắt đầu đông đến hai tháng thì có nhiều mật, lúc ấy ong kém hoạt động và bám vào ổ đó nhỉ vì ô đã có một số mật khả dĩ đảm bảo được đời sống của chúng trong một mùa hoa. Hố mật có nhiều thì tươm ra ổ, người nhà nghề gọi là ổ đã chín. Người ta thường đi ăn ong vào ban đêm để tránh nạn ong đánh. Đồ nghề đem theo rất giản tiện: một bó lá lợp nhà, một cái bao lớn, một cái thúng có dây cột và vàicái thùng thiết đựng mật. Ong rất sợ khói, nhất là khói lá dừa nước là loại lợp nhà vì mùi rất cay. Người ăn ong mặc quần áo may bằng bao bố, đầu trùm kín chừa hai mắt, vai mang thúng, dao đuốc. Gần tới ổ ong, người ta dụi tắt bó đuốc cho có nhiều khói rồi xông dưới ổ. Ong bị khói bay tránh xa, người ta dùng dao cắt ngay chỗ chứa mật và cắt một một ít tán ong non để lấy sáp, rồi lập tức đem mật ra để ong trở lại ổ, nếu chậm tay sẽ bị ong đốt, hoặc ong bỏ ổ đi. Khi ong đáp xuống thấy ổ bị phá thì bắt đầu làm lại ngay và làm lớn hơn kỳ rồi. Người ăn ong không thể nào tránh khỏi ong đánh, không nhiều thì cũng vài lần. Nọc ong hành rất lẹ, nhưng nhà nghề có thuốc trừ, độ vài giờ thì hết ngay. Ngoài mật ong, trong ổ còn có ong non mà người ta rất thích ăn sống hay lăn bột chiên, vừa ngon, vừa bổ. Người nào torng mình có độc vì bệnh kinh niên thì bị nổi sần sùi khắp mình. Sáp ong lọc kỹ đổ ra chén chờ đặc lại bán được khá tiền. Về mùa nắng mật lấy được, chất mật rất đặc, màu vàng tươi, trái lại gặp mùa mưa mật lỏng mà lại nhạt không tốt bằng mật mùa nắng. Muốn biết mật thật hay mật giả, ta có thể thử như thế nầy, là một lối thử duy nhất nhưng rất công hiệu. Lấy tờ giấy hút thuốc (giấy quyển hay giấy bạch) nhỏ giấy giấy quyến một giọt mật, nếu mật bị loang trên giấy là mật có pha nước, trái lại không loang trên giấy là mật nguyên chất, để bao lâu cũng không bị hư. Mật mới hơi rất mạnh có thể bung nút ra khoải chai và tràn mật ra, nên khi rót vào phải để cho yên, đến lúc mật hết sối ta hãy đậy nút lại. Mật mới lúc di chuyển càng nên cẩn thận, đừng làm cho mật bị xao động nhiều dễ bị trào ra ngoài. Cũng có một vài trường hợp mật vô chai để yên trong nhà đậy nút quá kín, hơi bị dồn ép, nếu sơ ý khi mở nút ra có thẻ bị sức hơi ấy tung nút lên một cách dễ dàng. Tin tưởng ở Thần Linh, người làm nghề ăn ong phải cúng kiếng và kiêng khem từ lời nói đến việc làm nhân hậu mới tránh được tai họa bất ngờ và thâu được kết quả tốt. Khoảng giữa tháng Tư, người ta cất trại, gọi là “trại ăn ong”. Trại nầy rất rộng và cất có nhiều bậc; bậc cao nhất để ông “Tằng khạo” là người chỉ huy, bậc thứ nhiề để ông “Tằng khảo phụ”, bậc thứ ba để ông dẫn đường gọi là “đầu xuồng”; bậc thứ tư để ông Từ long nhang đèn cúng kiếng, bậc chót hốt ở dưới đất để cho đám lao công. Đầu tháng năm là tháng bắt đầu ăn ong, người ta coi lịch, lựa ngày tốt và tổ chức lễ “Lên Tổ” rất long trọng. Lễ vật gồm một con heo sống, nhánh cây cắm xuống, gắn sáp ong vào tượng trưng những ổ ong đóng nhiều treên cây, rồi cầu tổ lên, nhập vào người đồng cốtt. Người Miên gọi ông Tổ là ông Tà. Khi ông Tà nhập rồi, ông Tằng khạo nhờ ông Tà bói xem năm nay làm ăn khá không. Ông Tà trả lời khác rồi làm phép trấn giữ xung quanh trại, phong chúc từng người và cho mỗi người một lá bùa hộ thân để tránh ma, quỷ phá khuấy và thú dữ cản trở. Lễ xong, người ta diễn kịch bắt ong. Trên một cây to gần trại, người ta treo một ổ ong giả. Một người lao công leo lên cây, một người khác hốt hột nổ tung vào mình người kia như bị ong bay ra đánh. Người ăn ong giả vờ la lối như bị ong đánh thiệt và xin ông Tà làm cho ong chích không đau. Ông Tà vẫn còn nhập vào người đồng cốt, liền thổi bùa, họa phù, đọc thần trú phun rượu từ đầu đến chân anh lao công. Tấn kịch được tái diễn, anh lao công lên cây, anh kia tung hột nổ, nhưng anh không la và thản nhiên bỏ tổ ong đem xuống lấy gáo nhỏ múc nước trong ổ, giả như là mật ong. Anh vừa làm vừa reo lên: Ong đánh không đau, năm nay mật nhiều, sáp nhiều. Người trong nghề bị bắt buộc năm nào cũng phải làm lễ như vậy, nếu không thì gặp tai nạn như rắn độc, thú dữ hoặc leo cây té chết. Lễ tết, người ta bắt đầu ăn ong thật. Đoàn người kẻ trước người sau tiến vào rừng đến một cây cổ thụ có hàng trăm tổ ong. Trước khi leo lên cây, người ta thiết một lễ nữa xin ma quỷ ở trên cây xuất ra. Lễ vật gồm có 1 con gà, rượu và nhang đèn. Ông Tằng khạo chánh bẻ hai lá cây gác thành hình chữ thập, áp vào gốc cây. Ông thầy cúng dùng một cây chốt vạt nhọn đóng giữa chữ thập. Nếu hai lá cây xoay tròn, chứng tỏ ma quỷ chịu xuất ra rồi. Rồi Ông Tằng khạo chánh bắt đầu leo nhờ những cây chốt đóng vào thân cây làm thang. Ông bẻ một ổ ong mở màn rồi đem xuống theo một sợi dây cột trên nhánh lớn nhất. Sau đó, các nhân viên trong đoàn tiếp tục bẻ ong. Hết ổ cây đó, sang cây khác, cũng phải làm lễ như trước. Lấy xong, phải cúng gà gọi ma quỷ trở về và nhổ cây chốt đóng giữa chữ thập ra. Trong lúc ăn ong, người ta phải kiêng cữ, không được cạo râu, hớt tóc, không được gọi thẳng tên các thú dữ, như cọp thì gọi Chúa sơn lâm, sấu gọi ngạc ngư, rắn gọi yết xà, đá gọi mình châu. Người ta tin rằng nếu không kiêng cữ thì không riêng gì mình bị tai nạn mà cả đoàn cũng bị vạ lây. Người lạ mặt vào đoàn ăn ong phải lột khăn, dở nón, ngồi ở chỗ dành cho lao công, không được ca hát, hút gió, nói năng thô lỗ. Ai lỡ phạm vào điều ấy thì người ở trại phải phạt bằng một gông tượng trưng và đánh đòn giả. Người bị đòn phải la, khóc như bị đánh thiệt mới tránh khỏi tai nạn. Người trong đoàn phạm tội cũng bị trừng phạt như thế. Nghề muối ba khía tập trung nhiều tại các huyện Năm Căn, Đầm Dơi hay Phú Tân… Ba khía là một loài cua nhỏ sống tập trung ở vùng nước lợ, nước mặn. Đặc biệt, loài này sống nhiều nhất ở vùng bãi bùn nước lợ của Cà Mau. Đặc biệt nhất vẫn là con ba khía ở vùng Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển. Do có ba dấu gạch ở trên lưng nên người ta mới gọi nó là con ba khía. Ba khía có hình dáng và kích cỡ như con cua đồng. Con ba khía có thể ăn sống hoặc dùng để làm món mắm ba khía, ba khía rang, ba khía rim, ba khía hấp bia... Ba khía là món ăn dân dã, đạm bạc thường xuất hiện trong các bữa cơm của người dân miền Tây. Ba khía ngon là những con có kích cỡ nhỏ, nhiều gạch vì loại này thịt chắc. Đặc biệt, phải vào những ngày mưa thịt ba khía càng ngọt và chắc hơn. Nhiều người thích ba khía ở Cà Mau vì họ cho rằng thịt ba khía ở đây chắc và thơm ngon hơn các nơi khác. Tháng 10 là mùa ba khía. Khi đó, ba khía bám dày đặc trên các gốc cây trong rừng ngập mặn. Món ba khía muối hay còn gọi là mắm ba khía mang đầy đủ nét đặc trưng về văn hóa ẩm thực của vùng đất phương Nam. Tuy dân dã nhưng ba khía muối giờ đã trở thành món ăn được ưa thích, có mặt tại các nhà hàng sang trọng, nhiều thực khách lựa chọn vì cảm giác đến Cà Mau mà không ăn ba khía muối sẽ mất đi sự thú vị của chuyến đi. Nghề muối ba khía được duy trì qua nhiều thế hệ cư dân vùng rừng ngập Cà Mau và được biến tấu với nhiều cách làm khác nhau. Tuy nhiên, người dân vẫn giữ được nét làm nghề truyền thống và hương vị rất riêng, tạo nên thương hiệu đặc sản ẩm thực nổi tiếng của Đất Mũi-Cà Mau. Tỉnh Cà Mau có lợi thế riêng biệt được đánh giá là giàu tiềm năng về phát triển du lịch. Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cũng đã có kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Để thực hiện kế hoạch này, Cà Mau sẽ lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với các di sản: Lễ hội nghinh Ông-Sông Đốc (năm 2020), Lễ hội Đền thờ Vua Hùng (năm 2021), Nghề truyền thống làm tôm khô (năm 2022), Lễ vía Bà Thủy Long (năm 2023), Lễ vía Bà Thiên Hậu (năm 2024). Bùi Đẹp st.
Rượu vang nửa cốc Cách đây đã lâu nhờ trang mạng Facebook mà tôi liên lạc được với một người bạn học thuở xa xưa trước năm 1975 hiện sống ở Paris. Sau đó chúng tôi thường xuyên trao đổi email với nhau, để rồi mùa đông năm sau đó gia đình người bạn cùng hai con gái bay sang Los Angeles thăm chúng tôi. Một buổi tối đã hơn 10 giờ bạn tôi tên Thọ hỏi: "Gần nhà có tiệm bán rượu nào không toa?" Tôi chở Thọ đến tiệm Pharmacy CVS và bạn tôi đã mua một chai rượu vang nhỏ rồi cười nói: "Moa quen rồi, trước khi đi ngủ moa phải nốc một ly rượu vang mới ngủ ngon được". Và Thọ nói thêm: "Toa nên tập uống thứ loại rượu này đi, sẽ thấy hiệu quả ích lợi của nó." Rồi Thọ ép tôi: "Uống một tí với moa cho vui nhe". Chìu lòng bạn ở xa đến thăm mình, tôi thử nhâm nhi một chút thôi và cảm thấy có chút vị ngọt nên không khó uống gì cả. Và tôi đã bắt đầu uống rượu vang từ khi gia đình người bạn trở về Paris và chắc chắn tiếp tục uống loại rượu vang hiện tại vì hiệu quả quá tốt của nó. Hiệu rượu vang tôi đang uống có tên là Carlo Rossi. Hiệu rượu vang này có ba màu trắng, đỏ và hồng được chứa vào trong hai loại chai, chai lớn 4 lít và chai nhỏ chỉ 1.5 lít và tôi chọn uống loại chai lớn màu đỏ. Hiệu rượu vang Carlo Rossi có nhiều loại rượu khác nhau, như là Burgundy, Paisano, Chianti, Merlot và Sangria. Về sự khác biệt của các loại rượu vang trên, theo sự hiểu biết của tôi do bởi sự pha chế chất cồn (Alcoholic) và các vị ngọt (Sugar) nhiều hay ít. Tôi đã uống thử qua tất cả các loại rượu vang trên và sau cùng tôi chọn uống loại Burgundy chứa chất cồn 12% vì hợp với khẩu vị với tôi nhất. Các loại rượu vang này đều có bán tại các pharmacy và các market của Mỹ. Tôi hay mua chai rượu vang Carlo Rossi loại Burgundy ở market Food4Less vì bán giá rẻ hơn các nơi khác, một chai rượu vang loại 4 lít bán khoảng 8 đô la, trong khi các nơi khác bán trên 10 đô la. Chai rượu 4 lít này không cần phải để trong tủ lạnh và tôi uống gần ba tuần mới hết. Từ lâu tôi đã nghe nói về những lợi ích của việc uống một ly rượu vang mỗi ngày sẽ kéo dài tuổi thọ, giảm thiểu các bệnh ung thư, ngăn ngừa bệnh mất trí nhớ Alzheimer, chống bệnh béo phì bộc phát, giảm lượng Cholesterol xấu (LDL), giúp ngủ ngon giấc, chống bệnh cảm lạnh, v.v... Tôi đã băn khoăn, nghi ngờ cho đây là một sự quảng cáo cho rượu vang mà thôi. Nhưng từ khi bắt đầu uống chỉ nửa ly rượu vang đều đặn mỗi ngày tôi đã thực sự thấy hiệu quả tức thì của nó. Về hiệu quả tốt đẹp thứ nhất tôi nhận thấy một cách rõ rệt là uống chỉ nửa ly rượu vang vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, tôi hoàn toàn không những không bị cảm lạnh khi mùa đông đến, mà cơ thể vững mạnh chống chọi nổi với thời tiết bất chợt đổi thay nóng lạnh, hay với máy lạnh chạy rè rè suốt ngày trong sở làm. Hằng ngày đến sở trong tôi có một chút ngượng ngập và xấu hổ khi cần phải khoác thêm một chiếc áo lạnh bên ngoài, bằng không cơ thể tôi khó lòng chống chọi nổi với máy lạnh tỏa xuống ngay bàn làm việc của mình. Có những ngày quên béng vớ lấy áo lạnh quàng sau ghế ngồi mặc vào, bỗng đâu tôi cảm thấy nhức đầu cảm lạnh, phải vội uống vào hai viên thuốc Tylenol 500 mg ngay lập tức rồi mới có thể tiếp tục làm việc được. Ngoài chiếc áo lạnh được máng sau chiếc ghế trong sở làm, tôi còn thủ thêm một chiếc áo lạnh nữa trong xe để đề phòng thời tiết nóng lạnh bất chợt thay đổi, bằng không chỉ một khoảnh khắc ngắn khí lạnh xâm nhập vào cơ thể tôi ngay, và sau đó đầu tôi nhức tưng tưng lên liền. Trong khi mọi người ai ai đều nô nức đón chờ mùa đông đến, mùa của nghỉ lễ, mùa của shopping giá rẻ, mùa của tiệc tùng cưới hỏi, mùa của gia đình đoàn tụ, ngược lại thời tiết mùa đông lạnh lẽo khiến tôi chẳng thích mùa đông tí nào hết vì tôi cứ phải bị cảm lạnh thường xuyên, mỗi lần bệnh đến hai ba ngày mới khỏi. Vì vậy tôi thỉnh thoảng nói với ba đứa con tôi rằng tôi muốn về Việt Nam thăm thân nhân, bà con khi mùa đông đến để tránh cái lạnh ở vùng nam California này. Hoặc tôi có thể qua thăm người anh họ định cư tại thành phố Sydney rồi đi xem giải Tennis Australia Open, vì mùa đông ở bên Mỹ là mùa hè ở bên Úc. Loại thuốc Thera-Flu có sáu bịch, tôi uống đến bịch cuối cùng mới khỏi bệnh. Còn chai thuốc NiQuil tôi uống gần hết chai bệnh mới tan. Uống mấy loại thuốc trên khiến tôi ngủ li bì nên không thể đi làm được và do đó phải gọi vào sở xin nghỉ vài ba ngày. Tháng 12 và tháng giêng là hai tháng trong năm tôi hay bị cảm lạnh nhất, do đó tôi bắt buộc phải ở nhà nghỉ bệnh, và không có sự khó khăn nào hết đến với tôi vì trong suốt gần chín tháng từ mùa xuân cho đến cuối mùa thu tôi chưa gọi bệnh lần nào hết. Các đứa con tôi để ý thấy rằng "chiến tranh" thường xảy ra giữa tôi và bà xã mỗi khi mùa đông đến. Bởi sợ cảm lạnh tôi luôn đóng tất cả cửa trong nhà, ngược lại vừa đi làm về việc đầu tiên một cách máy móc bà xã tôi mở tất cả cửa sổ ra với lý do trong nhà hôi mùi thức ăn quá. Nhưng từ khi tôi uống rượu vang, nhân viên trong sở hết còn thấy tôi mặc thêm áo lạnh, vì lớp da trên cơ thể tôi nay bỗng nhiên như dầy ra, cứng ra dư sức chống chọi khí lạnh ở mọi nơi. Và giống như mọi người giờ đây tôi thích thú và hoan hỉ đón chờ mùa đông đến, tâm lý sợ hãi tiết trời lạnh lẽo hình như biến mất. Trong mùa đông có dịp đi ra đường vào ban đêm tôi chỉ mặc một chiếc áo sweater mỏng manh chứ chẳng còn mặc hai ba lớp áo lạnh, quàng khăn len trên cổ, trông gần giống như người máy robot! Các con tôi hết còn sống trong không khí "chiến tranh" giữa tôi và bà xã, vì tôi tự động mở các cửa sổ đặng làm vừa lòng má sấp nhỏ. Suốt cả năm hiếm khi tôi gọi vào sở cáo bệnh, nên giờ nghỉ bệnh của tôi tăng dần theo năm tháng. Ít ai biết mục đích thầm kín của tôi phải cố gắng để dành ngày nghỉ bệnh đặng mai sau này tôi sẽ xin về hưu sớm hơn. Sau khi biết nhờ uống rượu vang mỗi ngày khiến tôi không nghỉ bệnh vào mùa đông nữa, bà boss tin ngay lời tôi nói vì hai vợ chồng bà uống rượu vang sau buổi ăn tối, và uống thứ loại rượu khác mạnh hơn và ngọt hơn. Bà còn cho tôi biết loại rượu vang tôi đang uống chẳng phải là loại rượu vang đặc sắc, nhưng bà nói tiếp, nếu loại rượu này đang có hiệu quả tốt với tôi thì nên tiếp tục dùng. Thừa dịp này tôi đã chân tình hỏi bà boss mình vài câu về việc uống rượu vang: "Bà có tin rằng uống rượu vang mỗi ngày sẽ ngăn ngừa nhiều chứng bệnh ung thư hay không?" "Chắc chắn rồi. Nhưng có quá nhiều người nghi ngờ và không tin tưởng về sự bổ ích của rượu vang, nên hằng năm chính quyền tốn hàng tỉ bạc để điều trị về bệnh ung thư". "Còn bệnh béo phì? Tôi nghe nói uống rượu vang ngăn chặn được bệnh này phát triển. Cô em vợ tôi càng ngày càng béo ra, tôi có nên khuyên cô ta uống rượu vang chăng? "Bạn có thấy tôi mập phì không hay trái lại? Về khuyên cô em vợ bạn hãy tập uống rượu vang đi, sức khỏe tốt hơn, nhiều năng lực hơn và rồi sẽ thấy sức nặng của cơ thể giảm đi ngay. Nhưng phải căn dặn cô ta trong thời gian thai nghén cấm dùng rượu vang đó". "Tôi còn nghe nói uống rượu vang mỗi ngày không còn lo âu về bệnh nghẽn tim mạch, theo bà điều này có chính xác hay không?" "Lâu lắm rồi trong một chương trình phóng sự trên đài truyền hình ABC, tôi không nhớ tên ký giả là gì, nghiên cứu thấy rằng dân Pháp mỗi ngày rất thường dùng phó mát, bơ, sữa, pâté, thịt mỡ, v.v…, nhiều gấp ba lần dân Mỹ, nhưng tỷ lệ dân Mỹ mắc bệnh nghẽn tim mạch gấp ba lần dân Pháp. Sở dĩ có tình trạng nghịch lý này do bởi dân Pháp uống rượu vang đỏ thường xuyên và đều đặn mỗi ngày". Hiệu quả tốt đẹp và lợi ích thứ nhì của việc uống rượu vang khiến tôi không bị bệnh cúm kéo dài gần cả tuần lễ. Vào khoảng giữa tháng chín bạn tôi làm việc trong một tổ hợp y tế thường gọi nhắc nhở tôi đi chích thuốc ngừa bệnh cúm. Nhưng dù có chích thuốc ngừa cúm, tôi vẫn bị bệnh cúm hành hạ suốt gần tuần lễ mới hết. Tôi có hỏi bác sĩ gia đình tại sao đã chích thuốc ngừa bệnh cúm rồi mà vi trùng cúm vẫn xâm nhập được, khiến cơ thể bải hoải tứ chi rũ rượi, nằm bẹp trên giường năm sáu ngày! Ông bác sĩ gia đình của tôi cười cười nói rằng hệ thống miễn nhiễm của tôi yếu quá, nhờ có chích thuốc ngừa bệnh cúm bằng không sự hồi phục còn kéo dài hơn nữa. Thế mà sau khi tôi bắt đầu uống mỗi buổi tối trước khi đi ngủ nửa ly rượu vang, bệnh cúm thôi còn hành hạ tôi và vì vậy tôi hết còn là khách hàng thường xuyên của những hãng thuốc Thera-Flu, NiQuil. Ngày quá hạn ghi trên chai thuốc NiQuil chưa mở ra vào tháng 2-2009 vẫn còn nằm trong tủ thuốc, điều đó chứng tỏ một cách chính xác rằng quanh năm suốt tháng tôi không hề bị cảm cúm gì nữa kể từ khi tôi bắt đầu uống rượu vang. Và sau cùng hiệu quả ích lợi của việc uống rượu vang là nó thực sự giúp tôi có giấc ngủ ngon và mau chóng. Lúc chưa uống rượu vang mỗi đêm tôi rất khó dỗ giấc ngủ. Những ai bị bệnh mất ngủ hay khó ngủ cảm thấy rất bực bội và khổ sở, đó là lý do ngủ đứng vị trí thứ nhì trong bốn nhu cầu của tứ khoái. Nằm trằn trọc không ngủ được trong đêm tối khiến phát sinh bao nhiêu sự việc trong đầu tôi. Y như "tâm viên ý mã", ý nghĩ mình như con khỉ chuyền cây. Nghĩ đến chuyện vừa xảy ra trong ngày rồi mơ đến chuyện mai sau, chưa ngủ được; lại nhớ đến chuyện trong quá khứ gần ở quê hương thứ hai là Mỹ quốc, mắt vẫn mở thao tháo; rồi nhớ đến chuyện quá khứ xa ở quê nhà, mắt vẫn chưa khép. Ôi thôi, nằm trăn trở nghe tiếng đồng hồ gõ trong đêm thanh vắng đến ba lần rồi, cho tôi biết gần một tiếng trôi qua hai mắt tôi vẫn còn tròn xoe chưa ngủ được. Thế mà sau này bắt chước người bạn uống phân nửa ly rượu vang trước khi đi ngủ, tôi hoàn toàn chẳng còn nghe gì hết tiếng gõ bon bon của đồng hồ treo tường vang lên, giấc ngủ đến với tôi rất chóng vánh và dễ dàng. Thêm nữa, giấc ngủ tôi không đứt đoạn như trước, tôi ngủ thẳng giấc một cách sảng khoái đến sáng luôn. Ðôi khi tôi bị thức giấc vào lúc nửa đêm bởi tiếng điện thoại reo, tôi chịu khó ngồi dậy làm thêm chút ít rượu vang, nằm hít vào thở ra đếm chưa đến số mười tôi thiếp đi ngay lập tức đến sáng. Cứ mỗi chiều chủ nhật tôi lái xe đến trung tâm Sangha ở thành phố biển Hungtinton Beach nghe thuyết pháp. Tôi thích đi nghe pháp tại đây hơn là các nơi khác dù có xa nhà hơn, bởi vì bên ngoài đậu xe dễ dàng, bên trong ghế ngồi rộng rãi và máy lạnh mát mẻ. Nhưng đôi khi tôi nhìn thấy một số người trên tay có cầm một chiếc áo lạnh, hoăc khoác áo lạnh vào người dù thời tiết đang nắng chói chang. Trông người hôm nay mà nhớ mình hôm xưa, tôi biết họ lo ngại tiết trời thay đổi bất chợt hoặc họ khó chịu với cái máy lạnh, sợ hơi lạnh khiến họ bị nhức đầu sổ mũi, ho hen và cảm lạnh như tôi vài ba năm về trước. Nhờ uống rượu vang quanh năm suốt tháng, mỗi ngày uống chừng nửa ly thôi, cơ thể tôi hoàn toàn khác hẳn với vài ba năm trước. Chính tôi không ngờ được rượu vang tuyệt diệu đến thế! Vì vậy trong lòng tôi rất thầm biết ơn người bạn tôi bên Pháp đã tạo cơ duyên cho tôi làm quen với rượu vang, rồi thì uống rượu vang đều đặn mỗi ngày khiến cơ thể tôi mạnh mẽ không tật bệnh chi suốt gần ba năm qua. Bốn mùa xuân hạ thu đông tôi đi ra đường áo lạnh không cầm tay, bởi vì: "Rượu vang nửa cốc mỗi ngày Nhức đầu cúm lạnh xa bay tức thì “ Đỗ Thiên Thư st.
Phụ bản IV
VỀ QUÊ NỘI Truyện ngắn Từ khi sinh ra cho đến lúc lên nằm, Tiểu My chỉ thấy có mỗi một mình sống thui thủi với mẹ ở quê ngoại, trong một căn nhà tranh trống trải, nghèo nàn, một mẹ một con, lẻ loi, hẩm hiu theo ngày tháng. Khi My chập chững biết đi,mẹ dắt em theo gánh trầu cau ra chợ bán để làm kế sinh nhai. Khi mẹ bận việc nhà, My chỉ quanh quẩn chơi một mình,mặc dù nhà bà ngoại và các dì, cậu ở cách chỉ một vườn trầu và nhản. Tuy còn nhỏ nhưng My đã cảm thấy họ hàng bên ngoại đối với mẹ và cô rất lợt lạt, nhất là cậu Tư Quy, dì Sáu Mai thường nhìn em với cặp mắt như khó chịu, ghét bỏ. Có lần, My thỏ thẻ hỏi mẹ việc đó, nhưng người mẹ trẻ chỉ cúi đầu thở dài, không nói một lời. Thấy mẹ buồn bã,Tiểu My lặng thinh, rồi cũng quên mất. Cuộc sống của hai mẹ con cứ lặng lẽ trôi qua cho đến một ngày... Có một người đàn ông tìm về mái tranh nghèo của mẹ, đó là cha của Tiểu My đã tìm về để đoàn tụ với nhau sau bao ngày xa cách tình vợ chồng vào năm em được năm tuổi. Năm ấy ba My đậu bằng kỷ sư công chánh ở Sài Gòn và ông đã trở về gặp mẹ cô ở quê ngoại như ngày xa xưa của sáu năm về trước..... Nơi miền quê mười tám thôn vườn trầu nỗi tiếng ấy.... Có một người con gái tên Mầu con bà Hai Tiếng vừa tròn mười sáu tuổi nỗi tiếng xinh đẹp, đảm đang nhất thôn Tân Thới Trung, công việc của cô là mỗi sáng hái trầu cau đem ra chợ Hốc Môn bán. Một ngày nọ,trên đường làng từ nhà ra chợ,bằng xe thổ mộ có một chàng trai trẻ độ chừng tuổi đôi mươi cùng đi chung chuyến xe tình cờ đó, anh tìm đến miền quê để thăm người bạn học cùng trường ở thành phố, lần đầu gặp gỡ cô gái, liền tìm cách làm quen với nàng. Chàng trai trẻ tên Gia Vinh, nhà ở Cần Giuộc, gia thế vào bậc trung lưu, cha mẹ là điền chủ ruộng đất bề thế, là con trai một được cưng chiều và gởi lên Sài Gòn để ăn học. Năm ấy, chàng mới vừa đậu Tú tài toàn phần, đang tiếp tục chuẩn bị thi vào Đại học, nay nhân dịp nghỉ hè, chàng lên đi chơi thăm bạn và dự đám giỗ nhà Tú Nguyên ở HM. Trên chuyến xe thổ mộ định mệnh ấy, Gia Vinh đã phải lòng cô gái tuổi trăng tròn của mười tám thôn từ cái nhìn đầu tiên, nên anh ta đã quyết tâm theo đuổi nàng, và từ đó, khicó nghỉ giữa các niên học,Gia Vinh đều đi về Tân Thới Trung thăm Mầu, theo nàng ra chợ xem cô bán trầu cau,cho đến lúc tan chợ lẻo đẻo theo về nhà. Tình cảm của đôi người trẻ lần lần khăng khít, cô Mầu bị chinh phục bởi tình yêu chân thành của Gia Vinh. Khi học xong năm thứ nhất Đại học,chàng về thưa với cha mẹ lên Hốc Môn hỏi cưới Mầu cho chàng. Ban đầu, cha mẹ chàng không bằng lòng với lý do Vinh còn trẻ, mới vào Đại học, mà còn nguyên do quan trọng hơn là gia đình chàng đã hứa hôn cho con trai với một tiểu thơ con nhà vọng tộc trong vùng. Chàng cương quyết từ chối cuộc hôn nhân sẳp đặt ấy và quyết tâm cưới Mầu vì tình yêu chân thành của hai người. Vì vậy, Vinh cứ theo năn nỉ bà mẹ ngày đêm, cuối cùng vì thương con trai một, nên bà cũng xiêu lòng, đi sẳm lễ vật lên xem mắt và hỏi cưới cô Mầu, mặc cho sự phản đối của ông Gia Phúc và ba cô con gái trong gia đình. Về phần gia đình của Mầu cũng không ưng ý về gia thế của Gia Vinh, vì cho rằng đó là hạng trọc phú, không lương thiện chân chính, nên không muốn nhận lễ gả con gái yêu quý, nhờ cậy, nhưng cô Mầu đã đem lòng thương chàng trai trẻ là công tử hào hoa, nên cô luôn khóc lóc buồn bã hoài, nên làm ba mẹ cô bối rối lẫn bực tức không biết tính sao. Sau cùng, ông bà cũng miễn cưỡng nhận lễ vật của đàng trai, tuy bằng mặt nhưng không bằng lòng chút nào, chỉ vì hai trẻ nên phải gượng gạo tiếp đó nhau, nói cười trong lễ hỏi, cưới mà thôi. Chỉ có hai người cô dâu chú rể là vui vẻ, nói cười, hớn hở vì được sum họp, về với nhau. Rồi cô dâu được rước lên cổ xe ngựa kết hoa cùng chú rể về nhà chồng tận xứ lạ. Thế là cô gái xinh đẹp của mười tám thôn, rời bỏ gánh trầu cau về làm dâu quê xứ khác. Về nhà lạ, xung quanh bốn phía đều xa lạ, người dưng, cô Mầu rất bở ngở, lo lắng nhưng vì tình yêu (còn tiếp) Hoài Ly
TA LÀ AI TRONG CUỘC ĐỜI NÀY ??? Tản Mạn Chắc rằng. Chắc và rất chắc rằng. Mỗi mỗi con người đều đã hơn một lần tự hỏi mình một câu như thế. Đoạn tuổi nào cũng có lý do để hỏi. Đoạn tuổi nào cũng có một câu trả lời. Những câu trả lời không giống nhau. Mỗi câu trả lời ứng với một thời đoạn. Tùy vào những mất được những trải nghiệm mà tính chất câu trả lời ấy bi quan hay lạc quan. Nhưng phần lớn, để có câu trả lời bao hàm nhất, xác định nhất, sát với bản thân nhất thì người ta phải có một chặng trình trải nghiệm. Cụ thể là phải vào tuổi 50 trở đi, là một đoạn tuổi kinh qua khá nhiều thăng trầm của đời sống, thành bại đều cho người ta những cảm nghiệm đắt giá. Khi đó, ít nhất cũng vài phần người ta tự trả lời được “TA LÀ AI TRONG CUỘC ĐỜI NÀY?” Mỗi một người khi được sinh ra trong cõi đời này đều có một trách vụ. Nghe thì có vẻ to tát, nhưng chỉ cần để tâm suy ngẫm một chút khi đã trải qua phần lớn những thăng trầm đậm nhạt của bản thân. Rằng vì sao, lẽ ra mình phải ở vị trí kia làm việc kia mới phải, nhưng vì sao mình lại phải làm cái việc mà mình không mấy hứng thú này? Lẽ ra mình sẽ làm tốt hơn rất nhiều hiệu quả cao hơn rất nhiều giá trị sẽ đáng ngưỡng mộ hơn rất nhiều nếu… Nhưng đáng tiếc là mình không được ngồi vào chỗ đó nắm giữ vai trò đó thực thi khai triển hàng loạt những kế hoạch chiến lược mà mình đã ấp ủ hàng bao năm. Tại sao ngày đó giờ đó mình lại gặp phải một sự việc đó để cuộc đời mình rẽ sang một lối khác. Hoặc. Mình quá là may khi được làm cái việc mình đam mê yêu thích. Có thành quả có hậu quả gì thì cũng là sự lựa chọn của mình. Mình thấy hạnh phúc thấy mãn nguyện với từng thành tích nho nhỏ và mình vẫn nuôi ước vọng hoài bão cho một ngày mai tốt hơn tươi sáng hơn. Nếu ngày đó giờ đó mà mình không gặp được cơ hội này thì không biết bây giờ mình sẽ thế nào nhỉ ? Nếu cho mình sinh ra lần nữa chắc mình cũng không có lựa chọn khác. Đại để là một phần đúc kết kha khá để có thể đưa ra một khẳng định. Có điều, những ai được hanh thông hoạn lộ thành đạt ít nhất là thỏa mãn được những ước nguyện cái thủa đầu đời thì không mấy để tâm đến cái thứ vị mình đã có, cho dù có cũng không mấy khi đặt để thành câu “Ta là ai trong cuộc đời này ?”. Một phần họ không còn nhiều cầu vọng, một phần họ dành thời gian cho những thụ hưởng, phần nữa thì kha khá những người chung quanh bằng nhiều hình thái đã trả lời hộ họ rồi, kể cả khi không hoàn toàn đúng thế. Còn lại thì phần lớn những người trải qua một quãng đời dài đầy quăng quật gập ghềnh trúc trắc đau lên hận xuống, cho đến ngày đầu năm thứ tóc mà trong tay chưa hoặc không có gì gọi là đáng tự hào, cuộc sống vẫn lật bật những lo toan giằng xé, bản thân thì nội thương ngoại thương sẹo lồi sẹo lõm, cám cảnh phận đời mới lẩn mẩn nghĩ tới nghĩ lui nghĩ xuôi nghĩ ngược nghĩ miết mà không ra cái chi chi mới buột mồm “Ta là ai trong cõi đời này?”. Thông thường người ta hay dùng một điểm nhấn đáng kể nhận làm mệnh danh. Là điều gì làm tổn thương nhất, thất bại nhất, yếm thế nhất.Bởi những cái được hầu như đi vào quên lãng rất nhanh, khi được cái này rồi thì lại tiếp tục chinh phục cái khác, và được thì không biết bao nhiêu mới đủ. Vậy nên tâm thức thường chỉ ghi nhận những mục tiêu chưa được, hoặc những mất mát đã qua. Chính vì vậy, khi cần điểm lại một chặng trình thì phân lớn người ta vẫn than thở kêu ca là chính. Rất cần thiết phải nhìn nhận một cách công bằng, trước hết là với chính bản thân mình, sau nữa là các yếu tố liên quan. Bản thân mỗi người dù thế nào cũng vẫn có những khuyết thiếu. Cái đạt được phần nhiều thuộc về phần ưu điểm. Cái chưa đạt được hay chẳng thể nào đạt được thì luôn thuộc về khuyết điểm, yếu tố may rủi chỉ là sự cộng hợp. Ưu điểm thì không cần phải bàn, nhưng khuyết điểm thì ở rất nhiều góc độ. Nếu ai nhận ra đâu là những khuyết điểm và cố gắng điều chỉnh khắc phục thì có hội khả quan là rất có thể. Tuy nhiên, khá nhiều là không muốn thừa nhận khuyết điểm, nhất là những khuyết điểm thuộc về nhân cách bản chất mà có sự ảnh hưởng lớn đến vị thế và sĩ diện. Và đương nhiên đó cũng là điều căn cốt khiến cho nhiều mục tiêu mong muốn mà không thể nào chạm đến, cùng với đó là sự đổ lỗi. Để khi cẩn điểm lại “Ta là ai ?” thì họ sẽ nghĩ lẽ ra ta phải là … nhưng vì … Còn mọi thứ liên quan là gì ? Con người – Môi trường – Hoàn cảnh – Xã hội. Tất cả đều góp phần tác động. Việc của mỗi Ta là Điều – Vận. Dù có thể hay không có thể thì đó vẫn luôn là tính hai mặt luôn luôn hiện diện. Vậy nên, để chốt lại “Ta là ai trong cuộc đời này ?” thì chỉ có một đáp án: Ta là Ta với đầy đủ hỉ nộ ái ố dở hay sai đúng. Một Ta thì không có nhân bản. Nhưng mỗi Ta thì đều có những điểm chung là sự bất toàn. Nếu cần một nhân danh, thì Ta nào cũng có đủ cả công lẫn tội. Vấn đề là cái nào nhiều hơn. Gút lại rằng : Một Ta chỉ có một đời. Hơn nhau chỉ một tiếng cười thênh thang. Đàm Lan
CHIẾC LỌ SÀNH Truyện ngắn Trong ký túc xá, ai chẳng biết Đỗ Quyên và Mỹ Hạ thân nhau. Dù hai đứa học khác lớp, ở khác phòng. Sau giờ học, hai người cứ quấn lấy nhau. Không như đối với Hải Thy, Thiên Thu Và Phiên. Hạ thường không hài lòng về họ. Cũng chẳng có gì lạ. Đỗ Quyên đẹp, con nhà giàu, học giỏi lại khôn khéo. Quyên nổi bật giữa các bạn như màu đỏ chói lọi giữa những gam màu nhạt. Ở Đỗ Quyên là hội tụ của những tia sáng lấp lánh. Mọi thứ điểm tô quanh người con gái ấy vẻ kiêu sa, hiếm quí và khó gần. bạn bè thích đứng xa nhìn ngắm Đỗ Quyên để khỏi phải bị so sánh, cân đo rồi ngỡ ngàng vì khuyết điểm quá lộ liễu của mình.
Mỹ Hạ không đẹp nhưng có đầy đủ những thứ khác như Đỗ Quyên. Họ thân nhau là vậy. Tương đồng ý hợp đến nổi Mỹ Hạ tuyên bố sẽ làm mai mối bạn cho anh hai của mình, một bộ đội đang trấn giữ vùng biên giới. Chẳng ai ngạc nhiên. Điều đó phải xảy ra thôi. Hai bên đều “môn đăng hộ đối”. Một bên là trai tài, một bên là gái sắc. Còn cặp nào xứng lứa vừa đôi hơn nữa? Thế là những cánh thư đi rồi những phong bì từ vùng đất xa xôi, đèo heo hút gió bay về đều đặn. Bên trong gói ghém yêu thương, mơ ước cháy bỏng. Dù chưa một lần gặp mặt, tình yêu của họ cũng khiến cho Hải Thy và hai bạn ngưỡng mộ. Thy lâng lâng trong cảm giác có một cái gì đó lạ lẫm quanh đây. Nó đang đốt cháy lòng cô bạn và truyền hơi ấm thơm ngát, dễ thương của một nụ hồng vừa chớm. Thy trông đợi ngày đôi tình nhân gặp nhau và một kết cuộc đẹp đẽ. Ngày ấy đã đến. Anh Phúc được nghỉ phép , gọi điện báo tin sẽ đến thăm. Không riêng gì Mỹ Hạ và Đỗ Quyên vui mừng, Thy và các bạn cũng thích. Nhưng Thy biết biểu hiện cảm xúc thái quá của mình sẽ không tốt, không đúng chỗ và Thy cố nén lòng vui. Chiều. Đúng giờ hẹn, anh Phúc tới. Cả phòng ùa ra chào đón. Hải Thy kéo tay anh vào phòng, giật lấy cái mũ có đính ngôi sao lấp lánh, chụp lên đầu Đỗ Quyên rồi nhận xét “Đẹp quá!”. Phiên nghiêng đầu ngắm anh hai rồi tuyên bố “ Đẹp trai quá ta!” “. Thiên Thu đùa “ Người về từ…chốn khỉ ho, cò gáy.” Đỗ Quyên không nói gì, đưa mắt lúng liếng, tình tứ liếc sang Phúc. Anh đỏ mặt, vuốt tóc mấy lượt rồi lịch sự bảo: - Mời các em dùng một bữa cơm thân mật! Cả bọn reo ầm ĩ: - Đồng ý! Hoan hô anh hai, hoan hô…” Đỗ Quyên và Mỹ Hạ hình như không vui nhưng Hải Thy và hai bạn nào để ý, chỉ lo thay quần áo, trang điểm chớp nhoáng để được…rửa ruột. Loáng cái, ba người đã chỉnh tề và chờ đợi vai chánh. Phải gần hai mươi phút sau Đỗ Quyên mới xuất hiện. Khuôn mặt đã đẹp, giờ được trang điểm khéo léo, cẩn thận càng tăng thêm quyến rũ. Bộ áo dài đỏ thắm, sang trọng đã tạo cho Đỗ Quyên vẻ cao sang quyền quí làm sao! Hải Thy trố mắt nhìn bạn, cô đùa nghịch: - Ối, nữ hoàng của…anh hai. Bây giờ đi được chưa, nữ hoàng? Chẳng biết vô tình hay cố ý, Đỗ Quyên hỏi: - Đi đâu? - Đi ăn. - Gấp vậy sao? Như bị tạt vào mặt một gáo nước lạnh, Hải Thy co người, se lạnh. Trấn tĩnh bằng cách nghĩ đó chỉ là những hạt sương mai, giúp mình tỉnh táo. Hải Thy lại gượng đùa: - Dĩ thực vi tiên mà lỵ! - Mầy quan niệm vậy à? Còn tao thì luôn tâm niệm “Miếng ăn là miếng tồi tàn”. Hải Thy tái mặt, muốn chạy đi, la hét, kêu khóc vài phút. Nhưng cô nhận ra không phải lúc nào mình cũng có thể làm theo ý muốn. Thy sợ phá vỡ niềm vui của người bộ đội biên phòng từ xa xôi vừa trở lại, hẳn anh đã quá mệt mỏi với những đêm canh gác kẻ thù, giữ gìn cho mọi người thì lẽ nào Hải Thy không nén lòng giận dữ. Dù sao, nỗi buồn nầy cũng chỉ là những vặt vãnh, nhỏ mọn đời thường. Hãy quên đi, hãy quên đi! Hải Thy nhủ lòng như thế. Thật may, Anh Phúc đã phá tan không khí nặng nề ấy bằng cách cười to rồi ra lệnh: - Nào, mời các đồng chí lên đường! Thy lại bật dậy trước tiên, cô hồ hởi nói “ Rõ!” Tiếng cười vui vẻ vang lên. Trước khi ra khỏi phòng, Đỗ Quyên hậm hực nhận xét: - Hôm nay, hình như mầy là người vui nhất. Hải Thy thản nhiên trả lời: Đúng! Có gì để tao phải buồn? Mâm cơm thịnh soạn khiến cho Hải Thy và hai bạn phải ngại. Đĩa gỏi gà to tướng, tô canh chua cá bông lau, sườn ram mặn, nấm đông cô xào đồ lòng vịt. Toàn những thứ mà có nằm mơ Hải Thy cũng không dám nghĩ tới. Ở nhà, loại thức ăn nầy không có gì quí, ngày nào mẹ cũng làm một món ngon cho cả nhà bồi dưỡng. Khi vào ký túc xá tạm trú, Hải Thy và các bạn thường chịu cảnh thèm ăn món nầy, món nọ. nhu cầu ăn uống… luôn không được đáp ứng. Có lẽ vì vậy Hải Thy gầy như que tăm. Phiên thường bảo “Trông mầy chẳng khác gì một sự kết hợp giữa các đường thẳng. Còn Thu thì nhận xét “Mầy là người biểu diễn những đường gãy”. Hạ tàn nhẫn hơn, nó bảo “ Khô khốc! Như một con khô cá hố trá hình. Mầy là điển hình cho loại thức ăn dự trữ”. Thy kinh hoảng, khóc rồi chịu đựng, chấp nhận. Bây giờ, ngồi trước nhũng món ăn ngon, bỗng dưng Hải Thy ngỡ ngàng , buồn bã. Thy liếc sang Thu và Phiên, hai đứa bạn cũng có vẻ sượng sùng, thiếu tự nhiên. Phiên đưa một ngón tay lên, nói nhỏ “Tuyệt quá!”. “Ai” , “Anh Hai!”. Hải Thy cười, bảo:”Số một”. Phúc cũng cười nhưng Mỹ Hạ gạt phắt: - Thôi, ăn đi, đừng lôi thôi nữa! Ba cô gái đỏ mặt cùng một lúc. Thy nhủ thầm, chưa có buổi ăn nào bắt đầu như thế, trong đời Thy. Thy cũng làm tỉnh được ngay, cô gắp một miếng gan gà bỏ vào bát của Quyên: - Ăn gan bổ gan, Quyên nè. Quyên lừ mắt: - Tại sao phải bổ gan chứ? Thy lúng túng mấy giây rồi nói cho qua: - Để Quyên đừng run khi ngồi cạnh anh Hai. - Có lẽ mầy ăn gan gà nhiều nên ngồi cạnh đàn ông, con trai mà cái miệng leo lẻo, không ngừng. Không riêng gì Hải Thy, Thu và Phiên cũng cảm thấy chới với trước miệng lưỡi thô bạo của Quyên. Cả ba thật sự hối tiếc vì đã nhận lời dự buổi tiệc nhỏ nầy và nhớ quay quắt mâm cơm lạnh tanh thức ăn lèo tèo mấy miếng cá bé tí nơi phòng ăn tập thể. Thy cúi xuống không nói gì nữa . Thy cố gắng giữ cho nước mắt không tràn xuống má, dùng hết sức bình sinh để nuốt nỗi đau vào lòng, giữ chặt không làm phiền ai. Rồi Thy lại phải dùng hết nghị lực để nâng chén cơm lên môi. Phúc lặng nhìn Hải Thy, ánh mắt ấm áp của anh khiến cho Đỗ Quyên mất bình tĩnh, cô lại nói: - Thật là một bữa ăn vô vị! Có lẽ không nén được nữa , Phúc hỏi: - Ai đã làm cho bữa ăn trở nên vô vị, Quyên biết không? Quyên nhún vai: - Chảng lẽ là em! Phúc thản nhiên xác nhận: - Quyên rất thông minh, đúng vậy! Đỗ Quyên bật khóc, Mỹ Hạ cằn nhằn: - Cũng tại con Thy hết, phải biết vậy… Hải Thy đứng bật dậy, cô nói với Phúc: - Cảm ơn anh hai đã mời em, nhưng rất tiếc là em…no rồi. Xin phép được về trước. Không đợi ai có phản ứng, Hải Thy chạy nhanh ra cửa. Nắng đổ phũ phàng lên tà áo , nước mắt Hải Thy rơi! Sau lần đó, Thy tránh gặp Quyên. Thy định xin chuyển qua phòng khác nhưng vì Thu và Phiên hăm dọa sẽ xin theo nên lại thôi. Cũng may là Quyên không tìm tới phòng Thy nữa nên cô cũng đỡ phải khó xử. Mỗi lần nhớ lại Thy rùng mình, chán nản, cô nói với Phiên: - Đúng là “ Miếng ăn là miếng tồi tàn” mầy ơi! - Ừ, chưa bao giờ được ăn ngon mà tao lại nuốt không trôi như lần ấy. Tưởng mọi chuyện rồi cũng chìm vào quên lãng. Nào ngờ, sáng nay, chú Quân, người đưa thư của trường Sư Phạm trao cho Thy một phong bì dầy cộm, bảo phải ký nhận vì là thư bảo đảm. Nhìn tên người gửi, Thy hoảng vía, kêu lên “ Trời, anh hai!”. Lại khổ tới nơi! Nhớ đến ánh mắt sắc như dao cau của Quyên và Hạ, Thy co người như bị sốt rét. Cô hỏi: - Không nhận được không chú? Chú Quân trợn mắt: - Không được! Thư bảo đảm, chắc có gì quan trọng. Kệ, đọc đi. Có ai chết vì đọc thư đâu mà sợ, cô bé. Về tới phòng, Thy khóa trái cửa lại, leo lên giường, kéo chăn trùm hai bàn chân lạnh ngắt rồi mới bắt đầu …đọc: “ Hải Thy yêu dấu!....” Thy thét lên một tiếng thật to như bị sét đánh, cô bé ôm lấy ngực. gì vậy kìa? Giỡn mặt sao? Khi không mà yêu với dấu? Phải mất hồi lâu, Thy mới bình tĩnh lại, đọc tiếp: Hải Thy yêu dấu! Bất ngờ lắm phải không Thy? Hẳn là em đang ngạc nhiên khi nhận được thư nầy, lá thư mà anh phải mất mấy ngày đêm suy nghĩ rồi thu hết can đảm để viết, để nói một điều thôi “Anh yêu em!”. Hải Thy, anh yêu em! Chắc là Thy không tin. Có lẽ em đang khóc. Nước mắt tuôn ướt đầm hai má. Ước gì anh đang ở bên Thy. Anh sẽ không trao cho em chiếc khăn tay nào hết. hãy để những giọt nước mắt trong lành ấy làm mắt em thêm long lanh, hiền hậu. Dầu sao, khóc được cũng nhẹ nhõm hơn. Mỗi lần chợt nhớ Thy ngày ấy, khuôn mặt đỏ bừng rồi chuyển sang sắc tím. Em căng thẳng, đè nén , anh thấy trái tim mình nhói buốt. Hải Thy, anh ngạc nhiên vô cùng khi nhận ra mình nhớ Hải Thy chớ không phải Đỗ Quyên. Nhớ điên cuồng, dữ dội. Anh biết rất rõ Đỗ Quyên không hợp với anh. Quyên là một cô gái đẹp. Quyên tựa như một chiếc lọ cổ quí giá, đắt tiền, dành cho những đóa hoa vương giả và đặt ở một nơi sang trọng, như bệ thờ .Hoặc là một hội trường nào đó. Quyên là một báu vật dễ vỡ, phải tâng tiu, chìu chuộng. Tìm được một người vợ như thế không phải dễ. Mỹ Hạ, em gái anh đã dày công tìm kiếm và đặt vào tay anh thứ hạnh phúc khó tưởng ấy. Tiếc thay, anh không có hy vọng tìm một người vợ như thế. Ở cạnh Quyên, anh không giống một người tình mà chỉ là vệ sĩ của nữ hoàng mà thôi. Anh không muốn có một người vợ quyền uy để sai khiến và định đoạt mọi thứ thay anh. Mơ ước của anh tầm thường, thô thiển, anh chỉ mong tìm kiếm một người vợ hiền hậu, hiểu anh và yêu anh. Hải Thy, xin thứ lỗi cho anh khi anh bảo em là chiếc lọ sành cũ kỹ mà anh cần để cắm vào đó những bông hoa dại mọc ven sườn núi. Chiếc lọ tầm thường biết bao mà cũng cần thiết biết bao! Ở gần Thy, anh không phải …sợ em, không phải thủ thế. Ta ngang hàng nhau và dễ trông thấy nhau hơn. Phải không Hải Thy? Đừng vội tự ái và giận dữ. Em có quyền không yêu anh nhưng em không có quyền ngăn cấm anh yêu em.Trời còn chưa làm được việc đó. Hãy biết rằng, anh yêu em! Ở đây, mùa thu quanh năm dừng chân. Rừng lặng yên thả lá. Núi âm thầm đứng trông vời. Còn anh, giờ thì anh nhớ em. Nhớ dáng ai gầy gò đến tội. Thy ơi, ở đây trời đất buồn thê thiết Sáng chiều sẽ không phân định rõ ràng nếu không có tiếng trống tan trường từ chân núi vọng lên. Tiếng chuông chùa ngân nga êm trôi.Tiếng chuông gợi nhớ em, cô giáo tương lai. Tiếng chuông nhắc về mẹ, người mẹ quí yêu của anh giờ đã khuất.Tiếng chuông còn gợi anh nhớ ba những đêm về muộn, kéo chuông gọi cửa, gióng giả, cau có, đánh thức cơn giận dữ của anh. Anh đã cãi nhau với ba và bỏ lên đây khi ba đưa về nhà người vợ kế. Nhưng giờ thì anh hết giận, chỉ buồn vẩn vơ. Người thiếu tá chỉ huy khuyên bọn anh nên thường xuyên “xuống núi” thăm gia đình, đừng để lạc hậu hạnh phúc. Anh nghe theo và được gặp Thy. Hải Thy, làm sao em biết anh nhớ em? Nhìn cái gì anh cũng liên tưởng tới Thy. Như chuyện vợ anh Tưởng đi lấy nước, vô ý té xuống triền dốc bị xẩy thai. Chuyện lũ trẻ con đồng đội chưa được học vỡ lòng chúng mù tịt với chữ nghĩa, phải chi có Hải Thy thì...Ôi! còn trăm điều gợi nhớ! Hải Thy, liệu ta có còn gặp nhau nữa không hay em vội biến khỏi đời anh một cách lạnh lùng như mây ngang đỉnh núi. Và, những đóa hoa dại ven đồi cứ mãi ngóng về một chiếc lọ sành cũ kỹ, thân thương. Anh có quyền hy vọng không Thy?” Có tiếng đập cửa. Thy mở. Phiến nhìn thấy nét thẩn thờ trên khuôn mặt Thy, liền hỏi: - Nghĩ gì mà đến…khờ cả người vậy Thy? Thy nói như trả lời thư Phúc :” Thy muốn trở thành chiếc lọ sành cũ kỹ để người ta cắm vào những đóa hoa dại mọc ven rừng và sẽ là cô giáo ở vùng đồi núi xa xôi ấy!” Nguyễn Thị Mây
MỤC LỤC Chi tiết về cuộc họp ngày 13/3/2021 ..... Vũ Thư Hữu ....... 03 VÀI DÒNG VỀ CUỐN “BỐN MƯƠI NĂM NÓI LÁO” CỦA CỐ NHÀ VĂN VŨ BẰNG, MỘT NGƯỜI BẠN CHỈ QUEN SƠ, NHƯNG KHÁ THÍCH Vũ Anh Tuấn ....... 07 HÌNH ẢNH SINH HOẠT CLB SÁCH XƯA & NAY ......... 09 Lịch sử Giáo Hội Cộn g Giáo (tt- số 174 ) Bosco Nguyễn Văn Đình, Ofm & Giuse Nguyễn Hữu Triết . 16 THÂN PHẬN ĐÀN ÔNG XƯA VÀ NAY .. Phạm Vũ ..... 22 CÁCH “KHOÁN” ĐỂ CHỮA BỆNH GIỜI LEO ....................... Tâm Nguyện ......... 38 NHỮNG CÂU NÓI HAY VỀ CUỘC SỐNG ĐẦY Ý NGHĨA ................... Lệ Ngọc ............ 47 CHẲNG CÓ GÌ PHẢI SỢ COVID-19 ..................... Đào Minh Diệu Xuân ........... 51 Sống lâu với trí nhớ tốt ............ Hoàng Chúc ............ 54 10 cách giúp bạn thoát khỏi nỗi buồn John Phan (Hùng) .......... 57 Top 100 Most Searched For Out-of-Print Books of 2015 Hà Mạnh Đoàn ........... 59 MÀU ĐỜI ......... Đàm Lan .... 68 TẾT NÀY .......... Đàm Lan ............ 69
Chúc thi hữu Câu lạc bộ sách Xưa & Nay Lương Văn Nhung .......... 70 Tôn vinh phụ nữ ................. Lương Văn Nhung ....... 70 Mừng xuân Tân Sửu ...... Đinh Thị Diệu ....... 71 Chúc tết ........ Lê Minh Chử .... 71 Một thời Bến Nghé ........ Vũ Thùy Hương ....... 72 Kỷ niệm ............ Hoài Ly ............ 72 Hồi tưởng ........... Vũ Thùy Hương ... 73 Trâu với Nghé thủ vĩ nhứt tự ........... Phước Hải ....... 73 Hạnh Phúc ........................ Kim Long ....... 74 Lớp tuổi già ............... K.H. Quang Bỉnh ....... 74 Viếng cảnh cũ ................ K.H. Quang Bỉnh .... 75 Bệnh Cô-vi ...................... K.H. Quang Bỉnh .... 77 Xuân Tân Sửu 2021 Ngủ vận trắc ...... Phước Hải ....... 77 Học ...................... Ngàn Phương .... 78 Trang sách cuộc đời ........... Ngàn Phương ..... 79 Về thăm thầy cũ .................. Ngàn Phương ....... 81 ÔNG VỌNG ........ Trần Nhuận Minh ...... 83 OLD MR. VỌNG . Trần Nhuận Minh - Translated by Vũ Anh Tuấn ............ 84 PHÚC ................... Trần Nhuận Minh ..... 85 PHÚC .. Trần Nhuận Minh - Translated by Vũ Anh Tuấn ...... 86 100 LỜI KHUYÊN LÚC LÂM CHUNG CỦA MỘT VỊ THẦY THUỐC 112 TUỔI ........... Hoàng Kim Thư ........... 87 Bàn về câu “Họa vô đơn chí” ....... Phạm Hiếu Nghĩa ..... 115 GÁC KÈO ONG THÀNH DI SẢN VĂN HÓA Bùi Đẹp ....... 121 Rượu vang nửa cốc ............ Đỗ Thiên Thư .......... 129 VỀ QUÊ NỘI ............. Hoài Ly .......... 138 TA LÀ AI TRONG CUỘC ĐỜI NÀY??? ... Đàm Lan .......... 141 CHIẾC LỌ SÀNH ......... Nguyễn Thị Mây ......... 145
|