Hiện có 10 người xem / 2521166 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 8/2/2020

CỦA CLB SÁCH XƯA VÀ NAY

Như thường lệ, để mở đầu phiên họp, dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên 2 tân quý thư mà ông mới có.

Lần này cả hai cuốn đều bằng Pháp văn, và vì bằng Pháp văn là thứ ngôn ngữ lúc này chỉ còn rất ít người thèm biết, nên ông đã có được hai quý thư này với chỉ đúng 100 đô mít (Annamese dollar).

Cuốn đầu là một cuốn cỡ 12 x 18 phân, dày 326 trang, mang tựa đề là “Những điều bí ẩn của Tháp Nesle” (Les secrets de la Tour de Nesle), nằm trong sưu tập “Các tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng” (Les grands romans historiques), được xuất bản 51 năm trước (1969)trong sưu tập nói trên mà không mang tên tác giả. Người viết được biết là Tháp Nesle là 1 trong 4 tháp canh được xây ở Ba Lê (Paris) hồi đầu thế kỷ thứ 13 bởi Philippe Auguste. Tháp có chiều ngang là 10 mét và chiều cao là 25 mét và được xây ở bên bờ phía trái sông Seine, đối diện với lâu đài Louvre ở bờ bên kia. Tháp này bị phá bỏ năm 1665 và địa điểm này trở thành Pháp quốc Học Viện (Institut de France) ở trong có cái thư viện Mazarine thời danh. Cuốn sách được in với một cái bìa cứng tuyệt đẹp, và người viết rất thích vì nó được viết về đề tài “Vụ án tháp Nesle” là chuyện vào năm 1314, mấy người con dâu của vua Philippe IV phạm tội ngoại tình và họ và các người tình của họ bị xử tử hình tại đó. Vụ này được đại văn hào Alexandre Dumas viết lại trong một tác phẩm của ông nhan để là Tháp Nesle (La tour de Nesle) hồi thế kỷ 19, vào năm 1832 thì phải. Cuốn thứ nhì cũng khổ 12 x 18, dày khoảng 666 trang là một cuốn sách tuyệt vời về tiếng Pháp, và là một kho báu với những người yêu tiếng Pháp như người viết, vì nó là 3 cuốn đóng chung trong một quyển. Cuốn đầu dày 366 trang mang tựa đề là “Sự trong sáng của tiếng Pháp” (La clarté francaise) của Antonin Vannier, một GS dạy Văn chương và Sinh ngữ. Cuốn thứ nhì, dày 156 trang, của tác giả Étienne Le Gal mang tựa đề là Viaết…? Đừng viết …? (Écrivez…? N’écrivez …pas?), và cuốn thứ ba dày 145 trang cũng của cùng một tác giả Étienne Le Gal, và mang tựa đề là Đừng nói… Hãy nói …(Ne dites pas…Mais dites…). Ôai! ba cuốn sách với khoảng 666 trang sách quả là một kho báu cho người viết, là người được học tiếng Pháp từ lớp mẫu giáo, và YÊU TIẾNG PHÁP GẦN BẰNG TIẾNG MẸ ÂU CƠ của mình…

Dịch giả Vũ Anh Tuấn giới thiệu mấy cuốn sách xong, anh Phạm Vũ lên nói về Hát Then được coi là Di Sản Văn Hóa phi vật thể, và có nói luôn tới Tượng Nữ Thần Tự Do ở Mỹ. Sau anh Phạm Vũ, anh Nhựt Thanh lên nói về một nghi vấn lịch sử và việc Triều Đình Tự Đức giúp Trương Công Định. Anh Nhựt Thanh nói xong, Hoài Ly lên chúc Tết và ngâm taặng các thành viên bài Xuân qua. Tiếp lời Hoài Ly, Thùy Mai lên hát tặng các thành viên một bài của Nga và bài Mười năm đợi chờ. Thùy Mai hát xong, anh Phùng Chí Tâm lên hát tặng các thành viên một bài do chính anh sáng tác và nói về chuyện tập thể dục “vẫy tay”. Tiếp lời anh Phùng Chí Tâm chị Diệu lên n gâm tặng các thành viên bài Vầng trăng cao. Sau chị Diệu, anh Thanh Phong lên hát tặng các thành viên hai bài Ghé bến thơ và Trên đồi xuân. Anh Thanh Phong hát xong, Thùy Hương lên chúc sinh nhật Lệ Ngọc và ngâm tặng bài thơ “Hanh thông chị nhé!” Sau Thúy Hương, anh Hùng lên nói về sức khỏe và việc dùng gừng, mật ong, và tỏi. Anh Húng nói xong, anh Quang Bỉnh lên đọc bài thơ “Tham quan Tiền Giang”. Cuối cùng Lệ Ngọc lên hát tặng các thành viên một bài của Phạm Duy và cuộc họp kết thúc lúc 11 giờ 15 cùng ngày. Các thành viên vui vẻ chia tay ra về hẹn sẽ gặp lại trong tháng tới.

Vũ Thư Hữu



VÀI CHI TIẾT VỀ MỘT CUỐN SÁCH NÓI VỀ

MỘT DANH NHÂN MÀ NGƯỜI VIẾT YÊU THÍCH

VÀ QUÝ TRỌNG, MỚI CÓ DUYÊN MAY ĐƯỢC TẶNG

Sáng chủ nhật trước, người viết được một bà bạn sống ở Cần Thơ ghé thăm và tặng cho một lúc hai chai Omega 3, với lời dặn là cần phải uống đều mỗi ngày một viên để luôn được sáng mắt mà … đọc sách !

Bà tình cờ thấy mình có một tập 12 số truyện tranh Lucky Luke của nhà Đồng Nai in khá đẹp hồi năm 1993, bà ngỏ lời xin người viết để lại cho bà để bà cho đứa cháu trai của bà năm nay 14 tuổi. Vẫn còn giữ nguyên tính cách ga lăng từ bé, người viết vui vẻ tặng, chứ không để lại. Bà thích quá cảm ơn rối rít và nói “Em có đọc trên trang Sachvatranh.com cùa anh bài anh viết về cố bác sĩ Nguyễn Lân-Đính, cháu cụ Vĩnh, và em có một cuốn sách về Cụ mà ba em để lại. Để em về tới nhà sẽ tìm và gửi lên tặng anh, coi như hai chúng ta “giao lưu quý thư” anh nhé.

Sáng nay, sáu ngày sau, bà đã giữ lời hứa, và mình đã nhận được cuốn sách nhan đề là Nguyễn Văn Vĩnh (1882- 1936) của Tủ Sách NHỮNG MẢNH GƯƠNG của nhà xuất bản TÂN VIỆT in năm 1957 của một tác giả ký tên là NHẤT TÂM. Thấy cuốn sách của nhà TÂN VIỆT người viết thích quá vì đó là một nhà xuất bản rất đứng đắn hồi những năm 50 của thế kỷ trước. Cuốn sách khổ 14 x 20 dày chỉ có 73 trang, nên người viết bỏ ra liền 1 giờ đồng hồ để cưỡi ngựa xem hoa, và thấy là tuy ngắn nhưng súc tích với những thông tin đáng tin cậy. Cuốn sách được chia ra làm VI chương như sau đây:

Chương I. Gồm hai trang 5 và 6 nói về việc Cụ Vinh “Nổi tiếng thần-đồng, hiếu học…”

Chương II. Gốm hai trang 7 và 8 nói về “Dấn bước hoạn trường”

Chương III. Từ trang 9 tới trang 14 nói về “Trên đường sự nghiệp”

Chương IV. Từ trang 15 tới trang 17 nói về “Ngã gục nẻo Lào”

Chương V. Từ trang 18 tới trang 20 nói về “Đám tang trọng thể”

Chương VI. Từ trang 21 tới trang 58 nói về “Công luận phẩm bình”

Ngoài VI chương nói trên, cuốn sách còn có phần Phụ lục từ trang 61 tới trang 73 nói về văn tài của hai người con của Cụ là nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp và nhà văn Nguyễn Giang.

Đây là một cuốn sách khá hay về Cụ Vĩnh, một trong những người hàng đầu mà người viết thật sự yêu thích và quý trọng trong số những người viết hoa hiếm hoi đã thực sự hội nhập được vào CÕI BẤT TỬ và đã thật sự được MUÔN THUỞ LƯU DANH…

Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI

Vũ Anh Tuấn

LỊCH SỬ

GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

(tiếp theo số 165)

BÀI 3:

THÁNH PHAOLÔ

VỊ TÔNG ĐỒ DÂN NGOẠI

Khi Thánh Stêphanô bị ném đá, có một chàng thanh niên ngồi giữ áo cho những người ném đá. Không những đồng tình trong việc xử án, mà chàng thanh niên ấy, sau đó, còn tình nguyện lãnh sắc chỉ lùng bắt tất cả những người đồng đạo của Thánh Stêphanô. Một người như thế, có ai ngờ sau này lại được Chúa chọn ngay trên đường đi Đamát để giao sứ mệnh đem Tin Mừng rao giảng khắp nơi. Con người ấy chính là Thánh PHAOLÔ, được mệnh danh là “VỊ TÔNG ĐỒ CÁC DÂN NGOẠI”.

I. THÁNH PHAOLÔ LÀ AI?

Thánh PHAOLÔ, còn có tên là SAU-LÊ, gốc người Do Thái, thuộc chi tộc Ben-gia-min, một trong hai chi tộc trung thành nhất với truyền thống các ngôn sứ. Thánh Phaolô sinh tại Tácxê, một thị trấn thuộc miền nam nước Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy là một thị trấn nhỏ, nhưng Tácxê lại là một trong những trung tâm văn hóa Hy Lạp thời bấy giờ. Chính Thánh Phaolô đã viết: “Tôi là một người Do Thái, quê tại Tácxê, xứ Kilikia, công dân một Thành không phải là không tên tuổi” (Cv 21,39). Chính vì thế mà Thánh Phaolô rất thông thạo văn hóa Hy Lạp. Có truyền thuyết cho rằng cha mẹ Phaolô gốc người Ga-li-lê, đã sang lập nghiệp tại Tácxê từ lâu, trở nên giàu có và đã mua được quốc tịch La Mã. Có lẽ chính cái nguồn gốc Do Thái và điều kiện kinh tế dễ dàng đã cho phép chàng thanh niên SAU-LÊ trở về Giê-ru-sa-lem thụ giáo với hai bậc danh sư là Ga-ma-li-el và Hil-lel. Thuộc giai cấp Biệt phái, lại hấp thụ được một nền giáo dục sâu sắc, Phao-lô tỏ ra biệt phái hơn các biệt phái khác và đã tuân giữ luật Mô-sê cách thật nghiêm nhặt.

Bên ngoài, Phao-lô có dáng vóc nhỏ bé, nhưng bên trong, lại là sự kết hợp vĩ đại giữa một trí óc sáng suốt siêu việt và một cảm thức tôn giáo sâu xa. Phaolô có bản chất đam mê, luôn khao khát tuyệt đối. Với ý chí sắt thép, Phaolô không ngừng chiến đấu với bản thân và sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn để thực hiện cho được điều mình mong muốn. Những điểm sau này đã được thể hiện trong hành động của Phao-lô khi người đi bắt bớ các Kitô hữu cũng như khi người thi hành sứ mệnh Chúa giao phó.

II. NHỮNG KHÓ KHĂN CỦA THÁNH PHAO-LÔ

Qủa vậy, Phaolô là một Tông Đồ nhiệt thành của Đức Kitô. Trong suốt cuộc đời truyền giáo, kéo dài từ năm 46 đến năm 58, Phaolô đã thực hiện những chuyến đi dài hơn 4 ngàn cây số. Ngài phải băng rừng, lội suối, vượt đại dương. Ba lần nếm cảnh ngục tù.

Đi tới đâu, ngài thành lập các giáo đoàn tới đó. Từ An-ti-ô-ki-a, giáo đoàn tiên khởi của đất Xi-ri, Phao-lô đã đem Tin Mừng rao giảng khắp miền Tiểu Á, Hy Lạp, đến tận Rô-ma.

Xuất thân từ dòng dõi Do Thái, thông thạo văn hóa Hy Lạp, lại mang quốc tịch La Mã, Phaolô như đã được Chúa chuẩn bị để đi vào ba thế giới: Do Thái, La Mã và Hy Lạp. Nhưng cũng chính ba thế giới này đã tạo ra cho Phaolô muôn vàn khó khăn trên con đường đi rao giảng Tin Mừng. Trong Thư thứ hai gởi Giáo Đoàn Cô-rin-tô có đoạn Phao-lô đã viết: “Năm lần, tôi đã bị người Do Thái đánh đòn ba mươi chín trượng; ba lần, tôi đã bị tra tấn; một lần, tôi đã bị ném đá; ba lần, tôi đã đắm tàu, và đã phải qua một ngày một đêm chơi vơi trong lòng biển” (2Cr 11,24-25).

Về phía người Do Thái, họ là những người đồng đạo trước đây của Phao-lô, giờ đây họ quay lại chống đối ngài mãnh liệt. Phao-lô giảng dạy hăng say đến nỗi người Do Thái tìm cách hại ngài. Người ta đã phải bỏ ngài trong một cái sọt, chuyển qua tường thành, rồi thả ra cho ngài chạy trốn (Xem Cv 9,25).

Về phía người La Mã, họ không chấp nhận ngài vì ngài thuộc một tôn giáo không chịu tôn thờ hoàng đế La Mã như một vị thần.

Đối với người Hy Lạp, ngài đã lên án lối sống buông thả, chỉ chú trọng đến thú vui vật chất và những thắng lợi thể thao.

III. GIÁO HỘI TRONG THỜI THÁNH PHAO-LÔ VÀ SAU THÁNH PHAO-LÔ

Trong khi Phao-lô phải đương đầu với những khó khăn để đem Tin Mừng đến với các dân ngoại thì tại Pa-le-xtin, Phê-rô và các Tông Đồ khác vẫn tiếp tục công việc của mình trên quê hương Do Thái.

Đến năm 49, một vấn đề nam giải xảy ra. Phải “Cắt bì” những người ngoại giáo gia nhập Kitô giáo hay không. Phao-lô phải trở về Giê-ru-sa-lem để hội ý cùng Phê-rô và các Tông Đồ khác. Chính tại Giê-ru-sa-lem đã nhóm họp Công Đồng đầu tiên để giải quyết hai vấn đề:

- Một là nhìn nhận các người ngoại giáo mới gia nhập Kitô giáo là thành phần của Giáo Hội mà không buộc họ phải “cắt bì” và phải mang cái ách của Luật Mô-sê.

- Hai là công nhận sứ mệnh tông đồ của Phao-lô và cách thức rao giảng Tin Mừng của ngài.

Sau Công Đồng Giê-ru-sa-lem, Phê-rô đi Rô-ma và đứng đầu cộng đoàn tại đây.

Đến năm 50, Phê-rô cùng một số người Kitô hữu gốc Do Thái bị Hoàng đế Claudiô trục xuất khỏi Rô-ma. Cũng trong thời gian này ta thấy xuất hiện những cuốn sách đầu tiên của Tân Ước. Đó là những bức thư Phao-lô viết tại Cô-rin-tô và gởi cho Giáo đoàn Thes-sa-lo-ni-ca. Lần đầu tiên Phao-lô bị bắt tại Cô-rin-tô.

Kể từ năm 54, Nê-rô cai trị Đế quốc La-Mã. Đây là thời kỳ mà các Kitô hữu bị bách hại nặng nề: có những người bị trói vào cột trụ, chung quanh mình quấn giẻ tẩm mỡ, đêm đến họ bị mồi lửa đốt như những cây đuốc để làm thú vui cho Nê-rô; hoặc họ bị bọc da thú, vứt vào các hí trường cho thú ăn thịt.

Năm 64, Phê-rô bị bắt gần Rô-ma, bị dẫn độ về Rô-ma, giam trong ngục Ma-mec-tin, dưới chân đồi Ca-pi-tôn và bị trảm quyết năm 67.

Năm 70, thành Giê-ru-sa-lem bị tướng Ti-tô của người La Mã triệt hạ. Đây cũng là thời gian xuất hiện các sách Tin Mừng của Mác-cô, Mát-thêu và Lu-ca.

Năm 100, Thánh Gioan qua đời tại Ê-phê-sô.

IV. TA NGHĨ GÌ?

Nếu bảo rằng “Anh hùng tạo thời thế”, thì Phao-lô quả là vị anh hùng đã xả thân góp phần vào việc phát triển và mở mang nước Chúa trong thời kỳ Giáo Hội phôi thai đang bị bắt bớ và bách hại khắp nơi. Cũng chính nhờ ngài mà Đạo Chúa đã lan khắp miền Địa Trung Hải, Tiểu Á, đem những người ngoại giáo và Do Thái ở hải ngoại trở về với Chúa. Ngài chính là một khí cụ đã được Chúa chọn để đem Tin Mừng Cứu độ đến với muôn dân.

Bằng những hành trình rao giảng Tin Mừng, bằng việc thành lập các Giáo đoàn, bằng những bức thư động viên, an ủi, khuyến dụ, Phao-lô đã đào sâu Tin Mừng Đức Kitô và đổi mới mọi vấn đề. Ngài quả là NHÀ THẦN HỌC ĐẦU TIÊN CỦA GIÁO HỘI.

Bài đọc thêm

Thánh Phaolô và vấn đề đồng tính luyến ái

Bởi thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục tình đồi bại. Đàn bà không quan hệ theo lẽ tự nhiên, mà lại làm điều trái tự nhiên. Đàn ông cũng vậy, không quan hệ với đàn bà theo lẽ tự nhiên, mà lại đem lòng thèm muốn lẫn nhau : đàn ông bậy bạ với đàn ông. Như vậy là chuốc vào thân hình phạt xứng với sự lầm lạc của mình.

Rm 1,26-27

(còn tiếp)

Bosco Nguyễn Văn Đình, Ofm

Giuse Nguyễn Hữu Triết

NHÂN ĐỌC BÀI “TRỞ VỀ ĐẠO PHẬT

NGUYÊN CHẤT ĐỂ PHỤNG SỰ NHÂN SINH”

CỦA T. T. THÍCH NHẬT TỪ

Tôi nghĩ là không chỉ riêng tôi, tất cả những Phật Tử của Đại Thừa hẳn không khỏi hoang mang khi đọc bài “Trở về Đạo Phật nguyên chất để phụng sự nhân sinh”. Của T.T. Thích Nhật Từ, trong đó đưa ra một số chứng cứ có vẻ thuyết phục để công kích Đại Thừa. Thật vậy, làm sao chúng ta không khỏi hoang mang, nghi ngờ, khi T.T. Thích Nhật Từ một Tiến Sĩ Phật học, và là một trong những vị có chức sắc trong PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY khẳng định chắc nịch :

1/-“Việc tạo dựng Đại Thừa rất âm thầm, có lẽ lúc bấy giờ cũng có nhiều vị Cao Tăng chống đối một việc làm có tính cách đảo lộn giáo lý Phật cho nên chẳng có Kết Tập, chẳng biết ai là người chủ tọa, chứng minh cho sự ra đời của Đại Thừa”. “Đại Thừakhông nêu lên được một vị Thánh Tổ nào đã có công trong việc đưa ra Tông Phái Đại Thừa”.

2/- “KINH NGỤY TẠO, chỉ xuất hiện khoảng 500 năm sau ngày Phật nhập Niết Bàn, không rõ ngồn gốc, xuất xứ, với nhiều giả thuyết khác nhau, không phải do chính kim khẩu của Đức Phật thuyết”.

3/- Dùng những lời giảng trong Kinh A DI ĐÀ của TỊNH ĐỘ TÔNG, cho đó là của Đại Thừa.

4/- Nêu bài Kệ của Võ Tắc Thiên, nữ hoàng đế của Trung Quốc được đưa vô đầu Kinh Đại Thừa, làm Kệ khai Kinh để chê trách Đại Thừa.

5/- Nêu việc Trung Quốc chiếm hai đảo của Việt Nam để cho rằng “Trung Quốc bao giờ cũng có ý đồ xấu, nhưng nguy hiểm hơn cả là lèo lái đời sống tâm linh của Phật Tử đã xuất hiện từ hơn 2 ngàn năm trước bằng cách sáng tạo ra cái thứ giáo lý ma quái để người tin theo trở thành một thứ nô lệ tâm linh, rơi vào ma lộ mà không hay biết”.

Làm sao chúng ta không chạnh lòng khi thấy những vị Tổ ĐẠI THỪA mà mình hết sức tôn trọng, cả đời muốn noi gương, hóa ra lại là “những vị Tăng bị trục xuất ra khỏi Tăng Đoàn vì phạm Giới”. Kinh Đại Thừa mình học hỏi chỉ là những “NGỤY KINH, là cái thứ giáo lý ma quái nhằm mục đích để người tin theo trở thành nô lệ, rơi vào mà lộ mà không hay biết”!

Sự thật có đúng như vậy không ? Nếu đúng, thì chúng ta có nên tiếp tục theo học thứ Giáo Pháp mạo nhận, là “hàng giả mà tuyên truyền là hàng có chất lượng cao”? Nhưng nếu những cáo buộc đó không đúng thì dựa vào tài liệu nào ? chứng cứ nào để minh oan cho Đại Thừa?

Là người đã bỏ ra một thời gian khá dài để học hỏi, thực hành Giáo Lý của Đại Thừa, cũng như nghiên cứu lịch sử của Đạo Phật, tôi nhận thấy những điểm mà T.T. Thích Nhật Từ đưa ra để chỉ trích Đại Thừa hoàn toàn thiếu cơ sở. Không biết Chư Vị lãnh đạo tinh thần của ĐẠI THỪA chính thống có câu trả lời nào cho những cáo buộc đó hay không ? Riêng bản thân tôi, dù không phải là Tu Sĩ, không có trách nhiệm với Đại Thừa, nhưng cũng rất đau lòng thấy Đại Thừa bị quy chụp, bị tấn công những bằng chứng cứ thiếu xác thực, nhưng lại có nguy cơ làm cho nhiều người mất niềm tin, nên không thể đứng ngoài cuộc. Vì thế, xin được đưa ra quan điểm cá nhân để trả lời cho từng điểm mà Thượng Tọa Thích Nhật Từ đã nêu ra :

1/- “Việc tạo dựng Đại thừa rất âm thầm, có lẽ bị nhiều Cao Tăng chống đối một việc làm có tính cách đảo lộn Giáo Lý Phật cho nên chẳng có Kết Tập, chẳng biết ai là người chủ tọa, chứng minh cho sự ra đời của Đại Thừa. Đại Thừa không nêu lên được một vị Thánh Tổ nào đã có công trong việc đưa ra Tông Phái Đại Thừa”.

Xin được trả lời như sau :

Câu chuyện về nguyên nhân mà ĐẠI THỪA ra đời hơi dài, liên quan đến việc TRUYỀN Y BÁT của Đạo Phật.

Sử sách của Đạo Phật có ghi lại, sau bao nhiêu năm thuyết giảng, Đức Phật thấy mình đã già yếu nên muốn tìm người để giao lại trọng trách giữ gìn và phổ biến Chánh Pháp khi Ngài nhập diệt. Thế rồi, trong một lần giữa đại chúng, Thế Tôn cầm Cành Sen đưa lên. Đại chúng ngơ ngác không hiểu ý Phật muốn nói gì, chỉ có Ngài Ca Diếp mỉm cười. Qua nụ cười của Ngài Ca Diếp khi nhìn thấy Cành Sen, Phật biết Ngài đã nắm được yếu chỉ của Giáo Pháp của mình, nên trước đại chúng, Phật đã tuyên bố : “Ta có Chánh Pháp nhãn tạng, Niết Bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, nay ta phó chúc cho ngươi. Người phải ân cần mà lãnh thọ rồi sau sẽ truyền lại cho A Nan”. Việc TRUYỀN Y BÁT, là giao lại quyền cằm nắm Tăng Chúng và giữ gìn, phổ biến Giáo Pháp của Phật sau khi Ngài nhập diệt.

Nếu thật sự là người tu hành nghiêm túc thì lẽ ra Di Ngôn của Đấng Đạo Sư phải được tuân giữ một cách tuyệt đối. Nhưng mới đến đời Tổ Thứ 3, cách 100 năm sau khi Phật nhập diệt, thì Tăng Đoàn đã chia thành hai khối. Nguyên nhân chia rẻ được giải thích theo TIỂU THỪA là “do một nhóm Tỳ Kheo không giữ một số Giới mà Phật đã dạy, nên bị trục xuất khỏi Tăng Đoàn” ! Dù câu chuyện diễn ra cũng đã lâu, không thể xác minh, nhưng theo tôi, đó là một lời giải thích không hợp lý, bởi lúc đó Tổ Thứ Ba đang là thủ lĩnh của Tăng Đoàn, các Trưởng Lão chỉ là thành viên thì quyền gì trục xuất Thủ Lĩnh và những người ủng hộ Ngài ra khỏi Tăng Đoàn ? Hơn nữa, đã là người cằm nắm Tăng Đoàn thì đương nhiên là Giới, Hạnh phải nghiêm minh, lẽ nào lại vi phạm một số Giới vụn vặt để mang tiếng ? Và rồi theo tài liệu được T.T. Thích Hạnh Bình ghi lại, thì các Trưởng Lão đã lập hẳn ra một Tòa Án với một vài Trưởng Lão cũng của bên Trưởng Lão Bộ được cử ra làm đại diện cho phe bị kết án trong phiên Tòa ! Lập Tòa Án mà không mời được bị cáo, chứng tỏ Tòa không đủ thẩm quyền, uy tín. Rồi nội bộ tự mở phiên Tòa với nhau : Phe mình ngồi xử án. Đại diện cho bị cáo cũng là người của phe ta, thì lấy gì làm bằng chứng để nói rằng phiên Tòa đó trung thực nếu sự thật có Tỳ Kheo bên Đại Thừa phá Giới ?

Trong khi đó, theo lịch sử bên Đại Thừa thì thời điểm mà các Trưởng Lão tách ra trùng hợp với thời điểm mà Đức Thương Na Hòa Tu là Tổ Thứ Ba quyết định Truyền Y Bát lại cho Tổ Thứ Tư tên là Ưu Ba Cúc Đa - là một thanh niên mới 20 tuổi, mới Xuất Gia được có 3 năm - Lịch sử không nói rõ chi tiết, nhưng theo nhận định của tôi, qua cái tên TRƯỞNG LÃO BỘ thì tôi cho rằng hẳn các TRƯỞNG LÃO trong Tăng Đoàn không bằng lòng với quyết định của Tổ, vì nghĩ rằng mình tu lâu năm, lẽ ra phải được trao Y Bát, sao Tổ lại giao cho một thanh niên vừa trẻ, vừa mới vào tu, lại được giao cho cấm nắm Tăng Đoàn, trong đó có nhiều người đã nhiều năm tu hành, nên không chấp nhận tiếp tục ở trong Tăng Đoàn nữa, tách ra lập nhóm riêng. Do các Trưởng Lão không hiểu rằng việc Truyền Y Bát là một việc rất quan trọng, vì cằm nắm cả vận mệnh của Đạo Phật, không thể tùy tiện giao cho người nào đó chỉ vì ưu ái riêng tư, mà bắt buộc phải là người đã Chứng Đắc, đã Thấy Tánh. Việc Chứng Đắc hay Thấy Tánh không liên quan đến tu lâu hay mới tu, già hay trẻ, vì “mê nhất kiếp, ngộ nhất thời”. Điều này mà các vị Trưởng Lão còn chưa hiểu thì liệu có xứng đáng để được giao quyền cầm nắm Tăng Đoàn và phổ biến Đạo Pháp không?

Việc bất đồng trong nội bộ Tăng Đoàn là một biến cố lớn, chắc chắn làm kinh động mọi người, đâu thể diễn ra trong âm thầm, lặng lẽ được ! Vì thế, việc tạo dựng ĐẠI THỪA không phải âm thầm, lén lút, cũng không phải do bị nhiều Cao Tăng chống đối vì có tính cách đảo lộn Giáo Lý Phật, mà do sự phân chia trong nội bộ Tăng Đoàn. Các TRƯỞNG LÃO tách ra lập một nhóm để tu hành riêng, không chấp nhận tiếp tục dưới quyền điều hành của đương kimTổ. Họ lấy tên là TRƯỞNG LÃO BỘ, nên buộc lòng Tổ Thứ Tư phải lấy một tên mới cho nhóm còn lại do mình lãnh đạo là ĐẠI CHÚNG BỘ hay ĐẠI THỪA để phân biệt. Nhưng phải nói rằng công lớn nhất trong việc tạo dựng ĐẠI THỪA chính là do các VỊ TRƯỞNG LÃO. Vì nếu các Trưởng Lão không tách ra thì Tăng Đoàn vẫn là một khối duy nhất thì làm gì có ĐẠI CHÚNG BỘ ? THƯỢNG TỌA BỘ ? Tiểu Thừa hay Đại Thừa ?

Nhưng điều quan trọng là Đại Thừa vẫn là THỪA chính thức nối truyền Giáo pháp của ĐỨC THÍCH CA, vì các Tổ Đại Thừa vẫn tiếp tục giữ thứ tự từ Ngài Ca Diếp là Tổ thứ Nhất, cho đến Tổ Huệ Năng thứ 33 cuối cùng đều nằm trong hệ thống Truyền Thừa chính thức của Đức Thích Ca. Ngược lại, chính bên TIỂU THỪA đã chứng tỏ mình tách ra khỏi Tăng Đoàn, qua việc lập TRƯỞNG LÃO BỘ, sau đó chỉ nhìn nhận có hai Tổ là TỔ CA DIẾP và TỔ A NAN, không nhìn nhận Tổ Thứ Ba và tất cả những Tổ về sau. Con cháu của bên này không hề biết gì về việc Truyền Y Bát.

Sau khi các Trưởng Lão tách ra thì phía ĐẠI THỪA vẫn tiếp tục việc TRUYỀN Y BÁT ở Ấn Độ. Mãi cho đến đời TỔ thứ 28 là BỒ ĐỀ ĐẠT MA, thấy căn khí Đại Thừa bên Trung Quốc vượng, nên đã đi thuyền suốt 3 năm để đến Trung Quốc truyền tiếp cho 5 đời Tổ người Trung Quốc, là TỔ HUỆ KHẢ, Tổ TĂNG XÁN, Tổ ĐẠO TÍN, Tổ HOẰNG NHẪN, cuối cùng là Lục Tổ HUỆ NĂNG.

Các Tổ bên Trung Quốc, dù không phải là người Ấn Độ, nhưng là những người được chính thức tiếp nối truyền thống Truyền Y Bát từ Tổ thứ 28 của Ấn Độ là BỒ ĐỀ ĐẠT MA. Do đó, việc tuyên truyền, kêu gọi để chống đối các Tổ Trung Quốc chứng tỏ những người làm việc đó đã không nghiên cứu cho kỹ lịch sử của đạo Phật nên coi thường Di Ngôn của Đức Thích Ca. Bởi với người đời, việc trao lại Ấn Tín của Vua, là để người nhận được sẽ nối ngôi. Người dân cả nước phải tuân hành. Với Đạo Phật thì Y BÁT là hai vật dụng mà Đức Thích Ca đã dùng, nói lên người được trao có toàn quyền thay Phật để cằm nắm Tăng Đoàn và giữ gìn, phổ biến Đạo Pháp. Thấy Y Bát tức là thấy Phật. Lời của người giữ Y bát tức là lời của Phật. Người chống lệnh của Tổ đương nhiên cũng phải hiểu là chống Phật.

2/- “Kinh Đại THỪA chỉ xuất hiện khoảng 500 năm sau ngày Phật nhập Niết Bàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ với nhiều giả thuyết khác nhau, không biết do ai kết tập vào thời kỳ nào. Kinh thông thường phải có ít nhất 1.000 vị Thánh Tăng trong mỗi lần kết tập”.

a) Trước hết, xin nói về việc KẾT TẬP :

Thời Phật giảng pháp có nơi thì nói là chưa có chữ viết, chưa thể ghi ra thành văn bản để lưu lại. Nhưng có nơi nói là đã có chữ viết bằng chứng là đã có Kinh Vệ Đà. Nhưng có lẽ Phật muốn những Đệ Tử Phật phải nghe và tự ghi nhớ, nên không ghi lại thành văn bản. Theo sách sử ghi lại thì khoảng 3 tháng sau khi Phật Nhập Diệt, Ngài CA DIẾP sợ Tăng Chúng quên những gì Phật đã dạy, nên tụ họp Tăng Đoàn lại và kêu mọi người trình bày lại những gì đã nghe Phật thuyết, có sự chứng kiến của Ngài A Nan – người được xem là ghi nhớ lời dạy của Phật như nước trong bình đổ ra, không thiếu một giọt – xác nhận là chính Ngài cũng có nghe những lời đó. Phần GIỚI thì do Ngài ƯU BA LY, thời Phật tại thế được mệnh danh là ĐỆ NHẤT TRÌ GIỚI kể lại. Sau đó, Tăng Đoàn chia nhau thành từng nhóm. Mỗi nhóm chịu trách nhiệm học thuộc lòng một phần để truyền lại cho thế hệ kế tiếp, gọi là KHẨU TRUYỀN. Lúc đó cũng chưa ghi lại thành văn bản. Công cuộc gom lại những gì Phật đã thuyết từ những Đại Đệ Tử đã trực tiếp nghe gọi là KẾT TẬP. Đó là lần KẾT TẬP đầu tiên.

Lịch sử Đạo bên TIỂU THỪA có ghi thêm nhiều cuộc KẾT TẬP. Nhưng theo tôi, chỉ lần KẾT TẬP THỨ NHẤT đáng gọi là KẾT TẬP. Vì đó là những lời Phật được gom lại bởi chính những Đại Đệ Tử của Phật, những người đã chính tai nghe Phật thuyết. Những lần Kết Tập về sau chỉ là Tăng Đoàn họp nhau để ôn lại những gì đã học trong suốt thời gian qua mà thôi.

Chúng ta điểm sơ qua về những lần Kết Tập về sau.

Lần Kết tập thứ Hai cách xa thời Phật nhập diệt hàng trăm năm. Chư Tăng đã đến đời thứ mấy rồi, và việc Kết Tập chỉ là những vị Tăng tham dự cùng kể lại những gì đã học. Nhưng Tăng Đoàn bắt đầu chia rẻ vào thời kỳ Kết Tập Thứ Hai này. Từ sau đó hẳn là mỗi bên sẽ có Kết Tập riêng của mình.

Theo tài liệu Phía Tiểu Thừa, thì sở dĩ có lần KẾT TẬP thứ Ba vì lúc đó vào thời vua Asoka, Đạo Phật được xem là Quốc Giáo. Chư Tăng được nhiều ưu ái nên nhiều ngoại đạo cũng xuất gia, trà trộn trong hàng ngũ Tăng sĩ rất nhiều. Họ không giữ Giới Luật nghiêm chỉnh, thậm chí 7 năm cũng không họp nhau để làm lễ Bố Tát. Vua nghe chuyện nên cử một Đại thần đến nhắc nhở mà họ vẫn không tuân lệnh, nên vị đại thần đó tức giận ra lệnh sát hại rất nhiều Tăng Sĩ. Có một vị Thánh Tăng rất có uy tín đã đứng ra can ngăn nên vị Đại thần đó ngưng sát hại Tăng sĩ, quay về báo cáo với vua. Lúc đó vua mới phối hợp với Chư Tăng để làm một cuộc thanh lọc trong nội bộ Tăng Già. Theo lịch sử ghi lại thì thời điểm đó đã loại ra khỏi hàng ngũ Tăng chúng đến 60.000 tu sĩ giả hiệu !

Lần Kết tập thứ Tư là ở TÍCH LAN. Vào khoảng năm 236 vua Asoka đã cử con trai Ngài đã xuất gia tu hành là Đức Mahinda đến truyền giáo tại đất nước này. Được vua Tích Lan hết lòng ủng hộ nên không bao lâu, hoàng gia và thường dân đều quy y. Vua khuyến khích dân chúng xuất gia tu học, xây Chùa và cử người qua Ấn Độ để yêu cầu cử phái đoàn Ni chúng sang để đào tạo cho phụ nữ Tích Lan được xuất gia tu học. Phật Giáo lúc đó ở Tích Lan rất hùng mạnh, người Xuất Gia đông đảo nên Ngài Mahinda yêu cầu nhà vua cho tổ chức kết tập vào năm 313 (tức là năm 232 trước Công Nguyên), có 68.000 vị Thánh Tăng tham dự dưới sự chủ trì của Ngài Mahinda.

Lần Kết Tập Thứ Năm diễn ra tại Mandalay thủ đô của Miến Điện năm 1871 theo Tây lịch do Trưởng Lão Pong Yi Sumagalasumi chủ trì với 2.400 vị Tăng tham dự. Đặc biệt, sau kỳ kết tập này tất cà Tam Tạng được viết trên 729 phiến đá cẩm thạch. mỗi phiến cao hơn 1m5, rộng hơn 1m. Luật Tạng được viết trên 101 phiến đá.Kinh tăng được viết trên 520 phiến đá. Luận tạng được viết trên 108 phiến đá cẩm thạch. Phần chú giải của Tam Tạng thì được khắc trên 1.774 phiến đá khác. Tất cả được đem tôn thờ ở tháp Mahalocamarakhin và Candamuni. Đây được coi như công trình tiến bộ nhất của Phật Giáo Trưởng Lão Bộ.

Lần Kết tập thứ Sáu tổ chức tại Miến Điện, cách lần trước 83 năm. Bắt đầu từ ngày 17.5.1954 đến năm 1956 mới hoàn tất. Lần Kết Tập này có mời đại diện 8 quốc gia Phật Giáo Nam Truyền đến tham dự trong đó có Việt Nam do Giáo Hội tăng Già Nguyên Thủy tổ chức. Trưởng đoàn là Hòa Thượng Thích Bửu Chơn.

b) KINH ĐẠI THỪA có phải là Kinh ngụy tạo ?

Trước hết, xin trả lời ngay là không thể nói Kinh Đại Thừa là Kinh Ngụy Tạo. Lý do như sau :

1) - ĐẠI THỪA chỉ mới xuất hiện vào thời kỳ KẾT TẬP lần thứ Hai, sau khi Phật nhập diệt khoảng 100 năm. Kinh ĐẠI THỪA theo ghi nhận là mới xuất hiện sau Phật nhập diệt 500 năm. Đã có tên gọi là KINH ĐẠI THỪA, tức là Kinh do các Tổ ĐẠI THỪA viết, đâu có nói là Kinh do Đức Thích Ca viết, nên đâu thể bắt lỗi là Ngụy Kinh, vì Đại Thừa đâu cần làm giả Kinh của Phật Thích Ca ? Hai bên đã tách ra riêng. TIẾU THỪA cũng có quyền viết Kinh riêng cho mình, ĐẠI THỪA cũng có quyền viết Kinh riêng của mình. Đâu có vi phạm Luật nào của Đạo, vì đâu có luật nào cấm ? Đương nhiên những lời trong KINH ĐẠI THỪA là do Tổ ĐẠI THỪA giảng nên không phải những lời do chính kim khẩu của Đức Thích Ca thuyết đâu có gì phải ngạc nhiên.

c) TỔ có phải là PHẬT không ? :

Đức Phật Thích Ca đã Thọ Ký : “Ta là Phật đã thành. Tất cả Chúng Sinh là Phật sẽ thành”có nghĩa là Quả vị Phật không dành riêng cho Đức Thích Ca hay Chư Tổ, mà tất cả những ai cùng tu theo những công hạnh như Ngài đều cũng sẽ Thành Phật như Ngài. TỔ ĐẠI THỪA là người được Đức Thích Ca Ấn Chứng qua việc Truyền Y Bát càng chứng tỏ điều đó.

“Thành Phật”không phải là thành một vị Thần Linh có quyền phép, ngồi trên Tòa Sen để cứu độ người khác, mà chỉ là “thành tựu công việc Giải Thoát cho bản thân hết Khổ”.

Đọc quá trình tu hành của Đức Thích Ca, ta thấy công năng tu hành để “Thành Phật” của Ngài chỉ là 49 ngày đêm Thiền Định dưới cội Bồ Đề để gọi là “Đắc Đạo”. “Đắc” có nghĩa là gặp được. “Đạo” có nghĩa là CON ĐƯỜNG. Có nghĩa là Đức Thích Ca đã tìm được cách thức để không chế “Kẻ đã làm ra Ngôi Nhà Sinh tử”mà thôi. Điều này được chứng minh qua lời tuyên bố của Đức Thích Ca vừa ngay sau khi Xả Thiền, đứng dậy : “Ta lang thang trong vòng Luân Hồi qua bao nhiêu kiếp. Tìm mãi mà không gặp Kẻ Làm Nhà”. Hỡi Kẻ Làm Nhà, ta đã gặp được người rồi.Từ đây người không được Lam Nhà nữa. Bao nhiêu cột kèo của người đã gảy vụn cả rồi. Tui mè của người cũng đã tan nát cả rồi. Trí ta đã đạt đến Vô Thượng Niết Bàn. Ta đã hoàn toàn Giải Thoát” . Việc Đắc Đạo đó cũng mới là thấy được Con Đường Giải Thoát. Để hoàn thành công việc Giải Thoát thì phải Độ Sinh. Bao giờ Độ hết Chúng Sinh thì sẽ Thành Phật. Như vậy, đâu có gì quá khó khăn hay cao siêu ghê gớm để người sau không thể làm được ? Miễn là có người đi trước đã Chứng Đắc chỉ lại cách thức cho.

Chính vì không quá khó khăn, nên Đức Thích Ca đã Thọ Ký cho tất cả chúng sinh đều là Phật sẽ thành. Do vậy, không riêng gì Ngài và Chư vị Giác ngộ thời trước. Tất cả mọi người, mọi thời, đều có thể tu hành, thành Phật. Do đó, Đạo Phật gọi là có TAM THẾ PHẬT, tức là Phật Quá Khứ, Phật Hiện Tại, và Phật Vị Lai, không phải là PhẬt A Di Đà, Phật Thích Ca và Phật Di Lặc như nhiều nơi đã giải thích. Chúng ta nghĩ sao khi Phật Thích Ca đã nhập diệt mấy ngàn năm rồi mà gọi là PHẬT HIỆN ĐỜI ?

Đã thành Phật, thì “Phật trước Phật sau đều bình đẳng”. Do đó, Đức Phật Thích Ca thuyết Pháp được thì Chư Vị Giác Ngộ thời nào cũng có quyền thuyết Pháp, bởi tất cả cùng chung một Hạnh, cùng Nguyện Độ Sinh, cùng Chứng Đắc như nhau, thì cũng đồng là PHẬT như nhau . Giống như các Bác Sĩ, dù ra trường trước hay sau thì cùng được gọi là Bác Sĩ, cùng được đào tạo và có khả năng để trị bệnh như nhau.

KINH Đại THỪA đúng là không phải do chính Đức Phật Thích Ca thuyết, mà do các Vị Tổ về sau viết, hay giảng rồi các Đệ Tử chép lại. Nhưng trong đó, những lời giải thích về Đạo Pháp và tất cả những điều khuyên dạy, nhắc nhở trong đó, là lời của những người của những người đã Chứng Đắc, chính thức kế thừa Giáo Pháp của Đức Thích Ca qua việc Truyền Y Bát. Vì vậy, những lời giải thíchvề con đường tu hành, những gì cần hành trì và kết quả đều hoàn toàn giống như những gì Đức Thích Ca đã thuyết.

Nếu chúng ta phủ nhận việc Chứng Đắc, Thành Phật, cho rằng chỉ mỗi mình Đức Thích Ca là Phật. Tất cả mọi người vô lượng đời sau không ai có thể đạt đến trình độ như Ngài, tức là phủ nhận lời Thọ Ký “Tất cả Chúng Sinh là Phật sẽ thành” của Đức Thích Ca. Thật vậy. Đối với thế gian thì không khác nào chỉ công nhận mỗi Ông Tổ của ngành Y là Hippocrate là Bác Sĩ, cho rằng tất cả Bác Sĩ về sau đều là Bác Sĩ giả mạo, không được quyền trị bệnh hay viết sách nói về những phương án để ngừa bệnh, ra những phác đồ, toa thuốc để trị bệnh !

Người nêu ra nhận định là mọi người không bao giờ tu hành, thành Phật được, kẻ nào dám đòi Thành Phật là Tăng Thượng Mạn, rõ ràng chưa học kỹ lịch sử và Giáo Pháp của Đạo Phật, nên cũng không hiểu ý nghĩa của lời Thọ Ký của Phật về việc tu hành, Thành Phật, và giá trị của việc Truyền Y Bát của Đạo Phật, cũng như con đường tu hành và Chứng Đắc của Đạo Phật.

d) Đòi hỏi Kinh ĐẠI THỪA phải có cả ngàn Thánh Tăng chứng minh :

Người đã Chứng Đắc, đã Thành Phật thì trình độ, sự hiểu biết cũng ngang với người đi trước, đương nhiên có toàn quyền viết ra hay thuyết giảng để hướng dẫn cho người sau để họ cũng tu hành thành tựu. Kinh dạy : “Chỉ có Phật mới hiểu Phật”. Những bạn đồng tu nếu chưa Chứng Đắc hay những Đệ Tử làm sao hiểu nổi để mà chứng minh ? Cho nên, so sánh việc KẾT TẬP đầu tiên – là những lời Phật đã thuyết, được những Đệ tử đã từng nghe Phật giảng, gom chung lại với nhau thành những Bộ Kinh - và Kinh Đại Thừa của Chư Tổ Chứng Đắc giảng, để cho rằng nhất định phải có một số đông Thánh Tăng khác chứng minh, là một so sánh hết sức khập khiễng. Bởi nếu ai tu học cũng đều Chứng Đắc, cũng có quyền rao giảng Đạo Phật, thì Đức Thích Ca còn bày ra việc Truyền Y Bát để làm chi ? Nếu tất cả Đệ Tử học với Đức Thích Ca đều Chứng Đắc thì tại sao Phật chỉ Truyền Y bát cho Tổ Ca Diếp mà không tuyên bố Ấn Chứng cho tất cả Tăng Chúng ? Hơn nữa, ai bảo đảm tất cả những người tu đều là Thánh Tăng ? Kỳ kết tập THỨ BA đã loại 60.000 Tăng giả hiệu ra khỏi Tăng Đoàn đủ để chứng minh điều đó !

e) Mở đầu Kinh ĐẠI THỪA bằng cách mượn lời của Ngài A Nan “Tôi nghe như vầy…” có mang tội lừa dối người đọc không ?

Sở dĩ trong những Kinh Đại Thừa - dù được viết sau khi Phật nhập diệt hàng mấy trăm năm - nhưng vẫn dùng mở đầu bằng câu “Tôi nghe như vầy..” không phải là lợi dụng danh nghĩa Đức A Nan để đánh lừa người đọc, cũng không phải là “hàng giả mà mạo nhận là hàng thật”, vì người viết Kinh Đại Thừa là Tổ đã được Ấn Chứng, tức là người đã chứng đắc, là PHẬT HIỆN ĐỜI. Do đó, những gì Tổ thuyết cũng là lời của Phật. Vì vậy, mượn lời Ngài A Nan, theo tôi, đó cũng chỉ là phương tiện để cho người sau tin nhận để đọc mà tu hành để được lợi lạc. Quan trọng là nội dung trong Kinh có đúng Chánh Pháp. Có đưa người đọc, hiểu, hành để đi đến kết quả Giải Thoát như Đức Thích Ca mong mỏi hay không ? Còn dùng ngay chính lời Phật thuyết mà không hiểu, không áp dụng được thì có lợi ích gì ?

Nói về Phương Tiện thì chính Đức Thích Ca ngày xưa khi giảng pháp cũng phải dùng rất nhiều phương tiện. Tả Phật Quốc trang nghiêm. Hứa Tứ Quả Thánh cho người tu, để cuối cùng nói rằng đó chỉ là những “Hóa thành dụ”, để cho người lười mỏi nghỉ ngơi, sợ họ tu hoài mà không thấy có kết quả gì đâm ra nản chí. Tất cả cảnh giới Phật Quốc lộng lẫy, trang trí bằng 7 Món châu báu, chỉ là phương tiện để con người vì ham thích những thứ đó mà Xả bớt những thói quen tranh dành, ôm giữ vật chất của trần gian để rồi phải Khổ. Phẩm Anh Nhi Hạnh, Kinh Đại Bát Niết Bàn đã dùng thí dụ, là người cha thấy con khóc, nên đã dùng lá dương, mà dỗ con : “Nín đi, đừng khóc. Vàng đây, ta cho con”. Nhờ đó mà đứa con nín khóc. Nhưng đó là lá dương, chẳng phải là vàng thật. Như vậy, Đức Thích Ca và Chư Tổ thấy người đời đau khổ vì cuộc sống dập vùi, nên sử dụng nhiều phương tiện, cách thức, mục đích là để họ tin tưởng rồi hành theo mà được Thoát Khổ thì có lỗi gì ? Nếu bắt lỗi sử dụng phương tiện thì ngay cả Đức Thích Ca cũng đã sử dụng phương tiện rất nhiều. Tả Tây Phương Cực lạc, Đông Phương Tịnh Quốc, Phật, Bồ Tát bay lướt 10 phương để cứu độ Chúng Sinh v.v… cuối cùng tất cả những điều đó cũng chỉ là để diễn tả những tình trạng xao động hay an ổn trong Tâm của mỗi người mà thôi. Không phải là cảnh giới Phật thật sự ở Đông Phương, Tây Phương, bên ngoài hay ở trên trời cao xa xôi diệu vợi nào.

Do đó, chúng ta cần phân biệt Chính Kinh do những vị Tổ đã Chứng Đắc, được Truyền Y Bát viết, và những Kinh về sau do những người tu học bên Đại Thừa một thời gian, hiểu được chút gì đó, viết ra. Nếu Kinh nào không phải do Các Tổ đã Chứng Đắc viết thì thì không thể gọi là Chính Kinh, không thể xem đó là đường lối hay tiếng nói chính thức của Đại Thừa.

Thật vậy. Càng về sau, những người tu hành xuất thân từ Đại Thừa cũng rất đông. Lần hồi các vị tự chia ra thành nhiều Tông, nhiều Phái, trong đó có vị hiểu đúng, hiểu sai, hiểu nhiều, hiểu ít..đều có quyền viết Kinh rồi in ra, nhiều đến nỗi được gọi là Thiên Kinh vạn Quyển

Tuy nhiên, đọc những Bộ Kinh được gọi là Chính Kinh của ĐẠI THỪA được nhiều thời công nhận như Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Đại Bát Niết Bàn, Hoa Nghiêm, Thủ Lăng Nghiêm, Viên Giác, Sáu Cửa vào Động Thiếu Thất, Pháp Bảo Đàn Kinh. Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, Vị Tằng Hữu thuyết nhân duyên… tôi chưa hề thấy trong đó có chứa thứ Giáo Lý ma quái nào làm cho người tin theo trở thành một thứ nô lệ tâm linh, rơi vào ma lộ như T.T. Thích Nhật Từ nói. Vì rõ ràng không có Kinh Đại Thừa nào dạy Tụng Kinh, Niệm Phật, Thờ Phật, Thờ Chư Bồ Tát. Cũng không có dạy Cầu An, Cầu Siêu, Cất Chùa cho to, dựng Tượng cho lớn, mà dạy Giới, Định, Huệ, Nghiệp, Duyên, Nhân Quả, dạy con người Cải Ác, hành Thiện ! . Hầu hết đều hướng dẫn con đường tu hành rất là nghiêm túc, khai triển cho rõ thêm những lời Phật đã dạy mà do thời xưa ngôn ngữ chưa phong phú nên chưa thể diễn tả cho rõ ràng.

Đọc Kinh LĂNG NGHIÊM chúng ta thấy, Đức Phật phải 7 lần diễn tả cái Tâm thì Ngài A Nan mới hiểu ra. Thời của Tổ Đạt Ma, để tả cái Tâm mà Ngài còn nói : “Tâm, Tâm, Tâm, nan khả tầm. Tung ra bao trùm cả thế giới. Thu lại chưa đầy mũi kim”, huống là thời của Đức Thích Ca cách trước đó hàng ngàn năm ? Nhưng đến thời này, nói về Cái Tâm thì ai cũng có thể biết đó là phần tư tưởng của mỗi chúng ta. Dù lao xao, khởi, diệt, tốt, xấu, toan tính, thiện, ác đủ thứ, nhưng vô hình, vô ảnh không thể nhin thấy, nhưng mọi người ai cũng hiểu và chấp nhận được. Đó là do ngôn ngữ qua thời gian ngày càng phong phú nên dễ diễn tả. Thời của Phật cách đây hàng mấy ngàn năm, những gì Phật hiểu rất khó diễn tả, vì nói về phần VÔ TƯỚNG, không thể nhìn thấy. Đâu phải là Phật cao siêu thì đương nhiên nói ra mọi người đều hiểu ?

Trong Kinh ĐẠI THỪA chúng ta thấy : Ngoài quy trình tu hành là GIỚI-ĐỊNH- HUỆ, VĂN-TƯ-TU, BÁT CHÁNH ĐẠO. Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN còn nhấn mạnh về TƯ DUY : “Này Thiện Nam Tử ! Tất cả pháp lành đều do Tư Duy mà được. Vì có người dầu trải qua vô lượng vô biên vô số kiếp chuyên tâm thính pháp, nếu chẳng Tư Duy thời trọn không thể được Vô Thượng Bồ Đề”. Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân còn nhấn mạnh về GIỚI : “Nếu có 100 hay 1.000 vị A La Hán, thì từ vị A La Hán đầu tiên cho đến vị A La Hán cuối cùng đềy nhân Giới mà thanh tựu”. Chư Tổ còn sợ người sau cứ nhắm mắt hành theo những gì được viết qua văn tự mà không tìm hiểu ý nghĩa, nên đã dặn dò phải “Y Pháp bất Y Nhân. Y Trí bất Y thức. Y nghĩa bất y ngữ và Y Kinh liễu nghĩa bất Y Kinh vị liễu nghĩa”. Do đó, chúng ta thấy đa số người hành sai vì chưa hiểu đúng những gì chư Tổ muốn truyền đạt. Không chịu VĂN, TƯ rồi mới TU. Không biết rằng ngoài NGỮ còn có NGHĨA, cần phải tìm Nghĩa để Y. Cứ thấy Kinh viết có Phật, Bồ Tát… có thể “cứu độ Chúng Sinh” thì không cần biết Chúng Sinh là gì ? Việc cứu độ diễn ra ở đâu ? vội họa ảnh, tạc tượng để Thờ, để cầu xin phù hộ ! Thậm chí có người còn chưa đọc trọn hết các Phẩm của một quyển Kinh để đánh giá cho đúng về phương tiện mà Phật đã dùng cho từng giai đoạn giáo hóa chúng sinh. Thấy Kinh viết gì thì cứ “Y Kinh giải nghĩa” nên đã làm cho “Tam thế Phật oan”. Đại Thừa mang tiếng cũng do những “con trùng trong thân Sư Tử”, mang hình tướng Đệ Tử Phật, giảng pháp thao thao trong khi chưa nắm rõ đường lối tu hành ! Số này tôi tin là không ít trong những Tu Sĩ đang giảng pháp hiện nay.

Một thí dụ cụ thể là Kinh A Di Đà của Tịnh Độ Tông, cho Phật là Thần Linh, nên đã dạy mọi người“Niệm Phật để phát sinh công đức để được vãng sanh”, hoàn toàn không giống như đường lối tu hành của Đức Thích Ca dạy mà T. T. Thích Nhật đã trích ra để công kích ĐẠI THỬA ! T. T. Thích Nhật Từ cũng đã trách oan cho các Tổ Trung Quốc khi cho rằng : “Tịnh Độ đã được phát triển ở Ấn Độ, nhưng khi truyền qua Trung Quốc thì các Tổ Sư biến Tịnh Độ thành một Tông Phái”. Có lẽ T.T. Thích Nhật Từ không có đọc tài liệu hay Kinh sách bên Đại Thừa để thấy : Tông, Phái là do những Đệ Tử nhiều đời của Đại Thừa tu học một thời gian tự ý lập ra. Không phải do Tổ Sư đặt ra. Thời Đức Lục Tổ sinh tiền được ghi lại trong PHÁP BẢO ĐÀN KINH thì chưa có Tông, Phái nào xuất hiện. Ngay cả Ngũ Phái Thiền cũng do đệ tử đời thứ mấy của Lục Tổ tự lập ra sau khi Ngài nhập diệt hàng trăm năm. Như vậy trách Tổ Sư sao được ?

Cũng giống như các Vị Trưởng Lão, khi tách ra khỏi Tăng Đoàn, lập TRƯỞNG LÃO BỘ thì Tăng Đoàn đâu có còn chịu trách nhiệm về hành vi của các TRƯỞNG LÃO nữa. Những TÔNG, PHÁI của Đạo Phật cũng thế. Một khi họ đã muốn tách ra khỏi Tăng Đoàn, rời khỏi Giáo Hội để lập riêng Giáo Phái hay Tông nào đó của riêng họ thì từ đó Tăng Đoàn hay Giáo Hội đâu có chịu trách nhiệm cho hành động hay tuyên bố nào của họ ? TỊNH ĐỘ TÔNG theo Thư Viện Hoa Sen thì do Ngài Huệ Viễn (333-416) sáng lập. Ngài là Đệ Tử của Ngài Đạo An. Không thấy nói Ngài Đạo An tu học với ai ? Không thấy kể về những bậc Thầy đã đào tạo. có thể do một vị nào đó trong Đại Thừa, sau khi Tổ nhập diệt nhiều năm, nên không dính líu gì đến 5 Vị Tổ Trung Quốc do Tổ Đạt Ma Truyền Y Bát. Như vậy, gán ghép cho Kinh A Di Đà của Tịnh Độ Tông là Kinh của ĐẠI THỪA để chỉ trích Đại Thừa thì quả là hết sức phi lý.

Trường hợp bà Võ Tắc Thiên cũng thế. Dù bà là Vua, nhưng cũng chỉ là một Phật Tử bình thường. Không có trách nhiệm giảng nói hay phổ biến đường lối của Đại Thừa. Ai cũng biết Kinh sách thì thường in đi in lại nhiều lần do Phật Tử phát tâm ấn tống. Trường hợp có người đã lấy Kệ của bà VÕ TẮC THIÊN in trước những quyển Kinh Đại Thừa, làm Kệ khai Kinh, có thể là do một cá nhân hay Tu Sĩ nào đó đã nhận tài trợ của Vua để ấn tống Kinh nên phải in Kệ của bà vô theo sự mong muốn của bà. Đó cũng là những hành vi của cá nhân hay của Tu Sĩ đó, nhưng chắc chắn không phải là ý của Tổ, bởi vì người tu hành chân chính không dựa vào quyền lực để cầu Danh, cầu Lợi. Nếu vì Danh, vì Lợi mà đi tu thì không xứng là Tu Sĩ chân chính. Hơn nữa, các Tổ thời xưa chỉ “Một Y, một nạp”, “ăn ít, biết đủ” không có lên xe xuống ngựa, không có nhiều nhu cầu như các Tu Sĩ thời nay, do đó không cần nhiều tài trợ để phải nịnh hót, dựa dẫm vua quan !

Đọc trong PHÁP BẢO ĐÀN KINH Phẩm Hộ Pháp ta thấy viết : Khi Bà Võ tắc Thiên và Trung Tôn Hoàng Đế xuống chiếu “Thỉnh Huệ An và Thần Tú vào cung để cúng dường và nhân lúc rảnh về việc quốc chánh chúng ta mỗi người sẽ khảo về việc Nhất Thừa”. Nhưng hai Sư đều từ chối và dâng sớ báo với Vua nên thỉnh Huệ Năng Thiền Sư vì “Thiền Sư được mật thọ Y Pháp của Hằng nhẫn Đại Sư. Đó là người được truyền Tâm Ấn của Phật, xin thỉnh Sư mà hỏi đạo”. Vua sai Tiết Giản dem chiếu đi rước thì Tổ Huệ Năng cáo bệnh, không đi, chỉ trả lời những thắc mắc của Tiết Giản để ông về trình lại với Vua.

Qua đó, ta thấy cả hai Sư Thần Tú, Huệ An và Tổ Huệ Năng đã từ chối vào triều giảng pháp cho vua, vì “Không cầm nắm tàng lọng vua quan”. Mặt khác, Bà Võ Tắc Thiên cũng chưa trực tiếp học Pháp với Tổ Sư, không được Tổ Ấn Chứng, cũng không có nhiệm vụ giảng Pháp, thì đâu thể dùng Kệ của Bà làm cho đó là đại diện của Đại Thừa ?

Sư Huệ Viễn tự lập ra TỊNH ĐỘ TÔNG và viết Kinh A Di Đà, là việc làm của cá nhân Sư Huệ Viễn, không liên quan đến Giáo Pháp của Đại Thừa. Nhưng gán cho đó của của Đại Thừa, rồi quy tội là “Đại Thừa sáng tạo ra cái thứ giáo lý ma quái, dắt người vào mê lộ” thì quả là trách oan cho ĐẠI THỪA.

Trong khi Kinh ĐẠI THỪA không hề dạy phân biệt đối xử. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa viết rõ : Vì thương những đứa con bị kẹt ở trong Nhà Lửa, nên người cha hứa cho chúng những đồ chơi mà chúng vẫn thích là XE DÊ, XE TRÂU và XE NAI. Nhờ ham thích những món đồ chơi nên chúng tranh nhau mà chạy ra. Kinh giải thích rõ : Những Cái Xe là Các Thừa. Thinh Văn, Bồ Tát hay Duyên Giác mà các con dù thích xe nào mà chạy ra cũng đều được Thoát chết trong Nhà Lửa như nhau. Trong khi đó, những người theo PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY luôn tìm cách bài bác, công kích Đại Thừa, thậm chí H.T. Từ Thông còn cho rằng ĐẠI THỪA Trung Quốc gieo rắc hạt giống mê tín để dưa ra kết luận : “Trong đây nhiều lắm là 20% lời của Phật, còn 80% chỉ toàn rác rưởi”!. Tôi tin chắc là chưa vị nào bỏ thì giờ để đọc hết một quyển Chính Kinh của Đại Thừa để hiểu Chư Tổ nói gì trong đó nên mới đưa ra kết luận như thế.

Kết luận : Do các vị BÊN Phật Giáo Nguyên Thủy không biết gì về việc TRUYỀN Y BÁT, nên cũng không hiểu việc đó cũng giống như việc lãnh bằng cấp, tốt nghiệp của Trường đời. Người được Truyền Y Bát là người đã tốt nghiệp trong Đạo, được phép dạy lại cho người khác. Sở dĩ Đức Thích Ca phải Truyền Y Bát, vì không phải bất cứ ai tu hành đều được quyền giảng Đạo. Chỉ người được Ấn Chứng , được TRUYỀN Y BÁT mới được giao nhiệm vụ giữ gìn và phổ biến Giáo Pháp của Đạo Phật. Vì vậy, Kinh ĐẠI THỪA do những Tổ được Truyền Y bát viết hay giảng, dù không được thốt ra từ kim khẩu của Đức Thích Ca, nhưng không khác với lời của Ngài, vì Đức Thích Ca là Phật Quá khứ, còn các vị Tổ là PHẬT hiện đời thời đó, nên dù cách thức diễn tả có thể khác nhau, nhưng nội dung chỉ là một, cùng hướng người tu học đến kết quả Giải Thoát.

Theo tôi, bên PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY hoàn toàn có quyền phủ nhận việc Truyền Y Bát. Không công nhận tất cả những Tổ về sau. Nhưng muốn công kích Đại Thừa thì không nên xét việc làm của cá nhân, những Kinh, sách, luận.. do những người tu học với Đại Thừa viết ra. Những hành vi xấu xa của quốc gia nơi có Đại Thừa xuất hiện thì Chư Tổ cũng không dính líu tới, vì người tu không tham gia việc quốc sự. Ngay những Kinh, sách của các Tông, Phái, dù xuất phát từ nguồn gốc Đại Thừa, nhưng Đại Thừa cũng không chịu trách nhiệm những gì họ phổ biến, vì đó không phải đại diện cho tiếng nói chính thức của Đại Thừa. Chỉ có những Chính Kinh do các Tổ được Truyền Y Bát viết mới là tiếng nói đại diện chính thức cho ĐẠI THỪA. Vì vậy, muốn chỉ trích ĐẠI THỪA thì các vị cần đọc những Bộ CHÍNH KINH do các Tổ chính thức được TRUYỀN Y BÁT viết hay giảng, rồi phê phán những gì sai sót trong đó, như vậy người đọc mới tâm phục, khẩu phục, vì chỉ trích đúng đối tượng cần chỉ trích, bởi những vì những gì được viết trong Chính Kinh mới thật sự là đại diện cho đường lối, cách thức tu hành của ĐẠI THỪA.

Cảnh báo cho bá tánh để không bị mê muội rồi bị dẫn dắt bởi những kẻ hướng dẫn sai lạc, trở thành mê tín, cuồng tín, là điều cần làm của người có trách nhiệm với Đạo Phật. Tuy nhiên, nếu không thận trọng, không nghiên cứu cho kỹ lịch sử hình thành và phát triển Đạo Phật một cách công tâm, cứ căn cứ vào lời người đi trước, không cần kiểm chứng để chỉ trích, phỉ báng Chư Tổ, xúc phạm cả danh dự, uy tín của ĐẠI THỪA - là những người được Truyền Thừa chính thức từ Đấng Đạo Sư - thì coi chừng trở thành có lỗi với Đức Thế Tôn, vì Chư Tổ là những bậc tu hành chân chính, Giới, Hạnh không khiếm khuyết, đã được Phật giao cho giữ gìn và phổ biến Giáo Pháp của Ngài, để những lời Phật dạy còn lưu truyền đến nay. Qua tìm hiểu Giáo Pháp của PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY, tôi thấy trong đó hướng dẫn không khác với bên ĐẠI THỪA : Cùng nhìn Đức Thích Ca là Đạo Sư. Cùng tin rằng Ngài không phải là Thần Linh, chỉ là một người bình thường, nhờ đoạn trừ lậu hoặc mà được Giải Thoát. Cùng chấp nhận các pháp Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Lý duyên khởi, Vô Thường, Khổ, Không, Vô Ngã, Giới Định Tuệ, Nghiệp Quả. .. Chỉ cần hành đúng theo bao nhiêu đó đủ để là bậc Thánh Nhân giữa đời, kiếp sống được an lành, hạnh phúc, như mục đích Đức Thích Ca đã đặt ra mà bên Đại Thừa gọi là đạt được Hữu Dư Y Niết Bàn. Những người đọc Kinh rồi cứ Y Ngữ, không chịu tư duy tìm Nghĩa để Y, nên hành trì mà không đạt kết quả, thì đó là lỗi tại họ, không phải tại Kinh dạy sai.

Để kết thúc, xin trích Đại Giáo Pháp trong TRƯỜNG BỘ KINH để thấy lời Phật dặn dò các Tỳ Kheo cần thận trọng khi tán thán hay hủy báng những gì được nghe :“Này các Tỳ Kheo. Có thể có vị Tỳ Kheo nói : Tại trú xứ kia, có nhiều vị Tỳ Kheo Thượng Tọa ở. Những vị này là bậc đa văn, gìn giữ truyền thống, trì pháp, trì luật, trì pháp yếu. Tôi tự thân nghe từ miệng những vị Thượng tọa ấy, tự thân lãnh thọ, như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là là lời dạy của vị Đại Sư”. Này các Tỳ Kheo. Các ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của vị Tỳ Kheo ấy. Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật. Khi đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật và nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương ưng với Luật, thời các ngươi có thể kết luận : “Chắc chắn những lời này không phải là lời của Đức Thế Tôn và vị Tỳ Kheo ấy đã thọ giáo sai lầm” Và này các Tỳ kheo, các người hãy từ bỏ chúng. Khi đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật, và nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các ngươi có thể kết luận : “Chắc chắn những lời ấy phải là lời dạy của Đức Thế Tôn và vị Tỳ Kheo ấy đã lãnh giáo chơn chánh. Này các Tỳ Kheo, như vậy là Đại giáo Pháp Thứ ba, các ngươi hãy thọ trì”.

Tâm Nguyện

(Tháng 2/2020)

Phụ bản I

CUỘC SỐNG AN NHIÊN TỰ TẠI

Hãy sống an nhiên giữa mùa cúm COVID-19 nhé!

Suy ngẫm về kiếp người

Cuộc sống vội vã, kiếp người bé nhỏ, ngoảnh đầu lại đã hơn nửa đời người. Thời gian trôi nhanh như bóng cây lướt ngoài cửa sổ. Hôm qua còn vui vầy cùng bè bạn mà hôm nay đã đôi ngả lìa tan. Người cũ lâu không gặp, chuyện cũ lâu không bàn. Chớp mắt một cái, nhìn quanh mình chẳng còn lại mấy ai. Thời gian không đợi một ai, một sớm soi gương thấy tóc Ta điểm bạc, hồng trần có khác nào cõi mộng vậy thôi

Đôi khi buồn phiền, hãy nghĩ cuộc sống là phép trừ, gặp một lần bớt một lần, còn có gì phải khổ não đây. Không quên ơn người giúp mình, không trách móc người xử tệ với mình, không giữ mãi trong lòng hận thù người khác, tự khắc Ta sẽ thấy cuộc đời sao mà an nhiên, bình lặng đến vậy!

Khi gặp phải chuyện đau buồn, không như ý, hãy nghĩ rằng cuộc sống chính là một lần phải vượt qua. Kiếp người khi đến tay không, ra đi cũng tay không, không mang đến hạt cát mà cũng không mang đi một áng mây nào.

Khi Ta bất mãn, hãy nghĩ đến những người nghèo khổ, kém may mắn hơn Ta, biết đủ mới là hạnh phúc. So với người bệnh, hạnh phúc của Ta là sống khỏe mạnh. So với người đã khuất, hạnh phúc của Ta là còn sống. Người ta muốn sống tốt thì tâm phải giản đơn, phải bớt tranh giành một chút.

Khi Ta cảm thấy không vui, hãy tự hỏi rằng mình còn lại bao nhiêu ngày để có thể dằn vặt. Nghĩ kỹ rồi, Ta sẽ không buồn nữa. Khi Ta tức giận hãy nghĩ rằng liệu có cần phải khổ tâm vì một người không đáng, tại sao Ta lại để người đó làm chủ trong tâm hồn mình. Ta hãy quên đi cứ ăn ngon, ngủ ngon, chăm sóc tốt, biết cách tiêu tiền là được rồi.

Khi Ta muốn so đo tính toán, hãy nhớ lại rằng con người đến thế gian này là tay không, hà cớ gì phải tính toán thiệt hơn, tại sao không chịu nhường một bước ? Nói nhiều sẽ làm tổn thương người khác, so đo nhiều lại tổn hại tinh thần, vừa hại người lại hại mình, kết quả là hao tâm tổn sức. Một đời người thực ra chỉ cần không làm chuyện phải hổ thẹn với lương tâm, tự tại an nhàn đã là quý lắm rồi !

Hãy sống sao cho thật vui vẻ. Có cơm để ăn, có quần áo để mặc, có núi để leo, có biển để ngắm, có internet để vào, có xe để đi, có việc để làm, có thêm người bạn đời cùng chung suy nghĩ nữa là … tuyệt vời !

Sống an nhiên vui vẻ mới là tốt nhất, chẳng việc gì phải để ý đến tiền ít tiền nhiều Sau này già rồi, chết đi ai còn để ý Ta là ăn mày hay là người giàu có? Ai cũng có phiền muộn, hàng ngày đều có buồn phiền, quan trọng nhất là Ta không để ý đến nó, sống vui vẻ thì buồn phiền sẽ tự nhiên tan mất. Phiền não ngày ngày đều có nhưng nếu không tự tay nhặt lên thì người ta đâu phải u sầu nhiều đến vậy?

Tài sản quý giá nhất là sức khỏe

Khi sinh mệnh của con người chấm dứt, đến lúc sự sống không thể cứu vãn được nữa thì tiền tài là gì, danh vọng là chi, thảy đều vô nghĩa.

Truy cầu giàu có khiến người tham lam, biến thành ác quỷ. Trong mắt người sắp từ giã cõi đời, những gì gọi là danh phận, địa vị, tiền bạc đều chỉ là vô giá mà thôi.

Sức khỏe là số một, không có sức khỏe thì danh tiếng, địa vị, sỉ diện, xa hoa, xe sang, nhà cao cửa rộng… thảy đều là mây bay, gió cuốn, mong manh, hư ảo cả.

Hãy luôn nhớ rằng : chiếc điện thoại thông minh cao cấp, 70% chức năng là không hề dùng tới. Một chiếc xe sang, 70% tốc độ là thừa. Một ngôi biệt thự nguy nga, 70% diện tích là bỏ trống. Hàng loạt chuyện đời, 70% là vô vị, hư không. Một đời nỗ lực kiếm tiền, 70% là để lại cho người khác tiêu. Hãy sống thật đơn giản, tận hưởng cuộc đời, giữ lấy 30% những gì vốn thuộc về mình mới mong thực sự có được hạnh phúc.

Đời người lại như một hiệp đấu. Nửa trước là học hành, quyền lực, chức tước, thành tích, tăng lương, tăng chức. Còn nửa sau là huyết áp, mỡ máu, tiểu đường, ung thư, cô đơn, sầu não. Nửa hiệp đầu là phấn đấu hết mình, nửa hiệp sau là chấp nhận, buông xuôi. Cớ sao kiếp người mỏi mệt lắm vậy?

Hãy nhớ không có bệnh cũng phải giữ gìn sức khỏe, không khát cũng phải uống nước, có phiền muộn cũng phải nghĩ cho thông, có lý cũng phải nhường người, có quyền cũng phải thấp giọng, không mệt cũng phải nghỉ ngơi, không giàu cũng phải biết đủ, bận mấy cũng phải luyện tập.

Bởi vì, một cái áo giá $1,000, một vé First class $7,000 một chiếc xe $50,000 tờ chi phiếu nhỏ có thể chứng minh. Một căn nhà giá vài triệu, hợp đồng mua bán có thể chứng minh. Nhưng một con người rốt cuộc trị giá bao nhiêu tiền, chỉ sức khỏe mới có thể chứng minh.

Hãy nhớ, sức khỏe chính là “giá trị” nhất ! Vì vậy cũng đừng bao giờ mang máy ra tính rằng Ta đã tiêu bao nhiêu tiền cho sức khỏe. Trên đời này Ta nhất định có một món tiền phải tiêu, hoặc là để chăm sóc trước, hoặc là để chữa trị bệnh tình về sau. Lựa chọn món nào là quyền của Ta. Có sức khỏe gọi là tài sản, không có sức khỏe thì chỉ còn là di sản mà thôi.

Chiếc giường đắt nhất trên thế giới chính là giường bệnh. Trên thế giới này có thể có người lái xe thay Ta, kiếm tiền thay Ta… nhưng không có ai mắc bệnh thay Ta được. Đồ mất rồi đều có thể tìm thấy lại nhưng có một thứ mất đi là vĩnh viễn không còn tìm thấy, đó chính là sinh mệnh.

Ở đời, sống an nhiên là khởi điểm của hạnh phúc

--------------------

Người tính đâu bằng trời tính, nếu cầu mà được thì há chăng tất cả thế gian này đều đã vừa ý, không còn gì phải mơ tưởng. Mọi sự đều đã có an bài, là nhân quả mà ta gặt được, gieo nhân nào gặt quả ấy.

Vô cầu sở đắc – không cầu mà được, đạo lý cuộc sống này của nhà Phật cũng như vạn sự tùy duyên. Ở đời, nếu hiểu được thì sẽ thanh tâm, nhàn thân, không hiểu được thì như thuyền lênh đênh không bờ bến.

Phật giáo nhấn mạnh vào chữ duyên trong cuộc đời. Vạn sự trên đời đều từ duyên mà ra, gặp ai, không gặp ai, yêu ai không yêu ai, thành hay bại, làm việc này hay không làm việc kia, đều là duyên. Có duyên thì không cầu cũng gặp, vô duyên thì cầu cũng không được.

Vì thế, đạo lý cuộc sống chính là vô cầu sở đắc, không cần cầu mọi sự tự đến, không nên cầu vì muốn cũng không tới. Không cầu tức là không có dục vọng, không có dục vọng thì không tham lam, không sân hận, không u mê, không màng tới hồi đáp.

Vì không cầu nên không quan tâm được mất, không cầu nên chẳng kể có không, an nhàn mà trải qua ngày tháng. Con người vốn khổ vì cầu những thứ mình chưa có, nên không cầu thì không khổ. Con người vốn mệt vì đấu tranh giành lấy đáng ra không thuộc về mình nên không tranh đoạt thì không tổn thương.

Sống an nhiên chính là một loại tu dưỡng, là khởi điểm của hạnh phúc. Biết đủ và không tham, biết đủ và không cầu. Không cầu tự khắc sẽ đến vì đó là thứ ta xứng đáng được nhận. Không cầu thì thứ không đến cũng không làm ta tổn thương, thất vọng vì nó vốn dĩ không thuộc về ta.

Tiền tài cũng vậy, danh vọng cũng vậy, tình cảm cũng thế, đều không thể cưỡng cầu, chỉ có thể cố gắng. Con người khi không cầu sẽ không bị mê hoặc, tự giác thanh tỉnh, biết vị trí của mình trong đời. Càng chấp nhất càng lo lắng, càng buông bỏ càng thanh nhàn.

Tâm thoải mái thì đời mới thanh thản. Không cầu nên tâm an, chí vững, theo con đường mình đã lựa chọn, gắng sức hết lòng, tận hưởng niềm vui trong từng hơi thở. Dẫu đi đường nào cũng tháy mình đã đúng.

Người tính đâu bằng trời tính, nếu cầu mà được thì há chăng tất cả thế gian này đều đã vừa ý, không còn gì phải mơ tưởng. Vạn sự tùy duyên, thuận theo duyên số, có những điều không thể làm trái, càng không nên làm trái. Vì mọi sự đều đã có an bài, đều là nhân quả mà ta gặt được, gieo nhân nào gặt quả ấy, vô cầu sở đắc.

TỪ KẾT

Bình tĩnh làm chủ thông tin, bình tĩnh khi chia sẻ bài viết, bình tĩnh tìm hiểu các phương thuốc chữa bệnh trên mạng xã hội là những cách giúp vượt qua mùa dịch an toàn.

- Trong cơn hoạn nạn mới nhận ra lòng người và giá trị của tình người. Quả vậy, đâu đó trên đường phố của Việt Nam trong những ngày này xuất hiện những hình ảnh làm ấm lòng người từ những con người tốt bụng. Họ tự bỏ tiền túi để mua và phát miễn phí khẩu trang cho dân nghèo, vì ghét cái kiểu kinh doanh hám tiền đến độ trục lợi trên cơn khốn quẫn của đồng loại. Những chiếc khẩu trang bỗng trở nên đẹp lạ thường khi được phát đi từ những bàn tay yêu thương và những tấm lòng nhân ái. Rồi xuất hiện rất nhiều tin nhắn dạy nhau cách giữ gìn sức khoẻ, những bài viết giúp nhau cập nhật thông tin về tình hình biến chuyển của bệnh dịch, những video clips dạy nhau cách tự làm khẩu trang để bảo vệ mình… Sự liên đới và ý thức về căn tính cộng đồng mới chính là nét đẹp và sức mạnh của một dân tộc. Nét đẹp và sức mạnh ấy đã được phát huy từ sự thiện hảo của lòng người trong thời khắc khó khăn này.

Thêm một lời kinh nguyện

Hơn một tháng đã trôi qua kể từ thời điểm tin tức về bệnh dịch Corona được loan đi từ thành phố Vũ Hán vào ngày 31.12.2019. Cả thế giới vẫn còn bàng hoàng như đang bước đi trong một cơn mê. Đại dịch ập đến theo cách nào đó rất mơ hồ. Mọi người không chỉ không ngờ trước, không trở tay phòng vệ kịp thời, mà quan trọng hơn là không thật sự biết được nguyên nhân của bệnh dịch đến từ đâu. Cứ phải vòng vo đồn đoán. Trong chớp mắt, dịch bệnh đã lây lan khắp nơi và đã không còn là chuyện riêng của người dân Vũ Hán. Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) đã phải thông báo tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Virus bệnh dịch thì vô hình, nhưng nỗi hoang mang lo sợ thì đã hữu hình trong ánh mắt và trên gương mặt con người. Những xáo trộn đã hiển hiện trong nhịp sinh hoạt và đời sống xã hội của rất nhiều thành phố và quốc gia.

Cầu cho nhiều người được kéo ra khỏi những cơn mắc dịch của lương tâm và của nhân cách làm người.

Cầu cho những người có trách nhiệm thật sự có trách nhiệm. Cầu cho họ biết đặt lợi ích của cộng đồng lên trên những quyền lợi của riêng mình. Cầu cho cái tâm của những nhà lãnh đạo thật sự đặt ở người dân. Cầu cho họ đủ khôn ngoan và can đảm, dám “đứng thẳng và ngẩng đầu” để bước đi theo thôi thúc của lương tâm mình, để làm tất cả những gì có thể vì dân vì nước.

Hoàng đế La Mã cổ đại Marcus Aurelius nói : “Cái Chết cười với tất cả chúng ta. Tất cả những gì một người có thể làm là Cười lại với Nó”.

Hãy sống an nhiên giữa mùa dịch COVID-19 nhé!

PHẠM VŨ

(Tham khảo: Sách báo – Internet)


NHỮNG VIỆC SẼ ĐẾN TRONG TƯƠNG LAI GẦN

Năm 1998, Kodak đã có 170,000 nhân viên, và đã bán 85% giấy ảnh trên toàn thế giới. Chỉ trong vòng vài năm thôi, mô hình kinh doanh của họ biến mất và họ đã bị phá sản.

Những gì đã xẩy ra với Kodak sẽ xẩy ra trong rất nhiều ngành công nghiệp trong 10 năm tới - và đa số chúng ta đã không nhìn thấy nó đi tới. Vào năm 1998, có bao giờ bạn nghĩ rằng 3 năm sau đó bạn sẽ không bao giờ chụp hình trên phim giấy nữa không?

Bạn có biết Máy ảnh kỹ thuật số đã được phát minh vào năm 1975.Những cái đầu tiên chỉ có 10,000 pixels, nhưng theo định luật Moore, tất cả các công nghệ theo cấp số nhân, đều phải trải qua các sự thất vọng trong một thời gian dài, trước khi nó được công nhận là cao siêu và nhập trào lưu.

Điều này sẽ xẩy ra với trí tuệ nhân tạo, y tế, xe tự trị và điện, giáo dục, in ấn 3D, nông nghiệp và công việc làm.

Chào mừng bạn đến cách mạng công nghiệp thứ 4.

Chào mừng bạn đến Kỷ Niên Cấp Số Nhân

1/ Phần Mềm

Sẽ làm xáo trộn hầu hết các ngành công nghiệp truyền thống trong 5-10 năm tới.

Uber chỉ là một công cụ phần mềm, họ không sở hữu bất kỳ chiếc xe nào mà bây giờ họ là công ty taxi lớn nhất trên thế giới. Airbnb bây giờ là công ty khách sạn lớn nhất thế giới, mặc dù họ không sở hữu bất kỳ tài sản nào.

2/ Trí Tuệ Nhân Tạo:

Máy vi tính trở thành cấp số nhân tốt hơn trong việc tìm hiểu thế giới cuả chúng ta.

Năm nay,một máy vi tính đả đánh bại các cầu Cờ Chốt giỏi nhất trên thế giới, 10 năm sớm hơn so với dự tính. Tại Mỹ, các luật sư trẻ tuổi đã tìm được việc làm. Do IBM Watson, bạn có thể nhận pháp lý tư vấn (những vấn đề cơ bản) trong vòng vài giây, với độ chính xác 90% so với 70% độ chính xác khi thực hiện bởi con người.
Vì vậy, nếu đang học về luật, bạn nên ngừng ngay. Sẽ mất 90% luật sư trong tương lai, chỉ sẽ còn lại các chuyên gia mà thôi.

Watson đã giúp y tá chẩn đoán ung thư, 4 lần chính xác hơn y tá của con người. Facebook hiện nay có một phần mềm nhận dạng ra khuôn mặt con người chính xác hơn người.

Trong năm 2030, máy vi tính sẽ trở nên thông minh hơn con người.

3/ Xe Tự Trị:

Trong năm 2018 những chiếc xe tự lái xe đầu tiên sẽ xuất hiện cho công chúng. Ở Cali, chúng đã chạy lòng vòng rồi. Khoảng năm 2020, kỹ nghệ xe hơi sẽ bị lung lay.Bạn không muốn sở hữu một chiếc xe nữa. Bạn chỉ cần gọi một chiếc xe với điện thoại của bạn, nó sẽ tới trước nhà bạn và đưa bạn tới nơi bạn muốn.Bạn sẽ không phải lái xe tìm chỗ đậu, bạn chỉ trả tiền cho khoảng cách bạn đã đi và có thể dùng thời gian khi xe tự lái một cách hữu ích hơn.

Con Cháu chúng ta sẽ không còn cần bằng lái xe nữa và sẽ không bao giờ sở hữu một chiếc xe hơi. Việc này sẽ thay đổi thành phố, vì với 90-95% xe ít hơn, chúng ta
có thể biến không gian đậu xe thành công viên.

Hiện nay, 1.2 triệu người chết mỗi năm vì tai nạn xe hơi trên toàn thế giới tương đương với 1 tai nạn cho 100,000km.Với lái xe tự trị, con số này sẽ giảm xuống bằng một tai nạn cho 10 triệu km. Điều này sẽ tiết kiệm được một triệu mạng sống mỗi năm.

Hầu hết các kỹ nghệ xe hơi có thể bị phá sản. Những công ty xe hơi truyền thống sẻ ráng tiến hóa để sản xuất một chiếc xe tốt hơn, trong khi các công ty kỹ nghệ xe hơi cao (Tesla, Apple, Google) sẽ làm cách mạng và tạo dựng một máy vi tính trên 4 bánh xe.

Tôi đã nói chuyện với rất nhiều kỹ sư từ Volkswagen và Audi; họ hoàn toàn khiếp đảm với sáng kiến của Tesla.

Các công ty bảo hiểm sẽ có rắc rối lớn bởi vì không có tai nạn, bảo hiểm sẽ rẻ hơn 100 lần. Mô hình kinh doanh bảo hiểm xe hơi sẽ biến mất. Bất động sản cũng sẽ thay đổi. Bởi vì nếu bạn có thể làm việc trong khi bạn di chuyển tới sở, mọi người sẽ di chuyển xa hơn để sống trong những khu phố đẹp hơn.

Năm 2020, xe điện sẽ trở bình dân. Các thành phố sẽ bớt ồn ào bởi vì tất cả các xe sẽ chạy bằng điện. Điện sẽ trở nên cực kỳ rẻ và sạch do việc sử dụng năng lượng mặt trời. Năng lượng mặt trời đã nằm trên một đường cong parabola từ 30 năm, và bây giờ bạn có thể thấy nó bắt đầu nhập vào trào lưu chánh.Năm ngoái, năng lượng mặt trời nhiều hơn đã được cài đặt để được sử dụng trên toàn thế giới nhiều hơn năng lượng hóa thạch. Giá năng lượng mặt trời sẽ giảm xuống rất nhiều và tất cả các công ty than sẽ biến mất năm 2025. Với điện giá rẻ thì nước dùng sẽ dồi dào. Khử muối lấy nước bây giờ chỉ cần 2kWh mỗi mét khối. Sẽ không còn nạn khan hiếm nước, chỉ có nước uống sẽ còn khan hiếm. Bạn cứ tưởng tượng một thế giới không còn khan hiếm nước và giá nước rất rẻ.

4/ Y Tế:

Giá X Tricorder sẽ được công bố trong năm nay. Sẽ có công ty sản xuất một thiết bị y tế (gọi tắt là "Tricorder" Star Trek) sẽ làm việc chung với điện thoại của bạn. Nó sẽ scan võng mạc của bạn, sẽ thử nghiệm mẫu máu và nhịp thở của bạn. Sau đó nó phân tích 54 chỉ dấu sinh học và chẩn bịnh bất cứ bịnh gì cho bạn. Giá nó sẽ rẻ, vì vậy trong một vài năm tất cả mọi người trên hành tinh này sẽ được tiếp cận với y học đẳng cấp thế giới, gần như miễn phí.

5/ In 3D:

Chỉ trong vòng 10 năm tới, giá của máy in 3D sẻ xuống từ $18,000 đến $400 và nhanh hơn gấp 100 lần. Tất cả các công ty giầy lớn sẻ bắt đầu giầy in 3D. Phụ tùng máy bay đã được 3D in tại sân bay từ xa. Trạm không gian bây giờ có một máy in và đã loại bỏ sự cần thiết đem theo một số lớn các phụ tùng thay thế như họ đã từng làm trong quá khứ.

Cuối cùng năm nay, điện thoại thông minh mới sẽ có khả năng quét 3D và bạn có thể quét 3D của chân bạn và in giầy hoàn hảo của bạn ở nhà. Ở Trung Quốc, họ đã in 3D hoàn chỉnh 6 tầng Tòa nhà văn phòng. Vào năm 2027, 10% của tất cả các thứ đó sẽ được sản xuất theo phương pháp in 3D.

6/ Cơ Hội Kinh Doanh:

Nếu bạn nghĩ về một cơ hội kinh doanh, hãy tự hỏi: "trong tương lai, bạn có nghĩ rằng chúng ta sẽ có điều đó không? " Và nếu câu trả lời là có, thì nên tự hỏi câu tiếp là: làm thế để thực hiện điều đó sớm hơm???? Và nếu sáng kiến của bạn không đi chung với điện thoại thì quên nó đi.

Và nhớ thêm điều này: bất kỳ ý tưởng thiết kế thành công trong thế kỷ 20 sẽ thất bại trong thế kỷ 21.

7/ Việc Làm - Jobs:

70-80% việc làm hiện giờ sẽ biến mất trong vòng 20 năm tới. Sẽ có rất nhiều việc làm mới, nhưng hiện giờ chưa rõ là sẽ được đủ việc làm mớicho mọi người trong một thời gian ngắn như vậy.

8/ Nông Nghiệp:

Sẽ có một robot nông nghiệp chỉ giá $100 trong tương lai. Nông dân ở thế giới thứ 3 có thể nhờ nó màchỉ ngồi nhà quản lý của mảnh đất của họ thay vì làm việc vất vả ngoài đồng. Phương Pháp Khí canh sẽ cần rất ít nước. Món ăn đầu tiên với thịt bê Petri đả được sản xuất bây giờ và sẽ rẻ hơn so với thịt bê do bò vào năm 2018.

Hiện nay, 30% của đất đai được sử dụng cho việc nuôi bò. Hãy tưởng tượng nếu chúng ta không cần phải cần diện tích đó nữa. Đã có sáng kiến sản xuất protein từ côn trùng mà ra. Nó chứa nhiều protein hơn thịt. Và sẽ được dán nhãn là "nguồn protein thay thế" (Vì hầu hết mọi người vẫn từ chối ý tưởng của việc ăn côn trùng). Đã có một ứng dụng gọi là "moodies" để có thể biết tâm trạng bạn đang có. Đến năm 2020 sẽ có ứng dụng đọc và phân tích được nét mặt của bạn nếu bạn đang nói dối.

Hãy tưởng tượng một cuộc tranh luận bầu cử với ứng dụng này !!!

Bitcoin sẽ trở thành phổ biến trong năm nay và thậm chí có thể trở thành đồng tiền dự trữ mặc định.

9/ Tuổi Thọ:

Ngay bây giờ, tuổi thọ trung bình tăng 3 tháng mỗi năm. Bốn năm trước, tuổi thọ là 79 năm, bây giờ là 80 năm. Hy vọng sống chính nó đang gia tăng nhanh và năm 2036, hy vọng sống sẽ tăng hơn 1 năm cho mổi năm sống.

Chúng ta sẽ sống 100 tuổi hay hơn nữa....!!!

Duc M Tran - Kim Sơn st.

 

Phụ bản II

ĂN TRÁI CÂY

EATING FRUIT

Nên ăn trái cây khi bụng trống

chỉ ăn trái cây trong 3 ngày để thanh lọc cơ thể

KIWI, Táo, Dâu tây, Cam, Dưa hấu, Ổi & Ðu đủ

Không uống nước đá lạnh sau bữa ăn

Dr Stephen Mak treats terminal ill cancer patients by "un-orthodox" way and many patients recovered. Before he used solar energy to clear the illnesses of his patients. He believes on natural healing in the body against illnesses. See his article below.

Thanks for the email on fruits and juices. It is one of the strategies to heal cancer. As of late, my success rate in curing cancer is about 80%. Cancer patients shouldn't die. The cure for cancer is already found. It is whether you believe it or not. I am sorry for the hundreds of cancer patients who die under the conventional treatments.

Thanks and God bless.

- Dr Stephen Mak

Bác sĩ Stephen Mak trị bệnh ung thư thời kỳ chót bằng những cách điều trị "không chính thống" nhưng rất nhiều bệnh nhân đã hồi phục. Trước đây, ông dùng năng lực mặt trời để chữa bệnh. Ông tin rằng cơ thể có khả năng tự hồi phục. Xin xem lời ông bên dưới
Cám ơn đã gửi bài về trái cây và nước trái cây. Ðây là một cách điều trị ung thư. Gần đây, tỷ lệ thành công của tôi trong việc điều trị ung thư là khoảng 80% . Bệnh nhân ung thư lẽ ra không phải chết. Cách điều trị ung thư đã được tìm ra, chỉ là chúng ta có tin hay không. Tôi rất tiếc về việc hàng trăm bệnh nhân ung thư đã chết theo cách chữa trị truyền thống.Xin cám ơn và cầu Thượng Ðế gia hộ.

EATING FRUIT...

We all think eating fruits means just buying fruits, cutting it and just popping it into our mouths. It's not as easy as you think. It's important to know how and when to eat.
What is the correct way of eating fruits?

Tất cả chúng ta cho rằng ăn trái cây chỉ có nghĩa là mua trái cây, cắt ra từng lát và bỏ vào miệng, nhưng không dễ như vậy. Ðiều quan trọng là phải biết ăn ra sao và khi nào. Ăn trái cây như thế nào mới đúng?
IT MEANS NOT EATING FRUITS AFTER YOUR MEALS! * FRUITS SHOULD BE EATEN ON AN EMPTY STOMACH.

If you eat fruit like that, it will play a major role to detoxify your system, supplying you with a great deal of energy for weight loss and other life activities.

Không ăn trái cây sau bữa ăn! Nên ăn trái cây khi bụng trống. Nếu ăn theo cách này, trái cây sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tẩy uế cơ thể, cho quý vị năng lực để chữa béo phì và những hoạt động khác.
FRUIT IS THE MOST IMPORTANT FOOD. Let's say you eat two slices of bread and then a slice of fruit. The slice of fruit is ready to go straight through the stomach into the intestines, but it is prevented from doing so.

Trái cây là thức ăn quan trọng nhất. Thí dụ quý vị ăn hai lát bánh mì, rồi một lát trái cây. Lát trái cây đã sẵn sàng đi thẳng qua bao tử, rồi vào ruột, nhưng bị ngăn cản.

In the meantime the whole meal rots and ferments and turns to acid. The minute the fruit comes into contact with the food in the stomach and digestive juices, the entire mass of food begins to spoil....

Trong khi đó, toàn thể bữa ăn bị thối rữa, lên men, và biến thành axít. Khi trái cây gặp thức ăn trong bao tử và chất axít tiêu hóa, tất cả thức ăn bắt đầu thối rữa.

So please eat your fruits on an empty stomach or before your meals! You have heard people complaining — every time I eat watermelon I burp, when I eat durian my stomach bloats up, when I eat a banana I feel like running to the toilet, etc — actually all this will not arise if you eat the fruit on an empty stomach. The fruit mixes with the putrefying other food and produces gas and hence you will bloat!

Vậy hãy ăn trái cây khi bụng trống, hoặc trước bữa ăn! Quý vị đã nghe nhiều người than rằng - mỗi lần ăn dưa hấu, tôi bị ợ ; khi ăn sầu riêng, tôi bị sình bụng; khi ăn chuối, tôi cảm thấy muốn đi nhà vệ sinh v.v... Thật ra tất cả những điều này sẽ không xảy ra nếu quý vị ăn trái cây khi bụng trống. Trái cây hòa với những thức ăn thối rữa, sẽ tạo nên hơi gas, và làm quý vị bị sình bụng.

Greying hair, balding, nervous outburst and dark circles under the eyesall these will NOT happen if you take fruits on an empty stomach.

Những việc như tóc bạc, hói đầu, tư tưởng bực bội, và bên dưới mắt bị quầng đen sẽ không xảy ra nếu quý vị ăn trái cây khi bụng trống.


There is no such thing as some fruits, like orange and lemon are acidic, because all fruits become alkaline in our body, according to Dr. Herbert Shelton who did research on this matter. If you have mastered the correct way of eating fruits, you have the Secret of beauty, longevity, health, energy, happiness and normal weight.

Không có chuyện vài thứ trái cây như cam và chanh có nhiều chất axít, bởi vì tất cả trái cây trở thành chất kiềm (alkaline) trong cơ thể, theo bác sĩ Herbert Shelton, nguời đã nghiên cứu vấn đề này. Nếu quý vị nắm vững việc ăn trái cây đúng cách, quý vị sẽ có được bí mật của sắc đẹp, trường thọ, sức khỏe, năng lực, hạnh phúc và không béo phì.

When you need to drink fruit juice - drink only fresh fruit juice, NOT from the cans. Don't even drink juice that has been heated up. Don't eat cooked fruits because you don't get the nutrients at all. You only get to taste. Cooking destroys all the vitamins.

Khi cần uống nước trái cây - hãy uống nước trái cây tươi, không uống từ đồ hộp. Không uống nước trái cây đã nấu ấm. Không ăn trái cây đã nấu chín, bởi vì quý vị sẽ không có những chất dinh dưỡng, mà chỉ thưởng thức hương vị của trái cây. Nấu chín làm mất tất cả sinh tố.


But eating a whole fruit is better than drinking the juice. If you should drink the juice, drink it mouthful by mouthful slowly, because you must let it mix with your saliva before swallowing it. You can go on a 3-day fruit fast to cleanse your body. Just eat fruits and drink fruit juice throughout the 3 days and you will be surprised when your friends tell you how radiant you look!

Nhưng ăn trái cây vẫn tốt hơn là uống nước trái cây. Nếu quý vị phải uống nước trái cây, hãy uống từng ngụm, từ từ, bởi vì cần để nước trái cây hòa tan với nước bọt trước khi nuốt xuống. (Phép dưỡng sinh Osawa cũng khuyên phải nhai cơm gạo lức 100 lần trước khi nuốt, để gạo hòa với nước bọt). Quý vị có thể chỉ ăn trái cây trong 3 ngày để thanh lọc cơ thể. Chỉ ăn trái cây và uống nước trái cây trong suốt 3 ngày, và quý vị sẽ ngạc nhiên khi bạn bè cho biết quý vị nhìn thật tươi sáng!


KIWI: Tiny but mighty. This is a good source of potassium, magnesium, vitamin E & fiber. Its vitamin C content is twice that of an orange.

KIWI: Nhỏ mà rất mạnh. Có đủ các sinh tố potassium, magnesium, vitamin E & chất sợi. Lượng sinh tố C gấp 2 lần trái cam.


APPLE: An apple a day keeps the doctor away? Although an apple has a low vitamin C content, it has antioxidants & flavonoids which enhances the activity of vitamin C thereby helping to lower the risks of colon cancer, heart attack & stroke.

Táo: Ăn một trái táo mỗi ngày, không cần đến bác sĩ? Dù táo có lượng sinh tố C thấp, nhưng có tính chống oxít hóa & flavonoids để giúp sự hoạt động của sinh tố C, do đó giúp hạ tỷ lệ ung thư ruột già, nhồi máu cơ tim và đứt mạch máu não.

STRAWBERRY: Protective Fruit. Strawberries have the highest total antioxidant power among major fruits & protect the body from cancer-causing, blood vessel-clogging free radicals.

Dâu tây: (không phải là con dâu người Tây, mà là trái dâu tây) là loại trái cây bảo vệ. Dâu tây có tánh chống axít hóa cao nhất trong số các loại trái cây chính, bảo vệ cơ thể tránh ung thư, chống chất free radicals (gốc tự do) làm nghẽn mạch máu.


ORANGE : Sweetest medicine. Taking 2-4 oranges a day may help keep colds away, lower cholesterol, prevent & dissolve kidney stones as well as lessens the risk of colon cancer.

Cam: Thuốc tiên. Ăn từ 2 đến 4 trái cam mỗi ngày giúp khỏi bị cảm cúm, hạ thấp cholesterol (mỡ trong máu), tránh và làm tan sạn thận cũng như là hạ thấp tỷ lệ ung thư ruột già.

WATERMELON: Coolest thirst quencher. Composed of 92% water, it is also packed with a giant dose of glutathione, which helps boost our immune system. They are also a key source of lycopene — the cancer fighting oxidant. Other nutrients found in watermelon are vitamin C & Potassium.

Dưa hấu: Hạ nhiệt làm đỡ khát. Chứa 92% nước, và nhiều chất glutathione giúp hệ miễn nhiễm. Dưa hấu cũng có nhiều chất lycopene chống ung thư. Những chất dinh dưỡng khác trong dưa hấu là sinh tố C & Potassium (Kali).

GUAVA & PAPAYA: Top awards for vitamin C. They are the clear winners for their high vitamin C content.. Guava is also rich in fiber, which helps prevent constipation. Papaya is rich in carotene; this is good for your eyes.

Ổi & Ðu đủ: hạng nhất về sinh tố C, chứa rất nhiều vitamin C. Ổi có nhiều chất sợi, giúp trị bón. Ðu đủ có nhiều chất carotene tốt cho mắt.

Drinking Cold water after a meal = Cancer! Can u believe this?? For those who like to drink cold water, this article is applicable to you. It is nice to have a cup of cold drink after a meal. However, the cold water will solidify the oily stuff that you have just consumed. It will slow down the digestion. Once this 'sludge' reacts with the acid, it will break down and be absorbed by the intestine faster than the solid food. It will line the intestine. Very soon, this will turn into fats and lead to cancer. It is best to drink hot soup or warm water after a meal.

Uống nước lạnh sau bữa ăn có thể bị ung thư? Chuyện khó tin?? Cho những ai thích uống nước đá lạnh, bài này dành cho quý vị. Uống nước đá lạnh sau bữa ăn thật khoái khẩu. Tuy nhiên, nước lạnh sẽ làm đông đặc những chất dầu mỡ mà quý vị vừa ăn xong. Sẽ làm chậm tiêu hóa. Khi chất “bùn quánh” này phản ứng với axít, nó sẽ phân nhỏ và được hấp thụ vào ruột nhanh hơn là thức ăn đặc. Nó sẽ đóng quanh ruột. Chẳng bao lâu, nó sẽ biến thành chất béo và đưa đến ung thư. Tốt nhất là ăn súp nóng hay uống nước ấm sau bữa ăn (Ðông y luôn khuyên nên uống nước ấm.)

A serious note about heart attacks HEART ATTACK PROCEDURE': (THIS IS NOT A JOKE!) Women should know that not every heart attack symptom is going to be the left arm hurting. Be aware of intense pain in the jaw line. You may never have the first chest pain during the course of a heart attack. Nausea and intense sweating are also common symptoms. Sixty percent of people who have a heart attack while they are asleep do not wake up. Pain in the jaw can wake you from a sound sleep. Let's be careful and be aware. The more we know the better chance we could survive.

Một điều nghiêm trọng về nhồi máu cơ tim: “thủ tục” nhồi máu cơ tim (Không phải chuyện đùa) Những quý vị nữ nên biết rằng, không phải tất cả những triệu chứng nhồi máu cơ tim đều bắt đầu từ việc tay trái bị đau. Hãy chú ý khi bị đau hàm dữ dội. Có thể quý vị sẽ không bao giờ bị đau ngực khi bị nhồi máu cơ tim. Buồn nôn và toát mồ hôi dữ dội cũng là những triệu chứng thường xảy ra. 60% những người bị nhồi máu cơ tim trong khi ngủ sẽ không thức giấc. Ðau hàm có thể khiến quý vị tỉnh dậy khi đang ngủ say. Hãy chú ý và để ý. Càng biết nhiều, chúng ta càng dễ sống sót.

Hoàng Chúc st.


Hồ-Dzếnh:

NHỚ NHÀ CHÂM ĐIẾU THUỐC

Vào những thập-niên 1960 (hay trước hơn), thỉnh-thoảng tôi lại nghe bản nhạc phổ từ thơ Hồ-Dzếnh, “Chiều”, thơ năm chữ của ông. Bài thơ này được sáng-tác năm 1940. Hơn 10 năm sau (1951) (có chỗ nói là ba mươi năm sau), được NS tài-ba Dương-Thiệu-Tước phổ-nhạc thành ca-khúc, vẫn mang tên Chiều. (Lúc đầu, in trong báo Người Mới, Chiều có tên là Màu Cây Trong Khói) và lập-tức trở-thành nổi tiếng. Bài hát trở thành bất-hủ mãi cho tới bây giờ. Bài hát được viết với nhịp 2 phần 4, ghi giai-điệu là Tempo di Habanera, cung Ré trưởng (D Majeur DM).

Trên đường về nhớ đầy
Chiều chậm đưa chân ngày

Tiếng buồn vang trong mây
Chim rừng quên cất cánh

Gió say tình ngây ngây
Có phải sầu vạn-cổ

Chất trong hồn chiều nay?
Tôi là người lữ-khách

Mầu chiều khó làm khuây
Ngỡ lòng mình là rừng

Ngỡ hồn mình là mây
Nhớ nhà châm điếu thuốc

Khói huyền bay lên cây…

Bản nhạc với những khúc hát dìu-dặt, nhẹ-nhàng, bay bổng như con người ở một nơi nào khác, không phải “nhớ nhà châm điếu thuốc, khói huyền bay lên cây…” Nghe xong, muốn chạy vào nhà, châm một điếu thuốc, phì-phèo hút thử, xem “khói huyền” có “bay lên cây”không. NS Dương-Thiệu-Tước đã sử-dụng thành-công những nốt trong chùm liên-ba (le triolet) móc đơn trong các trường-canh (mesure) của bản nhạc. Nghe bản nhạc ngập-ngừng, đau-nhói, tự-nhiên thấy tim mình rung-động lạ-lùng. Ông giữ y-nguyên lời của bài thơ, chỉ lập lại câu sau của mỗi đoạn, càng làm cho bản nhạc thêm bồn-chồn, day-dứt và rã-rời như tiếng hạc bay về trong sương chiều

Theo NT Du-Tử-Lê, Chiều như một thứ “Trở Về Mái Nhà Xưa” của H. Curtisse.

Tôi rất thích bản nhạc này. Lại càng thích-thú khi biết ông không phải là người Việt thuần-túy. (Thân-phụ ông là người gốc Minh-Hương, Quảng-Đông, Trung-Hoa di-cư sang VN từ lâu đời). Hồ-Dzếnh sinh năm 1916 tại Làng Đông-Bích, Huyện Quảng-Xương, Tỉnh Thanh-Hóa,mất ngày 13 tháng 8 năm 1991, tên thật là Hà-Triệu-Anh hay Hà-Anh (đọc theo giọng Quảng-Đông là Hồi-Tsiu-Dzíng, gọi tắt là Hồi-Díng). Sau ông đổi là Hồ-Dzếnh. Ông tốt-nghiệp trung học, dạy học tư, viết báo, làm thơ từ năm 1931 tại Hà Nội. Năm 1953 ông có vào Sàigòn làm báo. Năm 1954 ông lại trở về Hà Nội tiếp-tục làm báo. Ông có chân trong Hội Nhà-Văn Việt-Nam ngay từ buổi đầu thành-lập (1957).

Vì tên của ông “ngộ-nghĩnh”, một số ít bạn-bè vui-tính thường gọi đùa là Hồ-Dính."Hồ Dính, dính hồ, hồ chẳng dính", nhưng ông chỉ cười và không bao giờ giận ai.

Có 3 người phụ-nữ đã đi vào cuộc-đời Hồ-Dzếnh, có thể làm người đọc lẫn-lộn: Nguyễn Thị Hồng-Phúc (người yêu của Hồ-Dzếnh), Nguyễn-Thị Huyền-Nhân (vợ cả của ông trước khi bà mất), và Nguyễn-Thị Hồng-Nhật (vợ lấy sau).

Năm 1947, Hồ-Dzếnh kết-hôn với bà Nguyễn-Thị Huyền-Nhân tại Thanh-Hóa. Ông bà có một con trai nhưng chết-yểu. Bà Huyền-Nhân mất năm 20 tuổi (1950). Năm 1954, ông lập gia-đình lại với bà Nguyễn-Thị Hồng-Nhật tại Hà-Nội. (Bà Nhật có một con riêng.) Người con duy-nhất của hai ông bà là Hà-Chính (sinh vào đầu năm 1950) và ông Hà Chính cũng chỉ có một con duy-nhất Hà-Quang (SN 1984), học xong đại-học, đã đi làm và hiện định-cư ở Đức. Cháu đích-tôn của Nhà Thơ vẫn tiếp-tục cuộc đời tha-hương, nhưng có phần “thoải-mái” hơn ông nội.

Hồ-Dzếnh qua nét vẽ của HS Hoàng-Lập-Ngôn

Trước hết, ông thực-sự là một Nhà Thơ có tài. Ông được nhiều người biết đến qua tập thơ Quê Ngoại (1942) với một giọng thơ nhẹ-nhàng, siêu-thoát, phảng-phất hương-vị thơ cổ Trung-Hoa. Ông còn đăng nhiều thơ, truyện ngắn trên các báo và còn mấy vở kịch đã trình diễn, nhưng chưa xuất bản.Từ 1937 ông có các tác-phẩm in trên các báo Tiểu-Thuyết Thứ Bảy và Trung Bắc Chủ-Nhật. Những sáng-tác trước 1945 đã đi vào lòng người đọc. Ngoài ra, Hồ-Dzếnh còn là một nhà văn với nhiều tác-phẩm đã in, tiêu-biểu là tập Truyện Ngắn Chân Trời Cũ (1942), Thạch-Lam đề tựa. (Wikipedia) và tập Hồi-Ký Truyện Không Tên. Sau nhiều năm bị quên-lãng và trù-dập, ông mất ngày 13-8 năm 1991. Đúng 16 năm sau, ông được truy-tặng Giải-Thưởng về Văn-Học Nghê-Thuật Nghệ-Thuật. Liệu Giải-thưởng đó có muộn-màng cho một người có nhiều công-lao với văn-học nghệ-thuật như ông, đã nằm xuống 16 năm qua?

Lúc sinh-thời, ông là người cần-cù, siêng-năng, chuyện gì cũng làm được. Thật vậy, ông không từ-nan một việc gì. Trong thời-gian làm ở Nhà Máy Gia-Lâm, lúc nào ông cũng vui-vẻ với mọi người. Ông không thù-hằn, không tranh-giành với ai, được mọi người kính-nể.

Ông là người có nhiều cơ-duyên với Nhà-Văn Thạch-Lam. Tại căn nhà ọp-ẹp bên đê Yên-Phụ, Thạch-Lam là người đã góp ý cho tập truyện Chân Trời Cũ của Hồ-Dzếnh(Chân Trời Cũ gồm 14 truyện ngắn, cách viết gần như hồi-ký, gồm: Ngày Gặp-Gỡ, Người Chị Dâu Tôi, Con Ngựa Trắng Của Ba Tôi, Lòng Mẹ, Chú Nhì, Mơ Về Nước Chúa, Hai Anh Em, Vừa Một Kiếp Người, Em Dìn, Thằng Cháu Đích Tôn, Ngày Lên Đường, Chị Yên, Sáng Trăng Suông, Thiên Truyện Cuối Cùng.Bài tựa cho tập truyện này có nét bút sau-cùng của Thạch-Lam – người nghệ-sĩ say- mê ngôn-ngữ (chữ của Hồ-Dzếnh) với cõi-đời. Khi đến nhà Thạch-Lam lần thứ 6, mang theo tập truyện Chân Trời Cũ vừa in, thì“tôi chỉ còn thấy quang-cảnh đắng-ngắt, một chiếc giường nhỏ trống-trơn, chị Thạch-Lam lặng-lẽ bước ra, đầu vấn khan-tang, nghẹn-ngào cho tôi hay, anh đã mất được hơn một tháng.”(Vi-Thùy-Linh – thethaovanhoa.vn ).

Sự gắn-bó của hai người bạn vong niên Thạch-Lam—Hồ-Dzếnh, có lẽ vì cả hai cùng có tuổi-thơ bất-hạnh như sau, đã làm rung-động người đọc từ bao nhiêu năm nay.

Trong "Lời Giới-Thiệu" Tuyển-Tập Hồ-Dzếnh – Tác-Phẩm Chọn-Lọc, NXB Văn-Học 1988, nhận-định: "Tác-phẩm của Hồ-Dzếnh không nhiều, lại không tập-trung ở một tờ báo hay đặc-san nào. Với bản-chất trầm-lắng, ông luôn-luôn khiêm-tốn, tự cho mình là người mới bắt-đầu bước vào nghề viết. Tuy-nhiên, với hai tập văn thơ Chân Trời Cũ và Quê Ngoại, Hồ-Dzếnh được biết đến như một nhà thơ có chân-tài."

Trong “Chân-Dung Văn-Học”, NXB Hội Nhà-Văn 2001, NT Hoài-Anh viết về Hồ-Dzếnh: "Phần đóng-góp quan-trọng nhất cho văn-học Việt-Nam của anh lại là tập Chân Trời Cũ, thể-hiện nếp sinh-hoạt, tính-cách, tình-cảm, tâm-lý của bà con gốc Hoa trong cộng-đồng người Việt. Hồ-Dzếnh chỉ kể những chuyện đơn-giản về người cha, các anh, chị, em mình, con ngựa của cha mình... làm cho người đọc Việt-Nam rung-động tận đáy lòng."

NT Bùi-Giáng cho rằng Hồ-Dzếnh là người làm thơ lục bát rất hay, nhưng thơ thất ngôn chỉ ở mức trung-bình. Trong cuốn Thi-Ca Và Tư-Tưởng, Bùi-Giáng cho rằng: "có thể không cần đọc Nguyễn-Du, nhưng không thể không đọc Rằm Tháng Giêng của Hồ-Dzếnh" (Wikipidea). Nào, ta hãy đọc bài thơ này của Hồ-Dzếnh.

Ngày xưa còn nhỏ... ngày xưa
Tôi đeo khánh bạc lên chùa dâng nhang,
Lòng vui quần áo xênh xang,
Tay cầm hương, nến, đinh vàng mới mua.
Chị tôi vào lễ trong chùa,
Hai chàng trai trẻ khấn đùa hai bên:
-"Lòng thành lễ vật đầu niên,
Cầu cho tiểu được ngoài giêng đắt chồng!"
Chị tôi phụng phịu má hồng,
Vùng vằng suýt nữa quên bồng cả tôi.
Tam quan, ngoài mái chị ngồi,
Chị nghe đoán thẻ, chị cười luôn luôn.
Quẻ thần, thánh mách mà khôn:
-Số nàng chồng đắt, mà con cũng nhiều!
Chị tôi nay đã xế chiều,
Chắc còn nhớ mãi những điều chị mơ.
Hằng năm, tôi đi lễ chùa,
Chuông vàng, khánh bạc ngày xưa vẫn còn.
Chỉ hơi thấy vắng trong hồn,
Ít nhiều hương phấn khi còn ngây thơ.
Chân đi, đếm tiếng chuông chùa,
Tôi ngờ năm, tháng thời xưa trở về.

Ngập-Ngừng là bài thơ nổi-tiếng thứ hai của Hồ-Dzếnh, trong tập thơ "Quê Ngoại" (1943), được các NS phổ thành ca-khúc, giữ nguyên từng câu chữ hay đã thay-đổi, thêm-bớt những chỗ cần-thiết, kể cả tựa, như "Anh Cứ Hẹn" của Anh-Bằng, hay “Em Cứ Hẹn” của Hoàng-Thanh-Tâm(năm 1987) "Chuyện Hẹn-Hò" của Trần-Thiện-Thanh (1971) càng chắp thêm cánh cho tác-phẩm của NT Hồ-Dzếnh bay sâuhơn vào lòng người thưởng-ngoạn nghệ-thuật, hay thế-giới thi-ca của Hồ-Dzếnh nói riêng.

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân,
Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần...
Tôi nói khẽ: Gớm, làm sao nhớ thế?
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!

Em tôi ơi, tình có nghĩa gì đâu?
Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu?
Thuở ân ái mong manh như nắng lụa.
Hoa bướm ngập ngừng cỏ cây lần lữa,
Hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi,
Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi!

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Tôi sẽ trách -cố nhiên! -nhưng rất nhẹ
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về,
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề,
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở.
Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ,

Cho nghìn sau... lơ lửng... với nghìn xưa...

Trong những bản nhạc, tôi thích nhất câu “Cho nghìn sau lơ-lửng đến nghìn xưa…” Trước đây, trong nhiều năm, tôi vẫn lầm-tưởng bài thơ này là của Xuân-Diệu. Thật vậy, thơ ông lãng-đãng như sương khói, nó là cái gì đó nhẹ-nhàng, trôi-nổi trong dòng tư-tưởng miên-man, bất-tận.

Thực ra, thơ Hồ-Dzếnh trong 2 tập Quê Ngoại và Hoa Xuân Đất Việt (1946) không gây cảm-xúc mạnh-mẽ bằng văn xuôi.

Truyện Hồ-Dzếnh làm người đọc cảm-động đến rơi nước mắt. Ông đã viết thực bằng mực, hòa với máu và nước mắt. Ông không phải tưởng-tượng vì đó là bi-kịch đời ông, cả nửa đời lo miếng ăn, long-đong, vất-vả.

Ông viết về nỗi đau-đớn, mất mát của riêng mình, nhưng không một lần than-thân trách-phận hay oán-hờn số-kiếp. Chính vì thế, người đọc đã cảm-thông với những nỗi-đau của ông.

Năm 1947, ông về lại Thanh-Hóa, lấy bà Nguyễn Thị Huyền-Nhân. Năm 1950, khi con trai mới bốn tháng tuổi, bà Huyền Nhân (khi đó 20 tuổi), bị bệnh tả, qua đời.

Vợ chết, con khát sữa khóc, Hồ-Dzếnh buồn-tủi đi mua quan-tài, chỉ kịp chôn vợ xuống lớp đất sơ-sài, không bia-mộ. Ông ẵm con đi bú nhờ khắp khu Tư, cảnh mà Vũ-Bằng đã thấy và ghi lại. Ông chạy về Hà Nội, nhưng không còn ai thân-thích, lại cõng con vào Sài-Gòn, ở đó có người anh ruột Hồ-Triệu-Bích, mở tiệm xe đạp ở đường Hiền-Vương (nay là Võ-Thị-Sáu). Lúc này, ông đã sống đến tận-cùng nỗi-đau của kiếp người.

Ông là 1 trong 165 người thành-lập Hội Nhà Văn VN ở Hà-Nội vào tháng 4/1957. Cũng chính nơi đây, có một thời gian dài, bàn tay chỉ biết viết lách của ông từng phải làm thợ đúc-thép, thợ máy ở nhà máy xe lửa Gia-Lâm, lãnh lương công-nhật hơn 10 năm, khi nghỉ, không có bảo-hiểm, lương hưu. Ông bị nghi-kỵ oan, và bị mọi người “bỏ quên” suốt thời-gian dài, ông vẫn nén chịu như đã quen thế, để yêu thương, để khiêm-nhường và hy-vọng. Nhiều tác-phẩm của ông in trong tuyển tập không ghi rõ năm sáng-tác, làm khó xác-định từng chặng viết. Song, hình như điều ấy không quan-trọng nữa, tác-phẩm của ông đạt độ “phi thời-gian” rồi (Vy-Thùy-Linh, sđd).

Đọc “Cuốn Sách Không Tên”, ông viết lại sự tủi-nhục khi đứa con mất mẹ; người chồng kiệt-sức, kiệt tiền, gặp mụ bán quan-tài tham-lam, đanh-ác, chờ dịp “chặt chém” không thương-tiếc. Ông đành dùng mẹo lừa lấy được cái quan tài về chôn vợ ban đêm. Vợ đã chết từ chiều, nằm giúi vào bụi cây vì nhà thương thiếu phòng để xác:

“Mẹ tôi nằm ở đó, lãnh đạm trước cuộc oanh-tạc, giống một cây củi khô. Chiếc quần đen mỏng rách, áo cánh vận từ hôm bị ốm. Để người chết đỡ tủi, cha tôi cởi chiếc áo cánh ướt trên người, đắp lên người vợ. Cha tôi nghẹn-ngào không khóc được. Quan-tài ngắn, người chết buộc phải nhét chặt, chân hơi vồng lên, tóc lòi ra ngoài. Rồi vài ngày sẽ bị bật nắp ván”. Ngôi mộ vùi sơ-sài, không có bia đã bị thất-lạc, Hồ-Dzếnh không tìm được. Năm 2002, con ông đã cố tìm, song tất cả bị san bẳng, chung số-phận với ngôi mộ đứa con đầu lòng của Hồ-Dzếnh mất hơn một tuổi (Hà-Xuân-Nhuệ) chôn ở cánh-đồng trong làng.

Truyện ngắn của Hồ-Dzếnh luôn tạo ra cảm-giác là truyện thật mà ông tham-gia, chứng-kiến trong đời. Nó được viết kỹ, dồn-nén cảm-xúc đến độ tuyệt-vời.

Anh đỏ Phụ (1941) là người hiền-lành, dân-đen, con của ông Biếm, thầy giáo làng. Anh đỏ Phụ đã hỏi chị Yên, đợi mãn-tang cha nuôi sẽ cưới. Hơn hai năm sau, chị bị chính “cậu tôi” hại. Chị Yên bị tủi-nhục phải bỏ làng ra đi. Anh đỏ Phụ không biết chuyện này, anh tình-nguyện vào làm phu cao-su ở Tân-Thế-Giới. Anh chia tay “tôi” ở ga xe lửa, vì đau-khổ mất vợ, rồi bỏ xác ở xứ người. “Đêm đó, tôi mong cho con tàu đừng đến, mong anh Phụ đổi ý trở về, nhưng chỉ là mơ ước. Anh đỏ Phụ đã lăn tay điểm chỉ rồi. Anh đã giúi vào tay chị gái tờ giấy bạc con còng 5 đồng, nửa số tiền bán đời mình để gửi về phụng-dưỡng bố. Tôi ôm-ghì lấy anh, khóc nức-nở. Một bàn tay chắc-nịch kéo ra, ấn anh Phụ và toán phu vào trong toa sắt đen ngòm, cái toa thường ngày vẫn dùng chở súc vật, khóa lại”.

Khác với thơ của Hồ-Dzếnh, thường mang tư-tưởng lâng-lâng, bay bổng, và siêu-thoát, truyện của ông đưa chúng ta vào một thế-giới khác, đầy nước mắt và đau-đớn hơn. Càng đi sâu vào cuộc-đời hay Truyện Ngắn của ông (Tập Quê Ngoại), càng bắt gặp ở đấy những cảnh đời bất-công, phi-lý. Chẳng thế mà, cuộc-đời của ông được Đạo-Diễn Vương-Đức dàn-dựng, định quay trong một ngày thật gần, nhưng không biết công-chúng có đón-nhận không, vì những người trẻ chưa quen với tên-tuổi của ông, một NT/ NV Tiền-Chiến.Theo Báo Tiền-Phong, đây là cách đánh-giá của giới phê-bình điện-ảnh, bộ phim chắc-chắn sẽ làm hao-tổn không ít nước mắt của người xem vì những đoạn nói về hoàn-cảnh khốn-cùng của nhân-vật. Đạo-diễn Vương-Đức cho rằng: "Có thể sẽ có người không đồng-ý với tôi về những hư-cấu, sai-lạc hiện-thực, nhưng tôi muốn thể-hiện một cái nhìn riêng về cuộc-đời còn ít người biết tới của nhà văn..."

Đọc “Sáng Trăng Suông” bao giờ tôi cũng liên-tưởng đến bản nhạc “Chị Tôi” của NS Trần-Tiến mà cảm-thương cho Chị đỏ Đương trong truyện.

Phải bôn-ba với những nghề vất-vả để đổi lấy miếng ăn, áo mặc cho gia-đình, Hồ-Dzếnh không có thì-giờ viết. Tác-phẩm của ông không nhiều (chỉ có 3 tác-phẩm đã in) nhưng đủ để định giá-trị của ông trên thi văn đàn.

Hơn 70 năm qua, không nhiều thì ít, văn-thơ Hồ-Dzếnh đã ảnh-hưởng tới những người đọc ông. Mỗi lần đọc, tôi lại thấy những nhân-vật ấy hiện ra trước mắt tôi, khi thì lãng-đãng như sương-khói, khi thì mãnh-liệt như dòng thác-lũ không sao ngăn được. Đọc xong, thả lỏng chân tay để:

“…Cho nghìn sau… lơ-lửng… với nghìn xưa…’

Hay:

“…Nhớ nhà châm điếu thuốc

Khói huyền bay lên cây…”

H.V.H. - MẠNH ĐOÀN st.


Aleksandr Ghitovich
(1909-1966, nhà thơ – dịch giả
Nga Xô Viết, chuyên dịch Hán văn, thơ cổ điển
và hiện đại Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản)

BA BÀI THƠ VỀ DỊCH THUẬT

Kính tặng N.I.Kondrad1
*

Tôi tiêu phí những năm tháng đẹp nhất
Vì ngôn từ người khác để làm chi?
Những bản dịch thơ phương đông cổ điển
Vì các ngươi đau nhức nhối đầu ta.

A.Tarkovski2

Một khi ta nói về các bản dịch,
Mà tôi bỏ ra không ít tháng năm,
Thì đó là công việc lao động,
như mọi lao động – đâu phải là ngơi nghỉ
nhưng tôi nào hối tiếc, hoàn toàn không!
Lao động ấy với tôi là tự do của tôi, chí hướng của tôi,
Là nhà tù tự nguyện của tôi,
Là niềm hân hoan và cũng là nỗi đau đớn
Đau đớn con tim, không phải đau đầu.
Cố gắng bằng những ngôn từ đương đại
Tôi dịch những vần thơ cổ điển Trung Hoa,
Hầu như bằng cặp mắt thời xa ngái
Tôi nhìn nỗi lo âu xao xuyến người đương thời cùng ta.

Và như vậy bằng kinh nghiệm của hàng trăm năm trước
Đến mức, nhìn các ông già đáng kính cùng thời,
Bắt giác nghĩ – đấy chỉ là con nít,
Tôi già hơn bọn họ cả nghìn năm !

-----------------------------------------------------
1 N.I.Kondrad (1891-1970) – Học giả, nhà phương đông học Nga – Xô Viết, Viện sĩ Viện Hàn Lâm Khoa học Liên Xô (từ 1958), người sáng lập lý thuyết văn chương ngôn ngữ và lịch sử văn hóa Đông Tây. Giải thưởng Nhà nước Xô Viết (1977).

2 A.A.Tarkovshi (1907-1989) – Nhà thơ – dịch giả Nga – Xô Viết, chuyên dịch thơ Trung Á, Arập, Izrain… Giải thưởng Nhà nước mang tên Berdakh Karakali (CHXV Arezbaidăng), giải thưởng Nhà nước mang tên akhtumkili (Turminia).

THỪA NHẬN

Trong chuyện này chẳng có gì là tai họa,
                      cũng chẳng có gì là kỳ bí
Anh bạn phê bình của tôi
Lại một lần nhận xét đúng,
Rằng những nhà thơ cổ điển phương đông
Vẫn tiếp tục để lại dấu ấn trong tôi
Tình bằng hữu tôi và họ bấy nay
Trên con đường chung sóng bước
Ngày lại ngày
Càng thêm bền chặt
Thậm chí đến mức
Từng câu thơ khác nhau
Thấm vào tôi bấy lâu
Lại cứ nghĩ như của chính mình vậy.

ĐỀ TỪ TRÊN SÁCH THƠ TRỮ TÌNH

CÁC NHÀ THƠ CỔ ĐIỂN TRUNG HOA

Tôi tin rằng, hậu thế rồi sẽ nhận ra chân giá trị
Những câu thơ trong sách được viết ra buổi đêm.
Không, tầm hồn xa lạ đâu phải là bóng tối,
Một khi ngọn đèn suy tưởng sáng soi đường.
Rồi tất cả vốn thuộc tình cảm chung vĩnh cửu,
Cả rung động của lương tâm, cả nghệ thuật mung lung,
Cả tiếng rên của niềm tự hào bị đè nén,
Tất, tất cả đều hiện về từ màn tối thời gian.

Thúy Toàn dịch

NGUYÊN TẮC SỐNG LÂU 100 TUỔI ...

Các nhà khảo cứu tại Anh Quốc vừa trình bày những khám phá mới nhất của ngành lão khoa ( Geriatrics ) và di truyền học (Genetics) và tiên đoán là những thế hệ trẻ trong tương lai sẽ có thể sống được trên 100 tuổi dễ dàng.

Một khảo cứu khác trên 20000 người dân Anh đăng trên tờ báo Y học British Medical Journal thì cho biết là có thể làm giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch như đau tim, tai biến mạch máu não bằng 4 biện pháp sau đây: đi bộ 30 phút mỗi ngày, ăn nhiều rau cỏ và trái cây, không hút thuốc lá và giảm bớt uống rượu. Những nguyên tắc kể trên cũng được Y học Mỹ xác nhận từ lâu nhưng gần đây BS Thomas Perls của Đại Học Boston University cho biết là dựa trên kinh nghiệm của những người đã sống trên 100 tuổi thì ông đã rút ra được những kinh nghiệm như sau:

1/ Hưu trí.

Các khảo cứu về tử vong đều xác nhận là khoảng thời gian 1 năm sau khi hưu trí là nguy hiểm nhất ở những người về hưu rồi không hoạt động gì cả vì tình trạng mập phì gia tăng, tâm thần suy nhược, cholesterol xấu LDL lên cao còn cholesterol tốt HDL giảm, huyết áp gia tăng.. BS Luigi Ferruci tại Baltimore sau khi khảo sát tình trạng sức khỏe của vùng Chianti bên Ý là nơi có rất nhiều người sống trên 100 tuổi thì thấy rằng những người sau khi hưu trí thì vẫn tiếp tục hoạt động thể chất và tinh thần như trồng rau, trồng hoa, thăm viếng bạn bè, chăm đi lễ nhà thờ.

Tại Mỹ có nhiều chương trình hoạt động thiện nguyện như Expericence corps, Masters Gardeners giúp cho những người cao niên đem kiến thức truyền lại cho giới trẻ, đem lại hứng khởi cho tất cả mọi người..và kéo dài tuổi thọ.

2/ Vệ sinh răng miệng.

Phần này hết sức quan trọng nhưng ít khi được chú ý đúng mức. Một khảo cứu của Đại học Minnesota cho thấy là những người bị viêm nướu răng ( gum disease ) dễ bị tai biến mạch máu não và đau tim vì trong miệng có những vi khuẩn tiết ra những độc chất làm cho máu bị đông và các
mạch máu bị viêm. Cần dùng chỉ đánh răng (dental floss) và chữa trị bệnh răng miệng thật sớm dể tránh bệnh đau tim và cả chứng.. Hôi miệng (halitosis) như vua Câu Tiễn đã được mô tả thời xưa!

3/ Hoạt động thể chất, đi bộ.

BS Jay Olshansky thuộc Đại Học Chicago nói ’’ đi bộ là môn thuốc trường sinh tốt nhất và không tốn tiền ‘’. Tất cả những khảo cứu về tuổi thọ đều xác nhận là đi bộ giúp cho tinh thần thoải mái, sáng suốt (tăng chất endorphins), tránh té ngã, tăng sức cơ bắp, xương cứng
tránh bị gãy xương hông, một trong những nguyên nhân tử vong ở Mỹ.

Không cần phải tập luyện khó khăn như chạy marathon mà chỉ cần đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày. Nếu tập thêm những phương pháp giữ gìn gân cốt như yoga, tai chi thì càng tốt.

4/ Ăn ngũ cốc high fiber mỗi buổi sáng.

Các nhà khảo cứu đều xác nhận là 90 % các chứng bệnh mãn tính ở Mỹ như bệnh tim mạch, ung thư đường ruột đều có thể tránh được nếu biết dinh dưỡng đúng phép. Cần ăn sáng bằng những loại ngũ cốc có nhiều xơ như
oat meal, quinoa và gần đây loại hạt Chia seed (Salvia Hispaniola) giống như hạt é (basil ) vì có nhiều dầu omega 3 và giúp cho no lâu, có nhiều năng lực. Hạt Chia giúp tránh được bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch hết sức phổ biến ở Mỹ. Hiện nay ở Mỹ có khoảng 22 triệu người
bị bệnh tiểu đường làm cho ngân sách Y tế tốn trên 200 tỷ USD mỗi năm. Bữa ăn sáng rất quan trọng giúp cho cơ thể có đủ năng lực hoạt động trong ngày và đường trong máu được ổn định.

5/ Vệ sinh giấc ngủ.

Cần điều độ trong giấc ngủ, ít nhất từ 5 đến 6 tiếng mỗi tối. Không nên thức khuya xem phim bộ, phim chưởng vì theo lời BS Ferruci thì trong khi ngủ thì cơ thể phục hồi lại các chức năng bị hao mòn trong
ngày. Não bộ rất cần giấc ngủ được yên và nhất là giấc ngủ REM giúp cho các tế bào não bộ thu xếp lại các dữ kiện ban ngày giống như các máy điện toán hoạt động off line processing. Những người sống trên 100 tuổi đều hết sức coi trọng giấc ngủ được bình yên.

6/ Thực phẩm hoàn toàn.

Một số sinh tố, enzyms và chất muối khoáng hết sức cần thiết cho tuổi thọ và chỉ có trong những thực thẩm tươi tốt mà các dược thảo (dietary supplements) không thể thay thế được. Những hoá chất như carotenoids, flavonoids thường có trong các loại hoa quả có màu như cà chua, cà rốt, rau xanh, mè đen nên cần được tiêu thụ mỗi ngày. Có thể đem pha lẫn với sữa đậu nành hay hạt Chia, hạt é. Nên tránh hay giảm bớt các loại gạo trắng, tinh bột vì thiếu những hóa chất kể trên và dể làm cho mập phì, tiểu đường làm cho cơ thể mau bị lão hóa, nói chung mau già.

Một vài khảo cứu trên những người sống trên 100 tuổi cho thấy là họ ăn rất ít vào buổI tối hoặc như trường hợp của ông Breuning, người sống lâu nhất ở Mỹ 113 tuổi là đã bỏ hẳn bữa ăn tối từ 35 năm qua.

7/ Tâm thần bình an.

Tất cả những người sống trên 100 tuổi đều có đầu óc lạc quan, yêu đời, ít bon chen, ganh đua , nóng giận, tham sân si. Họ có sức chịu đựng stress rất giỏi và trải qua những khó khăn dễ dàng. Tất cả những phương pháp tĩnh tâm như yoga,tai chi, cầu nguyện, khí công đều tốt cả. Không nên tìm cách giải trí bằng xem TV, uống rượu, cờ bạc, xem soap opera, ăn junk food, gây căng thẳng trí não..

8/ Nếp sống tinh thần.

Một khảo cứu trên Giáo phái Seventh day Adventist tại Loma Linda cho biết là tuổi thọ trung bình là 89 trên mức trung bình chỉ có 82. Ngoài việc tránh ăn thịt, người Adventist không hút thuốc, không uống rượu và ăn nhiều trái cây rau cỏ. Đời sống gia đình ổn đình, thể chất lành mạnh. Một BS người Adventist 94 tuổi vẫn làm việc giải phẫu tim mạch như thường lệ. Người Adventist có chủ trương rằng thân thể là một món quà do Thượng Đế ’’cho vay‘’ (on loan) nên cần phải được bảo vệ kỹ càng.

9/ Thói quen điều độ.

Những người cao niên có thói quen rất chừng mực, ăn uống điều độ, sáng dậy và tối đi ngủ hết sức mực thước, ít khi ra ngoài thông lệ. BS Ferruci cho biết là những thay đổI bất thường trong đời sống dễ làm cho hệ thống miễn dịch ( immune system ) bị xáo trộn, lệch lạc mất quân bình khiến dễ đüa đến những trường hợp nhiễm trùng, cảm cúm.

10/ Quan hệ xã hội, gia đình, bạn bè.

Kinh nghiệm của ngườI Adventist và Okinawa cho thấy là những liên hệ mật thiết với gia đình, bạn bè hết sức quan trọng trong việc tránh chứng bệnh buồn chán. Suy nhược thần kinh và tổn thọ. Liên hệ thường xuyên với thân sẽ giúp cho người cao niên có được sự tự tin, có nơi
nương tựa nếu chẳng may hữu sự.

Nói chung là trong khi chờ đợi những phát minh mớI nhất giúp cho con người sống được trên 100 tuổi thì chúng ta đã có ngày trong tầm tay những phương pháp giản dị nhất để thực hiện điều này qua kinh nghiệm những người đã trải qua cuộc đời .. trên một thế kỷ !

BS Trường Xuân - Đỗ Thiên Thư st.

Quốc gia nào thông minh nhất Thế giới ?

Khái niệm thông minh ở đây không đề cập đến chỉ số IQ của người dân, chất lượng giáo dục tổng thể. Tiêu chí để xếp hạng thông minh ở đây là thành tựu, phát minh của quốc gia đó đóng góp cho nhân loại và cụ thể là số giải Nobel của quốc gia đó.

Dựa trên số giải Nobel đã được trao, trang The Richest đã tổng kết 10 quốc gia thông minh nhất.

Giải Nobel cao quý là tiêu chí xếp hạng các quốc gia thông minh nhất.

Cho đến thời điểm này, chỉ có 876 cá nhân đã từng nhận giải Nobel tương đương với khoảng 1,2 triệu tiền thưởng (năm 2012). Vậy quốc gia nào có nhiều người được nhận giải Nobel nhất ?

Dưới đây là danh sách 10 quốc gia thông minh nhất thế giới.

10. Italy – 20 giải

Michelangelo, Galileo, Machiavelli, Leonardo da Vinci là những thiên tài vĩ đại nhất của mọi thời đại. Tuy nhiên họ qua đời trước khi giải Nobel ra đời. Dẫu vậy, nước Ý vẫn vinh dự sở hữu tới 20 giải Nobel với những cái tên như Guglielmo Marconi và Enrico Fermi đã đoạt giải Nobel vật lý cho phát minh về bom nguyên tử.

Riêng Fermi có một nguyên tố trong bảng tuần hoàn mang tên ông (nguyên tố thứ 100).

9. Áo – 21 giải

Mặc dù chỉ xếp thứ 9 về số lượng giải Nobel nhưng quốc gia này sở hữu tới 7 giải Nobel cao nhất. Ðóng góp này là nhờ những nhà khoa học nổi tiếng như Erwin Schrodinger và Friedrich Hayek với phát hiện về tiền và nền kinh tế, giúp châu Âu cải tổ nền kinh tế những năm 1970.

8. Canada – 22 giải

Phát minh insulin cứu giúp hàng triệu người bị tiểu đường là của người hùng Canada Sir Frederick Banting vào năm 1921. Ông cũng là một trong những người trẻ nhất từng nhận giải thưởng Y học cao quý này.

Lester B.Pearson – Thủ tướng thứ 14 của Canada đã từng nhận giải Nobel hòa bình vào năm 1957 khi giúp đỡ Liên Hiệp Quốc giải quyết khủng hoảng kênh đào Suez. Sự thông minh của người Canada nằm ở lòng nhân từ và sự khéo léo của họ.

7. Nga – 23 giải

Không kể đến Dostoyevsky và Pushkin – 2 nhà văn lớn nhất của nước Nga chắc chắn sẽ đoạt giải Nobel nếu họ sống ở thế kỷ 19, nước Nga vẫn tự hào là quốc gia sở hữu những thành tựu văn học lớn nhất của nhân loại.

Aleksandr Solzhenitsyn

Nhà sử học Aleksandr Solzhenitsyn người Nga đã vinh dự nhận giải Nobel khi viết lại bộ lịch sử hoành tráng của dân tộc. Nước Nga cũng đi tiên phong trong ngành điện tử, lượng tử, bức xạ điện từ, chất bán dẫn cùng nhiều phát minh vĩ đại khác (hơn một nửa giải Nobel của nước Nga thuộc lĩnh vực Vật lý).

6. Thụy Sĩ – 25 giải

Thụy Sĩ là quốc gia có tỷ lệ giải Nobel trên tổng dân số cao nhất thế giới, đánh bật Nga và Canada. Nhà khoa học vĩ đại nhất của Thụy Sĩ là Einstein. Mặc dù ông sinh ra tại Ðức nhưng phần lớn cuộc đời ông sinh sống tại Thụy Sĩ, hưởng nền giáo dục của Thụy Sĩ.

Nhà vật lý hóa học vĩ đại Einstein là người Thụy Sĩ.

Hội chữ Thập đỏ thành lập tại Thụy Sĩ đã ba lần giành giải Nobel.

5. Thụy Ðiển – 29 giải

Không ngạc nhiên khi Thụy Ðiển lọt danh sách này. Ðây là quê hương của Alfred Nobel. Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Ðiển là cái nôi sản sinh ra những nhà khoa học đạt giải Nobel. Những nhà khoa học nổi bật là Hannes Alfven với phát hiện về từ trường của Trái Ðất, Svante Arrhenius người sáng lập ngành lý hóa và từng là Giám đốc Viện Nobel tới tận khi ông qua đời.

4. Pháp – 59 giải

Người Pháp có rất nhiều giải thưởng Nobel trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau: nghệ thuật, triết học, văn học, … Nước Pháp có tới 59 giải Nobel trong đó có thiên tài thời trang Jean Paul Sartre đã từng từ chối nhận giải Nobel năm 1964 vì không muốn công việc của mình bị thể chế hóa.

Marie Curie là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất giành giải Nobel trên hai lĩnh vực là Vật lý năm 1903 và Hóa học năm 1911.

3. Ðức – 104 giải

Người Ðức luôn khiến cả thế giới nể phục trước trình độ cơ khí.

Các nhà khoa học người Ðức tiêu biểu là Max Planck, người chiến thắng vào năm 1918; Milton Friedman - người có ý tưởng thực tế cải thiện chính sách kinh tế châu Âu năm 80 và Henry Kissinger, người đã giành được giải thưởng Hòa bình khi thuyết phục người Mỹ rút quân khỏi Việt Nam.

2. Anh – 121 giải

Hầu như năm nào người Anh cũng có một giải Nobel thuộc lĩnh vực nào đó. Các nhà văn như Rudyard Kipling, Bertrand Russell, William Golding và VS Naipaul đã đóng góp những thành tựu văn học vượt trội cho nước Anh.

Thủ tướng huyền thoại Winston Churchill đã từng giành giải Nobel văn học và lịch sử và Peter Higgs đã từng giành giải Nobel vật lý hiện đại. Ronal Ross đã giúp nhân loại thoát khỏi bệnh sốt rét.

1. Mỹ - 356 giải

Mỹ nắm giữ một phần ba số giải Nobel đã được trao. Không một ai có thể phủ nhận đóng góp của người Mỹ với nhân loại.

Martin Luther King Jr. đã giành giải Nobel khi đòi quyền lợi cho công dân, Sinclair Lewis và Ernest Hemingway; Richard Feynman, cha đẻ của điện động lực học lượng tử, Francis Crick và James Watson phát hiện ra DNA là những phát minh vĩ đại nhất của người Mỹ đóng góp cho nhân loại.

Phương Thảo - Thùy Hương st.

BÉ TRAI 3 TUỔI TỐ CÁO

KẺ GIẾT MÌNH Ở ‘KIẾP TRƯỚC”

*Một cậu bé 3 tuổi đột nhiên kể lại rành mạch việc mình bị sát hại ở kiếp trước như thế nào và còn nhận diện chính xác *

*nơi chôn giấu xác chết, hung khí cũng như kẻ sát nhân.*
Ở một khu vực gần biên giới Syria, có tên gọi là Cao nguyên Golan, một cậu bé nói, bản thân nhớ mình từng bị giết hại. Ban đầu, không ai tin lời cậu bé, cho mãi tới khi em dẫn các già làng tới địa điểm chôn xác chết.

Đi cùng nhóm cao niên trong làng là tiến sĩ Eli Lasch. Ông Lasch được biếtnhư người có công phát triển một hệ thống y tế của chính quyền ở Gaza. Ông Lasch đã chứng kiến toàn bộ sự việc diễn ra sau đó.

Dân làng đã đào bới ở địa điểm mà cậu bé nhận diện là nơi chôn vùi xác "kiếp trước" của mình, và quả quyết bộ xương vẫn còn ở đó. Điều kỳ lạ là, một vết rìu chém lớn trên bộ xương tìm thấy tương đồng với một vết bớt trên đầu của cậu bé.

Cậu bé kể, mình từng bị giết chết bằng một chiếc rìu, rồi dẫn các già làng tới địa điểm mà kẻ sát nhân đã chôn giấu hung khí. Mọi người quả thực đã đào được một chiếc rìu ở đó.

Cậu bé tiếp tục dẫn mọi người tới ngôi làng mình từng sống ở kiếp trước và nói cho họ biết tên của mình hồi đó. Khi người dân của ngôi làng "kiếp trước" này được hỏi về một người đàn ông có tên như cậu bé tiết lộ, họ kể, người đàn ông ấy đã mất tích cách đây 4 năm và chưa bao giờ trở về kể từ đó.

Hãy nhớ rằng, cậu bé "kiếp này" mới 3 tuổi.

Tuy nhiên, điều kỳ lạ hơn cả là, cậu bé có thể nhớ chính xác kẻ sát nhân là ai. Khi cậu bé thời hiện tại mặt đối mặt với kẻ đó, khuôn mặt của hắn đột nhiên trở nên trắng bệch và bắt đầu cư xử vô cùng khả nghi.

Sau khi cậu bé dẫn những người khác tới chính xác địa điểm chôn giấu xác chết và hung khí, kẻ sát nhân đã chịu thua và thú nhận tội ác. Cuối cùng, hắn cũng bị truy tố trước pháp luật.

“ LƯỚI TRỜI LỒNG LỘNG TUY THƯA
MÀ KHÔNG LỌT ‘ LÀ THẾ !

NGÀN PHƯƠNG st.


CẢM ƠN NGƯỜI

NHỮNG VỊ BÁC SĨ ĐANG TUYẾN ĐẦU

Thế giới run rẩy từng ngày
Đối mặt với sự sống còn từng giây
Những hơi thở phập phù
Sẽ bị chặn ngang không biết lúc nào
Những mảnh hồn chới với
Những con tim rối nhịp
Những đôi mắt thất thần
Chỉ biết chờ trông vào màu áo trắng

Không còn khái niệm đêm ngày
Đói ăn đói ngủ đói thêm nhiều thứ
Trước mặt bủa vây bao cấp cứu
Nuốt vội một chút gì thôi đủ cầm cự
Lại rồi mải miết những ống tiêm
Cơ thể trĩu nặng
Tâm hồn trĩu nặng
Giới hạn bản thân trước ánh sắc tử thần
Bải hoải và gắng gượng
Sức cùng lực kiệt hấp hối giữa khẩn cầu

Ơi những Người bác sĩ nơi tuyến đầu
Vì đâu nên nỗi
Chỉ biết thân mang đầy trọng trách
Sứ mạng đồng hành giữa những khóc than
Bên ngoài khung cửa nhập nhòa bóng người thân
Trên ghế dưới sàn nắm níu tay đồng nghiệp
Cuộc chiến kinh hoàng chưa biết ngày kết thúc
Thì còn đây hơi thở đến phút cuối cùng

Nhỏ bé như hàng tỉ sinh linh trông chờ vào vận mệnh
Chỉ có thể sớt chia chút lặng thầm cảm niệm
Nơi tuyến đầu. Người ơi xin cố bảo toàn thân nghiệp
Để chắn bớt chút tai ương đang đổ xuống dòng đời
Xin thiết tha canh cánh lấy một lời
Kính cẩn tri ân
Cúi mình thỉnh độ
Một thoảng khí trong lành tiếp sức đến Lương Y
Những ai đã thân lành hãy mãi mãi khắc ghi
Trong sự sống của bản thân mang rất nhiều trí lực
Của những Vị Bác Sĩ thân yêu đang căng mạng ở những tuyến đầu

ĐÀM LAN

XIN CHÂN THÀNH GỬI LỜI TRI CẢM VÀ ƯỚC NGUYỆN SỰ BÌNH AN ĐẾN TẤT CẢ NHỮNG CHIÊN BINH ÁO TRẮNG TRÊN TOÀN THẾ GIỚI TRONG MÙA DỊCH COVID - 19 NĂM 2020

Ngày 27 - 2 - 2020

XUÂN CHƠN GIẢ


Cuộc sống có Chơn thì có Giả
Xuân nay phải biết phân Chơn Giả
Linh hồn rèn luyện tốt là Chơn
Thể xác trau dồi hay cũng giả
Cái ẩn thâm tâm mới phải Chơn
Đồ bài trước mắt toàn là Giả
Thánh nhân vẫn mượn Giả cầu Chơn
Thiên hạ si mê Chân với Giả !...

Thanh Châu


NHỚ MỘT CHIỀU XUÂN

Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ tà áo trắng mỹ miều vãng lai
Nhớ con lộ chạy dài thôn ấp
Hoa mai vàng nở khắp đó đây
Tiếng oanh thỏ thẻ vui vầy
Chiều Xuân đầm ấm cỏ cây tươi cười
Nhớ hương chiều hai người sánh bước
Trên đường làng còn ước mưa Xuân
Tâm hồn phơi phới lâng lâng
Ngỡ rằng lạc chốn mấy tầng Thiên Thai
Chiều chiều sao mãi nhớ ai
Nhớ vầng mây trắng bay bay xa vời !.

Thanh Châu

XUÂN QUA

Mùa xuân qua rồi anh
Nắng sớm chiều vàng hanh
Chim đầu hè đua hót
Cây vẫn nảy chồi xanh

Nhạc xuân còn vang mãi
Trong lòng ta thương hoài
Dù người xa dìu viễn
Tình yêu chẳng hề phai

Một mai chúng mình xa
Anh về nơi cuối trời
Em đi đường muôn lối
Có bao giờ phôi pha

Ngày xuân rồi trở lại
Theo trời đất xoay vần
Em chờ người xa ngái
Trở về tay trong tay.

Hoài Ly


CHÚC MỪNG SINH NHẬT CHỊ LỆ NGỌC

HẠNH THÔNG CHỊ NHÉ

Căn phòng bài trí đẹp sao
Cùng nhau chúc tụng biết bao nghĩa tình
Hoa tươi – bánh mứt… linh đình
Thiết tha mến tặng: tôn vinh muôn phần

Mong Chị luôn được hồng ân
Rượu hồng nâng cốc: vơi dần bi ai
Thôi đi đừng nữa u hoài
Lau khô mắt lệ: ngày mai huy hoàng

Sống vui - khỏe mạnh an khang
Xua tan sầu khổ - trái ngang phận người
Thôi đừng buồn nữa Chị ơi!
Xuân về - Tết đến trao lời yêu thơng

Sài Gòn tháng 1/2020

Em: Vũ Thúy Hương

Từ Huế cháu tôi gửi Zalo Bia – Mộ

Chạnh lòng nhớ Cha Mẹ - Anh Chị!!!

ZALO GỢI NHỚ!!!

Hôm nay mồng hai tháng Giêng

Cháu tôi ra Huế: đoàn viên gia đình

Tri ơn cội nguồn của mình

Zalo Bia – Mộ: Cháu gửi hình Dì xem

Gợi bao kỷ niệm êm đềm

Huế ơi! Nhắc đến càng thêm nản lòng!

Mẹ Cha – Anh Chị - Tổ Tông …

Qua bao biến cố! Bão giông nào ngờ!

Đau lòng: Cúng - giỗ phụng thờ

Anh em: Cả - út: đành nhờ người thân!!!

Xuân về ký ức bâng khuân

Vườn hoang! Nhà trống! Nghĩa ân phương nầy

Rời bè bạn! Xa Cô Thầy!

Hương Giang trầm mặc: đong đầy nhớ thương

Kim Long – Thiên Mụ mãi vương!!!

Thuận An - Vỹ Dạ - Thừa Lương xa rồi!!!

Nam Giao – Long Thọ… bồi hồi!!!

Tịnh Tâm – Đại Nội: chao ôi mộng hoài

Làm sao quên được Cầu Hai

Thuyền đưa – Mái đẩy: cùng ai hẹn hò

Xa kia thấp thoáng con đò

Ngập ngừng lưu luyến: dặn dò gửi trao

Ơ kìa! Dáng Ngọc hanh hao

Huế ơi! Quê cũ làm sao tỏ tường:

Ra đi trăn trở tha phương

Cố đô ơi hỡi! Thiên đường mộng mơ.

Vũ Thúy Hương

NHẬN THỨC XUÂN

Với Tôi Xuân đến giản đơn
Thích nghi tập tục : thua hơn làm gì?
Có người khoái chí cầu kỳ
Phô trương cốt để phân bì hèn sang
Chắc là bản tính nặng mang
Chơn chất - khiêm tốn : bẽ bàng lắm sao ?!
Bao nhiêu hoàn cảnh lao đao
Bấy nhiêu tệ nạn : kể sao cho vừa!
Than ôi! : nhìn ngắm lạ chưa?
Người thì đói rét. ! Kẻ ưa hợm mình
Hay là họ muốn tôn vinh
Xuân về tết đến: cung nghinh sang giàu
Sống lâu mới biết vàng thau
Tâm Đức hướng thiện : cùng nhau giao hoà

Vũ Thúy Hương

Trước một Đại Văn Hào

Lép Tônxtôi

Đỉnh của muôn ngọn núi

Tự thu mình

Trong vuông cỏ

Dãi dầu

Đầu suối cạn

Những tác phẩm thiên tài

Vượt ra ngoài

Các giới hạn

Đấng Tạo Hóa nằm đây

Nhỏ bé cô đơn

Bên gốc một cây sồi

Tôi lặng lẽ cúi đầu và khẽ gọi:

- NƯỚC

NGA

ƠI!

Pôliana 18-5-1990

Trần Nhuận Minh

IN FRONT OF THE TOMB OF GREAT WRITER

LEO NIKOLAYEVICH TOLSTOI

The peaks of thousands of mountains

Shrank themselves

In the square of grass

Weather-beaten

On top of the dried mountain stream

Genius masterworks

Surpassing

All limits

The Creator lies here

Small and lonely

Beside the base of an oak-tree

I silently bowed my head and called softly:

O

DEAR

RUSSIA!

Poliana May l8, 1990

Trần Nhuận Minh - Translated by Vũ Anh Tuấn


Phụ bản III

Giáo dục

Phải chăng giáo dục
là giúp cho người học
Đào sâu thêm tri thức
và mở rộng tầm nhìn

Để trở thành người
Có tư duy phản biện
Độc lập, tự do
và lương thiện

Con người khai phóng tiềm năng
Tự tin, thoát ra khỏi sự sợ hãi
Sợ cái mới, cái khác…, sợ dại
Người học sẽ được giá trị vô giá mang lại

Đó là tự do
Thoát khỏi sự áp đặt vô lý bên ngoài
Thoát khỏi vô minh
Để được làm chính mình.

Lê Minh Chứ


Hai Lúa Cần Thơ

Trai tơ tuổi chuột thằng Cu Tí

Tên rất dễ thương mồm xá lị

Cày ruộng đồng sâu, cứ nán hoài…

Trả bài vợ đẹp: chừ xong hỉ?!!

Cười trừ lẳng lặng biết chi mô

Học dốt khù khờ sao hiểu kỹ

Hai Lúa chèo xuồng chợ Cái Răng

Tìm mua bửa củi bông thiên lý…

01-01-2020 Chữ Đông Minh

Trên dòng sông Hậu

Chân trời góc biển tím tình yêu

Hai đứa chung vui một túp lều

Khuya sớm tảo tần qua bão tố

Tháng ngày lam lủ mặc rong rêu

Xa nhau đã chín ba mùa lúa

Nhớ mãi tinh khôi một dáng kiều

Bìm bịp kêu chiều con nước lớn

Thuyền về kịp đến bến cô Liêu.

02-11-2019 Chữ Đồng Minh

Tiếng Việt Dễ Thương Nam, Bắc


Bắc bảo Kỳ , Nam kêu Cọ (gọi là Kỳ Cọ)
Bắc gọi lọ , Nam kêu chai
Bắc mang thai , Nam có chửa
Nam xẻ nửa , Bắc bổ đôi
Ôi! Bắc quở Gầy , Nam than Ốm
Bắc cáo Ốm , Nam khai Bịnh
Bắc định đến muộn , Nam liền la trễ
Nam mần Sơ Sơ , Bắc làm Lấy Lệ
Bắc lệ tuôn trào , Nam chảy nước mắt
Nam bắc Vạc tre , Bắc kê Lều chõng
Bắc nói trổng Thế Thôi , Nam bâng quơ Vậy Đó
Bắc đan cái Rọ , Nam làm giỏ Tre
Nam không nghe Nói Dai , Bắc chẳng mê Lải Nhải
Nam Cãi bai bãi , Bắc Lý Sự ào ào
Bắc vào Ô tô , Nam vô Xế hộp
Hồi hộp Bắc hãm phanh , trợn tròng Nam đạp thắng
Khi nắng Nam mở Dù , Bắc lại xoè Ô
Điên rồ Nam Đi trốn , nguy khốn Bắc Lánh mặt
Chưa chắc Nam nhắc Từ từ , Bắc khuyên Gượm lại
Bắc là Quá dại , Nam thì Ngu ghê
Nam Sợ Ghê , Bắc Hãi Quá
Nam thưa Tía Má , Bắc bẩm Thầy U
Nam nhủ Ưng Ghê , Bắc mê Hài Lòng
Nam chối Lòng Vòng , Bắc bảo Dối Quanh

Nhanh nhanh Nam bẻ Bắp , hấp tấp Bắc vặt Ngô
Bắc thích cứ vồ , Nam ưng là chụp
Nam rờ Bông Bụp , Bắc vuốt Tường Vi
Nam nói: mày đi! Bắc hô: cút xéo!
Bắc bảo: cứ véo ! Nam: ngắt nó đi .
Bắc gửi phong bì , bao thơ Nam gói
Nam kêu: muốn ói , Bắc bảo: buồn nôn!
Bắc gọi tiền đồn , Nam kêu chòi gác
Bắc hay khoác lác , Nam bảo xạo ke
Mưa đến Nam che , gió ngang Bắc chắn
Bắc khen giỏi mắng , Nam nói chửi hay
Bắc nấu thịt cầy , Nam thui thịt chó
Bắc vén búi tó , Nam bới tóc lên
Anh Cả Bắc quên , anh Hai Nam
Nam: ăn đi chú , Bắc: mời anh xơi!
Bắc mới tập bơi , Nam thời đi lội
Bắc đi phó hội , Nam tới chia vui
Thui thủi Bắc kéo xe lôi , một mình xích lô Nam đạp
Nam thời mập mạp , Bắc cho là béo
Khi Nam khen béo , Bắc bảo là ngậy
Bắc quậy Sướng Phê , Năm rên Đã Quá!
Bắc khoái đi phà , Nam thường qua bắc
Bắc nhắc môi giới , Nam liền giới thiệu
Nam ít khi điệu , Bắc hay làm dáng

Tán mà không thật, Bắc bảo là điêu
Giỡn hớt hơi nhiều, Nam kêu là xạo
Bắc nạo bằng gươm , Nam thọt bằng kiếm
Nam mê phiếm , Bắc thích đùa
Bắc vua Bia Bọt , Nam chúa La-De
Bắc khoe Bùi Bùi lạc rang , Nam: Thơm Thơm đậu phộng
Bắc xơi na vướng họng , Nam ăn mãng cầu mắc cổ
Khi khổ Nam tròm trèm ăn vụng , Bắc len lén ăn vèn
Nam toe toét “hổng chịu đèn”, Bắc vặn mình “em chả
Bắc giấm chua “cái ả”, Nam bặm trợn “con kia
Nam mỉa “tên cà chua”, Bắc rủa “đồ phải gió
Nam nhậu nhẹt thịt chó , Bắc đánh chén cầy tơ
Bắc vờ vịt lá mơ , Nam thẳng thừng lá thúi địt
Khi thấm, Nam xách thùng thì Bắc bê sô
Nam bỏ trong rương , Bắc tuôn vào hòm
Nam lết vô hòm , Bắc mặc áo quan
Bắc xuýt xoa “Cái Lan xinh cực!”,
Nam trầm trồ “Con Lan đẹp hết chê!”
Phủ phê Bắc trùm chăn , no đủ Nam đắp mền
Tình Nam duyên Bắc có thế mới bền mới lâu…

Quan Thùy Mai st.

Hương Em

Trăng Rằm sáng tỏ

Xuân đầy trong Em

Hương em Hà Nội

Rực rỡ dịu êm

Em Hà Nội phố

Bình minh ửng lên

Thêm yêu Hà Nội

Rộn ràng có em

Thêm yêu Hà Nội

Tình Xuân dịu êm.

Phùng Chí Tâm

TỰ CỨU MÌNH
BẰNG CÁCH GIÚP NGƯỜI KHÁC


Tướng Dwight Eisenhower phục vụ với tư cách Tư lệnh Tối cao của Lực lượng Đồng Minh ở Châu Âu trong chiến tranh thế giới thứ II. Một hôm, tướng Eisenhower, cùng với đoàn tùy tùng, đang vội lái xe về tổng hành dinh quân đội ở Pháp để tham dự một cuộc họp khẩn cấp. Trời mùa đông rất lạnh, mưa tuyết rơi đầy bầu trời, và cái lạnh thấu xương quét qua cả lục địa Châu Âu.

Đang đi trên đường thì đột nhiên, tướng Eisenhower để ý thấy một cặp vợ chồng già người Pháp đang ngồi bên lề đường, run lên bần bật trong giá rét. Eisenhower lập tức ra lệnh dừng lại và muốn phái một thông dịch viên tiếng Pháp hỏi thăm tình hình. Một viên tham mưu nhắc nhở Eisenhower: “Chúng ta phải nhanh lên, không thì trễ họp mất. Hãy để lại vấn đề này cho lực lượng cảnh sát địa phương”. Thực ra, ngay cả viên tham mưu cũng biết rằng đó chỉ là cái cớ để khiến Eisenhower bỏ qua cặp vợ chồng già đang run rẩy ở đó mà thôi.

Tướng Eisenhower, dẫu vậy vẫn khăng khăng, nói: “Nếu chúng ta đợi cảnh sát địa phương tới, sẽ là quá muộn. Cặp vợ chồng già này sẽ chết cóng trước khi họ đến”. Sau khi trò chuyện với cặp vợ chồng già, tướng Eisenhower biết được là họ đang trên đường tới Paris gặp con trai. Xe của họ đã chết máy ngang đường, và bây giờ, họ không có gì để chống chọi lại cái lạnh run người này.

Tướng Eisenhower bảo cặp vợ chồng già mau lên xe của mình. Vị Tư lệnh Tối cao quân Đồng Minh không hề nghĩ nhiều đến danh phận của mình. Ông không hề tỏ thái độ gì trước cặp vợ chồng khốn khó, mà ông chỉ theo bản tính lương thiện tự nhiên là giúp đỡ người hoạn nạn. Tướng Eisenhower liền đổi hành trình tới Paris trước để cặp vợ chồng gặp con trai, trước khi lái xe tới tổng hành dinh.

Kết quả là, chính sự chuyển hướng ngoài kế hoạch của tướng Eisenhower đã cứu sống mạng của ông! Quân Quốc Xã đã có tin tình báo rằng Eisenhower sẽ lên đường tới buổi họp, và họ đã biết chính xác hành trình của tướng Eisenhower. Quân Quốc Xã đã bố trí sẵn các tay súng bắn tỉa rình tại các ngã tư, đợi tướng Eisenhower tới để ám sát ông. Hitler đã quyết tâm tiêu diệt Eisenhower vào ngày hôm ấy.Nhưng hóa ra, hành động tử tế của tướng Eisenhower đã phá tan âm mưu sám sát ông của Đức Quốc Xã. Hitler chán nản và đổ lỗi cho các đặc vụ tình báo về sự thất bại. Ông ta không bao giờ nghĩ ra rằng chính sự tốt bụng của Eisenhower đã giúp ông đổi hành trình và tránh được cuộc đụng độ chết người ấy. Đó là một biểu hiện rõ ràng rằng Trời sẽ ban phúc cho những ai đức hạnh và thiện lương.

Một vài nhà sử học đã bình luận rằng tướng Eisenhower đã hóa giải một nỗ lực ám sát đơn giản chỉ nhờ trái tim lương thiện. Nếu tướng Eisenhower bị sát hại vào thời điểm đó, lịch sử cả cuộc chiến tranh thế giới II có thể đã thay đổi hoàn toàn.
Làm điều tốt là khác với đánh một cái dấu lên tờ ngân phiếu. Trong ngân hàng đức, vốn đức của một người sẽ tăng lên chừng nào người ấy còn làm việc tốt. Do đó, người ta nói thiện lương và đức hạnh của một người giống như kho trữ vàng có thể dùng mãi mà không cạn. Khi bạn đang giúp người khác, bạn thực sự đang giúp chính mình. Cũng như câu nói của người Trung Quốc xưa: “Phúc tại tích thiện, họa tại tích ác”. Câu chuyện trên đã đưa ra minh chứng cho câu nói cổ của người Trung Quốc.

Một niệm thiện, không phải là đến một cách vô cớ. Người ta phải không ngừng tu dưỡng bản thân, và liên tục tích tồn thiện niệm. Chỉ bằng cách ấy, người ta mới có thể đưa ra những quyết định thiện từ chỉ trong chốc lát. Vậy thì, tại sao chúng ta không bắt đầu từ bây giờ? Hãy bắt đầu tất cả từ tâm chúng ta, và gieo trồng thiện niệm trong tâm chúng ta. Khi thời gian trôi qua, chúng ta có thể bảo đảm rằng chúng ta sẽ tích rất nhiều đức và hưởng phúc từ Thiên Đường.

Đào Minh Diệu Xuân st.

*****

NGHI VẤN LỊCH SỬ

I. Nghi vấn vẫn còn nghi vấn:

1. Quan chức thời nhà Nguyễn:

Khi Nguyễn Công Trứ đậu Cử nhân, ông được phong quan thất phẩm. Như vậy, quan tứ phẩm với chức Quản cơ có khi vào hàng quan cấp Tá; quan tam phẩm với chức Lãnh binh có khi vào hàng quan cấp Đại tá chăng?

2. Quan chức của ông Trương Công Định trong đồn Kỳ Hòa là Quản cơ chỉ huy một cơ binh đương đầu với giặc trước hết. Tôi suy luận ông Trương Công Định vào hàng quan lớn, quan Tiêu phương của quân đội phong kiến ngày xưa.

3. Tình thế nước ta sau hòa ước 1862:

Hòa ước 1862 quy định nước Nam phải nhường đứt cho Pháp tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường nhưng vua Tự Đức cử phái đoàn do ông Phan Thanh Giản cầm đầu sang Pháp để chuộc lại. Để tỏ thiện chí với Pháp , nhà vua cách chức Quản cơ của ông Trương Công Định. Ông Trương Công Định kháng linh, lập căn cứ kiên cố ở Gò Công để chống Pháp. Triều đình Tự Đức thì ngoài mặt là cách chức triệu hồi nhưng ngấm ngầm yểm trợ ông Trương Công Định để làm áp lực thương thuyết hay đánh chiếm luôn lại ba tỉnh đã nhường. Do vậy nên việc yểm trợ cho ông Trương Công Định vẫn phải giữ bí mặt hoàn toàn.

4. Lý do nào mà nghi vấn còn giữ kín đến nay:

Vì giữ kín việc yểm trợ cho Trương Công Định nên quan chức đi tiếp viện được giấu kín. Đời con của các quan nói trên có lẽ sống chui sống nhủi ở nông thôn chớ không ra nơi đô thị do Pháp cai trị hoặc họ lại chống Pháp mà chết đi hoặc họ nghèo khổ lo lao động kiếm sống mà không rảnh để kể cho con cháu mình biết. Vài đời sau, việc tổ tiên đi tiếp viện cho Trương Công Định bị mai một và mất bẳng. Nay tôi kể lại việc này là chỉ nghe được mà kể lại chớ người kể là ai, đúng sai thì không biết.

II. Quan chức tiếp viện cho ông Trương Công Định:

Khi ông Trương Công Định nổi lên chống Pháp ở Gò Công, triều đình Huế mật sai ông Lãnh binh Cẩn và quan Tham mưu là Phạm Văn Hữu đem quân tăng cường. Sứ giả mang chiếu tới nhà ông Phạm Văn Hữu ở làng Song Địn, ông Hữu tuân chỉ bỏ cả ruộng nương mà đi. Tất cả nhập thành Gò Công.; Điểm này có lẽ cần bàn thêm là sau khi lên ngôi, vua Gia Long có đặt Biền Binh Ban Lê, binh lính chia ba phiên, hai phiên về quê quán canh tác, một phiên ở lại, cứ luân lưu nhau. Còn các vị khoa bảng, nếu không có chức vụ ở triều đình hay có chức vụ mà xin nghỉ về quê, có lẽ cũng được về quê sinh sống, khi cần thì vua triệu tập chăng?

Trong quân đội, đoàn quân có quan Tham mưu thì phải ở cấp Trung đoàn hay Sư đoàn. Chỉ huy và quan Tham mưu phải từ cấp Đại tá tới Thiếu tướng. Nhưng đây là đoàn quân bí mật đi tiếp viện nên quân số có lẽ chỉ từ một trăm đến hai trăm thôi. Với tổ chức lớn, đoàn quân tới địa phương thì tiếp nhận quân địa phương để tổ chức chống giặc. Vào thành Gò Công, có lẽ bề thế ông Cẩn lớn hơn ông Định. Nhưng cả hai hợp sức chống giặc thôi.

Lính trong thành Gò Công được trang bị giáo mác và súng thô nhưng khá đầy đủ. Thời này súng cá nhơn là Thạch cơ điểu thương, khi bắn thì mồi lửa nên bất tiện và có khi thiếu chính xác. Ông cũng có mua được một ít súng hiện đại. Súng lớn giữ thành là súng lòi tói do nghĩa quân tự sáng chế. Mỗi lần bắn, sợi lòi tói dài có thể siết chết năm bảy lính giặc. Quân Pháp rất sợ súng này. Ngoài ra, súng lớn trong thành cũng có súng đại bác làm bằng đồng nhưng có lẽ đạn là khối đồng hay chì hay đá đẻo tròn. Đạn phải gọt đẽo công phu nên việc dùng phải tùy nghi.

Đạn lòi tói thì dễ làm. Có lẽ đạn đặt sao đó sát họng súng để bắn thì sợi lòi tói văng ra xa vài chục thước. Thời này ông Trương Công Định đem quân đi đánh Chợ Lớn, Tân An, Chợ Gạo, Cái Bè, Bến Lức, Phú Lâm… do đó quân Pháp cũng phải dốc toàn lực để đánh tan căn cứ Gò Công của Trương Công Định.

Về sau Việt gian mở cửa thành cho giặc Pháp tràn vào. Gò Công thất thủ. Ông lãnh binh Cẩn tự tử. Lính triều đình còn đó thì quan Tham mưu phải dẫn về trong khi ông Trương Công Định thu thập tàn quânđể chống giặc tiếp và tử trận ở làng Gia Thuận bên sông Vàm Láng năm 1864.

Có lẽ ông Phạm Văn Hữu dẫn quân về ngả Cầu Giuộc và có ghé qua nhà ông Hữu ở Long Định mà ngày nay thuộc quân Cần Đước tỉnh Long An. Đi từ Gò đen (Quốc lộ 1) vào,tới xã Long Định. Tôi võ đoán là ông Hữu có ghé nhà ở Long Định là vì khi kể lại việc này, người kể giống như nhìn thấy tận mắt lính của ông Hữu vậy.

Khánh Hội – Quận Tư Sài Gòn ngày 28/8/2019

Phạm Hiếu Nghĩa

*****

27 lý do khiến chúng ta

nên cười mỗi ngày

Chúng ta cần phải tạo lý do để cười... nếu chúng ta muốn có một ngày vui...

1- Cười là một thần dược trị được cả bệnh thể xác lẫn bệnh tâm hồn.

2- Cười làm cho ta cởi mở bao dung và có một tinh thần lạc quan yêu đời.

3- Cười làm tăng hồng huyết cầu và lá lách hoạt động tích cực hơn.

4- Cười làm tăng sinh lực, khiến ta vui vẻ, lanh lợi và thêm lòng yêu thương.

5- Cười làm cánh cửa cảm thông rộng mở thật dễ dàng với mọi người.

6- Cười mím, cười nụ, cười ra tiếng làm khuôn mặt chúng ta dễ mến hơn.

7- Cười làm thư giãn các bắp thịt trên mặt, tan biến những căng thẳng.

8- Cười làm toàn thân được nhẹ nhàng thanh tịnh, thư thái và an lạc.

9- Cười giúp ta tránh được tâm trạng cay đắng khổ đau, phản ứng kịp thời.

10- Cười giúp cho tâm hồn lành mạnh và thêm khả năng sáng tạo mọi việc.

11- Cười nhiều giúp ta biết tự kỷ có trách nhiệm và thực tế hơn.

12- Cười nhiều tránh được buồn nản, dễ thành công vì tiếng cười là trí tuệ.

13- Cười là khoảng cách ngắn nhất giữa hai tâm hồn, là biết nghệ thuật sống.

14- Cười dễ vui theo cái vui của người khác, hoan hỉ như mình thành đạt vậy.

15- Cười có thể làm tan di nỗi bực mình, buồn phiền của người đối diện.

16- Cười giúp ta vui sống hiện tại, quên hết quá khứ và lo lắng về tương lai.

17- Cười giúp ta trở về với chính mình, tức là thực sự trở về đời sống mới.

18- Cười có nhiều lợi ích cho ta về sức khỏe, tinh thần và cảm xúc tâm linh.

19- Cười giúp hồn nhiên tươi sáng,có nhiều khả năng chống lại bệnh tật.

20- Cười giúp các tế bào loại T trong máu tăng lên, có sức đề kháng mạnh.

21- Cười làm giảm phong thấp, các khớp xương đỡ bị sưng và chống sưng.

22- Cười làm giảm các chất hóc môn (cortisone) trong thận, sẽ sống khỏe hơn.

23- Cười tránh được nhức đầu, đau tim, cao huyết áp và mỡ trong máu.

24- Cười giúp tống khứ các khí dơ, thêm nhiều dưỡng khí cho bộ não thông minh.

25- Cười làm tăng máu, chống viêm khớp, làm con người luôn tỉnh táo.

26- Cười tạo điều kiện cho ánh sáng nội tâm thể hiện, thấu suốt mọi sự vật.

27- Cười giúp những nét phiền muộn tan biến, gương mặt trở nên tươi trẻ ra

Bùi Đẹp st.


5 Cái “ĐỪNG” Của Cuộc Đời

Con người muốn được sống hạnh phúc, thanh thản mà trong tâm lại vẫn cứ ôm giữ , oán hận thì vĩnh viễn không thể nào đạt được. Hãy ghi nhớ 5 thứ “ĐỪNG” sau đây để cuộc sống không phải vướng bận điều gì nữa!

Có tiền đừng keo kiệt, có phúc đừng chờ đợi.

Cái đừng thứ nhất: Có tiền đừng keo kiệt

Tiền khi sinh chẳng mang theo đến, khi tử chẳng mang theo đi. Sức khỏe mới là thứ quan trọng hơn nhiều, có sức khỏe thì mới có tất cả.

Trong dân gian có câu nói: “Không sợ kiếm ít tiền, chỉ sợ chết sớm”. Có sức khỏe thì ngại gì không kiếm được tiền. Vì sức khỏe, khi nào cần chi tiêu thì hãy chi tiêu, có tiền đừng keo kiệt.

Cái đừng thứ hai: Có phúc đừng chờ đợi

Con cháu đều có phúc của con cháu, đừng quá vì con cháu mà biến mình thành thân trâu ngựa. Nên danh thời gian hưởng thụ cuộc sống, đừng vì con cháu mà làm việc quá sức, làm cố quá là sát thủ nguy hiểm nhất của sức khỏe.

Con cháu đều có phúc của con cháu, đừng quá vì con cháu mà biến mình thành thân trâu ngựa.

Cái đừng thứ ba: Có tình yêu đừng buông bỏ

Cuộc đời thật ngắn ngủi, tình yêu lại không dễ tìm kiếm, cho dù yêu hay được yêu đều là duyên phận, đều nên đón nhận, ngày hôm nay bạn buông bỏ, thì kiếp này nó sẽ không bao giờ đến với bạn nữa.

Cái đừng thứ tư: Tức giận đừng để trong lòng

Trong cuộc đời, ai cũng có thể phải gặp những chuyện khó khăn hay không vừa ý, đừng nên vì thế mà “nộ khí xung thiên”. Tức giận là tồn tại khách quan, không nên giữ ở trong lòng, nín thở thì khí sẽ ứ tắc, khí ứ tắc thì sẽ sinh bệnh.

Gặp phải những sự việc khiến ta tức giận, hãy tìm người để khai thông nó, thổ lộ ra hết, như vậy sẽ gỡ bỏ nó nhanh hơn, nội tâm sẽ yên bình trở lại.

Bạn bè chính là công cụ “thông tức khí” tốt nhất, cũng là nguồn động lực, khích lệ tinh thần, tiếp thêm sức mạnh tốt nhất cho bạn.

Hãy làm cho mỗi ngày trong cuộc đời của bạn là một ngày vu i sống.

Cái đừng thứ năm: Có thù hận đừng ghi nhớ

Lòng dạ khoáng đạt, dùng thiện lương nhân ái để đối đãi, không để ý những chuyện nhỏ, gạt bỏ ân oán, cũng không để thù hận trong lòng. Hãy làm cho mỗi ngày trong cuộc đời của bạn là một ngày vui sống.

Người xưa sống được trường thọ vì họ có “tam bất thức”, chính là không cần biết 3 điều, không quan tâm ân oán, không quan tâm tuổi tác, không quan tâm bệnh tật.

Hãy rèn luyện những điều này để sống thật vui vẻ nhé!

Cuộc sống có nhiều điều kỳ thú lắm bạn ơi! Trong cuộc sống không nên so sánh, một người lái chiếc xe Mercedes-Benz giá 4 tỷ, nhưng họ có thể vay ngân hàng tới 20 tỷ, cuộc sống của họ thực sự đang rất khốn đốn. Một người đi chiếc xe Volkswagen 500 triệu, nhưng họ có thể đang nợ ngân hàng tới 2 tỷ đồng, cũng đang ở trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng. Vì thế không thể nhìn bề ngoài mà phán xét họ được.Người đi xe hàng tỷ không phải lúc nào cũng có thể vui mừng.

Một người đi chiếc xe đạp điện 6 triệu, nhưng họ vẫn có 60 triệu gửi ngân hàng. Họ sống một cuộc sống an nhàn. Lúc 3 người gặp nhau ở trên đường, người đi xe đạp điện ngưỡng mộ người lái xe Volkswagen, người lái xe Volkswagen ngưỡng mộ người lái xe Mercedes-Benz, người lái xe Mercedes-Benz lại mong muốn có được cuộc sống như người đi xe đạp điện.

Vì đâu ai biết có thể người lái chiếc xe Mercedes-Benz giá 4 tỷ, nhưng họ có thể vay ngân hàng tới 20 tỷ, cuộc sống của họ thực sự đang rất khốn đốn. Một người đi chiếc xe Volkswagen 500 triệu, nhưng họ có thể đang nợ ngân hàng tới 2 tỷ đồng, cũng đang ở trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng đấy thôi.

Ai cũng có thể trở thành nô lệ của đồng tiền, nô lệ của cuộc sống!

Mèo thích ăn cá, nhưng mèo lại không biết bơi. Cá thích ăn giun, nhưng cá lại không thể lên bờ. Thượng đế mang đến cho bạn rất nhiều thứ hấp dẫn, nhưng lại không cho bạn dễ dàng đạt được nó.Nhưng, cũng không thể cứ đổ máu thì kêu đau, sợ tối thì bật điện, nhớ nhung thì liên lạc, ngày hôm nay với bạn là chuyện lớn, nhưng có thể ngày hôm sau lại là chuyện nhỏ. Cuộc đời giống như cây bồ công anh, nhìn có vẻ tự do, nhưng kỳ thực lại là thân bất do kỷ.

Có những chuyện không phải là không thèm lưu tâm, mà là có lưu tâm cũng chẳng làm được gì. Chỉ biết dốc toàn lực của mình để ứng phó là được, cuộc đời không có nếu, chỉ có hậu quả và kết quả …

Đời là bể khổ, bây giờ bạn không khổ, sau này sẽ càng khổ

Vạn sự tương sinh tương khắc, không có lên thì không có xuống, không có thấp thì không có cao, không có đắng thì không có ngọt.

Chỉ khi biết thế nào là mệt mỏi, thì mới cảm nhận được thế nào là an nhàn; nếm qua cay đắng thì mới biết thế nào là ngọt bùi. Nhân lúc đang còn trẻ, dũng cảm bước đi, nghênh đón phong sương gió mưa, tôi luyện bản thân, có thể độ lượng, có thể nhìn xa trông rộng, thì hạnh phúc mới đến. Trên thế giới này ngoại trừ bạn ra, thì không có ai có thể thực sự giúp đỡ bạn, nếu có giúp thì cũng chỉ là tạm thời. Rất nhiều người đã từng nếm thử “trứng luộc trong nước trà”, vỏ trứng nứt càng nhiều, thì trứng ăn càng ngon miệng. Tương tự như vậy, trong cuộc sống trải nhiệm càng nhiều, trắc trở càng nhiều thì sẽ càng có hương vị. Trứng gà bị vỡ do tác động từ bên ngoài là đồ ăn, bị vỡ do tác động từ bên trong thì chính là sinh mệnh. Cuộc sống cũng vậy, làm vỡ từ bên ngoài là áp lực, làm vỡ từ bên trong chính là trưởng thành.

Nếu bạn chờ người khác làm vỡ bạn từ bên ngoài, thì nhất định bạn sẽ là món ăn của người khác; nếu bạn có thể đánh vỡ chính mình từ bên trong, như vậy bạn sẽ thấy rằng mình đã thực sự trưởng thành, cũng giống như là được tái sinh.

Nhìn thấy một con bướm đang giãy giụa muốn thoát ra khỏi cái kén, có người hảo tâm giúp nó thoát ra. Nhưng không ngờ rằng, sau khi con bướm thoát ra ngoài, nó lại không thể duỗi đôi cánh ra được, và cuối cùng thiệt mạng.

Giãy giụa chính là điều con bướm cần làm để trưởng thành, lúc đó bạn giúp nó thoải mái, nhưng sau này nó sẽ không có đủ sức mạnh để đối mặt với những thử thách sẽ phải gặp trong cuộc đời.

Nếu bạn muốn hóa thân thành con bướm, thì bạn phải chịu đựng được nỗi khổ của quá trình giãy giụa ở trong kén, vậy thì mới có thể dang cánh bay cao được.

Trong cả cuộc đời, bạn phải tôn trọng bao nhiêu người, thì sẽ có bấy nhiêu người tôn trọng bạn. Bạn tin tưởng bao nhiêu người thì sẽ có bấy nhiêu người tin tưởng bạn.
Bạn có thể giúp bao nhiêu người thành công, thì sẽ có bấy nhiêu người giúp bạn thành công!

Trên thế giới này, người giàu có nhất, thường là người vấp ngã nhiều nhất. Người có thể thành công là người mỗi lần vấp ngã, không chỉ có thể đứng dậy, mà vẫn có thể kiên trì tiếp tục bước đi.

TU VU st.


101 điều thú vị về trái đất

Chúng ta đang sống trên một quả cầu đầy những điều kỳ quặc và độc đáo. Thực chất nó không phải hình cầu mà là một hành tinh hoang dại, lổn nhổn những ngọn núi lửa lụi tàn, rung chuyển bởi các trận động đất kinh hoàng, ngập chìm trong những cơn đại hồng thuỷ. Nhưng đâu mới là điều tồi tệ nhất?

Một số thung lũng của trái đất chìm sâu dưới biển. Nhiều ngọn núi lại vươn chồi lên trên lớp không khí mỏng. Bạn có thể nêu tên điểm thấp nhất trên trái đất? Đỉnh cao nhất? Bạn có biết đường vào trung tâm trái đất là bao xa và có gì ở đó? Nơi nóng nhất, lạnh nhất, khô nhất, lộng gió nhất là ở đâu?

1. Nơi nào nóng nhất trên trái đất?

Nếu bạn đoán là Thung lũng chết ở California, Mỹ, thì bạn hoàn toàn sai. El Azizia ở Libya đã đạt được nhiệt độ kỷ lục 57,8 độ C vào 13/9/1922. Thung lũng chết chỉ đạt 56,6 độ C vào 10/7/1913.

2. Nơi lạnh nhất trên thế giới?

Ở rất xa, nhiệt độ thấp nhất từng đo được trên trái đất là -89 độ C ở Vostok, Nam Cực, vào ngày 21/7/1983.

3. Cái gì tạo nên sấm sét?

Nếu bạn đoán rằng "tia chớp" thì cũng xin bái phục. Nhưng có một câu trả lời sáng tỏ hơn. Không khí xung quanh tia chớp bị hâm nóng lên gấp 5 lần nhiệt độ của mặt trời. Sự hâm nóng đột ngột này khiến không khí nở ra nhanh hơn tốc độ của âm thanh, làm cho không khí xung quanh bị nén lại và tạo nên shock wave, chúng ta nghe thấy như tiếng sấm.

4. Đá có thể nổi trên nước?

Trong những đợt phun trào núi lửa, lớp khí bị bắn ra mạnh mẽ từ dung nham tạo nên một loại đá sủi bọt gọi là đá bọt, chứa đầy các bong bóng khí. Một số hòn đá này có thể nổi trên mặt nước.

5. Đá có thể to lên không?

Có, nhưng theo dõi quá trình này thì còn chán hơn là xem sơn khô. Những hòn đá này (iron-manganese crusts) lớn lên trên các ngọn núi ở dưới biển. Chúng kết tủa chậm rãi vật chất từ nước biển, to lên khoảng 1 mm trong 1 triệu năm. Móng tay của bạn cũng mọc lên từng đó trong 2 tuần.
6. Bao nhiêu lượng bụi từ không trung rơi xuống trái đất mỗi năm?

Con số này vô định, nhưng USGS cho rằng có ít nhất 1.000 triệu gram, tức là khoảng 1.000 tấn vật chất rơi vào bầu khí quyển mỗi năm và hạ cánh xuống bề mặt trái đất.

7. Bụi có thể bay bao xa trong gió?

Một nghiên cứu vào năm 1999 cho biết bụi từ châu Phi đã tìm đường tới Florida và khiến nhiều nơi ở bang này vượt giới hạn chất lượng không khí cho phép do Uỷ ban bảo vệ môi trường Mỹ quy định. Số bụi đó được những cơn gió lớn ở Bắc Phi đón đường và đưa lên cao 6.100 m, nơi đó bụi lại gặp gió mậu dịch và được đưa qua biển. Bụi từ Trung Quốc cũng đã vượt đại dương tìm sang Bắc Mỹ.

8. Thác nước cao nhất thế giới ở đâu?

Thác Thiên thần (Angel Falls) ở Venezuela, chảy từ độ cao 979 m.

9. Hai thành phố lớn nào của Mỹ sẽ bị nhập vào nhau?

Khe nứt San Andreas chạy theo hướng bắc nam đang phân tách với tốc độ 5 cm/năm, khiến cho Los Angeles tiến gần về San Francisco. Ước đoán Los Angeles sẽ trở thành khu vực ngoại ô của thành phố bên Vịnh trong 15 triệu năm nữa.

10. Trái đất có phải hình cầu?

Do hành tinh của chúng ta xoay tròn và linh hoạt hơn bạn có thể tưởng tượng, nó phình ra ở phần giữa, tạo nên hình giống như quả bí ngô. Chỗ phình ra này đang giảm dần qua hàng thế kỷ, nhưng nay bỗng nhiên nó lại phát triển. Chính sự băng tan ngày càng nhiều trên trái đất chính là nguyên nhân khiến vành xích đạo nở ra.

11. Trọng lực trên sao Hỏa bằng 38% trọng lực trái đất, tính ở mực nước biển. Vì thế, một người nặng 100 kg trên trái đất sẽ nặng 38 kg trên sao Hoả. Tuy vậy, theo những kế hoạch hiện thời của NASA thì phải mất hàng thập kỷ nữa con số này mới được kiểm chứng.

12. Một năm trên sao Hỏa dài bao nhiêu?

Nó đúng bằng một năm, nếu bạn đến từ sao Hỏa. Nhưng đối với người trái đất, nó gần như dài gấp đôi. Hành tinh đỏ mất 687 ngày để quay quanh mặt trời, so với 365 ngày của trái đất.

13. Một ngày trung bình trên sao Hỏa dài bao nhiêu?

Người sao Hỏa có thể ngủ (hoặc làm việc) nhiều hơn nửa tiếng mỗi ngày so với bạn.. Một ngày trên sao Hỏa dài 24 giờ 37 phút, so với 23 giờ 56 phút trên trái đất. Một ngày trên bất cứ hành tinh nào thuộc hệ mặt trời được tính bằng thời gian nó tự xoay tròn đúng một vòng trên trục, tức là làm cho mặt trời nhô lên vào buổi sáng và lặn xuống vào buổi tối.

14. Núi lửa nào lớn nhất?

Núi Mauna Loa ở Hawaii chiếm danh hiệu này trên trái đất. Nó cao 15,2 km tính từ chân núi nằm ở dưới đáy biển. Nhưng ngọn núi Olympus Mons trên sao Hoả còn vĩ đại hơn - nó xuyên thủng bầu trời hành tinh đỏ với độ cao 26 km. Nền móng của ngọn núi này có thể bao phủ hầu như toàn bộ bang Arizona, Mỹ.

15. Trận động đất gây thiệt mạng nhiều nhất từ trước tới nay?

Kỷ lục về trận động đất thần chết xảy ra vào năm 1557 ở Trung Quốc. Nó giáng xuống khu vực nơi người dân chủ yếu sống trong những hang động bằng đá. Dãy đá sụp đổ, giết chết khoảng 830.000 người. Một trận địa chấn kinh hoàng khác cũng đổ xuống Đường Sơn, Trung Quốc vào năm 1976. Hơn 250.000 người thiệt mạng.

16. Trận động đất mạnh nhất trong giai đoạn gần đây?

Trận động đất xảy ở ngoài biển Chile vào năm 1960 có cường độ 9,6 richter và gây ra vết nứt dài 1.600 km. Một trận động đất như vậy xảy ra tại một thành phố lớn có thể làm tan tành những công trình có kỹ thuật xây dựng hiện đại nhất.

17. Trận động đất nào kinh hoàng hơn: Kobe (Nhật Bản) hay Northridge, California (Mỹ)?

Trận động đất ở Northridge vào năm 1994 mạnh 6,7 độ richter và làm 60 người chết, 6.000 người bị thương, thiệt hại hơn 40 tỷ USD.

Trận động đất ở Kobe vào năm 1995 có cường độ 6,7 richter và giết chết 5.530 người. Khoảng 37.000 người bị thương và nền kinh tế thất thoát 100 tỷ USD.

18. Khoảng cách tới trung tâm trái đất là bao xa?

Khoảng cách từ bề mặt trái đất tới trung tâm là gần 5.955 km. Hầu hết thành phần trái đất là chất lỏng. Chỗ vỏ rắn nhất của hành tinh chỉ dày khoảng 66 km - mỏng hơn vỏ của một quả táo, tính theo tỷ lệ tương đương.

19. Ngọn núi cao nhất thế giới?

Núi Everest ở Nepal cao gần 9 km trên mực nước biển.

20. Mặt trăng đã bao giờ gần hơn thế này chưa?

Nó đã từng gần hơn rất nhiều. Một tỷ năm trước đây, mặt trăng nằm trong một quỹ đạo nhỏ hơn, chỉ mất khoảng 20 ngày để quay quanh chúng ta. Một ngày trên trái đất hồi đó dài 18 tiếng. Hiện mặt trăng vẫn tiến ra xa, khoảng 4 cm/năm. Trong khi đó vòng quay của trái đất lại chậm lại, khiến cho ngày kéo dài ra. Trong tương lai xa, một ngày trên trái đất sẽ dài 960 tiếng!

21. Điểm cạn thấp nhất trên trái đất?

Bờ biển Chết ở Trung Đông thấp 400 m dưới mặt biển. Vị trí thứ 2 là Bad Water ở Thung lũng Chết, California, ở vị trí 86 m dưới mặt biển.

22. California đang chìm dần?

Thực tế là một số phần của bang này đang bị như vậy. Sự xê dịch lên xuống của một số hồ nước tự nhiên ở dưới mặt đất đang khiến cho California lún xuống 11cm/năm. Các hệ thống nước và cống ngầm có thể bị đe doạ.

23. Con sông dài nhất?

Sông Nile ở châu Phi dài 6.695 km.

24. Bang chịu nhiều động đất nhất ở Mỹ?

Alaska thường xuyên phải chịu một trận động đất mạnh 7 độ richter mỗi năm, và một cơn động đất mạnh hơn 8 độ richter trung bình sau 14 năm. Florida và North Dakota chịu ít động đất nhất ở Mỹ.

25. Nơi khô hạn nhất trên thế giới?

Vùng Arica ở Chile chỉ có 0,76 mm lượng mưa mỗi năm. Với lượng đó cần mất một thế kỷ để hứng đủ một tách cà phê.

26. Cái gì gây ra sụt lở đất?

Lượng mưa dồn dập trong một giai đoạn ngắn có thể gây ra các dòng chảy bùn và rác thải với tốc độ cao. Lượng mưa dầm dề kéo dài trong một thời gian dài lại tạo ra những vụ lở đất lớn từ từ. Mỗi năm, nước Mỹ thiệt hại 2 tỷ USD do sụt lở đất. Trong một trận bão kỷ lục ở San Francisco vào tháng 1/1982, khoảng 18.000 dòng chảy rác thải hình thành trong một đêm. Thiệt hại tài sản lên tới 66 triệu USD cùng 25 người chết.

27. Bùn chảy với tốc độ bao nhiêu?

Những dòng chảy như thác bùn có thể di chuyển với tốc độ 160 km/giờ.

28. Vật chất trong lòng trái đất cũng chảy?

Bạn đoán đúng rồi đấy. Năm 1999, các nhà khoa học tìm thấy vật liệu tan chảy trong lõi trái đất chảy theo các dòng xoáy mà sức mạnh của nó tương tự như bão lốc.

29. Nơi ẩm ướt nhất trên trái đất?

Lloro, Colombia có lượng mưa trung bình hàng năm là hơn 13 m, gấp 10 lần những thành phố ẩm nhất ở châu Âu hoặc Mỹ.

30. Trái đất có chuyển qua các thời kỳ khác nhau như mặt trăng?

Từ sao Hoả, có thể nhìn thấy trái đất chuyển qua các giai đoạn khác nhau (cũng như chúng ta nhìn thấy sao Kim thay đổi). Trái đất nằm trong quỹ đạo của sao Hoả và khi 2 hành tinh cùng di chuyển qua mặt trời, ánh sáng mặt trời chiếu xuống hành tinh của chúng ta theo một góc khác.

31. Hẻm núi lớn nhất sao Hỏa?

Grand Canyon được coi là hệ thống hẻm núi lớn nhất thế giới, dài 446 km.

Nhưng hẻm núi Valles Marineris trên sao Hoả còn dài tới 4.800 km. Nếu đặt trên bản đồ nước Mỹ, nó sẽ kéo dài từ New York tới Los Angeles. Vết sẹo khổng lồ trên bề mặt hành tinh đỏ này sâu tới 8 km.

32. Hẻm núi sâu nhất ở Mỹ?

Hẻm núi Hells dọc theo biên giới Oregon - Idaho sâu hơn 2,4 km. Trong khi đó, Grand Canyon sâu không quá 2 km.

33. Trái đất có phải là hành tinh đá lớn nhất trong hệ mặt trời?

Hoàn toàn đúng như vậy. Đường kính trái đất tại đường xích đạo là 12.756 km. Sao Kim là 12.104 km. Sao Hoả và sao Thuỷ nhỏ hơn rất nhiều. Sao Diêm Vương cũng là hành tinh đá nhưng quá nhỏ.

34. Có bao nhiêu núi lửa từng hoạt động trên trái đất?

Có khoảng 540 núi lửa trên mặt đất từng phun trào. Không ai biết rõ có bao nhiêu núi lửa ở dưới biển đã hoạt động từ trước tới nay.

35. Không khí bao gồm chủ yếu là ôxy?

Bầu khí quyển của trái đất chiếm 80% là nitơ. Phần còn lại chủ yếu là ôxy, với một lượng rất nhỏ các tạp chất khác.

36. Thác nước cao nhất ở Mỹ?

Thác Yosemite ở California cao 739 m.

37. Bao nhiêu phần trăm lượng nước trên thế giới nằm ở đại dương?

Khoảng 97%. Đại dương chiếm 2/3 bề mặt trái đất, điều đó có nghĩa là nếu có một thiên thạch va vào trái đất thì nó sẽ bắn tung toé.

38. Vùng đất nào chứa lượng nước ngọt lớn nhất trên thế giới?

Gần 70% lượng nước ngọt trên trái đất nằm trong các tảng băng ở Nam cực và Greenland. Số còn lại nằm trong bầu khí quyển, sông suối, mạch nước ngầm và chiếm chỉ khoảng 1%.

39. Đại dương lớn nhất trên trái đất?

Thái Bình Dương bao phủ một diện tích rộng 165 triệu km2, lớn hơn gấp 2 lần Đại Tây Dương. Nó có độ sâu trung bình là 3,9 km.

40. Tại sao trái đất lại hầu như không có miệng hố, trong khi mặt trăng lại lỗ chỗ?

Trái đất hoạt động tích cực hơn về mặt địa lý và thời tiết. Một số miệng hố vài triệu tuổi đã được bao phủ bởi thực vật, biến đổi qua động đất và lở đất, cùng với những hiện tượng mưa gió. Trong khi đó mặt trăng khá yên tĩnh về mặt địa lý và hầu như không có thời tiết, nên các miệng hố trên đó vẫn nguyên sơ qua hàng tỷ.

41. Vùng đất liền thấp nhất trên trái đất?

Bờ biển Chết, nằm giữa Israel và Jordan, nằm ở độ sâu 394 m dưới mực nước biển.

42. Hồ lớn nhất thế giới?

về kích cỡ và dung lượng là Caspian Sea, nằm giữa đông nam châu Âu và tây Á.

43. Nơi có nhiều động đất và phun trào núi lửa nhất trên trái đất?

Hầu hết xảy ra dọc theo ranh giới của hàng chục mảng thạch quyển khổng lồ trôi nổi trên bề mặt trái đất. Một trong những vành đĩa nơi động đất và phun trào núi lửa xảy ra nhiều nhất là quanh Thái Bình Dương, thường được gọi là Vành đai lửa Thái Bình Dương. Nó gây ra các vụ chấn động và nung nóng trải dài từ Nhật Bản tới Alaska và Nam Mỹ.

44. Bên trong trái đất nóng đến mức nào?

Nhiệt độ của trái đất tăng 20 độ C cứ sau mỗi km tiến sâu vào trong. Gần trung tâm, nhiệt độ lên tới ít nhất 3.870 độ C.

45. Ba quốc gia có số núi lửa hoạt động lớn nhất trong lịch sử?

Indonesia, Nhật Bản và Mỹ, theo thứ tự giảm dần về mức độ hoạt động.

46. Có bao nhiêu người trên thế giới đối mặt với thảm họa từ núi lửa?

Vào năm 2000, các nhà khoa học đã ước tính núi lửa sẽ gây ra thảm họa rõ rệt cho ít nhất 500 triệu người, tương đương với dân số toàn thế giới vào đầu thế kỷ 17.

47. Nguồn nào chứa lượng nước ngọt lớn nhất toàn cầu: hồ, suối hoặc nước ngầm?

Nước ngầm chứa tới 30 lần lượng nước so với tất cả các hồ nước ngọt, và gấp 3.000 lần lượng nước ở sông, suối trên toàn cầu. Nước ngầm được chứa trong các tầng ngậm nước tự nhiên ở dưới mặt đất.

48. Vụ động đất nào lớn hơn, năm 1906 ở San Francisco hay 1964 ở Anchorage, Alaska?

Trận động đất ở Anchorage mạnh 9,2 độ richter, trong khi cơn địa chấn ở San Francisco có cường độ 7,8 richter.

49. Vụ động đất nào kinh hoàng hơn về số người thiệt mạng và tài sản: động đất năm 1906 ở San Francisco hay 1964 ở Anchorage?

Trận động đất ở San Francisco đứng đầu. Nó gây ra 700 cái chết so với 114 của trận động đất ở Anchorage. Thiệt hại về tài sản ở San Francisco cũng lớn hơn, do hoả hoạn đã phá huỷ hầu hết các công trình bằng gỗ thời đó.

50. Có phải nhân trái đất là rắn?

Phần bên trong nhân trái đất được coi là rắn. Nhưng phần bên ngoài của nhân lại tan chảy. Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được hợp chất chính xác của nó.

51. Có phải toàn bộ trái đất xoay tròn theo một tốc độ?

Phần lõi rắn bên trong - lượng sắt khổng lồ tương đương với kích cỡ của mặt trăng - xoay nhanh hơn phần bên ngoài của lõi sắt là chất lỏng.

52. Có bao nhiêu người chết vì núi lửa trong 500 năm qua?

Ít nhất là 300.000 người. Từ năm 1980 đến 1990, núi lửa đã làm thiệt mạng ít nhất 26.000 người.

53. Bao nhiêu bề mặt trái đất gồm đá núi lửa?

Các nhà khoa học ước tính hơn 3/4 bề mặt trái đất là đá núi lửa - đá phun trào từ núi lửa hay đá tan chảy dưới bề mặt trái đất.

54. Động đất có thể gây ra sóng thần?

Đúng, nếu trận động đất bắt nguồn từ dưới đáy biển. Gần tâm chấn, đáy biển dâng lên hạ xuống, đẩy nước lên xuống. Nhịp điệu này tạo ra làn sóng toả ra mọi hướng. Một cơn sóng thần có thể rất to nhưng khá thấp ở dưới nước sâu. Khi gần đến bờ nó vọt lên và có thể đạt tới chiều cao của các toà nhà cao tầng. Thiên thạch cũng có thể gây ra sóng thần.

55. Có phải sóng thần đều là những đợt sóng cao khi nó đổ vào bờ biển?

Không, ngược lại với hình ảnh nghệ thuật về sóng thần, hầu hết không tạo thành các làn sóng khổng lồ mà chúng giống như các đợt thuỷ triều nhanh và lớn.

56. Bao nhiêu phần đất liền trên trái đất là sa mạc?

Khoảng 1/3.

57.. Nơi sâu nhất trong đại dương?

Độ sâu lớn nhất là 11 km ở Rãnh Mariana, thuộc Thái Bình Dương, gần Nhật Bản.

58. Tốc độ gió cao nhất thu được từ trước đến nay?

Trước đây người ta vẫn cho rằng gió thổi nhanh nhất là 372 km/giờ ở Mounth Washington, New Hampshire vào ngày 12/4/1934. Nhưng vào tháng 5/1999 ở Oklahoma, các nhà nghiên cứu thu được vận tốc gió là 513 km/giờ. Để so sánh, gió trên sao Hải vương có tốc độ 1.448 km/giờ.

59. Có bao nhiêu lượng nước ngọt được trữ trên trái đất?

Hơn 2 triệu dặm khối nước ngọt lưu trữ trên hành tinh, nửa trong số đó nằm trong khoảng 800 m trên bề mặt trái đất.

60. Trái đất bao nhiêu tuổi?

Hành tinh của chúng ta hơn 4,5 tỷ tuổi, trẻ hơn mặt trời một ít. Bằng chứng mới đây acho thấy trái đất thực ra hình thành sớm hơn rất nhiều, khoảng 10 triệu năm sau mặt trời.

- Trái đất già hơn chúng ta tưởng

- Hệ mặt trời.

Các hành tinh thuộc phần trong thái dương hệ - gồm sao Thủy, sao Kim, trái đất, sao Hỏa - đã bắt đầu hình thành trong khoảng 10.000 năm, sau khi những cuộc bùng phát năng lượng của mặt trời khởi động vào 4,5 tỷ năm trước. Và trái đất chính thức trở thành một thiên thể khoảng 10 triệu năm sau sự ra đời của mặt trời, sớm hơn rất nhiều so với suy nghĩ trước đây.

Tác giả nghiên cứu Stein B. Jacobsen cho biết vào giai đoạn thôi nôi, mặt trời được bao phủ bởi các đám khí và gas. Đám vật chất này từ từ kết khối thành những mảng lớn dần lên. Cuối cùng, chúng hình thành nên 4 hành tinh thuộc phần trong của hệ mặt trời.

Trong vòng 10 triệu năm, trái đất đã đạt được 64% kích cỡ hiện tại của nó và là thiên thể thống trị trong vòng 150 triệu km tính từ mặt trời.

Sự kiện lớn cuối cùng trong quá trình hình thành của trái đất là sự va chạm với một thiên thể có kích thước của sao Hoả, xảy ra khoảng 30 triệu năm sau khi mặt trời ra đời. Vụ va đập dữ dội này đã bồi thêm hàng triệu tấn vật chất vào trái đất. Một số vật chất rơi vào quỹ đạo của trái đất và hình thành nên mặt trăng.

Một cuộc phân tích trước đây trên chất đồng vị của vỏ trái đất cho thấy hành tinh này đã ra đời 50 triệu năm trước, sau khi mặt trời hình thành. Nhưng Jacbosen cho biết cuộc phân tích dữ liệu (**) cũng ủng hộ giả thuyết rằng trái đất hình thành sớm hơn rất nhiều.
(**)Trái đất hình thành nhanh gấp đôi chúng ta tưởng

Hệ mặt trời hình thành sau một vụ nổ siêu tân tinh lớn.
Những tính toán mới nhất về tuổi của hệ mặt trời cho biết, trái đất được hình thành trong vòng 20-30 triệu năm sau khi hệ mặt trời ra đời. Con số này là rất khiêm tốn nếu so với các kết luận trước kia, cho rằng trái đất phải mất 50 triệu năm để có được nhân của mình.

Theo các nhà khoa học, sự thành tạo của hệ mặt trời về cơ bản diễn ra như sau: Khoảng 4,6 tỷ năm trước, một siêu tân tinh khổng lồ bùng nổ, kéo theo sự ra đời của mặt trời. Tiếp đó, một cơn sóng chấn khổng lồ đã nén ép vật chất còn lại thành những khối bụi nhỏ hơn. Cuối cùng, chúng liên kết với nhau để tạo nên thiên thạch, sao chổi, mặt trăng và các hành tinh khác trong hệ mặt trời như ngày nay. Tuy nhiên, không dễ gì để tính được thời điểm diễn ra vụ nổ và tốc độ của nó.

Những bằng chứng địa chất trước kia cho rằng nhân trái đất ra đời khoảng 50 triệu năm sau vụ nổ. Bằng chứng địa chất mà các nhà nghiên cứu sử dụng là hai đồng vị hafini 128 và vonfram 128. Cả hai nguyên tố này rất phong phú tại thời điểm hệ mặt trời sinh ra, và dấu vết của chúng vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Hafini 128 có chu kỳ bán rã 9 triệu năm. Sau khi phân rã, nó chuyển thành vonfram 128. Do tính ưa kim loại, nên tất cả các vonfram 128 được sinh ra đều co cụm về nhân của các hành tinh (như trái đất và sao Hỏa). Vì vậy, các nhà nghiên cứu nhận định, bất cứ nguyên tử vonfram 128 nào được tìm thấy trong lớp manti của trái đất và sao Hỏa ngày nay đều là sản phẩm trực tiếp của hafini 128. Nếu biết được thời gian phân rã của các nguyên tố này, chúng ta có thể tìm ra tuổi của lớp đá.

Tuy nhiên, con số 50 triệu năm dường như chưa chính xác. Mới đây, Thorsten Klein từ Đại học Muenster (Đức) và cộng sự đã phân tích lại tỷ lệ hafini 128/vonfram 128 trên một loạt các mẩu đá sao Hỏa và các mẩu thiên thạch khác. Sau đó, họ so sánh với tỷ lệ trong các mẫu ở lớp manti của trái đất. Kết quả của phân tích này đã rút ngắn khoảng thời gian hình thành nhân trái đất xuống còn 20 đến 30 triệu năm.

Kleine kết luận: “Sự tạo thành nhân, và từ đó vật chất phủ thêm bên ngoài để tạo nên các hành tinh rắn, đã kết thúc trong 30 triệu năm đầu tiên của hệ mặt trời. Riêng nhân sao Hỏa có lẽ đã hình thành trong khoảng 13 triệu năm”. Một cách độc lập, nhóm nghiên cứu của Quingzhu tại Đại học Harvard (Mỹ) cũng cho ra kết quả gần như trùng khớp.

Các nhà nghiên cứu cho biết, việc loại bỏ được những nghi ngờ về thời điểm và diễn biến sự thành tạo các hành tinh sẽ cho phép họ tập trung sang những vấn đề khác, liên quan tới sự ra đời của trái đất, chẳng hạn sự kiện mặt trăng chia tay với hành tinh chúng ta.

61. Sa mạc lớn nhất thế giới?

Sa mạc Sahara ở bắc Phi rộng gấp 23 lần sa mạc Mojave ở phía nam California, Mỹ.

62. Hành tinh nào có nhiều mặt trăng hơn, trái đất hay sao Hoả?

Sao Hoả có 2 vệ tinh xoay quanh là Phobos và Deimos. Trái đất chỉ có một vệ tinh tự nhiên là mặt trăng. Những hành tinh ở vòng ngoài thường có nhiều mặt trăng, hầu hết mới được tìm thấy gần đây và có thể dẫn tới trường hợp các nhà khoa học cần phải định nghĩa lại thế nào là mặt trăng.

63. Hồ sâu nhất thế giới?

Hồ Baikal ở miền trung nam Siberia có độ sâu 1,7 km. Hồ có niên đại 20 triệu năm và chứa 20% lượng nước ngọt trên trái đất.

64. Nguồn gốc từ "volcano" (núi lửa)?

Nó bắt nguồn từ "Vulcan" - vị thần lửa của La Mã.

65. Có bao nhiêu khoáng chất tồn tại trên trái đất được biết tới?

Có khoảng 4.000 khoáng chất, trong đó chỉ khoảng 200 là có tầm quan trọng lớn. Chừng 50-100 khoáng chất mới được miêu tả mỗi năm.

66. Lượng nước dự trữ trên toàn cầu?

Tổng lượng nước dự trữ trên toàn cầu là 326 triệu dặm khối.

67. Đảo lớn nhất thế giới?

Đảo Greenland bao phủ diện tích 2.176.000 km2. Lục địa được định nghĩa là những khối đất lớn được tạo nên từ đá có mật độ thấp, trôi nổi trên vật liệu tan chảy bên dưới. Greenland khớp với miêu tả này nhưng nó chỉ bằng 1/3 Australia. Một số nhà khoa học gọi Greenland là hòn đảo, một số lại gọi là lục địa.

68. Nơi nào trên trái đất có nhiều núi lửa nhất?

Đặc điểm địa hình nổi bật nhất trên trái đất là dãy núi lửa khổng lồ ở dưới biển - dãy núi dài hơn 48.000 km và cao trung bình 5,5 km trên đáy biển. Nó được gọi là dãy ngăn cách đại dương, nơi các mảnh thạch quyển bị phân tách khi hoạt động núi lửa diễn ra. Có nhiều núi lửa ở khu vực này hơn là trên mặt đất.

69. Vụ phun trào núi lửa nào tiêu diệt nhiều người nhất?

Đợt phun trào của núi Tambora ở Indonesia vào năm 1815 đã giết chết 90.000 người. Hầu hết chết vì đói sau vụ phun trào bởi mùa màng bị phá huỷ, nước bị ô nhiễm và bệnh tật.

70. Mặt trăng và trái đất sinh ra riêng rẽ?

Không hẳn là như vậy. Một giả thuyết cho rằng mặt trăng được hình thành từ một phần của trái đất, không lâu sau khi hành tinh của chúng ta ra đời. Một thiên thể có cỡ sao Hoả đã đâm sầm vào hành tinh của chúng ta và vỡ tan. Những mảnh vụn bay theo quỹ đạo quanh trái đất, phần lớn tích tụ lại tạo nên mặt trăng, trong khi đó trái đất hầu như không suy suyển.

71. Mỗi giây trên toàn cầu có bao nhiêu lần sét đánh?

Trung bình khoảng 100. Tuy vậy đó chỉ là những lần sét đánh xuống mặt đất. Mỗi phút, có hơn một nghìn trận sấm chớp nổ ra khắp trái đất, tạo ra khoảng 6.000 tia chớp. Rất nhiều trong số đó đi từ đám mây này sang đám mây khác.

72. Tất cả các con sông đều sống?

Tất nhiên là không phải theo nghĩa đen. Nhưng cũng như mọi sinh vật sống khác, các con sông đều có quãng đời của nó. Chúng sinh ra, lớn lên và già đi. Chúng có thể chết trong khoảng thời gian địa chất.

73. Các thiên thạch có thể tạo nên hòn đảo?

Hàng thập kỷ nay người ta đã phỏng đoán rằng những vụ va cham thiên thạch từ xa xưa đã tạo nên các điểm nóng nơi xảy ra hoạt động núi lửa, và đẩy các hòn núi lên khỏi mặt biển nơi trước đây nó chưa từng xuất hiện. Chưa có một câu trả lời chắc chắn cho vấn đề này, nhưng một mô hình máy tính mới cho rằng Hawaii đã được hình thành theo cách này.

74. Bang Louisiana đang phình ra hay chìm đi?

Louisiana mất khoảng 78 km2 đất đai mỗi năm do sụt lở đất ven biển, do giông bão và các nguyên nhân khác từ con người, khiến nó đang chìm dần. Phần lớn New Orleans thực sự chìm 3,4 m dưới mực nước biển.

75. Mực nước biển sẽ tăng bao nhiêu nếu băng Nam cực tan?

Băng Nam cực chiếm gần 90% băng toàn thế giới và 70% nước ngọt toàn cầu.. Nếu toàn bộ băng Nam cực tan, mức nước biển sẽ tăng khoảng 67 m, tương đương với toà nhà 20 tầng. Các nhà khoa học biết rằng đang có một dòng tan chảy bên dưới. Tổ chức Liên Hợp Quốc ước tính theo kịch bản tồi tệ nhất thì mực nước biển sẽ tăng lên 1 m vào năm 2100.

76. Băng có phải là khoáng chất?

Đúng, băng là một loại khoáng chất và được miêu tả trong hệ thống khoáng chất của Dana.

77. Khoáng chất nào mềm nhất?

Talc là khoáng chất mềm nhất. Nó thường được dùng để làm bột talcum.

78. Khoáng chất nào cứng nhất?

Loại mà trở nên vô nghĩa về mặt tình cảm sau khi ly hôn nhưng vẫn giữ được giá trị về mặt tiền bạc (kim cương).

79. Có bao nhiêu màu trong pháo hoa?

Các thành phần hoá chất trong trái đất đã tạo nên màu sắc. Stronti tạo ra màu đỏ, đồng tạo ra màu xanh dương, natri tạo ra màu vàng, mạt sắt và bột than tạo ra màu ánh vàng. Tiếng nổ lớn và tia sáng được tạo ra từ bột nhôm.

80. Trái đất có khí hậu tồi tệ nhất trong hệ mặt trời?
Vẫn có nhiều hiện tượng khí hậu hoang tàn hơn ở nơi khác. Sao Hoả có thể hứng chịu những trận cuồng phong lớn gấp 4 lần trên trái đất. Bão bụi trên hành tinh đỏ có thể nhấn chìm toàn bộ quả cầu. Sao Thổ từng có một trận bão gió bao phủ diện tích lớn gấp đôi hành tinh chúng ta và kéo dài ít nhất 3 thế kỷ. Sao Kim là một địa ngục sống. Sao Diêm vương thường xuyên băng giá hơn nơi lạnh lẽo nhất trên trái đất.

81. Nơi đâu có thủy triều cao nhất?

Tại Burntcoat Head thuộc vịnh Fundy ở Nova Scotia (Canada), các đợt thủy triều có thể dâng cao tới 11,7 m. Vịnh Fundy có hình cái phễu do vậy mà thường xuyên tạo nên những đợt nước triều lớn.

82. Nơi duy nhất có sông băng chảy qua đường xích đạo?

Núi Cotopaxi ở Ecuador có sông băng duy nhất vắt qua đường xích đạo.

83. Hồ lớn nhất ở Bắc Mỹ?

Hồ Superior.

84. Cơn bão khủng khiếp nhất từng đổ bộ vào Mỹ?

Cơn bão cấp 4 đổ vào Galveston, Texas, năm 1900 giết chết hơn 6.000 người..

85. Dãy núi dài nhất thế giới?

Dãy Mid-Atlantic nằm dưới biển gần như chia đôi toàn bộ Đại Tây Dương từ bắc tới nam. Iceland là nơi dãy núi ngầm này nhô lên khỏi mặt biển.

86. Bao nhiêu lượng vàng đã được khai thác trên trái đất từ trước tới nay?

Hơn 193.000 tấn. Nếu gắn kết chúng lại với nhau, sẽ tạo ra một tòa nhà 7 tầng hình lập phương

87. Hai quốc gia sản xuất vàng lớn nhất?

Nam Phi sản xuất 5.300 tấn/năm. Mỹ xuất xưởng 3.200 tấn/năm.

88. Loài thực vật ở Bắc Mỹ có tuổi thọ hàng nghìn năm?
Cây bụi creosote mọc tại Mojave, Sonoran và sa mạc Chihuahuan đã sống từ thời khai sinh của chúa Jesus. Một số cây có thể sống tới 10.000 năm.

89. Trung bình bao nhiêu lượng nước được tiêu thụ trên toàn cầu mỗi ngày?

Khoảng 1,5 tỷ mét khối.

90. Sao Thổ là hành tinh duy nhất có vành đai bao quanh?

Sao Thổ là có vành đai rõ nhất. Nhưng sao Mộc và sao Hải vương đều có vành đai mờ nhạt.

91. Động đất thường xảy ra ở độ sâu bao nhiêu?

Hầu hết rung chuyển khoảng 80 km dưới bề mặt trái đất. Những trận nông hơn thì có thiệt hại lớn hơn. Nhưng sức phá huỷ của mỗi cơn rung chấn còn phụ thuộc vào kết cấu đất đá và thiết kế công trình.

92. Lục địa lạnh nhất, khô nhất và cao nhất trên trái đất?

Chính là Nam cực..

93. Những hòn đá cao tuổi nhất thế giới được tìm thấy ở đâu?

Do đáy đại dương thường xuyên bị biến đổi khi các mảnh thạch quyển di chuyển trên bề mặt trái đất, những hòn đá lâu đời nhất được tìm thấy dưới đáy biển là vào khoảng 300 triệu năm trước. Còn đá trên lục địa cổ xưa nhất có 4,5 tỷ tuổi.

94. Bao nhiêu lượng nước ngọt trên thế giới được lưu trữ trong băng?

Khoảng 70%. Để có được lượng nước này cần mưa rơi liên tục 60 năm trên toàn cầu và phải tìm cách đóng băng được tất cả lượng đó.

95. Hồ trên núi lớn nhất ở Bắc Mỹ?

Hồ Tahoe ở biên giới California-Nevada rộng 42.500 ha, chứa 0,1 tỷ m3 nước và sâu 488 m.

96. Có phải lúc nào cũng tồn tại các lục địa?

Không giống như chúng ta thấy bây giờ. Nhiều nhà khoa học cho rằng trái đất từng là một lục địa khổng lồ khô cằn, nước được đưa đến từ các sao chổi và đại dương hình thành. Sau đó tất cả đất đai trên thế giới tập hợp thành một siêu lục địa gọi là Pangaea. Nó bắt đầu phân tách từ 225 triệu năm trước đây, cuối cùng phân thành các mảng lục địa như chúng ta thấy ngày nay.

97. Bao nhiêu tro bụi núi lửa rơi xuống mỗi ngày?

Lấy một ví dụ. Trong đợt phun trào dữ dội kéo dài 9 giờ ở núi St. Helens ngày 18/5/1980, hơn 540 triệu tấn tro đã trút xuống bao phủ một diện tích rộng 56.980 km2. Đó là đợt phun trào núi lửa kinh hoàng nhất từng xảy ra tại Mỹ.

98. Fenspat là gì?

Đó là loại khoáng chất phổ biến nhất trong lớp vỏ cứng của trái đất.

99. Những điểm tận cùng của nước Mỹ?

Điểm xa nhất về phía đông là đảo Amatignak, Alaska. Điểm xa nhất về phía bắc là Point Barrow, Alaska. Điểm xa nhất về phía nam là mũi phía nam của đảo Hawaii. Điểm xa nhất về phía tây là Pochnoi Point ở Semisopochnoi, Alaska.

100. Nếu bạn được sắp xếp trái đất, mặt trăng và sao Hoả giống như búp bê Matryoshka, thì bạn sẽ xếp thế nào?

Sao Hoả sẽ lọt vào trong trái đất, và mặt trăng sẽ nằm gọn trong sao Hoả. Trái đất to gấp đôi sao Hoả và sao Hoả cũng gần như gấp đôi mặt trăng.

101. Trái đất sẽ luôn ở đó?

Các nhà thiên văn học đã biết rằng trong vài tỷ năm nữa, mặt trời sẽ phồng to đến nỗi "nuối chửng" trái đất. Nếu chúng ta vẫn còn ở đó thì chắc sẽ bị thiêu trụi và bốc hơi. Nếu có cơ hội thì chúng ta có thể "đẩy" trái đất sang một quỹ đạo khác xa hơn và yên bình hơn

Hoàng Kim Thư st.

NHỮNG TƯỞNG ...

1. Lúc bé, tưởng khóc là buồn, bây giờ phát hiện buồn nhất là không thể khóc được, cứ trống rỗng, tỉnh táo và vô hồn

2. Lúc bé, tưởng cười là vui, bây giờ nghĩ lại, có những giọt nước mắt còn vui hơn cả một trận cười.

3. Lúc bé, tưởng đông bạn là hay, bây giờ mới biết vẫn chỉ có mình mình

4. Lúc bé, tưởng cô đơn ở đâu xa lắm, chỉ đến ở những chỗ không người, đến giờ mới hiểu, lúc bên nhau, sự ấm áp mới thật mong manh, mà nỗi cô đơn sao lại gần gũi thế.

5. Lúc bé, tưởng yêu là tất cả, là mọi thứ, lớn rồi mới biết sau yêu còn có chia tay.

6. Lúc bé, tưởng thành người lớn là lớn, bây giờ đã thấy có nhiều người đã lớn mà vẫn chưa thành người lớn, và đến khi thật sự thành người lớn thì người ta sẽ biết không bao giờ bé trở lại được.

7. Lúc bé, tưởng đóng đinh thì đóng đinh, không thích thì là có thể nhổ, bây giờ cảm nhận được đinh có thể nhổ nhưng vết sâu vẫn còn.

8. Lúc bé, tưởng mình có thể thay đổi cá thế giới, giờ thấy được ngay cả 1 người còn chẳng có khả năng thay đổi. Có chăng, vẫn chỉ là tự thay đổi mình.


9. Lúc còn bé, tưởng yêu một người thì dễ, quên một người mới khó. Giờ thấy mình quên đi nhiều người cũng dễ dàng, nhưng để yêu, mới khó làm sao.

10. Lúc bé, thích định nghĩa về tình yêu, tình yêu là X, là Y, là A,B,C,D; bây giờ lớn lại cuống cuồng, vì hoang mang, không biết tình yêu thật sự là gì cả

11. Lúc bé, vẫn nghĩ rằng tình yêu là mãi mãi, tình yêu là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời. Giờ thì biết yêu đến đó, rồi đi đó, như mưa bóng mây, hay dù có như chớp bể mưa nguồn thì cũng vậy, có đó rồi mất đó. Và thật sự cũng chẳng biết thứ gì là quan trọng nhất

12. Lúc bé tưởng chỉ có kẹo là ngọt, giờ lớn lên còn biết có những thứ còn ngọt ngào hơn cả kẹo.

13. Lúc bé rất sợ phải chết, nhưng bây giờ khi tôi lớn lên mới biết sự lãng quên còn đáng sợ hơn cái chết rất nhiều.

14. Lúc bé tưởng tượng rất nhiếu, và giờ đây khi lớn lên mới nhận ra chuyện cổ tích không bao giờ có thật.

15. Lúc bé mẹ nói yêu thương cho đi là yêu thương nhận lại, giờ lớn lên chợt nhận ra, có những yêu thương chỉ cho mà không nhận.

16. Lúc bé mong mình lớn, giờ đây lớn rồi sao mong mình bé lại quá chừng

17. Lúc bé tưởng rằng yêu một người là sống vì người đó,giờ mới biết yêu một người là fải biết tự yêu lấy mình

 

18. Lúc bé tưởng sự sống và cái chết ở cách xa nhau lắm,giờ mới biết nó chỉ cách nhau một lằn chỉ mong manh

19. Lúc bé tưởng nói dối là xấu ,giờ mới biết lời nói dối đôi khi cũng giúp ích rất nhiều

20. Lúc bé tưởng rằng trung thực là điều tốt,giờ mới biết sống trung thực với mình thôi cũng là điều khó biết bao

21. Lúc bé tưởng rằng những gì đến rồi sẽ đi,giờ mới biết niềm vui đến thi qua mau,còn nỗi buồn đến thì cứ ở bên ta mãi

22. Lúc bé cứ tưởng rằng sau tình yêu sẽ là hôn nhân,giờ mới biết có những cuộc hôn nhân không cần tình yêu

23. Lúc bé tưởng rằng tiền bạc -tình yêu và sức khỏe là quan trọng, giờ mới biết rằng sức khỏe-tiền bạc và tình yêu mới là quan trọng

24. Lúc bé tưởng hạnh phúc là điều gì đó xa xôi lắm,giờ mới biết hạnh phúc chỉ đơn giản là những thứ bình dị xung quanh ta,có chăng là mình đã không nhận thấy
25. Lúc bé tưởng nói quên là có thể quên được,giờ mới biết có những chuyện càng muốn quên thì nó lại càng ở mãi trong lòng

26. Lúc bé cứ mơ ước lớn lên sẽ trở thành người này người kia,giờ mới biết được trở thành chính mình mới là hạnh phúc nhất!

Lê Ngọc st.

Phụ bản IV

BỆNH DỊCH

VÀ MỘT CON NGƯỜI CHÍ THÁNH

Một truyện của ngoại quốc từ lâu lắm rồi, có mô tả về bịnh dịch và một con người chí thành sống trong thời gian đó.. truyện CÂy Thánh Giá, bây giờ trước bịnh dịch từ Vũ Hán bèn đọc lại (trích đoạn.)

Rồi bà ngừng lại nữa. Bà đã cởi mấy cái nhẫn cỏ ra, bây giờ bà đang nhai nó. Thình lình bà mỉm cười. “Răng cỏ tôi vẫn còn gần đủ hết. Chúa đã rất thương mến tôi. Tôi đã có một đời sống đẹp đẽ, thoải mái. Thỉnh thoảng tôi vẫn tự nhủ thầm: “Mary ơi, đời sống mầy như thế nầy đáng lẽ mầy phải làm cho Người nhiều vương miện hơn nữa! Chắc là ông đã từng đọc sách về những năm kinh hoàng của bịnh dịch?” bà ta thình lình chuyển hướng câu chuyện.

“Bây giờ thì không ai nói tới chuyện ấy nữa, nhưng khi tôi còn nhỏ thì đó là câu chuyện trên cửa miệng mọi người. Dầu không sống trong thời gian bịnh dịch, họ vẫn nhớ qua lời kể của cha mẹ, ông bà. Người thì nói khi một trận gió thổi qua, tất cả mọi người đều ngã rạp xuống, ngã
luôn không đứng dậy. Kẻ thì bảo có người kỵ mã áo đen cởi ngựa chạy như bay trong đêm, qua đến vùng nào, sáng hôm sau phân nửa nhân số ở đó không còn thức dậy được.

Sáng hôm sau nữa thì phân nửa số còn lại cũng nằm luôn. Chỉ có người may mắn đêm đó không ở đó hay những người đang quỳ dưới thánh giá cầu nguyện lúc người kỵ mã đi qua mới không bị nguy hiểm thôi. Nhưng không chết thì họ phải lo việc tống táng người chết, săn sóc người bệnh và coi chừng gia súc trong làng.

Thời đó làng tôi rộng hơn bây giờ nhiều. Họ nói rằng trời mưa cả ngày không dứt. Khi hơi quang tạnh thì ở phía tây, đằng dưới đồi, một đàn quạ đen kéo đến đậu phủ kín cây cối và rợp nóc mọi nhà. Chó rên ư ử ở chỗ ngạch cửa, xin được vào trong. Ngay cả đàn ông cũng rùng mình vì tiếng quạ kêu đinh tai nhức óc. Trời tối sớm hôm hơn thường nhựt. Sáng sớm hôm sau, đàn quạ đã đi mất tiêu nhưng con người ở đây thì bắt đầu rơi rụng như lá úa mùa thu. Chỉ có ông Darvyda Ignaca là không hề gì thôi. Chả là ngày hôm trước ông ta đi ra vùng kế cận lo chuyện ép hột gai lấy dầu ăn.

Sáng sớm hôm sau, trở về, ông thấy cả gia đình mình bị bịnh dịch. Cả những người chòm xóm chung quanh nữa. Một vài người còn có thể cựa quậy được ngày hôm đó. Nhưng tới ngày thứ ba thì chỉ còn lại trơ trụi mình ông. Họ nói nhờ ông rất mạnh khỏe. Kiểu khỏe mạnh nầy ngày nay không còn nữa bởi vì con người ta sống dễ dàng quá. Ngày xưa thì không vậy, ai ai cũng phải làm việc cật lực nên mình mẩy cứng như sắt và khỏe như trâu, gió mưa coi như không. Ignaca cũng vậy. Ban ngày ông ta đi từ nông trại nầy qua nông trại khác. Săn sóc trâu bò. Giúp đỡ người bịnh. Ðem chôn người chết. Ông có thấy cái gò đất gần trung tâm làng đấy chăng? Trong cát chỗ đó, ông Ignaca đào lỗ, xếp người chết vô như là xếp củi. Xếp ban ngày, chiều lấp chôn không thôi ban đêm chó đào bươi lên.

Một ngày nọ, sau khi chôn tất cả người chết trong ngày, ông ta lấy làm ngạc nhiên khi thấy từ phía cánh đồng xa tiến đến một người vác trên vai một cây thánh giá thật to. Ignaca mặc dầu quá mệt mỏi rồi nhưng cũng ra hỏi người ấy có cần giúp đỡ gì không. Ông tưởng chắc đây là
một người muốn trồng cây thánh giá chỗ mình nằm sau khi chết. Nhưng mặc dầu trông rất là quen thuộc, người kia lại hoàn toàn xa lạ, không phải dân trong làng. Ignaca đề nghị vác giùm cây thánh giá để trong sân nhà mình. Ông nói: “Tôi sẽ nặn sữa bò, lấy gì đó cho bác ăn, rồi
thắng ngựa vô xe. Bác không thể vác thánh giá nặng như thế nầy một mình được. Ignaca để dựa thánh giá vô vách chỗ hông nhà (nơi bà nội ông thường chỉ chỗ vách tường trầy trụa ở gần cuối nhà), và để người kia ngồi kế bên nhà, lo chạy đi vắt sữa bò. Lúc sau, khi mời bánh mì và sữa tươi cho người nầy, ông ta hỏi, “Bác vác thánh giá nầy từ đâu tới vậy?” “Từ rất xa, có thể nói là từ phía đầu kia của trái đất,” người lạ mỉm cười. “Và bác vác một mình như thế à? Người ta chết nhiều quá nên không ai giúp bác hết phải không?” “Không phải vậy, chỉ vì họ còn có quá nhiều chuyện để làm mà thôi.” “Tôi có thể giúp bác, “Ignaca thành thật đề nghị, “nhưng mà không biết ai lo cho người bệnh và chôn cất người chết đây? Và cả gia súc cũng cần phải được chăm lo nữa. Tôi muốn nói là không thể cứ thả chúng chạy rong ra đồng được. Nếu đường không xa thì tôi có thể vác cho đến chập tối. Nếu đường xa thì tôi sẽ bắt kế ngựa. Bác sẽ trả xe lại sau. Bác không thể vác nặng như thế một mình được.” Người kia mỉm cười lần nữa. “Bây giờ thì không xa nữa,” ông vừa nói vừa rời ghế đứng dậy định vác thánh giá. Ông vừa yếu đuối vừa mệt mỏi đến nỗi Ignaca nhỏm dậy kêu lên: “Chờ đã, tôi không thể để
bác vác một mình được. Bác khiêng đằng chân đi, tôi sẽ khiêng hai tay thánh giá!” Ignaca nắm vô tay thánh giá, đặt lên lưng mình, cảm thấy chân mình như lún xuống cát, vai mình quằn xuống như mang vật nặng ngàn cân. Nhưng ông nghiến chặt răng, bước đi, dầu run rẩy, dầu chập choạng. “Xin Thượng Ðế giúp con, “ông thều thào trong miệng. “Cố gắng đừng ngã, cố đừng chết. Chết thì ai lo việc ngày mai đây?” Họ hì hục đi ra đường rồi đi ra khỏi làng. Người lạ kia nói, “Ðược rồi, để tôi ở đây.” “Bộ
bác muốn mang một mình à?” Ignaca hỏi qua bả vai mình. “Ta cứ đặt xuống đây đi. Tôi không muốn mang đi xa hơn. Ðây là một chỗ tốt,” người lạ mặt lại cười lần nữa. “Nếu bác muốn đặt thánh giá ở đây phải chi bác nói trước để tôi mang theo một cái xuổng. Mình không thể dựng lên bằng tay không được.” “Ðừng lo. Về đi. Anh cần nghỉ ngơi nữa mà.” “Mình sẽ đi về cùng. Nếu bác không thích nằm giường thì cũng có rơm trong trại. Tôi sẽ đưa cho bác thật nhiều mền,” ông ta nói. Nhưng người kia đã ngồi lên trên cây thánh giá. Ðưa tay chống cằm, ngước mắt về phía Ignaca. “Cám ơn lòng từ tâm của anh,” ông nói, “nhưng tôi sẽ nghỉ ở đây. Người của Thượng Ðế đặt đầu thì nơi đâu lại chẳng được? Và cũng cám ơn anh đã đỡ vớt gánh nặng cho tôi. Về đi. Ở nhà, người bệnh, người chết, và gia súc đang đợi chờ anh đó. Tôi muốn ngồi đây một chút, yên lặng suy nghĩ.” Ignaca quay lưng dợm đi, rồi ngó ngoái lại nhìn người kia đắm chìm trong mộng mơ. Sau cùng ông ta nói “Bác phải là người quanh quất đâu đây. Tôi chắc chắn rằng tôi đã từng gặp bác ở đâu đó rồi.” Người kia ngước mắt lên lần nữa, nhìn Ignaca rồi lại cười. “Có thể tôi không đến từ xa, có thể đến từ gần hơn nữa. Nhưng mà bây giờ trời tối quá rồi. Mai đến đây, mình sẽ nói chuyện thêm. Tôi sẽ đợi ở đây.” Ignaca muốn nói điều gì hơn nữa nhưng không thể tìm ra lời nên chỉ nhún nhẹ vai, đi về. Rồi thì ông bắt đầu cảm thấy mệt mỏi ghê gớm.

Như mỗi bước chân là mỗi bước sau cùng của đời mình. “Có thể là cái bệnhdịch đó thấm vô mình mình rồi,” ông ta nghĩ thầm. “Nếu mình ngã xuống,sẽ không còn ai để đào lỗ chôn mình.” Nghĩ như vậy, ông lê bước đi về
nhà, ngã bịch xuống ghế dài, chỉ thức dậy lúc sáng hôm sau. Ông ta thức dậy, ngạc nhiên quá đỗi: trong nhà, tất cả mọi người đều đã lành bệnh. Tất cả dân làng nữa, đều đã lành. Người chết rồi thì thôi, nhưngai chưa chết thì đứng dậy đi đứng như chưa từng bệnh hoạn. Họ đi quanh
trong nhà, săn sóc súc vật, chôn cất và khóc thương cho người chết. Họ vui mừng vì bệnh dịch đã bỏ đi nhanh chóng cũng như khi nó đến làng. Ignaca chạy đi giúp đỡ dân chúng trong làng, nói cho họ biết chỗ nào
người nào đã được chôn cất. Chỉ cho đến khi nửa trưa Ignaca mới nhớ trực lại người đàn ông lạ lùng kia. Nếu ông ta đợi như đã nói thì chắc là đói lắm. Ignaca đổ đầy một bình sữa, lấy ổ bánh mì lớn, trèo lên gác thượng cắt một miếng thịt ba rọi, chạy vội vàng ra chỗ đó. Trước
mặt ông ta sừng sững một thánh giá to lớn. Dựng đứng, trông nó lớn hơn cái ông ta khiêng hồi hôm nhiều. Hổ thẹn dấy lên ngập lòng Ignaca. Rõ ràng là người kia đã chờ, chờ mãi, cho đến khi tìm được cái xẻng để dựng cây thánh giá lên, dựng một mình, rồi bỏ đi bởi vì không một ai
chung quanh. Khi dòm quanh quất trên đồng, hy vọng thấy được người lạ kia, Ignaca tiến gần đến cây thánh giá, ngước mắt lên nhìn và rợn người: trên cây thánh giá, chính cái người mà ngày hôm qua ông bỏ đi về vì nghe nói rằng cần được ngồi yên lặng để suy nghĩ, đang ngó ông.
Ignaca buông rơi bình sữa, ổ bánh mì rời khỏi tay; ông giở mũ ra, không để ý rằng hai đầu gối mình cong xuống. “Thượng Ðế ôi, chính đó là đức Chúa Jesus!” ông thì thầm. “Hôm qua Chúa đến với con. Ăn uống. Chuyện vãn. Con đã không nhận ra Chúa. Xin Chúa tha lỗi cho con.” “Hãy đứng dậy,” Ðức Chúa nói một cách yên lặng và rất tự nhiên. “Bây giờ con nhận ra ta. Rất tốt! Hãy đi nói với mọi người chuyện gì xảy ra ngày hôm qua. Bảo họ mang tất cả niềm vui, nỗi buồn, chuyện lo lắng khó khăn, chuyện tội lỗi xấu xa, lòng hối hận ăn năn …. của mình đặt lên trên thánh giá nầy. Những chuyện xấu sẽ làm cho thánh giá lún xuống, chuyện tốt sẽ nâng thánh giá lên.” Ðức Chúa yên lặng, và trong tiếng thở dài của Ignaca, người biến thành bức tượng tạc bằng gỗ. Qua bao năm tháng, thánh giá vẫn đứng đó, cao nghệu, sừng sững, lắm khi hình như nó rục rịch vươn lên cao. Rồi nó bắt đầu lún dần xuống. Bây giờ đây chính ông thấy đó, còn có bao nhiêu nữa đâu: và chúng ta thì cứ tiếp tục đặt gánh nặng lên đầu Người mãi. Không ai nói với tôi, nhưng trong tim tôi cảm thấy rằng…. ngay khi mà chân của Người chạm phải mặt đất, thì Người sẽ đứng lên, vác thánh giá đến một nơi khác.

Chúng tôi tất cả sẽ mồ côi. Chính đáng thôi, nhưng vẫn là mồ côi.” Với những lời nầy, bà lão đứng dậy, nhón gót để sửa lại cái vòng hoa, quỳ xuống hôn bàn chân bị đóng đinh, rồi bỏ đi. Như bị xuất thần, trong mấy phút dài tôi nhìn khoảng cách nhỏ giữa chân Chúa và đám cỏ dưới đất, thình lình một ý tưởng lóe trong trí tôi - điều gì sẽ xảy ra nếu chuyện vừa kể không phải là chuyện thần thoại
mà là chuyện thật? Ðiều gì xảy ra nếu Chúa đứng dậy, bỏ đi, không phải để tìm một chỗ khác, mà để rời khỏi trái đất nầy. Và điều gì sẽ xảy ra, nếu trong khi ra đi, người lấy theo điều răn rằng hãy thương người láng giềng hàng xóm, một điều mà trong hai ngàn năm nay vẫn còn lạ lẫm
đối với chúng ta?

Tôi nhìn chung quanh. Giữa trưa, hơi nóng tràn ngập cánh đồng, vườn cây, nhà cửa. Không một nét nhỏ nào trên gương mặt của Chúa động đậy - Mắt của người yên tĩnh, chăm chăm nhìn vào cõi vô cùng. Không ai sửa
soạn để đưa ra một câu trả lời, trừ câu đau thương vừa vang vội trong trái tim tôi.

Nguyễn Văn Sâm

THEO GIÓ HƯƠNG BAY

Tiếng chim chìa vôi ngọt ngào vang lên trong làn nắng mềm như lụa.Trời ấm nồng. Những giọt sương đêm trở mình, co rút, nhỏ dần rồi biến mất. Gió đưa đẩy cành lá xào xạc, miên man. Cây phượng vĩ trước cổng nhà Dự rực rỡ chùm hoa đỏ thắm. Vài cánh rơi sóng soài trên mặt đất.

Con đường bỗng dưng đẹp lạ thường. Tựa như một tấm thảm hoa nền vàng, vắt hờ hững dưới chân lũ trẻ. Nhặt một đóa hoa rơi, Đoan đưa lên môi:”Hoa đẹp ghê, hả Dự!” Dự bĩu môi, nghênh mặt:” Đoan điệu đàng quá!” Đoan giận dỗi, ngoe nguẩy đi đến chỗ buộc trâu. Nó tháo dây, nhảy phóc lên lưng con Đen, thúc hai chân vào hông con vật, ra lệnh:”Đi!” Dự cười nhìn theo. Nó tót lên cây phượng, bẽ một nhánh rợp hoa rồi nhảy xuống. Dự cũng trèo lên lưng trâu. Tay trái cầm nhánh phượng, tay phải vỗ nhẹ vào lưng con Nâu.

Hiểu ý chủ, con vật rảo bước. Chẳng mấy chốc, vượt qua mặt con Đen. Nâu nghểnh cổ, há mồm rống vang rền, đắc thắng. Dự nheo mắt với Đoan:”Xem này, Đoan! Hoa đẹp không?” Đoan chẳng thèm trả lời. Đường đồi nhấp nhô, con Đen bước thấp, bước cao. Bóng Đoan lúc lắc, ngưỡng nghịu trên lưng trâu. Mấy sợi tóc mai vàng hoe, lơ thơ, bay bay về phía sau, lồ lộ hai gò má đẫm nắng ửng hồng như e thẹn. Dự chơm chớp mắt, ngẩn ngơ:”Đoan đẹp như...công chúa ấy!” Đoan cười:” Dự có thấy công chúa bao giờ không mà bảo thế:” Dự vò cái đầu chờm bơm của mình:”Ơ, thì bà của Dự bảo thế. Công chúa trong truyện kể của bà bao giờ cũng đẹp “. Đoan nhìn nhánh phượng trên tay Dự:” Đoan chỉ muốn đẹp như cô giáo của mình.”

Dự nhớ đến cô Thường. Cô Bình Thường. Ôi chao! Tên cô nghe sao mà...bình thường quá chừng. Nhưng cô đẹp và giỏi lắm. Có lẽ cô đẹp và giỏi hơn công chúa! Cô làm được rất nhiều việc cho lũ trẻ vùng núi nầy. Còn công chúa, cô ở mãi trong cung son cổ tích. Dự nhớ và thích nhất là mái tóc của cô Thường. Mái tóc dài óng ả như dòng suối:”Bất Ngờ” đêm trăng . Dòng suối mà Dự bắt gặp trong lần theo bà lên núi tìm hoa lan núi. Người ta đồn rằng, Lan núi thiêng lắm! Hoa chỉ nở ở những nơi thoáng đãng, yên tĩnh và thanh khiết. Điều đó cho người ta nghĩ là trồng lan núi , hoa nở thì đó là điềm báo trước hạnh phúc . Hạnh phúc của bà là cha Dự, đứa con trai duy nhất của bà . Cha Dự vào bộ đội trực chiến và ông mất tích từ lúc Dự còn nằm trong bụng mẹ. Mẹ Dự ở vậy thờ phụng chồng được mấy năm rồi bước thêm bước nữa. Vậy mà bà vẫn tin rằng ba Dự còn sống. Hiện đang ở một nơi nào đó, rất xa.

Sẽ có một ngày... Một đêm, bà đánh thức Dự, bảo cùng đi với bà lên núi để tìm Phong Lan. Dự buồn ngủ quá, nó càu nhàu:” Sao bà không để sáng hẳng đi. Giờ này lên núi...ghê lắm!” Giọng bà thầm thì , lạ lẫm như lời truyền của một thần linh:” Không được, phải đi ngay bây giờ! Đấy, cháu có nghe thấy gì không? Hương hoa lan núi. Đúng rồi! Chính nó! Hương hoa ngọt ngào, dìu dịu rót vào không gian. Dự ngồi bật dậy. Nó vểnh tai, phồng mũi tìm kiếm. Nhưng Dự chẳng nghe thấy gì hết. Bà lại thúc giục:”Nhanh lên cháu. Phải đi, kẻo đêm tàn, trời im gió thì hỏng hết!” Thấy Dự cứ chần chừ, bà không nói gì nữa, lấy khăn trùm lên đầu rồi bươn bả tuôn ra cửa. Bà đi như chạy dưới vầng sáng nhợt nhạt của trăng non. Dự đuổi theo chân bà. Bàn chân già nua bỗng dưng lẹ làng, cứng cỏi, quả quyết. Dự lon ton chạy theo sau. Nó không nhìn lên mà mãi chăm chăm vào cái bóng đổ dài của bà. Vệt đen ấy cứ lay động, thoăn thoắt trườn lên đỉnh núi. Mãi khi cái bóng tròn xoe nằm ngay dưới chân bà thì hai người bắt gặp dòng suối. Trong khi Dự bàng hoàng trước vẻ đẹp của dòng suối thì bà kêu lên mừng rỡ:”Ô kìa, lan núi!” Bà chạy tới bên khe núi. Như đuối sức, bà khụyu xuống, ngữa mặt , mắt rướm lệ, hai tay đưa tới trước , môi mấp máy điều gì đó. Có lẽ bà cầu xin được hạnh phúc. Bà mang giò lan về. Đặt vào một cái chậu sứ tuyệt đẹp treo trước ngõ. Sáng, bà con láng giềng kéo tới xem hoa. Những đóa hoa li ti, trắng ngà trổ quanh chóp một cái cuống dài thậm thượt, xanh xanh và yếu đuối. Chưa được ba hôm, hoa tàn. Hy vọng của bà cũng chết lụn theo những cánh phong lan rơi rụng. Bà khóc tỉ tê suốt ngày như vừa nhận được tin cha của Dự hy sinh. Từ đó, bà lại chìm trong u ẩn, trầm tư cố hữu.

Dự cũng buồn. Nhưng nó nhớ dòng suối ở lưng chừng núi. Dự kéo lũ bạn dong trâu lên đó. Đứa nào cũng thích mê vì cảnh đẹp như non tiên. Nước trong văn vắt, mát rười rượi. Chỉ ngập đến rốn mà thôi. Nước suối gõ róc rách, róc rách lên đá tựa giọng ru ngọt ngào của mẹ. Lũ trâu làng khoái tỉ tê. Chúng ung dung gặm cỏ, những cọng cỏ non mềm mại, mượt như nhung. Đoan thích nơi này lắm. Chính Đoan đã đặt tên cho con suối là “Bất ngờ”. Nhưng sáng nay, Dự muốn đổi tên ấy thành “Suối Tóc” Dòng suối thả dài, bồng bềnh như mái tóc của cô Thường.

Dự vắt cành phượng ngang cặp sừng trâu. Những đóa hoa đỏ thắm tươi tắn khiến cho con Nâu như vừa được cài chiếc vương miện kiêu sa, lộng lẫy. Nâu sượng sùng , lắc lắc đầu cho cành hoa rơi mà không được. Đoan cười ngặt nghẽo:”Trông nó giống một cô dâu quá hén!”. Dự xoay mặt nhìn Đoan:” Bữa nay, hai đứa chơi trò đám cưới không Đoan?” Đoan mắc cỡ, hai má bừng đỏ. Đoan nguýt Dự một cái rõ dài:” chả thèm làm cô dâu đâu! Đoan chỉ thích làm cô giáo thôi! Như cô Bình Thường ấy!” Dự gật đầu:” chơi trò dạy học cũng được. Mình sẽ đóng vai anh bộ đội, người yêu của cô giáo.

Con suối đã hiện ra trước mắt hai đứa. Đoan reo lên:” Suối Bất Ngờ kia rồi” Dự nhảy từ trên lưng trâu xuống;” Đoan có thấy dòng suối đẹp như tóc của cô giáo mình không?” Ánh mắt rực sáng. Đoan nghiêng đầu, ngắm nghiá :” Ừ, phải rồi, giống ghê!” Dự tuyên bố:” Từ nay, tụi mình sẽ gọi nó là Suối Tóc.” “Ừ, Dự hay ghê! Cái tên hay làm sao!” Dự sung sướng, hai cánh mũi phập phồng, nó chạy đến đỡ cô bạn gái dù Đoan thừa sức nhảy xuống một cách gọn ghẽ. Đoan cười khúc khích:” Dự làm giống chú bộ đội quá hà. Tức cười ghê.

Hôm cô bảo đi dã ngoại gì đó. Chú ấy cũng đỡ cô khi nhảy qua tảng đá ông Tượng” Dự ngồi xuống thảm cỏ, ngoác miệng cười:” Dự cũng thấy mà làm bộ…đui”. Đoan quì xuống bên cạnh, nó chơm chớp mắt:”Hứ, cô cũng biết tụi mình nhìn trộm, chứ bộ. Vì tụi con Hồng , con Xoan cứ rúc rích cười. Còn Dự, mắc mớ gì mà lấy tay che mặt, hai vai thì rút lên, mồm ư ử như lên đồng vậy hả?”

Dự lăn ra cỏ, nó cười khúc khích:” Ai bảo cô đỏ mặt, cô héo chú bộ đội một cái, đau như kiến cắn, làm chi!” Đoan vội bênh vực cô mình:” Cô chỉ bẹo có một cái nhẹ hều, đâu có đau”. Dự ngồi nhổm dậy, đưa tay như tuyên thệ :” Mai nầy lớn lên, Dự quyết sẽ làm bộ đội như bố Dự”. Hai đứa chợt nhớ đến người bố ra đi biền biệt đến giờ. Đoan không còn cảm thấy hào hứng nữa, nó dặn:” Nhưng Dự đừng…đi luôn nhá!”. Dự chớp mắt cảm động, gật đầu:”Ừ” Đối với trẻ con, chuyện gì cũng dễ dàng, đơn giản như lòng chúng. Dự lại nhìn Đoan, nó đưa một ngón tay lên môi:”Còn Đoan, Đoan làm cô giáo ở đây mãi nhá. Đừng bỏ núi rừng về phố nhá!” Đoan gật đầu ngay. Giọng nó chắc nịch:” không bao giờ có chuyện đó! Đoan sẽ ở đây đến già” Đoan chợt nhớ đến cô giáo. Cô đã về thành phố để nghỉ hè. Hôm từ giả, cô khóc ghê lắm và bảo với học sinh:” Hè này, đám cưới xong, cô về bên nhà chồng rồi. Chẳng biết anh ấy có cho cô trở lại đây không nữa?” Dự nhớ tới khuôn mặt trẻ trung của chú bộ đội, người yêu cô giáo. Khuôn mặt phúc hậu. Khẩu súng đeo bên hông chẳng hợp với chú chút nào. Nhớ lần ấy, chú vuốt tóc Dự mà cứ nhìn chằm chằm vào mắt cô:” Dự , em có yêu cô giáo không?” Dự lém lĩnh trả lời:” Dạ, em yêu cô giáo lắm. còn chú, chú có yêu cô giáo không?” Chú bộ đội đáp tỉnh queo:”Yêu! Chú cũng yêu cô giáo lắm!” Lũ học trò cười vang. Cô thẹn thùng bỏ chạy, núp sau gốc cây đại thọ. Cô muốn giấu ánh hồng ai vừa tô lên má. Dự thở dài. Vậy là cô không trở lại đây nữa đâu. Ở đây hoang sơ, nghèo nàn quá. Cô vất vả , chú ấy làm sao chịu nổi. Nó bảo Đoan:” Chắc cô không về đây nữa đâu!” Đoan rươm rướm nước mắt. Dự không khóc nhưng trong lòng nó như có ai thiêu đốt , cháy bỏng. Dự lăn lộn trên cỏ.

Đoan thở dài sườn sượt. Đoan chợt quì gối, hai tay chắp, mặt ngữa lên trời;” Con lạy thần núi, con lạy thần rừng…xin cho cô Bình Thường trở lại với chúng con!”

Dáng Đoan trang nghiêm, nhẫn nhục như người lớn. Dự chợt nhớ đến bà, niềm hy vọng của bà về cây lan núi. Nó ngồi bật dậy, nói như reo:” Phải rồi! Lan núi! Đoan ơi, tụi mình phải tìm cây lan núi. Biết đâu hoa nở , cô về!” Đoan đứng phắt dậy, hớn hở. Để mặc đôi trâu cúi gầm trên vạt cỏ, hai đứa trẻ nắm tay nhau tìm đường lên đỉnh núi. Chúng tin rằng ở tận trên ấy mới có một cây phong lan huyền diệu. Hương hoa sẽ bay theo gió, gọi cô giáo về với chúng.

Nguyễn Thị Mây

MỤC LỤC

Vài chi tiết về kỳ họp 8/2/2020 .....Vũ Thư Hữu .... 03

Vài chi tiết về một cuốn sách nói về một danh nhân
và người viết yêu thích và quý trọng,
mới có duyên may được tặng ............... Vũ Anh Tuấn .... 10

Lịch sử Giáo Hội Cộng Giáp (tt- kỳ 3)
Bosco Nguyễn Văn Đình, Ofm & Giuse Nguyễn Hữu Triết 11

Trở Về Đạo Phật Nguyên Chất để phụng sự Nhân Sinh
của TT. Thích Nhật Từ ........................... Tâm Nguyện .... 17

Cuộc sống an nhiên tự tại ......... Phạm Vũ ... 40

Những việc sẽ đến trong tương lai gần
Duc M Tran - Kim Sơn st .......... 47

Ăn Trái Cây - Eating Fruit ........ Hoàng Chúc st. .... 53

Nhớ nhà châm điếu thuốc ....... H.M.H. - Mạnh Đoàn st. ... 64

Aleksandr Ghitovich - Ba bài thơ về dịch thuật .......... 72

Thừa Nhận (thơ) ........... 73

Để từ trên sách thơ trữ tình các nhà thơ cổ điển Trung Hoa
Thúy Toàn dịch ... 74

Nguyên tắc sống lâu 100 tuổi
Bs. Trường Xuân - Đỗ Thiên Thư st. ...... 74

Quốc gia nào thông minh nhất Thế giới?
Phương Thảo - Thùy Hương st. ...... 79

Bé trai 3 tuổi tố cáo kẻ giết mình ở “kiếp trước” ..Ngàn Phương st ....... 83

Cảm ơn người - những vị bác sĩ đang tuyến đầu (thơ) ...Đàm Lan ..... 85

Xuân chơn giả (thơ) ..... Thanh Châu .... 87

Nhớ một chiều Xuân (thơ) ....... Thanh Châu .... 87

Xuân qua (thơ) .......... Hoài Ly .... 88

Chúc mừng sinh nhật chị Lệ Ngọc (thơ) . Vũ Thúy Hương .... 89

Từ Huế cháu tôi gửi Zalo Bia-Mộ (thơ) ... Vũ Thúy Hương .... 89

Nhận thức Xuân (thơ) ... Vũ Thúy Hương .... 91

Trước một Đại Văn Hào Lép Tônxtôi .. Trần Nhuận Minh .... 92

In front of the Tomb of greatwriter Leo Nikolayevich Tolstoi
Trần Nhuận Minh - Translated by Vũ Anh Tuấn .... 93

Giáo dục (thơ) ........ Lê Minh Chứ .... 95

Hai Lúa Cần Thơ (thơ) ..... Chữ Đông Minh .... 96

Trên dòng sông Hậu (thơ) ..... Chữ Đồng Minh .... 97

Tiếng Việt Dễ Thương Nam, Bắc ....... Quan Thùy Mai st. .... 98

Hương Em (thơ) ..... Phùng Chí Tâm .. 101

Tự cứu mình bằng cách giúp người khác ..Đào Minh Diệu Xuân st. .... 102

Nghi vấn lịch sử ... Phạm Hiếu Nghĩa .. 104

27 lý do khiến chúng ta nên cười mỗi ngày Bùi Đẹp st. ... 107

5 Cái “ĐỪNG” Của Cuộc Đời .... Tu Vu st. .. 110

101 điều thú vị về trái đất ..... Hoàng Kim Thư st . .. 115

Những tưởng.... Lê Ngọc, st. .. 136

Bệnh dịch và một con người Chí Thánh ...Nguyễn Văn Sâm . .. 141

Theo gió hương bay ....... Nguyễn Thị Mây .. 147

|  151 |
 152 |
 153 |
 154 |
 155 |
 156 |
 157 |
 158 |
 159 |
 160 |
 161 |
 162 |
 163 |
 164 |
 165 |
|  166 |
 167 |
 168 |
 169 |
 170 |
 171 |
 172 |
 173 |
 174 |
 175 |
 176 |
 177 |
 178 |
 179 |
 180 |
|  181 |
 182 |
 183 |
 
|  151 |
 152 |
 153 |
 154 |
 155 |
|  156 |
 157 |
 158 |
 159 |
 160 |
|  161 |
 162 |
 163 |
 164 |
 165 |
|  166 |
 167 |
 168 |
 169 |
 170 |
|  171 |
 172 |
 173 |
 174 |
 175 |
|  176 |
 177 |
 178 |
 179 |
 180 |
|  181 |
 182 |
 183 |
 
Netadong.com thiết kế