VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 14/3/2020 CỦA CLB SÁCH XƯA VÀ NAY Buổi họp sáng nay có một người mới là anh Nguyễn Thái Sơn, do thành viên Dương Xuân Định giới thiệu, nên anh Sơn đã được dành cho vài phút để tự giới thiệu với các thành viên. Sau đó, như thường lệ, dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên hai cuốn sách mới ông mới có. Lần này cả hai cuốn đều bằng tiếng Anh. Cuốn đầu là một cuốn sách khổ 14 x22, dày 432 trang mang tựa đề là PARAGON BOOK GALLERY (Sách giới thiệu sách về Nghệ Thuật và sách Nghiên cứu về Á Châu, của nhà xuất bản Paragon ở Berkeley, California, Mỹ). Qua 432 trang, cuốn sách giới thiệu và đánh giá hàng ngàn cuốn sách nghiên cứu và sách về nghệ thuật của các nước như Trung Quốc, Nhật, Đại Hàn, Trung Á, Tây Tạng, Nê pan, Mông cổ, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á, như Burma, Cam bốt, Nam Dương, Lào, Thái Lan và Việt nam. Cuốn sách này lẽ ra chẳng dính dáng gì tới người viết, nhưng nó đã được một bà bạn thân mang từ Cali về tặng cho người viết, VÌ TRONG ĐÓ CÓ MỘT BẢN DỊCH PHÁP ANH CỦA NGƯỜI VIẾT ĐƯỢC GIỚI THIỆU và cho biết giá bán vào Mùa Thu năm 2001, là lúc cuốn sách được in, là 39US 95cents. Đó là cuốn sách “Hiểu Biết Việt Nam” (Connaissance du Vietnam) của hai đồng tác giả là Thiếu Tướng Quân Y Huard và GS Maurice Durand mà người viết đã dịch từ Pháp sang Anh văn năm 1992 được tái bản 3 lần, và khi mới in ra thì giá bán chỉ là 75.000 VND trong lúc hiện nay thì ở nước ngoài giá đã lên tới 107 US thay vì như giá ở trên. Câu chuyện dịch cuốn sách này cũng rất li kỳ, cuốn sách thay vì mang tựa đề “Hiểu Biết Việt Nam” lại được nhóm thuê dịch đổi thành “Việt Nam Văn Minh Văn Hóa” (VIETNAM Civilization and Culture), và đây chính l à lý do khiến người viết đã cẩn thận ghi ngay ở dưới tựa đề dòng chữ English version of the work entitled “Connaissance du Vietnam” (Bản tiếng Anh của tác phẩm nhan đề là “Hiểu Biết Việt Nam”. Và li kỳ hơn nữa là khi dịch xong, do vấn đề tiền bản quyền không được giải quyêt nên người dịch đã không dùng tên mình để ký dưới bản dịch, mà lại dùng tên con gái mình sinh sống cũng ở ngay Cali để ký, và rồi chuyện li kỳ nhất là khi cô ta về, và được cho biết tên mình đã được dùng để ký bản dịch, cô ta chỉ trả lời duy nhất một câu mà lại bằng tiếng Anh nữa mới hay chứ “Thế hả bố!”(Is that so? Dad !). Cuốn thứ nhì cũng bằng tiếng Anh là một cuốn sách khổ 16 x 24 dày 576 trang, bìa cứng cực đẹp, là một tác phẩm của nhóm Newsweek books chứa đựng 5 cuốn sách được in dưới dạng “rút ngắn” (condensed), nhưng tuy rút ngắn mà không bỏ qua một chi tiết thiết yếu nào. Đây là một dạng sách mà người viết rất mong sau này đất nước mình cũng có thể có, vì với loại sách này, ta có thể nói không ngoa là “một cuốn bằng năm cuốn” vì nó giúp ta có trong tay một lúc năm cuốn sách chì qua một cuốn. Người viết rất thích đọc loại sách rút ngắn này và khi mua lại có cái hên là được một nhóm xuất bản thuê dịch một trong năm cuốn là cuốn Aristotle Onassis, cuốn sách kể lại cuộc tình của cựu Đệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ Jacqueline Kennedy với anh nhà giàu Onassis, và người viết đã dịch xong ra tiếng Mẹ Âu Cơ, nhưng chưa biết bao giờ bản dịch của mình mới … ra đời ! Dịch giả Vũ Anh Tuấn giới thiệu sách xong, anh Phạm Vũ đăng đàn, và ôi thật là kỳ diệu, anh cũng nói về John Kennedy và về con virus Corona. Sau anh Phạm Vũ, chị Diệu cũng lên nói thêm về con virus Corona. Chị Diệu nói xong, anh Tạo, em trai bà Thùy Dương, lên nói về tên và họ của người Anh. Sau anh Tạo, bà Vinh lên nói qua việc bà đã sống qua ba chế độ và ngâm tặng các thành viên hai bài thơ “Kính Chúa yêu nước” và “Đời”. Tiếp lời bà Vinh, Kim Mai lên hát tặng các thành viên bài “Ba Vì năm xưa”. Sau Kim Mai, anh Phùng Chí Tâm lên giới thiệu cuốn Hai Mươi Nhăm Năm Biển Thơ của CLB Thơ Biển dày 900 trang của 116 nhà thơ thành viên mà anh tặng cho Chủ nhiệm Vũ Anh Tuấn. và hát tặng các thành viên bài “Tình khúc Hoàng Lan”. Anh Tâm hát xong, Lệ Ngọc lên hát bài Happy Birthday mừng sinh nhật dịch giả Vũ Anh Tuấn và hát tặng các thành viên bài “Bến Xuân” của Văn Cao. Tiếp lời Lệ Ngọc, anh Thanh Phong lên hát tặng các thành viên bài “Hà Nội ơi”. Sau anh Thanh Phong, Thùy Hương lên chúc Tết và đọc tặng các thành viên ba bài thơ. Cuối cùng anh Quang Bỉnh lên hát tặng các thành viên một bài vọng cổ, và buổi họp kết thúc lúc 11 giờ 15 khi mọi người vui vẻ chia tay hẹn lại tái ngộ trong kỳ họp tới. Vũ Thư Hữu VÀI DÒNG VỀ CUỐN HỒI KÝ “ĐƯỜNG SÁNG TRĂNG SAO” CỦA TÁC GIẢ NGUYỆT TÚ Hôm nay trong lúc thu dọn lại một trong 6 tủ sách, mình tình cờ gặp lại cuốn hồi ký của nữ tác giả Nguyệt Tú mà mình được tặng trong Cuộc thi Tủ Sách Gia Đình lần thứ Nhất năm 2006 mà mỉnh đoạt giải Ba. Cuốn sách khổ 15 x 21 dày 476 trang có bìa cứng rất đẹp, do Nhà Xuất Bản Tổng Hợp TPHCM in năm 2003. Vừa mở cuốn sách ra mình đã bắt gặp mấy dòng chữ của chính mình viết bằng bút đỏ “Kỷ niệm ngày đoạt Á Hậu II i.e. (tức là) Giải Ba cuộc Thi Tủ Sách Gia Đình lần thứ Nhất” 24.3.06, bên dưới có ký tên và đóng triện son hẳn hoi. Cuốn sách này là một trong mấy cuốn sách Hội Sách Năm đó tặng mấy người được giải. Người viết không thích cuốn sách vì nữ tác giả là phu nhân của Chủ Tịch Quốc Hội Lê Quang Đạo, mà vì bà là ái nữ của danh họa Nguyễn Phan Chánh, một danh họa hàng đầu của Việt Nam, ngoài ra bà còn là chị ruột của GS. Nguyễn Phan Quang. một GS Sử học mà mình có giao du khá thân thiết trong thời gian ông sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Vì chống dịch chẳng đi đâu nên mình đã bỏ ra trên 4 giờ đồng hồ để lướt qua cuốn sách “cưỡi ngựa xem hoa” và vì cuốn sách mang lại cho mình một vài thích thú nên mình xin chia sẻ sơ qua với các bạn yêu sách như sau đây: Cuốn sách dày 476 trang được chia làm 10 chương : · Chương 1.- Nói về tuổi thơ của nữ tác giả không có gì hấp dẫn đối với mình. · Chương 2.- Nói về thời học sinh của nữ tác giả có một đoạn trong đó bà mô tả việc danh họa Nguyễn Phan Chánh dùng bà và một thiếu nữ khác làm người mẫu để vẽ ra mấy bức tranh lụa cực đẹp lúc này giá trị phải tính bằng tiền tỉ. Mình thích đoạn này vì nó thuộc phạm vi hội họa. · Chương 3.- Mang tiểu tựa là Cách Mạng có một đoạn người viết thích là đoạn nữ tác giả kể về bài báo đầu tiên bà ấy viết. · Chương 4.- Nói về chiến tranh và tình yêu có một đoạn nữ tác giả viết về những bức thư tình được người viết siêu thích. · Chương 5.- Nói về chiến tranh và gia đình của nữ tác giả không có gì người viết thích. · Chương 6.- Mang tiểu tựa là “Hòa bình không trọn vẹn” có đoạn mà người viết cực thích và tự hứa sẽ chụp ra để sa ve là đoạn nói về xưởng vẽ của đại danh họa Nguyễn Phan Chánh. · Chương 7.- Nói về chiến tranh chống Mỹ có hai đoạn người viết rất thích là đoạn nói về thơ trên tranh và về một bức phác thảo mãi mãi không thành tranh. · Chương 8.- Mang tiểu tưa là “Hà Nội hoa sữa đắng” có một đoạn mà người viết rất thích và sẽ chép ra để giữ làm tài liệu là đoạn nói về “Tranh lụa Nguyễn Phan Chánh trở lại Châu Âu”, trở lại nhé, và trở lại nghĩa là đã “đi rồi” đã được châu Âu biết tới rồi hi hi! · Chương 9.- Nói về hạnh phúc và chia ly, có đoạn tôi cũng thích vì tôi thấy nhà đại danh họa cũng rất đa tình khi tới già … vẫn biết yêu, và đây là điểm tưởng đồng duy nhất giữa tôi và cụ! · Chương 10.- Mang tiểu tựa là “Mùa Thu xanh” có phần nói về Khu Tưởng Niệm đại danh họa Nguyễn Phan Chánh cũng được người viết quan tâm đọc. Tóm lại đây cũng là một quý thư đáng giữ chơi. Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI Vũ Anh Tuấn
LỊCH SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO (tiếp theo số 166) BÀI 4: RÔ-MA: KINH THÀNH MUÔN THUỞ Giáo hội của Đức Kitô đã được khai sinh tại Giê-ru-sa-lem với nhóm 12 môn đệ. Thế nhưng nơi mà Giáo Hội phát triển mạnh lúc ban đầu lại chính là RÔ-MA, được mệnh danh là “KINH THÀNH MUÔN THUỞ”. I. NHÌN VỀ QUÁ KHỨ Hơn 700 năm trước Chúa Giáng Sinh, khi mà ở Lưỡng Hà Địa (Iran và Irak bây giờ), Đế quốc Át-xi-ri đang thời kỳ cực thịnh với vua Sargon II, thì Rô-ma mới chỉ là một ít chòi tranh nằm rải rác trên 7 ngọn đồi bên bờ sông Tibê. Dưới chân các ngọn đồi này là một vùng đầm lầy với đây đó một vài ngôi mộ nhỏ. Dân Rô-ma thời bấy giờ toàn là những nhóm du mục từ miền núi Albơ kéo tới. Có 3 sắc dân chính là dân Sabin, dân Etrúyt và đặc biệt là dân La tinh. Thế mà, chỉ mấy thế kỷ sau, Roma đã trở thành trung tâm thương mại, thu hút nhiều người, tập trung vào khu trung tâm gọi là Tứ Giác Roma (roma quadrata). Nơi đây sẽ trở thành công trường chính gọi là Forum. Vào thời Chúa Giêsu, Rô-ma đã là một đô thị lớn, được nhà Xê-da chọn làm kinh đô. Rôma hồi ấy có những con đường ngang dọc mà các du khách ngày nay vẫn còn thấy. Đó là con đường Appia chạy về phía nam, được lát bằng những viên đá lớn hình vuông. Chính trên con đường này thánh Phao-lô đã đi qua để vào Rô-ma. Kế đó là con đường Ostia, tức là con đường chạy từ thành phố đến cửa khẩu sông Tibê. Cuối cùng là con đường Salaria, tức là con đường đưa muối từ biển Adria về thành phố Roma. Ngoài ra còn có những đường ống nổi đặt trên những trụ bằng gạch, dẫn nước từ trên núi Albơ về thành phố và cung cấp cho các nhà tắm công cộng (therme), và tưới mát các khu vườn trong cung vua, điện chúa hay các công viên. Người Rô-ma thường tự hào là một dân tộc có tinh thần dân chủ. Ngay từ thế kỷ thứ I, Rô-ma đã có tòa Công Nghị, nơi mọi vấn đề đều được đưa ra bàn cãi công khai. Roma cũng có những thao trường để luyện tập thân thể, những hí trường xây theo kiểu vòng cung như những sân vận động hiện đại nhất ngày nay. Ngoài ra người La Mã còn có những công trường rộng mênh mông như công trường Thần Mars với Khải Hoàn Môn Ti-tô. Nơi đây vào những ngày lễ lớn, người ta tổ chức những cuộc diễn binh rầm rộ với các binh đoàn đóng tại Rô-ma hay các binh đoàn viễn chinh từ các xứ xa xôi của Đế Quốc trở về. Thêm vào đó là các dinh thự nguy nga tráng lệ do các vua chúa xây lên. Tất cả vẻ hùng tráng đó làm cho người Rô-ma tự hào Kinh Thành của họ là kinh thành muôn thuở. II. RÔ-MA VỚI KITÔ GIÁO Trước hết, chúng ta không nên lầm lẫn Rô-ma với Quốc Gia Va-ti-can hiện nay. Rô-ma ngày xưa được xây trên 7 ngọn đồi nằm kế cận nhau, còn Quốc Gia Va-ti-can tuy cũng nằm trên một ngọn đồi, nhưng lại cách xa 7 ngọn đồi kia. Vào thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên, nhân chuyện nhà Ma-ca-bê muốn chống lại nhà Xêlêcô, đã “cõng rắn cắn gà nhà”, tức là đã sai người sang cầu viện với Hoàng Đế Rô-ma. Hoàng Đế tức khắc cho tướng Pom-pê sang chiếm giữ Giê-ru-sa-lem, tướng Pom-pê đã bắt một số người Do Thái chống đối đưa về Rô-ma làm tù binh. Những tù binh này sau khi được phóng thích, đã ở lại sinh sống và lập nghiệp tại đây. Vì thế, khi Thánh Phê-rô lần đầu tiên tới Rô-ma, nơi đây đã có sẵn một số người Do Thái đợi ngài. Rồi sau này lúc thánh Phê-rô và Phao-lô trở lại Rô-ma, Rô-ma đã có sẵn một cộng đoàn Do Thái sống biệt lập. Đối với người La Mã, tôn giáo chính là lòng yêu nước, lòng yêu quê hương xứ sở, nơi mình sinh ra và lớn lên. Vì thế, họ thờ Hoàng Đế, thờ Kinh Thành Rô-ma bên cạnh những vị thần khác. Lúc đầu, khi thấy người Do Thái thờ Thiên Chúa, thì người La Mã không mấy quan tâm và coi Thiên Chúa chỉ là một vị thần của người Do Thái, không liên quan gì tới họ. Do đó họ tôn trọng tôn giáo của người Do Thái, không đụng chạm đến Kitô giáo. Nhưng dần dần, người La Mã thấy Kitô giáo mỗi lúc một mạnh, và có thể thay thế tôn giáo chính của Đế Quốc. Họ thấy Kitô giáo không còn là tôn giáo riêng tư của người Do Thái, cũng không còn là của riêng một giai cấp hay một hạng người, mà trái lại đã trở nên một tôn giáo phổ biến, lôi kéo đủ mọi lớp người: từ người cùng khổ, người nô lệ đến hạng quý tộc sống bên cạnh Hoàng Đế. Ngoài ra, họ thấy các Kitô hữu có một cuộc sống khác hẳn nếp sống của họ. người Kitô hữu sống ẩn dật, tuân giữ luật lệ cách nghiêm nhặt, tránh xa các trò chơi thô bạo, đẫm máu. Họ ăn chay và kiêng cữ nhiều thứ. Họ sống điều độ và trật tự, lúc nào cũng có vẻ “xa lạ” với thế giới mà họ cho là tạm bợ. Trong khi đó, người La Mã vì chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền văn minh Hy Lạp: sống theo lý trí, tìm sự khôn ngoan trần tục, đuổi theo những thắng lợi nơi thao trường, ca tụng vẻ đẹp của thân xác, sống dễ dãi theo những thú vui vật chất và tôn thờ đủ mọi bậc thần linh. Tất cả những mâu thuẫn trên, kể cả những lời chỉ trích của người Kitô hữu đối với nếp sống phóng túng của người La Mã, đã khiến người La Mã ngày càng có ác cảm với Kitô giáo và người Kitô hữu. Cuối cùng, người La Mã đổ tội cho các Kitô hữu là đã gây xáo trộn trong Đế Quốc, rồi ra lệnh trục xuất các Kitô hữu. Lúc đầu, chỉ là lệnh trục xuất. Nhưng về sau, khi thấy các Kitô hữu ngày một trở nên đông đảo, không thể nào trục xuất hết được, thì các Hoàng Đế La Mã ra sắc lệnh cấm đạo. Đến thời Hoàng Đế Nê-rô (năm 64), các cuộc cấm đạo trở nên ác liệt. Các Kitô hữu phải chịu đủ mọi thứ cực hình: bị tra tấn, bị thiêu sống, bị chém đầu, bị đóng đinh, và làm mồi cho thú dữ ăn thịt… Các cuộc bách hại bắt đầu từ Rô-ma, dần dần lan ra khắp Đế Quốc, ngày một tinh vi và độc ác hơn. Những Kitô hữu tiên khởi đã phải chịu cảnh khổ cực này suốt gần 4 thế kỷ, mãi cho đến thời Hoàng Đế Con-stan-ti-nô, các cuộc bách hại mới chấm dứt với “chiếu chỉ Mi-la-nô”. III. NGÀY NAY CÒN GÌ TRÊN “KINH THÀNH MUÔN THUỞ” Kinh thành Rô-ma lộng lẫy, huy hoàng, đã được các vua chúa nhà Xê-da góp công xây dựng. Rồi hai mươi thế kỷ trôi qua, trên nền đất cũ của Kinh Thành Rô-ma xưa, nay chỉ còn lại Khải hoàn môn Ti-tô, ngục thất Ma-mec-tin và vài con đường lát đá, bên cạnh Đền thờ Thánh Phê-rô và Đền thờ Thánh Phao-lô… Người du khách ngày nay, khi dạo chơi trong thành phố Rô-ma, có thể đang dẫm chân lên trên các đền đài của Ti-bê-ri-ô và Ca-li-gu-la thuở xưa. Kinh Thành Rô-ma của Đế quốc đã sụp đổ. Cảnh náo nhiệt của Công trường Fo-rum nay không còn nữa. Những diễn đàn công cộng đã câm nín. Điện Ca-pi-tol còn đó, nhưng không còn kẻ chiến thắng để bước lên. Xưa kia, Roma là Kinh thành với đủ mọi sắc dân, là nơi Hoàng Đế ban hành lệnh truyền đi khắp bốn phương. Giờ đây chỉ còn một ít di tích và kỷ niệm ! Nhìn lại quá khứ, ta thấy Rô-ma Kitô giáo đã được xây dựng trên đền đài của Rô-ma ngoại giáo. Tại đây, Giáo Hội đã bị bách hại nặng nề. Nhưng chính những cuộc bách hại đó đã đem lại cho Rô-ma cái vinh quang ngày nay. Rõ ràng là các Hoàng Đế nhà Xê-da và các vĩ nhân của La Mã xưa đã không giữ mãi được cái huy hoàng của Kinh Thành Rô-ma. Trái lại, chỉ nhờ vào hai con người tầm thường: một người đánh cá trên hồ Ti-bê-ri-a, một người dệt lều ở Tác-xê, chính hai con người này đã làm cho Rô-ma trở nên Kinh Thành muôn thuở. Đó là Thánh PHÊ-RÔ và Thánh PHAO-LÔ. Bài đọc thêm GIÁO HỘI VẪN LỚN LÊN… (Một vài chứng từ về đời sống Giáo Hội thuở ban đầu) “Các Kitô không khác gì những người chung quanh. Họ không có tiếng nói riêng. Cuộc sống của họ là cuộc sống của mọi người, trong cái ăn cũng như cái mặc… Dù là đàn ông hay đàn bà, họ không sống bừa bãi, buông thả. Họ sống ở trần thế nhưng họ là công dân Nước Trời”. … “Họ tuân theo luật lệ, mà cách sống của họ còn hoàn hảo hơn luật lệ. Họ yêu thương tất cả mọi người, nhưng người ta lại làm họ đau khổ quá nhiều. Người ta không biết tập tục của họ nên cứ lên án. Người ta sát hại họ, nhưng nhờ đó mà họ hưởng được cuộc sống đích thực”. · Trích thư của một Kitô hữu sống tại A-lê-xan-dri-a (Ai Cập) viết cho Diognèta, công chức triều đình vào cuối thế kỷ thứ 2. *** “Giáo hội lan rộng khắp nơi trên thế giới, đến tận cùng trái đất. Thế nhưng, cho dù có mặt khắp nơi, trong mọi nước, Giáo hội vẫn cẩn mật gìn giữ giáo lý và đức tin đã tiếp nhận, như thế Giáo Hội ở trong một nhà, Giáo Hội tin vào tất cả những điều này, như thế Giáo Hội chỉ có một linh hồn và một trái tim duy nhất…” · Trích tác phẩm “CHỐNG CÁC LẠC GIÁO” của Thánh I-rê-nê, Giám mục thành Ly-on (cuối thế kỷ thứ 2). (còn tiếp) Bosco Nguyễn Văn Đình, Ofm Giuse Nguyễn Hữu Triết ĐẠO PHẬT MUỐN NÓI GÌ QUA PHÁP VÔ THƯỜNG? Cho đến thời này thì dù có phải là Đệ Tử Nhà Phật hay không, thì mọi người đều hiểu và chấp nhận pháp VÔ THƯỜNG. Đúng như thế. Dù không lên tiếng, không đe dọa ai, nhưng pháp Vô Thường vẫn quanh quẩn đâu đó, cứ lặng lẽ xuất hiện hàng ngày trên báo chí, trên các bản tin, để mọi người đều thấy : Có nhiều người phút trước đang khỏe mạnh bình thường, lấy xe đi công việc, rồi tai nạn xảy ra và không trở về nữa. Người đang hát karaoke, bỗng nhà cách mấy căn có vụ nổ, một chiếc thùng phi bay tung lên, xuyên qua mấy nhà khác, bay đến sát thương bất ngờ ! Cả gia đình mấy người lái xe đi chơi rồi không về, mấy ngày sau tìm được cả người và xe rơi xuống một cái ao gần nhà và đã chết hết trong xe ! Shipper đang giao hàng thì tự ngả xuống và không đứng lên nữa !. Một người chuyên bán kem để nuôi con mới hơn 60 tuổi gục chết ngay trên xe ! Người đi làm ngoài đồng rồi không thấy về. Con cháu sốt ruột đi tìm thì thấy đã chết từ lúc nào ! Sóng thần, lở núi, nhà sập, lũ cuốn ..đã mang đi bao nhiêu con người đang tràn trề sức sống, chưa bao giờ nghĩ đến cái chết ! . Từ đầu năm nay, căn bệnh Corona quái ác giết hại biết bao nhiêu người bên Trung Quốc mà đau lòng nhất là một số Bác Sĩ cũng bị lấy mạng khi còn quá trẻ. Có Bác Sĩ định cưới vợ thì phải dời ngày cưới rồi ngày đó không bao giờ đến ! Nó đã bùng nổ trên nhiều quốc gia làm thành một đại dịch cho đến nay, đe dọa cuộc sống của nhiều người, và chưa có thuốc đặc trị ! Mấy mươi Linh Mục và hơn 3.000 người dân nước Ý đã gục ngã ! Ở Iran cứ mười phút lại có người chết ! Vô Thường đã và đang hoành hành mà nhiều bệnh Y Học còn đang bó tay, cho chúng ta thấy : Con người dù khỏe mạnh là thế, thông minh là thế, chinh phục cả không gian, nhưng chỉ cần con vi rút bé xíu, vô hình, vô ảnh, chỉ thấy được qua kính hiển vi, xâm nhập vô cơ thể là ngả ra chết một cách dễ dàng, còn nguy hiểm hơn là bệnh AIDS một thời đã đe dọa con người ! Điều đó phải chăng là một sự nhắc nhở mạnh mẽ để chúng ta không được phép quên là cuộc sống không cứ phải lúc nào cũng theo quy luật : Sinh, Lão, Bệnh, Tử ? Thật vậy, nếu được thuận theo quy luật Sinh Lão Bệnh Tử. Cứ sinh ra sống đến già, rồi Bệnh rồi mới Chết thì đó cũng là điều an ủi cho con người. Cha mẹ có thể nuôi dạy con cho đến trưởng thành rồi mới ra đi. Con cái có cơ hội đế báo hiếu cho cha mẹ trước khi họ đi theo ông bà. Trái lại, Vô Thường không theo một quy luật nào hết, nên các nhà Khoa học thời nào cũng cố gắng nghiên cứu để làm sao chiến thắng bệnh tật, kéo dài tuổi thọ cho con người. Qua kinh nghiệm được kế thừa và phát huy từ hàng ngàn năm, khoa học cũng giúp khắc phục được phần nào bằng những loại thuốc viên, thuốc nước, châm cứu, bấm huyệt. Khuyên con người thay đổi thói quen ăn uống. Tập vận động. Cải tạo môi trường. Mổ xẻ, thay những bộ phận bị bệnh. Hóa trị, Xạ trị. Những tiến bộ của Khoa Học cũng giúp kéo dài cuộc sống thêm cho con người. Nhưng cơ thể con người vốn mong manh và là một bộ máy rất tinh vi, nhưng chất liệu lại bằng da, thịt, nên rất dễ bị tổn thương. Cứ tưởng tượng những mạch máu nhỏ xíu mà có nhiệm vụ đưa máu lưu thông khắp châu thân để nuôi cái thân. Chỉ cần có một cục máu nào đó đông lại, rồi nghẽn ở chỗ nào đó thôi, là có chuyện xảy ra rồi ! Trái tim phải đập để bơm máu đi nuôi cơ thể mà vì lý do nào đó nó bị trục trặc, hay mỏi mệt không chịu đập nữa, là có chuyện ngay ! Hoặc bất cứ bộ phận nào đó trong cơ thể có vấn đề mà khoa học can thiệp không được là kể như xong phim ! Số phận đã an bày : Đã Sinh là phải Tử. Dù khéo giữ gìn cỡ nào ! Con người và tất cả sinh vật Biết Sống không làm sao tránh khỏi cái chết ! Đó là điều mà bất cứ ai vào Tu Phật cũng được nhắc nhở phải thường xuyên Soi, Quán để đừng tiếp tục bám vào cái Thân nữa, bởi nó không sống mãi, vậy mà trong thời gian tồn tại chính nó còn là nguyên nhân của bao nhiêu tội ác của mọi người. Đạo Phật là tôn giáo đề cập đến Vô Thường, nhưng mục đích khi nói về VÔ THƯỜNG, nói đến sự mong manh của kiếp sống là gì ? Phải chăng để mọi người chán đời, bỏ hết mọi việc, chê cuộc đời là cõi tạm, là cõi phiền não, là hư vô, để vô Chùa tu hành, nương nhờ Phật, ngày ngày tụng Kinh, gỏ mõ để chờ Phật rước về Niết Bàn như Tu Sĩ bao thời đã làm ? Đó là một trong những điều mà Phật Tử từ nhiều đời đã bị hiểu lầm, do tin vào những người chưa học hết Giáo Pháp của Đạo Phật quảng bá. Thật vậy. nhìn chung chúng ta thấy : Đa số Tu Sĩ Xuất Gia cũng vì tin tưởng, vì ngưỡng mộ Phật, nhưng lại do hiểu lầm về PHẬT, và sự cứu độ của Phật. Họ đâu cần tìm để biết thật ra Phật là gì ? Chỉ là được nghe giảng, hay đọc Kinh thấy nói về Phật có khả năng “ Cứu độ Chúng Sinh ” “ Độ thoát cho Tam Thiên Đại thiên thế giới ” , “ Bồ Tát bay lướt mười phương để cứu độ Chúng Sinh ” , “ Quán Thế Âm Bồ Tát luôn lắng nghe tiếng kêu của chúng sinh để cứu độ ” . Địa Tạng Vương Bồ Tát với lời nguyện : “ Ngày nào còn một chúng sinh chưa đợc độ, con thề không ngồi vào nơi Vô Thượng Chánh Giác ” .. thì cho rằng rõ ràng Kinh nói Phật, Bồ Tát luôn cứu độ Chúng Sinh. Tất cả mọi người là Chúng Sinh của Phật, Phật lại luôn Từ, Bi, Hỉ, Xả, cứ cầu xin là sẽ “ Được Độ ” . Lời Phật, lời Kinh thì không thể nào sai được. Vì thế, không chỉ bản thân người đọc Kinh thấy như thế hoàn toàn tin tưởng, mà còn truyền bá cho bá tánh mọi thời. Cho đến thời này thì việc xem Phật, Bồ Tát là Thần Linh tối cao, có quyền ban ân, giáng phúc, cứu khổn, phò nguy đã làm Phật Tử đặt hết hy vọng vào các Vị. Họ cầu xin, nương tựa lúc sống cũng như lúc qua đời. Mặt khác, Chùa chiền nối nhau, thế hệ này kế tiếp thế hệ khác tiếp tục truyền bá thêm. Tu Sĩ ngày nay trình độ cũng cao hơn, nói pháp lưu loát, dễ nghe, nên niềm tin đó ngày càng vững chắc hơn, vì Phật Tử làm gì biết được thế nào là mục đích thật sự của Đạo Phật để so sánh xem những gì mình được nghe có phải đúng là Chánh Pháp hay không ?. Xã hội văn minh ngày càng tạo thêm nhiều tiện ích để phục vụ cho cuộc sống, vì thế, con người chỉ còn biết quay cuồng theo nó. Đâu ai có thì giờ để tìm hiểu Đạo, vì điều đó không chỉ làm mất thì giờ lại không mang lại lợi ích cụ thể cho cuộc sống . Thôi thì đành phó mặc cho các Tu Sĩ có uy tín hướng dẫn cho. Cứ sống thiện, thỉnh thoảng đi Chùa, làm phước là được rồi. Đôi khi muốn đọc Kinh thì còn nghe nói là “ Kinh cao lắm, chỉ dành cho các Tu Sĩ đọc ” nên nhục chí. Người dũng cảm lắm thì cũng ráng đọc một vài Phẩm của quyển Kinh nào đó, nhưng làm sao có thì giờ nghiền ngẫm để biết rằng ngoài Chữ còn có Nghĩa, mà Nghĩa mới là điều cần hiểu để thực hành ? Làm gì biết được thế nào là ‘ Y pháp bất y nhân ” , “ Y trí bất y thức ”” y Kinh liễu nghĩa bất y kinh vị liễu nghĩa ” ? Do đó dễ dàng trở thành con mồi của những người trong màu áo tu hành, thuộc một số Kinh, Kệ, giải thích Phật Pháp nghe có vẻ suông sẻ. Nhất là những vị tu hành lâu năm, có nhiều đệ tử, hoặc có bằng Phật Học được nước ngoài cấp. Cũng nhờ tính tò mò và không thích chấp nhận những gì được người khác hiểu rồi giảng lại cho nghe, tôi đã dấn thân vào tìm hiểu Kinh sách. Buổi đầu cũng gặp không ít khó khăn, phải nhờ Thầy hướng dẫn cho từng bước. Thời gian sau, với lòng kiên trì, tìm hiểu từng chữ, từng câu, và chịu khó đọc Chính Kinh để tìm lời giải thích của Chư Tổ trong đó. Hết quyển này, đọc tiếp quyển khác, vòng đi vòng lại rất nhiều bận. Nhiều lúc khởi nghi ngờ, hoang mang, không biết mình hiểu đúng hay chưa ? Nhiều đáp án có vẽ lạ lẫm so với những gì được các Tu Sĩ giải thích. Cuối cùng, sau hơn 10 năm kiên trì, vừa đọc kinh, vừa thực hành theo lời dạy trong đó, nên lần hồi tôi cũng đã khám phá ra những điều trước kia tưởng chừng như “ xa kín nhiệm sâu ” không thể lý giải, không thể hiểu nổi, để nhiều người hoặc không hiểu, hoặc vì lợi dưỡng đã dựa vào đó để huyền bí hóa Đạo Phật, nhưng nếu ai có nghiên cứu và tinh ý thì sẽ thấy ngay những sơ hở rất quan trọng ! Thật vậy, mọi người đều có nghe nói rằng Đạo Phật là Tự Độ, vậy mà các Chùa thời nào cũng khuyến khích bá tánh cầu xin để “ Được Độ ” lúc còn sống cũng như khi qua đời. Giáo Pháp Đại Thừa hay Phật Giáo Nguyên Thủy đều nói rằng “ Đức Thích Ca không phải là Thần Linh, chỉ là một người bình thường, nhờ đoạn trừ lậu hoặc mà được Giải Thoát ” . Vậy mà không thấy ai dạy bắt chước Ngài, “ đoạn trừ lậu hoặc ” để thục hiện lời Thọ Ký, “ Tất cả Chúng Sinh là Phật sẽ thành ” , mà Chùa nào cũng sớm chiều chuông mõ, khói hương nghi ngút, để cầu Phật Độ, xui bá tánh cất thật nhiều Chùa, dựng thật nhiều Tượng Phật để cầu xin phù hộ ? Phật dạy mọi người phải nương Giáo Pháp, đừng ôm ngón tay chỉ mặt trăng của Ngài thì họ vô Chùa núp bóng Từ Bi của Ngài. Phần tâm linh thì có Phật Độ, phần thân phàm thì bá tánh độ, còn gì hơn ! Trong Giáo Pháp có đề cập đến VÔ THƯỜNG, mà ý nghĩa nó dù sâu hay cạn thì có lẽ mọi người cũng có thể hiểu, là nói về sự không trường tồn của Các Pháp, trong đó bao gồm cái Thân của mỗi chúng ta. Nhưng người không quan tâm thì chỉ biết cắm cúi sống, cố làm ra tiền bằng cách này hay cách khác để nuôi dưỡng, phụng sự cho mọi nhu cầu của cái Thân. Tới chuyện mới mang vàng hương, hoa quả tới Chùa nhờ chuyển lời cầu xin Phật cứu khổn phò nguy cho. Người hiểu lầm “ Phật Độ ” thì bỏ hết mọi việc đời, chạy đi vô Chùa để “ nương cửa Phật ” với danh nghĩa “ phụng sự chúng sinh ” , bỏ lại gia đình, cảnh đời mặc những người bên ngoài làm gì đó thì làm, họ chỉ một lòng hướng Phật, cho đó là hy sinh cuộc đời để phục vụ Đạo Pháp ! Khi đề cập đến Vô Thường, nói rằng đã SINH thì phải TỬ, chạy đâu cũng không thoát, thì Đạo Phật giải quyết vấn đề đó ra sao ? Kinh DUY MA CẬT giải thích : Ngài Văn Thù Sư Lợi lại hỏi : Sự Sanh Tử đáng sợ. Bồ Tát phải y nơi đâu ? Ông Duy ma Cật đáp : - Bồ Tát ở trong Sanh Tử đáng sợ đó, phải y nơi công đức của Như Lai. Ngài Văn Thù Sư Lợi lại hỏi : - Bố Tát muốn y sức công đức của Như Lai phải trụ nơi đâu? - Bồ Tát muốn y sức công đức của Như Lai phải trụ nơi chỗ độ thoát tất cả chúng sanh. Lại hỏi : - Muốn độ Chúng sanh phải trừ những gì ? - Muốn độ chúng sanh phải trừ phiền não - Muốn trừ phiền não phải thực hành những gì ? - Phải thực hành Chánh Niệm - Thế nào là thực hành Chánh Niệm ? - Phải thực hành pháp không sanh không diệt. - Pháp gì không sanh, pháp gì không Diệt ? - Pháp bất thiện không Sanh, Pháp Thiện không Diệt. Những người hiểu lầm về Phật, về Như Lai, đọc thấy như thế càng thêm tin tưởng là phải cầu xin, nương tựa vào Phật Tổ Như Lai để độ cho mình khỏi bệnh, khỏi chết mà quên rằng Đức Thích Ca, người sáng lập Đạo Phật cũng đã chết, không ai thoát khỏi quy luật vũ trụ : Thành, trụ, hoại, không. Tu hành theo Đạo Phật là chấp nhận cuộc sống, chấp nhận quy luật vũ trụ chỉ thay đổi cái nhìn, cách sống để phù hợp mà thôi! Như Lai không phải là Phật Tổ có toàn quyền ban ân, giáng phúc, cứu khổn, phò nguy cho mọi người. Nghĩa của Như Lai là người tu hành đạt được trình độ Giải Thoát rồi thì không còn bị các pháp làm cho điên đảo. Pháp đến, pháp đi vẫn an nhiên, nên gọi là Như Lai. Vì vậy, “ Y nơi công đức của Như Lai ” tức là nương tựa vào sức định nơi Bổn Thế Tâm của mình để không còn bị các pháp vùi dập. Muốn vậy thì phải làm công việc là Độ Thoát tất cả Chúng Sanh ” . Chúng Sanh mà Đức Thích Ca dạy rằng tất cả những người muốn Thành Phật phải “ Độ Tận ” , không phải là đi cứu độ, giảng pháp cho bá tánh bên ngoài, mà là những “ Phiền Não ” trong mỗi chúng ta. Vì vậy, Độ Chúng Sanh là Trừ Phiền Não. Nơi đây, Kinh Duy Ma Cật chỉ Phương pháp để trừ Phiền Não là : Không Diệt Pháp Thiện và Không để cho Pháp Bất Thiện sanh. Chỉ một đoạn Kinh, đã phá cho chúng ta những hiểu lầm về Như Lai, về Độ Sanh, về cách Trừ Phiền Não. Vậy thì Vô Chùa tu hành có phải là cách tối ưu để Trừ Phiền Não hay không ? Điều này ta thấy Lục Tổ Huệ Năng dạy : “ Phật pháp tại thế gian. Bất ly thế gian giác. Ly thế mịch Bồ Đề. Cáp như cầm thố giác ” . Ý Tổ cũng giống như cách mà Đức Thích Ca muốn mọi người hiểu khi cầm Cành Sen đưa lên giữa đại chúng, sau đó trao Y Bát cho Tổ Ca Diếp. Đó là : Kết quả mà người tu Phật đạt được, không phải là thành Thánh, Thành Phật, về Niết Bàn hay cõi Phật, mà được giống như Hoa Sen, sống giữa bùn mà không bị bùn làm cho ô nhiễm. Người tu Phật không phải là vô Chùa để tránh phiền Não, mà phải Thoát phiền Não ngay giữa đời thường. Hoa Sen phải sinh trưởng, tàn tạ ngay chính nơi bùn nhơ. Không phải bứng đi mang trồng vô chậu nước tinh khiết, cách ly khỏi bùn để bùn không làm cho nó bị ô nhiễm. Ngược lại, chính Bùn là dưỡng chất nuôi Hoa Sen, thiếu bùn Hoa Sen không thể sống. Chính trong cuộc sống thường nhật đầy dẫy Phiền Não mới chứng minh được hiệu quả Giải Thoát của người tu Phật. Đạo Phật không ở ra để tách, hay mang con người xa rời cuộc đời, vì con người sinh ra giữa cuộc đời, sống và chết giữa cuộc đời. Nhưng chính vì thiếu hiểu biết, không ý thức về sự mong manh của cái Thân mà nhiều người trong thời gian sống ngắn ngủi đã gây tội, tạo Nghiệp chỉ để phục vụ cho nó. Vì thế Đạo Phật nhắc nhở người tu một sự thật không thể chối bỏ : Đó là Pháp Vô Thường, để mọi người ý thức mà đừng tiếp tục tạo Nghiệp xấu, ngược lại, tạo Thiện Nghiệp để mình và tất cả những người chung quanh có được cuộc sống an vui, hạnh phúc. Theo Đức Thích Ca, sở dĩ mọi người gây Nghiệp, làm những điều sai quấy là vì không nghĩ gì về cuộc đời, không ý thức được rằng kiếp sống không lâu dài và cũng không kết thúc sau khi cái Thân hết Nghiệp. Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta xuất hiện trong đời. Các Pháp cũng không phải chỉ thấy đó, rồi biến mất không để lại dấu vết, mà chỉ là sự thay đổi hình thức mà thôi. Chúng sẽ lại xuất hiện qua dạng khác. Với con người thì cái Thân mỗi chúng ta đang mang hiện tại chỉ là Thân Nhân Quả, có mặt để NHẬN những gì đã làm tốt ở kiếp truớc, hay TRẢ những cái Ác đã gieo. Do đó, tu hành theo Đạo Phật không phải là để rủ bỏ hết tất cả, tốt hay xấu cũng đều không làm, mà PHÁP ÁC KHÔNG SANH. PHÁP THIỆN KHÔNG DIỆT, bởi tính chất của CHÂN TÁNH là THƯỜNG HẰNG, hình tướng chỉ là sự tập hợp do Nhân Quả mà thôi, và kiếp sống hiện tại không chỉ là Trả hay Nhận những gì đã làm, mà còn làm Nhân cho kiếp sau. Do vậy, Đạo Phật dạy người tu phải đền TỨ ÂN, tức là phải sống và cư xử với mọi người một cách tốt đẹp nhất để đền đáp. Nhưng một số người học Đạo Phật nửa vời vừa mới nghe nói VÔ THƯỜNG đã cho rằng các Pháp thấy đó rồi mất đó, là KHÔNG, nên bỏ hết mọi việc để vô Chùa, nương của Phật mà quên rằng Đạo Phật tùy theo sự chấp nhất từng giai đoạn của con người mà tìm cách hướng dẫn cho thích hợp. Thật vậy. Với những người chỉ biết có hiện tại, chỉ biết có kiếp sống này và những gì trước mắt, không hiểu Lý Nhân Quả, sẵn sàng làm mọi việc ác, làm tổn thương người khác, miễn được lợi cho mình thì Phật dạy đó là những người CHẤP CÓ. Khi vào tu học, Phật dạy Quán Sát để thấy rằng các Pháp là KHÔNG. Bản chất các Pháp vốn là Không. Cuối cùng rồi cũng sẽ trở về Không. Cuộc sống là VÔ THƯỜNG. Thế là mọi người bỏ được cái CHẤP CÓ để quay sang CHẤP KHÔNG tưởng như thế là đã đạt mục đích của Đạo Phật. Nhưng thật ra cuộc sống không phải HOÀN TOÀN KHÔNG, bởi vì hiện tại các Pháp đang TẠM CÓ. Người tu Phật là để giải quyết cái TẠM CÓ sao cho ổn, để tất cả đầu được sống an lành, hạnh phúc trong kiếp sống ngắn ngủi. Nếu bao nhiêu tai nạn chưa đủ cho con người thức tỉnh, thì dịch bệnh mang tên CORONA đã làm cho con người thấy rõ hơn bao giờ hết sự mong manh của cái Thân người. Ngay cả Bác Sĩ là thần hộ mạng mà người bệnh đặt niềm tin cũng đã ngả gục một số cho mọi người thấy mức độ nguy hiểm của dịch bệnh ! Sự ra đi đột ngột của nhiều người trước đó hoàn toàn khỏe mạnh cho thấy uy lực của VÔ THƯỜNG. Nhưng Đạo Phật đưa ra Pháp Vô Thường không phải để chúng ta mất niềm tin vào cuộc sống, mà để chúng ta thấy rằng cuộc sống quý giá biết bao. Có ai chắc sẽ sống mãi bên cạnh ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái hay bạn bè thân thiết, vì Vô Thường có thể mang bất cứ ai đi, bất cứ thời điểm nào mà không cần báo trước. Vì thế, ngày nào còn có duyên sống bên nhau chúng ta nên đối xử hết lòng với nhau. Còn nhớ vụ hỏa hoạn ở Intershop năm nào. Báo chí đăng có nhiều người cứ nằng nặc đòi vô nhà xác khi mọi việc còn chưa ổn định, mục đích để gặp người thân của mình, vì còn bao nhiêu điều chưa kịp nói, bởi mới vài giờ trước đây, người thân của họ còn vui vẻ dự dám cưới của bạn bè, hát hò rôm rả ! Dịch Corona đến bao trùm cả thế giới để nhắc nhở mọi người rằng Vô Thường không trừ ai, già, trẻ, giàu nghèo, nhiều tuổi hay it tuổi, có học hay không, để mọi người có dịp xem lại coi mình đã làm gì trong kiếp sống ? Với ông, bà, cha mẹ, có yêu thương, chăm sóc họ để đền phần nào ân dưỡng dục ? Với vợ, chồng, con, cái đã yêu thương và làm hết trách nhiệm của mình chưa ? Với xã hội mình đã đóng góp được những gì ? để nếu Vô Thường mang đi thì không có gì phải hối tiếc. Trong cương vị người công dân bình thường, chúng ta đã đóng góp gì cho xã hội ? Trong cương vị những nhà lãnh đạo, chúng ta đã lo gì được cho dân, cho nước ? Trong cương vị người tu Phật, chúng ta đã học hỏi Giáo pháp một cách tinh tấn, để truyền bá Chánh Pháp như những gì ta quyết tâm khi Xuất Gia, để không uổng cơm áo của bá tánh chưa ? Đến nay thì một vài nước tuyên bố đã sản xuất thành công thuốc đặc trị Corona. Đó là tin vui cho toàn thể nhân loại. Hy vọng cơn đại dịch vừa qua là bài học Vô Thường để nhắc nhở cho mọi người không còn thờ ơ với cuộc sống nữa, và biết rằng một ngày còn sống là ân huệ của Thượng Đế để sống cho xứng đáng một kiếp người. Tâm Nguyện (Tháng 3/2020) ***** BÀ MẸ “HƯ” VÀ NHỮNG ĐỨA CON THÀNH ĐẠT Câu chuyện của bà sẽ còn được thiên hạ bàn luận nhiều với những ý kiến khác nhau. Chúng ta từng biết đến một phụ nữ Ấn Độ kết hôn với cả 5 anh em trai của một gia đình và họ đã sống hạnh phúc. Nhiều người biết chuyện đó cho rằng: có lẽ bởi phong tục tập quán mà 5 anh em người Ấn Độ đó mới có thể lấy chung một người phụ nữ làm vợ mà họ vẫn cảm thấy hạnh phúc. Nhưng câu chuyện tôi sẽ kể dưới đây cho bạn đọc là một câu chuyện ở Việt Nam. Câu chuyện về một người đàn bà có quan hệ với ba người đàn ông và có với mỗi người đàn ông một đứa con. Nhưng suốt cuộc đời của mình, bà đã sống trong sự nguyền rủa của nhiều người. Và trong con mắt của nhiều người, bà chỉ là một người đàn bà lăng loàn và đôi khi bị kết tội như một con điếm. Người đàn ông thứ nhất Đấy là một người đàn bà làm nghề buôn bán vặt. Hằng ngày, bà đạp xe từ ngoại ô vào thành phố buôn bán. Một đêm, trên đường về nhà, bà bị cảm lạnh. Bà gục ngã trên hè phố trong một đêm mưa lạnh. Nếu không có ai biết bà nằm trên hè phố, chắc bà không thể nào sống được. Một người đàn ông đi qua thấy bà và đã đưa bà về nhà mình chăm sóc. Trong thâm tâm bà, người đàn ông đó là ân nhân của mình, người đã sinh ra mình lần nữa. Sau lần được cứu sống đó, thi thoảng bà ghé thăm và giúp ông dọn dẹp nhà cửa. Đấy là một người đàn ông có vợ ở quê. Qua nhiều lần tiếp xúc, bà có tình cảm với ông này. Nhưng ông đã ý tứ để không lấn sâu vào chuyện tình cảm với bà. Ông chỉ nghĩ rằng nếu ông có quan hệ quá mức bình thường với bà thì bà sẽ nghĩ ông là kẻ lấy cớ để lợi dụng bà. Nhưng rồi, trong ngôi nhà nhỏ bé, một người đàn ông và một người đàn bà cũng khó lòng giữ được giới hạn. Bà đã dâng hiến cho người đàn ông đó. Khi biết mình có thai, bà đã lẳng lặng bỏ đi. Bà không muốn ông biết rằng cái thai đang lớn dần chính là đứa con của ông. Bởi nếu bà cho ông biết điều đó thì bà có thể mang lại bất hạnh cho người đàn ông đã cứu bà và chuyện đó sẽ làm tan vỡ gia đình ông. Bà cũng không đang tâm làm cho người đàn bà khác, vợ người đàn ông ân nhân của mình, phải gánh chịu đau khổ và bất hạnh. Người đàn ông thứ hai Sau khi đứa con ra đời mà gia đình không biết ai là cha của đứa bé, bà đã phải sống ê chề trong sự xa lánh, ruồng bỏ của gia đình và làng xóm. Có một nghìn câu chuyện thêu dệt về bà. Họ cho rằng bà lên thành phố để ngày ngày bán thân. Bà chỉ biết chịu đựng âm thầm. Nhưng rồi đến một ngày, không chịu đựng được những lời thị phi nữa, bà bỏ lên thành phố. Bà thuê một phòng trọ nhỏ và hằng ngày đi buôn bán vặt nuôi con. Cuộc sống của bà có lúc tưởng rơi xuống vực sâu và không bao giờ có thể thoát lên được. Nhiều lúc vì đau khổ và tuyệt vọng, bà đã định gặp người đàn ông ngày trước và nói về đứa con trai. Nhưng rồi nghĩ đến những phiền phức có thể mang đến cho ân nhân của mình, bà đã âm thầm chịu đựng. Trong lúc trống rỗng và chán nản, bà gặp người đàn ông thứ hai, đến với bà cũng chỉ vì thấy mẹ con bà sống quá cô đơn và buồn bã. Ông đến và giúp đỡ bà những gì có thể, coi bà như một người bạn. Họ đi lại với nhau trong một thời gian dài. Nhưng rồi nỗi cô đơn, trống trải đã chiến thắng bà. Bà đã dâng hiến cho người đàn ông thứ hai trong đời. Rồi bà lại mang thai. Khi biết điều đó, bà thực sự sợ hãi. Bà định tìm cách phá bỏ cái thai. Nhưng bà đã không làm được điều đó. Bà tự nhủ rằng dù bị mọi người coi là xấu xa và bẩn thỉu đến đâu, bà cũng không được phép giết chết một sinh linh. Sau nhiều ngày suy nghĩ, bà quyết định rời bỏ nơi mình và đứa con đầu lòng đang ở trọ. Một buổi sáng, bà thu vén đồ đạc chất lên chiếc xe đạp đã quá cũ cùng đứa con trai ba tuổi và ra đi. Người đàn ông thứ hai đã đi tìm bà. Ông linh cảm bà đang mang thai một đứa con của ông. Nhưng ông không thể nào tìm thấy bà và đứa con sẽ ra đời trong tương lai của mình. Người đàn ông thứ ba Khi đứa con thứ hai tròn một tuổi thì nó mắc một chứng bệnh hiểm nghèo. Các bác sĩ thông báo cho bà biết rằng, nếu không phẫu thuật kịp thời thì đứa bé không thể sống được. Nhưng chi phí cho ca phẫu thuật quá lớn mà có lẽ cả trong mơ, bà cũng không thể nào tưởng tượng ra được. Bà đi lang thang trong thành phố ban đêm với nỗi tuyệt vọng sẽ phải lìa xa đứa con của mình. Có bác sĩ đã hỏi bà về bố của đứa bé. Bà đã lắc đầu và khóc. Người bác sĩ như hiểu nỗi buồn ẩn khuất của bà nhưng vẫn nói bà hãy đi tìm bố đứa bé và ông ấy phải có trách nhiệm cứu đứa con của mình. Nhưng bà không đến gặp bố của đứa con thứ hai bé bỏng. Bà không muốn làm người đàn ông ấy phải khó xử. Hơn nữa, bà biết người đàn ông đó cũng khó lòng có được số tiền cho ca phẫu thuật. Và một điều đặc biệt nữa, chính bà là người tự nguyện dâng hiến cho những người đàn ông đó và bà không muốn họ khó xử hay gặp những chuyện phiền phức vì bà. Nhưng rồi, nỗi đau đớn và sợ hãi phải mất đứa con gái bé bỏng đã thôi thúc bà. Bà đã lang thang suốt mấy ngày quỳ xin những người bà gặp trên phố hãy cứu con gái bà. Rất nhiều người thương cảm tình cảnh của bà, nhưng họ cũng chỉ giúp được bà một chút nhỏ theo khả năng của họ. Nhưng kỳ lạ thay, cuối cùng tình yêu con và sự đau khổ của bà đã được thần phật biết tới. Một người đàn ông ngồi uống cà phê trước công sở đã lắng nghe câu chuyện của bà và nhận lời giúp. Ông hẹn bà ba ngày sau lại quán cà phê đó. Ba ngày sau, bà đến quán cà phê theo lời dặn cho dù không mấy tin có người sẽ giúp bà khoản tiền lớn như vậy. Khi bà đến, người đàn ông đã ngồi đó. Ông đưa cho bà một chiếc túi và nói trong đó là số tiền theo yêu cầu của bệnh viện để phẫu thuật cho con gái bà. Bà òa khóc. Bà dập đầu xuống đất vái lạy người đàn ông. Bà hỏi nhà ông ở đâu để bà đến tạ lễ. Người đàn ông đó chỉ mỉm cười và nói cứ đến quán cà phê đó là gặp ông nếu cần giúp đỡ gì. Sau ca phẫu thuật, con gái bà được cứu sống. Khi đứa con gái đã trở lại cuộc sống bình thường, bà quyết định đưa bé đến để cảm ơn người đàn ông đó. Hôm đó bà chọn bộ quần áo lành lặn nhất. Bà muốn ăn mặc sạch sẽ nhất để tỏ lòng tôn trọng người đã cứu con mình. Khi bà xuất hiện cùng đứa con gái một tuổi trước người đàn ông ngồi uống cà phê, bà chào nhưng ông không nhận ra bà. Ông không bao giờ nghĩ người đàn bà hốc hác, quần áo nhàu nhĩ với gương mặt tuyệt vọng quỳ trước mình mấy tháng trước lại là một thiếu phụ có gương mặt đẹp và buồn đang đứng trước mặt mình. Sau lần gặp gỡ đó, thi thoảng bà lại mang đứa con gái đến chào ông. Dần dần họ trở nên thân quen và có thể cởi mở nói chuyện với người đàn ông. Nhiều lần, ông bày tỏ ý muốn đến thăm nơi mẹ con bà ở. Bà từ chối vì không dám để bất cứ ai đến nơi mẹ con bà ở trọ. Nhưng vào một buổi tối, khi bà và hai đứa con đang ăn tối vui vẻ thì ông xuất hiện. Bà vô cùng lúng túng. Sau lần đến thăm đột ngột ấy, người đàn ông thi thoảng đến thăm bà và lúc nào cũng mang quà cho hai đứa trẻ. Một tối đến thăm bà, khi ông chuẩn bị về thì trời nổi giông và mưa lớn. Chỉ trong chớp mắt, cái ngõ nhỏ nơi bà và hai đứa con ở trọ đã ngập nước. Chỉ một lúc sau, nước tràn vào căn phòng trọ của bà. Mọi người phải ngồi trên giường. Mưa như trút nước và ông không thể nào về được. Lúc đó, toàn bộ khu phố cũng mất điện vì mưa bão. Bà đắp chăn cho hai đứa trẻ ngủ và ngồi nói chuyện với ông. Và đêm ấy, một điều không báo trước đã xảy đến với bà. Bà đã không dám cưỡng lại tình cảm bùng cháy của người đàn ông. Bà mang ơn người đàn ông ấy mãi mãi. Hơn thế, bà thực sự xúc động trước những gì mà người đàn ông đó đối xử với mẹ con bà. Và đó cũng là đêm đứa con thứ ba của bà hình thành. Nhưng đến một ngày, bà và hai đứa con cùng cái thai trong bụng bỏ thành phố ra đi. Bà thấy mình là một người tội lỗi. Bà nghĩ mình không thể tội lỗi thêm nữa. Và từ đó đến hơn 20 năm sau, bà không trở lại thành phố. Cuộc gặp mặt kỳ lạ Vào một buổi tối, ba đứa con của bà quyết định nói chuyện với mẹ. Lúc đó, người con trai cả của bà vừa nhận bằng tiến sĩ, người con gái đã là thạc sĩ và cô con gái út vừa đậu cử nhân. Ba anh em họ quyết định hỏi mẹ ai là bố của mình. Cả ba người con cũng nhận ra rằng: họ chỉ là những anh chị em cùng mẹ khác cha. Nghe các con hỏi vậy, bà đã khóc. Bà nói với các con mình rằng, bà là một người mẹ xấu xa, rằng nếu các con biết rõ câu chuyện về sự ra đời của chúng thì chúng sẽ không còn kính trọng mẹ như trước nữa. Nhưng bà bất ngờ và xúc động khi các con nói rằng với cách bà đã sống, đã kiếm cơm nuôi họ và đã âm thầm hy sinh cho họ học hành trong những năm tháng vô cùng đói khổ thì họ có sống cả đời cũng không trả được một phần công lao và tình yêu của bà. Chỉ đến khi đó, bà mới đủ bình tĩnh để kể lại câu chuyện cuộc đời bà, và nói bà sẽ tìm lại bố cho cả ba đứa con. Bởi trong lòng bà, họ thực sự là những người đàn ông tốt, những người đã giúp đỡ bà thực sự. Còn những gì bà dâng hiến cho họ hoàn toàn là từ sự tự nguyện và thương yêu của bà. Bà đã tìm lại ba người đàn ông đó. Cả ba người cũng đã già. Bà nói với từng người rằng đứa con chung của họ muốn gặp bố đẻ của nó. Bà hẹn cả ba người cùng một ngày. Bà muốn công khai sự thật. Và ba người đàn ông đã đến. Họ đã sững sờ và xúc động không cầm được nước mắt khi biết họ có một đứa con và con họ là những người được học hành, dạy dỗ tử tế bởi một người đàn bà mà trong cái nhìn của xã hội là kẻ lăng loàn và không còn phẩm hạnh. Đấy là một cuộc hội ngộ kỳ lạ trên thế gian này. Và không ai bảo ai, cả ba người đàn ông đã đến trước bà. Họ nói với bà rằng họ mang ơn bà vì bà đã giữ gìn giọt máu của họ và nuôi dạy chúng thành người có ích cho xã hội. Còn những đứa con riêng của bà vô cùng hạnh phúc khi được gặp bố đẻ của mình. Cũng kể từ ngày đó, ba anh em họ thương yêu nhau nhiều hơn. Câu chuyện tôi kể, rất nhiều người ở một thành phố miền trung biết rất rõ nhiều năm nay. Có không ít người trước kia nhìn bà bằng con mắt khinh bỉ thì nay đã thay đổi. Họ chia sẻ với bà nhiều hơn và cũng có người vẫn giữ nguyên cách nhìn của họ về con người bà. Cá nhân tôi kính trọng bà bởi bà đã vượt qua bao điều đau đớn, tủi nhục và ê chề để nuôi các con thành người có ích. Câu chuyện của bà sẽ còn được thiên hạ bàn luận nhiều với những ý kiến khác nhau. Nhưng với riêng mình, bà thấy hạnh phúc bởi những đứa con của bà đã biết hành xử với cuộc đời này một cách nhân ái nhất. Tú Vũ st. ***** ƯỚC MƠ DANG DỞ 1. Tôi đương ở trong phòng giải lao của trường thì có cảm giác là lạ: Thấy rờn rợn trên xương sống. Phòng vắng lại âm u vẻ gì như đìu hiu lau lách. Đưa tay tính bật đèn thì Tuấn nãy giờ lúi húi trong một góc, ngước mặt lên lắc đầu ra hiệu biểu đừng. Mặt anh xanh xao quá, lại ướt mẹp khiến tôi phát sanh lòng thương cảm pha trộn chút sợ hãi. Ngó những gì anh đương chăm chú thì thấy là xấp phác thảo mấy năm nay cho bức họa ‘Hoạt Cảnh Thời Đại’ mà theo anh, nếu thực hiện xong sẽ lớn tổ chảng, bề thế hơn bức tranh sơn mài ‘Quốc Tổ Hùng Vương’ của họa sĩ Trọng Nội trưng bày trong phòng khách dinh Độc Lập thuở nào. Xấp phác thảo đó anh đưa tôi giữ hơn nửa tháng nay trước khi vượt biên mà, sao lại ở trong trường được? Tôi cũng chưa đưa trả anh sao anh có mà đương lật lật, giở giở? Lạ thiệt chứ! Thắc mắc nhưng tôi không nói gì, chỉ hỏi: ‘Anh xuống Rạch Giá cả hai tuần nay rồi, sao bây giờ còn trở vô trường làm gì?’ Mắt anh buồn buồn ngó lên trần nhà nơi cái quạt máy đương chạy vù vù, nói nhỏ như hơi thở của người rất yếu: ‘Nhớ trường quá!’ Tôi ngó bản phác thảo anh đương cầm trên tay, hình vẽ hai mẹ con ôm nhau, nét mặt lo âu đương ngồi chùm hum ở ngạch cửa một gian nhà lủng lổ chổ bom đạn mà có lần anh cắt nghĩa là một trong bốn mươi cảnh mô tả hậu quả của cuộc chiến vô ích vừa qua. Tôi còn nhớ anh nói bức họa lớn anh thả cửa đem vô những hình ảnh mình muốn, biệt sợ chẳng đủ không gian. Anh nói tiếp, giọng trầm trầm xa vắng như từ cõi nào đó vọng tới: ‘Coi tới lui cho đỡ buồn!’ Tôi hỏi anh tính lúc nào thực hiện dự định thì cũng nghe giọng trả lời trong tiếng thở dài: ‘Không thể!’ Âm thanh của tiếng không thể phát ra như giọng oán than trong một câu vọng cổ da diết. Tôi tính hỏi thêm thì anh đã mất tiêu, không còn thấy đâu nữa. Tôi rùng mình, thấy ớn da gà. Lạ thiệt, đi gì mà mau dữ tợn, mới thấy đó đã biến mất như ánh chớp! Vợ tôi lắc lắc chồng, nói: ‘Anh mớ quá trời, nằm ngay lại thì hết mớ!’ Tôi trở mình. Đồng hồ trong phòng ngủ chỉ mười hai giờ đúng. Nhắm mắt lại, tôi miên man nghĩ về số phận và ước mơ của người bạn họa sĩ mong có được thời giờ để vẽ bức tranh lớn tổ chảng của đời mình. Chuyện vừa mấy phút trước là câu trả lời bi thiết của anh cho riêng tôi? Ước mơ một đời bị dập tắt rồi sao? Nếu vậy thì chán thiệt! 2. Nửa trăng trước đó. Mỗi khi quan sát sự thận trọng trong cử chỉ pha màu hay nhè nhẹ quẹt quẹt, phết phết trên tấm vải canvas với gương mặt nghiêm trang của Tuấn, tôi biết anh đang làm việc với quyết tâm cao ngất đáng ngưỡng mộ. Tôi tự hỏi sao một người có thể vẽ vừa chăm chú vừa thanh thoát như vậy được. Một vài ngày, một vài tuần hay một vài tháng đối với anh không thành vấn đề. Vẫn mỉm cười khi khách không thỉnh bò tới làm gián đoạn công việc, vẫn buông cọ xuống mặc áo ra ngoài đầu hẻm ngồi hằng buổi trước ly cà phê đá với bạn. Từng bức tranh tương tợ nhau vứt vương vãi trên đường đi vốn dĩ chật chội trong phòng vẽ của anh. Thường tôi lượm lại quan sát để rồi không thể kết luận được tại sao Tuấn gọi đó là những bức tranh dẫn đường. Dẫn đường vô nghệ thuật của người họa sĩ. Nhiều khi thấy tôi có vẻ quí những thứ liệng đi đó, anh ái ngại cầm lên một hai bức, so sánh và vạch ra ưu khuyết điểm từng chỗ của mỗi bức, chỉ tường tận những vùng pha màu chưa đạt hay đường nét non nớt hiện diện làm hư toàn bộ bức tranh… Tôi nghe cũng chỉ hiểu lờ mờ thôi, thế giới của người họa sĩ thể hiện lên tranh qua màu sắc và đường nét nhưng là biểu tượng cho nội tâm đương biến chuyển, đương ngập tràn cảm xúc của người cầm cọ là thứ gì tôi cho rằng mình không thể một sớm một chiều mà hiểu được. Thôi thì cứ nghe, cứ gật gù cho bạn mình vui. Tôi thường lặp lại câu nói anh nghe lần nào cũng cười đồng tình bằng khóe mép: ‘Nhà văn và họa sĩ cùng là người có tín ngưỡng nhưng khác đạo. Chúng ta là kẻ ngoại đạo đối với nhau, chỉ có một thứ đồng điệu duy nhứt là có Đức tin.’ Vâng, họa sĩ Tuấn có Đức tin là mình thể hiện được xúc cảm đương có trong lòng khi sáng tác. Xúc cảm tràn lan, thay đổi như dòng nước chảy cuộn, như áng mây trôi mau thì đương nhiên anh sẽ thấy những đường nét trên khung vải vài ngày trước, thậm chí vài giờ trước, không còn phù hợp nữa. Phải bỏ, làm lại cho tới khi tranh và tâm hồn họa sĩ là một. Nói cách khác, bức tranh phải thể hiện được nội tâm họa sĩ ở một thời điểm đáng chú ý nào đó. Tuấn tâm sự rằng anh tự bắt mình vô khuôn khổ là kết quả trui rèn từ những vị thầy người Pháp và các họa sư Việt tiền phong đã hết lòng chỉ dạy ngay từ khi anh bước vào trường nghệ thuât ở thủ đô nửa thế kỷ trước. Ông thầy có khi bắt anh vẽ đi vẽ lại cả trăm lần một đề tài và thường người thầy chỉ nói sơ rằng phải thay đổi góc độ của bức tranh hay biến đổi cách nhìn bằng màu sắc cũng như sử dụng sự tương phản hay hòa hợp của màu sắc. Những khi nói đến chuyện nầy, Tuấn thường chỉ cho tôi tại sao có gam màu mờ mờ ở góc mặt của bức ‘Hồ Hoàn Kiếm Thu Về’ hay tại sao có khung màu đỏ rực khi người nữ trong hình thì màu xanh tím của bức ‘Lửa Hè’… Tôi quan sát sự giải thích của anh hơn là tiếp nhận ý nghĩa của những lời giải thích. Cách trình bày hăng say cho thấy anh tin tưởng hoàn toàn ở khả thể tiếp cận sự tuyệt đối của thẩm mỹ cũng như tin chắc tài nghệ mình. ‘Trong các ân sư, tôi cám ơn thầy Detrong vô cùng. Lúc trước mình tự ái, sĩ diện hão, nhăn mặt, nhíu mày khi bị bắt vẽ lại. Bây giờ mới thấy mình làm thất vọng thầy biết bao nhiêu. Tôi đã nói thầm là vẽ đi vẽ lại tới gần cả trăm lần ở tất cả mọi khía cạnh là chuyện vô lý và vô ích. Có lần tôi trả treo nói giởn mặt với thầy rằng những bản vẽ thầy kêu phế bỏ đó sau nầy trò nổi tiếng bán cũng đủ làm giàu. Tội nghiệp ông thầy từ chánh quốc qua thuộc địa đào tạo học trò với cái tâm bao dung tuyệt cùng mà khi nghe trò nói vậy cũng chỉ cười nhẹ đáp: ‘Ai cấm anh giữ những bản bỏ đâu, nhưng giờ tới đó anh vẽ theo đường hướng giáo khoa cái đã. Họa sĩ nổi tiếng nào cũng bắt đầu vẽ theo trường ốc trước, mà phải đúng qui luật, dĩ nhiên có quyền thêm chút gì đó cảm hứng sáng tạo của mình. Đó là cơ bản. Anh biết không, sau nầy tôi nhận chân ra rằng vẽ tàm tạm, bôi bác cho có tranh cũng kiếm được chút tên tuổi vậy. Nhưng đó là cái tên tuổi do sự hiện diện, không phải do tài năng và tấm lòng của họa sĩ với nghệ thuật. Cái tên tuổi đó do lòng ham hố và do thói xấu khinh thường người thưởng thức, nặng hơn nữa có thể nói là có mặt vì đã dám ra tay chém nát thân thể nàng nghệ thuật.’ Anh ngừng lại, tự thưởng mình bằng cách châm điếu thuốc, hít hai ba hơi dài rồi mới nói thêm cho tròn ý. ‘Bên ngoài không bao nhiêu người nhận chân điều đó nhưng chính người họa sĩ thì biết rõ ràng chuyện mình làm có giá trị tới đâu.’ Anh nói rằng mình biết ơn tất cả các thầy trong trường. Những vị nầy không dùng lòng thương yêu để làm hư hỏng họa sĩ lớp sau mà bắt khó để họ có thể phát triển tài năng sau nầy, nhờ đó sẽ đứng một mình, nhứt là phát triển tình yêu nghệ thuật để đi với nghệ thuật suốt đời. Họ là đôi bàn tay nâng con gà đá độ lên để luyện cho nó phóng tới với những cú đá tuyệt chiêu như người họa sĩ được trui rèn tài nghệ để có được cái nhìn sắc bén với xúc cảm nghề nghiệp phổ vào đôi tay điều khiển cây cọ vàng… Tôi còn nhớ khi anh nói câu nầy thì ngừng hơi lâu, lại rít thêm tới gần hết điếu thuốc, ngó quanh quất chỗ bày biện giá vẽ, sắp xếp lại mấy cây cọ theo thứ tự lớn nhỏ. Có thể anh chờ đợi tôi thấu hiểu phần nào ý anh. Phòng hẹp trời mau tối, anh bật đèn, nói tiếp sau khi quăng tàn thuốc qua cửa sổ: ‘Tôi coi mình như con đại bàng, những suy nghĩ của bậc thầy trong hội họa từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim như những cơn bão mạnh. Mình làm con chim đại bàng dựa theo gió bay vút lên trên nền trời cao thể hiện sự mạnh mẽ và tự do của mình nhưng khi bay được thì bỏ hết gió bão đó để đến khung trời cao rộng khác, đỉnh núi khác.’ Tôi đớ lưỡi làm thinh, chỉ ú ớ những âm thanh vô nghĩa, đầu óc quay cuồng với những ý nghĩ lạ lùng của bạn. Tôi nhớ đến Nguyễn Du bỏ Thanh Tâm Tài Nhân lại phía sau để truyền lại đời tuyệt tác Đoạn Trường. Tôi nhớ tới Tùng Thiện, Tuy Lý nhờ gió bão thi ca Thịnh Đường để có Vỹ Dạ Hợp Tập. Nhưng lịch sử cả nước có được bao nhiêu đại bàng, hay là bị chuyện nầy chuyện kia của thực tế rồi thì ôm ước mơ dang dở suốt nửa đời sau! Nãy giờ ngồi trong phòng vẽ của bạn cả buổi tôi mới ngó bạn dò hỏi, Tuấn trả lời mà ngó lơ là bâng quơ: thấy một cái khung gãy lìa và một bức tranh rách được dùng để lót hai cái lon nước rửa cọ. ‘Họ kêu lên cho biết tranh tôi đã vô chung kết nhưng bị loại vì lý do đặc biệt gì đó họ cũng chẳng nói cho biết, chỉ báo là sẽ được phát giải khuyến khích nếu chịu vẽ thêm khía cạnh tích cực vô góc trắng của tranh. Nghe họ nói tôi bỗng cám ơn cái ông tướng võ biền đã thấy trước được bức tượng Tiếc Thương của điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu khi tượng chỉ còn là những nét vẽ nguệch ngoạc trên cái bao thuốc lá. ‘Thôi thì mình rạch bỏ nó còn hơn làm những điều mình không thích, giống như miễn cưỡng đi ăn đám cưới đứa con của một người quen sơ, quen vói, phải ngồi chung bàn với đại gia, với quan chức mình chẳng quen biết gì, mất thời giờ và vác bực bội về những khoe khoang hãnh tiến.’ Tuấn đứng lên, trịnh trọng bưng tới giao cho tôi một hộp giấy lớn, tha thiết xin bạn giữ giùm những bản phác thảo về bức tranh ‘Hoạt Cảnh Thời Đại’ mà anh cưu mang mấy năm gần đây. ‘Ráp lại những phần sẽ vẽ thì có được một bức tranh bự tổ chảng.’ Anh vừa nói vừa cười vì cái tính từ bình dân vừa mới xài. ‘Mình ra đi. Nửa trăng thôi là biết dữ lành. Để được tự do vẽ không bị tay ngang ý kiến, ý ruồi!’ Tôi nhận sự ủy thác của Tuấn. Lặng thinh không nói, như có linh tính về sự không lành của bạn mình. Người họa sĩ cười cười: ‘Chỉ là một chuyến đi, lên tàu ngồi ba bốn ngày là tới chứ dời sông lấp biển gì đâu mà mặt ông bi thảm quá. Đừng bắt chước người xưa khóc chia tay hay làm thơ tiễn bạn nhá ông mãnh! Đời người luôn có những trường hợp phải giải quyết. Cá nhơn phải sáng suốt lựa chọn giải pháp tốt đẹp, hữu lý. Truyện vẽ tranh cũng vậy, chọn đề tài thì dễ như ăn cháo nguội, nhưng vẽ làm sao, màu sắc gì, bố cục như thế nào là nan đề và tùy bản lãnh của từng người. Nửa trăng thôi tôi sẽ bắt tay lại, vẽ những gì mình dự tính bấy lâu nay. Nửa trăng thôi! Nửa trăng thôi!’ Tuấn lặp lại một cách chắc nịch với nụ cười mà tôi có cảm giác như anh nói để tự trấn an mình. Rồi Tuấn nắm tay tôi dục dặc bốn năm lần, thiếu điều không muốn buông ra. Đã tới lúc phải ra về. Ôm cái hộp giấy bạn giao như nhận di sản bạn để lại. Tôi đi như người mộng du không biết nhờ đâu mà về được tới nhà an lành. Cái hộp giấy từ hôm đó tới giờ được đặt trên bàn làm việc trong phòng ngủ, chình ình trước mặt lúc nào cũng thấy. Cái hộp giấy gói ghém niềm ước mơ của bạn, người bạn đặc biệt tôi biết mình khó kiếm được người thứ hai. (CA, Jan. 08-15, 2016. Tưởng nhớ Tâm, nguời bạn học CVA 59) Nguyễn Văn Sâm (còn tiếp)
Phụ bản I
HÃY XÔNG KHI BỊ CÚM CORONA Đây là bài chia sẻ của chị Nguyễn Hồng Phương (bên Đức, không có FB). Chị vừa bị nhiễm Vi-rút Corona, bộc phát và tự chữa khỏi sau 4 ngày sau đó. Đây là bài đọc để tham khảo, theo kinh nghiệm cá nhân của chị. Nếu các bạn thấy hay, hãy chia sẻ (SHARE) và áp dụng cho mình và người thân khi vướng phải bệnh. Còn không, các bạn có thể lướt qua. Cho đến thời điểm này, bệnh cúm lạ này vẫn chưa có thuốc chữa rõ ràng. Vì nó là bệnh cúm, nên chúng ta có thể trị theo cách dân gian là XÔNG. Đây là câu chuyện tự chữa khỏi của chị Phương. Khi bộc phát: - Ngày thứ nhất: Chị ấy cảm thấy đau họng, ho khan (không đờm, không sổ mũi) và người rất mệt. - Ngày thứ hai: Đầu chị rất đau như là búa bổ và hai mắt cũng đau. Toàn thân mệt lả, và cảm thấy khó thở như người thai nghén. Thế là chị ấy súc miệng bằng nước muối ấm suốt ngày và kèm thêm ăn tỏi sống, uống nhiều nước trà xanh ấm và nước Cam (mọi người có thể uống nước Chanh) để tăng lượng vitamin C. Bên cạnh đó, chị ấy cũng dùng thuốc nhỏ mắt để làm dịu cơn đau mắt. Chiều hôm đó, chị ấy đã gọi đường dây nóng và có người đến khám, thử bệnh cho chị tại nhà. Họ cho chị biết là chị đã bị nhiễm vi-rút Corona dạng nhẹ. Họ cho chị ấy thuốc uống giảm sốt Paracetamol (như là Tylenol ở Hoa Kỳ) và kêu chị cách ly tại nhà và hàng ngày họ sẽ cho người đến kiểm tra. - Chiều tối hôm đó, chị ấy đã mở máy sưởi cho nhiệt độ trong phòng rất cao, nệm nóng của chị ấy cũng chỉnh lên 40 độ C (tức là 104 độ F bên Hoa Kỳ). Chị bắt đầu cảm thấy mình bị sốt, đầu nhức kinh khủng, mắt thì đau như muốn lồi ra. (Phải chăng lúc này có thể vi-rút đang xâm nhập rất nhiều và chuẩn bị vô phổi?). Chị uống thuốc giảm sốt và cố gắng chống cự. Chị quỳ gối, cầu nguyện xin ơn Trên chữa lành cho chị. Sau đó, chị gọi điện thoại cho mẹ chị ở Việt Nam. Mẹ chị khuyên chị thử trị theo cách dân gian. Đó là XÔNG. Chị nghe lời mẹ, cố gắng đứng dậy đi nấu thuốc xông, ra vườn sau cắt lá tắc bỏ vào và cho thêm vài giọt dầu xanh. Thật kỳ diệu mọi người ạ, sau khi xông, toàn thân chị toát ra mồ hôi, và cơn sốt tự nhiên cũng giảm dần. - Ngày thứ 3: Chị ấy tiếp tục xông người, chị cảm thấy người nhẹ đi và không còn đau đầu nữa. Bác sĩ đến khám hôm đó đã ngạc nhiên vì sự bình phục nhanh chóng của chị ấy. Họ hỏi chị ấy ngoài uống thuốc của họ, chị có làm gì thêm không. Chị đã kể lại những điều chị ấy đã làm. Thế là họ nói họ sẽ chia sẻ lại cho bệnh nhân của họ. - Đến ngày thứ 4 sau khi bộc phát, chị ấy hoàn toàn bình phục như người bình thường. Chị gọi điện thoại nói bác sĩ không cần cho người đến kiểm tra nữa. Bài chia sẻ hơi dài, mọi người làm ơn chịu khó đọc vì mình thấy những bài thuốc dân gian của người Việt Nam mình rất hay và hiệu quả, trong khi Tây Y chưa biết đến. Khi bị bệnh, mọi người nhớ là XÔNG HÀNG NGÀY cho đến khi khỏi hẳn nhé. À, chị ấy cũng chia sẻ là khi xông, hơi nước xông nóng sẽ vào tất cả các lổ miệng, mắt, mũi, nhất là cổ họng và chị cảm thấy nhẹ người hơn. *** Qua bài chia sẻ này, những gì chị ấy bị chúng ta cảm thấy cũng không có gì gọi gì ghê gớm lắm. Chúng ta chỉ cần làm đúng cách thì sẽ tiêu diệt được nó. (Lưu ý: Mọi người có thể xông bằng lá chanh, vỏ cam, quýt, cây sả, vỏ bưởi, lá bưởi,...Có lá gì trong nhà dùng lá đó (đừng dùng lá độc hại là được) và nhớ khi nhấc nồi nước xông xuống, hãy cho thêm vào vài giọt dầu xanh, và mọi người nhớ hãy uống thật nhiều nước ấm, càng nhiều càng tốt, và dùng thuốc hạ sốt Tylenol, (đừng dùng Ibuprofen, Advil, Aleve) rồi hãy xông, tránh trường hợp bị mất nước nhé). Đừng quên SHARE nhé. Thanks mọi người. Nguyễn Hồng Phương st. Sao Đành ? Em có còn nhớ anh? Sao em im lặng thế? Tình đời như sóng bể Phụ lòng nhau sao đành Vũng Tàu, 24/04/2005 Vũ Đình Huy Một lần và Trăm năm Em đi rồi, Sài Gòn trống vắng Trên phố người, xe... như đứng yên. Vị tình yêu ngọt ngào, cay đắng, Biết một lần, trăm năm không quên!... TP. Hồ Chí Minh, 07/05/2005 Vũ Đình Huy Không ghen Em vui bè bạn bốn bề Anh về, ngắm vị tái tê tận hồn! Không ghen, sao vẫn cứ buồn? Tin yêu, sao vẫn bồn chồn, hỡi tim? TP. Hồ Chí Minh,22/07/2005 Vũ Đình Huy How would you resign yourself to do that? Do you still remember me? Why are you keeping silence? In life, Love is like sea waves How could we betray our feelings?... Vung Tau, 24/04/2005 Vũ Đình Huy - Translated by Vũ Anh Tuấn Once and A Hundred Years You’re gone, Saigon turned empty and lonely On the streets, people, vehicles... seemed like immobilized Sweet and bitter are the flavors of Love Once known, one cannot forget it in a hundred years!... HochiMinh, 07/05/2005 Vũ Đình Huy - Translated by Vũ Anh Tuấn Not Jealous You’re happy with friends all around you I returned, feeling absorbed by the flavor of an acute pain in my heart! Not jealous, but why I still feel sad? Loving and trusting, why still feeling anxious, oh heart? HochiMinh, 22/07/2005 Vũ Đình Huy - Translated by Vũ Anh Tuấn
BỐN BÀI THƠ KÍNH TẶNG VALERI BRƯUSOV NGƯỜI DỊCH THƠ CA ARMENIA * I Ioannes Ioannisiyan (1864-1929), Nhà thơ CM Dân chủ, nhà khảo cứu văn học dân gian Armenia…) Nơi khi trước – mọi người chỉ nhìn thấy Những khối hoang tan đổ nát, còn đêm đêm Chỉ nghe thấy tiếng khóc than cú rúc Giữa những đỉnh non cao trơ trọi u buồn. Lên tiếng hát nơi quê hương xa cách, Hỡi thi nhân, giầu tấm lòng cảm thương, Anh đã tìm ra ánh sáng của quá khứ - Tổ quốc của chúng tôi nước mắt ướt đầm. Anh bảo: có thể cất tiếng hát, Dù tạm thời thân nô lệ lầm than, Chúng tôi đã phải nghiến răng chịu đựng, Nhưng số phận của chúng tôi vận hội đã ban: Đã tìm được con đường ánh sáng Đến tự do từ cổ kính những nghĩa trang. Thúy Toàn dịch
* Valeri Brưu sôv (1873-1920) – Nhà thơ, nhà viết kịch, dịch giả Nga. Năm 1916 (trước CM tháng Mười Nga) Brưusôv đã ấn hành một tuyển tập “Thơ ca Armenia từ cổ xưa đến đương đại”. Tiểu luận đề dẫn, biên khảo, biên tập và nhiều bản dịch thơ ca dân gian, thơ trữ tình thời Trung đại, cùng hàng loạt tác phẩm của các tác giả đương thời do chính Brưu sôv đứng tên thực hiện. Ovankes Tumenhian (1869-1923, - Nhà thơ, nhà hoạt động xã hội, học giả văn hóa Armenia…) Xuất hiện từ nơi xa, miền băng tuyết Kêu gọi tinh thần cao cả và tình yêu, Và hi vọng được người người ghi nhận, Đã trở nên trinh bạch và thâm nguyên Trong nỗi đau, mắt người tuôn đẫm lệ, Những ý định của chúng tôi sẽ trinh bạch sáng trong. Và tiếng nói khác nhau trong nước sẽ hòa hợp Dưới vòm trời chung của nhân hậu từ tâm. Mong trong tim gắn kết thiện tâm và điều tử tế, Khắc phục trong không gian và biến mất chốn xa, Mong, nhớ rằng chỉ mình ông được phó thác - Thể hiện mình là đạo lý địa cầu ta. Còn một khi chúng ta trong cuộc đấu tranh phải thi thố, Thì chỉ trong một điều: ai hơn thẩy mọi người: Cống hiến hết mình và yêu thương vô tận, Lại giành cho mình ít lợi lộc ở đời. Và thì nhân đúng khi trên đoán cho chúng ta vị thánh Của mọi thời gian – thế kỷ sáng ngời và người người mong ngóng, Nơi con người yêu mến con người, Nơi con người hạnh phúc bởi con người. Thúy Toàn dịch Vaan Terưghan (1885-1920, - Nhà thơ, nhà hoạt động xã hội, Đảng viên ĐCSLX (từ năm 1917), Ủy viên XVTCLX…) Từ thiếu thời tôi đã yêu câu thơ nghiêm chỉnh của Anh, Ngôn ngữ bắc phương, giá lạnh của anh, trầm tĩnh, Và đã quen cảm nhận trong đó nhiều hơi ấm Nắp dưới ngọn lửa ẩn sâu kín đáo trong những câu thơ điềm đạm của Anh.
Cũng như vậy trong bình nguyên xanh, đất nước thân thuộc của mình,
Dòng sông Araks chẫm chãi sóng trôi xuôi, Âm thanh thầm thì rung động trời tĩnh lặng Tiếng động của bao giông giấu tận dưới đấy sâu. Trong những ngày thử thách, trong giờ khắc bao giông và tai họa
Khi con thuyền nhỏ của chúng tôi chòng chành bị sóng cuốn,
Như người bạn tâm đồng chung thủy Anh đã đến thăm mảnh đất của chúng tôi bất hạnh. Và đã tiên đoán cho chúng tôi sự cứu rỗi và ánh sáng dẫn đường.
Thúy Toàn dịch Egkishe Tsarents (1897-1937), Nhà thơ cách mạng Aramênia, DV Đảng CSLX từ năm 1918) Sâu sắc và lạnh lùng, tinh sảo và uyên thâm, Niềm cảm hứng của Anh được chăm nuôi bằng lịch sử, Khi chúng tôi gặp khổ đau và triệt hạ, Anh đã ở bên, trong khói ngạt của thời buổi loạn điên. Ngôi nhà của chúng tôi ảm đạm, tàn lụi hết sự sống rộn ràng, Con đường chúng tôi đi vào những ngày cay độc ấy khất sau màn che kín Tưởng như thiên tài của chúng tôi nằm dưới đáy sông quên lãng Nhưng Anh đã nhìn lên phía trước, không hoảng hốt bởi khổ đau. Anh đã dũng cảm lao xuống vòng nước xoáy hun hút dưới đáy sâu, Và kho báu bí mật trong bóng tối làm anh sung sướng. Người thợ lặn uyên thâm say sưa điều phát hiện Ở đất nước, cho đến bây giờ mọi chuyện đều rạc rời đểnh đoảng, Anh đã đem về món quà vô giá của trí tuệ nhân dân Và kỷ niệm về Anh sẽ vĩnh viễn vẹn nguyên. Thúy Toàn dịch . Quy luật muôn đời Xuân đến để rồi qua Trăng non rồi sẽ “già” Hoa tươi dần tàn tạ Chiều hôm bóng ác tà. Thời gian dần trôi đi Ký ức còn ở lại Cuộc đời lần tìm mãi Rốt cuộc được cái gì?
Lê Minh Hải Tiếng lòng Thổn thức thâu đêm những tiếng lòng Xế đời uể oải bước vào đông Tiếc chiều xuân muộn tàn hoa héo Tủi cảnh vườn xưa vắng bóng hồng Mây phủ sầu vương che mấy núi Nước tràn khổ lụy ngập bao sông Khung trời kỷ niệm mờ xa thẳm Khó gởi cùng ai một chữ đồng. Thanh Vĩnh Niềm Thơ Ôn lại đến nay tính chẳng lầm Thi đàn góp mặt đã mười năm Xướng hòa bài vở hơn ngàn bản Tri ngộ bạn bè độ mấy trăm Tươi thắm tình thơ hằng ước gặp Mặn nồng duyên bút những mong tầm Khơi nguồn cảm hứng hồn thanh thản Cuộc sống bon chen há bận tâm. * Cuộc sống bon chen há bận tâm Thơ Đường sáng tác vẫn siêng chăm Chọn từ sắp đối ngay khi đứng Tìm ý đặt câu cả lúc nằm Đêm ngủ cuốn thơ kê dưới gối Ngày ăn ngọn bút gác bên mâm Lòng luôn ấp ủ niềm hy vọng Vớibạn gần xa được xứng tầm. Thanh Vĩnh Xuân qua Mùa Xuân qua rồi anh Nắng sớm chiều vàng hanh Chim đầu hè đua hót Cây vẫn nẩy chồi xanh Nhạc xuân còn vang mãi Trong lòng ta thương hoài Dù ai xa diệu viễn Tình yêu chẳng hề phai
Mai nầy chúng mình xa Anh về nơi cuối trời Em đi đường muôn lối Có bao giờ phôi pha Mùa xuân rồi trở lại Theo đất trời vần xoay Em chờ người năm tháng Tay sẽ nắm bàn tay
Hoài Ly
ẨN TU THIỀN Họa liên đảo vận Nguyện nương cửa Phật Thoát tục trần gian, ý tịnh chuyên Ươm giống, từ bi - nhân đức trọng Gieo mầm đạo hạnh - thánh cao huyền Xa tình luyến cảnh - tình lưu luyến Vắng cảnh duyên tình - cảnh tạo duyên Phổ độ chúng sinh, đồng giác ngộ Nhàn du rảo bước khắp ba miền Nhàn du rảo bước khắc ba miền Phật tử tiền căn, ngộ phúc duyên Vi diệu kinh luân - ngời thánh đức Thậm thâm giáo lý - rạng môn huyền Hành đời nhựt nhựt - đời hành thiện Hạnh đạo thời thời - đạo hạnh chuyên Bát nyhã - thường xuyên, lo tụng niệm Am vân, Minh Thiện - ẩn tu tiền.
Phước Hải (12/03/2006)
Hương Em Trăng Rằm sáng tỏ Xuân đầy trong em Hương em Hà Nội Rực rỡ dịu êm Em Hà Nội phố Bình minh ửng lên Thêm yêu Hà Nội Rộn ràng có em Thêm yêu Hà Nội Tình Xuân dịu êm Phùng Chí Tâm Hoa Móng Rồng Từ thuở thiếu thời nho nhỏ Hải phòng khi tôi còn thơ Có cụm Móng Rồng quyến rũ Hoa năm cánh vàng đầy thơ Hương yêu đến tận bây giờ Một mùi hương thơm rất lạ Thơm nức tình người bao la Hoa đi vẫn còn ra quả Móng Rồng hoa - khúc tình ca Móng Rồng tôi yêu tôi nhớ Một thời thơ ấu vang xa Hải Phòng cho bao nhung nhớ Hoa Móng Rồng thơm kiêu sa. Phùng Chí Tâm Giáo Dục Phải chăng giáo dục là giúp cho người học Đào sâu thêm trí thức Và mở rộng tầm nhìn Để trở thành người có tư duy phản biện Độc lập, tư do Và lương thiện
Con người khai phóng tiềm năng Tự tin thoát ra khỏi sự sợ hãi Sợ cái mới, cái khác... sợ dại Người học sẽ được giá trị vô giá mang lại Đó là tự do thoát khỏi sự áp đặt vô lý bên ngoài Thoát khỏi vô minh để được là chính mình.
Lê Minh Chử
Trái Thanh Long Thanh long trái nở giống đầu Rồng Nóng nực ăn vào thời mát lòng Vỏ chín tăng màu trong tím đỏ Ruột hồng vị ngọt đẹp nhà nông Nước ngoài ưa chuộng nên thâu nhận Xuất khẩu nhiều tiền đô ước mong Cây quả thường ra năng xuất trái Nhà vườn trúng vụ lớn chờ trông KH. Quang Bỉnh 2020 Chung Sức Ai cũng có quê hương nghĩa tình Lớn lên muốn tự tạo gia đình Ấm no cuộc sống nhờ lao động Hội nhập trào lưu để sửa mình Phát triển nông thôn lên phố thị Văn minh hiện đại hóa vừa xinh Sống đời bốn châm O thành đạt Đoàn kết chung tay được hiển vinh KH . Quang Bỉnh 2020 0907089929 Sơn Nữ Đường mòn vách núi suối reo Lung linh ánh nắng thông treo lá vàng Ào ào suối đổ trong hang Khỏa mình Sơn nữ nét càng tươi xinh Cá vàng bơi lượn uốn mình Trộm qua bóng nước in hình tiên nga Nhà thơ tham quan từ xa Vô tình lạc bước nàng hoa ngâm hoài Tưởng chừng đến lối thiên thai Ước gì cởi bỏ áo trai đôi giày Được vào ong bướm lượn bay Mỏi cánh cùng đậu bờ vai trắng hồng Muốn đi mà lại ngập ngừng Thời gian thôi hãy chậm dừng gót chân Tiếc chi mà lại ngoảnh nhìn Thiên nhiên tạo cảnh đạo hình Sơn nương KH. Quang Bỉnh 2020
Ai xuôi vạn lý Bến nước đình làng bỏ chạy xa Đường thiên lý thúc giục đang đà Sau lưng đám cỏ bên mình trúc Trước ngõ vườn chè cạnh gốc đa Gió bấc điêu tàn cơn bão biển Trời nam rộng mở mảnh quê nhà Đất lành Gia Định vòng tay ấm Hạt giống ươm mầm đã nở hoa Chữ Đồng Minh 02/02/2020 Mùa Gió Chướng Sương lạnh đồng hoang mùa nước nổi Chòi vang tiếng nhạc xanh làn khói Bông tràm lả tả áng mây trôi Cánh én la đà đàn cá lội Lặng sóng con thuyền súng lắc lư Tà dương ánh lửa đèn le lói Tháng mười gió chướng thổi mơn mang Ngan ngát hương rừng trưa nắng vội Chữ Đồng Minh 06/03/2020 Say Thơ Sẵn mang cái bệnh mê Thơ Nên khi rảnh rỗi làm ngơ sao đành Dẫu cho dịch bệnh hoành hành Khẩu trang - sát khuẩn: luôn dành xoa tay Lắm khi có chút lung lay Nhủ thầm trang bị: rủi may khó lường Ngày lo công việc kiếm lương Vương mang Thơ phú nãi nương đường về Đường về xướng họa mải mê Giao lưu đàm đạo lê thê đoạn trường Thả rong phiền muộn mãi vương Vần thơ diễn đạt bốn phương an lành Vũ Thùy Hương
Cầu Mong Than ôi! Đại dịch đã đến rồi Việt Nam - Thế giới mải âu lo Bao nhiêu dự định tan mây khói Văng vẳng đâu đây: tiếng thở dài Trường lớp quạnh hiu theo ngày tháng Du lịch giờ đây vắng bóng người Kinh doanh ế ẩm: phe phẩy quạt Ruồi muỗi nhiều! khách chẳng thấy đâu! Zalo - Facebook - truyền hình... đưa tin đến Thế giới ngày càng dịch bệnh tăng Trời cao - đất rộng: thấu hiểu chăng? Xin cho kiếp nạn không tồn tại Nước nhà - Thế giới: mãi bình an Vũ Thùy Hương
Phụ bản II
TRỞ VỀ CÁT BỤI. Nhật ký sau khi chết (không đọc phí 1 đời)
· Vào một ngày, khi người không còn nữa, đứng cạnh thân xác đang nguội lạnh, cứng đờ người đã thấy... Người ghét ta, nhảy múa vui mừng. Người thương ta, nước mắt rưng rưng. · Ngày Động Quan...thân thể ta nằm sâu dưới lòng đất mẹ hướng về trời tây. Người ghét ta, nhìn nấm mộ của ta, niềm vui hiện rõ trên gương mặt. Người thương ta, chẳng nỡ quay đầu nhìn lần cuối. · Ba Tháng sau, thân xác ta đang dần trương sình, bốc mùi hôi thối, thuở còn sống ta vô cùng ghét côn trùng, giờ đây giòi bọ đang nhăm nhi cái thân mà ta cả đời nâng niu, tàn sát sinh mạng để cung phụng cho nó đủ thức ngon, mặc đẹp, đắp vào bao nhiêu tiền của. · Một Năm Sau: thân thể của ta đã rã tan…nấm mộ của ta mưa bay gió thổi...ngày giỗ ta, họ vui như trẩy hội, mở tiệc hội họp ca nhạc, ăn uống linh đình. Người ghét ta, lâu lâu trong buổi trà dư tửu hậu nhắc đến tên ta...họ vẫn còn bực tức. Người thương ta, khi đêm khuya vắng lặng, khóc thầm rơi lệ tìm ai bày tỏ. · Mười Năm Sau: ta không còn thân thể nữa, chỉ còn lại một ít xương tàn. Người ghét ta, chỉ nhớ mơ hồ tên ta, họ đã quên mất gương mặt của ta. Người yêu thương ta nhất, khi nhớ về ta có chút trầm lặng. Cuộc sống xô bồ dần dần làm phai mờ đi tất cả. · Vài Chục Năm Sau...nấm mộ của ta hoang tàn không người nhan khói, quan tài nơi ta nằm đã mục nát, chỉ còn một mảng hoang vu. Người ghét ta, đã già lú cũng quên ta rồi. Người yêu thương ta nhất, cũng tiếp bước ta đi vào nấm mộ. · Đối Với Thế Giới Này... Ta đã hoàn toàn trở thành hư vô, không ai biết ta từng tồn tại, bạn bè, đồng nghiệp, người thân, mỗi người một nơi, kẻ già, người chết, những gì ta dùng đã mất, những gì ta để lại rơi vào tay kẻ khác. Ta phấn đấu, hơn thua, tranh giành cả đời, cũng không mang theo được nhành cây ngọn cỏ. Tiền tài, gia sản mà tôi cố giữ, cố thủ đoạn, mưu mô để có cũng không mang được một phần hư danh, vinh dự hão huyền nào. · Ta nhận ra sống trên đời này, bất luận là giàu sang phú quý hay bần tiện nghèo nàn. Khi nhắm mắt, xuôi tay phải bỏ lại tất cả, trả hết cho đời. Cái ta mang theo được, chính là cái ta đã cho đi là đạo đức là tình thương. Bất giác ta có chút ân hận, lòng lâng lâng một nỗi buồn khó tả, cứ da diết, da diết mãi không thôi. Bao nhiêu phồn hoa, thoáng qua phút chốc. Trăm năm sau, chỉ còn lại một nắm cát vàng. Cuộc đời như nước chảy hoa trôi, lợi danh như bóng mây chìm nổi, chỉ có tình thương ở lại đời. Đã biết chốn này là quán trọ... Hơn thua hờn oán để mà chi... Thử ra ngồi xuống bên phần mộ. Hỏi họ mang theo được những gì.??? Lệ Ngọc st. DÀNH TÌNH YÊU SÂU ĐẬM VỚI VĂN HỌC NGA - XÔ VIẾT Đối với văn học nghệ thuật nước ngoài, bạn đọc vẫn thường nhớ tên tác phẩm tác giả chứ mấy ai chú ý đến dịch giả. Trong số ít dịch giả may mắn được đông đảo độc giả yêu mến và cũng là một trong những dịch giả đầu tiên được nhận thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thuở tài năng “đơm hoa kết trái” đó chính là nhà văn, dịch giả Hoàng Thúy Toàn, danh xưng bấy lâu trở nên thân thuộc đi sâu vào tiềm thức của biết bao thế hệ bạn đọc ở mọi trang lứa trót yêu, say mê văn học nước Nga. “Hạnh phúc lớn nhất là tôi đã gắn bó với văn học Nga – Xô Viết, tôi được dấn thân vào công việc mình yêu thích. Văn học Nga như là một mối tình sâu đậm mà trọn đời tôi theo đuổi.” Dịch giả Hoàng Thúy Toàn nhẹ nhàng, từ tốn chia sẻ chân tình, mộc mạc với chúng tôi trong một góc phòng làm việc giản dị, khiêm tốn tại trụ sở của Hội Nhà văn Việt Nam. Quê hương nâng bước tâm hồn Dịch giả Hoàng Thúy Toàn (thường được gọi danh xưng Thúy Toàn), sinh ra ở một vùng đất giàu truyền thống văn hóa tại làng Phù Lưu, chợ Giầu huyện Từ Sơn, Bắc Ninh (nay là phố Phù Lưu, phường Đông Ngàn, TX Từ Sơn). Vùng đất quê hương ông có nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng được sử sách ghi danh như Phó bảng Nguyễn Đức Lân, khi đỗ đại học tóc còn để trái đào; Tiến sĩ Hoàng Văn Hòe “từ quan về ở ẩn khi cờ khởi nghĩa dấy lên lại hăng hái ra đi, túi thơ tay kiếm ngã giữa trận tiền”. Ông bảo, mang tiếng ở quê nhưng tuổi thơ của ông ít gắn bó với cảnh chăn trâu cắt cỏ, làm ruộng vất vả bởi là làng buôn bán sầm uất chẳng khác gì phố thị. Khi lên 8 tuổi, ông theo gia đình tản cư lên Quan Đình, Ngọc Liễn, chợ Bầu. Học hết năm đệ nhất, theo phong trào tòng quân, ông được vào trường thiếu sinh quân học tập. Năm 1951, ông được đưa sang học bên Trung Quốc và đến năm 1954, ông sang Liên Xô học và đến năm 1956 thì được giữ lại học đại học, ngành ngữ văn của trường Đại học sư phạm Matxcova mang tên Lê Nin và từ đây ông bắt đầu gắn bó với tiếng Nga và văn học Nga. Năm tháng học tập, rèn luyện nơi xứ sớ bạch dương chính là hồi ức tươi đẹp của cuộc đời ông, nơi truyền cho ông những năng lượng vô tận để có thể chắp bút nên nhiều tác phẩm giá trị. Gần trọn cuộc đời nhiệt huyết, say mê với việc dịch thuật, Nhà văn, dịch giả Thúy Toàn sở hữu số lượng các đầu sách và tuyển tập thơ đáng nể. Khi được hỏi động lực nào khiến ông dành cho thơ tình yêu say đắm đến vậy? Ông bảo rằng, vì ngay thời học sinh ông rất mê thơ, đã tập làm thơ và một số bài được in trên báo. Ông khiêm nhường tự nhận tài sáng tác thơ của mình không xuất sắc, nên dồn hết tâm huyết với việc dịch thơ. Ngay dịch thơ, là người sớm có thương hiệu, nhưng ông luôn nhã nhặn nhận mình có làm được một số việc là do đức tính cần cù, chăm chỉ mà thôi. Ông tâm niệm “cứ đi thì khắc đến”, vì thế, ông luôn bền bỉ với con đường mình đã đi, công việc mình đã chọn. Dịch giả Thúy Toàn cho rằng, dịch là đem cái đẹp cho người khác cùng đọc. Khi nhắc đến tên tuổi Thúy Toàn, nhiều bạn đọc liên tưởng tới ngay những tập thơ Nga mà ông dịch, tổ chức dịch, như: Thơ Puskin (1966, tái bản 1989), thơ Lermontop (1978), thơ A.Blok – Exenhin (1982) … Thời điểm thực hiện làm tuyển thơ trữ tình Puskin, với bài thơ “Hết rồi…” là sự phối hợp kỳ diệu giữa ông và nhà thơ Xuân Diệu (nói một cách chính xác hơn, đó là Thủy Toàn dịch nghĩa và Xuân Diệu dịch thơ): Hết rồi tình đã vỡ tan/ Anh hôn lần chót đôi bàn chân em/ Những lời chua xót thốt lên/ Anh nghe lời đáp của em: Hết rồi… Đây là bài thơ tình hay. Khi dịch tuyển thơ “Những ngôi sao băng” ông càng xúc động hơn, vì đây là tuyển thơ của năm nhà thơ chết trẻ của Nga. Ông thấu hiểu số phận các nhà thơ Nga từng phải gánh rất nhiều bi kịch, tổn thương. Với niềm cảm kích một lớp nhà thơ tài hoa và đoản mệnh đó, nhiều trang thơ ông dịch như thấm đẫm cảm xúc, trào dâng trái tim, tâm hồn cao đẹp giàu tình cảm và rất nhân văn. Thật hạnh phúc khi tập thơ sau khi được in ra, phát hành rộng rãi đã được bạn đọc đón nhận nhiệt thành, và đánh giá cao, đồng thời được Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng thưởng năm 2005. Chắc có lẽ nhiều người đã từng nghe và thuộc lời bài thơ “Bạch Dương” của nhà thơ trữ tình Nga Nikolai Rubtsov qua bản dịch của dịch giả Hoàng Thúy Toàn: “Tôi yêu thích khi bạch dương xáo động Lá bạch dương lả tả bứt rời cành Tôi nghe bỗng rưng rưng lệ bỏng Lại tràn mi đôi mắt đã dửng dưng.” Nhà văn, dịch giả Thúy Toàn tâm sự: “Khi dịch bài này tôi nhớ đến làng mình, đến nơi tản cư, tiếng bạch dương xáo động giống như tiếng lá tre hay âm thanh nào đó thân thuộc của quên hương mình. Lúc bấy giờ tôi ở xa đất nước nên nhớ gia đình, nhớ quên hương da diết.” Ông cũng tự nhận mình là người chưa bao giờ xa lạ với thời cuộc: “Tôi làm việc gì cũng phải đem lại lợi ích cho người khác, cái lợi đó càng lâu bền thì càng tốt. Tôi cũng không ngại khi mang lại cái lợi trước mắt. Thí dụ, trong chiến tranh cần phải có tiếng nói để động viên thì những nhà văn, nhà thơ dùng sáng tác của họ, còn người dịch như tôi, đi tìm những bài văn, bài thơ của người nước ngoài viết về nhân dân ta để dịch. Tôi thấy những bản dịch ấy cũng cổ vũ được người này, người kia. Trong sự nghiệp – có thể hai chữ sự nghiệp hơi to với người như tôi – suốt đời tôi gắn với cái chung”. Lí do ngày trẻ ông yêu văn thơ Nga vì thơ văn Nga động viên tinh thần lớp trẻ, từ tư tưởng yêu nước đến tư tưởng độc lập tự do: “Thơ văn Nga cũng như thơ văn Xô Viết có những phẩm chất hợp thời đại cũng như hợp thế hệ chúng tôi. Thế nên tôi lao vào dịch vì muốn người khác cũng có cảm xúc như mình khi đọc một bài thơ, một áng văn.” Dịch giả thẳng thắn tự nhận thấy: Cuộc đời của ông may mắn quá nhiều. Có thể đây cũng là nguyên nhân khiến ông không trở thành một người sáng tác: “Làm thơ hay viết văn thì phải sống. Ông từng có một bài thơ đăng báo trịnh trọng, thi phẩm giàu chất liệu đời sống, viết trong dịp tác giả nghỉ phép về nước, lên Điện Biên thăm anh trai, hòa mình vào cuộc sống của bộ đội, được đến với bản dân tộc người Thái: “Bài thơ đăng trên báo Văn nghệ ở số đầu năm 1959, mà còn được đăng rất trang trọng trên một góc báo, ở dưới có bài thơ ngắn của Chế Lan Viên, bên cạnh là bài thơ “Cánh buồm” của Hoàng Trung Thông”, dịch giả hào hứng nhớ về kỷ niệm thú vị. Cho đến nay, dù đã nghỉ hưu nhưng ông chưa thể nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già, với nhà văn, dịch giả Thúy Toàn, còn hơi thở là còn gắn bó, tận hiến với thơ, với văn bởi tình yêu trọn vẹn, đậm sâu với văn học, văn hóa Nga và văn hóa văn học dân tộc. Ở tuổi ngoài 80, một năm ông vẫn cho ra đời 1, 2 cuốn sách: “Làm cái gì ở đời, cũng phải say sưa, để hết lòng mình vào đấy thì mới thấy được cái đẹp của lao động. Còn những chuyện khác, tiền nong, thù lao, danh tiếng, có là gì đâu. Tất cả mọi thứ đi qua, chỉ còn lại sản phẩm lao động”. Ông chia sẻ suy nghĩ. Trong cuốn thơ “Raxul Gamzatov” được nhiều độc giả Việt Nam yêu thích có trích đoạn rất hay, ý nghĩa: “Nếu một nghìn đàn ông trên thế gian Gửi mối manh tìm đến cổng nhà em Thì trong số một ngàn đàn ông đó Có cả anh, Gamzatov Raxul Nếu một trăm đàn ông, suốt tháng năm Say đắm em, máu rừng rực con tim…” Là một dịch giả mà những tác phẩm dịch của ông đã vượt ra ngoài văn bản gốc, trở thành một tác phẩm nguyên vẹn với tâm tư tình cảm của người Việt, dịch giả Thúy Toàn quan niệm rằng, dịch không phải là chuyển ngữ đơn thuần hay phiên ra tiếng Việt, mà dịch là mang cái hay, cái đẹp đến cho độc giả thông qua sự hiểu biết về văn bản gốc, văn hóa và cả vốn ngôn ngữ. Ông cảm thấy mình may mắn vì đã được cử đi đào tạo tại Nga khi mới 16 tuổi, được học một cách bài bản về dịch thuật. Có những đất nước coi công việc dịch là một trong 4 mục tiêu quan trọng bên cạnh việc viết về lịch sử, viết cho thiếu nhi và viết cho đại chúng. Bởi vậy, với ông, dịch thuật cũng như sáng tác, phải thật sự “ngấm” thì mới viết ra được. Bởi thấm đẫm tư tưởng ấy, mà ngay sau khi về nghỉ hưu, ông chưa một ngày ngừng nghỉ, ông vẫn tiếp tục làm những công việc liên quan đến xứ sở bạch dương xa xôi như một sự tri ân khi cùng những người bạn mở ra Trung tâm Văn hóa Đông Tây để làm cầu nối giữa bạn đọc và văn học, đặc biệt là văn học Nga. Phụ trách Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam và văn học Nga từ năm 2012 đến nay. Thực hiện chương trình sách của Thủ tướng Nga biếu tặng bạn đọc Việt Nam (đã xuất bản 40 cuốn). Và những tâm nguyện nhân văn Niềm trăn trở cũng là tâm nguyện cả cuộc đời của Nhà văn, dịch giả Hoàng Thúy Toàn đó là mong muốn trở về quê hương nơi ông đã sinh ra và lớn lên tại làng chợ Giầu, Phù Lưu, Bắc Ninh để xây dựng nhà lưu niệm Văn học Nga đầu tiên ở Việt Nam. Ngôi nhà vắng chủ của địa phương giao cho cùng bà con lối xóm, chính quyền địa phương ưu ái giúp đỡ dựng lên, trông nom bảo quản giúp cho. Bên cạnh đó, còn có sự đóng góp chung tay của anh em bạn bè gần xa có chung tình yêu với văn học Nga, văn hóa Nga. Bản thân ông cũng đã dùng toàn bộ số tiền tích góp cả một đời để đóng khung và trang hoàng cho tất cả những kỷ vật đã sưu tầm được trong những năm qua, trong số đó có một số tư liệu quý về Bác Hồ đối với nước Nga như: Cuốn “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ bản đầu tiên dịch ra tiếng Nga tháng 9 – 1960. Tập sách quy mô lớn đầu tiên viết về Bác Hồ của nhà sử học Evgeny Kobelev; những chuyến thăm Nga của Bác Hồ sau năm 1954; hoặc lá thư Bác gửi tới lớp học 100 người Việt được Bác cử sang Nga học… Trong số hàng nghìn bài thơ đã dịch, chắc hẳn có bài nào đó được ông coi là “tuyên ngôn” cho cuộc đời và tình yêu của mình với đất nước Nga. Và dịch giả Thúy Toàn nhắc đến một cuốn sách đã cũ mèm thời gian được ông dịch và xuất bản năm 1991 với tựa đề “Tôi phải nói gì trên đất nước Nga” để “kết luận” về tình yêu của mình cho đất nước một thời tuổi trẻ ông đã gắn bó. Bài thơ “Vô đề” của tác giả Fyodor Ivanovich Tyutchev (1803 – 1873): “Bằng trí óc không hiểu nổi nước Nga/ Không thể đo nước Nga bằng dây thước. Nước Nga có một điều đặc biệt. Chỉ có thể đặt niềm tin vào nước Nga…”. Với những đóng góp của mình, Nhà văn, dịch giả Thúy Toàn là một trong mười hai người nước ngoài của năm đó vinh dự đón nhận Huân chương Hữu nghị, Huân chương cao quý của nước Nga do đích thân Tổng thống Nga thời điểm đó, ngài Dmitry Medvedev trao tặng tại điện Kremlin. Cũng nhân dịp này, ông đã tặng Tổng thống Nga cuốn “Khúc ca về cuộc hành binh Igo” do ông dịch. Không quá ngạc nhiên, bất ngờ trước niềm vinh dự lớn lao ấy, âu cũng là sự ghi nhân công lao của các thế hệ người dịch, nghiên cứu phổ biến văn học Nga tại Việt Nam mà ông cũng là đại diện. Tuy đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng bóng dáng dung dị, quen thuộc ấy với chiếc túi vải chứa đầy bản thảo, tài liệu thầm lặng bên góc làm việc tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam. Rồi đến đúng giờ, ông lại ngồi trên chiếc xe máy cũ, hòa lẫn vào dòng người trên đường phố tấp nập ngược xuôi trở về nhà bên mâm cơm gia đình. Có lẽ khó có ai nhận ra đó là “nhà Puskin học” của Việt Nam, người đã dịch những dòng thơ lai láng, đi vào lòng người biết nhường nào. Thỉnh thoảng vui và nhớ về nước Nga xa xôi, hay những lúc ký ức tuổi trẻ ùa về, ông lại lẩm nhẩm một mình đọc bài thơ cũ: “Tôi yêu thích khi bạch dương xác động. Lá bạch dương lả tả bứt rời cành. Tôi nghe, bổng rưng rưng hàng lệ bỏng. Lại tràn mi đôi mắt đã dửng dưng. Tất cả lại dậy về trong ký ức. Lại bồn chồn trong huyết quản, trong tim. Bỗng có gì sướng vui và đau khổ. Như có ai thủ thỉ một niềm thương” … “Tượng thờ dù đổ vẫn thiêng. Miếu thờ bỏ vắng vẫn nguyên miếu thờ”. Dịch giả Hoàng Thúy Toàn
Phụ bản III
TÁC DỤNG CỦA LỜI HỨA, LỜI THỀ I. Đại cương Xưa nay nhiều người cho rằng lời hứa, lời thề chỉ nói suông thôi chớ không có tác dụng gì. Có người có việc tức tối cùng người khác thì chọn đền, miếu linh thiêng để cùng nhau thề. Thề xong, cuộc sống cũng cứ diến tiến bình thường. Có lẽ đó là những việc nhỏ mọn nên báo ứng của lời thề không có hay không thấy. Nhưng những việc lớn, coi chừng có báo ứng. II. Các chuyện thề 1. Lời thề của hai người đàn bà về một cái quần. Đây là câu chuyện tôi đọc thời còn đi học, sách nào tôi cũng không nhớ, có lẽ sách viết về các vị trạng nguyên của Việt Nam. Tôi xin kể lại câu chuyện nầy để cho thấy có khi thần thánh cũng linh thiêng lắm, ta không nên vái bậy thề càn. Xưa có một anh nho sanh ở vùng quê, một hôm ngồi trước hiên nhà, anh thấy chị đàn bà nhà ở gần đó lấy cây sào dài khều cái quần lãnh ở nhà kia. Đưa được cái quần tới hàng rào, chị đem cất cây sào. Anh nho sanh vội lánh mặt để khỏi làm chứng cho phiền. Trở ra, ngó quanh ngó quẩn, chị tới hàng rào lấy cái quần xếp gọn lại đem vô nhà. Chiều, nhà kia về, thấy mất quần, chị đi tìm hbốn phía không thấy, chị liền kêu chủ nhà giáp đó hỏi. Sau một hồi nói qua nói lại, chị mất quần nói rằng nhà chị ở đây, có khi quần tôi bay qua đó mà chị lượm được, xin chị cho tôi xin lại. Chị lấy quần nói không thấy và không lượm được. Tranh cãi không được, hai chị thách nhau tới đình mà dân làng cho là linh lắm để thề. Cả hai đều hăng hái ra đi. Tới đình, chị lấy quần thề: - Nếu tôi có lấy quần chị nầy mà chối thì bước ra khỏi đình cho tôi hộc máu mà chết. Còn chị nầy đề quyết oan cho tôi thì ra khỏi đình chị cũng hộc máu mà chết. Cả hai ra về trong êm ả. Nửa tháng sau, cậu nho sanh tới đình, đứng trước bàn thờ thần mà nói: - Chính mắt tôi thấy chị nọ lấy quần của chị kia mà lại thề bán mạng như vậy, thần không xử gì thì tôi chê thần không linh. Nói xong, cậu ra về. Tối đến, cậu nho sanh thấy một ông quan mũ cao áo dài bước vô nhà xá cậu nho sanh một cái rồi nói: - Tôi là thần của đình làng đây. Cậu mai kia sẽ đậu Trạng nguyên và làm quan to. Xin hỏi cậu, khi xử kiện, cậu có vì một cái quần mà giết một mạng người không? Nói xong, ông quan lặng lẽ ra về. Bữa sau, cậu nho sanh sắm lễ vật tới cúng đình để xin lỗi. Sự việc nầy có hay không? Xét thấy không có gì là bằng chứng xác đáng. Ta chỉ nghe và ghi nhận sự việc thôi. 2. Lời hứa của Lịch Sanh thời Hán Sở tranh hùng. Khi Hàn Tín chực đem quân đánh nước Tề, Lịch Sanh xin Hán vương cho sang Tề khuyên vua Tề đầu hàng để tránh đổ máu. Hán vương thảo chiếu giao cho Lịch Sanh sang Tề. Gặp vua Tề, Lịch Sanh nói: - Nếu đại vương nghĩ đến nước mất nhà tan thì cùng tôi bàn bạc, bằng không thì cứ giết tôi đi. Câu nói nầy cần giải thích vế thứ hai là “bằng không thì cứ giết tôi đi”. Vế nầy có nghĩa là nếu đại vương không nghĩ đến nước mất nhà tan, cứ để sự thế tự nhiên diễn tấu, Hàn Tín sẽ đến đánh Tề thì cứ giết tôi đi. Sau khi bàn bạc, vua Tề bằng lòng đầu hàng nhưng Hàn Tín vẫn đem quân tới đánh. Như vậy lời hứa giải quyết cho Hàn Tín không đánh Tề không có hiệu quả. Vua Tề giết Lịch Sanh bằng cách quăng vô vạc dầu đang nấu sôi cho chết. Như vậy, lời hứa của Lịch Sanh đã ứng nghiệm. 3. Lời thề của Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi thời Tam Quốc. Nhà Hán suy vi, giặc khăn vàng nổi lên đánh phá. Lưu Bị, Trương Phi và Quan Công kết nghĩa anh em cùng đi đầu quân giết giặc và thề rằng: - Chúng tôi là Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi dẫu rằng khác họ, song đã kết nghĩa anh em thì phải cùng lòng hợp sức cứu khổn phò nguy, trên báo đền nợ nước, dưới yên định lê dân. Chúng tôi không cần sanh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, chỉ muốn chết cùng năm, cùng ngày, cùng tháng. Hoàng thiên hậu thổ soi xét lòng nầy. Nếu ai bội nghĩa quên ơn thì trời người cùng giết. Tình Lưu Quan Trương gắn bó nhau. Sau, Đông Ngô đánh Kinh Châu, bắt được Quan Công giết đi, Lưu Bị hưng binh báo thù và báo cho Trương Phi cùng hợp lực. Trương Phi chuẩn bị đi đánh báo thù, vì quá nôn nóng nên đánh đập thuộc hạ. Phi uống rượu say, hai tên thuộc hạ vô cắt đầu đem sang đầu Tôn Quyền. Vậy là Quan Công và Trương Phi cùng chết một năm. Lưu Bị hưng binh đánh Đông Ngô. Hai bên lập thế trận, giằng giai thách đánh… Thế rồi Lưu Bị bị Lục Tốn đánh cho tan tác phải chạy về Bạch Đế thành rồi sanh bịnh mà băng hà. Có lẽ Lưu Bị chết sau Quan Công chỉ một hai năm thôi. Như vậy, tôi cho rằng lời thề đã ứng nghiệm. Với thế nước, tôi cho rằng phải như vậy thôi. 4. Lời thề của Tôn Kiên về ngọc tỷ, thời Tam Quốc. Đổng Trác chuyên quyền, chư hầu họp nhau đánh chiếm được Lạc Dương, Viên Thiệu cho đóng quân ở đó. Kiên tới giếng nọ trong Lạc Dương mò được Ngọc Tỷ (Ấn của vua). Tôn Kiên qua trại Viên Thiệu cáo từ để về Giang Đông. Viên Thiệu đòi Ngọc Tỷ, Tôn Kiên nói không lượm được và thề: - Tôi được của ấy mà giấu đi thì sẽ chết dưới mũi tên hòn đạn. Tôn Kiên nhổ trại bỏ Lạc Dương mà đi. Về Giang Đông, rèn luyện quân mã. Tôn Kiên đem quân đánh Lưu Biểu, vây thành Tương Dương. Một tướng ở Tương Dương phá vòng vây để đi cầu viện. Một mình Tôn Kiên phóng ngựa rượt theo thì bị đá và tên bắn trúng đầu chết ở chân núi. Như vậy lời thề của Tôn Kiên đã ứng nghiệm. 5. Văn kiện mượn Kinh Châu của Lưu Bị mà không trả. Sau khi Lưu Bị, Tôn Quyền hợp lực phá Tào xong, Lưu Bị chiếm Kinh Châu. Lỗ Túc sang đòi vì có công phá Tào. Khổng Minh nói Kinh Châu là của Lưu Biểu, nay con Lưu Biểu là Lưu Kỳ giữ thì đứng rồi, Lỗ Túc nói: - Nếu công tử có mệnh hệ nào thì phải đem thành trì trả lại cho Đông Ngô. Khổng Minh chấp nhận. Lưu Kỳ mất, Lỗ Túc sang đòi, Lưu Bị viết văn kiện mượn Kinh Châu cho tới khi nào lấy được Tây Xuyên sẽ trả. Thế rồi Lưu Bị chiếm được Tây Xuyên của Lưu Chương, Lưu Bị viết giấy nói trả trước ba quận là Trường Sa, Quế Dương và Linh Lăng nhưng Quan Công đang giữ Kinh Châu lại không giao. Lưu Bị lại hẹn chiếm được Đông Xuyên và Hán Trung sẽ trả. Chiếm được Đông Xuyên và Hán Trung cũng chưa chịu trả. Tôn Quyền hẹn với Tào Tháo đánh úp Kinh Châu. Quan Công đang đánh Tào, Lã Mông đánh úp chiếm Kinh Châu rồi chia quân đánh chiếm các nơi. Quan Công bị Lã Mông bắt giết đi. Lưu Bị biểu Quan Công giao ba quận trước, Quạn Công không giao nên bị bắt và bị giết để Kinh Châu và các quận huyện mất trọn về Đông Ngô. Lời hứa đã thành hiện thực. 6. Lời thề của gian thần nhà Tống là Trương Ban Xương và Vương Đạt (đoạn sau ghi là Vương Trạch. Có lẽ tên và sự phiên âm có gì bất nhứt mà ghi như vậy?) Vua nhà Tống muốn chọn người hiền tài để giúp nước nên mở khoa thi võ trạng và cử Ban Giám Khảo là: · 1. Thừa tướng Trương Ban Xương · 2. Binh bộ Đại Đường Vương Đạt (sau nầy ghi Vương Trạch?) · 3. Hữu quân Đô Đốc Trương Tuấn · 4. Nguyên Nhung Tông Trạch (có lẽ ở tại triều đình, Tông Trạch có phẩm trật nào riêng nhưng gọi là Nguyên Nhung có lẽ oai hơn chăng? Khi được lịnh cầm quân ra trận mới gọi Nguyên soái) Trước khi bắt đầu khảo hạch, Tông Trạch yêu cầu mọi giám khảo phải thề để tỏ lòng ngay thẳng: - Tông Trạch thề: “… như tôi có lòng khi quân ngộ quốc, ăn hối lộ thì cho tôi thác về nghiệp đao tiễn.” - Trương Ban Xương thề: “… như tôi có khi quân ngộ pháp, ăn hối lộ thì cho tôi đời nầy hóa làm heo ngoại quốc chết về nghiệp đao kiếm.” - Vương Đạt thề: “… lòng tôi có khi quân thì cho tôi hóa ra làm dê và đồng thác như vậy.” - Trương Tuấn thì thề rằng: “… nếu tôi có lòng khi quân thì tôi chịu chết nơi miệng muôn người.” Khoa thi nầy có tiểu Lương Vương Sài Quế dự thi. Sài Quế sắm bốn phần lễ vật xứng đáng với bốn bức thư mang đến cho các vị Giám Khảo để nhận cho y đậu chức võ trạng. Ba kia nhận còn Tông Trạch thì không. Khảo thí bắt đầu, Trương ban Xương mắng đè Nhạc Phi. Đến thi bắn cung, Nhạc Phi bắn 9 mũi tên đều trúng hồng tâm. Sài Quế xin thi thí võ để dụ dỗ Nhạc Phi chịu thua, nếu Nhạc Phi không chịu thì thừa kế giết đi. Sài Quế nói với Nhạc Phi nếu ngươi giả thua chạy thì ta trọng thưởng, bằng không thì tánh mạng khó toàn. Nhạc Phi không chịu nhưng không dám đánh, chỉ tránh né. Giám Khảo Trương Ban Xương cho Sài Quế đậu Trạng Nguyên. Nhạc Phi không chịu và nói nếu lập sanh tử mạng, ai chết nấy chịu thì mới dám đấu. Sanh tử mạng lập xong, Nhạc Phi đâm chết Sài Quế. Trương Ban Xương đòi giết Nhạc Phi, Nhạc Phi phải trốn. Về sau, Trương Ban Xương mưu bắt các vua Tống đưa sang Kim. Khương Vương trốn về, bỏ Kinh đô ở Biện Lương mà tức vị tại Kim Lăng. Nhạc Phi được vời về triều phong quan chức chống giặc. Nhạc Phi bị Trương Ban Xương gạt về triều để giết. Mưu gian bị lộ, Trương Ban Xương bị cách chức. Nhạc Phi đang dẹp giặc ở Hồ Quảng, quâm Kim đánh Kim Lăng. Vua và các đại thần bỏ chạy và rủi gặp Trương Ban Xương, hắn bắt nhốt và qua dinh Hồ Hản (anh Ngột Truật) gọi tới bắt. Vợ Xương thả cho chạy. Ban Xương bỏ nhà theo luôn Hồ Hản. Vua lại gặp Vương Trạch, hắn bắt vua trói lại và đi báo Hồ Hản. Con của Trạch thả cho vua trốn. Trạch theo luôn Hồ Hản. Hồ Hản, Ngột Truật vây vua Tống ở Ngưu Đầu Sơn. Nhạc Phi tới bảo vệ vua và hạ chiếu thơ. Nhạc Phi sai Vương Quới đi bắt một con heo về để giết tế cờ. Và sai Ngưu Cao bắt một con dê để tế cờ. Cả hai, mỗi người bắt một lính Kim thế cho heo và dê. Ngột Truật muốn lên núi bắt hai lính Tống về làm heo dê để tế cờ nhưng sợ nguy hiểm nên dừng Trương Ban Xương và Vương Trạch làm heo dê để tế cờ. Như vậy, lời thề của Trường Ban Xương và Vương Trạch đã ứng nghiệm. 7. Lời hứa của toàn quyền Pháp với vua Thành Thái. Bắt đầu từ sau lễ đăng quang ngày 02 – 02 – 1889, Hoàng tử Bửu Lân, con vua Dục Đức lên ngôi vua lấy hiệu là Thành Thái. Năm 1897, cầu Tràng Tiền được khởi công xây dựng bắc qua sông Hương từ kho đúc tiền. Buổi lễ đặt viên đá đầu tiên để xây dựng cầu có sự hiện diện của vua Thành Thái. Với ý cho rằng hãng thầu Eiffel đảm trách là vĩnh cửu, khâm sứ Levécque nói với vua Thành Thái: (“Nhà Nguyễn chín chúa mười ba vua” của Thi Long xuất bản ngày 29 – 8 – 1999) - Khi nào cái cầu nầy gãy thì nhà nước bảo hộ sẽ trả lại nước An Nam cho bệ hạ. Bất ngờ, năm Giáp Thìn 1904, một cơn bão ác liệt thổi qua Kinh Thành Huế, thổi luôn bốn vại cầu xuống sông. Mấy bữa sau, trong một buổi tiệc, vua Thành Thái bắt tay viên Khâm sứ và hỏi: - Thế nào, thưa ông, cái cầu gãy rồi đó. Viên Khâm sứ đánh trống lãng nói sang chuyện khác. Cuộc thế chiến lần hai 1939 – 1945. Nhựt hất cẳng Pháp khỏi Đông Dương và hứa tạo điều kiện cho Việt Nam tuyên bố độc lập. Tranh thủ cơ hội đó, ngày 11 – 3 – 1945 vua Bảo Đại tuyên bố Độc lập, hủy bỏ tất cả các hiệp ước đã ký với Pháp trước đây. (Gần 400 vua chúa triều Nguyễn của Lưỡng Kim Thành xuất bản ngày 15 – 7 – 2014). Như vậy Hòa ước 1874 qui định vua nước Nam phải thuận nhường đứt đất sáu tỉnh miền Nam cho nước Pháp và hòa ước 1883 rằng nước Nam chịu nhận nước Pháp bảo hộ. Giao thiệp với ngoại quốc phải do nước Pháp chủ trương. Hai hòa ước 1874 và 1883 bị hủy bỏ đương nhiên không còn hiệu lực nữa. Năm 1884 Pháp sửa lại hòa ước 1883 là Bình Thuận, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa thuộc về Trung Kỳ. Hòa ước ký xong, Pháp bắt đem cái ấn của vua Tàu phong cho vua Việt Nam, thụt bễ nấu lên và hủy đi. Tháng 9 – 1945 Nhựt đầu hàng đồng minh, Việt minh cướp chánh quyền và yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị. Ngày 30 – 8 – 1945 vua Bảo Đại thoái vị và được mời làm cố vấn cho Bác Hồ. Khi được cử vô phái đoàn sang Trung Hoa, Bảo Đại gởi đơn từ nhiệm và sống lưu vong ở Trung Hoa. Tháng 3 – 1947, các đảng phái quốc gia họp ở Quảng Châu tuyên bố đặt dưới sự lãnh đạo của vua Bảo Đại. Thấy vậy, Pháp thỏa hiệp với vua Bảo Đại. Thỏa ước 05 – 6 – 1948 Pháp công nhận nền độc lập của Việt Nam. Nước Việt Nam được tự do thực hiện nền thống nhứt. Ngày 02 – 3 – 1949, Nam Kỳ quyết sáp nhập Nam Kỳ vô Việt Nam. Như vậy, từ đây Việt Nam được độc lập và toàn vẹn lãnh thổ như xưa. Nước Pháp chánh thức trả độc lập cho Việt Nam. Ngày 24 – 4 – 1949 Bảo Đại về nước và 01 – 7 – 1949, chánh phủ lâm thời của Bảo Đại được thành lập. Bảo Đại lấy danh hiệu là Quốc Trưởng. Như vậy, lời hứa của Levécque đã thành hiện thực. Khánh Hội, Quận Tư Sài Gòn ngày 05 – 10 – 2019 Phạm Hiếu Nghĩa ***** CÁI TÊN HỌ CỦA NGƯỜI ANH Tên họ đây là family name, surname, hay last name là tên mà người Anh để đằng sau cùng. Ngày xưa, ở đâu cũng vậy người ta chỉ cần một cái tên giản dị là đủ để gọi nhau, để phân biệt người này với người kia. Nhưng khi một cộng đồng trở nên đông đúc, nhiều người trùng tên nhau nên cái tên của người ta phải trở nên phức tạp hơn để khỏi nhầm lẫn người này với người kia, nhất là về vấn đề hành chính. Tại Âu Châu nước Anh là một nước áp dụng tên họ trễ so với các nước khác. Vào thế kỉ thứ 14 dân số nước Anh là vào khoảng hơn 2 triệu (so với dân số hiện tại là 62 triệu) hầu hết mọi người Anh mới có tên họ đầy đủ. Trước kia trong một xã với vài trăm người có thể có 3,4 anh tên là John, ông xã trưởng phải vất vả mới nhớ được anh nào đã đóng thuế, đã làm nghĩa vụ quân sự chẳng hạn. Ông ta phải ghi sau tên mỗi người(nếu ông ta biết viết) những chi tiết để phân biệt, ví dụ John thợ mộc, John thợ may, John con của Robert, John tóc vàng chẳng hạn. Rồi thì lệnh trên ban xuống mỗi người phải có thêm cái họ đằng sau. Cái họ này phải vĩnh viễn truyền từ đời cha sang đời con, cháu… Điều này xa lạ đối với người dân Anh, họ không quan tâm lắm, mặc cho các quan chức muốn đặt cho họ tên gì cũng được. Họ được đặt tên một cách giản dị theo bốn lối sau đây. - Dùng nghề nghiệp (Occupational Names): Nếu anh Jack làm thợ săn thì tên anh sẽ là Jack Hunter, nếu chị Jane làm nghề nấu nướng thì tên chị sẽ là Jane Cook. Rất nhiều người được đặt cái tên Smith chung cho thợ sắt, thợ vàng, thợ bạc. Sau đây là những tên nghề nghiệp phổ thông khác: Miller (thợ say bột) Baker (thợ nướng bánh) Gardener, Gardner, Gardiner (người làm vườn) Fletcher (người làm mũi tên) Chandler (người làm nến) Clerk, Clark (thư ký) Brewer, Brewster (người làm rượu) Tailor, Taylor (thợ may) Walker không phải là người đi bộ mà là người được thuê để đạp lên quần áo giặt( hồi đó chưa có xà phòng) hoặc đạp lên những bộ da cừu, da bò dưới dòng suối cho sạch thịt trước khi được thuộc. Tổ tiên của bà Thủ Tướng Margaret Thatcher làm nghề lợp mái nhà bằng lá cây. Tổ tiên của Tổng Thống Tyler(Tổng Thống thứ 10 của Mỹ) cũng làm nghề này nhưng lợp nhà bằng ngói. Tổ tiên của cựu Tổng Thống Carter làm nghề lái xe bò hoặc chế tạo xe bò. Còn rất nhiều nghề nữa có thể dùng để đặt tên. - Dùng tên cha (Patronymic Names) nếu Joe là con của Robert thì họ của anh sẽ là Joe Roberts, hoặc Robertson. Con của William sẽ là Williams hoặc Williamson. Chị Jane có bố là Joseph thì họ của chị sẽ là Josephs. Nếu cha chết thì dùng tên mẹ làm họ (matronymic names). Tên các ông chủ đồn điền, chủ lâu đài cũng được dùng để đặt tên cho các người làm thuê. Tiếp đầu ngữ Fitz- cũng có nghĩa là “con của” (tiếng Pháp là Fils) như trong chữ Fitzpatrick, Fitzgerald. Tại Tô Cách Lan và Ái Nhĩ Lan thì người ta dùng Mac hay Mc (như trong chữ MacDonald) và (O’như trong chữ O’Malley). - Dùng đặc tính cá nhân (Characteristic Names) Henry tóc màu nâu thì được đặt tên Henry Brown. Người có mái tóc đỏ thì sẽ mang tên Reid, Redd, Russell. Anh chị nào có chiều cao khiêm nhượng thì được đặt cái họ là Short hoặc Little. Anh nào vạm vỡ tay đầy bắp thịt thì được tên Armstrong. Người lai Pháp thì được đặt tên French… - Dùng nơi ở (Location Names): Nếu một người có nhà ở trên đồi thì họ của người đó sẽ là Hill, ở thung lũng thì được đặt là Valley. Ở gần suối thì sẽ có tên là Brook. Ở trong nhà thờ hay gần nhà thờ thì tên sẽ là Church. Jack từ London đến thì được gọi là Jack London. Tổ tiên của Tổng Thống Bush chắc hẳn trước kia ở gần bụi rậm. Hầu hết họ của người Anh thuộc 4 loại trên đây. Những cái họ này cũng được tìm thấy ở các nước nói Tiếng Anh như Mỹ, Úc, Canada, Tân Tây Lan… N.C.T NHỮNG THỨ CẦN PHẢI QUÊN Nhớ và Quên. Hãy nhớ những gì cần phải nhớ và quên đi những thứ đáng phải quên. Trong cuộc sống của mình, bạn đã học được nhiều thứ, đó là học sự yêu thương, học được cách nhớ nhung một ai đó và bây giờ bạn sẽ học cách quên. Vì trong cuộc sống có những chuyện nên gìn giữ, nên cất giấu nhưng cũng có những thứ cần phải quên đi. Vậy những gì bạn cần phải quên đi? - Quên đi những đau khổ: Cuộc đời không ai lúc nào cũng vui vẻ và lúc nào những điều tốt đẹp nhất cũng đến với mình. Khi bạn chia tay với người yêu bạn sẽ giam cầm mình trong đau khổ, trong những lần khóc sướt mướt. Bạn thu mình lại và có những lúc bạn tưởng chừng như trái tim mình vỡ tung ra. Bạn mềm yếu, cảm giác như chỉ có người đó mới đưa bạn ra khỏi cái nỗi đau đó mà thôi. Khi ấy bạn cần phải học cách quên đi người đó, học cách quên đi một người sẽ làm cho trái tim bạn lành lại theo thời gian. Mọi đau khổ sẽ tan biến. Mặc dù với một số bạn sẽ rất khó nhưng chưa thử làm sao chúng ta biết có làm được hay không. - Quên đi những hận thù: Ai đó đã lấy đi của bạn một thứ gì đó quý giá, ai đó đã lỡ xúc phạm bạn, ai đó vô tình đã làm bạn đau. Bạn cảm thấy tức giận, bạn cảm thấy lòng hận thù trong mình dâng cao. Nhưng Người ta nói tức giận là lấy sai lầm của người khác trừng phạt chính mình. Cứ mãi nhớ đến những hận thù đó thì người bị tổn thương nhiều nhất chính là bạn. Suốt ngày bạn sẽ dằn vặt bản thân, bạn sẽ tìm mọi cách để trả thù lại người ta nhưng càng suy nghĩ càng khiến cho bạn cảm thấy nặng nề. Tâm hồn bạn sẽ chẳng khi nào được thanh thản. Vậy tại sao bạn không thử học cách quên đi mọi hận thù và dám tha thứ cho những gì người khác đã làm khiến bạn tổn thương . Cuộc sống sẽ đẹp hơn, nhẹ nhõm hơn nếu bạn biết quên đi thứ cần phải quên đấy bạn ạ. - Quên đi những khuyết điểm của người khác: Đối với chúng ta thường dễ dàng giang tay đón lấy những ưu điểm của bạn bè, người thân. Nhưng khi họ có khuyết điểm chúng ta lại khép tay lại và tránh thật xa họ. Trên đời này chẳng có gì là hoàn hảo, chính bản thân chúng ta cũng là một mảnh ghép của cuộc sống cũng có những lúc phạm phải một sai lầm, và có một vài khuyết điểm nào đấy. Chúng ta học cách quên đi khuyết điểm của người khác là chúng ta đang học cách hoàn thiện bản thân mình, đang làm cho tâm hồn chúng ta trở nên rộng lượng hơn. Đừng lúc nào cũng nghĩ đến mặt xấu của người đối diện mà hãy nghĩ đến ưu điểm. Vì như thế sẽ làm cho mối quan hệ của bạn và người ta sẽ trở nên tốt đẹp, khăng khít hơn. - Quên đi những kỉ niệm, quên đi quá khứ: Những kỉ niệm đẹp, những quá khứ êm đềm hay đau khổ đối với một số người sẽ giữ mãi trong lòng để từ đó mà chiêm nghiệm mà sống tốt hơn. Nhưng trong một vài trường hợp bạn cũng phải cố quên đi quá khứ, quên đi những kỉ niệm. Bạn không thể lúc nào cũng sống trong cái kỉ niệm một thời tay trong tay với người yêu cũ. Bạn cũng không thể sống mãi trong cái quá khứ của một thời tuổi thơ êm đềm hay đau khổ mãi được. Bạn cần phải quên nó đi, bỏ lại nó ở phía sau lưng để mà bước đi, để mà lớn lên. Quên ở đây không hẳn bắt bạn quên vĩnh viễn mà quên ở đây là bạn tạm thời cất giữ nó ở một góc nào đó sâu thẳm trong tim để rồi có lúc lấy ra mà nhớ, mà vui mà buồn. Rồi cũng có thể khi bạn lớn lên một chút bạn sẽ nghĩ về chúng như một cái gì đó quý giá. Bạn sẽ tự cười, “à thì ra mình đã lớn”… - Quên đi lợi ích cá nhân: Ai cũng chỉ biết sống cho mình thì cuộc sống này sẽ trở nên ích kỉ và hẹp hòi, sẽ chẳng còn ai quan tâm đến ai nữa. Bạn phải học cách quên đi cái tôi cá nhân để có thể hòa cùng nhịp sống chung của cộng đồng. Bạn đi mùa hè xanh nhưng luôn chọn những việc nhẹ nhàng, luôn nghĩ cho bản thân. Trước khi làm một việc gì đó bạn luôn nghĩ đến mình sẽ được gì và mình sẽ mất gì. Nếu mất nhiều hơn được bạn sẽ chẳng bao giờ làm. Triết lí đó sẽ đúng đối với một số trường hợp. Nó sẽ hoàn toàn là ích kỉ nếu đó là làm vì lợi ích cộng đồng, làm vì tập thể. Chắc trong chúng ta chẳng lạ lẫm gì với những chiếc áo xanh tình nguyện, đêm ngày túc trực nơi bến xe để tiếp sức cho các thí sinh thi Đại học. Họ chẳng nề hà một công việc gì dù nắng làm cho cháy da, áo ướt đẫm mồ hôi. Bởi lẽ họ đã quên lợi ích cá nhân mà dốc sức vào lợi ích của tập thể. Cho và nhận đôi khi có thể mang ra để so sánh nhưng không phải lúc nào cũng so sánh được đâu bạn ạ. Có thể bạn sẽ mất nhiều hơn được nhưng đến một lúc nào đấy bạn sẽ cảm thấy cái mất ấy của mình là một điều đáng tự hào. Và mỗi khi như vậy bạn sẽ cất cao tiếng hát “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng gian khổ sẽ thuộc về ai…” Nhớ và Quên là hai phạm trù trái ngược nhau. Hãy nhớ những cái gì cần phải nhớ và hãy quên đi những thứ đáng phải quên. Chỉ khi quên đi những thứ gọi là “spam” trong tâm hồn mình bạn sẽ cảm thấy thật thanh thản. Tâm lí của bạn khi ấy sẽ trở nên cân bằng hơn. Vì ai đó đã nói rằng “ Trong cuộc sống phải biết thứ gì cần nhặt lên và thứ gì cần bỏ xuống”. Đào Minh Diệu Xuân st.
Hãy thong thả Sống Nhiều khi chúng ta sống mà quên bẵng đi là mình có thể chết bất cứ lúc nào. Ta hối hả sống, vui, buồn, khỏe, yếu, ta cứ lướt qua rồi không ngoái đầu lại nhìn chuỗi ngày tháng ta đã tiêu hao của một đời người. Cho đến khi có một người bạn vừa ngã bệnh, bệnh nặng, không biết sẽ mất đi lúc nào, lúc đó ta mới xa, gần, hốt hoảng gọi nhau. Tưởng như chưa từng có người bạn nào “Chết” bao giờ. Hay ta có một người thân trong gia đình, đang rất khỏe vừa báo tin bị bệnh hiểm nghèo. Gia đình, họ hàng cuống lên, sợ hãi như chưa nghe đến ai nói về cái chết bao giờ, chưa chứng kiến cảnh vào bệnh viện, cảnh tang ma bao giờ. Cả hai người trên có thể đã ngoài 70 tuổi. Lạ thật! Cái tuổi nếu có chết thì cũng đã sống khá lâu trên đời rồi, sao những người chung quanh còn hoảng hốt thế. Hóa ra người ta, không ai muốn nghe đến chữ “Chết” dù chữ đó đến với mình hay với người thân của mình. Hình như không ai để ý đến mỗi sáng chúng ta thức dậy, nhìn thấy mặt trời mọc (nếu còn để ý đến mặt trời mọc) là chúng ta đã tiêu dùng cái ngày hôm qua của đời sống mình. Có người vì công việc làm ăn, cả tuần mới có thời giờ ngửng mặt nhìn lên mặt trời. Buổi sáng còn tối đất đã hấp tấp ra đi, buổi chiều vội vã trở về lúc thành phố đã lên đèn, làm gì nhìn thấy mặt trời. Nhưng mặt trời vẫn nhìn thấy họ, vẫn đếm mỗi ngày trong đời họ. Họ tiêu mất cái vốn thời gian của mình lúc nào không biết. Tiêu dần dần vào cái vốn Trời cho mà đâu có hay. Rồi một hôm nào đó bỗng nhìn kỹ trong gương, thấy mình trắng tóc. Hốt hoảng, tiếc thời gian quá! Khi nghe tin những người bạn bằng tuổi mình, bệnh tật đến, từ từ theo nhau rơi xuống nhanh như mặt trời rơi xuống nước, họ vừa thương tiếc bạn vừa nghĩ đến phiên mình. Thật ra, nếu chúng ta bình tâm nghĩ lại một chút, sẽ thấy “Cái chết” nó cũng đến tự nhiên như “Cái sống” . Đơn giản, mình phải hiểu giữa sống và chết là một sự liên hệ mật thiết, vì lúc nào cái chết cũng đi song song từng ngày với cái sống. Dẫu biết rằng, đôi khi có những cái chết đến quá sớm, nhưng ta cũng đâu có quyền từ khước chết. Tôi biết có người mẹ trẻ, con của bạn thân tôi. Chị bị ung thư, chị cầu xin Thượng Đế cho sống đến khi đứa con duy nhất của mình vào Đại Học. Chị không cưỡng lại cái chết, chị chỉ mặc cả với Thượng Đế về thời gian vì con chị lúc đó mới lên 3 tuổi. Thượng Đế đã nhận lời chị. Ngày con chị tốt nghiệp Trung Học, chị ngồi xe lăn đi dự lễ ra trường của con và tuần lễ sau chị qua đời. Trong suốt mười mấy năm trị bệnh, chị vẫn làm đủ mọi việc: chị đội tóc giả đi làm, đến sở đều đặn, lấy ngày nghỉ hè và ngày nghỉ bệnh đi trị liệu. Những bạn làm chung không ai biết chị bị ung thư, ngay cả xếp của chị. Khi họ biết ra, thì là lúc chị không đứng được trên đôi chân mình nữa. Chị sửa soạn từng ngày cho cái chết với nụ cười trên môi. Vẫn vừa đi làm, vừa cơm nước cho chồng con, ân cần săn sóc cha mẹ, hiền hòa giúp đỡ anh em trong nhà, chị mang niềm tin đến cho tất cả những người thân yêu của mình. Sau ba năm chị mất, cậu con trai mỗi năm vẫn nhận được một tấm thiệp sinh nhật mẹ viết cho mình (Mẹ đã nhờ qua người dì gửi hộ). Hôm sinh nhật 21 tuổi của cậu cũng vào ngày giỗ năm thứ ba của Mẹ, cậu nhận được tấm thiệp mừng sinh nhật mình, với dòng chữ nguệch ngoạc, chị viết cho con: Mừng sinh nhật thứ 21 của con. Hãy bước vui trong đời sống và nhớ rằng mẹ luôn luôn bên cạnh con. Tôi đọc những dòng chữ mà ứa nước mắt. Tôi nghĩ đến chị với tất cả lòng cảm phục. Chị là người biết sống trong nỗi chết. Khi không thắng được bệnh tật, chị biết hòa giải với nó để sống chậm lại với nó từng ngày cho con mình. Chắc “Cái chết” cũng nhân nhượng với chị, thông cảm với chị như một người bạn. Một chị bạn kể cho nghe về một bà bạn khác. Bà này mới ngoài sáu mươi, nhanh nhẹn, khỏe mạnh và tính nết vui vẻ, yêu đời. Nhưng khi nào đi ra khỏi nhà bà cũng mang theo một bộ quần áo đặc biệt, đủ cả giầy vớ bỏ vào một cái túi nhỏ riêng trong va-li. Hỏi bà, sao lại để bộ này ra riêng một gói vậy, bà thản nhiên nói:“Nếu tôi chết bất thình lình ở đâu, tôi có sẵn quần áo liệm, không phiền đến ai phải lo cho mình.” Bà mang theo như thế lâu lắm rồi, tôi không biết có khi nào bà ngắm nghía mãi, thấy chưa dùng tới, bà lại đổi một bộ mới khác cho ưng ý không? Giống như người phụ nữ sắp đi dự tiệc hay cầm lên, để xuống, thay đổi áo quần sao cho đẹp. Đi vào cái chết cũng có thể coi như đi dự một đám tiệc. Tôi nghĩ đây là một người khôn ngoan, sẵn sàng cho cái chết mà bà biết nó sẽ đến bất cứ lúc nào. Bà đón nhận cái chết tự nhiên, giản dị như đi dự tiệc, hay một chuyến đi xa, đi gần, nào đó của mình. Nhưng không phải ai cũng nghĩ về cái chết giản dị như vậy. Phần đông muốn được sống lâu, nên bao giờ gặp nhau cũng thích chúc cho nhau tuổi thọ. Thích hỏi nhau ăn gì, uống gì cho trẻ trung mãi. Loài người nói chung, càng ngày càng thích sống hơn chết. Họ tìm kiếm đủ mọi phương thuốc để kéo dài tuổi thọ. Người ta ức đoán, trong một tương lai rất gần, loài người có thể sống đến 120 tuổi dễ dàng với những môn thuốc ngăn ngừa bệnh tật và bồi dưỡng sức khỏe. Rồi người ta sẽ còn tạo ra những bộ phận mới của nội tạng để thay thế cho những bộ phận gốc bị nhiễm bệnh. Gan, ruột, bao tử v.v, sẽ được thay như ta thay những phần máy móc của một cái xe cũ. Chúng ta, rồi sẽ sống chen chúc nhau trên mặt đất này. Chỉ tiếc một điều là song song với việc khám phá ra thuốc trường thọ người ta cũng phải phát minh ra những người máy (robot) để chăm sóc những người già này, vì con cháu quá bận (chắc đang chúi đầu tìm thuốc trường sinh) không ai có thời giờ chăm sóc cha mẹ già. Theo tôi, ngắm nhìn hình ảnh một cụ ông hay một cụ bà lưng còng, tóc bạc, đang cô đơn ngồi trong một căn buồng trống vắng, được một người máy đút cơm vào miệng, thật khó mà cảm động, đôi khi còn cho ta cái cảm giác tủi thân nữa. Nhưng sống như vậy mà có người vẫn thích sống. Một người đàn ông ngoài bẩy mươi, bị bệnh tim nặng, đang nằm trong phòng đặc biệt (ICU) lúc mơ màng tỉnh dậy, nhắn với các con cháu là khi nào vào thăm không ai được mặc áo mầu đen. Ông kiêng cữ mầu của thần chết. Ông quên rằng thần chết, đôi khi, có thể đến với chiếc áo mầu hồng. Thật ra, chính nhờ “cái chết” cho ta nhận biết là “cái sống” đẹp hơn và có giá trị hơn, dù có người sống rất cơ cực vẫn thấy cuộc đời là đẹp. Những bậc thiên tài, những nhà văn lớn đã tự tìm về cái chết khi họ bắt đầu nhìn thấy cái vô vị trong đời sống như nhà văn Ernest Hemingway, Yasunari Kawabata và họa sĩ Vincent van Gogh, v.v… Chắc họ không muốn sống vì thấy mình không còn khả năng hưởng hết vẻ đẹp của “cái sống” nữa. Họ là một vài người trong số nhỏ trên mặt đất này sau khi chết để lại tên tuổi trên những trang sử, lưu lại hậu thế, còn phần đông nhân loại, sau khi chết một thời gian, không để lại một di tích nào. Con cháu có thờ cúng được một hai thế hệ, sau đó tên tuổi mờ dần, mất hẳn theo ngày tháng, vì chính những kẻ thờ phụng đó lại tiếp theo nằm xuống cùng cát bụi. Ðời sống con người chóng qua như cỏ, như bông hoa nở trong cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích.(Thánh Vịnh) Thượng Đế khi đem mình vào đời, có hỏi ý kiến mình đâu. Nên chắc chắn là khi Ngài gọi mình đi cũng chẳng cần thông báo trước. Chúng ta cứ thong thả sống từng ngày, khi nào chết thì chết, mặt trời mọc rồi mặt trời lặn, bông hoa nở rồi bông hoa tàn, thế thôi. Tại sao ta phải cay cú với cái chết? Hãy dùng trí tưởng tượng của mình, thử hình dung ra một thế giới không có cái chết (*) Chắc lúc đó chúng ta sẽ không còn không khí mà thở chứ đừng nghĩ đến có một phiến đất cho bàn chân đứng. "Tuyệt vời của cuộc đời là sự khác biệt!" Trần Mộng Tú - Hoàng Kim Thư st. ***** Thu thập bằng chứng về linh hồn dưới góc nhìn khoa học Các nhà khoa học ngày càng thu thập được nhiều bằng chứng về linh hồn và cuộc sống sau cái chết. Nhưng những bằng chứng này có thể chẳng bao giờ đủ để khẳng định linh hồn thực sự tồn tại. Theo GS Bruce Greyson, trưởng khoa Nghiên cứu tri giác (DOPS) thuộc Đại học Hệ thống Y tế Virginia (Mỹ), trải nghiệm cận tử xảy ra ở 10% bệnh nhân ngừng tim. Khi tỉnh lại, người bệnh có thể mô tả chính xác mọi hoạt động xung quanh khi họ bất tỉnh. Điều đáng nói là trong nhiều trường hợp trải nghiệm cận tử, điện não đồ và các bằng chứng y khoa khác cho thấy, não bệnh nhân không còn dấu hiệu hoạt động khi hiện tượng này diễn ra. Bên ngoài bộ não Ông Pim van Lommel, chuyên gia về trải nghiệm cận tử tại Bệnh viện Rijnstate (Hà Lan) đồng tình về vấn đề này. Ông cho rằng, khi ở trạng thái cận tử, “người bệnh không những có ý thức, mà ý thức của họ còn mở rộng hơn bao giờ hết. Họ có thể suy nghĩ hết sức rõ ràng, hồi tưởng chi tiết về thời thơ ấu và cảm thấy sự liên hệ chặt chẽ với tất cả mọi người, mọi vật xung quanh. Trong khi não họ hoàn toàn không có dấu hiệu hoạt động”. Theo GS Peter Fenwick, Viện Tâm thần học thuộc Đại học Kings (Anh): “Nếu có thể chứng minh rằng con người vẫn tiếp nhận thông tin khi họ bất tỉnh và thoát xác thì đó là bằng chứng không thể tranh cãi về việc ý thức tồn tại tách rời bộ não”. Có lẽ, ý tưởng về linh hồn cũng xuất phát từ hoàn cảnh này. Con người từ thời cổ xưa, khi trải qua trạng thái ảo thân, cho rằng khi đó phần tinh thần rời khỏi phần thể xác. Từ đó, họ bắt đầu tin vào sự tồn tại bên ngoài cơ thể. Linh hồn ra đời từ đâu? Bằng chứng khoa học đáng ngạc nhiên nhất về linh hồn xuất phát từ lĩnh vực cơ học lượng tử, hay nói cụ thể hơn là từ những nghiên cứu về các hiện tượng hạ nguyên tử tạo ra ý thức. Quan điểm truyền thống cho rằng, ý thức của chúng ta được hình thành từ mạng lưới hàng tỷ nơron. Nhưng hai giáo sư Stuart Hameroff (Đại học Arizona, Mỹ – ảnh) và Roger Penrose (Đại học Oxford, Anh) đã xây dựng một lý thuyết, theo đó, ý thức còn là sản phẩm của quá trình tính toán lượng tử diễn ra ở vi ống, một dạng cấu trúc siêu nhỏ của tế bào não. Trước đây, nhiều người cho rằng một cơ chế như vậy không thể tồn tại, vì các máy tính lượng tử được tạo ra ban đầu chỉ có thể hoạt động ở môi trường vô cùng lạnh chứ không phải ở mức nhiệt độ cao như ở não. Tuy nhiên, những nghiên cứu trong 5 năm gần đây cho thấy, cơ học lượng tử tham gia vào khá nhiều quá trình sinh học không lạnh, trong đó có quang hợp. Một công trình của Anirban Bandyopadhyay (Viện Khoa học Vật liệu Quốc gia Nhật Bản) còn hé mở khả năng các bit thông tin lượng tử có thể gắn kết trong môi trường nhiệt độ cao của các vi ống đơn lẻ ở tế bào. Trạng thái gắn kết giữa các vi ống được tạo ra nhờ năng lượng sinh học. Khi quá trình cung cấp máu và oxy ngừng lại, sự gắn kết không còn, nhưng thông tin lượng tử không mất đi. Nó có thể phát tán vào vũ trụ, tồn tại và tiếp tục hoạt động dưới một hình thức nào đó. Nếu bệnh nhân được cứu sống, thông tin sẽ được não tiếp nhận trở lại. Có lẽ vì thế mà những người từng có trải nghiệm cận tử có thể nhận biết thế giới xung quanh khi họ bất tỉnh. Nếu như giả thuyết này là đúng, thì câu hỏi đặt ra là: Quá trình lượng tử tạo thành ý thức xuất hiện từ đâu? Câu trả lời, theo GS Penrose và một số nhà khoa học, là từ vụ nổ lớn Big Bang. Theo quan điểm này, mọi dạng ý thức đều được tạo ra cùng thời điểm với vũ trụ. Và nếu linh hồn có tồn tại thì nó cũng gắn với khởi nguồn của vũ trụ. Sự đầu thai của linh hồn Ý tưởng của GS Penrose ám chỉ đến một cơ chế để ý thức tiếp tục tồn tại sau khi thân thể con người đã chết. Nhưng nó sẽ đi về đâu? Theo GS Hameroff: “Nếu người bệnh không được cứu sống, ý thức sẽ đi vào vũ trụ và biết đâu có thể một ngày nào đó sẽ được một cơ thể khác tiếp nhận trở lại”. DOPS hiện đang lưu giữ khoảng 1.400 hồ sơ về các trường hợp được cho là thuộc dạng này. Phần lớn đó đều là những đứa trẻ nhớ được tiền kiếp. Các em có thể kể vanh vách trước đây mình là ai, sống ở đâu, làm gì, trông như thế nào và nhiều chi tiết khác. Ian Stevenson, một trong những chuyên gia tâm thần học hàng đầu nước Mỹ, người sáng lập DOPS bắt đầu thu thập những câu chuyện về tiền kiếp từ năm 1960. Trong số các tài liệu ông ghi nhận được, có nhiều trường hợp một đứa trẻ được sinh ra có bớt ở đúng vị trí vết thương mà các em đã bị trong kiếp trước. Một số luôn bị ám ảnh sợ những sự vật, hiện tượng đã gây ra cái chết trong tiền kiếp. Stevenson và các đồng nghiệp của ông chưa bao giờ khẳng định rằng hiện tượng đầu thai thực sự xảy ra. Họ chỉ cố gắng thu thập các bằng chứng về nó. Trong khoa học, những bằng chứng này có thể chẳng bao giờ đủ để khẳng định linh hồn con người tồn tại sau cái chết về thân xác và sau đó tái sinh trở lại trong một cơ thể mới. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể khẳng định rằng không có linh hồn. Đỗ Thiên Thư st.
Sống với Covid -19: Sự lo lắng thái quá còn nguy hại hơn virus. Đừng để bản thân trở nên kiệt quệ và mệt mỏi vì những áp lực giữa mùa dịch bệnh Corona. Có rất nhiều lời khuyên đưa ra để cùng nhau vượt qua dịch bệnh, nhưng không phải ai cũng biết cách để giúp bản thân thoát khỏi những căng thẳng và áp lực trong thời buổi ngộ độc thông tin. Nếu những điều này khiến bạn thấy căng thẳng, đó không phải câu chuyện của riêng mình bạn. Rất đông người đang hoang mang trên mạng xã hội; thậm chí có cả những chuyên mục trên Reddit nơi mọi người chia sẻ cách để vượt qua những cảm giác đó. Các chuyên gia cho biết việc bội thực thông tin về những sự kiện như là bùng nổ virus Corona có thể khiến bạn trở nên căng thẳng, đặc biệt khi bạn không có gì để làm ngoài việc lướt Twitter hay Facebook mỗi ngày. Tuy nhiên, bạn có thể tìm cách để giảm bớt sự căng thẳng và mệt mỏi trong khi vẫn giữ cho bản thân và gia đình an toàn. Giảm bớt căng thẳng không chỉ giúp xoa dịu tình hình hiện tại, điều đó còn giúp bạn khỏe mạnh và duy trì hệ miễn dịch tốt. Tại sao Virus Corona lại khiến mọi người thực sự stress “Cả thế giới đang đổ dồn vào những khía cạnh nguy hiểm của vấn đề”, Ethan Kross, một giáo sư tâm lý học tại đại học Michigan, Mỹ cho biết. Ông đang tiến hành một nghiên cứu về cảm xúc sự tự kiểm soát. Những tiêu đề báo chí hiện tại đều tập trung vào các thành phố, đất nước với tình trạng dịch bệnh lây lan nhanh chóng như Italy hay bang Washington. Các cơ quan y tế đang đưa ra những cảnh báo về mức độ nguy hiểm của các hoạt động tưởng chừng đơn giản, như tập trung đông người hay bắt tay. Trong khi nước Mỹ đang tiến hành thêm nhiều xét nghiệm hơn, số lượng các ca nhiễm Covid-19 tăng lên một cách chóng mặt. - COVID-19: Số ca nhiễm ở Mỹ tăng kịch tính nhất toàn cầu?( ngày 27/3/2020) Thăm dò bầu cử Mỹ 2020 ông Trump bị dẫn trước 9 điểm. Chuyên gia Mỹ: Mỹ vẫn có thể nỗ lực kiểm soát được đà lây nhiễm nếu làm như cách các nước Đông Á đã và đang làm. Ngày 26-3, dự báo của Tổ chức WHO hai ngày trước thành sự thật: Mỹ trở thành tâm dịch mới của toàn cầu trong đại dịch COVID-19. Theo trang web thống kê Worldometters , tính đến khuya 26-3 (giờ địa phương), với 85.594 ca nhiễm (hơn 15.000 ca nhiễm mới chỉ trong 24 giờ), Mỹ trở thành nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới, vượt TQ - nơi bùng phát dịch đầu tiên (81.340) và Ý (80.589). Số ca nhiễm ở Mỹ đang chiếm tới gần 15% tổng ca nhiễm toàn cầu. Bang New York vẫn chiếm gần một nửa số ca nhiễm ca nước, hiện ở mức 37.258 ca, với 385 người chết (tăng tới 100 người trong 24 giờ qua). Số người chết ở Mỹ tính tới thời điểm khuya 26-3 là 1.300, tăng gần 300 người so với ngày trước đó. Dù số ca nhiễm cao nhất toàn cầu nhưng số người chết ở Mỹ vẫn mới đứng thứ sáu thế giới, sau Ý, Tây Ban Nha, TQ, Iran và Pháp. Vì sao số ca nhiễm ở Mỹ tăng kịch tính đến thế? Do mở rộng xét nghiệm Họp báo về COVID-19 ngày 26-3, TT Mỹ Trump nói sở dĩ số ca nhiễm tăng cao vậy là kết quả của việc xét nghiệm ở Mỹ. Ngoài ra ông Trump cũng có vẻ nghi ngờ số liệu của TQ chưa phản ánh đúng thực chất số người nhiễm ở nước này. Không quyết liệt ngăn lây lan ngay từ đầu Trên đài CNN , GS Jeffrey Sachs - Giám đốc Trung tâm vì sự phát triển bền vững tại ĐH Columbia cũng cho rằng có hai lý do. Đúng là lý do thứ nhất nằm ở việc Mỹ đẩy mạnh xét nghiệm sau nhiều tuần thiếu hụt các bộ kit xét nghiệm. Tuy nhiên, lý do thứ hai theo ông là không thể phủ nhận đà lây lan của virus gây dịch COVID-19 ở Mỹ đã mạnh và rộng hơn trước. Ông Trump “trắng án”, rộng đường ra tái tranh cử (06/02/2020) Con đường tái tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2 trở nên rộng mở sau khi ông Trump được tuyên "trắng án" trong phiên Luận tội tổng thống tại Thượng viện nhờ đa số thành viên đảng Cộng hòa hợp sức bảo vệ. Ngay sau phiên xử “trắng án”, ông Trump ăn mừng trên Twitter bằng việc đăng tải đoạn video cho thấy tham vọng chiến dịch bầu cử của mình từ năm 2024 trở về sau với thông điệp “Trump 4EVA” (Đế chế Trump “For Ever” trọn đời – từ lóng trên mạng xã hội). Hiến pháp Mỹ hiện giới hạn 2 nhiệm kỳ 4 năm đối với tổng thống. - Thăm dò bầu cử Mỹ 2020: Tổng thống Trump bị dẫn trước 9 điểm Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do kênh truyền hình Fox News công bố ngày 29/3/2020, ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân chủ Joe Biden hiện đang dẫn trước TT Mỹ Donald Trump 9 điểm. Thách thức lớn với ông Trump trước thềm bầu cử: Số ca Covid-19 tử vong vượt 400, số ca nhiễm vượt 33.000, đối thủ chỉ trích. *** MÙA DỊCH COVID-19: Lễ tang hồng của danh ca Thái Thanh.
Các con của nữ danh ca Thái Thanh & Bà yêu màu hồng nên trong lễ tang màu này được chọn làm chủ đạo. Ảnh chụp lại cáo phó tang lễ danh ca Thái Thanh Khoảng 30 người thân đã tiễn đưa nữ danh ca Thái Thanh trong ca khúc Nghìn trùng xa cách. Các con của danh ca trong trang phục hồng, màu sắc danh ca Thái Thanh yêu thích... Lễ tang của nữ danh ca Thái Thanh đã diễn ra vào 12 giờ ngày 25-3 (2 giờ sáng ngày 26-3, giờ Việt Nam) tại TP. Westminster, bang California (Mỹ). Trước khi lễ tang chính thức diễn ra, phần livestream cũng có những lời chia buồn được các nghệ sĩ quay video gửi đến gia đình danh ca Thái Thanh. Khán giả xem livestream có thể gặp lại các gương mặt: Nghệ sĩ Kim Tước , diễn viên điện ảnh Kiều Chinh , nhạc sĩ Từ Công Phụng, nghệ sĩ Châu Hà… với những kỷ niệm riêng với danh ca Thái Thanh. Điều đặc biệt tại tang lễ này là thay vì chọn trang phục màu đen hay trắng như thường thấy, gia đình danh ca Thái Thanh lại chọn màu hồng. Theo tiết lộ từ ca sĩ Ý Lan – trưởng nữ của danh ca Thái Thanh , đây là ý muốn của mẹ cô vì màu hồng là màu yêu thích của bà. Đối với Thái Thanh, màu hồng là màu hạnh phúc và bà mong muốn khi bà ra đi thì những người thân trong gia đình phải vui vẻ và mặc chiếc áo màu hồng đưa tiễn bà. Trong suốt lễ tang, ca khúc Nghìn trùng xa cách - bài hát đã gắn liền với Thái Thanh liên tục vang lên tiễn đưa "tiếng hát vượt thời gian" về nơi an nghỉ cuối cùng hòa cùng tiếng khóc tiếc thương. Được biết, gia đình sẽ hỏa táng cố Danh ca theo di nguyện của bà. Danh ca Thái Thanh từ trần vào lúc 11 giờ 50 ngày 17.3.2020 tại miền nam California (Mỹ), hưởng thọ 86 tuổi
Ngày Cá tháng Tư 2001: Trịnh Công Sơn trở về cát bụi.
(1923 – 1995) (1921 – 2013) (1939-2001) Ngày Cá tháng Tư ( Pháp: Poisson d’avril – Anh: April Fool 's Day) nhằm ngày 1 tháng 4 dương lịch hàng năm, còn gọi là ngày nói đùa, ngày nói dối, là ngày hội vui vẻ, hấp dẫn đối với những người tinh nghịch và hài hước, là ngày mà theo phong tục cũ tại một số quốc gia, bạn bè thường hay bày trò đùa giỡn nhau. Trịnh Công Sơn ( 28/2 / 1939 – 1/4 / 2001 ) là một nhạc sĩ người VN. Ông được coi là một trong những nhạc sĩ lớn của âm nhạc đại chúng Tân nhạc VN với nhiều tác phẩm rất phổ biến. TCS có khoảng 600 bài (-Văn Cao: 30 bài. -Phạm Duy: hơn 2000 ca khúc do ông sáng tác hoặc viết lời). Nhạc tình Tình yêu là đề tài lớn và ảnh hưởng nhất trong các tác phẩm của TCS. Những bản tình ca chiếm đa số trong danh mục nhạc phẩm. Khả năng viết nhạc tình của TCS tưởng chừng không biết mai một theo năm tháng, theo thời đại: từ 1958 với "Ướt mi" đã nổi tiếng cho đến thập niên 1990 ông vẫn có những tình ca được nhiều người ưa thích: " Như một lời chia tay ", "Xin trả nợ người"... Nhạc về thân phận con người Trịnh Công Sơn từng nói từ khi còn trẻ ông đã luôn ám ảnh bởi cái chết nên âm nhạc của ông mang trong đó một sự mất mát của những số phận con người. Ông cũng ảnh hưởng bởi Phật giáo của phương Đông và chủ nghĩa siêu thực của phương Tây, nhạc Trịnh Công Sơn thấm đượm màu sắc hiện sinh, buồn bã của các tác giả văn học phương Tây thập niên 60 như J.P. Sartre , A. Camus ,... Tiêu biểu là các ca khúc "Cát bụi", "Đêm thấy ta là thác đổ", "Chiếc lá thu phai", "Một cõi đi về", "Phôi pha",.... Bên cạnh đó, có những bài tuy là nhạc buồn nhưng có gợi nên tư tưởng thiền như "Một cõi đi về", "Giọt nước cành sen". Nhạc phản chiến Khi tên tuổi định hình bằng nhạc tình, thì vai trò xã hội của Trịnh Công Sơn lại gắn liền với một loại nhạc mang tính chất chống lại chiến tranh, kêu gọi hòa bình mà người ta thường gọi là nhạc phản chiến , hay còn gọi là Ca khúc da vàng theo tên các tập nhạc của ông phát hành cuối thập niên 1960. Những "ca khúc da vàng" thường nói lên thân phận của những người dân một nước nhỏ bị lôi kéo vào chiến tranh và nằm trong vòng toan tính, giành giật ảnh hưởng của những nước lớn (thường là khác màu da). -Toàn bộ âm nhạc của anh đẹp như một bức họa trừu tượng hơn là tả thực. Cả nhạc lẫn lời, cả xác lẫn hồn thơ, nghe lãng đãng, mơ hồ, khó phân định cho đúng nghĩa ( Phạm Duy , nói về nhạc Trịnh Công Sơn). -Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra ( Nguyễn Xuân Khoát ( 1910 – 1993 ) là một nhạc sĩ và là Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhạc sĩ V N . Ông được coi là Cánh chim đầu đàn của nền tân nhạc VN) - Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người của thơ ca (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ... Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc theo cấu trúc bác học phương Tây . Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra… ( Văn Cao – tác giả Quốc ca VN) Đừng tuyệt vọng! Là con người, sao tránh khỏi những lúc muộn phiền, đớn đau, giằng xé, rồi thất vọng, và rồi tuyệt vọng. Cái quy trình của khổ đau ấy dắt dẫn con người đi từ mê lộ này đến mê lộ khác, để rồi cái chết và sự “sống mòn” là kết quả tất yếu cho những ai không biết yêu thương cuộc đời, đánh mất niềm tin nơi con người và chính mình. Trong khoảnh khắc nào đó, trong cơn đau giằng vặt ấy, có những con người may mắn gặp được chiếc phao, là một ai đó khả kính đáng tin cậy để giúp mình lấy lại niềm tin và vượt qua đau khổ, xốc xới lại yêu thương. Tôi là người đã được may mắn như thế, không phải một mà vài lần, từ những ca từ chất chứa yêu thương của Trịnh, của một triết gia tài hoa, đau đáu về thân phận và kiếp người. Đó là khi tôi nghe lời réo rắt của Khánh Ly, vang lên từng đợt “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng/ Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông/ Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng / Em là tôi và tôi cũng là em”. Tôi như vỡ òa ra, nhìn thấy cái triết lý nhân sinh “có mặt trong nhau” của những thực thể được biểu hiện trong cuộc đời này, được gọi tên là “nương tựa”, là “tương tức” kiểu của Xuân Diệu “Xuân ở giữa mùa đông khi nắng hé”. Thực ra, ở cuối con đường hầm bao giờ cũng là ánh sáng, ở trong khổ đau sẽ có chất liệu của hạnh phúc, cái quan trọng là cách ta nhìn về khổ đau ấy, cũng như nhìn về “bùn” và “sen” trong thực thể biểu hiện giữa cuộc đời, như ông nói “Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông”. Đừng đóng khung suy nghĩ của mình, đừng để mình chết cứng với cái được gọi tên là bất hạnh, khổ đau, là đời tôi chẳng còn gì. Chỉ cần mình nghĩ khác, nhìn khác, sống khác thì mình sẽ thấy giá trị của cuộc sống và tất nhiên không đặt dấu chấm hết cho chính mình, cũng như dồn mình vào bức tường, để rồi buông xuôi, tự hại. Ngày nay, không thiếu những người rơi vào những trạng huống tuyệt vọng, đau thương bởi có quá nhiều áp lực cũng như quá nhiều ham muốn mà lắm khi con người cứ chạy theo, đeo đuổi, kiếm tìm. Danh lợi, bạc tiền… nếu là thứ hạnh phúc cuối cùng và duy nhất thì chắc bao đời nay những người giàu, có quyền lực, địa vị đã không phải khóc. Nhưng, thực tế không phải như thế, mà “người giàu vẫn khóc”, nước mắt vẫn chảy ở những con người giàu có, danh vị rỡ ràng đấy thôi! Thế nên, ai cũng có những niềm đau riêng, nhưng nếu cứ đau và nghĩ niềm đau ấy sẽ còn mãi thì sự vô thường đâu thể xem là một sự bất biến trong cuộc đời này? Mà đã vô thường, và vô thường (sự thay đổi) đã là một định luật, là điều duy nhất không đổi ở cuộc sống sanh-tử này thì cớ sao mình lại đau thương, tuyệt vọng? Nghe Trịnh, lắng từng chữ, từng dòng, để rồi tôi vỡ ra điều mình u tối trước đây, tri thức được mở cửa, thắp sáng bởi những ca từ giàu chất biểu cảm, gợi mở của ông: “Tôi là ai mà còn ghi dấu lệ/ Tôi là ai mà còn trần gian thế/ Tôi là ai, là ai, là ai/ Mà yêu quá đời này”. Rồi cuối lời tâm sự, ông nhắc lại: “Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng/ Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”. Vâng, thì em hồn nhiên, rồi em sẽ bình minh. Làm người, quan trọng là nhận diện được thực tế, hiện tại để nếu mệt quá thì “tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi” (Ngẫu nhiên) có nghĩa là dừng lại và rồi đi tiếp, “đừng-tuyệt-vọng”! Với tôi, đó là tình yêu con người, một bài học về đạo đức, để ai đó có duyên nghe được không bao giờ rũ bỏ niềm tin và tìm tới cái chết như một sự giải thoát mang tên dại khờ… (Nguyễn Phong Châu) 1. Bài hát: Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng - Trịnh Công Sơn Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng/ Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng/ Em là tôi và tôi cũng là em. Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo/ Con diều rơi cho vực thẳm buồn thêm Tôi là ai mà còn ghi dấu lệ/ Tôi là ai mà còn trần gian thế Tôi là ai, là ai, là ai? Mà yêu quá đời này. Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng/ Nắng vàng phai như một nỗi đời riêng Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng/ Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh Có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ/ Có hồn ai đang nhè nhẹ sầu đêm. Ước gì COVID-19 chỉ là ‘Ngày Cá tháng Tư 2020”. Bài hát Phòng chống COVID-19 nổi tiếng thế giới “Ghen Cô Vi” là phát âm của N-Covi (New Corona Virus, do TQ tự gọi), sau tổ chức WHO gọi là Covid-19 (Covi Disease-2019) và tên mới là SARS-Cov-2 (= SARS 2003 Quảng Đông TQ là số 1, nên 2019 Vũ Hán TQ là số 2) - một loại virus hoành hành trên toàn cầu trong thời gian gần đây. 2.Bài hát “Ghen Cô Vi” của Khắc Hưng (11/3/2020) Ca khúc trong trẻo. Lời gắn liền với cuộc sống thường nhật. Cũng chính vì vậy mà ca khúc được rất nhiều tầng lớp đón nhận. Đây là một trong những dự án âm nhạc vì cộng đồng hiện nay và được đánh giá rất cao. Ghen cô Vy, ca khúc cổ động của Bộ Y tế VN được MC John Oliver khen ngợi vì giai điệu sôi động và nội dung ý nghĩa về phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên truyền hình Mỹ: Last Week Tonight with J. Oliver Sau truyền hình Mỹ, truyền hình Pháp góp phần lan tỏa ca khúc chống COVID-19 của Việt Nam. Ghen cô Vy được phát trên kênh BFMTV của Pháp hôm 3-3. - Trên fanpage của UNICEF, video vũ điệu rửa tay trên nền ca khúc Ghen cô Vy của vũ công Quang Đăng và Lên Hẳn Đài BBC Phỏng Vấn, Chia Sẻ Về Vũ Điệu Rửa Tay. Hiện Ghen cô Vy có phụ đề của hơn 20 thứ tiếng gồm Anh, Ả rập, PLTân, TQ, Hà Lan, Bài hát: “Ghen Cô Vi” - Dạo gần đây, có một virus rất hot/ Tên của em ấy Corona Em từ đâu? Quê của em ở Vũ Hán/ Đang bình yên bỗng chợt thoát ra - Chắc chắn ta nên đề cao cảnh giác/ Đừng để em ấy phát tán Chắc chắn ta nên quyết tâm tự giác/ Để dịch bệnh không bùng cháy lên - Cùng rửa tay xoa xoa xoa xoa đều/ Đừng cho tay lên mắt mũi miệng - Và hạn chế đi ra nơi đông người/ Đẩy lùi virus Corona Corona - Luôn nâng cao sức khỏe/ Và vệ sinh không gian xung quanh mình Cùng nâng cao ý thức của xã hội/ Đẩy lùi virus Corona Corona. 3.'Việt Nam ơi! Đánh bay Covid' được đưa vào chương trình tuyên truyền phòng dịch Việt Nam ơi! Đánh bay Covid của nhạc sĩ Minh Beta là dự án cộng đồng vừa ra mắt đã được Bộ Y tế kiểm duyệt, đồng ý về nội dung để đưa vào các chương trình tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 của VN sắp tới. V iệt Nam ơi ra đời năm 2011, là ca khúc quen thuộc với khán giả Việt Nam sau khi được sử dụng như nhạc cổ động bóng đá. Bài hát được yêu thích vì giai điệu tràn đầy hứng khởi và ca từ dễ thuộc. Đặc biệt là đoạn “Từ nơi đồng xanh thơm hương lúa. Về nơi nhà cao xe giăng phố. Hòa một niềm tin reo ca” với giai điệu vui tai. Minh Beta tên thật là Bùi Quang Minh, sinh năm 1983. Nghề nghiệp chính của anh là doanh nhân. Anh tốt nghiệp thạc sĩ ở Đại học Harvard (Mỹ). “VN hỡi, VN ơi, cùng doàn kết đánh bay Corona…” 4."Bao la những trái tim hồng" - ca khúc truyền cảm xúc tới ngành Y MV Bao la những trái tim hồng được đạo diễn bởi Hòa Yên, phần âm nhạc do Nguyễn Phi Hùng sáng tác và nhạc sĩ Phúc Trường hòa âm phối khí, ca khúc này thể hiện tấm lòng tri ân của mình đối với những y, bác sĩ đang dốc sức lực, tâm trí ngày đêm ở tuyến đầu chống dịch Covid-19 (20/3/2020). "Bao la những trái tim hồng" (Phần kết) - Nguyễn Phi Hùng
-Tất cả chúng ta cùng cất cao lời ca -1 Tôi ơi đừng tuyệt vọng -2 Ghen Cô vi, -3 Việt Nam ơi! đánh bay Covid & -4 Bao la những trái tim hồng Để lạc quan, xua tan đại dịch COVID-19, vì sự lo lắng thái quá còn nguy hại hơn virus! Phạm Vũ (Tham khảo: Sách báo – Internet)
GƯƠNG KIÊN TRÌ CỦA MỘT NGƯỜI TÀN TẬT Ibrahim Hamato là một người đàn ông Ai Cập, năm nay 46 tuổi. Lúc 10 tuổi, anh bị cụt cả 2 cánh tay trong một tai nạn xe lửa. Ibrahim tập sống như một người bình thường, rồi chơi thể thao. Môn thể thao dễ nhất là bóng đá, nhưng anh lại muốn, một môn đầy thử thách với anh. Thật khó khăn khi phải dùng miệng để ngậm cái vợt đến khắp một vùng rộng lớn mà đón lấy quả bóng mà đối phương đánh sáng. Khi giao bóng thì anh dùng những ngón chân quặp lấy quả bóng rồi tung lên. Để tấn công đối phương, cần phải đánh bóng vào những chỗ bất ngờ, khó đoán trước, lúc mạnh, lúc nhẹ, lúc gần, lúc xa, lúc xoay bóng, lúc không. Thật khó khăn. Không nản chí, anh cố gắng luyện tập, mỗi ngày mỗi tiến bộ, và anh trở nên thành thạo, được nhiều giải thưởng, kể cả những huy chương của Paralympics (Thế Vận Hội cho Người Tàn Tật). Anh cũng thường được mời đi biểu diễn nhiều nơi trên thế giới. Người ta thường nói rằng ở đời không có gì là không thể làm được (Nothing is impossible) và đem việc Ibrahim làm ra để chứng minh. Anh thường khuyến khích giới trẻ, nhất là những trẻ em khuyết tật, và nói thêm rằng sự thất bại sẽ đến, nếu không kiên nhẫn. Mời quý vị vào Youtube, rồi đánh thêm Ibrahim pingpong để xem anh chơi bóng bàn. Quý vị sẽ ngạc nhiên và thán phục anh chàng này. NCT Phụ bản IV GÓP Ý VÀ ỨNG DỤNG A, Nhắc lại triệu chứng bệnh Viêm phổi SARS CoVid 2
- Sốt - Đau (đau cơ, đau lưng, ngực, phổi, đau đủ thứ,..) - Ho khan, sau đó thành ho có đờm - Mệt mỏi khó chịu, mạch nhanh, thoát mồ hôi… - Khó thở (Thở nông, thở nhanh, gắng sức, hụt hơi…) - Khô môi, khô lưỡi, có thể mất vị giác, khứu giác làm chán ăn, ăn ko ngon… - Rối loạn tiêu hóa: Chướng bụng , nôn mửa, đau bụng, đi ngoài… - Co giật (nếu mất nước, yếu quá mà không chống lại được sẽ dẫn đến tình trạng này) Do tình trạng quá tải bệnh nhân nặng tại các nước Châu Âu, nên khi bạn có biểu hiện mệt mỏi đau người, sốt, ho, đi ngoài, khó thở nhẹ… mà bạn ở lứa tuổi ít nguy hiểm ( < 35 tuổi) sẽ không được xét nghiệm và phải tự cách ly điều trị ở nhà, nếu bạn có đơn thuốc của bác sĩ nên theo đúng chỉ định, nếu ko có_ ko được hoảng loạn, bình tĩnh, bình tĩnh…tôi xin đưa ra các cách tự điều trị để sống sót như sau: B, Tự điều trị tại nhà khi không được hỗ trợ y tế: 1, Đối phó với SỐT: - Uống Paracetamol 500mg, liều khuyến cáo 4-6 giờ 1 viên, ngày tối đa ko quá 3-4 gram tuỳ cân nặng. Nếu có thuốc dạng sủi càng tốt như thuốc efferalgan, còn ko viên uống 3-500 mg cũng được. Uống cho tới khi nhiệt độ về tới 38 độ thì dừng không quá 10 ngày.Ai bị huyết áp cao thì tuyệt đối o dùng thuốc dạng sủi bọt , chỉ dùng dạng thuốc nén. - Uống nhiều nước ấm sạch, đã đun sôi, Không được để miệng và cổ khô, cần uống từng ngụm nhỏ, uống chậm. Uống 2-3 lít nước chia làm nhiều lần trong ngày, uống ngay cả khi không khát. Các bạn nên pha nước bù dịch Oresol như sau: Pha một muỗng cà phê muối ăn (gạt ngang) và tám muỗng cà phê đường cát (gạt ngang) vào đúng một lít nước đun sôi để nguội. Việc uống nước cực kỳ quan trọng giúp cơ thể không bị shock nhiệt và biến chứng rối loạn điện giải co giật, sốt lại… 2, Đối phó với mệt mỏi đau người: - Dùng Paracetamol 500mg nêu trên sẽ giúp bớt mệt, nhưng bạn nên chiến đấu với cơn mệt và tăng năng lượng bằng đồ ăn thức uống, tốt nhất là những loại đồ ăn lỏng ấm và dễ hấp thu, cơ thể mình đang rất mệt nên súp cháo gà, súp cháo bò, súp cháo cá… (nấu với gạo) hay súp rau củ… là thức ăn lý tưởng lúc này. Vừa giúp cơ thể dễ hấp thu vừa dễ ăn, dạ dày lại đỡ làm việc nặng. nếu bạn đã có biểu hiện nhẹ cần chuẩn bị sẵn như ruốc, thịt băm, rau củ rửa sạch, hành, tỏi bóc sẵn, nồi cơm điện để nấu cháo súp khi cần. - Tiếp theo là nước trái cây, hoặc trái cây, hoặc rau rủ quả như dưa leo, carot, tomato, rau quả gì cũng được, có sao ăn uống đó miễn sao bổ sung Vitamin cho cơ thể càng nhiều càng tốt để tăng sức đề kháng. Phải ăn ít nhất 3 bữa/ ngày để đảm bảo có sức và chống chọi lại bệnh tật. -Trà nóng với gừng, với chanh, xả, mật ong... có gì cứ nấu và uống liên tục khi nó còn ấm là được, tốt nhất sau 3 bữa ăn. 3, Đối phó với HO: Ho nhiều sẽ làm cho mô và các cơ phổi sẽ bị tổn thương, cho nên mình sẽ chiến đấu với cơn ho. Cố gắng làm sao không để cơ thể ho quá nhiều. Càng ho sẽ càng làm cho mình đuối. -Thế nên những loại thuốc dịu cơn ho như si rô, nếu có chút an thần càng tốt sẽ vừa làm mình bớt ho mà ko bị stress, Ví dụ như dextromethophan, Theralene, Atoussin…(mua thuốc ho ngoài tiệm thuốc như bất kể siro ho vì có thể không cần đơn) - Nếu phải ho thì mình nên Ho một cách chủ động để hổ trợ phổi giảm tổn thương phổi và giúp thông thoáng đường thở như: Ho ở tư thế ngồi, hơi cúi về phía trước do tư thế thẳng vuông góc sẽ ho mạnh hơn; Đầu gối, hông ở tư thế gấp giúp cơ bụng mềm và ít bị căng cơ bụng mỗi khi ho; Ho 2 lần trong mỗi lần thở ra trong khi co cơ bụng đúng lúc ho. Nhớ lấy khăn giấy che miệng, rồi vứt vào 1 túi nilon buộc kín cho vào thùng rác có nắp. Tránh lây nhiễm cho người xung quanh. 4, Đối phó với KHÓ THỞ: K hi bệnh chuyển biến nặng sẽ khiến mình khó thở (lúc này cần báo ngay với cơ sở y tế phụ trách), điều cơ thể muốn làm lúc này chỉ là nằm, nằm và nằm dẫn tới nguy cơ Xẹp phổi rất cao_ cho nên lúc này cần chiến đấu bằng cách (ngoài thời gian ngủ nghỉ ngơi) hãy cố gắng ngồi dậy - Í t nhất 3-4-5-6 tiếng hằng ngày: bạn ngồi dựa trên ghế, đi lại cố tập thể dục nhẹ mở lồng ngực ra đó là cách dễ nhất tránh xẹp phổi. - Nếu phải nằm cũng nên nằm tư thế fowler (tức đầu cao 30 độ) bằng cách độn gối hay chăn từ lưng sao cho tạo 1 góc 30 độ so với giường - Tập thở để cho phổi không bị xẹp: mặc áo ấm, mở hé cửa sổ ngồi thẳng lưng trên ghế, hít sâu thở đều khí trời. Bằng cách hít thật sâu nhất có thể bằng MŨI ngực mở, nếu có thể nhịn thở 1 chút đếm thầm và thở ra hết thật chậm chậm nhất có thể qua miệng với môi khép hờ. Nhớ chuẩn bị khăn giấy vì khi thở sẽ ho, phải ho vào khăn và cho vào thùng rác kín nhé! - Cải tạo môi trường bằng: Inhalation ( máy phun khí dung/ phun sương) cho 4ml nước muối sinh lý (Nacl 0,9% mua tiệm thuốc tây) vào máy này, nó sẽ phun sương lên và mình thở khí này 3 lần mỗi lần 15 phút hằng ngày sẽ giúp phổi sát khuẩn, chống khô mũi miệng họng. Nếu không có máy và khí hậu lạnh khô các bạn có thể tự làm khí ẩm bằng cách đun sôi 1 nồi nước và để nhỏ lửa giữ cho bốc hơi trong phòng khoảng 1 tiếng/1lần x 2-3 lần/ n gày. Nước đun bạn có thể cho 1 ít sả, gừng đập giập, vỏ chanh, cam, bưởi… hay chỉ cần 1 ít tinh dầu, dầu cao sao vàng, haychỉ cần nước thôi cũng được, chú ý không được để nước cạn! 5, Đối phó với các triệu chứng khác: -Như đau bụng, đi ngoài nên theo đơn của bác sĩ nếu không thể gặp và xin đơn thuốc thì việc uống nước Oresol như hướng dẫn ở trên bạn nên cho 1 ít gừng và uống ấm là sẽ đỡ, nếu bạn bị đi ỉa chảy nhiều thì việc uống nước Oresol lại càng quan trọng, nên uống tới 3 lít mỗi ngày! - Khi đau lưng và ngực mà bạn còn khỏe thì nên dùng vòi hoa sen nước nóng sối vào vùng cổ, vai lưng trên khoảng vài phút; hay ngâm mình trong bồn tắm để hạ sốt ( nhiệt độ nước nhỏ hơn Nh iệt độ cơ thể 1-2 độ) ngâm khoảng 5-10 phút mỗi lần. - Bổ sung khoáng chất như một chút muối trong cháo hay trong ly nước chanh cũng sẽ cần thiết lúc này. - Thuốc vitamin C 500mg, thuốc sủi Vitamin hay bất cứ gì giúp tăng đề kháng các bạn nên dùng ngay.Nếu có mật ong Manuka thì mỗi ngày bạn nên uống một muỗng với trà ấm (mật ong Manuka chứa kháng sinh tự nhiên). - Rửa tay, thay đồ vệ sinh cá nhân thường xuyên, nếu có thể phơi nắng ở Balcon cửa sổ là tốt nhất,... - Phòng ốc nên thoáng khí, mở cửa sổ cho nắng và gió vào phòng. Tự tiệt khuẩn phòng ốc bằng dung dịch tiệt trùng (dung dịch lau chùi nhà siêu thị vẫn bán nhiều lắm). Chúc các bạn Bình tĩnh vượt qua giai đoạn khó khăn này Bùi Đẹp st. *** XIN PHỔ BIẾN ĐỂ CỨU MỌI NGƯỜI Chúng ta theo pp tây y phải nghiên cứu thuốc và thời gian dùng thuốc để chữa bệnh những người nhiễm bệnh mà bỏ quên những người chưa bị nhiễm ở nhà nên thời gian ngăn chặn dịch bệnh kém hiệu qủa. Chúng ta đả bỏ quên pp cổ truyền của đông y, nay chúng ta tự cứu mình và phổ biến giúp cho mọi người áp dụng theo, hiệu qủa nhanh mà không tốn kém : 1- Tất cả các loại virus, vi khuẩn có trong không khí gây ra bệnh, đông y gọi là bệnh thời khí nên vị danh y Lý Thời Trân đã chỉ ra phương pháp nấu 1 chảo dấm đun sôi cho hơi dấm xông lên bay hơi đầy trong phòng để sát trùng vật dụng trong và sát trùng virus trong không khí, dùng nước dấm đun sôi lau chùi vật dụng nhà cửa đểu tiêu diệt khuẩn và tạo môi trường chống ḍich bệnh. Mỗi ngày nấu dấm táo 2 lần. Có thể cho vài giọt dầu gío xanh vào chảo cho bay mùi thơm dễ ngửi, trong thời gian toàn thể gia đình bị cách ly trong nhà. 2- Hạ sốt nhanh trong vòng 30 phút, nhưng phải áp dụng 2-3 ngày liên tiếp, công hiệu nhanh hơn thuốc, bằng cách nấu nồi nước nóng chừng 2 lít, đổ vài giọt dầu gió xanh, hay dầu tràm, cởi trần ngồi trước nồi xông, trùm chăn kín, xông 5 phút, dầu xông lên mũi thông phổi, sát trùng phổi sẽ dễ thở, và toàn thân xuắt mồ hôi giải nhiệt, thông khí huyết toàn thân xong cảm thấy người nhẹ khoan khoái mủi hết nghẹt hay hết chảy nước mũi. Tuy nhiên theo tây y khi cơ thể xuất mồ hôi thì đường huyết tụt thấp cũng sẽ bị đột qụy. Để tránh cơ thể sẽ bị mất nhiều nước và tụt đường, trước khi xông phải uống 2 ly nước ấm khoảng 1/2 lít pha 6 thìa đường cát vàng. Xông xông đo nhiệt kế xuống bình thường, hết sốt hay cảm cúm. 3- Sát trùng cổ họng bằng cách pha 1 ly nước nóng ấm pha 3-4 thìa cà phê đường cát vàng, vắt 1/2 trái chanh, có đường vào máu giúp cơ thể tạo kháng thể glycoprotein nhanh, và chanh tuy chua nhưng lại kiềm tính diệt virus có hiệu quả. Sau khi pha chanh đường, uống ngậm 1 ngụm, nằm ngửa, khò khò nước trong miệng lọt sâu trong họng, mấy ngụm đầu mỗi lần khò khò 1-2 phút xong nhổ đi, các ngụm sau khò khò và nuốt từ từ, áp dụng cho hết ly nước chanh đường, 2-3 lần/ngày trong thừi giam cách ly ở nhà 4- Nếu mọi người sợ uống nhiều đường thì thay bằng 3/4 ly nước sôi, đổ vào ly 1 thìa canh dấm táo, pha 3 giọt dầu gió xanh, ngồi xông vào mũi, chữa cảm sổ mũi, nghẹt mũi, khó thở, sưng đau họng. Mỗi ngày áp dụng 2-3 lần Tôi hy vọng sau thời gian cách ly ở nhà mọi người trên thế giới sẽ thoát khỏi đại dịch này. Doducngoc Khí Công Y Đạo
Tản Mạn ĐỀ KHÁNG Đề kháng luôn là một điều kiện tối cần của một cơ thể. Khi có một sức đề kháng tốt thì hệ miễn dịch đủ khả năng loại bỏ những bệnh vặt thông thường. Tạo hóa sắp đặt cho thể chất một cơ chế tự điều trị. Nhưng phần lớn cách sinh hoạt không phù hợp của con người làm nó bị mai một dần đi và mất hiệu quả. Nếu có kháng thể tốt và không lạm dụng thuốc điều trị thì sức khỏe sẽ khá ổn định lâu dài. Một trong các cách thức để tăng đề kháng là “Trao đổi chất từ thiên nhiên”. Điều này không hề khó, chỉ cần chịu lạnh thêm một chút, chút nóng thêm một chút, chịu nắng gió thêm một chút. Rất nhiều người mới thấy se se đã vội vàng áo ấm, mới thấy hơi nóng đã vội vàng mở quạt hoặc máy lạnh, ra nắng một chút là che chắn kín mít, sương gió một chút là ngần ngại không dám ra đường. Nhưng những yêu tố khí hậu thời tiết tự nhiên nếu biết tận dụng sẽ là cách tích thể rất hiệu quả. Chịu lạnh thêm một chút sẽ làm tăng hồng cầu và đốt mỡ thừa để tạo nhiệt. Chịu nóng một chút sẽ toát được mồ hôi là một cách thải độc tố, và hấp thu khí trời. Chịu nắng một chút là thêm vitamin D góp phần kích hoạt hệ miễn dịch. Nếu vận động hợp sức giữa khoảng trời nắng gió sẽ thấy tâm thân rất sảng khoái. Đây là điều thuốc bổ không thể thay thế được. Mới hơi cảm ho chút xíu, xước da chảy máu chút xíu, vài con trùng đốt chút xíu đã vội kháng sinh thuốc bệnh. Nhưng không biết rằng cơ chế tự điều trị sẽ làm tốt chức năng nếu dành cho nó chút thời gian. Uống nhiều thuốc một cách không cần thiết sẽ bị lờn thuốc và mất dần tác dụng điều trị, càng về sau lại càng phải tăng liều thì tác dụng phụ cũng có hại không ít. Trẻ con rất cần được chạy nhảy vận động giữa nắng gió, chạy mướt mồ hôi da mặt đỏ au sẽ thấy rõ bé khỏe thế nào. Nhiều người, trẻ lấm tí đất cũng sợ, trẻ mặc ít áo tí cũng sợ, trẻ hoe nắng tí cũng sợ, thế là thành cây cớm nắng, hơi một tí sẽ bệnh, càng thế lại càng sợ, thành khi lớn lên sức đề kháng yếu, các loại vi khuẩn virut dễ xâm nhập. Nước mát cũng là một tố chất tốt, ví dụ khi nóng, vã ít nước mát lên mặt lên hai cánh tay, vừa mềm da tránh mất nước lại chân lông co giãn thẩm thấu. Bên cạnh đó, việc ăn uống đương nhiên là quan trọng, xong không phải cơ thể nào cũng cần các chất như nhau. Cái gọi là cơ địa nó quyết định rất nhiều thứ cho cơ thể. Trong đó có thành phần dinh dưỡng, khi cơ thể thiếu chất gì thì đưa ra yêu cầu bổ sung chất ấy, nên có những lúc người ta bỗng thèm ăn một thứ gì đó, và cái gọi là khẩu vị cũng do cơ địa chủ động. Các thực phẩm khác chỉ có thể đan xen bổ sung chứ không thay đổi hoàn toàn được khẩu vị. Với môi trường cuộc sống ngày càng ô nhiễm và nguy cơ cao bệnh tật từ nhiều nguyên do, thì yêu cầu của đề kháng ngày càng cấp thiết. Nhưng không phải cứ đợi đến lúc thấy cần mới lo liệu thì không kịp và cũng không được bao nhiêu cả. Vậy nên ngay từ khi còn bé, phải có cách hiểu đúng và ý thức tạo đề kháng một cách căn bản. Ta vẫn thấy, những người làm công việc dãi dầu nắng gió, dù khá vất vả nhưng sức khỏe ngày càng tốt, rắn chắc mạnh mẽ. Khi sức khỏe thể chất tốt thì tinh thần cũng đủ tự tin vững chai mà vượt qua những thách thức cuộc sống. Những yếu tố trên là trải nghiệm của chính bản thân tác giả. Khi còn nhỏ mình rất hay bị la bởi cứ phong phanh ít khi áo ấm, đi nắng cũng đầu trần. Lớn lên thì cũng phong sương dãi dầu nắng gió. Cho đến bây giờ đã vào đoạn giữa U 60, mình vẫn chịu lạnh chịu nắng tốt, và mấy chục năm rồi, bác sĩ vẫn thất nghiệp với mình. Vậy nên mình góp vài ý để mọi người tham khảo. Cho dù một số cơ địa không thể xông pha được nhiều, nhưng nếu có cơ hội tận dụng kháng sinh thiên nhiên thì đừng từ chối. Không có gì tự nhiên đến với ta, mà cái gì tốt thì cũng phải trải qua thời gian dài tích cóp rèn luyện. Nhất là các vấn đề căn bản, sức khỏe là một trong số những tốt cần của cuộc sống. Vậy nên hãy tạo cho con trẻ có đề kháng tốt ngay khi còn bé, càng lớn sẽ càng vững. Thế nhé Nhân đề tài Đề kháng, bàn thêm một chút với những liên quan. Có một thứ Đề kháng gọi là “Đề kháng thị phi”. Không một ai trong đời thoát khỏi những khen chê đàm tiếu. Bởi lòng đố kỵ của người đời là rất lớn, tìm điểm để khen người khó lắm, nhưng để chê thì hằng hà. Cái gì cũng chê được, thậm chí làm rất tốt cũng bị chê. Vậy làm sao để đừng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những thị phi vô lý ấy. Phải tập cách bước lên trên nó, đi qua nó, và xem nó là một thứ phẩm màu không thể có trong bức tranh cuộc đời mình. Đương nhiên, nói thì dễ quá, ai không muốn thế, chả ai muốn mang tâm trạng tồi tệ bởi những kẻ xấu mồm. Nhưng ít nhất thì những câu nói tai ác ấy vẫn cứ phải đọng lại một khoảng thời gian đáng kể, lấy đi một ít sinh lực, một ít hưng phấn, một ít động lực, một ít tình cảm, một ít tự tin, một ít sức khỏe…. Vậy rồi làm sao mà tập, tập cách nào cho có hiệu quả nhanh nhất ? Có lẽ đầu tiên phải biết người đang chê bai nói xấu mình là ai. Nếu là người lớn, thân tình, thiện chí, có mối quan hệ tốt khá lâu, thì đó là lời chê cần xem xét sửa đổi. Khi nhận diện được thì tức khắc tâm trạng mình bớt nặng, chuyện sửa được hay không nhiều hay ít còn phụ thuộc những yếu tố khác. Nhưng nếu người chê ấy là người mình đã hiểu ít nhiều về tính cách họ, mối quan hệ vốn hời hợt không tốt lành gì, họ có mục đích gì đó mà không khó để nhân ra, hoặc đơn giản họ là người nhỏ mọn, hẹp hòi vị kỷ không muốn ai hơn mình bất cứ thứ gì. Mà người như thế thì nhiều lắm. Nếu đã nhìn ra họ rồi thì liệu có còn cần thiết để họ vào tâm trí mình không ? Có cần thiết phải mất cho họ một số thứ không đáng nữa không ? Đương nhiên là không. Chắc chắn là không. Hòan toàn là không. Tốt nhất mỉm cười đứng dậy phủi bước quay lưng. Nếu cần thì ngạo thêm một chút cho họ thấy họ chẳng là một thứ gì có lẽ trong mắt mình cả, và những gì họ nói về mình đều vô nghĩa. Hãy đi chơi giải trí, gặp gỡ vài người tốt hơn, làm những công việc mình yêu thích hay đang cần phải làm. Không lâu sau, sẽ thấy cái sự gì đó không vui trong lòng đã biến mất tự khi nào. Cứ như thế mà luyện dần, cho đến một ngày dửng dung trước những miệng tiếng người đời, những thị phi vớ vẩn ấy không còn một chút tác động gì với mình nữa. Và bạn sẽ hiểu ra rằng, nếu một ai đó không tôn trọng bạn, thì bạn cũng chẳng có lý do gì phải xem trọng họ. Cuộc đời có nhiều thứ không công bằng không sòng phẳng, nhưng bạn hãy tự tìm cho mình chút công bằng và sòng phẳng đối với bản thân. Có thể bản thân bạn không có giá trị với người khác, nhưng nó phải có giá trị với chính bạn, bạn đừng quá phí phạm mình bởi những gì không đáng. Đó là chuyện chê, còn dễ biết, chuyện khen mới khó nhận diện. Người tử tế cẩn thận thường không hào phóng lời khen, bởi họ biết khen không đúng thực chất là dìm người ta xuống, họ chỉ khen đúng điều đáng khen. Lời khen thực sự có chất lượng. Người được khen thực sự có giá trị. Nhưng làm sao để nhận ra đâu là khen thật, đâu là khen đểu khen lấy lòng, khen mà đào hố, khen kiểu mà người được khen cứ ngơ ngác không nữa thì mất phương hướng, không ít thành lạc đường, để những lời khen đểu kia lại có cơ hội cười mai cười mỉa. Cũng lại phải biết người khen mình là ai, và cái việc mình được khen ấy cũng phải tự biết đo lường. Khen cũng là một mặt tích cực để thêm tự tin thêm phấn đấu, thêm hăng hái để mà đi tiếp nhanh hơn cao hơn. Nhưng nếu không tự đo lường mình và nhất là không hiểu người đang khen mình là ai thì chuyện sụp hố thất bại làm trò cười cho thiên hạ là ngay trước mắt. Cần thiết phải bình tĩnh trong chê bai bao nhiêu thì lại rất cần thiết phải trầm tĩnh trong lời khen nhiều hơn thế. Không chỉ có tuổi trẻ dễ bị sụp hố bởi những lời khen đểu mà tuổi trung niên cũng khó thoát. Có nhiều kiểu khen cứ như thật lòng lắm, nhưng là bó hoa có dao găm, nhận hoa rồi đứt tay chảy máu. Cách tốt nhất là phải luyện được một thứ tâm thức “Biết mình là ai và đang ở đâu”. Tạm lan man một chút với những liên quan đến chuyện “Đề Kháng”, cuộc sống còn cần nhiều thứ đề kháng lắm. Nói một cách chính xác là : Cứ cái gì cần có sự căn bản thực sự, trưởng thành thực sự, giá trị thật sự, phải trải qua rất nhiều gian truân thách thức, tôi rèn trong kim châm lửa đỏ, để đạt được đến một ngưỡng chống chịu can trường với rất nhiều tổn thương thì phải cần có một “Sức Đề Kháng” mạnh và vững. Những điều không thể tự nhiên có được. Và để có một “Sức Đề Kháng” tối cần như thế phải hội đủ những yếu tố “Nhẫn nại – Chịu đựng – Trầm tĩnh – Trui rèn – Kiên Tâm – Dũng trí”… Hãy nhớ “Khi có được một Đề Kháng tốt thì mọi khó khăn sẽ có thể vượt qua được hết”. Cuộc sống sẽ thực sự có ý nghĩa hơn. Đàm Lan
Tuỳ bút CHIM MỒI NGÀY ẤY
Thuở đó, quê tôi còn hoang dã và nghèo nàn. Có nhiều rừng cây mà cũng lắm mương xẻo. Đất rộng, người thưa. Âm u, trầm uất đã tô vẽ con đường đến trường của tôi nhiều sắc màu độc đáo. Tôi học ở một ngôi trường nhỏ nhưng rất đẹp. Muốn đến trường, tôi phải chọn một trong hai lối. Một là đường cái tráng nhựa, dọc theo dãy phố có nhiều hiệu chạp phô của người Hoa. Nhưng tôi sợ cái bót có rào mấy vòng kẻm gai và chông chênh phía trước một chuồng cu cao lêu nghêu. Bên trong, một người lính bồng súng, nhìn ra bốn phía như một vị ác thần canh giữ nơi bí hiểm. Hai là con đường đất ngoằn ngoèo, luồn lõi giữa rừng cây, rồi tới con xẻo to, có một cây cầu khi mà tay vịn ngả nghiêng về một phía, huốt tầm tay với. Gặp lúc mưa dầm lại nhằm con nước lớn thì lũ học trò chúng tôi đứa nào cũng khiếp. Dưới xẻo, dòng nước đục ngầu chảy xiết sẵn sàng cuốn phăng, nhận chìm mọi thứ. Qua cầu là tới một ngôi chùa cổ kính và uy nghiêm của người Khmer với những ngọn tháp xám xịt, rờn rợn tượng thần bốn mặt, nhiều tay. Tiếp đó là bệnh viện có hàng rào cẩn thận nhưng lại chừa cái nhà xác bên ngoài. Vốn sợ ma, vừa thấy dạng nhà xác, đứa nào cũng lột dép cầm tay, co giò phóng như bay đến trường cách đó không xa. Con đường vòng xa lắc, đủ thứ rắc rối thế mà chúng tôi lại thích. Bởi vì chúng tôi đã gặp một người bạn đường to con, lớn tuổi hơn đôi chút, là anh Thao. Anh Thao cũng đi dọc con đường ấy để … nhặt củi khô. Như hẹn trước, tôi và mấy đứa bạn cùng xóm vừa rẽ vào lối mòn thì anh cũng lầm lũi đi tới. Chúng tôi làm quen và thân thiết chóng vánh. Anh cho biết quê mình xa tít ngoài Trung, cha anh đã chết vì bệnh, mẹ con anh trôi dạt đến lúc gặp người cha kế mới ổn. Chúng tôi rủ anh đi học, anh bảo : Nhà nghèo lắm, chưa dám nghĩ tới. Khi nào khá, sẽ đi học ngay. Anh thường đưa chúng tôi đến tận cổng. Tan học,về đến chỗ nhà xác đã thấy anh đứng đón. Thấy chúng tôi sợ sệt, anh cười bảo : Người chết là hết! Có làm gì được mình đâu mà sợ? Chúng tôi cảm thấy an tâm hẳn. Nhờ anh, chúng tôi thấy được cái tốt ẩn hiện dọc đường. Như khi cùng ghé lại cái khạp nước mưa đặt bên hông chùa, chúng tôi thả dàn uống những bát nước mưa ngọt lịm thì sau đó anh Thao thường chạy vào chùa, rồi khệ nệ khuân một thùng nước đầy, đổ vào khạp. Anh giải thích rằng người lỡ đường đến sau có sẵn nước uống mà không mất công các sư nặng nhọc. Anh còn bày cách cho chúng tôi biết vui khi vất vả nữa. Anh bảo khi vác bao củi nặng, anh tưởng tượng là bao gạo thì cảm thấy nhẹ liền. Ngày mưa nào anh cũng chờ chúng tôi. Anh cõng từng đứa qua cầu rồi mới vác bao củi qua sau rốt. Một lần, không hiểu vì lạnh hay mệt mà anh té xuống xẻo. Anh bơi được vào bờ nhưng bao củi chìm mất. Từ hôm đó không thấy anh đi nhặt củi khô nữa. Lạ một điều, mỗi khi trời mưa, nhằm lúc tan học thì lại thấy anh tới chỗ cầu khỉ để cõng từng đứa qua. Lúc ấy, dưới cơn gió quật, ôm chặt vai anh, chúng tôi vẫn cảm thấy ấm áp, an toàn. Một hôm, tôi thay chị đem cơm cho mẹ bán hàng ở nhà lồng chợ. Gần đó có một nhóm cờ bạc. Người đàn ông làm cái có khuôn mặt dữ dằn và xảo trả. Ông ta xào, ném ba lá bài gồm một hình thằng tây và hai lá toàn nút một cách lão luyện, mồm không dứt : “Đặt vô, đặt vô! Bà con ơi!” Có một người đàn bà đang hồi hộp nhìn một cậu bé chơi bài và luôn chọn đúng lá có hình thằng tây. Tôi suýt kêu lên : “Anh Thao!” Thấy anh gom tiền, người đàn bà động lòng tham, cũng ngồi thụp xuống tham gia. Lạ quá! Bây giờ, anh bắt đầu thua. Tiền của anh và bà nọ cứ bị gom vào túi người làm cái. Khi chị ta đứng lên, vét hết số tiền còn lại thì khuôn mặt anh Thao bỗng bừng đỏ. Anh ngần ngừ khi đặt tiền xuống lá bài. Lần này, cả hai được trúng. Chợt người làm cái đứng phắt dậy, kêu lên : “Lính tới!” rồi bỏ chạy. Ngơ ngác nhìn quanh, như hiểu ra điều gì người đàn bà lủi vào đám đông mua bán. Gã làm cái trở lại ngay. Hắn túm lấy anh Thao đánh, đấm túi bụi, miệng hầm hừ : “Phản nè…! Thằng chó đẻ. Bữa nay tao bỏ đói mẹ con mày. Thử xem có ai tội nghiệp không? Đói rả họng mà còn nhân đạo! Hứ…”. Hắn phun một bãi nước miếng vào mặt anh, rồi bỏ đi. Nhìn anh đưa tay quệt nước mắt lẫn nước bọt mồm, tôi bật khóc. Quay sang, thấy tôi, anh thảng thốt mấy giây rồi lẳng lặng bỏ đi. Mẹ tôi nhìn theo, lắc đầu : “Tội nghiệp! Thằng chim mồi ngày nào cũng bị cha ghẻ đánh!” Chạnh nhớ cảnh mình, mẹ vuốt tóc tôi, bảo : “Con thấy chưa! Đâu phải ai mồ côi cha cũng ăn cơm với cá đâu! Phải ráng học nghe con!” Từ đó, tôi không gặp lại anh nữa. Nhưng không bao giờ tôi quên được anh, người đã khiến cho tâm hồn tôi trở nên phong phú, với những ký ức tuổi thơ thấm đẩm mật ngọt nhân ái, bao dung. Chính anh đã cho tôi một niềm tin : dù nghèo khổ, ta vẫn có thể làm cho người khác nể phục!
Nguyễn thị Mây
MỤC LỤC Vài chi tiết về kỳ họp ngày 14/3/2020 ..... Vũ Thư Hữu ..... 03 Vài dòng về cuốn hồi ký “Đường sáng trăng sao của tác giả Nguyệt Tú” .......... Vũ Anh Tuấn .... 06 Lịch sử Giáo Hội Cộng Giáp (tt- kỳ 4) Bosco Nguyễn Văn Đình, Ofm & Giuse Nguyễn Hữu Triết . 09 Đạo Phật muốn nói gì qua Pháp Vô Thường Tâm Nguyện ............ 15 Bà mẹ “Hư” và những đứa con thành đạt .... Tú Vũ st. ..... 25 Ước Mơ Dang Dở .............. Nguyễn Văn Sâm ..... 31 Hãy xông khi bị cúm Corona . Nguyễn Hồng Phương st. ....... 40 Sao Đành? ...................... Vũ Đình Huy .... 42 Một lần và Trăm năm ............. Vũ Đình Huy ..... 42 Không ghen ....... Vũ Đình Huy.... 42 How would you resign yourself to do that? Vũ Đình Huy - Translated by Vũ Anh Tuấn ...... 43 Once and A Hundred Years Vũ Đình Huy - Translated by Vũ Anh Tuấn ..... 43 Not Jealous Vũ Đình Huy - Translated by Vũ Anh Tuấn ..... 43 Bốn bài thơ Valeri Brưusov Người dịch thơ ca Armenia Ioannes Ioannisiyan (1864-1929) .......... Thúy Toàn dịch ..... 44 Ovankes Tumenhian ........ Thúy Toàn dịch ..... 45 Vaan Terưghan ......... Thúy Toàn dịch ...... 46 Egkishe Tsarents ......... Thúy Toàn dịch ...... 47 Quy luật muôn đời ............. Lê Minh Hải ....... 48 Tiếng lòng .................. Thanh Vĩnh ...... 48 Niềm Thơ ..................... Thanh Vĩnh ....... 49 Xuân qua ..................... Hoài Ly ...... 50 Ẩn Tu Thiền ........... Phước Hải ..... 51 Hương Em ............... Phùng Chí Tâm ...... 52 Hoa Móng Rồng ............ Phùng Chí Tâm ...... 52 Giáo Dục ................. Lê Minh Chử ...... 53 Trái Thanh Long ............. KH. Quang Bỉnh ....... 54 Chung Sức ............... KH . Quang Bỉnh ..... 54 Sơn Nữ ................. KH. Quang Bỉnh ..... 55 Ai xuôi vạn lý ............... Chữ Đồng Minh ...... 56 Mùa Gió Chướng ........... Chữ Đồng Minh ...... 56 Say Thơ ................ Vũ Thùy Hương ...... 57 Cầu Mong ............ Vũ Thùy Hương ............ 57 Trở về cát bụi ................. Lệ Ngọc st. ............ 60 Dành tình yêu sâu đậm với văn học Nga - Xô Viết Dịch giả Hoàng Thúy Toàn ............ 62 Tác dụng của lời hứa, lời thề .......... Phạm Hiếu Nghĩa .......... 71 Cái tên họ của người Anh ............. N.C.T ....... 80 Những thứ cần phải quên ........ Đào Minh Diệu Xuân st. ...... 83 Hãy thong thả Sống Trần Mộng Tú - Hoàng Kim Thư st. ........... 86 Thu thập bằng chứng về linh hồn dưới góc nhìn khoa học Đỗ Thiên Thư st. ................. 90 Sống với Covid -19: Sự lo lắng thái quá còn nguy hại hơn virus. ........ 94 MÙA DỊCH COVID-19: Lễ tang hồng của danh ca Thái Thanh ................ 97 Đừng tuyệt vọng! ........... 101 Ước gì COVID-19 chỉ là ‘Ngày Cá tháng Tư 2020” Phạm Vũ ............................ 104 Gương kiên trì của một người tàn tật ........ NCT .......... 107 Góp ý và ứng dụng .............. Bùi Đẹp st. .......... 109 Xin phổ biến để cứu mọi người Doducngoc Khí Công Y Đạo ... 113 Đề kháng ...... Đàm Lan .......... 115 Chim mồi ngày ấy ............. Nguyễn thị Mây ......... 120
|