Hiện có 3 người xem / 2533071 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        
 
Truyện 17: Vụ án ông già bảo vệ
Hôm nay là ngày 10 tháng sáu năm 1950, và sáng nay là một buổi sáng đẹp trời. Ông Cảnh Sát Trưởng Giuseppe Martino của thành phố Padoue đang đứng ngắm những rặng hoa phong lan ở hai bên một con đường thật đẹp trong công viên thành phố. Một vụ án mạng hơi kỳ lạ đã khiến ông hiện diện ở nơi đây. Mấy đứa trẻ nhỏ chơi đá banh ở trên bồn cỏ đã khám phá ra một xác chết ở dưới rặng hoa. Chúng sợ hãi bỏ chạy và tri hô:

- Ông già Adorno bị giết rồi, ông già Adorno đã bị giết!

Vì, cũng như tất cả mọi cư dân ở đây, các đứa trẻ rất thân thuộc với Marcello Adorno, một trong những người bảo vệ làm việc tại công viên. Sáu mươi tuổi, cựu chiến binh của kỳ Đệ Nhất Thế Chiến 14-18, cụt một chân và mất một tay, ông già Adorno là một hình ảnh rất thân thương với các trẻ nhỏ, vì ông rất yêu trẻ con và trong túi luôn luôn có thật nhiều kẹo để cho chúng. Ông được tất cả mọi người quý mến và, dưới mắt họ, ông được coi là một người tốt.

Cảnh sát trưởng Giuseppe Martino quan sát kỹ thi hài người xấu số nắm sấp mặt xuống đất. Nạn nhân bị bắn một phát đạn từ phía sau vào giữa lưng khiến xương sống bị bắn vỡ nát… Quả thật là một án mạng hơi kỳ lạ vì ai lại nỡ giết một người thương binh vô tội, rất yêu trẻ nít và được tất cả các đứa nhỏ yêu quý. Ai giết và tại sao giết? Được hỏi, vị Giám Đốc công viên chịu không trả lời được.

- Tôi không nghĩ có ai đó có thể là kẻ thù của ông ta. Tôi có ghé nhà ông ta nhiều lần, sau ngày vợ chết, ông ta ở một mình, sống một cuộc sống thật thanh đạm. Theo tôi nghĩ, có lẽ ông ta đã bất chợt chứng kiến một việc gì mà ông ta không nên biết.

Cảnh sát trưởng Martino liếc mắt nhìn về phía bồn cỏ. Cách rặng hoa phong lan độ năm thước, có một lùm cây mà chắc chắn phát đạn đã xuất phát từ đó. Rất có thể là người bảo vệ xấu số đã vô tình là nhân chứng của một chuyện gì đó, mà lẽ ra ông ta không nên biết tới. Khó mà thấy có khả năng nào khác…

Vừa về tới văn phòng, Giuseppe Martino nhận được một cú điện thoại. Người gọi là Gaetano Stozzi, một thương gia tên tuổi, chủ nhân nhiều cửa hàng bán thực phẩm tại Padoue. Chẳng biết có chuyện gì mà ông ta lại cần đến cảnh sát đây?

- Thưa ông Cảnh Sát Trưởng, tôi biết là câu hỏi của tôi hơi kỳ, nhưng thưa ông có phải là công viên thành phố nằm trong khu vực của ty không ạ?

- Đúng.

- Vậy thì, thế này… có phải có kẻ nào mới giết một người bảo vệ cụt một chân và mất một tay ở đó phải không ạ?

Cảnh sát trưởng Martino đớ người vì ngạc nhiên.

- Sao ông biết chuyện đó?

Ở đầu giây đằng kia, Gaetano Stozzi như lặng đi một lúc, rồi ông ta nói tiếp:

- Trời ơi, thế là chuyện đó xảy ra thật à! Vậy thì chuyện nghiêm trọng quá, thưa ông cảnh sát trưởng. Tôi xin ghé ông ngay bây giờ…

Mười lăm phút sau vị thương gia đã có mặt tại ty cảnh sát. Hơn sáu mươi tuổi, tóc đã nhuốm bạc hai bên thái dương, giáng người mập mạp, ở Gaetano Stozzi toát ra một cái gì đó khiến cho người đối diện biết là ông ta là một nhân vật loại quan trọng. Nhưng, ngay trong lúc này thì ông ta hoàn toàn bối rối; ông rút khăn tay ra lau trán lã chã mồ hôi.

- Tất cả những gì vừa xảy ra là do lỗi của tôi!

- Ông muốn nói là người bảo vệ công viên bị giết là vì lỗi ông?

- Vâng, đúng vậy. Chuyện này điên loạn quá…

Gaetano Stozzi lấy ra từ chiếc cặp đựng hồ sơ nhỏ một xấp giấy tờ.

- Đây, ông đọc đi. Tôi đã nhận được lá thơ đầu tiên cách đây hai tháng. Sau đó cứ hai ngày tôi lại nhận được một lá, và tất cả các lá thơ này đều cùng một cỡ.

Ông Cảnh Sát Trưởng cầm một lá thơ lên đọc. Đây là một lá thơ nặc danh thuần túy cổ điển: các chữ được cắt ra từ các tờ báo, và được dán cẩn thận vào một trang giấy học trò. Thơ viết: "Nếu ông muốn giữ được mạng sống, hãy mang để một triệu đồng lires bằng giấy nhỏ vào một cái giỏ, rồi để giỏ đó cạnh chỗ chơi nhạc trong công viên thành phố. Nếu không, tôi sẽ không ngần ngại gì mà không lấy mạng ông. Ký tên: NGƯỜI RỬA HẬN".

Giuseppe Martino không có phản ứng đặc biệt gì với loại thơ từ này vì trong đời ông, ông ta gặp hàng ngàn lá thơ nặc danh kiểu này. Gaetano Stozzi nói tiếp:

- Chắc ông thấy là chuyện thơ nặc danh này là vớ vẩn, không đáng bận tâm, phải không thưa ông? Phản ứng của tôi cũng đúng y như vậy. Tôi hoàn toàn không để tâm gì đến tên khùng nào đã viết ra chúng, và cũng chả buồn báo cho cảnh sát biết nữa. Tôi đã lầm, và chiều hôm qua, tôi đã quá lầm.

Người thương gia cúi đầu rầu rĩ nói tiếp:

- Chiều hôm qua tôi không thấy có thơ trong hộp thơ. Nhưng lúc 10 giờ tôi nhận được một cú điện thoại. Người gọi đã cố tình làm lạc giọng nói để đánh lạc hướng, hắn nói: "Rõ ràng là ông coi thường việc tôi nói. Vậy thì tôi sẽ chứng minh cho ông biết là tôi không NÓI ĐÙA. Ngày mai tôi sẽ GIẾT ĐẠI MỘT NGƯỜI, và nếu ông tiếp tục không chịu đưa tiền chuộc mạng, nạn nhân kế tiếp sẽ chính là ông." Nói xong hắn gác máy cái cụp. Và, tôi… tôi đã phạm một lỗi bất khả tha thứ: tôi vẫn tiếp tục không thèm tin. Nhưng xin ông hiểu cho, thực là chuyện điên loạn, không có một xu thực tiễn!

Ông Cảnh Sát Trưởng có một cử chỉ trấn an người thương gia.

- Ai mà gặp chuyện như chuyện này thì cũng sẽ có phản ứng như ông thôi, ông Stozzi ạ. Vậy sáng hôm nay tên đó lại gọi điện thoại nữa à?

Vâng, hắn gọi đến văn phòng tôi. Hắn thông báo cho tôi biết về vụ người bảo vệ bị giết, và để chứng minh chính hắn là kẻ giết, hắn đã nói rõ viên đạn cỡ 6.35.

Cảnh Sát Trưởng Martino giữ im lặng một lát trước khi kết luận:

- Nếu tôi không lầm thì người bảo vệ khốn khổ đó đã bị sát hại DUY NHẤT LÀ CHỈ ĐỂ LÀM CHO ÔNG SỢ… Vậy bây giờ ý định của ông ra sao?

Gaetano Stozzi thình lình trấn tĩnh và lấy lại được vẻ uy quyền của một thương gia cỡ lớn.

- Tôi sẽ không trả tiền chuộc. Nhất là bây giờ, than ôi! chuyện tàn hại đã xảy ra, giờ chỉ còn bản thân tôi là phải lo sợ. Trong đời, tôi chưa hề lùi bước trước sự đe dọa. Xin hãy cho người bảo vệ tôi, để xem nó có dám tấn công cả cảnh sát của ông không?

Cảnh Sát Trưởng Giuseppe Martino chấm dứt cuộc gặp gỡ và ra lệnh cho thuộc hạ làm các điều cần thiết để ngăn không cho một vụ án mạng khác lại xảy ra. Hai thám tử được cử để theo sát Gaetano Stozzi và thường xuyên bảo vệ ông ta; ngoài ra một xe hơi bọc thép chống đạn được cho ông mượn để xử dụng, và trước cửa văn phòng của ông ta có đặt thêm một người vừa làm tùy phái vừa canh gác.

Đồng một lúc, cuộc điều tra được tiến hành gấp rút, riêng rẽ, và kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy Marcello Adorno quả là đã bị sát hại bằng một viên đạn cỡ 6.35.

Đương nhiên là vị Cảnh Sát Trưởng đã nghĩ tới một người nào đó đặc biệt thù ghét Gaetano Stozzi. Chữ ký Người Rửa Hận có vẻ như xác lập giả thuyết này. Tuy nhiên, và đây mới là chỗ rắc rối, Gaetano Stozzi không phải chỉ có một kẻ thù duy nhất, mà ông ta có thể có hàng vài chục kẻ thù. Tuy bản thân ông ta là một người lương thiện thấy rõ, nhưng là người đã làm giàu nhanh chóng và vẻ vang, trên con đường đi tới sự thành công của ông ta, ông ta đã phải đè bẹp không ít những nhà buôn nhỏ, trong số những người đó, nhiều người đã bị phá sản vì ông ta. Hình như có một người đã đi đến chỗ phải tự vận. Hơn nữa, Gaetano Stozzi vốn có tiếng là keo kiệt nghiêm khắc với các nhân viên của mình. Ngoài ra lại còn một lãnh vực nữa mà Gaetano Stozzi cũng có không thiếu gì địch thủ: tuy đã quá lục tuần, Stozzi vẫn còn cực kỳ bay bướm. Sống ly thân với người vợ cả từ hai mươi năm nay, Stozzi đã làm điên đảo, và đã gây ra nhiều giông bão cho các người đẹp trong giới thượng lưu thành Padoue. Vậy thì hung thư rất có thể là một người nhà buôn bị phá sản, một người nhân viên bị đuổi việc, một đức ông chồng bị cắm sừng chăng? Ôi, tha hồ mà lựa chọn.

Ít nhất cũng có một điều chắc chắn: đó là các biện pháp an ninh phòng vệ thành công một cách vững chắc. Tên giết người bí mật chưa dám làm gì, và chưa làm gì được Gaetano Stozzi. Hơn nữa, hắn cũng thôi không gửi thư nặc danh nữa. Hắn có vẻ như đã thấy rằng hắn yếu thế, và mặc dầu đã giết một mạng người, hắn vẫn đã thua cuộc. Hỡi ôi, đây chỉ là một cảm tưởng sai lầm một cách quá ư bi thảm.

Ngày 17 tháng 6, 1950. Chín giờ sáng. Cảnh Sát Trưởng Martino đang ngồi ở văn phòng bỗng nhận được một cú điện thoại: đó là Gaetano Stozzi.

- Nó lại quay trở lại, thưa ông Cảnh Sát Trưởng… Nó vừa mới gọi tôi. Khủng khiếp quá!

- Nó lại đe dọa ông?

- Không, trái lại hắn tỏ ra cực kỳ bực tức vì tôi được bảo vệ quá kỹ càng. Nhưng nó bảo tôi: "Đã vậy mỗi ngày tôi giết đại một người nào đó ở Padoue cho tới lúc ông chịu chi tiền".

Cảnh Sát Trưởng Martino tái mặt. Lần này không đùa được nữa: tên sát nhân là một sát thủ nguy hiểm, một tên cuồng sát nguy hiểm.

- Vậy bây giờ ông tính sao?

- Đành chịu chi chứ biết làm sao, tôi đâu còn sự lựa chọn, chả lẽ tôi ngồi yên nhìn mỗi ngày một người mất mạng vì tôi sao?

- Xin cảm ơn ông. Tôi cho phổ biến ngay trên đài truyền thanh truyền hình. Phải làm ngay để tránh một thảm họa khác có khả năng xảy ra…

Khổ thay, chắc là vì tên sát thủ điên ở thành Padoue không nghe đài truyền thanh, mà cũng chả xem truyền hình, nên một thảm họa khác đã xảy ra vào lúc mười một giờ sáng, ngay trước thánh đường Saint-Jean-Baptiste, nơi khu phố cổ. Nạn nhân là bà Carmella Viotti, một bà già 65 tuổi, có vẻ mặt khắc khổ, mặc một bộ đồ đen, và vừa bước ra khỏi ngôi thánh đường là nơi bà tới để giảng dạy giáo lý, phụ giúp vị cha xứ.

Một tiếng súng nổ chát chúa. Có tiếng người hét lên một cách hãi hùng, và có một bóng người nhanh chóng biến vào các con hẻm nhỏ bé khúc khuỷu của khu phố cổ. Carmella Viotti đứng sớ rớ, run như cầy sấy, ngay trước thánh đường. Do một phép lạ, bà được toàn mạng vì viên đạn đã bị bắn trượt vào một cây cột ở cách đó độ 5 thước.

Kiếm được viên đạn, Cảnh Sát Trưởng Martino đưa ngay cho phòng giảo nghiệm, và kết quả đúng như ông chờ đợi: viên đạn cũng cỡ 6.35 và được bắn ra bằng khẩu súng đã giết hại người bảo vệ già.

Việc trả tiền chuộc mạng được thực hiện ngay chiều ngày hôm đó. Theo đúng những lời chỉ dẫn, nhận được từ một cú điện thoại mới, Gaetano Stozzi phải mang một triệu đồng lires tới một ngã tư đường ở ngoại ô và đợi ở đó.

Đúng mười tám giờ, vị thương gia ngừng chiếc xe hơi có bộ phận chống đạn của ông ta ở đúng nơi quy định. Ông Cảnh Sát Trưởng Martino đã bố trí một lực lượng hùng hậu ở khắp chung quanh, một cách thật kín đáo, kỹ càng, khiến không ai có thể nghi ngờ gì được. Tất cả các ngả đường được kín đáo sửa soạn để có thể được chặn đứng bất cứ lúc nào. Nhiều toán cơ động được điều tới vì rất có thể tên hung thủ sẽ xuất hiện trên một xe moto.

Hai mươi hai giờ, rồi nửa đêm mà vẫn không có ai đến… Sáng sớm hôm sau Giuseppe Martino thu quân, và ông Stozzi thì về đi ngủ.

Ông Cảnh Sát Trưởng chưng hửng. Cho tới lúc này tất cả đều hợp lý, một sự hợp lý, tuy có phần nào không mấy thực tiễn, nhưng cũng vẫn là hợp lý. Nhưng sự thoái thác không dám đến của tên sát nhân lại rất ư là kỳ quặc. Tại sao hắn lại khổ công làm những chuyện hắn vừa làm? Tại sao hắn lại xuống tay hạ sát một người thương tật tội nghiệp, nếu không phải là để đạt được điều hắn muốn?

Sau một đêm dài thức trắng để suy nghĩ, một ý tưởng đã thoáng xuất hiện trong đầu Cảnh Sát Trưởng Martino. Một ý tưởng có vẻ mông lung, nhưng cũng có phần có lý… Phải chăng tất cả mọi chuyện vừa xảy ra chỉ là một CHUYỆN LỪA BỊP VĨ ĐẠI NHẰM ĐÁNH LẠC HƯỚNG? Phải chăng tất cả đều không đúng sự thực ngay từ phút đầu tiên?

Ông Cảnh Sát Trưởng tự vấn xem mình đã mở cuộc điều tra căn cứ trên những lời khai của Gaetano Stozzi như thế nào? Ông đã để hầu hết thời gian vào việc tìm kiếm những người xung quanh Gaetano Stozzi có thể thù hận và muốn trả thù ông ta. Ông chợt thấy rằng mình chưa hề nghĩ gì tới nhân thân nạn nhân, mà theo lời kể chỉ là một kẻ tình cờ bị hại.

VÀ, NẾU SỰ THẬT LẠI HOÀN TOÀN TRÁI NGƯỢC LẠI THÌ SAO? Nếu, vì một lý do nào đó còn cần phải tìm hiểu, CÓ KẺ MUỐN GIẾT NGƯỜI BẢO VỆ GIÀ MARCELLO ADORNO, VÀ MUỐN GIẾT CHÍNH ÔNG TA CHỨ KHÔNG PHẢI AI KHÁC THÌ SAO?... Tên sát nhân đã sửa soạn cho hành động gian ác của mình bằng cách gửi cả lô thơ nặc danh cho Stozzi, vờ đe dọa người này: biết rằng là một thương gia giàu có, ông này có thể có hàng tá kẻ địch để bị nghi ngờ ngay khi có chuyện gì xảy ra.

Vào thời điểm thích hợp, tên sát nhân, không những không điên chút nào mà còn quá mưu mẹo, sẽ thực hiện giai đoạn hai của kế hoạch của hắn: đó là gọi điện thoại cho nhà thương gia thông báo vụ giết người "tình cờ bạ ai giết nấy" của hắn.

Mục đích đích thực của hắn đã được thực hiện. Nhưng hắn còn cần phải tung hỏa mù, do đó hắn vờ tức giận vì Stozzi được bảo vệ quá kỹ càng, và thông báo hắn sẽ giết người nữa.

Tuy nhiên, dù là một tội phạm, tên này không có ý định bạ ai cũng giết như hắn đã nói để tung hỏa mù. Do đó, hắn đã cẩn thận không làm bà Carmella Viotti bị thương khi bắn trệch ra đến gần 5 thước.

Còn lại vấn đề tiền chuộc là vấn đề gai góc nhất. Tên sát nhân biết rõ là đi lấy tiền chuộc là điều nguy hiểm nhất mà hắn phải gặp, và vì vậy hắn đâu có muốn đi lấy một món tiền chuộc MÀ HẮN KHÔNG THỰC SỰ MUỐN. CŨNG CHÍNH VÌ VẬY MÀ HẮN ĐÃ KHÔNG TỚI ĐIỂM HẸN VÀ CẢNH SÁT TRƯỞNG MARTINO ĐÃ UỔNG CÔNG THỨC TRẮNG MỘT ĐÊM.

Thế là Cảnh Sát Trưởng Martino thực hiện ngay điều mà, lẽ ra, ông ta đã phải làm ngay từ đầu: ông ta hướng mũi điều tra về nhân thân Marcello Adorno, kẻ mà bề ngoài, không ai nghĩ rằng lại có thể có kẻ thù.

Người gác cổng nơi cái cư xá nghèo nàn mà người bảo vệ già ở, xác nhận là nạn nhân là một người quá hiền, quá tốt, và ai nấy đều quý mến ông ta, trừ một điều, phải trừ một điều:

- Chỉ khổ cái là cái thằng con ông ta, thằng Gianni, nó quậy ông ta quá và làm khổ ông ta hơi nhiều. Chính mồm ông cụ vẫn bảo rằng nó là một thằng mất dậy, vô dụng, và ông cụ cho biết đã đuổi cổ nó ra khỏi nhà. Đã nhiều năm nay hai cha con họ không đến gặp nhau.

- Thế cái tên Gianni đó cũng ở Padoue này à?

- Vâng, cũng ở gần đây thôi. Hôm sau ngày ông cụ mất, hắn có lại đòi tôi đưa chìa khóa căn nhà. Vì hắn là đứa con duy nhất, tôi đâu có lý do gì để từ chối không đưa. Hắn đã ở lại trong nhà đó suốt một ngày, và đã trả lại chìa khóa cho tôi, từ ấy đến giờ tôi không gặp lại hắn.

Quả nhiên Gianni Adorno ở không xa nhà người cha xấu số là mấy, hắn ở trong cùng một khu phố bình dân, cách nhà người cha vài con đường. Khi tới tìm gặp hắn, Cảnh Sát Trưởng Martino thấy hắn trạc 40 tuổi, giáng người nhỏ bé, với một cái nhìn lạnh lẽo rất khó chịu, và một giáng đi trông rất gai mắt.

Gianni Adorno rất lấy làm ngạc nhiên vì cuộc thăm viếng quá bất ngờ này. Hắn trả lời một cách rất dè dặt những câu hỏi đầu tiên của ông Cảnh Sát Trưởng, và cho biết hắn còn độc thân và hiện đang thất nghiệp. Thám tử Martino quyết định đánh phủ đầu khi đi thẳng vào vấn đề.

- Tại sao anh lại nỡ hạ sát cha anh? Dù anh không chịu khai ngay cũng không hề gì: tôi biết chắc chắn là chính anh đã giết ông ta. Cần phải mất bao nhiêu thì giờ để chứng minh điều đó tôi cũng sẵn sàng.

Gianni Adorno đã thú nhận sau một ngày bị thẩm vấn tại ty cảnh sát. Khi đến khám nhà, người ta tìm được 200 lạng vàng gói kín trong một vuông vải lớn… Những lạng vàng này là nguyên nhân của vụ án mạng.

- Phải, chính tôi đã giết ông cụ. Tôi đành phải làm vậy để lấy số vàng. Ông cụ chôn giấu số vàng này dưới sân nhà bếp. Ông cụ giữ khư khư như vậy, không bao giờ tính chuyện đem ra tiêu; giữ chỉ được cái thú là cảm thấy dưới chân mình có vàng. Trong khi đó tôi đói khổ muốn chết, nên có xin ông cụ cho tôi một vài lượng. Nhưng không ăn thua, ông cụ keo kiệt quá. Ông cụ còn bảo tôi: "Nếu tao thấy mất, thì chỉ có mày lấy, và ta sẽ không ngần ngại cho mày đi tù nếu mày dám lấy." Do đó, tôi không còn lựa chọn nào khác hơn là đành giết ông cụ.

- Và tất cả các vụ dàn cảnh bằng các thư nặc danh, và các cú điện thoại cũng là anh?

Vâng. Ông hiểu không, tôi là thân nhân duy nhất, có gì xảy ra các ông sẽ nghĩ tới tôi đầu tiên. Nhưng khi làm như tôi đã làm…

Phải, với việc hắn đã làm, chỉ còn một chút téo nữa là cảnh sát đã để lọt một tên sát nhân! Trong lúc các nhân viên dẫn Gianni Adorno đi, nhà thám tử hồi tưởng tới thi hài nạn nhân nằm chết dưới rặng hoa phong lan, tới người thương binh tội nghiệp của Đại Chiến Thứ Nhất mà ông đã nhầm tưởng là một người nghèo khổ, thanh bạch, không đáng kể. Trên đời này chẳng ai là không đáng kể, mọi người đều đáng kể theo cách riêng của mình.

Vũ Anh Tuấn (dịch một chuyện của nước ngoài)
Bài đã đăng
Truyện vui thời @
Thư chúc tết năm Nhâm Thìn
CẦN PHẢI HY SINH CON BÀI ĐẦM *
Truyện 34: Mái ấm tìm về
Truyện 33: Những bước chân của tử thần
Truyện 32: Một cuộc săn người
Truyện 31: Nhà điêu khắc kinh hoàng
Truyện 30: Chúa trời, Anh và Em
Truyện 29: ĐỀN TỘI ĐỀN TÌNH
Truyện 28: Tiền tài, Vận may và Hạnh phúc
Truyện 27: Viên ngọc bích thành Ramapour
Truyện 26: Tình oải
Truyện 25: Xưng tội lần chót
Truyện 24: Tình thù
Truyện 23: Tham vọng tội lỗi
Truyện 22: Lưỡi gươm đẫm máu
Truyện 21: Ngày tận thế
Truyện 20: Lộng giả thành chân
Truyện 19: Lòng lang dạ thú
Truyện 18: Giây phút kinh hoàng
Hai bài thơ về tranh Bùi Xuân Phái
Em có biết
Cái chết vui vẻ
Truyện dịch 16: Chơi gác tử thần
Truyện dịch 15: Vụ án ông già Noël
Truyện dịch 14: Hồn ma chạm súng
Truyện dịch 13: Một cái chết đúng lúc
Truyện dịch 12: Đường về thánh địa
Truyện dịch 11: Onathbabou, người hay ma?
Truyện dịch 10: Mưu thần chước quỷ
Truyện dịch 9: Một giải Oscar cho tội ác
Truyện dịch 8: Nỗi sợ khôn tả
Truyện dịch 7: Nét chữ tên sát nhân
Truyện dịch 6: Cái chết được đoán trước
Truyện dịch 5: Kẻ cắp gặp bà già
Truyện dịch 4: Sai một ly đi một dặm
Truyện dịch 3: Hai chiếc nhẫn đầu rồng
Truyện dịch 2: Chiếc bình đời Minh
Truyện 1: Hảo mộng (tiếng Việt - Anh)
 
Netadong.com thiết kế