Hiện có 4 người xem / 2533033 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        
 
Truyện 27: Viên ngọc bích thành Ramapour

Cuộc triển lãm quả đã là một thành công không thể chối cãi. Mỗi ngày có tới hàng nghìn lượt người tới xem. Họ chen lấn nhau ở trước cửa Viện Bảo Tàng để được xem thấy tận mắt sưu tập đồ trang sức tuyệt vời của các thế hệ quốc vương Ấn Độ mà họ có dịp được xem nhờ ở những thỏa ước văn hóa mới được ký kết gần đây giữa Pháp và Ấn Độ. Thấm đượm một vẻ huyền bí trang trọng, các đồ vật được trưng bày gồm hàng trăm nhẫn vàng, vòng đeo tay, vòng đeo cổ, chạm trổ thật thanh tú, tinh tế, nhất là những vương miện, những con dao găm bằng vàng khối có cán làm bằng ngà ngọc, có nạm kim cương. Nhưng tất cả những thứ đó cũng vẫn không thể so sánh được với ngôi sao sáng của cuộc triển lãm là viên ngọc bích thành Ramapour mà tất cả mọi báo chí đều đề cập tới, vì nó được coi là một trong những viên ngọc cổ và đắt giá nhất thế giới, và người đời còn biết đến nó nhiều hơn vì quá khứ hãi hùng, đầy tội ác và đẫm máu của nó. Thật vậy, từ khi nó được tìm thấy ở miền Đông-Nam Rajasthan hơn hai ngàn năm trước, viên đá màu xanh trong vắt này đã chỉ rải rắc trên đường đi của nó những hận thù, bạo lực và chết chóc. Ngày hôm nay viên ngọc bích đang nằm hiền hòa trên một nền nhung đỏ để mọi người được chiêm ngưỡng cho mãn nhãn.

- Thưa xếp, theo như nói ở đây thì cái vòng đeo tay này nặng gần ba trăm gờ-ram vàng khối! Mấy bà bồ của các ông quốc vương Ấn Độ chắc phải “đô con” lắm mới đeo được vòng nặng như vậy!

Ông cảnh sát trưởng Legof ngao ngán nhìn lên trời và nói:

- Thôi, Dumas ơi, sì-tốp đi, đừng nói thêm gì nữa về cái catalô này nữa. Bộ cậu muốn học thuộc lòng nó hả?

- Xin ông đừng nổi nóng, chưa có ai dám đánh cắp viên ngọc mà, viên thám tử vừa trả lời vừa lấy tay xoa xoa trên cái cà vạt màu xanh lá cây của anh. Nếu tôi là kẻ cắp và nếu lấy được, tôi sẽ làm cái kẹp đeo nó ngay trên cái cà vạt này, màu xanh trên màu xanh chắc sẽ đẹp lắm…

Legof châm điếu thuốc lá thứ hai mươi của ông trong buổi sáng hôm nay.

- Vẫn chưa có tin gì về hai lá thơ à? Brisson chưa gọi về à?

- Thưa, trên đường đi đến đây tôi có ghé qua phòng thí nghiệm: giấy viết và phong bì là thứ thường dùng, không tẩm nước hoa, không có hình in bông, người viết đã mua một miếng to rồi cắt nhỏ ra. Và tuyệt đối không có vết tay, còn các chữ thì được viết bằng một cái khuôn chữ khoét, thế là các nhà chiết tự cũng chịu thua luôn! Brisson đang phân tích mực dùng để viết, nhưng chắc cũng chẳng đi đến đâu.

Ông cảnh sát trưởng ngồi bật ngửa người, làm cái lưng ghế kêu cót két.

- Còn về cái tên kỳ lạ Ghor?

- Cũng không biết được gì nhiều, theo tự điển bách khoa thì đó là tên một hoàng tộc trị vì ở Ấn Độ trong thời Trung Cổ.

- Còn ở chỗ Plancher và Drouin thì sao?

- Thưa, không có gì mới lạ. Tất cả đều bình thường ở Bảo tàng, chỉ có số người đến xem mỗi ngày mỗi đông hơn. Xin xếp cho tôi được nói thật, xếp quả đã chú ý tới hai lá thơ nặc danh đó. Hay là xếp tin ở những tai họa mà viên ngọc bích thành Ramapour có thể mang lại? Theo tôi, tên Ghor chỉ là một tên cà chớn nào đó muốn giỡn mặt ta mà thôi.

Cảnh sát trưởng Legof thở dài.

- Tôi cũng muốn có thể lạc quan được như anh, anh bạn ạ. Nhưng tôi sẽ chỉ yên tâm hơn sau hai ngày nữa, khi cái cuộc triển lãm chết tiệt này kết thúc. Bạn có nghĩ tới trị giá khủng khiếp của những đồ đang trưng bày không? Rồi còn những rắc rối về ngoại giao, nếu nói dại có chuyện gì xẩy ra…

- Xin xếp đừng lo ngại, chúng ta sẽ không để chuyện gì xẩy ra được. Bảo tàng được trang bị những máy móc điện tử tối tân nhất chống trộm cắp; nhân viên bảo vệ được chọn lọc rất kỹ càng, họ đi tuần cả ban đêm, đấy là không kể mình còn gài Plancher và Drouin ở đó từ tám hôm nay… Theo tôi, đến Arsène Lupin tái sinh cũng chả dám trêu vào…

***

Sau khi người khách tham quan cuối cùng ra về, Adrien, người trưởng ban Bảo vệ thở phào nhẹ nhõm, bỏ mũ lau mồ hôi trán và nói với thám tử Drouin vừa đi tới:

- Rồi! Thế là hết một ngày nữa!

Người mới tới nở một nụ cười thoải mái. Anh lấy tay vỗ mạnh vào lưng người trưởng ban Bảo vệ:

- Vâng, đúng vậy, ông bạn! Chúng ta đang bị cấm cung trong ngôi đền Nghìn Lẻ Một Đêm này còn an toàn hơn là ở trong két sắt của Pháp Quốc Ngân Hàng nữa. Anh có thể thay tôi gọi điện cho lão để cho lão yên tâm: hãy bảo lão là mọi sự ổn cả và chưa có kẻ nào bê hòn ngọc bích của lão đi mất đâu.

Adrien không khỏi mỉm cười ngạc nhiên.

- Anh gọi xếp của anh, ông cảnh sát trưởng Legof là lão à? Ông ấy chỉ kém tôi độ hai ba tuổi thôi, giới trẻ các anh bây giờ nói năng chả còn biết nể nang gì ai. Thôi, được rồi, anh xuống trước đi để tôi đi ra lệnh cho nhân viên của tôi đi tuần, rồi sẽ xuống chơi bài với các anh. Đánh bài bây giờ là thú vui duy nhất còn lại của lão già này!

Tiếng cười của hai người vang lên trong căn phòng có cái trần được chạm trổ cực kỳ đẹp…

***

Thám tử Dumas lái xe rất nhanh qua các đường phố vắng vẻ vì đã rất khuya. Anh nhìn thẳng về phía trước, cố né tránh ánh mắt giận dữ của cảnh sát trưởng Legof đang ngồi cạnh anh.

- “Xin ông đừng có lo! Mọi sự ổn cả! Arsène Lupin cũng chả dám giở trò!” Hay vậy đó! Lại còn chưa kể hai đứa kia nằm ngay ở đó mấy ngày hôm nay nữa!

- Thưa xếp, theo Drouin nói thì đã không có vụ trộm nào xẩy ra, cửa ngõ còn y nguyên… Dumas cố biện bạch.

Legof quăng mẩu thuốc lá qua cửa xe.

- Phải, không mất gì nhưng có người bị giết, sướng không!

- Tôi không có ý muốn nói vậy, nhưng…

- Nạn nhân là ai? Ông cảnh sát trưởng chặn đứng câu nói và hỏi.

- Một người tên là Adrien Blain, trưởng phòng Bảo vệ ở Bảo tàng, Plancher đã tìm thấy anh ta nằm chết ngay trước căn phòng mà… mà…

- Mà viên ngọc bích được trưng bày phải không?

- Thưa xếp đúng vậy, nhưng mà từ sự việc này mà kết luận là…

- Cảm ơn Dumas, anh có thể giữ những kết luận của anh cho anh. Tôi chỉ muốn đơn giản nhắc cho anh biết rằng vụ này sẽ tổn hai rất nhiều cho danh tiếng của cơ quan chúng ta, chưa kể những hậu quả sẽ xảy đến nữa…

Ông cảnh sát trưởng vẫn chưa hết giận khi bước vào căn phòng của nhân viên bảo vệ, nơi mà Drouin và Plancher đang bồn chồn chờ đợi. Vừa thấy mặt hai người, ông mắng sa sả:

- Hai người làm ăn hay quá, tôi không biết nên cảm ơn người nào trước đây! Rồi, nói đi! Tôi chờ nghe những lời giải thích của mấy người đây!

Thám tử Plancher, sau khi ném về phía Dumas một cái nhìn đầy thất vọng, bắt đầu khai:

- Thật không thể nào hiểu nổi thưa xếp, chúng tôi đang…

- Mang danh thám tử mà lại dám há mồm nói rằng thật không thể hiểu nổi!

- Dạ, ý tôi nói là câu chuyện thật khó giải thích: Adrien Blain có ở đây với chúng tôi. Vào lúc hai giờ đêm anh ta bảo là anh ta đi tuần. Nhân viên bảo vệ ở đây thường xuyên đi tuần và kiểm soát hệ thống báo động điện tử. Mỗi khi có gì bất thường ở phòng nào, con số của phòng đó sẽ chớp ngay lên ở tổng đài này và các nhân viên biết ngay để ập đến.

Ông cảnh sát trưởng liếc nhìn cái tổng đài điện tử to đùng nằm choán một phần tường của phòng bảo vệ.

- Vậy có sự báo động nào không?

- Không ạ, không hề có báo động. Nhưng sau khi chờ quá lâu không thấy Adrien về nên tôi mới đi tìm.

Legof sau vài giây trầm ngâm suy nghĩ bỗng sôi nổi ra lệnh.

- Rồi, Drouin, anh lập tức cho tập hợp tất cả nhân viên bảo vệ ở đây. Trong khi đó Plancher sẽ đưa tôi đi coi xác nạn nhân. Dumas, hãy báo ngay cho phòng thí nghiệm biết, và bảo Brisson huy động toàn bộ nhân viên lại đây: tôi muốn bảo tàng phải được khám xét thật kỹ càng, không để sót một nơi nào cả. Cũng đừng quên gọi Legrand, tôi muốn anh ta chụp hình tất cả các phòng và các món đồ trưng bày. Hãy kiểm soát kỹ mọi lối ra vào, không được cho ai ra vào mà không có thỏa thuận của tôi. Rồi, làm đi!

***

Trong lúc hai người bước vào hành lang cẩm thạch dài thăm thẳm thì ông Durieux, người quản thủ bảo tàng xuất hiện. Dáng người cao lớn, mớ tóc bạc trắng bồng bềnh, áo sơ-mi để ngoài quần, ông ta lộ vẻ cực kỳ hoảng sợ. Nhận ra ông cảnh sát trưởng, ông quản thủ nhào đến túm lấy ông ta.

- Ồ, ông cảnh sát trưởng, rất may là ông đã tới. Ông thấy không, thực là khủng khiếp! Làm sao lại có thể như thế được nhỉ? Một vụ án mạng xẩy ra ở bảo tàng của tôi! Tội nghiệp Adrien, chỉ còn hai năm nữa là cậu ấy nghỉ hưu rồi. Tại sao vậy thưa ông cảnh sát trưởng? Nhân viên của ông cho tôi biết là không mất gì cả, chỉ có Adrien bị giết thôi, ông nghĩ sao thưa ông?

Legof cố gắng trấn an người đối thoại:

- Xin ông hãy bình tĩnh lại. Tôi vừa mới tới, cuộc điều tra mới bắt đầu.

- Vậy mà quý ông đã đảm bảo với chúng tôi là sẽ được bảo vệ một cách toàn diện, với giá trị ghê gớm của những đồ vật được trưng bày, tôi sợ rằng…

- Xin hãy để tôi làm phận sự của tôi. Ông Adrien, người bị giết, thuộc thành phần như thế nào?

- Adrien hả? Đó là một nhân viên kiểu mẫu, đã làm việc ở đây trước cả khi tôi đến. Chưa hề bao giờ có chuyện gì rắc rối xẩy đến với ông ta, một người bình thường.

- Có gia đình rồi à?

- Góa vợ từ mười lăm năm nay.

- Có con cái gì không?

- Hình như có một cô con gái lấy một người Anh hay một người Mỹ. Ông ta không kể chuyện cô con gái này với tôi bao giờ.

- Ông ta có xích mích gì với các đồng nghiệp không?

- Không, họ làm việc với nhau rất vui vẻ, vả lại, ai làm việc người nấy, không hề có sự va chạm.

- Tôi hiểu, cảm ơn ông Durieux, tôi sẽ gặp lại ông sau.

- Vâng, nhưng xin ông cảnh sát trưởng làm cách nào để chúng tôi có thể mở cửa và đúng chín giờ sáng như thường lệ, nếu không, báo chí sẽ nhào tới thì sẽ rắc rối lắm…

Adrien nằm sóng soài, mặt úp xuống đất. Máu từ vết thương ở gáy nhuộm đỏ bộ đồng phục của người bất hạnh.

Thám tử Plancher nhăn nhó nói:

- Thưa xếp, tôi không hề đụng chạm gì tới xác chết. Nạn nhân chắc chết tức tưởi vì hung thủ đã ra tay rất mạnh.

Ông cảnh sát trưởng quỳ xuống bên cạnh xác chết.

- Có tìm thấy vật gì ở dưới đất không?

- Tuyệt đối không thấy gì cả, tôi không hiểu hung thủ đã dùng vật gì để đánh.

- Bác sĩ pháp y sẽ cho ta biết… Này, cái gì đây?

Legof đẩy nhẹ cánh tay của người chết, để lộ ra cái túi áo ở trong có một cái phong bì màu trắng.

- Ồ, lạ quá! Ông cảnh sát trưởng thốt lên khi thấy tên mình nằm ở trên phong bì.

- Xin xếp cẩn thận đừng để mất các vết dấu tay.

- Không sao! Hai thơ trước không có vết dấu tay thì thơ này chẳng có lý do gì lại có dấu tay…

***

Sau khi mở phong bì một cách thận trọng, cảnh sát trưởng Legof nhăn mặt đọc lớn mất hàng chữ được viết bằng khuôn chữ khoét: “Thưa ông Legof, như tôi đã thông báo với ông trong hai thơ trước, bây giờ viên ngọc bích thành Ramapour đã hoàn toàn thuộc về tôi, chủ nhân duy nhất của nó. Cảm ơn, Ghor.”

Từ phía hành lang, thám tử Dumas hớt hải chạy tới.

- A! Ông đây rồi, thưa xếp. Brisson và Legrand cũng vừa tới và đã bắt tay vào việc.

Rồi chỉ tay về phía xác nạn nhân.

- Đây là ông Adrien Blain?

- Đúng, và ông Blain có mang trên người một lá thơ cho tôi.

Viên thám tử đọc lướt qua mấy hàng chữ.

- Nhưng viên ngọc bích vẫn còn ở nguyên tại chỗ cơ mà?

- Đúng vậy. Có một cái gì không ổn: hoặc là Blain sắp sửa lấy viên ngọc, hay là có một tên nào khác đã nhào tới…

- Ông có nghĩ rằng Adrien và kẻ viết thơ ký tên là Ghor chỉ là một? Nếu là vậy thì tại sao…

- Tại sao hắn lại tự sát bằng cách tự đánh vào gáy mình? Điều này quá vô lý. Trừ phi… Ừ, mà rất có thể là như vậy. Hãy gọi ngay Brisson và đi mời ông quản thủ tới, tôi muốn kiểm tra một điểm.

Những ngọn đèn chiếu cực mạnh soi sáng cái tủ kính ở bên cạnh có một người to lớn, tóc hung, đang bận rộn xem xét: đó là ông trưởng phòng thí nghiệm của Sở Cảnh sát Hình sự.

- Không có dấu vết gì, thưa ông cảnh sát trưởng. Không có dấu hiệu có kẻ muốn đục khóa. Bộ phận báo động cũng không bị đụng tới.

- Legof dùng tay đập nhẹ vào tủ kính, đôi mắt lim dim mơ màng. Ở con người này, đây là dấu hiệu ông ta đang suy nghĩ rất dữ dằn.

- Cảm ơn Brisson, anh có thể tiếp tục tìm kiếm, sau đó hãy xem xét lá thơ thứ ba. Thưa ông Durieux, ông là quản thủ và là một chuyên gia về đá quý, ông có thể xác định hộ tôi là viên ngọc đang nằm đây có đích thực là viên ngọc bích thành Ramapour không?

Ông quản thủ tỏ vẻ hết sức ngạc nhiên.

- Nếu không phải thì ông cho nó là cái gì?

Vâng lệnh Legof, Dumas lấy viên ngọc ra khỏi nền nhung, giơ cao lên khỏi đầu, ngắm nó dưới ánh đèn chói chang.

- Thiên hạ đã giết nhau vì một viên thủy tinh màu như thế này đây!

Hắn cho viên ngọc nhảy nhảy trong lòng bàn tay trước khi đưa nó cho ông quản thủ Durieux. Ông này rút từ trong túi quần ra một khăn tay và gói viên ngọc một cách thận trọng.

- Này anh bạn trẻ, hãy cẩn thận một tí, viên ngọc này tượng trưng cho hai ngàn năm lịch sử đấy nhé. Mời quý ông vào văn phòng tôi để tôi có thể xem xét viên ngọc vô giá này dễ dàng hơn.

Paul Durieux vừa để rớt chiếc kính lúp khỏi tay. Ông ngây người nhìn viên ngọc đang nằm trên tấm lót tay bằng da ở trên bàn.

- Không thể như thế được! Không thể tưởng tượng được! Thật khó tin!

- Nó là đồ dổm phải không, tôi biết ngay mà, Legof nói rồi cầm viên ngọc, lúc này đã là một thứ đồ bỏ, quăng cho viên phụ tá của mình.

- Làm giả khéo quá phải không xếp? Sành như tôi mà cũng không nhận ra được.

Ông quản thủ như chợt thức tỉnh, xác định thêm:

- Chắc chắn là một viên ngọc nhân tạo, bây giờ tôi biết ăn nói làm sao với ông Đại Sứ và ông Bộ Trưởng hở ông cảnh sát trưởng? Tôi xin được nhắc ông là chúng ta sẽ phải mở cửa trong độ khoảng sáu tiếng đồng hồ nữa, và rồi còn buổi dạ hội bế mạc triển lãm…

- Tôi biết, tôi biết, ông không cần phải nói nữa. Hoàn cảnh của tôi còn tệ hơn là của ông nữa, ông biết không? Legof hét lên và đi ra.

***

Dáng điệu trầm ngâm, ông cảnh sát trưởng vừa đi bách bộ vừa suy nghĩ ngoài hành lang trước cửa văn phòng. Viên phụ tá tới tìm ông ta, vẻ mặt buồn bã.

- Vẫn chưa tìm được gì cả, thưa xếp. Plancher và Drouin đã thẩm vấn những nhân viên bảo vệ trong gần hai giờ đồng hồ. Tất cả chả ai biết gì cả. Họ cho rằng chả có ai có lý do gì để giết Adrien cả.

- Vậy mà anh ta vẫn bị giết! Có thể là anh ta đã bất chợt trông thấy hoặc nghe thấy một điều gì. Điều làm tôi thắc mắc là cái thơ.

- Cái thơ?

- Đúng, tên sát nhân đâu có cần gì phải viết thơ cho tôi. Nó chỉ cần lấy được viên ngọc rồi biến luôn là đủ.

- Có thể là như vậy, nhưng tại sao lại giết người trưởng phòng Bảo vệ?

- Chỗ này mới là chỗ khó hiểu đây: tại sao cần giết Blain khi viên ngọc đã bị đáng cắp và thay thế bởi một viên dổm?

- Có lẽ vụ án mạng không liên quan tới vụ đánh cắp; có thể ai đó thù oán gì Adrien và…

- Và còn lá thơ thứ ba trong túi áo xác chết thì anh tính sao?

Ngượng ngùng, thám tử Dumas giữ im lặng trong giây lát rồi hỏi:

- Mình có thể biết chắc rằng viên ngọc được trưng bày là viên ngọc thật ngay từ lúc đầu không?

Legof nhún đôi vai lực lưỡng.

- Nói như anh thì có khác gì bảo chính phủ Ấn Độ chơi trò lừa bịp không? Không thể nghi ngờ được. Vả lại, các đồ trưng bày đã được nhiều chuyên gia thẩm định từ trước.

- Tuy nhiên lại không có dấu hiệu có kẻ trộm đột nhập, Brisson xác định.

- Tôi biết, tôi biết, và chúng ta đang đi lòng vòng không tìm được lối thoát, Legof vừa nói vừa dùng nắm tay trái đập đập vào trán.

- Thưa xếp, kẻ trộm hay kẻ sát nhân chắc chắn hãy còn ở trong bốn bức tường này, bởi vì ngoài chúng ta ra thì nội bất xuất, ngoại bất nhập, do đó, nếu mình thẩm tra thật kỹ và mạnh mẽ những người có mặt thì có hy vọng tìm ra thủ phạm, xếp nghĩ có được không ạ?

- Khó lắm, không có chứng cứ hiển nhiên, khó mà làm cho thủ phạm nhận tội. Phần tôi, tôi vẫn tin chắc là yếu tố chính để khám phá bí mật này vẫn là mấy lá thơ nặc danh chó chết đó.

- Chính tai tôi vẫn nghe xếp nói là không nên chú tâm nhiều tới thơ nặc danh, vì trong mọi vụ mình nhận được cả đống loại thơ đó, mà có lá nào mang lại kết quả gì đâu…

- Phải, phải, tôi biết anh bạn ạ, nhưng trong vụ này có một sự khác biệt: như anh biết, chúng ta đã nhận được hai lá thơ nặc danh trước lúc sự việc xảy đến.

- Trước hay sau, tôi không thấy có gì đáng nói…

- Nhưng đó là những lá thơ đã dẫn dắt chúng ta vào vụ này…

Legof bỗng giật nảy mình như bị điện giật.

- Trời đất ơi, lẹ lên Dumas! Chúng ta nắm được thủ phạm rồi! Hãy tìm Brisson ngay, tôi cần hắn. Chúng ta sẽ làm như vầy, như vầy…

Đứng giữa gần hai chục người đang tụ họp lại ở phòng bảo vệ, cảnh sát trưởng Legof, hai tay để sau lưng, ưỡn ngực, đưa mắt nhìn tất cả mọi người rồi dõng dạc nói:

- Thưa quý ông, tôi xin thông báo là tất cả quý vị sẽ có thể trở lại làm việc bình thường. Cuộc triển lãm sẽ lại mở cửa trong ba giờ nữa như thường lệ.

Tất cả các nhân viên bảo vệ trợn mắt nhìn ông cảnh sát trưởng, họ đã không dấu nổi vẻ ngạc nhiên. Chính ông quản thủ Durieux đã thay họ lên tiếng hỏi:

- Nhưng đâu có thể được, thưa ông cảnh sát trưởng! Muốn được vậy ông cần phải tìm lại được viên ngọc bích và bắt được kẻ sát nhân trước đã!

- Tôi đã làm được hầu như hoàn toàn các việc đó rồi, ông cảnh sát trưởng trả lời bằng một giọng nói đầy vẻ thích thú. Tôi đã biết kẻ ăn trộm và tên sát nhân là ai, vì cả hai thật ra chỉ là cùng một người.

Có tiếng rì rầm nổi lên trong cử tọa. Mọi người im lặng, chỉ có ông quản thủ lên tiếng:

- Thật khó mà tin được! Vậy kẻ đó là ai thưa ông?

- ĐƯƠNG NHIÊN LÀ ÔNG CHỨ CÒN AI VÀO ĐÂY NỮA, THƯA ÔNG DURIEUX! Legof vừa trả lời bằng giọng nói gay gắt, vừa lấy tay chỉ thẳng vào mặt ông quản thủ.

- Sao! Ông hoàn toàn điên rồi! Ông quản thủ vừa hét lên vừa xông về phía ông cảnh sát trưởng.

Cánh tay hộ pháp của thám tử Plancher chận đứng ông quản thủ và hất mạnh ông ta ngược trở lại một cách không khoan nhượng.

- Tốt hơn là ông nên đứng yên tại chỗ, ông cảnh sát trưởng chưa nói hết mà.

- Cám ơn Plancher! Thưa ông quản thủ thân mến, tôi đã nói rằng ông là kẻ sát nhân đã giết người trưởng phòng bảo vệ của ông, đồng thời cũng là tên trộm đã lấy viên ngọc bích thành Ramapour. Tuy nhiên, tôi thấy cần phải khen ông đã có một dàn cảnh tuyệt diệu.

- Chắc chắn là ông đã mất trí, Durieux chống chế một cách yếu ớt.

Không thèm đếm xỉa tới câu nói của ông quản thủ, ônh cảnh sát trưởng hào hứng nói tiếp:

- Để tôi kể lại vắn tắt kế hoạch của ông. Trước nhất, ông đã gửi lại văn phòng tôi hai lá thư nặc danh, mục đích để gieo rắc vào đầu óc tôi ý niệm là viên ngọc bích sẽ bị đánh cắp. Cái tên ông ký đại là Ghor và tiếng tăm xui xẻo của viên ngọc làm gia tăng niềm tin về sự việc ở trong đầu óc tôi. Vì muốn đề phòng, tôi đã phái hai thám tử tới canh phòng cả ngày lẫn đêm ở bảo tàng. Trong gần suốt một tuần lễ chẳng có điều gì đáng nói xảy ra. Việc canh phòng hơi chùng xuống một chút, và vào lúc đó, ông thực hiện phần hai của kế hoạch: ông đã giết Adrien Blain và bỏ vào túi áo người chết lá thơ nặc danh thứ ba, được dùng để đánh lạc hướng và làm cho chúng tôi tin rằng viên ngọc ĐÃ BỊ ĐÁNH CẮP và, hành động một cách khờ khạo, CHÍNH TÔI ĐÃ TẬN TAY ĐƯA CHO ÔNG VIÊN NGỌC THẬT ĐỂ NHỜ THẨM ĐỊNH. Sau đó, ông dễ dàng chơi tiếp trò bịp bợm của ông: Ông đã đánh tráo hai viên ngọc ngay trước mắt tôi, rồi kế đó, ông nhào vào cũng kêu la than vãn với chúng tôi.

Trước sự câm lặng của ông quản thủ, Dumas cảm thấy cần nói thêm:

- … Thế ra vụ giết Adrien chỉ nhằm làm cho mọi người tưởng là anh ta đã bất ngờ bắt gặp tên trộm, nên bị hắn đập chết.

Và rồi người bắn phát súng ân huệ chính là Brisson vừa nhào vô căn phòng, theo đúng bài bản của cảnh sát trưởng Legof.

- Thưa xếp, ông đã nói rất đúng. Trong lúc khám xét văn phòng, chúng tôi đã tìm thấy hung khí, một cái gạt tàn bằng đá trắng to đùng dấu ở đằng sau bộ ghế bành, nhưng còn thứ này hay hơn nữa, xin ông hãy nhìn xem!

Ông trưởng phòng thí nghiệm của sở cảnh sát hình sự đưa cho cấp trên của mình một tờ giấy màu hồng.

- Đây là một tờ giấy thấm mà chúng tôi lượm được ở sát chân tường đằng sau ghế xôpha, trên tờ giấy này ông có thể đọc thấy tên ông bị thấm ngược và mấy chữ “ngọc bích” và “Ghor”. Nếu ông Durieux vui lòng cho mượn bút máy, chúng tôi sẽ không gặp khó khăn gì khi so sánh hai thứ mực…

Đến lượt ông cảnh sát trưởng Legof tiến lại bên cạnh Paul Durieux.

- Việc đó không cần thiết nữa, phải không ông quản thủ? Thế là đã quá đủ, phải không ông?...

Một cơn mưa bóng mây làm ướt áo hàng người đang đứng chờ ở trước cửa bảo tàng. Legof và Dumas chậm rãi tiến về phía chiếc xe hơi của họ để tận hưởng không khí mát mẻ sau một đêm bận rộn, hồi hộp, căng thẳng.

- Tài thật xếp ạ, mình đã sử dụng một chứng cứ dổm!

- Đâu có sao anh bạn! Đúng là tôi đã cho bịa ra chuyện miếng giấy thấm, nhưng thủ phạm cũng đã đưa ra viên ngọc giả; vỏ quýt dầy, móng tay nhọn, có ngọc giả thì cũng có chứng cứ giả, thế là một đều! Vả lại hắn đã thú nhận tội lỗi, và đây mới là điều quan trọng, phải không?

Ông cảnh sát trưởng bỗng nắm tay người phụ tá của mình và nói:

- Này giữ lấy để mà làm cái kẹp cà vạt.

- Cảm ơn xếp, tôi sẽ tha hồ khoe với các bạn đồng nghiệp viên đá này, Dumas vừa mỉm cười vừa giơ bản sao viên ngọc bích thành Ramapour ra trước ánh mắt sững sờ của những người đang đứng đợi…

VŨ ANH TUẤN và ĐẶNG MINH QUYÊN

dịch theo truyện của JOELLE REMOULINS

Bài đã đăng
Truyện vui thời @
Thư chúc tết năm Nhâm Thìn
CẦN PHẢI HY SINH CON BÀI ĐẦM *
Truyện 34: Mái ấm tìm về
Truyện 33: Những bước chân của tử thần
Truyện 32: Một cuộc săn người
Truyện 31: Nhà điêu khắc kinh hoàng
Truyện 30: Chúa trời, Anh và Em
Truyện 29: ĐỀN TỘI ĐỀN TÌNH
Truyện 28: Tiền tài, Vận may và Hạnh phúc
Truyện 26: Tình oải
Truyện 25: Xưng tội lần chót
Truyện 24: Tình thù
Truyện 23: Tham vọng tội lỗi
Truyện 22: Lưỡi gươm đẫm máu
Truyện 21: Ngày tận thế
Truyện 20: Lộng giả thành chân
Truyện 19: Lòng lang dạ thú
Truyện 18: Giây phút kinh hoàng
Truyện 17: Vụ án ông già bảo vệ
Hai bài thơ về tranh Bùi Xuân Phái
Em có biết
Cái chết vui vẻ
Truyện dịch 16: Chơi gác tử thần
Truyện dịch 15: Vụ án ông già Noël
Truyện dịch 14: Hồn ma chạm súng
Truyện dịch 13: Một cái chết đúng lúc
Truyện dịch 12: Đường về thánh địa
Truyện dịch 11: Onathbabou, người hay ma?
Truyện dịch 10: Mưu thần chước quỷ
Truyện dịch 9: Một giải Oscar cho tội ác
Truyện dịch 8: Nỗi sợ khôn tả
Truyện dịch 7: Nét chữ tên sát nhân
Truyện dịch 6: Cái chết được đoán trước
Truyện dịch 5: Kẻ cắp gặp bà già
Truyện dịch 4: Sai một ly đi một dặm
Truyện dịch 3: Hai chiếc nhẫn đầu rồng
Truyện dịch 2: Chiếc bình đời Minh
Truyện 1: Hảo mộng (tiếng Việt - Anh)
 
Netadong.com thiết kế