Hiện có 15 người xem / 2309709 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        
 
Truyện 29: ĐỀN TỘI ĐỀN TÌNH
 Trước ngày nhập ngũ, Mac Mill là một chàng trai Mỹ cao lớn, khỏe mạnh, đẹp trai, với mớ tóc vàng óng. Chàng ôm mộng trở thành một chuyên gia về hóa chất. Sau khi đã phải nhập ngũ, vào sáng ngày 20 tháng Chạp năm 1943, khi nhận được lệnh hành quân về phía ngôi làng San Pietro nhỏ bé, chàng nhận thấy rằng tất cả mọi mộng mơ đều biến mất, nhường cho chiến tranh.

Giờ thì Mac Mill đang lội bộ với toán tuần tiễu 5 người của chàng trong một khu đất trũng đầy tuyết phủ. Trước mắt họ là ngôi làng nhỏ với những căn nhà đổ vỡ, hoang tàn, chất chứa đầy bất trắc.

Một trong bọn đồng đội của Mac Mill có mang một máy bộ đàm, và trong khung cảnh êm ắng của bình minh, máy bộ đàm bỗng phát ra lệnh báo động ầm ỹ, và ngay sau đó, một họng súng liên thanh, được đặt ở đâu đó trong những ngôi nhà cổ ở San Pietro, bỗng dồn dập nhả đạn về phía toán người.

Bị kẹt bất ngờ dưới làn đạn, trên một khu đất trống, Mac Mill và 4 đồng đội phải chạy theo hình chữ chi về phía một trang trại nằm đơn độc ở phía trước, trong lúc đạn bay vù vù xung quanh họ.

Bất thần, một trong bọn họ, người mập nhất bị trúng đạn, vấp ngã, và gục xuống. Một người khác bỗng nhiên hai chân như bị dính làm một, lảo đảo, rồi cũng ngã vật xuống. Còn phải vượt qua khoảng ba trăm mét nữa. Một đồng đội của Mac Mill, người nhỏ thó, chạy ở trước mặt chàng, nhưng rồi chàng đành phải bước qua xác anh ta, vì anh ta cũng vừa bị trúng đạn và ngã vật ra. Người đồng đội cuối cùng, quá kiệt sức, tính nằm sát xuống đất, nhưng khi còn đứng thì anh ta còn sống, lúc nằm xuống thì đã là một cái xác không hồn.

Mac Mill là người sống sót duy nhất chạy được tới trang trại, và phía trước là một căn nhà có một cái cửa gỗ. Chàng tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu chàng đứng lại để mở cửa; và chàng đành phải coi như là không có cửa, để lao thẳng thân hình bồ tượng của chàng vào cánh cửa khiến cho nó sập xuống. Bị choáng váng muốn xỉu, Mac Mill ngã thẳng vào bóng tối. Đạn tiếp tục bay vù vù trên đầu chàng.

Mac Mill nằm bất động, nhưng tay chân chàng run như cầy sấy, mắt chàng hoảng sợ ngó thẳng về phía cái cửa, tường chừng như thần chết sẽ từ đó xuất hiện. Nhưng thế vào chỗ thần chết, là tiếng pháo lớn bắn dữ dội từ phía quân đồng minh, cho tới khi San Pietro chỉ còn là đống tro tàn gạch vụn.

Trong cơn khói lửa mịt mù đó, chẳng có ma nào nghĩ tới chuyện đuổi bắt Mac Mill.

Chàng quen mắt dần với bóng tối và đảo mắt nhìn quanh. Trên một cái bàn dài có hai chuồng thỏ chứa đầy thỏ, con nọ chen lấn với con kia. Cạnh đó người ta treo đầy quần áo, và dưới đất là nhiều bó cỏ và bó cà rốt. Phía bên tay mặt có một cửa sổ đóng kín mít, còn ở bên trái là một lỗ hổng cầu thang lớn, đen ngòm, đưa xuống một căn hầm chắc phải rất rộng lớn.

Mac Mill quay về phía sau lưng và bất ngờ trông thấy một thiếu nữ mặc đồ ngủ, chân đi bít tất len; nàng đứng như trời trồng, tay cầm một cái bát, đôi mắt rất đẹp, rất to, chứa đựng đầy nỗi ngạc nhiên. Thiếu nữ như cấm khẩu, không thốt lên được lời nào.

Từ lỗ hổng cầu thang đen ngòm vọng lên tiếng ai đó gọi cô gái:

- Maria? Maria!

Mac Mill hiểu rằng các thân nhân của nàng hiện ở cả dưới hầm của căn nhà.

Gió lạnh lùa vào khung cửa sổ không còn cánh. Mac Mill bước ra đặt lại cánh cửa, chàng bỏ mũ sắt, quay trở lại phía Maria, để nói với nàng vài lời êm dịu, mong làm biến mất nỗi sợ hãi trong cặp mắt đẹp của nàng.

Nhưng bên ngoài, trong lúc đó, tiếng đạn pháo nổ cực kỳ ấm vang, dữ dằn hơn trước nhiều.

Mac Mill chả biết câu tiếng Ý‎ nào, nên đành phải nhìn Maria mà không biết nói gì với nàng, tuy nhiên chàng nhận thấy, và chiêm ngưỡng cặp mắt rất to rất đẹp của nàng. Nàng trạc độ mười bẩy, mười tám tuổi, và trong bóng tối của căn nhà hoang vắng này, nàng thật đẹp, thật đẹp, nhưng chàng vẫn chẳng biết nói gì với nàng cả.

Tiếng bom đạn va chạm ngày càng tiến lại dần, các bức tường của căn nhà như muốn rung chuyển liên tục. Phải chăng vì vậy mà bàn tay của Mac Mill run rẩy khi chàng châm một điếu thuốc lá?

Ánh sáng lập lòe của que diêm làm chàng nhìn thấy cô gái rõ hơn. Chàng thấy cô có một khuôn mặt rất đẹp, một vẻ đẹp hiền hậu, được một làn da trắng nuốt làm cho dễ thương hơn. Chàng đoán là nàng lõa thể dưới chiếc áo ngủ; nơi nàng nằm chắc phải lạnh vì nàng đi bít tất len. Khi ánh lửa tắt hẳn, chàng vẫn tiếp tục trông thấy cặp mắt đẹp của nàng nhìn chàng trân trân.

Chàng vẫn chẳng tìm được câu gì để nói. Nhưng chàng bất chợt thấy trong chàng nổi lên lòng ham muốn nhảy vào ôm đại lấy nàng, như lúc nãy chàng lao thẳng vào cánh cửa, một ham muốn khó mà cưỡng lại được!

Những tiếng đạn pháo lớn đã làm cho tâm trí của chàng mất đi trong vài giây khả năng suy nghĩ hơn thiệt, phải quấy. Chàng bất chợt mất khả năng hiểu rõ sự khác biệt giữa việc xông vào đạp đổ một cánh cửa và việc xông vào đè một thiếu nữ xuống. Thiếu nữ sợ hãi lùi dần khi Mac Mill tiến lại. Khi nàng đã lùi đến chân tường, dưới lô áo quần treo lộn xôn, Mac Mill nhìn thẳng vào cặp mắt đẹp của nàng, ôm nàng trong vòng tay, hôn, và đẩy nàng xuống những bó cỏ và những bó cà rốt…

Vào lúc đó Maria mới giãy giụa và kêu thét lên. Nhưng, xung quanh ngôi nhà, tiếng bom đạn nổ ầm ầm, làm át hẳn tiếng kêu la của thiếu nữ tội nghiệp.

Từ hố cầu thang, lại có tiếng gọi vang lên:

- Maria…Maria…

Vài phút sau cánh cửa sập đổ trở lại, Mac Mill vùng bỏ chạy, trong khi Maria nằm sóng sượt trên mặt đất. Nàng khóc ròng, chiếc áo ngủ bị tốc lên… hoa tuyết rơi lả tả trên thân thể ngọc ngà của nàng.

Nói cho cùng, nếu ta coi Mac Mill là một tên hiếp dâm dơ bẩn thì quả là chuyện quá dễ dàng. Trong một chuyện như là vụ giao tranh ở Monte Cassino, phải kể đến tội lỗi của các thế lực hiếu chiến, các lãnh tụ chiến tranh khát máu. Kết tội Mac Mill mà không đếm xỉa gì tới các thế lực ở trên chàng ngàn bậc, thì có khác gì bắt chú lừa chịu tội thay cho ông mãnh sư.

Vả lại, tội ác của mình, Mac Mill sẽ phải đền lại thật đầy đủ, quá đầy đủ nữa là khác! Chàng phải đền tội, vì Maria có cặp mắt huyền quá đẹp, quá to, khiến chàng nhìn thấy cặp mắt đó mãi, đêm cũng như ngày, ở chỗ này cũng như ở nơi khác! Cặp mắt huyền của Maria đêm ngày săn đuổi Mac Mill. Rồi, sau nhiều tuần lễ, Mac Mill không còn trốn chạy con mắt của Maria nữa; ngược lại, chàng QUYẾT TÂM ĐI TÌM NÓ CHO BẰNG ĐƯỢC.

Chàng không còn muốn quên đi đoạn đời đó, không muốn tự bào chữa rằng: “Ôi đó là chuyện xảy ra trong chiến tranh”, mà trái lại chàng vô cùng mong muốn gặp lại Maria.

Do đó chàng quyết định trở lại thung lũng San Pietro nhỏ bé. Chàng muốn gặp lại người thiếu nữ, để bày tỏ niềm hối tiếc của mình về việc làm tàn hại đó.

Nhưng Mac Mill phải đợi chờ trong nhiều tháng, cho tới ngày 18 tháng Năm năm 1944, khi quân Ba Lan chiếm lĩnh hoàn toàn vùng Monte Cassino.

Và thế là chàng trở lại nơi chàng đã tình cờ nhúng tay vào tội ác. Viết về địa điểm này, một phóng viên chiến trường đã nói: “Nơi đây, người ta đã tàn sát cả đến cây cỏ, sỏi đá”. San Pietro đã hầu như là bình địa, Mac Mill ngồi trên một chiếc xe Gýp chạy trên con đường gập ghềnh đưa đến trang trại nằm đơn độc cách xa ngôi làng.

Trong sân trang trại, một bà lão mặc váy áo đen, tay cầm một cái mai, đang đào xới những mảnh đạn, chẳng sợ có thể bị nổ mất tay, mất chân, hoặc nổ tan xác luôn. Nghề thu gom mảnh bom đạn, đã trở thành cái cần câu cơm chính yếu của cư dân trong ngôi làng khốn khổ này.

Mac Mill mài mại nhớ những đường nét trên khuôn mặt của bà lão, và chàng hỏi thăm bà về Maria.

- Maria à? Anh muốn hỏi con gái của lão à? Nó đã bỏ đi trong một buổi sáng hồi tháng Hai khi Monte Cassino bị tấn công lần thứ tư. Bữa đó cả nhà chúng tôi ẩn nấp dưới hầm. Rạng sáng, Maria đi lên để lấy một bát sữa lâu lắm mà không thấy nó trở xuống. Khi đạn pháo bắn dữ, chúng tôi ở dưới hầm đã gọi cháu, nhưng không thấy nó trả lời”.

Bà lão bật khóc, tay bà nắm chặt cái cán của chiếc mai:

- Thật là khủng khiếp ông ạ. Dưới hầm ấm áp, nên chẳng ai chịu lên tìm cháu, xem cháu làm gì mà lâu trở xuống. Sau đó cháu biến mất, không ai gặp lại cháu nữa. Không biết nó lưu lạc ở đâu mà không chịu gửi thư về, không cho gia đình cũng như họ hàng lối xóm biết tin tức gì cả. Có thể một ngày nào đó người ta sẽ tìm được xác cháu ngoài đồng, hay trong những căn nhà đổ nát.

- Bà cụ có cái hình nào của nàng không?

- Tại sao ông hỏi hình của nó?

- Hãy cho con một cái hình của Maria, con sẽ đi tìm cô ấy.

Trong lúc đi về phía căn nhà đổ nát, bà lão luôn mồm hỏi:

- Tại sao? Tại sao mới được cơ chứ?

- Khi nhận được tấm ảnh, Mac Mill cảm ơn bà cụ.

“Tại sao?” Bà cụ vẫn còn hỏi.

- Xin bà cụ đừng thắc mắc tại sao. Con sẽ tìm ra nàng.

Mac Mill trở lại xe Gýp và đi mất dạng.

Thật vậy, trong nhiều ngày Mac Mill tìm khắp mọi làng, khắp mọi xã ấp, khắp mọi khu vực đổ nát, nhưng chàng không tìm được vết tích gì cả. Rồi, phải đi theo đoàn quân, chàng tiến về La Mã, đến tận Florence mà vẫn không thấy tung tích gì của Maria.

Mười một tháng sau đó, thỏa hiệp đình chiến được k‎ý kết, sư đoàn của Mac Mill phải trở về Mỹ. Nhưng, vì ôm ấp quá nhiều tấm hình nhỏ bé, nước ảnh đã ố vàng trong con tim, vì nhớ quá nhiều đôi mắt huyền to, đẹp, Mac Mill muốn trở thành điên loạn. Rời khỏi nước Ý, có nghĩa là không bao giờ gặp lại Maria nữa: dù nàng ở đâu, làm gì đi nữa, dù chàng gặp bất cứ rủi ro nào đi nữa, tốn kém bao nhiêu đi nữa, Mac Mill vẫn quyết định ở lại và đào ngũ.

Phải hiểu sự ngoan cố này ra sao đây? Thật đơn giản Mac Mill đã mắc chứng điên.

Vào lúc đó việc mua giấy tờ giả rất dễ dàng, khiến cho một tên lính đào ngũ có chút tiền là hầu như không sợ gì bị phát hiện. Trái lại nếu không tiền và không tìm được việc làm, thì rất dễ bị bắt giữ. Thế là Mac Mill lao vào việc mua bán hàng chợ đen.

Thỉnh thoảng chàng lại biến đi trong nhiều ngày. Những người không biết chuyện tìm chàng khắp nơi ở Florence, từ bar này sang bar khác.

- Ông có gặp ông Mac Mill không?

Đâu đâu người ta cũng trả lời:

- Ông Mac Mill đang đi nghỉ mát, hoặc đang đi chơi xa.

Thật vậy, Mac Mill đã không hề lơi là việc tìm kiếm bất cứ một giây phút nào. Chàng trả tiền rất hậu cho bọn thám tử tư, và bọn chỉ điểm, ai nấy đều được chàng đưa một phiên bản tấm hình của Maria.

Sau hai năm, không còn ai tin là có cô Maria bí mật đó, dĩ nhiên là ngoại trừ Mac Mill. Có người cho rằng nàng chưa hề có trên đời, người khác thì đoán rằng nàng đã rời khỏi nước Ý.

Một buổi chiều trong tháng hai năm 1948, Mac Mill và một thám tử tư đang đi bên nhau trong những phố vắng lạnh của tỉnh Savone. Trời lớt phớt mưa, gió lạnh rít từng hồi…

Maria ở một mình à? Nàng đã được thông báo chưa? Nàng nói sao? Nàng có nhớ được không?

Những câu hỏi dồn dập của Mac Mill chỉ được viên thám tử tư trả lời nhát gừng trong mưa lạnh.

Cuối cùng Mac Mill dừng lại trước cửa một ngôi nhà tồi tàn, và đẩy cửa. Một con chó vàng sủa ba tiếng, và cửa được mở rộng. Lúc đầu chỉ là một cái bóng, nhưng rồi khi đèn được bật sáng, chàng được tiếp đón bởi một thiếu phụ tươi cười. Vóc dáng người này gần giống với vóc dáng của Maria, nét mặt cũng hơi nhang nhác, nhưng cô nàng mập quá: đây không thể là Maria!

Tuy cô tươi cười, nhưng cặp mắt của thiếu phụ có nét lờ mờ như nàng nghiền ma túy, hoặc nghiện rượu. Nhưng nếu đây chính là Maria, và nàng đã trở thành thế này thì sao?

Mac Mill nhắc lại câu chuyện bi thảm ở San Pietro, và người thiếu phụ cho biết là có nhớ, nhưng không nhớ được các chi tiết vì chuyện xảy ra dã quá lâu. Nàng có ý ngầm như báo cho chàng biết là chính vì lỗi của chàng mà giờ đây nàng phải sống cuộc đời bi đát như thế này.

Mac Mill ngửi thấy ngay mùi dàn cảnh gạt chàng! Lòng tham của con người thật vô đáy: kẻ này mưu gạt người kia là chuyện thường tình!

Một căn nhà gỗ nằm lún sâu trong khu bùn lầy của cánh rừng Tombolo: Trời lạnh 90 dưới không độ. Đây là vùng ô nhiễm, nguy hiểm, khủng khiếp nhất nước Ý, nơi các đào binh của đủ các đạo binh, đủ các quốc tịch, vẫn thường lẩn trốn. Tuy nhiên số đào binh còn đang sinh sống ở đây lúc này chỉ còn có sáu người, trong đó có Mac Mill.

Đối diện với hàng rào hiến binh người xứ Sicile đang vây quanh căn nhà gỗ, Mac Mill có cảm nghĩ như vừa tỉnh dậy sau một cơn ác mộng đã kéo dài vừa sáu năm.

Cảm thấy vô phương trốn chạy, cả sáu người gài cổ áo cho ấm và lục tục đi ra…

Bị bắt giữ ngày 11 tháng Chạp năm 1951 với tội danh là đào ngũ, Mac Mill đã bỏ trốn được, trong khi chàng bị giải từ một nhà tù dân sự của người Ý sang trại tù quân sự.

Để rồi sáu tháng sau, vào một buổi sáng ở Gênes, đúng lúc đồng hồ điểm 10 tiếng, phép lạ mà chàng hằng thành tâm trông đợi trong bẩy năm trời đã xảy ra.

Mac Mill đang ở ngoài đường, một chiếc xe điện ồn ào chạy qua. Qua một khuôn cửa kính, chàng thấy xuất hiện một khuôn mặt một cặp mắt u huyền bao la, chỉ cần một giây, Mac Mill nhận ngay ra đôi mắt của Maria.

Chàng chạy ào theo chiếc xe điện, len lỏi và bất chấp các xe hơi, xe xì cút tơ, xe đạp đang chạy ngược chiều. Liệu chàng đuổi kịp không?

Tới một ngã tư một viên cảnh sát, những chiếc xe hơi, và nhiều người qua lại chận đường chạy của chàng. Chàng nhảy phốc lên bờ đường xô đẩy người đi lại, và đuổi theo nhanh như người bị ma đuổi.

Khi chàng đuổi kịp tàu điện thì nó đã hai lần ngưng ở các trạm và khuôn mặt mà chàng thoáng trông thấy đã không còn ở trên tàu điện nữa. Chàng đã nhìn nhầm, hay nàng đã xuống và đi mất?

Mac Mill đi trở lại trạm đầu tiên của tàu điện, và với tấm ảnh của Maria trên tay, chàng đi lang thang trên tất cả các khu phố lân cận, đưa tấm ảnh ra hỏi những người bán hàng, những người đi đường, làm mọi người ngạc nhiên khi thấy khuôn mặt đẹp đẽ của người trong ảnh, rồi lại thấy áo quần rách rưới của Mac Mill. Chàng tiếp tục chạy tới một trạm khác, lại đưa ảnh ra, lại hỏi; chàng xông vào các cửa tiệm, chìa ảnh và hỏi như người điên, khiến mọi người không khỏi lấy làm ngạc nhiên.

Cuối cùng, tại một tiệm giày, người thợ sửa giày sửa lại gọng kính để nhìn bức ảnh và Mac Mill cho rõ; qua vẻ mặt ông ta đang thầm nghĩ: “Chắc anh chàng này điên, cô gái này trẻ đẹp quá, đâu có thể là đối tượng của hắn”.

“Người thiếu phụ này, cuối cùng ông ta nói, tôi vừa gặp cô ta… cách đây một giờ, cô ta có ghé để lấy một chiếc giày cô ta nhờ tôi chữa. Nhưng tấm ảnh này cũ lắm rồi, vì thế tôi mới do dự, giờ này cô ta đẹp lắm!”

- Nhưng ông có biết cô ta ở đâu không? Không à? Vậy ông có biết cô ta làm gì không?

- Cũng không, từ lâu tôi đã không để ‎ý tới việc khách hàng của mình làm gì! Nhưng họ làm gì với những chiếc giày của họ thì tôi biết. Người thiếu phụ này, vì thế phải sinh sống ở các phố trên đồi cao.

Và người thợ giầy già nhìn Mac Mill hối hả chạy đi bằng con mắt trìu mến thương cảm.

Khu phố này của thành Gênes được xây trên những ngọn đồi cao, nên nó đầy nhóc những cầu thang đá lớn bé, có vẻ như đi lên, đi lên hoài.

Mac Mill chìa ảnh nàng ra với tất cả mọi người, ở tất cả mọi nơi: chỗ này có người trông thấy nàng, nàng đã đi lên cái phố nằm ở bên tay mặt. Chỗ khác có người thấy nàng đi lên cái phố ở bên tay trái.

Ở chót vót trên cao có một thánh đường nhỏ. Leo quanh co hoài Mac Mill bị chóng mặt nên khi nhìn lên, chàng thấy ngôi thánh đường như đang xoay tròn trước gió. Một người đang từ những bậc đá bức xuống. Mac Mill cố gắng đưa tấm ánh ra một lần chót. Người đi xuống lấy tay chỉ ngược lên một ngôi nhà ở trên cao và nói:

- Cô ấy ở trên đó.

Như được hồi sinh, Mac Mill tiếp tục leo cầu thang đá. Trên cao, lơ lửng giữa trời, ngôi thánh đừng nhỏ bé tiếp tục quay nữa. Cuối cùng Mac Mill cũng lên được tới cửa tòa nhà. Chàng nắm giây chuông và dùng hết tàn lực để giật…

Cặp mắt chào đón chàng là cặp mắt nhăn nheo của một bà già vóc dáng nhỏ thó, để tóc búi tó củ hành. Trong bóng mát êm dịu của một nhà chơi của một trường học nhỏ, Mac Mill đưa ảnh của Maria cho bà cụ xem; không nói một lời, bà cụ nhìn bức ảnh nhiều lần, rồi lại nhìn chàng.

Bà cụ có vẻ ngần ngại. Cuối cùng bà cụ đi lui lại vài bước để ra sân, và dùng đầu ra dấu cho chàng thấy một thiếu nữ đang đúng quay lưng sau một cây cột, ở giữa một vòng tròn các em nhỏ đang vừa đi xoay tròn vừa hát.

Mac Mill tiến lại gần, một trong những đứa trẻ la lên:

- Thưa cô! Thưa cô!

Thiếu nữ quay đầu lại. Chính là nàng. Tuy không còn là cô gái run sợ ở San Pietro, nhưng đích thị là nàng.

Maria nhăn mặt, nhíu mày, nàng sững sờ khi trông thấy chàng và nét mặt nàng tái đi rất nhiều. Có thể nàng không thật sự nhận ra chàng. Có khi thấy mặt chàng, nàng chợt nhớ ra buổi sáng hôm đó ở San Pietro. Cũng có thể là không một hoàn cảnh nào, một chi tiết nào có thể nhắc lại trong tâm trí nàng kỷ niệm tàn khốc đó, nhiều hơn là khuôn mặt chàng đang ở trước mặt nàng. Dù sao đi nữa nàng không thể nào tin được đó là chàng và tại sao chàng lại xuất hiện ở đây?

Về phần Mac Mill, từ bảy năm nay chàng đã đêm ngày chờ đợi giây phút này. Chàng đã suy nghĩ rất nhiều là phải nói gì, đã cân nhắc từng câu, từng chữ, nhưng rồi chàng chỉ lắp bắp được mấy câu:

“Hãy cho phép anh được giải thích với em…”

Quả là khôi hài. Chường mặt ra sau bảy năm để giải thích một điều bất khả giải thích, để xin tha tội cho một tội không thể tha thứ, thực là khôi hài lắm vậy.

Đương nhiên là nàng không thể hiểu tại sao chàng lại có mặt ở đây, nhưng cuối cùng nàng đã nhớ ra chàng. Nàng cố gắng chịu đựng chàng như chịu đựng một thử thách. Nàng nhìn chàng một cách lạnh lùng, và run rẩy bảo chàng:

- Chuyện xảy ra đã quá lâu, còn gì nữa mà giải thích.

- Anh đi tìm em trong suốt bảy năm nay.

- Nếu anh muốn được tôi tha thứ thì anh mất thì giờ vô ích. Tôi không bao giờ tha thứ cho anh.

- Nhưng, anh yêu em.

Maria đứng ngẩn người ra. Nàng nhìn chàng như nhìn một quái vật. Vì, đối với nàng, dù chàng là kẻ bạo tàn hay điên đi nữa, thì chàng vẫn chỉ là một quái vật không hơn không kém.

- Anh đi đi!

Maria chỉ tay ra cửa:

- Đi ngay!

- Anh đã đào ngũ vì em.

- Tôi có cần phải cho người đuổi anh ra không?

Lần này, Maria nói lớn tiếng hơn. Các cô giáo, người gác cửa và cả bà già búi tóc cũng đẩy chàng về phía cửa ra vào. Chàng bật khóc và nói với bà cụ:

- Bà cụ ơi, xin bà cụ giúp cháu...”

Bà cụ cảm thương chàng đến ứa nước mắt, đưa tay đẩy lên ngực chàng để đẩy chàng ra và bảo chàng:

- Ở đây đông người quá. Cho tôi địa chỉ chỗ anh ở để Maria có thể tới gặp nếu cô ấy muốn, còn bây giờ thì đi về đi!”

Mac Mill đưa địa chỉ của chàng cho bà cụ, và bà cụ nhìn theo chàng khi chàng xuống các bậc thang đá thành Gênes cho tới khi chàng trở thành bé tí, bé tí...

Tuyệt vọng, nhưng chàng vẫn cố chờ đợi trong một căn phòng. Chàng vẫn còn mong vào một tia hy vọng cuối cùng. Chàng đã đưa tên một khách sạn mà ngay lúc này chàng chưa biết sẽ làm thế nào mà có tiền để trả tiền phòng, nhưng dù thế nào đi nữa, vẫn phải có một địa chỉ.

Màn đêm đã xuống ở Gênes. Bà cụ có búi tó có vẻ thông minh và có vẻ rất thông cảm. May ra bà cụ có thể khuyên Maria đến tìm chàng.

Có tiếng một chiếc xe hơi đến đậu trước khách sạn, có lẽ là một cái taxi. Bất chợt, Mac Mill ngồi nhỏm dậy. Chàng nghe thấy nhiều tiếng chân người ở dưới cầu thang.

Nhiều tiếng chân người. Khi ra đến hành lang, chàng thấy tiếng chân đi rất mạnh và chàng không còn nghi ngờ gì nữa. Chính là cảnh sát, và cũng là câu trả lời nghiệt ngã của Maria.

Tại Mỹ, trong một căn phòng xử cổ kính, Mac Mill đang bị xử bởi một tòa quân sự. Một vị đại tá, giáng điệu oai hùng, khả kính, ngực đeo đầy huân chương, chủ tọa phiên tòa.

Đào ngũ là một tội danh không nghiêm trọng gì, nhưng hiếp dâm lại quá ư ghê gớm. Do đó tất cả cử tọa đều nhìn như xoáy vào Mac Mill.

Mac Mill đang bị xử vừa vì đào ngũ, vừa vì tội hiếp dâm, tuy Maria không đệ đơn thưa chàng về tội đó. Nàng chỉ bảo cảnh sát bắt chàng như là một người lính đào ngũ, vì nàng tưởng chàng điên, và sợ chàng sẽ đeo theo làm khổ nàng. Nhưng khi cuộc điều tra được tiến hành ở bên Ý thì lòi ra câu chuyện đáng tiếc, bên nguyên, hay đúng hơn là phía buộc tội, tức là tòa quân sự chỉ giữ tội danh hiếp dâm khi nghe các lời khai của các nhân chứng, đã biết được câu chuyện đó do chính Mac Mill trong lúc đi tìm Maria đã có lần tâm sự.

Nhưng khi tòa nêu tội danh hiếp dâm thì Mac Mill giự im lặng không kêu ca hoặc khai báo gì cả. Vị đại tá chánh thẩm nổi nóng, ông hỏi:

- Vậy thực ra có chuyện hiếp dâm hay không?

Một viên trung úy đứng dậy vừa đặt câu hỏi, vừa như đưa ra câu trả lời:

- Ai đệ đơn thưa về tội hiếp dâm? Không có ai à? Ai chứng minh vụ hiếp dâm đã xảy ra?

- Thế không phải là chính bị cáo đã tự xác nhận là có chuyện đó à?

Nhưng vì Mac Mill vẫn giữ im lặng, tòa loại bỏ tội danh hiếp dâm.

Một vài tháng sau trong khi Maria đã xin thôi dạy học, và đã thay đổi chỗ ở, không để lại địa chỉ mới, thì vị chủ nhiệm một trong những tờ báo hàng tuần có uy tín nhất ở Ý, nhận được một là thơ dài mấy chục trang giấy, được gửi tới từ một nhà tù ờ Taxakana, ở Mỹ quốc. Lá thơ đó là của một tù nhân tên là Mac Mill, bị kết án hai năm tù về tội đào ngũ.

Trong là thơ dài dặc đó, người viết đã kể lại 10 năm trong cuộc đời của anh ta, tội ác anh ta đã phạm phải, quá trình đền tội và hối hận của anh ta. Người viết xin vị chủ nhiệm cho đăng tải lá thơ đó, qua đó anh ta hy vọng được người đàn bà mà anh ta đã làm khổ tha thứ cho mình. Dĩ nhiên là Mac Mill không nêu danh tính nạn nhân.

Vị chủ nhiệm ngần ngại, nhưng rồi ông cho đăng lá thơ.

Vài tuần lễ sau, qua vị chủ nhiệm, Mac Mill ở trong nhà tù nhận được một lá thơ thật vắn tắt: “Hãy sống an bình, tôi tha tội cho anh”.

Thế là Mac Mill lại viết thơ cho ông chủ nhiệm tờ tuần báo nhờ chuyển thơ của chàng cho Maria. Chàng viết:

“Vì thiên chức và số mệnh của mỗi người đàn bà là phải lấy chồng và tạo dựng một gia đình, xin em hãy nghĩ tới điều đó và hãy đoái nhìn tới anh. Như vậy sợi dây nhơ bẩn đã nối buộc chúng ta sẽ được thánh hóa. Anh tin là anh đang được hưởng ơn phúc này vì nhiều l‎ý do. Tình yêu của anh đối với em đã có những chứng minh rõ rệt. Anh đã đến tuổi phải trở thành một người chồng tốt và sẽ được tha trong hơn một năm nữa. Nếu em không cho là anh quá xấu xí thì em có thể quyết định dễ dàng. Để tạo dựng một gia đình, anh hứa sẽ vận dụng thật nhiều nghị lực và kiên nhẫn, nhiều hơn cả số lượng nghị lực và sự kiên nhẫn mà anh đã vận dụng để được em tha thứ. Anh yêu em.”

Vì Maria chậm trễ trong việc trả lời, Mac Mill viết thêm một lá thơ thứ nhì, rồi là thư thứ ba, rồi hàng chục lá thơ khác. Người phụ nữ nào lại có thể cưỡng lại một mối tình như thế?

Vào một ngày đẹp trời, đầu mùa Thu năm 1956, tại Ý, trong một thánh đường nhỏ ở Gênes, nơi Maria làm việc khi trước, ở cao tuốt trên đỉnh trời, họ đã lấy nhau…

Vũ Anh Tuấn dịch một chuyện có thật của Bellemare

Bài đã đăng
Truyện vui thời @
Thư chúc tết năm Nhâm Thìn
CẦN PHẢI HY SINH CON BÀI ĐẦM *
Truyện 34: Mái ấm tìm về
Truyện 33: Những bước chân của tử thần
Truyện 32: Một cuộc săn người
Truyện 31: Nhà điêu khắc kinh hoàng
Truyện 30: Chúa trời, Anh và Em
Truyện 28: Tiền tài, Vận may và Hạnh phúc
Truyện 27: Viên ngọc bích thành Ramapour
Truyện 26: Tình oải
Truyện 25: Xưng tội lần chót
Truyện 24: Tình thù
Truyện 23: Tham vọng tội lỗi
Truyện 22: Lưỡi gươm đẫm máu
Truyện 21: Ngày tận thế
Truyện 20: Lộng giả thành chân
Truyện 19: Lòng lang dạ thú
Truyện 18: Giây phút kinh hoàng
Truyện 17: Vụ án ông già bảo vệ
Hai bài thơ về tranh Bùi Xuân Phái
Em có biết
Cái chết vui vẻ
Truyện dịch 16: Chơi gác tử thần
Truyện dịch 15: Vụ án ông già Noël
Truyện dịch 14: Hồn ma chạm súng
Truyện dịch 13: Một cái chết đúng lúc
Truyện dịch 12: Đường về thánh địa
Truyện dịch 11: Onathbabou, người hay ma?
Truyện dịch 10: Mưu thần chước quỷ
Truyện dịch 9: Một giải Oscar cho tội ác
Truyện dịch 8: Nỗi sợ khôn tả
Truyện dịch 7: Nét chữ tên sát nhân
Truyện dịch 6: Cái chết được đoán trước
Truyện dịch 5: Kẻ cắp gặp bà già
Truyện dịch 4: Sai một ly đi một dặm
Truyện dịch 3: Hai chiếc nhẫn đầu rồng
Truyện dịch 2: Chiếc bình đời Minh
Truyện 1: Hảo mộng (tiếng Việt - Anh)
 
Netadong.com thiết kế