Hiện có 14 người xem / 2309532 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        
 
Truyện 28: Tiền tài, Vận may và Hạnh phúc
Philippe… Đó là một cái tên gốc từ tiếng Hy Lạp. Nghĩa của nó là “Kẻ ưa thích loài ngựa”. Trong trí tưởng tượng của tôi, kẻ thích ngựa phải là một người lùn, mập, hai má ửng hồng, miệng ngậm một điếu xì gà lớn. Phillipe không giống thế một tý nào cả; chàng cao đến nỗi ai gặp chàng cũng muốn bảo chàng làm ơn ngồi xuống hộ; chàng gày như một sợi mì trên tờ quảng cáo, và, nếu bạn muốn biết cặp mắt của chàng ra sao thì trước nhất là phải loại bỏ được sự bảo vệ của một cặp mắt kiếng gọng đồi mồi to kếch xù. Tôi đã bắt gặp chàng như vậy lần đầu tiên khi chàng tiến về phía tôi trên sân khấu rộng lớn của nhà hát, trên tay cầm một xấp giấy. Buổi phát hình vừa chấm dứt. Chàng mặc một bộ quần áo tây kiểu Ông-Hoàng-Xứ-Galles đã hơi cũ, cổ thắt một cái nơ hình cánh bướm màu xanh, hai cánh rủ xuống và trên đầu chàng mớ tóc bù rối lên thành muôn ngàn lọn tóc đen nhánh. Chàng mỉm cười, một nụ cười tôi thấy hơi bồn chồn, và nói rất lẹ với tôi: - Thưa cô, xin cô làm ơn dành cho tôi năm phút, tôi muốn phỏng vấn cô vài câu cho tờ báo của tôi. Tôi là phái viên báo Độc Lập. Tôi phải viết một bài tường thuật ba trang về buổi phát hình này, bài khá dài đấy và tôi chỉ còn độ một tiếng đồng hồ thì phải nộp bài. Vâng, được… vậy thì chúng ta lẹ lên một tý… chắc cô khát nước… Ngay cạnh đây có một quán cà phê.

Chuyện này xảy ra buổi chiều hôm tôi dự thi trên đài truyền hình lần đầu tiên, cách đây một tháng. Tôi vừa được thưởng 500.000 quan sau khi trả lời đúng được bốn câu hỏi thật hắc ám về các lãnh vực kiến trúc, lịch sử nước Anh, nhạc sĩ Mozart và nghệ thuật ăn ngon. Tôi còn giữ được một kỷ niệm rất mơ hồ. Như trong một giấc mơ tôi đã nghe thấy những câu hỏi của người điều khiển chương trình và, ngay tức khắc, tôi tự nghe thấy tôi trả lời. Không một giây do dự, không một chút nhầm lẫn. Bỗng các khán thính giả vỗ tay như mờ đi trước mắt tôi. Dường như địch thủ của tôi, một ông già 60 tuổi, đầu hói, đã vì sự sợ sệt trước đám đông mà mất tinh thần. Bị nhốt như tôi trong một căn phòng kiếng, người ta thấy ông ngập ngừng; đôi lúc nhắm nghiền hai mắt và nhiều lần dơ tay lau mồ hôi vã ra trên mặt. Tôi đã thắng ông ta một cách dễ dàng. Và khi người điều khiển chương trình, có cặp mắt tròn vo với bộ râu láng bóng, tuyên bố: “Thưa cô, số tiền thưởng 500.000 quan này là của cô, cô có thể nhận lãnh ngay bây giờ, nhưng cô cũng có thể để lại để tiếp tục cuộc thi để được nhiều hơn nữa trong kỳ tới”, thì, tôi có thể thề rằng quả là tôi đã không trả lời. Tôi chỉ nghe thấy tiếng tôi nói nhỏ nhẹ trong micro: “Vâng tôi tiếp tục, tôi để lại dự thi tiếp”. Tôi vẫn tiếp tục sống trong giấc mơ.

Giờ tôi muốn trở lại với Phillipe, tôi muốn nói về chàng.

Chúng tôi đã cùng uống hai ly bia thật ngon trong một quán bia lớn, đầy nhóc những người hầu bàn, ồn ào và mịt mù khói thuốc. Philippe ghi trên một tờ giấy những chi tiết về tôi mà tôi đang nói với chàng: Họ: DUTHEIL, – Tên: Micheline, – Tuổi: 22, – Nghề nghiệp: Sinh viên văn khoa, – Độc thân – Ba và má sống ở tỉnh Sedan, một tỉnh lẻ trong vùng Ardennes.

- À, chàng nói, tôi còn phải mô tả hình dáng cô nữa; các độc giả phải mường tượng được cô thuộc loại người…

- Trí thức, đủ rồi nhé. Chính bởi vì mũi tôi hơi dọc dừa, môi hơi mỏng và trán hơi cao. Rồi tôi lại cao quá khổ nữa; 1 thước 83 không kể đế giầy, và tôi phải làm sao lên được độ 5 ký nữa.

Cả hai chúng tôi cùng phá lên cười.

- Trong buổi phát hình, Phillipe nói tiếp, các người ngồi cạnh tôi nói: “Nhìn xem, cô ta bình tĩnh lắm, chính vì vậy mà cô ta thắng”. Do đó, tôi phải viết: “Cô Dutheil đã tỏ ra cực kỳ bình tĩnh, và đây là một điều khá kỳ dị nơi một thiếu nữ rất trẻ trung”. Độc giả chắc sẽ tán thưởng ghi nhận tinh tế này.

- Như vậy là anh nói sạo, vì lúc đó tôi chả bình tĩnh chút nào cả. Sự thật là trong suốt thời gian đó tôi có cảm tưởng mơ hồ như là tôi không phải là tôi vậy.

- Thôi bỏ câu này đi vì nó rắc rối quá.

Ly bia làm tôi cảm thấy khoan khoái. Nhưng có lẽ tôi hơi mền mệt vì tôi đã cảm thấy hơi ngà ngà say. Phillipe trở nên dễ thương lạ; chàng đã không hỏi tôi thích dùng món đồ ngọt gì. Tôi nghĩ chàng không phải là nhà báo chuyên nghiệp; rồi tôi nảy ra ý muốn khuyên chàng tìm ông thợ hớt tóc nào khác: tóc tai gì mà giống y như con báo.

- Rồi! chàng nói thêm, cực hình của cô đã chấm dứt. Xin cho tôi biết một điều cuối cùng thôi: làm thế nào mà cô biết được nhiều chuyện về bao nhiêu là đề tài như vậy? Từ đệ thất lên đến tú tài có bao nhiêu phần thưởng danh dự chắc cô ôm hết phải không?

- Đâu có, em chả được giải thưởng nào. Trái lại, em là một con mọt sách và cái gì em cũng đọc tuốt. Ngay cả sách về khoa thiên văn em cũng không sợ.

- Còn về trí nhớ của cô thì sao?

- Dám giống trí nhớ một chú ngựa lắm.

Phillipe vội vã đứng dậy, chàng đút những ghi chú của mình vào túi áo măng tô. Giơ tay bắt tay tôi, chàng bỗng có vẻ mặt hơi buồn:

- Nếu chiều hôm nay tôi được 500.000 quan, chàng bất thần nói, tôi đã lãnh và đã mua ngay một cái gì thích đáng. Cô có thể bị mất hết vào tuần tới. Tôi thành thật nghĩ rằng cô đã nhầm. Vận may nó tới rồi nó đi, ai mà biết được.

Tôi chỉ mỉm cười, không trả lời. Tôi rất ngạc nhiên tại sao chàng vội đi vậy.

- Thực ra, nếu cô thua thì tôi buồn lắm, chàng nói thêm, rồi quay gót từ biệt.

Tôi đã định gọi chàng lại để hỏi tại sao. Nhưng bóng dáng lênh khênh của chàng đã vượt qua hai người hầu bàn và có tiếng cửa mở. Tôi chợt thấy chàng đã quên không trả tiền bia. “Các cha nhà báo bao giờ cũng đãng trí”, tôi vụt nghĩ.

Làm sao giải thích những gì xảy ra sau đó?

Chiều hôm thứ bẩy kế tiếp tôi lại thắng và được 1.000.000 quan tiền thưởng, nhưng tôi vẫn không lãnh và liều tiếp tục dự thi, dù trong kỳ sắp tới này tôi có thể bị mất hết. Phillipe có mặt trong phòng thi, chàng ngồi ngay trên hàng ghế đầu. Từ đầu cho tới cuối buổi phát hình, sau mỗi câu hỏi của người điều khiển chương trình, tôi lại nhìn chàng và những câu trả lời như tự động xuất hiện trên môi tôi. Dĩ nhiên người ta có thể bảo tôi: “Tại sao trước khi trả lời cô lại nhìn chàng?” Chắc tôi trả lời: “Chàng là người khán thính giả duy nhất mà tôi quen”. Người ta cũng có thể nói với tôi: “Chắc chắn không phải vì nhìn chàng ta mà cô trả lời đúng.” Có lẽ đúng như vậy, nhưng tôi rất mê tín, và tôi đã bắt đầu coi sự hiện diện của Phillipe như một lá bùa linh diệu…

Sau buổi phát hình chúng tôi cũng trở lại quán bia và chuyện trò với nhau hơn hai tiếng đồng hồ. Bữa nay Phillipe khác hẳn, chàng vui vẻ, tuyệt vời, quyến rũ, và chàng kể với tôi nhiều chuyện ngộ nghĩnh về nghề nghiệp, về các phóng sự của chàng. Tôi nghe chàng kể mà quên cả thời gian trôi đi, trôi đi… Cuối cùng chàng nói tới tôi và một triệu quan tiền thưởng, nhưng chàng chỉ nói:

- Kỳ lạ thật, vận may đeo đuổi cô hoài.

Vào lúc đó, tôi cảm thấy không thể không nói cho chàng hay:

- Anh biết không, câu hỏi về tiền tệ em thấy khó trả lời quá. Lúc đó em không biết có tìm được câu trả lời đúng hay không, nhưng anh đã giúp em.

- Tôi giúp cô?

- Vâng, em chăm chú nhìn anh và câu trả lời bật ra! Em chợt nhớ là đơn vị tiền tệ của xứ Venezuela là đồng “Bolivar”.

- Tôi đâu biết tôi có một ảnh hưởng huyền bí tốt lành như vậy, Phillipe vừa trả lời vừa búng ngón tay gọi người tính tiền.

Sáng ngày hôm sau tôi đọc trên báo Independant (Độc Lập) một bài thật dí dỏm trong đó chàng tỏ lòng ngưỡng mộ khả năng tập trung tư tưởng của tôi. Sự thật đâu có như vậy, và cả hai chúng tôi đều biết rõ điều này.

Rồi ngày thứ bảy kế tiếp, tôi lại thắng nữa. Chiều hôm ấy, lẫn trong niềm vui của tôi đã có một chút cảm nghĩ e ngại, có vẻ như thế này là quá lắm, là tôi chẳng đáng tưởng thưởng gì cả. Văng vẳng bên tai tôi vẫn còn thấy tiếng của người điều khiển chương trình:

- Cô hiện có trong tay số tiền thưởng hai triệu quan. Vậy quyết định của cô ra sao?

Tôi cũng nghe thấy tiếng ồn ào trước khi tôi nói: “Tôi tiếp tục!”Một phần khán giả trong phòng vỗ tay hoan hô tôi, một phần như muốn nguyền rủa tôi, họ hô lớn: “Đủ rồi, đủ rồi! Ngưng lại đi! Hốt tiền thưởng đi! Phillipe đứng vụt dậy, chàng khoanh tay điềm tĩnh nhìn về phía các khán giả. Ngay khi màn hạ, chàng tới đón tôi ở hậu trường. Có cần phải thú nhận không? Tôi đã chờ mong chàng trong cả tuần lễ này.

Chúng tôi tới công trường Clichy và vào một nhà hàng có những món hải sản tuyệt vời. Hơi bị ngạc nhiên về sự sang trọng ở nhà hàng này, tôi gọi một tá hầu bơ lông (hầu nuôi ở cửa biển Belon), sau lại gọi một đĩa ốc nhồi, rồi, vì tôi vẫn còn đói, tôi gọi thêm một con cá song nấu theo lối Mỹ. Trên khăn bàn màu đỏ, tôi thấy có những đóa hoa cẩm chướng trắng, thứ hoa tôi ưa thích. Phillipe tự nhiên như ở nhà, chàng nói chuyện thân mật với người đầu bếp, và lựa thứ vang trắng mà chàng thường dùng. Chiều nay Phillipe ăn mặc rất sang và trang trọng; chàng mặc một bộ vét cài chéo có những sọc nhỏ, và tôi tự hỏi chàng đã dùng thứ gì để chải cho mái tóc nằm sát và đều đặn. Tôi đã khéo léo mặc một cái áo màu ngọc lam duyên dáng và đi đôi giầy đế thấp để không đến nỗi cao lêu đêu.

Dĩ nhiên câu chuyện chúng tôi nói là về tôi, về vận may khủng khiếp của tôi và những sự rủi ro đã đè nặng trên các đối thủ của tôi. Chiều nay địch thủ của tôi, mặc dầu là một giáo sư dạy môn sử học, đã vấp và trả lời sai câu hỏi về triều đại Louis XIV (Lộ Y thứ XIV). Giờ thì Phillipe muốn biết tôi có nhiều bạn bè ở Paris không. Tôi hầu như không có người bạn nào vì tôi mới chân ướt chân ráo từ miền Ardennes tới, nhưng tôi nghĩ chàng không cần biết sự thật.

- Tôi có một vài người bạn ở Viện Đại học Sorbonne.

- Chà!

Tôi ngu ngốc đợi chàng hỏi. “Bạn gái hay bạn trai?”, nhưng chàng không hỏi mà còn tỏ vẻ hài lòng. Tuy nhiên, sau vài giây, chàng bỗng hỏi: “Bạn thân thiết hay quen sơ thôi!” Nếu nghĩ tới các bạn gái chắc chàng đã hỏi: “Cô bạn thân thiết…” Do đó tôi có thể kết luận: chàng lưu tâm tới việc tôi có bạn trai hay không. Và tôi nói dối lia: “Những bạn trai rất thân”.

Lại im lặng, rồi: “Các bạn trai rất thân của cô, cô có thân với họ bằng nhau không, hay có người thân ít, có kẻ thân nhiều?” Chà! lần này chàng đi quá xa rồi, nhưng sự vụng về của chàng làm tôi mừng húm. Chàng thích tôi là cái chắc rồi. Thế là, quẳng hết mọi chiến thuật đi, tôi cười sòa và nói cho chàng biết sự thật: tôi hiện chưa có bạn nào, đàn bà cũng như đàn ông, nhưng rồi tôi sắp có nhiều bạn lắm. Phillipe cho hay chàng cũng nghĩ vậy. Rượu vang làm tôi hơi mềm lòng một chút. Đây là một chàng trai rất dễ thương. Tại sao? Tôi không biết. Trong tâm tư tôi thấy như có tiếng bảo tôi: “đừng vội vã, cô vừa mới quen với chàng mà”. Nhưng tôi không muốn nghe. Tôi ngồi ngắm những ngón tay thuôn dài của chàng đang tách những con hầu vỏ ôm hơi chặt, rồi những ngón tay đó nắm lấy cái ly của chàng trong đó bọt đang tan dần. Một tiếng nói khác như nhắn nhủ tôi: “chàng không đẹp, nhưng chàng rất có vẻ”. Sau đó tôi có nói về hai triệu quan tiền thưởng mà tôi đã được, và chưa chịu lãnh. Lạ thật, tôi như có linh cảm, tuần tới này tôi sẽ thua, sẽ mất hết, một xu cũng chẳng còn. Ừ mà phải, tại sao tôi lại tiếp tục nhỉ? Thực ra trong lòng tôi cảm thấy vui vui khi tôi như khiêu khích, khinh khi mọi người: “Hãy nhìn tôi đây này! tôi có quyền bỏ vào bị tất cả các cọc tiền đã ghim sẵn để trên bàn kia – thế nhưng, không! tôi chưa thèm lấy, tôi còn đòi có thêm nhiều nữa, trong lúc quý vị có người đến phát bịnh vì hồi hộp…” Tôi chia sẻ với Phillipe ý nghĩ đó.

- Thật vậy, Phillipe nói trong lúc chúng tôi đi taxi về, nhiều người phát bịnh vì hồi hộp. Cô có nhớ không, ngay sau buổi phát hình đầu tiên, tôi có bảo cô rằng ở địa vị tôi, tôi ngưng lại ngay.

- Còn bây giờ?

- Bây giờ, trái lại tôi lại mừng. Phải theo đuổi đến cùng.

- Đương nhiên! Em bảo đảm mỗi tuần cho anh đề tài viết một bài báo.

- Không phải vậy. Cô đang thách đố vận sui. Tôi rất thích những sự thách đố: cô làm tôi rùng mình, vì lo sợ, hồi hộp.

- Anh giải thích kỳ cục quá, anh thay đổi ý kiến mau dữ.

Chiếc taxi dừng lại.

- Tới nhà rồi, chàng nói.

Nhưng tôi bướng bỉnh hỏi thêm:

- Nhưng nếu em thua và mất hết, anh vẫn cười chứ?

- Tại sao không? Đồng tiền, cuối cùng ta cũng chẳng nên coi trọng nó quá. Nhất là đây lại là một cuộc thi, cho dù đó là một trăm triệu quan đi nữa.

- Em khó tin anh quá.

- Đừng tin tôi làm gì. Nhưng thứ bảy này tôi sẽ có mặt như mọi khi, bút cầm tay. Thôi, xin tạm biệt, đừng suy nghĩ nhiều quá.

Quý bạn thấy chúng tôi như vậy đó: vừa bước lên cầu thang tôi vừa tự hỏi: “Liệu chàng có thích tôi không?”

- Thưa quý bà, thưa quý cô, thưa quý ông, chiều hôm nay là lần thứ tư, tôi rất hân hạnh, tôi dám nói tôi được đặc ân giới thiệu với quý vị nhà nữ vô địch trong cuộc thi của đài chúng tôi. Chắc tất cả quý vị đã đoán biết, đó là cô Micheline Dutheil, một thiếu nữ mới 22 tuổi. Xin mời cô ra mắt quý vị khán giả đang đợi chờ!

Tôi bước vào từ phía bên trái sân khấu, và tiến vào giữa vòng tròn ánh sáng trong đó có người điều khiển chương trình, với cảm nghĩ thường nhật là dáng đi của tôi cứng cỏi quá. Những ngọn đèn chiếu lớn làm tôi chớp chớp mắt. Trong rạp, tôi nhìn thấy rất rõ ba hàng ghế đầu, sau đó tôi thấy những hàng ghế đầy người lố nhố, lờ mờ, đây đó hiện ra một vài cái đầu hói láng bóng. Tiếng vỗ tay từ từ nổi lên rồi lại lắng xuống dần dần. Người điều khiển chương trình, trán ướt đẫm mồ hôi lên tiếng: “Cô Micheline Dutheil hiện là chủ nhân số tiền đáng kể là hai triệu quan. Khi để lại không lãnh và tiếp tục cuộc thi, cô biết rõ ràng cô có thể nhận được số tiền thưởng tối đa là bốn triệu quan, nếu cô thắng, nhưng cô cũng có thể mất đến đồng xu cuối cùng, nếu thua. Tất cả chúng ta đồng ý chứ? Vâng, tốt lắm! Vậy thì thưa cô, đây là địch thủ của cô tối nay, bà Quelennec đã đặc biệt từ Saint Brieuc (một tỉnh ở miền duyên hải phía Bắc nước Pháp) tới đây tham dự cuộc thi.

Đó là một người đàn bà nhỏ bé, khó đoán tuổi tác, mặc một cái áo màu đen trang trọng bó sát lấy thân hình. Mớ tóc cũng được nhốt kỹ trong một dải khăn vấn đầu. Bà ta bước từng bước ngắn tiến lại gần tôi và giơ tay bắt tay rất nồng nhiệt, thân thiện. Người bé, nhưng cái sắc cầm tay của bà to khổng lồ, và bà cầm đôi găng tay trắng lốp của bà áp sát vào ngực.

- Cô Dutheil và bà Quelennec sẽ phải trả lời bốn câu hỏi mà tôi sẽ tình cờ bốc được. Tôi hiện đang có ở trước mặt một phong bì rất lớn ở trong có chứa đựng một ngàn câu hỏi. Các câu hỏi này liên quan tới tất cả các lãnh vực hiểu biết của con người. Giờ đây tôi hướng về cô Dutheil một lần nữa và nhắc lại với cô rằng: “nếu tối nay cô thắng cuộc thi, cô sẽ là chủ nhân của bốn triệu quan tiền thưởng. Nếu, chẳng may cô thua, thì luật lệ khắc nghiệt đòi hỏi cô phải rời khỏi nơi đây với hai bàn tay trắng… và đôi tai đầy ắp những tiếng vỗ tay của các khán, thính giả. Còn thưa bà Quelennec, nếu bà may mắn thắng cuộc thì, chiều nay bà sẽ nhận được 500.000 quan tiền thưởng mà bà có thể nhận lãnh, hoặc để lại tiếp tục dự thi để được nhiều hơn trong kỳ phát hình tuần tới. Tất cả mọi người đồng ý chứ?”

Bà Quelennec vâng một tiếng vâng thật lớn, đầy tính chinh phục và kiên quyết. Công chúng chắc nghe thấy rõ hơn là tiếng vâng của tôi vì nó khẽ như hơi gió thoảng. Bây giờ hai chúng tôi mỗi người tiến về phía căn phòng kiếng có cách âm của mình; vào xong, cửa phòng được đóng kín ngay lại. Tôi đặt ống nghe lên tai để nghe thấy các câu hỏi của người điều khiển chương trình, và tôi đứng đó, ngoan ngoãn, hai tay đặt trên một mảnh ván sơn xanh. Ống nói ở cách môi tôi có vài phân. Qua khung kính tôi nhìn xuống hàng ghế đầu tiên: chỗ dành cho Phillipe vẫn còn trống, chàng đến trễ. Mới thế mà tôi đã cảm thấy hơi khó chịu. Chàng cần phải tới ngay. Tôi cần trông thấy chàng, trông vào mắt chàng để trả lời đúng. Nhất là hôm nay! Mồ hôi bắt đầu rỉ ra trên trán tôi.

- Cô Dutheil, một tiếng nói bỗng cất lên trong ống nghe, câu hỏi đầu tiên tôi có hân hạnh được hỏi cô liên quan tới văn chương Pháp; sau đây là câu hỏi: “Flaubert đã đưa ra trong một cuốn tiểu thuyết có tính đả kích của ông hai nhân vật tiểu tư sản, đồng thời với ông, mà ông cho suốt ngày cãi cọ về bất cứ một đề tài gì, vấn đề gì. Vậy tựa đề của cuốn tiểu thuyết đó là gì? Cô có mười phút để suy nghĩ trước khi trả lời. “Câu này tôi biết, cuốn tiểu thuyết đó tôi vừa đọc trong dịp hè vừa qua. Bằng một giọng chững chạc tôi trả lời: “Bouvard và Pecuchet”. “Vâng, thưa cô, câu trả lời tuyệt vời”. Điều ngộ nghĩnh là tôi nhìn thấy ở trong rạp những bàn tay mọi người vỗ mà không nghe thấy tiếng, vì ống nghe của tôi vừa bị cắt khi người ta quay sang hỏi bà Quelennec, cố nhiên cũng một câu hỏi đó. Khó cái là tôi không trông thấy được bà ta và không nghe được bà ta trả lời ra sao. Rồi còn Phillipe, sao mãi chàng chưa tới? Tối nay chàng phải làm một cái phóng sự khác chăng, hay chàng bị kẹt xe trên đường đi. Hay là chàng bịnh, hay là sao? Tuy nhiên chàng đã có ý định đến vì tới giờ này, chiếc ghế bành mầu đỏ dành cho chàng vẫn còn bỏ trống ở ngay hàng đầu. Những người đưa chỗ đã không cho ai ngồi vì chung quanh có người đứng mà. Tôi sốt ruột quá, sốt ruột quá!

- Câu hỏi thứ nhì, thưa cô Dutheil, liên quan tới điện ảnh. Cô có thường đi coi chiếu bóng không? Không à? Vậy xin cô hãy lắng tai nghe kỹ câu hỏi: Cô đào nào đóng chung với Jean Marais trong cuốn phim “l’Eternel retour”?

- À, cuối cùng, Phillipe đây rồi. Tôi đã trông thấy bóng dáng cao ngồng của chàng trong lúc chàng đang lách qua các khán giả để tiến về ghế dành cho mình…

- “Chỉ còn hai giây…” À, phải, cô đào đóng chung với Jean Marais là… rồi, Micheline Presle, đúng là Micheline Presle chứ ai. “Thưa là Micheline Presle”, tôi trả lời trong ống nói. Một vài giây im lặng hắc ám rồi tôi nghe thấy: “Than ôi, sai rồi cô ạ. Micheline Presle không đóng trong phim “l’Eternel retour”. Câu trả lời mà tôi chờ đợi ở cô là Madeleine Sologne. Tôi sợ rằng cô đã nhầm với phim “Le diable au corps” mà Micheline Presle quả có đóng chung với Jean Marais.”

Dĩ nhiên là tôi biết rằng ngồi ở dưới, Phillipe đã giơ cánh tay làm một cử chỉ ngao ngán về hướng tôi đứng. Nhưng chính là lỗi của chàng, việc chàng tới đã làm tôi đãng trí, và từ đầu buổi thi tôi luôn luôn mải nghĩ đến chàng, thay vì lẽ ra phải để hết tâm trí suy nghĩ. Ồ! anh có thể đặt tập giấy ghi và rút bút ra, nhưng quá muộn mất rồi. Anh chỉ còn có thể tường thuật vụ thất bại của em. Trừ phi bà Quelennec cũng trả lời sai… Trời, sao cái phòng kiếng này nóng thế này? Nhìn cái ống nói mà thấy gớm!

- Đây là câu hỏi thứ ba và là câu trước câu cuối cùng. Câu này liên quan tới một vấn đề thời sự: Cái bè trên đó bác sĩ Bombard đã vượt Đại Tây Dương tên gọi là gì?

- Cái Kon Tiki? Không, cái Kon Tiki là mấy người Na Uy vượt Thái Bình Dương. Cũng không phải chiếc “la Méduse”; chiếc này xưa như trái đất. Cố nhớ xem nào: Bombard lui cui có một mình trên chiếc xuồng nhỏ, rồi ông ta vớt những sinh vật nổi trên biển mà ăn. Bè đó tên là… tên là… Ôi Phillipe ơi anh giúp em đi. Phillipe ơi… Rồi! Em nhớ ra rồi! Bè đó tên là “l’ Hérétique”! “Bè đó tên là Hérétique”, “Vâng, đúng câu trả lời đã đúng nhưng cô làm chúng tôi sợ quá, xin hẹn tí nữa gặp lại”. Phillipe đặt bút xuống để vỗ tay. Chàng nở một nụ cười rạng rỡ và khẽ gật đầu tỏ dấu tán thưởng. Chao ôi! giờ chỉ còn câu hỏi cuối cùng. Nếu tôi trả lời đúng nữa tôi đã có ba câu đúng trên tổng số bốn câu, và tôi có một hy vọng nhỏ đánh bại bà Quelennec và sau đó bà chỉ còn việc cuốn gói ra về. Chắc gì bà ta biết “Bouvard và Pecuchet”, “l’Hérétique” hay “Madeleine Sologne”. Ở Saint Brieuc chắc gì có người giỏi như thế!

- Và đây là câu hỏi cuối cùng của buổi phát hình chiều hôm nay. Tôi thấy cần phải nói ngay cho cô biết rằng đây là một câu hỏi về lãnh vực thể thao, và tôi nhận thấy cô nhăn mặt có vẻ như muốn trả lời một câu về lãnh vực khác. Tuy nhiên, nếu cô là người thích xem đua ngựa… Câu hỏi như sau: Trong cuộc đua đoạt giải Lớn của Thành phố Paris, khoảng cách đua là bao xa? Lúc này tôi cảm thấy trong người nôn nao như muốn ói. Tôi chưa hề bao giờ tới trường đua và tôi, ngay từ đáy lòng, vẫn ghét bọn ưa cá ngựa. Chả nên đem một câu như thế này để hỏi một thiếu nữ. Đây là một câu hỏi dành cho đàn ông, hơn nữa đây cũng là một câu hỏi chẳng đáng kể gì. Giải thưởng Lớn thành Paris, tôi chẳng biết nó được tổ chức ở đâu, vào ngày giờ nào? Tôi hoàn toàn mù tịt. Thây kệ, tôi sẽ không trả lời… Em nhìn anh Phillipe và anh hãy nhìn trả lại em đi; anh giơ cao cán bút và trên trán anh xuất hiện một vết răn lớn. Thật là ngộ, qua làn kính em thấy anh gần như có vẻ đau khổ. Còn em thì không, không! Anh biết đấy, thế là hết, và em cóc cần!

- Thời gian đang trôi qua, hãy cho tôi một câu trả lời gấp. Nếu cô không biết, hãy cứ nói đại một con số, biết đâu lại trúng! Bằng một giọng nói gần như giận dữ, tôi đáp: “Khoảng cách đua cho Giải Thưởng Lớn thành Paris là 10 cây số”; qua ống nghe, tiếng cười rộ của các khán thính giả tràn vào đầy tai tôi.

- Cô có nghĩ rằng với khoảng cách xa như vậy thì các con ngựa thuần chủng sẽ kiệt sức chết rất nhanh không? Câu trả lời đúng như sau: Khoảng cách trong cuộc đua cho Giải Thưởng Lớn thành Paris là 3 cây số. Cô thấy không…

Bỗng nhiên tai tôi ù đi và không nghe thấy gì nữa. Một chuyện khó tưởng tượng là thật vừa xảy ra. Phillipe bỗng đứng bật dậy, và chàng đang xô đẩy mọi người để đi ra. Chàng đi đầu cúi gầm xuống đất; chàng đã ra tới con đường chính giữa; chàng đang bước về phía cửa ra. Tôi còn kịp nhìn thấy chàng phía sau lưng, chàng đang đưa hai tay bẻ cổ áo có bành tô lên, rồi chàng biến dạng trong khoảng tối ở cuối rạp. Tại sao? Tại sao?

Và, trong lúc bà Quelennec đang cuống cuồng tìm câu trả lời, thì ba giọt lệ mà tôi không cách nào ngăn cản đang rơi xuống làm mặn môi tôi, còn khán giả thương xót tôi thì chắc đang nghĩ: “Con nhỏ khóc là đúng, bốn triệu quan đâu phải ít của”, thì câu trả lời cho câu hỏi tại sao bỗng lóa sáng trong tôi. Trong đầu tôi những chi tiết nhỏ lần lượt tái xuất hiện: Phillipe ngày đầu tiên đã không muốn tôi dự thi tiếp; bữa đó chàng thành thực. Nhưng rồi khi tôi được thưởng nhiều tiền hơn, chàng im lặng không nói gì cả. Và khi tôi được thưởng tới hai triệu quan, chàng thúc đẩy tôi tiến tới: tôi đã trở nên hấp dẫn!

Vâng, vâng, đúng là như vậy, chắc chắn là như vậy, tôi còn nhớ buổi chiều gặp gỡ đầu tiên chính tôi đã phải trả tiền nước; mười lăm ngày sau chàng mời tôi dự một bữa ăn tuyệt vời. Hôm đó chàng cũng quan tâm đến các quan hệ bạn bè của tôi, rồi lại dò hỏi lòng tôi nữa. Tôi thật quá ngu ngốc khi cho chàng biết sự thật là tôi cô đơn, chẳng có bạn bè gì. Và sau cùng để đánh lạc hướng, chàng đã cho tôi hay trong taxi là chàng chẳng quan trọng việc tiền tài. Nhưng dĩ nhiên, tôi không được bốn triệu quan, vậy là chàng bỏ đi! Dù sao chàng cũng là người khá chân thật, tôi không còn hấp dẫn chàng nữa thì chàng biến mất, không một lời từ biệt, không một câu vờ vịt. Đầu óc tôi vẫn sáng suốt, nhưng thực lòng tôi ước mong là mình đang nhầm; con tim tôi cố gắng phản kháng và làm tay tôi phát run lên.

- Cô có nghe thấy tôi nói không cô Dutheil? Xin mời cô rời phòng kiếng và ra gặp tôi trước sân khấu. Cuộc thi đã kết thúc.

Bà Quelennec đã ra đứng cạnh người điều khiển chương trình, bà đang cố làm duyên bằng cách lấy tay gạt một lọn tóc rớt ra ngoài dải khăn buộc đầu. Bà tuyên bố với công chúng: “Ở trong phòng kiếng nóng muốn chết!”; câu nói của bà làm nhiều khán giả cười. Người điều khiển chương trình ra đón tôi và quang tay một cánh hơi quá thân mật lên vai tôi, ông nói:

- Cô bạn thân mến, tôi có một tin xấu phải cho cô hay: bà Quelennec đã đáp trúng cả bốn câu hỏi mà sự tình cờ đã bắt tôi đặt ra chiều nay. Luật chơi khắc nghiệt (lại khắc nghiệt!) buộc tôi phải cho cô biết là không những cô không được số tiền bốn triệu quan mà cô mong muốn, mà cô còn bị mất tất cả, kể cả số hai triệu quan mà cô đã có trước buổi thi vừa kết thúc…

Vào lúc đó các khán giả ồ lên một tiếng lớn, có lẽ để tỏ nỗi thất vọng, mà cũng có thể để bày tỏ cảm tình.

- Tôi cũng rất buồn lòng vì thấy cô quá xúc động (đâu phải! tôi khóc vì Phillipe mà) nhưng, với một thiếu nữ trẻ còn cả một cuộc đời ở trước mặt như cô, cô đã tỏ ra có những hiểu biết tuyệt đối khác thường. Xin cô cho phép tôi được bắt tay từ biệt trong lúc các bạn khán thính giả của chúng ta dành cho cô những tràng pháo tay nồng nhiệt nhất.

Tôi lấy lại cái áo măng tô Tô-Cách-Lan cũ mà tôi để trên một cái ghế đẩu sau bức màn. Chỗ hậu trường này rất tối; sân nhà chằng chịt những sợi dây cáp đan xéo nhau. Hai người thợ mặc áo choàng trắng đứng dựa vào một mảng phông nhún vai khi thấy tôi đi qua và thốt lên vài lời xuýt soa như muốn chia buồn. Và đây là chiếc cầu thang sắt đưa xuống lối ra của các nghệ sĩ và mở thẳng ra đường phố. Những bước trên thang gây nên những tiếng vang ròn rã như đánh nhịp cho nỗi thất vọng trong tôi… Phillipe… bốn triệu… Phillipe… bốn triệu…

Nhưng rồi, bất thình lình, Phillipe hiện ra trước mắt tôi; chàng đứng ở chân cầu thang, tay trái đặt trên tay vịn của thang, tay mặt dang ra ngăn tôi lại. Tôi kêu lên vì ngạc nhiên. Nơi tay chàng có một mảng giấy trắng, thứ giấy các bạn biết dùng để bọc bó hoa, thứ giấy thường gây ra một tiếng động dễ thương khi người ta vò nó.

- Anh mang lại vài cánh hoa để an ủi em, chàng nói. Chuyện hơi khó chịu phải không em? Khi anh thấy mọi việc không ổn, anh nghĩ phải có cái gì để làm dịu bớt nỗi thất vọng. Đó là mấy bông cẩm chướng… bà bán hoa xui anh mua đấy!

Và chàng nói thêm:

- Ôi, mà em khóc hả? À! dĩ nhiên bốn triệu quan là cả một đống tiền; ta có thể làm được biết bao nhiêu chuyện. Anh hiểu em lắm.

Chàng hiểu lắm! Những người đàn ông sẽ còn làm đàn bà chúng tôi ngạc nhiên dài dài! Nhưng bây giờ tôi cần phải bảo chàng:

- Không phải em khóc vì bốn triệu quan, ôi Phillipe. Em…

Chàng để một ngón tay lên môi ngăn không cho tôi nói tiếp… Đàng sau đôi mắt kính, cái nhìn của chàng bỗng trở nên âu yếm lạ thường…

Trên con phố vắng, một cơn gió lớn bỗng quấn lấy chúng tôi. Tại sao tự nhiên tôi bỗng muốn phá lên cười? Phải chăng vì mớ tóc của Phillipe lại rối bù lên? Phải chăng vì chàng nắm lấy tay tôi, hay phải chăng vì tôi đã lo sợ vu vơ như đứa trẻ ở trong bóng tối đã hoang tưởng rằng ngoài kia ánh sáng chẳng còn chan hòa nữa?

Vũ Anh Tuấn dịch một truyện của Olivier RENAUDIN

Bài đã đăng
Truyện vui thời @
Thư chúc tết năm Nhâm Thìn
CẦN PHẢI HY SINH CON BÀI ĐẦM *
Truyện 34: Mái ấm tìm về
Truyện 33: Những bước chân của tử thần
Truyện 32: Một cuộc săn người
Truyện 31: Nhà điêu khắc kinh hoàng
Truyện 30: Chúa trời, Anh và Em
Truyện 29: ĐỀN TỘI ĐỀN TÌNH
Truyện 27: Viên ngọc bích thành Ramapour
Truyện 26: Tình oải
Truyện 25: Xưng tội lần chót
Truyện 24: Tình thù
Truyện 23: Tham vọng tội lỗi
Truyện 22: Lưỡi gươm đẫm máu
Truyện 21: Ngày tận thế
Truyện 20: Lộng giả thành chân
Truyện 19: Lòng lang dạ thú
Truyện 18: Giây phút kinh hoàng
Truyện 17: Vụ án ông già bảo vệ
Hai bài thơ về tranh Bùi Xuân Phái
Em có biết
Cái chết vui vẻ
Truyện dịch 16: Chơi gác tử thần
Truyện dịch 15: Vụ án ông già Noël
Truyện dịch 14: Hồn ma chạm súng
Truyện dịch 13: Một cái chết đúng lúc
Truyện dịch 12: Đường về thánh địa
Truyện dịch 11: Onathbabou, người hay ma?
Truyện dịch 10: Mưu thần chước quỷ
Truyện dịch 9: Một giải Oscar cho tội ác
Truyện dịch 8: Nỗi sợ khôn tả
Truyện dịch 7: Nét chữ tên sát nhân
Truyện dịch 6: Cái chết được đoán trước
Truyện dịch 5: Kẻ cắp gặp bà già
Truyện dịch 4: Sai một ly đi một dặm
Truyện dịch 3: Hai chiếc nhẫn đầu rồng
Truyện dịch 2: Chiếc bình đời Minh
Truyện 1: Hảo mộng (tiếng Việt - Anh)
 
Netadong.com thiết kế