Hiện có 2 người xem / 2532975 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        
 
Truyện 31: Nhà điêu khắc kinh hoàng
Truyện kinh dị của JEAN RAMEAU

Sự việc bắt đầu từ ngày nhà điêu khắc Albert Teigguert trở về sau một chuyến đi du lịch ở Hy Lạp. Sau trên 20 năm sống âm thầm, cần cù, bên các bia mộ và phù điêu đủ loại, Teigguert vẫn hoàn toàn là một nhà điêu khắc vô danh, chẳng được ai biết đến.

Một ngày đẹp trời, có lẽ vì đã chán ngấy cuộc sống của một nghệ sĩ không tên tuổi, tài năng không được người đời biết đến, Teigguert đã quyết định làm một chuyến đi qua Hy Lạp, trước là để tìm cảm hứng mới, sau là để chạy trốn cảnh nhàm chán ngày này sang tháng khác làm việc “theo đơn đặt hàng”.

Thế là Teigguert đi Hy Lạp mà không cho một ai biết lộ trình, chỗ ở, cũng như thời hạn của chuyến đi. Sau nhiều tháng vắng mặt, các bạn bè của chàng, người thì bảo chàng đi du ngoạn ở quần đảo Ioniennes, người thì bảo chàng đang ở Olympie…

Một năm sau, chàng trở lại Pháp, mang về một vẻ mặt có phần hưng phấn, nhưng cũng có hơi già đi: tóc hai bên thái dương đã nhuốm bạc, thỉnh thoảng lại máy môi, nhất là cặp mắt, khi xưa trong sáng bao nhiêu thì bây giờ vẩn đục bấy nhiêu, có vẻ luôn luôn đượm vẻ lo âu, dao động… Tuy nhiên, Teigguert quả đã không để uổng phí thì giờ trong lúc chàng đi du ngoạn, vì chàng mang về một số lượng rất lớn hành l‎ý, không kể một chiếc hòm rất lớn mà chàng đã cẩn thận chùm lên một tấm vải bố thật đầy, được buộc thật chặt chẽ, kiên cố.

Trở về sau một năm vắng mặt, nhà điêu khắc của chúng ta có vẻ như đã chán ghét cảnh phồn hoa, và muốn có một cuộc sống êm lắng, đơn độc. Vừa về tới nhà, chàng vội vã bán căn hộ nhiều phòng và xưởng vẽ để chuyển về miền Tây-Nam nước Pháp, mua một tòa biệt thự ở một vùng đất đầy ao hồ và rừng thông.

Từ phút này trở đi Teigguert một mình sống trên một vùng đất rộng rãi, xa vắng, cách xa xóm giềng gần cả 10 cây số; chàng chẳng gặp ai, chẳng tiếp ai, thảng hoặc, chỉ có một vài người thợ lấy nhựa thông thoáng trông thấy chàng từ xa.

Sáu tháng đã qua đi, dài dặc và chậm rãi. Trong suốt thời gian đó Teigguert làm việc một cách hoàn toàn cô đơn. Rồi chàng bỗng tái xuất hiện ở Paris và tuyên bố mở một cuộc triển lãm các tác phẩm mới. Chàng đã tự mình lo tổ chức tất cả mọi việc và đã thuê hẳn một phòng Trưng Bày rất lớn, các bạn bè chẳng ai hay biết một tí gì, khiến ai nấy đều có phần ngạc nhiên.

Cuộc triển lãm là một thành tựu lớn, một phát hiện mới mẻ, độc đáo. Quá khứ vô vị của Teigguert lùi xa vào dĩ vãng, và chàng nổi cộm lên như một nhà điêu khắc tạc tượng thú vật vĩ đại nhất từ trước tới nay. Người thưởng lãm đặc biệt chú ý tới những đường nét rất sống động và lạ là rất hãi hùng, toát ra từ các tác phẩm của chàng, để rồi như lây lan cả sang những người xem các pho tượng đó.

Teigguert được các nhà phê bình phong tặng là nhà điêu khắc hiện thực nhất, đã tạo ra những tượng thú vật sống động nhất và cho chúng những nét hãi hùng nhất, tóm lại chàng đã thành một nhà điêu khắc lớn. Vì biết tận dụng sự thành công, nên chỉ trong một thời gian ngắn, tiếng tăm của chàng vang dậy ở khắp Paris… Rồi, bỗng nhiên một buổi sáng, như thầm tuân theo một tiếng gọi bí ẩn và gấp rút, chàng lại một lần nữa rời bỏ Paris và tất cả mọi vinh quang để trở lại tòa biệt thự xa vắng, nơi vùng ao hồ.

Sau cuộc bỏ đi, cả một huyền thoại được tạo dựng ra quanh trường hợp của nhà điêu khắc Teigguert. Thiên hạ đồn rằng chàng vốn là một đạo sĩ vùng rừng thông, sống đơn độc, đạm bạc với những ác mộng đã cho chàng cảm hứng để tạc ra những pho tượng thú vật đẹp một cách hãi hùng như vậy.

Các phóng viên báo chí, từ khắp các phương trời đổ tới đòi phỏng vấn, đã đều phải chịu thua trước cảnh cửa đóng then cài, kể cả các cửa sổ, của tòa biệt thự hoang vắng.

Tuy nhiên vì chịu sức ép quá mạnh và vì được yêu cầu phỏng vấn quá nhiều, Teigguert đành nhượng bộ bằng cách chịu mở các cuộc họp báo nho nhỏ ở ngay trước cửa tòa biệt thự, trên một mảnh đất trống… Mỗi lần xuất hiện trước các phóng viên, chàng luôn luôn có thái độ nóng nảy, cáu kỉnh, lúc nào cũng như sẵn sàng gây sự với những người đối thoại. Một lần, chỉ sau vài phút trả lời phỏng vấn và cho chụp hình, chàng đã càu nhàu kết thúc cuộc họp báo để bỏ ra về, và về đến biệt thự là chàng đóng ập ngay cửa lại.

Quả thật là tất cả những gì liên quan tới Teigguert đều rất bí mật: cung cách làm việc với cửa ngõ đóng kín mít, cuộc sống đơn độc, cách chàng mở họp báo trước cửa tòa biệt thự, vẻ mặt luôn luôn vô cớ cáu kỉnh, nóng nảy, và, bí mật hơn tất cả, THỨ ĐÁ NGUYÊN LIỆU CHÀNG DÙNG ĐỀ TẠC CÁC PHO TƯỢNG THÚ VẬT, loại đá kỳ lạ chưa ai biết rõ là thứ đá gì, đã cho các pho tượng một sức sống của chính chúng, một sức sống như bị giam cầm từ bên trong muốn vượt ra ngoài, đồng thời cũng là một yếu tố chính yếu mang lại thành công lớn cho các tác phẩm điêu khắc của chàng.

Nhà báo George Tibault là một trong những người đầu tiên thắc mắc, và muốn phỏng vấn Teigguert và nguồn gốc và tính chất của thứ đá lạ đó. Tibault không phải là người hay chú ‎ý tới các điều vớ vẩn, nhưng chàng thấy trong vụ này có một cái gì đó mờ ám, không ổn, “một cái gì đó mà có ngày ông phải để mắt tới”, như chàng một hôm đã nói với Thanh Tra Prieuré, bạn chàng.

Trong các cuộc họp báo ngắn ngủi, Tibault đã đặt câu hỏi này với nhà điêu khắc rất nhiều lần, nhưng lần nào Teigguert cũng thoái thác, hoặc làm ngơ như không nghe thấy câu hỏi. Đương nhiên, nếu nhà điêu khắc muốn tự tạo cho mình một huyền thoại, thì đó là quyền của ông ta, cũng như Tibault có quyền tự do thắc mắc, và suy nghĩ về điều mình thắc mắc.

Một bữa nhà báo hỏi nhà điêu khắc: “Tại sao với tài năng xuất chúng của ông, ông chỉ tạo tượng thú vật mà không chịu tạc tượng người?” Nghe hỏi, Teigguert tái mặt, lúng túng mất một lúc, rồi trả lời một cách yếu ớt:

- Trong cuộc triển lãm sắp tới, tôi có thể…

Rồi chàng bỏ ra về liền, bước đi thất thểu y như người vừa tỉnh một cơn mê.

Trong khi chờ đợi cuộc triển lãm “sắp tới” đó, Tibault đã không ngồi không, và vì thế, một buổi sáng, Thanh tra Prieuré thấy chàng xuất hiện ở văn phòng của ông, áo quần sốc sếch, râu tóc rậm rì không cạo.

- Chào ông, tôi bận quá cỡ, bù đầu luôn!

- Bạn làm gì vậy?

- Trong hai bữa nay tôi chạy ngang, chạy dọc suốt khắp Paris, lên thang, xuống thang, nhà điêu khắc bí mật ấy mà. Tôi hiện đang có trong tay bản sao gần một trăm hóa đơn, của ba mươi bảy cửa hàng khác nhau, cho thấy họ đã bán cho Teigguert đúng một trăm chín mươi hai…

- Pho tượng hả? À, tôi hiểu rồi, nhà điêu khắc của chúng ta là…

- Trời thần ơi, không phải vậy! Không phải là một trăm chín mươi hai pho tượng mà là một trăm chín mươi hai con vật đủ loại, mua ở mỗi nơi một số con và mua lúc chúng còn sống nhăn.

- Vậy thì, ông bạn Sherlock Holmes của tôi ơi, chuyện này có gì là lạ?

- Đây cũng chính là câu hỏi tôi đang có trong đầu.

- Chà! Chuyện này có quái gì là bí ẩn mà mất công thắc mắc. Hắn mua các con vật đó để làm mẫu chứ gì, và như vậy trong biệt thự của hắn chắc chắn phải có một số thú nho nhỏ!

- Quỷ thần ơi, hãy nghe tôi nói tiếp đã. Hôm nọ tôi có thâu băng một cuộc phỏng vấn trong đó Teigguert tuyên bố ông ta chỉ tạc tượng cách duy nhất là theo trí nhớ và qua các phác thảo, KHÔNG BAO GIỜ DÙNG MẪU THẬT, ông nghe thấy không KHÔNG BAO GIỜ DÙNG MẪU THẬT.

- À, kể cũng lạ nhỉ.

- Chưa hết! Việc này xin ông nhớ hộ là tôi đã điều tra cực kỳ cẩn thận, để đi đến kết quả duy nhất và để nghĩ là: “Từ lúc trở về từ Hy Lạp tới giờ, Teigguert chưa hề đặt mua của ai một gờ ram đá nào ở trong toàn nước Pháp này. Hơn nữa thứ đá mà hắn sử dụng lại chưa được ai biết tới, ngay cả các chuyên gia địa chất cũng chịu không biết là thứ đá gì”

Vừa nói nhà báo vừa dùng tay đấm mạnh xuống bàn để nhấn mạnh những lời chàng nói, và Thanh Tra Prieuré chưa hề bắt gặp người bạn mình ở trong trạng thái bị kích động như vậy. Sau khi ngưng lại một giây lát, Tibault nói tiếp:

- Ta có thể kết luận là: một là hắn đã tuyên bố không bao giờ vẽ theo mẫu thật, nhưng đã mua một trăm chín mươi hai con vật mà không biết bây giờ hắn đang nuôi ở đâu. Hai là hắn đã tạo ra hàng trăm kilo thứ đá lạ chắc là bằng cách phù phép và thổi lên trên!

- Thổi lên trên cái gì? Trên lũ thú vật à?

- À, biết đâu đó! Tại sao ông không chịu mở một cuộc điều tra nho nhỏ?

- Nè, George, anh dư biết là tôi chẳng thể mở một cuộc điều tra vì những lý do ấm ớ như vậy, phải không?

Nhưng rồi viên Thanh Tra sẽ có những lý do nghiêm trọng hơn nhiều, để để mắt tới một vài khía cạnh của tài năng điêu khắc của Albert Teigguert.

Lần đầu tiên, nhà điêu khắc tài ba vừa triển lãm những tượng tạng người: có tất cả ba pho tượng, một tượng khỏa thân, một tượng người du thử du thực, và một tượng người thợ trích nhựa thông đang làm việc. Các pho tượng rất sống, rất thực, và trên các nét mặt, nhà điêu khắc đã nhấn mạnh thêm vẻ sợ hãi, có thể nói đến kinh hoàng. Các nhà phê bình đều đồng quan điểm nhận thấy ở Teigguert một bậc thầy của một trường phái điêu khắc mới: trường phái “biểu hiện một sự hãi hùng siêu tự nhiên”.

Thanh Tra Prieuré không chia sẻ quan điểm đó với các nhà phê bình nghệ thuật, khi ông lần lượt được thông báo về hai sự việc vừa xảy ra ở một ngôi làng, ở kế ngay bên nơi nhà điêu khắc cư ngụ. Ông đã lần lượt nhận được hai lá đơn tố cáo kẻ vô danh, một đơn của một nông gia là Auguste Casenaute thưa kẻ vô danh đã dụ dỗ đứa con gái vị thành niên của mình, và một đơn của một người đàn bà tên là Tabouis, cũng thưa kẻ vô danh đã bắt cóc Aristide Tabouis, người chồng của bà ta làm nghề trích nhựa thông. Cố gái và người thợ lấy nhựa thông đã biến mất từ hơn hai tuần lễ kể từ lúc họ đang có mặt ở gần ngôi biệt thự của Albert Teigguert.

Tibault tình cờ có mặt tại văn phòng Thanh Tra Prieuré khi ông nhận được các tin nói trên. Nhà báo nhảy lên và hét lớn:

- Rồi! bây giờ ông nghĩ sao đây? Từ khía cạnh bí ẩn, sự việc đã chuyển sang khía cạnh hình sự rồi. Chả còn nghi ngờ gì nữa, kẻ vô danh chính là Teigguert! Tất cả mọi diễn biến đều khớp với nhau, ông muốn cá gì tôi cũng cá là ngay lúc này, ở một nơi nào đó, có một người du thử du thực đang khóc tìm người bạn mất tích của mình.

- Người du thử du thực?

- Ông vẫn còn chưa chịu hiểu!... Tên điêu khắc này là một tên quỷ sứ! Và ba pho tượng là...

- Anh muốn nói là hắn đã...

- Đúng, người ta không bắt cóc người mẫu. Người mẫu thì thừa ở đâu chả có, có khó khăn gì! Hắn là một tên sát nhân nguy hiểm, tôi đoán chắc như vậy! Tôi chính thức tố cáo Albert Teigguert đã biến thành tượng đá các sinh vật bằng một phương pháp nào đó mà tôi không được biết, và cũng không hề muốn biết.

- Biến thú vật thành tượng à?

- Biến cả người ta nữa!

- Thật khó tin, thật ma quái! Nhưng chúng ta có quá ít tang chứng. Có thể hắn là một thằng điên, nhưng còn giết người cách ghê tởm như vậy thì có lẽ phải xét lại đã!

- Prieuré ơi, nghe đây này, nghe cho kỹ đây này: một trăm chín mươi hai con vật, không một gờ ram vật liệu, một thứ đá lạ, ba pho tượng người, và hai đơn tố cáo kẻ vô danh. Hãy nhớ lại: pho tượng khỏa thân có thể là thiếu nữ mất tích, người thợ lấy nhựa cũng vậy, còn người du thử du thực thì sẽ chẳng có ai chú ý tới sự còn hay mất của anh ta. Chúng ta đang phải đối phó với một tên điên nguy hiểm, loại người chỉ có trong các truyện ra từng kỳ...

- Thôi được, chúng ta đi! Phải tìm nhà điêu khắc hãi hùng này ngay, và nếu quả như lời anh dự đoán, các “ tác phẩm” chắc hãy còn đang toát mồ hôi lạnh bên trong các bộ áo đá của họ!

Thanh Tra Prieuré bất thần tắt ngấm đèn pha của chiếc xe Citroen 15 mã lực. Xe chạy từ từ trong bóng tối thêm vài trăm mét rồi ngừng hẳn. Chuyến đi làm hai người mệt nhoài. Đêm rất nóng và bầu trời đen xanh u ám nơi vùng ao hồ đầm lầy. Phía trước, cách xa khoảng hai, ba trăm mét, người ta thấy thấp thoáng sau những rặng thông ngôi biệt thự của Teigguert, một khối đen âm u, thầm lặng.

Hai người xuống xe, lặng lẽ tiến về ngôi biệt thự, đi qua khu rừng thưa, để đến trước khu đất trống.

Vài phút sau họ đã đến sát rặng thông, các khung cửa sổ đóng kín mít trông như những mí mắt của một xác chết.

- Có thể nó có súng.

- Chắc chắn là như vậy.

Viên Thanh Tra rút súng, rút chốt an toàn, và khi thấy Tibault không có vũ khí, ông đưa cho chàng một khẩu súng khác, sau khi kiểm soát là súng đã có đạn đầy đủ. Tiếng động khi ông lắp băng đạn như phá vỡ sự im lặng nặng nề của đêm nóng nực này. Tibault nắm chặt lấy súng và cũng rút chốt an toàn.

- Nào, mình vào

Hai người đi sát bên nhau qua rặng thông vì phía trước hoàn toàn không có gì để ẩn núp. Tuy nhiên, không hề có một tiếng động phát ra từ phía bên trong tòa biệt thự.

Đến trước cửa ra vào Thanh Tra Prieuré cẩn thận nhìn trước nhìn sau, trong khi nhà báo đang tìm cách nậy một cửa sổ, nhưng không được.

Viên Thanh Tra cầm quả đấm của cửa ra vào, và tuy không trông mong gì, ông cũng khẽ vặn quả đấm và khẽ đẩy vô phía trong: bất ngờ, cánh cửa mở ra dễ dàng.

Hai người trao đổi một cái nhìn đầy ngạc nhiên và lo sợ, những hạt mồ hôi rỏ rớt trên trán họ. Họ nắm chắc tay súng.

Tibault bất ngờ nhảy xô vào căn phòng. Thanh Tra Prieuré theo sát đằng sau và xô Tibault nép vào một bức tường chăn ngang. Prieuré hất hàm chỉ vào khuôn hình chữ nhật sáng xanh do cánh cửa mở tạo ra, ý nói đứng ở đó là tự mình biến thành một mục tiêu quá rõ rệt. Hai người tập trung cao độ, cố gắng nghe xem có động tĩnh gì từ phía bên trong, nhưng ở phía trong, sự im lặng lại còn siêu tự nhiên hơn là ở bên ngoài.

Nhà báo mò tay rên vách và bắt gặp một nút bật điện.

- Tôi thấy có một nút bật điện, Tibault thì thầm.

- Bật lên đi, viên Thanh Tra ra lệnh.

Ngọn đèn bật sáng, một ánh sáng chói chang, tràn ngập. Họ đang ở trong một hành lang có chứa đựng nhiều tủ kính, trong đựng các món đồ chơi, phía sau có một cái giá treo quần áo bằng tre phủ sơn mài. Những vật đó không được họ chú ‎ý bằng một trong nhiều cánh cửa nằm rải rác ở hai bên hành lang. Cánh cửa này bị bứt ra khỏi bản lề, và bị xé nát như vừa có một trái lựu đạn nổ, các mảnh gỗ nhọn, bén, văng ra tứ tung để lại những vết răng của gẫy nát.

- Thế này là thế nào? Phải chăng Teigguert cảm thấy sắp bị phát giác nên bỏ trốn và phá hủy hết trước khi đi?

- Tôi sợ là như vậy. Và rất có thể là hắn cũng đã chết, mang theo bí mật của hắn.

Vứt bỏ hết cảnh giác, Tibault bỗng chạy về phía cánh cửa gãy nát, đẩy ra một bên và đứng sững lại. Chàng bỗng cảm thấy buồn nôn và thấy cần phải vịn tay vào cái bản lề hư để khỏi ngất xỉu, rồi chàng quay vội mặt đi để khỏi phải nhìn quang cảnh mà chàng vừa khám phá ra ở trong căn phòng.

Thấy mặt người bạn mình xám ngắt và thấy anh ta quá sợ hãi, Thanh Tra Prieuré lo ngại tiến lại gần. Ông cũng thấy rợn tóc gáy khi thấy trước mặt mình pho tượng một người đàn ông, có thể đã bị chết ngạt vì điên loạn và sợ hãi, như các nét kinh hoàng trên khuôn mặt cho thấy. Và, kỳ lạ hơn cả là pho tượng lại chính là tượng Albert Teigguert!

- Sao lại thế này được nhỉ? Tibault nói tiếp. Thật quá kỳ lạ! Đúng là hắn rồi... cái mụn cóc trên trán... các vết sẹo dài trên mu bàn tay mà tôi đã trông thấy nhiều lần...

Cả hai chẳng hiểu chuyện đã xảy ra làm sao. Tất cả đều kỳ ảo, như một trò đùa ma quái.

- Nó không thể tự nó biến thành tượng đá, nhà báo nói gần như hét.

- Chúng ta sẽ tìm hiểu sau. Tôi đi lấy xe mang lại cửa biệt thự. Phần ông, trong lúc đợi, hãy cố gắng kiếm một tấm bạt lớn để chúng ta có thể khiêng tượng này ra xe. Ta không thể để nó lại đây được.

- Ông để tôi ở lại đây một mình với của nợ này hả? Nhà báo vừa run vừa lấy tay chỉ vào tượng Teigguert. Cố gắng lắm mà chàng vẫn chưa rời mắt được khỏi cái nhìn của pho tượng đá, rồi, như hơi bình tâm lại được chàng nói:

- Vâng, ông đi mang xe lại đi!

Sau khi viên Thanh Tra đi khỏi, Tibault tưc khắc đi tìm một cái bạt lớn để tí nữa khiêng bức tượng. Chàng cảm thấy phải làm ngay một việc gì đó để đỡ sợ. Chàng mở một cái tủ và thò tay tìm ở các ngăn.

Bỗng có tiếng động mạnh trên sàn nhà. Tibault linh cảm thấy có ai đó hiện diện ngay ở đằng sau. Phản ứng đầu tiên của chàng là muốn quay đầu lại nhìn, có một cái gì như ra lệnh cho chàng phải quay lại, nhưng cũng lại có một cái gì như khuyên chàng chớ quay lại. Chàng rút vội súng, khẩu súng mà khi nãy chàng đã bỏ vào túi. Một vật gì như một sợi dây mềm và nhầy nhụa bỗng vươn tới và quấn vào quanh cổ chàng, rồi thêm một sợi nữa, một sợi nữa. Những giây nhầy nhụa này không thắt lại, nhưng chúng như muốn làm cho đầu và thân chàng quay lại phía sau. Chàng bỗng thấy buồn nôn, thấy cổ quá ngứa, khó mà giữ để khỏi nôn, và hai chân chàng như khuỵu xuống. Chất nhờn ở sợi dây làm chàng sợ run lên không kiềm chế nổi. Nỗi hoảng sợ kinh hoàng bỗng xâm chiếm toàn thân chàng và, trong giây lát, chàng đã tưởng mình phát điên. Hình như có một sức mạnh dai dẳng, vô hình, muốn chỉ huy trí óc của chàng và bắt chàng phải quay đầu lại để nhìn, và cũng chính lúc này, trong thâm tâm, chàng bỗng hiểu rất rõ là nếu tuân lời mà quay lại là chết...

Do đó, trong một cố gắng tột cùng, và vận dụng hết ý chí, Tibault bẻ quặt cánh tay cầm súng về phía sau và bắn luôn một lúc năm phát đạn. Một tiếng hét hãi hùng, ma quái, ngập tràn căn phòng, một tiếng thét khó có thể thoát ra từ miệng một con người. Tiếp theo là tiếng kính bị đập vỡ, tiếng cánh cửa bị phá bung ra, và bao trùm lên tất cả, vẫn là tiếng thét ma quái. Trong vòng nhiều giây, Tibault đứng chết lặng, không dám quay lại. Trong tâm trí chàng, tất cả đều trống rỗng, đầu óc, thân thể, ruột gan chàng như người bay bổng trên mây.

Chàng chợt như tỉnh lại khi họng súng vẫn còn nóng hổi bỗng đụng vào đùi bên tay mặt. Chàng liền quay ngoắt trở lại và chỉ thấy Prieuré xuất hiện nơi ngưỡng cửa. Viên Thanh Tra sắc mặt tái mét, răng đánh lập cập, môi mím chặt, chặt đến nỗi gân cổ nổi cả lên. Ông đã bước vào căn phòng vào đúng lúc Tibault bắn mấy phát đạn và ông đã trông thấy vật tạm gọi là con quái vật bỏ chạy sau khi phá nát một cửa sổ có cài then.

- Nó là cái quỷ gì vậy? Nhà báo vừa ấp úng hỏi, vừa nhìn vào những vũng nước xanh rờn màu lá cây đang rải rác trên sàn nhà.

- Nhanh lên, chúng ta đã bỏ phí mất quá nhiều thì giờ rồi. Chúng ta không thể để cho quái vật đó chạy thoát.

Cả hai người chạy vọt ra ngoài. Prieuré lao thẳng theo hướng cửa sổ bị phá vỡ, Tibault mệt mỏi cố đeo theo sau?

Vài phút sau, họ chạy lên đỉnh một đụn cát, cách đó vài chục thước là những làn sóng tràn vào rồi lại rút ra. Dưới ánh trăng, viên Thanh Tra cố nhìn thật xa trên bãi cát.

- Chắc nó đã vượt qua những cồn cát hoặc đã bỏ chạy vào rừng. Nếu nó chạy vào rừng thì e hết hy vọng đuổi kịp. Thôi, đành một may một rủi. Tôi đuổi theo hướng các cồn cát, ông đuổi nó trên bờ biển; phải bắt cho bằng được. Viên Thanh Tra vượt qua các cồn cát. Tibault cố gắng lê trên bờ biển, vừa đi vừa ngã lên ngã xuống.

- Chàng cố đuổi theo như vậy trong gần mười phút, bỗng nghe thấy năm sáu phát súng nổ. Ở trên các cồn cát Prieuré đang bắn. Tiếng thét ghê rợn hãi hùng lại vang lên và đang như lần về phía Tibault, rồi Tibault bỗng thấy ở phía trước, cách khoảng 200 mét, một thân hình người bỗng chồm lên trên đỉnh đồi cát, nhào xuống và hộc tốc chạy ra phía bờ biển.

Ở trên cao Prieuré hét lớn:

- Bắn đi! Bắn đi chứ còn chờ gì nữa!

Tibault giơ súng nhằm vào quái vật, cò súng nảy hai lần nhưng không có tiếng nổ vì súng hết đạn. Trong lúc đó quái vật đã xuống được biển và nước đã ngập nửa thân hình của nó. Một làn sóng khác làm nó hụt chân ngã lăn xuống. Tibault chỉ kịp trông thấy một MỚ TÓC GHÊ RỢN TOÀN NHỮNG RẮN XOẮN VÀO NHAU THẬT DỮ DẰN trước khi tan biến dưới một làn sóng lớn. Sau đó tất cả trở lại bình thản, êm lặng. Đàng kia, trên bãi cát, Thanh Tra Prieuré đang dìu nhà báo Tibault đi về hướng biệt thự, và ông kết luận:

- Tôi tin là cơn ác mộng này đến đây là kết thúc, thật sự kết thúc! Ông biết không, khi Albert Teigguert đi du lịch Hy Lạp về, hắn mang theo một vật kỷ niệm thật kỳ dị và nguy hiểm đó là con Méduse (1) MỘT TRONG BA NỮ QUỶ TÓC RẮN MÀ CỔ NHÂN CHO RẰNG CÓ MỘT QUYỀN PHÉP RẤT KINH DỊ LÀ CHÚNG CÓ THỂ BIẾN BẤT CỨ AI HAY VẬT GÌ NHÌN VÀO MẮT CHÚNG THÀNH ĐÁ!...

Bản dịch của Vũ Anh Tuấn và Tr. Th. Nga

(1) Theo thần thoại Hy Lạp "Méduse” là một trong ba nữ ác qủy tóc rắn có thể biến ai nhìn vào mắt chúng THÀNH ĐÁ. Chúng là ba chị em: Méduse, Euryale, Sthéno.

Bài đã đăng
Truyện vui thời @
Thư chúc tết năm Nhâm Thìn
CẦN PHẢI HY SINH CON BÀI ĐẦM *
Truyện 34: Mái ấm tìm về
Truyện 33: Những bước chân của tử thần
Truyện 32: Một cuộc săn người
Truyện 30: Chúa trời, Anh và Em
Truyện 29: ĐỀN TỘI ĐỀN TÌNH
Truyện 28: Tiền tài, Vận may và Hạnh phúc
Truyện 27: Viên ngọc bích thành Ramapour
Truyện 26: Tình oải
Truyện 25: Xưng tội lần chót
Truyện 24: Tình thù
Truyện 23: Tham vọng tội lỗi
Truyện 22: Lưỡi gươm đẫm máu
Truyện 21: Ngày tận thế
Truyện 20: Lộng giả thành chân
Truyện 19: Lòng lang dạ thú
Truyện 18: Giây phút kinh hoàng
Truyện 17: Vụ án ông già bảo vệ
Hai bài thơ về tranh Bùi Xuân Phái
Em có biết
Cái chết vui vẻ
Truyện dịch 16: Chơi gác tử thần
Truyện dịch 15: Vụ án ông già Noël
Truyện dịch 14: Hồn ma chạm súng
Truyện dịch 13: Một cái chết đúng lúc
Truyện dịch 12: Đường về thánh địa
Truyện dịch 11: Onathbabou, người hay ma?
Truyện dịch 10: Mưu thần chước quỷ
Truyện dịch 9: Một giải Oscar cho tội ác
Truyện dịch 8: Nỗi sợ khôn tả
Truyện dịch 7: Nét chữ tên sát nhân
Truyện dịch 6: Cái chết được đoán trước
Truyện dịch 5: Kẻ cắp gặp bà già
Truyện dịch 4: Sai một ly đi một dặm
Truyện dịch 3: Hai chiếc nhẫn đầu rồng
Truyện dịch 2: Chiếc bình đời Minh
Truyện 1: Hảo mộng (tiếng Việt - Anh)
 
Netadong.com thiết kế