MỘT CUỐN SÁCH CỦA TÁC GIẢ PAULUS CỦA ĐÃ ĐƯỢC VIẾT HỒI CUỐI THẾ KỶ XIX
Sau ngày giải phóng 10 năm, vào đầu năm 1985, tôi được một người bạn giới thiệu với Ô. Dương Tấn Thinh, một cựu Thống Đốc Ngân Hàng thời Ngô Đình Diệm, đồng thời là con trai của cụ Dương Tấn Tài, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chánh - một người chơi sách cổ có tiếng ở Miền Nam lúc trước. Tôi gặp ông Thinh và được ông cho biết là ông muốn nhường lại một ít sách cổ của Cụ Tài, vì cụ thích chơi sách chứ ông thì không. Và cuốn sách Quan Chế mà tôi muốn giới thiệu với quý vị ngày hôm nay chính là một cuốn đến từ tủ sách của Cụ Dương Tấn Tài. Tác giả cuốn sách Quan Chế này là Paulus Của (1834-1897) mà tên đầy đủ là Huỳnh Tịnh Của, và còn có tên là Huỳnh Tịnh Trai, người làng phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa, ngày nay là Bà Rịa Vũng Tàu. Ông là cựu học sinh một trường Công giáo ở Poulo-Penang (Mã Lai Á). Ra trường, ông làm công chức cho Pháp và được bổ nhiệm làm Đốc Phủ Sứ năm 1861. Sau này ông đã có thời làm Chủ bút tờ Gia Định Báo, thay thế cho ông Trương Vĩnh Ký. Sách Quan Chế được in ở Saigon năm 1888, và có ghi rõ Bản in Nhà Nước (xin xem tài liệu minh họa). Sách dày 95 trang và được chia làm 2 Phần, và để có ý niệm về sách này, xin hãy cùng tôi đọc mấy dòng do chính tác giả viết dưới đây để nói về cuốn sách của mình: “Một đời phải có thể chế trong một đời, một nước phải có thể chế trong một nước. Từ nhà nước Langsa chiếm cứ đất Nam kỳ, trong sự trí quan phân chức, tuy trong tiếng Langsa đều có nghĩa phân biệt, mà bởi quan chế bất đồng, ngôn ngữ khác xa, có dịch ra thì lấy ý thể cả, khó theo cho hết nghĩa. Bởi đó trong sự xưng hô chức tước, nhiều chỗ không nhằm, muốn để y theo tiếng Tây, thì lại không tiện cho nhiều người, cũng chẳng khỏi điều lầm lạc. Vậy chúng ta xét coi hội điển nhà Thanh, hội điển Nam-Việt, lấy bên quan chế, sánh so lập làm quan chế riêng Nam kỳ, CẢ THẢY CÓ HAI TẬP: TẬP ĐẦU NÓI VỀ CHỨC TƯỚC TI THUỘC QUAN LANGSA; TẬP THỨ HAI THÌ LÀ CHỨC TƯỚC TI THUỘC QUAN ANNAM…” Phần đầu từ trang 1 tới trang 34 gồm tất cả các cơ chế của Pháp mà cách gọi ra bằng tiếng Việt Nam rất là lạ ví dụ như: - Thủy quân lục chiến hay Lính thủy đánh bộ bây giờ (tiếng Pháp là “Infanterie de la marine”) thì lúc đó gọi là “Cuộc binh bộ theo việc thủy”. - Sở Cảnh Sát (Commissariat) bây giờ, lúc đó gọi bằng một cái tên rất dài dòng là “Đạo lãnh việc lương từ”. - Vườn bách thảo (Jardin botanique) bây giờ, lúc đó gọi là “Vườn thảo mộc”. - Phòng Thương mại (Chambre de commerce) bây giờ, lúc đó gọi là “Phòng Thương chánh”. Phần thứ nhì từ trang 35 tới trang 86 được đặt tựa đề là “LỤC BỘ ANNAM (Les six ministères)” gồm tất cả các cơ chế phòng ban của bên quan lại Annam, mà cách gọi vào lúc đó cũng rất đặc biệt, thí dụ: - Bộ Nội Vụ (Ministère de l’intérieur) bây giờ, lúc đó được gọi là “Lại bộ” . - Bộ Tài Chánh (Ministère des finances) bây giờ, lúc đó được gọi là “Hộ bộ”. - Bộ Công chánh (Ministère des travaux publics) bây giờ thì lúc đó gọi là “Công bộ”. Về phía Pháp cũng như phía Việt Nam, ngoài các tên gọi của các cơ quan, ban, ngành mà tác giả Paulus Của đã cho cả định nghĩa tiếng Pháp lẫn tiếng Việt va chữ Hán, ông còn có những lời mô tả, giải thích về cung cách tổ chức, vế các chức vụ, các trách nhiệm, các mục đích vv… rất là chi tiết và rõ ràng. Với người viết, cuốn sách Quan Chế này được coi là rất quý giá, trước nhất là vì niên tuế của nó, đã gấn 120 tưổi đời, và sau đó là những cách nói đặc biệt vào cuối thế kỷ thứ 19, đồng thời nó cũng là một trong những cuốn sách cực hiếm mà ít ai còn giữ được. Đối với các nhà nghiên cứu về lịch sử, về hành chánh thì nó luôn là một tài liệu quý giá, cần thiết. Đó chính là lý do khiến người viết giới thiệu sách này với tất cả quý bạn. Trích Hồi Ký 60 năm chơi sách. Chương VI VŨ ANH TUẤN ------
|