(De Paris au Tonkin) của PAUL BOURDE
xuất bản năm 1885 Cuốn sách này là một kỷ niệm nhỏ giữa người viết và nhà giáo, nhà sưu tầm quá cố Nguyễn Văn Y. Anh Y là một nhà sưu tầm chuyên sưu tầm các sách của các tác giả người miền Nam như Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt, Hồ Biểu Chánh vv… Trên 20 năm về trước, một hôm anh ghé thăm tôi và thấy tôi có 3 cuốn sách khổ nhỏ của Hồ Biểu Chánh do nhà xuất bản Đức Lưu Phương in khoảng 1924, 1925 (tôi không còn nhớ rõ), anh thích lắm và đề nghị tôi đổi cho anh cuốn sách này vì anh biết tôi thích sách thế kỷ thứ XIX. Tôi rất thích cuốn này và chỉ tiếc có một điều là sách không có 1 minh họa nào, vì đã được xuất bản từ năm 1885 (vào thời điểm được đổi, sách cũng đã độ 105 tuổi). Đây là 1 cuốn sách viết theo dạng vừa là du ký vừa là hồi ký của một chuyến đi từ thủ đô Ba Lê (Paris) tới xứ Bắc Kỳ, và tác giả là 1 thông tín viên của tờ Thời Đại (le Temps), một tờ báo ra đời năm 1861 ở Ba Lê. Cuốn sách nhỏ này khổ 12x18cm và dày 382 trang, gồm 15 chương. - Chương I từ trang 1 - 22, nói về Địa Trung Hải và Kênh đào Suez. - Chương II từ trang 23 - 42 mô tả cảnh Hồng Hải và thành phố Aden. - Chương III từ trang 43 - 79 nói về Ấn Độ Dương và về xứ Tích Lan. - Chương IV từ trang 80 - 89 nói về Tân Gia Ba (Singapore). - Chương V từ trang 90 - 105 nói về Nam Kỳ (Cochinchine) và về thành phố Đà Nẵng (Tourane). - Chương VI từ trang 106 - 119 nói về Thành phố Cảng (Hải Phòng) và những hình ảnh đầu tiên của Xứ Bắc đập vào mắt tác giả. - Chương VII từ trang 120 - 135 nói về việc tác giả lo nơi ăn chốn ở tại Hà Nội. - Chương VIII từ trang 136 - 157 nói về thành Sơn Tây và 1 cuộc tháp tùng 1 đoàn tuần thám ở Hắc Giang. - Chương IX từ trang 158 - 178 tác giả mô tả và kể rõ những chuyện xảy ra ở Hà Nội. - Chương X từ trang 179 - 244 tác giả viết rất kỹ về việc chiếm cứ thành Bắc Ninh. - Chương XI từ trang 245 - 271 tác giả mô tả dân chúng ở Bắc Kỳ sinh sống ăn uống ra làm sao. - Chương XII từ trang 272 - 311 tác giả mô tả các kỹ nghệ của người dân bản xứ - Chương XIII từ trang 312 - 331 tác giả mô tả việc chiếm đóng Hưng Hóa và việc thuyền bè đi lại trên sông Hồng Hà. - Chương XIV từ trang 332 - 358 tác giả viết những ghi chú, cảm nghĩ cuối cùng về đời sống dân chúng ở Bắc Kỳ, tác giả mô tả việc ra về và tả cảnh vịnh Hạ Long. - Chương XV từ trang 360 - 382 tác giả trình bày các suy nghĩ cá nhân về các vụ việc xảy ra ở Viễn Đông. Cuốn sách được xuất bản năm 1885, tới nay là vừa đúng 125 năm và đáng được coi là 1 cuốn sách cổ. Quan điểm và các cảm nghĩ của tác giả CHÍNH LÀ CÁC QUAN ĐIỂM CỦA MỘT NHÀ BÁO NÊN RẤT CÓ THỂ CÁCH NHÌN SỰ VIỆC CÓ THỂ KHÁC VỚI CÁCH NHÌN CỦA CÁC TÁC GIẢ THUỘC ĐỊA KHÁC nên có thể coi là có phần nào ích lợi cho các nhà nghiên cứu lịch sử… Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI Vũ Anh Tuấn |