(2 CUỐN)
Năm 1992, một người bán sách cũ mang lại bán cho tôi bộ sách này, và cho biết là anh ta đã mua được từ tủ sách của Ô. K.T. vì ông chủ nhà sách danh tiếng này đã cùng gia đình đi định cư ở Mỹ một năm trước.
Tên đầy đủ của bộ sách bằng Pháp văn là: “UN EMPIRE COLONIAL FRANCAIS – INDOCHINE” Ouvrage publié sous la direction de M. GEORGES MASPERO (MỘT ĐẾ QUỐC THUỘC ĐỊA CỦA PHÁP – ĐÔNG DƯƠNG – 2 CUỐN - Bộ sách này được in dưới sự chỉ đạo của Ô. GEORGES MASPERO). Georges Maspero sinh năm 1872 là một Quản trị viên, vào thời đó thường gọi là quan cai trị, đã phục vụ ở Cần Thơ vào năm 1903, sau đó đã làm việc ở Tân An, Biên Hòa, Sóc Trăng và Mỹ Tho, và vào tháng 12 năm 1915 được bổ nhiệm làm thị trưởng thành phố Hải Phòng ở miền Bắc. Ông là một thông tín viên đồng thời là Ủy viên của Trường Viễn Đông Bác Cổ. Đây là một bộ sách được coi là quan trọng hàng đầu trong những sách được gọi là “Sách Đông Dương”, gồm 2 cuốn khổ 24x32cm, cuốn 1 dày 356 trang cộng với một số bản đồ. Bộ sách quy tụ nhiều bài viết của nhiều tác giả, mỗi người viết về một lãnh vực, trong đó có nhiều tác giả Đông Dương nổi tiếng như LM. Cadière, Thạc sĩ Sử Học, Giáo sư trường Thuộc Địa Etienne Chassigneux, nhà Đông phương học George Coedès, Thông tín viên Jean-Eugène Przyluski của Trường Viễn Đông Bác Cổ v.v. Bộ sách quy tụ 18 tác giả viết 18 bài về các lãnh vực khác nhau, nhưng được đặt dưới sự chỉ đạo của Georges Maspero là người viết tới 4 bài. Sau những lời nói đầu của Georges Maspéro là bài tựa của Toàn quyền Albert Sarraut. Cuốn 1 được chia làm 3 phần: - Phần I nói về Xứ sở và Cư dân cũng chia làm 3 đề mục (Địa lý hình thể, Địa lý nhân văn và Ngôn ngữ). - Phần II nói về Lịch sử cũng được chia làm 3 đề mục (Tiền sử và Nguyên sử ert Sarraut , cuo , Tổng sử, và Lịch sử về mặt Khảo cổ học). - Phần III nói về Đời sống Xã hội (Phong tục tập quán của cả 3 nước Việt-Mên-Lào, Ấn Độ giáo, Tôn giáo của người Việt và Văn học của cả 3 nước). Cuối cuốn 1, từ trang 319 tới trang 330 là phần Thủ tịch học rất có ích lợi cho các nhà nghiên cứu. Ngoài ra cuốn 1 cũng có những hình vẽ rất đẹp và một vài bản đồ cổ được vẽ từ thế kỷ thứ 18. Cuốn 2 dày 302 trang cũng được chia làm 3 phần. - Phần I mang tựa đề là Đông Đương thuộc Pháp nói về tổ chức hành chánh, các công trình xã hội, văn hóa và các công cuộc tìm tòi nghiên cứu về khảo cổ học, lịch sử, ngôn ngữ học vv… - Phần II mang tựa đề là Đông Dương kinh tế gồm 80 trang nói về kinh tế và công chánh. - Phần III mang tựa đề là Đông Dương tươi đẹp và gợi cảm nói về các thắng cảnh, về du lịch và về săn bắn. Cuốn 2 này cũng có phần Thủ tịch dày 99 trang rất là bổ ích cho các nhà nghiên cứu về Đông Dương. Người viết xin chia sẻ với các bạn đọc một vài hình ảnh cũ như hình Dinh Thống Nhất vào năm 1930 là năm sách được xuất bản, hình trường Quốc học ở Huế, hình vẽ một người đàn bà đã trọng tuổi đội nón và hình vẽ một cuốn sách mà các trang sách làm bằng vàng (xin xem hình ảnh đính kèm). Đối với những người yêu thích sách, được sở hữu một bộ sách Đông Dương có giá trị như bộ này là một niềm hạnh phúc khá lớn. Bộ sách này được đánh giá là có giá trị cao vì các người viết gồm 18 tác giả tất cả đều là những người có tên tuổi trong số những người viết nhiều về Đông Dương, nhất là những người như LM. Cadière hay G. Cordier là những người hầu như đã Việt Nam hóa nên có thể tin rằng họ tìm hiểu khá kỹ càng về người mình. Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, Chương VI Vũ Anh Tuấn |