Nói đến thơ mới thời tiền chiến, người ta nghĩ ngay tới bài Tình Già của ông Phan Khôi và một bài viết nhan đề là; “MỘT LỐI THƠ MỚI TRÌNH CHÁNH GIỮA LÀNG THƠ” đăng trên tờ PHỤ NỮ TÂN VĂN số 122 ra ngày 10-3-1932 ở Sài Gòn. Nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng đó là phát súng thần công nã vào thành trì thơ cũ để phát động phong trào thơ mới. Chúng ta hãy nghe ông Phan Khôi than phiền: “Lâu nay, mỗi khi có hứng, tôi toan dở ra ngâm vịnh, thì cái hồn thơ của tôi nó như lúng túng. Thơ chữ Hán ư? Thì ông Lý, ông Đỗ, ông Bạch, ông Tô cho án trong đầu tôi rồi. Thơ Nôm ư? Thì Cụ Tiên Điền, Bà Huyện Thanh Quan đè ngang ngực tôi làm tôi thở không ra. Cái ý nào mình muốn nói, lại nói ra được nữa, thì đọc đi đọc lại nghe như họ đã nói rồi. Cái ý nào họ chưa nói, mà mình muốn nói ra, thì lại bị những niêm, những vận, những luật bó buộc mà nói không được. Té ra mình cứ loanh quanh luẩn quẩn trong lòng bàn tay của họ hoài thực là dễ tức. Duy tân đi! Cải lương đi!” Trong Nam thì vậy ở Bắc thì có ông Thế Lữ. Từ bé tôi là người mê đọc Thế Lữ với “Vàng và Máu”, “Trại Bồ Tùng Linh”, “Bên đường Thiên Lôi”, “Lê Phong Phóng viên”, “Mai Hương và Lê Phong” nên khi thấy ông có tập “Mấy Vần Thơ” thì tôi cũng đọc và thấy thơ của ông cũng hay chẳng kém gì các truyện của ông. Thế Lữ cũng được coi như là một người đi tiên phong trong việc phổ biến thơ mới. Xin hãy lấy thí dụ một khổ thơ trong bài “Cây đàn muôn điệu”: “Dáng yêu kiều tha thướt khách giai nhân; Ánh tưng bừng linh hoạt nắng trời xuân; Vẻ sầu muộn, huy hoàng ngày mưa gió; Cảnh vĩ đại, sóng nghiêng trời, thác đổ; Nét mong manh thấp thoáng cánh hoa bay; Cảnh cơ hàn nơi nước đọng bùn lầy; Thú xán lạn mơ hồ trong ảo mộng; Chí hăng hái đua ganh đời náo động; Tôi đều yêu, đều kiếm, đều say mê.” Một đoạn thơ dài chín câu, tám câu đầu là những tân từ đặt ngược, đặt trước câu, động từ và chủ từ nằm ở cuối đoạn. Lối đặt câu như thế, ta không thấy ở thơ văn nước ta trước kia, và nếu chưa bao giờ thấy thì đương nhiên là MỚI RỒI. Bây giờ trở lại miền Nam. Ở Sài gòn, cuộc đấu tranh cải cách thơ, phát động phong trào thơ mới cũng rất sôi nổi bắt đầu từ năm 1932 khi cụ Phan Khôi đưa ra bài Tình Già. Bài thơ ra đời có kẻ nhiệt liệt hoan hô, lại có kẻ quyết liệt “đả đảo”. Sau lúc bài Tình Già xuất hiện, ông Phan Văn Hùm đã có nhận xét sau đây: “Vậy là Phan tiên sinh đã “mở bửng” cho nguồn thơ mới ở Nam Kỳ.” Người hưởng ứng tiêu biểu nhất là một nhà thơ tên là Hồ Văn Hảo quê ở Sa Đéc, ông này đã có một số bài thơ “mới” đăng trên tờ Phụ Nữ Tân Văn như bài “Con nhà thất nghiệp” (PNTV số 208 ngày 20-7-1933) mà tôi xin trích một đoạn ngắn dưới đây: “Ngọn đèn leo lét, Xác xơ một nét nhà tranh; Trên chiếu tan tành, Một trẻ thơ nằm im, xanh mét…” Những bài thơ của Hồ Văn Hảo đã gây chấn động mạnh trong văn giới Nam Kỳ và đã dẫn đến những cuộc tranh luận, bút chiến công khai mà kịch liệt nhất là cuộc tranh cãi giữa nhà giáo Nguyễn Văn Hanh (có một tác phẩm viết về Hồ Xuân Hương) và cô Nguyễn Thị Kiêm, tức là nữ sĩ Manh Manh (Nguyễn Thị). Nhà giáo Nguyễn Văn Hanh thì chỉ trích thơ mới, bênh vực thơ cũ, còn cô Manh Manh thì bênh vực thơ mới bằng nhiều buổi diễn thuyết sôi nổi diễn ra ở Hội Khuyến Học Sài gòn hồi đầu thập niên 30. Và rồi dần dần, thơ mới, thực sự chỉ muốn thoát ra khỏi những niêm luật quá bó buộc chứ “không có ý đẩy lui thơ cũ”, đã đạt thắng lợi trọn vẹn và huy hoàng mở ra một kỷ nguyên mới thơ thật sự phóng khoáng. (Dựa theo tài liệu của Bùi Đức Tịnh, Hoài Việt và Nguyễn Hữu Hiệp) Vũ Anh Tuấn |