(LES FRANCAIS AU TONKIN 1787-1884), MỘT CUỐN SÁCH CHỨA ĐỰNG RẤT NHIỀU TƯ LIỆU VỀ SỬ HỌC Tôi đổi được cuốn sách này ở nhà Cụ Dương Tấn Tài, cựu Tổng Trưởng Tài Chánh thời nhà Ngô, một người chơi sách nổi tiếng ở miền Nam khi trước. Năm 1979, tôi được một bà bạn dẫn lại giới thiệu với Cụ ở nhà số 34 đường Võ Văn Tần (Thời nhà Ngô là đường Trần Quý Cáp và thời Tây là đường Testard). Được gặp Cụ tôi thích lắm vì Cụ thật là một con người hào hoa phong nhã, nói năng cực kỳ nhỏ nhẹ. Tôi được cho xem tủ sách gia đình nhà Cụ gồm độ 6 tủ lớn chứa đầy sách và một căn phòng có đầy kệ sách trên cả bốn mặt vách. Cụ có một tủ mà Cụ để nguyên nhiều thứ sách mà Cụ đặc biệt yêu thích được giữ nguyên không đọc, và được gói thật kỹ càng, vì đây là những bộ mà Cụ để dành, vì những thứ nào mà Cụ đặc biệt yêu thích thì Cụ mua 2 bộ, một bộ để dành để vào tủ và một bộ để dọc ra và dùng thì để ở trên kệ. Nhìn những tựa sách Cụ có tôi hiểu được ngay là Cụ là một người quá sành sỏi vì các tác giả Cụ giữ đều là các tác giả danh tiếng, và phần lớn các sách Cụ có đều thuộc loại sách của các nhà xuất bản lớn. Hầu chuyện Cụ một lúc tôi được biết Cụ rất thích một loại báo Pháp rất cấp tiến là báo Crapouillot của thời kỳ đầu thế kỷ 20; báo này ra đời năm 1915 và tôi may mắn có được 3 số hồi năm 1922 vì tôi cũng thích thứ báo đó. Thấy tôi nói có ba số đó Cụ ngỏ ý muốn tôi để lại cho Cụ nhưng tôi xin Cụ đổi cho tôi lấy cuốn sách này vì thấy Cụ có tới 2 cuốn ở ngoài. Cụ đồng ý và thế là cuốn sách về ở với tôi… Sách khổ nhỏ, chỉ có 12cm x 18cm và dày 450 trang. Sách được chia thành 12 chương và có 1 lời nói đầu. · Chương 1 từ trang 9 tới trang 17, nói về những quan hệ đầu tiên giữa nước Pháp và nước Nam, về Đức Cha Bá Đa Lộc, về Gia Long, về các người kế vị, về các linh mục Công giáo bị sát hại và nói về việc chiếm Nam Kỳ qua một chiến dịch từ năm 1858 tới 1867. · Chương 2 từ trang 18 tới 35 dành gần trọn chương cho Françis Garnier. · Chương 3 từ trang 36 tới trang 71 nói về Đồ Phổ Nghĩa, về Đức Cha Puginier, về Giặc Cờ Đen và Giặc Cờ Vàng. · Chương 4 từ trang 71 tới trang 111, dành nói về Thủy Sư Đô Đốc Dupré và những dự tính của người này liên quan tới việc đánh chiếm Bắc Kỳ. · Chương 5, 6 và 7 từ trang 112 tới 257, dành trọn cho cuộc Viễn Chinh của Françis Garnier và cho nhiều chi tiết vào thời điểm trước khi chiếm Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định và có cho cả chi tiết về bọn Giặc Cờ Đen cùng tham gia tấn công Hà Nội. · Chương 8 từ trang 258 tới 273 dành nói về Philastre và việc lui quân của quân Pháp. Chương này cho chi tiết về các việc làm của các quan chức thực dân Pháp như de Trentinian ở Hải Dương, Bác Sĩ Harmand ở Nam Định, Hautefeuille ở Ninh Bình và Esmez ở Hà Nội. Chương này cho biết tất cả mọi việc làm của các người nói trên đều bị Philastre bác bỏ hết và cho lệnh lui quân, kế đó một số quân Pháp bị giết… · Chương 9 từ trang 274 tới 313 nói về Hiệp Ước ký năm 1874 và về một số nhượng bộ và quà cáp của Tự Đức dành cho Pháp, về một Nhượng địa của Pháp và về việc thực dân Pháp bắt đầu các cuộc khảo sát ở Bắc Kỳ. · Chương 10 từ trang 314 đến 343 dành cho cuộc viễn chinh của H. Rivière trong hai năm 1882 và 1883, có cho chi tiết về việc tái chiếm thành Hà Nội, thành Nam Định và việc bọn Cờ Đen nã đạn vào thành Hà Nội. · Chương 11 từ trang 344 tới trang 385 nói về các hoạt động của tên Bác Sĩ Harmand, của Tướng Bouet và của Thủy Sư Đô Đốc Courbet, về việc chiếm lại Hải Dương và về cái chết của Tự Đức, về việc ném bom và chiếm các đồn lũy ở cửa thành Huế, và cuối cùng là việc ký kết Hiệp Ước 1883. · Chương 12 từ trang 384 tới trang 411 nói về các hành động của Đô Đốc Courbet và Tướng Millot ở Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Hóa và về việc tiến chiếm mấy thành nói trên… Ngoài 12 chương đã nói trên, sách còn chứa đựng 6 bản đồ và một phần Phụ Lục từ trang 439 tới 444 chỉ dẫn cách đọc tên một số quan chức Việt Nam như Tổng Đốc, Tuần Phủ, Quan Bố, Quan Án vv… Ngoài ra, phần này cũng đăng một bức thư của Tướng Bouet gửi cho tác giả cuốn sách cho biết những đường nét chính về kế hoạch mà vì tướng này muốn áp dụng cho chiến dịch của mình. Cuốn sách về Đông Dương này còn có một đặc điểm mà ít sách khác có là nó cho biết ở hai trang cuối cùng là các trang 449 và 450 tên tất cả các tài liệu nó có chứa đựng và số trang trong sách có đăng những tài liệu đó, đồng thời nó cũng cho các chi tiết về các hiệp ước, ví dụ: Hiệp Ước 1787 nơi trang 10, Hiệp Ước 1862 nơi trang 29 của sách, Hiệp Ước 1874 nơi các trang 315 và 318 trong sách và Hiệp Ước ký ngày 25-8-1883 tại Huế nơi trang 405. Tóm lại đây là một cuốn sách tuy không ghê gớm gì cho lắm nhưng cũng có thể là một cuốn sách tốt cho các nhà nghiên cứu về lịch sử ở nước ta vì nó cho khá nhiều chi tiết… Trích Hồi Ký 60 năm chơi sách, Chương VI Vũ Anh Tuấn |