cho thấy người Pháp đã chú ý tới Đông Nam Á và có tham vọng chinh phục nước Tàu từ thế kỷ thứ XVII – Nước ta không phải là nước duy nhất bị thực dân Pháp dòm ngó vào thời điểm đó. Cách đây 300 năm, nước ta là một trong những nước đầu tiên ở Đông Nam Á được người ngoại quốc, lúc đó thường là các giáo sĩ, để ý và tìm tòi. Ngay từ đầu thế kỷ thứ XVII, vào năm 1608, một giáo sĩ Dòng Tên người Ý, Linh mục Francesco Buzomi đã tới Đàng Trong lúc đó được gọi là “Cochinchine hay Cochin-China”, sau đó vào năm 1627 thì có linh mục “Alexandre de Rhodes” (Đắc Lộ) tới Đàng Ngoài, lúc đó đựoc gọi là “Tonkin” hay “Tonquin”.Linh mục Đắc Lộ được coi là người Pháp đầu tiên đặt chân đến nước ta. Nhưng nước ta không phải là nước duy nhất ở Đông Nam Á được người nước ngoài quan tâm tới, bởi vì ngay từ thế kỷ thứ XVII người Pháp đã cử người (cũng lại một Linh mục Dòng Tên) tới Thái Lan lúc đó được gọi là “Royaume de Siam” (Vương Quốc Xiêm La), và người này, một linh mục tên là Guy Tachard, đã tới Xiêm tới hai lần, để khi trở về có viết một cuốn sách nhan đề là “Chuyến đi thứ nhì của Linh mục Tachard sang Vương Quốc Xiêm” (Second Voyage du Père Tachard au Royaume de Siam). Cuốn sách cổ trên 300 năm này vừa được bắt gặp ở thành phố của chúng ta. Là người tìm được, đọc qua thấy cuốn sách cổ này cho thấy một vài sự kiện hay hay, chúng tôi xin được ghi lại để bạn đọc đọc chơi. Sách đã mất bìa nguyên thủy và mất cả trang đầu sách (frontispice) nên không còn để niên đại. Tuy nhiên, qua bản văn, người đọc có thể dễ dàng xác định niên đại vì ở ngay đầu sách là một bức thư (Epistre) mà ở nước ta thì có thể gọi là một tờ sớ tâu lên nhà vua. Thư này được in bằng một corps chữ to gần bằng đầu ngón tay và được dâng lên Hoàng Đế Pháp Lộ Y Đại Đế (Louis Le Grand tức Lộ Y thứ XIV, còn được gọi là Thái Dương Vương hay Vua Mặt Trời-“le Roi Soleil”). Vị Hoàng Đế nổi bật của Pháp này sinh năm 1638 và mất năm 1715. Đầu thư Linh mục Tachard viết: “Tâu Hoàng Thượng, Đây là chuyến đi thứ nhì của tôi qua Xiêm theo lệnh của Bệ Hạ, và bây giờ tôi trở về xin tường trình lên Bệ Hạ…”. Cách nói này cho thấy bàn tường trình được làm lúc sinh thời của Hoàng Đế lộ Y thứ XIV, và sau đó, ở trang thứ 16 của sách (tuy corps chữ nhỏ hơn nhưng vẫn sử dụng thứ tiếng Pháp cổ) thấy có ghi ngày giờ khời hành của chuyến đi thứ nhì này như sau: “Ai nấy đã ở vị trí, gió thuận, chúng tôi nhổ neo một buổi sáng thứ Bẩy, mùng một tháng ba năm 1687…”. Chúng tôi có tra cứu một vài cuốn sách nói về thế kỷ của vua Lộ Y thứ 14 và được thấy nói qua rằng vào thời điểm đó có một giáo sĩ được gửi qua Xiêm và ở lại bên đó một thời gian ngắn. Do đó, nếu cộng cả ngày đi, thời gian đi và thời gian lưu lại ở Xiêm chuyến đi thứ nhì này không thể kéo dài hơn hai năm, và khi về, vị Linh mục Dòng Tên đó không thể để tà tà vài năm rồi mới dâng bản tường trình. Qua các sự kiện ở trên, ta có cơ sở để tin rằng sách được ấn hành trong khoảng thời gian từ 1689-1690 là cùng. Một câu trong bức thư trên đầu sách khiến kẻ đọc này buồn cười nên xin ghi lại ở đây để bạn đọc đọc chơi và cùng được thấy tham vọng ghê gớm của người Pháp thực dân vào thời đó. Thơ viết: “…và rồi Hậu Thế sẽ thấy trong số những cuộc chinh phục và những kẻ bị chinh phục của Lộ Y Đại Đế có cả Vua Xiêm và Vua Tàu, thẩy đều cúi đầu tùng phục dưới chân thánh giá Chúa Ky Tô”. (Et que la Postérité comptera parmi les Conquêtes de LOUIS LE GRAND, les Rois de Siam & de la Chine soumis à la Croix de Jésus-Christ). Đọc mấy hàng chữ này người đọc không thể không buồn cười khi thấy nước Pháp với lãnh thổ và dân số nhỏ bé như vậy muốn nuốt nước Xiêm thì còn có lý, chứ xơi luôn nước Tàu to đùng như vậy thì quả là hơi quá đáng. Thầm mong rằng đây chỉ là tham vọng của những người Pháp thực dân vào thời điểm đó; còn những người Pháp bạn hiện nay của chúng ta, văn minh, hiền hòa, ưa chuộng hòa bình nếu có gặp những dòng chữ này chắc cũng chỉ cười xòa. Mấy sự kiện nêu trên cho thấy rõ nước ta không phải là nước duy nhất được thực dân Pháp để mắt tới từ hồi thế kỷ thứ 17. Người viết chẳng phải là sử gia “sử dô” gì, chỉ là người ham đọc sách, thấy gì hay hay là lạ thì ghi lại cho các bạn đọc chơi, có gì sai sót, xin vui lòng bỏ qua. Vũ Anh Tuấn |