MỘT TÁC PHẨM CỦA CỤ Á NAM TRẦN TUẤN KHẢI Cách đây sáu tháng, tôi mua được ở dưới đường Trần Nhân Tôn một sấp báo Đời Mới của Trần văn Ân, khoảng trên 30 số. Theo thói quen, vừa mang về tới nhà là tôi đã vội lấy băng keo dán cái gáy đã bị rách lỗ chỗ, và rồi, may thay vừa cầm đếm mấy số tôi bỗng thấy rớt ra ở giữa hai số Đời Mới tập thơ Bút Quan Hoài của Cụ Á Nam Trần Tuấn Khải, vì tập thơ này chỉ dày có 48 trang và kích cỡ cũng gần bằng tờ Đời Mới. Tóm lại là người bán sách cũng chỉ tính tiền tôi bằng một số báo Đời Mới. Tôi thích quá và coi đây cũng là một chút duyên nho nhỏ với sách, và thích nhất là cuốn sách lại có mang thủ bút và chữ ký của Cụ Khải đề tặng cho một người tên là Nguyễn Văn Lực. Tôi chỉ biết Cụ Khải qua một cuốn kiếm hiệp nhan đề là “Thiên Thai Lão Hiệp” mà có lần tôi đã có được ba phần tư bộ từ đầu đến tập ba thì hết, và theo lời người bán thì toàn bộ là bốn tập, nhưng tập bốn của anh ta đã bị mối ăn hết, đành phải bỏ đi. Ngoài ra tôi còn được biết Cụ là tác giả bài thơ Anh Khóa gồm “Tiễn Chân Anh Khóa” và “Mong Anh Khóa” là những bài thơ của một tác giả có phần nào chịu ảnh hưởng của các phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục. Tôi cũng đã bỏ ra vài tiếng đồng hồ để đọc qua cuốn Bút Quan Hoài đã tình cờ đến với tôi, và bây giờ tôi xin giới thiệu sơ lược cuốn này với các bạn thành viên CLB. Một trong những lý do khiến tôi thích đọc cuốn này vì thấy ở trên bìa sách có đề là cuốn sách đã bị cấm dưới thời thực dân Pháp, hồi năm 1928. Cuốn sách này dày 48 trang và khổ sách là 16x24cm. Sách được chia làm 8 mục. Mục thứ nhất mang tựa đề là “Văn Xuôi - Một Bức Thư” và bức thư này nói về “Chủ Nghĩa Cá Nhân Tự Lập”. Đây là một bức thư của một người ký tên là Lam Hồng gửi cho một người tên là Nguyễn Cố, đại ý đề cao việc nên sống tự lập, đừng thèm trông cậy vào ai, vào thế lực nào, nhất là vào ngoại bang. Ở cuối mục này là một vài ý tưởng khá hay, tôi xin ghi lại nguyên văn để chia sẻ với các bạn: “Ỷ-lại người ngoài mà được danh giá là danh giá hão. Ỷ-lại người ngoài mà được hạnh phúc là hạnh phúc vờ. Hạnh phúc vờ, danh giá hão, cũng như anh tượng gỗ, anh tượng sành, người ta để lúc nào thì nguy nga lúc ấy, mà đạp tan đút bếp thì lại hoàn là kiếp vẫn kiếp tro. Cho nên làm người quý ở tự lập”. Mục thứ nhì mang tựa đề là “ĐIỆU SONG THẤT LỤC BÁT” và là một bài thơ tên là “HAI CHỮ NƯỚC NHÀ” gồm những lời ông Phi Khanh dặn dò Nguyễn Trãi khi ông bị quân Minh bắt giải qua Tàu. Mục thứ ba mang tựa đề là “THI CA LIÊN HÀNH” gồm những câu thơ song thất lục bát mang tên là “ĐỀ THỦY HỬ” vì Cụ Á Nam có dịch THỦY HỬ ra tiếng Việt. Ở cuối mục thứ ba này có mấy câu rất hay như sau đây: “Có sức khoẻ, làm được việc để kiếm ăn, mà không có tư tưởng tự lập, chỉ làm nô lệ người ta, là loài trâu, loài ngựa. Không có sức khoẻ làm ăn, cũng không có tư tưởng tự lập, chỉ lăn lưng trông bám vào người, sống chết thuộc về tay người khác, là loài ruồi, loài đỉa. Người mà như loài trâu, loài ngựa còn khó lòng sống được với đời, huống chi lại toàn là loài ruồi, loài đỉa, thì còn mong sống làm sao được? Kẻ có thân phải nên nghĩ đó.” Mục thứ tư mang tựa đề là “PHONG DAO” chỉ gồm những câu phong dao viết bằng thơ lục bát, không có gì đặc biệt, tuy nhiên ở cuối mục thì có câu này khá độc đáo và đầy tính khuyên bảo: “Tiền của là của chung, khi chết đi lại sang tay người khác. Danh dự là của riêng, dẫu nghìn thu vẫn thuộc của mình. Cho nên ở đời quý nhất danh dự”. Mục thứ năm nhan đề là CÂU HÁT VẶT gồm hai bài thơ: một bài tên là “Nỗi Chị Khuyên Em” là những lời bà Trưng Trắc khuyên bà Trưng Nhị, và một bài thơ thứ nhì nhan đề là “Gửi Thư Cho Anh Khóa”. Mục thứ sáu mang tựa đề là CA TRÙ THỂ CÁCH (Hát ả đào) gồm vài bài hát ả đào cộng với vài bài thơ Đường Luật Bát Cú. Mục thứ bảy mang tựa đề là THƠ TRÀNG THIÊN TỨ TUYỆT trong có bài thơ của Cụ Phan Khôi gửi cho Cụ Á Nam khi Cụ dịch Thủy Hử vào năm 1924. Bài thơ này tên là “Đọc bản dịch Thủy Hử, gửi cho dịch giả”. Mục thứ tám, tức là mục chót mang tựa đề là VĂN LỤC BÁT gồm ba bài thơ lục bát trong đó có một bài Cụ Á Nam lược dịch bài thơ “Océano nox” của Cụ Victor Hugo. Tóm lại đây là một cuốn thơ cổ vũ lòng yêu nước, cổ vũ việc sống tự lập, sống cho ra đấng nam nhi. Ngày 19/7, 2008 này CLB sách Xưa & Nay của chúng tôi sẽ đi thăm Nhà Lưu Niệm của Cụ Á Nam ở Bình Triệu, và đây cũng là một dịp để tôi làm một chuyện “ngược đời, vui vui”, đó là việc tôi sẽ mang cuốn Bút Quan Hoài, có thủ bút và chữ ký của Tác giả này, photocopy và làm chuyện ngược đời là tôi sẽ GIỮ BẢN PHOTO CHO MÌNH, CÒN BẢN CHÍNH THÌ SẼ ĐEM TẶNG BÀ LAN HINH, ÁI NỮ CỦA CỤ Á NAM, đơn giản là vì tôi nghĩ rằng Bà Lan Hinh có ưu tiên giữ nó hơn là tôi. Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI Vũ Anh Tuấn
Ảnh tự chụp của Lê Phương Chi 1974 |
Hàng đứng sau: Lê Phương Chi, …. Nhật Tiến,… Hàng đứng trước: … Phạm Duy, Khai Trí, … Phạm văn Mùi,… Phạm vân Loan, Tôn Nữ Hỷ Khương, Tuệ Mai, Hồng Phương Hàng ngồi: Nguyễn Nhã (ôm ảnh chân dung Cụ Á Nam), Cụ Nhất Thanh, Cụ Á Nam, Học giả Hồ Hữu Tường, Nhà văn Doãn Quốc Sỹ |