MỘT TRUYỆN QUÁ Ư LÀ CÓ THẬT NGAY LÚC NÀY Cách đây ít ngày tôi có dịp lên thăm Lưu Niệm Đường của Cụ Á Nam Trần Tuấn Khải để đề nghị với ái nữ của Cụ là nhà thơ nữ Lan Hinh đồng ý để CLB Sách Xưa & Nay của chúng tôi tới thăm viếng cụ vào ngày thứ Bảy 19-7-2008. Vì biết rằng CLB chúng tôi có những thành viên có tài liệu về Cụ Á Nam, nhà thơ nữ Lan Hinh đã chuyển cho chúng tôi một số sách giáo khoa có sử dụng một số câu thơ của cụ Á Nam để dạy trong chương trình học. Bà phàn nàn rằng các câu thơ của cụ đã bị in sai với nguyên bản rất nhiều và có ý nhờ chúng tôi kiểm tra lại hộ. Sau khi kiểm tra, chúng tôi quả đã thấy là truyện tam sao thất bản là có thật và dưới đây chúng tôi xin đưa ra 4 trường hợp điển hình cho thấy rõ là các câu thơ đã được in ra khác hẳn các câu trong nguyên bản. Để chứng minh, chúng tôi xin đưa ra đây bản photo các câu trong nguyên bản, và bản photo những câu được in ra trong các sách giáo khoa vào ngay lúc này: Trường hợp 1: Sách THIẾT KẾ BÀI HỌC NGỮ VĂN 8 THEO HƯỚNG TÍCH HỢP của tác giả HOÀNG HỮU BỘI – Nhà Xuất Bản Giáo Dục – 2004. Trang 174 dòng 5 và dòng 6 từ trên xuống: “Khói Nùng Lĩnh như xây khối uất, Sông Hồng Giang nhường vật cơn sầu,”
Và dòng thứ 10 từ dưới lên:
“Ngọn cờ độc lập máu đào còn đây…” Trong khi nguyên bản thì hai câu trên và câu thứ ba ở dưới như sau đây: “Khói Nùng Lĩnh như xây khối uất, Sóng Long giang nhường vật cơn sầu;” “Ngọn cờ độc lập máu đào còn giây” (Xin xem hai bản photocopy đề Tài liệu 1) Trường hợp 2: Sách THIẾT KẾ BÀI DẠY NGỮ VĂN 8 TẬP 1 (Theo chương trình Sách giáo khoa mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo) Các đồng tác giả LÊ XUÂN SOẠN – LÊ PHƯỢNG LIÊN – Nhà XB Đại Học Quốc Gia TP HCM 2005. Trang 177 dòng 9 từ dưới lên: “thăm thẳm như sông Hồng giang…”
Trong khi nguyên bản thì câu thơ ở trên như sau đây: “Sóng Long giang nhường vật cơn sầu” Sóng Long giang đương nhiên là chẳng ăn nhậu gì tới sông Hồng giang (Xin xem hai bản photocopy mang chữ Tài liệu 2) Trường hợp 3: Sách “Những bài văn hay THCS – 100 bài làm văn hay lớp 8 – Dùng cho học sinh trung bình và bồi dưỡng học sinh khá-giỏi” – NXB Tổng hợp Đồng Nai của nhóm đồng tác giả LÊ XUÂN SOẠN (chủ biên) - NGUYỄN THỊ HAI – TRIỆU ÁNH HỒNG - NGUYỄN THỊ VỤ. Trang 73 – Dòng 8 và 9 từ dưới lên: “Cõi giời Nam gió thổi đìu hiu, Bốn bề hổ thét chim kêu” Trong khi nguyên bản thì như dưới đây: “Cõi giời Nam gió thảm đìu hiu Bốn bề hổ thét chim kêu” Đương nhiên “gió thảm” chả dính dáng gì tới “gió thổi”. (Xin xem hai bản photocopy mang chữ Tài liệu 3) Trường hợp 4: Sách “Chuyên đề văn trung học cơ sở - NHỮNG BÀI LÀM VĂN MẪU 8 TẬP 1 – NXB TỔNG HỢP TP HCM - của tác giả TRẦN THỊ THÌN” Trang 218 dòng 9 từ trên xuống: “Sóng Hồng Giang nhường vật cơn sầu” Và dòng 4 từ dưới lên: “Ngọn cờ độc lập máu đào còn đây…” Trong khi nguyên bản 2 câu thơ trên như sau đây: “Sóng Long-giang nhường vật cơn sầu” và “Ngọn cờ độc lập máu đào còn giây” Cuốn này khá hơn một tí vì đã dùng chữ Sóng thay vì chữ Sông như ở 3 trường hợp trước, nhưng vẫn là Sóng Hồng giang chứ không phải là Long Giang như trong nguyên bản. Xin xem Tài liệu 4. Như vậy việc “tam sao thất bản” quả nhiên quá ư là thật. Ước mong sao các giới có thẩm quyền ghé mắt xem lại để cho các câu thơ được trích dẫn cho đúng với nguyên bản. Đồng thời nếu chúng ta thật sự muốn làm vui lòng Cụ Á Nam ở “cõi thực” thì xin lưu tâm đến một việc nữa là: Cụ Á Nam qua đời năm 1983, tức là mới 25 năm trước, vậy thì hình như bản quyền thơ văn của Cụ theo đúng tinh thần công ước Berne mà chúng ta đã ký THÌ CỤ, NGHĨA LÀ CON CHÁU CỤ CÒN PHẢI ĐƯỢC HƯỞNG TÁC QUYỀN TRONG NHỮNG 25 NĂM NỮA, tuy nhiên chuyện này chưa hề được những người in và dẫn thơ văn của cụ vào tác phẩm của mình NGHĨ TỚI BAO GIỜ CẢ. Người viết ước mong chuyện này sẽ nhanh chóng được giải quyết văn minh, công bằng và tốt đẹp. Mong lắm thay! Vũ Thư Hữu |