Sáng hôm ấy tôi vừa ở trên lầu đi xuống thì gặp anh C., người vẫn mang sách cổ đến bán lại cho tôi. Anh đưa tôi một cuốn sách cổ và nói : “Đây là một cuốn sách về Đông Dương năm 1912”. Nghe thấy hai chữ Đông Dương tôi đã thấy ngán, vì hễ sách gì liên quan tới Đông Dương thì giá tiền của nó luôn luôn cao vòi vọi.
Cầm cuốn sách tôi thấy tác giả là Émile Fabre, và tựa đề là “Les sauterelles” xuất bản ở Paris năm 1912. Tôi biết tác giả này là một kịch tác gia nghe đâu đã có vài tác phẩm được Hàn Lâm Viện Pháp trao giải thưởng, tuy nhiên tôi không hề tìm thấy tên tác giả này trong các cuốn văn học sử của Pháp – cũng như tất cả các tác giả viết về Đông Dương dưới thời Pháp thuộc, chả thấy ai được vào tự điển văn học cả. Tên cuốn sách có nghĩa là “Những con châu chấu” và đây là một vở kịch 5 hồi; nhìn vào bảng phân vai tôi thấy có những tên bằng tiếng Việt như Kai Kinh, Nam Triệu, Đồng Hới, Thái Văn N’guyên, Hoa Sen… Dở một trang ở phần cuối tôi tình cờ đọc được một nhân vật tên Nam triệu nói : “Xin đừng sợ, đây chỉ là một cuộc nổi dậy…”.
Tôi hỏi giá, anh C. đưa ra một cái giá khá cao, tôi trả anh ta 250 ngàn, tức là bằng khoảng gần nửa giá, anh ta không chịu và cầm cuốn sách đi trở ra cửa. Đúng lúc đó tôi chợt nghĩ tới tựa đề “Những con châu chấu”, và liên tưởng đến đoạn tôi vừa đọc được nói tới một cuộc nổi dậy. Một ý nghĩ vụt lóe lên trong đầu tôi, phải chăng cuốn này nói về giặc Châu Chấu ở Sơn Tây năm Tự Đức thứ 7 (1854) là trận giặc khởi xướng bởi một số người đem Lê Duy Cự, dòng dõi nhà Lê lập làm minh chủ để đánh nhà Nguyễn, và trận giặc này có sự tham gia của một người mà tôi rất yêu thích là Cao Bá Quát, lúc đó làm giáo thụ ở phủ Quốc oai (Sơn Tây), đã gia nhập với tư cách là Quốc Sư để đánh nhà Nguyễn.
Tôi gọi anh C. trở lại, trả thêm anh 50 ngàn và lấy cuốn sách. Chiều hôm đó, sau khi đi công việc về tôi liền đọc ngấu đọc nghiến cuốn sách và mới cảm thấy bị tẽn tò… vì cuốn sách không phải nói về giặc Châu Chấu với ông Cao Bá Quát mà tôi yêu thích, mà tác giả chỉ lấy cảm hứng từ cuộc nổi dậy gọi là trận giặc Châu Chấu nói trên và một cuộc nổi dậy khác được gọi là “Giặc Tên Phụng” để hư cấu ra vở kịch này kể chuyện một viên chức người Việt làm cho Pháp nhưng lại âm mưu chống lại chúng. Tóm lại, cuốn sách hoàn toàn không dính dáng gì tới cuộc nổi dậy được gọi là “Giặc Châu Chấu”. Trong lúc đang bực mình vì mình đã quá vội mua, tôi bỗng để ý thấy ở trang nằm trước trang mang tựa đề cuốn sách một con triện rất mờ, dở sang trang kế tiếp tôi lại thấy có một con triện khác, tuy cũng mờ nhưng vẫn còn đọc được. Con triện hình bàu dục ở trên có hàng chữ tên người chủ sách và ở giữa có ba chữ hán ( tuy không biết chữ Hán, nhưng tôi cũng có thể đoán là đây là tên người chủ sách viết bằng Hán tự ) và tên người chủ sách là… cụ Trần Trọng Kim. Đặc biệt hơn nữa là ngay ở trên bìa sách, ở phía trên bên phải còn có chữ ký rất đẹp của chủ sách. Thế là tôi không còn cảm thấy tiếc là đã vội mua cuốn sách, mà còn cảm thấy thinh thích khi được làm chủ một cuốn sách trước kia đã thuộc về một người tốt có công với đất nước : vì cụ đã là tác giả bộ Việt Nam Sử Lược và bộ Nho Giáo mà tôi rất thich. Việc cụ đã làm thủ tướng thì sau này, với thời gian, người đời sẽ chẳng còn ai nhớ tới, nhưng là tác giả bộ Việt Nam Sử Lược và bộ Nho Giáo thì cụ sẽ được mọi người nhớ và biết đến mãi. Quả là tôi có thể coi là mình đã có chút duyên với cuốn sách in năm 1912 này. Vũ Anh Tuấn |