trước ngày giải phóng Vũ Anh Tuấn Ba mươi tư năm trước, tại biệt thự số 72/12 trên con đường lúc đó được gọi là Nguyễn Đình Chiểu (bây giờ là Pasteur thì phải), có một thư viện mà tôi thỉnh thoảng có ghé thăm vì quen với vị Giám Đốc, Linh Mục Nguyễn Quang Trọng - một người bạn của Cụ tôi. Thư viện này được đặt tên là Thư Viện Trung Tâm Công Giáo và được coi là một thư viện nghiên cứu và chuyên về Tôn Giáo. Tôi được LM Trọng cho biết là thư viện của ông có 80 chỗ ngồi cho độc giả và 20.000 cuốn sách gồm 2000 đầu sách tiếng Việt, 16.000 tiếng Pháp, 1500 tiếng Anh và 500 bằng các ngôn ngữ khác. Ngoài ra còn có 500 tác phẩm bằng microfilms phần lớn là các tác phẩm bằng chữ Quốc ngữ hồi thế kỷ XVIII và XIX. Tôi được LM Trọng cho biết với số lượng 20.000 đầu sách, thư viện Trung Tâm Công Giáo đứng hàng thứ 12, vì nó còn có 11 “bà Chị” nữa là các thư viện dưới đây: 1. Thư Viện Quốc Gia 100.000 đầu sách 2. Thư Viện Đắc Lộ 53.000 đầu sách 3. Thư Viện Viện Pháp Quốc ở Saigon 50.000 đầu sách 4. Thư Viện Bộ Thông Tin 49.000 đầu sách 5. Thư Viện Trường Sĩ Quan Đà Lạt 33.750 đầu sách 6. Thư Viện Bộ Chỉ Huy Không Quân 32.000 đầu sách 7. Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh 29.633 đầu sách 8. Thư Viện Đại Học Huế 26.000 đầu sách 9. Thư Viện Thành phố Đà Lạt 25.500 đầu sách 10. Thư Viện Hồng Y Agagianan (Đại Học Đà Lạt) 23.000 đầu sách 11. Thư Viện Học Viện Quốc Gia Hành Chánh 22.000 đầu sách Ngoài 12 thư viện vừa nói trên còn có 113 thư viện khác trong đó những cái đáng kể nhất gồm có: Thư Viện Trường Nữ Trung Học Gia Long (19.168 đầu sách), Thư Viện Đại Học Văn Khoa (17.956,) Thư Viện Viện Sử Học (17.333), Thư Viện Trung Tâm Y Khoa (17.050), Thư Viện Abraham Lincoln (15.000), Thư viện Hội Đồng Anh (14.000), Thư viện Hội Nghiên Cứu Đông Dương (6000) vv… (Tài liệu rút từ Niên Giám Thư Viện 1973). Đọc những con số trên người đọc và cả người viết đều có thể tin rằng chúng là NHỮNG CON SỐ CHÍNH XÁC, những con số hợp lý, hợp tình không làm ai phải BƯỢC CƯỜI (nói theo kiểu Cụ Tản Đà) tí nào cả. Sở dĩ người viết nói vậy vì giờ đây, về số lượng sách trong các thư viện (người viết chỉ nói về các thư viện tư nhân) đã có những sự THỔI PHỒNG phi lý, tức cười, và điều đáng tức cười nhất là không hiểu sự thổi phồng đó nhằm muc đích gì? Người viết đã từng nghe thấy báo chí đã đăng tải Ô. A, Ô. B có 2 triệu, 3 triệu, thậm chí 5 triệu cuốn sách, mà lại đăng với những hàng chữ “BÉO” để thu hút sự chú ý của người đọc. Ôi, thực đáng BƯỢC CƯỜI! Vì chẳng cần phải là một nhà toán học, đứa trẻ nít cũng có thể hiểu rằng nếu chỉ lấy độ dày là 2 phân 1 cuốn (mà chúng ta bây giờ có những cuốn sách dày 5,7, đôi khi 10, 15 phân) thì năm triệu cuốn sách ĐÍCH THỊ LÀ CHỈ CÓ 100 CÂY SỐ SÁCH Ở TRONG NHÀ mà thôi, và căn nhà nào chứa nổi 100 cây số sách? Vả lại, về vấn đề số lượng sách, người viết cũng xin đề nghị mọi người phải xét đến GIÁ TRỊ SÁCH, vì 100 cuốn sách thực sự có giá trị thì giá trị đích thực của chúng bằng cả vài chục ngàn cuốn những đồ sách zổm, sách vứt đi … Câu “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” sẽ phải luôn được nghĩ tới khi chúng ta muốn có một tủ sách quý đúng với nghĩa của chúng. |