Vũ Anh Tuấn Trước hết người viết xin được giải thích “Thư hiệp” là gì, sau đó mới xin viết về nỗi oan của họ, rất cần phải được giải bày và giải tỏa. “Thư hiệp” chính là từ dùng để chỉ các “Hiệp sĩ của Sách”, những người luôn bảo vệ, giữ gìn và bảo toàn sinh mệnh của những cuốn sách, từ những cuốn sách mới toanh mới ra lò cho tới những sách cụ, sách kỵ đã ra đời ba bốn thế kỷ trước. Xin chú ý đọc tiếp câu chuyện dưới đây và quý vị sẽ hiểu được nỗi oan mà những “Thư hiệp” đang phải gánh chịu. Cách đây vài hôm, một vị giáo sư Sử Học có ghé thăm người viết và tặng cho một cuốn sách ông mới viết. Trong lúc ngồi chơi với nhau người viết có khoe với vị giáo sư là mình mới mua được một bộ sách nói về cuộc Đại Cách Mạng Pháp 1789 của Tổng Thống Thiers (1797-1877), và đương nhiên là người viết lấy cho vị giáo sư xem. Trong lúc giở trang đầu, là trang mang tựa đề sách, người viết có lưu ý vị giáo sư là bộ sách khổ lớn, dày 890 trang này được in năm 1866. Vị giáo sư lộ vẻ thích thú ra mặt, tuy nhiên ánh mắt của ông lại dừng lại khá lâu trên con dấu của một thư viện đóng ở trên trang đó. Nhìn ánh mắt của vị giáo sư, người viết thông cảm ngay và hiểu rằng trong lòng vị giáo sư đang có những thắc mắc: tai sao lại là sách của thư viện, sách này phải chăng đã bị “thuổng” ra từ một thư viện? Phải chăng ông bạn đang chơi “đồ gian”? Thắc mắc của vị giáo sư thật ra là rất bình thường và hợp lý, nhưng điều mà vị giáo sư khó hiểu nổi là nếu ông ta coi là người bạn của mình oa trữ đồ gian thì thực là oan cho người bạn của ông ta quá. Và đây là một nỗi oan cần được giải bày trước công luận cũng như trong bạn bè. Thực ra vấn đề trong các thư viện của các người chơi sách không ít thì nhiều đều có lạc lõng những cuốn sách mang dấu ấn của các thư viện. Và, vì là những người chơi sách, yêu sách, không mấy ai chịu xé bỏ trang có dấu thư viện, đơn giản chỉ vì họ quá yêu sách, thương sách, và tình yêu đó khiến họ thà chịu hàm oan còn hơn là phải xé bỏ những trang sách mà họ yêu quý nâng niu, nhất là những trang trong các sách đã có vài trăm năm tuổi đời. Hiểu đúng ánh mắt của vị giáo sư, người viết vội thẳng thắn thanh minh thanh nga và mừng thay, người viết đã nhận được sự đồng cảm và sự thông hiểu hoàn cảnh éo le của những người yêu sách. Việc những người chơi sách mua được những sách có dấu thư viện mà không nỡ xé bỏ hoặc bôi lem, là một việc cần được thông cảm, và đôi khi còn phải được tuyên dương là họ đã đóng vai trò “Thư hiệp”, những hiệp sĩ ra công sức, ra tiền bạc để bảo vệ, giữ gìn, cứu sống sinh mạng của sách. NHỮNG SÁCH ĐÓ KHÔNG HỀ BỊ ĂN CẮP TỪ MỘT THƯ VIỆN NÀO MÀ CHÍNH LÀ NHỮNG SÁCH ĐÃ BỊ MỘT SỐ THƯ VIỆN THANH LÝ ĐEM BÁN CHO NHỮNG VỰA VE CHAI, để rồi từ những vựa ve chai, những người chuyên săn lùng sách với giá cân ký cố gắng mang chúng về bán lại cho các người yêu sách, và như vậy đã GIỮ LẠI ĐƯỢC MẠNG SỐNG CHO SÁCH bởi vì nếu không thì CHỈ NĂM GIỜ ĐỒNG HỒ SAU, SÁCH SẼ ĐƯỢC CHUYỂN LÊN THỦ ĐỨC ĐỂ ĐƯỢC NẤU THÀNH BỘT GIẤY NGAY TẮP LỰ! Do đó sách đã không phải là sách gian MÀ LẠI LÀ NHỮNG CUỐN SÁCH MAY MẮN ĐƯỢC CỨU MẠNG, và những người đã bỏ tiền bạc ra để chuộc mạng cho sách không thể bị hiểu lầm, bị hàm oan là mua đồ gian… Cách đây hơn một năm thì quả thực là có một vụ trộm sách của một thư viện và được đem bán ra cho các hàng sách cũ, nhưng vụ trộm được phát giác ngay và một số lớn sách đã được thu hồi. Tuy nhiên vào các năm trước đó thì cả thư viện ta lẫn thư viện Tây (Trung Tâm Văn Hóa Pháp) đều đã có những cuộc thanh lý mà không ai trong giới bán sách cũ và chơi sách lại không biết. Sách ở thư viện pháp thì có đóng dấu đỏ đề chgữ “déclassé” (loại bỏ) và được thải ra các vựa ve chai (xin xem hình ảnh minh họa đính kèm). Còn về phía thư viện Việt Nam thì người viết còn nhớ cách đây độ khoảng 8, 9 năm có một thư viện (mà người viết không nhớ chính xác tên), nhưng sách được thải ra thì người viết biết rất chắc chắn là sách của một thư viện trong thời chế độ cũ: Sách của Trường đại học Cửu Long (một trường Đại Học của Nguyễn Ngọc Linh và mấy người em) và số sách trên 4000 cuốn đó hồi trước Nguyễn Ngọc Linh đã mua của một người chơi sách được nhiều người biết tên là Phan Như Bành. Người viết đã không có duyên nợ với tủ sách này măc dù là một người bạn khá thân của Phan Như Bành. Câu chuyện như sau: vào một buổi sáng “định mệnh” cách đây 8,9 năm, người viết nhận được thông báo của một người buôn sách cũ nhờ đi xem và thẩm định hộ giá trị một số sách ngoại văn được một thư viện thanh lý. Khốn thay đúng buổi chiều hôm ấy người viết lại có một “hẹn hò” với một trong mấy “mẫu hậu” của mình; vì là kẻ “phong tình cổ lục”, hơi bị lãng mạn nên người viết đã đặt tình cảm lên trên quyền lợi và hẹn lại với người bán sách là sáng hôm sau mới đi được. Tuy nhiên người buôn sách đã không đợi được và đành gọi một người chủ tiệm sách khác đi thay. Kết quả là anh này đã mua được số sách trên 4000 cuốn đó với giá xa cạ 2000 đồng một cuốn, kiếm được sơ sơ độ gần trăm triệu tiền lời. Với người viết cuộc hò hẹn vào ngày giờ định mệnh nói trên quả là một cuộc hò hẹn quá ư là đắt giá… Đọc tới đây quý vị đã có thể thấy rằng những “Thư hiệp” luôn cứu khốn phò nguy cho sách đã bị oan như thế nào? Người viết mong rằng từ nay các thư viện mỗi khi muốn thanh lý, xin hãy có một hội đồng xét duyệt kỹ càng những sách nào cần giữ, những sách nào có thể bỏ, để cho không còn trường hợp các “cổ thư kỳ thư” bị tử vong một cách đáng tiếc như thế nữa. Sách cũng có hồn như người và nếu chúng biết nói, chúng cũng sẽ lên tiếng chung với người viết xin công luận minh xét công và tội cho các “Thư hiệp” bị hàm oan. |