DO CÁC TÁC GIẢ PHÁP (THỜI THUỘC ĐỊA) VIẾT VỀ VIỆT NAM VÀ MIÊN LÀO
Vũ Anh Tuấn Kể từ bản tin này trở đi, người viết xin trình bày một số những nhận xét ngõ hầu thẩm định giá trị thực tiễn của một số sách thường được những người chơi sách và bán sách cũ gọi là sách “Indochine”, nghĩa là những sách viết về Đông Dương (Indochine) hoặc về các Quốc Gia Liên Kết (les Etats Associés) Việt, Miên, Lào, nhưng chủ yếu là sách viết về Việt Nam, do các tác giả Tây thuộc địa viết. Các tác giả này phần lớn là các quan cai trị, các công chức Pháp thời thuộc địa và một vài giáo sư, nhà nghiên cứu, đã viết về Đông Dương mà chủ yếu là Việt Nam trong khoảng thời gian có thể tính từ 1880 tới 1940, nghĩa là trên một nửa thế kỷ, khi mà người Pháp thiết lập chế độ bảo hộ (le Protectorat) trên đất nước ta. Trong bản tin này người viết xin đề cập tới tác phẩm nhan đề là “ĐÔNG DƯƠNG HIỆN ĐẠI” (INDOCHINE MODERNE) của hai đồng tác giả Eugène TESTON và Maurice PERCHERON. Maurice PERCHERON là một kỹ sư, đồng thời cũng là một Tiến sĩ Vật Lý, làm việc nghiên cứu cho Cơ Quan Quốc Gia Pháp về Khí Đốt lỏng, còn Eugène TESTON thì là người phụ trách Sở Tuyên Truyền của Pháp ở Hà Nội. Mùa Thu năm 1931, do sáng kiến và sự cổ vũ nồng nhiệt của Thống Chế Lyautey, tại thành phố Vincennes, một thành phố nằm ở phía Đông thủ đô Paris, một cuộc triển lãm Quốc Tế về Thuộc Địa đã được tổ chức trong gần nửa năm và được coi là một câu chuyện thần tiên quảng bá các cố gắng, các công lao và thành tựu đã được thực hiện bởi người Pháp ở các thuộc địa. Cuốn “Indochine moderne” ra đời vào đúng thời điểm này và được coi như là một thứ bách khoa tự điển thông dụng về Đông Dương sẽ phần nào lưu truyền cho hậu thế những điều kỳ diệu đã diễn ra trong cuộc triển lãm ở Vincennes năm 1931. Cuốn “Indochine moderne” đã được xuất bản năm 1931, khổ 22 x 27cm, dày 1028 trang và chứa đựng 1005 tranh và hình chụp minh họa. Bìa cuốn sách là bìa cứng màu đỏ và ở hai bên tựa sách là hình hai con rồng được in nổi cực đẹp. Sách được xuất bản với sự cộng tác của Công Ty Thương Mại và Tài Chánh Pháp và dưới sự bảo trợ của Phủ Toàn Quyền Đông Dương, Phòng Thương Mại Pháp, Câu lạc Bộ Du Lịch Pháp quốc và Sở Du lịch Đông Dương. Cuốn “Indochine moderne” này được coi là một thứ Bách Khoa Tự Điển Thông Dụng về Đông Dương và được chia làm 4 phần: Phần I có tựa đề là ĐÔNG DƯƠNG ĐÃ ĐƯỢC TỔ CHỨC (L’Indochine organisée) và được chia làm 4 chương. Chương I nói về lịch sử Việt Nam, Miên, Lào. Chương II nói về tổ chức hành chánh cũng ở cả ba nước. Chương III nói về Xã Hội Đông Dương bao gồm đủ mọi lãnh vực như: Lao Động, Giáo Dục, Thể Thao, Vệ Sinh, các Tổ Chức Truyền Giáo, các Tổ Chức Tương Trợ vv... Chương IV nói về Tổ Chức Quân Sự ở Đông Dương. Phần II có tựa đề là ĐÔNG DƯƠNG GỢI CẢM (Indochine pittoresque) gồm có ba chương V, VI, VII. Chương V nói về Địa Dư, Thủy đạo, Thời tiết, Sắc Dân, Ngôn Ngữ Học, các Tôn Giáo, các Phong Tục vv... ở cả ba nước. Chương VI nói về Du Lịch. Chương VII bàn về Săn Bắn và Ngư Nghiệp. Phần III có tựa đề là ĐÔNG DƯƠNG NGHỆ THUẬT VÀ THỦ CÔNG NGHỆ gồm hai chương VIII và IX. Chương VIII nói về Nghệ Thuật, Kịch Nghệ, Văn Chương và Hội Họa. Chương IX nói về Thủ Công Nghệ gồm Thủ Công Nghệ của dân bản xứ ở cả ba nước, các trường mỹ nghệ và mỹ thuật vv... Phần IV mang tựa đề ĐÔNG DƯƠNG KINH TẾ gồm chương X, XI, XII và XIII. Chương X nói về Thương Nghiệp và Hàng Hải. Chương XI dành riêng cho ngành Tuyên Truyền. Chương XII nói về Nông thôn, gồm Nông nghiệp, Chăn nuôi và Trồng rừng. Và sau chót chương XIII nói về Công Nghệ gồm Nông Nghiệp, Trồng Rừng, Hầm Mỏ và Công Chánh. Mặc dầu cuốn “Indochine moderne” này được coi như là một thứ tự điển bách khoa thường dùng, NHƯNG THỰC TẾ TẤT CẢ MỌI VẤN ĐỀ ĐƯỢC TRÌNH BÀY ĐỀU RẤT ĐƠN GIẢN VÀ CHỈ GỒM PHẦN LỚN LÀ NHỮNG NÉT CHÍNH, KHÔNG ĐI VÀO CHI TIẾT VÀ KHÔNG MANG TÍNH CHẤT NGHIÊN CỨU. Do đó, nếu dùng để xem hình ảnh (mà hình ảnh thì phần lớn là đen trắng chỉ lác đác có một hai phụ bản màu) thì được, để làm một cuộc rong chơi kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” thì được, và đặc biệt là nếu ai thích các tranh vẽ bằng bút sắt thì có thể hài lòng về một số tranh bút sắt rất đẹp. Tuy nhiên sách này không thể coi là một TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU vì nó không CÓ GIÁ TRỊ NGHIÊN CỨU mà chỉ có GIÁ TRỊ GIỚI THIỆU kiểu các sách hướng dẫn du lịch mà ta đang có rất nhiều ngày nay. Về các sự kiện văn học, lịch sử thì cũng tương đối là nhiều, tuy nhiên cần phải so sánh lại với các tài liệu khác để có thể biết rõ về ĐỘ CHÍNH XÁC của các tài liệu cuốn sách này chứa đựng. Và, theo người viết, để kết luận ta có thể nói đây là một cuốn sách “Indochine” không quá quan trọng như nhiều người nghĩ và đặt ra cho nó một giá tiền “trên trời dưới biển”. Hơn nữa, với một người Việt yêu nước, thì những hình ảnh trong sách cũng chẳng gợi lại cho người đọc những kỷ niệm vui gì khi nó tượng trưng cho một thời kỳ mà cha ông chúng ta đã phải sống kiếp của những con người bị “đô hộ”... |