Cuốn sách tôi muốn giới thiệu với các bạn hôm nay là cuốn: “SÁCH TẬP ĐỌC SỬ DỤNG CÁC TRÍCH ĐOẠN TRONG CÁC TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG CỦA CÁC TÁC GIẢ NGƯỜI PHÁP THUỘC ĐỊA” của hai tác giả Eugene PUJARNISCLE và DƯƠNG QUẢNG HÀM, cả hai đều là các giáo sư dạy ở trường Trung Học Bảo Hộ ở Hà Nội. Sách này được in ở Hà Nội năm 1929 và ấn bản mà tôi có là ấn bản in lần thứ nhất. Tôi cảm thấy là mình là người có duyên với sách cổ, sách quý vì chúng thường tìm đến tôi qua nhiều tình huống rất tình cờ, rất may và rất lạ. Một buổi sáng tháng Sáu năm 2005, tôi đang đứng ở một cửa hàng sách cũ trên đường Điện Biên Phủ và đang giở xem mấy chồng báo cũ thì thấy một cô hàng bán sách cũ đạp xe đạp tới mang theo một bao sách cũ. Cô hàng mở bao sách cho anh chủ tiệm sách chọn sách. Tôi đứng nguyên ở chỗ cũ không tiến lại gần vì không muốn can thiệp vào sự lựa chọn của anh chủ tiệm. Bỗng nhiên tôi nghe thấy tiếng cô hàng nói: “Sao không lấy cuốn này hở anh?”. “Ôi sách tiếng Tây, ma nó mua!” Thấy anh chủ tiệm sách trả lời như vậy, tôi liếc mắt nhìn ra và mừng húm khi thấy cuốn sách anh ta vứt ra. Tôi liền bỏ chồng báo cũ và đi ra dứng quanh quẩn gần đó để chờ cô hàng đi trở ra. Tôi chặn cô lại và xin mua cuốn sách bằng tiếng Pháp mà anh chủ tiệm chê. Cô lấy ở trong bao ra đưa cho tôi và nói: “Bác cho em năm ngàn.” Tôi rút ở túi áo ra một tờ giấy 20.000, đưa cho cô và nói: “Cuốn sách này rất quý 20.000 cũng là quá rẻ rồi, mong cô nhận đi.” Cô hàng nhìn tôi bằng ánh mắt đượm một chút nghi ngờ và nói: “Cháu nói năm ngàn thì bác cứ trả năm ngàn là đủ, cháu không nhận thêm đâu!” Thật là tuyệt vời, cô ta nghèo mà không tham, đáng là tấm gương sáng cho khối thằng giàu mà tham. Tôi cố năn nỉ: “Tại cô không biết tiếng Tây nên cô không hiểu rõ giá trị cuốn sách, tôi trả cô 20.000 cũng đã là quá rẻ rồi, nếu chỉ mua với giá 5.000 tôi sợ tôi có lỗi với sách!” Cô nói: “Từ ngày cháu đi bán sách cũ đến giờ, cháu chưa thấy ai kỳ như bác, nhưng thôi, bác đã nói vậy thì cháu nhận, cảm ơn bác nhé.” Nói rồi cô nhận tờ giấy 20.000 và đạp xe đi ngay. Cầm cuốn sách trong tay tôi cảm thấy cực kỳ khoan khoái và tự nhủ: “Sáng nay ra ngõ gặp trai, gặp may đơn, may kép. May đơn vì gặp môt người con gái xinh đẹp, chăm chỉ, lương thiện, không tham lam, thật đáng kính; may kép vì cũng gặp luôn được anh chủ tiệm sách “chê” tiếng tây, chứ nếu hắn không chê thì vào tay hắn, chắc chắn không phải là 20.000$ mà ít nhất cũng phải 50.000$, có khi còn hơn nữa không biết chừng! Đây là một cuốn sách rất hay trong số trên dưới 1000 cuốn sách các tác giả tây thuộc địa đã viết về Đông Dương, trong đó Việt Nam ta là chủ yếu, hai nước Miên Lào chỉ là phần phụ. Cuốn sách khổ 14cm x 21cm và dày 264 trang, nó không những rất hay mà còn đặc biệt quý vì nó chứa đựng 111 trích đoạn lấy từ các tác phẩm của 48 nhà văn thuộc địa Pháp và 4 nhà văn Việt Nam viết tiếng Pháp vào thời điểm đó. Bốn người Việt Nam đã viết bằng tiếng Pháp vào thời kỳ đó là các Cụ Nguyễn Lê Bổng, Nguyễn Phan Long, Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Nho. Và sau đây là mấy lý do chính yếu cho biết cuốn sách này quý ở những điểm nào? Trước hết là 111 trích đoạn đó được trích ra từ 48 tác phẩm của 48 nhà văn thuộc địa Pháp, là những tác phẩm mà số lượng in ra rất thấp, và qua thời gian dài dằng dặc từ lúc đó đến nay, đã hầu như bị thất lạc gần hết, HƠN NỮA CÁC TÁC PHẨM VÀ CÁC TÁC GIẢ ĐÓ LẠI KHÔNG ĐƯỢC VĂN GIỚI PHÁP COI TRỌNG, BẰNG CHỨNG LÀ ĐỐ AI TÌM ĐƯỢC MỘT TÁC GIẢ PHÁP THUỘC ĐỊA NÀO Ở TRONG BẤT CỨ BỘ TỰ ĐIỂN VĂN HỌC LỚN NÀO CỦA PHÁP. Tôi đã để tâm tìm kiếm ở bốn bộ tự điển văn học mới của Pháp và tuyệt đối không thấy những tên như Jeanne Leuba, Albert Viviès, Jean Marquet, J. Boissière, vv… Chỉ có một người duy nhất là P. Loti là được đưa vào tự điển vì Loti là một nhà văn rất lớn của Pháp. Ngoài ra, 111 trích đoạn từ 48 tác phẩm của 48 tác giả đó ĐÃ CHO TA MỘT CÁI NHÌN TỔNG QUÁT VÀ MỘT Ý NIỆM VỀ NHỮNG GÌ ĐÃ XẢY RA TRONG THỜI KỲ ĐẤT NƯỚC TA BỊ PHÁP ĐÔ HỘ, và điều đáng nói là phần lớn các tác phẩm đó đều NÓI TỐT về người Việt Nam chúng ta, đặc biệt là những tác phẩm của Linh Mục Cadière thì thật là tuyệt vời vì vị Linh Mục này đã tự cho mình là một người đã được Việt Nam hóa khi ông viết tác phẩm nhan đề là “Những Ký Ức của một người đang Việt Nam hóa”. Sách dày 265 trang và được chia làm 4 phần: - Phần I mang tựa đề là XỨ SỞ (Le pays) gồm 5 chương: Chương A là những bài liên quan tới Nam kỳ (Cochinchine); Chương B là những bài về Cao Mên (Cambodge); Chương C nói về Annam tức là Trung kỳ; Chương D nói về Tonkin tức là Bắc kỳ; và chương E nói về Lào (Laos). - Phần II mang tựa đề là Đền Đài (Monuments). - Phần III mang tựa đề là ĐỜI SỐNG DÂN BẢN XỨ (La vie indigène) - Phần IV mang tựa đề là SỰ NGHIỆP CỦA NGƯỜI PHÁP (Oeuvre française). Vì sách được dùng làm sách Tập Đọc nên các trích đoạn được theo sau bởi phần Ghi chú-chú giải (Notes) và phần câu hỏi (Questionnaire) được chia làm 3 tiểu mục: 1/ Chi tiết (détail) 2/ Trước tác và ý tưởng (Composition et idées) 3/ Phê phán về mặt văn chương (Appréciation littéraire). Các trích đoạn trong cuốn sách này, ngoài giá trị văn chương còn có giá trị tài liệu nữa, tóm lại ta có thể kết luận rằng đây là một trong những cuốn sách hay về Đông Dương. Trích Hồi Ký 60 Năm Chơi Sách – Chương VI Vũ Anh Tuấn |