KHÓ MÀ TIN NỔI, VÔ PHƯƠNG CHẤP NHẬN - 100 cây số sách để kế tiếp (tính theo thước tới trong một căn nhà). - 40 cây số sách để kế tiếp nhau trên 7 cái kệ. Gần đây trên đất nước đang đổi mới và hội nhập của chúng ta, các câu chuyện về các kỷ lục kiểu “Guinness” đang được nhắc tới một cách rầm rộ. Điều này khiến chúng tôi cảm thấy có một vài vấn đề cần phải bàn với những người làm kỷ lục “Guinness” Việt Nam. Bình thường trên thế giới, các kỷ lục được nêu đều được kiểm tra, minh chứng rõ ràng, với những hình ảnh minh họa khiến người xem khó mà có thể chê trách gì được. Ở nước ta có rất nhiều bài viết và thông tin liên quan tới các kỷ lục được đăng tải trong thời gian gần đây. Mới đây, trên một số báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật (hình như là số đầu tiên của năm 2005 vì nó mang bốn chữ Cung Chúc Tân Xuân in corps chữ lớn), có một bài viết nói về một nhà sách ở Vũng Tàu, và bài này cho biết là nhà sách đó có một số sách lên tới 5.000.000 (năm triệu) cuốn; ngoài ra trên một số báo ra hàng tuần, tờ Thế Giới Mới số 523 ra ngày thứ hai 17/2/2003, có bài viết về một nhà sách cũ ở Hà Nội có vài triệu (ít nhất của vài triệu là 2 triệu) cuốn sách để trên một loạt 7 cái kệ (bảy cái) – điều đáng nói là thông tin này được đăng bằng corps chữ lớn nơi góc trái, phía trên của trang 84 trong số báo nói trên. Các thông tin này khiến chúng tôi cảm thấy chúng quá không hợp lý, không thể coi là chính xác và bình thường. Điều đáng buồn là không mấy ai thèm lưu tâm và coi tất cả “chuyện nhỏ”. Tuy nhiên chuyện nhỏ này lại có những hậu quả không mấy nhỏ, trước nhất vì một người đọc có trí suy xét bình thường sẽ cảm thấy mình bị người viết coi thường khi đưa ra những thông tin như vậy, nhưng sau đó, điều tệ hại hơn là nếu những thông tin này bị một ngoại nhân nào đọc được, anh ta sẽ đánh giá cách đưa thông tin của các ký giả của chúng ta ra sao, khi những thông tin đó bất hợp lý. Để thấy ngay tại sao những thông tin trên không hợp lý, xin quý vị hãy cùng tôi làm một con tính nhẩm rất mau lẹ. Như quý bạn đã biết, sách vở của chúng ta hiện nay có thể nói là “trên là trời, dưới là sách” có đủ loại dày mỏng, có những cuốn dày tới 5, 10, 15 phân. Nhưng trong con tính nhỏ này chúng ta hãy chỉ lấy độ dày trung bình là 2 phân một cuốn. Vậy thì 10 cuốn là 20 phân, 100 cuốn là 2 thước, 1000 cuốn là 20 thước, 10.000 cuốn là 200 thước, 100.000 cuốn là 2000 thước (tới) tức là 2 cây số sách cuốn nọ để kế tiếp cuốn kia. Với 5 triệu cuốn của nhà sách ở Vũng Tàu, ta có 2 cây số x 50 lần 100.000 cuốn vị chi là đúng 100 cây số sách để cuốn nọ kế tiếp cuốn kia, gáy sách nằm sát bên nhau. Vậy có căn nhà nào có thể chứa nổi 100 cây số sách không? Còn về tiệm sách cũ ở Hà Nội thì từ vài triệu có nghĩa là ít nhất là 2 triệu – vậy 2 triệu mà cũng vẫn độ dày trung bình là 2 phân, 2 phân thôi, không nói đến các cuốn dày hơn 2 phân làm gì, thì nếu 7 cái kệ mà chứa được 2 triệu hay là 40 cây số sách, thì mỗi kệ như thế phải cao bằng vài cái tháp đôi ở Mỹ... nhỉ? Ôi, lời nói theo gió bay đi, nhưng những con chữ thì sẽ tồn tại mãi với thời gian, ít ra thì cũng đến ngày sách nát giấy tan! Ước mong các nhà làm kỷ lục lưu ý tới câu chuyện nhỏ này và điều tra, nghiên cứu cho chính xác, ngõ hầu trong tương lai, những kỷ lục được đưa ra sẽ hài hòa, chính xác, và cần nhất là hợp lý. VŨ THƯ HỮU |