Vũ Anh Tuấn Cứ mỗi năm lại phải nghiêng thêm 1,18 mm… đó là tốc độ mà tháp Pise nổi tiếng đang xa dần chiều thẳng đứng. Thoạt nghĩ tới ta thấy điều này chưa có gì đáng lo ngại lắm, nhưng sẽ có một ngày nó đổ ập xuống quán cà phê Duomo, nơi nghỉ chân của các du khách cũng như của dân thành Pise. Tuy nhiên tại quán cà phê Duomo không một ai lo ngại. “Không ăn nhằm chi!” là câu cửa miệng mà các chuyên gia địa phương nói với những du khách. “Tháp sẽ không đổ ngày nào mà gió có thổi… Chính gió Địa Trung Hải thổi vào đã ngăn không cho tháp đổ trong những thế kỷ sắp tới. Địa Trung Hải chỉ cách Pise có 12 cây số và gió biển đương nhiên đã thổi hàng trăm năm nay vào ngọn tháp danh tiếng đó… Dù bạn có nghĩ gì đi nữa về cái lý thuyết kỳ dị đó, bạn cũng đừng nên cãi vã với những người bênh vực nó khi có dịp thăm viếng Pise; vì dù có cãi vã bốn mươi năm đi nữa bạn cũng không làm họ thay đổi ý kiến! Có thể bạn sẽ tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu tháp nghiêng về phía đối diện… và gió biển thổi vào lưng tháp. Nếu vậy, tháp đã sụp đỗ từ lâu. Có lẽ đã đổ trước cả lúc Galilée dùng tháp năm 1589 để thả từ đỉnh xuống những miếng kim khí hình tròn có trọng lượng khác nhau, nằm mục đích đo tốc độ rơi của các vật. Một yếu tố khiến bạn phần nào yên tâm khi ngồi uống rượu khai vị tại quán Duomo: đó là “Hội Tháp Nghiêng thành Pise” đã thấy không cần thiết phải có một sự bảo hiểm đặc biệt chống việc tháp có thể đổ. MỘT SỰ GỢI Ý KHÔNG ĐÚNG CHỖ Hiện nay La Mã nghiên cứu nhiều dự án khác nhau để củng cố ngọn tháp nổi danh này. Dĩ nhiên, điều này không phải mới lạ gì. Đã từ lâu, các kiến trúc sư thành Pise đã thử củng cố nền móng tháp bằng cách “bơm” bê tông xuống lòng đất dưới chân tháp nhưng không có hiệu quả. Dự án kỳ quái nhất là xây một ngọn tháp mới – một ngọn tháp thẳng đứng sát bên tháp cũ. Sau đó sẽ dùng những vòng đai sắt cột chặt tháp cũ vào tháp mới để giữ nó nguyên vị trí. Rồi khi tháp hết nghiêng người ta mới dựng một cột bê tông khổng lồ trong lòng tháp. Sau khi các đai sắt được bỏ đi tháp mới cũng được phá bỏ luôn… và tháp Pise sẽ đời đời bền vững. Mới đây, khi một người nước ngoài hỏi ông Guiseppe Ramalli, vị chủ tịch của Hội Tháp Nghiêng, là tại sao không lợi dụng ngay cơ hội tuyệt vời đó để dựng thẳng đứng lại ngọn tháp, ông Guiseppe Ramalli đã suýt nổi nóng: “Một tháp Pise thẳng đứng!” ông ta kêu lên… dĩ nhiên là bằng tiếng Ý… “Bộ ông điên sao? Không một người Ý nào có lý trí lại dám nghĩ đến một chuyện như vậy… Thành Pise và nước Ý sẽ là trò cười cho thế giới!” Chắc chắn một trăm năm mươi ngàn du khách hàng năm thăm viếng tháp cũng đồng ý với vị Hội trưởng khả kính nọ. Mặc dù có rất nhiều lý thuyết về căn nguyên sự nghiêng của tháp, các nhà khoa học đều nghĩ rằng căn nguyên của sự nghiêng này chủ yếu là cho tính chất đồng lầy của mảnh đất. Cũng trong chiều hướng này, các nhà bác học còn nhắc nhở mọi người rằng ngay ở Pise cũng có “hai tháp nghiêng” khác, đồng thời lại có một số nhà cửa, đền đài rõ ràng là không khoái gì sự thẳng đứng. Nền móng của ngọn tháp cũng như của các công trình kiến trúc khác đều đã không được đào cho đủ sâu trong lòng đất. SỰ PHỤC HẬN CỦA ANH GÙ Nhưng sự giải thích quá tầm thường này không được những người Ý, vốn rất lãng mạn, chấp nhận. Theo họ, tháp được xây cất theo đồ án của hai kiến trúc sư, một người tên là Bonnano và người kia tên là Giovanni. Người sau này đã khiêm tốn tự đặt cho mình danh hiệu là “Giovanni toàn năng”, nhưng ông ta là một người lưng gù nên đã xây một ngọn tháp nghiêng ngả để trả thù cho thân thể méo mó của mình. Nhiều người Ý khác lại cho rằng hai nhà kiến trúc sư đã cố tình xây một ngọn tháp nghiêng như vậy cho “dân chúng lé mắt chơi”. Chỉ có một điều chắc chắn: những nguyên nhân và trường hợp nào đưa đến sự nghiêng lệch của tháp nổi danh này đã không được lịch sử ghi chép. Một địa chấn kế hiện được đặt ở bên trong tháp nghiêng và các chuyên viên của Viện Đại Học Pise theo dõi máy rất kỹ để xem có thấy sự chuyển động hay rung rinh nào không. Các hiện tượng này thường xảy ra trong cơ cấu toà tháp: mỗi khi có tiếng chuông của tháp vang lên, mỗi khi gặp tiếng còi xe buýt, hoặc tiếng động cơ xe xì-cút-tơ. Một chuyện kỳ cục là địa chấn kế của tháp năm 1944 đã ghi một sự “động đất”, trong khi mặt đất miền Toscane ngày hôm đó không hề rung động một chút nào. Té ra việc đó xảy ra trong trận giao tranh ở Asno và một quả đạn pháo đã rớt trúng tháp làm bể ba cây cột ở hành lang tầng thứ hai. MÓN TIỀN TRÀ NƯỚC Người “cư dân” đáng nhắc tới nhất của tháp là một ông lão bảy mươi tuổi tên Gino Luckenbach; ông này là một trong bảy hướng dẫn viên chính thức của tháp. Gino đã từng hướng dẫn các du khách đi thăm tháp trong hơn bốn mươi năm, lần nào cũng lên đến tận cùng của hai trăm chín mươi tư nấc của cầu thang trên tháp. Trong số du khách ông lão đã hướng dẫn có những nhân vật như vua Alphonse XIII của Tây Ban Nha, vua Paul của Hy Lạp, vua Gustave nước Thuỵ Điển, thủ tướng Anh Quốc Lloyd George và ông hoàng Aga Khan. Nhưng không có một người nào trong các vị chúa đó đã cho Gigo Luckenbach được một món tiền thưởng đáng kể. Chỉ có một lần, một món tiền 10 Mỹ kim, được coi là khá lớn vào thời điểm đó, đã được hai tên tuổi lớn của nền điện ảnh Mỹ là Orson Welles và Frank Capra tặng cho lão. Mấy năm trước đó, hai người này đã túm lấy Gino và bắt ông ta phải cho họ biết tất cả mọi chi tiết về ngọn tháp, trong vỏn vẹn độ mười phút, sau đó hai người này đã vội vã leo trở lên xe hơi của họ mà chẳng hề nhòm ngó gì tới ngọn tháp. Theo Gino kể, hai nhà điện ảnh này có ý định xây ở Hollywood một tháp tương tự như tháp Pise… nhưng có lẽ thẳng đứng. Có một lần một du khách gặp chuyện không may ở tháp nghiêng. Vào lúc gần giờ đóng cửa, người này đã sơ ý không nghe thấy chuông báo hiệu nên bị kẹt một tối ở trong tháp. Ban đêm, sự im lặng của công trường cổ bỗng bị phá vỡ bởi một loạt các tiếng rú vừa lớn vừa đầy vẻ sợ hãi. Dần dần một nhóm dân thành Pise thức dậy và sợ hãi tiến về phía tháp nghiêng lúc đó đang phơi mình dưới ánh trăng. Vào lúc nửa đêm, người canh gác tháp tới, rụt rè mở của và thấy từ trong tháp đi ra một nhân vật… vừa đi vừa nghiêng hẳn người về bên phải. Sẽ chẳng có gì đáng coi là lạ nếu một ngày nào đó, do chuyện rủi ro của người du khách đãng trí kể trên lại nẩy sinh ra một truyền thuyết về “người tù nhân của tháp Pise”, hay một vở bi kịch, mà chúng tôi đã cảm thấy ngạc nhiên, tại sao tháp Pise lại chưa được coi là nhân vật chủ chốt. |