Bưu thiếp là gì? Đó là một “tấm thiếp hình chữ nhật một mặt để trắng để viết lên trên, còn mặt còn lại thì có in hình ảnh”. Chúng ta hãy tạm bằng lòng với định nghĩa cổ điển đó, mặc dầu nó không đầy đủ vì lúc trước lại còn có loại bưu thiếp không có in hình ảnh nữa; bài này chỉ nói tới loại bưu thiếp có in hình. Bưu thiếp “sứ giả trung thành của tình yêu hoặc tình bạn” là một phần của đời sống hằng ngày của chúng ta, nó nằm giữa con tem gửi thơ và những phiên bản tranh ảnh nghệ thuật. Ta có thể thấy ở nó một mắt xích nối liền nghệ thuật với thương mại. Bưu thiếp có thể là một biểu tượng một lời tỏ tình, một kỷ niệm và đôi khi có thể là một điều đe doạ tuỳ thuộc vào những gì người ta viết trên mặt để trống của nó. Nhận được một bưu thiếp, người nhận có thể vui cười, khóc mếu: có thể cảm động, có thể hồi hộp, lại cũng có thể nghiến răng vì tức tối. Trước khi tìm hiểu lịch sử bưu thiếp ta có thể nói rằng cái thói quen gửi nhau những lời chúc tụng trên những tấm thiếp một mặt có hình vẽ đã xuất hiện từ ngày xửa ngày xưa ở Đông Phương, nói rõ hơn là ở Trung Hoa bưu thiếp đã xuất hiện từ thế kỷ thứ X. Ở Tây Phương từ thế kỷ XVIII đã có tiểu kỹ nghệ in thiếp một mặt có hình. Tuy nhiên vào lúc đó chưa có thể coi bưu thiếp là một thứ đã được chính thức công nhận mà chỉ là một sáng kiến cá nhân và số bưu thiếp được làm ra rất là giới hạn. Tình trạng này kéo dài cho tới lúc bưu thiếp được chính thức thiết lập bởi Ngành Bưu Điện. Ở Tây Phương nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tấm bưu thiếp đầu tiên có in hình một tranh khắc gỗ đã được bán ở Bale bởi một người tên là Fenner Matter vào năm 1855 nhưng một số nhà nghiên cứu khác lại quả quyết rằng những bưu thiếp đầu tiên là những tấm in những cảnh phố phường ở thủ đô Berlin của Đức do một người thợ in litô tên là Miesler. Dù sao đi nữa những tấm bưu thiếp đầu tiên này không nhằm mục đích liên lạc tin tức. Mãi tới năm 1865 trong Hội Nghị Bưu Điện lần thứ năm họp ở Carlsruhe, mới có một Tổng Trưởng đưa ra đề nghị chính thức hoá việc dùng bưu thiếp, nhưng đề nghị đó không được hội nghị lưu ý lắm. Năm 1869, qua một bài viết đăng trong tờ “Neue Freie Presse” một bác sĩ tên là Hermann đã nhắc lại ý kiến trên, và vị Giám Đốc Bưu Điện Áo chấp nhận sáng kiến đó và chính thức hoá nó bằng một sắc lệnh ký ngày 1 tháng 10 cùng năm. Ngày 20 tháng 12 năm 1872, ông De Rampont, Tổng Giám Đốc Bưu Điện Pháp cũng ra một sắc luật chính thức hoá việc sử dụng bưu thiếp tại Pháp. Hai năm trước, vào ngày 29-9-1870, dân chúng sống ở Pháp trong vùng bị Đức tạm chiếm cũng được đọc một bích chương do Giám Đốc Bưu Điện Đức Quốc Rosshirt ký thông báo việc cho sử dụng bưu thiếp để gửi tin tức cho nhau: một mẫu duy nhất được cho sử dụng, đó là một mặt chữ viết bằng mực đen và một mặt kia chỉ vẽ một chữ thập đỏ. Rất có thể đây chính là tấm bưu thiếp đầu tiên có hình, dù chỉ làm một chữ thập đỏ. Kể từ đó mạnh ai người nấy nói, ai cũng muốn làm thuỷ tổ của bưu thiếp cả. Một ký giả của báo “Revue Illustrée de la carte postale” (tạm dịch là Báo Ảnh Bưu Thiếp) đã đưa ra một giả thuyết rất hấp dẫn về ông thuỷ tổ của bưu thiếp. Theo ký giả này, thuỷ tổ hoặc những thuỷ tổ của bưu thiếp chính là một tay hay các tay chủ khách sạn đã phát minh ra bưu thiếp để in hoặc vẽ các khách sạn của họ nhằm làm quảng cáo và đã dành mặt sau những thiếp đó để viết thư từ của họ. Vũ Anh Tuấn |