Nhảy dù vừa là một ngành trong binh nghiệp vừa là một môn thể thao rất được ưa thích ở phương Tây. Nói tới nhảy dù, người ta liên tưởng ngay tới những người lính khoẻ mạnh, cao lớn, đội mũ đỏ, can đảm, hùng dũng đã nhảy xuống nhiều nơi trong Đệ Nhị thế chiến và đã đánh những trận cực kỳ mãnh liệt, nhưng dĩ nhiên là ở mãi bên Tây Phương xa lơ xa lắc. Môn nhảy dù được một người Pháp tên là Lenormand phát minh ra năm 1783 tức là vào cuối thế kỷ thứ 18, thế nhưng rất ít ai ngờ rằng ở nước Việt Nam chúng ta ngay từ thế kỷ thứ 15, dưới đời Lê Thái Tông (1434-1442) nghĩa là trước Tây Phương đến nay mấy trăm năm, đã có người biết nhảy dù rồi. Câu chuyện ly kỳ này xảy ra như sau: “Người Việt Nam đầu tiên biết nhảy dù ấy là ông Bùi Công Hành. Ông Hành ra đời ở làng Quất Đông, một làng thuộc phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Trong thời thơ ấu ông đã tỏ ra khác đời, không giống như những đứa trẻ đồng thời; thay vì chạy nhảy, đánh đáo, đánh khăng, chú bé Bùi Công Hành chỉ thích tìm một nơi yên tĩnh, thường là một cành cây cao để bẻ que làm bút, và lấy lá cây làm giấy để tập viết chữ, học lấy một mình. Lớn lên khi được đi học học hành rất thông minh, học đâu nhớ đấy, học một biết mười, cậu quả có một trí nhớ rất xuất chúng. Dưới đời nhà Trần, cậu Hành, nay đã trở thành một thư sinh tuấn tú, thi đậu tiến sĩ. Nhưng vì lúc đó quân nhà Minh đang xâm lược nước ta, ông tiến sĩ này đã phải lẩn trốn để đi tìm nhà Lê. Gặp được Lê Thái Tổ, ông theo phò ngài và đem tài thao lược vào nhiều trận đánh lẫy lừng chống quân Tàu. Nước ta vào thời đó, tuy thắng trận nhưng vẫn phái một phái bộ sang triều cống, để vua Tàu công nhận là một nước chư hầu. Ông Hành, được Lê Thái Tôn chọn cầm đầu một phái bộ đi sứ. Là một sứ giả thông minh, uyên bác, ông Hành vượt qua được hết mọi thử thách của phía vua quan Tàu. Cuối cùng, ý hẳn vừa muốn thử tài ông thêm, vừa muốn chơi khăm sứ giả tài ba của nước Nam, vua quan Tàu làm một cái chòi cao chót vót, rồi mời sứ giả nước Nam lên đó để ngâm vịnh và thưởng thức thắng cảnh Yên Kinh (tên thành Bắc Kinh vào thời điểm đó). Trong lúc ông Hành đang ngâm thơ, ngắm cảnh thì các quan Tàu chuồn xuống hết và rút luôn thang đi. Thấy mình còn lại chơ vơ trên chòi cao, ông hiểu ngay là vua quan Tàu muốn chơi khăm thử tài mình. Ông vẫn bình tĩnh ngâm thơ và cố ý ngâm lớn hơn để ở dưới nghe thấy, trong lúc đó ông đưa mắt nhìn quanh thì chỉ thấy trên chòi cao có một cái hương án trên có để một pho tượng Phật và dưới chân có một vò nước. Hai bên hương án có một cái lọng to che phủ. Ông Hành bình tĩnh nghĩ cách thoát khỏi hoàn cảnh hóc búa này. Ông tiến lại phía pho tượng Phật, xem kỹ thì thấy đó là một pho tượng làm bằng bột. Ông bèn bẻ ra ăn, rồi lấy nước trong vò uống cho no nê. Trong lúc ăn uống, ông đã có đủ thời giờ để nghĩ ra lối thoát. Ông nhổ hai cái lọng từ chỗ cắm rồi mỗi tay cầm một chiếc, ông tiến ra bờ chòi và nhảy khỏi chòi: nhờ có sức gió cản, nhà sứ giả nước Nam từ từ hạ xuống không hề hấn gì. Vua quan Tàu rất phục tài và vua Tàu liền phong vương cho vua nước Nam. Sau đó lại sai tiễn vị sứ giả tài ba về tận biên thuỳ. Khi ra về ông Bùi Công Hành còn mang theo hai cái lọng làm kỷ niệm và khi về tới làng, ông xem xét cách cấu trúc và dạy dân chúng làng Quất Đông của ông và vài làng lân cận chế ra chiếc lọng. Ông được coi là thuỷ tổ nghề làm lọng ở nước ta. Vũ Anh Tuấn _ Viết lại theo một tài liệu cổ |