và “Tủ sách gia đình lần 1”. VÀI CẢM NGHĨ CỦA MỘT NGƯỜI YÊU VÀ QUÝ SÁCH Vũ Anh Tuấn Thế là hai cuộc thi “Những cuốn sách vàng lần thứ 3” và “Tủ sách gia đình lần 1” đã khép lại. Có tham dự và cũng nhận được một chút giải, người viết có một vài cảm nghĩ và nhận xét sau đây muốn bày tỏ với Ban tổ chức. Ban giám khảo và đông đảo các bạn yêu thích sách, không ngoài mục đích mong muốn rằng những cuộc thi sách trong tương lai sẽ được tổ chức kiện toàn hơn, được làm tốt hơn. Cuộc thi những cuốn sách vàng lần 3 Nói chung, cuộc thi lần này đã có những tiến bộ hơn so với cuộc thi trước, vì mọi sự đều suôn sẻ, với số lượng sách dự thi tăng hơn nhiều (427 cuốn) so với lần trước (khoảng 275 cuốn), và đương nhiên số người tham dự cuộc thi cũng tăng (khoảng 75 người). Bộ sách được giải nhất, bộ tự điển của Bonet, là xứng đáng vì khá hiếm, hiếm hơn bộ Huỳnh Tịnh Paulus Của nhiều, và có in kèm chữ Nôm rất đẹp. Tác giả Bonet (Jean – Pierre Joseph) đến Nam kỳ như là một người lính thuỷ đánh bộ., sau làm thông ngôn phụ, thông ngôn chánh, khi trở về Pháp thì làm giáo sư dạy ở trường Ngôn Ngữ Đông Phương. Ông bị tai nạn xe hơi và qua đời ngay tại công trường Concorde ở Paris ngày 21.7.1907. Cuốn sách được giải nhất là cuốn Lịch sử Đàng Ngoài (Tunchinensis Historae) in ở Lyon năm 1652 của cố Alexandre De Rhodes là rất xứng đáng vì sự quý hiếm của nó, nhất là khi nó đã 354 tuổi. Các cuốn sách đoạt giải khác cũng đều xứng đáng, chẳng có chỗ đáng phàn nàn, nhưng về phía sách dự giải, có vài điều cần bàn thêm: Lần này số sách tham dự so với lần trước có tăng về lượng, nhưng về chất chẳng tăng bao nhiêu. Sau khi đọc kỹ tên 427 cuốn dự thi kỳ này, người viết thấy có đến 70 cuốn không có họ hàng gì với sách Vàng! Lý do đơn giản là chúng không phải là sách hiếm, còn quá nhiều và còn quá mới, tuổi đời chỉ vừa đúng hoặc trên 50 năm một chút. Đó là chưa kể còn có cả những cuốn dưới 50 năm tuổi. Có lẽ ban tổ chức đã châm chước vì nghĩ rằng những người dự thi đã có lòng đưa tới, thì chẳng nên phụ lòng người ta. Điều này là hợp lý, nhưng mong rằng từ lần sau Ban tổ chức sẽ áp dụng một biện pháp rất đơn giản, vừa không làm phật lòng ai, vừa loại bỏ được những cuốn tầm thường: Bố trí một thời gian dài hơn một chút từ ngày nhận phiếu đăng ký tới ngày hẹn mang sách tới thi, đồng thời thông báo cho người tham dự là họ sẽ được cho biết có bao nhiêu phiếu hay cuốn được chấp nhận cho tham dự, trước ngày hẹn mang sách đến, như vậy là rõ ràng chỉ có những cuốn được chấp thuận mới được phép mang đến. Và đồng thời trong thời gian trước lúc trả lời cho người tham dự, Ban tổ chức nên mời một vài chuyên gia xem xét và loại bỏ những cuốn không xứng đáng. Người viết nghĩ rằng nếu Ban tổ chức thu xếp cách nào để người tham dự không phải để sách lại, trừ những cuốn được lựa chọn trao giải hoặc để trưng bày, thì số người tham dự sẽ đông hơn. Ban tổ chức nên công bố rõ những cuốn đã được giải trong các lần trước để những người tham dự thôi không mang lại những cuốn trùng với những cuốn đó. Như lần thứ 3 này, có bộ Đại Nam đã được giải lại còn được mang trưng bày. Về cuộc thi Tủ sách gia đình lần 1 Trước hết xin đề nghị Ban giám khảo đừng quá chú trọng vào số lượng mà cần chú tâm về phẩm chất. Sách quý thì phải “Quí hồ tinh bất quý hồ đa”. Lý do đơn giản là trên thực tế có những cuốn sách giá trị bằng trăm, bằng nghìn cuốn khác. Ban giám khảo, ngoài việc xem xét về cách thức lưu giữ bảo quản, còn cần phải chú ý tới việc sách có được sử dụng, được đọc, và rồi việc sử dụng và đọc đó có khiến người chủ sách làm được điều gì có lợi ích cho cộng đồng hay không? Nghĩa là người chủ sách có thật sự tận dụng những cuốn sách mà mình có hay không. Với những chủ sách có đóng góp như vậy, nên có một số ưu tiên nào đó cho họ, chẳng nên đánh đồng họ với những phú ông chỉ vung tiền mua sách để trưng, nhiều khi chẳng thèm biết sách nói gì, đôi lúc lại còn để nguyên chẳng thèm đọc nữa. Một điều cần bàn nữa là xuất xứ của sách, được in ở đâu, xuất bản ở đâu, vì tuy Điều lệ nói “những sách được xuất bản lưu giữ ở Việt Nam”, nhưng ngay trong lần thi này, cuốn sách giải nhất Tunchinensis Historae lại in ở Lyon, và bộ sách giải nhấu, tức là bộ tự điển “Dictionnaire Annamite – Français” lại in ở nhà in E. Leroux ở Paris, do đó nên loại bỏ vấn đề xuất xứ mà chỉ nên nói “lưu giữ ở Việt Nam” nghĩa là sách in ở đâu cũng được, miễn là sách quý. Điều này rất có lợi vì nhiều người có sách cổ quý hiếm, xuất bản ở nước ngoài, cũng sẽ tham dự và khi sự những cổ thư kỳ thư thứ thiệt đó được phát hiện, Việt Nam sẽ tránh được nạn chảy máu những sách vàng quý hiếm. Thực ra, cho tới hôm nay, kể cả bộ Tự điển Việt – Bồ - La, chúng ta cũng chỉ thấy có những sách của thế kỷ thứ 17, chưa có cuốn nào in vào thế kỷ thứ 16 và thế kỷ 15. Những sách được in ngay sau khi Johannes Gensfleisch Gutenberg (1400-1468) phát minh ra máy in vào năm 1456 mà phương Tây gọi là “incunabula” (những cuốn sách in đầu tiên, trước năm 1500) thì quả là khó mà có ở nước ta, vì mỗi cuốn bây giờ là cả một gia tài đồ sộ, giá sơ sơ cũng vài triệu euro. Nhưng những cuốn in vào thế kỷ thứ 16, tức là những cuốn từ 1501 trở đi thì rất có khả năng là có, vì người viết đã được nhìn tận mắt một cuốn bằng tiếng La-tinh in năm 1500 mà một người bạn đã nhường lại cho một người Pháp chuyên săn lùng sách cổ cách đây trên 30 năm. Cuộc thi Cuốn sách vàng là cơ hội để chúng ta bảo nhau giữ gì, bảo quản thật cẩn trọng các sách đó, đừng để chúng rơi vào tay ngoại nhân, tiếc lắm. Trên đây là một vài ý kiến đóng góp, ước mong các hội sách kế tiếp sẽ ngày càng hoàn hảo hơn. Vũ Anh Tuấn _ Kiến Thức ngày nay số 53 |