Vũ Anh Tuấn Con người ta ở đời bá nhân bá tánh, và đã có bá tánh thì cũng có bá thứ…ăn chơi như chơi nhạc, chơi cờ, chơi cây kiểng, chơi đồ cổ, chơi sách, chơi chim, v.v. Trong các thú đó có thú chơi sưu tập. Khác với người bình thường khi mua một đồ vật gì chỉ mua một hai cái, người sưu tập, khi đã chọn một thứ gì để sưu tập thì sẽ tìm tất cả những gì liên quan tới thứ đó để mua, mua cho bằng hết, mua càng nhiều càng tốt, mua cho tới ngày nhắm mắt lìa đời mới chịu thôi! Anh T., bạn tôi, là một người chơi sưu tập Kiều. Anh kể rằng một ngày kia có một anh chủ nhà xuất bản ở đường Phạm Ngũ Lão mang lại cho anh một cuốn Kiều do cụ Bùi Kỷ chú giải và nhờ anh căn cứ vào đó mà làm cho hắn một cuốn “Tập Kiều” thật tếu. Thí dụ hai câu thơ: “Vương Quan quen mặt ra chào, Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa.” Thì hắn muốn đổi thành: “Vương Quan lỉnh kỉnh ra chào Hai Kiều táo bạo phốc vào dưới hoa” đại khái như thế. Anh T. đuổi hắn ra cửa vì cho rằng hắn muốn nhờ anh làm một chuyện xúc phạm tới nhà đại văn hào của dân tộc. Nhưng rồi sau đó anh bỗng thấy thích chuyện Kiều và kể từ năm 1960 anh bắt đầu mua những cuốn Kiều của các tác giả khác nhau để làm sưu tập. Sau đó anh lại nghĩ tới chuyện mua tất cả các bài báo, bài thơ, bài khảo luận nói về Kiều và cụ Nguyễn Du; anh đã trở thành nhà sưu tập Kiều lúc nào không hay. Vào những năm 90, tức khoảng 30 năm sau, anh T. đã là chủ nhân của một sưu tập trên 100 bộ Kiều khác nhau và trên 600 tài liệu sách báo liên quan tới Kiều và Nguyễn Du. Một ngày đẹp trời năm 1992, vì nghèo, anh T. đã phải gạt lệ cho Kiều sang sông… để đổi lấy một số tiền không nhỏ, đã giúp anh vùng vẫy được cả năm trời. Anh tự an ủi là tuy Kiều đã ra đi, nhưng vẫn còn Vân; Vân là em Kiều, nói rõ hơn là một sưu tập thứ nhì mà anh đã “mua thêm” trong khi sưu tầm tập thứ nhất. Tới đây, cô Vân này cũng đã gần lớn bằng nàng Kiều năm xưa, và như vậy, tuy đã vì nghèo mà mất một nàng Kiều nhưng anh T. cũng vẫn còn hăng say sưu tập nữa… Ở nước ta cũng có một số nhà sưu tập nhưng tựu trung chỉ loanh quanh ở những lãnh vực rất bình thường như: sưu tập tranh, tiền cổ, tem, đồ cổ, v.v. Số nhà sưu tập ở nước ta cũng chỉ có trên dưới vài trăm người trong cả nước. Trong khi đó, ở các quốc gia khác như Mỹ, Anh, Nhật, Pháp, Đức v.v. số người sưu tập nhiều không kể xiết. Ta hãy lấy Pháp làm thí dụ: ở Pháp cứ 10 người lại có một người chơi sưu tập, do đó, ta có thể nói nước Pháp có khoảng 5 triệu nhà sưu tập, sưu tập đủ thứ trên đời. Theo một thống kế gần đây nhất thì có đến 700 thứ sưu tập, trong đó có nhiều thứ kỳ cục như: giấy thấm, vé số, vĩ (để kéo đàn Violon), chậu rửa trôn, tăm xỉa răng, cối xay cà phê, vé xe điện ngầm, vé xem chiếu bóng v.v. Và dưới đây là một số tên các nhà sưu tầm bằng Pháp ngữ: Aérophilatéliste: nhà sưu tầm tem máy bay Aérophiliste: nhà sưu tầm các đồ vật dính líu đến hàng không Autographiste: nhà sưu tầm chữ ký Billetophile: nhà sưu tầm tiền giấy Bibliophile: nhà sưu tầm cổ thư kỳ thư Calamophile: nhà sưu tầm bút và ngòi bút Calceologiste: nhà sưu tầm giày dép Capeophiliste: nhà sưu tầm các loại mũ Copocléphile: nhà sưu tầm sâu để chìa khoá Cartonphile: nhà sưu tầm bưu thiếp Clavalogiste: nhà sưu tầm các loại đinh Casulophile: nhà sưu tầm nút chai Conchyophile: nhà sưu tầm vỏ ốc Cristallographe: nhà sưu tầm các loại pha lê Cumixaphiliste: nhà sưu tầm những cây diêm (quẹt) Disconphile: nhà sưu tầm đĩa hát Echecphiliste: nhà sưu tầm các loại cờ vua Entomologiste: nhà sưu tầm các loại côn trùng Fibulanomiste: nhà sưu tầm nút áo Gazettophile: nhà sưu tầm báo chí Jetonophile: nhà sưu tầm thẻ (jeton) để đánh bạc Lépidoptérophile: nhà sưu tầm bướm các loại Lithophiliste: nhà sưu tầm các bản khắc trên đá Ludophile: nhà sưu tầm các thứ trò chơi và đồ chơi Marcophile: nhà sưu tầm các con dấu bưu điện Numismate: nhà sưu tầm tiền cổ Oenophile: nhà sưu tầm vỏ chai đựng rượu Odolabélophile: nhà sưu tầm nhãn các loại nước hoa và các chai nước hoa Oologiste: nhà sưu tầm vỏ trứng Pétrophile: nhà sưu tầm các loại đá thường (không phải đá quý) Philuméniste: nhà sưu tầm vỏ hộp diêm (vỏ hộp quẹt) Pipomane: nhà sưu tầm ống điếu Pressophile: nhà sưu tầm bàn ủi cỗ (xưa, cũ) Pyrophile: nhà sưu tầm bật lửa (hộp quẹt) Pyrothécophile: nhà sưu tầm vỏ đạn Schoinopenxatophile: nhà sưu tầm dây treo cổ các tử tội Scrinophile: nhà sưu tầm các thư từ có dán tem, các đạo luật, các loại giấy tờ chính thức… Sidérophile: nhà sưu tầm bàn ủi Sigillophiliste: nhà sưu tầm các con triện (các con dấu) Tégestophile: nhà sưu tầm tất cả những gì dính líu tới bia Vitolphiliste: nhà sưu tầm nhãn hiệu của các điếu xì gà Xylophile: nhà sưu tầm các bản khắc gỗ. Nhiều nhà sưu tầm đã trở thành các nhân vật nổi tiếng, một trường hợp điển hình là nhà sưu tập, kiêm luôn nhà buôn tranh và nhà xuất bản các sách quý do các danh hoạ minh hoạ, Ambroise Vollard (người Pháp), đã trở thành tỷ phú và được nêu danh trong tự điển Larousse (ấn bản năm 1997 và các năm trước). Chơi sưu tập là một thú chơi rất bổ ích cho tuổi già, vì khi đã ham mê một thú gì, người ta thường quên cả ngày tháng và như vậy, kể như đã sống một cuộc sống đầy ý nghĩa, ngay cả trong những ngày sau chót của mỗi kiếp người. Viết bài này, người viết ước mong đất nước ta rồi sẽ có thật nhiều sưu tập gia thứ thiệt. Nói thứ thiệt là vì hiện nay ở nước ta cũng có rất nhiều cô lếc to cô lếc bé, nhưng cái khổ là mỗi khi gặp các người nước ngoài như các ông Đô, ông Mác, ông Quan hay ông Yên là lập tức các quý vị cô lếc to cô lếc bé đó hoá thân ngay thành cô lếc hộ, nghĩa là họ cô lếc hộ cho các vị nói trên, nói nôm na là họ bán liền không do dự gì cả, và nếu gặp khách là bán, thì quý vị đó thực chất chỉ là các nhà buôn, chứ có cô lếc cái quái gì đâu. Tuy nhiên, còn sống là còn hy vọng, kẻ viết luôn luôn tin tưởng rằng sau cùng đất nước ta cũng có những nhà sưu tập thứ thiệt, không thua gì các nhà sưu tập trên thế giới. Ước mong lắm thay! Vũ Anh Tuấn |