Lâu đài Louvre, thoạt tiên chỉ là một chiến luỹ do vua Philippe Auguste xây tám trăm năm trước, nay đã trở thành Đại Bảo Tàng Louvre mà toàn thể diện tích được dành để phục vụ nghệ thuật. Sau đây là lịch sử một toà lâu đài được dùng làm Bảo Tàng Viện lần đầu tiên cách đây hai trăm năm. Chúng ta đang ở thời điểm ngày 18 tháng 11 năm 1793. Hội nghị Quốc Ước (Convention) vừa cho phép mở cửa Viện Bảo Tàng Trung Ương về Nghệ Thuật cho công chúng vào xem. Đây là một sự kiện, đồng thời cũng là một biểu tượng: đền đài, dinh thự của vua chúa mở toang cửa để chào đón bá tánh. Hai trăm năm sau, một sự kiện khác, một biểu tượng khác, đồng thời cũng là một hoàn chỉnh: cánh cuối cùng của toà lâu đài, được gọi là cánh Richelieu (Hồng Y Giáo Chủ) được Bộ Tài Chánh trả lại, khiến cho toàn thể diện tích của lâu đài được dùng để triển lãm các tác phẩm nghệ thuật. Chúng ta hãy đi ngược dòng thời gian như những kẻ nhàn tản… Lâu Đài Louvre được xây dựng dưới triều Philippe Auguste vào năm 1190. Thoạt tiên đây là một chiến luỹ, có nhiệm vụ bảo vệ thành Ba Lê, đồng thời cũng để cất giữ vàng bạc châu báu của triều đình trong lúc nhà vua lên đường đi tham dự cuộc Thập Tự Chinh lần thứ ba. Lâu đài gồm có một tháp phòng ngự lớn (Donjon) được cất ở chính giữa một sân cực rộng, được bao quanh bởi những hào luỹ (tới nay vẫn còn lại một vài di tích). Năm 1360 vua Charles V biến chiến luỹ thành cung điện để ở nhưng các vua kế tiếp không ở đó mà lại thích về ở tại các lâu đài của họ ở miền Touraine. Phải cho đến thời François Ier, “vua thời Phục Hưng”, đồng thời là một mạnh thường quân và nhà sưu tập, điện Louvre mới được chú ý tới hơn và việc sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật mới được thúc đẩy, khuyến khích mạnh. Sau khi san bằng tháp phòng thủ và lấp hào vây quanh (1528), ngày 18 tháng 11 năm 1793 dân chúng được tự do vô xem và được thưởng ngoạn 538 bức hoạ trong đó có bức La Joconde; đây là những bức được lựa chọn trong sưu tập của hoàng gia. Đó là ngày chào đời của Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Louvre. Trong những ngày đi chinh chiến, Napoléon tích luỹ được một số rất lớn tác phẩm nghệ thuật, ông liền sáng lập ra một viện Bảo Tàng Cổ Vật và cho dân chúng tự do vào xem; ông còn sai một nhà ngoại giao, đồng thời là một quan chức hành chánh là Denon tổ chức lại các phòng trưng bày, chia các hoạ phẩm thành trường phái, và sửa chữa cánh phía bắc. Điện Louvre trở thành “Bảo Tàng Napoléon” hoạt động rất mạnh. Dưới triều Louis XVIII bảo tàng Louvre mua được tượng “Vénus de Milo” (Vệ Nữ thành Milo); rồi Charles X khai mạc các phòng triển lãm tác phẩm nghệ thuật Ai Cập do Champellion tổ chức; sau đó tới phiên Louis Phillippe khánh thành bảo tàng nước Axiri (Assyrie) trong đó có tượng bò rừng Khorsabad. Napoléon III cho san bằng các căn nhà ở công trường Carrousel và các kiến trúc sư Duban, Visconti và Lefuel xây cất xong cánh phía bắc, dọc theo đường Rivoli. Các tác phẩm nghệ thật, hoặc mua hoặc được tặng, ào ào tuôn đến: năm 1863 được tượng “Chiến thắng ở Samothrace”, năm 1869, bảo tàng có được bức hoạ “Gilles” của Watteau. Sang thế kỷ thứ XX, trong hai cuộc thế chiến, các tác phẩm nghệ thuật của bảo tàng được sơ tán về các tỉnh, được che giấu thật kỹ càng và khi hoà bình trở lại lại được đưa trở về chốn cũ. Năm 1961, khu dinh thự Flore do ông thị trưởng Poubelle, bộ Quốc Phòng và Nhà Sổ Số Quốc Gia chiếm đóng được trả lại nốt cho bảo tàng. Năm 1981, tổng thống François Mitterand tung ra dự án “Đại Bảo Tàng Louvre” và giao việc thực hiện cho Leoh Ming Pei, một chuyên gia người Châu Á. Năm 1989, Bộ Tài Chánh dời về Bercy. Vũ Anh Tuấn Tài liệu rút từ Dictionnaire des œuvres |