Ngay lúc này, mỗi khi giở trang áp chót ở bất cứ một cuốn sách nào người ta cũng bắt gặp ngay tên người sửa bản in, nghĩa là đã có một người đặc trách việc sửa tất cả mọi lỗi (về chính tả, về ngữ pháp, về nghĩa của từ, về điển tích v.v…) và người đọc có thể yên trí khỏi cần thắc mắc. Nhưng, vừa giở một vài trang, người đọc đã bớt yên trí rất nhiều khi bắt gặp nhiều lỗi chính tả, là những lỗi tương đối nhẹ, đôi khi có thể đổ cho ấn công. Tuy nhiên, nếu bạn đang có trên tay một cuốn tự điển thì lỗi chính tả lại trở thành rất nặng, vì TỰ ĐIỂN THÌ KHÔNG ĐƯỢC QUYỀN SAI. Người viết còn nhớ khoảng những năm 60 thế kỷ 20, nhà Larousse của Pháp có in ra một cuốn tự điển chỉ sai có một lỗi mà họ cho thu hồi tất cả những bản đã in trong lần xuất bản đó. Thực là tuyệt vời, còn ở ta thì kể ra hơi buồn vì cách đây ít tháng, người viết nhớ là có đọc trên báo Tuổi Trẻ một người nào đó đã “phán” rằng “tự điển đúng 80% là đứng đắn”. Ôi, thế còn 20% sai thì ai chịu trách nhiệm đây? Nhất là khi con em chúng ta tra cứu để làm bài thi thì sao? Mấy năm trước, một cuốn tự điển Anh Việt đã giải thích từ “Chauvinism” (chủ nghĩa Sô Vanh) là “chủ nghĩa vô sanh”. Phải chăng “ái quốc quá thì không có thì giờ sanh đẻ?”. Tuy nhiên, lỗi này cũng vẫn còn là tương đối nhẹ và vẫn có thể đổ cho ấn công. Nhưng còn lỗi người viết xin nêu ra dưới đây thì mới thật là đáng nói: Năm 1994, nhà xuất bản Hội Nhà văn có in một cuốn hồi ký văn học nhan đề là “Văn thi sĩ tiền chiến” mà tác giả là nhà văn quá cố Nguyễn Vỹ. Trong sách này, người biên tập hoặc người sửa bản in đã không phát giác ra là nhà văn Nguyễn Vỹ đã viết một điều không chính xác. Điều sai này nằm ở trang 117 (từ dòng 12 đến dòng 18) của sách nói trên. Điều sai này như sau: “Nhà văn Nguyễn Vỹ đã cho rằng câu thơ Đi là chết ở trong lòng một ít là của nhà văn Pháp Roland Dorgelès người viết cuốn Trên đường cái quan (Sur la route mandarine)”. Nguyên văn như sau: “… lấy nguyên văn câu của nhà văn Pháp Roland Dorgelès đề trên trang đầu quyển phóng sự hồi ký Trên đường cái quan…”. Sự thực không phải như vậy vì câu “Partir c'est mourir un peu” không phải là của Roland Dorgelès mà là của nhà thơ Pháp Edmond Haraucourt (1857-1941) và câu thơ này rút trong bài thơ “Rondel de l'adieu” (Cổ thi về sự giã từ). Sự thật là tác giả Roland Dorgelès đã mượn câu thơ của Edmond Haraucourt để đề lên đầu cuốn phóng sự hồi ký Trên đường cái quan (Sur la route mandarine) của ông ta.
Điều sai này đã được đính chính nơi trang 112 trên số báo Thế Giới Mới số 589 ra ngày Thứ hai 14 tháng 6 năm 2004.
Tóm lại, để làm tốt việc sửa bản in, người sửa và người biên tập, ngoài khả năng chuyên môn, ngoài lương tâm nghề nghiệp, còn cần phải có một yếu tố thứ ba: đó là tài liệu, và tài liệu thì lại phải sử dụng những thứ tài liệu trên các từ điển (văn học) đứng đắn, của các nhà xuất bản danh tiếng (vì các nhà xuất bản danh tiếng không bao giờ dám sai); đôi lúc, để cẩn thận hơn, cần phải tra cứu 2, 3 bộ tự điển khác nhau để nếu thấy tất cả đều đồng nhất thì tài liệu mình sử dụng có thể coi là chính xác. Đừng bao giờ tin vào tài liệu lấy từ trên mạng, vì trên mạng là đủ mọi thứ tài liệu, thật giả khó mà phân biệt nổi nếu người sử dụng không thật sự có năng lực, có sự hiểu biết thấu đáo.
Trong tương lai, Câu lạc bộ Sách Xưa và Nay của chúng tôi có thể đảm trách công việc này khi có hợp đồng và được các nhà xuất bản trả thù lao hợp lý.
Vũ Anh Tuấn