TRƯỚC ĐẠI CÁCH MẠNG PHÁP ĐANG LƯU LẠC Ở THÀNH PHỐ CHÚNG TABộ sách nói trên chính là bộ “LỊCH SỬ TRUNG QUỐC”, còn được gọi là “BIÊN NIÊN SỬ CỦA ĐẾ QUỐC TRUNG HOA” do Linh mục Dòng Tên Joseph François Marie Anne de Moyriac de Mailla (1669-1748) đã dịch từ Hán Văn sang Pháp Văn, và đã được cho xuất bản bởi Tu Viện Trưởng GROSIER, dưới sự cố vấn và hướng dẫn của vị Cố Vấn và Cận Thần, phụ trách việc phiên dịch các Ngôn Ngữ Đông Phương của vua Lộ Y thứ XVI là Ô. LE ROUX DES HAUTESRAYES. Bộ sách được in thành 12 cuốn từ cuốn 1 tới cuốn 12 trong khoảng thời gian từ 1777 tới 1783, mỗi cuốn dày khoảng 600 tới 700 trang khổ 24 x 28cm; sau đó vào năm 1785, vị Tu Viện Trưởng nói trên lại cho in thêm một cuốn Phụ Lục (cuốn thứ 13) DO CHÍNH ÔNG BIÊN SOẠN. Bộ sách có tất cả 15 hình vẽ minh hoạ (trong đó có một hình lớn bằng hai trang gấp lại), 2 bản đồ và 5 phụ bản đều được gấp đôi. Mấy tấm bản đồ được vẽ theo lệnh của cố Hoàng Đế Khang Hi và được in lần đầu tiên. (Xin xem hình minh hoạ).
Bộ sách được in ra với một số lượng rất hạn chế (tất cả chỉ có khoảng 400 bản) vì vào thời đó sách phải được đặt trước, và số lượng đúng theo với số lượng đặt hàng. Điều này có thể được chứng minh bởi một danh sách tất cả những người đặt mua, gồm toàn ông hoàng bà chúa và một vài chủ nhân các nhà sách lớn, được in rõ tên họ, chức vị, ở ngay đầu cuốn 1 của bộ sách.
Tháng 5 năm 1943, Trung Tâm Pháp Hoa Nghiên Cứu Hán Học (Centre Franco-Chinois d’études sinologiques) ở Bắc Kinh có mở một cuộc triển lãm mang tên “Hai Thế Kỷ Trung Hoa Học”, và bộ sách này đã được trưng bày một cách trang trọng và được coi như là một trong những tác phẩm đáng kể nhất đối với các nhà Hán Học người Pháp.
Dưới đây người viết sẽ xin chia sẻ với các bạn những nguyên nhân và những hoàn cảnh nào bộ sách quý giá đó đã lưu lạc sang thành phố của chúng ta và hiện nay gần như chắc chắn, là vẫn còn ở đây.
Đầu năm 1976, người viết được nhà nghiên cứu H.T.M. tác giả một bộ sách nghiên cứu Văn Học Việt Nam rất thời danh, cho biết ông có ý định muốn nhượng lại một bộ sách cổ in năm 1777 gồm 12 cuốn, cuốn cuối cùng là năm 1783 (6 năm trước Đại Cách Mạng 1789 của Pháp). Người viết có ghé xem và thấy bộ sách tuyệt vời quá, và có cẩn thận kiểm tra thì thấy ở cuối cuốn 12 có chữ Chung (Fin) rõ ràng. Vào lúc đó người viết chưa biết về cuộc triển lãm sách ở Bắc Kinh năm 1943, nên chưa biết là năm 1785 còn có một phụ lục được cho xuất bản, do Tu Viện Trưởng GROSIER biên soạn.
Chủ nhân bộ sách, nhà nghiên cứu H.T.M. cho biết là bộ sách trước là tài sản của G. CORDIER, một người Pháp viết nhiều sách nghiên cứu văn học Việt Nam, nhưng không biết trong hoàn cảnh nào bộ sách đó lại thuộc quyền sở hữu của Cụ thân sinh ra đạo diễn L.D. một đạo diễn điện ảnh du học ở Pháp về. Người viết tin ngay vì trông thấy triện đề tên G. Cordier bằng chữ đỏ ở trên bộ sách, và cũng vì người viết rất thích G. Cordier qua các tác phẩm nghiên cứu văn chương Việt Nam của ông. Nhà nghiên cứu H.T.M. cho biết ông đã có bộ sách này khi đổi một ống điếu rất cổ cho đạo diễn L.D. và nay vì không cần dùng nữa nên ông muốn nhường lại. Số tiền chủ nhân bộ sách muốn là một số tiền khá lớn nên người viết không dám mua, mà chỉ hứa là sẽ tìm hộ một người chơi sách nào đó có đủ khả năng để mua. Gần một năm đã trôi qua mà người viết không tìm được ai có đủ khả năng tài chính để mua, ngoài ra còn có nhu cầu sử dụng và cũng còn phải có vốn liếng Pháp văn đủ để đọc được bộ sách. Trong khoảng thời gian đó người viết tình cờ thấy được một bộ thứ nhì ở nhà một người chuyên viết sách học làm người ở Ông Tạ, nhưng bộ này thiếu đến gần một nửa và các cuốn sách rách và thiếu trang chứ không được toàn vẹn như bộ của ông H.T.M. Tuy nhiên có một diễn biến lạ là người viết tìm thấy ở bộ thứ hai này một cuốn thứ 13, đồng thời cũng tìm thấy, cũng ở nhà này, cuốn sách nói về cuộc triển lãm ở Bắc Kinh năm 1943, trong đó có nói rõ là năm 1785 Tu Viện Trưởng GROSIER có cho xuất bản thêm cuốn Phụ Lục (cuốn thứ 13) do chính ông biên soạn. Người viết bèn xem xét rất kỹ cuốn Phụ Lục thứ 13 này và thấy rằng CUỐN NÀY NHẮC ĐẾN VIỆT NAM RẤT NHIỀU CÓ ĐẾN VÀI CHỤC TRANG, hơn nữa CUỐN NÀY NẾU ĐEM GỘP VÀO BỘ 12 CUỐN KIA THÌ SẼ HOÀN TOÀN ĐỦ BỘ, vì trong cuộc Triển Lãm ở Bắc Kinh, cả 13 cuốn đã được trưng bày. Người viết vội thưa chuyện với nhà nghiên cứu H.T.M. và đề nghị ông bỏ tiền mua cuốn Phụ Lục cho đủ bộ. Nhưng việc không thành vì chủ nhân bộ sách thứ hai, Ô. H.V.X. không chịu bán riêng cuốn số 13 mà lại bán cả bộ (thiếu). Người viết lúc đó bỗng lại thấy thích bộ sách quá bèn thu xếp để có đủ tiền mua cả hai bộ, nhưng khi trở lại gặp chủ nhân bộ sách thiếu thì được ông ta cho biết là đã nhường cho một người bán sách cũ đem bán cho Tây mất rồi. Ông H.X.V. cho biết ông ta đã xin được bộ sách thiếu nói trên ở Tu Viện Thiên Ân (Huế).
Đầu năm 1977, nghĩa là khoảng 1 năm sau, người viết giới thiệu cho một người bạn vừa làm sách, vừa chơi sách là ông L.T.T. mua được bộ 12 cuốn, sau khi cho ông T. biết là bộ sách còn có cuốn Phụ Lục, nhưng ông L.T.T. vẫn mua vì ở cuối cuốn thứ 12 vẫn có chữ Chung (Fin). Bộ sách ở với ông T. gần được 20 năm, tới năm 1992 thì ông T. nhường lại cho ông N.H.T. còn gọi là ông K.T. nhưng ông K.T. cũng đã qua đời hơn hai năm trước. Trước ngày ông K.T. qua đời, người viết vẫn còn thấy bộ sách ở nhà ông. Giờ đây chưa biết số phận của nó sẽ đi về đâu…
Câu chuyện trên đây cho thấy rằng rải rác trên đất nước chúng ta còn có khá nhiều sách vở cổ quý giá, mà có lẽ PHẢI CÓ DUYÊN thì mới gặp được.
Trích Hồi ký 60 năm chơi sách Chương 6
VŨ ANH TUẤN