NGƯỜI VIỆT NAM ĐÓN XUÂN NHƯ THẾ NÀO? Hơn 300 năm trước, vào năm 1685, tác giả Samuel BARON, một người Hòa Lan lai Việt Nam (Bố Hòa Lan, mẹ Việt), đã cho ấn hành một cuốn sách tựa đề là: “Description du Tonquin” (Sự Mô Tả Xứ Bắc Kỳ), trong đó ông có dành một đoạn ngắn để mô tả cách thức người Bắc Kỳ ăn Tết như thế nào. Trước khi đề cập tới đoạn văn “Mô Tả Dân Ta Ăn Tết”, xin được có vài chi tiết về người đã viết đoạn văn đó. Samuel BARON sinh ở Hà Nội (Bắc Kỳ) khoảng gần giữa thế kỷ thứ XVII. Ông là con của một người thương nhân Hòa Lan và một phụ nữ Bắc Kỳ. Ông đã cho biết là đã viết cuốn “Mô Tả Xứ Bắc Kỳ” để phản bác lại nhiều điều mà Daniel TAVERNIER, một người Pháp đã viết trong một cuốn Du Ký của ông ta nói về Xứ Bắc Kỳ, đã được ấn hành trước lúc đó. Ông rời Bắc Kỳ năm 1685 và cũng trong năm đó ông cho ấn hành cuốn sách “Mô Tả Xứ Bắc Kỳ” của ông ở Fort Saint-Georges ở Madras (Ấn Độ) và đề tặng cuốn sách đó cho người Trưởng Xưởng của ông tên là William Gyfford. Dưới đây là một đoạn văn qua đó Samuel BARON mô tả những thú ăn chơi của người Bắc Kỳ thời đó, ông cho biết “là họ rất thích câu cá, và vì họ có rất nhiều sông ngòi, ao hồ nên họ luôn luôn có cơ hội để đi câu. Họ rất ít khi đi săn, vì xứ họ ít có rừng để chơi trò săn bắn.” Sau đó ông đề cập tới việc người Bắc Kỳ ăn Tết dưới một tiểu đoạn nhan đề là “Ngày Tết” như dưới đây: “Thú tiêu khiển chính yếu của họ là ngày lễ Tết, thường xảy đến vào ngày 25 tháng Giêng, và được ăn mừng TRONG THỜI GIAN BA MƯƠI NGÀY. Đó là thời gian mà mọi thú vui đều na ná giống nhau, ở nơi công cộng cũng như trong các gia đình. Người ta dựng lên các rạp hát nhỏ ở các góc phố. Tiếng nhạc nhã nổi lên ở khắp mọi nơi. Ai nấy đều ăn uống và chơi bời bê tha tới bến. Dù nghèo đến đâu đi nữa, không có một người Bắc Kỳ nào lại không bày trò thiết đãi bạn bè, dù có bị rơi vào hoàn cảnh phải đi khất cái trong suốt năm. Theo tục lệ, người ta kiêng không đi ra khỏi nhà vào ngày đầu năm, ngoài ra còn phải cửa đóng then cài, vì sợ có thể gặp điều gì sẽ mang lại sự xui xẻo trong cả năm. Vào ngày mùng hai, mọi người đi thăm viếng chúc Tết bạn bè, cũng như đi chúc Tết những người Bề Trên. Có một số người lại coi là năm mới bắt đầu từ ngày 25 tháng Chạp (tuần trăng cuối cùng) khi chiếc QUỐC ẤN được bỏ vào trong một cái hộp trong một tháng tròn - thời gian mà mọi hành động của Luật Pháp đều được đình chỉ, các tòa án đều đóng cửa, các con nợ không thể bị bắt giữ, các khinh tội như cãi cọ, ẩu đả, ăn cắp vặt đều không bị trừng phạt, và ngay cả việc trừng phạt các trọng tội cũng được tạm hoãn lại, tuy nhiên người ta vẫn cẩn thận bắt giữ các thủ phạm và đem giam chúng lại. Nhưng năm mới thực sự bắt đầu vào ngày 25 tháng Giêng và được ăn mừng trong một tháng tròn, giống như cung cách ở nước Tàu… (Theo một trích đoạn từ cuốn “Mô Tả Xứ Bắc Kỳ” của Samuel BARON xuất bản năm 1685) Trích Hồi Ký 60 năm chơi sách, chương VI Vũ Anh Tuấn |