(LE TONG-KIN) CỦA TÁC GIẢ EDOUART PETIT,
TIẾN SĨ VĂN KHOA GIÁO SƯ TRƯỜNG TRUNG HỌC JANSON DE SAILLY XUẤT BẢN Ở PARIS NĂM 1887 Tôi gặp cuốn sách này lần đầu tiên ở nhà cụ Giáo Vũ Xuân Thuật, một người chơi sách ở Tân Định. Tôi thấy hình ảnh trong sách đẹp quá, nên hỏi cụ xin cụ để lại cho, nhưng cụ từ chối và nói đó là một kỷ niệm của một người bạn Pháp của cụ đã tặng cụ. Thấy cụ nói vậy, tôi đành chịu thua ra về, để rồi, để rồi đúng 2 năm trời sau, vào năm 1975, khoảng hai tháng trước ngày giải phóng, cụ lại tìm tôi và nhờ tôi “làm bất cứ cách nào” và mua hộ “bằng bất cứ giá nào” một cuốn sách của tác giả Lê Hoằng Mưu nhan đề là “Hà Hương Phong Nguyệt” vì cụ cần có nó cho một người ân nhân của cụ là một bà giáo sư sống ở Pháp. Thật là may mắn, tôi lại có cuốn đó tuy bị thiếu mất mấy trang cuối. Tôi liền thưa với cụ là tôi cũng không muốn bán mà chỉ muốn đổi, và rồi không hiểu vì lý do gì, cụ đã chấp thuận đổi cho tôi lấy cuốn Tong-kin mà tôi yêu thích này… Cuốn sách này dày khoảng 240 khổ 18x28cm và được chia ra làm 2 Phần. Phần I gồm 150 trang được chia ra làm một Lời Nói Đầu và XIII chương và Phần II, từ trang 151 tới cuối sách được chia làm IX chương và một Đoạn Kết. Đây là một cuốn sách có thể gọi là một cuốn sách lịch sử về việc Pháp chiếm Bắc Kỳ, tuy không đi vào chi tiết nhưng sách này nhắc tới tất cả các trận đánh chiếm từ lúc quân Pháp đặt chân tới Bắc Kỳ cho tới khi chiếm được Bắc Kỳ và bắt đầu tổ chức việc cai trị vào năm 1886. Chương I cho người đọc một cái nhìn tổng quát về Đông Dương và về Bắc Kỳ, cũng như cho biết những tiếp xúc đầu tiên của người Pháp với Bắc Kỳ. Chương II nói về cuộc thám hiểm của Francis Garnier trên Sông Hồng – Garnier đã gặp Dupuis (Đồ Phổ Nghĩa) và khuyên tên này hướng các tìm tòi về phía Bắc Kỳ. Chương III nói về Đồ Phổ Nghĩa và Sông Hồng Hà. Chương IV nói về cuộc viễn chinh đầu tiên ở Bắc Kỳ, việc chiếm thành Hà Nội và cái chết của Garnier năm 1873. Chương V nói về Phái Bộ Philastre – Các hiệp ước ký năm 1874 – Các cuộc tàn sát ở Bắc Kỳ và các cuộc thám hiểm của các tên Tây thực dân Kergaradec và Fuchs. Chương VI nói về cuộc viễn chinh do Rivière cầm đầu trong hai năm 1882-1883, và việc chiếm các đồn lũy ở Hà Nội, việc chiếm Hải Phòng, và cái chết của Henri Rivière ngày 19 tháng Năm, 1883. Chương VII nói về việc tướng Bouet chiếm Hải Dương và Đô Đốc Courbet chiếm Huế và về Hiệp Ước ký năm 1883. Chương VIII nói về việc Đô Đốc Courbet một mình điều hành tất cả mọi chiến dịch ở Bắc Kỳ và việc chiếm thành Sơn Tây vào tháng 12 năm 1883. Chương IX nói về ba tướng Pháp Millot, Brière de l’Isle và Négrier, cũng như về việc chiếm thành Bắc Ninh hồi tháng Ba năm 1884 và việc chiếm Hưng Hóa vào tháng Tư cùng năm. Chương X nói về Hiệp Ước Fournier, Hiệp Ước Thiên Tân đầu tiên, việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Trung Hoa, và về cái chết của Courbet ngày 10 tháng 6, 1885. Chương XI nói về tướng Brière de l’Isle, về trận chiến ở Kép và Chữ, về việc tiến đánh và chiếm Lạng Sơn ngày 13-2-1885. Chương XII nói về việc Pháp làm hòa lại với Trung Hoa và Hiệp Ước Thiên Tân thứ nhì (9-6-1885). Chương XIII nói về việc Tướng De Courcy lên làm tổng chỉ huy quân Pháp – về phái bộ Paul Bert, và về việc tổ chức thành lập xứ Bắc Kỳ năm 1886. Phần II của sách nói về xứ Bắc Kỳ và người dân Bắc Kỳ. Phần này nói tới đủ mọi lãnh vực, chính trị, kinh tế, văn hóa, phong tục và hành chánh. Cuốn sách này có thể được coi như một tài liệu khá tốt cho các nhà nghiên cứu về lịch sử. Xin chia sẻ với các bạn đọc một số hình ảnh vẽ bằng bút sắt mà chúng tôi cho đi kèm với bài này. Trích Hồi Ký 60 năm chơi sách, chương VI Vũ Anh Tuấn
|