(INDO-CHINE FRANÇAISE) CỦA PAUL DOUMER – MỘT TRONG NHỮNG CUỐN SÁCH GIÁ TRỊ NHẤT VỀ ĐÔNG DƯƠNG Trong đời chơi sách của tôi, tôi đã có được cuốn sách này 2 lần, nhưng rồi tôi đã lại nhường cho 2 người bạn vì tôi cần tiền mua mấy cuốn khác mà tôi đặc biệt ưa thích, hơn nữa, vì là kẻ cả đời chỉ biết có “chính Em” nên tôi cũng không mấy tha thiết với sách ít nhiều có liên quan tới chính trị. Tuy nhiên gần đây một số bạn bè có cho tôi biết là họ thích được biết những cuốn sách mà họ cho là có giá trị hàng đầu về Đông Dương, nên để chiều lòng các bạn đó, hôm nay tôi xin giới thiệu về cuốn này vì nó thật sự là một cuốn sách có giá trị về Đông Dương. Trước khi nói về sách, xin có vài dòng về tác giả cuốn sách, vì thực ra, nhân thân tác giả đã là một bảo đảm rất quan trọng cho giá trị của cuốn sách. Tác giả Paul Doumer là một chính khách Pháp sinh ở Aurillac năm 1857 và mất tại Paris năm 1932. Từ 1888 tới 1895, ông là một Nghị sĩ Cấp tiến, trong các năm 1895, 1896, và 1921-1922, ông làm Tổng Trưởng Tài Chánh, và từ năm 1897-1902, ông sang làm Toàn Quyền Đông Dương (tên ông được dùng để đặt cho cây cầu Long Biên thời đó), rồi sau khi trở về Pháp từ năm 1927-1931 ông làm Chủ Tịch Thượng Viện Pháp; cũng trong năm 1931 ông được bầu làm Tổng Thống của nền Đệ Tam Cộng Hòa, nhưng rồi một năm sau, vào năm 1932 ông bị ám sát bởi một người Nga tên là Gorgulow và qua đời luôn. Cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên năm 1903, khổ khoảng 22x32cm và dày khoảng 420 trang. Đây là những hồi ức của ông khi làm Toàn Quyền ở Đông Dương vì ngay ở dưới tựa sách ông có ghi chữ “Hồi ức” (Souvenirs). Sách có rất nhiều minh họa với những đề tài thuộc cả 3 Kỳ (Bắc, Trung, Nam) và những minh họa này đều được vẽ bằng bút sắt cực đẹp. Còn cái bìa thì phải nói là tuyệt vời, in màu xanh lá cây đậm, in nổi với những hình vẽ tuyệt vời và chữ thì mạ vàng tuyệt đẹp. Đây là những hồi ức của một người đã từng cai quản cả Đông Dương và đã từng giữ một chức vụ quan trọng như Bộ Trưởng Tài Chính nên người đọc có cơ sở để tin rằng ông không viết bậy bạ như một số những anh tác giả thuộc địa khác, đầy sự tự tôn, khinh khi, miệt thị người bản xứ vì họ là những kẻ bị trị. Mà thật vậy cuốn sách của tác giả này viết rất nghiêm túc, tuy không hoàn toàn vô tư. Ngoài Lời Nói Đầu chiếm 4 trang, sách được chia ra làm VII chương: Chương I (9-34): Nói về chuyến đi của ông từ Paris tới Saigon. Chương II (38-51): Nói về cái nhìn tổng quát của ông về Đông Dương. Trong chương này Paul Doumer có nói về các miền đất và dân cư, có nhắc lại một số sự kiện liên quan tới việc Pháp chinh phục Đông Dương… Chương III (55-95): Nói về Nam kỳ. Trong chương này Doumer có nói tới đất đai và khí hậu ở Nam kỳ. Có nói tới các tỉnh Miền Tây. Đặc biệt ở chương này Doumer có nói tới một người mà ông gọi là “Một đầy tớ của nước Pháp”, và người này chính là Trần Bá Lộc. Sau đó ông nói tới tổ chức Chính trị, Bộ binh và Hải Quan ở Saigon Chợ Lớn. Chương IV (98-156): Nói về Bắc kỳ. Ông kể việc ông đi từ Saigon ra Bắc, tới thăm Vịnh Hạ Long. Kế đó ông nói về bốn mùa và giông bão, và nói về hai thành phố Hải Phòng và Hà Nội. Rồi ông nói về Đồng bằng Sông Hồng và cuối cùng thì nói qua về việc thiết lập chế độ Bảo Hộ. Chương V (167-211): Nói về Trung kỳ. Trong chương này ông có nói tới các quan Nhiếp Chính, nhà vua và triều đình Huế, nói về Huế và Tourane (Đà Nẵng) và cuối cùng thì nhắc tới một số tỉnh ở Miền Trung. Chương VI (237-291): Nói về Miên và Lào. Chương VII (310-408): Ông nói về sự phát triển ở Đông Dương. Ông có nhắc tới tình trạng tài chánh, tới phát triển kinh tế, và cũng có nói qua về việc phòng thủ Đông Dương, và sau cùng thì ông nhắc tới sự hiện diện của người Pháp ở Viễn Đông. Các trang ở giữa các chương là những trang chứa đầy hình ảnh và hình vẽ minh họa về đủ mọi lãnh vực. Đây là một cuốn sách viết rất nghiêm túc và tử tế. Tuy về mặt tài liệu lịch sử, kinh tế, chính trị, xã hội thì nó không phong phú lắm, nhưng về mặt trình bày và hình ảnh thì đây là một trong những cuốn đẹp nhất, giá trị nhất, nhất là những hình vẽ rất đẹp cho thấy được hình ảnh của nhiều địa điểm lịch sử vào thời điểm đó trông ra sao, so với bây giờ thì chúng đổi thay thế nào vv… Trích Hồi Ký 60 năm chơi sách Chương VI Vũ Anh Tuấn
|