(L’ILLUSTRATION) VỀ CUỘC TRIỂN LÃM QUỐC TẾ Ở PARIS NĂM 1937 Trong cuộc đời đọc sách của tôi, nhà văn Pháp mà tôi yêu thích nhất là Cụ Victor Hugo, tác giả bộ “Những kẻ khốn cùng” mà tôi đã được đọc trong những ngày đầu đời. Sau này khi đã trọng tuổi, tôi lại thấy thích Cụ hơn nữa vì Cụ là người đã sống rất thực với chính Cụ và ở tuổi bát tuần vẫn còn bay bướm như thường lệ. Cách đây ba tuần, vào dịp Noel, tôi bỏ một buổi sáng đi dạo quanh các tiệm sách cũ, và khi tới một tiệm sách cũ trên đường Nguyễn Thái Sơn, Gò Vấp, tôi đã gặp được một cuốn sách lạ. Thấy cuốn sách, mắt tôi sáng lên và tôi tự nói đùa: “Đây! Quà của Cụ Victor Hugo gửi cho mi đây!” Thấy hai mắt tôi sáng rực, anh chủ tiệm sách bèn lấy cớ rằng đó là một cuốn sách của một người chơi sách gửi và “phán” một giá làm tôi đau nhói. Tôi nói thế nào anh bạn cũng không nhượng bộ và nói “Đây là của ông X ông ấy gửi, không phải của em, anh xem lấy được thì lấy chứ em không có quyền bớt”. Tôi đành “nhắm mắt đưa… tiền” và rước cuốn sách về. Thực ra vì mình nghèo nên cuốn sách mắc, chứ giá trị chơi sách cổ nhiều minh họa của nó ở nước ngoài thì nhiều hơn là số tiền tôi bỏ ra nhiều. Đây chính là cuốn Album đặc biệt của Báo Ảnh Pháp (L’Illustration) xuất bản năm 1937 trình bày thật đầy đủ bằng toàn hình ảnh cực đẹp, nhiều tấm là hình vẽ của các danh họa có mầu, về cuộc Triển Lãm Quốc Tế năm 1937 tại Paris. Cuốn Báo này, phải gọi là Báo vì nó là một số đặc biệt của tờ báo nổi tiếng này của Pháp, khổ 30cm x 40cm và dày khoảng 250 trang, chứa đầy hình ảnh và hình vẽ về đủ mọi gian hàng của đủ mọi quốc gia trên thế giới đã tới tham dự. Ở ngay đầu cuốn sách là chân dung 26 nhân vật trong đó có các ông Bộ Trưởng và Thứ Trưởng Bộ Thương Mại và 24 quan chức khác là những người chủ trương tổ chức cuộc Triển Lãm Quốc Tế này. Sau trang hình ảnh đó là các trang khác đầy hình ảnh, vừa hình chụp, vừa hình vẽ, nhưng hình vẽ chiếm đa số, vì những minh họa thời đó cực kỳ đẹp và thường được thực hiện bởi các nhà minh họa danh tiếng. Mỗi quốc gia tham dự đều có một gian hàng riêng và đều được dành cho một bài giới thiệu các đặc điểm, các phong cách, các điểm đáng mọi người chú ý về lịch sử, phong tục, văn hóa vv… Tôi để ý tìm rất lâu mới thấy một đoạn ngắn nói về Việt Nam mình, lúc đó chưa được người Pháp coi trọng vì để mình trong số ba quốc gia mà họ gọi là những Quốc Gia Liên Kết (Les Etats Associés) tức là Việt, Miên và Lào. Ba quốc gia này có chung một gian hàng (xin xem hình minh họa do một họa sĩ vẽ) và trong gian hàng đó họ có minh họa một vài hoạt động của người Việt mình (xin xem minh họa số 2), đồng thời cuốn Album cho biết trong gian hàng đó cũng có một số hình ảnh phố xá ở Hà Nội và ở Saigon, và chỉ vỏn vẹn có thế. Tôi hơi buồn, nhưng rồi lại được khuây khỏa ngay khi được xem những hình ảnh (có trên 500 hình vừa chụp vừa vẽ) cực kỳ đẹp và hoành tráng, và tôi cảm thấy là thời đó, nghĩa là vào năm 1937, hai năm sau khi tôi ra đời, có lẽ người Pháp làm hay hơn bây giờ nhiều, vì mấy chục năm gần đây tôi chẳng thấy Pháp có gì ghê gớm cả. Tôi cũng đặc biệt chú ý tới một địa điểm được gọi là Bảo Tàng Văn Học, trong đó họ dành riêng một vách tường lớn để trưng bày tất cả mọi chi tiết về văn nghiệp của H. de Balzac tác giả bộ “Tấn Tuồng Đời”. Ôi thực là xứng đáng quá vì ít ai trên đời này sống được có 51 năm mà để lại một số lượng tác phẩm vĩ đại như Balzac! (Xin xem hình 3). Được biết tờ báo Ảnh (L’Illustration) này ra đời từ thế kỷ 19 vào ngày 4-3-1843 là ngày số đầu tiên được trình làng. Chủ biên là một người tên là J. B. Paulin và được tổng cộng 5293 số khi đình bản vào năm 1944, và được in mỗi kỳ hàng 100.000 số. Số được in ra nhiều nhất là một số nói về cái chết của Thống Chế Foch được in ra năm 1929 với số lượng là 600.000 ấn bản. Giờ đây ai mà giữ được đủ 5293 số thì quả là một gia tài đồ sộ, vô giá… (Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, Chương VI) Vũ Anh Tuấn |