52 SỐ LIÊN TỤC XUẤT BẢN VÀO THẬP NIÊN 30 CỦA THẾ KỶ TRƯỚC Cách đây mấy năm tôi may mắn mua được ở đường Trần Hưng Đạo một bộ báo đã được xuất bản trong thập niên 30 của thế kỷ trước. Bộ báo tạm gọi là cổ này do nhà Mai Lĩnh xuất bản vào năm 1938 mang tên là KHOA HỌC HUYỀN BÍ và đánh số từ số 1 tới số 52, nhưng ngay ở trên đầu trang đầu tiên, bộ báo này còn có một tên khác là “TIỂU-THUYẾT NHẬT-BÁO Năm thứ nhất – Số 146 – ngày 25-10-1938”, để rồi ngay số tiếp theo lại cũng để “TIỂU-THUYẾT NHẬT-BÁO” nhưng lại là số 150 thay vì 147 ngày 2-11-1938. May cho tôi có lẽ vì thấy hai số ở liền nhau mà lại cách nhau tới 4 số (146-150), nên người bán đã tính tôi một giá rất dễ chịu, vì có thể là ông ta cho rằng bộ báo nhảy quãng không liên tục. Nhưng khi về đến nhà, tôi kiểm tra lại kỹ thì mới thấy là cái tên “KHOA-HỌC HUYỀN-BÍ” mới là tên thật của 52 số báo này vì, nếu tính theo “KHOA-HỌC HUYỀN-BÍ” thì 52 số này là liên tục không thiếu số nào cả, và như vậy là tôi đã có được trọn bộ truyện về Cụ Trạng-Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhan đề là Tiếng-Sấm Bạch-Vân của tác giả Vantuyen, vì bộ truyện này được đăng từ số 1 tới số 52 là hết. Ngoài ra, cũng trong 52 số báo này tôi còn có được một tác phẩm khác nhan đề là “Bùa Yêu”. Đây là một thiên phóng sự khảo cứu của một tác giả tên là Trần Lang. Và tác phẩm thứ ba tôi có được cũng trong 52 số báo này (tức là trong 52 kỳ) là tác phẩm nhan đề là “SỐ TỬ VI” – Cách dản (giản) tiện học lấy – của một tác giả tên là Liên Hoa Tử. Tác phẩm cuối cùng tôi có cũng nhờ bộ báo này là “Cách học thôi miên dễ dàng trong ba tháng” của một người ký tên tắt là giáo sư P.C. Ngoài 4 tác phẩm nói trên, bộ báo cũng cho tôi một số đề tài và bài hấp dẫn khác như Xem Chữ K ý, Gồng, Ngải Tượng vv… Mặc dầu khá bận rộn trong mấy năm gần đây (tuy tôi được hoàn toàn tự do, vì chỉ tự làm việc cho chính mình) tôi cũng đã để ra một số giờ để đọc 4 tác phẩm tôi vừa nói ở trên và dưới đây là những cảm tưởng của tôi về 4 tác phẩm đó. Về bộ “Tiếng-Sấm Bạch-Vân” hay là đời Cụ Trạng-Trình viết theo dã-sử của tác giả Vantuyen (tác giả tự viết tên mình hai chữ dính vào nhau vì anh ta là một người Pháp lai Việt, làm cho Đài phát thanh Pháp-Á ở Sàigon), thì tôi thấy là hơi “bị” tầm thường, mặc dầu khá lôi cuốn hấp dẫn. Tầm thường là vì tựa đề ghi là “Đời Cụ Trạng-Trình chép theo dã-sử”, nhưng từ đầu tới cuối truyện Cụ Trạng-Trình được nói tới rất ít, chỉ kể qua là Cụ là con một văn nhân không may bị hãm hại chết, và khi chết thì người vợ rất trẻ đẹp mới mang thai có hai tháng. Khi sinh Cụ ra người mẹ gặp nhiều oan khiên đã gửi Cụ cho một người thầy địa lý người Tàu nuôi làm con nuôi và tự vận chết để bảo toàn danh tiết và để tự minh oan. Sau đó Cụ được người thầy địa lý đó gửi cho một đồng chí của mình là một vị sư già võ nghệ cao cường nuôi và dạy võ cho tới khi thành một thanh niên, thì được vị sư già đó cho tới học Cụ Cử Lương Đắc Bằng. Sau đó vị sư già và ông thày địa lý người Tàu là những người hội viên một hội kín bị truy nã phải lên đường bôn tẩu, nên họ đành phải bắt Cụ rời bỏ ngôi trường của Cụ Lương Đắc Bằng để đi theo họ. Trước lúc thầy trò chia tay, Cụ Lương Đắc Bằng đã cho chàng thanh niên Nguyễn Bỉnh Khiêm, sau này là Cụ Trạng-Trình một bộ “Thái Ất Thần Kinh” và tác giả hàm ý là, nhờ món quà đó, nhờ bộ Thái Ất Thần Kinh đó mà chàng thanh niên Nguyễn Bỉnh Khiêm, sau khi nghiên cứu, đã trở thành Cụ Trạng-Trình nổi tiếng của chúng ta. Bộ truyện viết khá hấp dẫn vì thuộc dạng kiếm hiệp tiểu thuyết, vì tác giả Vantuyen này chính là tác giả các bộ truyện kiếm hiệp nổi tiếng Giang Đông Tam hiệp, Chu Long Kiếm và Lục Kiếm Đồng của thời đó. Tác phẩm nhan đề là “Bùa Yêu” của Trần Lang cũng khá hấp dẫn và tác giả Trần Lang đã viết những dòng sau đây ở ngay đầu truyện: “Một viên Chánh-Tổng kiêm thầy pháp thủy (phù thủy). Tại sao cô T… con một vị hưu quan ở Phố Hàng Bè lại trốn theo… thằng Xe”. Hai tác phẩm còn lại là “Số Tử Vi tự học” và “Học Thôi Miên trong ba tháng” cũng rất hay và theo chỗ tôi biết, rất nhiều người yêu thích hai bộ sách này và không ít người đã đem chúng ra học tập và áp dụng, tuy nhiên họ thành công được bao nhiêu thì tôi không được biết. Tóm lại là bộ báo “Khoa Học Huyền Bí” mà tôi có được của thời thập niên 30 thuộc thế kỷ trước đang là niềm mong ước của rất nhiều người thích báo cổ, và đối với quý anh bán sách cũ thì nó cũng là một bộ báo rất “có giá”. Tuy nhiên, sau khi đã đọc lướt qua thì tôi thấy nó cũng chỉ ở mức “thường thường bậc trung” mà thôi… Trích hồi ký 60 năm chơi sách, Chương VI Vũ Anh Tuấn |