CỦA G. COULET XUẤT BẢN NĂM 1927 Cuốn sách này là một món quà mà một bà bạn rất thân của tôi đã tặng cho tôi. Bà mang đến cho tôi và kể: “Anh biết không, chiều hôm qua em đang đi trên đường Lê Lợi ở khúc gần Givral, em bỗng gặp một cháu gái nhỏ mời em mua vé số. Nhìn đứa bé gầy gò ốm yếu chỉ mới khoảng 8, 9 tuổi, em thấy thương quá nên mua cho cháu 5 vé. Đến khi lấy tiền trả mới biết là chẳng có đồng tiền lẻ nào ngoài hai tờ giấy 500.000. Đứa bé làm gì có tiền mà thối và em đành phải tìm cách đổi, nhưng đổi cho ai bây giờ? Thế là em chợt thấy mấy cái kệ bán sách photocopy nên đã mua cho anh cuốn này. Về nhà em đọc qua và thấy là nó rất hay nên đem cho anh. Cầm cuốn sách tôi cám ơn bà nhưng cũng nói: “Cám ơn em đã cho thì anh xin nhưng em biết không anh chúa là ghét chính-Chị, mà Hội kín là chính-Chị chứ còn gì nữa, em dư biết anh chỉ thích có chính-Em thôi mà; cô Em thơm phức trong khi cô Chị hơi bị ít thơm!”, “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” bà bạn tôi nói, “nhưng mà chịu khó bỏ chút thì giờ mà đọc đi, hay không thua gì truyện trinh thám đâu, thôi em về đây!”. Tuân lời bà tôi đã để chút thì giờ lướt qua và thấy quả như lời bà ta nói, nên hôm nay xin giới thiệu với quý bạn. Cuốn “Các Hội Kín trên đất Annam” (Les Sociétés Secrètes en Terre d’Annam) của tác giả G. Coulet dày 452 trang, đã được xuất bản vào năm 1927 và gồm có Lời nói đầu, Phần I, Phần II, Phần III và Phần Kết luận. Lời nói đầu từ trang 3-24 có nói tới các truyện rất hay như: Những cuộc phiến loạn ở Huế (1885-1895), Vụ Hà Thành đầu độc (1908), Vụ Gillbert Chiểu ở Nam Kỳ (1908), Những hoạt động cuối cùng của Đề Thám (1908-1913), Những hoạt động khủng bố trong năm 1913, các hoạt động bí mật của các Hội kín trong hai năm 1914 và 1915, các biến động ở Nam kỳ (1916) và việc vua Duy Tân trẻ tuổi bỏ trốn đi vào tháng 5 năm 1916. Các sự việc đã nêu trên đều được mô tả khá chi tiết trong cuốn sách này trong khi chúng rất ít được nói đến trong các sách sử, hoặc có được nhắc đến thì cũng với rất ít chi tiết. Phần I từ trang 25-96 mang tựa đề là “Vai trò của ma thuật trong các Hội Kín Annam” và được chia làm 4 Chương. Chương I, từ trang 26-48 dành để nói về vai trò và sự hiện diện rất cần thiết của các thầy phù thủy trong các Hội Kín. Chương II, từ trang 49-73 dành để nói về đủ các loại bùa, loại để uống, để mang trên người, để ở trong nhà vv… Chương III, từ trang 74-85 nói về các bùa phép để chống đạn, chống bị thương tổn và các cử chỉ ra hiệu, ra dấu bí mật khi liên lạc với nhau. Chương IV, từ trang 86-96 nói về các yếu tố thần bí đã mang lại những gì cho các Hội Kín. Và tới đây là hết Phần I. Phần II , từ trang 97-195 mang tựa đề là “Vai trò của tôn giáo trong các Hội Kín” cũng gồm có 4 Chương. Chương I, từ trang 98-118 nói về tôn giáo và Hội Kín, về các nghi lễ tôn giáo và nghi lễ gia nhập Hội, về việc tìm một thánh địa, về việc ăn thề vv… Chương II, từ trang 119-141 nói về các lễ nghi tinh thần, các lý tưởng và các chủ trương của các Hội Kín. Chương III, từ trang 142-191 nói về các nhà sư và chùa chiền của họ, các nhà sư và những tín điển ma thuật, và các nhà sư và nhiều vai trò khác nhau trong Hội Kín. Chương IV, từ trang 192-195 nói về những gì mà các yếu tố tôn giáo mang lại cho Hội Kín. Tới đây là hết Phần II. Phần III , từ trang 196-367 mang tựa đề là Vai trò của các phàm nhân trong các Hội Kín cũng gồm có 4 Chương. Chương I, từ trang 197-298 nói về vấn đề làm sao mà từ một Hội Kín, cái Hội Kín đó lại có thể gần như trở thành một Hội của những người thường với các hoạt động và cách thức điều hành thông thường. Chương II, từ trang 299-313 nói về Văn chương cách mạng trong Hội Kín, các bài viết về Luân lý, về sự phản động, về lòng ái quốc, và các bài viết chống thực dân Pháp. Chương III, từ trang 314-362 nói về hoạt động xã hội, các hoạt động nội bộ và ngoài xã hội, Hội Kín và cộng đồng người annam, Hội Kín làm chủ cả một vùng, và về tính trường cửu của các Hội Kín ở Annam. Chương IV, từ trang 353-367 nói về các yếu tố phàm tục mang lại những gì cho các Hội Kín, và tới đây là hết Phần III. Phấn Kết luận từ trang 371-387 gồm 2 Chương. Chương I, từ trang 371-379 dành nói về tại sao các yếu tố ma thuật, tôn giáo và phàm tục lại hòa hợp với nhau trong các Hội Kín. Chương II, từ trang 380-387 nói về việc thử định nghĩa Hội Kín ở Annam và về những nhận xét xuất phát từ định nghĩa đó. Giả thuyết về các phong trào quần chúng ở Annam và ở Trung Hoa. Nguồn gốc các tài liệu trang 391-395 Danh mục các sách tham khảo trang 396-405 Danh mục các địa danh nêu trong sách trang 406-427 Trích hồi ký 60 năm chơi sách, Chương VI Vũ Anh Tuấn
|