(LE DIABLE BOITEUX) CỦA ALAIN-RENÉ LESAGE ĐÃ ĐƯỢC IN NĂM 1757 Ở AMSTERDAM (HÒA LAN) Bộ sách 252 tuổi đời này được một người bạn gửi từ Pháp về cho tôi, và tôi đã phải đổi lấy một bức họa trị giá khoảng 300 Euros, vì tôi nghèo như ông Job, moi đâu ra Euros mà trả. Thôi thì đành phải “củ đậu nấu đậu”, muốn được thú chơi này thì phải hy sinh thú chơi nọ chứ biết làm sao bây giờ? Tuy nhiên tôi đã thực sự thích thú say mê khi được cầm trong tay và được sở hữu một cuốn sách ra đời từ đời Lê, dưới thời Cảnh Hưng ở nước ta và dưới triều Lộ Y thứ XV của Pháp, 32 năm trước Đại Cách Mạng Pháp. Tôi có đọc lướt qua và thấy rất hấp dẫn, và hấp dẫn nhất là bộ sách đã là tài sản chung của cả nhân loại, đã có từ rất lâu trước khi có cái Công Ước Berne (9-9, 1886) về bản quyền tác giả thuộc loại con cháu này, do đó, bây giờ nếu có vị nào muốn khai thác câu chuyện hấp dẫn này thì chỉ cần tìm đến tên đang giữ nó là được ngay! Bộ sách này gồm hai tập, tập I gồm 239 trang và tập II gồm 222 trang, khổ 10cm x 18cm, được in năm 1757 tại Amsterdam (Hòa Lan) và có tổng cộng 11 minh họa nguyên trang bằng bút sắt cực đẹp. Bộ sách này thực ra là một cuốn tiểu thuyết dân gian của một nhà văn Tây Ban Nha tên là Luis Vélez de Guevara (1579-1644) được in lần đầu tiên ở Madrid năm 1641, ba năm trước khi tác giả qua đời. Nội dung cuốn sách như sau đây: Chàng sinh viên Don Cléofas, sau một cuộc hẹn hò với một thiếu nữ tên là Tomasa đã gặp nhiều chuyện rắc rối nên phải bỏ trốn trên mái nhà một căn nhà ở Madrid, và buộc phải lẻn vào căn nhà này là nhà một nhà Chiêm tinh học. Tại đây, cậu ta tình cờ giải thoát được linh hồn của Con Quỷ Cà Nhắc bị nhốt trong một ống thủy tinh. Để trả ơn chàng sinh viên đã giải thoát mình, Con Quỷ Cà Nhắc (Không phải là Chúa Quỷ Satan, mà chỉ là một Chú Quỷ Con vì quậy quá nên bị hất từ trên trời xuống nên mới bị què chân) đã dùng pháp thuật lật tung tất cả nóc các căn nhà ở Madrid để cho chàng sinh viên được chứng kiến đủ mọi cảnh bi hài trong các căn phòng bị lột mái đó, khiến chàng sinh viên là một kẻ từ xưa đến nay chỉ thấy đời toàn màu hồng đã bị vỡ mộng rất nặng nề. Đây chỉ là một cuốn tiểu thuyết dân gian mà tác giả đã viết ra để ngạo đời và nội dung chính yếu chỉ là những cuộc phiêu lưu của chàng sinh viên và Con Quỷ Cà Nhắc ở nhiều thành thị ở Tây Ban Nha, và tác giả kể nhiều nhất về những điều thống khổ mà chàng sinh viên phải chịu đựng từ phía người tình dữ dằn Tomasa, đã đuổi theo để làm khổ chàng bằng cách cải trang biến mình thành một chiến binh truy sát kẻ địch. Nhà văn Pháp Alain-René Lesage đã mô phỏng cuốn tiểu thuyết dân gian này để viết ra bộ Con Quỷ Cà Nhắc này. Ông vẫn giữ nguyên tên nhân vật sinh viên là Don Cléofas nhưng đã đổi tên Chú Quỷ Con Cà Nhắc thành Asmodée trong tác phẩm của mình. Cũng như Cụ Nguyễn Du ở nước ta, nhà văn Pháp đã biến tác phẩm dân gian của nhà văn Tây Ban Nha thành một danh tác được cả thế giới biết tới. Ông vẫn giữ nguyên ý định chỉ trích các thói hư tật xấu của con người của tác giả Tây Ban Nha, nhưng ông cắt nhỏ bộ sách ra thành rất nhiều thứ chuyện rất vui, với lời thoại thật khôi hài, và nếu có nói về các tật xấu thì cũng nói một cách vui chứ không bi thảm. Tác phẩm Con Quỷ Cà Nhắc của Lesage được in lần đầu năm 1707, lần thứ hai năm 1726 (Bản này có rất nhiều chỗ bị bỏ đi và nhiều tình huống mới được thêm vào); bản mà tôi đang có trong tay được in lại lần thứ 3 vào năm 1757 (10 năm sau khi Lesage qua đời) và được coi là một ấn bản mới được chính tác giả sửa chữa và đưa minh họa vào trước ngày ông qua đời, tuy cuốn sách chỉ được in 10 năm sau ngày ông chết. Trên 466 trang sách Lesage đã kể rất nhiều chuyện hấp dẫn mà tôi xin trích dẫn ra dưới đây một số những câu chuyện đó, ví dụ như chuyện hai anh già láu cá và lưu manh cãi nhau khi chia chác với nhau số tiền mà chúng lừa bịp được của người khác trong ngày, chuyện một bà đã già mà còn chảnh, đến tối về nhà mới bỏ bộ tóc giả và bộ răng dổm trước khi đi ngủ, chuyện một anh nhà văn “đạo” đủ mọi thứ tài liệu của người để nhận làm của mình, chuyện một “con chủ nợ” cho vay nặng lãi nhưng sáng nào cũng phải đi lễ nhà thờ; một buổi sáng đến nhà thờ hắn chăm chú ngồi nghe vị linh mục giảng về việc cho vay nặng lãi là có tội, nhưng khi về đến nhà hắn lại vô tư tiếp tục cho vay nặng lãi hơn nữa, chuyện về những giấc mơ của đủ loại người, kẻ thì mơ thành giàu có, kẻ thì mơ được nhiều em mê, kẻ thì mơ được làm lớn có kẻ hầu người hạ, chuyện những người điên bị nhốt ở nhà thương điên, cũng như chuyện vô số các người điên khác rải rác ở các nơi, chuyện một nhà thơ chuyên viết các trường ca và anh hùng ca cãi nhau với một nhà thơ chuyên làm thơ hài hước vv… Bộ sách kết thúc bằng đám cưới của chàng sinh viên với con gái một nhà quý tộc được chú quỷ cà nhắc cứu thoát khỏi một trận hỏa hoạn. Tóm lại dưới các mái nhà và các mái phòng bị gỡ bỏ, người sinh viên đã được con quỷ cà nhắc cho thấy đủ mọi cảnh hỉ, nộ, ai, lạc của cuộc đời. Chuyện Con Quỷ Cà Nhắc của nhà văn Tây Ban Nha đã đi vào quên lãng, nhưng cuốn chuyện mô phỏng cùng tựa đề của Lesage đã thực sự được cả thế giới biết tới. Ở nước ta tác giả Lesage đã có lần được Cụ Nguyễn Văn Vĩnh dịch sang tiếng Việt nhưng là dịch tác phẩm Gil Blas De Santillane chứ không phải tác phẩm chúng ta đang nói tới đây. Chuyện này chưa được dịch, nếu còn thời gian, có thể người viết sẽ xin dịch ra tiếng Việt hầu quý vị. Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, Chương 6 Vũ Anh Tuấn |