(La littérature populaire Vietnamienne)
VIẾT BẰNG PHÁP VĂN CỦA CỤ DƯƠNG ĐÌNH KHUÊ
Tôi có cuốn sách này ở trong nhà đã cả chục năm nhưng tôi đã chỉ đọc lướt qua và không mấy chú tâm đến nó, cho đến một ngày mới đây… Một ngày mà một cơ duyên đã mang đến cho tôi một người bạn mà tôi vô cùng quý mến, và người bạn này rất hay nhắc tới những ca dao, tục ngữ, nên sự việc này đã là động lực khiến tôi lại dở cuốn này ra, và lần này dở rất kỹ, để thấy rằng cuốn sách rất hay chứ không phải là tầm thường. Tôi có được gặp tác giả 2 lần trước ngày Giải Phóng và được biết là Cụ hơn tôi gần 20 tuổi và là một viên chức cao cấp ở Sở Thuế Sài Gòn. Năm nay mà Cụ còn chắc cũng phải gần 100 tuổi. Để chuộc lỗi với sách, và để chia sẻ với các bạn, hôm nay tôi xin được phép giới thiệu một cách chi tiết cuốn sách này. Cuốn sách này được in năm 1967, tức là đã được 42 tuổi đời, khổ 16 x 24cm và dài 280 trang. Sách được chia thành 3 phần: Phần I gồm 4 chương Phần II gồm 4 chương Phần III có 3 chương. Sau lời nói đầu (11 trang), phần đầu mang tựa đề là “Những câu Tục ngữ” và là từ trang 1 tới trang 48. Qua 4 chương trong phần đầu này tác giả đã nghiên cứu, phân tích tất cả các khía cạnh như luân lý, tâm lý, lịch sử, địa dư, xã hội, kể cả thời tiết và kinh tế. Trong 4 chương đầu này tác giả đã sưu tầm và dịch ra Pháp văn nhiều câu tục ngữ rất ít người biết như: “Một câu nói ngay Bằng làm chay cả tháng” Và tác giả đã dịch ra Pháp văn 1 cách rất sát nghĩa, rất hợp: “Une parole franche Vaut tout un mois de prières.” Dưới đây là 1 câu tục ngữ rất có ít người biết và xử dụng: “Ăn bớt bát Nói bớt lời” “Tu ferais bien de manger un bol de riz en moins Et de dire une parole en moins.” Về mặt xã hội, tác giả đã đưa ra 1 câu rất ngắn gọn để mắng những tên đạo đức giả trên đời: “Miệng thơn thớt Dạ ớt ngầm” “Bouche doucereuse Mais coeur méchant comme macéré de piment” Phần II từ trang 49 đến trang 154 gồm 4 chương được dùng cho những câu ca dao liên quan đến các lãnh vực luân lý, tình cảm, giáo huấn và liên quan đến các lãnh vực đặc biệt như các câu đố, lời ru trẻ ngủ vv… Trong phần này tác giả đã đưa ra 1 câu ca dao rất hấp dẫn và dễ thương mà tôi ít đọc được ở trên sách báo, đó là câu: “Chữ rằng hổ tử lưu bì Làm người phải để danh gì hậu lai.” “Le tigre laisse sa peau à sa mort L’ homme doit laisser en mourant sa réputation.” Về mặt tình cảm tác giả đã sưu tầm được 1 bài rất hay nói về sự nhớ nhung: “Nhớ ai nhớ mãi thế này Nhớ đêm quên ngủ, nhó ngày quên ăn. Nhớ ai con mắt lim dim Chân đi thất thểu như chim tha mồi Nhớ ai ngơ ngẩn, ngẩn ngơ Nhớ ai ai nhớ, bây giờ nhớ ai. Nhớ ai bổi hổi bồi hồi Như đứng đống lửa như ngồi đống than Nhớ ai như nhớ thuốc lào Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên” Phần III từ trang 155 tới trang 232 gồm 3 chương được tác giả dành cho các Truyện cổ tích thuộc đủ mọi lĩnh vực như xã hội, lịch sử, tôn giáo, châm biếm vv… Ở lãnh vực châm biếm, tác giả có dịch 1 truyện nhan đề là Bài Thơ Con Cóc. Người viết nhớ là đã đọc qua truyện này 1, 2 lần nhưng dưới đây xin lược dịch lại truyện này được tác giả viết bằng tiếng Pháp như sau: BÀI THƠ CON CÓC. Có ba anh đồ nho hơi mát giây điện, tưởng là mình giỏi lắm, đã rủ nhau ra đình làng để làm thơ. Sau khi uống vài chén rượu, một anh kêu lên: - Các bạn ơi, tôi đang có cảm hứng đầy đầu! - Tôi cũng vậy! - Tôi cũng thế! - Vậy thì chúng ta hãy cùng nhau làm 1 bài thơ. - Nhưng với đề tài gì? - Kia kìa, có 1 con cóc nó đang nhẩy tới. Đây là 1 đề tài tuyệt vời. Tôi ứng tác trước nhé: Con cóc trong hang Con cóc nhẩy ra - Anh thứ hai làm tiếp ngay: Con cóc nhẩy ra Con cóc ngồi đấy - Và đến lượt anh thứ ba: Con cóc ngồi đấy Con cóc nhẩy đi. Trời ơi! Trời ơi! Hay tuyệt! Cả 3 anh cùng reo lên. Và cả 3 anh ồn ào ca tụng lẫn nhau. Bỗng nhiên một anh bật khóc. - Các bạn ơi, anh ta nói, chúng ta đã tận dụng hết cả thi tài để làm bài thơ tuyệt vời này, tôi sợ chúng ta chả còn sống được lâu nữa. Hi, hi, hi! - Hi, hi, hi! Huynh nói đúng rồi, hai anh kia nói, những thi thánh như chúng ta khó mà sống thọ. Than ôi, chúng ta sẽ chết yểu mất thôi! Một lời than sợ chết thứ tư bỗng nổi lên, đó là lời than của ông gác đình. Ngạc nhiên, ba thầy đồ của chúng ta bèn hỏi ông gác đình: “Là những thi thánh, chúng tôi mới có lý do để sợ chết yểu và khóc la. Nhưng ông, tại sao ông lại cũng khóc?” - Thưa quý thầy, sau khi được nghe bài thơ tuyệt vời của quý thầy, tôi sợ tôi cũng khó mà sống nổi, hi, hi, hi! Tóm lại đây là 1 cuốn sách sưu tầm tục ngữ ca dao 1 cách rất công phu và được viết bằng 1 thứ Pháp văn trong sáng, nghiêm cẩn, đã giới thiệu với độc giả người nước ngoài một số tục ngữ ca dao của người Việt chúng ta và người viết cho rằng Cụ Dương Đình Khuê đã có 1 đóng góp rất đáng kể trong việc giới thiệu Văn học Dân gian Việt Nam ra nước ngoài. Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách hay này với quý bạn độc giả. Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI Vũ Anh Tuấn
|