(Chronologie des Civilisations) của Jean Delorme
Sáng hôm mùng 10 Tết, anh C., một người bán sách cũ, cầm lại cho tôi cuốn sách này và nhờ tôi mua “mở hàng” cho anh. Nhìn cuốn sách bị mọt ăn lỗ chỗ, tôi đã có ý từ chối không mua, nhưng khi nhìn thấy tựa sách, tôi cảm thấy thinh thích, và đã bị hoàn toàn thuyết phục khi trông thấy chữ S to đùng, chữ ký của Cụ Vương Hồng Sển. Tôi bỗng thấy tội nghiệp cho cuốn sách, vì dù sao nó cũng l một đứa con tinh thần bị lưu lạc của Cụ Sển. Và tôi đã quyết định mua và bỏ ra ba ngày để lướt qua cuốn sách dày 448 trang. Qua 433 trang sách, người đọc có được 1 cái nhìn tổng quát về tất cả mọi nền văn minh của nhân loại từ thời Thượng Cổ cho tới năm 1948, vì cuốn sách được cho ra đời năm 1949. Tuy chỉ là tổng quát, không đi vào chi tiết nhưng cuốn sách cũng cho ta rất là nhiều chi tiết (chìa khóa) để có khởi điểm mà tìm tòi để được biết nhiều hơn qua sách vở. Về tác giả Jean Delorme, tuy ông không có tên trong văn học sử Pháp, nhưng nội việc ông xuất thân từ trường Cao Đẳng Sư Phạm của Pháp (Ecole Normale Supérieure) cũng đủ để ta yên tâm về cuốn sách. Bây giờ tôi xin được giới thiệu cuốn sách với quý vị. Sách gồm 15 trang đầu đánh số La Mã từ I đến XV, trong đó có lời nói đầu và bảng tra các chữ tắt và 433 trang sách số thường từ 1 tới 433. ngoài 15 trang đầu đánh số La Mã, sách được chia làm 2 phần. Phần 1 : từ trang 1 tới trang 23 nói về tất cả các thời điểm đáng ghi nhớ trong lịch sử thế giới. Phần 2 : từ trang 24 đến trang 433 mang tựa đề là Các Bảng Niên Đại được Phân tích và được chia làm 5 thời kỳ. - Thời kỳ đầu tiên mang tựa đề là Thượng Cổ Sử được chia làm VI bảng niên đại. - Bảng I nói về các nền văn minh tiên khởi (3064 – 1580) - Bảng II nói về các Đế quốc ở Đông Phương (1580 – 479) - Bảng III nói về Cổ Hy Lạp (478 – 337) - Bảng IV nói về các chính thể quân chủ cổ Hy Lạp và cuộc chinh phục của La Mã (336 – 31 trước Thiên Chúa Giáng Sinh) - Bảng V nói về Nền Hòa Bình La Mã (từ năm 31 trước Thiên Chúa đến năm 192 sau Thiên Chúa Giáng Sinh) - Bảng VI nói về Thiên Chúa Giáo và những sắc dân man rợ (193 – 395) Đằng sau tất cả 6 bảng này đều có các ghi chú khá chi tiết. - Thời kỳ thứ II mang tựa đề là Những Thế Kỷ Tăm Tối gồm các Bảng niên đại từ số VII đến số X.. - Bảng số VII nói về Thành Byzance và Bọn Man Rợ: Hoàng đế Justinien (395-565) - Bảng số VIII nói về Hồi Giáo và sự phát sinh thế giới phong kiến (565-751) - Bảng IX nói về sự hưng vong của Đế quốc Carolingien (752-887) - Bảng X nói về Chủ nghĩa vô chính phủ thời phong kiến (888-1095) Ở sau mỗi bảng đều có phần ghi chú. - Thời kỳ thứ III mang tựa đề là Thời Trung cổ gồm có 5 bảng niên đại từ số XI tới số XV. - Bảng niên đại số XI nói về Âu Châu phục hưng và các Thập Tự Quân (1096-1204) - Bảng số XII nói về những cố gắng để đạt tới một thế giới hợp nhất (1205-1314) - Bảng số XIII nói về sự rung chuyển của thế giới phong kiến (1305-1380) - Bảng số XIV nói về các tranh chấp lớn ở Phương Tây và cuộc chinh phục của Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ (1381-1453) - Bảng số XV nói về Bình minh của những thời đại mới (1454-1492) Ở sau mỗi bảng đều có phần ghi chú. - Thời kỳ IV mang tựa đề là Lịch sử Cận đại gồm 6 bảng từ bảng XVI tới bảng XXI. - Bảng XVI nói về thời Phục Hưng và thời Cải Cách (1493-1559) - Bảng XVII nói về Cải cách và chống Cải Cách; Bá quyền của Tây Ban Nha (1560-1610) - Bảng XVIII nói về sự ra đời và quân bình của Châu Âu (1611-1661) - Bảng XIX nói về thời kỳ Cổ điển (1662-1715) - Bảng XX nói về Thế kỷ Ánh Sáng (1716-1763) - Bảng XXI nói về Chế độ Độc Tài được khai sáng (1764-1788) - Thời kỳ V mang tựa đề là Lịch sử Hiện đại gồm 5 bảng niên đại từ bảng số XXII tới số XXVI - Bảng số XXII nói về Cuộc Cách mạng và đế chế a/ Cuộc tranh đấu của chế độ cũ và cách mạng (1789-1799) b/ Nguyễn Phá Luân (1799-1815) - Bảng số XXIII nói về các Sự Trung Hưng (1815-1847) - Bảng số XXIV nói về Chủ nghĩa Tự do và các Quốc gia (1848-1870) - Bảng số XXV nói về sự quân bình của Châu Âu và chế độ thuộc địa lan tỏa (1871-1914) - Bảng số XXVI nói về Đệ Nhất và Đệ Nhị Thế Chiến a/ Đệ Nhất Thế Chiến 1914-1918 b/ Sự thất bại trong việc thiết lập hòa bình (1918-1939) c/ Những ngày đầu của Thời Đại nguyên tử (1939-1945) Và cuối cùng là phần Mục lục theo tự mẫu. Đây là 1 cuốn sách rất hấp dẫn nếu ta có thì giờ để “cưỡi ngựa xem hoa” qua suốt chiều dài lịch sử, và đây thực sự là 1 cuốn sách quý. Cụ Sển đáng được gọi là người chơi sách sành sỏi vì sách thì “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, chỉ cần vài trăm quyển sách quý cũng giá trị gấp bội cả ngàn, cả triệu cuốn sách loại vớ vẩn… Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, Chương VI Vũ Anh Tuấn
|