Contes d’ici et d’ailleurs của Pierre Faucon Một buổi chiều cách đây hai năm tôi bỗng nhận được 1 cú điện thoại của bà Vân, một người bạn sống ở Mỹ Tho, cho biết bà có một bà bạn muốn bán 1 tủ sách của người chồng để lại khi qua đời 5 năm trước. Bà Vân dặn tôi xuống ngay để bà dẫn sang giới thiệu cho mà mua. 9 giờ sáng hôm sau tôi đã có mặt ở Mỹ Tho và đã đi cùng bà bạn tôi sang nhà bà bạn của bà. Đây là 1 villa nhỏ nằm sâu ở trong 1 cái hẻm lớn cạnh chùa Vĩnh Tràng. Vừa giáp mặt bà Thuận, người có tủ sách bán, tôi đã rất vui khi thấy rằng, chưa biết có mua được gì quý giá hay không, nhưng chuyến đi đã rất thích thú vì bà chủ lô sách đẹp quá! Trong đời tôi, tôi đã gặp cả trăm người đàn bà đẹp, nhưng không ai đẹp bằng bà này mặc dầu bà đã lục thập lục cái xuân xanh. Nét mặt trái soan tuyệt vời, mũi dọc dừa (thứ thiệt) đẹp hơn mũi đầm, nụ cười đôn hậu, tiếng nói hiền hòa đầm ấm, thân hình mảnh mai, thiếu nữ chưa chắc đẹp bằng, đặc biệt nhất là mái tóc còn đen nhánh, không phải loại tóc nhuộm. Bà đưa ngay chúng tôi lên tầng lầu một, tới 1 căn phòng nhỏ 4 vách tường đều có các kệ sách, ước tính khoảng 2000 cuốn. Khi chưa mở cửa phòng, tôi hồi hộp quá vì thấy có quá nhiều sách, nhưng khi vào trong thì tôi hơi thất vọng vì phần lớn là sách luật cổ thời 1920, 1921 vì ông chủ sách đã quá cố là 1 vị luật sư. Sau gần 1 tiếng tìm kiếm, tôi chỉ lựa được có 11 cuốn vừa tiểu thuyết vừa sách lịch sử phần lớn bằng tiếng Pháp vì trong 11 cuốn chỉ lọt có cuốn Ngư Tiều vấn đáp y thuật là bằng tiếng Việt. Bà chủ tỏ ý tiếc là tôi đến từ xa mà không gặp được nhiều cuốn tôi cần và bà rất lịch sự xin lỗi và bảo tôi trả bà bao nhiêu cũng được. Tôi gửi bà 1 triệu đồng cho 11 cuốn và thế là cuốn sách rời chủ nhân rất đẹp của nó đi về với tôi. Đây là 1 cuốn truyện ngắn của 1 tác giả người Pháp tên là Pierre Faucon, 1 tác giả không nổi tiếng gì cho lắm, nhưng những truyện ngắn của ông viết thì khá hay và dễ thương. Phần lớn các truyện ngắn của ông viết về cuộc sống của các người Pháp thực dân ở miền quê Việt Nam bị Pháp đô hộ và các quan hệ của những người Pháp thực dân mà phần lớn là địa chủ với những người dân làng nơi họ có đất đai. Tôi rất thích cuốn này vì nó khổ 22x28cm và dày 180 trang. Đặc biệt là nó chỉ được in có 500 bản và có 50 bản đặc biệt đánh số từ 1 tới 50 và 450 bản đánh số từ 51 tới 500. Bản của tôi mang số 281 và được in trên loại giấy Bouffant Helio là 1 loại giấy dày và cực đẹp. Sách này được in năm 1950 (60 tuổi đời) và được chia làm 2 phần. Phần 1 từ trang đầu đến trang 114 mang tựa đề là: Truyện Núi Non, Thung Lũng và Đồng Bằng và gồm 8 chuyện ngắn như: Kho vàng của Già Minh – Khu Rừng Bất Hạnh – Một người thật đãng trí – Ván bài cuối cùng – Các chuyến đi săn của Ông Framboise – Tông và con chó của nó – Ông Quát tin ở thần thánh như thế nào? và Con Gà Trống của nhà Chùa. Phần 2 từ trang 115 tới trang 180 mang tựa đề là những truyện ngắn cho những ngày Chủ nhật và những ngày lễ, gồm ba truyện về lễ Giáng Sinh, ba chuyện cho ngày mùng 1 Tết Tây và 1 chuyện cho ngày lễ Phục Sinh. Các truyện ngắn này mang tựa đề: Chuyến đi của Ông Già Noel – Giấc mộng đẹp của bé Pierre – Hang đá của Linh mục Cougourdan – Vận may của Célestin Calamart – Viên ngọc – Kẻ mê cuộc đua Xe Đạp vòng quanh nước Pháp – Cái chết và sự Hồi sinh của ông Duval. Tất cả các truyện đều rất dí dỏm, dễ thương, không hề có 1 chữ nào xúc phạm người dân Việt và thời điểm là những năm 1920-1940. Về mặt chơi sách, đây cũng là 1 cuốn sách quý, về mặt tình cảm, nó gợi cho tôi 1 kỷ niệm đẹp là đã được gặp gỡ một người “hơi già mà quá đẹp” và thậm chí đẹp hơn cả thiếu nữ đang xuân… Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI Vũ Anh Tuấn |