CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA VÀ NAY
Buổi họp ngày 10-02-2007 này được đánh dấu bởi một cuộc trưng bày nhỏ các Số báo Xuân trước năm 1945 mà ta thường gọi là Thời Tiền Chiến, đồng thời còn có một tủ trưng bày những sách xuất bản trong thế kỷ thứ 19, là những sách đã thành TÀI SẢN CHUNG CỦA NHÂN LOẠI VÀ KHÔNG CÒN BẢN QUYỀN, nghĩa là mọi người mặc sức khai thác. Trong số các cuốn sách được trưng bày này có một cuốn đặc biệt lý thú là cuốn sách nhan đề là MƯỜI NGÀN LẺ HAI ĐÊM thay vì Một Ngàn Lẻ Một Đêm như ta thường biết. Các số báo Xuân tiền chiến trong đó có mấy số có những Bìa được minh họa bởi các họa sĩ trường Đông Dương như Nguyễn Gia Trí, NGYM (Người Yêu Mợ) tức Trần Quang Trân vv... đã được mọi người ngắm nghía thích thú. Bắt đầu buổi họp, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu qua về hai cuốn sách đã HẾT BẢN QUYỀN một cuốn in năm 1845 và một cuốn in vào đầu thế kỷ 20. Đó là một cuốn tiểu thuyết Pháp nhan đề là “Jean Paturot đi tìm một chỗ đứng trong xã hội” và một cuốn thứ hai cũng được viết bằng Pháp văn, nhưng lại do một người Việt Nam là cụ Nguyễn Phan Long, một nhà báo đã viết cuốn sách đó khi mới 27 tuổi, và sau này đã có thời làm Thủ tướng ở miền Nam, cuốn sách nhan đề là “Chuyện đời cô Huệ” (Le roman de mademoiselle Lys). Sách này được viết dưới dạng nhật ký kể về cuộc đời một cô tân thời ở Nam Kỳ, học trường các Soeurs chung với tây, đầm, nhưng khi ra trường vẫn giữ được nguyên vẹn truyền thống Á đông và chỉ theo tây cái gì hay mà thôi, tóm lại là cô vẫn giữ được “gốc” không để mất gốc một tí nào hết. Về tựa đề của cuốn sách này, người viết được biết trong một cuốn tự điển Văn Học nọ, có người đã dịch nó là “Cuốn tiểu thuyết của Cô Huệ”; dịch như thế là sai đơn sai kép vì khi nhắc tới một cuốn sách của một tác giả viết bằng Pháp văn thì phải để nguyên là “Le roman de mademoiselle Lys” chứ đâu có quyền dịch chữ Lys ra thành Huệ, và sai kép là vì “le roman” đâu có phải là cuốn tiểu thuyết, cô Huệ có viết cuốn tiểu thuyết nào đâu? Ông Nguyễn Phan Long viết đấy chứ! Tựa đề này chỉ có thể là “Chuyện đời cô Huệ” hoặc cải lương hơn một chút thì là “Đời cô Huệ” như là “Đời cô Lựu” ấy mà ... Sau phần giới thiệu hai cuốn sách đã hết bản quyền, các thành viên đã vui vẻ thảo luận, bàn cãi với nhau về một số vấn đề liên quan tới sách, rồi đã kết thúc cuộc họp bằng một bữa tiệc nho nhỏ Tất Niên rất vui, và đã ra về sau khi chúc nhau một mùa Xuân mới đầy vui tươi, tấn tài, tấn lộc và ... tăng lực. Vũ Thư Hữu
|