(Chants d’écolier en annamite)
Năm 1963 tôi làm việc trọn một năm ở Huế với một cơ quan ngoại quốc. Tôi ở trọ trong biệt thự của ông Hoàng Văn Đàn, một công chức làm việc ở Bệnh Viện Huế. Trong phòng trọ của tôi luôn luôn có một tủ sách nhỏ mà tôi cẩn thận đề tên là “Tủ Sách Của Người yêu Sách ” , y như là ở Saigon, ông cụ Sển để tủ sách của cụ là “Le coffret des bibliophiles” bằng tiếng Pháp. Tôi không ghét tiếng Pháp nhưng yêu tiếng mẹ đẻ hơn nên để tên Việt Nam. Tôi giữ ở trong tủ sách nhỏ đó tất cả NHỮNG CUỐN TÔI ĐẶC BIỆT ƯA THÍCH VÀ CẢM THẤY CẦN THAM KHẢO LUÔN. Một hôm, cô bạn gái thân của tôi là C.T.T.N. Minh Ngọc tới chơi và ngỏ ý muốn xin coi qua các cuốn sách trong tủ nhỏ đó. Tôi trả lời một cách rất galant là cô ta không phải “xin coi” mà được “mời coi”. Bạn tôi để gần một tiếng đồng hồ để xem rất kỹ những cuốn sách đó và cô rút ra một cuốn và bảo tôi: “Anh có quyển sách nói về các Salon Văn Nghệ của các bà de Rambouillet và de Scudéry này hay quá, anh có thể cho em mượn một thời gian để em lấy ra những đoạn em thích không?” Tôi cầm quyển sách và thấy rằng đó là cuốn sách của tác giả Roger Picard nói về các Salon Văn Nghệ trong thế kỷ 17 và 18, đã được xuất bản năm 1943. Tôi đưa lại cuốn sách cho nàng và nói: “Anh tặng em luôn đấy”. Cô ta cảm ơn và ra về với quyển sách. Ba tháng sau, tôi gần như đã quên hẳn cuốn sách tôi đã tặng, nhưng một hôm Minh Ngọc bỗng mang nó trở lại và nói: “Em đã lấy ra tất cả những gì em cần, anh đã rất tốt khi đem tặng nó cho em, nhưng em cảm thấy nó cần được ở với anh hơn là ở với em. Vả lại những gì em cần em đã có cả rồi. Anh hãy nhận lại nó đi”. Tôi nói: “Thôi thế cũng được, cảm ơn em”. Nhưng rồi Minh Ngọc lại đưa cho tôi thêm 1 cuốn sách mỏng khác và nói: “Đây là một cuốn sách in năm 1925 ở Huế của ông nội em để lại. Em xin tặng anh để cảm ơn lòng tốt của anh. Anh lấy đi, nó có công dụng đối với anh chứ em thì không cần”. Trên đây là lai lịch cuốn sách mà tôi muốn giới thiệu với các bạn ngày hôm nay. Sách này nhan đề là: “SÁCH DẠY HÁT TIẾNG NAM” có kèm theo tựa đề bằng tiếng Pháp là “Chants d’écoliers en annamite” của hai tác giả NGUYỄN TRUNG PHÁN và NGUYỄN TRUNG NGHỆ. Ô Phán là Thượng hạng Tú tài và là thày giáo ở trường Đông Hà, và ông Nghệ là Thị-giảng Học-sĩ, và là thày giáo ở trường Quốc Học. Sách được nhà in Tiếng Dân in ở Huế năm 1929. Các tác giả đã tự giới thiệu về cuốn sách của mình như sau đây: Sách này gồm những điệu thài, điệu lý, điệu hát, điệu ca, có điệu xưa, có điệu nay, điệu nào có bài hát theo điệu nấy. Dưới mỗi điệu hát có lời giải minh bạch; dưới mỗi bài hát lại có thích nghĩa rõ ràng, tùy điệu dễ, điệu khó mà chia ra làm 4 cấp: 1. Cấp thứ nhất có 7 điệu; 2. Cấp thứ nhì có 8 điệu; 3. Cấp thứ ba có 10 điệu; 4. Cấp thứ tư có 6 điệu; Hai tác giả cho biết là hát thì phải có ĐIỆU, có CUNG, có BẬC, có PHÁCH và cấp thứ nhất của sách giới thiệu các điệu hát như: 1. Thài Bát-dậc (Phách một) 2. Thài Bát-bông (Phách đôi) 3. Hát Tây (Phách một) 4. Lý Hoài-xuân (Phách một) 5. Lý Giang-nam (Phách một) 6. Lý Nam-xang (Phách một) 7. Hát Hồ quảng (Phách một) Cấp thứ nhì của sách giới thiệu các điệu hát như: 1. Hát Đăng-đàn-cung (Phách đôi) 2. Lý Tử vy (Phách ba) 3. Lý Huê tình (Phách một và phách tư) 4. Ca Hành-vân (Phách đôi) 5. Ca Kim-tiền (Phách một) 6. Ca Lưu-thủy (Phách một) 7. Ca Bình-bán hạ (Phách một) 8. Ca Tứ-đại-cảnh (Phách một). Cấp thứ ba giới thiệu các điệu hát như: 1. Ca Phẩm-tiết (Phách một) 2. Ca Nguyên-tiêu (Phách một) 3. Ca Hồ-quảng (Phách một) 4. Ca Liên-hườn (Phách một) 5. Ca Bình-bán (Phách một) 6. Ca Tây-mai (Phách một) 7. Ca Kim-tiền (Phách một) 8. Ca Xuân-phong (Phách đôi) 9. Ca Long-hổ (Phách đôi) 10. Ca Tẩu-mã (Phách tư). Và cuối cùng Cấp thứ tư giới thiệu các bài ca điệu hát như: 1. Ca Cổ-bản (Phách một) 2. Ca Phú-lục (Phách một) 3. Ca Long-ngâm (Phách một) 4. Ca Trù-nội (Phách đôi) 5. Ca Nam-ai (Phách ba) 6. Ca Nam-bình (Phách ba). Ngày hôm nay, khi viết bài này và cầm trong tay cuốn sách, người viết nhắm mắt lại và nhìn thấy hiện lên thật rõ ràng câu chuyện rất đẹp, rất đầy tình cảm đã xảy ra 44 năm về trước, và thấy rằng các bài ca điệu hát này tuy đã có thể bị rơi vào quên lãng, nhưng đối với các người làm công việc nghiên cứu thì chúng vẫn còn có ích nên viết bài này để giới thiệu nó. Trích hồi ký 60 năm chơi sách, Chương 6 Vũ Anh Tuấn
|